- Ngâu ơi, Ngâu!
- Hở?
- Coi nè.
- Hở?
Em vẫn có cái tật quái đản như thế, chưa nghe thấy cũng hở, nghe rồi cũng hở, và hiểu rồi cũng hở. Những lúc như thế Kha vẫn kêu lên: “Trời ơi, Hoàng Ngâu lúc nào cũng ở trên mây hết cả!” Và Hạnh Nhân vẫn xuyên tạc: “Không ai thèm ăn... phở. Đừng rao uổng tiếng...” Thế nhưng em vẫn không chừa được, phần vì thói quen, phần thì chọc tức. Nhìn Hạnh Nhân nhăn nhăn khi nghe em ỡm ờ như vậy là em không nhịn được cười. Kha đến bên em, đưa cho em một chùm hột đỏ lấm tấm đen tuyệt đẹp:
- Cho Ngâu quả đá khô nè.
- Cái gì, xinh quá hở?
- Hoàng Ngâu tách ra từng hạt về xâu thành chuỗi đẹp lắm.
- Hạt gì vậy?
- Không biết tên, nhưng vì hắn cứng như đá nên Kha gọi là... hạt đá.
Em bật cười:
- Giản dị nhỉ?
Kha nhún vai:
- Tính Kha rất giản dị. Còn nhiều lắm, để Kha hái cho.
Em theo Kha rẽ vào con đường mòn lên dốc, hai bên là hố thấp, chơ vơ những tảng đá và cây cối hoang sơ. Kha đưa mấy quyển vở cho em cầm:
- Cầm dùm Kha.
Vịn tay vào một dây mây vắt ngang qua thân đại thụ, Kha đu mình xuống một tảng đá cheo leo và ngước lên cười hỏi:
- Giống Lý Tiểu Long không Hoàng Ngâu?
Em đùa:
- Kha khá giống, đi đóng phim đi.
- Ừ, tương lai còn dài mà.
Vịn vào những dây mây dẻo dai, Kha bước lên trên những phiến đá nhọn và gai góc:
- Nhiều ghê đi Hoàng Ngâu. Ở đây không ai để ý đến những thứ hạt này cả.
Em nhìn xuống:
- Thôi đừng hái nữa Kha, coi chừng đụng vào lá mắt mèo bây giờ.
- Mắt mèo ở phía bên kia. Đây chỉ có gai thôi. Gai góc đau dễ sợ, vướng áo Kha rồi.
Em kêu lên:
- Ngâu không thích hạt đá nữa đâu, đừng hái.
Kha dừng tay, cười và dọa:
- Ở đây nhiều rắn lắm, Ngâu à. Kha không sợ gai góc, chỉ sợ rắn thôi. Khi hồi Kha vừa nhảy xuống thoáng thấy một con rắn lục.
Em nghe những gai da rờn rợn khắp người:
- Trời ơi, thôi Kha leo lên đi. Khiếp quá. Ngâu xuống học bây giờ à.
- Chưa tới giờ học.
- Ngâu cũng xuống, ở đây sợ rắn lắm.
- Nhưng rắn đâu có bò lên đường để cắn Ngâu. Bất thần hắn chụp Kha thôi.
Em dậm chân:
- Cắn Kha cũng vậy nhỡ chẳng may Kha chết thì sao? Rắn lục độc kinh khủng lắm.
Kha nhóm chân để kéo một nhánh cây vướng ngang:
- Kha chết, Ngâu có khóc không?
Em mím môi:
- Không. Kha chết đáng kiếp. Ai biểu lì lợm, Ngâu không thèm khóc đâu. Uổng nước mắt!
Kha cười khô:
- Thế thì Kha Ngâm thơ Hồ Dzếnh: “Tui nằm trong ván trông ra. Tủi thân vì thấy người ta vẫn cười”.
- Không những cười mà còn...
- Còn gì?
- Còn nói là Kha... ngu lắm.
- Thế thì Kha sẽ không chết đâu.
- Sao vậy?
Kha nhún vai:
- Chết vì người ta mà còn bị mắng là ngu thì ức lắm chịu không được.
