Cảnh đắp thành ở ngoài trời. An Dương Vương, các bô lão, bà cụ, đám đông An Dương Vương: (Với các bô lão) Các bô lão nói đúng lắm! Thần dân của chúng ta trăm ngả kéo về như nước trăm sông đổ lại. Chúng ta chỉ sợ đêm còn lại ngắn quá. Các Bô Lão: Miễn là đầu canh hai các nàng tiên kịp tải đất đổ xuống đây! Còn thì trong ba canh, thưa nhà vua, chúng tôi nghĩ là cũng đủ để đắp xong thành! An Dương Vương: Thế các bô lão đã cho người đi truyền tin là khi nào đắp xong thành, chúng ta sẽ nổi hiệu lửa ở trên đỉnh thành cho thần dân xa gần được biết chưa? Các Bô Lão: Thưa nhà vua, lính truyền lệnh sắp loa tin đi khắp chốn. An Dương Vương: Trong lúc chờ các nàng tiên đến, chúng ta cùng ra chỗ đào móng đắp thành đi. Các Bô Lão: Xin rước nhà vua đi trước! (Bà cụ xách ấm nước to và hai bà cụ gánh hai cái vò nước đi đến. Thấy An Dương Vương và các bô lão, ba bà cụ tránh qua một bên nhường đường và cùng lên tiếng chào nhà vua. An Dương Vương chào đáp lại). An Dương Vương: Các cụ bà vất vả quá! các Bà cụ: Thưa nhà vua, nước có việc, làm sao có thể ngồi yên! An Dương Vương: Xin phép các cụ bà cho chúng tôi đi trước! các Bà cụ: Xin rước nhà vua đi lên cho! (Mời các bô lão) Mời các cụ xơi nước chè nóng nhé! Các Bô Lão: Cám ơn các cụ. Để các cụ còn đem tiếp cho anh chị em đang đào móng đắp thành. Chúng tôi còn phải theo cho kịp nhà vua. (Rảo bước đi nhanh, tiếng hát to và rõ dần) Hò dô! Dô hò! Hò dô! Dô hò! Sông sáng cùng sao Trời rung với đất Chân tay không ngơi Mắt tai cùng thức Đất lên đắp thành Thành kia phải chắc Đất sâu thành hào Hào ta đợi giặc Hò dô! Dô hò! Hò dô! Dô hò! An Dương Vương: (Với một người đang đào đất) Nào, anh bạn cho ta đào thử một lúc xem nào. người đang đào đất: (Quay lại, nhận ra nhà vua, xúc động mừng rỡ) Thưa nhà vua, việc đào đất là của thần dân. Xin nhà vua để sức còn lo nhiều việc lớn hơn. An Dương Vương: Hiện nay chỉ có việc này là lớn nhất (Tươi cười). Nào! Các anh các chị cứ hò tiếp đi, hò cho to lên. (Đám đông lại hò, An Dương Vương hăm hở đào đất với mọi người. Bỗng có tiếng cười rất to rồi một người xách một cái mõ tre rất lớn đi ra... Không biết là có An Dương Vương ở đây, người mới đến cứ bô bô nói chuyện với người đang đào đất.) Người đánh mõ: ại này, cái đám người đang vật lộn với đất kia, có muốn nghe tiếng mõ ta điểm canh không thì bảo nào. (Đổi giọng rồi đằng hắng) Mà không muốn nghe, ta cũng bắt phải nghe. Phép vua còn thua lệ làng nữa cơ mà! Rõ chửa! (Nhiều tiếng cười. An Dương Vương cũng cười rất vui vẻ. Người đánh mõ có vẻ khoái chí tợn. Anh ta lại nói to hơn). Nói vậy chứ phép vua có thua lệ làng thì lệnh của các nàng lại còn hơn lệnh thằng mõ. Các anh có biết các