Trong khi trò chuyện với Nydia, từ những lời thất vọng và hối hận của cô, Arbacès hiểu ra, chính cô chứ không phải Julia, đã cho Glaucus uống nước bùa tai hại. Nydia phải phục dưới chân hắn, van lạy hắn chữa cho Glaucus khỏi bệnh và cứu thoát chàng. Vì ngây thơ và dốt nát, cô vẫn tin rằng tên phù thuỷ có thể làm được hai điều đó. Nghe Nydia can nài, Arbacès chỉ hiểu một điều quá rõ ràng là phải giữ Nydia lại cho đến khi quan toà quyết định số phận của Glaucus. - Cô phải ở lại đây. – Hắn nói. – Cô đừng đi lang thang ngoài phố, đừng để bị dập vùi dưới chân bọn nô lệ của nhà Salluste. Điều đó không phù hợp với cô, tôi cũng mủi lòng về lỗi lầm do tình yêu mà cô đã gây ra cho Glaucus. Cô cứ kiên nhẫn chờ vài ngày, Glaucus sẽ bình phục. Không chờ cô trả lời, hắn đi khỏi phòng, cài then cửa thật chặt và ra lệnh cho một tên nô lệ canh gác và cung cấp cho cô mọ thứ cần thiết. Còn lại một mình, hắn ngồi chờ tới sáng. Như dự định, hắn sẽ chiếm nàng Ione. Dự kiến đầu tiên của hắn là ngăn cản việc nàng chú trọng đến Glaucus lúc chàng đưa ra xét xử. Sau đó hắn sẽ thuyết phục nàng đừng tố cáo hành động gian dối, bịp bợm trước đây của hắn. Hắn tin vào tiền tài, cùng với pháp thuật và tình yêu của mình hắn sẽ chiếm được trọn con tim nàng Ione. Tuy vậy, hắn vẫn cảm thấy lo ngại và sợ bị phát hiện, không khí trong lành xứ Campanie đối với hắn quá nặng nề. Một khi Ione đã thuộc quyền sở hữu của hắn, hắn sẽ chuyển đến một nơi khác, tất cả cùng của cải, châu báu và kho tàng quý báu nhất của hắn. - Phải! – Hắn vừa đi bách bộ trong căn phòng vắng vẻ vừa nói phải, luật pháp cho ta quyền trông nom người cô gái nuôi, thần linh sẽ cho ta một người vợ, chúng ta sẽ vượt qua các biển sâu, tìm những miền đất mới, ở đó ngay đến tên nước La Mã cũng chưa ai biết đến, ta sẽ lập nên một đế quốc, và truyền bá tôn giáo của tổ tiên ta. Ta sẽ đảo lộn đống tro tàn của vương quốc Thèbes cổ xưa, Ta sẽ nối ngôi các triều đại của tổ tiên ta, ta sẽ làm cho nàng Ione cảm thấy sung sướng được chia sẻ niềm tự hào với một người đã phục hồi lại đế chế, có nghị lực kiên cường của một nhà tiên tri và một bậc vương giả. Sau đó, Arbacès đi đến dự phiên tòa xét xử chàng Glaucus. Đôi má tái nhợt và héo tàn của nạn nhân làm hắn ít xúc động hơn là sự cương nghị của chàng. Vì Arbacès thuộc vào loại người ít thương hại những kẻ khốn khổ nhưng rất có cảm tình với những người can trường. Arbacès tuy tàn bạo như vậy, vẫn có chút từ tâm. Nếu hắn buộc được Glaucus ký nhận hành động giết người, Ione sẽ không bao giờ để mắt đến chàng nữa và nhờ thế, chính thủ phạm thật sự sẽ không bao giờ bị tố giác. Có thể lão Ai Cập sẽ cố tìm cách cứu thoát đối thủ. Ngay lúc này đây, cơn hằn thù của hắn đã qua, ý chí báo thù của hắn đã dịu, hắn chà đạp nạn nhân không phải như một kẻ thù, mà là một chuớng ngại vật trước hạnh phúc của hắn. Hắn tỏ ra không kém cương quyết, không kém xảo quyệt, không kém nhẫn nại để trừ khử cái người mà cái chết của người đó rất cần thiết cho ý đồ của hắn. Hắn đến gặp Julia nói cho nàng biết chi tiết mà hắn khai thác được ở Nydia. Do đó, hắn đã dễ dàng ru ngủ mọi sự cắn rứt của lương tâm có thể dẫn nàng đến chỗ xin giảm tội cho Glaucus bằng cách thú nhận nguyên nhân sâu xa mà nàng đã tham gia. Hắn đã đạt mục đích một cách dễ dàng. Khi cô gái mù tội nghiệp nhận ra Arbacès không quay lại nữa, cô tìm xem lối nào thoát ra khỏi căn phòng giam, nhưng cũng chỉ có mỗi một cácnh cửa đóng chặt, cô bèn kêu ầm lên, lo lắg, sốt ruột: - Này! Cô bé. – Người nô lệ canh gác nói khi y mở cửa ra. – Cô bị rắn cắn đấy à? - Chủ ngươi đâu, tại sao tôi bị nhốt như một con vật thế này? Thả tôi ra. - Than ôi, cô bé khốn khổ! Cô chưa biết rõ ông Arbacès à? Lệnh của ông ấy chẳng kém lệnh của Hoàng Đế đâu. Ông ấy truyền giam cô lại. Cô đã bị giam và tôi là người canh gác. Đừng có mà nghĩ đến tự do! Cô sẽ có đủ bánh và rượu, cái đó cũng tốt lắm rồi. - Ôi, thần Jupiter! – Cô gái thốt lên, tay chắp lại. - Tại sao tôi lại bị giam như vậy? Ông Arbacès muốn gì ở một kẻ khốn khổ như tôi? - Tôi không rõ. Trừ phi để cô làm bạn với nữ chủ của cô vừa đến đây sáng nay. - Sao? Nàng Ione ở đây? - Phải! Khổ thân nàng. Tôi đoán là nàng không thích như vậy. Nữ chủ của cô là con nuôi của ông ấy, cô hiểu không? - Ngươi có thể dẫn tôi đến chỗ nàng không? - Nàng đang bị ốm vì trải qua những nỗi kinh hoàng. Vả lại, tôi có lệnh không được làm điều đó. Khi giao cho tôi canh gác căn phòng này, ông Arbacès có bảo tôi: “Ta chỉ dặn ngươi có một điều, bao giờ ngươi còn hầu hạ ta, ngươi phải nhớ điều này: Hãy vâng lời!” - Nhưng tôi gặp nàng Ione thì có tai hại gì đâu? - Tôi không biết. Nhưng nếu cô cần có người bầu bạn, tôi xin ngồi tiếp chuyện với cô. Tôi ngồi lâu trong căn phòng này cũng thấy buồn chán. À, cô là người Thessalie, chắc cô có biết cách giải trí hay bói toán, đóan số như đồng bào của cô? Tôi muốn nhờ cô xem giùm. - Khoan đã! Ngươi hãy cho ta biết tình cảnh của Glaucus ra sao? - Chủ tôi đi dự phiên tòa xử Athène. - À phải! – Nydia vừa nói vừa bưng lấy trán. – Tôi có nghe nói như vây nhưng tôi không hiểu chút gì cả. Ai dám đụng đến sợi tóc của chàng? - Sư tử chứ còn ai, tôi cũng sợ lắm. - Thần linh cao cả ơi! - Đó là sự thật. nếu tòa tuyên án chàng có tội, con sư tử sẽ là kẻ hành hình chàng, nếu không phải sư tử thì cũng là hổ dữ. - Ôi! Ngươi không nói đùa đấy chứ… - Tôi có hiểu luật pháp đâu. Có thể sự việc xảy ra khác với điều tôi nói. Nhưng Arbacès cố buộc tội chàng, và dân chúng thì đòi hỏi một nạn nhân để đưa ra đấu trường. Tại sao cô lại lo lắng như thế? Số phận của chàng Hy Lạp có liên quan đến cô sao? - Chàng đối với tôi rất tốt. Dân chúng không thể độc ác với chàng như thế được! Cô gục đầu xuống, yên lặng, nước mắt giàn giụa. Người nô lệ không làm sao khuyên giải cô được. Nydia bắt đầu nghi ngờ Arbacès. Arbacès là người buộc tội Glaucus. Arbacès đã