Chương 5

    
úc lái xe xuống con đường dốc gập ghềnh chạy thẳng đến chân núi, tìm thấy tấm bảng đề Orphanage Xuân Phương 2, tôi mới hết lo âu. Tôi đã mất cả một ngày hôm qua và cả sáng hôm nay để tìm cô nhi viện này. Me tôi chỉ cho biết bà xin Phương Thảo ở cô nhi viện Xuân Phương, một khu dân cư trù phú bên sông Lương giang. Không chần chờ gì hết, tôi mua vé xe trở lại Xuân Phương. Người lính gác ở bến xe hẻo lánh ngăn tôi lại:
- Ông có điên không? Vùng ấy bây giờ còn có ai đâu. Chỉ toàn rừng là rừng. Năm ngoái Đại hàn còn đóng bên Núi Đất, vài người lén mò về được. Nay thì họ rút đi rồi. Quốc gia cũng không mà Việt cộng cũng không.
Tôi thất vọng. Chợt nhìn cái dây chuyền vàng tây thật nhỏ đeo hình thập tự giá nơi cổ người lính, tôi hỏi cầu may:
- Thế anh có biết cô nhi viện dời đi đâu không?
Người lính đăm chiêu một cách khó khăn để cố đào lại trí nhớ. Anh chỉ gặp được những đất cằn và sỏi đá quên lãng. Anh ta gọi người bạn đang ngồi nghe tân nhạc trong cái ra đi ô ấp chiến lược:
- Ê, cô nhi viện mấy dì phước dời đi đâu mầy?
Người lính được hỏi vặn ra đi ô nhỏ lại, trả lời ỡm ờ:
- Chắc lại xuống Qui Nhơn chớ đâu.
Tôi cảm ơn, lại lên xe trở về thành phố. Tôi hỏi thăm vài người quen, họ chỉ biết lờ mờ ở đây có một tu viện của mấy dì phước dòng Mến Thánh Giá, và một cô nhi viện của dòng Thánh Phao Lồ. Không biết dòng nữ tu trên Xuân Phương thuộc dòng nào.
Tôi tìm đến dòng Mến Thánh Giá, vui mừng thấy nơi đó là một trường tư thục trung tiểu học dành cho nữ sinh. Tôi gặp Mẹ Bề Trên dễ dàng, lại được chỉ dẫn cẩn thận. Nhờ thế, bây giờ tôi mới đến được đích. Khi tiễn tôi, Mẹ Bề Trên cố làm nguội bớt nguồn hy vọng ngụt lửa trong ánh mắt vui của tôi:
- Nhưng tôi chỉ sợ lâu quá, các xơ không tìm ra được hồ sơ. Mười mấy năm rồi còn gì. Lại thêm bao lần tản cư dọn đi dọn lại. Mỗi lần di chuyển, giấy tờ sổ sách lại thất lạc thêm một ít.
Tôi gửi chiếc xe cho cụ già bán quán phía bên kia đường, sau khi đưa trọn cả 100 đồng trả tiền một gói thuốc Bastos xanh và hộp diêm nhỏ. Phải thú nhận là tôi hồi hộp. Tôi e ngại, không dám tiến vào con đường nhỏ trải đá chạy giữa những mái nhà tôn vách ván thấp bé. Tôi phải đứng lại trước tấm bảng cô nhi viện đã tróc sơn lỗ chỗ, đánh diêm châm lửa hút gần hết điếu thuốc mới phà theo hơi khói hết những lo lắng vu vơ để bước sâu vào phía trong.
