Chương V

    
ắt tay con rể xong Quân ôm lấy Diễm, đứa con gái độc nhất của mình trước khi từ giã. Vỗ vỗ lên vai nó anh thì thầm.
- Con đi đường cẩn thận...
Quân nghe trong giọng nói của mình có chút nước mắt. Buông người cha già thân yêu ra Diễm bùi ngùi nói một câu bằng tiếng Anh. Đó là thứ tiếng nói hằng ngày của nó.
- Dạ... Ba cũng nên chăm sóc sức khỏe của ba…
Quân gật đầu. Diễm mở cửa ngồi vào ghế. Brantly, chồng của Diễm khởi động máy xe. Thấy con gái quay cửa kính xuống và đưa tay vẩy mình anh bước nhanh tới.
- Con thương ba...
Quân gật đầu cười nói nhỏ.
- Ba thương hai đứa con...
Người con rể giơ tay vẩy vẩy trong lúc lùi xe ra đường. Đứng nhìn theo cho tới khi chiếc Honda khuất dạng sau khúc quanh, Quân chậm chạp trở vào nhà. Bước lên bực thang cuối cùng anh dừng lại. Đúng hơn anh tần ngần, do dự không muốn bước vào ngôi nhà mình đang ở. Đằng sau cánh cửa màu trắng đang hé mở đó chẳng có gì để anh muốn vào. Ngôi nhà bốn phòng ngủ im vắng và lạnh lùng. Không có ai ngoại trừ anh. Thi, vợ anh mất đúng 100 ngày. Nếu có những cái chết tình cờ thì cái chết của Thi thật tình cờ. Nếu có những cái chết nhanh chóng thì cái chết của Thi nhanh vô cùng, như một sát na. Mấy phút trước, hai vợ chồng đang bàn với nhau về chuyện đi thăm con gái và ở chơi với hai vợ chồng nó một tuần. Rồi Thi lái xe đi chợ mua thức ăn. Gần nửa giờ sau, cảnh sát gọi báo tin Thi chết vì tai nạn xe cộ. Anh lặng người không tin vào hai tai vốn đã lãng của mình, cho tới khi đến nơi xảy ra tai nạn. Đành rằng ở đời ai lại không chết. Đâu có ai sống mãi. Nhưng cái chết của Thi quả là cú sốc khiến cho anh ngẩn ngơ tự hỏi. Tại sao lại như vậy? Số mệnh ư? Tại sao người đàn bà hiền hậu chết, mà thằng say rượu, kẻ giết người lại sống nhăn răng. Có cái gì trục trặc, có cái gì bất ổn trong xã hội này. Tuy nhiên dù tra vấn hay hằn học, rốt cuộc rồi anh cũng phải chấp nhận là người bạn đường lâu năm của mình đã bước ra ngoài cuộc đời để rong chơi vào miền đất lạ. Đó là miền đất anh sẽ phải tới nhưng bây giờ thì chưa. Từ đó vốn ít nói anh lại ít nói hơn. Có ai đâu mà nói. Không lẽ cứ nói mãi với chính mình. Từ đó ngôi nhà rộng lại càng thêm rộng. Từ đó nỗi cô đơn lớn lên. Từ đó cô độc theo anh từng bước chân. Trống rỗng khi mở cửa phòng quần áo ngửi mùi hương phảng phất. Buổi sáng chợt thức giấc vì tiếng còi xe lửa hụ, trông chờ một tiếng động vang lên từ phòng phía bên kia của Thi. Tuy nhiên chỉ là im lặng, là sự ngóng đợi một điều mà mình biết đã mất đi. Thê thảm ở chỗ mình biết điều đó đã mất đi mà vẫn ngóng trông và chờ đợi. Có lẽ tại vì anh không có điều gì để chờ đợi hoặc ngóng trông.