Em đùa:
- Ừ, sống để đi đóng film chứ Lý Tiểu Long chết rồi thì Đỗ Khắc Kha sẽ là tài tử không đối thủ đó.
- Cám ơn Hoàng Ngâu. Lâu lâu mới nói một câu nghe mát ruột.
Kha vịn vào những dây mây leo lên, có vẻ khó nhọc hơn khi “phi thân” xuống, những vết gia cào trên cánh tay rươm rướm máu.
- Cho Kha mượn cái này nè.
Kha nắm tay em, một chân bước lên tảng đá cao hơn, rồi đứng yên ở đó.
Em nhăn mặt:
- Tính trình diễn gì nữa? Có ai chụp hình quay phim gì đâu?
- Kha muốn đứng đây suốt đời.
- Để thành một thứ gì? Đá vọng phu hả? À quên, vọng thê... vọng nhân thì đúng nhất.
Kha buông tay em, giọng nhỏ đi:
- Thôi Kha sẽ kéo Hoàng Ngâu xuống vực này mất.
Em hiểu lầm, nên ngạc nhiên:
- Không đâu, Hoàng Ngâu vịn chặt thân cây này. Kha chuyền lên dễ lắm, không sút tay đâu.
Kha ngước lên:
- Không phải. Kha sẽ cố ý kéo Hoàng Ngâu xuống.
- Sao thế? Hoàng Ngâu có làm gì đâu mà Kha định thủ tiêu?
- Vì Hoàng Ngâu tàn nhẫn lắm!
“Tàn nhẫn”, em vẫn bị bà con gán cho tiếng đó nên không mấy ngạc nhiên, em thích tỏ ra tàn nhẫn với tất cả mọi người, thật ra thì tự lòng mình đâu bao giờ muốn thế.
Kha gỡ những ngọn gai còn vướng trên áo trắng nhìn em:
- Tự dưng Hoàng Ngâu buồn hẳn đi, sao thế?
- Buồn gì?
- Kha xin lỗi.
- Lỗi gì?
- Lỗi đã nói Hoàng Ngâu tàn nhẫn.
- Không phải là lỗi đâu. Điều ấy có thật mà.
- Có thật cũng không nên nói và có nói cũng không phải thật...
Em bật cười:
- Kha học ai câu đó?
Kha kêu lên:
- Trời ơi, người ta thông minh nhất nam tử như thế này mà nghi ngờ học lóm của ai. Câu nói hay ho như vậy phải do của Đỗ Khắc Kha nói ra chứ còn ai nữa.
- Lắm miệng, hay gì đâu, lộn xộn, lủng củng thấy mồ.
- Hoàng Ngâu không chê Kha là ăn không ngon ngủ không yên hở?
- Hình như vậy.
Kha đưa một nhánh lá lên cao, trước mặt em:
- Đố Hoàng Ngâu cái gì vậy?
- Nhánh lá.
Kha nhăn mặt:
- Đã đành, nhưng có cái gì mới được chứ?
Em lắc đầu:
- Không biết.
- Dở ẹt. Trái chùm bao.
Kha hái trong nhánh lá ra những trái vàng tươi, xinh xắn tựa như những quả dưa hấu bé con và lạ lùng hơn nữa là có những rễ bao quanh hình mạng lưới.
- Xinh quá, ở đây có nhiều thứ lạ ghê hở?
- Ăn ngon lắm, Hoàng Ngâu.
Em ngạc nhiên:
- Ăn được sao?
Kha gật đầu:
- Được chứ, ngon hơn dưa hấu nữa.
- Xịa!
Kha bật cười:
- Xịa là cái quái đản gì? Không tin ăn thử biết ngay.
- Sợ chết dại lắm.
- Kha ăn trước cho Hoàng Ngâu coi nhé.
Em ngần ngừ:
- Kha ăn rồi... 5 phút sau Hoàng Ngâu mới ăn.
Kha ngạc nhiên tròn mắt:
- Sao kỳ vậy?
Em cười thích thú:
- 5 phút chờ đợi coi thử Kha có ngã lăn ra chết không đã chứ!
- Trời đất!
- Đừng kêu trời đất gì cả.
- Hoàng Ngâu sinh vào giờ nào mà khôn ngoan, ma giáo quá vậy?
