CHƯƠNG 3
CÁC VỊ THẦN TRÊN THIÊN ĐƯỜNG VÀ MẶT ĐẤT

     iều gì đã xảy ra khi quá trình phát triển chậm chạp đến đau đớn của loài người trải qua hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu năm lại đột ngột thay đổi một cách toàn diện đến vậy và qua 3 bước chạy đà diễn ra vào khoảng các năm 11000, năm 7400 và năm 3800 TCN đã biến những người nguyên thủy săn bắt hái lượm nay đây mai đó thành những người nông dân và thợ làm gốm, rồi sau đó trở thành thợ xây, kiến trúc sư, nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà luyện kim, thương gia, nhạc sỹ, quan tòa, bác sỹ, nhà văn, thủ thư, giáo sỹ? Ta có thể tiếp tục đi xa hơn và đặt ra một câu hỏi còn cơ bản hơn như Giáo sư Robert J. Braidwood, Prehistoric Men (tạm dịch: Người tiền sử) đã từng phát biểu: “Tại sao điều này lại xảy ra? Tại sao tất cả nhân loại không tiếp tục cách sống như người Maglemosia đã từng sống?”
Còn người Sumer, những người đã trải qua nền văn minh phát triển cao bất ngờ này đã có câu trả lời của mình. Một trong hàng chục ngàn bản khắc cổ của người Mesopotamia vừa được tìm thấy đã nói rằng: “Bất cứ điều tốt đẹp nào chúng ta tạo ra đều do các vị thần ban phước.”
Các vị thần của Sumer. Họ là ai?
Các vị thần của người Sumer có giống như các vị thần Hy Lạp, những người được cho là sống trên một cung điện lớn, tổ chức tiệc tùng trong Đại điện của thần Zeus trên Thiên đường Olympus, một thiên đường có bản sao trên Mặt đất là ngọn núi Olympus cao nhất của Hy Lạp?
Người Hy Lạp mô tả các vị thần của mình giống như những con người trần tục cả về hình dáng lẫn tính cách: Họ cũng có những cảm xúc như hạnh phúc, giận dữ và thậm chí cả ghen tuông; họ cũng yêu đương, tranh cãi, đấu đá; và họ cũng sinh con đẻ cái như người trần, duy trì nòi giống qua quan hệ tình dục với nhau hay với người trần.
Họ là các đấng tối cao không thể với tới, nhưng cũng không ngừng tham gia vào thế sự. Họ có thể du hành với tốc độ chóng mặt, xuất quỷ nhập thần; và cũng có những loại vũ khí tối thượng và quyền năng khác thường. Mỗi vị thần có những nhiệm vụ riêng và chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, trừng phạt hay ban thưởng cho con người tùy thuộc vào từng hành động cụ thể của họ; thế nên các nghi lễ thờ cúng và cúng tế các vị thần của con người được cho là một hành động cầu an và xin ban phước.
Vị thần tối cao của nền văn minh Hy Lạp cổ đại là thần Zeus, “Cha của các Vị thần và Con người”, “Người nắm giữ Ngọn lửa trên Thiên đàng”. Vũ khí chính và cũng là biểu tượng của Ngài là tia sét. Ngài là một “vị vua” từ Thiên đường xuống hạ giới; là người quyết định và phân phát cái tốt cái xấu cho người trần, tuy nhiên lãnh địa của Ngài lại ở trên bầu trời.
Thần Zeus không phải là vị thần đầu tiên trên Mặt đất, cũng không phải là vị thần đầu tiên trên Thiên đường. Khi kết hợp giữa thần học với vũ trụ học để tạo ra cái mà các chuyên gia gọi là thần thoại học, người Hy Lạp tin rằng vị thần đầu tiên là thần Hỗn mang (Chaos); rồi sau đó là nữ thần Gaea (Thần Đất) và chồng của bà là Uranus (Thiên đường) mới xuất hiện. Gaea và Uranus sinh ra 12 vị thần khổng lồ (Titan), 6 trai và 6 gái. Tuy các chiến công thần thoại của họ đều diễn ra trên Mặt đất nhưng người ta cho rằng bản thể của họ là các vì sao trên trời.
Nam thần Titan trẻ tuổi nhất là Cronus nổi lên như một nhân vật chính của thần thoại Hy Lạp. Vị thần này vươn lên vị trí tối cao trong các vị Titan bằng thủ đoạn sát hại cha mình là Uranus và cướp đoạt ngôi. Lo sợ các Titan khác chống lại, Cronus đã giam cầm và trục xuất họ. Vì lẽ đó, ông đã bị mẹ mình nguyền rủa: Nó sẽ phải nếm trải nỗi đau của cha mình và sẽ bị lật đổ bởi một trong những con trai của chính nó.
Cronus kết hôn với Rhea, em gái ruột của mình và sinh hạ 3 người con trai và 3 người con gái: Hades, Poseidon và Zeus; Hestia, Demeter và Hera. Một lần nữa định mệnh người con trai út sẽ là người hạ bệ cha mình và lời nguyền của Gaea trở thành sự thật khi Zeus lật đổ Cronus.
Có vẻ như cuộc soán ngôi này diễn ra không suôn sẻ. Trong nhiều năm, cuộc chiến giữa các vị thần và nhiều quái vật nổ ra. Trận chiến quyết định chính là cuộc đụng độ giữa thần Zeus và Typhon, vị thần mình rắn. Cuộc chiến diễn ra trên những khu vực rộng lớn, cả trên Mặt đất lẫn bầu trời. Trận đối đầu cuối cùng diễn ra trên Đỉnh Casius, gần biên giới Ai Cập và Ả Rập, đâu đó trên Bán đảo Sinai. (Hình 21)