Quân hơi quay đầu nhìn khi nghe tiếng chim cu gù. Anh thấy đôi chim cu đang đậu trên sợi dây điện. Dây bông hồng leo trước cửa bắt đầu vàng lá vì không có ai tưới nước và bón phân. Những khóm hoa huệ èo uột, có hoa nhưng nhỏ xíu. Nó sống được cũng giỏi bởi vì ông chủ của nó còn èo uột và què quặt hơn nó nhiều. Khe khẽ thở dài anh xô cánh cửa đang khép hờ rồi bước vào nhà. Từng bước chậm trên chiếc cầu thang năm bực. Cái tay vịn lung lay vì cũ mà cũng vì long đinh. Trước khi chết, Thi đã nhắc anh hoài về cái tay vịn mà anh chưa kịp sửa. Bây giờ sửa sang để làm gì? Quân lẩm bẩm với chính mình. Con Diễm dời nhà lên Virginia, hai ba năm mới về thăm cha một lần. Đó là nó chưa có con. Mai mốt con cái đùm đề, mỗi lần đi khó khăn và tốn tiền, chắc còn lâu nó mới về thăm. Rốt cuộc ngôi nhà này chỉ có một người. Quân lẩm bẩm. Chỉ có mình… Hiện tại mình chỉ có một mình. Rồi tương lai cũng chỉ một mình. Bước vào nhà bếp, không bật đèn, anh mở cửa tủ lạnh đứng nhìn. Mấy chai nước ngọt. Mấy hộp thức ăn thừa nằm im lìm. Chai nước lọc. Mấy hộp sữa đậu nành. Lúc Thi còn sống anh thường hay nói đùa, hay giỡn với nàng nhà này chẳng có cái gì để ăn. Biết chồng thích ăn vặt nên mỗi khi đi chợ, lúc nào nàng cũng mua nhiều thứ để đầy trong tủ. Mới có một trăm ngày thôi mà tủ đựng thức ăn trống trơn. Món mà anh thường ăn là mì gói, bánh mì và cereal. Sáng mì gói. Chiều gói mì. Tối cereal với sữa. Sáng lại bánh mì với mứt đậu phộng, mứt dâu tây hoặc nho… Quân mỉm cười nhớ lại kỹ niệm vụn vặt lúc còn đi học. Ở xa nhà, thêm lười biếng nên anh ăn toàn bánh mì với bơ và đường suốt ba tháng hè ròng rã. Bà già nhà bên cạnh tò mò hỏi '' Cậu ăn cái gì mà tôi không thấy cậu nấu cơm? ''. Anh cười trả lời '' Tôi ăn bánh mì…''. Từ đó bà ta thường gọi đứa con gái mang cơm sang cho anh. Anh hiểu ý của bà ta muốn mình làm rể nhưng tiếc thay…
Đứng tần ngần trước tủ lạnh mở rộng thật lâu, cuối cùng Quân thở hắt hơi dài đóng cửa tủ lạnh lại. Anh không thấy đói. Không đói thì không ăn. Anh sống như một người thiếu đi cái gì. Có lẽ là ý muốn. Có thể là ước vọng. Có thể là sự buông xuôi. Có thể không còn gì quan trọng. Có thể không có điều gì đáng quan tâm. Có thể không gì đáng lo âu. Có thể không gì đáng suy nghĩ. Có thể chẳng có cái gì đáng phàn nàn… Dừng lại trước cửa hai gian phòng ngủ anh do dự. Anh biết mình phải vào một trong hai phòng song chưa quyết định phòng nào. Phòng nào cũng vậy thôi. Phòng nào cũng giống phòng nào. Cũng chứa từng ấy thôi. Cũng chứa sự câm lặng. Cũng đựng đầy cô đơn. Cũng nhiều lặng lẽ. Cũng ngập buồn rầu. Cuối cùng anh bước vào phòng của Thi. Đâu đây phảng phất chút hương thừa làm anh liên tưởng tới hai câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
