âu chuyện nầy xảy ra trên đất Vãng (Vĩnh Long) mà người đàng cựu gọi là đất Long Hồ.
Cầu Lầu trước thời Pháp thuộc chỉ là chiếc cầu cột gỗ căm-xe lót ván bắc qua con kinh nối liền với rạch Cái Trê. Ở khúc giữa cầu có lầu canh với mặt tiền sơn son thếp vàng.Về sau, con kinh ấy mang tên kinh Huỳnh Tá đổ ra con sông Long Hồ trước khi đổ ra sông Cổ Chiên.
Khi câu chuyện nầy bắt đầu thì đất nước đã vào đầu thập niên 30. Cầu gỗ mà bút giả không biết đã được thay thế từ bao giờ bằng cầu đúc bằng bê-tông cốt sắt. Xóm Cầu Lầu, từ trung tâm thành phố ngó về hướng Cầu Vỹ, Mai Phốp, Vũng Liêm và đưa về tỉnh Trà Vinh, cách giốc cầu chừng 20 thước. Xóm nầy bắt đầu đông đúc. Bên trái, cách giốc cầu hơn 20 thước là trại cưa và trại nhuộm vải quay mặt trước về sông Long Hồ. Còn bên mặt quốc lộ là ngôi chợ nhỏ. Bên hông chợ có con đường nhỏ chạy song song với kinh Huỳnh Tá. Cách chợ, cũng nằm bên mặt quốc lộ là chùa Giác Thiên, một ngôi phạm vũ khá lớn, đàng sau có ruộng, chung quanh có vườn. Cách chùa một lạch nước có viền cây điều, cây đọt chiết và cây đọt lụa là nhà ông Hương Chủ Trần Xuân Lầu. Ông là bực diền chủ có 200 mẫu ruộng ở miệt Long Hồ và hai mẫu vườn xung quanh nhà. Nhà ông gồm ba gian hai chái, nền xây đá xanh, mái lợp ngói âm dương, cột kèo chạm trổ tinh xảo.
Ông bà Hương Chủ Lầu có ba người con gồm hai trai và một gái. Cậu trưởng nam là Hai Trần Xuân Vui từ 30 tuổi đem vợ con lên Lèo lập nghiệp. Còn cậu Ba Trần Xuân Rạng thì lần hồi tạo được cái vựa cá và vựa khô trên Biển Hồ (Cao Miên). Cả hai đều thuộc hạng nghiệp chủ giàu sụ, có tiền muôn bạc vạn. Còn cô Út Xuân Lan thì làm bé cho quan Chánh Chủ Quận Đặng văn Thiệt ở quận Càn Long, nhưng cô sớm từ trần vì chứng hậu sản. Vì không mong hai thằng con trai trở về quê quán để phụng dưỡng mình nên ông bà Hương Chủ Lầu bắt thằng con trưởng nam của Hai Vui tên Trần Xuân Tòng và cô em kế của Tòng tên Trần thị Bích Đào về nuôi. Ba Rạng cũng cho cô trưởng nữ của mình là Trần thị Phương Liên về ở với tía má mình. Ông Chánh Chủ Quận Thiệt cũng bằng lòng để cho cô con gái út của mình là Đặng thị Mộng Cúc về ở với ông ngoại bà ngoại cô bé vì quan phải cưới một hơi hai cô vợ bé khác trám vào chỗ cô Út Xuân Lan vừa từ bỏ dương trần.
Ông Hương Chủ Lầu là giáo dân Bửu Sơn Kỳ Hương nên trong nhà không bày bàn thờ Phật, mà chỉ bày bàn thờ ông bà. Mỗi năm 4 kỳ rằm: rằm thượng ngươn (tức là rằm ngươn tiêu), rằm trung ngươn (rằm tháng Bảy âm lịch), rằm trung thu (rằm tháng 8 âm lịch), rằm hạ ngươn (rằm tháng 10 âm lịch), ông thường đi hành hương chùa Phật Thầy Tây An (núi Sam, Châu Đốc). Vả lại, tại Vĩnh Long, vùng cù lao An Thành có nhiều giáo dân Bửu Sơn Kỳ Hương ở rải rác tậu ruộng lập vườn cho nên ông lui tới cù lao An Thành hà rầm. Ở đây, có người em con nhà chú của ông là ông Bảy Trần Xuân Hên cất một cái nhà ở gần đình, bên kia cầu ván. Ông Bảy Hên nhờ làm rẫy làm vườn mà dư ăn dư để. Hơn nữa, bà vợ ông biết làm mắm cá cơm và nem cá cơm ngon nổi tiếng. Mắm cá cơm ngon hơn mắm nêm vì phải chọn loại cá cơm lớn con để làm mắm. Mắm nêm nước ngon và trội hơn cái mắm; còn mắm cá cơm phần nước tuy cũng ngon, nhưng ít hơn phần cái mắm. Nem cá cơm của bà Bảy Hên đỏ hỏn, ngon ơi là ngon không thua nem thịt heo nên được bợm nhậu ưa lắm. Còn mắm cá cơm của bà Bảy dùng để rưới lên tô bún đệm rau xắt ghém, thịt phay và tôm luộc, ngon... chết giấc luôn!
Ông Hương Chủ Lầu vì không có em trai nên thương yêu ông Bảy Hên lắm. Ông bà Bảy chỉ có cô con gái tên Giai Nguyệt xinh đẹp, lớn hơn cậu Xuân Tòng sáu tuổi. Cô kết hôn với Huỳnh Háo Nghĩa, thầy giáo dạy lớp nhứt ở trường Nam tiểu học cất xéo xéo với Sở Trường Tiền. Vợ chồng cô ở chung với ông bà Bảy Hên.
Ông Hương Chủ Lầu về già càng tu kỹ hơn nên ăn chay trường và hay làm van làm phước. Ông ưa nghiên cứu sấm giảng của Đức Phật Thầy Tây An cùng các sấm giảng và thi ca của các ông Đạo nổi tiếng miền Thất Sơn như Đức Bổn Sư (tục danh là Ngô Lợi), của Sư Vãi Bán Khoai, của ông Ba Thới v.v... Ông ham giảng, ông Bảy Hên ham nghe. Do dó hai anh em thúc bá coi nhau như tri kỷ. Cho nên ông thường ăn dầm nằm dề ở bên An Thành. Riêng bà Hương Chủ Lầu thường giúp đỡ em dâu trong việc tiêu thụ nem và mắm nên cả hai rất tương đắc. Còn cô Giai Nguyệt và chồng là thầy giáo Huỳnh Háo Nghĩa thường lui tới xóm Cầu Lầu để thăm viếng hai bác và lũ cháu của mình. Lại nữa, Trần Xuân Tòng lại là đồng nghiệp của thầy giáo Nghĩa, cũng dạy lớn Nhứt trường Nam tiểu học. Mỗi ngày, trừ ngày thứ năm và chúa nhựt, thầy Nghĩa dùng cơm trưa ở nhà ông bà Hương Chủ Lầu, chớ không trẫy đò ngang về cù lao A n Thành.
Nhà ông Bảy Hên là nhà hương hỏa quá xưa cũ, được tu bổ lần hồi vách, mái, rui kèo, trừ mấy cột gỗ căm-xe. Hồi xưa, từ Chợ Lách lên Vĩnh Long lập nghiệp, ông Hương Chủ Lầu ở đậu tại nhà ông Bảy Hên một thời gian. Ông được gia chủ dành cho một căn buồng, có cửa sổ quay về chái hè bên trái của đình làng.
Một hôm, có một người ăn mày tuổi cỡ 40 ngoài, tới đình kiếm ông từ để xin tá túc. Anh ta bị cụt chân trái và cụt cánh tay mặt.Tuy không làm nghề chài cá câu tôm, nhưng anh ta có chiếc xuồng chở theo một chiếc nóp, một cái gối rơm, một cái nồi, một cái ấm đất cùng một mớ đũa tre và chén dĩa bằng sành. Ông từ có lòng nhơn, kê cho anh ta cái vạt tre để anh ta có chỗ ngủ cao ráo. Sáng sáng, anh ta đi đò qua chợ Vĩnh Long để ăn xin, chiều tối mới về. Động lòng trắc ẩn, ông Hương Chủ Lầu trả cho anh ta tiền đò hàng tháng và lại còn cứ mỗi tháng tặng anh ta một bao gạo. Suốt 4 tháng như vậy, ông Hương Chủ Lầu tuy lui tới cù lao An Thành và Chợ Lách như nước lớn thay phiên nước ròng, nhưng cuộc cấp dưỡng không hề gián đoạn.
Một đêm cuối tháng 10 âm lịch, tiết trời lạnh buốt, ông Hương Chủ Lầu không ngủ được vì uống hai cữ trà hồi xế và hồi chiều với ông Bảy Hên. Ông ngồi bên cửa sổ ngó mông qua chái hè bên đình, chợt thấy người ăn mày kia đang gom lá cây da khô, đốt lên một đống lửa sáng rực để xem sách. Tò mò, ông Hương Chủ Lầu mở cửa vượt qua cầu gỗ để qua bên hè đình. Ông hỏi:
- Chú em đọc sách gì vậy?
Người ăn mày chìa quyển sách viết bằng chữ Nho trên những tờ giấy bản mỏng tanh xếp làm đôi:
- Đây là cuốn tập do tui sao chép bài sấm giảng của Đức Phật Thầy Tây An và các bài thi cùng sấm giảng của các đồ đệ của ngài. Tui đọc để suy niệm về thời Hạ Ngươn và Hội Long Hoa sắp tới.
Ông Hương Chủ Lầu ngồi bên đống lửa, đối diện với người ăn mày, tay cầm quyển sách lật vài trang rồi bảo:
- Té ra chú em là bực kỳ nhơn dị khách mà bấy lâu nay, tui đâu có dè.
Nhưng chú sao chép mà có ý định giải nghĩa cho rạch ròi những nghĩa thú của mấy bài sấm giảng không?
Người ăn mày cười nửa miệng:
- Thiên cơ bất khả lậu. Nhưng với ông, tui nhận thấy ông đã chuẩn bị bước vào Hội Long Hoa rồi vì ông ăn hiền ở lành, tôn trọng và thiệt hành Tứ Báo Ân mà Đức Phật Thầy hằng răn dạy bá tánh. Thời Hạ Ngươn dẫy đầy khổ đau hệ lụy trong cõi Ta Bà sắp chấm dứt, ông đã từng thi ân bố đức và tạo ruộng phước cùng tu tâm dưỡng tánh thì lo gì mà không bước vào hội ấy để hưởng phước thanh nhàn hay sao? Đêm nay là đêm chót tui còn ở đây. Ngày mai tui sẽ lìa nơi đây để hoằng pháp độ sanh cho dân chúng ở địa phương khác.
Anh ta mở chiếc bao cà-ròn (thứ bao dệt bằng lá bàng) lấy tấm gương tròn, đường kính hơn một tấc đưa cho ôngHương Chủ Lầu:
- Để đền đáp ơn cưu mang giúp đỡ của ông, tui xin tặng ông cái bửu cảnh nầy. Ông hãy làm cái giá bằng gỗ trầm hương để đặt nó vào và thờ nó trên chiếc trang. Nhớ phủ tấm kiếng nầy bằng vải hồng điều, không cần thắp nhang hay chưng ngũ huê ngũ quả gì hết. Khi nào, gương phựt ra yếng sáng rọi qua lượt vải hồng điều thì nên lột vải ra và nhìn vào kiếng sẽ thấy những lời khuyên hay những lời báo tin trước của tui.
Sau khi người ăn mày rời khỏi cù lao An Thành, ông Hương Chủ Lầu tìm thợ làm cái giá gương và thờ tạm trong nhà của ông Bảy Hên. Rồi ông qua bên Chợ Vãng và các làng mạc phụ cận để tìm đất cất nhà cốt sao cho gần những dây ruộng gồm 200 mẫu nằm trong cuộc đất Long Hồ. Ngôi nhà và ruộng vườn ở Chợ Lách thuộc về phần hương hỏa của người anh trưởng của ông. Sau cùng, ông chọn cuộc đất ở gần chùa Giác Thiên, cách khuôn viên của chùa một mương nước. Mương nầy băng qua hông vườn ông, rồi vòng qua sau vườn chùa và đổ nước ra kinh Huỳnh Tá.
Bỗng một hôm, trên trang thờ, tấm kiếng phát ra ánh sáng, lọt qua lớp vải hồng điều. Ông Hương Chủ Lầu giở tấm vải ra thì thấy trên mặt kiếng hiện 4 dòng chữ Quốc Ngữ:
Cú! Cú ơi! Cú à!
Cú đậu nhà ta
Phú quới vinh hoa
Bá niên giai lão
Ông Hương Chủ Lầu và ông bà Bảy Hên không hiểu ý tứ 4 câu ấy ra sao. Hai anh em nhờ thầy bói coi ngày gác đòn dong thì thầy bói dặn vào đêm rằm hạ ngươn, đúng nửa đêm thì nhằm giờ tốt. Nhưng khi thợ vừa gác đòn dong xong thì có con chim cú bay lại đậu trên cây đòn dong kêu 3 tiếng ghê rợn. Sực nhớ tới bốn dòng chữ trên mặt kiếng, ông Hương Chủ Lầu đọc lớn lên. Con chim cú bay mất. Cuộc cất nhà vẫn tiến hành. Trong vòng 10 năm sau, từ 20 mẫu ruộng, nhờ những năm trúng mùa, nhờ bà Hương chủ buôn bán mắm, cá khô, nước mắm mà ông sắm được tất cả 200 mẫu ruộng tốt. Nhưng buồn một nỗi là hai cậu con trai của ông bà bỏ nhà đi tận Mên, Lèo để lập nghiệp và cô con gái Út của họ sớm từ trần.