Hình 21
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến này, Zeus được công nhận là vị thần tối cao. Tuy nhiên, ông phải chia sẻ quyền lực với những người anh em của mình. Bằng phương thức lựa chọn (hoặc theo một dị bản khác là rút thăm), Zeus được trao quyền kiểm soát Thiên đường, người anh lớn Hades cai quản Mặt đất và người anh thứ hai Poseidon là Chúa tể Biển cả.
Tuy rằng sau này Hades và lãnh địa của mình trở thành từ đồng nghĩa với Địa ngục, nhưng khu vực cai quản nguyên bản của vị thần này là lãnh thổ ở một nơi nào đó “dưới sâu”, bao quanh những vùng đầm lầy, những khu vực hoang tàn và những vùng đất ngập nước của các con sông lớn. Hades được khắc họa là một vị thần “vô hình” – thù địch, gớm guốc, dữ dằn; không bị lay chuyển bởi việc cầu nguyện hay hiến tế. Còn Poseidon thì ngược lại, thường hiện thân với biểu tượng chiếc đinh ba trong tay. Tuy là chúa tể của biển cả, nhưng ngài đồng thời cũng là vị thần của thuật luyện kim và điêu khắc và là nhà ảo thuật hay pháp sư nhiều mánh khóe. Trong truyền thuyết và các câu chuyện truyền khẩu của người Hy Lạp thì thần Zeus được cho là rất nghiêm khắc với Con người – thậm chí vị thần này được cho là đã có lúc định hủy diệt Loài người; trong khi đó Poseidon lại được xem là bạn của Con người và là vị thần đã làm những điều vĩ đại và giành được sự ca ngợi của người trần.
3 anh em trai và 3 chị em gái, những đứa con của Cronus với người em Rhea của mình, đã làm nên thế hệ thứ nhất của Nhóm 12 vị thần vĩ đại Olympia. 6 vị thần còn lại đều mang dòng máu của thần Zeus và các câu chuyện thần thoại Hy Lạp chủ yếu kể về phả hệ và các mối quan hệ của họ.
Các vị nữ thần và nam thần này là con của Zeus với các nữ thần khác. Đầu tiên, thần Zeus kết hợp với nữ thần Metis sinh ra một người con gái, đó chính là nữ thần Athena vĩ đại. Athena chịu trách nhiệm về tri thức, nghề thủ công mỹ nghệ và được gọi là Nữ thần Trí tuệ. Vì là vị thần duy nhất sát cánh cùng thần Zeus trong cuộc chiến chống lại thần Typhon (tất cả các vị thần khác đều chạy trốn) nên Athena có được các kỹ năng chiến đấu và cũng là Nữ thần Chiến tranh. Nàng là “thiếu nữ hoàn hảo” và không phải làm vợ của bất kỳ ai; nhưng một số câu chuyện thường gán nàng với người bác Poseidon và mặc dù vị thần này có người vợ chính thức là Nữ hoàng xứ Labyrinth trên đảo Crete nhưng người cháu Athena vẫn được coi là tình nhân của ngài.
Sau đó thần Zeus kết hợp với nhiều nữ thần khác, nhưng con của họ không đủ tiêu chuẩn gia nhập Nhóm 12 vị thần Olympia. Khi thần Zeus trở nên nghiêm túc với vấn đề con trai nối dõi, ngài chuyển mối quan hệ sang một trong những chị gái của mình. Người lớn tuổi nhất chính là Hestia. Nhưng rõ ràng nàng là người sống ẩn dật – có lẽ là quá già hoặc quá ốm yếu để trở thành đối tượng kết hôn – và thế là thần Zeus cần một cái cớ nhỏ để chú ý đến người chị gái thứ hai là Demeter, Nữ thần Mùa màng. Nhưng thay vì một đứa con trai, nàng lại sinh cho thần Zeus một người con gái tên là Persephone, người sau này trở thành vợ của người chú Hades và cùng nhau cai quản Thế giới Dưới Lòng đất.
Thất vọng vì không có con trai, thần Zeus quay sang các nữ thần khác để giải khuây. Với Harmonia, ngài có 9 con gái chung. Sau đó Leto sinh hạ cho ngài một con gái và một con trai, Artemis và Apollo, những người ngay lập tức được gia nhập vào Nhóm các Chủ thần.
Apollo, người con trai đầu tiên của thần Zeus, là một trong những vị thần vĩ đại nhất trong số các vị thần của người Hy Lạp, được loài người kính sợ và các vị thần yêu mến. Ngài là người truyền đạt ý chí của thần Zeus, cha mình tới người trần, bởi vậy ngài là vị thần phụ trách các vấn đề về luật lệ tôn giáo và thờ cúng trong đền thờ. Là đại diện cho luật pháp trần tục và thần giới, ngài là biểu tượng của sự trong sạch và hoàn hảo cả về thể chất lẫn tinh thần.
Người con trai thứ hai của thần Zeus do nữ thần Maia sinh ra là Hermes, vị thần bảo trợ của những người chăn chiên và bảo vệ các đàn gia súc. Tuy kém quan trọng và ít quyền lực hơn người anh trai Apollo, vị thần này lại gần gũi hơn với thế sự; bất kỳ vận may nào cũng được cho là do ngài đem đến. Là vị thần ban phát Những Điều Tốt lành, ngài phụ trách thương mại, người bảo trợ của các thương gia và lữ khách. Nhưng trong thần thoại và sử thi thì vai trò chính của ngài là người truyền tin của thần Zeus, là Sứ giả của Các vị thần.
Bị thôi thúc bởi truyền thống nối dõi cùng huyết thống, thần Zeus vẫn muốn có một con trai với một trong những chị gái của mình – và thần quay sang người chị trẻ nhất, Hera. Sau khi kết hôn với Hera bằng những nghi lễ của một Lễ cưới thiêng, thần Zeus tuyên bố nàng là Nữ hoàng của các vị Thần, Nữ thần Mẹ. Cuộc hôn nhân của họ được ban phước bằng một đứa con trai, Ares và 2 con gái, nhưng cũng bị lung lay bởi thói trăng hoa không ngừng của thần Zeus cũng như những lời đồn đại về sự không chung thủy của Hera, tạo nên nghi vấn về nguồn gốc thật sự của Hephaestus, một người con trai khác của họ.
Ares ngay lập tức được kết nạp vào Nhóm 12 vị Chủ thần Olympia và được phong là Thần Chiến tranh, người kế vị chính của thần Zeus. Ares được khắc họa là Linh hồn Chém giết; tuy nhiên vị thần này vẫn chưa đạt đến sự bất tử - khi chiến đấu đứng về phía người dân thành Troy trong trận chiến thành Troy, Ares đã bị một vết thương mà chỉ có thần Zeus mới có thể chữa lành.
Trái lại, Hephaestus phải đấu tranh cho con đường đến với thế giới đỉnh cao Olympia. Chàng là Thần Sáng tạo, là người giữ ngọn lửa lò rèn và nghệ thuật luyện kim. Hephaestus là vị thần thợ rèn chế tạo những vật dụng bình thường và pháp thuật cho cả con người và các vị thần. Truyền thuyết kể rằng lúc sinh ra chàng đã bị thọt chân, bởi thế người mẹ Hera đã giận dữ quẳng chàng xuống hạ giới. Một dị bản khác đáng tin cậy hơn cho rằng chính thần Zeus đã trục xuất Hephaestus bởi vì ngài nghi ngờ nguồn gốc của chàng, nhưng Hephaestus đã sử dụng quyền năng sáng tạo kỳ diệu của mình để buộc thần Zeus phải thừa nhận chàng là một trong số những vị Thần Vĩ đại.
Truyền thuyết cũng kể rằng Hephaestus đã từng chế ra một chiếc lưới vô hình sẽ trùm trên giường vợ mình nếu có hơi của kẻ trộm tình. Chàng phải có biện pháp phòng vệ như vậy bởi vợ chàng chính là Aphrodite, Nữ thần của Tình yêu và Sắc đẹp. Lẽ tất yếu khi có nhiều lời đồn thổi về những bê bối tình ái liên quan đến nàng; trong số những kẻ quyến rũ đó có Ares, anh trai của Hephaestus. (Kết quả của mối tình vụng trộm đó chính là Eros, vị Thần Tình yêu.)
Aphrodite cũng nằm trong số 12 vị thần Olympia và hoàn cảnh nàng được kết nạp vào số 12 vị thần sẽ soi sáng cho chủ đề của chúng ta. Nàng không phải là chị em, cũng không phải là con gái của thần Zeus, tuy nhiên không ai có thể phớt lờ vị trí của nàng. Nàng đến từ biển Địa Trung Hải, bờ châu Á đối diện với Hy Lạp (theo nhà thơ Hy Lạp Hesiod, nàng đến qua ngả Cyprus); và nàng cho rằng mình được sinh ra từ bộ phận bị cắt rời của thần Uranus từ xa xưa. Bởi vậy theo phả hệ thì nàng trên thần Zeus một đời, là chị gái của cha thần Zeus và là hiện thân của Ông tổ các vị Thần. (Hình 22)
Do vậy Aphrodite phải được là một trong số các vị thần Olympia. Nhưng con số 12 vị thần rõ ràng không thể thay đổi. Giải pháp đưa ra thật khéo léo: Thêm một bớt một. Vì thần Hades được giao cai quản Thế giới Dưới mặt đất và không thường xuyên tham gia vào Nhóm các vị Chủ thần trên đỉnh Olympus nên vị trí của ngài thường xuyên bị bỏ trống và chiếc ghế đó được trao cho Aphrodite tham gia vào Nhóm 12 vị Chủ thần.
Có vẻ như con số 12 vị thần cũng là một yêu cầu bắt buộc, chuẩn xác, không hơn, không kém. Điều này trở nên rõ ràng trong tình huống dẫn tới việc kết nạp Dionysus vào nhóm các vị thần Olympia. Dionysus là con trai của thần Zeus và nàng Semele. Để tránh khỏi cơn thịnh nộ của Hera, Dionysus được đưa tới những vùng đất xa xôi (ận Ấn Độ) và dạy cách trồng nho, làm rượu ở bất cứ nơi nào chàng đặt chân tới. Trong lúc đó, trên đỉnh Olympus đang có một vị trí trống. Nữ thần Hestia, người chị cả của thần Zeus, ngày càng già yếu và bị loại khỏi Nhóm 12 vị Chủ thần. Sau đó Dionysus đã trở về Hy Lạp và được phép tiếp nhận chiếc ghế trống đó. Đỉnh Olympus lại một lần nữa có 12 vị thần.
Tuy thần thoại Hy Lạp không nói rõ về nguồn gốc của loài người, nhưng các câu chuyện truyền thuyết và truyền miệng có đề cập đến các vị thần giáng trần trở thành các vị anh hùng và các vị vua. Các á thần này tạo nên mối liên kết giữa định mệnh con người – những mưu sinh đời thường, sự phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, đau ốm, chết chóc – với quá khứ thần thánh, khi chỉ có các vị thần rong ruổi trên Mặt đất. Tuy có nhiều vị thần được sinh ra trên Mặt đất nhưng 12 vị thần Olympia được lựa chọn chỉ thể hiện phương diện thần thánh của mình. Odyssey từng mô tả đỉnh Olympus nằm trên “tầng không tinh khiết”. 12 vị Chủ thần là những Vị thần đến từ Thiên đường giáng xuống Mặt đất; và họ đại diện cho 12 thiên thể trong “điện Thiên đường”.
Khi người La Mã tiếp cận với thần thoại Hy Lạp, họ đã đặt tên La tinh cho các vị Chủ thần theo mối liên hệ với các vì sao: Gaea là Earth (Mặt đất); Hermes là Mercury (sao Thủy); Aphrodite là Venus (sao Kim); Ares là Mars (sao Hỏa); Cronus là Saturn (sao Thổ); và Zeus là Jupiter (sao Mộc). Nối tiếp truyền thống của người Hy Lạp, người La Mã coi Jupiter là một vị thần sấm sét với vũ khí là quả cầu sét; và cũng giống như người Hy Lạp, người La Mã quan niệm rằng sự xuất hiện của ngài gắn liền với một con bò. (Hình 23)
Hiện nay nhiều người nhất trí rằng nền văn minh Hy Lạp bắt nguồn từ hòn đảo Crete, nơi văn hóa Minoa phát triển hưng thịnh vào khoảng năm 2700 TCN tới năm 1400 TCN. Theo truyền thuyết và thần thoại của người Minoa, câu chuyện về quỷ mình người đầu bò là nổi bật nhất. Nhân vật nửa người nửa bò này là con của Pasiphaё, vợ Vua Minos và một con bò. Các phát hiện khảo cổ đã xác nhận rằng người Minoa thờ phụng thần bò rộng rãi và trên một số con dấu trục lăn có khắc họa hình ảnh con bò như một vị thần bên cạnh biểu tượng chữ thập đại diện cho ngôi sao hoặc hành tinh nào đó chưa xác định được. Bởi vậy người ta phỏng đoán rằng con bò mà người Minoa thờ phụng không phải là loài vật bình thường trên trái đất mà là Thiên Ngưu – chòm sao Kim Ngưu – nhằm đánh dấu một số sự kiện đã diễn ra vào thời điểm xuân phân của Mặt trời xuất hiện trên chòm sao đó, khoảng 4.000 năm TCN. (Hình 24)
Theo truyền thuyết Hy Lạp, thần Zeus đã đến Hy Lạp qua ngả đảo Crete, nơi người rời đi (bằng cách bơi qua Địa Trung Hải) sau khi bắt cóc Europa, người con gái xinh đẹp của vua thành Tyre, người Phoenicia. Thực tế, những văn tự cổ xưa nhất của người Minoa được Cyrus H. Gordon giải mã cho thấy đã từng tồn tại “phương ngữ Semite trên các bờ biển phía Đông Địa Trung Hải.”