Em hất chân vào những đám mắc cở giăng giăng hoa tím:
- Giờ ngược với giờ sinh của Kha.
Kha lắc đầu, thở mạnh:
- Hoàng Ngâu quá lắm.
Em cúi xuống nhặt những quyển vở đặt trên ghềnh đá:
- Xuống đi Kha, sắp vào lớp rồi.
Gió thổi lồng lộng, tóc em bay, em cười:
- Nơi đây giống đỉnh gió hú dễ sợ, Ngâu muốn chạy ào xuống dưới kia.
- Đừng dại, Ngâu sẽ bay như một chiếc lá và mất tăm, mất hút.
- Không sao, thỉnh thoảng Ngâu vẫn muốn mất tăm mất hút như thế rồi đột ngột trở về.
- Người ngỡ đã đi xa nhưng người bỗng lại về đó hở? Nhưng không thơ mộng như thế đâu!
- Sao.
- Ngâu sẽ bay vù và mất hút dưới đáy vực chứ không phải rơi nhẹ nhàng xuống một chỗ ngồi êm ấm có dán cái tên Trần Thị Hoàng Ngâu trước mặt đâu.
- Nản nhỉ?
- Ừ, có nhiều cái tưởng là thơ mộng nhưng thật ra thì chán ngắt.
Gió thuận chiều như đẩy em xuống, con dốc thoai thoải khó đi dễ sợ, may mà hôm nay em đi sandale thấp chứ nếu diện giày cao như mọi hôm chắc sẽ trượt chân. Bên cạnh Kha đi có vẻ vững chãi hơn nhờ đôi ba ta vải
- Khó đi hở Hoàng Ngâu?
Em gật đầu:
- Hôm nào lên học hẳn trên này Ngâu sẽ mặc Jean và mang bata cho tiện. Không mặc áo dài nữa.
Kha tán thành:
- Ừ, học ở đây thì phải leo núi, thám hiểm rừng sâu... mặc áo dài khó khăn lắm.
°
*
Đó là khuôn viên của viện Đại Học cộng đồng Duyên Hải, tọa lạc trên đèo Rù Rì, ngọn đèo được khai phá rất là thơ mộng. Những chiều thứ sáu học vật lý, thầy Huy dẫn cả 3 lớp đệ Nhất A và B lên học nhờ trên giảng đường thênh thang của viện để tiện mượn những dụng cụ thí nghiệm. Thầy Huy cũng là giảng nghiệm viên của đại học này.
Em biết Kha từ lâu vì Kha cũng viết văn, làm thơ, vẽ vời chi chi đó. Hơn nữa, ở Nha Trang, thiên hạ thường quen mặt nhau hết trơn vì thành phố nhỏ bằng một bàn tay. Nhớ lại lần gặp Kha đầu tiên trong phòng thí nghiệm, Kha học năm thứ nhất Lý, Hóa. Hôm đó, thầy Huy bảo em lên phòng thí nghiệm lấy cái đèn ba cực. Khổ một cái là em đâu có hề bao giờ thấy cái đèn ba cực ra làm sao, nên đứng lúng túng dí mũi vào một dãy những chiếc đèn, ống nghiệm, bình điện giải và trăm thứ lạ lùng mà chẳng nhìn thấy cái gì giông giống cái đèn ba cực hết. Sợ thầy Huy chờ lâu, em nhìn ra thấy những anh chị sinh viên lố nhố ngoài hành lang và có vẻ học lý hóa (vì những phân khoa khác như Việt Văn, Sinh Ngữ thì cũng chả biết đâu là đèn hai cực với ba cực). Em đứng trong cửa, gọi với ra, trống không:
- Chỉ dùm tôi cái đèn ba cực.
Kha từ đám đông, bước vào, hỏi:
- Lấy cái đèn ba cực làm gì?
- Không biết, thầy Huy biểu lên lấy.
- Sao không lấy đi.
Em lúng túng:
- Không biết cái đèn ba cực là cái nào cả.
Kha tròn mắt:
- Đèn ba cực mà không biết. Trong bài học thầy Huy không dạy sao?