'' Yêu một phút để mang sầu trọn kiếp… Tình mười năm còn lại mấy tờ thư…''. Mùi nước hoa. Mùi long não. Mùi keo xịt tóc. Mùi quần áo.Mỗi người đều có một mùi riêng biệt. Quân mỉm cười nhớ lại hồi xưa. Hai tiếng này nghe mơ hồ. Kỹ niệm lúc nào cũng mơ hồ, khó nhớ vì đứt đoạn, vỡ vụn theo thời gian và trí nhớ mù lòa của anh. Lúc còn đi lính, anh có một cô bồ. Một lần lên thăm và ở chơi với anh ba ngày, cô ta nhận xét lính có mùi thật lạ và kỳ cục. Anh hỏi mùi gì. Cô ta cười trả lời mùi lính ở dơ. Lính nào mà không ở dơ, ít hay nhiều mà thôi. Giày vớ cả tuần không giặt. Quần áo năm ba bữa chưa thay. Thân thể hai ba ngày chưa tắm. Tất cả làm thành thứ mùi đặc biệt không ai có được. Xém chút nữa cô bồ này, dù chê lính ở dơ, đã nâng khăn sửa túi cho anh nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Thở dài nhè nhẹ Quân ngồi lên chiếc giường rộng được trải phẳng phiu. Cố mà không nhớ được sau ngày Thi chết, anh có nằm lên chiếc giường này chưa. Dường như không. Ngay cả ngủ cũng không. Mọi vật đều y nguyên. Tuy bề bộn nhưng là sự bề bộn thân quen. Anh nghe như tiếng giường chuyển động rồi tiếp theo bước chân của Thi mỗi buổi sáng thức dậy sớm. Tiếng đọc kinh quen thuộc lúc 9 giờ rưởi tối và 7 giờ rưởi sáng. Người đàn bà ngoan đạo đó lại chết sớm. Thật kỳ cục. Trong khi một thằng người như anh, một kẻ không có đạo, một thằng người không được thiện lương cho lắm lại sống hoài. Nghĩ cũng kỳ. Mệt mà vẫn sống. Hằn học mà vẫn sống. Chán mứa mà vẫn sống. Bất mãn mà vẫn sống. Quân đứng dậy vì không lẽ ngồi hoài trên giường. Nhìn đồng hồ chỉ 10 giờ anh lắc đầu. Một người già như anh đúng là kẻ vô dụng. Chẳng làm nên cái tích sự gì hết. Quanh quẩn trong căn nhà bốn phòng ngủ. Chán đi ra vườn ngắm bông hoa cây cỏ. Ngắm chán lại đi vào nhà. Viết. Đọc sách. Nghe nhạc. Ăn cho mập cái thây ra. Đúng là vô tích sự. Đúng là nên chết đi để nhường chỗ cho người khác. Sống làm chi cho chật đất.
Rời phòng của Thi, Quân trở lại phòng của mình. Không bề bộn lắm. Sách được xếp ngay ngắn trên kệ sách. Bây giờ nó là bạn anh. Thứ bạn cũng biết điều như anh nghĩa là cũng câm như anh. Nó không lải nhải như người. Hai người câm ở chung với nhau làm cho căn phòng ngủ cũng câm như hến. Sách đủ loại. Đông y. Sử ký. Địa lý. Tiểu thuyết. Truyện dài. Truyện ngắn. Thơ của Đinh Hùng. Vũ Hoàng Chương. Thế Lữ. Chính trị. Khoa học. Triết. Tiếng Anh xen với tiếng Việt. The Introdution of Zen Budishm. The Three Pillars of Zen. Y Học Cổ Truyền nằm cạnh với Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Bên cạnh có Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyễn Văn Siêu, Lê Quý Đôn và Vân Đoài Loại Ngữ. Anh cảm thấy thờ ơ với chữ nghĩa và mỏi mệt với giấy mực. Trọn bộ Thép Đen bốn cuốn như năn nỉ anh đụng tới. Chả bù với hồi còn trẻ. Gặp sách anh ăn, anh ngốn cho thỏa cái thèm của mình.
