Chương 4

    
im đồng hồ chỉ sáu rưỡi, bên ngoài trời đã tối. Sau một tuần truyền hóa chất dài đằng đẵng tôi ngồi co gối trên ghế sofa trong bộ đồ kiểu “mình chẳng thiết đi tắm nữa, đi ngủ ngay thôi”: Ngày mặc đồ ngủ. Lạ là mọi người lại nghĩ tôi thích đi ra ngoài đầu không đội tóc giả hơn là có đội. Rằng tôi muốn giải phóng đầu mình khỏi cái đống tóc đầy nặng nề đó bởi chẳng mấy khi tôi đi ra khỏi cửa. Chính vì vậy: Giải tán tóc!
Nhưng đâu phải vậy. Tôi hoàn toàn quên mất rằng thứ tóc trên đầu mình không thuộc về tự nhiên. Tôi thậm chí đã quen với chiếc giỏ đựng tóc giả của mình nằm cạnh đồ nữ trang như thể chúng vẫn luôn ở đó. Chúng đã trở thành một phần trong tủ quần áo của tôi. Hơn thế nữa: một phần con người tôi.
Trong bộ kimono với móng chân sơn đỏ, tôi nằm dài bên chiếc laptop, vừa gõ vừa xem Nhật kỷ tiểu thư Jones. Ngạc nhiên này nối tiếp ngạc nhiên khác, ngay cả đối với một cô gái tuổi đôi mươi như tôi. Thú tiêu khiển này là liều thuốc tốt nhất giúp tôi quên đi điều cứ mãi luẩn quẩn trong đầu: cuộc xét nghiệm ngày 31 tháng Ba tới. Tôi ngồi dậy tháo Daisy ra. Trong khi tìm Sue, tôi lấy bàn tay phải xoa xoa đầu mình. Trông nó thật kinh khủng nhưng sờ thì cũng thật dễ chịu. Rất mềm mại.
Trước khi đổi tóc, tôi nhìn hình ảnh của mình trong gương thêm một lúc nữa. Gò má may thay đã đầy đận trở lại, chỗ lõm sâu trên đó đã biến mất. Tôi cố gắng để thấy mình đẹp nhưng không thành công. Tôi cố gắng để cảm thấy là chính mình, cũng không thành công. Tôi vội vã đội Sue vào và lại nằm dài trên sofa.
Thứ Năm ngày 31 tháng Ba năm 2005
Hít vào thật sâu rồi thở ra thật dài, song hơn hết là nằm lặng im. Tôi phải tháo hết đồ nữ trang và lần này cả áo ngực nữa, nhưng tôi vẫn được mặc áo len để khỏi bị lạnh. Chiếc bàn hẹp tôi nằm trên đó đang chuyển động tới một khoảng ngắn hẹp, chỉ dài bằng phần trên cơ thể tôi. Nơi cần kiểm tra ở đây là vùng lồng ngực và bụng.
Tám dấu gạch chéo xuất hiện trên quyển lịch.
Ngày 31 tháng Ba.
Thời điểm quyết định.
Tôi nằm im thin thít. Theo dòng suy tưởng, tôi hồi tưởng lại hai tháng vừa qua. Hai tháng đó, chúng sống cuộc sống riêng của chúng vì vậy chúng rất dài song cũng lại trôi qua rất nhanh. Nhiều thứ đã thay đổi. Cuộc sống thường nhật của tôi, hơn hết là tương lai của tôi. Tôi phải thận trọng nín nhịn để không làm ảnh hưởng tới công việc của bác sĩ X-quang. Quá trình chiếu chụp diễn ra không lâu, chỉ khoảng mười phút, song cộng tất cả các thủ tục lằng nhằng khác thì kéo dài đến hơn nửa tiếng. Việc truyền chất phản quang vào cơ thể tôi không thành công ngay từ lần đầu tiên. Người ta bảo ven của tôi thuộc dạng ven khó bởi chúng nằm rất sâu. Song sau tất cả những gì tôi đọc và nghe được, họ luôn dùng cớ đó với tất cả bệnh nhân. Đơn giản là họ chưa luyện tập tìm ven thành thạo. Trước khi để lại trên người tôi năm vết bầm tím, họ nên luyện tập bằng cách chọc vào người nhau trước thì hơn.
