---~~~mucluc~~~---


CHƯƠNG 6
CÂU CHUYỆN BÊN DÒNG RẠCH TÂN GIAI

     à Bang Biện Lâm Thiện Tánh khuê danh là cô Hai Lý thị Kim và có ba người em trai là Ba Lý Kim Luông, Tư Lý Ngọc Hổ, Năm Lý Thanh Hùng, Sáu Lý Dõng Bưu và người em gái chót tên Út Lý thị Nguyệt. Tư Hổ và Sáu Bưu chết từ hồi còn nhỏ, chưa tới ba tuổi.
Nhà ông bà Bang Biện Tánh ở làng Tân Giai. Từ Miễu Cây Da Cửa Hữu đi qua phía trái, khách viếng thăm phải vào chiếc cổng bên hông Thánh Thất Cao Đài, bước qua cầu Tân Giai bắc qua con Kinh Cụt, men theo con đường đất lượn song song với rạch Tân Giai chừng một cây số là tới nhà hai ông bà. Nhà cất trong hai mẫu vườn trồng đủ thứ cây ăn trái thuộc miền Tiền Giang như cau, dừa, mận, ổi, xoài, cam, quít, chanh, bưởi, khế ngọt, khế chua, mãng cầu, lựu, dâu miền dưới... Nhà nầy thuộc loại nhà bánh ếch, gồm một căn hai chái, nhưng phía sau có cất gác cao. Trong nhà bày bàn ghế đóng theo kiểu dưới trào vua Louis Thập Ngũ, xen lẫn tủ thờ khảm xa cừ, cột chạm có gắn liễn ngói nền mun hoặc nền son thếp chữ vàng. Đây là loại nhà chưng bày nửa Âu nửa Á, không cần theo một qui tắt nào, miễn đẹp và quí thì thôi.
Khi độc giả bước vào truyện nầy thì bà Bang Biện Tánh tuổi đã 50 ngoài, góa chồng và được ba con gồm 1 trai và hai gái. Ông Ba Kim Luông kém hơn chị 3 tuổi, nhờ bảnh trai, ăn học giỏi nên cưới được vợ đẹp và giàu và được bên vợ nâng đỡ nên leo lên chức Chánh Chủ Quận. Còn bà Út Nguyệt lận đận về việc chồng con nên sau cùng làm kế thất cho ông Bang trưởng của bang Phước Kiến của 3 tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh. Vợ ông Chánh Chủ Quận Luông ló mòi coi rẻ bên chồng nên bà Bang Biện Tánh và bà Út Nguyệt ít khi lui tới nhà vợ chồng ông ta. Khi giỗ tía má họ, bà Bang Biện Tánh tổ chức bữa cúng riêng tại nhà mình và chỉ mời vợ chồng em gái và chị em bên chồng mình.
Bà Bang Biện Tánh và bà Út Nguyệt cách nhau 10 tuổi nên ở vào hai thế hệ khác nhau. Bà Bang Biện Tánh cam phận bà già, chỉ ăn mặc cho sang, nhưng không tô son giồi phấn, lại còn ăn trầu cho mặn mòi mẫu người phu nữ sống theo lối cổ. Còn bà Út Nguyệt còn non nheo nhẻo, lai có bóng sắc nên ăn mặc theo phụ nữ trẻ trung, son thoa phấn giồi, đeo nữ trang bừa bộn, rườm rà lắm.
Bà Út tự đặt cho mình cái tên Túy Nguyệt để trổ tài làm thơ, và cho xuất bản thi tập Bông Hường Đượm Sương cốt để ca ngợi Ái Tình và hoài niệm những cuộc tình hạnh phước của mình. Sau ba lớp chồng, Việt có, Tây có, Ấn cũng có luôn, tới gần tuổi 40, bà mới chịu làm kế thất ông chồng dị chủng tên Lọt Tài Phá (Lạc Đại Hoa). Ông Bang Phá coi mạch hốt thuốc mát tay nên giàu có và lại có tiệm bán cao đơn hườn tán ở gần Miễu Quốc Công. Tiệm chỉ là căn phố khá rộng, có một từng lầu thoáng khí. Ông khôi ngô, hào hiệp, biết chiều vợ, biết đủ bí thuật nịch ái vợ nên bà Út Túy Nguyệt dẹp bỏ lòng dơi dạ chuột, quyết lòng trụ luôn tiệm thuốc bắc An Tuy Đường của chồng. Bởi đó bà sáng tác bài Cảm Hoài như sau:
Trên bến tà dương, tủi phấn hương Còn chi nuối tiếc mộng Cao Đường Đời hiu quạnh tựa chiều phai nắng! Lòng ướt mềm như cỏ đẫm sương Tỉnh giấc, ngậm ngùi thân liễu ngõ
Giựt mình, thương xót phận hoa tường
Thôi thôi, mỏi bước xin dừng lại
Tìm buổi tàn đông điểm tựa nương
Bởi bị anh và chị dâu khinh khi thói đi ngang về tắt của mình nên bà Út quyết lòng chiều chuộng hai thằng con trai của chồng và lũ cháu kêu mình bằng dì. Bà mong họ nên người để cho ông anh khả ố và mụ chị dâu mắc dịch của mình sáng mắt ra rằng bà có gia đình riêng và gia tộc riêng, gia nào cũng có căn cơ vững chải cả. Nhờ tấm lòng ưu ái thành thiệt đối với hai thằng con chồng là Lọt Tsíng Pó (Lạc Thanh Ba) và Lọt Tsíng Xủi (LạcThanh Thủy) nên bà được họ yêu kính. Hai cậu con chồng nầy học trường Pháp Hoa Học Hiệu (Ecole Franco Chinoise) rồi sau chuyển qua trường Chasseloup Laubat, đậu Tú Tài. Họ học thêm Anh Văn rồi theo bên nội học buôn học bán để làm giàu.
Bà Út Túy Nguyệt khi biết rằng lũ cháu kêu mình bằng cô ỷ lại vào tiền bạc của tía má họ nên đâm ra chểnh mãng học hành. Cho nên cái ý định o bế ba đứa cháu kêu mình bằng dì ăn học giỏi để trả thù ông anh ó đâm và bà chị dâu kiêu căng của bà càng lẫy lừng như lửa riu riu gặp gió. Trong hai đứa cháu gái, bà cưng cô bé Lệ Châu hơn. Cô nầy có vóc dáng cao ráo và nước da trắng trẻo.
Còn cô bé Lệ Ngọc ưa gian nắng nên nưóc da đen hù, đã vậy cô còn có vóc dáng vừa mập vừa lùn, dù khuôn mặt cô có nhiều đường nét hài hòa đi nữa.
Cậu Lâm Thiện Dõng vì sớm biết phận mồ côi của mình nên chí thú an học và đậu được Tú Tài ban Triết học, nhưng chỉ ở nhà lo việc vườn ruộng, chớ không ra làm việc với nhà nước Lang Sa. Còn cô Lệ Châu thì thi đậu bằng Brevet du Premier Cycle và cô Lệ Ngọc thi đậu bằng Thành Chung. Quý vị độc giả nào trưởng thành vào các thập niên 30, 40, 50 chắc còn nhớ bằng Thành Chung tròm trèm với hai bằng trung học của Pháp là Brevet Élémentaire và bằng Brevet du Premier Cycle nhưng có thi thêm phần văn chương Việt Nam. Từ khi bắt đầu vào trung học, cô Lệ Ngọc không gian nắng đùa nghịch với lũ trẻ hàng xóm nên nước da cô không còn tối sậm như chầu xưa.
Bà Út Túy Nguyệt chẳng những giỏi khoa xem tướng, giỏi khoa bói nghe kiếng và khoa đoán điềm giải mộng, lại còn rành khoa châm cứu nữa. Bà thường bảo chị ruột của mình:
- Nè chị, anh rể của em và chị ăn hiền ở lành, lại còn mềm mỏng khiêm tốn thì sẽ được Trời thương. Lũ con của chị tuy không làm ông nầy bà nọ như vợ chồng anh Ba Luông, nhưng tụi nó sẽ có văn bằng, có tiền của. Đứa nào cũng có quới tướng cả. Còn hai thằng con trai và đứa con gái của họ chẳng những không có từ dung mỹ mạo, lại thêm tướng dữ tướng xấu hiện ở nhơn diện vóc dáng tụi nó. Rồi đây, tụi nó sẽ là lũ phá gia chi tử, may lắm là sống được cuộc đời tuy no ấm tấm thân nhưng chẳng chút vẻ vang gì cho tía má tụi nó.
Sau ba tháng vắng mặt ở Vĩnh Long để đi Chợ Lớn thăm lom gia đình hai đứa con ghẻ, bà Út Túy Nguyệt mới chịu trở về Vĩnh Long để di Tân Giai ăn đám giỗ anh rể của mình. Bà nhìn cô Lệ Ngọc lom lom. Chèn ơi, chỉ cách mặt nhau mới có 9 tháng mà cô Lệ Ngọc nhổ giò cao lớn dong dảy, nước da tuy không trắng mát như nước da cô Lệ Châu, nhưng cũng đã mơn mởn khá nhiều, lại còn hồng hào chói lọi. Thành hoàng thổ địa ơi, cô em giờ đây đẹp hơn cô chị, nụ cười kèm theo đôi lúm đồng tiền nên càng duyên dáng mặn mòi hơn cô chị nữa là khác. Bà Út Túy Nguyệt khen:
- Mèn đéc ơi! Ai mà dè con Ngọc đẹp lụy anh hùng như vầy? Để dì kiếm nơi giàu sang phú quới, hoặc chỗ quờn cao tước trượng để cho cháu trao thân gởi phận suốt trăm năm.

*

°
Cậu Hai Thiện Dõng khi 22 tuổi, nhơn dịp dự đám giỗ của bà vong mẫu ông Huyện Hàm Trần văn Hưởng ở Tân Ngãi, có gặp cô Trần thị Cẩm Liên, con gái ông bà Huyện và cô Tô thị Cẩm Điệp, con gái của ông bà Phán Tô Đạt Sanh (ông Phán Sanh là em ruột bà Huyện Hưởng). Cô Cẩm Liên kiều diễm cao sang, ăn nói bải buôi. Còn cô Cẩm Điệp thì lu lít, xanh xao, tuy cô ăn nói chải chuốt, lại ưa đánh lưỡi ngoai miệng để làm điệu.
Cậu Thiện Dõng về nhà bảo mẹ đi coi mắt cô Cẩm Liên cho cậu. Nhưng bà Út Túy Nguyệt bàn ra:
- Nè cháu, dì coi bộ việc cháu mong cầu khó mà vuông tròn. Vậy thì cháu thử bói nghe kiếng coi sao.
Ở đây bút giả xin lạm bàn sơ sịa về khoa bói nghe kiếng qua lời giải thích của cụ bà nữ sĩ Kim Y Phạm Lệ Oanh trong quyển truyện dịch Liêu Trai Chí Dị do Trường Giang xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1962 và do Tủ Sách Cành Nam tái bản tại Huê Kỳ vào năm 1987 như sau: Thiên-Nguyệt-lệnh Túy-biên nói rằng: Đêm tết Nguyên-đán quét dọn đèn hương trước bàn thờ ông Táo, rồi đổ nước vào cái nồi cho đầy, bỏ cái thìa vào nồi nước, thành tâm khấn khứa xong, khoắng nước cho cái thìa xoay đi. Khi thấy chuôi thìa trỏ về phương nào, thì cầm gương đi ra phía ấy, ngầm nghe tiếng người nói bên ngoài. Câu đầu tiên nghe được tức là điềm chỉ vận hạn tốt xấu.
Ngày Tết Ngươn Đán năm đó, cậu Thiện Dõng mang kiếng đi về hướng Đông Nam, tới cuối xóm thì nghe bà Bảy Giỏi rầy rà con gái:
- Mầy đừng lộn xộn, may áo thì nên lựa thứ cẩm nào dệt bông nhỏ như cẩm bướm, chớ lựa loại cẩm dệt bông lớn như loại cẩm sen, coi không nhu nhã đâu.
Cô Hai Thục Phi, con gái bà Bảy Giỏi nói:
- Thôi được, con lựa xấp cẩm bướm màu tím tươi vậy.
Cậu Thiện Dõng không thể đoán ra sao. Bà Bang Biện Tánh sai con Lài nấu nồi bánh canh tôm thẻ giò heo rồi sai con Ổi đi qua Miểu Quốc Công mời bà Út Túy Nguyệt để bàn điềm bói nghe kiếng. Bà Út liền soạn quần áo, đi Tân Giai để ở chơi nhà chị vài hôm. Nghe cháu trai thuật chuyện bói nghe kiếng, bà liền hỏi:
- Nè cháu, hôm cháu đi ăn giỗ ở nhà ông Huyện Hàm Hưởng, ngoài con gái ổng còn có cô nào khác có tên kép khởi đầu bằng chữ Cẩm không?