Quân mở tivi nhưng nghĩ sao anh lại tắt ngay lúc hình ảnh vừa hiện lên. Anh không thường xuyên xem truyền hình. Dường như anh không thích tiếng người nói trừ trường hợp phải nghe. Truyền hình và điện thoại là hai thứ anh ít khi đụng tới. Con Diễm gọi về nói chuyện với má chứ ít khi nói với ba trừ khi nó bị hư xe. Họa hoằn lắm anh mới nói vài câu. Còn đối với người quen anh chỉ có hai câu '' Chào và Tạm biệt…''. Bởi vậy Thi thường hay giễu anh là người câm trên quả địa cầu. Bây giờ không có ai chung nhà anh trở thành kẻ câm và nín. Câm như hến. Nhạc, ngâm thơ, đọc truyện, đọc thơ thì nghe mà nghe tiếng người nói lại không thích. Nhiều lúc Quân nghĩ mình khùng. Sống mà không thích tiếng người nói thì chỉ có nước đi tu hay vào rừng ở với muông thú. Anh cười với mình khi nghĩ tới '' đi tu ''. Một thằng người tồi tệ như anh mà tu. Một thằng đía, xạo, dóc, tham ăn uống, thích yêu thương, mê đàn bà mà đi tu thời… thời… Quân lập lại tiếng thời thời như để tìm chữ nào thích hợp rồi cuối cùng tặc lưỡi. Nói như Tú Xương '' Một chè, một rượu, một đàn bà…''. Ông Tú Vị Xuyên có ba cái lăng nhăng bởi vậy thi hoài không đổ. Còn anh đâu có đam mê gì. Hồi còn trẻ thì rượu chỉ uống chai này chai nọ. Thuốc thì hút một lần một điếu thôi. Riêng cái mục trai gái thì bỏ trai mà chỉ mê gái vì sợ mê con trai người ta nói mình đồng tình luyến ái. Vả lại đàn ông mà mê đàn ông nghe thật dị hợm, chẳng giống con giáp nào hết. Cờ bạc thì chỉ chơi cờ vì không có tiền. Lương lính vài chục ngàn không đủ hút thuốc, ăn nhậu thì đâu có tiền dư để bài bạc. Riêng thuốc phiện thì không cần. Ngửi thuốc súng cũng đã ghiền và phê rồi.
Quân nhìn cái laptop đang đặt trên giường. Lúc còn sống Thi thường đùa sách là bạn, còn laptop là người tình, là vợ bé của anh. Hai vợ chồng đang nói chuyện và anh bỏ đi. Quá quen với tính của chồng nàng cười nói vói theo '' Em biết anh đi gặp người tình của anh mà…''. Bây giờ anh chỉ có nó làm mối dây liên lạc với thế giới của chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa thì câm lặng. Rồi đến một lúc nào đó chữ nghĩa cũng biến mất, như Trần Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh lúc trở về băng qua sông, kinh bị ướt và ông ta mới khám phá kinh điển mà ông ta vượt ngàn dặm đường để thỉnh đã trở thành vô tự kinh. Đó là thứ mà Bồ Đề Đạt Ma đã tuyên bố qua câu nói: '' Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tính thành phật...''. Đó là nụ cười của Ca Diếp khi Phật Thích Ca đưa cành hoa lên. Khối chữ nghĩa mênh mông đã biến dạng nhường lại cho tâm ấn.
Quân nhìn ra ngoài xuyên qua khung cửa kính bụi bặm. Mới có trăm ngày mà nhà cửa bê bối. Con Diễm bàn tới chuyện anh bán nhà rồi mướn một cái phòng nhỏ trong chung cư để ở. Chỉ tháng tháng trả tiền mà không phải bận tâm gì hết. Anh ậm ừ và nó hiểu anh không bằng lòng. Ngôi nhà này có quá nhiều kỹ niệm. Một điều mà anh không muốn nói với con gái vì biết nó không hiểu. Anh là một người đang sống mà mất quá khứ, thiếu hiện tại, không có tương lai. Quá khứ bị nén thành khối, bị nhồi thành cục, bị nhét vào trong góc nào đó của trí não, để hùng hục đi cày mua xe cho con, mua nhà cho vợ, và mua nhiều thứ cho chính mình. Quá khứ què quặt chỉ được nhớ trong những lúc tình cờ nghe truyền hình nói tới hai tiếng Việt Nam. Quá khứ được nhớ tới khi lái xe trở về nhà, vào một ngày dông bão, nhìn lên đỉnh núi mây mù giăng giăng giống như ở vùng Phú Bổn. Dần dà quá khứ giống như chiếc gương bị vỡ vụn thành nhiều mảnh, để mình không còn nhìn thấy mình trong gương, dù mình cố ráp nối chiếc gương lại. Quá khứ, giống như ngày Tết, cặm cụi ngồi gói đòn bánh tét, kho nồi thịt kho; sau đó ăn thử và ngậm ngùi cảm nhận không có hương, không có vị giống như ngày xưa. Thi nói tại anh có lòng hoài cổ nặng quá, lòng hoài hương mạnh quá. Người mất dần quá khứ như anh thật khổ. Phải chi đùng một cái bị mất thì mình biết để tìm cách sửa chữa hoặc bồi bổ lại. Đằng này nó mất dần đi, mỗi ngày một ít khiến mình không để ý. Tới lúc mình biết thì muộn rồi. Muốn hồi phục quá khứ, muốn nhớ lại kỹ niệm, anh phải đi nhặt, đi moi, móc, lôi ra, ráp nối, sắp xếp lại. Quá khứ đã như vậy mà hiện tại cũng không hơn gì. Người ta thường nói phải sống cho hiện tại và tương lai. Hiện tại của mình là gì? Ở đâu? Hình dáng ra sao? Anh loay hoay tìm kiếm mà rốt cuộc cũng chỉ thấy một cái gì mờ nhạt, mơ hồ. Còn tương lai? Tương lai của người già nua như anh là nấm mồ hoặc chút tro tàn đựng trong cái lọ nhỏ. Đời người rốt cuộc cũng chỉ có bao nhiêu đó thôi.