Cổng viện để mở. Ba dãy nhà lợp fibro- ciment xếp hàng dọc, và cùng nối liền với một dãy nhà ngang làm thành hình chữ E đều. Trước các dãy nhà, mấy bụi bông giấy hoa đỏ và vàng gạch mọc um tùm, phủ kín gần hết mái nhà xám. Ngay đầu dãy nhà gần cổng nhất, một nhóm trẻ em trai đang ngồi đánh cờ giấy, mải chú ý đến nước cờ nên không chú ý đến người lạ. Nhưng dì phước mặc áo đen cạnh đấy đứng dậy trước. Dì phước tiến về phía tôi, dì đã già khoảng trên bốn mươi. Dì hỏi:
- Anh cần hỏi ai?
Tôi bối rối đứng im dưới sân sỏi nhìn lên, chưa đủ bình tĩnh để nói cho gãy gọn. Mãi một lúc, tôi mới hỏi được:
- Dạ thưa, con muốn gặp bà nhất.
Dì phước cười dễ dãi, ánh mắt vui và để lộ cả hàm răng không mấy đều:
- Bà nhất nào? Bà nhất nhà dòng hay bà nhất cô nhi viện?
- Thưa bà nhất giám đốc ở đây.
Dì phước bước xuống sân,cười lớn và bảo:
- Nếu vậy tôi là bà nhất đây. Anh muốn hỏi gì đó?
Câu trả lời đột ngột như một đợt sóng cao phủ xuống bất ngờ. Tôi đứng lặng thêm một lúc nữa, rồi phải vất vả lắm mới giải thích cho bà nhất hiểu mục đích của tôi. Dì phước kiên nhẫn lắng nghe. Lũ con trai thấy người lạ đang nói chuyện với bà giám đốc, bỏ cuộc chơi đến tò mò bu quanh. Dì phước vừa xua tụi trẻ đi chơi chỗ khác vừa mời tôi:
- Được. Nếu thế thì mời anh vào văn phòng đây ngồi chờ cho chút. Các con đi chơi đi. Đã dặn nhiều lần là khi các con thấy khách đến phải chào hỏi lễ phép rồi đi chơi chỗ khác,c;n râu trắng làm gì nữa con?
- Cái gì, má?
- Ừ, má đây. Ông tiên râu trắng làm gì nữa mà con sợ?
Giọng Thảo lơ lửng rời rạc:
- Ông nội có làm gì đâu? Con có sợ đâu. Ông nội sợ đấy chứ.
Tôi thắc mắc chen vào:
- Ông nội em tóc bạc phơ và có chòm râu dài cũng bạc phơ có phải không?
Phương Thảo không trả lời tôi, vẫn tiếp tục nói một mình:
- Ông nội sụp xuống lạy, lạy mãi lạy mãi như tế sao. Còn con ngựa thì rống lên từng hồi. Còn má thì khóc...
Phương Thảo quay nhìn me tôi,đôi mắt sáng lên hiểu biết, hỏi bà một cách tỉnh táo:
- Má còn nhớ không má? Má khóc thật dữ, còn ông nội cứ lạy mãi.
Me tôi giả vờ hiểu:
- Ừ me... à quên má nhớ rõ lắm. Ông nội thì lạy. Con tu hú kêu não nùng. Con ngựa rống lên từng chặp. Nhưng hôm qua con bảo ông nội cưỡi con ngựa hởi cao lớn chạy nhanh qua đồng cỏ đến nỗi râu bạc của ông nội phất dài ra phía sau lưng.
Phương Thảo có vẻ ngơ ngẩn, im lặng một lúc, rồi chợt nhớ điều gì, cãi lại:
- Đâu có. Con nói cái cán giáo dài cứ rung rung trên lưng ông nội mà.
Me tôi quay lại phía tôi lắc đầu chầm chậm, tiếng thở dài nhẹ như một hơi gió thoảng nhưng đậm nỗi chán chường, bất lực:
- Mỗi ngày đẻ thêm ra đủ thứ chuyện khác nhau. Khi thì ông tiên cưỡi ngựa. Khi thì ông tiên vái sao. Khi thì ông tiên lê lết sau con ngựa què. Đến nay thì không phải con ngựa què mà chính ông tiên bị đâm chết. Có Trời mới hiểu nó nói cái gì.