Cậu Thiện Dõng chợt nhớ ra:
- Có cô Tô thị Cẩm Điệp là con gái ông Phán Tô Đạt Sanh. Ông nầy là em vợ của ông Huyện Hàm Hưởng, nhà ở gần lò gạch chợ Trường An.
Bà Út Túy Nguyệt vỗ tay:
- Duyên nợ cháu không buộc vào cô Cẩm Liên đâu, mà ở nơi cô Cẩm Điệp đó. Cháu hãy nghe đây: Bà Bảy Giỏi khuyên con gái đừng may áo bằng thứ lụa cẩm sen vì lụa đó dệt bông lớn, coi không nhu nhã. Cháu đừng quên, theo chữ Nho thì Liên tức là Sen. Còn cô Hai Thục Phi đổi ý chọn thứ lụa cẩm bướm. Mà theo chữ Nho, Điệp tức là Bướm vậy.
Đang lúc mê say cô Cẩm Liên, cho nên cậu Thiện Dõng rùng vai, tỏ vẻ không tin. Còn cô Lệ Châu thì cười ngất:
- Tưởng ai chớ chị Cẩm Điệp thì cháu còn lạ gì. Chị đó xanh chành, môi tái dách. Nghe đồn chỉ có đủ thứ bịnh, uống thuốc như cơm bữa. Trời ơi, anh Hai tụi cháu mà cưới chị Cẩm Điệp về đây thì cả nhà mắc công nuôi bịnh.
Cô Lệ Ngọc can gián:
- Anh Hai tụi cháu phải thế trượng phu hảo hớn, vai rộng lưng dài. Còn chị Cẩm Điệp thì dài thoòng như cây tre miễu, da trắng bệch bạc như da con cá cơm, như da bụng con thằn lằn. Đã vậy, giọng chỉ ồ ề như giọng vịt đực, tiếng cười kháp kháp như tiếng vịt xiêm. Cả hai không xứng đôi, khó mà ăn đời ở kiếp với nhau.
Bà Út Túy Nguyệt vẫn tươi cười:
- Ay, duyên nợ mà cháu. Mình dẫu có chạy đằng trời cũng không tránh khỏi nắng.
Cậu Thiện Dõng cứ theo năn nỉ bà Bang biện Tánh đi hỏi cô Cẩm Liên cho cậu. Bà Bang Biện cũng đành chiều lòng con, nên lựa ngày trực thành đi Tân Ngãi.
Ông bà Huyện Hàm Hưởng từ chối:
- Con gái tụi tui đã lỡ hứa hôn cho Bác Vật Thái Phi Khanh, con ông Đốc Phủ Sứ Thái Phi Long rồi.
Cậu Thiện Dõng thất vọng muốn bịnh, cứ nằm dã dượi mấy hôm trên gác. Cậu hết trông xuống dòng rạch Tân Giai chảy bon bon trong mùa mưa lũ rồi ngắm dải ruộng lúa xanh biếc bên kia sông, thở dài sườn sượt.
Bà Út Túy Nguyệt liền đi chợ Truờng An, mượn cớ tìm mối để bán loại lãnh Chùa Tháp và lãnh Tân Châu nhuộm mặt nưa, nhưng cốt để làm quen với ông bà Phán Sanh. Sau đó ít lâu, bà Phán Sanh vụt có cảm tình với bà nên thuờng đãi ăn hậu hĩ lắm. Bà Út Túy Nguyệt nhìn cô Cẩm Điệp, bảo bà Phán Sanh:
- Con cháu nầy nếu không đau ốm thì cũng có bóng sắc như ai. Chị nên tìm chỗ xứng đáng để gả nó, biết đâu nó hết bịnh nhờ hai khí âm dương điều hòa. Và sau khi nó đẻ đái, máu huyết nó sẽ thay đổi, nó sẽ xinh tốt ; chồng nó sẽ mê nó hơn.
Bà Phán Sanh buồn rầu:
- Hồi nó lên ba, thầy thuốc nói nó khi mới sanh ra khí huyết không đủ nên sẽ bịnh hoạn dây dưa. Còn thầy bói thì nói nếu nó lấy chồng hạp tuổi, hạp tánh thì bịnh kia sẽ khỏi. Tui biết tìm ai mà gả nó đây? Nếu chị biết nơi nào xứng đáng để nó trao thân gởi phận thì tui sẽ đền ơn 10 lượng vàng.
Số là tại huyệt đan điền của con người tức là huyệt nằm dưới lỗ rún 2 hoặc 3 lóng tay có hai thứ dương khí: thứ dương khí tiên thiên do cha mẹ truyền cho hồi mẹ đậu thai, cũng gọi là quân hỏa. Còn thứ dương khí hậu thiên do cơ thể sanh ra nhờ ăn uống lại gọi là tướng hỏa. Như cô Cẩm Điệp đây, dương khí tiên thiên của cô không đầy đủ vì má cô chỉ mang thai có 7 tháng thì sanh ra cô, dương khí tiên thiên chứa kết tụ đủ lượng ở thể chất cô nên cô mới èo uột từ nhỏ tới khi gặp bà Út Túy Nguyệt như vậy.
Bà Túy Nguyệt bèn hứa làm mai cô Cẩm Điệp cho cậu Thiện Dõng. Để o bế sắc vóc cô Túy Nguyệt, bà đưa cô đến An Tuy Đường để bà châm cứu cho cô và để chồng bà hốt thuốc ích khí bổ thần cho cô uống. Do đó, cô tuy còn hơi gầy, nhưng lên cân, khuôn mặt đầy đặn, lưỡng quyền bớt cao, tay chơn bớt khẳng khiu, da thịt không còn xanh xao và trở nên trắng mát.
Khi cậu Thiện Dõng cưới cô Cẩm Điệp xong, hai vợ chồng lại yêu đương nồng mặn. Nhưng do con Khế, đứa tớ gái của bà Phán Sanh tiết lộ, cậu hay được mụ dì quí hóa của mình liểm 10 lượng vàng của bà Phán Sanh nên cậu bất bình trong bụng, nhưng không dám nói ra.
Còn cuộc hôn nhơn của cô Lệ Châu với cậu Trần Trọng Chánh, thứ nam của ông Hội Đồng Trần Kỳ Hên, có nhà ở Cầu Bà Điều thì sao? Khi cả hai đi dự lễ rước đèn lồng vào đêm 14 tháng 7 dương lịch ( Lễ Quatoze Juillet) trước dinh Quan Chánh Tham Biện, thì cả hai có dịp chuyện vãn nhau vì cậu Trọng Chánh là bạn học cùng lớp với cậu Thiện Dõng khi cả hai còn học trường Pétrus Ký ở Sài Gòn. Lúc đầu, khi biết cậu Trọng Chánh đeo đuổi mình, cô Lệ Châu chê cậu Trọng Chánh hơi khù khờ, lại là con của bà vợ bé ông Hội Đồng Hên. Cô chỉ để ý cậu Lê Háo Nghĩa, con Trạng Sư Lê Ái Tước vì cậu Háo Nghĩa chẳng những đẹp trai mà lại còn học trường Tây Chasseloup Laubat nữa. Đêm đó, cô nằm chiêm bao thấy mình lột trái vải chín muồi ra ăn. Bà Út Túy Nguyệt đoán điềm giải mộng như sau:
- Nè con, con không có duyên nợ với chàng trai nào có mỹ mạo phong lưu đâu. Theo dì Út nghĩ, trái vải nào khi chín muồi thì vỏ của nó chẳng những sần sùi thô nhám, mà còn khô quắt khô queo. Ấy vậy mà ruột nó lại ướt rượt, lại ngọt ngào thơm tho. Cứ theo mộng triệu mà suy thì con sẽ lấy chồng tuy không đẹp trai, nhưng có tấm lòng hào hiệp tốt lành. Để rồi con coi.
Quả thiệt y như rằng. Cậu Háo Nghĩa cưới cô Henriette Mai, con của Giáo sư Henri Mai Phú Cường. Cô nầy có điệu bộ giống đầm, học truờng Marie Curie, đẹp lộng lẫy như ngôi sao màn bạc. Phẩn chí quá, cô Lệ Châu nhận lời kết hôn với cậu Trọng Chánh. Cả hai về ở nhà bà Bảy Nhiên, mẹ ruột cậu Trọng Chánh. Nhà nầy cất ven rạch Cá Trê, gần đình Tân Giai và cách cầu Kinh Cụt một cây số. Bà Bảy Nhiên làm nghề vựa mắm vựa khô. Cô Lệ Châu đi dạy lớp nhứt trường Nữ Tiểu Học. Còn cậu Trọng Chánh được cha và anh chị dòng đích hùn cho tiền lập tiệm bán đèn măng- sông, dàn hát máy, dĩa hát máy cùng sách báo và văn phòng phẩm ở ngoài chợ Vĩnh Long, cùng một dãy với chợ cá, cách chợ cá 500 thước.
Bà Út Túy Nguyệt tuyên bố:
- Bà con coi đó, hai đứa lớn của chị Hai tui nhờ một tay tui mà duyên ưa phận đẹp. Bây giờ tui phải lo việc chung thân cho con Lệ Ngọc. Con nầy mới đúng là trang giai nhơn mỹ nữ. Tui phải lựa cho nó một tấm chồng thượng lưu trí thức, bạc biển tiền rừng mới xứng với cái bóng sắc chói chang của nó.

*

°
Cô Lệ Ngọc băn khoăn hỏi mẹ:
- Má có chắc dì Út trưa mai đến nhà mình ăn cơm không? Con nghe con Lài nói dỉ đi Cần Thơ chưa về.
Bà Bang Biện Tánh xếp từng lá trầu thành một ốp, đặt vào chiếc khay trầu khảm xà cừ. Bên ngoài, mưa chiều lâm râm. Bà khêu ngọn tọa đăngcho sáng hơn, quả quyết:
- Dỉ vừa về hồi xế chiều. Dỉ sở dĩ đi Cần Thơ là vì chuyện sáng mai đây. Cô Lệ Ngọc ngơ ngẩn:
- Má nói gì, con không hiểu. Cô Lệ Châu cười tinh quái:
- Làm sao em hiểu được? Chuyện nầy là chuyện người lớn mà em.
Bà Bang Biện Tánh bảo cô trưởng nữ:
- Sáng mai, con nên đến đây sớm để phụ chị dâu con nấu nướng. Cô Cẩm Điệp trấn an mẹ chồng:
- Việc chợ búa thì con xin lãnh phần. Má cần món chi thì biểu cô Ngọc biên vào giấy. Vả lại, con cũng đã lo sẵn nồi canh giò heo hầm măng tươi và nồi thịt cá kho chung có đệm trứng luộc rồi.
Cậu Hai Thiện Dõng có vẻ bực mình về chuyện đãi ăn thù tạc. Từ khi biết bà Út Túy Nguyệt liểm 10 lượng vàng trong vụ làm mai là cậu cảm thấy lòng mình sần sượng và khúc mắc với mụ dì lóc chóc như cá lóc nhảy trong vịm kia. Bà ta ưa lui tới các chỗ giàu sang danh giá để làm áp-phe lẫn nghề mai mối. Bà ta mà chà lết ở nhà nầy chừng một buổi là thế nào cô Cẩm Điệp cũng đòi hỏi cậu sắm món nọ món kia cho cô. Quỉ thần ơi, từ khi mập mạp, tươi mát, cô Cẩm Điệp ăn diện gắt củ kiệu, nay đeo cẩm thạch, mai dến hột xoàn, mốt đeo hai thứ một lượt. Mà lạ chưa? Cô vợ lao chao như cào cào châu chấu của cậu thay đổi các món nữ trang liền liền. Cô cứ than mình hay ươn yếu trong người nên cứ đi An Tuy Đường của dượng rể cậu hà rầm. Mà còn lạ hơn nữa: có lần cậu tình cờ thăm ông Bang Lọt Tài Phá thì bắt gặp vợ cậu đi An Tuy Đường thay vì để cho ông Bang Phá coi mạch hốt thuốc, lại cùng mụ dì của cậu ăn hai món tối độc với kẻ ươn yếu là món ốc gạo chấm nước mắm chanh ớt và món ghẹ luộc chấm muối tiêu có vắt chanh.
Cậu Thiện Dõng ngáp dài:
- Lạ thiệt! Có một mình dì Út tới đây ăn cơm trưa mà sao cả nhà chào rào chộn rộn như sửa soạn tiệc đãi vua vậy?
Cô Lệ Châu cười hềnh hệch, ngó em gái:
- Thì cũng có vài người khách ở bên Cần Thơ qua chơi chớ bộ. Bà Bang Biện Tánh che miệng ngáp dài rồi khuyên lũ con:
- Châu à, ăn cơm chiều ở đây xong, con nên về nhà con đi. Còn vợ thằng Dõng và con Ngọc mau lo dọn cơm đi. Cơm nước xong xuôi, bây nên ngủ sớm. Sáng mai là ngày quan trọng, ai cũng có nhiều chuyện phải làm.