Cái tên này ăn nói có vẻ trịnh thượng quá đi mất, em hơi tức, đáp xẵng:
- Đèn ba cực là đèn hai cực có thêm một cực ở chính giữa.
Kha bật cười:
- Thuộc bài lắm.
Em dậm chân:
- Làm ơn chỉ dùm tôi không thầy Huy đợi.
Kha vẫn tỉnh bơ như không:
- Nhưng phải định nghĩa như thế này mới tìm ra “đèn ba cực gồm một bầu thủy tinh mà trong là chân không, có catod là dây tungsten f đốt nóng bởi nguồn điện 6,3 volt giữa F và F’, anod là...”
Em cắt ngang:
- Biết giỏi rồi, đừng khoe nữa.
- Giỏi mới học ở đây chứ. Dở thì suốt đời học ở Thánh Tâm.
Em giận quá, cả hắn lẫn thầy Huy. Sao thầy không chỉ rõ một chút để em tìm thấy khỏi phải hỏi để cho cái tên này lên chân lên cẳng nhỉ.
Em đóng mạnh cánh tủ, không thèm để ý đến những ngón tay hắn vịn trên cánh cửa. Hắn kêu lên:
- Ác vậy!
Em muốn cười khoái chí nhưng cố mím môi.
- Học Thánh Tâm mà em chẳng hiền như ma soeur tí nào cả.
Em không thèm trả lời, đi ra. Định về lớp nhăn với thầy Huy, Kha đi theo hình như hắn đã lấy chiếc đèn ra:
- Hoàng Ngâu.
Em hơi ngạc nhiên:
- Sao biết tên?
Kha nhún vai:
- Tự nhiên biết. Đèn ba cực đây này cầm về cho thầy Huy.
Hắn đưa cây đèn ra, trời ơi, sao mà chẳng có vẻ gì là đèn đuốc cả thế này. Em tưởng cũng tương tự như cái đèn dầu, đèn bão gì đó chứ. Nhưng ngắm kỹ một chút em thấy hắn giống giống cái bóng đèn nhờ bình thủy tinh chân không, tuy có hơi bình dị một chút:
- Cám ơn nghe!
- Không dám.
Em chạy về phòng học, hắn nói với theo:
- Lần sau nhớ đóng cửa mạnh hơn chút nữa nhé!
Em cười, nhưng Kha đâu có thấy.
Thầy Huy đứng đợi ngay cửa lớp:
- Đi một chút, lút một ngày.
Em nhăn mặt:
- Thầy không nói rõ làm con tìm bắt chết.
Thầy mắng:
- Tìm bắt chết tức cô không chịu học bài, chưa kịp mắng đã nhăn.
Em cải chính:
- Đâu có, con thuộc lòng lòng, khi nào bài thầy ra con cũng học cả “đèn ba cực là đèn hai cực có thêm một cực chính giữa” chứ gì...
Thầy cười khoan dung:
- Giỏi ngụy biện lắm! Thế ai bữa trước không thuộc bài rồi khóc?
Em chu môi:
- Thầy nói tai nạn nghề nghiệp cơ mà!
Em trở về chỗ ngồi, lật quyển vở vật lý trước mặt và tô đậm cái đề tựa “Hiệu ứng nhiệt điện tử”. Thầy Huy đang bắt đầu cho một bài giảng mới.
°
*
Giữa em với Kha là một thứ tình bạn êm đềm, thân ái, không ngờ mình lại có một thứ tình thân khác ngoài những bạn bè học chung với nhau suốt những năm Trung Học. Hôm đi tĩnh tâm bên tòa Tổng Giám Mục, cha Phong lưu ý nhắn nhủ rằng không bao giờ có một tình bạn trong sáng và chân thành giữa hai người khác phái. Em đã đứng lên, hùng hồn cải chính rằng là có, dẫn chứng mối tình Kim Trọng – Thúy Kiều sau khi tái hợp có trích thơ dẫn chứng đàng hoàng làm bằng cớ. Cha Phong trả lời rằng hãy cứ ngây thơ tin tưởng như vậy đi, rồi sau này em sẽ thấy những bằng chứng cụ thể trong đời sống sẽ chứng minh ngược lại lòng tin tưởng của em. Khi đến giờ hội thảo, Tích Hương ngồi cạnh, nói nhỏ vào tai em:
- Thôi, nói xa xôi, giông dài làm cái quái gì, cứ đem cái tình bạn tuyệt vời của Đỗ Khắc Kha và Trần Thị Hoàng Ngâu ra mà dẫn chứng cho tiện việc sổ sách.