Khi độc giả bắt đầu bước vào thế hệ thứ ba của gia đình ông bà Hương Chủ Lầu thì ông đã từ trần cách đây 8 năm, còn cậu Trần Xuân Tòng vừa dạy học được 4 năm, cưới cô Lê thị Tuyết Mai, con thầy Hương Quản Lê Huỳnh Long ở gần Cầu Công Xi Heo được 2 năm. Tấm bửu cảnh vẫn được thờ trên trang, tấm vải hồng điều che phủ kiếng đã thay năm sáu lượt gì rồi. Từ khi cất nhà cho đến nay, nó chỉ chiếu 4 lượt: lượt đầu báo tin cậu Hai Vui đi Lèo, lần thứ hai báo tin cậu Ba Rạng đi Biển Hồ, lần thứ ba báo tin cô Út Xuân Lan chết vì chứng hậu sản. Lần thứ tư báo tin ông Hương Chủ Lầu từ trần. Sau đó, nó không báo tin những biến cố khác.
Cô Tư Phương Liên bảo bà Hương Chủ Lầu:
- Chú Chệt Cấm Loòng hôm qua có gặp con ngoài chợ Cầu Lầu. Con có nhờ chú ấy sáng nay đến đây lau chùi kiếng. Chú ấy đã nhận lời rồi.Vậy mà chị Đào và con Cúc hôm nay đi vắng.
Bà Hương Chủ Lầu không nói gì, chỉ sai con Mận vào phòng cô Bích Đào và phòng cô Mộng Cúc thu thập kiếng lớn kiếng nhỏ để cho chú Chệt Loòng lau chùi hoặc giồi sáng vài tấm tróc nước thủy. Cô Tuyết Mai và cô Phương Liên cũng bắt chước gom góp mấy tấm kiếng của mình chờ chú Chệt Cấm Loòng tới.
Vừa quãy gánh dụng cụ tới, Chệt Cấm Loòng ngó qua mấy tấm kiếng, hỏi bà Hương Chủ Lầu:
- Nè pà chủ nhà, hình như còn tấm kiếng chên chang thờ nữa chớ, cái tấm kiếng che dzải lỏ lớ. Kiếng thánh kiếng tiên pấy lâu không chùi thì hết linh. Pà chủ nhà nên lưa nó cho ngộ lể ngộ chùi luôn thể li pà.
Bà Hương Chủ Làu sai cô Tuyết Mai bắc ghế leo lên trang lấy tấm bửu cảnh. Nhưng Chệt Cấm Loòng ngăn lại:
- Không có lược, mợ Hai à, tay tờn pà dơ dáy lớ, không nên cầm kiếng linh lớ. Phải nhờ tay con chai mới lớn lớ.
Bà Hương Chủ Lầu bèn sai thằng Quí, hề đồng của cậu Xuân Tòng đi lấy kiếng linh để chệt chùi.
Phải mất nửa ngày, kiếng lớn kiến nhỏ trong nhà mới chùi xong. Tấm kiếng nào tróc nước thủy lam nham cũng được tráng nước thủy để giồi sáng lại. Bà Hương Chủ Lầu sai con Mận đi mùa mì cho chệt, nhưng chệt ngăn lại:
- Hôm nay, ngộ ăn chay lớ. Pà chủ cho ngộ ăn cơm với nước tuơng lược dồi.
Bà Hương Chủ Lầu thưởng cho Chệt Cấm Loòng 5 đồng bạc vì chệt còn giồi mấy tấm kiếng hình hột xoài cẩn trên mặt 4 tủ áo nữa. Khi chệt đi rồi thì vợ chệt là cô Hai Biểu ở cuối xóm tới chơi. Chị ta phàn nàn:
- Hai hôm rày chồng tui bị kiết nằm liệt giuờng. Chị Năm Hui bày cho nó uống nước dừa xiêm tươi trộn với nuớc cốt rau má đâm nhuyễn mới khỏi. Trọn ngày nay, nó còn mệt nên nằm ở nhà.
Cô Tuyết Mai chưng hửng:
- Từ sáng tới xế nầy, chú Loòng ở đây giồi mấy mặt kiếng mà. Chị Hai Biểu lấy làm lạ:
- Làm gì có. Thằng quỉ đó còn mệt nên ngủ li bì cho lợi sức, chớ có đi ra khỏi nhà đâu.
Hôm sau, chệt Cấm Loòng qua nhà bà Hương Chủ Làu xác định rằng hôm qua chệt chưa hề rời khỏi giường. Ai nấy đều lấy làm và không sao giải thích hiện tượng kỳ dị đó.
Đêm đó, cô Mộng Cúc nằm chiêm bao thấy một người cụt một tay và cụt một cẳng xuất hiện trong giấc chiêm bao, bảo:
- Nè cô Mộng Cúc, tui là ông Đạo Cụt ở Thất Sơn, trước kia có quen với ông ngoại cô và có tặng ổng tấm kiếng linh.Vì không được lau chùi từ lâu nên kiếng linh trở nên kiếng thường. Được biết cô là người có lòng nhơn đạo nên tui muốn dùng bửu cảnh giúp cô hoán cải dung nhan. Tui giả dạng Chệt Cấm Loòng đến nhà ngoại cô chùi lau kiếng, chớ tay chệt là tay phàm ô uế làm sao đem lại phép linh cho kiếng được?
Sau đó hai hôm, trang thờ bửu cảnh bỗng sáng rực lên. Cậu Xuân Tòng đem kiếng xuống cho mọi người trong nhà coi thì thấy trên mặt kiếng hiện hình ảnh một bông cúc tẩm những giọt sương lóng lánh. Cô Bích Đào bàn:
- Không chừng có người xin cưới con Cúc. Nếu được vậy thì mình nên mừng cho nó.
Cô Phương Liên kín đáo trề môi, rỉ tai cô Tuyết Mai:
- Còn lâu. Cái thứ gái có cái mặt rỗ như té thùng đinh đó, họa may có thiên lôi mới đi cưới nó.
Cô Tuyết Mai nói nho nhỏ đủ cho cô Phương Liên nghe:
- Đời nay thiếu gì thiên lôi. Cô khéo lo!
Như vậy, trong gia đình bà Hương Chủ Lầu có sự hục hặc: hai cô Tuyết Mai và Phương Liên một phe; cô Mộng Cúc một phe. Còn cô Bích Đào thì treo tòn teng ở giữa, không binh ai, mà cũng chẳng bỏ ai.
Cô Hai Giai Nguyệt thường than với chồng:
- Hễ em mà qua Cầu Lầu thăm bác Hương Chủ gái thuờng gặp con Mộng Cúc gấu ó với con Phương Liên và vợ thằng Hai Tòng. Con Cúc hổn dữ thường làm cho con cháu dâu em khóc hoài. Nếu khi em qua thăm bác gái mà vắng con Cúc, em nghe hai con kia nói xấu con Cúc; tàu xe nào chở hết lời thô lời ác của tụi nó. Rủi đang lúc đó, con Cúc ở đâu trồi đầu vác thây về là tụi nó nín khe.
Thầy Giáo Háo Nghĩa gật đầu:
- Ừ hè, mặt con Cúc vốn có oai đức. Cái nhìn nó loang loáng ánh oai nghiêm nên mấy con kia không dám ngó nó lâu.
*
°
Vào Tết Đoan Ngọ, cô Bích Đào đi hái lá ngải cứu về cắm trong các bình bằng đồng và treo bùa ở cửa cái lẫn cửa sổ để trừ tà. Xong, cô đi chợ mua trái cây loại thời trân như mận, xoài, dưa gang, khóm, thơm tây, dâu miền dưới để đem về cúng thổ thần thổ đîa cùng than tài. Còn cô Mộng Cúc thì đi ra nhà bán sách gần bến xe đò để mua sách báo.
Cô Phương Liên cùng quằn với cô Tuyết Mai:
- Thứ con gái chưa chồng mà xí xọn đã khó coi rồi, mà lại còn hổn hào dữ tợn thì có nước lỡ thời. Thằng nào có gan cách mấy cũng không dám rước nó về làm vợ, để khỏi bị nó trèo lên đầu lên cổ phóng uế...
Cô Tuyết Mai liếc về phía tấm ảnh của cô Mộng Cúc, cất giọng chì chiết:
- Xời ơi, chắc cô cũng dư biết cô ả đó nhờ ba cái văn chương thi phú mà cũng được mấy tên trí thức khờ khạo đeo đuổi. Ngày nào cũng có mấy tên khùng thơ lậm văn chà lết quết xảm cái đít trên hai chiếc trường kỷ nhà nầy. Cô ả xấu như ác mộng mà cũng có kẻ mê say.
Cô Phương Liên trề môi dài cả thước:
- Họ mê nó về chuyện bàn bạc văn chương chớ họ có si tình nó đâu? Chưa chắc họ lại đây để bàn luận văn chương với nó. Biết đâu họ giả bộ thăm viếng nó để được nhìn trộm chị Bích Đào hay để ngắm lén em?
Trong ảnh, cô Mộng Cúc nhờ đèn rọi, nhờ được chọn góc cạnh khéo nên cô ăn ảnh kỳ lạ! Ai mà thấy những vết rỗ hoa mè trên khuôn mặt cô ta? Ảnh nầy là loại ảnh đen trắng thì làm sao thiên họ rõ được màu da ngăm đen của cô ta? Và ai mà biết màu môi tái của cô ta dưới lớp son bóng lưỡng coi có vẻ mọng thắm như trái nho chín? Ai mà biết người trong ảnh có tướng đi cứng ngắc như đờn ông? Ai mà biết đương sự kém tế nhị, cứng cỏi, ương ngạnh, có phản ứng mạnh, ưa nói năng như phang củi tạ vào đối phương đối thủ?
Hai cô Tuyết Mai và Phương Liên đều là người đẹp. Cô Phương Liên có khuôn mặt lạnh lùng, thờ ơ và xa vắng cùng điệu bộ khinh bạc kiêu kỳ. Nhưng đó chỉ là thái độ ngụy trang tâm hồn sôi nổi của cô. Cho nên dù có đẹp từng nét một đi nữa, cô vẫn thiếu cái nồng ấm, mặn mòi. Còn cô Tuyết Mai đẹp vừa phải vì mắt cô hơi nhỏ, môi cô hơi mỏng, nhưng cô cười thiệt tươi, cô đẩy đưa khóe mắt long lanh thiệt tình tứ mỗi khi nhõng nhẽo với chồng. Cô lại còn ỷ da mình trắng như dừa nạo nên cô mặc áo lụa mỏng màu hồng quế thiệt tươi. Cô Phương Liên tuy trắng thua người chị dâu họ, nhưng cô mặc áo bằng xuyến tím nổi lằn sáng rờn rợn càng làm cho màu da cô nõn nà nõn nuột hơn.
Cả ba cô Đào, Liên và Cúc đều được ông bà Hương Chủ Lầu cho học tới hết bực Thành Chung. Trừ cô Phương Liên ra, hai cô kia đều đậu bằng Thành Chung. Riêng cô Mộng Cúc còn thi đậu thêm bằng Brevet Elémentaire nữa. Cô Bích Đào đính hôn với cậu Lê Anh Kiệt con trai ông Đốc Phủ Sứ Lê Anh Giỏi, còn cô Tư Phương Liên thì đính hôn với cậu Trần Thành Công, con ông Hội Đồng Địa Hạt Trần Thành Thiệt. Riêng cô Mộng Cúc thì chưa có chỗ nào gấm ghé cả. Cô vẫn được cha, bà đích mẫu và 2 bà á mẫu cùng các anh chị dòng đích lui tới viếng thăm, cấp dưỡng tiền bạc phủ phê.
Tuy nhiên, không vì cái số phận hẩm hiu của cô Mộng Cúc mà cô Phương Liên và cô Tuyết Mai châm chước cho cô nhờ. Cả hai cứ tùng tam tụ ngũ với mấy cô thèo lẻo, mấy mụ thọp thẹp trong xóm để nói hành nói tỏi cô, dệt đủ hắc thoại huyền thoại để xỏ xiêng cô. Chỉ có cô Hai Giai Nguyệt và cô Bích Đào hết lòng binh vực cô.
Vừa khi nắng xế, truớc khi đi lấy nồi đồng đong gạo nấu cơm, cô Tuyết Mai nấu nồi bồ kết để gội đầu, còn cô Phưong Liên trước khi làm món cá bống cát kho tiêu, gội đầu bằng lá hương nhu.