Quân ngắm cây phong lá thật xanh. Ngày anh mới mua nhà nó chỉ cao bằng đầu người mà bây giờ cành lá rườm rà và cao ngất trời. Nó là điểm nổi bật nhất của khu này vào mùa thu. Chiếc xe thơ chậm chạp chạy qua nhà đoạn dừng lại nơi thùng thơ. Nhìn chiếc xe thơ anh chợt nhớ tới Thi. Vào những ngày nghỉ, anh có bổn phận chờ xe thư tới để lấy thư dù biết không bao giờ có thư của ai gởi cho mình. Bây giờ thấy xe thư đi qua, theo thói quen anh lửng thững mở cửa bước ra lấy thư. Chỉ có một lá thư duy nhất. Đó là thư của Khánh. Quân tự hỏi sao cô độc giả láng giềng lại biết nhà mình. Từ khi quen biết nhau anh với Khánh chỉ thỉnh thoảng viết thư hay chỉ điện thoại đôi lần thôi. Mỗi bên đều có gia đình riêng, có đời sống riêng, do đó cũng ít khi liên lạc với nhau. Quen biết nhau khá lâu dù chỉ chuyện trò đôi lần, nhưng anh quí mến cô bạn gái vui vẻ, thông minh, tế nhị và có vài điểm giống mình. Có nhiều người gặp nhau, quen nhau, không cần nói nhiều cũng hiểu nhau. Đó là thứ tâm thoại. Đôi lúc anh nghĩ ý tưởng có thể truyền qua không gian do đó Khánh mới biết hay hiểu những gì mình nghĩ.
Mở thư ra Quân thong thả đọc những dòng chữ nhí nhảnh của Khánh. Đọc mấy dòng đầu anh bật cười vui vẻ.
- Chào nhà văn nhớn của tôi… Nghe ông than ông bị bịnh, nên nhỏ này có nhờ Hội Hồng Thập Tự Mỹ Quốc gởi thuốc cho ông để dành uống lai rai thí nghiệm trước khi thuốc được tung ra thị trường... Đây là thuốc gia truyền của nhà Khánh. Người khỏe uống vào thì bịnh, còn người bịnh uống vào lại bịnh nặng hơn… À quên… Xin hỏi anh Quân bịnh gì vậy? Tương tư ai hử… mà lỡ tương tư thì dô đây nghe đài phát thanh 24/ 24 cho lãng tai và quên… nhớ… Vài hàng hỏi thăm. Thôi nha… Nhỏ này đi nghỉ hè… Bỏ lại tất cả...
Quân lắc lắc đầu nói nhỏ.
- Cô đi chơi sướng quá mà… Còn tôi…
Quân bước ra khỏi văn phòng bác sĩ. Anh hơi buồn chút chút khi biết mình bị ung thư bao tử. Căn bịnh hiểm nghèo này có năm giai đoạn tính từ giai đoạn 0 cho tới giai đoạn 4. Điều may mắn là chứng ung thư của anh chỉ mới ở vào giai đoạn 1. Nó có thể chữa trị song phải mất thì giờ và tiền bạc cũng như sự kiên nhẫn. Tuần tới anh phải đi gặp ba bốn ông bác sĩ chuyên môn về ung thư bao tử. '' Kể ra một thằng tị nạn da vàng như mình cũng quan trọng nên được tới bốn ông bác sĩ săn sóc sức khỏe…'' Anh cũng hiểu họ săn sóc một phần cũng vì tiền, tuy nhiên không có bác sĩ chăm lo bịnh hoạn thì người ta sẽ chết vì bịnh nhiều lắm.