Bác sĩ L hứa sẽ gọi điện ngay cho tôi để cứu vãn những ngày cuối tuần của tôi khỏi bị rơi vào tình trạng mập mờ. Tôi không biết liệu điều đó có tốt hay không nữa. Thà có những ngày cuối tuần đầy hy vọng còn hơn là biết rằng mình vừa có ít đi một cuối tuần.
Sáu giờ chiều, chuông điện thoại reo. Thường thì tôi sẽ không nghe máy bởi những lời động viên hỏi han đầy thiện chí đối với tôi là quá sức chịu đựng. Song lúc đó tôi đang đứng ngay cạnh điện thoại, nói đúng hơn là khi tôi hiểu ra sự việc thì nút nghe máy đã được bấm. Khi nghe giọng nói ở đầu dây bên kia, hơi thở của tôi ban đầu trở nên dồn dập, rồi sau đó dừng lại hẳn và cuối cùng người tôi toát đẫm mồ hôi: đó là bác sĩ L.
“Sophie à, tôi đã xem xét tất cả các kết quả chiếu chụp của cháu rồi. Chưa có kết luận cuối cùng nhưng...” Sau đó là tràng giang đại hải những gì mà tôi chẳng mấy quan tâm. Có vẻ bác sĩ L đã quên rằng tôi là bệnh nhân và tôi không có niềm hứng khởi nghề nghiệp như ông ấy. Thế giới của tôi hoàn toàn sụp đổ ở cái góc bếp nơi tôi vừa nhấc ống nghe điện thoại. Tất cả đều câm nín: cuộc nói chuyện của mẹ với cô hàng xóm, người ba phút trước còn đứng trước cửa với bó hoa tươi trên tay, cả những tiếng động ngoài phố. Chỉ có hơi thở của tôi và giọng nói của bác sĩ L là còn có thể nghe thấy.
“Như vậy là tin tốt ạ?” tôi hồi hộp hỏi.
“Ừ Sophie, tốt.”
Một tiếng thở dài thườn thượt.“Bác hài lòng chứ?” “ừ Sophie, tôi rất hài lòng.”
Có tiếng hét vui sướng vang lên trong căn bếp nhà Van der Stap.
Thứ Hai ngày mùng 4 tháng Tư năm 2005
May mắn cho tôi là còn có nhiều bệnh nhân ung thư khác cũng cô đơn. Hoặc những người từng là bệnh nhân ung thư, họ biết và hiểu những trải nghiệm và suy nghĩ điên rồ của tôi. Châm ngôn của tôi giờ đây là “Chia sẻ”. Từ “Chia sẻ” làm tôi sởn hết gai ốc.
Chợ Noordermarkt hôm nay thật đông đúc. Người mua tấp nập mua bánh mì, nấm, hoa; còn trong các quán cà phê, mọi người đang nhâm nhi thưởng thức món bánh nhân táo. Mặt trời chói chang và bầu trời xanh thăm thẳm. Gần một giờ, tôi có mặt ở quán De Winkel với đôi kính râm đen to bản, chiếc băng đô đen quấn quanh mái tóc vàng. Tôi hồ hởi tìm quanh các dãy bàn một người tên là Jurriaan. Jurriaan cũng bị chẩn đoán ung thư khi mới 21 tuổi và tôi với anh ấy là bà con họ xa. Giờ anh ấy đã 26 tuổi. Dưới một trong hai mái hiên nhỏ của quán có một cậu thanh niên đang lặng lẽ ngồi đọc tờ Thương mại NRC. Tôi tháo đôi kính râm, lông mi và lông mày của tôi đã dài được thêm phân nửa.
“Anh là Jurriaan?”
Người thanh niên ngước mắt lên. “Không.”
“Ồ.”
Tôi đi tiếp và ngồi xuống bên một chiếc bàn.