Em gật đầu:
- Chứ sao, nhưng ta phải nói có sách, mách có chứng. Như thế ổng mới... hơi thua thua chứ bộ.
Em vẫn hư như thế. Cứ thích ăn đủ với tất cả mọi người, từ thầy cô, cha mẹ với đến những người quen kẻ lạ. Nhưng Tích Hương nói một câu làm em ngẩn người:
- Cha Phong hơi thua chứ ta không thua. Tình bạn ấy chỉ trong sáng về phía mi thôi, còn Kha, mi đâu biết hắn nghĩ gì trong đầu óc.
Em cố cãi, dân ngụy biện mà, nào có chịu thua ai bao giờ:
- Ta không biết và mi cũng không biết. Hắn nghĩ gì kệ hắn. Mình chỉ cần biết qua những cử chỉ bên ngoài thôi chứ. Tâm hồn mình đã hiểu thấu chưa mà đòi hiểu rõ tâm hồn người khác.
Tích Hương trầm giọng:
- Hoàng Ngâu à, mi bướng bỉnh lắm. Bây giờ còn quá sớm để mi đoán chắc những điều như thế.
Em lắc đầu:
- Không sớm không muộn gì hết. Ta đã nghĩ kỹ, ta ít khi lầm lẫn.
- Biết đâu đây là một trong những lần ít khi đó?
Em nhìn xuống trang sách mở trên tay mà không nhìn thấy chữ nào trong ấy, trả lời:
- Đừng nói vậy Tích Hương. Mi tưởng rằng bất cứ tên con trai nào gặp ta cũng đều phải thích, thương và yêu sao?
Tích Hương vạch những đường bút chì xuống tờ giấy dàn bài nháp:
- Không phải tất cả, chỉ những tên có chiều sâu tâm hồn một chút.
- Trời ơi, mi học triết mới có mấy bài mà đã học đòi làm triết gia rồi. Thầy Tuyên sẽ mừng lắm vì có một cô học trò xuất sắc.
Tích Hương ngẩng lên:
- Mi không nhìn thấy gì ở mi sao?
Em ngạc nhiên:
- Thấy cái gì?
- Những nét khác biệt...
- Sao?
- Khuôn mặt, giọng nói, điệu cười, tâm hồn, dáng dấp đều có một vẻ gì là lạ.
- Quái nhân đó hở?
Tích Hương cau mặt:
- Đừng có đùa, ta đang nói chuyện đứng đắn đàng hoàng mà.
Em le lưỡi chọc:
- Ghê, thôi xin lỗi. Nói đi.
- Tóm lại là mi có vẻ đặc biệt, dễ thương.
- Chao ơi là cảm động!
- Đáng cảm động lắm Hoàng Ngâu à. Ai mà khen ta như vậy thì ta ngất xỉu nữa là khác.
- Ừ thôi ta cũng xỉu đi một chút cho ra vẻ nhé.
- Thôi, nghe ta nói tiếp đây. Vì thế cho nên mi được nhiều người yêu mến dù rằng mi đôi lúc tỏ ra kiêu căng đáng ghét và tàn nhẫn vô nhân đạo...
- Hở??...
- Đừng hở nữa. Điều đó không đúng sao. Ta tưởng mi phải biết rõ hơn ta chứ.
- Có lẽ, nhưng ta không để ý!
- Bởi thế mới gọi là kiêu căng, nhưng mi có nhiều cái đáng để kiêu Hoàng Ngâu à.
Câu chuyện không ngờ lại quan trọng, trái hẳn những lời đùa cợt lúc ban đầu. Em duỗi dài hai chân, ngồi trong một cái thế thoải mái nhất.
- Trong lớp, mi không ngoan ngoãn hiền lành như Ngự Đàn, không chăm chỉ hơn An Như, thế nhưng mi vẫn được các thầy cưng hơn, mi không mềm mỏng dịu dàng như Ngọc Tuyết mà mi vẫn được bạn bè thương quý hơn. Phải công nhận điều đó.