Ngồi vào ghế, khởi động máy xe xong Quân tự hỏi mình đi đâu và làm gì. Về nhà? Dường như anh sợ về nhà. Anh sợ bước vào ngôi nhà vắng lặng. Cuối cùng thì anh lẩm bẩm '' Về thì về… Mình đâu còn chỗ nào ngoại trừ nhà của mình…''. Chiếc Corolla từ từ ra khỏi bãi đậu xe. Quẹo phải vào con đường lớn, rồi lại quẹo phải vào con đường lớn hơn nữa tức đường 153, nó nhập vào dòng xe cộ lưu thông của ngày thứ sáu, 4 giờ chiều, giờ tan sở. Bước vào nhà, thảy mấy vỉ thuốc lên bàn, đi thẳng vào phòng ngủ của mình, để nguyên quần áo, anh nằm lăn ra giường. Bây giờ anh mới cảm thấy mệt. Đúng hơn là sự rã rời, sự mục nát của thân thể và sự phủ rêu rong của tâm hồn. Tất cả khiến cho anh hầu như bất tỉnh. Không hẳn là hoàn toàn bất tỉnh để không biết gì, mà vẫn thức, vẩn tĩnh, để cảm nhận sự nhức nhối được phát khởi và lan rộng một cách từ từ. Đau thời anh không sợ, bởi vì sẽ chấm dứt. Như khi mình bị đứt tay. Nó đau trong giây lát rồi hết. Nhưng sau đó sự nhiễm trùng và làm độc mới khiến cho mình khổ sở vì cái nhức nhối kéo dài và âm ỉ. Giết người thời cũng ác nhưng không thấm vào đâu so với sự hành hạ hay tra tấn. Người bị giết chỉ đau có một lần, trong khi người bị tra khảo, hành hạ sẽ bị nhức nhối hoài, nhức nhối suốt đời. Trong trạng thái lưng chừng bất tỉnh, anh nghe mơ hồ tiếng chuông điện thoại di động của mình reo nhưng anh không còn chút sức lực nào để với tay lấy. Cuối cùng tiếng chuông cũng tắt và anh lịm dần dần vào cơn nhức nhối phát khởi từ nơi đầu của mình. Anh cảm thấy như có một sợi kim khí lạnh băng từ trên đầu chạy xuống chân bên phải. Sợi kim khí đi tới đâu cái nhức nhối theo tới đó làm run rẩy toàn thân và cơn co giật bắt đầu. Năm ngón chân giật giật, bàn chân co rút rồi nguyên cả chân phải co giật trong trạng thái không thể kiểm soát được. Anh có cảm giác mình đang nằm trên một bàn mổ để cho các chuyên viên mổ xẻ mình ra, tìm tòi, lục xét cái gì mà họ không biết được. Cơn đau lên tới cường độ như dẫy chết, toàn thân giật giật và đột ngột tắt lịm khiến cho anh cảm thấy mình rơi xuống cái hố sâu thăm thẳm. Rơi hoài, rơi mãi không đụng đáy.
Diễm mở rộng cửa. Quân chậm chạp bước vào nhà. Sau khi được tin báo, con bé đã mua vé máy bay về nhà một ngày trước khi anh vào bệnh viện điều trị và ở lại cho tới khi anh xuất viện. Sự có mặt của đứa con gái khiến cho anh cảm thấy bớt đơn độc trong mấy ngày ở bệnh viện. Nằm trên chiếc giường quen thuộc của mình anh cảm thấy thoải mái và khỏe khoắn hơn vì mùi hương và không khí thân quen. Dù sao đây cũng là nơi anh đã sống hai mươi mấy năm. Thời gian dài đó có rất nhiều điều được lưu giữ trong ký ức của anh. Tiếng con Diễm nói chuyện loáng thoáng. Dù không nghe rõ, anh cũng đoán được nó đang nói chuyện với chồng. Sáng mốt nó phải trở về Virginia. Dù thương cha, nó cũng có đời sống riêng. Anh hiểu và cũng không phàn nàn điều gì. Cũng như anh, ba mươi lăm năm về trước, dù thương cha mẹ, anh chị em và người yêu, cũng phải bỏ đi xa. Chọn lựa thật đau lòng nhưng dường như không còn một chọn lựa nào khác hơn. Nói là chọn lựa song thật ra anh không được tự do chọn lựa mà bị bắt buộc phải chọn lựa.