Vừa lúc đó, cô Bích Đào đi chợ về, mua thiệt nhiều trái cây và các món gia vị để hai hôm sau làm đám giỗ tía ông Hương Chủ Lầu như kim châm, nấm mèo, hột sen, bạch quả, khô mực, bóng da heo, tóc tiên, tiêu, tỏi, củ hành, đường, đậu, gừng, nghệ, riềng, mè... Cô mặc chiếc áo dài bằng nhung màu hồng phấn, tóc cuốn bánh tay rế như tóc mấy bà đầm, đi giày đầm với quai nhung đen. Cổ cô đeo kiềng chạm, hai cườm tay cô đeo vòng huyết ngọc, trái tai đeo bông cẩn hột kim cương trưu trứu, lớn cỡ 5 ly ngoài chớ không chơi! Cô giồi phấn mỏng, tô son màu hột lựu, tỉa cặp chơn mày hơi mỏng và cong như cái mống chuồng. Cô véo von với bà nội:
- Con Cúc đưa con tới nhà ông Tri Phủ Lê Ngọc Đảnh để gặp anh chàng Ngọc Tuân và mấy ông mấy bà thi văn sĩ cộng tác tờ Phong Trào Tân Tiến. Sau khi đàm luận thời cuộc năm châu bốn biển và tình trạng kinh tế nưóc nhà, Ngọc Tuân có ngõ ý với con rằng chàng ta có bụng ái mộ con Cúc. Chàng ta muốn dắt tía má chàng đến thăm bà nội. Vậy bà nội có nhậm lời hay không thì cho con biết sớm để con trả lời chàng ta cho sốt dẻo?
Bà Hương Chủ Lầu hỏi dồn:
- Thằng Tuân làm giống gì cho tờ báo đó? Bộ nó viết văn mần thơ như con
Cúc, như mầy, có phải vậy không?
Cô Bích Đào cười trấn an:
- Nội an lòng. Anh rể chàng ta mới là chủ báo; còn chàng ta thì làm đại lý tờ báo đó ở tỉnh mình. Ngọc Tuân là nghiệp chủ kiêm điền chủ. Thỉnh thoảng cũng mần thơ lai rai cho ngọt cuộc đời vậy thôi.
Bà Hương Chủ Làu thở dài:
- Tao nghe nói thằng Tuân tuy coi sóc cơ sở làm ăn như tiệm bán sách báo, hảng la-de nước ngọt, hảng làm nước đá cùng vườn ruộng thiệt giỏi dắn quá chừng chừng! Nhưng nó ưa mèo mỡ và đào đĩ tùm lum. Đã vậy, nó còn hay nổi nóng nổi cộc nên con vợ trước của nó sợ nó như sợ cọp sợ beo, tới chết mới hết sợ. Con Cúc mà nhào vô làm vợ nó thì cả hai chỉ có nước cắn xé nhau, nhai nuốt nhau, ở đó mà phu xướng phụ tùy. Mà cũng ngặt nữa, gia đình của nó theo đạo Thiên Chúa, thờ ông mặc khố rách đánh đu trên cây Chữ Thập. Nghe nói đạo đó nhập cảng từ bên mấy cái xứ nào lạ hoắc qua xứ mình.
Cô Bích Đào đỡ lời:
- Coi vậy chớ chàng ta cũng biết điều, biết kính trên nhường dưới, biết đường thẳng nẻo cong. Đã vậy, chàng ta có tánh nghĩa hiệp, biết cưu mang kẻ nghèo túng, biết giúp đỡ người thất thế sa cơ. Còn mấy ông cha, mấy bà phước bên đạo Thiên Chúa làm những việc từ thiện cho xứ mình nhiều lắm. Họ dám săn sóc mấy nguời cùi nữa. Con Cúc có sẵn bổn tánh từ thiện nên Đức Chúa Giê- su xui khiến có chàng trai đạo Thiên Chúa cảm lăn cảm lóc nó, rồi đòi cưới nó đó đa nội.
Bà Hương Chủ Lầu nói xuôi:
- Tao nuôi con Cúc. Nhưng tía nó mới có quyền gả bán nó. Cô Bích Đào cười:
- Xin nội hãy an lòng. Dượng Đốc Phủ Sứ là bạn chí thân của vợ chồng cô Hai Giai Nguyệt. Dượng cứ than thở về chuyện chung thân con Cúc và nhờ cô Hai dượng Hai tụi con kiếm chồng xứng lứa vừa đôi cho nó, miển là chàng rể có học lực khá, có cơ sở mần ăn vững vàng, có tâm địa thẳng ngay là được.
Cô Phương Liên thắc mắc:
- Lạ thiệt! Anh chàng Ngọc Tuân kia tuy không đẹp trai, nhưng mặt mũi cũng khôi ngô, lại lưng dài vai rộng. Tại sao hắn đòi đi cưới con Cúc làm kế thất? Hay là tại hắn thấy con quỉ La-sát kia mặc sô sa nhung gấm, lại đeo hột xoàn và cẩm thạch cả vốc cả bụm nên hắn ham của; đã giàu hắn còn muốn giàu thêm?
Cô Bích Đào sắp trái cây vào các dĩa quả tử đặt trên các bàn thờ ông bà, nghe vậy liền binh cô em nhà cô của mình:
- Con Cúc hồi mới lớn tuy có xấu, nhưng giờ đây nó cũng có dung mạo dễ coi. Những vết rỗ tuy chưa lì bớt, nhưng nó biết lót kem đánh phấn để che bớt những vết rỗ ấy. Màu da thục địa nấu đường đen của nó cũng mởn bớt rồi, lại còn có sắc tươi hồng. Từ khi tập đi giày cao gót, bộ tướng đi cứng ngắc như tướng đờn ông của nó cũng bớt nhiều rồi. Giọng nói ồ ề của nó giờ đây có xen những tiếng cuối câu sắc vút là nhờ nó biết gò gẫm giọng nên giọng cũng có cái hay riêng, mình không thể cho rằng đó là tiếng vịt đực được. Nội không biết đâu. Nhớ kỳ tụi con đi ra bãi biển Ô Cấp, khi mặc áo tắm vào, con Cúc phô vóc mình chắc như cây chuối hột, eo nó thì nhỏ, bụng nó thì thon, giò thì dài, ngực thì tròn trặn, mông thì vun chùn. Kỳ đó, Ngọc Tuân gặp nó trên bãi, đâm ra cảm nó rồi mê nó như lậm bùa trúng ngãi vậy. Theo con, anh chàng Tuân kia lại còn cảm con Cúc ở tấm lòng hào hiệp, biết giúp đỡ mọi người quen biết trong việc quan hôn tang tế. Lại nữa, con Cúc còn xin vô các hội dục anh, hội gúp đỡ người mù, hội giúp đỡ ngưòi cùi...
Ở duới nhà bếp, cô Tuyết Mai và cô Phương Liên nghe hết những lời tán dương tán mỹ của cô Bích Đào về con Chằn Lửa Mộng Cúc kia. Cô Mai dụi cho bớt lửa để chảo mỡ bớt sôi, nên những con tôm lăn bột chiên dòn trong chảo chín vừa vặn. Cô Liên cũng cời bớt than để nồi giò heo hầm măng tươi bớt sôi ùng ục. Cô nào cũng cảm thấy lòng mình bứt rứt, sục sôi. Con Chằn Lửa kia nếu lấy chồng càng sớm càng tốt. Nó mà ra khỏi cái nhà nầy là hai cô sẻ đỡ căng thẳng não cân, bớt tức lói hông lói ngực. Nhưng chu choa ơi, nó mà gặp được tấm chồng khôi vĩ lại giàu có thì hai cô sẽ dến thêm cái chứng bịnh ganh tị, ghét ghen.
Cô Tuyết Mai trề môi dài thoòng:
- Xời ơi, ai mà chẳng biết tên Tuân Thiên Lôi kia cộc cằn thô lỗ, hễ mở miệng ra là y ta chửi thề tưới hột sen. Cô Đào nhà mình bộ muốn đóng vai bà mai ăn đầu heo hay sao mà bào chữa cho hắn và cho cái cô Chằn tinh Gấu ngựa kia nồng nhiệt dường ấy? Tên Tuân nọ hét ra lửa, mửa ra khói, ói ra tro, ho ra sấm... Cặp mắt y ta như có cô hồn vấn vít, cho nên không ai dám ngó thẳng y ta.
Cô Phương Liên nguýt một cái dài soọc:
- Con Cúc mà coi được nỗi gì! Lót kem đánh phấn ích gì /Vết rỗ chẳng lì, tức muốn lột da.
Cơm canh vừa dọn lên thì cô Mộng Cúc vừa về tới. Bà Hương Chủ Lầu nhìn cô cháu ngoại, bảo cô Bích Đào:
- Ừ hén, con Đào có nói sai đâu. Con cháu ngoại của tao bây giờ hãy còn có cái mặt rỗ, nhưng nó khéo trang điểm, lại ra vẻ thục nữ như ai. Chèn ơi, đôi giày cao gót làm cho nó đi đứng có vẻ uyển chuyển dịu mềm. Da nó mởn, tuy không được trắng lắm, nhưng nó dùng phấn màu gạch cua, son màu gạch tôm nên mặt nó mặn mòi xinh lịch dường ấy! Tiếc quá, bởi tại mặt nó rỗ nên lớp phấn dồi hơi dầy một chút. Con nầy giống mẹ, nhưng mẹ nó trắng trẻo hơn, nhu mì hiền hậu hơn. Con nầy bắt đầu đẹp, có thể lấy chồng mà khỏi sợ chồng chê sắc diện mờ lu, âm u thần thái. Dì Hai Nguyệt của nó thường nói với tao như vậy.
Cô Mộng Cúc đi rửa mặt và thay quần áo mỏng nhẹ bằng sa teng trắng. Cô bảo bà ngoại:
- Trời cho con chỉ có bao nhiêu bóng sắc đó. Con có trây trét thêm ra thì cũng chỉ trội hơn một vài ly thôi.
Cậu Xuân Tòng cũng vừa về tới. Cô Mộng Cúc lấy hai cái dĩa trẹt màu xanh da diệc để đựng thịt xá xíu mà cô vừa mới mua ở ngoài chợ. Cả nhà quây quần ăn cơm chiều.
Bỗng con Mít báo tin:
- Thưa bà, kiếng thờ trên trang vụt chiếu sáng lọt qua lớp vải phủ.
Cậu Xuân Tòng đang ăn quít tráng miệng liền đi rửa tay, bắc ghế leo lên trang để đem kiếng xuống. Cả nhà chăm chú nhìn vào mặt kiếng khi tấm vải hồng điều được cuốn đi. Vẫn hình bông cúc tẩm sương như cũ. Nhưng khi cô Mộng Cúc nhìn đối diện vào mặt kiếng thì ánh sáng phát ra dữ dội hơn, bao trùm lấy cô; từng luồng lóa mắt chiếu thẳng vào mặt cô. Cô ngồi im như ngây như dại. Mọi người cũng bàng hoàng không nhúc nhích trước hiện tượng kỳ quái ấy.
Khi kiếng thôi phát ra ánh sáng, mọi người kinh ngạc tột độ vì những vết rỗ trên mặt cô Mộng Cúc biến mất. Da mặt cô mỏng mịn như da mặt trẻ sơ sanh, lại còn hồng hào chói lọi hơn.
*
°
Bà Hương Chủ Lầu cùng hai cô Hai Giai Nguyệt và Bích Đào vui mừng chuyện hoán cải dung nhan của cô Mộng Cúc bao nhiêu thì hai cô Tuyết Mai và cô Phương Liên mặt mày bí xị vì xót xa ganh tức bấy nhiêu. Cô Phương Liên bỏ vào buồng riêng khóc rấm rút. còn cô Tuyết Mai sau cơn đầu gối tay ấp với chồng, ỏn ẻn bảo chồng:
- Xời ơi, hồi nào cô Cúc có cái mặt lam nham như cùi bắp bị cạp hết hột mà bọn đờn ông mê thi phú kéo tới đây nườm nượp. Bây giờ mặt cổ khá trơn láng nên dung quang cổ hực hỡ khỏi cần giồi phấn thoa son thì bọn điên văn khùng thơ kia sẽ đến đây quấy nhiễu làm em và cô Liên phải lo việc trà bánh mệt khờ luôn!
Cậu Xuân Tòng buồn ngủ rũ cả người nên nói xuôi:
- Thơ văn là chuyện nhảm nhí, bởi đó anh đâu thèm đọc sách. Mà anh cũng không thích bạn bè nhiều. Anh chỉ thích cưng vợ nhà hè. Giờ thì em hãy để anh ngủ. Cưng em mới có hai hiệp là anh oải cả người, hai mí mắt sẵn sàng đóng cửa tiệm rồi đó.
Tuần lễ sau, cô Hai Giai Nguyệt từ cù lao An Thành qua chơi, không quên đem theo hai hũ mắm cá cơm và ba xâu nem cá cơm để làm quà. Cô ngắm nghía cô cháu kêu mình bằng dì:
- Nè Cúc, da cháu hãy còn đen, nhưng là đen dòn, cũng có cái mặn mòi riêng. Cháu mà phết phấn trắng xác lên mặt như thợ sơn quét vôi trên tường thì coi nhột mắt lắm, cháu à. Mà cháu cũng đừng có dậm phấn hường hừng hực như chầu xưa, mà chỉ nên lót kem rồi thoa một chút phấn màu gạch thiệt mỏng là... ăn tiền đa cháu.
Cô Hai tặng cho cô Mộng Cúc một xấp hàng mỏng màu gạch in bông ngọc lan trắng để cô Cúc may áo dài.
Như thuờng lệ, ba lần trong mỗi tuần cô Mộng Cúc đến trường trẻ mồ côi của mấy bà phước để dạy các em nhỏ học hoặc để khâu vá quần áo cho chúng. Đó là những công việc thiện nguyện mà cô đã làm từ bốn năm nay. Nhưng cô không dám vô đạo Thiên Chúa vì sợ tía cô nổi giận làm rùm beng. Bây giờ, nếu ông Đốc phủ Sứ Thiệt gả cô cho Ngọc Tuân thì cô có thể vô đạo Thiên Chúa được rồi.