nàng là ai không nào. (Lại đằng hắng) không phải là các nàng người trần, mắt thịt, chân vịt, đuôi gà, này đâu nhé. (Sờ tay vuốt tóc đuôi gà của một cô gái đang đắp thành rồi rụt nhanh tay lại như chạm phải lửa. Cả đám đông lại cười ầm ĩ. Người đánh mõ lại càng phấn chấn.) Mà... đấy là các nàng tiên; đúng mười mươi là tiên. Mà đã gọi là tiên! Thì nàng nào chả đẹp. Vậy là mõ tôi cứ ngồi im thin thít hết ngắm cô này lại ngắm cô kia bay lượn quanh mình, nhìn quên cả đánh mõ đi ấy chứ! Thế là các nàng lo cho mõ này bị làng xóm quở mắng, các nàng lại giục "này anh mõ của chúng em ơi, anh quên công việc của anh rồi sao. Chuyển canh rồi đấy! Anh đánh mõ lên cho làng xóm biết là canh mấy rồi! Cho kẻ gian nó rõ là anh vẫn đang thức với đất với trời chứ". Thế là mõ tôi mới tỉnh lại cái hồn, lại chụp lấy cái mõ mà đánh. (Chợt thấy An Dương Vương liền quỳ xuống) Mõ này không biết... Thật là có tội với nhà vua. An Dương Vương: Anh có tội gì đâu! Anh là người rất đáng trọng và đáng mến yêu! Nhưng anh mõ này, ta nghe các bô lão kể chuyện khen anh có tài đặt nhiều câu hát câu đố rất hay, vậy anh hát, anh đố vài câu bà con nghe cho vui, có thêm sức để đào, để đắp! Người đánh mõ: (Gãi đầu gãi tai) Thưa nhà vua, chỉ sợ mõ này nói sai thì phải tội với nhà vua thôi. An Dương Vương: Đừng lo! Anh cứ hát, cứ đố đi! Hát hay đố giỏi, bà con ở đây sẽ thưởng. Người đánh mõ: Thưa nhà vua, mõ này còn muốn được nhà vua thưởng nữa kia. (Cả đám đông cười. An Dương Vương cũng cười) Bây giờ nhà vua đã dạy thế thì mõ này xin đố mấy anh bạn chị bạn đang đào đất này một câu (Hát to) Cốc! Cốc! Tiếng mõ, Nhắn gần, nhắn xa, Cốc! Cốc! Tiếng mõ Phát từ đâu ra? một anh: Từ tay anh chứ đâu nữa. Người đánh mõ: Sai! Dạ thưa là sai rồi đấy ạ! Một chị: Thế thì từ cây tre, vì mõ anh là mõ tre! Người đánh mõ: Có khá hơn một tẹo, nhưng thưa vẫn là sai! đám đông: Vậy thì từ đâu, anh nói đi! Người đánh mõ: (Lại hát to) Cốc! Cốc! Cốc! Cốc! Cái gốc cây tre Đánh lên từng tiếng Xa gần đều nghe Cốc! Cốc! Cốc! Cốc! Cái gốc cây tre Mọc từ lòng đất Cốc! Cốc! Cốc! Cốc! Tiếng cái mõ này Ngẫm kỹ thấy ngay Chính là tiếng đất! Một chị: Dào! Nói như anh thì cái gì chẳng là của đất! Người đánh mõ: Đúng thế đấy! Nhưng mà nói vậy vẫn chưa đủ đâu ạ! đám đông: Thế thì sao nữa? Người đánh mõ: (Lại hát to) Mõ chôn dưới đất Đánh có kêu đâu Mõ kêu cốc cốc Nhờ xách lên cao Tiếng mõ, của đất Mà cũng của trời Hai bên góp lại Mõ này gióng vui! An Dương Vương: (Gật đầu) Anh mõ nói hay mà đúng lắm! Tiếc là không có rượu để thưởng cho anh một chén! Bà cụ: (Xách ấm nước to vừa đi tới) Thưa nhà vua, thế thì để chúng tôi thưởng cho anh ấy một bát nước chè xanh, anh ấy uống cho