Men tôi bỏ vào nhà trong lo bữa cơm tối. Tôi ngồi lên chiếc ghế còn ấm của me tôi, ý nghĩ mông lung nhảy từ chuyện nọ sang chuyện kia thành ra không hiểu mình đang nghĩ gì. Ý tưởng khi thì ào ào đến như một thác nước, khi thì lờ mờ thấp thoáng như một hơi thuốc lá, khi thì xoay tròn như cơn lốc đưa bụi đen uốn lượn lên lưng chừng khoảng trời. Từ lâu, Phương Thảo giữ im lặng không nói gì nữa. Nét mặt nàng hoàn toàn trống vắng, như một ngôi nhà ở vùng kém an ninh dân chúng đã lũ lượt tản cư đi hết. Tôi biết mình không có đủ cái kiên nhẫn của me, ngồi gợi ý để chờ nghe những mẫu chuyện rời rạc mâu thuẫn của Phương Thảo. Tôi cố định thần lại, bình tĩnh nghĩ ngợi hết mình về một điềm nào đó. Như nghĩ về tình trạng bệnh tình Phương Thảo chẳng hạn. Nàng vẫn còn bị ám ảnh vì những kỷ niệm thơ ấu, những mảnh vụn nát của một khoảng đời vô danh trước khi vào cô nhi viện. Có những mảnh tôi đã quen hình, như tiếng chuông ngân của nhà thờ, lối che mặt bằng cả hai bàn tay xanh và ốm...Nhưng cũng có những mảnh lạ hoắc, như tiên ông râu tóc bạc phơ, chữ Má chói tai như một mũi kim nhọn, con ngựa què, tiếng tu hú.
Lại thêm tiếng thét kinh hãi của Thảo đêm liên hoan, tiếng thét mở đầu, báo hiệu giai đoạn hai của cuộc đời bệnh hoạn. Trầm trọng hơn. Vô vọng hơn. Mù mờ phi lý hơn. Hổn độn lung tung. Cái gì đã làm cho nàng sợ hãi đến như vậy? Sân khấu ẩn sau khung cửa son? Pho tượng cười bằng sành? Bản nhạc tình Mộng dưới hoa? Điếu thuốc lá? Cái gì? Cái gì?
Tôi ngợp trong hoài nghi và phân vân, lòng nặng những hối tiếc. Giá mình được làm một đứa trẻ thơ trốn học ra lượm banh trên sân ten-nít, lượm mãi lượm hoài những cú banh vụng về của lũ trọc phú, dưới ánh nắng gay gắt trên sân xi măng bốc khói, mà vẫn không hề chán nản.
Hoặc làm người hành khất già, một trưởng lão cái bang chín túi đứng ở góc chợ ngửa tay xin lại những giờ phút lãng phí của bao năm học hành. Thật vậy, mình đã lãng phì cả một thời thanh xuân, để chẳng được cái tích sự gì.
Mình đã sai lầm. Điều ấy quá rõ rồi. Mình không có tham vọng đưa ra một trị liệu phổ quát, mà như đã nói trong phần dẫn nhập của luận án, chỉ muốn thăm dò tiềm thức một người cá biệt. Sự suy luận, qui nạp phóng đại dành cho người khác. Nhưng ngay cả sự thăm dò khiêm nhường cũng không đưa đến đâu. Ánh đuốc leo lét của trí khôn tôi, cây thước cong queo của óc suy luận của tôi, chỉ đưa tôi đến một ngõ cụt.
Đằng sau là tháng năm lãng phí. Trước mặt là sự thất bại cay đắng, hiện hình trong đôi mắt lờ đờ rỗng không của Phương Thảo.