“Em là Sophie à?” Tôi ngẩng lên rồi nhìn thẳng vào đôi mắt đen của người có lẽ là Jurriaan.
“Chào, anh là Jurriaan. Anh nghĩ chúng ta đã gặp nhau ở đâu đó rồi. Trông em quen lắm.”
Đôi mắt đen của anh ấy nhìn tôi chằm chằm. Chúng tôi ôm hôn chào nhau. Jurriaan mặc chiếc áo phông màu xanh lơ không quá rộng bởi tôi có thể nhìn thấy cơ thể vạm vỡ của anh. Anh đi đôi giày hiệu Nike rất mốt và mang một chiếc túi trang trí nhiều hình ảnh lẳng nhằng. Một khuôn mặt đẹp dưới bộ tóc dày dặn. Giờ đây anh ấy không còn phải ra phố với một quả đầu trọc và đôi mắt trụi lông mày song anh ấy đã từng trải qua những điều tương tự như tôi. Tôi quan sát kỹ mái tóc và đôi mắt của anh ấy một lần nữa. Cả lông mi lẫn lông mày đều đã mọc rất dày. Tuyệt, sang năm tôi sẽ lại có bộ lông mi và lông mày dày như vậy.
Chúng tôi gọi hai cốc nước khoáng.
“Anh Jur” - tôi gọi người đồng cảnh ngộ của mình - “tình trạng của anh đã từng rất tệ hại?”
“Có thể nói là vậy. Hóa trị không mang lại nhiều kết quả và xạ trị cũng không làm teo u. Cuối cùng bệnh cũng tự nhiên thuyên giảm.”
“Tự thuyên giảm?”
“Ừ, các bác sĩ cũng không giải thích được điều này.”
“Vậy liệu em có phải tính tới điều gì đó tồi tệ không?”
“Trước mắt em là một quãng thời gian khó khăn Sophie ạ. Nhưng anh thấy em đã tìm thấy chút thanh thản nhất định và đang đi đúng hướng. Hãy cố giữ sự thanh thản đó và đừng để sợ hãi làm em phát điên. Hãy tập trung vào đợt xét nghiệm cuối cùng của em. Đợt xét nghiệm trước diễn ra thuận lợi đúng không?”
Tôi không còn nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình. Ngoài đôi mắt và giọng nói của Jurriaan, không còn gì tồn tại đối với tôi nữa. Tôi gật đầu.
“Em là một cô gái mạnh mẽ, anh có thể thấy điều đó. Anh chắc chắn em sẽ vượt qua được.”
Hai tiếng sau Jurriaan là người đứng dậy ra về trước. Tôi dõi mắt nhìn theo anh đi qua khu chợ Noordermarkt giờ đã vắng tanh vắng ngắt. Tim tôi vẫn đập thình thịch sau cuộc nói chuyện vừa rồi. Anh ấy là người cùng cảnh ngộ đầu tiên của tôi và là một người tuyệt vời. Jan - bạn tôi - gọi đó là “Bàn thắng hạnh phúc”. Đó là người tôi có thể trò chuyện và hơn thế nữa anh ấy còn rất bảnh trai.
Khi Jur kể về kinh nghiệm, tình cảm và nỗi sợ hãi của mình, tôi cảm thấy sởn gai ốc như lần biết yêu đầu tiên hay như sau khi Annabel hôn tôi một cái thật kêu.
Thực sự tôi là vậy, tôi thấy hơi có tình cảm với Jur. Chỉ đơn giản vì Jur cũng biết bệnh ung thư là gì và vì giữa chúng tôi, một ánh mắt cũng đã là đủ rồi. Và vì sự tốt bụng cùng vẻ đẹp trai của anh ấy nữa. Bánh nhân táo trộn kem, đó là món tôi thích chén với anh ấy nhất ở quán phố cạnh chợ Noordermarkt.