Hình 22

Hình 23
Hình 24
Trong thực tế người Hy Lạp chưa bao giờ cho rằng những vị thần Olympia của họ đến thẳng Hy Lạp từ Thiên đường. Thần Zeus vượt Địa Trung Hải qua đảo Crete để đến vùng đất này. Aphrodite được cho là đến từ bờ biển vùng Cận Đông, qua ngả Cyprus. Poseidon (thần Neptune của người La Mã) mang theo mình con ngựa từ vùng Tiểu Á. Athena mang theo “cây ô-liu tươi tốt và tự gieo hạt” đến cho Hy Lạp từ vùng đất của Kinh thánh.
Các phong tục và tôn giáo của người Hy Lạp đến với đất nước này từ vùng Cận Đông qua khu vực Tiểu Á và các hòn đảo trên Địa Trung Hải là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là những nơi khởi nguồn cho thần thoại của họ; là nơi mà chúng ta nên xem xét để tìm ra nguồn gốc của các vị thần Hy Lạp và mối quan hệ giữa họ cùng các vì sao với con số 12.

*

Đạo Hindu, tôn giáo cổ xưa của người Ấn Độ, coi bộ kinh Veda – sự kết hợp của các bài thánh ca, cách thức hiến tế và những phán truyền khác của các vị thần – là thánh kinh thiêng liêng “không phải do con người làm ra”. Truyền thuyết của người Hindu cho rằng chính các vị thánh đã tạo ra chúng vào thời kỳ trước thời đại hiện nay. Nhưng khi thời gian qua đi, bộ kinh 100.000 câu thơ ban đầu được truyền miệng từ đời này sang đời khác ngày càng rơi rụng và bị nhẫm lẫn nhiều hơn. Cuối cùng, một nhà hiền triết đã ghi chép những câu thơ còn lại, chia chúng thành 4 cuốn sách và giao phó cho 4 đại môn đồ mỗi người gìn giữ một bộ Veda.
Vào thế kỷ XIX, khi các chuyên gia bắt tay vào giải mã và hiểu được những ngôn ngữ đã bị lãng quên và lần theo các mối liên hệ giữa chúng, họ nhận ra rằng bộ kinh Veda được viết bằng ngôn ngữ Ấn – Âu rất cổ xưa, loại ngôn ngữ tiền thân của tiếng Phạn có nguồn gốc Ấn Độ, tiếng Hy Lạp, Latinh và các ngôn ngữ châu Âu khác. Cuối cùng khi các chuyên gia có thể phân tích và đọc được bộ kinh Veda, họ đã sửng sốt khi nhận ra sự giống nhau khác thường giữa các câu chuyện thần thánh trong kinh Veda với thần thoại Hy Lạp.
Trong kinh Veda, các vị thần đều là thành viên của một gia đình lớn nhưng không phải khi nào cũng thuận hòa êm ấm. Giữa những câu chuyện về thăng thiên, giáng trần, những trận chiến trên trời, những vũ khí kỳ diệu, tình bạn và hận thù, hôn nhân và phản bội dường như có tồn tại một mối quan tâm cơ bản về việc gìn giữ gia phả - ai sinh ra ai và ai là con đầu lòng của ai. Các vị thần trên mặt đất có nguồn gốc từ Thiên đường; và các vị Chủ thần dù là ở trên Mặt đất cũng vẫn tiếp tục đại diện cho các hành tinh.
Thuở sơ khai, các Rishi (“suối nguồn nguyên thủy”) “chảy” trên trời với sức mạnh vô song. Trong số đó, có 7 rishi là các bậc Tổ tông. Các thần Rahu (“quái vật”) và Ketu (“chia cách”) từng là một thiên thể đơn nhất tìm cách gia nhập đội ngũ các vị thần mà không xin phép; nhưng Thần Bão tố đã phóng ngọn lao lửa của mình vào thần xẻ thành 2 phần – Rahu “Đầu Rồng” không ngừng sục sạo mọi ngóc ngách trên Thiên đường để trả thù và Ketu “Đuôi Rồng” Mar-Ishi, vị tổ tông của Vương triều Mặt trời, sinh ra Kash-Yapa (“người kế vị ngai vàng”). Kinh Veda mô tả vị thần này có rất nhiều con, nhưng việc xem xét kế thừa vương vị chỉ được tiến hành với 10 người con mà thần có với Prit-Hivi (“Mẹ Thiên đường”).
Là người đứng đầu vương triều, Kash-Yapa cũng là thủ lĩnh của các deva (“người hào quang”) và mang danh hiệu Dyaus-Pitar (“người cha hào quang”). Kash-Yapa cùng với người vợ và 10 đứa con của mình tạo nên một gia đình thần thánh gồm 12 Aditya, những vị thần mà mỗi người được gán với một cung hoàng đạo và một thiên thể. Thiên thể của Kash-Yapa là “ngôi sao tỏa sáng”; còn Prit-Hivi tượng trưng cho Trái đất. Bên cạnh đó là các vị thần khác có các thiên thể gồm Mặt trời, Mặt trăng, Sao Hỏa, Sao Thủy, Sao Mộc, sao Kim và sao Thổ.
Sau này vị trí lãnh đạo Nhóm 12 vị Thần được trao lại cho Varuna, Thần Mở mang Thiên đường. Thần có mặt ở khắp mọi nơi và nhìn thấy mọi thứ; một trong những bài thánh ca về người nghe giống như bài thánh ca trong Kinh thánh:
Ngài là người tạo nên mặt trời chiếu sáng Thiên đường,
Những cơn gió thổi chính là hơi thở của ngài.
Ngài đào nên những lòng sông;
Chúng chảy theo mệnh lệnh của ngài.
Ngài đã tạo nên những đáy biển sâu.
Thời kỳ trị vì của vị thần này không sớm thì muộn cũng đến hồi kết thúc. Indra, vị thần giết “Rồng” đã soán ngôi bằng cách giết chết cha mình. Chàng là vị tân Chúa tể Bầu trời và Thần Bão tố. Sấm sét là vũ khí của vị thần này và vương hiệu của chàng là Chúa tể của Các vị thần. Tuy nhiên, chàng phải chia sẻ quyền lực với 2 người anh của mình. Một người là Vivashvat, tổ tiên của Manu, Con người đầu tiên. Người kia là Agni (“người nhóm lửa”), người đã mang lửa từ Thiên đường xuống Mặt đất để Nhân loại có thể sử dụng rộng rãi.