mát giọng ạ! (Cả đám đông cười ồ. Nhiều tiếng: Phải đấy! Phải đấy! Chợt có tiếng cú kêu, lạnh lẽo, âu sầu: Cú! Cú!... Cú! Cú Ta báo điềm xấu Tránh trước thì hơn! Tránh trước thì hơn! Cú! Cú!... Cú! Cú tiếng nhiều người: ồ! Có tiếng cú kêu! Điềm gở à? tiếng nhiều người khác: Tiếng cú nghe lạnh cả gáy! Mà tay chân sao cứ muốn rã rời. Người đánh mõ: ừ! Cái tiếng cú này nghe cũng yêu quái thật. Nhưng không sao! Để mõ này vừa nhịp mõ vừa hát một bài có trăm tiếng cú cũng cứ tiêu tan: Cốc! Cốc! Tang! Tang! Cái củ khoai lang thì đem vùi bếp Còn cái ngô nếp thì đem bỏ nồi Đem ra mà chén ai ơi! Răng nhai, lưỡi đẩy thì cái miệng nó sẽ cười thâu đêm. (Mọi người cùng cười. Bỗng có tiếng gà gáy xa xa...) A, con gà này gáy rất đúng canh! Mõ này phải gióng ngay theo mới được. (Giơ cao mõ đánh một hồi dài, rồi tiếp theo hai tiếng). Các Bô Lão: (Lo lắng) Thưa nhà vua canh hai rồi! Sao vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả! An Dương Vương: (Từ dưới hào bước lên) Các bô lão cứ yên tâm! Thần núi đã hứa thì không bao giờ sai hẹn! Kìa có tiếng gì rào rào ấy nhỉ? (Từ một góc phía trên, có tiếng reo hò ầm ĩ...) tiếng reo: à đất đến rồi! Đất đến rồi! Đúng là trời đã giúp vua, bà con ơi! Nhanh tay lên mà đắp thành! (An Dương Vương, các bô lão đều cùng ngẩng mặt lên trời rồi cùng quỳ xuống để cảm tạ. Không khí trang nghiêm, và thiêng liêng. Một người lính vác loa đi qua. An Dương Vương liền đứng dậy mượn cái loa và ghé mồm nói lớn...) An Dương Vương: (Xúc động) Hỡi thần dân âu Lạc đã đến trên đất Phong Khê, ta là An Dương Vương, ta xin được hỏi thần dân một điều: Trời đã thương chúng ta, giúp chúng ta đánh giặc. Đất các nàng tiên sẽ tải đến không ngừng; chín vòng thành lớn phải đắp xong trước canh năm, liệu thần dân có dốc lòng, dốc sức, quyết đắp cho được không? Tiếng đám đông: (Rền như sấm) Thưa nhà vua! Có! tiếng hát đám đông: Chín vòng thành lớn Xây xong trong đêm Chuyển đất có các tiên Đắp thành ta phải liệu Hãy nghe kia đất mình Giặc bắt đầu giày xéo Một người thành trăm người Nước bận không ai yếu Đỉnh Thành ốc xây xong Có lửa hồng báo hiệu! Có lửa hồng báo hiệu! An Dương Vương: Bây giờ thì xin các bô lão hãy chia đi khắp các ngả để đôn đốc bà con đắp thành. Tôi xin đi về phía này. Cuối canh tư chúng ta lại gặp nhau ở đây. Các Bô Lão: Xin tuân lệnh! tiếng đám đông lại hát: Chín vòng thành lớn Xây xong trong đêm Chuyển đất có các tiên Đắp thành ta phải liệu Hãy nghe kia đất mình Giặc bắt đầu giày xéo Một người thành trăm người Nước bận không ai yếu Đỉnh Thành ốc xây xong Có lửa hồng báo hiệu! Có lửa hồng báo hiệu! (An Dương Vương và các bô lão chia đi ra khắp các ngả trong tiếng hát hò sôi nổi)