Thứ Ba ngày mùng 5 tháng Tư năm 2005
Có những màu sắc đối nghịch với nhau một cách ghê gớm và đôi khi bố tôi không hề nhận ra điều đó. Sáng nay ông mặc áo sơ mi xanh da ếch và bên ngoài là chiếc áo khoác màu xanh ô liu. Ông nói là đặc biệt dành cho dịp này. Dành cho dịp đưa tôi vào điều trị tiếp ở bệnh viện OLVG. Bố tôi luôn được ba người phụ nữ của mình tư vấn về cách ăn mặc mọi lúc, mọi nơi bởi ông không tự làm được điều đó. Như những ông bố khác, ông không thích đi mua sắm, những việc như vậy không làm ông quan tâm. Trước đây chắc hẳn phải rất khác bởi ông từng có bộ ria quặp ra hai bên dài tới hơn 20 phân. Trước khi đi ngủ ông phải dùng hai chiếc kẹp phơi quần áo giữ dáng cho bộ ria. Mỗi lần đi tiệc tùng ông lại mang theo con cá sấu nhồi bông đi giày trượt pa tanh của mình và kéo nó theo cả buổi sau lưng.
Hơn ba mươi năm trước nhờ số tiền thừa kế ông đã mua được một ngôi nhà cổ bên kênh và không lâu sau đó hành động này đã được chứng minh là một sự đầu tư đúng đắn. Để có thể trang trải cho việc tu sửa, ông đã dọn đến cùng năm người bạn. Trên hành lang ở cửa ra vào, mỗi người nhận một tấm đá lát có khắc tên mình: Ton - tên bố tôi, Raymond, Henk, Mark, Geert-Jan và một người khác cũng tên Ton. Loes - tên mẹ tôi, là tên cuối cùng trong căn nhà đó. Ngoài bố tôi, mẹ là người cuối cùng còn ở lại trong ngôi nhà này cho tới khi Zus và tôi ra đời. Sau đó chúng tôi còn có thêm ba chú mèo: Keesje, Tijger và Saartje. Keesje sau đó sống trong chuồng thú mà thực ra là một trang trại đồ chơi của trẻ em. Vì hai cô con gái nhỏ, bố mẹ tôi không nỡ lòng nào bán chiếc chuồng thú đó ngay cả khi Keesje là một con mèo tinh quái đáng ghét. Tijger thì bị xe cán trước cửa nhà khi nó được ba tuổi và nếu tôi nhớ không nhầm sau đó nó chết vì tràn khí màng phổi. Còn Saartje ở tuổi 15 ngày càng trở thành một thành viên dễ chịu trong gia đình.
Mắt nó đã mờ và đang dần bị lão suy. Điều đó được thể hiện qua việc nó ngày càng thu mình và qua những hành động bộc phát như tấn công tụi chó béc giê hay những cô bạn tới thăm tôi.
Tôi và bố được trận cười nghiêng ngả bởi trong lúc đi tiểu tôi đã phát hiện ra những chiếc lông mu đầu tiên đã rụng trên giấy vệ sinh.
Bố tôi đùa: “Cửa hàng cô có bán cả lông mu chứ?”
Tôi nói: “Hay cháu được nhận miễn phí vì đã mua tóc giả?”
Cũng nhân dịp bố tôi hôm nay diện toàn đồ xanh, tôi đội Sue còn mang theo Blondie trong túi vì các cô y tá và Bas đã lâu rồi không nhìn thấy Blondie. Tôi để Daisy và Stella ở nhà. Trên đường đi mọi người thường im lặng bởi tất cả bốn, ba hoặc hai chúng tôi luôn phải chuyển mạch suy nghĩ sang bác sĩ L, sang căn bệnh Rhabdomyosarkom, sang nỗi sợ hãi và tất cả những điều tồi tệ có thể có trong bệnh viện.
