Tan buổi chiếu bóng, ra tới cửa tôi cằn nhằn với Xuyến: - Mải coi trời tối thế nầy, về nhà ông bô bố chết. Xuyến cười: - Tao có xin phép kỹ rồi mà, phim nầy dài gần ba tiếng đồng hồ. Thôi mình chia tay đi. Xuyến vẫy một chiếc xích lô đạp leo lên. Tôi cũng định đón xe. Lúc nầy tôi mới chợt nhớ ra Hoàng nhờ mua mấy cuốn sách và me tôi dặn mua băng vệ sinh. Tôi đi bộ lững thững dọc theo đường Lê Lợi, vào hiệu thuốc mua băng cho mẹ tôi và ghé tiệm sách mua cho Hoàng cuốn sách chàng dặn. Trời tối xuống rất mau, đèn đường bật đỏ. Tôi đứng ở góc đường đợi xe. Vừa lúc đó tôi nghe tiếng ồn ào trong một tiệm nước rồi tiếng xô đẩy. Tôi quay người nhìn vào. Bên trong một bọn thanh niên ùa nhau chạy ra, và nơi một bàn cạnh góc tối một thanh niên gục xuống bàn. - Đánh nhau, tụi nó chạy hết rồi. - Tụi nó giật tiền của ông lính kia kìa, ông ta say. Tôi nghĩ tới Đông, nhưng người thanh niên đang gục xuống bàn kia trông dáng nhỏ hơn. Một người khác nói: - Lính thủy đó. Trời, lính thủy mà đi một mình tụi du đãng ưa ăn hiếp lắm. Tôi giật mình, trông gã thanh niên có vẻ giống thằng Đai, con chị Tham tôi quá. Tôi tò mò đi vào trong và cúi xuống nhìn. Thình lình người thanh niên ngẩng dậy. Tôi lùi lại hai bước và đứng sững. Mặt người lính đỏ nhừ, hẳn đã say lắm rồi. Đã lỡ tôi không thể tháo lui mà chạy, vả lại, người trong quán sẽ nghĩ sao về tôi. Tôi đang phân vân thì giọng hắn lè nhè: - Chị Duyên, chị trả tiền rồi đem em về đi, tụi nó giựt hết tiền của em rồi. Tôi bỗng thoáng có một ý nghĩ. Tôi sẽ đóng vai chị Duyên để đưa người lính về. Tôi cố mỉm cười, nhưng người lính đã không còn nhận ra gì nữa. Hắn gục gặc đầu, nói lảm nhảm: Chị Duyên, thằng Thường nó chết rồi đó. Bị đạn lủng ngực mà nó cười. Nó cười bên em đấy. Tụi bắn lén. Thường, tao đi báo thù cho mầy nghe, tao đi báo thù cho mầy đây. Hắn hét to lật đổ chiếc bàn, lảo đảo, rồi lại ngã xuống. Tôi tính tiền cho nhà hàng rồi nhờ người ta phụ lực đem hắn ra xe. Tôi nói với mọi người tôi là chị họ hắn. Nhờ cơn say, hắn xưng tên là Mẫn. Tôi để Mẫn ngồi lên xe tắc xi. Lúc nầy tôi mới thấy mình dại dột hết sức, dám nhận một người đàn ông không quen biết, một người say để đưa về nhà. Nhưng về nhà Mẫn ở đâu bây giờ. Tôi móc túi áo của Mẫn, thấy cái thẻ và biết được hắn ở Trại ngay bờ sông Bạch Đằng, nơi đồn trú của Hải Quân. Tôi định đưa hắn ra đó và nhờ người ta giao hộ. Nhìn khuôn mặt còn trẻ của Mẫn đỏ ké vì rượu. Tôi bỗng thấy thương hại Mẫn lạ lùng. Nếu ba mẹ tôi và Hoàng biết được việc làm