Mình đã lầm. Nhưng lầm ở đâu? Phải chăng tinh thần phương đông có nhiều điểm khác biệt với tinh thần tây phương? Chịu đựng quen, nhọc nhằn mài dũa, đời sống cơm áo thiếu thốn và sinh hoạt chung đụng trong gia đình đã khiến cá tính của mỗi người đều phẳng lì, chai đá. Như một đứa bé bỏ cầu bơ cầu bấc nơi đầu đường xó chợ, nắng khét trên đầu, chân tay đen đúa, thở hít đủ thứ bụi bặm nên buồng phổi khỏe, ăn uống bừa bãi nên bộ máy tiêu hóa vững, đến độ toàn thân đều miễn dịch. Con người phương đông không phải là đứa con được nuông chìu của Thượng Đế. Dùng những kiến thức khoa học, tâm ly phương tây để tìm hiểu thăm dò con người phương đông, là đã tưởng cơn gió thoảng có thể làm bật ngã cây lau cây sậy.
Nếu đúng như vậy thì trận cuồng phong nào đã làm bật gốc cây lau ẻo lả mà dẻo dai ấy, cây lau Phương Thảo của đời tôi?
° ° ° ° °
Nhưng dù sao, thà nói mê những chuyện đầu Ngô mình Sở còn hơn là lặng câm như một xác chết biết cử động. Tình trạng của Phương Thảo từ hai ngày nay làm chúng tôi khốn khổ. Chiều chiều, me tôi theo thói thường dìu Phương Thảo ra ngồi trên ghế xếp trước hiên. Càng ngày nàng càng ít nói hơn, vì càng ngày đôi mắt Thảo càng nhìn xa hơn sâu hơn vào khoảng không gian hun hút trước mặt. Cái nhìn rỗng không. Hoàn toàn rỗng không. Nàng chìm vào hư vô ngút ngàn đó, ngập trong đám sương mù dày đặc nhộn nhạo quá khứ vị lai hiện tại, không còn thì giờ mở miệng nói lấy một lời nhát gừng. Tai nàng điếc. Không có cả cái quay đầu ngơ ngác hay nhướng mắt hỏi dò. Thảo ngồi bất động. Đôi lúc gió chiều thổi từ vườn chuối làm bay tung mái tóc dài che hẳn một phía mắt nàng. Phương Thảo vẫn để vậy không đưa tay lên vén tóc rồi vuốt nhẹ cho nằm gọn trên vai, hoặc ngửng khuôn mặt trái soan lên không. Me tôi nắm lấy bàn tay xanh của Phương Thảo, vừa thút thít khóc vừa than:
- Sao tội nghiệp vầy con? Me có làm gì đâu mà Trời Phật nỡ hành hạ con gái me thế này? Cả đời me ăn ở phước đức. Sao trời nhẫn tâm...
Me tôi thầm thì như thế cả buổi chiều. Khi không có tôi, bà buồn rầu nhìn mông lung phía trước, chẳng khác gì Phương Thảo. Chiều nay từ phố trở về tôi đau xót bắt gặp hình ảnh hai pho tượng mỏi mòn ấy. Pho tượng trẻ câm lặng. Pho tượng già câm lặng. Tôi chua xót quá chừng, không chịu nổi mãi sự im lặng ma quái trong căn nhà ẩm thấp này. Tôi nắm tay me tôi, lay bà dậy. Me than:
- Sao nó cử ngồi trâng một chỗ không nói năng gì thế, hở con?
- Con cũng không biết rõ.
Me tôi bám vào niềm tin mong manh cuối đường:
- Con hỏi lại thầy gì hôm trước coi.
Tôi chán nản:
- Thầy ấy cũng như con mà thôi. Vả lại, thầy về Cần Thơ chưa lên kịp. Thầy có tang.
Me tôi hỏi, cho có chuyện:
- Ai chết nữa đó?
- Thầy bảo là ông chú.