Ngay khi đặt chân tới bệnh viện OLVG những dòng suy nghĩ trong đầu tôi bị chuyển mạch hoàn toàn và giờ đây chỉ còn một điều sống còn: Phải sống sót. Bất chấp những lo âu khi màn đêm buông xuống, tôi luôn cảm thấy mình an toàn và được yêu thương. Đó là một thế giới nhỏ, cô đơn song cũng rất tốt đẹp và ấm áp. Việc thay đổi suy nghĩ đó giúp tôi vượt qua những tháng ngày trong bệnh viện, tuy nhiên nó lại làm khoảng cách giữa hai thế giới ngày càng lớn hơn. Một mặt là thế giới nơi chỉ có độc chiếc giường với một cô gái bị bệnh nằm trên đó, mặt khác là thế giới nơi có ngôi nhà ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương, vì nó mà nước mắt tôi cứ tuôn trào khi nghĩ tới chiếc giường cô đơn trong bệnh viện kia.
Trước mặt tôi hiện ra một vài tấm hình nhỏ màu đen mà bác sĩ L đã lưu vào chương trình hiển thị ảnh X-quang. Hôm nay tôi được phép xem những tấm ảnh của lần xét nghiệm kiểm tra. Bề ngoài thì đó là kết quả của những lần xạ trị đắt đỏ song điều đó không dễ nhận ra được. Bác sĩ L mỉm cười khi ông thấy mái tóc đỏ hoe của tôi, ông pha trò rồi đi thẳng vào vấn đề, vấn đề về phổi. Tôi cũng có thể nhận ra: Khối u đã teo nhỏ đi đôi chút. Nếp đường viền trên lá phổi phải có ít dị tật hơn hai tháng trước đây khi tôi bắt đầu cuộc chiến chống bệnh tật này. Màng phổi trái tạo thành một hình vòng cung căng và đẹp đến nỗi người ta có thể vẽ lại bằng com pa. Màng phổi phải, ngược lại, không thể mô tả được bằng com pa mà trông nó giống mì spaghetti trộn một hàng ravioli(3) ở giữa hơn. Chiếc to nhất nằm ở dưới cùng, sát buồng gan. Đâu đó ở giữa là Huey, Dewey, Louie tinh nghịch, còn phía trên cùng là một kẻ đào tẩu nép kín dưới ngực phải của tôi. Để dễ hiểu chúng ta hãy đật tên cho hắn là Black Pete. Tên bệnh của tôi rhabdomyosarkom có nghĩa là “hiếu thắng” (rhabdo), “cơ bắp” (myo) và “u ác tính” (sarkom). Các tế bào ung thư sẽ thâm nhập vào những cơ quan nhạy cảm trên cơ thể như mô liên kết, mô cơ hay bất kỳ loại mô nào khác. Tôi đọc được ở đâu đó rằng chân và tay là các bộ phận hay bị ảnh hưởng nhất và có thể bị cắt cụt. Tôi mừng thầm vì mình chỉ có phổi là bị ảnh hưởng.
3. Một món đặc sản của Ý, giống sủi cảo, có vỏ bằng bột mì và nhân được nhồi bằng thịt, cá, pho mát hoặc rau.
Bệnh của tôi có ba mức độ trầm trọng và tôi rơi vào cấp độ thứ hai. Không phải mức độ trầm trọng nhất, cũng chẳng phải đơn giản nhất. Do bệnh này còn hiếm nên người ta chưa biết nhiều về việc hình thành và quá trình điều trị nó. Phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng nguyên nhân là do một dị tật bẩm sinh. Nhưng cớ làm sao mà dị tật này lại xuất hiện trong tôi ở độ tuổi 21 thì không ai biết. Đáng báo động! Dù thế nào đi nữa dị tật này cũng làm cho các nhà nghiên cứu bệnh học, những người dường như rất khó bắt chuyện, bất đồng quan điểm về cách chẩn đoán bệnh của tôi. Bác sĩ L bảo tôi không nên lo lắng xem tên bệnh này là gì mà quan trọng là liệu việc điều trị có đem lại hiệu quả hay không. Và nó đã thực sự đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Quá trình điều trị không chỉ phải mang lại hiệu quả mà phải đủ hiệu quả để làm sao những tế bào u bướu cuối cùng còn trú ẩn trong cơ thể tôi cũng phải biến mất. Cơ thể tôi vẫn tiếp tục phải chiến đấu bởi lượng máu có đủ thì mới có thể tiến hành hóa trị. Một cảm giác nhẹ nhõm xâm chiếm lấy tôi bởi sự căng thẳng mà một vài phút trước tôi còn cảm thấy rõ mồn một dường như đã giảm bớt. Đã có những tin tốt nhưng phòng làm việc của bác sĩ L sẽ không bao giờ là nơi tôi có thể thư giãn.
