Sáng nay sau khi hồi tưởng lại chặng đường đi qua, tôi quyết định đi tìm việc làm mới. Tôi rón rén "cà thọt" đến giường mẹ tôi, nhìn bà yên giấc tôi thật yên lòng. Có lẽ đêm qua khó ngủ nên sáng nay bà ngủ mê mệt. Cầm vội chiếc mũ bạc màu và chiếc nạng gỗ, tôi lặng lẻ mở cửa chống nạng "lộc cộc" ra đi. Mấy ngày nay tôi cứ đi đi về về, chưa đâu vào đâu cả. Nhưng sáng nay tôi có linh cảm sẽ gặp điều lành. Đúng vậy. Theo một địa chỉ mà người bạn phế binh vừa cho tôi hôm qua, tôi đến gặp ông chủ. Đây là một gara sửa xe hơi, vừa mở thêm một chỗ rửa xe đang tuyển người. Sau một hồi hỏi han, ông chủ nhận tôi làm việc, tôi phụ trách rửa xe. Công việc tuy có vất vả nhưng không làm tôi nản lòng vì có đồng lương cố định. Tôi làm việc từ sáng tinh mơ cho đến tối mờ mới về. Đời sống tôi thật bình yên. Mỗi tối thứ ba, thứ năm và thứ bảy dạy kèm. Mỗi tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu và sáng chủ nhật đọc kinh thánh cho người mù. Tôi nghĩ là phải lo cho mẹ thật đầy đủ để bù lại những ngày tháng khổ cực đã qua và có thể nuôi vài em bé mồ côi, không nhà không cửa. Từ đây không những tôi cho chúng ăn no, mặc ấm mà còn cho chúng học chữ nữa. Hình ảnh cao thượng của tôi làm động lòng biết bao gia đình giàu có trong xóm, làm se lòng những chức sắc phường khóm nhưng họ để tôi yên vì tôi có dạy kèm con cái họ học thêm buổi tối. Các nhà truyền giáo cũng phải khâm phục con người "tàn mà không phế", có con tim thực sự sống này. Thật là hạnh phúc. Tôi làm cho gara anh Bảy, tên chủ nhân, gần bốn năm nay. Mọi chuyện đều êm xuôi, tình giữa tôi và anh Bảy ngày thêm đậm đà vì anh Bảy cũng có một người em tốt nghiệp trường sĩ quan Thủ Đức, cùng khóa với tôi, tử trận năm 1973 tại Chương Thiện. Một buổi chiều kia, mây đen vần vũ, cơn mưa ập xuống dữ dội. Ngay lúc ấy, một chiếc Mercedès Benz E230 cáu cạnh từ đường cái quẹo ào vào gara cạnh chỗ tôi ngồi, một người đàn bà vừa là tài xế vừa là chủ xe bước xuống một cách vội vã vì sợ mưa tạt ướt. Tôi sửng sốt cả người, phải cố trấn tỉnh nếu không miệng tôi đã thốt lên tên Mai. Mai chẳng nhìn ai, tiến thẳng đến quầy quản lý làm phiếu rửa xe và thay nhớt. Tôi âm thầm theo dõi mọi động tác của Mai. Đã 18 năm rồi, tôi không gặp lại Mai, thật ra thì tôi đã quên hẳn Mai cùng mối tình đầu. Cuộc sống quá khó khăn khiến tôi không còn nghĩ đền chuyện lập gia đình với ai. Nhìn lại Mai, vẫn trẻ đẹp lại còn giàu sang quí phái nữa, tôi cảm thấy thật buồn tủi. Cơn mưa cũng bắt đầu tạnh, Mai cầm biên lai bước vội ra cổng gọi chiếc taxi. Mai đi rồi, tôi ngồi trầm tư với trăm ngàn ray rức. Người mình yêu trước kia nay ngoài tầm với, Mai xa xôi quá. Tại sao ông trời không để tôi yên? Thấy tôi ngồi thừ lừ, trầm tư khác với thường nhật, anh Bảy thân mật gọi: - Này Thiện, sao chú như người mất hồn vậy? Sáng mai 6 giờ chú có nhiệm vụ làm chiếc xe