Nhỏ Diệp xịu mặt khi thấy Quý ròm lò dò đi ra: - Anh làm gì trong đó mà lâu thế? Quý ròm hơn hớn nói, vẫn chưa hết sung sướng với kết quả của cuộc điều tra: - Làm chuyện hệ trọng! Chẳng có chuyện hệ trọng nào trên đời có thể làm nhanh cả. Nhỏ Diệp giương mắt nhìn ông anh, liếm môi hỏi: - Thế bây giờ anh kể em nghe “chuyện hệ trọng” của anh được chưa? Quý ròm cầm lấy ghi-đông xe: - Dĩ nhiên là được. Quý rom bắt đầu kể. Nó vừa đạp xe vừa hắng giọng: - Lớp anh có một học sinh mới tên là Mười… Lúc nãy Quý ròm không dám cho nhỏ Diệp biết nó tới trường Thống Nhất để làm gì. Nó sợ sự thật không giống như những gì nó phỏng đoán, nhỏ Diệp sẽ trêu nó như Tiểu Long từng trêu nó “Anh nhiễm “máu thám tử” của thằng nhóc Mạnh từ hồi nào vậy hả?”. Nhưng bây giờ thì khác. Bây giờ thì nó tha hồ bốc phét: - Em biết không, ngay khi nghe bài văn của thằng Mười, anh đã biết tỏng đây là chuyện đời của nó. Thế mà anh nói đến khản cả cổ, Tiểu Long và nhỏ Hạnh vẫn một mực không tin, tức ơi là tức! Cho nên anh mới đến trường cũ của thằng Mười để hỏi cho ra lẽ. Nhỏ Diệp reo lên: - Thế ra đề văn “một ngày kỳ lạ” anh nói với em hôm trước là chuyện của anh Mười này đó hả? - Chứ gì nữa! Anh thăm dò ý kiến của em mà. Giống như thủ tướng thăm dò ý kiến của dân chúng vậy đó. Không để ý đến giọng điệu huênh hoang của ông anh, nhỏ Diệp nhíu mày: - Nếu chỉ có vậy thì một mình anh tới trường Thống Nhất cũng được mà. Trường nào chẳng có bãi giữ xe. - Em không hiểu! – Quý ròm chép miệng - Muốn moi tin tức từ bác bảo vệ không phải là chuyện đơn giản. Quan trọng là phải làm cho bác ấy tin. Nếu không tin bác ấy sẽ nghĩ anh là kẻ xấu, gặp bác ấy định gạt gẫm gì đây. Nhỏ Diệp ngẩn ra: - Nhưng chuyện đó thì liên quan gì tới em? - Sao lại không liên quan! – Quý ròm hùng hồn - Tại em là cô bé có gương mặt hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện, nói tóm lại là một… gương mặt thiên thần! Nghe Quý ròm hăm hở tuôn một tràng, nhỏ Diệp cười khúc khích: - Anh trêu em phải không? Em giống con ma lem thì có! - Bậy nào! Em đừng đánh giá mình thấp như thế chứ! – Quý ròm nói giọng phật ý – Em biết không, khi nãy lúc anh gặp bác bảo vệ để hỏi chuyện thằng Mười, bác ấy chẳng tin anh tẹo nào hết á. Cặp mắt bác ấy lúc nào cũng lộ vẻ ngờ vực, bác ấy nhìn anh cứ như thằng ăn cắp ấy. Nhưng đến lúc trông thấy… gương mặt thiên thần của em ở bên ngoài cổng rào, bác ấy liền hào hứng khai tuốt tuồn tuột mọi chuyện… - Tuốt tuột đâu mà tuốt tuột! - Nhỏ Diệp đấm tay lên lưng Quý ròm - Vừa rồi anh bảo bác ấy chẳng chịu nói gì hết, khi anh quay lưng đi mới nghe bác ấy lẩm bẩm mà. Bộ anh quên rồi sao? - Ờ, tao quên! – Quý ròm cười giả lả, chống chế - Lúc này tao hay quên ghê! Chắc tao… già rồi! Nó hít vô một hơi, phớt lờ tiếng cười hí hí của nhỏ em sau lưng: - Nhưng dù là lẩm bẩm bác ấy cũng lẩm bẩm tuốt tuột, mày hiểu không? - Tức là bác ấy cố tình lẩm bẩm hả? - Ờ. Nác ấy đã lờ làm ra vẻ không biết gì về chuyện thằng Mười nên