giam cô. Phải chăng tự do của cô có thể giúp ích được Glaucus? Đúng, rõ ràng cô bị mắc bẫy, cô đã làm hại người mà mình yêu. ước gì cô được thoát khỏi chốn này! Hiện tại, mọi tình cảm và sự khổ đau đều tập trung vào ý định cứu chàng nên càng nghĩ cô càng trấn tĩnh. Là người Thessalie, cô có tất cả các mánh khoé của giới cổ cò, và cái đó lại càng sắc sảo thêm khi cô là một người nô lệ. Cô quyết định sẽ đánh lừa tên gác cửa. Suốt ngày đêm, cô suy nghĩ về việc đó. Sáng hôm sau, khi Sosie đến, cô vội vàng gợi ý hắn về chuyện coi bói và tên nô lệ thích thú theo ngay. Cô cũng không quên rằng chỉ có ban đêm cô mới thoát ra được dễ dàng, nên tuy nóng lòng, cô cũng đành chấp nhận sự chậm trễ. - Ban đêm, cô nói với tên nô lệ. - Mới là lúc mà ta có thể đoán được hậu vận nhà ngươi. Vậy lúc đó ngươi phải đến gặp ta. Đêm thứ hai của phiên toà đã bắt đầu. Đúng vào giờ mà Sosie sắp liều gặp ma, bỗng qua chính cửa vườn mà tên nô lệ để hé mở, lẻn vào nhà Arbacès không phải một con ma hay một con quỷ, mà là Calénus. - A! Calénus, anh định tìm tôi? - Giọng Arbacès bối rối. - Vâng! Thưa ông Arbacès. - Vừa rồi, tên nô lệ của tôi hắt hơi mạnh quá, và tôi đoán được ngay chắc sẽ có điều gì may mắn sắp đến. - Chúng ta vào trong phòng được chứ ông Arbacès? - Tùy ý anh. Nhưng trong người tôi hơi khó chịu, ở ngoài này khí trời mát mẻ sẽ làm tôi dễ chịu hơn. - Đêm đẹp quá! – Arbacès nói. - Trời trong xanh y như cái đêm đầu tiên tôi cặp bến vào nước Ý. Cách đây đã hai mươi năm. Anh Calénus thân mến, chúng ta đã già cả rồi, chúng ta đã sống nhiều rồi. - Về phần ông, ông có thể hãnh diện về điều đó. – Calénus nói. – Hắn tìm cơ hội để đả động đến cái điều bí mật mà hắn nắm được, nhưng vẫn sợ sệt trước sự bình tĩnh và thân mật của Arbacès. – Vâng, ông có thể hãnh diện bởi ông có nhiều của cải, sức khoẻ ông dồi dào, ông được hưởng tất cả lạc thú và ngay lúc này, ông được hưởng cái thú được trả thù. - Anh định nói tên Glaucus? Ngày mai Viện Nguyên Lão sẽ quyết định số phận của nó. Nhưng anh nhầm rồi, Glaucus mất đi, tôi cũng chỉ loại được một kẻ tình địch, chứ tôi có ác tâm với tên giết người đó đâu. - Tên giết người? – Calénus nói tiếp, chậm rãi và có chủ ý. Rồi ngừng lại, hắn nhìn chằm chằm Arbacès. Ánh trăng chiếu lên bộ mặt tuy tái xanh nhưng bình tĩnh của tên phù thuỷ. Calénus thất vọng cúi xuống. Hắn liến láu nói tiếp. – tuy ông buộc tộ nó, nhưng chẳng ai biết rõ hơn ông là nó vô tội. - Anh nói sao? – Arbacès lạnh lùng hỏi. - Anh Arbacès. – Calénus lắp bắp trả lời. – Lúc đó, tôi nấp sau ngôi miếu, ta đã nhìn thấy, nghe thấy tất cả những việc xảy ra. - Anh biết hết? – Arbacès nói. – Tôi cũng đoán như vậy. Lúc đó chỉ một mình anh? - Vâng, một mình! – Calénus trả lời, sửng sốt trước sự bình tĩnh của tên Ai Cập. - Anh đã nói cho ai biết những điều anh thấy chưa? - Chưa. Điều bí mật đó tôi vẫn giữ kín trong lòng. - Nhưng tại sao anh giấu tôi cho đến tận bao giờ? Tại sao anh lại chờ trước ngày kết tội Glaucus anh mới nói tôi: “Arbacès là kẻ sát nhân?” - Bởi vì… - Calénus bối rối, mặt đỏ dừ. - Bởi vì… - Arbacès ngắt lời mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tên thầy tu ra vẻ thân mật. - Bởi vì anh muốn để tôi đâm lao vào vụ án quá đà rồi không thể quay trở lại được nữa, anh đến tôi đứng ra làm chứng vụ giết người xong xuôi, anh chờ tôi kích động sự khát máu của đám dân chúng, làm cho cả của cải danh vọng của tôi không thể đảm bảo được tính mạng tôi nếu tôi thú nhận tội lỗi. Bây giờ anh mới cho tôi rõ. Chỉ một lời nói của anh, vào sáng ngày mai, anh sẽ làm tan tành hết âm mưu của tôi. - Ông Arbacès, ông đã thấu hết ruột gan tôi. - Thế anh đặt giá sự im lặng của anh bao nhiêu? - Cuộc đời của ông quý giá và của cải của ông thì vô tận. - Thật là khôn ngoan và lanh lợi. Nhưng anh cho biết anh định lấy bao nhiêu tiền. - Ông Arbacès, tôi nghe người ta nói trong kho tàng bí mật của ông, dưới hầm ngôi nhà lộng lẫy, ông chất từng chồng vàng thỏi, từng vò châu ngọc có thể sánh với các của cải bị chôn vùi của Hoàng Đế Néron. Ông có thể bỏ ra một chút trong đống của cải đó cho Calénus này. Hắn là người tu sĩ nghèo khổ nhất trong đám thầy tu ở thành Pompéi này. - Vậy anh hãy lại đây Calénus. – Arbacès nói, vẻ thành khẩn và độ lượng. – Anh là bạn cũ và là đệ tử trung thành của tôi. Anh không có ý định hại tôi và tôi cũng không muốn mặc cả về số tiền thưởng mà anh đáng hưởng. Anh sẽ tự do tha hồ mà ngắm đống bạc vàng châu ngọc và đêm nay anh có thể đem tất cả những thứ mà anh có thể giấu trong chiếc áo của anh. Khi Glaucus bị xử xong, tôi sẽ lại dẫn anh đến kho tàng của tôi lần nữa. Như vậy có phải là thực bụng và thân ái với nhau không? - Ôi, thật là con người cao cả. – Calénus kêu lên. – Ông có thể tin rằng, không bao giờ tôi dám ngờ vực lòng chính trực và độ lượng của ông. - Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Chúng ta đi vòng quanh vườn một lần nữa trước khi đi xuống căn hầm. •• •Trong khi đó, Nydia sốt ruột chờ Sosie đến, ngược lại hắn cũng đang nóng lòng không kém nàng. Sau khi cô thuyết phục cho hắn mạnh dạn lên, tên nô lệ ngu ngốc bước vào phòng cô gái mù. - Thế nào Sosie, ngươi đã chuẩn bị đầy đủ chưa? Có mang bát nước theo không? - Có chứ, nhưng tôi nhát gan lắm. Cô có chắc không nhìn thấy ma chứ? - Đừng sợ. Ngươi có để cửa vườn hé mở không? - Có. Tôi để gần ở đó, một vài loại hoa trái gồm hạt dẻ, táo và một cái bàn nhỏ. - Bây giờ, ngươi cứ để cửa phòng này hé mở và đưa cho tôi ngọn đèn. - Cô định tắt nó đi à? - Không, nhưng tôi phải đọc thần chúng trên ngọn lửa… trong lửa cũng có một hồn ma. Ngươi ngồi xuống.Tên nô lệ vâng lời và Nydia sau khi khẽ cúi xuống ngọn đèn, đứng ngay người lại, lẩm bẩm tụng niệm gọi hồn ma. - Chắc hồn ma sắp đến rồi. – Sosie nói. – Tôi đã thấy sởn cả gai ốc lên. - Ngươi đặt bát nước xuống đất rồi đưa cho ta chiếc khăn mặt để ta trùm mặt nhà ngươi. - Ôi! Phép phù thuỷ bao giờ cũng như vậy à? Đừng buộc chặt thế! - Xong rồi. ngươi có nhìn thấy gì không? - Ôi thần Jupiter ơi! Không, tôi không trông thấy gì cả. - Bây giờ ngươi sẽ khẩn cầu các điều mà ngươi định xin hồn ma. Nếu nguyện vọng thực hiện được, ngươi sẽ nghe thấy nước sôi len do ma thổi. Việc nào không được như ý nước sẽ không sôi.