*

Sự tương đồng giữa kinh Veda và thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng. Những câu chuyện về các vị Chủ thần cũng như những câu thơ về vô số các vị thần nhỏ hơn – con trai, vợ, con gái, tình nhân – rõ ràng là trùng hợp (hay bắt nguồn từ?) với các câu chuyện của người Hy Lạp. Hiển nhiên ở đây Dyaus có thể hiểu là Zeus; Dyaus-Pitar, Jupiter; Varuna, Uranus; v.v... Và trong cả 2 trường hợp, nhóm các vị Thần Vĩ đại luôn là con số 12, bất kể thế hệ kế tiếp có thay đổi gì đi chăng nữa.
Làm thế nào mà 2 khu vực cách xa nhau cả về địa lý lẫn thời đại lại có sự tương đồng đến thế?
Các chuyên gia tin rằng vào thời kỳ nào đó khoảng thiên niên kỷ 2 TCN, có một tộc người sử dụng ngôn ngữ Ấn-Âu và sinh sống tập trung ở miền bắc Iran hoặc khu vực Caucasia đã tiến hành những cuộc di dân lớn. Một nhóm đi xuống miền nam tới Ấn Độ. Người Hindu gọi họ là người Arya (“người cao quý”). Họ mang theo những câu chuyện truyền khẩu của kinh Veda vào khoảng năm 1500 TCN. Làn sóng di cư khác của tộc người Ấn-Âu này hướng về phía tây tới châu Âu. Một số người đi vòng quanh biển Đen và tới châu Âu qua các thảo nguyên của Nga. Nhưng thực tế tuyến đường chính để những con người này cùng với các truyền thống và tôn giáo của họ đến với các thành phố Hy Lạp cổ đại là Tiểu Á: con đường ngắn nhất. Một số thành phố cổ xưa nhất của Hy Lạp không nằm trên đất liền của Hy Lạp mà tại mũi phía tây vùng Tiểu Á.
Nhưng những người Ấn-Âu đã chọn Anatolia làm nơi dừng chân này là ai? Những điều mà người phương Tây biết được không giúp gì nhiều trong việc lý giải vấn đề này.
Một lần nữa, nguồn tư liệu sẵn có và tin cậy duy nhất tồn tại lại là Kinh Cựu ước. Trong Kinh Cựu ước, các chuyên gia thấy có một số điểm đề cập đến người “Hittite” − những người sinh sống trên các ngọn núi Anatolia. Không giống như thái độ thù địch được phản ánh trong Kinh Cựu ước đối với người Canaanite và các dân tộc láng giềng mà tục lệ của họ bị coi là “ghê tởm”, người Hittite lại được xem là bạn và là đồng minh của người Israel. Bathsheba, người mà Vua David thèm muốn, là vợ của Uriah, một sỹ quan người Hittite trong quân đội của Vua David. Vua Solomon, người đã củng cố liên minh bằng cách kết hôn với con gái của các vị vua ngoại tộc, đã lấy con gái của cả Pharaoh Ai Cập lẫn Vua Hittite. Lần khác, đạo quân xâm lược Syria đã bỏ chạy khi nghe tin rằng “Vua Israel đã nhờ vua Hittite và vua Ai Cập liên minh chống lại chúng ta”. Những dẫn chứng này về người Hittite cho thấy sự ngưỡng mộ mà các dân tộc khác ở vùng Cận Đông cổ đại dành cho khả năng quân sự của họ.
Sau khi giải mã được chữ tượng hình của người Ai Cập và tiếp đến là chữ khắc của người Mesopotamia, các chuyên gia đã tìm ra nhiều dẫn chứng cho thấy “Xứ Hatti” là một vương quốc rộng lớn và hùng mạnh ở Anatolia. Liệu một thế lực quan trọng như vậy có thể biến mất mà không để lại dấu vết nào?
Với hành trang là những dẫn chứng từ các văn tự của người Ai Cập và Mesopotamia, các học giả tiến hành khai quật các khu vực khảo cổ trên các vùng đồi núi thuộc Anatolia. Những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng: Họ đã tìm thấy các thành phố, cung điện, kho báu hoàng gia, lăng mộ hoàng gia, đền đài, công trình tôn giáo, công cụ, vũ khí, tác phẩm nghệ thuật của người Hittite. Trên hết thảy, họ đã tìm thấy nhiều văn tự được viết bằng cả chữ tượng hình lẫn chữ hình nêm. Những câu chuyện về người Hittite trong Kinh thánh đã lần lượt được hồi sinh.
Một đài tưởng niệm độc đáo mà vùng Cận Đông cổ đại để lại cho chúng ta là công trình chạm khắc đá bên ngoài kinh đô Hittite cổ xưa (khu vực ngày nay được gọi là Yazilikaya, trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “đá chạm khắc”). Sau khi xuyên qua các cổng chào và đền đài, những tín đồ cổ đại bước vào một phòng trưng bày ngoài trời, một không gian mở giữa những tảng đá tạo thành hình bán nguyệt, trên đó khắc họa tất cả các vị thần của người Hittite thành một đoàn diễu hành.
Phía trái, từ ngoài vào trong là một hàng dài các vị thần chủ yếu là nam thần, được sắp xếp thành các “đoàn” 12 người rõ ràng. Ngoài cùng bên trái, phía cuối đoàn diễu hành kỳ thú này là 12 vị thần giống nhau, tất cả đều cùng mang một loại vũ khí. (Hình 25)
Nhóm diễu hành 12 người đi giữa là những vị thần trông có vẻ lớn tuổi hơn, một số vị mang vũ khí khác biệt và 2 vị thần nổi bật lên với một ký hiệu thần thánh. (Hình 26)
Nhóm diễu hành 12 người thứ ba (phía trước) rõ ràng là những vị nam thần và nữ thần quan trọng hơn. Vũ khí và biểu trưng của họ phong phú hơn; có 4 người có thiên ký phía trên; có 2 người có cánh. Trong nhóm này cũng có những thành viên trần tục: 2 con bò nâng giữ một quả cầu và vị Vua của người Hittite với chiếc mũ chỏm trên đầu đứng dưới biểu trưng của chiếc Đĩa Bay. (Hình 27)
Ở phía bên phải là 2 nhóm nữ thần; tuy nhiên các hình vẽ trên đá đã bị hủy hoại nhiều nên không thể xác định được số lượng ban đầu của các nữ thần này. Có lẽ chúng ta cũng không sai khi cho rằng họ cũng bao gồm 2 “đoàn”, mỗi đoàn 12 người.
Hai đoàn diễu hành từ bên phải và bên trái gặp nhau ở giữa nơi khắc họa rõ ràng hình ảnh của các vị Chủ thần, các vị thần này đều được thể hiện ở vị trí trên cao, trên các ngọn núi, các con vật, chim chóc, hay thậm chí là trên vai những người hầu. (Hình 28)
Các học giả (chẳng hạn như E. Laroche, Le Panthéon de Yazilikaya – tạm dịch: Các vị thần của Yazilikaya) đã bỏ ra nhiều công sức để xác định tên, danh hiệu và vai trò của các vị thần trong đoàn diễu hành này từ các bức họa, các ký hiệu tượng hình, cũng như một phần văn tự còn đọc được và tên các vị thần được khắc trên đá. Nhưng rõ ràng là các vị thần của người Hittite cũng có 12 vị thần “Olympia” đứng đầu. Những vị thần có địa vị thấp hơn được tổ chức thành từng nhóm 12 người và các vị Chủ thần trên Trái đất được gắn với 12 thiên thể.
Thực tế, các vị thần được thống trị bởi con số “12” càng được khẳng định bởi một tượng đài khác của người Hittite, một lăng mộ xây bằng gạch được phát hiện gần Beit-Zehir ngày nay. Ở đó khắc họa rõ ràng hình ảnh 2 vị thần được bao quanh bởi 10 vị thần khác – làm nên con số 12. (Hình 29)
Các phát hiện khảo cổ đã chỉ ra một cách chắc chắn rằng người Hittite thờ cúng các vị thần “trên Thiên đường và Mặt đất”, tất cả họ đều có quan hệ với nhau và được sắp xếp theo thứ tự phả hệ. Có một số vị thần “già cả” vĩ đại có nguồn gốc từ Thiên đường. Biểu tượng của họ - trong chữ viết tượng hình của người Hittite có nghĩa là “thần thánh” hay “chúa trời” – trông giống như một cặp kính bảo hộ. (Hình 30) Biểu tượng này thường xuất hiện trên các dấu tròn giống một phần của vật thể hình tên lửa. (Hình 31)
Còn các vị thần khác thì xuất hiện không chỉ ở trên Mặt đất mà còn ở giữa người Hittite với vai trò là các đấng trị vì tối cao của xứ sở, bổ nhiệm các vị vua của con người và hướng dẫn người kế vị các vấn đề về chiến tranh, hiệp ước và các vấn đề quốc tế khác.

Hình 25

Hình 26
Hình 27
Hình 28
Hình 29
Hình 30
Hình 31
Đứng đầu các vị thần thế tục của người Hittite là một vị thần tên Teshub, có nghĩa là “người gọi gió.” Bởi vậy vị thần này được các chuyên gia gọi là Thần Bão tố, gắn liền với giông bão và sấm chớp. Vị thần này còn có một tên gọi nữa là Taru (“bò”). Giống như người Hy Lạp, người Hittite cũng miêu tả về việc thờ cúng bò; và cũng giống như Jupiter sau này, Teshub được khắc họa là vị Thần Sấm chớp đứng trên lưng một con bò. (Hình 32)

Hình 32
Giống như các truyền thuyết Hy Lạp sau này, văn tự của người Hittite cũng mô tả cách vị Chủ thần của họ chiến đấu với một con quái vật để củng cố địa vị tối cao của mình. Một văn tự được các học giả gọi là “Huyền thoại Giết Rồng” đã xác định đối thủ của Teshub chính là thần Yanka. Không đánh bại được vị thần này trong chiến đấu, Teshub đã kêu gọi sự giúp đỡ của các vị thần khác, nhưng chỉ có một vị nữ thần đến giúp ngài và đã loại bỏ được Yanka bằng cách chuốc say vị thần này trong một bữa tiệc.
Với nhận thức rằng những câu chuyện này là nguồn gốc của truyền thuyết về Thánh George và con Rồng, các chuyên gia coi đối thủ bị vị thần “tốt” này đánh bại là “con rồng”. Nhưng thực tế Yanka có nghĩa là “con rắn” hình ảnh được người cổ đại gán cho vị thần “xấu” như trên hình chạm khắc tìm thấy ở khu vực khảo cổ người Hittite. (Hình 33). Như chúng tôi đã chỉ ra, thần Zeus cũng chiến đấu với một vị thần rắn chứ không phải rồng. Và những truyền thuyết cổ xưa về trận chiến giữa thần gió và thần rắn này có ý nghĩa rất sâu xa. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ có thể khẳng định rằng những trận chiến tranh giành vương quyền giữa các vị thần được trình bày trong các văn tự cổ cũng như những sự kiện chắc chắn đã diễn ra.
Người Hittite có một thiên sử thi dài được giữ gìn cẩn thận tên là “Kingship in Heaven” (Vương quyền trên Thiên đường) trình bày về chủ đề này – nguồn gốc trên Thiên đường của các vị thần. Đầu tiên, người thuật lại những sự kiện diễn ra trước khi con người xuất hiện này mời 12 “vị lão thần vĩ đại” lắng nghe câu chuyện của mình và chứng giám cho tính xác thực của nó:
Xin hãy lắng nghe hỡi các vị thần trên Thiên đường,
Và cả những vị đang ở trên Mặt đất tăm tối!
Xin hãy lắng nghe, hỡi các lão thần vĩ đại.