Việc tôi mắc bệnh ở tuổi này khiến căn bệnh của tôi có phần bí hiểm hơn so với các trường hợp mà bệnh nhân là trẻ em. Như những gì tôi đọc được trong bệnh án thì đồng thời nó cũng khiến việc điều trị không hoàn toàn được thuận lợi. Phương pháp trị liệu này phù hợp với cơ thể của trẻ em hơn bởi cơ thể trẻ em hồi phục nhanh và tốt hơn so với cơ thể của một “thanh niên” như tôi được gọi trong bệnh viện OLVG. Việc tôi vượt qua được quá trình điều trị cũng đã là một cuộc chiến cam go hệt như cuộc chiến chống lại bệnh tật. Chính vì vậy lượng máu của tôi luôn được theo dõi gắt gao và sẽ được điều chỉnh kịp thời nếu nó vượt quá mức cho phép: truyền máu do lượng hemoglobin quá thấp, truyền bạch cầu và có thể cả truyền tiểu cầu. Cụ thể hơn lượng máu sẽ được thể hiện qua vẻ nhợt nhạt của gương mặt, sự mệt mỏi, khả năng chịu đựng kém và cả những vết xanh xuất hiện khi lượng tiểu cầu bị thiếu bởi tiểu cầu luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm đông máu. Biểu đồ chụp X-quang trên máy tính cho thấy các dị tật mà tôi đề cập trước đó không lớn hơn đầu một chiếc đinh ghim là mấy. Lúc đầu khối u lớn nhất trong cơ thể tôi có kích thước 5 X 2,5 cm, có thời kỳ nó đã phát triển lớn thêm gấp năm lần song giờ đã teo lại còn một nửa. Do việc các tế bào u nằm rải rác trên một cơ quan và hơn thế nữa do cơ quan đó lại là phổi nên lúc này việc phẫu thuật chưa được tính đến. Có lẽ ở giai đoạn sau. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc tôi có ít lựa chọn hơn song ngoài hóa trị còn có một phương pháp điều trị khác: xạ trị.
Tác động của quá trình điều trị bằng hóa chất có thể nhận thấy rõ mà khỏi cần nhìn vào những tấm hình hội chẩn bởi dần dần tôi đã tăng cân trở lại và lấy lại được sinh lực đã mất. Phương pháp hóa trị kỳ quặc ở chỗ nó thường làm cho bệnh nhân trông còn tiều tụy hơn là khi chỉ bị bệnh ung thư hành hạ. Tuy vậy, trường hợp của tôi có hơi khác một chút. Cơ thể tôi dần quen với các loại dược phẩm mới và hồi phục nhanh hơn sau mỗi lần truyền dịch. Tuy nhiên bác sĩ L vẫn còn khá hoài nghi, ông sợ rằng đến cuối năm tôi chỉ còn là một bộ xương cô độc lượn lờ trong khoa của ông.
Trừ việc bị kiệt sức sau một tuần ở bệnh viện OLVG và một cái đầu trọc lốc, tôi cảm thấy mình khỏe mạnh. Người ta không nhận thấy điều đó ở tôi. Đám u bướu kia càng teo đi bao nhiêu tôi càng cảm thấy khỏe mạnh bấy nhiêu. Tôi đã phải trả giá bằng sợ hãi và sụt cân, bằng những lần vã mồ hôi và nôn mửa. Song cơ thể tôi dần dần đã quen với những thay đổi mới và càng ngày tôi trông càng giống Sophie và ít giống một bệnh nhân ung thư hơn. Giờ tôi hiểu rõ hơn về tác dụng của các loại thuốc và việc uống thuốc đúng giờ sẽ giúp tôi không còn bị nôn mửa. Tôi coi đợt điều trị như một người bạn xa lạ, người tìm mọi cách giúp tôi khỏe mạnh trở lại chứ không còn coi nó là kẻ thù nguy hiểm nữa. Nếu có ai đó nói xấu về phương pháp điều trị bằng hóa chất, tôi sẽ dạy cho anh ta một bài học. Đây là bệnh của tôi, cuộc chiến của tôi, sân chơi của tôi và tiếng nói của tôi.