Cô Lệ Châu xuống bếp phụ chị dâu và em gái lo chiên xào kho nấu các món ăn. Mâm cơm tươm tất dọn lên có món canh cá bông lau nấu chua với dưa măng, món cá rô kho tộ, món lòng gà xào mướp hương và bún tàu, món mắm chưng với thịt ba rọi để chấm với đậu bắp luộc, đọt lang và đọt mì luộc.
Khi cô Lệ Châu về miệt đình Tân Giai thì cô Cẩm Điệp coi siêu sắc thang thuốc ôn bổ cho mẹ chồng cho tới cữ sắc tức là ba chén chỉ còn tám phân chưa. Khi bà Bang Biện Tánh uống thuốc xong, cô mới trở về buồng với chồng.
Cậu Thiện Dõng cằn nhằn:
- Khổ quá! Dì Út đi chơi chỗ khác về, rồi lên Tân Giai thăm má, chắc em mừng lắm, phải không?
Cô Cẩm Điệp háy dài ông chồng ương ngạnh của mình:
- Coi bộ anh ác cảm dì Út thiếu điều ăn tươi nuốt sống dỉ vậy.
Cậu Thiện Dõng không nói không rằng, mặt mày chừ bự như một tảng bánh đúc. Thiệt tình cậu làm sao ưa nổi mụ dì ưa bè què bẹt quẹt, tới đây thấy món gì tốt cũng xin, thấy món gì lạ cũng lôi ra ngắm nghía. Rầu nhứt là hễ bà qua đây chơi là ưa rì rầm, thủ hỉ bên tai vợ cậu chuyện gì không biết để rồi sau đó cô Cẩm Điệp cùng bà kéo nhau đi ăn hàng rồi xuất tiền ra mua đủ thứ gấm, nhung, hàng, lụa, xuyến, nhiễu cùng hột xoàn cẩm thạch để rồi ít hôm sau, mấy món đó tuy không mọc cánh mà bay đi hồi nào không biết, không bao giờ trở lại. Nếu cậu hỏi vợ thì cô Cảm Điệp chỉ nói gọn:
- Em không thích thứ mấy món vừa mua về, hễ bán lại được giá là em bán liền. Anh dư biết tánh em mà, mua sô sa nhung gấm về mà khi coi lại không còn thích nữa thì em bán phứt cho rồi. Nếu cứ để trong nhà mà nhìn lại em càng thêm gai mắt.
Cô Cẩm Điệp đã có bảy tám chiếc áo dài mắc tiền. Cô cứ xem mặt loại hàng lụa đẹp dành dể may quần cho xứng với áo để rồi mua lãnh, xuyến, nhiễu, lục soạn, the, mỗi thứ nguyên cả một cây... Coi bộ cả nhà nầy, trừ cậu Thiện Dõng và cô Lệ Ngọc ra, ai cũng thích bà Út Túy Nguyệt. Tuy cô Lệ Châu ở chung với mẹ chồng, từ nhà chồng của cô tới nhà hương hỏa của ông bà Bang Biện Hanh cách nhau trên 2 cây số, lộ trình trên con đường đất lượn theo con kinh Công Xi Heo, rồi lượn theo rạch Tân Giai, chỉ dành cho xe đạp và xe ba bánh mà thôi. Nhưng mỗi khi bà Út Túy Nguyệt từ Miểu Quốc Công cỡi xe đạp tới thăm chị mình thì cô Cẩm Điệp sai mấy con Ổi đi mời cô Lệ Châu tới họp mặt. Tự tay cô làm nhũng món ăn đặc biệt để đãi mụ dì của chồng mình. Riêng bà Bang Biện Tánh, chẳng những bà coi em gái mình như bạn thiết mà còn là người cố vấn cho mình. Cho nên nhà bà có dành sẵn một căn buồng để vợ chồng bà Út Túy Nguyệt mỗi khi họ về chơi, có chỗ ở thoải mái và đầy đủ tiện nghi.
Cău Hai Dõng hằn học bảo vợ:
- Kỳ rồi dì Út về đây chơi, chẳng hiểu dỉ xúi giục em sao đó mà em hốt một chưn hụi để mua chiếc vòng cẩm thạch. Mai đây, sau khi dỉ theo khách ra về, em dám hốt một chưn hụi nữa để mua một cây mỹ a lắm đa. Chỉ khổ cho anh phải nai lưng ra đóng hụi chết cho em dài dài.
Cô Cẩm Điệp háy chồng thiệt bén rồi cười mơn:
- Em chỉ đóng hụi chết có 2 kỳ thôi. Bây giờ em chơi thêm 2 chưn hụi nữa. Anh cứ yên lòng đóng hụi cho em. Lúc nào em cũng sẵn sàng khui hụi. Hì!Hì!
Cô cuời thiệt lẳng, liếc thiệt tình, rồi trút quần áo. Cậu Thiện Dõng cười xòa, ôm chặt vợ. Đóng hụi kiểu nào chớ đóng hụi riêng cho vợ cậu, cậu nào có rên rỉ thán oán? Cậu tình nguyện đóng hụi đặc biệt như vầy đều đều, chẳng hề nhàm mỏi. Cái hụi nầy biết đâu sẽ kéo dài tới ngày cậu già sụm chớ không chơi đâu.
Đêm miệt phụ cận tỉnh lỵ như làng Tân Giai nầy vào thời biển lặng sông trong thiệt vắng vẻ. Trên con đường đấp đất băng qua trước nhà, người đi coi hát bội ngoài đình trở về xóm lao xao bàn tán. Dưới dòng rạch, ghe thương hồ qua lại, tiếng hò cất lên lanh lảnh.

*

°
Trong buồng riêng, cô Lệ Ngọc hãy còn thức. Khi cụm lài bên thềm đã thoảng hương mà cô vẫn chưa vào giường. Đêm nay, tiết trời oi bức, cô mở cửa sổ cho có gió mát. Cô không muốn thêu thùa, may vá vào thời khắc nầy. Cô ngồi bên song cửa, ngắm bóng trăng thuợng huyền méo xẹo treo trên ngọn cây nhãn trồng hơi xa hông nhà. Cô cứ suy nghĩ về giấc mộng cách đây hai tuần lễ. Cô thấy cô chạy như bay qua một cây cầu sắt lót ván thiệt dài. Bên cầu có một người con trai đúng đợi cô, nhưng cô không nhìn rõ mặt đương sự. Đương sự bưng một cái mâm, phủ tấm lụa đỏ. Cô kéo phăng vuông lụa thì thấy cặp đèn sáp có khắc hình rồng phụng, nét khắc có tô ngũ sắc thiệt đẹp.
Bà Út Túy Nguyệt bàn với cả nhà:
- Trong chiêm bao, con sông là chướng ngại. Cái cầu bắc qua sông tượng trưng cho việc chướng ngại đuợc san bằng. Chạy như bay qua cầu là lướt qua chướng ngại dễ ợt, chẳng chút gắng công. Người đờn ông bưng cặp đèn long phụng trên mâm tức là kẻ đi cưới cô gái nào nằm mộng tức là cháu đó.
Thiệt tình, cô không ưa mà cũng không ghét bà Út Túy Nguyệt. Hồi còn nhỏ, cô ốm o so bại, nước da chẳng những đen thui mà còn mét chằng mét ưởng. Bà Út Túy Nuyệt bảo bà Bang Biện Tánh:
- Con em mà sánh với con chị khác nào đũa tre sắp gần đũa ngà hoặc đũa son. Sao mà con Ngọc xấu xí, không giống cha giống mẹ, lại giống ai đâu. Chèn ơi, hồi có mang nó, chị có ăn cá linh, tép muỗi hay không mà vóc nó nhỏ thó như vầy? Con nầy lớn lên, nếu mập mạp thì vẫn giữ vóc lùn. Chừng đó, chị em mình phải xoay trở cách nào để gả nó lấy chồng đây?
Hồi xưa, bà Út Túy Nguyệt ưa tặng quà cho hai cô cháu gái. Những món tốt thì dành cho cô Lệ Châu, còn món xoàng món kém, món cũ thì cô chịu lãnh đủ. Khi trổ mã, cô có sắc xinh vóc đẹp, bỏ xa sắc vóc chị cô; cô chẳng những vừa đẹp vừa tươi như trăng rằm mà còn có giọng nói thanh tao ngọt ngào, cử chỉ quí phái, dáng đi cùng điệu ngồi và cách đứng rất đài các cao sang, cho nên cô có sức quyến rũ kỳ lạ! Trong khi đó, cô Lệ Châu chỉ xinh và giòn cùng khiếu trào lộng đậm đà mà thôi.
Một lần nọ, trước mặt bà Bang Biện Tánh, cô Lệ Ngọc oán trách thói cư xử bất công của bà Út Túy Nguyệt thì bà Bang Biện Tánh mắng vãi:
- Đồ thứ cháu Trời đánh! Thiên hạ coi dì như mẹ, còn mầy thì cứ chì chiết dì mầy. Nếu dượng mầy không làm món thuốc Nhơn sâm Dinh dưỡng hườn cho mầy uống thì chờ tới Phật Di Lạc ra đời mầy mới mập mạp, tươi rói và hồng hào như vầy.
Từ khi cô LệNgọc trổ mã xinh đẹp, bà Út Túy Nguyệt đối xử cô ngang hàng với cô Lệ Châu. Song thói ăn ở bất công của bà thì cô khó thể quên một cách chóng vánh dễ dàng được.
Cô Lệ Ngọc lấy làm lạ: cậu Trọng Chánh không đẹp trai lắm, mặt mày quá chất phác, tâm địa hiền quá hóa ra khờ. Nhưng khi cô Lệ Châu kết hôn với cậu rồi thì cả ai yêu đương nhau đượm nồng khắng khít, một bước không rời. Mỗi khi cậu đi Sài Gòn bổ hàng về hơi trễ là cô Lệ Châu bứt rứt xốn xang, như đạp đống lửa, như ngồi đống than. Thiệt ra, cô Lệ Ngọc chỉ biết cậu Trọng Chánh tươi trẻ lành mạnh, chớ làm sao chiêu cảm được cậu có tấm thân mỹ lệ cường tráng, một tinh lực dồi dào như dê đực, một kỹ thuật giao hoan kỳ thú tuyệt vời do ông Lọt Tài Phá truyền cho. Bà Út Túy Nguyệt vốn thông minh linh hoạt như chồn tinh. Bởi muốn cô cháu cưng của bà thắm thiết yêu chồng và hưởng những pha cụp lạc do chồng đem lại nên trước đám cưới một tháng, bà nhờ chồng bà huấn luyện thằng cháu rể tương lai của bà những bí thuật trong cuộc làm tình, cốt để cô Lệ Châu chẳng những bỏ qua cái khuôn mặt tầm thường của chồng mà còn bị chồng chinh phục ở những cuộc giao hoan cực kỳ say đắm. Có vậy, bà mới nuốt trôi 300 đồng tiền thưởng của ông Hội Đồng Trần Kỳ Hên.
Cũng vậy, trước khi gán ghép cô Cẩm Điệp cho cậu Hai Thiện Dõng, bà dạy cô Cẩm Điệp đủ thứ bí quyết giao hợp để cô mê hoặc chồng. Cậu Thiện Dõng không ngờ vợ mình chẳng những không đem mấy chứng bịnh do dương khí tiên thiên bất túc làm của hồi môn mà còn đem về cho cậu 20 mẫu ruộng, một mớ tư trang. Đó là không kể cái sắc vóc tươi mát và cái thiện nghệ ái ân của cô dù cô hãy còn là xử nữ.
Thiệt ra, bà Út Túy Nguyệt là thứ phụ nữ lộn chồng, hết làm vợ bé ông nầy thì sống theo kiểu già nhơn ngãi non vợ chồng với ông nọ. Trải qua bốn lần thay chồng hờ, bà vẫn không con. Cho nên muốn xe duyên hay kết giai ngẫu cho ai, bà chỉ giới thiệu cho cha mẹ hai đàng quen biết nhau, sau đó đàng trai mới nhờ bậc trưởng thượng có uy tín, có lễ nghĩa đạo đức đứng ra làm mai chánh thức. Chẳng có đám nào nhờ một mụ lộn chồng, lại không con như bà đứng ra làm mai chánh thức vì họ sợ con cái của họ mới lọt vào vòng chồng vợ và ăn ở với nhau chưa nát chiếc chiếu mà gặp cảnh keo rã hồ tan, trúc mai lở dở, én nhạn chia lìa rồi.