Cô Mộng Cúc càng ngày càng có thêm nhiều kẻ ái mộ, hầu hết là đờn ông. Từ khi cô bước vào làng văn trận bút cho tới bây giờ đã được 4 năm rồi. Cô có cho xuất bản một tập thơ, một tập tùy bút, một tập truyện và một truyện dài. Còn cô Bích Đào nhờ cô dìu dắt mới có một tập truyện được xuất bản. Cái tiếng nữ sĩ mà kẻ ái mộ gọi kèm theo cái tên Mộng Cúc làm cho Tuyết Mai bào buốt bảy lá gan bởi tị hiềm, làm cho cô Phương Liên quặn thắt chín khúc ruột vì đố kỵ.
Trưa hôm đó, cô Bích Đào quyết làm một bữa cơm thịnh soạn đãi cả nhà và để ăn mừng tập truyện Bóng Ngày Qua vừa được báo chí ở Hà Nội, ở Sài Gòn tán thưởng. Bữa ăn có cá lóc nướng trui và tôm càng nướng than cuốn với bánh tráng, rau sống, dưa leo và chấm mắm nêm. Món giáo đầu là món gỏi ngó sen trộn tôm thịt, rắc rau răm xắt nhuyễn và đậu phọng giã nhỏ. Trong bữa cơm nầy có thêm ông bà Bảy Hên và vợ chồng cô Hai Giai Nguyệt. Cô Hai và chồng cứ kêu cô Đào và cô Cúc là nữ sĩ làm cô Mai và cô Liên cứ nguýt lén họ lia lịa.
Cơm nuớc xong, mọi người ra trung đường dùng trà, ăn bánh ngọt và trái cây. Bỗng trang thờ bửu cảnh phựt sáng. Bà Hương Chủ Lầu hối cậu Xuân Tòng:
- Mau đem kiếng linh xuống cho cả nhà biết nó báo điềm gì đây? Chèn ơi, sao mà lóng rày tin cứ tới nườm nượp vậy kià?
Kỳ nầy, trên mặt kiếng không còn hiện hình bông cúc tẩm sương nữa, mà hiện hình cái bìa sách vẽ hình hai cô gái đang bắt bướm dưới tàn cây mai đơm bông vàng. Tựa bìa sách là Mùa Xuân Thiếu Nữ, tác giả là Trần thị Bích Đào, tên nhà xuất bản là Thế Giới Mới. Cô Bích Đào bảo bà Hương Chủ Lầu:
- Nội ơi, con vừa bắt đầu viết một cuốn truyện dài và vừa đặt cái tựa Mùa
Xuân Thiếu Nữ hồi tối hôm qua. Vậy mà kiếng linh biết hết, nên mới báo điềm lành như vầy.
Thầy giáo Háo Nghĩa, chồng cô Hai Giai Nguyệt bàn:
- Có gì đâu lạ. Bởi tác phẩm đầu tay của cháu Đào có nhiều thành công nên có nhiều nhà xuất bản muốn tính chuyện cộng tác với cháu chớ gì.
Ông Bảy Hên bảo chị dâu:
- Để coi cuốn sách sắp tới có cái bìa giống như hình cái bìa hiện trên mặt kiếng hay không?
Thế rồi mọi người cứ bàn tán xôn xao. Cô Mộng Cúc đắc ý lắm. Như vầy không uổng công trình cô đã dìu dặt người chị con nhà cậu của cô bước lọt tuốt vào trong văn đàn. Riêng cô Phương Liên ngó lom lom cô Mộng Cúc. Coi kìa, cái bản mặt con Chằn Lửa có vẻ tự đắc trông mà ứa gan ngứa phổi không chớ? Tức quá cô trổi giọng đon reng:
- Lóng rày có kẻ chê thịt heo, muốn ăn đầu heo có hai lỗ ai bị cắt cụt. Xời ơi, lại còn có kẻ theo thói văn minh rởm, cứ giao thiệp với bọn đờn ông thuộc loại đầu trâu mặt ngựa mà không sợ chúng dùng lời ngon tiếng ngọt làm cho xủ tiết ô danh.
Bà mai mà nhận đầu heo có lỗ tai bị cắt cụt do đàng trai biếu tức là đàng trai xỏ ngầm rằng cô dâu bị mất trinh trước đêm tân hôn. Tuy hiểu mơ hồ câu nói đon reng của ả chị con nhà cậu chanh chua kia, nhưng cô Mộng Cúc đốp chát liền:
- Ăn đầu heo cắt cụt còn hơn ăn hèm của heo nên giọng chua áy dường nầy!
Mặt cô Phương Liên và mặt cô Tuyết Mai trắng bệch bạc. Cô Mộng Cúc hằn học quét mắt từ cô Tuyết Mai qua cô Phương Liên:
- Mấy người toa rập nhau nói xấu tui, tui biết ráo trọi. Đã là chị em trong nhà, vậy mà mấy người vu oan giá họa cho tui là gái hư hỏng, trắc nết. Tuy tui giao thiệp rộng với các tao nhơn mặc khách, nhưng tui chưa cặp kè với anh nào để đi dạo phố. Tui chưa vượt nữ tắt bao giờ. Nhưng mấy người cứ tưởng tượng những chuyện dữ dằn rồi gán cho tui. Tui mà làm rõ trắng đen ra, mấy người sẽ mang nhục, chỉ có nước đội quần khắp thiên hạ bởi ngón đòn phản công của tui. Đừng tưởng tui bỏ qua hành động sâu hiểm độc ác của mấy người.
Cô Hai Giai Nguyệt can:
- Thôi, Cúc! Chuyện đâu còn có đó. Cháu đừng có nóng để khỏi sứt mẻ tình chị em trong gia tộc.
Cô Mộng Cúc gằn giọng:
- Dòi trong xương dòi ra là vậy đó! Cô Phương Liên xon xỏn:
- Mầy đừng có nói đỏng. Nên hư gì rồi cũng có ngày phôi bày lộ liễu. Ai mà thèm lý tới chuyện ai?
Cô Mộng Cúc đang nhâm nhi ly nước trà, liền hất trà lên mặt cô Phương
Liên, rổi lủi về căn nhà dành riêng cho cô. May mà cô Phương Liên hụp đầu xuống kịp thời để tránh trà nóng. Tuy nhiên, cô vẫn nằm vạ, dảy đành đạch. Cô Tuyết Mai vỗ về bạn và cùng khóc nỉ non với bạn.
*
°
Trong lũ cháu quây quần dưới mái nhà tại xóm Cầu Lầu, bà Hương Chủ Lầu thương yêu cậu Xuân Tòng và cô Mộng Cúc nhứt. Cậu Tòng nhu mì, chín bỏ làm mười. Tuy hơi nhu nhược với vợ và lũ em họ, nhưng khi gặp chuyện phải thì cậu không hề từ nan, gặp chuyện thiện thì hết lòng giúp đỡ người làm việc thiện lẫn nạn nhơn. Sở dĩ bà Hương Chủ Lầu yêu thương cô Mộng Cúc hơn các cô cháu gái khác vì cô Cúc sớm mồ côi, tuy có cha, nhưng cha vui thú với hai bà thiếp khác, không thường xuyên săn sóc và giáo dục cô. Do linh tánh và trực cảm của người già có tấm lòng mềm mại và nhạy cảm, bà Hương Chủ Lầu biết rằng cô Mộng Cúc tuy dữ dằn nhưng chánh trực và hào hiệp, tuy không có bóng sắc nhưng có cuộc sống đẹp.
Tối hôm đó, trong buồng dành riêng cho vợ chồng cậu Xuân Tòng, cô Tuyết
Mai cứ ỏn ẻn nhắc đi nhắc lại bên tai chồng về thói ngang ngược hổn hào của cô Mộng Cúc. Cậu chỉ biết vuốt đuôi theo từng chặng kể, theo từng chặng tố khổ của vợ:
- Ừ, con Cúc vốn nóng nảy. Hễ ai động tới nó hay làm trái ý nó là nó lồng lộn lên. Bà nội cùng cô Hai Nguyệt và con Đào quen thói chiều chuộng nó, tung hô ca ngợi nó nên càng lúc nó càng lung lăng. Để rồi anh sẽ khuyên bảo nó vài điều hơn thiệt, vài lời phải quấy cho... nó thấm.
Cô Tuyết Mai còn lạ gì tánh nhu nhược cầu an của chồng. Cậu chỉ nói lấy lệ để cho vợ không còn đay nghiến bên tai cậu, để cậu ngủ cho ngon. Chu choa ơi, sau một trận nổi giông và tuôn mưa cho vợ, cậu buồn ngủ rũ ra, cặp mắt sẵn sàng bế môn tỏa cảng. Hồn phách cậu giờ đây sẵn sàng trôi tuột vào giấc Nam Kha, mà không chừng nó còn trồi lên giấc Bắc Kha, và biết đâu lại xẹt qua giấc Đông Kha, giấc Tây Kha nữa. Bên tai cậu, vợ cậu xỉa xói, chì chiết bằng giọng chua lét và nhọn hoắc như mũi dùi:
- Con gái con ghiếc gì hễ động chuyện cãi cọ là lồng lộn như nước sôi chế vô háng, như than cháy đỏ nhét vô nách. Vậy mà coi được hay sao chớ?
Cậu Xuân Tòng ôm chặt vợ, giọng lè nhè:
- Nín đi em! Ngủ đi em! Mới nãy, anh đã cưng em tận tình rồi. Em hãy để anh ngủ. Sáng dậy sớm, anh sẽ cưng em thêm.
Nói xong, cậu ngáy se sẻ rồi ngáy lảnh lót. Cô Tuyết Mai phì cười, rồi tự giận mình. Chồng cô suốt ngày dạy học mệt nhọc. Vậy mà sau phút ân ái mặn nồng, cô nỡ nào bắt chồng cô phải nghe chuyện bực dọc của cô. Chồng cô yêu cô thắm thiết há không đủ cho cô hay sao mà cô bắt chồng phải can thiệp việc đôi co kình chống của lũ đờn bà trong nhà? Thiệt tình, cô Tuyết Mai chỉ muốn mấy cô gái trong nhà nầy được mấy chàng mắc dịch nào đó rước về làm vợ càng sớm càng tốt, luôn cả cái cô Phương Liên đẹp như tiên, nhưng ưa cà riềng cà tỏi kia. Giờ đây cô Liên kết phe kết đảng với cô để kình chống con quỉ La-sát cực ác cùng hung có cái tên Mộng Cúc đẹp đẽ kia. Nhung nếu cô Phương Liên ở hoài trong cái nhà nầy để làm gái già thì có ngày cô ta sẽ đâm ra bực dọc, quay lại cắn mổ cô. Còn cô Bích Đào, theo cô linh cảm, chỉ hiền có một, nhưng khôn tới mười. Giờ đây cô ta thu móng giấu vuốt, biết đâu cũng có ngày cô ta hiểu lầm cô điều gì đó, sẽ sẵn sàng giương móng chĩa vuốt ra để cắn xé cô tơi tả như cái nùi giể rách.
Ngoài hè, mưa rơi thánh thót. Cô Tuyết Mai lắng nghe từng loạt gió lao xao trong đám cây bằng lăng, trắc bách diệp, hoàng lan, ngọc lan... Bên tai cô, cậu Xuân Tòng ngáy pheo pheo, có vẻ sảng khoái lắm. Chồng cô cứ hứa tưới hột sen với cô luôn. Hễ cô xin cậu ra riêng hoặc cùng cậu đi du lịch để viếng cảnh thơ cảnh mộng, cảnh lịch cảnh xinh cho thấm mặn ý tình, cho nồng nàn hương lửa thì cậu luôn thủ sẵn những câu:
- Bây giờ anh đang bận, để rồi anh liệu.
- Thủng thẳng đã, gấp gáp quá sao được?
- Chuyện đâu còn có đó, anh không quên đâu.
- Ngày mai rồi hẳng tính. Bây giờ còn sớm lắm.
Vậy mà rồi cậu chẳng thèm liệu, vẫn quên luôn, vẫn không thèm quan tâm. Tuy nhiên, mỗi khi hứa sáng sớm cậu sẽ cưng cô thêm thì cậu vẫn cần mẫn thực hiện lời hứa, thực hiện một cách sốt sắng, siêng năng, nồng nhiệt. Có vậy cô mới quên phứt đi cái việc cậu hứa mua cho cô đôi vòng cẩm thạch từ hồi năm ngoái mà mãi tới bây giờ hai cườm tay cô chỉ được lồng cặp vòng mã não, tuy có xanh lặt lìa, nhưng ửng ánh vàng vàng coi nhức mắt lắm! Có vậy cô mới quên việc chồng cô không dùng quyền gia trưởng để sửa lưng hay dằn mặt con Mộng Cúc có cái giọng chim ục cùng cái tánh đắng nghét như thuốc ký-ninh và cay xé như ớt hiểm kia.
Ở phòng đối diện, khi cơn mưa vừa dứt, cô Phương Liên cũng vừa tỉnh giấc vì tiếng la hét của mấy anh say rượu ngoài bờ rào. Phòng của cô gần hàng rào bên hông nhà, cách hàng rào một dẻo đất trồng những cây bông điệp, những khóm bông trang, những bụi bông nở ngài. Ngoài hàng rào là một con hẻm đưa tới cuối xóm; ở đây, mấy anh chàng đực rựa, mấy con lủng, mấy con lành tụ họp để ve vãn nhau hoặc cãi lộn nhau. Tối nay, đã hơn nửa khuya rồi, trong lúc khắp vùng ngoại ô thành phố ướt át sau cơn mưa mà ngoài hẻm vẫn còn nhộn nhịp.