Em hơi ngạc nhiên, những điều ấy em cũng mơ hồ cảm thấy nhưng không chú ý lắm... Bây giờ Tích Hương lại nói ra rành mạch rõ ràng.
- Ừ nhỉ? Sao vậy?
- Nói rồi, mi...
Tích Hương có vẻ lúng túng khi tìm một chữ dùng thích hợp để gọi. Em cũng hiểu, nhưng không biết gọi cái vẻ ấy là gì! Đặc biêt, là lạ hay có... từ tính. Em cắt ngang câu chuyện:
- Thôi ra ngoài hội thảo với tụi nó không thôi tí nữa biết gì mà nói. Nói dở thua mấy lớp kia thì quê lắm.
Tích Hương đứng lên, kéo em ra ngoài:
- Ừ, mi ra coi dàn bài trước đi.
°
*
Bài thuyết trình về “Tuổi Trẻ và Tình Yêu” của lớp em thế mà lại được giải danh dự. Lúc lên bắt đầu nói em cũng hơi khớp khớp, cả mấy trăm đôi mắt nhìn chăm chú như tìm sơ hở, lỗi lầm. Em thầm nhủ đừng sợ, đừng sợ. Và không sợ nhưng cũng hơi run một chút. Nhưng nói một hồi thì em không còn run không còn sợ gì nữa hết và tự nhiên ăn nói xuôi chảy dễ dàng, những bài thơ, những bản nhạc tha thướt êm đềm mà ngày thường em nghĩ là mình ít thuộc bỗng dưng theo nhau về trên đầu môi khiến em ăn nói văn hoa hơn, và hấp dẫn hơn một chút: “làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều, nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu (XD)”, “tình yêu như trái phá con tim mù lòa... Tình yêu như bão tố đi qua địa cầu... (TCS)” hay là nói một cách ngông nghênh như cô bé Jennifer-Cavilleri: “Yêu là không bao giờ nói rất tiếc” v.v...
Phần thưởng là một hộp kẹp đỏ thật đẹp và chiếc bình hoa bằng san hô mài mòn (hộp kẹo sau khi chia cho thầy và bạn bè, em còn những hai viên và một chiếc hộp to tướng).
Buổi tối khi ngồi trên sân thượng kể lại cho anh Tiên nghe chuyện, anh Tiên chọc:
- Cô đã có kinh nghiệm gì chưa mà thuyết trình sướng vậy?
Em nghinh mặt:
- Trời ơi! Ngâu như thế này mà anh còn nghi ngờ.
Anh Tiên cười:
- Đâu, Ngâu định nghĩa tình yêu cho anh nghe thử.
Em vòng tay, bó gối:
- Này nhé, nói theo Shakespeare trong Roméo et Juliette thì “tình yêu là một làn khói, tạo nên bởi hơi nước của những tiếng thở dài”. Nói theo Thomas trong Tristant et Iseult thì “kẻ nào không biết thế nào là tình yêu thì sẽ không biết thế nào là đau khổ”. Nói theo Nguyễn Du thì “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Nói theo Pascal thì “nguyên nhân chính của ái tình là cái gì mà suốt đời tôi không bao giờ hiểu được”...
Anh Tiên chấm dứt bài thuyết trình thứ hai trong ngày của em:
- Định nghĩa riêng của Ngâu thôi.
Em phụng phịu:
- Anh Tiên làm người ta cụt hứng, để từ từ rồi mới đến định nghĩa riêng của Ngâu chứ.
Anh Tiên giảng hòa:
- Thôi anh xin lỗi, nói đi.
Em cười:
- Định nghĩa của Ngâu cũng tương tợ như một câu văn Ngâu đọc ở đâu đó, khá lâu mà Ngâu chỉ nhớ thoang thoáng “tình yêu thật sự là tình yêu không nghĩ gì ráo, chỉ nghĩ đến chính nó thôi”.
- Vậy sao? Thế Ngâu có tình yêu thật sự chưa?
- Anh nghĩ sao? Rồi, hay chưa?