Cô Lệ Ngọc vào giường nằm dài đợi giấc ngủ. Chu choa ơi, có phải ngày mai bà Út Túy Nguyệt đem ai đó bên Cần Thơ qua đây coi mắt cô chăng? Chém chết bà cũng không bao giờ chịu giới thiệu công không. Bà tuy không lập giá biểu trong việc xe duyên chỉ thắm, nhưng bà tùy cơ ứng biến để bóc lột đàng trai nào hay đàng gái nào tha thiết cầu cạnh bà. Cái lưỡi bà vốn mềm mại uyển chuyển, cái miệng bà tía lia và trơn như mỡ dễ thuyết phục thiên hạ trong việc cưới vợ gả chồng. Nhờ miệng lưỡi tài ba, bà có tài biến cá duồng thành cá chái, biến ếch nhái thành tiên nga còn được nữa là.

*

°
Ngày hôm sau là Chúa nhựt. Cô Cẩm Điệp vừa khi gà gáy hiệp nhứt là cô đòi chồng cô đóng hụi cho cô. Khi no nê ân ái xong, cô mới xuống bếp nấu cháo trắng, kho cá bống trứng rắc tiêu cay, luộc hột vịt muối, nướng khô sặt. Sau đó, cô pha trà và cà phê. Khi dọn mâm điểm tâm lên bàn, cô than no hơi sình bụng dù là mâm cháo có thức ăn ê hề. Cô tắm rửa, rồi trang điểm lộng lẫy, mặc chiếc áo dài bằng hàng Thượng Hải màu hột gà thêu bông ti-gôn đỏ điểm lá xanh, đeo sưu bộ nữ trang cẩn hột xoàn chiếu lóng lánh.
Khi ra tới chợ ở Xóm Lò Tương gần Cầu Lộ, cô không mua sắm thức ăn liền đâu. Cô ăn một tô bún tôm nướng, khỉa thêm hai trứng vịt lộn úp mề và một chén sương sa hột lựu rồi mới chịu mua thịt cá, tôm cua, nghêu sò, ốc hến cùng rau cải, hoa quả và vài món gia vị... Xong xả, cô mua thêm vài món bánh nướng, định bụng sẽ giấu trong buồng để ăn lai rai.
Khi cô Cẩm Điệp về tới nhà thì cả nhà cùng với vợ chồng cô Lệ Châu đang quét tước, lau chùi phòng khách và phòng ăn. Xong xả, cô Lệ Ngọc bày bàn ăn và chưng một bó bông hoàng điệp màu gạch cua trong cái lộc bình da rạn bày giữa bàn ăn.
Cô Lệ Châu kêu em vào buồng, dặn:
- Em đùng có xuống bếp mà quần áo, tóc tai vướng mùi thức ăn chiên xào kho nấu. Để chị trang điểm cho em. Năm nay là năm 1931 rồi, em bới cái bí bo chèm bẹp sau ót là em quê, là em không biết mốt miết tân thời. Để chị cuốn tóc tay rế cho em rồi giắt lượt đồi mồi cho em. Đôi bông tai cẩn hột xoàn của em lâu quá không được em cho giồi sáng lại nên nước ngọc lu câm. Em hãy đeo tạm đôi bông tai cẩn hột xoàn 5 ly rưỡi của chị coi nào.
Cô Lệ Ngọc thắc mắc:
- Ai tới đây coi mắt em vậy? Cô Lệ Châu cười chúm chím:
- Thì cậu Bác Vật Canh Nông VõThoại Tường, con trai ông bà Phủ Võ Thới
Hanh chớ ai? Gia đình ông Phủ Hanh ở bên Cần Thơ, gần nhà ngủ Thanh Phong ở Cái Khế đó. Hồi bốn năm về trước, cậu Thoại Tường thường qua nhà chị chơi hoài, chắc em con nhớ. Thỉnh thoảng anh rể em đưa cẩu vô nhà Xẹt (tức là Cercle Sportif, Hội quán Thể thao) để cẩu biểu diễn tài chơi quần vợt tuyệt vời của cẩu.
Cô Lệ Ngọc cùn quằn:
- Tưởng ai xa lạ. Té ra anh chàng chết đói chết trôi, miệng dơi mặt chuột, đáng đem luộc xé phay đó hả?
Cô Lệ Châu lấy làm lạ:
- Bộ cẩu không hạp nhãn em hay sao? Theo chị thấy, cẩu cũng đẹp trai, hình dung bảnh bao, vóc vạc thanh cảnh, mặt mày sáng sủa.
Cô Lệ Ngọc háy dài chị mình, mặt mày bí xị:
- Người như vậy mà chị khen được hay sao? Thấy cái mặt dúc dắc của cẩu là em ứa gan, ngứa phổi quá chừng chừng!
Cô Lệ Châu tưng hửng:
- Chị không dè em khó tánh dàn mây. Cậu Bác Vật Thoại Tường ăn học giỏi, gia đình giàu có, phong độ phải thế nam nhi thời đại mới.
Cô Lệ Ngọc ré lên:
- Cặp mắt của cẩu không vừa đâu. Cẩu vừa ngó chị đờn bà nào là chị ta sẽ có cảm tưởng quần áo mình biến thành kiếng trong suốt để cẩu thấy rõ vú đít của chị ta ráo trọi.
Cô Ba Lệ Châu cười hăng hắc:
- Tại sao cẩu thường ngó chị mà chị chẳng có cảm tưởng gì ráo. Chắc tại em có tà tâm với cẩu nên em mới có cảm tưởng những chuyện kỳ cục như vậy. Cẩu là bạn thân của chồng chị nên chị biết cẩu có tánh thẳng ngay, hễ ngó ai là ngó chăm bẳm, chớ không thèm ngó vụng trộm, ngó lén lút như phồn tiểu nhơn ti tiện đâu.
Cô Lệ Ngọc gằn giọng:
- Em biết mà, chắc chị toa rập với dì Út để đẩy cậu Thoại Tường xáp cục với em chớ gì. Em nhứt định không ưng cẩu. Chị làm sao đó thì làm.
Bỗng bà Bang Biện Tánh bước vào buồng. Nãy giờ bà đã nghe hết những lời nói qua cãi lại của hai cô ái nữ của mình... Bà ngọt ngào bảo cô con gái út:
- Nè Ngọc, ưng hay không là tùy con. Nhưng con phải để chị con trang điểm cho con rồi hẳng tính.
Cô Lệ Ngọc ra chiều bất mãn lắm:
- Mỗi khi gặp con là cẩu chọc ghẹo con theo điệu xóc óc xóc hông. Có lần con mặc áo dài gấm vàng, quần lụa trắng, cẩu nói y phục con giống như bò kho cà-ri chan lên hủ tíu hay chan lên bún.
Bà Bang Biện Tánh cười hềnh hệch:
- Ôi, tưởng gì chớ lời chọc ghẹo phất phơ có giết chết con ruồi con muỗi nào đâu. Con đừng chấp nhứt mà bị thiên hạ quở rằng con hãy còn trẻ mà khó tánh, không nên đâu. Nước trong không cá, khó quá không ai chơi. Bộ con quên rồi sao?
Cô Lệ Ngọc phụng phịu, nhưng vẫn để cho chị cô trang điểm cho cô. Chèn ơi, cô Lệ Châu có đôi bàn tay tiên. Cô cuốn tóc tay rế khéo ơi là khéo, không có sợi tóc nào bung ra. Phía trước trán, cô Châu chải chín lượn mười mồng uốn éo như sóng lượn. Lại có những nhánh tóc nhỏ uốn cong như cái móc câu thả trên trán và ở hai bên màng tang, đẹp sao mà đẹp nhức nhối! Những cái móc câu bằng lọn tóc nhỏ nầy dám móc vào trái tim anh chàng Thoại Tường lắm đa! Cô Lệ Châu tô son thiệt lợt trên cặp môi em, dậm phấn hường phơn phớt lên mặt em, vẽ viền mắt thiệt mỏng, vẽ chơn mày thiệt gượng nhẹ, làm gì cũng khéo, cũng thành thạo. Đó là những ngón nghề do bà Út Túy Nguyệt truyền lại cho chị ruột lẫn chị dâu cô Lệ Ngọc, nói gì những bí mật nhà nghề trong việc làm đắm đuối đảo điên chồng trong phút giao hoan say nhừ khoái cảm!
Khi cô Lệ Châu trang điểm cho con em ươn gàn của mình vừa xong thì ông bà Phủ Hanh, bà Út Túy Nguyệt và cậu Thoại Tường tới. Ông cha mặc áo gấm lam dệt bông bạc. Bà mẹ mặc chiếc áo gấm nâu đỏ dệt bông cúc, bông mai bằng kim tuyến, đeo vàng cẩn hột xoàn sáng chấp chới. Còn cậu con trai mặc bộ complet xanh đậm, thắt cà-vạt trắng dệt lông công xanh bích ngọc nổi mặt nguyệt đỏ.
Bà Bang Biện Tánh mời khách ngồi trên chiếc trường kỷ bên trái. Bà cùng bà Út Túy Nguyệt cùng con trai và chàng rể ngồi trên chiếc trường kỷ bên mặt. Cô Lệ Ngọc bưng khay trà ra chào khách. Cô lén liếc về phía chàng bác vật diều moi quạ mổ kia. Nam Tào Bắc Đẩu ơi! Bộ Âu phục nầy làm cho hắn đã đẹp trai sẵn lại càng thêm phong lưu thanh lịch. Cái bản mặt dúc da dúc dắc của hắn nhường cho khuôn mặt đoan nghiêm khả ái. Còn mụ dì oan gia của cô diện chiếc áo nhung tím bợ ngực bó eo, chải tóc sóng lượn sóng nhồi trên đầu. Bà đeo các món nữ trang bằng vàng cẩn loại ngọc phổ thông bên Tàu như trân châu, ngọc lựu, san hô, tử ngọc, lam ngọc, ngọc miêu nhỡn, thạch anh, ngọc kim sa trông thiệt mệt mắt quá chừng chừng dù kiểu nữ trang thập phần tinh xảo đi nữa. Bà vốn đẹp mặn mòi, nhưng không hiểu hôm nay bà bị ông ứng bà hành hay sao mà ăn diện lòe loẹt, mặt tô son giồi phấn đỏ hừng đỏ hực, đỏ rực đỏ lòm như vầy?
Ông bà Phủ Hên nhìn cô Lệ Ngọc lom lom. Cách trang điểm phớt nhẹ làm khuôn mặt cô lồ lộ vẻ đẹp thiên chơn. Cô không dám đeo hột xoàn vì sợ ông bà Phủ Hanh chê cô khoe của. Tuy vậy, chiếc áo dài bằng lụa lèo màu hột gà của cô thiệt trang nhã làm nổi bật một cách ngoạn mục màu xanh thắm của sưu bộ nữ trang nạm ngọc thạch do cô Cẩm Điệp cho cô mượn đỡ. Cô đi đứng khoan thai, rót nước mời khách một cách điềm đạm và dạn dĩ, nhưng vẫn giữ lễ độ đoan trang. Hèn chi cậu quí tử của họ cứ kèo nài van vỉ họ cầm trầu cầm cau cưới thiếu nữ nầy làm vợ cậu cho bằng được mới thôi.
Bà Út Túy Nguyệt khoe:
- Chẳng giấu gì anh Phủ chị Phủ, con cháu út của tui đậu bằng Thành Chung hồi 15 tuổi. Đã vậy việc bếp núc, may vá, thêu đan, nó đều thôngthạo hết.
Bà chỉ bức tranh thêu lối Tàu là Nhựt Chiếu Song Hòe (mặt trời rọi hai cây hòe) và bức tranh Hồng Liên Xuất Lục Ba (sen hồng nhô sóng biếc) cho khách coi, không quên đía:
- Anh chị Phủ và cháu Bác Vật coi hai tấm tranh thêu nầy có công phu hay không? Con cháu Út tui thêu đó đa. Mũi thêu hiểm hóc nào đối với nó cũng dễ vượt qua một cái rột.
Cậu Thoại Tường bảo tía má của mình:
- Kỳ lễ Thánh nữ Jeanne d’Arc vừa rồi, cô Lệ Ngọc đoạt giải nhứt môn bánh nay. Còn chị Trọng Chánh (chỉ cô Lệ Châu) đoạt giải nhứt môn bánh xưa. Bánh đoạt giải của chị Chánh là hai đòn bánh tét với cái nhưn sắp theo hình chữ Thọ. Còn tác phẩm dự thi của cô Lệ Ngọc là ổ bánh bông lan trét lớp sô-cô-la làm nền và bắt bông bơ màu hình Thánh nữ cỡi ngựa, tay cầm trường thương.