- Thà chết hẳn đi, còn hơn thấy nó ngồi đó mà không hay biết gì. Me đập vai lay gọi, nó vẫn không quay đầu lại. Me hỏi, không trả lời. May mà đưa muỗng cơm lên miệng, nó còn biết hả ra.
Chợt nhớ đến chuyện cơm nước, me bảo tôi:
- Con ngồi coi chừng Thảo cho me vào dọn cơm. Giữ đừng cho nó đứng dậy.
Me tôi đi rồi, tôi thử lay vai Thảo:
- Thảo, có nghe anh nói không?
Im lặng. Nàng quay lại, ngơ ngác. Tôi tưởng nàng hiểu hỏi vội
- Anh đây. Em có thấy nhức đầu hay mệt nhọc lắm không?
Thảo quay hẳn lại nhìn tôi, rồi nhìn xuống đất tìm đôi dép. Đột ngột không báo trước, nàng đứng dậy. Không kịp ngăn lại nữa, tôi đi theo nàng. Tôi đưa tay đỡ lấy vai Thảo. Qua làn vải mỏng, tôi cảm thấy xương bả vai nàng nhô cao lên. Lòng tôi xót xa. Thảo đi dọc theo bờ rào, ra phía có mấy bụi chuối xanh. Gió thổi vào mấy tàu lá chuối già xơ xác, tiếng rì rầm như tiếng khẽ gọi của tình trời yêu đất, tình gió yêu cây. Phương Thảo đi len lỏi vào các thân chuối cao, với tay xé một mảnh lá xanh, tước thành sợi nhỏ thả xuống chân đi. Như Mỵ Châu dùng lông ngỗng để dấu cho Trọng Thủy. Lòng tôi xúc động dạt dào. Còn Phương Thảo muốn để dấu cho ai đây? Con đường ngoằn ngoèo bí mật đó đưa chúng tôi về hướng nào?
Khu vườn nhà tôi khá rộng, trồng chuối, và dừa. Thảo đi quanh vườn vài vòng, rồi dừng lại ngơ ngác như muốn tìm đường, mặt lộ vẻ băn khoăn.
Tôi hỏi:
- Em muốn vào nhà chưa?
Thảo không trả lời, tiếp tục suy nghĩ, cố nhớ điều gì. Cuối cùng nàng đi thẳng tới phía trước, đi tới nữa. Như một người mù. Nếu tôi không giữ lại, chắc Phương Thảo đã xô mạnh người vào một thân dừa xù xì. Thảo mềm nhũn thụ động, để mặc cho tôi dắt nàng vào nhà.
Khi me tôi lặng lẽ đút cơm cho Phương Thảo, lòng tôi ray rức bồn chồn. Chẳng lẽ đành bắt lực? Khoanh tay trước ngõ cụt? Dừng lại bên bờ hư vô? Khoảng tối hoang vu sở dĩ trắc trở đến ngại ngùng, là vì tôi chưa biết gì đến thời thơ ấu của Phương Thảo. Má của Phương Thảo ở đâu ‘? Gia đình Thảo thế nào? Tiếng chim tu hú và tiếng rống nổi gai ốc của con ngựa bị chặt què, và tiên ông râu tóc màu tuyết, những hình tượng ấy âm thanh ấy tất nhiên có một xuất xứ. Phương Thảo mê sảng nhiều lần về những tiếng những hình ấy, thì phải có liên hệ xa gần với căn bệnh của nàng.
Tôi quyết chí đi lại từ đầu, hay nếu cần, từ trước cả thời khởi đầu. Tôi hỏi tên cô nhi viện me xin Phương Thảo về. Me trả lời. Tôi hỏi thêm. Chỉ được vài chi tiết mù mờ. Me tôi chữa thẹn:
- Lâu quá me không nhớ rõ. Gần mười lăm năm rồi.
Nhưng tôi không cần nhiều. Chỉ cần một địa chỉ. Phần còn lại, tôi sẽ gắng dò manh mối.