Cơn tức giận hồi trưa làm cô Phương Liên khó dỗ giấc ngủ. Vậy mà vừa mới chợp mắt, cô phải giựt mình tỉnh giấc vì tiếng la hét. Cô biết mình khó ngủ trở lại vì hận thù đối với con Chằn Lửa Mộng Cúc kia hãy còn nung nấu tim, gan, lá phổi, lá lách, ruột non, ruột già của cô. Rồi cô đâm ra tức lây cô Tuyết Mai. Cô ta cứ châm dầu mồi lửa cho mối hận thù ấy càng ngày càng cháy lẫy lừng. Nhưng chưa bao giờ cô Tuyết Mai dám khai chiến với cô Mộng Cúc, chưa bao giờ dám nói xeo nói nạy đương sự. Hễ khi đối diện với cô Cúc thì cô ta khép nép như con chó cụp tai, sắc mặt lợt lạt, dáng điệu khúm núm trong có vẻ đê tiện hèn hạ gì đâu! Mọi việc đương đầu với con sư tử có bờm Mộng Cúc kia chỉ có một mình cô xung phong giao chiến.
Cứ lăn trở cho tới 2 giờ sáng, cô Phương Liên mệt đừ. Tâm trí cô bỗng quay sang cậu Trần Thành Công, vị hôn phu của cô. Chèn ơi, chẳng biết kỳ thi cuối năm Trường Thuốc nầy cậu có gặp chuyện trục trặc không? Chồng tương lai của cô tuy hơi sút kém anh chàng Lê Anh Kiệt, hôn phu cô Bích Đào vì cậu Kiệt tốt nghiệp trường Dược ở tỉnh Strasbourg bên Pháp, nhưng gia đình của cậu Công giàu hơn gia đình cậu Kiệt, cậu Công lại còn đẹp trai đâu có kém gì kép hát bóng Huê Kỳ Rodolph Valentino? Cặp mắt cậu ươn ướt, da cậu trắng mịn, nụ cười cậu tươi ơi là tươi! Cậu lại còn có vẻ đa tình ở sóng mắt nụ cười, trông... thấy ghét quá! Vái Trời vái Phật khiến cho kỳ thi tốt nghiệp nầy cậu được bảng hổ đề danh thì cô nguyện ăn chay một tháng. Cô sẽ không lý gì tới cô Mộng Cúc, không thèm ganh đua từng cái ngáp tiếng ho với cô ta nữa. Cô sẵn sàng cầu nguyện cho ông Tơ bà Nguyệt xe duyên cô ta với tên Ngọc Tuân ba sồn bốn sựt nọ. Vợ chồng họ mặc sức mà làm quỷ làm yêu, làm đủ trò hổn thế ma vương, cô cũng trối kệ!
Chỉ nghĩ tới cậu Thành Công thi đậu thì bao nhiêu nộ khí trong ngực, trong tim, trong ruột cô rút một cái rột đâu mất. Được rồi, ngày mai cô sẽ mua len về đan áo cho cậu lẫn cho cô để dành cho cả hai leo lên Đà Lạt hưởng tuần trăng mật sắp tới. Mèn ơi, lòng cô bỗng dãn ra, mọi quặn thắt sần suợng biến đâu mất. Cô bắt đầu ngáy pho pho. Trong cơn chiêm bao, cô thấy mình cùng cậu Thành Công bắt trói cô Mộng Cúc rồi đặt cô ta lên bàn mổ. Trong lúc cậu Công phanh ruột moi gan cô Cúc thì cô lấy kim và chỉ gân ra may cái miệng lanh lợi hổn ẩu của con nữ sĩ chết chìm chết cháy kia từng mũi thiệt khít khao.. Ai dè cô Mộng Cúc thò chơn ra đạp cô ngã quị và làm cô... lọt ra khỏi giấc dị mộng kỳ thú kia.
*
°
Bên căn nhà dành cho cô Mộng Cúc, cũng vào buổi tối hôm đó, cô Bích Đào và cô Mộng Cúc hàn huyên tâm sự về chuyện văn chương, chuyện hôn nhơn và về trăm chuyện tương lai khác. Nguyên căn nhà nầy trước kia là nơi dành cho ông Hương Chủ Lầu tu hành. Khi ông qua đời thì mọi người trong gia đình bàn tán rằng căn nhà nầy có ma. Không phải ông Hương Chủ Lầu thành ma hiện hồn về nhát con cháu. Theo lời ông Bảy Hên thì căn nhà nầy bị bọn thợ mộc ếm bằng bùa Lỗ Ban, rủ rê ma quỉ tới khuấy phá. Khi ông Hương Chủ Lầu dọn về đây tu hành thì ma quỉ sợ kẻ chơn tu nên không dám lộng hành. Nhưng khi ông mãn phần thì chúng nó trở lại tác nghiêt. Nửa đêm, cột kèo chuyển mình ken két. Giữa trưa, đang lúc trời nắng chang chang thì cây đòn dong rịn nước, chảy ròng ròng xuống nền gạch. Vào mỗi tối nhằm ngày hối, ngày sóc thường văng vẳng tiếng khóc than ai oán nghe rợn tóc gáy!
Cô Mộng Cúc không tin dị đoan, không thèm đếm xỉa tới hiện tượng lạ, liền dọn về căn nhà nầy để ở cho thảnh thơi hơn. Cô giống ông ngoại mình: ghét chuyện dị đoan, ghét lời đồn huyễn hoặc. Cho nên từ khi cô chiếm cứ ngôi nhà nầy thì chẳng có chuyện gì xảy ra nên cô Bích Đào tối tối ưa đến đây chuyện vãn với cô.
Tối hôm nay, sau vài ba câu chuyện vặt vãnh, cô Bích Đào viết tiếp chương 17 của quyển Mùa Xuân ThiếuNữ. Văn cô trong sáng, giản dị, duyên dáng. Còn văn cô Mộng Cúc hơi điệu đà, hơi hoa gấm vì thỉnh thoảng cô chêm một vài chữ Nho, một ít ngữ pháp rút trong các bài Kinh Thi, trong mấy bài thơ thuở Thạnh Đường.
Tối hôm nay, hứng thú của cô Mộng Cúc cạn vơi như thuốc bắc sắc trong siêu: ba chén chỉ còn bảy phân nên cô xoay qua thêu Tàu, chờ ít hôm sau sẽ trải cái hứng thú đó vào bài tùy bút.
Cô Bích Đào nhứt định cho nam nhơn vật chánh trong tác phẩm truyện dài nầy phải hun cho bằng được nữ nhơn vật chánh của cô. Qua chương thứ 13, chàng đã dê được cô ta rồi, nhưng cô ta chỉ cho chàng cầm tay thôi. Hun cô ta là cả một sự gian nan còn hơn trèo lên núi để đến ngôi tịnh am dưng hương lễ Phật. Cô cưng cái anh chàng nam nhơn vật chánh nầy lắm lắm nên truớc đó, cô đã cho chàng hun lai rai nữ nhơn vật nhì, hun sơ sịa nữ nhơn vật ba. Chèn ơi, cái hun của cặp chánh nầy sao mà nồng cháy làm đá kia cũng phải đổ mồ hôi, vàng bạc phải chảy lõng ráo trọi! Khuôn mặt, vóc dáng chàng ta được cô mô tả qua khuôn mặt, vóc dáng chàng Lê Anh Kiệt cưng vàng cưng ngọc của cô chớ khuôn mặt ai trồng khoai đất nầy? Còn nữ nhơn vật chánh kia không giống cô thì giống ai bây giờ? Có điều cô cho cô ta trắng trẻo hơn cô, cao hơn cô vài phân để cô ta có vóc mình thanh cảnh và dáng đi thướt tha hơn cô. Cô cấy vào rèm mi cô ta những sợi lông nheo dài và cong quớt lên. Cô rủ rê một số hồng huyết cầu về tụ hội trên cặp má và đôi môi cô ta để má kia thêm hồng rạo rực, để môi nọ thêm mọng thắm, ai mà chẳng ngưỡng mộ trầm trồ?
Cô Mộng Cúc tối hôm nay thêu được vài chỗ hóc búa thiệt khéo, nhưng sau đó cô có vẻ bồn chồn như chờ đợi điều gì.Thỉnh thoảng cô ngước nhìn cô Bích Đào, mắt sáng háo hức. Cô Bích Đào buông bút xuống. Cái hun vừa được cô viết trên trang bản thảo coi bộ không được lãng mạn thơ mộng rồi đa! Ai lại cho hai kẻ yêu nhau hun hít dưới cây mãng cầu xiêm như chàng Lê Anh Kiệt đa tình kia đã từng hun cô lần đầu tiên dưới tàn cây ấy cách đây hai năm. Ở ngoài đời thì hun nhau dưới cây nào mà chẳng được, miễn là cây ấy ở chỗ vắng vẻ thì thôi: cây dái ngựa, cây ô môi, cây trâm bầu, cây gừa hay cây gáo gì gì đi nữa cũng là cây miệt vườn miệt ruộng. Nhưng mấy cây đó mà được cô đưa vào trong văn chương thì đọc lên nghe thuốc chuột quá! Thôi được, ngày mai, cô sẽ chọn những cây có cái tên diễm lệ như ngọc lan, hoàng lan, mộc lan, lệ liễu, thùy dương, trúc tương phi, phượng vĩ, trắc bách diệp để độc giả sướng mê tơi!
Chợt thấy cái nhìn nửa háo hức nửa chờ đợi van lơn của cô Mộng Cúc, cô Bích Đào chợt hiểu. Thôi rồi, con quỉ nầy đang chờ đợi tui kể chuyện chàng Ngọc Tuân cho nó nghe đây mà. Lần đầu tiên được yêu quí bởi một anh chàng hoàn toàn hạp ý nó nên nó đâm ra nhút nhát. Nó đã từng dám cư ngụ ở ngôi nhà nầy, ma quỉ còn sợ nó, không dám lộng hành. Nó chẳng ngán, chẳng chịu thua ai một sợi tóc mảy lông, dữ tợn, hung hăng quen thói rồi. Vậy mà dạo gần đây nó có vẻ e thẹn mềm mỏng trước tên Ngọc Tuân, kẻ mà truớc kia nó rủa là thằng Thiên Lôi, thằng ôn dịch, thằng ó đâm. Nó đã từng xỉ vả, từng bêu xấu tên nọ giữa bạn bè, nhưng nó cũng đã thương trộm nhớ thầm tên nọ mà nó không dè. Còn thằng nọ vốn thiệt tình, hễ mê cô nào thì thú thiệt mình yêu cô đó, không úp mở, không rào rước đón sau, không nói trái với lòng mình. Bây giờ đuợc Tuân ta ngỏ ý cưới làm vợ, ả cảm kích quá nên hóa ra sụt sè, bẽn lẽn, ra điều thục nữ, coi tội nghiệp làm sao ấy!
Cô Bích Đào bảo:
- Cúc à, em biết không? Tên Ngọc Tuân nọ ít khi giỡn hớt, nói chuyện gì là làm chuyện ấy, chắc như đinh đóng cột.
Một khi được nghe cô Bích Đào khui chuyện Ngọc Tuân, cô Mộng Cúc được trớn được mợi lột trần hết tâm sự của mình cho cô chị văn hữu rõ:
- Sở dĩ em ngổ ngáo với đờn ông là tại em có mặc cảm mình chỉ được hạng thấp thỏi, hạng xấu trai mới đoái hoài tới. Cho nên khi anh chàng Ngọc Tuân ve vãn em, em tưởng chàng đem em ra làm trò cười nên em hành xử với chàng không được tế nhị. Giờ thì em biết được tấm lòng chơn thành của chàng thì em phải cư xử sao cho xứng đáng tấm lòng yêu thương thành thiệt của chàng. Gặp người thuơng người nghĩa mà em không đền đáp lại trái tim vàng mà chàng trân trọng trao cho em thì té ra em là thứ tàn nhẫn, vô tình lắm hay sao?
Cô Bích Đào chỉ gật đầu, rồi cười cười, không nói không rằng. Cô nhớ lại hồi năm ngoái, người anh chồng tương lai của cô là Bác sĩ nhãn khoa Lê Anh Dõng có tổ chức ăn mừng lễ sanh nhựt của vợ ông ta. Khách mời gồm có những kẻ có học thức son trẻ tại tỉnh nhà, trong đó có ba cô Bích Đào, Phương Liên và Mộng Cúc cùng Ngọc Tuân. Tại bàn tiệc dành cho các cô các cậu trẻ tuổi, cô Mộng Cúc ỡm ờ bảo bác sĩ Dõng:
- Thưa Bác sĩ, em có chứng bịnh đau mắt lạ lùng lắm, chắc là khó chữa trị. Các ông Biển Thước, Huê Đà tái sanh cũng chịu bó tay mà thôi.
Bác sĩ Lê Anh Dõng bảo:
- Để rồi tui khám mắt cô thử coi.
Cô Mộng Cúc liếc về phía Ngọc Tuân:
- Cặp mắt của em nhìn bất cứ đờn ông con trai nào cũng thấy họ dễ thương, trừ anh Ngọc Tuân nầy. Không hiểu tại sao em thấy ảnh xấu trai, xấu nết, xấu bụng, xấu đủ thứ... Em dám đánh cá với bác sĩ, dù bác sĩ mổ mắt em một trăm lần thì cũng vậy thôi.