liều lĩnh của tôi, chắc cũng không trách mắng tôi được. Tôi bảo ông tài cho xe chạy ra phía bờ sông. Gió mát thổi vào mặt tôi ran rát. Mẫn hồi nãy đã nôn mấy lần trong quán, nay lại được tôi đắp cho cái áo len của tôi, hắn có vẻ tỉnh hơn. Tôi hỏi dò: - Nhà Mẫn ở đâu? - Ở Trương Minh Giảng. - Mẫn thích về nhà hay tới trại? Tuy trong cơn say, nhưng Mẫn cũng nhận kịp ra câu nói của tôi, hắn đưa tay: - Khoan, đưa tôi về nhà, tới trại là bị giam à. Kỷ luật nghiêm lắm. Chị Duyên, chị đi đâu đó? Hắn mở lớn mắt nhìn tôi, và hình như chợt nhận ra không phải là chị Duyên của hắn. Nhưng lỡ trớn, hắn im lặng ngoẻo đầu ra nệm xe nằm im luôn. Thấy dáng điệu của Mẫn hiền lành, tôi yên tâm hơn. Lỡ Mẫn say rồi phá phách, chắc tôi cũng mệt lắm. Tôi thở phào như trút hết gánh nặng và bảo tài xế lái xe về phía Trương Minh Giảng. Tôi hỏi địa chỉ, hắn nói thật nhỏ, nhưng tôi cũng đủ nghe. Khi đưa Mẫn về tới nhà thì chị Duyên của Mẫn đã chạy ra đỡ Mẫn vào nhà và cám ơn tôi rối rít. Mẫn chỉ có hai chị em, mồ côi từ nhỏ. Chị Duyên đặt Mẫn lên giường, tháo giầy và giã nước than với chanh cho Mẫn uống. Tôi định từ chối thì chị Duyên giữ lại: - Cô ngồi chơi đã, nó tỉnh bây giờ đó. Đúng như lời chị Duyên nói, một lát sau Mẫn tỉnh dần và nhận ra chị Duyên và tôi, nhưng vẫn còn lờ mờ. Mẫn gào thét tên Thường và đòi vác súng đi bắn đứa bắn lén. Rồi Mẫn khóc mùi mẫn, khóc và gọi bạn, và đòi giết người. Tôi đoán Mẫn đang có chuyện khổ tâm. Đứng nhìn cái chết của một người bạn thân mà không làm gì được. Anh Phan thường nói: Ra trận thấy bạn mình ngã, mình uất lắm. Tâm trạng của Mẫn chắc cũng thế, Mẫn khóc và đòi tôi cùng chị Duyên ngồi xuống giường cho Mẫn kể về cái chết của Thường. Thường gọi: Mẫn ơi, nó bắn lén tao rồi. Mẫn cầm súng chạy tới. Thường nằm vật xuống. Tôi lia một tràng đạn vào bụi rậm, vẫn yên tịnh như không. Chị Duyên ôm mặt nấc lên. Thường là người tình của chị. Còn Mẫn thì ngạc nhiên hỏi: Có phải cô đưa tôi về nhà không. Tôi gật đầu. Mẫn nằm yên, mấy giọt nước mắt lăn dài trên má, chảy dài xuống gối. Chị Duyên hỏi địa chỉ, tôi nói và chị ghi. Để Mẫn nó tới cảm ơn cô. Nó thật bậy. Tôi về nhà đã hơn chín giờ. Ba me tôi đang hốt hoảng, còn Hoàng thì đứng tuốt đầu ngõ. - Em đi đâu mà cả nhà lo quá vậy? Hoàng choàng tay qua vai tôi. Tôi đi vào nhà và kể chuyện lại cuộc gặp gỡ hết sức ly kỳ. Ba tôi thở ra nhẹ nhõm: - Thật là liều lĩnh, con không sợ nguy hiểm sao? - Con cũng không biết nữa. Hoàng yên tâm ra về. Ba tôi nói có thư của anh Phan gửi