Cô Lệ Ngọc chỉ biết ngó xuống khay trà, lòng hây hây sung sướng. Ông Tà ông Địa ơi, tên nầy mà còn nhớ tới giải thưởng hạng nhứt của tui về môn bánh nay thì hắn tế nhị quá xá rồi! Hôm nay hắn xạo để lấy lòng tui và để tía má hắn phục lăn tài khéo của tui. Nhưng khi tui lọt vào vòng chồng vợ với hắn rồi thì cái tánh xạo kia sẽ là điều nguy hiểm cho tui. Thời buổi nầy, thị nào, ả nào mà không ưa đờn ông xạo đía lúc họ ve vãn nịnh nọt mình? Lấy tên mồm mép dẻo quẹo nầy tui sẽ mất công ghen tuông điêu đứng. Coi kìa, hắn liếc trộm về phía tui làm tui ngái cả người, thịt da nổi trôn ốc và bốc lửa hừng hực, trái tim tui nhảy thùm thụp trong lồng ngực. Tui phải mau mau rời khỏi phòng khách để tị nạn cái nhìn trộm vừa đĩ vừa tình ơi là tình của hắn!
Ông Phủ Hanh khen bà Bang Biện Tánh tuy sớm góa bụa mà vẫn giữ vững nghiệp nhà, khen cậu Thiện Dõng là kẻ đậu Tú tài đầu tiên trong tỉnh Vĩnh Long, khen cậu Trọng Chánh chưa tới tuổi 30 mà đã thạo việc bán buôn. Bà Phủ Hanh khen cô Cẩm Điệp có tướng sang, đã trắng da dài tóc mà còn có giọng ấm áp, khen cô Lệ Châu đẹp dịu dàng phúc hậu, khen cô Lệ Ngọc đẹp như tiên sa phụng lộn mà không ăn mặc lộng lẫy để giữ vẹn vẻ đẹp thiên chơn. Rồi bà day qua bà Út Túy Nguyệt:
- Hai cô cháu ruột và cô cháu dâu của dì sở dĩ sáng nước hột xoàn như vầy chắc là nhờ dì trau tria giồi bóng?
Bà Út Túy Nguyệt đắc chí:
- Thì mình cũng phải đem kinh nghiệm làm tốt làm đẹp của mình truyền lại cho con cháu chớ bộ. Nè chị Phủ, con cháu dâu của tui vốn là con gái cưng của chị bạn thân tui đó đa. Tía nó là ông Phán Sanh khi về hưu cất nhà gần lò gạch ở chợ Trường An. Nó giỏi nấu món Quảng Đông lẫn món Hải Nam. Thấy nó khéo léo và có hạnh kiểm khít khao nên tui quyết gán ghép vào thằng cháu tui. Ngặt nó xanh xao, ốm yếu nên vợ chồng tui lãnh phần châm cứu và coi mạch hốt thuốc cho nó. Chỉ chừng vài tháng là kinh nguyệt nó điều hòa nên nó trở thành phì mỹ và tươi rói như rau non mới hái. Nhờ đó nên nó mới được thằng cháu tui mê mẩn rụng rời. Còn hai con cháu gái tui đây tuy đã sẵn có bóng sắc rồi, nhưng tụi nó hãy còn khờ khạo trong việc trang điểm ăn mặc. Cho nên tui chỉ biểu tụi nó khoa làm đẹp một cách cặn kẻ. Giờ đây, con nào cũng rành việc phấn giồi son tô, cũng biết chọn màu áo đẹp, cũng biết đeo món trang sức nào thanh nhã... Hai chị em nó còn khéo giữ cho tóc óng mượt mà không cần xức dầu, khéo giữ hai hàm răng ngời ánh men ngọc, khéo giữ dung quang lồ lộ ánh sáng thông minh.
Cậu Thiện Dõng kín áo liếc xéo mụ dì lẽo lự của mình. Trời ơi, ông bà Phán
Sanh sợ con gái mình lỡ thời vì cô Cẩm Điệp mãi tới 25 tuổi mà chẳng có đám nào thèm đến hỏi cô làm vợ cho con trai họ. Chẳng ai dám rước một cây bịnh đem về làm dâu họ. Bà Út Túy Nguyệt chẳng những ra công chữa bịnh cho cô, lại còn o bế dung nhan cô thêm tươi thắm và săn sóc thân vóc cô được thanh cảnh liền lạc. Sau đó bà mới đùn cô cho cậu. Nếu không vì thất tình cô Cẩm Liên thì cậu đâu thèm cưới cô gái sắp lỡ thời kia. Chuyện hôn nhơn theo kiểu di hoa tiếp mộc kia ai dè thành cuộc hảo sự đem lại hạnh phước ngỏa nguê cho cậu.
Thiệt tình cậu Thiện Dõng không dè mình cưới được một cô vợ mà cậu càng ăn ở lâu với cô, càng khám phá biết bao cái hấp dẫn nồng nàn, cái duyên dáng tiềm ẩn ở cô. Cô cái thân vóc nhịp nhàng cân đối, với cái ngực vừa phải nhưng tròn trặn và săn chắc, với cái bụng và cái nây sát rạt, với cặp đùi nở nang, ống chơn óng ả. Đặc biệt nhứt là lúc cô ân ái với cậu, mồ hôi cô toát ra, thơm đặc biệt, thơm khó tả. Đã vậy, cô Cẩm Điệp lại chiều chuộng chồng từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, nhứt là chuyện ăn nằm mà cậu cho rằng đó là chuyện quan trọng, chuyện vĩ đại nhứt. Cho nên khi cô muốn mở hụi thì cậu sẵn sàng đóng hụi cho cô đều đều. Có đêm cao hứng, cô mở hụi tới ba lần làm cậu mệt ngất ngư cả ngày hôm trong khi cô vẫn tươi rói như trái ổi mới hái.
Trong lúc bà Út Túy Nguyệt vo vảnh khoe tài giáo hóa hai cô cháu gái lẫn cô cháu dâu thì cô Lệ Châu đang ngồi ở tại phòng ăn giáp với trung đường nghe rõ hết. Cô đã thất tình vì cậu Háo Nghĩa không thèm để ý tới cô nên cô mới ưng cậu Trọng Chánh mà lúc đầu cô chê rằng cậu lạt nhách như cơm nguội. Cô nhắm mắt lấy chồng mà tấm lòng lạnh ngắt. Nhưng vào đêm tân hôn, cô mới khám phá ra cậu có một thân thể tuy không vạm vỡ lắm, nhưng thiệt kích thích. Tảng ngực cậu khá dầy. Cặp mông cậu tròn trặn, xinh ơi là xinh. Đôi cánh tay cậu rắn chắc như cánh tay lực sĩ chơi môn bóng rỗ. Cặp đùi cặp nở nang như cặp đùi của cầu thủ. Sau đó, cô khám phá ra rằng cậu Trọng Chánh khờ những chuyện linh tinh và dại ở những cái nhỏ, nhưng lại khôn ở những chuyện lớn, phải thế người có óc kinh doanh. Đã vậy chồng cô cưng cô, mặn mòi nồng nhiệt với cô nên cô hạnh phước ê hề, cô khoái lạc lai láng. Từ cái hạnh phước của mình, cô nhìn lại cuộc sống lứa đôi của anh mình. Cô tức tối nghĩ thầm:
- Dì Út ra công môi giới cho ảnh cưới được một cô vợ độc đáo. Vậy mà ảnh tỏ vẻ không ưa dỉ. Còn con yêu lồi Lệ Ngọc vọc cứt bò vò cứt ngựa kia cứ chê ỷ chê eo vợ ảnh, nhứt là chê giọng nói và tiếng cười của chị nọ. Xời ơi, tiếng chị Cẩm Điệp khàn đặc lúc xuống trầm, nhưng mơn trớn lúc ngang ngang và sắc vút ẻo lả khi lên cao. Mấy tay đờn Vọng Cổ cho đó là giọng thổ pha đồng, trong trào ngoài quận khó kiếm một giọng nói như vậy. Nó còn chê chồng tui như khứa cá kho không rắc tiêu, không điểm ớt và cũng không ướp củ hành. Con Lệ Ngọc ỷ mình đẹp như tiên sa phụng lộn nên nó không chịu nhìn cái độc đáo của phụ nữ khác. Hôm cả bọn tháp tùng theo các bạn cùng trang lứa ra Ô Cấp tắm biển thì chị dâu tui có thân hình đẹp nhứt bên phái nữ, còn chồng tui có thân hình cường tráng mỹ lệ nhứt bên phái nam. Con Lệ Ngọc thấy hết, biết hết, nhưng nó vẫn chê càng chê bướng, chê sướng lỗ miệng, hễ gặp chuyện cứ vo vảnh chê bai, không cần bổn lai qui tắc gì ráo trọi!
Bữa tiệc hôm đó làm đàng trai đẹp lòng toại ý. Có ba món giáo đầu gồm món gỏi ngó sen trộn tôm thịt, món tôm lăn bột chiên giòn, món bánh ướt Triều Châu lồng nhưn tôm và thoa mỡ hành bóng lộn. Món ăn chánh gồm vịt nấu cà-ri Chà ăn cặp với bánh mì, món tôm càng nướng ăn với bún và rau xắt ghém, món hủ tíu xào tôm thẻ và lòng gà. Các món bánh tráng miệng gồm bánh bông lan trét sô-cô-la và bắt bông bơ, bánh phục linh, bánh gai, bánh men, bánh con đuông...
Bà Phủ Hanh ngắm tới ngắm lui tảng bánh bắt nhiều thứ bông bơ có màu tươi nổi bật trên nền kem sô-cô-la nâu đậm, nào là hình reng thêu, hình bông hường điểm lá xanh, hình chim, hình bướm... Bà trìu mến nhìn cô Lệ Ngoc, miệng cười chúm chím rồi liếc qua thằng con trai cưng của mình.

*

°
Khi khách ra về, cô Cẩm Điệp dặn con Lài và con Ổi cỡ 4 giờ chiều làm hai con cá lóc lớn cỡ cườm chơn và chặt giò heo sẵn để cô nấu cháo cá giò heo ăn đệm với bún và rau xắt ghém. Xong xuôi, cô rửa mặt, lau mình mẩy bằng nước mát rồi trở về buồng riêng. Cô nhìn chồng, cặp mắt ướt rượt, rồi thỏ thẻ:
- Chèn ơi, hồi nãy cô Châu xúi em uống một ly rượu thuốc. Bây giờ em... khó chịu quá! Em mở hụi nghe anh.
Lời nói ỏn ẻn của cô làm cậu Thiện Dõng lõng dạ mềm lòng liền. Cặp mắt cô bỗng sáng đắm đuối, sáng long lanh, đẹp dễ sợ! Mới nãy đây, tại bàn tiệc đãi khách, cậu Hai Dõng cũng uống chút ít rượu thuốc, cho nên cậu cũng cảm thấy khó chịu lắm. Cậu phải đóng hụi cho vợ, rồi ngủ một giấc suông đuột cho tới chiều, giữa tiết trời mát mẻ vì có trận mưa lớn vừa lướt tới.
Cô Cẩm Điệp nằm yên để... thâu hụi. Chiều nay, kèm với món cháo cá giò heo, cô sẽ làm thêm chả cá thác lác để chồng cô nhắm với... rượu thuốc ngâm hoài sơn, cam thảo, thục địa và ngâm thêm rễ cây hàu.
Bên hè, cơn mưa vẫn rơi hoài rơi hủy. Chèn ơi, mưa ngâu tháng bảy, hễ hết trận nầy tới đám khác. Hễ mưa vừa tạnh là ao, bàu, lung, vũng, mương, khe trong vườn lai láng nước trong như lộng gương. Cau, dừa và chuối trổ thêm bẹ mới. Ổi, mận đơm bông trắng. Loại rau hoang dại trong vườn như rau dịu, rau giền gai, rau giền tía, cải trời, rau má, ngò gai mọc thêm chồi non khóm mới và đơm lá ê hề. Dưới mé đê trong các thủa ruộng, loại rau mác, rau dừa, rau đắng biển tươi mòng mọng.
Khi cậu Thiện Dõng ngáy pheo pheo, cô Cẩm Điệp chỉnh đốn quần áo, ra ngoài nhà sau. Bà Bang Biện Tánh đang lui cui sấy cau trên mẻ lửa than cháy đỏ. Bà Út Túy Nguyệt cùng cô Lệ Châu và cô Lệ Ngọc xúm xít ăn ốc len xào dừa, ăn thịt chim dỏ dẻ rô-ti. Biết lắm mà, khi bà Út Túy Nguyệt còn ở đây chơi thì đời nào cô Lệ Châu về đình Tân Giai liền. Mà lạ dữ, cô Lệ Ngọc có vẻ thân thiện với bà Út hơn, hễ bà tung ra một câu trào lộng là hai chị em cô cưòi ngặt ngoẹo.
Vừa thấy cô Cẩm Điệp, mọi người mời cô cùng ăn ốc ăn chim vì họ có dành phần riêng cho vợ chồng cô. Bà Út Túy Nguyệt bảo:
- Cháu nên chuẩn bị tiệc tùng dành cho ngày đám hỏi con Lệ Ngọc. Ngày mồng chín tháng tới là ngày tốt. Bên đàng trai và má chồng cháu đồng ý rồi.