không thể quay ngoắt 1800 được. Thế là bác ấy vờ buột miệng lẩm bẩm, cố ý để tao nghe thấy… Nhỏ Diệp không thắc mắc nữa. Quý ròm mừng rơn khi thấy nhỏ em đột nhiên ngoan ngoãn hẳn. Chỉ khi gần về đến nhà, nhỏ Diệp mới chép miệng cảm khái: - Chắc anh già thật rồi. Quý ròm giật thót: - Mày nói sao? - Anh chẳng nói dạo này anh hay quên là gì? - Ở… ờ… Nhỏ Diệp nhắc: - Vụ anh chỉ em làm toán đó. - Con nhóc này! – Quý ròm hừ mũi – Sao mày không nhờ anh Vũ chỉ cho? - Em nhờ rồi. - Thế anh Vũ nói sao? - Ảnh nói “Con nhóc này! Sao mày không nhờ anh Quý chỉ cho!” -------------------------- Nhỏ Hạnh và TIểu Long tròn xoe mắt khi nghe Quý ròm kể lại chuyến đi điều tra của mình. Tiểu Long quẹt mũi lịa lịa: - Thế những gì thằng Mười viết trong bài làm đều là chuyện thật hả mày? Quý ròm lừ mắt: - Bộ mày không nghĩ ra câu hỏi nào có ý nghĩa hơn hả mập? Tiểu Long không giận, chỉ tặc lưỡi: - Lạ quá há! - Chẳng có gì lạ hết! – Quý ròm triết lý - Cuộc đời là vậy, luôn dành cho ta những bất ngờ! Quý ròm đưa tay sờ cằm, tiếc hùi hụi là cằm nó chẳng có sợi râu nào hết. - Ờ, bất ngờ thật đấy! - Nhỏ Hạnh cắm môi - Hạnh không nghĩ bạn Mười lại đem chuyện bí mặt của mình viết vô bài làm. - Tôi đã nói rồi mà! – Quý ròm vênh váo nhìn nhỏ bạn - Thằng Mười là đứa có trí tưởng tượng nghèo nàn nên nó đành phải lấy chuyện thật ra viết. Đơn giản vậy thôi! Nhỏ Hạnh lắc mái tóc: - Ờ, bây giờ thì Hạnh tin rồi. Tiểu Long đột ngột hỏi: - Tin rồi thì làm gì nữa hả ròm? Quý ròm ngớ ra trước thắc mắc của bạn: - Làm gì nữa hả? Ờ… ờ… tao cũng chẳng biết nữa. Nó đưa tay vò đầu: - Thực ra tao mò đến trường Thống Nhất hỏi han chẳng qua vì muốn chứng minh cho mày và nhỏ Hạnh thấy tao không phải là đứa suy luận vớ vẩn thôi. Nhỏ Hạnh nheo mắt: - Thế Quý không muốn tìm hiểu xem vị ân nhân bí mật của mẹ con bạn Mười là ai à? - Có gì đâu mà tìm với hiểu! – Quý ròm nhún vai – Ai chẳng biết người đó là ba nó! - Sao mày biết đó là ba thằng Mười? – Tiểu Long ngạc nhiên lên. Nó nhíu mày, đập tay lên trán rồi đập thêm cái nữa, cuối cùng gục gặc đầu lẩm bẩm - Ờ, mà người đó là ba nó chứ ai! Quý ròm vỗ vai Tiểu Long, khoái chí: - Bữa nay tao thấy mày thông minh đó, mập! - Thông minh gì đâu... – Đang lỏn lẻn, Tiểu Long thình lình giương mắt ếch - Ủa, nếu người đó là ba thằng Mười tại sao nó viết trong bài làm là mẹ con nó không biết người đó là ai? - Khổ mày ghê! – Câu vặn vẹo của Tiểu Long làm Quý ròm nhăn hí, nó nhìn thằng này bằng ánh mắt nó vẫn nhìn con Tai To nhà nhỏ Hạnh mỗi khi con cún này ị bậy – Tao mới khen mày thông minh, mày đã chứng minh ngược lại liền là sao hả? Tiểu Long ngơ ngác: - Tao hỏi vậy không đúng sao? - Đúng sao được mà đúng! – Quý ròm vung tay, hùng hổ - Mày nghe tao hỏi nè! Nếu thằng Mười nói huỵch toẹt người đàn ông bí mật kia chính là ba nó thì câu chuyện của nó có đáng gọi là “kỳ lạ” không hả? - Ờ... ờ... Tiểu Long lúng túng chà tay lên mũi, chưa kịp nghĩ ra như thế là “kỳ lạ” hay “không kỳ lạ”, Quý