Có tiếng bước chân rồi Diễm vào phòng.
- Ba khỏe không ba?
Quân mỉm cười gật đầu.
- Ba khỏe nhiều. Chắc nhờ về nhà…
Diễm cười phô hai cái đồng tiền. Nó giống anh rất nhiều, giống tới độ mà ai nhìn cũng biết là con anh. Con gái thương cha. Hồi còn nhỏ nó đeo cứng anh. Đi chơi bên nhà hàng xóm giây lát nó chạy về thăm ba rồi sau đó lại chạy đi chơi. Lớn lên dù không còn gần nhau nhiều, nhưng tình thương vẫn còn là thứ keo dính chặt anh với nó. Từ khi mẹ mất đi, nó điện thoại cho anh thường xuyên hơn, hỏi han và dặn dò đủ thứ chuyện.
- Con đi thăm một người bạn trong phố. Ba muốn ăn gì con mua cho?
Quân lắc đầu cười.
- Ba không đói… Con cứ đi thăm bạn bè và đi chơi đi. Ba chỉ muốn nằm nghỉ…
Diễm gật đầu lui ra khỏi phòng và khép cửa lại. Còn lại một mình Quân nhìn lên trần nhà màu trắng mà anh mới sơn cách đây chừng nửa năm. Quạt máy quay chầm chậm cộng thêm khí lạnh từ máy điều hòa toát ra khiến cho anh rùng mình. Kéo mền lên tận cổ anh nhắm mắt lại giây lát rồi từ từ chìm vào giấc ngủ.
Quân thức giấc vì tiếng còi xe lửa hụ. Hằng đêm cứ vào khoảng 4 tới 5 giờ sáng, anh lại bị đánh thức bởi tiếng còi hụ của xe lửa. Lâu dần cứ tới khoảng thời gian đó, nhiều đêm anh thức giấc, nằm im trong bóng tối chờ nghe tiếng còi hụ của xe lửa. Trong trí tưởng của anh văng vẳng tiếng hát
'' Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga… Ðưa tiễn người trai lính về ngàn… Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay… Gió khuya ôi lạnh sao... ướt nhẹ đôi tà áo… Tàu xa dần rồi… thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời… Trở gót bâng khuâng… Tôi hỏi lòng đêm nay buồn không… Chuyến xe đêm lạnh không để người yêu vừa lòng…''
Quân trở mình nằm nghiêng. Anh nghe tiếng xe lửa nổ xình xịch, phun từng đợt khói trắng trên nền trời xanh lơ của thành phố Mỹ Tho vào những năm 1955. Là một đứa con nít quê mùa mười tuổi, anh nắm tay mẹ rụt rè leo lên toa xe lửa cũ kỹ và dơ dáy. Tuy nhiên với anh, cảm giác được ngồi lên toa xe lửa, làm một chuyến đi xa tới Sài Gòn quả thật tuyệt vời. Tiếng còi hụ trước và trong lúc xe bắt đầu lăn bánh, dù mấy chục năm qua vẫn còn đồng vọng trong trí tưởng. Sau này khi lớn lên, được đi tới những phương trời xa lạ, được ngồi trên toa xe lửa sang trọng anh cũng không có cảm giác kỳ diệu giống như lần đầu tiên đi xe lửa. Nhớ tiếng còi hụ của xe lửa cũng như nuối tiếc hoài quá khứ của tuổi thơ mất dần đi. Nghe tiếng còi xe lửa hụ trong đêm mà lòng bồi hồi bởi vì biết một quê hương dấu yêu trong quá khứ đã không còn nữa.
Quân mở mắt, ngước đầu lên nhìn đồng hồ. 5 giờ 15 sáng. Lẫn trong tiếng xe chạy trên xa lộ anh mơ hồ nghe tiếng gió xạc xào cây lá ngoài sân. Bây giờ anh mới nhớ đêm qua vì mỏi mệt mình đi ngủ mà quên đóng cửa sổ lại cũng như không mở đèn ngủ vì vậy mà căn phòng tối mù mù. Trở mình nằm nghiêng anh cảm thấy thân thể mỏi nhừ và hai bàn chân của mình bị tê tới độ không cử động một cách dễ dàng được. Như một thân xác bất động anh nằm đó chờ trời sáng.