Tôi ngừng việc học ở khoa “Khoa học chính trị” của trường đại học, việc học của tôi giờ đây chỉ diễn ra ở thư viện y học của Trung tâm AMC. Cuối cùng tôi cũng đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi của mình. Một bản copy của cuốn bệnh án luôn đồng hành cùng tôi khắp mọi nơi như để chọc giận chị y tá Annemarie, người trong giờ nghỉ vẫn phải luôn túc trực bên máy photocopy để sao chụp giúp tôi. Tất cả các bác sĩ tiếp xúc với tôi đều bị tôi hỏi một điều gì đó. Tôi muốn biết mọi thứ, muốn hiểu mọi thứ, muốn nghiên cứu mọi thứ. Kể cả nghiên cứu cơ hội sống sót của mình. Nghe có vẻ vô nghĩa khi ai đó tìm hiểu về cơ hội sống sót của chính mình chỉ qua các thống kê. Cơ hội sống sót của tôi đã tăng từ năm mươi lên bảy mươi phần trăm khi khối u được chẩn đoán là ở phổi chứ không bám vào gan. Dù vậy đối với tôi và vị bác sĩ của mình thì việc này cũng không nói lên nhiều điều. Những đánh giá khó hiểu của loạt xét nghiệm mà tôi vẫn phải mang theo khi đi kiểm tra máu giờ đây trở thành điểm tựa. Tôi tìm lại được niềm tin để hướng về phía trước, để nuôi hy vọng và để rũ bỏ nỗi chán nản. Và hơn thế nữa tôi yêu cuộc sống mới của mình: những khoảng thời gian dài thênh thang tôi có được cho riêng mình, những mớ tóc giả đưa tôi đi qua cuộc đời như một người phụ nữ đích thực. Một lần nữa tôi lại dám quyết định số phận riêng của mình.
Gia đình tôi thận trọng điều chỉnh bản thân cho phù hợp với điều kiện tinh thần và thể chất của tôi. Tình trạng mệt mỏi kéo dài khiến sức chịu đựng của tôi xẹp xuống chỉ còn ngang bằng với lòng khoan dung của một mụ phù thủy già. Mọi người trong nhà để ý giọng nói, nét mặt của mình mỗi khi gặp tôi bởi họ sợ làm mếch lòng cô công chúa ngủ trên hạt đậu. Tôi đâu có chỗ cho những biểu hiện tình cảm của mọi người trong nhà, tôi chỉ còn chỗ cho những tình cảm của riêng mình. Tôi chắc sẽ không chịu nổi nếu thấy họ đau buồn đến suy sụp vì tôi. Vì thế, và cũng vì một lý do nữa là tôi ngày càng cảm thấy phải tự mình giải quyết các vấn đề cá nhân nên tôi muốn tự mình làm tất cả mọi việc. Các cuộc nói chuyện, những lần xét nghiệm, kiểm tra máu hằng tuần... tất cả, dù cho những việc đó cũng chẳng có gì là vui vẻ. Cuộc xét nghiệm kiểm tra đầu tiên đã ở sau lưng tôi, số áo phông đẫm mồ hôi của tôi giờ đã giảm xuống bằng không. Với con số không này tối nay tôi lại trở về phòng bệnh của mình, ra khỏi căn nhà của bố mẹ dù không xa bệnh viện là mấy. Về phòng bệnh với cuốn sách về Lance Amstrong, người bảy lần vô địch cuộc đua Tour de France, người chiến thắng căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã di căn lên tới não, người sáng lập ra chiếc vòng tay vàng mà mỗi euro tiền thu được đều giành để quyên góp cho cuộc chiến chống bệnh ung thư.