- Được, xin thần Bacchus phù hộ cho tôi, thần cũng rõ là tôi bao giờ cũng tôn kính thần hơn cả. Và nếu thần che chở cho tôi chống con “ma nước”, tôi sẽ xin cúng thần chiếc đĩa bạc mà năm ngoái tôi đã xoáy được của tên chủ khách sạn. Hỡi hồn ma linh thiêng, xin nghe lời cầu khẩn của tôi. Tôi muốn hỏi ngài một điều: Sang năm tôi có chuộc lại được tự do không? Chắc ma cũng rõ, ma đã biết tất cả những thứ mà tôi đã lấy được từ ba năm nay một cách lương thiện, nghĩa là chắc chắn đã lấy được rồi. Tuy vậy, vẫn còn thiếu hai ngàn nữa mới đủ số tiền, liệu sang năm tôi có thể kiếm được đủ số tiền không? A, nước sôi… không, vẫn im lặng như tờ. Nếu một năm chưa đủ, liệu hai năm có được không? Tôi nghe thấy có tiếng gì? Con ma đang đụng vào cánh cửa… Chắc nó vào rồi. Trong hai năm, ma ơi hai năm, một thời gian tương đối hợp lý rồi có phải không? Vẫn chưa có gì? Vẫn im lặng. Hai năm rưỡi… ba… bốn năm? Đồ ma phải gió. Năm, sáu năm… Sáu mươi! A! Thần Pluton ơi, mày cuốn xéo ngay, ta không thèm hỏi mày nữa. Và Sosie, trong cơn tức giận, đá đổ bát nước. Rồi sau bao giờ khó khăn và nguyền rủa, hắn mới lột bỏ được chiếc khăn quấn chặt trên đầu. Hắn nhìn xung quanh và nhận ra căn phòng tối om. - Thế là thế nào, Nydia? Đèn tắt mất rồi? A, con lừa đảo! Mày không ở đấy nữa rồi! Tên nô lệ mò mẩm tìm lối ra. Chiếc cửa bị cài then ở ngoài. Hắn trở thành tên tù thay cho Nydia. Phải làm gi bây giờ? Hắn không dám đập cửa, không dám kêu to, sợ Arbacès nghe thấy và phát hiện ra sự ngu ngốc đã làm hắn bị mắc lừa. Vả lại lúc này, chắc Nydia đã ra tới cửa vường và trốn thoát rồi. - Nhưng – Hắn nghĩ – Cô ta chỉ về nhà hay trốn trong một xó nào đó. Sáng mai, từ tinh mơ, khi bọn nô lệ làm việc trong nhà, ta sẽ đi tìm cô ta. Chắc chắn ta sẽ thấy cô ta và sẽ đưa cô ta về trước khi ông Arbacès biết chuyện. Trong khi Sosie bị mắc bẫy đang than thở về số phận của hắn, Nydia với các linh cảm đặc biệt dành cho kẻ mù loà nhẹ nhàng len lỏi dọc ngôi nhà, lướt qua lối vườn, hồi hộp đi về phía cửa. Bỗng cô nghe thấy có tiếng bước chân và nhận ra giọng nói ghê rợn của Arbacès. Cô dừng lại một lúc, phân vân,hoảng hốt. Cô sực nhớ có một lối khác đi vòng quanh ngôi nhà cũng đưa tới khu vườn. May ra chiếc cửa đó mở. Cô vội quay bước leo xuống cầu thang chật hẹp bên phải và đi đến cánh cửa phía hành lang. Than ôi! Cửa đó lại khóa chặt. Nydia nghe thấy từ phía sau tiếng nói của Calénus và sau đó một lúc, cô lại nghe tiếng trả lời của Arbacès. Cô không thể đứng đó được nữa. Cô lao về phía trước, đến một nơi xa lạ, không khí ở đó ẩm thấp và lạnh lẽo. Cô nghĩ có thể mình đang ở trong tầng hầm ngôi nhà và lại nghe tiếng bước chân cùng tiếng nói. Cô lần mò trong căn hầm và bắt gặp những trụ cột đồ sộ, cô càng tiến lên, không khí lại càng ẩm ướt hơn, thỉnh thoảng cô phải dừng lại để lấy sức, cô vẫn nghe thấy tiếng bước chân và tiếng nói, cúôi cùng, cô gặp một bức tường. Cô thu mình lại trong xó tối và nín thở chờ đợi. Arbacès và tên thầy tu tiếp tục đi về phía gian phòng bí mật chứ kho tàng mà tên Ai Cập vẫn huênh hoang. Calénus rùng mình nhìn xung quanh, vừa hít thở bầu không khí ẩm ướt và hôi hám. - Này – Arbacès mỉm cười nói khi thấy Calénus rùng mình. – Chính căn hầm cổ lỗ này đã tạo ra cảnh lộng lẫy của dãy nhà phía trên đó. - cÁi hầm phía bên trái dẫn đi đâu thế? – Calénus hỏi. – Trong đó tối mù mịt, vô tận cứ như đường xuống địa ngục. - Trái lại, nó đưa ra phía ngoài trời. – Arbacès nói. – Chúng ta đi về phía bên phải. Cả hai người đi theo hướng đó. - Ngày mai, tên Glaucus tươi tắn sẽ ở trong một căn phòng chắc không khô ráo hơn ở đây. – Calénus nói khi bọn chúng vượt qua chỗ cái vòm mà cô gái Thessalie đang ẩn. - Phải, nhưng đến ngày hôm sau nữa, hắn sẽ được hưởng một khoảng trời khá rộng rãi, khá khô ráo trong đấu trường, và khi người ta nghĩ rằng – Một lời nói của Calénus có thể cứu thoát hắn và thay Arbacès vào chỗ đó. - Lời đó không bao giờ được nói ra. – Calénus vội nói. - Đúng, anh Calénus thân mến, lời đó không bao giờ có người nói ra! Nhưng chúng ta đã đến trước cửa rồi. Ánh sáng run rẩy của chiếc đèn chiếu lên bức tường sần sùi mờ tối, làm lộ ra một cánh cửa con đục sâu vào trong, những cánh cửa có những nẹp sắt lớn. anh ta rút ở thắt lưng ra một chùm chìa khóa. Tim Calénus đập thình thịch, khi hắn nghe thấy khung cửa đã rỉ rít lên như ngần ngại không muốn để lộ kho tàng được giấu kín. - Anh bạn vào đi. – Arbacès nói. – Trong khi tôi giơ cây đèn lên, để đến có thể tha hồ ngắm núi vàng đó. Calénus nôn nóng bước vào. Hắn vừa bước qua ngưỡing cửa, bànm tay lực lưỡng của Arbacès đẩy dúi hắn ngã xuống. - Không bao giờ có người nói lời đó ra nữa! – Tên Ai Cập lạnh lùng nói, rồi phá lên cười một cách man rợ. Hắn đóng sầm cửa lại. Calénus không cảm thấy đau đớn do bị ngã, hắn lao lại đấm mạnh vào cánh cửa, rống lên như một con thú. - Mở cửa, ông Arbacès, mở cửa, ông cứ giữ lấy vàng! - Tất cả vàng bạc ở Dalmatie sẽ không mua nỗi một mẫu bánh cho mày. Cho mày chết đói! Lời hấp hối của mày sẽ không bao giờ vọng ra khỏi căn hầm rộng lớn này. Người ta sẽ không bao giờ phát hiện được cái tên đã doạ dẫm và có thể làm hại Arbacès. •• •Những lời nói đó kinh khủng làm sao, nhưng đối với Nydia thì ngược lại, cô bắt đầu hy vọng trở lại. Ngày mai Glaucus sẽ bị đem ra xét xử. Nhưng vẫn còn một người để cứu thoát chàng và bắt buộc Arbacès thay thế chỗ của chàng hiện nay. Người đó đang cách chỗ cô nấp có vài bước. Cô nghe thấy tiếng kêu, tiếng than thở, tiếng lạy vang, tiếng cầu khẩn