- Ơ hay, làm sao anh biết! Rồi, có lẽ vậy, hở?
Đáng lẽ lắc đầu, nhưng cái nụ cười trêu chọc của anh Tiên làm em gật đầu mạnh dạn không một chút ngại ngần:
- Anh ngạc nhiên không?
- Hơi hơi, nhưng với ai? Nguyễn Khoa Kiên?
Em kêu lên:
- Anh nghĩ thế thật sao?
Anh Tiên thắp một điếu thuốc, em ít khi trông thấy anh Tiên hút thuốc hầu như là không bao giờ
- Anh nghĩ thế và anh mong như thế. Kiên có đủ điều kiện để bảo đảm tương lai em.
- Em chưa bao giò nghĩ xa xôi như vậy.
- Vì em còn nhỏ, chưa biết so đo, tính toán, lớn lên chút nữa, như ở tuổi Hoàng Diễm em sẽ thấy những điều ấy rất là quan trọng.
- Em không nghĩ đến.
Giọng anh Tiên đột ngột nghiêm trang:
- Giữa Hoàng và Kiên, anh muốn Hoàng Ngâu phải chọn Kiên.
Em nghe giọng mình mềm đi:
- Anh Tiên.
- Đừng hoang mang, Hoàng Ngâu. Hoàng không thể nào bằng Kiên được. Hắn đi lính cũng như anh – không phải anh không thích Hoàng, hắn dễ thương lắm – nhưng Hoàng không bao giờ bảo đảm được hạnh phúc cho em.
Em cãi lại:
- Đâu phải Hoàng đi lính là Hoàng chỉ có bằng Tú Tài hai, như anh vậy. Hoàng cũng sắp có cử nhân Luật chứ bộ.
- Anh không nói bằng cấp. Hoàng đậu cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ gì cũng không quan hệ. Anh muốn nói rằng vào quân đội, bằng cấp vô nghĩa. Hắn có được đi dạy hay đi làm gì đâu, trừ phi là biệt phái. Anh nghĩ đến phương diện khác, vấn đề sinh mạng đó Hoàng Ngâu.
Em nghe tiếng nói của mình ấm nước mắt:
- Ai đi lính cũng chết hết cả sao?
- Không hẳn thế, còn nhiều loại lính: lính văn phòng như anh, lính tác chiến như Hoàng, hay được biệt phái như anh Kiên.
Em không dừng được câu nói đáng lẽ chỉ được phép nói với chị Diễm trước khi nói với bất cứ người nào khác:
- Anh đừng lo điều đó, Hoàng không bao giờ yêu em đâu, em muốn cũng không được mà!
Anh Tiên nhìn em qua đốm thuốc đỏ.
- Hoàng yêu chị Diễm, anh biết không?
Giọng anh Tiên sửng sốt:
- Em nói sao? Diễm hở?
Em không trả lời, lặng lẽ chùi những dòng nước mắt rơi xuống trong bóng đêm.
- Tốt lắm, cứ để Hoàng yêu Diễm hay bất cứ người nào khác, miễn không phải là em.
Anh Tiên ngừng nói, thắp một điếu thuốc khác, que diêm loé lên và vụt tắt, em nhìn thấy đôi mắt anh ăm ắp những ủi an, thương xót:
- Hoàng Ngâu có giận khi anh nói thế không?
Em lắc đầu. Giọng anh nhẹ hẳn đi như tiếng thở dài:
- Cứ khóc đi Ngâu, rồi sẽ nguôi, sẽ quên đi tất cả. Anh không thể chịu được khi Ngâu dại dột yêu Hoàng. Diễm thì được. Riêng Ngâu, em xứng đáng hưởng những hạnh phúc bền vững, dài lâu.
Không ngăn được nỗi buồn, em kể cho anh Tiên nghe về lá thư của Hoàng, về những dồn ép tình cảm bấy lâu mà đáng lẽ em phải giữ lại riêng mình không thể san sẻ cho ai được cả “gánh nặng sẽ nặng hơn nếu một người phải mang nó một mình”.
Trong dạ khúc phim Taha-Hussein đã viết như thế và em, em cũng nói như thế, rất thầm lặng, một mình.