Cô Cẩm Điệp sốt sắng:
- Cháu tính đãi họ các món Quảng Đông. Còn muốn làm các món Hải Nam phải đợi cuối tuần mới mua các món hải sản từ biển chở về.
Bà Bang Biện Tánh chợt nhớ ra:
- Ừ hén, đãi món tàu thì bảnh hơn. Cô Lệ Châu vui vẻ nịnh chị dâu:
- Chị đãi món Tàu thì em đỡ cực.
Thiệt vậy, cô Cẩm Điệp đơn thân độc mã nấu các món Tàu có thể đãi 50 thực khách. Cô chuẩn bị sẵn thịt, cá, tôm, cua, rau, đậu cùng các món gia vi, mỗi thứ được đựng trong các thứ tô hoặc dĩa bày dài dọc theo hỏa lò. Chỉ cần một cái chảo, một cây cọ, một cái vá và một hũ mỡ là cô có thể chiên xào kho nấu trên 10 món ăn cấp tốc. Khi bắc chảo lên bếp, cô múc mỡ đổ vào chảo, dùng cọ trải mỡ đều khắp lòng chảo, rồi cho thịt hoặc cá hay tôm, cua vào chảo xào sơ và sau hết mới cho rau hoặc cải, hay măng tươi và hay nấm vào tùy theo nhu cầu của món ăn. Với cái vá, cô múc nước đổ vào chảo cho thức ăn trong chảo mau chín mềm. Hễ làm món canh thì cô cho nhiều nước, còn làm món xào thì cô cho ít nước hơn. Mọi người trong nhà chỉ cần đem thức ăn đã đuợc cô đơm đầy tô, đầy dĩa bày lên mâm để đem đãi khách.
Cô Lệ Ngọc giỏi làm bánh, nhưng không khéo việc nấu nướng. Nghe cô Cẩm Điệp định đãi các món Quảng Đông, cô có cảm tưởng mình vừa trút gánh nặng ngàn cân đang đè nặng trên vai. Cô liền bày hai cái giỏ xách đan bằng tre, chất vào mỗi giỏ một hũ mắm cá thu Phan Thiết, một gói dưa ngó sen, một gói ba khía, một cân bánh bao chỉ, môt gói kẹo hột điều. Đây là quà dành cho bà Út Túy Nguyệt và dành cho cô Lệ Châu:
Cô Lệ Châu chợt nhớ ra, bảo bà Út Túy Nguyệt:
- Dì ơi, thằng con trai của cháu cứ bị nổi ghẻ hoài. Cháu có đưa nó đi thầy Tây, thầy Tàu, thầy ta thì mụt ghẻ nầy vừa héo mặt thì mụt ghẻ khác lộ ra, cương đầy mủ xanh. Khổ quá!
Bà Út Túy Nguyệt rầy rà:
- Cháu khéo lo sợ chuyện bá lám tầm phào. Ông bà mình thường bảo rằng trẻ con mà gặp nhứt niên sang thập niên an. Hễ tụi nó bị ghẻ một năm thì trong mười năm sẽ được an lành, không bịnh hoạn.
Cô Cẩm Điệp ngập ngừng:
- Hai tháng rồi cháu bặt đường kinh. Chắc là cháu cấn thai, phải không dì? Bà Út Túy Nguyệt, ngó chăm bẳm vào cô cháu dâu:
- Mầy ốm nghén rồi đó nên sắc mặt mầy lợt lạt, cái đít mầy thì nở chè bè, lông mày dựng đứng.
Cô Cẩm Điệp mừng quá, niềm nở:
- Xin dì Út và cô Châu ở đây ăn cháo cá giò heo rồi hẳng về. Tối nay, thế nào mưa cũng tạnh, lại có trăng.
Bà Bang Biện Tánh vui vẻ:
- Má có cầm dì Út con và con Ba ở đây ăn cơm chiều. Má cũng đã sai thằng Được lên đình Tân Giai mời má chồng và chồng con Châu tới đây dùng bữa luôn cho vui.
Cô Lệ Châu chợt buồn hiu. Thằng Trọng Nghĩa, đứa con duy nhứt của cô cứ bám sát bà nội của nó. Má chồng cô lại luôn bám chặt nhà cửa, ít khi đi đâu, trừ khi đi ra chợ bổ hàng. Tuy nhiên, cô cũng đã được má cô tặng hai phần bánh trái để cô đem về nhà.
Khi cau vừa khô mặt thì mẻ than cũng vừa tàn. Cô Cẩm Điệp nhìn ra ngoài mắt cáo, thấy mưa cũng vừa tạnh, da trời trở lại màu xanh lét. Hàng cây đu đủ trên gò cao ướt sũng nước mưa. Cô đoán chừng ngày mai sẽ có nắng tốt. Má chồng cô chỉ cần phơi cau thêm một cữ nắng là cau sẽ khô từ trong tới ngoài.
Bà Bang Biện Tánh trở lên trung đường thắp nhang cúng trà khắp bàn thờ, rồi rút về buồng riêng. Khi thấy chị mình khuất bóng sau mành trúc Tương Phi, bà Út Túy Nguyệt nhìn cháu gái lẫn cháu dâu, bắt đầu khui chuyện phòng the:
- Bọn thanh niên nam nữ thời nay bị nhiễm mấy nhơn vật trong tiểu thuyết lãng mạn của mấy ông văn sĩ Bắc Kỳ, đòi tự do luyến ái, đòi dưới mái lều tranh có hai trái tim vàng. Thiệt tình, mấy ông văn sĩ đó ỷ mình trí thức nên ưa bày đặt chuyện bá láp bá xàm, muốn nói gì thì nói. Như thằng Thiện Dõng ương ngạnh kia vừa mới lớn lên là ong óng chê bai những kẻ phân chia giai cấp. Tuy tao chối tai, nhưng chẳng thèm cãi cọ với nó làm chi. Tụi tân học có nhiều ngôn ngữ rườm rà lắm. Hễ mình vừa buông ra một tiếng, tức thì tụi nó nã lại mình cả trăm tiếng văn chương huê mỹ nghe lạ hoắc. Xời ơi, thử hỏi gặp thằng nghèo kiết, chỉ có trên răng dưới... vòi xăng, thì có ai dám gả con gái mình cho nó không? Còn thứ gái trên răng duới... thùng xăng thì cũng chỉ ế chồng mà thôi.
Cô Lệ Châu cười híp mắt:
- Tiền xài mau hết, còn xăng nhớt của con người lâu hết. Như cháu đây, hồi chưa lấy chồng tuy có vóc thanh cảnh, nhưng hơi khô một chút. Vậy mà khi cháu kết hôn với tên dâm tặc Trọng Chánh kia, cháu được nó bơm xăng tưới nhớt lai láng nên cháu mới mập thêm chút ít và mới mướt rượt như bánh tằm thoa mỡ hành như vầy.
Bà Út Túy Nguyệt hớn hở:
- Tao mà làm mai cho con cháu, tao biết ngắm trước ngó sau. Lựa chồng cho cháu gái, tao chẳng những nhắm nơi có tiền của, mà lại còn đoán coi nó có vòi xăng... kinh khủng hiện ở tướng mũi bự mũi thô hay không? Còn lựa vợ cho cháu trai, tao nhắm gái nhà giàu sụ đã đành mà còn đoán coi nó có cái kho xăng xài cho tới 60 tuổi mà vẫn còn ê hề hay không?
Cô Cẩm Điệp phản đối:
- Hồi còn con gái, cháu xanh lè xanh lẹt, mét ưởng mét chằng. Làm sao dì biết cháu có kho xăng lai láng dồi dào?
Bà Út Túy Nguyệt đuối lý, nhưng vẫn chưa chịu thua:
- Cháu ơi, nhờ có linh tánh xuất sắc nên dì... biết đủ thứ.
Lúc đó, cậu Thiện Dõng xẹt ra nhà sau để ra hè đi tiểu, tình cờ nghe được chuyện của mấy dì cháu. Cậu tức tối nghĩ thầm:
- Hừ, nếu không có 10 lượng vàng của nhạc gia tui thì dẫu vợ tui có một kho xăng hay một mỏ xăng đi nữa, bà dì của tui cũng đổ hô rằng nàng ta chỉ có một lít xăng thôi, chớ bả đương thèm nói một thùng xăng.
Tuy nhiên, khi nghĩ tới bao lần mình đóng hụi cho vợ, cậu cười lỏn lẻn trở về buồng. Cậu nghĩ rằng hiện giờ cậu đang hưởng hạnh phước mặn nồng với vợ, cậu phải cám ơn mụ dì thày lay kia mới phải. Ngặt một nỗi mỗi khi cậu bắt đầu thương mến mụ dì trời ơi đất hỡi của mình thì bà ta cứ theo vợ cậu, cứ đốc xúi đương sự mua món nầy món nọ. Chẳng hạn:
- Nè cháu, con Tư Phụng Mỹ vừa đi Tân Châu mua một cây lãnh dệt mây từng cụm đẹp vô song. Chèn ơi, lãnh nầy mà may quần thì bảnh hơn, chiến hơn loại cẩm tự vạn bội chớ đừng nói là thập bội.
- Nè vợ thằng Dõng, cháu coi cặp vòng cẩm thạch của cô Năm Hồng Nghê có xanh như nước cốt lá dứa hay không? Cẩm thạch hoàng gia đó đa cháu. Nếu cháu ưng thì cổ bán cho cháu với giá phải chăng.
- Đây, xấp cẩm nhung màu gạch tôm sáng trưng nầy có đẹp ác ôn không, cháu? Màu gạch tôm được các ông thi nhơn văn sĩ Bắc kỳ gọi là màu ráng chiều, còn các bô lão thâm nho gọi là màu lạc hà đó cháu. Cho nên có hai câu thơ cổ như sau: Khi lạc hà giải bóng tà dương/ Thu thủy cộng trường thiên nhứt sắc. Cô tố nữ nào, nàng mỹ phụ nào mà mặc áo may bằng cẩm nhung màu lạc hà nầy thì mấy con lành con lủng ở Vĩnh Long cũng lé mắt ráo trọi. Dì đã mua hai cây; nếu cháu muốn may áo dài bận chơi thì dì để lại một xấp.
Mỗi khi nghe bà Út Túy Nguyệt thuyết phục là cô Cẩm Điệp săm soi món hàng do bà Út giới thiệu và quảng cáo suốt cả buổi. Rồi cô lấy tiền ra đưa cho bà, rủi có thiếu hụt chút ít là cậu phải trả dùm cô. Mà lạ quá, gấm lụa sô sa mà cô mua để dành may áo cho cô thiệt ít. Cô thường bán lại mấy thứ đó cho mấy cô bạn quen, lời lỗ ra sao, cậu nào tỏ rõ.
Cậu Thiện Dõng thầm cằn nhằn vợ:
- Khổ quá! Đã đóng hụi chết cho cái con vợ cưng đó tới khờ khạo hốc hác, nay lại phải đành mở tủ sắt lấy thêm tiền bù đấp chuyện mua sắm các món xa xỉ cho nó. Nghe nói hồi nào nó xanh xao ốm yếu thì nó ăn mặc bầy hầy; giờ đây nó đẹp mặn mòi nên nó thích ăn diện hực hỡ như bà hoàng. Mới hôm nào nó mua cái áo nhung xanh lợt rồi đổ hô là áo nhung màu lam ngọc. Mai mốt nó lại may cái áo cẩm nhung màu gạch tôm gạch cua, rồi sẽ bắt chưóc dì Út và các văn nhơn tao nhã gọi là lạc hà hay lạc... đà gì đó cho hạp với cái tánh điệu đà rườm rà của dỉ.
Bà Út Túy Nguyệt tiếp cất giọng khi thì eo éo, khi thì xon xỏn:
- Còn cái vụ xây cách cái am thờ Ngọc Hoàng cùng thờ ba vị Tam Thanh Giáo Chủ và chư vị Bát Tiên, dì cũng đang đôn đốc bang Phước Kiến tiến hành. Tuy nói là am chớ nó rộng tròm trèm cỡ cái chùa, Chèn ơi, kiểu kiến trúc sao mà đẹp nhức nhối! Nào là tường vây quanh vườn vẽ gấm hoa ở mặt bên trong, còn tường am thì sơn màu bạch phấn. Nào là cổng son, màu mái lợp ngói lưu ly màu túy lục. Am chia làm ba gian. Gian chánh có hai từng: từng trên thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Từng nhì thờ bà Tây Vương Mẫu. Từng ba thờ các vị Tam Thanh như Thái Thượng Lão Quân, Linh Bửu Thiên Tôn và Ngươn Thỉ Thiên Tôn. Còn gian bên trái thì thờ thì thờ Ngũ Hành Đế Quân gồm Diêu Trì Kim Mẫu (hành kim), Đông Huê Đế Quân (hành mộc), Bắc Huê Đế Quân (hành thủy)), Nam Huê Đế Quân (hành hỏa), Trung Huê Đế Quân (hành thổ). Còn gian bên tả thờ chư vi Bát Tiên trên đảo Bồng Lai như Lý Thiêt Quày, Hớn Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thể Hòa, Tào Quốc Cựu. Còn gian bên hữu thờ Đông Hải Long Vương và các vị thần làm mưa như Vân Đồng (đồng tử kéo mây), Phong Di (dì gió), Lôi Công (đức Quốc công làm sấm), Điển Mẫu ( bà Thánh mẫu làm sét).
Cô Cẩm Điệp thuật lại:
- Các bổn đạo Lão Giáo tỉnh mình cách đây hai tuần có cầu cơ Đức Linh Bửu Thiên Tôn. Ngài giáng cơ cho họ biết bởi bà Hương Chánh Trần Vĩnh Thạnh tin tưởng và thờ cúng Ngọc Hoàng Thượng Đế nên vong linh má của bả được thác sanh lên Thiên Đình Thượng Giới. Ngày ngày, Đức Tây Vương Mẫu cho đòi má của bả vào cung Diêu Trì xoa mạt chuợc và đánh tứ sắc, đánh xệp với Ngài.
Bà Út Túy Nguyệt trổ giọng sôi nổi:
- Tuy cơ cho biết như vậy, hư thiệt ra sao thì mình là người trần mắt thịt làm sao thấu rõ được bộ máy huyền vi, hả cháu? Riêng dì, dì tin lắm. Từ khi bà Hương Chủ Thạnh hưởng ứng việc lập am và xuất ra số tiền 100 đồng cho hội thì nàng dâu trưởng của bả đẻ một cặp trai song sanh sổ sữa dễ thương lắm! Còn con gái của bả được con trai ông Phủ Nguyễn văn Bài cưới hỏi long trọng làm rạng rỡ mặt gia đình bả biết bao! Còn bả làm chơi mà ăn thiệt: vựa than, vựa củi, vựa khô, vựa mắm, vụ nào cũng trúng mối. Đó là không kể tiền cho mướn mấy căn phố, cho mướn mấy ngôi nhà, tiền do ruộng đất đem lại... Tụi bây cũng nên đến am Ngọc Hoàng dưng hương, rồi cúng phẩm vật, tiền bạc để sanh con tiên giáng phàm, con thánh giáng thế, con thần nhơn giáng trần.
Cậu Thiện Dõng tới đây dằn lòng không nổi, bước tới chỗ phụ nũ hội họp, gằn giọng:
- Thưa dì, để cháu đi dưng hương cho. Biết đâu nhờ cháu giốc lòng cầu nguyện Ông Trời mà vong linh tía của cháu sẽ được siêu sanh lên Thiên Đình Thượng Giới, ngày ngày được Đức Ngọc Đế vời vô đền Thiêu Hương đánh cờ tướng với Ngài.
Bà Út Túy Nguyệt xỉa xói:
- Thôi, mầy chớ nói xóc óc, móc họng tao. Đời mà mậy, nói lời tôn kính thánh thần thì khó, còn nói lời bổ báng những đấng thiêng liêng thì quân mất dạy ở đầu đường xó chợ nói hằng ngày, nói hà rầm. Miệng tụi nó hào hùng, nực nồng hào khí như vậy, nhưng tới khi gặp hoạn nạn thì tụi nó van vái tám hướng bốn phương mà không biết nhột miệng.
Cô Cẩm Điệp ré lên:
- Quỉ ơi, sao anh dám coi rẻ thánh thần? Nhờ đi am mỗi tuần mà em mới vừa ốm nghén đó đa. Người ta khi ốm nghén hay hôi cơm tanh cá, còn em tuy cấn thai mà mà vẫn ngon cơm ngọt canh như thường.
Bà Bang Biện Tánh tuy có tật hay binh con trai, nhưng khi nghe cậu Thiện Dõng móc xỏ bà Út Túy Nguyệt nên bà sợ lắm vội vàng mắng át cậu, rồi van vái:
- Xin Đức Ngọc Hoàng châm chế cho con tui. Nó hay ăn môn ngứa miệng nên nói tầm phào bá láp, chớ lòng dạ nó nhơn từ, không bao giờ dám giết hại một con mối hay con mọt.
Cô Lệ Châu xỉa xói:
- Anh Hai không bao giờ thèm tin những chuyện linh thiêng Lão Giáo, lại hay chế nhạo dì Út về vụ bói toán, bàn mộng, đoán xâm. Trời ơi, con Ngọc Nhung, em con nhà chú của anh Chánh đang cấn hai mà nằm chiêm bao thấy mình ăn hột vịt lộn. Dì Út bảo rằng nó sẽ hư thai. Quả thiệt y như rằng, cái quái thai lộn cổ lộn đầu của nó theo cơn băng huyết trồi ra, trông mà khiếp vía! Dì Út khuyên nó đi lên am van vái chư vị Tam Thanh. Nó lại nằm chiêm bao thấy nó đập cái trứng gà có hai ttròng đỏ. Dì Út bàn rằng nó sẽ sanh đôi. Má và mọi người cũng đã thấy hai đứa nhỏ chào đời hồi năm ngoái rồi.
Cậu Thiện Dõng cứng miệng, lắc đầu, rồi trở về buồng. Cô Cẩm Điệp ghét chồng lắm. Về vụ chửa đẻ của cô Ngọc Nhung, lời bàn lẫn lời khuyên của bà Út Túy Nguyệt cậu đã từng nghe, đã từng chừng kiến cái cái kết quả xảy ra y chang lời bàn. Vậy mà cậu vẫn ương ngạnh không chịu tin.
Cô Cẩm Điệp nghĩ rằng nếu đãi chỉ có một món cháo cá giò heo cho khách thì coi lổng chổng quá.Cô hâm lại những thức ăn trong bữa tiệc còn lại để ăn dậm thêm. Cô Lệ Châu bày bàn. Cô Lệ Ngọc mở thạp lấy trái u đủ xiêm chín gọt vỏ và xắt từng miếng vuông, ướp nước đá cục để dành ăn tráng miệng.
Cậu Trọng Chánh cỡ 5 giờ chiều chèo tam bản tới. Cậu Thiện Dõng đi rửa mặt, thay bộ áo pyjama để mặc áo sơ-mi bằng vải ba-tít, chiếc quần tây bằng vải bố màu da bò. Trong khi chờ đợi bữa ăn, hai anh em bày cờ ra đánh. Đánh xong ván thứ hai, cậu Trọng Chánh yêu cầu anh vợ dẹp bàn cờ. Cũng vừa lúc đó, cô Lệ Châu ra trung đường mời anh và chồng vào nhà sau dùng cơm tối.
Bà Út Túy Nguyệt vừa cười gay gắt và hỏi thằng cháu cứng đầu:
- Nè Dõng, chẳng biết dì Út làm gì tổn thương cháu mà coi bộ gần đây cháu có vẻ ghét dì Út thiếu điều ăn gan uống huyết dì Út vậy? Cháu hãy cho dì Út tỏ rõ uẩn khúc nguyên do để dì Út sửa đổi cho vừa lòng cháu.
Cậu Thiện Dõng giả lả:
- Bởi cháu biết dì vui tánh nên nói giỡn cho vui vậy thôi. Ơn dì tác hiệp cho cháu cuới em Cẩm Điệp lẽ nào cháu quên hay sao? Ngặt môt điều: dì cứ khoe cẩm thạch hột xoàn cùng các thứ sô sa nhung gấm nên con vợ cháu cứ mơ tưởng mấy thứ đó rồi kèo nài cháu mua cho bằng được. Mới đây, nó hốt hụi non để mua chiếc vòng cẩm thạch huyết nữa đó.
Cô Cẩm Điệp háy chồng:
- Em mua nữ trang và mấy cây lãnh hễ được giá là em nhờ dì Sáu bán lại cho kẻ khác. Em hốt hụi áp chót có hốt hụi non bao giờ?
Bà Bang Biện Tánh bảo con trai:
- Con đừng trách vợ con. Bởi nó thấy thằng em rể nó có xe máy dầu mà tụi trẻ kêu là mô-tô mô tiếc gì đó nên nó muốn sắm cho con một chiếc mà phải là thứ mới nhứt, bảnh nhứt. Bởi con không cho phép nó làm áp-phe vì con muốn nó chỉ lo việc nội trợ mà thôi, nên nó mới làm lén lút qua sự giúp đỡ của dì Út con. Con có một mụ dì thương mến con, một con vợ xứng đáng như vậy mà con cứ eo sèo cả hai, tội chết đa con. Con vợ của con định khi sắm xe xong là nó không làm áp-phe nữa.
Bà Út Túy Nguyệt nói:
- Vợ mầy nhứt định sắm cho mầy chiếc mô-tô Ăng-lê hiệu Norton có tới 3 mã lực chớ không chịu sắm loại xe Pháp hiệu Radior chỉ có một mã lực đâu nghe. Bây giờ chẳng những nó có đủ tiền mua xe mô-tô mà còn dư chút ít để sắm cho mầy hộp thuốc lá, hộp quẹt máy mạ vàng nữa đó.
Cậu Thiện Dõng đỏ mặt vì mắc cở và cảm động. Cậu xuôi xị:
- Cháu xin lỗi dì. Cháu cám ơn dì và vợ cháu có lòng nghĩ tới cháu. Cô Cẩm Điệp cười vui vẻ:
- Em chẳng cần lời cám ơn anh. Em chỉ mong anh đừng nhạo báng việc em đi dưng huơng ở am Tam Thanh là được rồi.
Cậu Trọng Chánh âu yếm nhìn vợ:
- Thưa má, thưa dì Út, vợ con sống nhờ đồng lương dạy học. Nhưng nó có biệt tài làm mắm tôm chà và mắm tôm chua ngon không thua mắm tôm chà và mắm tôm chua ở Gò Công. Khi rảnh rang, nó làm hai món mắm đó để đếm cho bạn hàng. Nó làm chơi mà ăn thiệt. Được mợi, đuợc trớn, nó làm thêm món mắm cá cơm ngon hơn mắm cá cơm ở bên cù lao An Thành nhiều. Lúc đầu con cũng hơi khó chịu là hễ đúc đầu về nhà là lãnh đủ mùi mắm. Riết rồi con cũng quen dần. Đi đâu con cũng nhớ mùi mắm ở nhà.
Bà Út Túy Nguyệt hỏi gặng lại:
- Chớ không phải cháu nhớ vợ lẫn mùi quen thuộc của vợ hay sao? Cậu Trọng Chánh cười lỏn lẻn, mặt đỏ thén như ruột dưa hường:
- Dạ, có vầy có khác, có đủ hết, thưa dì.
Bà Út Túy Nguyệt cười hềnh hệch:
- Theo dì nghĩ, cháu nhớ vợ nhiều hơn. Ông bà mình thường nói: Chim quyên ăn trái nhãn lồng / Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Cậu Trọng Chánh càng mắc cở, càng sáng cặp mắt háo hức:
- Dạ, dì Út dạy điều chi cũng đúng hết. Tụi cháu là kẻ hậu sanh ít từng trải việc đời, cần phải học hỏi nhiều ở dì.
Rồi cậu quay qua mẹ vợ:
- Tiện dây, xin má nhờ thầy coi tuổi cho Bác Vật Thoại Tường và dì Lệ Ngọc để định ngày làm đám hỏi luôn ngày đám cưới.
Bà Út Túy Nguyệt hớt lời chị mình:
- Dượng Út tụi cháu có coi tuổi đôi bên rồi. Thằng Bác Vật Thoại Tường tuổi Canh Tuất mạng Kim, còn con Lệ Ngọc tuổi Bính Thìn mạng Thổ. Tuy là tuổi xung khắc, Thìn, Tuất, Sửu Mùi tứ hành xung, nhưng mạng tụi nó lại hạp nhau: đó là Thổ sanh Kim. Trong cuộc vợ chồng, mạng hạp với nhau mới đáng kể, còn tuổi mà nhằm nhò chi. Thằng Bác Vật kia mà gặp con Lệ Ngọc có cái tướng ích phu vượng tử, biết đâu mai sau nó trở thành một vĩ nhơn của nước An Nam mình. Con Lệ Ngọc mạng Thổ mà được đẻ vào tháng 5 âm lịch, tức là vào mùa hạ. Mùa hạ thuộc hành Hỏa. Đây là trường hợp Hỏa sanh Thổ, tốt vô cùng. Con nầy phải làm tới nhứt phẩm phu nhơn mới đáng. Cho nên thằng nào làm chồng của nó dù là cu li, ăn mày cùng trở thành bực tể quan hay công hầu hoặc khanh tướng chớ chơi sao?