Hình 33
Sau khi khẳng định rằng các vị lão thần ngự trị trên cả Thiên đường và Mặt đất, thiên sử thi liệt kê tên 12 “vị lão thần vĩ đại”, tổ tiên của các vị thần; và để tiếp tục thu hút sự chú ý của các vị thần, người kể chuyện tiếp tục kể về việc vị thần “vua trên Thiên đường” giáng xuống “Mặt đất tăm tối”:
Thuở xưa, trong những ngày xa lắm, Alalu là vua trên Thiên đường;
Ngài, Alalu, được ngồi trên ngai vàng.
Anu vĩ đại, vị thần đầu tiên trong các vị thần, đứng trước ngài,
Cúi đầu trước chân ngài, dâng cốc rượu lên tay ngài.
Alalu là vua trên Thiên đường trong 9 thời kỳ.
Đến thời kỳ thứ chín, Anu đánh nhau với Alalu.
Alalu bị đánh bại, ngài phải bỏ chạy trước Anu
Ngài giáng xuống Mặt đất tối tăm,
Mặt đất tối tăm là nơi ngài tới;
Còn trên ngai vàng là Anu.
Như vậy là thiên sử thi này cho rằng việc “vua của Thiên đường” giáng xuống Mặt đất là kết quả của một cuộc soán đoạt ngai vàng: Một vị thần tên là Alalu đã bị buộc phải từ bỏ ngai vàng (ở nơi nào đó trên Thiên đường) và chạy trốn xuống “Mặt đất tối tăm” để bảo toàn mạng sống. Nhưng đó không phải là phần kết. Sử thi này tiếp tục kể về việc Anu đến lượt mình cũng bị một vị thần khác có tên là Kumarbi soán ngôi (theo một số cách diễn giải thì đây chính là anh em của thần Anu).
Rõ ràng, thiên sử thi đã ra đời hàng ngàn năm trước các truyền thuyết Hy Lạp này chính là tiền thân của câu chuyện Cronus lật đổ Uranus và Cronus bị Zeus soán ngôi. Ngay cả chi tiết liên quan đến việc Zeus thiến Cronus cũng xuất hiện trong văn tự của người Hittite, bởi đó chính là những gì mà Kumarbi đã làm đối với Anu:
Suốt 9 thời kỳ Anu là vua trên Thiên đường;
Đến thời kỳ thứ chín, Anu phải chiến đấu với Kumarbi.
Anu thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Kumarbi và bỏ chạy
Anu vút chạy lên trời cao.
Kumarbi đuổi sát theo chàng, tóm được đôi chân của chàng;
Và kéo chàng từ trên trời xuống.
Thần cắn vào lưng của chàng; và “Bộ phận Đàn ông” của Anu
trộn lẫn với nội tạng của Kumarbi, tan chảy như đồng thau.
Theo câu chuyện cổ này thì trận chiến kết thúc mà không bên nào giành được thắng lợi hoàn toàn. Tuy bị thiến nhưng Anu vẫn tìm cách bay về Thiên cung của mình, để Kumarbi kiểm soát Mặt đất. Đồng thời “Bộ phận đàn ông” của Anu đã sinh ra vài vị thần trong nội tạng của Kumarbi, buộc Kumarbi phải đẩy ra ngoài (giống như Cronus trong thần thoại Hy Lạp). Một trong những vị thần đó là Teshub, vị Chủ thần của người Hittite.
Tuy nhiên, theo sử thi này thì còn có thêm một trận chiến nữa trước khi Teshub có thể cai trị trong hòa bình.
Biết hậu duệ Anu xuất hiện ở Kummiya (“Thiên cung”), Kumarbi bày ra một kế hoạch nhằm “nuôi dưỡng một đối thủ của Thần Bão tố.” “Thần trao vào tay hắn đội quân của mình; đeo vào chân hắn đôi giày có thể chạy nhanh như gió”; và từ thành Ur-Kish của mình thần tới cung điện của Nữ Sơn thần Vĩ đại. Tới gặp nữ thần này,
Cảm hứng của ngài dâng trào;
Ngài ngủ với Nữ Sơn thần;
Dương khí của ngài chảy vào người nàng.
Ngài cùng nàng năm lần…
Ngài cùng nàng mười lần.
Phải chăng Kumarbi chỉ là một kẻ hiếu sắc đơn thuần? Chúng tôi có lý do để tin rằng sự việc không đơn giản như thế. Chúng tôi cho rằng những đấng trị vì các vị thần tiếp theo chính là con trai của Kumarbi với Nữ Sơn thần Vĩ đại được tuyên bố là người kế vị chính thống Ngai vàng Thiên đình; và việc Kumarbi “cùng” với nữ thần kia năm lần, mười lần là nhằm đảm bảo nàng sẽ mang thai và thực sự nàng đã làm được điều đó: Nàng hạ sinh một cậu con trai được Kumarbi đặt cho cái tên tượng trưng là Ulli-Kummi (“kẻ tiêu diệt của Kummiya” – cung điện của Teshub).
Kumarbi đã đoán trước rằng cuộc chiến giành vương vị sẽ là cuộc đọ sức trên Thiên đường. Với dự định để cho con trai mình tiêu diệt những kẻ nắm quyền ở Kummiya, Kumarbi sau đó đã đưa ra tuyên bố dành cho con trai mình:
Hãy để nó bay lên Thiên đường để giành lấy vương vị!
Hãy để nó đánh chiếm Kymmiya, thành phố xinh đẹp!
Hãy để nó tấn công Thần Bão tố
Và xé hắn ra thành từng mảnh, như một kẻ đã chết!
Hãy để nó bắn hạ tất cả các vị thần trên bầu trời.
Có phải những trận chiến đó của Teshub trên Mặt đất và bầu trời diễn ra khi Thời kỳ Kim ngưu bắt đầu vào khoảng năm 4000 TCN? Có phải vì lý do này mà hình ảnh người chiến thắng được gắn liền với hình ảnh con bò? Và những sự kiện đó có bất cứ sự liên hệ nào với sự khởi đầu đột ngột của nền văn minh Sumer diễn ra vào cùng thời kỳ không?

*

Chúng ta không thể chối cãi được rằng những truyền thuyết và niềm tin vào các vị thần của người Hittite thực sự có nguồn gốc từ Sumer, từ nền văn minh và từ các vị thần của đế chế này.
Câu chuyện về cuộc tranh đoạt Ngai vàng của Ulli-Kummi tiếp tục kể về những trận chiến hào hùng nhưng không mang tính quyết định. Xét về một phương diện nào đó, việc Teshub không đánh bại được đối thủ của mình thậm chí đã khiến cho vợ ngài là Hebat phải tự vẫn. Cuối cùng, các vị thần được kêu gọi dàn xếp cuộc đấu đá này và một Hội đồng các vị Thần được thành lập. Hội đồng này đặt dưới sự lãnh đạo của một “lão thần” tên là Enlil và một “lão thần” khác tên là Ea, người được triệu tập để đưa ra “các bản khắc cổ với những lời của số mệnh” – những văn tự cổ có khả năng giải quyết tranh chấp liên quan đến việc kế vị vương quyền.
Khi những văn tự đó không thể giải quyết được tranh chấp, Enlil đề nghị tổ chức một trận đấu khác cho kẻ thách thức, nhưng với sự trợ giúp của một số loại binh khí cổ. “Hãy nghe đây, hỡi các lão thần, các vị đã biết những lời của cổ nhân,” Enlil nói với những người theo phe mình:
Hãy mở những kho vũ khí cổ xưa
Của cha ông ta!
Hãy mang ra chiếc thương đồng cổ
Đã từng chia cắt Đất Trời;
Và hãy để chúng cắt rời chân của Ulli-Kummi.
Ai là những vị “lão thần” này? Câu trả lời rất rõ ràng, bởi tất cả họ – Anu, Antu, Enlil, Ninlil, Ea, Ishkur – đều là những cái tên Sumer. Ngay cả tên của Teshub, cũng như tên của các vị thần “Hittite” khác cũng thường được viết bằng chữ Sumer để thể hiện danh phận của họ. Ngoài ra, một số địa danh trong câu chuyện này cũng là những địa danh Sumer cổ đại.
Các chuyên gia nhận ra rằng trong thực tế người Hittite thờ phụng các vị thần có nguồn gốc từ Sumer và bối cảnh của câu chuyện về các vị “lão thần” đó cũng diễn ra ở Sumer. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của một phát hiện to lớn hơn. Người ta nhận thấy rằng ngôn ngữ Hittite không chỉ dựa trên một số phương ngữ Ấn-Âu mà còn chịu ảnh hưởng nặng nề của ngôn ngữ Akkad cả về lời nói và chữ viết. Bởi tiếng Akkad là ngôn ngữ quốc tế của thế giới cổ đại vào thiên niên kỷ 2 TCN nên việc nó ảnh hưởng lên tiếng Hittite cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng các chuyên gia có lý do để ngạc nhiên bởi trong quá trình giải mã chữ Hittite họ khám phá ra rằng ngôn ngữ Hittite sử dụng một cách rộng rãi các ký hiệu tượng hình, âm tiết và thậm chí là nguyên từ trong tiếng Sumer! Hơn thế nữa, họ thấy rõ rằng tiếng Sumer là loại ngôn ngữ được nhiều người Hittite theo học. Theo lời O. R. Gurney (The Hittites (Người Hittite)), thì ngôn ngữ Sumer “được học rộng rãi ở Hattu-Shash [Kinh thành] và những từ vựng Sumer-Hittite được tìm thấy ở đây… Nhiều âm tiết gắn liền với các ký hiệu hình nêm trong thời kỳ Hittite chính là các từ trong tiếng Sumer mà nghĩa của chúng đã bị người Hittite lãng quên… Trong văn tự của người Hittite, các từ Hittite phổ thông thường được thay thế bằng từ Sumer hay Babylon tương ứng.”
Đến khi người Hittite đến Babylon vào khoảng sau năm 1600 TCN thì người Sumer đã biến mất khỏi vùng Cận Đông từ lâu. Vậy làm thế nào mà ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của họ có thể thống trị một vương quốc lớn khác ở một thiên niên kỷ khác và thuộc phần khác của châu Á?
Gần đây các chuyên gia đã phát hiện ra rằng chiếc cầu nối giữa 2 nền văn minh này chính là một chủng người có tên là người Hurrian.
Gợi nhớ đến người Horites (“người tự do”) trong Kinh Cựu ước, người Hurrian chiếm cứ một vùng rộng lớn giữa khu vực Sumer và Akkad ở Mesopotamia và vương quốc Hittite ở Anatolia. Phía bắc lãnh thổ của họ là “xứ tuyết tùng” nơi các quốc gia xa gần thu được những cây gỗ tốt nhất. Ở phía đông, họ cư trú quanh những giếng dầu ngày nay thuộc Iraq; chỉ riêng ở thành Nuzi, các nhà khảo đã phát hiện không chỉ các công trình và công cụ bình thường mà còn có hàng ngàn tài liệu pháp luật và xã hội có giá trị rất lớn. Ở phía tây, phạm vi cai trị và ảnh hưởng của người Hurrian mở rộng tới tận bờ biển Địa Trung Hải và bao quanh những trung tâm buôn bán, công nghiệp và giáo dục lớn thời cổ đại như Carchemish và Alalakh.
Nhưng trung tâm quyền lực của họ, những trung tâm chính của các tuyến đường giao thương thời cổ đại và là nơi có những lăng mộ cao quý nhất lại nằm ở vùng trung tâm “giữa 2 dòng sông,” vùng đất Naharayim trong Kinh thánh. Kinh đô cổ xưa nhất của họ (vẫn chưa được tìm thấy) nằm ở đâu đó cạnh sông Khabur. Trung tâm buôn bán lớn nhất của họ nằm trên sông Balikh chính là thành Haran trong Kinh thánh – ngôi thành nơi gia đình giáo trưởng Abraham trú tạm trên đường từ thành Ur, miền nam Mesopotamia tới Xứ Canaan.
Các tài liệu của hoàng gia Ai Cập và Mesopotamia gọi vương quốc Hurrian là Mitanni và xếp quốc gia này vào địa vị ngang hàng – một thế lực lớn có tầm ảnh hưởng vượt qua cả biên giới của nó. Người Hittite gọi những người láng giềng Hurrian là “Hurri.” Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng, từ đó cũng có thể đọc là “Har” và như G. Contenau trong cuốn La Civilisation des Hittites et des Hurrites du Mitanni (Nền văn minh của Hittite và Hurrite của vương quốc Mitanni) đã đưa ra phán đoán rằng trong cái tên “Harri,” “ta thấy được tên ‘Ary’ hay Aryan dành cho chủng người này.”
Ta có thể chắc chắn rằng người Hurrian chính là người Aryan hoặc có nguồn gốc Ấn-Âu. Trong các bản khắc của họ có lời khẩn cầu các vị thần với những cái tên “Aryan” trong Kinh Veda, các vị vua của họ có những cái tên Ấn-Âu và các thuật ngữ quân sự và kỵ binh của họ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Ấn-Âu. Thậm chí B. Hrozny, người từng chỉ đạo tiến hành việc giải mã các văn tự của người Hittite và Hurrian vào thập niên 1920, đã đi xa tới mức gọi người Hurrian là “người Hindu cổ xưa nhất.”
Người Hurrian đã thống trị người Hittite về văn hóa và tôn giáo. Người ta thấy rằng các câu chuyện thần thoại của người Hittite được ghi chép lại có nguồn gốc từ Hurrian và thậm chí các thiên sử thi về thời tiền sử, về những vị anh hùng á thần cũng bắt nguồn từ Hurrian. Không còn ai nghi ngờ gì về việc người Hittite đã du nhập kiến thức vũ trụ học, những câu chuyện “thần thoại”, những vị thần và niềm tin vào 12 vị thần từ người Hurrian.
Mối liên kết 3 chiều giữa nguồn gốc Aryan, quá trình thờ cúng của người Hittite và nguồn gốc Hurrian của các tín điều này được khẳng định vững chắc trong bài cầu nguyện của một người vợ cho người chồng bị ốm. Hướng lời cầu nguyện của mình đến nữ thần Hebat, vợ của Teshub, người phụ nữ đó chậm rãi ngâm:
Hỡi nữ thần Đĩa Bay của xứ Arynna,
Bà chủ của tôi, Nữ chúa của xứ Hatti,
Nữ hoàng của Thiên đường và Mặt đất…
Ở xứ Hatti, tên của người là
“Nữ thần Đĩa Bay của xứ Arynna”;
Nhưng ở xứ mà người nổi giận,
Ở Xứ Tuyết tùng,
Người có tên là “Hebat.”
Tất cả những điều đó cho thấy nền văn hóa và tôn giáo mà người Hurrian du nhập và truyền lại không phải là văn hóa Ấn-Âu. Ngay cả ngôn ngữ của họ cũng không thực sự là ngôn ngữ Ấn-Âu. Trong ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống của người Hurrian có tồn tại những yếu tố Akkad một cách rõ rệt. Tên kinh đô của họ, Washugeni, là một biến thể của từ resh-eni (“nơi những dòng sông bắt đầu”) trong tiếng Semite. Dòng sông Tigris được gọi là Aranzakh mà chúng tôi tin bắt nguồn từ cụm từ có nghĩa là “dòng sông của những cây tuyết tùng thuần khiết” trong tiếng Akkad. Các thần Shamash và Tashmetum trở thành Shimiki và Tashimmetish trong tiếng Hurrian v.v…
Nhưng vì văn hóa và tôn giáo của Akkad chỉ là sự phát triển của những truyền thống và tín điều nguyên bản của người Sumer nên thực tế người Hurrian đã tiếp thu và chuyển hóa tôn giáo của người Sumer. Đây cũng là bằng chứng cho việc sử dụng phổ biến tên các vị thần, danh hiệu và các ký tự chữ viết từ tiếng gốc Sumer.
Chúng ta thấy rõ rằng những thiên sử thi kia chính là những câu chuyện của người Sumer; “chốn trú ngụ” của các vị lão thần chính là các thành trì của Sumer; “ngôn ngữ cổ” đó chính là ngôn ngữ của người Sumer. Ngay cả nghệ thuật của người Hurrian cũng giống hệt nghệ thuật Sumer, từ hình thức, đề tài cho đến biểu tượng.
Vậy khi nào và bằng cách nào mà người Hurrian đã bị “gen” của người Sumer “biến đổi”?
Các bằng chứng cho thấy người Hurrian, vốn là láng giềng phía bắc của Sumer và Akkad trong thiên niên kỷ 2 TCN đã thực sự hòa trộn với người Sumer ở thiên niên kỷ trước đó. Người Hurrian đã hiện diện và hoạt động ở Sumer vào thiên niên kỷ 3 TCN và họ nắm giữ những vị trí quan trọng ở Sumer trong suốt thời kỳ vinh quang cuối cùng của đế chế này, đó là triều đại Ur đời thứ ba. Có bằng chứng cho thấy người Hurrian đã quản lý và vận hành nền công nghiệp may mặc tạo nên danh tiếng cho Sumer (đặc biệt là Ur) trong lĩnh vực này ở thời cổ đại. Đa phần những thương gia danh tiếng của Ur đều là người Hurrian.
Đến thế kỷ XIII TCN, dưới áp lực của làn sóng di cư và xâm lược quy mô lớn (trong đó có cuộc di dân của người Israel từ Ai Cập tới Canaan), người Hurrian lui về phần lãnh thổ phía đông bắc của vương quốc mình. Họ lập kinh đô mới gần Hồ Van và đặt tên cho vương quốc của mình là Urartu (“Ararat”). Ở đây họ thờ phụng các vị thần do thần Tesheba (Teshub) đứng đầu, được khắc họa như một vị thần hùng mạnh đội một chiếc mũ có sừng và đứng trên biểu tượng tôn kính của mình, đó là con bò. (Hình 34) Họ gọi công trình lăng mộ chính của mình là Bitanu (“ngôi nhà của Anu”) và dâng hiến bản thân để biến vương quốc của mình thành “pháo đài trên thung lũng của Anu.”
Còn Anu, như chúng ta sẽ thấy, lại là Cha của các vị thần của người Sumer.