Mercedès mới vào đó nghen. Tôi vội mỉm cười, gật đầu hỏi: - Dạ, mấy giờ mình phải giao lại cho khách hả anh Bảy? - 4 giờ chiều. Cuộc đời giống như một tấn tuồng trên sân khấu, nó diễn biến không ngừng. Ông bà ta xưa kia có câu: "sông có khúc, người có lúc", ai biết được cuộc đời mình sẽ như thế nào? Que sere sera, bài hát thân thuộc vẫn văng vẵng bên tai mỗi khi suy nghĩ về cuộc đời. Tôi không thể nào tưởng tượng gặp lại Mai ở đất Sài Gòn này, nhất là trong hoàn cảnh này. Cuộc tình đã đi vào quên lãng, nào ngờ giờ đây nó sùống dậy trong tôi. Bao kỷ niệm ngày nào tự nhiên trào dâng lên như ngọn sóng triều. Tôi tự an ủi: "Biết đâu người ta đã có chồng con, hơi đâu nghĩ hoài cho mệt". Hơn nữa Mai giàu đẹp như thế kia chắc phải có một người chồng rất xứng đáng. Thôi quên đi! Chiều xuống, người đàn bà ấy đến trên một chiếc taxi, thật lộng lẫy trong chiếc rốp tây phương. Mai đến nói gì với ông Bảy tôi không biết, tôi chỉ nghe ông Bảy gọi: - Thiện ơi, vào đây có chút việc. Tôi mon men lộc cộc đi vào, tim hồi hộp, cơ hồ muốn rớt ra ngoài. Mai nhìn tôi, môi mím lại, xúc động như muốn khóc: - Anh Thiện! - Mai! Em vào đây bao giờ? - Tôi bỡ ngỡ nhìn Mai, giả vờ như rất bình tĩnh nhưng lời nói nghẹn lại. - Lâu rồi. Em và mạ ở đường 3 tháng 2. Tôi vội vàng xin phép ông chủ mời Mai đến quầy giải khát. Đã hơn 18 năm rồi, biết bao chuyện đổi, sao dời. Mặc cảm của tôi từ chiều hôm qua đến hôm nay bỗng biến đâu mất, nỗi giận hờn ngày xưa cũng đi đâu vắng mặt. Tôi có cảm tưởng như sống lại thời còn sinh viên. Hai chúng tôi dồn dập hỏi chuyện nhau. - Ba bây giờ ra sao rồi em? - Ông được tha về năm 1988, ở nhà bồi dưỡng một thời gian rồi được đi theo diện HO sang định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1990 cùng với Hoài Nhân (em trai Mai). - Hoài Trâm, Hoài Hương (hai em gái Mai) thế nào? - Hoài Hương lấy chồng, có con không được đi. Hoài Trâm bị chết trong chuyến vượt biên năm 1982. Mạ không chịu đi nên em phải ở lại với mạ. Ba và Nhân viết thư về bảo em tìm anh và cho ổng biết tin tức, địa chỉ của anh. - Chồng em đâu, sao không thấy đến? Mai nhìn tôi bẻn lẻn như thời còn yêu nhau. - Chồng con nào? Em vẫn vậy thôi. Trái tim hóa thạch rồi kể từ dạo ấy. Tôi cảm thấy thật an ủi, rồi hỏi: - À, hồi nãy em nói gì với ông Bảy mà ổng gọi anh đó? - Em thấy ổng ghi tên anh trong phiếu, người trách nhiệm thay nhớt và rửa xe. Em liền hỏi ổng có biết ai tên họ như anh không, vì em cố tình đi tìm anh suốt bao năm nay. Em cũng sợ có người mang trùng tên họ với anh thì quê chết. Không ngờ trời cao có mắt. À, bác gái vẫn khỏe chứ anh? - Bà già yếu lắm rồi. - Anh cho em xin địa chỉ để em đến thăm bác gái. Hai chúng tôi chia tay nhau. Trong tiệm rửa xe mọi người ùa nhau xúm lại hỏi tôi đủ cả: - Bồ anh khi xưa hay bà con Việt kiều về thăm nước đó? - Người đồng hương đấy. Hôm nay tôi cảm