Mặt cậu Hai Thiện Dõng lầm lì. Còn cậu Trọng Chánh cười thiệt tươi, nhưng cái nhìn có vẻ ngờ vực. Riêng về phía nữ giới, bà nào cũng tươi rói, cô nào cũng tin tưởng khâm phục bà Út Túy Nguyêt ráo trọi. Riêng cô Lệ Ngọc vẫn cần mẫn ăn tô cháo cá giò heo đệm với bún, rau xắt ghém. Cô vẫn giữ vẻ thản nhiên. Bởi trước đó, cô đã chê tàn chê mạt, chê ỷ chê eo BácVật Thoại Tường nên giờ đây, nếu cô tỏ vẻ hưởng ứng niềm vui do lời đoán của bà Út Túy Nguyệt mang lại thì cô sẽ trơ trẻn biết bao! Ôi, niềm vui nào phải là xôi rượu để ủ men nồng ngát say sưa trong tình trạng kín bưng kín mít như vầy? Ngồi ăn cùng với cả nhà, cô phải dằn lòng để chứng tỏ rằng mình chẳng quan tâm tới cuộc hôn nhơn sắp tới thì ngặt cho cô quá đi!

*

°
Cơm nước xong, cậu Trọng Chánh cùng vợ kiếu từ ra vể. Đêm nay có trăng, cậu tình nguyện dùng tam bản đưa bà Út Túy Nguyệt về bến tả ngạn Long Hồ, tức là nơi bến nước phía sau tiệm thuốc bắc An Tuy Đường, rồi mời về nhà mình bên dòng rạch Cá Trê.
Cô Lệ Ngọc đi tắm rồi xuống bếp coi các hỏa lò có tắt hết lửa không? Thức ăn có đậy điệm kỹ để phòng chó mèo ăn vụng hay không? Sau đó, cô trở về buồng riêng, đối diện với cái hạnh phước đang tràn ngập trong tim cô. Xời ơi, mọi người trong nhà làm sao biết xế nay, cô đã trao đổi tâm tình với Bác Vật Thoại Tường trước khi cậu theo tía má cậu trở về CầnThơ, trước khi cơn mưa buổi xế kéo qua vùng phụ cận của thành phố nầy?
Số là sau khi ăn tráng miệng, Bác Vật Thoại Tường bước vòng ra hè để đi sâu vào bên trái khu vườn. Cậu dừng bước dưới cây sa-bô-chê xòe tàn rộng để hứng những đợt gió lao rao từ khoảnh ruộng kế bên thổi lại. Cũng lúc đó, cô Lệ Ngọc từ đám cây lá cách ở cuối hông vườn trờ tới. Cô đã bẻ lá cách để tặng cô Lệ Châu đem về nhà làm món thịt bò cuốn lá cách nướng than, thay lá lốt.
Đụng mặt chàng trai đi coi mắt mình, cô Lệ Ngọc biết sẽ có... chuyện lớn. Thế nào cậu Thoại Tường cũng trổ lời có nghĩa đôi nghĩa ba ra để ve vãn cô hoặc chọc ghẹo cô cũng không biết chừng. Cô cúi gầm mặt, tay nắm chặt chiếc giỏ tre đựng đầy lá cách non mỏng và tươi ngăn ngắt. Cô cảm thấy đôi gò má và đôi vành tai cô hừng hực lửa nóng. Chèn ơi mặt nóng tức là mặt đỏ, chứng tỏ có có lòng tà dạ dại, bén nhạy lửa tình... Cậu Thoại Tường cất giọng ngọt hơn nước cốt thốt nốt, ngọt hơn kẹo mạch nha:
- Em Lệ Ngọc. Anh đâu dè mình có được ngày hôm nay. Cô Lệ Ngọc cố dằn cơn bối rối:
- Ngày hôm nay đối với em... cũng như mọi ngày. Cậu Thoại Tường dịu dàng nhìn thẳng cô thiếu nữ:
- Tía má anh bằng lòng cưới em cho anh. Má em cũng bằng lòng nhận anh làm rể trong gia đình em. Em nghĩ sao đây?
Cô Lệ Ngọc ấp úng:
- Em biết nghĩ sao bây giờ? Thôi thì anh nghĩ sao thì em nghĩ vậy... cho gọn! Thiệt tình, em đâu biết nghĩ gì khác hơn?
Cậu Thoại Tường tha thiết nhìn cô gái, mắt long lanh hớn hở:
- Em Lệ Ngọc, anh yêu em. Anh phải nhờ dì Út và anh rể em nói vô để các đấng sanh thành đôi bên tác hiệp chuyện hôn nhơn cho đôi ta. Anh yêu em từ buổi gặp em lần đầu tại nhà anh giáo Chánh. Hôm đó em và chị giáo ăn ốc gạo chấm nước mắm chanh.
Cô Lệ Ngọc ré lên cười:
- Dữ ác! Anh còn nhớ cái hôm đó, hả? Hôm đó, anh lể ốc cho em ăn, nhưng em làm mặt bùng thụng để chọc anh ghét.
Cậu Thoại Tường cười cảm động:
- Làm sao anh ghét em được? Làm sao anh quên được hôm đó? Có hôm đó mới có hôm nay.
Cô Lệ Ngọc lỏn lẻn cưòi duyên, giọng mềm như bánh tráng nhúng nước:
- Còn phải có thêm ngàn vạn lần hôm khác, phải không anh?
Cô quày quã bước đi. Cậu chận cô lại, hun cô thiệt nồng, thiệt dài mới buông cô ra. Trước khi dời gót, cậu móc túi áo veste, lấy quyển tập khổ nhỏ đặt vào giỏ xách cô, dặn dò:
- Đây là những bài thơ anh làm tặng em. Em hãy coi thử.
Quyển tập chép thơ có cái bìa nổi vân tím. Ở trang thứ ba có viết hàng chữ Thơ Tình Đầu bằng mực đỏ. Duới hàng chữ đỏ là hàng chữ được viết bằng mực tím: Âu yếm tặng em Lệ Ngọc. Cô Lệ Ngọc không coi vội những bài thơ đẹp ý nồng tình trong quyển tập nầy đâu. Phải có những giây phút nhàn hạ, phải có một khung cảnh thơ mộng mới làm cho những bài thơ kia trở nên truyền cảm sâu xa khi đọc lên, dù là đọc thầm đi nữa.
Cô Lệ Ngọc trở vô nhà, tức là trở lại nếp sống thường nhựt ở công việc làm. Nhưng mà suốt buổi xế nầy, cô cứ ôn lại những lời nói của người yêu cùng cái hun nồng cháy kia, lòng bàng hoàng xúc động.
Giờ đây, mới đầu canh một mà bông nguyệt quới ngoài thềm đã tỏa hương. Qua khung cửa sổ, bóng trăng mười sáu mập thù lù và sáng long lanh treo trên ngọn cây sao ở phía xa xa. Quỉ ơi, tối nay cô làm sao ngủ nổi với tình ý đang tràn ngập lai láng trong trái tim cô? Tình ý đó kích thích cô mãnh liệt hơn bình cà phê đậm đen đậm đặc, lay động thần trí cô, trêu cợt não cân cô. Tình yêu của cô sao mà bồng bột! Nếu trên trái đất nầy chỉ có một mình cô, cô sẽ rống lên, tru tréo lên:
- Ái tình vạn tuế! Anh Thoại Tuờng, em yêu anh!
Và cô sẽ quay cuồng một điệu vũ, đít cô lắc lắc, tay cô uốn éo như rắn, chơn cô sẽ sàn qua sỉa lại để cô vung vai niềm hân hoan khắp cõi sum la vạn tượng nầy.
Côn trùng bên ngoài sôi ran từng chập. Chắc chúng đang giao hoan ân ái với nhau nên không ngớt tung hô tung hê cuộc đời bằng giây phút khúc hoan ca rần rộ dường ấy! Lại nữa, ngoài đầm nước, lũ ễnh ương cứ huềnh hoang, lũ nhóc nhen và bù tọt cứ chót chét điệu hát nập nợn nghe sao mà chối tai! Nhưng vì đang bơi lội trong biển hạnh phuớc bao la, cho nên con gì kêu đối với cô cũng đều đáng yêu, đáng mến, cũng đều đồng lõa và hòa nhập với tiếng sóng lòng náo nức của cô.
Cô Lệ Ngọc mở quyển sổ ra, khêu đèn cho sáng hơn để đọc những bài thơ bất hủ của Thoại Tưòng. Coi kìa tuồng chữ của cậu tuy có gò gẫm, nhưng nét chữ hơi sệu sạo: chũ o khong tròn, nét đá lên buông xuống hơi cứng, hơi thô, nét úp nét ngửa hơi méo, chữ m thì mập mạp, còn chữ n hơi ốm. Nhưng thành hoàng thổ địa ơi, thơ của cậu sao mùi rục mùi rệu, ngọt lịm ngọt ngào như mít chín trên cây như vầy? Lời ngọt, thơ ngọt, nhưng ý có ngọt, tình có say không đây? Ủa, theo mấy đoạn thơ trong nhiều bài thì cô là mối tình đầu của cậu hay sao? Như vậy, những bóng hồng đã từng đi qua đời cậu chẳng khua động lòng cậu, chẳng lưu lại trong tâm hồn cậu một âm vang nào hay sao? Coi bộ tên nầy xạo. Lời thơ có vẻ đía dóc, coi bộ không thành thiệt rồi đa! Song cô Lệ Ngọc kịp nghĩ. Biết đâu BácVật Thoại Tưòng đã từng dan díu với nhiều người đờn bà, nhưng chưa thiệt bụng yêu họ. Những cuộc dan díu có nhiều bộ mặt tình yêu nếu xét kỹ: yêu vì theo nhu cầu (phải cố mà yêu cho cuộc đời bớt lạt lẽo), yêu do tình dục ngụy trang chớ không phải thiệt lòng thiệt dạ yêu đương, yêu vì cần có điểm tựa trong cuộc đời... Thôi, sao cũng được. Cậu đã đưa tía má cậu đi coi mắt cô tức là cậu có thiện chí xây dựng gia đình với cô. Cô chỉ cần biết lời của cậu du dương, thơ của cậu mùi mẫn, cái hun của cậu nồng nàn... Bình thường, cậu ưa giỡn trửng, chọc ghẹo cô để cho cô mắng nhiếc cậu, nguýt háy cậu, vo vảnh với cậu, chớ cậu không thèm tung một lời ngụ ý, không chịu nói một câu thiết tha như hồi xế trưa. Tại sao vậy? Ủa mà quỉ thần ơi! Bài thơ thất ngôn bát cú nầy sao mà kỳ cục vậy cà? Câu 3 và câu 4 làm cô bàng hoàng suy nghĩ, rồi cứ ngồi ngơ ngẩn trước án thư như con ốc mượn hồn.
Gặp nhau, cứ trổi giọng đôi ba
Ý nọ tình kia hẳn đậm đà?
Lời mắng véo von như yến hót
Câu hờn thánh thót tợ oanh ca
Ngóng chờ một bóng trong sương lạnh. Thơ thẩn năm canh dưới nguyệt tà Người ngọc xa xôi nào có biết Phương trời hiu quạnh chịu riêng ta.
Thôi, anh Thoại Tường, em hiểu hết rồi. Anh chọc cho em mắng anh để anh được nghe giọng chanh chua giận dỗi của em, để yêu em thêm. Té ra anh chọc em nổi sùng là cốt để được nghe lời chót chét, đay nghiến, cà tỏi cà riềng của em đó mà. May mà em không xài những tiếng nặng nề, những lời hổn ẩu để hạ nhục anh. Nghĩ tới đây, cô Lệ Ngọc cảm thấy mí mắt của mình nóng rực. Thôi chết rồi! Hai giọt nưóc mắt của cô rụng xuống trang thơ làm lem luốc một vài chữ. Cô rút khăn mù-soa ra chặm chỗ mực nhòe. Quỉ yêu gì đâu á! Chưa chi mà mình để cho cảm xúc dâng trào.Thôi được, ngày mai cô sẽ mua một tập bìa cứng để chép lại những bài thơ tình yêu kia. Cô vốn khéo tay, sẽ trang điểm những trang thơ kia bằng hình vẽ bó hoa, cánh bướm vờn bông hường, cánh chim tung trời mây, cánh buồm dưới trăng, vành tà nguyệt treo nghiêng phía trên đỉnh núi... Cô sẽ nhờ thợ bọc bìa bằng nhung xanh và khắc chữ mạ vàng lóng lánh. Ở bìa trước, cô sẽ mượn lũ bạn khéo tay khoét hình trái tim thiệt mập để mai sau cô lồng hình vợ chồng cô vào trong đó. Bỗng cơ chợt nhớ ra:
- Dì Út mình biết mần thơ. Để rồi mình nhờ dỉ chỉ cho mình rành rẻ niêm luật để mình có thể xướng họa với cưng vàng cưng ngọc của mình, để cho cuộc sống lứa đôi thêm nồng mặn ý tình và đượm nhuần thơ mộng.