của hắn, tuy không nhìn được rõ. Hắn bị giam hãm, nhưng cô biết rõ bí mật của nhà tù. Cô có thể trốn thoát và tìm gặp quan toà. Người ta có thể trả tự do cho hắn và phóng thích chàng trai Athène. nỗi xúc động làm cho cô như ngừng thở, đầu cô nóng bỏng. Nhưng cô cố sức trấn tĩnh lại, sau khi lắng nghe tiếng bước chân của Arbacès đã khuất hẳn, cô hướng theo tiếng kêu của Calénus đến căn hầm mà hắn đã bị giam trong đó. Tiếng kêu của hắn, kinh khủng và tuyệt vọng làm cô rợn người. Cô định nói, nhưng cổ cô nghẹn lại, tiếng nói không sao thốt lên được. Cuối cùng tìm được lỗ khoá, cô ghé mồm vào đó và tên tù nghe thấy rõ có ai gọi tên hắn, giọng thật dịu dàng. - Ai đó? – Hắn hét lên kinh hoàn. – Ma quỷ nào đến đòi mạng Calénus rồi ư? - Hỡi ông thầy tu khổ hạnh! – Cô gái Thessalie nói. - Nhờ có thần linh phù hộ, ta đã chứng kiến sự quỷ quyệt của Arbacès mà hắn không hề hay biết. Nếu ta có thể thoát khỏi tay hắn, ta sẽ cứu ngươi nhưng ta muốn ngươi hãy trả lời các câu hỏi của ta bây giờ. - A! thiên thần ơi! – Tên thầy tu sung sướng khi nghe những lời của Nydia. - cứu tôi với tôi sẽ bán hết các đồ thờ để cảm tạ lòng tốt của cô. - Ta không cần vàng bạc, ta chỉ cần điều bí mật của ngươi. Ngươi nghe rõ không? Liệu ngươi có thể cứu được Glaucus khỏi bị tội không? - Tôi làm được, tôi có thể làm được! Chính vì điều đó mà Arbacès giam tôi ở đây, lão định giết tôi để bịt miệng. - Người ta kết tội chàng là sát nhân? Ngươi có thể minh oan cho chàng được không? - Tôi mà được tự do thì Glaucus sẽ được minh oan, chàng sẽ là người vô tội. Tôi đã trông thấy Arbacès giết người. Tôi có thể buộc tội được tên sát nhân. Nhưng nếu tôi chết đi, chàng cũng bị giết. Nếu như cô quan tâm đến chàng, thì chính tôi sẽ quyết định sự sống của chàng.- Người sẽ nêu hết những chi tiết người biết ở toà án chứ? - Ôi! Khi địa ngục đã không giam hãm được tôi nữa. Vâng, tôi phải trả thù tên Arbacès gian hùng kia. - Đủ rồi! – Cô nói. - Thần linh đã dẫn ta đến đây chắc không nỡ bỏ rơi ta, hãy can đảm và kiên nhẫn chờ ta. Khi Arbacès đã sưởi ấm dòng máu lạnh của hắn bằng vài chén rượu, hắn sung sướng và trở nên phấn chấn. Mọi thành công đều làm hắn sảng khoái, dù với mục đích phạm tội. Có ăn năn hối hận thì chỉ mãi sau này. Số phận của tên Calénus không làm cho Arbacès phải hối hận. Hắn không cần bận tâm đến sự hấp hối và cái chết khổ sở của tên thầy tu bị giam trong hầm tối. Đối với hắn, đó chỉ là một tai vạ đã vượt qua. Hắn chỉ còn tìm cách giải thích sự mất tích của Calénus cho đám thầy tu đền Isis. Điều đó đối với hắn không có gì khó khăn. Trước kia hắn vẫn sai Calénus đi các tỉnh lân cận. Lần này hắn lại bảo Calénus được phái đến các đền ở Herculanum, ở Néapolis, dâng lễ khẩn cầu thần đừng nổi giận lôi đình về vụ Apoecides bị mưu sát. Calénus chết, xác hắn có thể bị vứt xuống dòng sông Sarnus sâu thẳm, trước khi tên Ai Cập ra đi. Và nếu việc đó bị phát hiện, mọi nghi ngờ chắc chắn sẽ đổ lên đầu bọn Gia tô giáo vô thần, chúng sẽ bị buộc tội đã trả thù cho Olythus bị hại ở đấu trường. Hắn nghĩ đủ mọi mưu mô để cho bản thân được an toàn. Arbacès không còn nghĩ đến tên thầy tu bất hạnh nữa, y hướng về Ione. Lần cuối cùng gặp nàng, hắn bị nàng đuổi đi bằng những lời trách móc, khinh bỉ mà hắn không chịu nỗi. Nhưng từ nay, hắn đã yên tâm, hắn sẽ đến gặp nàng. Biết lúc này nàng đã bình tĩnh, hắn vào phòng của nàng, thấy nàng đang đăm chiêu, vẻ mặt không bối rối như mọi lần. Môi nàng hé mở, mắt đờ đẫn, mái tóc dài buông rủ xuống làm tăng thêm vẻ u buồn, gương mặt lộ rõ vẻ đau khổ. Arbacès yên lặng ngắm nàng. Ione ngẩng lên và khi nhận ra hắn, nàng ngoảnh mặt đi, vẻ đau khổ, nhưng nàng vẫn im lặng. - A! – Arbacès khẽ nói. – Nàng đánh giá sai rồi Ione. Nhưng tôi đành chịu vậy, miễn là thỉnh thoảng tôi được đến thăm nàng. Nàng cứ khinh bỉ tôi, nếu nàng muốn thế. Tôi xin cam chịu những lời cay đắng của nàng mà đối với tôi, tuy vậy nó còn êm ái hơn tiếng đàn. Nhưng nàng yên lặng, đối với tôi trái đất như ngừng quay. - Hãy trả lại cho tôi người anh, và người chồng chưa cưới. – Ione nói giọng bình tĩnh nhưng van lơn. Nước mắt trào ra trên má. - Cầu thần linh cho tôi có thể trả lại người này, cứu được người kia cho nàng. – Arbacès nói ra vẻ xúc động. – Ione, để nàng được sung sướng, tôi xin từ bỏ tình yêu của tôi, tôi xin hợp tác cho nàng và chàng trai Athène. Có thể chàng sẽ được tha bổng. – Arbacès đã ra lệnh cấm không cho ai báo cho nàng biết vụ xử án đã bắt đầu. - Nếu được như vậy, tuỳ ý nàng định đoạt và phân xử. Xin nàng nhớ rằng tôi sẽ không van nài nàng yêu thương tôi nữa. Tôi biết không còn chút hy vọng nao. Nhưng xin nàng cho tôi cùng chia sẻ nỗi đau khổ, được làm một người bạn, một người đỡ đầu như trước đây. Ione, xin nàng thứ lỗi cho tôi. - Tôi xin xá lỗi cho ông, hãy cứu Glaucus và tôi xin từ bỏ chàng. Arbacès, ông rất cao cả trong lúc làm điều thiện và cũng như điều ác, ông hãy cứu Glaucus, và Ione khốn khổ này sẽ không tìm gặp lại chàng nữa. Nói tới đó, nàng đứng dậy, run rẩy quỳ xuống dưới chân hắn. - Nếu ông thật sự yêu tôi, nếu ông có lòng nhân đạo, ông hãy cứu Glaucus của tôi. Người tên Ai Cập run lên, vẻ mặt bối rối, hắn quay mặt đi. - Nếu tôi còn có thể cứu được chàng. - Hắn trả lời. – Tôi sẽ cứu chàng. Nhưng luật pháp La Mã rất nghiêm khắc. Nếu chẳng được trả tự do, nàng có nhận tôi làm chồng không? - Tôi là vợ của ông? Mối hận của anh tôi chưa được trả! Không bao giờ tôi thành vợ ông được. - Ione, tại sao nàng lại đem tên tôi gắn liền với cái chết của anh nàng? - Tôi thường mơ thấy như vậy. Mà giấc mơ là do thần linh tạo ra. - Vì mộng mị mà nàng lại hiểu sai về một người trong sạch, và như vậy, nàng để lỡ cơ hội duy nhất để cứu Glaucus. - Nếu Glaucus được ở cứu thoát. – Ione nói. – Tôi sẽ không bao giờ lấy chàng làm chồng nữa. Nhưng tôi cũng không chịu được sự kinh khủng phải lấy bất cứ ai khác. Nếu