thấy rộn ràng, một cái gì vui reo hát trong lòng, tôi như người vừa tìm được một vật quí giá đã đánh mất. Về đến nhà tôi liền thổ lộ việc mẹ con Mai đã vào sống ở Sài Gòn cho mẹ tôi biết. Bà mừng rỡ hỏi tôi đủ thứ tin tức về gia đình Mai. Rồi mẹ tôi cũng dò hỏi tôi về việc tình yêu của tôi và Mai, nhưng nghĩ sao tôi nói: - Con nghĩ là hai đứa con không thể lấy nhau được, vì ý hướng lập gia đình của con đã tắt từ lúc con bỏ vào Nam. Vả lại với Mai bây giờ lại quá giàu có, hố ngăn cách giữa hai gia đình quá sâu mẹ ạ. - Nhưng nếu Mai thật lòng yêu của con thì con nghĩ sao? - Con đã dứt khoát. Bây giờ cũng đã có mười hai đứa "con" (trẻ mồ côi) rồi. Bây giờ con chỉ ước mong xây một nhà lớn hơn cho chúng và những người già cả neo đơn có nơi an dưỡng. Mẹ tôi buồn cho cuộc tình của tôi nhưng cũng mừng với những ý hướng khác đời của con mình. Qua trưa hôm sau khi về nhà ăn trưa, tôi thấy một bầy trẻ con bu lại thật đông trước cửa. Bọn trẻ ngỡ Mai là một bà Việt kiều mới về thăm nhà nên tò mò đến xem. Thấy tôi vừa đến cửa, bọn trẻ la lên: - Thầy đi làm về, thôi đi chơi bọn bay ơi! Bước vào nhà tôi thấy nào trái cây, nào quà gói của Mai bày la liệt trên bàn. Tôi quên là mình đang sống trong cảnh nghèo khó, lên mặt với Mai như thời còn trẻ: - Em bày đặt quá, mua gì nhiều quá vậy. Mai cười: - Chút quà gọi là cho vui mà anh. - Chúng tôi quên hẳn thời gian, chuyện trò như thuở ngày xưa còn đi học. Mẹ tôi mỉm cười, kín đáo bỏ vào nhà trong để hai chúng tôi trò chuyện. - À, hôm nào anh lên thăm bác gái và xin địa chỉ bác trai để viết thư thăm Hoài Nhân nữa. Nó là học trò cưng của anh mà. - Nhân nó nhắc đến anh hoài, sang năm nó ra trường và sẽ về thăm Việt Nam đấy. Một thời gian sau, mẹ tôi bước ra giục tôi rửa ráy và mời Mai ăn cơm trưa luôn thể. Bà nói: - Chẳng mấy khi bác mời cháu ở lại ăn cơm trưa với mẹ con bác cho vui. - Dạ, cho con khi khác, con phải về kẻo mạ con trông cơm nữa. Khi Mai đã về rồi, mẹ tôi góp ý: - Mẹ trông con Mai nó không quên con được nên nó xinh đẹp như vậy, giàu có như vậy mà chẳng chịu lập gia đình với ai. Con thấy không? Tôi đang suy nghĩ mông lung, không nghe câu hỏi của mẹ tôi. Bà phải hỏi lại: - Con nghĩ thế nào? - Con nghĩ kỹ lắm rồi mẹ ạ. Lập gia đình với Mai chỉ làm khổ Mai thôi mẹ ạ. Để Mai lập gia đình với người khác, lành lặng hơn, Mai mới có hạnh phúc. Còn con, con còn gì để cho Mai. Thân thể con không còn nguyên vẹn, hình thù biến dạng, mặc cảm này khó tẩy rửa hết được. Người ta sẽ nhìn Mai như thế nào khi đi bên cạnh con, một người què quặt. Biết là không thể nào lay chuyển ý chí của tôi, mẹ tôi cười an ủi: - Tùy con định liệu vậy. Một buổi chiều chủ nhật, như đã hẹn, tôi thuê xe đến nhà của Mai trên đường 3 tháng2. Một căn nhà rộng lớn vừa là nhà ở vừa là một cửa hàng bán đồ điện tử, gian hàng thật lớn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi có đi ngang ngôi nhà này nhiều lần khi còn đi bán báo dạo, nhưng nó không to đẹp như ngày hôm nay. Trông thấy tôi, Mai đon đả chạy ra tiếp đón. Mẹ Mai đang xem tivi ở phòng trong, nghe tiếng con gái phát biểu ồn ào phía ngoài, cũng chạy ra xem. Ôi, mừng mừng tủi tủi. Bao xúc cảm hiện lên trên gương mặt của mỗi người. Bà cụ có vẻ gầy và già hơn trước, tóc đã bạc trắng có lẽ vì tuổi già và nhớ chồng con. Sau vài câu thăm hỏi qua loa, bà liền hỏi một câu để dò lòng tôi: - Sao con chưa chịu lập gia đình cho mẹ con có cháu nội? - Dạ, con đâu còn lành lặn như một thanh niên bình thường mà nghĩ đến chuyện gia đình. Con chỉ sợ không mang lại hạnh phúc mà còn làm khổ cho người vợ sau này thôi. Không chú ý tới lời giải thích của tôi, bà bâng quơ nói một câu như bắt cho tôi một cái thang để leo: - Chẳng hiểu sao, con Mai nó cũng chẳng chịu lập gia đình. Năm nay bốn mươi mấy rồi chứ còn trẻ trung gì đâu. Bao nhiêu là người, là chỗ đàng hoàng mà nó đều gạt ra ngoài cả. Trước tấm thịnh tình của bà, tôi chỉ biết im lặng. Một sự im lặng kính nễ sự chung tình, chung thủy của một người phụ nữ có một không hai này, vừa giàu có vừa xinh đẹp đã cố tình dành trọn cuôc đời cho tôi. Hai tuần lễ sau, tôi nhận được hai cánh thư từ Mỹ gởi về, một của ba Mai và một của Hoài Nhân, em Mai. Đại ý cả hai đều nhất trí tán thành việc hôn nhân của tôi và Mai, nhất là thư của Hoài Nhân có gởi kèm tặng tôi bức chân dung mẹ Mai, đằng sau ảnh có ghi: Mẹ đứng trông con trong nắng chiều vòi vọi. Vợ thương chồng, ngồi lật lịch giữa đêm khuya. Nhà trống giờ đây buồn khắc khoải. Còn gì đâu, ngoài nỗi nhớ thương nhau! Hoài Nhân viết: "Em gởi cho anh tấm hình của Mạ, trong cuộc đời anh cũng đã một lần gọi bà là Mạ rồi, phải không Anh? Năm nay thì bà đã già lắm rồi. Hết khóc vì nhớ ba, nay thì lại khóc nỗi nhớ con, thì làm sao trẻ được? Lần em về, những lúc hai Mạ con nói chuyện với nhau, khi nhắc đến tên Anh, bà chỉ chép miệng thở dài và nói: Không biết nó sống chết ra sao trong nớ (nhắc lại lúc bà còn ở ngoài Trung, tôi đã vào Sài Gòn)". Cuộc đời tưởng êm xuôi, hạnh phúc đang mơn trớn trở về. Ai ngờ bất hạnh lại phủ xuống đời tôi. Trời đất sụp đổ khi mẹ tôi qua đời. Trong một đêm kinh hoàng, bà lăn lộn với cơn ho, tôi vội vàng kêu xích lô chở bà vào Bệnh Viện Gia Định. Cũng may tôi mang theo sẵn tiền nên được người ta đưa ngay mẹ tôi vào phòng cấp cứu. Nhưng hỡi ơi, cơn bệnh quá trầm trọng, bà tắt thở vài giờ sau đó. Phổi bà quá nhiều nước. Bệnh này có thể chữa được nếu được điều trị sớm nhưng tôi nghèo quá chỉ có thể mua thuốc cho bà uống cầm chừng. Phải làm gì đây? Nổi đau xót chưa làm tôi tĩnh táo để định đoạt mọi việc. Tôi chắp hai bàn tay, nhìn lên trời cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đừng bỏ con bơ vơ trên cõi đời này. Xin Chúa thương xót linh hồn mẹ con". Cầu nguyện xong, tôi cảm thấy tâm hồn thư thái và tự trấn an: "Chết! Con đường này ai cũng phải một lần đi qua. Một ngày nào đó tôi cũng phải chết, tôi phải cố sống sao hữu ích cho đời. Hãy nhìn thẳng vào tương lai trước mắt mà đi". Trong lúc lòng đầy phiền muộn, tôi đi gọi điện thoại cho Mai. Hay tin đột ngột, Mai khóc nức nở bên kia đầu dây. Lần này chính tôi lại an ủi Mai mới lạ. Mai yêu thương mẹ tôi không kém gì tôi thương yêu mẹ tôi. Những ngày sau, tất cả đều tập trung cho sự tiễn đưa linh cữu mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi mua được miếng đất nhỏ trong nghĩa trang gần cầu Bình Triệu. Điều làm tôi xúc động có lẽ là nhiều hội đoàn thiện nguyện xã hội, các vị đại diện tôn giáo, các trẻ em mồ côi, câm điếc, khiếm thị, đã đến đưa linh cữu mẹ tôi về nơi chín suối, nhất là mười hai đứa "con" của tôi đều có mặt đông đủ đưa tiễn bà "nội" của chúng trong niềm thương tiếc vô biên. Tôi trả hiếu cho mẹ tôi bằng cái diễm phúc ấy vì tôi chỉ sống bằng trái tim. Tôi xin anh Bảy cho tôi nghỉ vài ngày để lo phần mộ cho mẹ tôi. Tôi chỉ đủ tiền mua cho bà một tấm bia, còn phần mộ sẽ chờ dịp khác. Tối nay, khi đứng trước đám học trò "mồ côi" của mình, tôi đọc cho chúng nghe bài Mồ côi của nhà thơ Thanh Tịnh diễn tả chung tâm trạng của thầy lẫn trò: Năm xưa tôi còn bé, Mẹ tôi đã qua đời. Lần đầu tiên tôi hiểu Thân phận trẻ mồ côi. Quanh tôi ai cũng khóc, Yên lặng tôi sầu thôi. Để dòng nước mắt chảy, Là bớt khổ đi rồi. Từ nay thôi hết thấy, Trên trán mẹ hôn con. Những khi con phải đòn Đau lòng mẹ biết mấy? Kìa nhà ai sung sướng, Mẹ con vỗ về nhau. Tìm mẹ con không thấy, Khi buồn biết trốn đâu? Hoàng hôn phủ trên mộ, Chuông chùa nhẹ rơi rơi. Tôi thấy tôi mất mẹ, Là mất cả bầu trời. Ai nấy đều bùi ngùi thương cảm, cả đám đều khóc vì đó cũng là hoàn cảnh nghiệt ngã của từng đứa nơi đây. Buổi học chấm dứt không ai học thêm được một chữ nào. Tôi nhìn chúng lòng thật ngổn ngang. Trước kia chúng được mẹ tôi chăm sóc, nay đứa nào sẽ thay thế bà chăm sóc những đứa nhỏ hơn. Rồi cũng giải quyết được. Mấy đứa "con" của tôi, đứa lớn nhất gần 15 tuổi tên Dũng, đứa nhỏ nhất 3 tuổi rưỡi tên Mi. Tôi có tám đứa con trai và bốn con gái. Dũng rất dễ thương, từ ngày mẹ tôi mất nó thay tôi chăm sóc các "em" của nó. Mỗi ngày tôi đưa cho nó tiền chợ, tự nó quyết định mua đồ ăn thức uống trong ngày. Cũng đỡ là ban ngày chúng chia nhau đi lượm bao ny lông, bán báo, bán vé số ở các chợ, tiền thu được sau khi giữ lại phần vốn chúng đưa cho tôi cất, tôi dùng số tiền đó đưa cho Dũng chi tiêu trong "gia đình". Mi vì nhỏ nhất nên được giao nhiệm vụ giữ nhà. Tôi cũng bớt một gánh nặng. Ngày trước khi mẹ tôi còn sống, Dũng điều động các "em" giúp mẹ tôi lau dọn nhà cửa và nấu cơm. Tôi chỉ có nhiệm vụ phụ thêm tiền chợ và mua sách vở cho chúng học hành. Đời sống cũng tạm thời ổn định.