Mọi người đều cười ngất. Ngọc Tuân cũng cười thống khoái, thỉnh thoảng liếc qua cô, không cười bằng miệng mà lại cười bằng cặp mắt reo vui, sắc mặt tươi ơi là tươi! Qua lượt phấn mỏng màu gạch, làn da ngăm có điểm vài vết rỗ lờ mờ của cô Mộng Cúc có vẻ mặn mòi kỳ lạ! Son tô môi của cô màu cam hài hòa với chiếc áo dài màu gạch nhưng thắm hơn, có in những chùm hoa ti-gôn trắng. Áo nầy may khéo làm nổi bật những đường cong nét lượn trên thân thể cao lớn, cân đối và mềm mại của cô.
Ngọc Tuân nhứt quyết cầu hôn cô Mộng Cúc. Cái khinh bạc, hất hủi của cô duới cặp mắt tinh anh của cậu chỉ là lớp phấn mỏng che đậy cái mặc cảm cùng tâm hồn sôi nổi của cô mà thôi.
Tối nay, bỗng dưng cô Bích Đào cảm thấy buồn man mác. Chị em trong nhà nầy không hòa thuận nhau, ba người chia ra hai phe. Cô Mộng Cúc tuy ở biệt lập, nhưng vẫn phải ăn cơm chung với bà ngoại cô và anh chị em trong nhà. Căn nhà nầy vẫn nằm trong khuôn viên của ông bà Hương Chủ Lầu, chỉ cách ngôi nhà từ đường một cái sân lót gạch tàu. Vuông sân nầy có bày hòn non bộ, các chậu sứ Giang Tây trồng bông kim đồng, bông ngọc nữ, thổ lan, mai chiếu thủy, trạng ngươn, huệ lan, mai tứ quý... Chị em nào, cô Bích Đào cũng mến, tuy ưa binh vực cô Mộng Cúc, nhưng cô không hề gây hấn với cô Phương Liên và cô Tuyết Mai. Nay mai, cô Phương Liên, cô Mộng Cúc và cô đi lấy chồng thì chắc gì tìm được ở nhà chồng một chị em nào ý hiệp tâm đầu để kết đảng kết phe? Biết đâu bọn cô sẽ bị chị em gái bên chồng húng hiếp hoặc trù dập dài dài?
Trước kia, cô Mộng Cúc cũng hòa thuận với cô Phương Liên và cô Tuyết Mai. Nhưng một hôm cô Tuyết Mai đi chợ về, chợt nghe cô Mộng Cúc nói hành nói tỏi về cô với bà Hương Chủ Lầu:
- Chị Hai Tòng (chỉ cô Tuyết Mai) trông coi việc nhà giỏi dắn gấp ba người nội trợ khác. Ngặt ngày tối chỉ cứ chải tóc, o bế quần áo, tóc tai, son phấn, nữ trang... rồi soi kiếng ngắm bóng không biết chán chường mệt mỏi. Soi kiếng sao mà hoài hủy, sa đà, mải miết! Chỉ làm con có cảm tưởng chỉ mê bóng sắc của mình còn hơn mê chồng.
Mối hiềm khích giữa cô Mai và cô Cúc nảy sanh từ đó. Rồi sau đó, khi viết truyện dài Thục Nữ, cô Mộng Cúc tuy không tạo ra nữ nhơn vật cay xé như ớt mọi, tuy không đắng nghét như thuốc bắc sắc trong siêu, tuy không chát ngắt như mít đẹt, nhưng cô ta nhẩn nhẩn the the, ưa cằn nhằn cửi nhửi với mọi người. Nữ nhơn vật ấy tên là Phương Phi vốn là nữ sinh trưòng ÁoTím. Đã vậy nữ sĩ Mộng Cúc còn tặng cho cô ta một mụt ruồi bên mép, thay vì gọi là nút ruồi duyên (graine de beauté) thì cô Cúc cho là mụt ruồi của kẻ mê ăn hàng, ăn càn ăn bướng, ăn suớng mê tơi, bánh trái chè xôi thị ta táp hết!
Cô Phương Liên vừa đọc xong truyện Thục Nữ, mắt cô đổ hào quang, hơi thở cô hổn hển. Cô khóc với cô Tuyết Mai và cô Bích Đào:
- Con a hườn khốn nạn đó bêu xấu em chưa đã nư hay sau mà còn gán cho em thêm cái mụt ruồi ôn dịch đó và tật mê ăn hàng táo tợn dường ấy?
Cô Tuyết Mai châm dầu mồi lửa:
- Nhằm nhò chi, cô Liên? Mai kia mốt nọ, cô nữ sĩ nhà mình cao hứng viết thêm cuốn Tục Thục Nữ, dám tặng cho cô Phương Phi kia thêm một cái thẹo, một đốm lông beng trên mặt và thêm cái tật bạ trai nào cũng mê cũng quyết lòng dê cho bằng được lắm đa.
Cô Bích Đào an ủi:
- Chị em trong nhà, mình phải biết châm chế cho nhau. Con Cúc khi tạo ra nữ nhơn vật Phương Phi, nó đem em và con Nhược Lan, cháu nội ông Phủ Vạn nhập chung rồi quết thiệt nhuyễn để nắn thành cô Phương Phi đó đa em. Cô Phương Phi chỉ giống em ở chữ lót trong tên họ và ở chỗ học trưòng ÁoTím, nhưng đó có phải là em đâu?
Cô Phương Liên càng khóc già thêm:
- Chị vốn hiền lành, ngay thẳng. Chị đâu biết con tiện tỳ kia lòng dạ hiểm sâu. Nó thấy em được cậu Trần Thành Công đi hỏi làm vợ nên nó ganh tị, biến em thành con hề cái để làm trò cười miễn phí cho thiên hạ.
Chiến tranh lạnh đó đã kéo dài hai năm qua, chiến trận cũng có lúc tạm yên, nhưng chiến tranh khó mà kết liễu.
*
°
Vừa sáng hôm sau, cô Tuyết Mai đuợc chồng cưng nồng nhiệt nên cô định làm món lươn um nước cốt dừa có rắc rau om để đãi chồng. Con Chằn lửa vốn ghét cá không vảy và nhứt là lươn. Cô mà dọn món nầy trên mâm cơm trưa nay là cô ả bợn dạ liền.
Mâm điểm tâm hôm nay có món bánh canh bột gạo nấu với tôm thịt và vắt thêm nước cốt dừa trước khi tra tiêu, ớt, hành, ngò. Số là cô Bích Đào vừa cuối canh tư đã thức dậy, viết lại cảnh hun hít của đôi nhơn vật chánh dưới bóng cây lệ liễu bên cạnh ao sen để kết thúc quyển truyện dài cho nên cô sanh hứng sai con Mít nạo dừa vắt nước cốt để cô trổ tài nấu bánh canh bột gạo đãi cả nhà.
Sau màn điểm tâm, cái bửu cảnh trên trang phựt sáng. Cậu Xuân Tòng sai thằng Quí trèo lên trang lấy kiếng xuống, giở tấm vải hồng điều ra coi. Trên mặt kiếng hiện bức tranh dân gian Ngựa Anh Đi TrướcVõng Nàng Theo Sau. Bên góc tranh có đề hai chữ Song Trần. Cậu Xuân Tòng cười hí hởn:
- Song Trần tức là Trần Thành Công và Trần thị Phương Liên chớ gì. Vậy là thằng chồng tương lai của con Liên đã đậu kỳ thi tốt nghiệp.
Cô Tuyết Mai và cô Phương Liên cười nói rộn ràng rồi sửa soạn đi chợ. Cô Liên mặc áo dài bằng hàng Thượng Hải thêu bông hường tiểu muội màu tím. Còn cô Mai mặc áo cẩm nhung màu hồng quế, cài chiếc trâm ở chéo ngực bằng vàng pha đồng có nạm các thứ ngọc trân châu, hổ phách, san hô, thạch anh, kim sa. Cô nào cũng đeo nữ trang bằng vàng pha đồng theo kiểu tân thời, nét chạm trổ thiệt tinh xảo.
Cả hai ngắm vuốt cho nhau, sau khi soi kiếng để kiểm soát cách ăn mặc trang điểm. Cô Tuyết Mai thì thầm:
- Người ta là nữ sĩ, người ta dẫu ăn mặc ra sao cũng được văn chương đánh bóng hực hỡ. Còn mình là phụ nữ tầm thường nên cần phải vàng đeo ngọc giắt, cần phải son thoa phấn giồi.
Bà Hương Chủ Lầu ở nhà trong trờ tới, dặn cô cháu nội dâu:
- Hôm nay có tía má thằng Ngọc Tuân cùng quan thầy thuốc Lê Anh Dũng đưa nó tới đây viếng nhà mình. Tao nhứt định đãi họ bún tôm nướng, canh chua cá bông lau, cà-ri vịt. Mấy thứ đó có thể ăn cặp vói bún và rau xắt ghém. Vịt thì có sẵn rồi. Mầy nên mua các thứ cần dùng để làm các món kia. Nhớ mua bánh hấp và trái cây để khách ăn tráng miệng.
Vừa lúc đó, ông phắc-tưa tới, chìa hai bức điện tín, một gởi cho cô Bích Đào, một gởi cô Phương Liên. Ông ta cười:
- Mong đây là tin vui.
Quả thiệt đây là tin vui. Nhà xuất bản Thế Giới Mới yêu cầu cô Bích Đào gởi gấp bản thảo cuốn truyện dài Mùa Xuân Thiếu Nữ. Còn cậu Trần Thành Công báo tin cho cô Phương Liên biết rằng cậu đã đậu đầu kỳ thi ra trường nầy.
Vì được tin vui nên cô Phương Liên cổi hết nữ trang bằng vàng, lấy sưu bộ kim cương ra đeo để cùng cô Tuyết Mai hớn hở đi chợ. Cô Bích Đào đọc lại chương cuối của tác phẩm mình trước khi nấu nước sôi làm vịt. Cô Mộng Cúc lau chùi chén dĩa, ly tách và bộ đồ trà. Sau đó, cô tắm gội và trang điểm. Cô chải đầu phùng, giắt trâm hình trăng khuyết cẩn hột xoàn lấp lánh xuyên qua cái bí bo. Cô vẫn xài phấn màu cam và son màu gạch, nhưng hôm nay, cô mặc áo dài màu xám trân châu in từng chùm bông Hortensia màu đỏ ráng chiều. Cô đeo xâu san hô màu đỏ gạch, đeo hoa tai bằng ngọc lựu chen hột huyền châu, đeo cà rá bằng ngọc thạch cắt mặt vuông. Đôi bàn chơn cô xỏ vô đôi dỏn mũi cong quớt bằng nhung đen thêu cườm ngũ sắc hình chim phụng. Cô nhìn bóng mình trong kiếng. Đẹp! Giờ đây cô không đẹp hơn ai, nhưng cũng chẳng thua ai.Tốt lúa nhờ phân, tốt thân nhờ lụa. Nhưng thân cô đã từng đẹp từ khi cô còn mặt rỗ. Bây giờ rỗ đã lặn mất tiêu rồi. Chẳng cần nhung lụa, phấn son, vàng ngọc, cô cũng liệt vào hạng giai nhơn mỹ nữ rồi. Ngặt mặt của cô tuy không dữ hừng hực nhưng hãy còn phảng phất vẻ câu mâu, ngôn ngữ cô vẫn chưa dịu ngọt và hãy còn du côn chút ít. Từ khi viết văn điệu đà theo ngôn ngữ yểu điệu thục nữ, cô luôn tâm niệm mình phải dịu dàng cốt cách, uyển chuyển dáng đi, quí phái dáng ngồi, hễ nằm thì thảnh thơi giống rồng bay, còn cử động phải đẹp như phụng múa loan xòe. Do đó mà dáng đi của cô bớt cứng còng cứng ngắc. Còn giọng nói của cô được bào mỏng chỗ nầy, thoảng nhẹ chỗ kia, vang lộng và sắc vút chỗ lên hơi cao, giọng tuy còn khàn đặc, nhưng lại gợi cảm thập phần. Tạo Hóa vốn đã khe khắc với cô, ban cho cô nhiều cái bất lợi ở sắc vóc, nhưng cô có ý chí mãnh liệt để hoán cải những cái khuyết điểm trầm trọng của mình.
Nhìn bóng mình trong kiếng, cô Mộng Cúc chợt nghĩ tới ai kia. Ai kia từ khi mới lớn nào có khôi ngô tuấn tú gì đâu. Ai kia có khuôn mặt thô nặng, cặp mắt lừ đừ, cặp môi dầy, môi dưới lại xệ. Nhìn cái miệng nọ, ngưòi đối diện phải nghĩ rằng ai kia là kẻ mê ăn và tham dục. Cặp môi đó là nét thô trâng tráo làm cho khuôn mặt ai kia như dến hai cái gai đâm vào mắt người ngắm.
Vậy mà khi bước vào tuổi 30, ai kia vẫn giữ đường nét cũ trên khuôn mặt, nhưng bắp thịt trên khuôn mặt rắn rỏi lại, lưỡng quyền cao hơn làm cho khuôn mặt ai kia không còn thô nặng, cặp môi cũng bớt dầy, nhứt là môi dưới bớt xệ, cặp mắt sáng háo hức... Đã vậy, khi ai kia khép miệng thì cặp môi bảng lảng nụ cười bâng khuâng man mác trông trữ tình kỳ lạ! Còn khi ai kia cười thì cặp môi như nở hoa, trông tươi đẹp đáo để! Đường nét trên khuôn mặt ai kia trở thành cứng cỏi một cách hùng tráng hòa hợp với vóc mình cường tráng, điệu bộ oai phong. Ai kia là anh chàng Võ Ngọc Tuân chớ ai trồng khoai đất nầy?