Glaucus qua đời, đôi bàn tay này sẽ kết liễu cuộc đời của tôi. Nếu Glaucus chết, tôi không sao sống nổi. Khuôn mặt và giọng nói của nàng làm cho Arbacès phải kính nể và hoảng sợ. - Hỡi trái tim đáng kính! – Hắn nói. – Nàng thật xứng đáng với tôi. Tại sao tôi lại không thể cùng chia sẻ cuộc đời, người mà tôi chỉ thấy ở nàng? Nàng sẽ là vợ của tôi. Chúng ta sẽ vượt biển. Chúng ta sẽ tìm được vương quốc của chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ nhớ mãi triều đại của quốc vương Arbacès và hoàng hậu Ione. - Ông nói mê rồi. Lời huênh hoang đó hợp với bọn tàn phế bán hàng rong ở chợ hơn là của ông Arbacès khôn ngoan. Ông đã rõ quyết định của tôi rồi. Nó không sao thay đổi được! vậy ông hãy nghĩ lại đi, ông Arbacès. Ông hãy đổi ghen tị thành kính trọng, đổi thù hằn thành độ lượng. Ông hãy thương xót người không phải địch thủ của ông. Đó là những cử chỉ hợp với bản tính đầu tiên cao cả của một con người.- Được rồi, Ione, tất cả những gì tôi có thể làm được cho Glaucus, tôi sẽ làm. Nhưng nếu tôi thất bại, nàng đừng trách tôi. Nàng cứ hỏi ngay các kẻ thù của tôi. Nàng sẽ biết rằng, tôi đã tìm đủ mọi cách để cứu chàng. Nàng sẽ đánh giá tôi theo như lời họ nói với nàng, Ione xinh đẹp nàng cứ nghỉ ngơi cho khoẻ. Không chờ trả lời, Arbacès vội vả đi ra, có lẽ không chịu đựng lâu được những lời cầu khẩn thảm thiết của Ione vì nó vừa làm cho hắn thương cảm lại vừa làm cho hắn ghen hờn. Trong khi bọn nô lệ cởi áo khoác cho hắn, Arbacès nhớ đến Nydia. Hắn biết là rất cần thiết không được để cho Ione biết rõ Glaucus bị mất trí, để nàng không còn cách nào mà tha thứ cho tội lỗi mà Glaucus bị buộc, có thể tên nô lệ báo cho nàng biết Nydia cũng ở trong ngôi nhà này và nàng muốn gặp cô. Ta phải đề phòng điều đó, hắn gọi một tên nô lệ đến: - Callias, người tìm Sosie và bảo hắn dù bất cứ lý do nào cũng không được để cô nô lệ mù ra khỏi căn phòng. Tên nô lệ vội vàng vâng lời và đi tìm Sosie. Không thấy Sosie trong phòng ngủ của nó. Callias lên tiếng gọi, rồi nghe thấy tiếng Sosie đáp lại trong căn phòng nhốt Nydia. - Callias, mày đấy à? Thần linh ơi, may quá. Mở hộ ta cánh cửa. Callias nhấc then cài ra, tên Sosie bước ra buồn bực. - Mày làm gi trong phòng của cô Nydia? - Đừng nói đến cái con phù thuỷ chết tiệt ấy nữa, nó làm hại tao! Rồi hắn kể cho Callias nghe câu chuyện bói toán, chuyện ma quỷ, chuyện cô gái Thessalie đã bỏ trốn.- Thế thì mày tự tử đi cho rồi, khổ thân cho mày Sosie. Chính ông Arbacès bảo tao đến báo cho mày, dù là chỉ một vài phút, cũng không được phép để cô ta ra khỏi phòng. - Khốn khổ cho thân tao chưa, tao biết làm thế nào bây giở? Cô ấy đã có đủ thời gian dạo chơi khắp Pompéi rồi còn gi. Nhưng sáng mai tao sẽ tóm được cô ta. Này Callias thân mến, mày giữ kín điều đó hộ rao. - Vì tình thân, tao sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của tao, cốt sao nó đừng ảnh hưởng đến sự an toàn của tao. Nhưng mày có chắc cô ta đã ra khỏi nhà không? Có thể cô ta còn trốn đâu đây? - Không. Chắc cô ta đã lần mò một cách dễ dàng ra tới cử vườn để thoát rồi. - Có thể, cô ta chưa ra được, vì vào thời điểm như mày nói, ông Arbacès đang ở ngoài vừon với tên thầy tu Calénus. Lúc đó tao đi lấy hoa để sáng mai nấu nước cho ông tắm, tao có trông thấy hai chiếc bàn mà mày kê ở đó. Nhưng cửa thì đã bị đóng lại rồi. chắc khi Calénus vào vườn, hắn đã đóng cửa lại. - Nhưng cửa đó chưa khoá lại. - Nó khoá rồi. Vì chính tao, bực tức trước sự sơ suất đó, sợ có kẻ lưu manh vào ăn trộm những đồ thờ bằng đồng, nên tao đã khoá lại và cầm luôn chìa khoá đi. Chìa khoá đó tao đeo bên người đây. - Ôi, thần bacchus ơi! Tôi thờ cúng thần thật không uổng công. Đừng để mất thời giờ nữa. Phải đi lùng khắp khu vường ngay, chắc cô ta còn đang ở ngoài đó. Callias, bản tính tốt, cũng bằng lòng đi theo tên Sosie và sau khi lùng sục khắp các phòng, khắp các xó xỉnh, chúng ra ngoài vườn. Cũng gần vào giờ phút đó, Nydia quyết định rời chỗ ẩn, tìm đường tẩu thoát. Nhẹ nhàng và run rẩy, cố nín thở, cô tìm đến chiếc cửa đó thì thấy, nó đã đóng chặt. Đôi bàn tay run rẩy, cô sờ khắp cánh cửa. hai tên nô lệ đứng và cười thầm. - Im, Callias! – Sosie khẽ nói. - Thần Jupiter ơi, cô ấy khôn ngoan thật. Nhưng Sosie, đừng chần chờ nữa, tóm lấy cô ta trước khi cô ta lọt ra khỏi vườn. - Á! Cô trốn đi đâu, tôi tóm được cô rồi. – Tên nô lệ vừa kêu lên vừa ôm lấy Nydia. Nydia hét lên một tiếng tuyệt vong. - Thần linh ơi! Cô ta đánh thức cả nhà dậy bây giờ. Ông Arbacès là người khó ngủ. Bịt mồm cô ta lại. – Callias nói. •• •Ngày thứ ba và là ngày cuối cùng của phiên tòa xửa Glaucus và Olythus sắp kết thúc. Trước lúc tuyên án vài giờ, một số nhân vật danh vọng tụ họp quanh bàn của Lépidus. - Như vây là cho đến phút cuối cùng Glaucus vẫn không chịu nhận tội. - Vâng. Nhưng chứng cứ của ông Arbacès thì đã quá rõ ràng. Chính ông ta đã nhìn thấy chàng hạ thủ Apoecides. – Lépidus trả lời. - Nguyên nhân vì sao mà lại xảy ra vụ mưu sát này? - Tính tình người tu sĩ thì cau có, bất thường, chắc chàng đã mắng Glaucus về cuộc sống xa hoa, cờ bạc, và cuối cùng không cho Glaucus cưới Ione. họ đâm ra cãi nhau. Glaucus chắc lúc đó đang say rượu, trong cơn giận dữ chàng ta đã hạ sát người tu sĩ. Rồi do tác hại của rượu, do thất vọng và hối hận đâm ra trí óc hoảng loạn mất vài ngày. - Phong thái của chàng ta gây được cảm tình trước công chúng. Đối với những trường hợp thương tâm đó, đáng lẽ Viện Nguyên Lão phải bớt nghiêm khắc mới phải. - Nếu không phải chìu theo nguyện vọng của dân chúng đang nổi giận. Viện Nguyên Lão chắc cũng sẽ làm như vậy. Bọn thầy tu không tiếc gì lời lẽ để kích độing bọn đó. Đám dân chúng, lũ man rợ sẽ tưởng Glaucus thoát được tội là nhờ dòng dõi cao quý. Chính vì thế mà chàng bị kết tội nặng. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì, mà chàng không nhập quốc tịch La Mã. Như vậy Viện Nguyên Lão sẽ có quyền cưỡng lại ý nguyện của đám dân chúng đầy kích động. - Trông chàng đã thay đổi hẳn nhưng chàng vẫn can trường và bình tĩnh. - Ngày mai, chúng ta sẽ xem chàng còn can trường nữa không? Nhưng can trường như vậy thì có gì đáng kính trọng đâu, tên vô thần Olythus cũng tỏ ra can đảm đấy chứ? - Tên báng bổ thần linh ấy à? Đúng. – Lépidus giận dữ nói. - Chả thế mà vừa rồi, trong khi trời trời vẫn xanh, một tên cai đội bỗng bị sét đánh chết. Pompéi còn những đứa như vậy, thần linh sẽ còn trừng phạt. - Thế mà Viện Nguyên Lão lại tỏ ra nhân nhượng. Nếu nó chỉ cần tỏ ra một chút hối hận và bằng lòng đốt một ít trầm hương trên bàn thờ thần Cybèle, nó sẽ được tha bổng. - Trước tình cảnh đáng thương đó, người ta cho Glaucus hưởng một ân huệ. Khi đưa ra đấu trường, chàng sẽ được sử dụng mũi dùi mà chàng đã dùng nó giết chết chàng tu sĩ trẻ để chống cự với con sư tử. - Ông đã nhìn thấy con sư tử chưa? Ông có để ý đến nanh vuốt của nó không? Cho một mũi dùi để chống cự lại nó mà gọi là ân huệ à? Trước một con vật hung mãnh như vậy, thanh kiếm và gậy sắt cũng chỉ là cây sậy vào áo giấy thôi. Tôi thấy tốt nhất là đừng để chàng chờ đợi lâu. May mắn cho chàng là luật pháp dễ dãi của chúng ta khi xử thì chậm chạp, nhưng khi thi hành thì lại nhanh chóng, đấu trường đã quyết định khai mạc vào ngày kia. Kẻ nào phải chờ đợi chết coi như bị chết hai lần. - Còn tên vô thần – Claudius nói. – Nó không có vũ khí nào khác ngoài đôi tay để chống lại con mãnh hổ. Buồn thay, những trận đấu như vậy lại không đánh cuộc được. Nhưng nếu có ai muốn liều đánh cuộc…? Mọi người phá lên cười về câu hỏi ngớ ngẩn. - Khổ thân cho Claudius. – Lépidus nói. - mất một người bạn, thật đáng buồn, nhưng không tìm được người để cùng đánh cuộc lại càng buồn hơn. - Dân chúng rất vui mừng về kết quả đó. – Lão Pansa đạo mạo nói. - Họ đang lo người ta không tìm được một tên tội phạm để nộp cho thú dữ ở đấu trường. Giờ lại có những hai kẻ như thế chẳng phải hạnh phúc là gì? Dân chúng đã làm việc lam lũ, họ cũng cần được giải trí. - Ông Pansa nói thật chí lý. Ông chỉ chăm lo cho dân chúng. Các ngài rồi sẽ thấy ông ta sẽ trở thành Gracque cho mà xem.- Đúng thế. Không ai dám bảo tôi là kẻ lộng quuyền. – Pansa nói. - Thật ra thì cũng nguy hiểm nếu tỏ ra quá độ lượng trước ngày có cuộc thi đấu dã thú. – Lépidus nhận xét. - Nhưng cô gái mà Glaucus định cứơi bây giờ ra sao? – Một người trong bọn họ nói. - Thật gay go nhỉ? - Ồ! – Claudius nói. – Được ông bố nuôi Arbacès chăm nom, cô ấy yên tâm rồi. Sau khi mất người yêu và anh ruột, dĩ nhiên là cô ấy sẽ đến nhà ông ta. - Thần Vệ Nữ ơi! Phụ nữ ai cũng thích được gần gũi Glaucus. Người ta bảo Julia cũng yêu chàng đấy. - Thật mơ hồ, ông bạn của tôi. – Claudius nói vẻ ngờ ngệch. – Hôm nay tôi vừa gặp Julia. Tôi dám nói rằng không bao giờ nàng có những ý nghĩ đó. - Nếu vậy. – Lépidus kêu lên. - Uống rượu chúc mừng nàng Julia đi. Trong lúc đó, một tấn kịch khác đang diễn ra trong căn phòng giam chàng Athène. Sau khi kết án xong. Glaucus không được giao cho Salluste là người bạn duy nhất của chàng trông coi nữa, chàng bị đưa đến một chỗ gần đền thờ Jupiter. Họ đưa chàng một mẩu bánh với một vò nước, rồi bỏ chàng vào một phòng giam tối và cảnh đơn độc. Sự đổi thay quá đột ngột từ đỉnh cao của tuổi trẻ vào cuộc tình đầy hạnh phúc đến vực thẳm của sỉ nhục và cái chết kinh khủng khiến chàng vẫn còn bàng hoàng không hiểu mình mê hay tỉnh. Sức lực tráng kiện đã thắng được liều nước bùa ma, may thay chàng chỉ uống có một phần nhỏ. Lý trí đã trở lại với chàng nhưng tinh thần và trí tuệ của chàng vẫn còn suy yếu. Tính can đảm bẩm sinh, lòng kiêu hãnh Hy Lạp đã làm cho chàng có sức mạnh vượt qua được mọi lo sợ. Trước tòa án, mọi người đã phải thầm phục phong thái đĩnh đạc và cao quý của chàng. Nhưng khi còn lại một mình, trong sự đơn độc và yên lặng, đầu óc chàng vẫn nghi ngờ chính mình. Phong thái lịch thiệp, tinh tế cộng với vật chất dư thừa. Từ trước đến giờ, chua bao giờ chàng phải lo lắng đau buồn. Những năm tháng đã qua, quá êm ả nên chàng chưa được tôi luyện ý chí để vượt qua thử thách khắc nghiệt. Đám đông vẫn thường tán tụng khi chàng còn lên xe xuống ngực, giờ đây quay lại sỉ nhục chàng. Bạn bè thì quay lưng lại phía chàng. Rồi đây chàng sẽ phải ra trước đấu trường để nhận lấy một cái chết nhục nhã. Còn Ione, chàng không biết một chút gì về số phận của nan. Không một lời an ủi thân thiết của nàng đưa đến. Nàng cũng quên chàng rồi chăng? Nàng có tin chàng là thủ phạm không? Mà phạm tội gi? Tội mưu sát anh ruột của nàng! Chàng nghiến răng, gầm lên, rên rỉ và đôi lúc một sự lo sợ hãi hùng lại xuyên qua tim chàng. Nhưng ý nghĩ đó bị xua đuổi ngay: Vì trong đêm tối, chàng còn nhớ rất rõ nơi ngôi đền thờ thần Cybèle cái xác tái nhợt của người chết nằm nghiêng, chàng đã đứng đó một lúc bên cạnh cái xác chết, rồi bất ngờ chàng bị một lực đẩy từ phía sau xô ngã úp mặt xuống đất. Chàng biết rõ chàng vô tội, Nhưng ai tin vào điều đó? Ai minh oan cho chàng khi xác thân chàng đã tthành tro bụi? Bỗng chàng nhớ tới buổi gặp gỡ với Arbacès. Chàng tin rằng chàng là nạn nhân của một âm mưu đê tiện và bí mật. Còn Ione, Arbacès yêu nàng, như vậy kẻ tình địch giành được thắng lợi từ cái chết của chàng, ý nghĩ đó làm cho chàng uất ức hơn cả. Chàng lại rên rỉ. Bỗng từ trong cùng khám tối âm u, một giọng nói vang lên. - Ai là người đồng cảnh ngộ với tôi trong giờ phút kinh hoàng này? Glaucus có phải chàng đấy không? - Đó là tên mà người ta gọi tôi trong những ngày còn sung sướng hạnh phúc. Còn tên ông là gì? - Tôi là người theo đạo Gia tô, bạn tù của chàng. - Sao? Ông là người vô thần, phải chăng những bất công của người đời đã đưa ông đến chỗ phủ nhận cả thần linh? - Than ôi! – Olythus trả lời. – Chính chàng mới là kẻ vô thần, vì chàng phủ nhận Chúa trời, vị thần linh độc nhát mà tổ tiên chàng, người Athène vẫn tôn thờ. Chính vào giờ phút nghiêm trọng này, tôi lại nhận rõ chúa đang đến với tôi, Chúa trời đang ở cùng tôi trong khám này. - Ông hãy cho tôi rõ. – Glaucus nói. – Trong phiên tòa, tên của chàng Apoecides có dính líu đến tên của ông phải không? Ông có tin rằng tôi là thủ phạm không? - Chỉ có Chúa mới biết rõ tâm địa con người. Nhưng tôi không nghi ngờ chàng. - Vậy ông nghi ngờ ai? - Tôi nghi tên buộc tội chàng, lão phù thuỷ Arbacès. - A! Tại sao ông lại nghĩ như vậy? - Vì tôi hiểu rõ tâm địa của con người độc ác đó. Và nó cũng có lý do để sợ người đã bị giết chết. Rồi Olythus kể cho Glaucus biết việc cải giáo của Apoecides, cùng dự định của họ để vạch trần những trò lừa bịp của bọn thầy tu Ai Cập. - Vì thế. – Olythus nói tiếp. – Chúng ta sẽ tự đặt câu hỏi trong việc này tất sẽ hiểu rõ mọi việc. Nếu Apoecides gặp Arbacès và chàng trách móc sự bịp bợm của nó và chàng doạ sẽ tố giác mọi âm mưu của nó, thời gian và địa điểm ấy rất thuận lợi cho sự trả thù của tên Ai Cập khôn ngoan và đang giận dữ. - Phải, chắc mọi việc đã xảy ra như vậy. – Glaucus kêu lên. - Nhưng, thảm thương thay! Sự phát hiện đó dùng vào việc gì cho chàng bây giờ? Chàng đã bị kết tội rồi. Số phận chàng đã được định đoạt. Chàng se chết dù chàng vô tội. - Ít ra tôi cũng biết tôi không phải là thủ phạm, trong cơn mất trí một cách lạ lùng, thỉnh thoảng tôi vẫn có chút ngờ vực ghê rợn. Nhưng, ông cho biết vì những sai lầm nhỏ nhặt hay vì những tội lỗi của tổ tiên chúng ta, chàng ta sẽ mãi mãi bị trừng phạt bởi Đấng Cao Cả mà mỗi nơi ngài có một danh xưng khác nhau? - Chúa rất công bằng và không bỏ rơi ai vì tính nhẹ dạ của họ. Chúa sẵn sàng tha thứ và thậm chí tha thứ những kẻ độc ác không chịu hối lỗi. Bởi một ngày nào đó, kẻ gieo gió sẽ gặt bão. - Thế mà hình như, trong cơn thịnh nộ của thần linh, tôi bị mê loạn bất ngờ không phải do bàn tay con người. - Thế gian còn có ma quỷ. – Olythus nghiêm trang trả lời. – Cũng như trên trời có Chúa và con của người. Bởi chàng chưa nhận ra chúa nên ma quỷ có thể cám dỗ chàng. Glaucus không cãi lại. Họ yên lặng vài phút. Rồi chàng Athène lên tiếng, giọng dịu dàng và xúc động. - Ông có tin rằng kẻ chết sẽ được phục sinh và những người yêu nhau dưới hạ giới này sẽ được đoàn tụ ở cõi khác không? - Tin, tôi tin lắm chứ. Chính lòng tin đó đã nâng đỡ tôi trong lúc này, ôi Cybèle! – Olythus nói tiếp, giọng sôi nổi. – Người vợ yêu quý của tôi, nàng đã mất đi, phải chăng ta sẽ gặp lại nàng trong ít ngày nữa, nhờ cái chết. Ta sẽ được về với Chúa, với nàng. Đó là cõi vĩnh hằng mà ta đang đến. Một tình cảm dâng lên trong trái tim của chàng trai Athène. Lần đầu tiên chàng cảm thấy một sự gắn bó tạo thành một cảm giác êm dịu hơn trong trái tim của những kẻ sắp chết. Chàng nhích lại gần Olythus. - Phải! – Người theo đạo gia tô nói tiếp. – Linh hồn bất diệt, phục sinh, đoàn tụ, đó là đạo lý cao cả huyền bí của tôn giáo chúng tôi. Chính vì sự thật lớn lao, sáng ngời đó mà Chúa đã hy sinh trên thập tự giá. Đó không phải là chuyện hoang đường của Elysée, một bài thơ của Orcus. Đó là một phần thưởng trong sạch và cao quý mà Chúa đã ban trong linh hồn cho con người ngay thẳng. - Vậy, xin ông giảng cho tôi nghe về học thuyết của ông và trình bày về niềm ước vọng của ông. – Glaucus nôn nóng hỏi. Như thường xảy ra trong thời kỳ truyền giáo đầu tiên, trong căn nhà giam âm u cận kề cái chết, tin lành như một ân điển dịu dàng tỏa xuống chàng trai Athène. •• •Thời gian trôi qua chậm chạp như hành hạ Nydia từ khi cô bị nhốt vào lại căn phòng. Sau khi tìm trăm phương nghìn kế để trốn, cô vẫn phải đặt hy vọng vào tên Sosie. Mong muốn được tự do làm hắn trở nên mê tín. Cô còn có thể nhử hắn vào cái mồi đó được nữa không? Tay cô đeo đầy những vòng, vốn là quà biếu của Ione. Cô đành chờ Sosie quay lại. Nhưng thời giờ trôi đi hắn vẫn biệt tăm. Sốt ruột đến tột cùng, cô than thở, cô kêu la, cô đấm tay vào cửa. Tiếng cô vang lên khiến Sosie vội vàng chạy lại. - Ôi! Hắn bực dọc nói. - Nếu cô cứ còn như vậy tôi bịt miệng cô bây giờ. - Sosie, người đừng cáu. Ở đây có một mình, ta sợ lắm. Ngươi ngồi đây với ta một lát, đừng sợ ta lại tìm cách trốn. Sosie vốn thích tán chuyện nên nhận lời ngay. Hắn kê chiếc ghế lại gần cửa sổ rồi tựa lưng vào đó. - Tôi không phải là người tàn nhẫn. – Sosie trả lời. – Nhưng đừng có chơi xỏ tôi lần nữa. - Sosie, ngươi cho ta biết đã mấy giờ rồi? - Chiều rồi! Đàn gia súc đã trở về. - Có tin tức mới gì về phiên toà xét xử hôm nay không? - Cả hai đều bị kết án tử hình. Cô cố nén một tiếng lêu. - Tôi cũng nghĩ rằng sẽ như vậy. Bao giờ thi hành án? - Ngày mai, ở đấu trường. Nydia sắp ngất đi, nhưng Sosie không nhận thấy điều đó, vì trời đã gần tối và hắn còn mãu bận than phiền khi hắn được đi xem cái trò giải trí đẫm máu đó. Nydia lại hồi tỉnh. - Sosie! – Cô nói. – Ngươi còn thiếu bao nhiêu tiền để chuộc lại tự do. - Độ gần hai ngàn. - Ngươi có thấy cái vòng xuyến này không? Nó trị giá gấp đôi số tiền đó. Ta sẽ cho người tất cả nếu… - Đừng dụ dỗ tôi nữa Nydia. Tôi không dám thả cô ra đâu. Arbacès là một ông chủ ghê gớm. Biết đâu tôi sẽ làm mồi cho cá sấu sông Sarnus? Than ôi! Lúc đó bao nhiêu tiền cũng chẳng làm cho tôi sống lại được. Làm con vật sống vẫn hơn làm sư tử chết. Nydia vặn vẹo đôi bàn tay. - Nhưng chắc ngươi không nỡ từ chối đưa hộ tôi một bức thư. – Cô nói. - Chủ ngươi không giết ngươi vì điều đó. - Đưa thư cho ai? - Cho ông Salluste. - Có việc gì cần thiết mà cô định gởi thư cho ông ta? - Glaucus là chủ của tôi. Chàng đối với tôi rất tốt. Nay chàng sắp phải chết. tôi muốn nói với chàng, đời đời tôi sẽ nhớ ơn chàng. Salluste là bạn thân của chàng. Ông ấy sẽ đưa hộ bức thư của tôi cho chàng. Sosie đã nao núng. dù sao, hắn vẫn phải nhốt kỹ Nydia. Nếu Arbacès có thấy hắn vắng mặt thì đó không phải là một lỗi nặng. Suy nghĩ một lát và