*

Còn về con đường mà những câu chuyện và tín ngưỡng thờ cúng các vị thần đến với Hy Lạp từ bờ biển phía đông Địa Trung Hải qua đảo Crete và Cyprus thì sao?
Những vùng đất ngày nay là Israel, Lebanon và miền nam Syria – vốn là dải phía tây nam của Vùng đất Lưỡi liềm Phì nhiêu (Fertile Crescent) – sau đó đã trở thành nơi cư trú của các tộc người mà ta có thể nhóm lại thành người Canaanite. Một lần nữa, tất cả những gì chúng ta biết về họ chỉ là những cứ liệu (mà phần lớn là thù địch) trong Kinh Cựu ước và các bản khắc rải rác đây đó của người Phoenicia. Các nhà khảo cổ chỉ mới bắt đầu hiểu biết về người Canaanite khi khám phá ra 2 điều: những văn tự của người Ai Cập ở Luxor và Saqqara và quan trọng hơn là những văn tự về lịch sử, văn học, tôn giáo được khai quật ở một trung tâm lớn của người Canaanite. Địa điểm đó hiện nay có tên là Ras Shamra nằm trên bờ biển Syria trước đây chính là thành cổ Ugarit.
Ngôn ngữ được sử dụng trong các bản khắc ở Ugarit, tiếng của người Canaanite, được các chuyên gia gọi là tiếng Tây Semite, một nhánh của nhóm ngôn ngữ trong đó có cả tiếng Akkad cổ và tiếng Hebrew ngày nay. Thực tế, những ai biết tiếng Hebrew có thể theo dõi những bản khắc của người Canaanite tương đối dễ dàng. Ngôn ngữ, phong cách văn học và các thuật ngữ của họ gợi cho ta nhớ đến Kinh Cựu ước.
Các vị thần trong các văn tự của người Canaanite có nhiều điểm chung với các vị thần Hy Lạp sau này. Đứng đầu các vị thần Canaanite cũng là một vị thần tối cao có tên là El, từ này vừa là tên riêng của thần vừa thuật ngữ chung có nghĩa là “vị thần tối cao.” Ngài là người ra quyết định cuối cùng cho tất cả các công việc của con người lẫn thần linh. Ab Adam (“cha của con người”) là vương hiệu của ngài; Đấng Nhân từ, Đức Độ lượng là danh hiệu của ngài. Ngài là “người sáng tạo ra mọi thứ và là người duy nhất có thể trao vương vị.”

