Chiều hôm đó cô Trinh lại một mình quay trở lại xóm lao động nghèo nơi mẹ con Quới Lương cư ngụ. Lần này quen đường thuộc lối, cô không phải dọ dẫm lần mò như hôm qua. Nhưng cô Trinh không đến thẳng nhà Quới Lương mà dừng xe trước căn nhà có cánh cửa gỗ màu xanh đầu hẻm. Thấy có khách, một phụ nữ đẫy đà lật đật bước ra, vồn vã: -Mời cô Trinh ngồi! Cô dùng chi ạ? Đây ắt hẳn là bà Ba cháo lòng! Cô Trinh thầm đoán và mỉm cười đáp: -Thưa bác, cháu không đói ạ! Bà Ba chưng hửng: -Ủa, thế không phải cô vào đây ăn cháo hả? -Dạ không ạ! – Cô Trinh lễ phép – Cháu vào đây định nhờ bác một chuyện! Cặp mắt của người đàn bà vẫn mở to: -Chuyện gì thế cô Trinh? Chắc cô Trinh định tìm nhà ai trong xóm này phải không? -Dạ cũng gần như thế! Cháu định nhờ bác đi nhắn dùm một người đến đây gặp cháu! Bà Ba “à” một tiếng rồi vui vẻ chỉ tay vào chiếc ghế cạnh đó: -Vậy cô Trinh ngồi nghỉ đi! Để tôi đi kêu cho! Nói xong, bà Ba hấp tấp rảo bước ra cửa. sự nhanh nhẹn của bà chủ quán khiến cô Trinh hoảng hốt. Cô quýnh quíu gọi: -Khoan đã, bác ơi! Cháu đã kịp nói cho bác biết cháu định nhắn ai đâu! Bà Ba đáp một cách tự tin, chân vẫn không ngừng bước: -Không cần nói tôi cũng biết! Cô giáo định nhắn mẹ thằng Quới Lương chứ gì! Cô Trinh lập tức ngẩn người ra. Mãi đến khi bà Ba đi khỏi một hồi lâu, cô Trinh mới thôi sững sờ và đoán ra được bà đã được mẹ Quới Lương dặn dò trước về sự xuất hiện của cô Trinh. Khi bà quay lại, mẹ Quới Lương đã thấp thoáng phía sau. Vừa thấy cô Trinh, mẹ Quới Lương đã buột miệng hỏi ngay: -Cô giáo! Có việc gì mà cô phải quay ngay lại thế? -Bác ngồi xuống đi! – Cô Trinh nhoẻn miệng cười và đợi cho mẹ Quới Lương ngập ngừng ngồi xuống chiếc ghế đối diện, cô thủng thỉnh tiếp – Sáng nay cháu đã trình bày hoàn cảnh của gia đình bác với ban giám hiệu nhà trường và cuối cùng hội phụ huynh học sinh đã đồng ý phụ giúp nhà ta mỗi tháng hai trăm ngàn, hi vọng sẽ giải quyết được phần nào khó khăn để em Quới Lương có điều kiện tiếp tục việc học tập! Nói xong, cô Trinh cho tay vào túi xách lấy ra hai trăm ngàn đựng trong bao thư nhẹ nhàng đặt vào tay người đàn bà trước mặt, ân cần nói: -Bác cứ cầm lấy đi! Số tiền này thật ra cũng không nhiều nhặn gì đâu! Mẹ Quới Lương cảm động cầm phong thư. Bà nói và nghe mắt mình ươn ướt: -Nhiều lắm, cô giáo! Đối với tôi là nhiều lắm! Tôi tuy ít học nhưng cũng biết câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà, cô giáo! Cô Trinh tự dưng cũng nghe sống mũi mình cay cay. Cô phải giả vờ nhìn ra cửa. Tiếng mẹ Quới Lương lại rụt rè vang lên: -Cô bảo nhà trường sẽ cấp cho mẹ con tôi mỗi tháng hai trăm ngàn hả cô Trinh giáo? -Dạ. Mẹ Quới Lương chép miệng xuýt xoa: -Nhà trường đối xử với học sinh như thế thì tốt quá! Nhưng liền sau đó, bà bỗng lộ vẻ ngại ngần: -Nhưng không được đâu, cô giáo! Nếu tháng nào cũng nhận tiền của nhà trường tôi thấy kỳ quá! – Rồi không để cô Trinh trấn an, bà nói luôn, vẻ kiên quyết – Tôi đã tính rồi, cô giáo! Sắp tới, sức khỏe suy yếu, không buôn gánh bán bưng được thi tôi bắt chước bà Ba cháo lòng đây sửa sang lại nhà cửa cho thông thoáng một chút rồi mở quán xôi chè bán cho bà con trong xóm. Trước mắt, tôi chỉ xin làm phiền nhà trường chừng hai, ba tháng thôi. Sau đó, làm ăn khấm khá, tôi sẽ hoàn trả lại khoản tiền mà nhà trường đã giúp mẹ con tôi! Suy nghĩ và tấm lòng của mẹ Quới Lương khiến cô Trinh vừa cảm động lại vừa buồn cười. Cô Trinh âu yếm bóp chặt aty bà: -Những dự định của bác theo cháu là rất hay! Nhưng bác không cần phải nghĩ đến chuyện hoàn trả các khoản tiền mà nhà trường phụ giúp cho nhà ta đâu! Chẳng ai lại làm như vậy cả! Cuộc gặp gỡ lần thứ hai với mẹ Quới Lương càng nung nấu quyết tâm mở lớp dạy thêm của cô Trinh.