như không cưỡng nỗi lòng tham, hắn mạnh dạn nói: - Đưa tôi các vòng xuyến, tôi sẽ mang hộ thư cho cô. Để tôi đi tìm giấy. - Không, ngươi hãy lấy cho ta một thẻ bài bằng sáp và một cái dùi. Nydia vốn là con nhà dòng dõi. Tuy bị tàn tật, cô vẫn biết dùng mũi dùi để viết chữ lên các thẻ bằng sáp. Cô viết vài câu bằng chữ Hy Lạp. Tiếng nói thời thơ ấu của cô, mà mọi dân Ý thuộc giai cấp quý tộc đều biết. viết xong, cô lấy dây quấn thẻ bài lại, gắn cái nút buộc bằng sáp vào. Sau khi cẩn thận cài then cửa phòng của Nydia. Sosie đến nhà Salluste. Người gác cửa bảo hắn để bức thư lại mà về, bởi Salluste đang đau khổ về việc Glaucus bị xử tọi, không muốn ai đến quấy rầy. - Nhưng tôi đã hứa đưa thư này đến tận tay ông ta, tôi phải làm. Và Sosie, qua kinh nghiệm, biết cách làm thế nào để mua chuộc bọn gác cửa, hắn dúi vào tay người gác cửa vài xu. - Được! – Tên gác cửa nói, giọng dịu đi. – Anh vào đi. thật ra thì ông Salluste đang uống rượu để giải buồn phiền. Đó là cái lệ của ông khi gặp điều gì nan giải. Quả thật Salluste quá buồn nên không muốn tiếp ai cả, và ông đang uống rượu một mình. thỉnh thoảng ông lại thở dài. - Này – Ông nói với người hầu cận. - Vụ án thật kinh khủng… Món thịt nai này chẳng ra gì cả. Khổ thân cho chàng Glaucus, những móng vuốt của con sư tử mới kinh khủng làm sao. - Mời ông uống ly rượu, người hầu nói. - Rượu này hơi lạnh, nhưng chắc Glaucus trong phòng giam còn lạnh hơn. Ngày mai ngươi phải đóng chặt cửa lại, không cho một tên nô lệ nào ra khỏi nhà. Bọn gia nhân của ta, không đứa nào được đến cái đấu trường đáng nguyền rủa đó. Ta cấm tiệt! - Ông ăn một chút bánh kem này vậy! Chính lúc đó, Sosie được phép gặp Salluste. - Ngươi là ai? - Một người đưa hộ lá thư cho ông Salluste. Thư này là của một cô gái gởi cho ông. Chắc không cần phải trả lời. tôi về được chứ? – Sosie kín đáo giấu mặt vào áo khoác, cố nói giọng khác đi, sợ sau này người ta nhận ra hắn. - Thư của một cô gái! Đồ khốn, mày không thấy ta đang buồn đây à? Cút đi! - Ông không đọc thư đó à? Ông Salluste. – Người hầu cận nói. - Thư… thư nào? – Salluste cáu kỉnh trả lời: Ông đã bắt đầu trông gà hoá cuốc, ta đi đọc thư của một phụ nữ trong khi bạn ta sắp bị sư tử xé xác à? - Khiêng ông chủ vào giường! – Người hầu cận nói. Người ta đưa Salluste vào, trong khi ông vẫn than thở cho số phận Glaucus và chửi rủa sự mời mọc không đúng lúc của đám phụ nữ thành Pompéi. Về phía Sosie, rời nhà Salluste hắn bực bội quay về, khi hắn đi đến con đường dẫn về đấu trường, bỗng hắn lọt vào giữa một đám đông. - Cái gì thế? – Hắn hỏi người đứng bên. - Họ chạy đi đâu thế? - Ông Pansa cho phép dân chúng đến xem lũ thú dữ. Thần Hercule ơi! Tôi biết có những kẻ, ngày mai không dám nhìn lũ thú dữ với một sự bình tĩnh như vậy. Vì căn phòng nhốt thú dữ rất chật nên càng vào gần người ta càng xô đẩy nhau. Sosie vào loại người có sức khoẻ và cũng chẳng cần đến lễ phép, lịch sự, hắn cố len vào, tiến tới một căn phòng ngột ngạt. Lũ súc vật nhốt vào cùng một nơi, con nọ cách con kia bởi hàng rào sắt. Con sư tử bản tính hiền lành hơn con hổ, đã bị người ta cố tình bỏ đói để cho nó thành hung dữ khi trông thấy con mồi. Nó đi lại trong chuồng, ngập ngừng và hung bạo. Mắt nó lộ vẻ điên cuồng vì đói và mỗi khi nó dừng lại nhìn vào đám người, họ đều lùi cả lại. Nhưng, con hổ thì bình tĩnh nằm dài trong chuồng, cái đuôi ve vẫy. - Tôi chưa thấy con vật nào dữ tợn hơn con sư tử này, ngay cả đấu trường La Mã. – Một anh chàng lực lưỡng đứng bên Sosie nói.- Cứ nhìn bốn chân của nó, tôi đã chịu khuất phục rồi. – Người thứ hai, đứng bên trái Sosie nói thêm, tay khoanh trước ngực. - Mày nói đúng, Lydon. – Tên cao to trả lời. – Tao cũng thấy sợ. - Thế mà – Lydon nói giọng thương tiếc. – Chàng Hy Lạp cao quý trẻ trung và khoẻ mạnh sẽ làm mồi cho con vật đó. - Tại sao lại không? – Niger nói, giọng dữ tợn. – Bao nhiêu đấu sĩ trong thiên hạ đã từng bị hoàng đế bắt phải thi đấu như vậy. Tại sao luật pháp lại không buộc bọn sát nhân phải chịu hình phạt ấy? Lydon thở dài, nhún vai im lặng. Trong lúc đó khá nhiều người lắng nghe họ nói chuyện, mắt chăm chú, mồm há hốc. Đấu sĩ cũng là những trò múa vui như lũ thú vật. Vì thế dân chúng hết nhìn người đến nhìn thú, ngây ngất với cảnh đẫm máu hôm sau. - Cảm tạ thần linh! – Lydon vừa nói vừa quay ra. – May mà tớ không phải đấu với sư tử hay với hổ. Tớ thích đấu với cậu hơn Niger ạ. - Tớ cũng nguy hiểm như lũ nó. – Niger vừa trả lời vừa cười man rợ. - Có thể. – Lydon nói chẳng chút lo lắng. - Đó là lydon, một đấu sĩ trẻ. Ngày mai nó thi đấu đấy. – Một người nhìn anh ta và nói. - Tôi đã đánh cuộc vào nó. – Người khác trả lời. Nhìn nó bước đi, trông thật hùng dũng. - Thề có thần Vệ Nữ. Thật là một người đàn ông cường tráng. – Một cô gái nói. Dù động cơ của Lydon rất cao cả, chàng chẳng bao giờ muốn lao vào cái nghề nghiệp đẫm máu và dã man này, nếu không vì hy vọng chuôc tự do cho cha. Chàng hiểu rằng, những kẻ hôm nay còn chúc tụng, ngày mai sẽ phẫn nộ. Tuy là người can trường và độ lượng, chàng vẫn bị nhiễm thói kiêu ngạo của tất cả những kẻ theo đuổi cái nghề mà chàng khinh bỉ này. Đêm Pompéi tĩnh lặng biết bao. Trời đầy sao. Những trụ đá ở các đường phố sừng sững tưởng như nó sẽ trường tồn bất diệt. Sóng biển xao động êm dịu! Thế mà, đó là đêm cuối cùng của thành phố ăn chơi vui vẻ này, một miền đất của người Chaldéen tóc trắng, cái đô thị hoang đường của thần Hercule, dấu vết của người La Mã xa hoa. Bao thế kỹ đã trôi qua, nó bất khả xâm phạm và giờ đây số phận nó đang ánh lên tia sáng cuối cùng. Người đấu sĩ nghe có tiếng bước chân phía sau. Một nhóm phụ nữ đi xem đấu trường quay về. Khi chàng quay lại mắt chàng sững sờ bởi chàng bất chợt nhìn thấy một hiện tượng kỳ lạ. Từ đỉnh núi Vésuve, vì cách xa nên khó lòng trông rõ, một luồng ánh sáng mờ ảo, lung linh chợt bốc cao một lúc rồi biến mất.