Hình 34
Các văn tự của người Canaanite (đối với đa phần các chuyên gia vẫn là “thần thoại”) mô tả El như một vị thần già cả, thông thái lánh xa thế sự. Cung điện của ngài ở nơi rất xa, tại “thượng nguồn của 2 dòng sông” – sông Tigris và Euphrates. Ở đó ngài ngự trên ngai vàng, tiếp đón các sứ giả, xem xét những vấn đề và tranh chấp của các vị thần khác được đưa ra để ngài phân xử.
Trên một tấm bia được tìm thấy ở Palestine có khắc họa hình ảnh một vị thần già ngự trên ngai vàng và được một vị thần trẻ dâng thức uống. Vị thần ngồi trên ngai vàng đội một chiếc mũ hình chóp được trang trí bằng những chiếc sừng – một dấu hiệu của thần linh như ta từng thấy ở thời tiền sử – và nổi bật trên khung cảnh đó là biểu tượng của một ngôi sao có cánh – loại biểu trưng xuất hiện ở khắp nơi mà chúng ta sẽ gặp nhiều hơn. Nhìn chung các chuyên gia đều nhất trí rằng tác phẩm chạm khắc này miêu tả về El, vị thần đứng đầu của người Canaanite. (Hình 35)

Hình 35
Tuy nhiên, không phải lúc nào El cũng được mô tả là một vị thần già. Một trong những danh hiệu của ngài là Tor (có nghĩa là “bò”) và các chuyên gia tin rằng danh hiệu này thể hiện sức mạnh tình dục và vai trò là Cha các vị thần của ngài. Trong bài thơ “Birth of the Gracious Gods” (tạm dịch: Sự ra đời của các Vị thần Độ lượng) của người Canaanite, El được mô tả xuất hiện trên bãi biển (chắc là ở trần), nơi có 2 người đàn bà hoàn toàn bị kích thước bộ phận sinh dục của thần mê hoặc. Trong khi quay một con chim trên bãi biển, El quan hệ với cả 2 người đàn bà. Sau đó 2 vị thần Shahar (“Bình minh”) và Shalem (“Hoàn tất” hay “Hoàng hôn”) ra đời.
Họ không phải là những đứa con duy nhất của thần El, cũng không phải là con trai cả (trong số những người con trai mà thần có). Con cả của thần là Baal – tên vị thần này có nghĩa là “Chúa tể”. Giống như trong câu chuyện của người Hy Lạp, người Canaanite cũng kể về việc con trai thách thức quyền lực và vị trí của cha mình. Giống như người cha El của mình, Baal cũng được các chuyên gia gọi là Thần Bão tố, vị thần của Sấm Chớp. Baal có một biệt hiệu là Hadad (“người thông minh”). Vũ khí của chàng là chiếc rìu chiến và ngọn giáo tia chớp; thần thú của chàng là con bò giống như của El và cũng như El, hình ảnh chàng được khắc họa đội chiếc mũ hình chóp với những chiếc sừng trang trí.
Baal cũng được gọi là Elyon (“tối thượng”); có nghĩa chàng là thái tử được thừa nhận, là người kế vị hiển nhiên. Nhưng chàng chỉ đạt được danh hiệu này sau một cuộc tranh chấp, ban đầu là với người anh Yam (“Hoàng tử Biển cả”) của mình và sau đó là với người anh Mot. Một bài thơ dài và cảm động được ghép lại từ những mảnh bản khắc bắt đầu với việc triệu tập “sư tổ nghề thủ công” tới cung điện của El “tại thượng nguồn của sông suối, nằm giữa thượng lưu của 2 con sông”:
Đi qua những cánh đồng của El
Ông bước vào dinh thự của Người cha Năm tháng.
Ông quỳ rạp trước chân El,
Ông phủ phục thể hiện lòng kính trọng.
Vị sư tổ nghề thủ công được lệnh dựng một cung điện cho Yam để đánh dấu cho sự trỗi dậy về quyền lực của chàng. Được hành động này của cha khích lệ, Yam cử sứ giả tới Hội đồng các vị Thần yêu cầu Baal thần phục chàng. Yam bày cho các sứ giả tỏ vẻ thách thức và Hội đồng Thần linh phải chịu nhún nhường. Ngay cả El cũng chấp nhận trật tự mới giữa các con trai. Thần tuyên bố “Ba’al là nô lệ của con, O Yam.”
Tuy nhiên, vị trí tối thượng của Yam không tồn tại được lâu. Sử dụng 2 “thần khí,” Baal đã chiến đấu với Yam và đánh bại chàng – và chỉ còn bị Mot thách thức (Mot có nghĩa là “kẻ công kích”). Trong trận chiến này, Baal đã nhanh chóng bị đánh bại; nhưng chị của thần, Anat không chấp nhận kết cục là cái chết của Baal. “Nàng bắt được Mot, con trai của El và dùng một đao bổ đôi người chàng.”
Theo câu chuyện của người Canaanite thì cái chết của Mot đã mang lại sự hồi sinh kỳ diệu cho Baal. Các chuyên gia đã cố gắng lý giải chuyện này bằng cách cho rằng toàn bộ câu chuyện chỉ mang tính ẩn dụ, chỉ là câu chuyện về đấu tranh thường niên giữa mùa hè nóng bỏng, không mưa làm cây cối khô hạn và mùa thu mưa nhiều làm tươi tốt hay “hồi sinh” cây trồng ở vùng Cận Đông. Nhưng điều chắc chắn là câu chuyện này của người Canaanite không hề có chủ định ẩn dụ, mà nó liên quan đến những điều mà sau này được cho là các sự kiện có thật: quá trình đấu đá của các con trai vị Chủ thần và cách một người trong số họ đã vượt qua thất bại để tái xuất và trở thành người kế vị được thừa nhận, làm cho El vui mừng:
El, đấng nhân từ, đức độ lượng, rất vui mừng.
Ngài để chân lên chiếc ghế.
Ngài mở miệng và cười to;
Ngài cất giọng và phán rằng:
“Ta có thể ngồi yên và hưởng thanh bình,
Linh hồn sẽ nghỉ ngơi trong ngực ta;
Bởi Ba’al kẻ hùng mạnh còn sống,
Bởi Hoàng tử của Mặt đất vẫn tồn tại!”
Theo truyền thuyết của người Canaanite, Anat là người sát cánh cùng em trai Chúa tể (Baal) trong cuộc đấu tranh sinh tử với quỷ dữ Mot; và sự tương đồng giữa chuyện này với câu chuyện của người Hy Lạp về việc nữ thần Athena sát cánh cùng với thần Tối cao Zeus trong cuộc chiến sinh tử với Typhon là quá rõ ràng. Như chúng ta đã biết, Athena được gọi là “thiếu nữ hoàn hảo”, tuy vậy nàng lại có nhiều bê bối tình ái vụng trộm. Tương tự, các câu chuyện của người Canaanite (có trước thần thoại Hy Lạp) cũng đề cập đến danh hiệu “Thiếu nữ Anat”, tuy vậy vẫn tiếp tục kể về những bê bối tình ái của nàng, đặc biệt là với người em ruột Baal. Một văn tự kể về chuyến viếng thăm của Anat tới dinh thự của Baal trên núi Zaphon và Baal vội vã cho những người vợ của mình lui ra. Sau đó thần cúi xuống dưới chân chị mình; họ nhìn vào mắt nhau; họ xức dầu cho “những chiếc sừng” của nhau –
Chàng giữ và nắm lấy bụng nàng…
Nàng giữ và nắm lấy “hòn bi” của chàng…
Thiếu nữ Anat… thụ thai và sinh con.
Vì thế mà các bức họa về Anat thường thể hiện nàng khỏa thân hoàn toàn để nhấn mạnh những đặc tính gợi dục của nàng – như trong con dấu này, trong đó có cảnh Baal đội mũ giáp chiến đấu với một vị thần khác. (Hình 36)
Giống như tôn giáo Hy Lạp và các tôn giáo tiền thân trực tiếp, trong các vị thần của người Canaanite cũng có một Nữ thần Mẹ, là vị hôn thê chính thức của vị Chủ thần. Họ gọi nữ thần này là Ashera, tương đương với Hera trong thần thoại Hy Lạp. Astarte (Ashtoreth trong Kinh thánh) tương đương với Aphrodite; vị hôn phu của nàng là Athtar, người được gán với một hành tinh sáng và tương đương với Ares, anh trai của Aphrodite. Bên cạnh đó là những nam thần và nữ thần khác mà ta có thể dễ dàng đoán được sự tương đồng với các thiên thể hoặc các vị thần Hy Lạp khác.
Bên cạnh các vị thần trẻ này còn có những “lão thần” lánh xa thế tục nhưng luôn có mặt khi các vị thần rơi vào rắc rối nghiêm trọng. Một số hình điêu khắc của họ, ngay cả trên một bức tượng đã bị hủy hoại một phần cũng cho thấy những nét oai vệ của những vị thần này với đặc điểm dễ nhận ra là chiếc mũ có sừng. (Hình 37)
Về phần người Canaanite, họ đã bắt đầu nền văn hóa và tôn giáo của mình vào thời điểm nào?
Kinh Cựu ước coi họ là một bộ phận của nhóm quốc gia Hamite, có nguồn gốc từ những vùng đất nóng bỏng (đây chính là nghĩa của từ ham) ở châu Phi và là những người anh em của người Ai Cập. Những công cụ và văn tự mà các nhà khảo cổ tìm thấy đã minh chứng cho mối quan hệ gần gũi giữa 2 tộc người này, cũng như nhiều nét tương đồng giữa các vị thần Canaanite và Ai Cập.
Với nhiều vị thần cấp quốc gia và cấp vùng, sự đa dạng trong tên gọi và danh hiệu của họ, sự phong phú về vai trò, biểu trưng và thần thú của họ khiến ta ban đầu ngỡ rằng các vị thần Ai Cập là một nhóm diễn viên thâm sâu khó dò trên một sân khấu kỳ lạ. Nhưng khi xem xét kỹ hơn ta mới thấy rằng về cơ bản những vị thần này không khác biệt gì so với những vị thần khác ở những miền đất khác của thế giới cổ đại.
Người Ai Cập tin vào những vị Thần của Thiên đường và Mặt đất, những Vị thần Vĩ đại khác biệt rõ ràng so với đám đông các vị thần có địa vị thấp hơn. G. A. Wainwright trong cuốn The Sky-Religion in Egypt (tạm dịch: Tôn giáo bầu trời ở Ai Cập), qua tổng kết những bằng chứng đã chỉ ra rằng niềm tin của người Ai Cập về việc các vị Thần của Thiên đường giáng xuống Mặt đất từ bầu trời có nguồn gốc “từ rất xa xưa”. Một số tên hiệu của các vị Thần Vĩ đại này như Thần Vĩ đại nhất, Con bò từ Thiên đường, Chúa tể/Nữ chúa của những Ngọn núi nghe rất quen thuộc.