Cỡ 11 giờ sáng, khách đàng trai tới gồm ông bà Hội Đồng Võ Ngọc Đảnh (tía má của Ngọc Tuân), Bác sĩ Lê Anh Dũng và Ngọc Tuân. Cô Mộng Cúc bưng khay trà bước ra chào khách, rót trà mời khách uống. Cô cũng không quên đem cái gạt tàn thuốc cho khách đờn ông và khay trầu cho bà Hội Đồng Đảnh và bà ngoại của mình.
Ngọc Tuân kêu lên:
- Trời ơi, mới cách nhau một tháng mà sao em Mộng Cúc có khuôn mặt sáng sủa mịn màng như được lột lớp da cũ thay lớp da mới vậy?
Cô Mộng Cúc cười:
- Thưa anh, ca dao có câu: Mặt rỗ còn có khi lì/ Tay em cán vá dẫu có trì cũng không ngay.
Mọi ngưòi cười rần lên. Bà Hội Đồng Đảnh bảo bà Hương Chủ Lầu:
- Thưa bác Hương Chủ, tui nghe mấy người quen biết ở tỉnh mình bảo rằng cháu Mộng Cúc đây tuy giỏi văn chương thi phú, nhưng cũng giỏi việc bếp núc, may vá, thêu thùa. Thằng con trai tui kén vợ, nhưng gặp cháu Cúc là nó biết vàng thiệt hay vàng xi nên nó quyết cưới cháu Cúc cho bằng được.
Ông Hội Đồng Đảnh vốn sính chữ Nho. Ông cũng có đọc vài bài tùy bút của cô Mộng Cúc, thấy tác giả có nạm vài câu trong Đường Thi hoặc trong Kinh Thi, cho nên ông ái mộ văn tài của cô lắm. Nhơn lúc mâm cơm đãi khách dọn lên, thấy món canh chua cá bông lau có rắc rau tần dầy lá xắt nhuyễn, ông ngó cô Cúc rồi đọc bài Thái Tần (Hái Rau Tần) thuộc Thiên Thiệu Nam trong cuốn
Kinh Thi Quốc Phong:
Vu dĩ thái tần
Nam giản chi tân
Vu dĩ thái tảo
Vu bỉ hành lạo
Cô Mộng Cúc liền đọc bài dịch của cô:
Rau tần nọ, chị em ta hái
Nơi hướng nam, mọc tại bờ khe
Hái luôn rau tảosum suê
Mọc trong khe nước bên lề đường đi
Cơm nước xong, cô Bích Đào mời bà Hội Đồng Đảnh đến viếng hương khuê tức là căn nhà dành riêng cho cô Mộng Cúc cho biết. Ở đây bàn ghế toàn bằng gỗ cẩm lai được lau chùi bóng lộn. Bà Hội Đồng Đảnh ngại ngùng nhìn mấy tủ kiếng cao nghệu chất đầy sách báo, lòng phân vân lắm. Chu choa ơi, nếu bà rước con mọt sách nầy về làm dâu chắc bà phải bưng cơm rót nước để phục dịch nó. Tuy nhiên, bà cũng đảo mắt nhìn mấy bức tranh thêu lộng kiếng treo trên vách, hỏi cô Bích Đào:
- Chèn ơi! Đẹp quá! Tranh do ai thêu đó vậy? Cô Bích Đào thưa:
- Thưa bác, đó là tranh do chính tay em Cúc của tụi cháu thêu đó, bác. Nó có học hai năm mấy môn nữ công tại trường Mỹ Ngọc Nữ Công. Bức tranh thêu con sư tử bằng len trên nền sa-teng xanh cũng dễ thôi. Còn mấy bức tranh hình giỏ lam cũng bằng chỉ len thêu trên nền sa-teng màu vàng lợt và có gắn bông hường, bông cúc, bông mai cũng dễ làm nếu mình biết cách.
Bà Hội Đồng Đảnh nói:
- Mấy bức tranh thêu lối Tàu như bức đôi oan ương lội bên khóm sen hường, bức chim hạc dưới cây tùng, bức long vân khánh hội mới là thiệt đẹp, bởi phải khéo tay thêu ở những chỗ hiểm hóc nên tranh mới linh động dường ấy. Cháu Cúc quả thiệt có hoa tay đó chớ.
Sau khi khách hớn hở từ giã ra về thì các cô cháu gái bà Hương Chủ Lầu lo chùi rửa chén dĩa, nồi niêu. Cô Bích Đào ghé tai cô Mộng Cúc nói nhỏ điều gì đó, cô Cúc về nhà lấy một xấp cẩm nhung màu hường tươi, một xấp cẩm vân màu vàng đậm, bước xuống nhà bếp, nói với cô Tuyết Mai và cô Phương Liên:
- Bởi chuyện chung thân của em mà hai chị phải cực nhọc lo tiệc rượu đãi đằng. Khách đi coi mắt em đều khen ngợi các món ăn của hai chị. Em xin biếu mỗi chị một xấp hàng mỏng để may đồ mát mặc chơi. Chị Mai thích màu hồng đào, xin hãy nhận xấp cẩm nhung nầy. Còn chị Liên thích màu huỳnh yến thì xin nhận xấp cẩm vân nầy. Chị em tụi mình rồi đây sẽ chia tay nhau, ai cũng có gia đình riêng, mọi việc hiểu lầm từ bấy lâu nay xin hai chị hãy quên đi cho tình chị nghĩa em được vuông tròn.
Cô Tuyét Mai và cô Phương Liên đỏ mặt vì mắc cở. Cô Tuyết Mai rờ xấp cẩm nhung, rên rỉ một cách sung sướng:
- Mèn ơi, màu hường nầy tươi mà không lẳng. Tối tối, tui mà mặc đồ bộ bằng hàng nầy thì chồng tui sẽ cưng tui vạn lần cho bà con coi.
Cô Mộng Cúc bắt bẻ:
- Em chỉ cầu chúc anh Tòng tụi em cưng chị mặn nồng, chớ chẳng có ai dám coi cái chuyện ảnh cưng chị cho tới trời long đất lở đó.
Cô Tuyết Mai cười hịch hạc:
- Gì mà tới nỗi trời long đất lỡ? Ván giường bằng cây chớ có bằng đồng bằng đá đâu, mấy cô!
Ba cô kia cười rộ lên. Cô Phương Liên rủa:
- Đồ quỉ gì đâu á! Rồi đây ai ai cũng lần lượt có chồng, sẽ được cùng chồng cưng yêu nhau hà rầm, việc gì mà chị Đào và tao phải coi chuyện vợ chồng kẻ khác cưng yêu nhau? Mà lạ hén, tại sao con Cúc biết anh chàng Thành Công của tui chuộng màu vàng nên nó tặng xấp cẩm vân màu huỳnh cúc như vầy? Màu huỳnh yến đâu được đậm đà dường ấy? Để tui đem xấp cẩm vân nầy lại tiệm may, nhờ họ may cấp tốc chiếc áo dài để tui cùng anh Công đi Nha Mân ăn nem, đi bắc Mỹ Thuận ăn chim quay. Màu vàng nầy sẽ gợi cho ảnh màu nắng phương Nam ấm áp, chớ không chơi!
*
°
Phe Mộng Cúc cùng phe Tuyết Mai và Phương Liên từ đó hết hiềm khích nhau, dù đôi khi hăng hái trong lúc tranh biện, họ có cãi cọ nhau khá hăng; nhưng nhờ cô Hai Giai Nguyệt và cô Bích Đào khéo léo dùng cái lưỡi mềm mại uyển chuyển để giảng huề. Nhờ đó hai mà phe xẻn lẻn thu móng vuốt, khép bớt miệng sôi nổi tía lia, hết can đảm lấn át nhau bằng điêu ngôn xảo ngữ nữa.
Cô Bích Đào lấy chồng trước Tết. Quyển truyện dài Mùa Xuân Thiếu Nữ của cô nhờ văn phong vui tươi dí dỏm, nhờ cách diễn tả linh hoạt mà được văn giới và độc giả đón nhận nồng nhiệt. Cả nhà cùng gia đình ông Bảy Hên kinh ngạc xiết bao khi thấy cái bìa của nó giống hệt cái bìa hiện trên mặt bửu cảnh hồi năm ngoái.
Dược sĩ Lê Anh Kiệt đọc các tác phẩm của vợ, hí hởn:
- Quỉ ơi, hễ gặp nhơn vật nào bảnh trai và có ăn học trong truyện dài và truyện ngắn của em là anh thấy hình bóng của anh thấp thoáng ở đương sự. Cám ơn em cho mặt anh sáng hơn, vóc anh cao lớn hơn, lời nói của anh trầm ấm và dội sâu hơn.
Cô Bích Đào cười:
- Nếu em ghét anh, em cho khuôn mặt nam nhơn vật chánh của em nổi mụn như giề cơm cháy, còn giọng nói của anh kháp kháp như giọng vịt xiêm, tướng đi của anh chàng hảng chê hê...
Dược sĩ Lê Anh Kiệt được tía má chàng bỏ tiền ra lập nhà thuốc Tây ở Đà Lạt. Còn cô Phương Liên lấy chồng kế đó và thiên cư về Cần Thơ. Bác sĩ Thành Công vui vẻ bảo vợ:
- Anh không ưa mấy con em xí xọn và mấy mụ chị dâu ưa thọp thẹp của anh. Em mà về làm dâu ở nhà hương hỏa của tía anh thì sẽ mệt cầm canh vì họ. Vầ biết đâu họ cũng sẽ mệt bởi em.
Cô Mộng Cúc lấy chồng đầu năm sau, cô viết văn lai rai vì phải lo phụ chồng bán sách ở gần bến xe đò tỉnh Vĩnh Long. Còn Ngọc Tuân mở thêm tiệm sửa chữa xe đạp và bán phụ tùng xe đạp. Cậu lại còn hùn hạp với ông anh trưởng cậu để mở hảng làm cà rem múc ở miệt Cầu Bà Điều.
Cậu Hai Xuân Tòng, sau đám vu qui của cô Mộng Cúc, tinh quái bảo vợ:
- Bây giờ chắc em có thể thở phào một hơi cho sảng khoái. Cô Tuyết Mai lên giọng đạo đức giả:
- Sao anh có thể nhẫn tâm gán cho em cái tật ích kỷ như vậy? Chị em chung sống với nhau cỡ bảy, tám năm rồi thì dẫu một ngày cũng nghĩa, chớ có lý nào trơn lu kỷ niệm đẹp, hoi hiếm ân tình hay sao?
Cô thở thiệt dài dể tận hưởng cái tự do bát ngát từ đây về sau, rồi cô mơ màng tới cái quyền chủ phụ thừa kế trong ngôi nhà nầy sau khi bà Hương Chủ Lầu qua đời. Nhưng cái sảng khoái trong tiếng thở dài kia dần dà bị cái lạnh lẽo xâm chiếm. Cô chợt nhớ thương cô Bích Đào và cô Phương Liên. Làm sao cô tìm được một kẻ hiền hậu, ngay thẳng như cô Đào? Làm sao cô tìm được kẻ tri kỷ như cô Liên? Cô lại chạnh thương bà nội chồng của cô. Các cô cháu gái của bà lần lượt xuất giá. Cô Mộng Cúc tuy ở cùng tỉnh, nhưng mỗi Chúa nhựt mới có dịp thăm bà, nhưng ít khi ở chơi trọn nguyên ngày. Mỗi khi về thăm, cô Mộng Cúc thường đem món nầy món nọ biếu xén bà ngoại, đôi khi cùng ăn với bà và vợ chồng cậu Xuân Tòng. Cô Tuyết Mai rất vui vẻ khi tiếp đãi cô Cúc để cả hai có thể nhắc nhở những kỷ niệm thời bốn cô cùng chung sống dưới một mái nhà. Vào những dịp đó, hai cô thường rủ nhau đi ăn nem nướng hay ăn chạo tôm ở gần miễu Quốc Công hoặc đi chợ Cầu Lầu mua thịt cá thiệt ngon, tôm thiệt bự, rau và trái cây thiệt tươi để làm món ngon đãi bà Hương Chủ Lầu, cậu Xuân Tòng và chàng rể Ngọc Tuân.
Xuân Tòng và Ngọc Tuân lại hạp tình hạp ý nhau nên khắng khít nhau lắm. Cho nên cô Mai và cô Cúc mới thành thiệt đối đãi nhau. Cả hai tỏ ra ăn năn việc đối xử nhau quá gay gắt thuở trước. Thời gian đẩy họ lùi xa việc cũ, để họ ngắm nghía quá khứ toàn vẹn hơn, ôn lại từng khía cạnh tốt lẫn khía cạnh xấu của cách hành xử của mình. Họ tự thấy mình quá quắc, thái thậm, ăn ở cay nghiệt hồ đồ với nhau, để người nầy trở thành kẻ đối thủ của người nọ.
Một hôm có người ăn mày cụt tay và cụt chơn đến nhà. Cậu Hai Xuân Tòng cho y ta một đồng bạc và ba lon gạo. Người ăn mày bảo cậu:
- Tui đến đây đòi lại kiếng linh. Kiếng ở đây hết linh vì cả gia đình nầy và kiếng không còn duyên chung đụng với nhau nữa.