về. Tôi đọc và thất vọng vì lá thư đó gửi đã lâu bị kẹt ở quân bưu vì đường xá gián đoạn. Trong thư anh Phan nhắc tới anh Nghĩa một đoạn ngắn. Chị Phượng giữ lấy lá thư và đọc hoài. Còn ba me tôi, thì cứ than thở và lo sợ cho sự liều lĩnh của tôi. Nhưng ba tôi cũng rất hài lòng về tâm tính của tôi nữa. Khi lên gác, chị Phượng kể chuyện cho tôi hay Đông có lại chơi. Ngày mai Đông trở lại đơn vị. Tôi hỏi Đông có quen anh Nghĩa không thì chị trả lời không. Tôi hỏi: - Chị gặp anh Đông có gì lạ? Chị Phượng nói: - Hắn rất dễ thương và rất lính. Tôi nói: - Rồi ai cũng sẽ lính hết. Tôi nghĩ tới Hoàng, tới Mẫn, tới Đông, tới Thường. Thường là tình nhân của chị Duyên. Tôi cũng có chị Phượng, tôi cầm chặt tay chị rồi không biết nói gì. Chị Phượng gọi: - Quyên - Gì vậy, chị. Tôi với tay tắt điện, chị Phượng lăn sát vào người tôi thì thầm: - Em có nghe tiếng gì không? - Tiếng đại bác. - Không chị nghe như có tiếng gì lạ lắm, cả tiếng kêu, tiếng gió, tiếng chân chạy nữa. - Chị tưởng tượng ra đấy thôi. Em chỉ nghe thấy tiếng đại bác. - Hồi chiều em gặp người lính lạ lùng quá. Đâu phải hắn chỉ có người bạn tên Thường chết mà hắn khóc. - Thường là người tình của chị Duyên, chị của Mẫn. Tôi thấy chị Phượng nhích người ra một chút và yên lặng. Tôi nghĩ là chị đang nằm yên hoặc đang khóc. Hôm nay là thứ sáu, còn hai ngày nữa chủ nhật. Không có bữa ăn mà chúng tôi không nói tới buổi chả giò sắp tới. Linh tính ai cũng hy vọng anh Phan và anh Nghĩa về. Ba tôi nhắc tôi mời Hoàng nữa. Me tôi nói: Hai ông rể. Còn con dâu của tôi? Bộ không đứa nào đi bảo con Hòa hả. Tôi nghĩ lúc nầy ba me tôi cũng còn nghe tiếng đại bác. Thằng Kim thì chắc chắn đã ngủ từ khuya rồi.Tôi nhớ lại nụ hôn của Hoàng khi tôi đưa chàng ra ngõ: Bé hư lắm toàn làm chuyện dại dột. Tôi thì tôi thấy mình lớn hẳn rồi, lớn thật nhanh, lớn không kịp nhận ra nữa. - Súng về phía nầy... Chị Phượng cầm tay tôi chỉ ra phía cửa sổ, rồi lại nói: Phía nầy, phía nầy… Không, hình như… Tôi nói: - Thôi đi ngủ chị. Đêm rộng mênh mông, đêm mang tiếng súng từ xa vọng về. Tiếng đại bác ban đầu thật mơ hồ, rồi dần dần vọng lại. Đó, nó tới gần, tới thật gần, ì ầm, ì ầm, vừa êm tai, vừa nhẹ nhàng như điệu ru đều đặn. Đó, nó tới thật gần rồi nó lại đi. Nó ở phương Bắc? Không, ở phương Nam, phương Đông? Phương Tây? Nó rít lên rồi đi êm còn nhanh hơn sấm, nhạy hơn sét. Nó mất vào đêm tối. Từng tiếng, từng tiếng. Tôi mơ hồ thuộc lòng từng tiếng, đoán đúng mỗi tiếng nổ, tiếng rơi. Và nó lại gần mãi, gần mãi…