|
Ronald Reagan và vợ, bà Nancy, trong lễ sinh nhật lần thứ 82 của ông. |
Sau hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, Reagan trở lại Califonia và suốt phần còn của cuộc đời, ông phải chống chọi với căn bệnh Alzheimer quái ác. Tuy nhiên, đối với đa số dân chúng Mỹ, ông vẫn là biểu tượng của một vị tổng thống luôn duy trì những giá trị truyền thống, hóm hỉnh và lịch thiệp.
Rời phòng Bầu dục, ông trở về Rancho del Cielo, khu nhà mà hai vợ chồng Reagan đã mua khi ông còn là diễn viên Hollywood.
Ngay sau khi rời nhiệm sở, Reagan bị chỉ trích vì đút túi khoảng 2 triệu đô cho 2 bài phát biểu ngắn với tư cách là khách mời của tập đoàn Fujisankei Communications Group của Nhật. Người ta cho rằng ông đã kinh doanh vị thế của mình.
Reagan cũng phải nghe những chỉ trích về di sản mà chính quyền của ông để lại, trong đó có việc ngân sách liên bang thâm thủng nặng nề, vụ Iran-Contra và thậm chí một số người phân vân liệu chính sách đẩy mạnh quốc phòng một cách ồ ạt của ông có có chút tác động nào tới việc Liên Xô sụp đổ hay không.
Bố già của đảng Cộng hoà
Sau khi rời Nhà Trắng, Reagan vẫn dính dáng đến chính trường, với vai trò một chính khác lão thành của đảng Cộng hoà. Ông đã khen ngợi người kế nhiệm đồng thời là người từng làm phó cho ông - George Bush (Bush cha) - tại hội nghị đảng Cộng hoà năm 1992.
Tháng 4/1994, gia đình Reagan cùng gia đình tổng thống Clinton, cựu tổng thống Bush, Carter và Ford tại lễ tang của cựu tổng thống Richard Nixon. Và đó là một trong những lần cuối cùng Reagan xuất hiện trước một sự khiện lớn.
Chống chọi với bệnh tật
Cuối năm đó, trong lá thư viết tay gửi cho công chúng, Reagan tuyên bố ông đã mắc bệnh Alzheimer.
"Tôi hy vọng rằng sẽ nhiều người biết đến căn bệnh này hơn. Có lẽ nó sẽ khuyến khích người ta hiểu hơn về các bệnh nhân hay gia đình của những người mắc căn bệnh này", Reagan viết.
Reagan đã đạt được điều ông mong muốn, công chúng Mỹ đã hiểu rõ hơn về căn bệnh suy nhược và gây mất trí nhớ này. Và viện nghiên cứu Ronald và Nancy Reagan và hội Alzheimer đã được thành lập.
Sau đó, ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng mặc với sự chăm sóc và hướng dẫn của bà Nancy, ông vẫn đến văn phòng riêng tại Los Angeles hàng ngày.
Khi căn bệnh tình ngày càng nặng hơn, cựu đệ nhất phu nhân phải đại diện cho chồng tại các sự kiện cần sự có mặt của ông.
Hoàng hôn cuộc đời
Tháng 12/1999, Nancy Reagan nói rằng tình trạng sức khoẻ của chồng bà đã tồi tệ đến mức ông không có thể nói chuyện một cách mạch lạc được nữa. Vài tháng sau, Reagan không đến văn phòng ở Los Angeles nữa.
Tháng 2/2001, Reagan bị ngã và gãy xương hông. Các bác sĩ đã phẫu thuật nối lại xương cho ông và họ đã rất ngạc nhiên trước tốc độ phục hồi của ông. Khi Reagan ở bệnh viện, cô con gái Maureen - một nhà hoạt động vì căn bệnh Alzheimer đồng thời là người phát ngôn của gia đình - cũng nằm viện vì bệnh u hắc tố
Ngày 6/2/2001, Reagan bước sang tuổi 90. Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 3 vị tổng thống sống đến tuổi 90, đó là John Adams, Herbert Hoover and Gerald Ford.
Trong một buổi phỏng vấn trên đài truyền hình CNN vào sinh nhật thứ 90 của Reagan, bà Nancy nói rằng hai ông bà không còn nói chuyện được với nhau nữa.
"Thật đau buồn khi nhìn người mà bạn yêu mến và gắn bó lâu dài như vậy mắc căn bệnh Alzheimer và hai người không thể chia sẻ những kỷ niệm".
Khi người dẫn chương trình gợi ý rằng có các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Alzeimer, bà nói: "Ồ, không, không, Không bao giờ, không bao giờ. Ông ấy sẽ ở nhà".
Dù mắc bệnh Alzheimer, Reagan vẫn thể hiện tính cách lạc quan của ông trong một lá thư nói về tình trạng sức khoẻ năm 1994.
"Khi Chúa gọi tôi về trời, có thể vào một ngày bất kỳ, tôi sẽ để lại tình yêu thương đối với đất nước chúng ta và sự lạc quan vĩnh cửu về tương lai của nó".
"Tôi đang bắt đầu hành trình dẫn đến hoàng hôn cuộc đời tôi. Tôi biết rằng đối với nước Mỹ, một bình minh tươi sáng luôn ở phía trước".