ròm đã gắt: - “Ờ, ờ” cái gì! Ba cho con tiền ăn học thì “kỳ lạ” gì chứ! - Ờ, không kỳ lạ! – Tiểu Long lật đật gật đầu, không rõ vì câu nói của thằng ròm hay vì giọng điệu cáu kỉnh của thằng này. - Thầy Phú bảo viết về “một ngày kỳ lạ” mà thằng Mười viết truyện “không kỳ lạ” thì nó có bị dê-rô không hả? - Ờ... ờ... dê-rô! – Tiểu Long lại gật đầu như máy, bụng nghĩ thầm: Dê-rô sao được mà dê-rô! Bét lắm nó cũng được điểm hai, điểm ba! Xưa nay chỉ có đứa nào bỏ giấy trắng thầy Phú mới cho dê-rô thôi! Quý ròm đâu có khả năng đi guốc trong bụng Tiểu Long. Thấy thằng này nói đâu gật đó, nó toét miệng cười sung sướng: - Như vậy là mày hiểu rồi đó. Vị ân nhân kia chính là ba nó, nhưng nó vờ ra vẻ không biết là ai để cho bài làm của nó được điểm cao thôi! Tiểu Long chỉ không đồng ý với Quý ròm vụ “dê-rô”, chứ chuyện Quý ròm bảo người đàn ông kia chính là ba thằng Mười thì nó tin ngay. Cứ vài tháng lại gửi tiền cho thằng Mười đóng học phí và mua sắm quần áo sách vở, chỉ có cha con mới quan tâm lo lắng như vậy thôi. - Thế nhỡ người đó là chú nó, bác nó hay cậu nó thì sao? – Nhỏ Hạnh thình lình hỏi. Sự vặn vẹo của nhỏ Hạnh làm Quý ròm bực mình: - Chú nó, bác nó, cậu nó đâu có điên! Muốn giúp đỡ mẹ con thằng Mười thì họ đem tiền đến tận nhà trao tận tay chứ việc gì phải úp úp mở mở như thế. - Đúng là ba nó rồi, Hạnh ơi! – Tiểu Long hùa theo Quý ròm. Nhỏ Hạnh nguýt thằng mập qua khóe mắt: - Long hay quá há! Nếu là ba bạn Mười thì bác ấy càng không cần phải lén lút... - Nhức đầu thiệt à nha! – Tiểu Long chỉ hai tay lên thái dương – Hết thằng ròm lại đến nhỏ Hạnh nổi máu thám tử. Chác tôi phải xuống Vũng Tàu triệu tập thằng nhóc Mạnh lên đây để nhập bọn quá à. Quý ròm cao giọng: - Ba thằng Mười đi lấy vợ khác, vì vậy bác ấy không dám giáp mặt mẹ con thằng Mười. Lý do quá đơn giản mà! Nó nhìn nhỏ Hạnh, cười hì hì: - Tại Hạnh còn nhỏ nên Hạnh chưa hiểu thôi! - Xì. – Nhỏ Hạnh cong môi – Quý làm như Quý lớn lắm ấy! Cho tới lúc đó nhỏ Hạnh vẫn nghi ngở điều mà Quý ròm và Tiểu Long cho là đương nhiên. Nó cảm thấy nếu muốn giúp đỡ con trai, ba thằng Mười đâu có nhất thiết phải hành động bí mật như vậy. Nhưng đến ngày hôm sau, nhỏ Hạnh buộc phải thừa nhận Quý ròm và Tiểu Long nói đúng. Hôm đó, cô Bé Ba phân nhỏ Hạnh và thằng Mười vào chung một nhóm trong giờ tin học. Người đông, máy ít, bao giờ đến tiết thực hành, phòng máy của nhà trường bao giờ cũng vang lên những tiếng giành nhau chí chóe. Hai đứa một máy và đứa nào cũng muốn mình là người đầu iên ngồi vô máy nên khung cảnh trông bát nháo như một cái chợ và lần nào cô Bé Ba cũng hò hét đến khô cả cổ mới dẹp yên được đám tiểu quỷ. Trước đây, nhỏ Hạnh chưa bao giờ học chung máy với Mười. Nên nó ngạc nhiên quá. Tại thằng Mười không thèm giành máy với nó như những đứa khác. Thằng Mười thờ ơ nói: - Hạnh cứ dùng máy trước đi! Mười ngồi ngoan ngoãn bên cạnh, không những không giục bạn mà còn chỉ tay vô màn hình, leo lẻo mách nước cho nhỏ Hạnh: - Đây là font chữ Unicode. Muốn đổi sang font VNI, Hạnh phải nhấn tổ hợp phím Ctrl+Shift+F6. - Muốn dấu thanh ở đầu dòng không bị rơi xuống, Hạnh phải vô AutoCorrect bỏ dòng tùy chọn thứ hai. Nhỏ Hạnh tròn mắt nhìn Mười, không hiểu thằng này làm sao biết được những thủ thuật đó khi mà hôm nay lớp tụi nó mới bắt đầu học bài Làm quen với Word. Thằng Mười cảm thấy nhột nhạt khi nhỏ Hạnh nhìn mình chằm chằm. Nó giải thích với vẻ bãn lẽn: - Tôi học qua bài này rồi. Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, mỉm cười: - Chắc Mười đi học thêm ở các lớp tin học? - Ờ. Tôi vọc máy suốt ngày mà. – Thằng Mười gật đầu, vẻ thân thiện của nhỏ bạn khiến nó quên ngay ngượng ngập, thậm chí nó còn cao hứng khoe – Hồi đầu năm học ba tôi mua cho tôi một cái computer xịn lắm. - Ba Mười rành máy tính quá há? - Ba tôi chỉ cho tiền thôi. – Mười vui vẻ - Tôi nhờ thằng bạn thân hồi cấp hai dẫn đi mua. Thằng Mười thao thao, quên bẵng nó đang xì ra những gì nó giấu giếm bấy lâu nay. Nó chỉ giật mình khi nhỏ Hạnh ngó sững nó: - Ủa, ba Mười không còn ở chung với mẹ con Mười nữa mà. - Sao Hạnh biết? Tới lượt thằng Mười nhìn sững nhỏ Hạnh. Thấy vẻ cảnh giác ánh lên trong mắt thằng này, nhỏ Hạnh không dám nói nó vừa dò hỏi nơi nhỏ Minh Trung. - À, chuyện này thì Hạnh nghe bạn Quý nói. Hôm trước thằng Mười có hớ hênh để lộ chuyện gia đình nó cho Quý ròm nghe thật. - Ra vậy! – Mười gục gặc đầu, trán từ từ dãn ra. Nhưng mới dãn ra sơ sơ, trán nó đã nhăn tít trở lại. Tại nhỏ Hạnh quyết không bỏ lỡ thời cơ, vội vàng hỏi tiếp: - Thế ra ba của Mười vẫn hay cho tiền Mười? - Ờ... ờ... Thằng Mười đang ấp úng, nhỏ Hạnh hỏi “dộp” luôn: - Vậy người đàn ông vẫn nhờ bác bảo vệ chuyển tiền cho Mười là ba Mười, đúng không? - Ờ... ờ... Thằng Mười lại “ờ, ờ”, cái cách “chất vấn” dồn dập của nhỏ bạn làm nó đột ngột mất tập trung. Đến khi nó choàng tỉnh, đang loay hoay chưa biết phản ứng thế nào, nhỏ Hạnh đã nhoẻn miệng cười: - Ba Mười thương Mười ghê há! Nhận xét của nhỏ bạn vô tình chạm vào nỗi buồn sâu kín trong trái tim thằng Mười. Lòng chùng xuống, trong một thoáng Mười không muốn gân cổ phủ nhận chuyện ba nó gửi tiền cho nó nữa. - Ờ. – Nó thở dài – Ba tôi rất thương tôi. Nhỏ Hạnh tặc lưỡi cảm khái: - Cha mẹ nào mà chẳng thương con! Tự nhiên Mười nói: - Ba tôi thương tôi hơn mẹ tôi. Như chưa hết bức xúc, nó lại khụt khịt: - Chuyện ăn học, mua sắm của tôi, toàn ba tôi lo hết. Nhỏ Hạnh có vẻ ngỡ ngàng trước thú nhận đột ngột của Mười, nhưng nó không nói gì. Nó chỉ không hiểu tại sao thằng này lại tâm sự chuyện đó với nó. Có lẽ Mười ít bạn, chuyện riêng tư lại không thể chia sẻ với ai, hôm nay mình vô tình gợi đến đề tài này nên nó ấm ức cởi lòng ra đó thôi! Nhỏ Hạnh thầm nhủ và đưa mắt liếc Mười, thấy thằng này dường như đang nhận ra vừa rồi nó không làm chủ được bản thân. Mặt nó ửng đó và hai tay nó lóng ngóng chà lên mép bàn, như thể làm vậy thì sẽ chùi sạch những gì nó vừa thốt ra trong cơn kích động.