Hình 36
Hình 37
Tuy người Ai Cập tính toán dựa trên hệ thập phân nhưng các vấn đề về tôn giáo của họ lại phụ thuộc vào hệ lục thập phân và các vấn đề về thần linh đều liên quan đến con số 12 thần thánh. Thiên đường được chia làm 3 phần, mỗi phần gồm 12 thiên thể. Thế giới bên kia được chia làm 12 phần. Mỗi quãng thời gian ngày và đêm được chia làm 12 giờ. Và tất cả những sự phân chia đó đều tương ứng với các “nhóm” thần, mỗi nhóm cũng gồm có 12 vị thần.
Đứng đầu các vị thần Ai Cập là thần Ra (“Đấng Sáng tạo”), người chủ trì Hội đồng Thần linh gồm 12 vị thần. Ngài thực hiện những công việc sáng tạo phi thường trong thời nguyên thủy, tạo ra Geb (“Đất”) và Nut (“trời”). Sau đó ngài khiến cho cây cỏ mọc trên đất, các loài bò sát và cuối cùng là Con người. Ra là một vị thần vô hình và chỉ hiện thân theo định kỳ. Hiện thân của ngài là Aten – chiếc Đĩa Trời, được khắc họa như một Quả cầu có cánh. (Hình 38)
Theo truyền thuyết Ai Cập, sự xuất hiện và các hoạt động của thần Ra trên Mặt đất có quan hệ trực tiếp với vương vị ở Ai Cập. Theo truyền thuyết này, những vị vua đầu tiên của Ai Cập không phải là con người mà là các thần và vị thần đầu tiên trị vì Ai Cập chính là Ra. Sau đó ngài phân chia vương quốc, trao Hạ Ai Cập cho con trai Osiris và Thượng Ai Cập cho con trai Seth của mình. Nhưng Seth đã âm mưu lật đổ Osiris và cuối cùng đã nhấn chìm được Osiris. Isis, người chị đồng thời là vợ của Osiris thu nhặt thi thể bị cắt rời của Osiris và làm chàng hồi sinh. Sau đó, chàng đi qua “cánh cửa bí mật” và gặp Ra trên Thiên đạo của người; ngai vàng Ai Cập của chàng được trao lại cho con trai Horus, người được khắc họa là một vị thần có sừng và có cánh. (Hình 39)
Trên Thiên đường, Ra là vị Thần Tối cao, nhưng dưới Mặt đất ngài là con trai của thần Ptah (“Đấng Phát triển,” “người kiến thiết mọi vật”). Người Ai Cập tin rằng chính Ptah đã nâng vùng đất Ai Cập lên khỏi nước lụt bằng cách xây dựng những con đê tại nơi nước sông Nile dâng cao. Họ kể rằng vị Thần Vĩ đại này từ nơi khác đến Ai Cập; ngài không chỉ lập nên Ai Cập mà còn sở hữu những “vùng đồi núi và vùng đất xa xôi bên ngoài.” Quả thực người Ai Cập thừa nhận rằng tất cả các vị “lão thần” của họ đều đến bằng thuyền từ phía nam; và người ta đã tìm thấy nhiều bức tranh vẽ trên đá từ thời tiền sử mô tả các vị lão thần này – với đặc trưng là chiếc mũ có sừng – đến Ai Cập bằng thuyền. (Hình 40)

Hình 38
Tuyến đường biển duy nhất tới Ai Cập từ phía nam chính là biển Đỏ và điều quan trọng là trong tiếng Ai Cập cái tên biển Đỏ này có nghĩa là biển của Ur. Ký hiệu tượng hình của Ur có nghĩa là “[vùng đất] xa xôi ở phía đông”; cũng không thể loại trừ giả thiết rằng nó có thể đề cập đến thành Ur của người Sumer vốn nằm trên cùng hướng đó.

Hình 39
Hình 40
Trong tiếng Ai Cập từ để chỉ “thần linh” hay “thần” là NTR, có nghĩa là “người dõi theo”. Thật bất ngờ khi đây cũng chính là ý nghĩa của cái tên Shumer: vùng đất của “những người dõi theo.”
Đến lúc này thì quan niệm trước đây rằng nền văn minh được bắt nguồn Ai Cập đã bị bác bỏ. Hiện nay có nhiều bằng chứng cho thấy nền văn minh và xã hội có tổ chức của người Ai Cập vốn khởi đầu muộn hơn người Sumer hơn nửa thiên niên kỷ đã hấp thu văn hóa, kiến trúc, công nghệ, thuật ghi chép và nhiều phương diện khác của một nền văn minh phát triển từ Sumer. Các bằng chứng cũng chỉ ra rằng các vị thần của Ai Cập có nguồn gốc từ Sumer.
Là người họ hàng cả về văn hóa và huyết thống với người Ai Cập, người Canaanite cũng có chung những vị thần như họ. Nhưng với vị trí nằm trên dải đất làm cầu nối giữa châu Á và châu Phi từ thời thượng cổ, người Canaanite cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người Semite hoặc Mesopotamia. Giống như người Hittite ở phía bắc, người Hurrian ở phía đông bắc, người Ai Cập ở phía nam, người Canaanite không thể tự hào khoe khoang rằng mình là nơi khởi nguồn của các vị thần. Họ cũng du nhập quan điểm về nguồn gốc vũ trụ, các vị thần và các câu chuyện thần thoại từ nơi khác. Mối dây liên hệ trực tiếp giữa họ và người Sumer chính là người Amorite.

*

Vùng đất của người Amorite nằm giữa Mesopotamia và các khu vực Tây Á giáp Địa Trung Hải. Tên của dân tộc này bắt nguồn từ từ amurru trong tiếng Akkad và martu (“người phương Tây”) trong tiếng Sumer. Họ không bị coi là những kẻ xa lạ mà ngược lại còn là những người họ hàng sinh sống ở các tỉnh phía tây của Sumer và Akkad.
Có những người mang tên Amorite nằm trong danh sách các quan tư tế đền đài ở Sumer. Khi thành Ur thất thủ trước những kẻ xâm lược Elamite vào khoảng năm 2000 TCN, một martu có tên là Ishbi-Irra đã lập lại vương vị Sumer ở Larsa và nhiệm vụ đầu tiên của ông là chiếm lại thành Ur và phục hồi ngôi đền to lớn thờ thần Sin ở đó. Các “tù trưởng” người Amorite lập nên vương triều độc lập đầu tiên ở Assyria vào khoảng năm 1900 TCN. Và Hammurabi, người mang sự thịnh vượng đến với vương triều Babylon vào khoảng năm 1800 TCN là hậu duệ đời thứ sáu của vương triều Babylon đầu tiên, chính là Amorite.
Vào thập niên 1930, các nhà khảo cổ đã tìm đến vùng trung tâm và kinh thành của người Amorite có tên là Mari. Tại một khúc uốn cong của sông Euphrates, nơi giao cắt với biên giới Syria hiện nay, các nhà khảo cổ đã khám phá ra một thành phố lớn với những tòa nhà được xây đi dựng lại liên tục trên những nền móng có niên đại từ trước đó nhiều thế kỷ trong quãng thời gian từ năm 3000 đến 2000 TCN. Những di tích cổ xưa nhất này bao gồm một kim tự tháp bậc thang và những ngôi đền thờ các thần Inanna, Ninhursag và Enlil của người Sumer.
Chỉ riêng cung điện ở Mari đã chiếm diện tích khoảng 5 mẫu Anh (2 hecta) gồm một chính điện được trang trí bằng những bức tranh tường ấn tượng nhất, 300 phòng khác nhau, các phòng ghi chép, và thứ quan trọng nhất đối với các nhà sử học là hơn 20.000 bản khắc chữ hình nêm đề cập đến các vấn đề về kinh tế, thương mại, chính trị và đời sống xã hội thời kỳ đó, cùng các vấn đề về quân sự, nhà nước và tất nhiên là về tôn giáo của đất nước và người dân. Trên một trong những bức tranh tường trong đại điện ở Mari có miêu tả buổi lễ nữ thần Inanna (vị thần mà người Amorite gọi là Ishtar) phong vương cho vua Zimri-Lim. (Hình 41)

Hình 41
Giống như các tín ngưỡng thần linh khác, vị Chủ thần hiện diện hữu hình giữa những Amurru là một vị thần Thời tiết hoặc Bão tố. Họ gọi ngài là Adad – tương đương với thần Baal (“Chúa tể”) của người Canaanite – và biệt hiệu của thần là Hadad. Biểu tượng của vị thần này như thường lệ chính là tia sét.
Trong các văn tự của người Canaanite, Baal thường được gọi là “Con trai của Dagon.” Trong các văn tự ở Mari cũng nói về một vị lão thần có tên là Dagan, “Chúa tể của sự giàu có”, người được khắc họa là một vị thần già cả giống như thần El và vị thần này đã từng phàn nàn rằng ngài đã không còn khả năng đưa ra lời khuyên về việc tiến hành một cuộc chiến tranh nào đó.
Trong số các vị thần này có Thần Mặt trăng, vị thần mà người Canaanite gọi là Yerah, người Akkad gọi là Sin và người Sumer gọi là Nannar; Thần Mặt trời, vị thần thường được gọi là Shamash; và các vị thần khác mà các đặc điểm của họ khiến ta chắc chắn rằng Mari là chiếc cầu nối (cả về địa lý và niên đại) giữa các miền đất và con người phía đông Địa Trung Hải với ngọn nguồn Mesopotamia.
Trong số các phát hiện ở Mari, cũng như nơi nào đó ở các vùng đất của người Sumer có hàng tá những bức tượng về chính Con người: các vị vua, các nhà quý tộc, các giáo sỹ, ca sỹ. Những bức tượng người này luôn được khắc họa với tư thế chắp tay cầu nguyện, mãi mãi câm lặng dõi theo những vị thần của mình. (Hình 42)

Hình 42
Vậy những vị Thần của Thiên đường và Mặt đất luôn được lãnh đạo bởi thần giới hoặc nhóm 12 vị thần này là ai, Thần linh hay Con người?
Chúng ta đã bước vào những ngôi đền của người Hy Lạp và người Aryan, người Hittite và người Hurrian, người Canaanite, người Ai Cập và người Amorite. Chúng ta đã lần theo những con đường đưa chúng ta vượt qua những lục địa và biển cả và những manh mối dẫn ta về với quá khứ hàng thiên niên kỷ.
Và tất cả hành lang của những ngôi đền đó đều dẫn ta đến với một ngọn nguồn: Sumer.