Cậu Xuân Tòng lắc đầu:
- Đó là bửu vật của ông nội tui. Ông đừng nên để ý tới. Mà ông là ai? Tại sao biết nhà tui có vật quí?
Người ăn mày chỉ cười rồi cáo từ. Nửa đêm hôm đó, trang thờ bửu cảnh cháy rụi, nhưng vách nhà và cột kèo trong nhà không có một vết nám. Bửu cảnh biến đâu mất. Ông Bảy Hên bảo cháu:
- Đó là ông Đạo Cụt tới đây thâu linh vật lại. Hồi trên 40 năm về trước, có lần ổng ghé đình An Thành nên gặp ông nội cháu.
Cô Mộng Cúc thường bảo cô Tuyết Mai:
- Vái Trời hai chị Đào và Liên về đây đập bầu một lượt thì vui biết mấy!
Em vừa được thư chị Đào. Chỉ cho em biết chị Liên và chỉ cùngcó bầu được ba tháng.
Người đập bầu trước nhứt là cô Tuyết Mai. Đứa con trai đầu lòng của cô làm cho bà Hương Chủ Lầu vui sướng như biến thành rồng bay lên mây. Cô Phương Liên được dây thép (về sau gọi là điện tín) báo tin mừng liền tự tay lái xe hơi từ Cần Thơ qua thăm, ở chơi với bạn ba ngày. Cô tặng cho sản phụ nào là cam Cái Bè, mận da người Vĩnh Long, quít Chợ Lách, nào cá chái nấu ngót sẵn, nào mắm tôm chà Gò Công, bánh phồng tôm Sa-Đéc, nem chua Lai Vung... Còn cô Bích Đào vì đường sá xa xôi nên gởi về cháu bé một cái khánh nạm vàng, một chiếc lắc bằng vàng cùng áo len và mũ len do cô đan, biếu thêm quần áo, khăn khíu và tã lót do cô thêu thùa. Riêng cô Mộng Cúc thì tặng cô Tuyết Mai bức tranh Đồng Tử Bái Quan Âm để cô Mai thờ trong nhà lấy hên. Ngoài ra, tự tay cô làm món giò heo tiềm đậu đen và thuốc Bắc, món gà ác tiềm sanh địa, món tim heo chưng với châu sa và thần sa để cô Tuyết Mai tẩm bổ và được nhiều sữa mát lành.
Trong thời gian cô Phương Liên về thăm xóm Cầu Lầu, cô Mộng Cúc rủ cô đi chụp hình, đi xin xăm ở chùa Thiên Hậu (chùa Bà) ở Cầu Dài, xin xăm thêm ở chùa Đức Quan Thánh Đế Quân (chùa Ông hoặc chùa Bảy Phủ) ở Cầu Đào. Cả hai còn đi Nha Mân ăn bún nem và bì bún, đi tiệm Đồng Hính ăn mì và xủi cảo, đi bắc Cổ Chiên ăn cháo lòng, đi rạp Nguyễn Thanh Điểm coi hát cải lương do gánh Trần Đắt diễn tuồng Nỗi Oan Vô Lượng.
Cô Tuyết Mai liếc về phía chồng, đợi chồng ra ngoài vườn rồi bảo cô Phương Liên và cô Mộng Cúc:
- Chồng tui cưng tui nồng nàn tới tấp, không hề biết nhàm mỏi. Vậy mà ba năm sau tui mới trổ sanh được thằng tiểu tặc nầy. Hai cô chưa biết đâu, hồi còn nằm trong bụng tui, thằng nghịch tặc nầy chòi đạp bằng những cú đá thô bạo như cầu thủ đá banh. Tới khi tui chuyển bụng, nó còn ương ngạnh, không chịu chui ra liền cho tui nhờ. Nó còn ở thêm vài giờ trong bụng tui để lộng hành thêm, làm tui đau tá hỏa tam tinh. Thiệt tình, sau kỳ sanh nở nầy, chỉ nghĩ tới chuyện ảnh cưng tui là tui rùng mình, nổi da gà, rồi bàng hoàng như bị chém hụt. Từ đây về sau, tui sẽ coi ảnh như bạn suông trơn mà thôi.
Cô Mộng Cúc an ủi:
- Bây giờ chị hãy còn rêm, còn đau thốn tới óc. Mai kia mốt nọ, chị sẽ khô ráo lành lặn, nếu ảnh không chịu cưng chị, chị sẽ làm giặc chớ không chơi đâu.
Cô Phương Liên cũng an ủi:
- Ừ hén, ăn quen thì nhịn sao quen? Xin chị chớ nghĩ ngợi sa đà mà anh Hai tụi em phiền. Chị mà gây cảnh cám treo để heo nhịn đói, ảnh sẽ có mèo, hoặc có vợ bé thì... mệt lắm đa!
Cô Bích Đào là kẻ thứ hai đập bầu dưới mái nhà hương hỏa của ông bà Hương Chủ Lầu. Cô đẻ mau mắn, không bị hài nhi hành thân hoại thể dù đó là đứa con so. Nhưng vì công việc nhà trên Đà Lạt quá đa đoan, quá bộn bàng phiền phức nên cô chỉ mong cho mau khô ráo để trở về tổ ấm riêng ở nơi miền cao nguyên có khí hậu ôn nhuận ôn hòa. Cô Mộng Cúc nói giỡn:
- Chị mong cho mau khô ráo để chiều chồng phải không? Để em nhúm lửa mẻ than Càn Đước để chị hơ cho mau khô.
Cô Tư Phương Liên can gián:
- Thôi, cho tui can. Bày đặt hơ than thì phần hạ bộ đen như màu cánh con dơi, anh Kiệt sẽ không dám ngó miền Hậu Giang của thân thể chị Đào nữa.
Cô Bích Đào cười thiệt tươi:
- Chị hãy còn ê ẩm, chưa nghĩ tới chuyện đó đâu. Anh Kiệt vốn là kẻ kiên nhẫn. Chị sanh cho ảnh một thằng trưởng nam là ảnh đủ vui rồi.
Cô Tuyết Mai nheo cặp mắt lá răm:
- Nếu hết ê ẩm, chắc cô nôn lắm, phải không, cô Đào?
Cô Tư Phương Liên có chửa trâu, phải trải qua 11 tháng mới sanh. Bác sĩ Trần Thành Công đành cho vợ về Vĩnh Long ở với bà ngoại cô trong lúc đợi lâm bồn. Chúa nhựt nào, đương sự cũng qua thăm vợ, ở chơi với vợ cho tới xế chiều mới về Cần Thơ. Bà Hương Chủ Lầu phải đi xin từng nhúm gạo trong xóm để nấu cháo cho cô ăn và bà tin rằng cháo nấu bằng gạo bá tánh sẽ giúp thai nhi sớm lọt khỏi lòng mẹ.
Cô Phương Liên và cô Mộng Cúc đập bầu cách nhau vài ngày dưới mái nhà trong xóm Cầu Lầu. Dù bận việc, cô Bích Đào cũng về thăm Vĩnh Long. Đây là lần đầu tiên, sau khi cô Mộng Cúc lấy chồng, bốn chị em mới có dip gặp nhau. Cô PhươngLiên sanh một trai, cô Mộng Cúc sanh đôi một trai một gái. Nhà bà Hương Chủ Lầu được khách tới thăm viếng nườm nượp. Cô Hai Giai Nguyệt tình nguyện ở xóm Cầu Lầu ban ngày để giúp bác dâu và cô Tuyét Mai săn sóc hai sản phụ, chiều tối cô mới được chồng rước về cù lao An Thành.
Dĩ nhiên cô Phương Liên lẫn cô Mộng Cúc từ chối việc đặt mẻ lửa than dưới gầm giường. Cô Hai Giai Nguyệt vui miệng bảo các cháu:
- Tụi bây biết tại sao ông bà mình bắt sản phụ sau khi đẻ phải nằm trên hơi lửa than không? Theo tao nghĩ, hồi xưa sau khi đúc cốt cho vợ xong thì ông chồng không dám tráng men thai nhi ; đó là phương pháp giáo thai, cốt để đứa con mai sau được thông minh, sáng dạ trong việc học hành. Bởi đó mà anh chồng nôn lắm. Hễ vợ vừa mới sanh xong là đương sự bắt vợ hơ hơi nóng của lửa than cho vợ mau khô ráo, để đương sự tháo trút cho mình khỏi bị nước đọng ngập bờ, để mình được mau hạ hỏa.
Cô Mộng Cúc rắn mắt nhìn cô Tuyết Mai:
- Nè chị Tòng, sau khi chị được mẹ tròn con vuông, chắc là anh Tòng và chị phụng đão loan điên tưng bừng như hồi mới cưới, có phải vậy không?
Cô Tuyết Mai ỏn ẻn cười, cất giọng eơ éo một cách tỉnh rụi:
-Ối, cần gì phải đợi tới khi mẹ tròn con vuông làm chi cho lâu lắc? Tui ghét chờ ghét đợi lắm, mấy cô ơi!
Cả năm cùng ré lên cười inh ỏi, nhưng chợt thấy bóng bà Hương Chủ Lầu thấp thoáng ở trung đường nên cả năm im phăng phắc. Rồi đó, cô Tuyết Mai xách nồi đồng đi nấu cơm, cô Hai Nguyệt nấu món cháo nếp và nấu nước với hột gòn rang, còn cô Bích Đao o bế nồi canh giò heo hầm đu đủ. Bà Hương Chủ Lầu cho các sản phụ biết rằng nước nấu với hột gòn rang, món canh giò heo hầm đu đủ lẫn và món cháo nếp nấu với hột sen, bạch quả sẽ giúp sản phụ có sữa dồi dào.
*
°
Bà Hương Chủ Lầu, sau lễ cúng đầy tháng cho hai đứa con cô Mộng Cúc, cùng bà Bảy Hên ngồi ở trung đường vừa ăn trầu vừa nghe tuồng cải lương thu thanh trong các dĩa hát máy. Sau hết, bà bảo em dâu:
- Thím coi đó, con Hai Nguyệt với bốn con cháu của tui hễ gặp nhau là tụi nó xầm xì từ chuyện nầy sang chuyện khác rồi ré lên cười dòn khấm khứu. Vậy mà hễ có ai đi ngang qua là tụi nó nín khe, mặt mà đỏ ké, coi dị ôn hết sức!
Bà Bảy Hên têm cho mình một miếng trầu rồi nhai chóc chách. Bà ngó về căn bếp, bảo chị dâu:
- Chị coi kỹ vợ thằng Hai Tòng đi. Lóng rày cái đít nó nở chè bè, lông mày nó dựng đứng, trái cổ nhảy thoi thóp. Con đó mà không cấn thai, chị lấy dao yếm vanh hết hai bàn tay tui đi.
Dưới bếp, cô Tuyết Mai bằm sả ớt để xào thịt gà ; cô Bích Đào hỏi nhỏ chị
dâu:
- Chị có nghe thím Bảy nói về chị không? Kinh nghiệm về chuyện thai nghén, đẻ đái, mấy bà già chắc không sai đâu.
Cô Tuyết Mai tuy làm màu mắc cở, nhưng cặp mắt rực ánh thích thú và tinh ranh. Cô cười cúc cúc:
- Sai làm sao được? Bởi tui dễ dãi, chồng tui cứ đòi cưng tui hoài. Tuy nhiên, dù đôi khi tui cảm thấy hơi bễ nghễ trong người, nhưng tui chẳng dám từ chối nhiệt tình của ảnh. Thiên địa ơi, ảnh chỉ biết cơm nhà quà vợ nên siêng năng, mài miệt chuyện cưng vợ nhà... thấy ghét quá chừng chừng! Bởi đó, đứa đầu vừa ăn thôi nôi là đứa sau bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ rồi.
Cô Bích Đào liếc chung quanh như sợ có ai lảng vảng gần đó. Cô hạ giọng thiệt thấp, thiệt mỏng, thiệt nhẹ như hơi gió thoảng:
- Chồng em tuy hiền lành, ôn nhu, trầm lặng ở đủ mọi chuyện. Ai cũng khen ảnh như thầy sãi Tam Tạng. Nhưng mà về chuyện yêu vợ, ảnh... kinh khủng lắm chị ơi! Ảnh làm toàn những chuyện trời long đất lở, những chuyện ba đào giông tố, ghê lắm chị ơi! Bởi vậy em cũng cảm thấy giờ đây trong bụng em, trong thể chất em có vài biến chuyển nhỏ. Để rồi, em nhờ ảnh khám nghiệm coi em có dính cái chủng tử nào trong từng cơn mưa chủng tử mà ảnh gieo tới tấp trong em hay không?
Cô Tuyết Mai đắc chí cười:
- Đờn bà tụi mình phải biết bổn phận chiều chuộng chồng. Chồng mình cưng yêu mình, tức là tình nguyện thi ân lớn cho mình. Vậy mà có kẻ không biết săn sóc chồng, lại còn hổn hào chống cự với chồng là thứ đờn bà ngang ngược, đáng cho tứ mã phanh thây mới đáng tội, phải không cô?
Cô Bích Đào cười ngất:
- Chị lớn tuổi, giàu kinh nghiệm hơn em. Chị dạy bảo em điều gì, em cũng thấy hạp tình hạp lý. Còn cái chuyện đó đó, chị dạy một thì em hiểu tới mười vì em có sẵn kinh nghiệm do chồng em truyền lại rồi.