Bản dịch: BÙI GIÁNG
Chương 5

Ngày hôm sau, khi trời âm u nặng nề hơn cả ngày trước. Lúc tôi trở giấc dậy, cảm thấy tâm hồn bàng hoàng khôn tả. Vì sắp tới lúc phải tới hội ước với cô gái kia. Người đọc sách tới đây, ắt nghĩ rằng tôi đang bị vướng thân vào trong tấm lưới tình bối rối, và như vậy là đang lâm vào hiểm họa trở ngại cuộc thanh tĩnh pháp lưu. Làm tỳ kheo mà vướng víu tâm hồn như thế thì ắt phải tiêu ma đạo hạnh thanh tu vậy. Kỳ thực, hằng ngày tôi vẫn tâm tư niệm tưởng: Mình là thuộc sa môn đạo pháp, thì sống vào cõi tục, dù sao cũng giữ gìn hạnh kiểm nết na, há đâu có hại gì mà lo sợ. Nào tôi đâu có ngờ tới những việc về sau! Tự thân tôi sẽ chịu những giày vò bứt rứt nào, tôi đâu ngờ ra được. Dần dà sẽ kể lại độc giả rõ đầu đuôi.
Tôi bước ra khỏi nhà, chính lúc đó, lòng tôi trào dậy muôn loại hoang mang sầu muộn hồi hộp phập phồng. Thôn làng ven sông đang tế lễ Hàn thực, mưa gió phiêu hốt chan hòa khắp mọi ngả. Tôi đưa mắt nhìn bốn bề, lòng tôi xao xuyến một trận dị thường. Thầm nghĩ rằng cảnh vật u buồn ra như thế, quả thật chẳng là điềm lành. Rồi suy gẫm rằng cô tiểu thư kia ước định tương phùng như thế, ắt là có duyên do xa vời nào. Nếu không gì hết cả, thì sao có tiều thư lại từng rõ biết tính danh tên tuổi của tôi.
Huống nữa là hôm qua chợt nhìn thấy mặt ngọc đầy vẻ đơn sơ thanh đạm trang nhã, phương dung tuyệt nhiên không có gì giống như những vẻ đẹp thông thường hấp dẫn! Há đâu có thể là một phường một loại với những dung hạ lưu nham nhở!
Tôi vừa bước đi vừa suy gẫm, chẳng bao lâu đã tới chỗ đất đai hôm trước, ở bên dưới khung cửa sổ màn lụa xanh lơ. Tôi đứng bần thần khá lâu. Trước sau chẳng thấy động tĩnh gì hết.
Tôi còn đang trầm ngâm trong cuộc, tự nhủ “chẳng lẽ nào cô gái nọ lại có ý giỡn cợt chế giễu ta chăng”. Rồi nghĩ lại những lời cô đã thốt, thì thấy mỗi lời mỗi tiếng đều là lời chí tình, sao còn có thể hồ nghi gì cho được?
Lúc mưa gió bắt đầu tạnh chút ít, cô gái hôm nọ chợt mở cửa ra, chẳng nói chẳng rằng, chẳng mỉm cười cười mỉm gì hết cả, lặng lẽ tới trước mặt tôi, và đưa hai tay ra với một phong thư nặng trĩu cả bàn tay. Tôi vừa định mở miệng hỏi, thì cô gái đã quay gót. Tôi vội vã bóc phong thư ra xem, thì thấy bao đầy vàng bạc. Lòng tôi hoang mang nghi hoặc, dòm kỹ thấy còn một tờ thư viết cho tôi. Hỡi ôi! Xem thư xong, tâm hồn tôi dao động xao xuyến dị thường, cõi lòng như tan nát. Thư viết thế này:
Thiếp là Tuyết Mai, đem nước mắt hòa mực mà viết lá thư này trân trọng gởi Tam Lang.
Trước đây, em nghe người ta nói anh Tam Lang đã cạo đầu tóc mà đi tu, làm một ông tỳ kheo trong cửa Phật. Em vốn nghĩ rằng tính tình anh vốn kiên trì với cái cõi cô đơn (cô đơn là tính chất, chất hằng đơn cô) nên em tin ngay lời thiên hạ đồn đại. Em đau đớn mấy phen toan kết liễu tính mệnh mình. Đêm đêm tịch mịch nhớ anh, mà trong cơn mộng tìm không ra lối về tương kiến. Sống đã ra như thế, còn nói chi được nữa cái kiếp sống thừa! Gần đây, suốt mấy buổi mai, chợt nghe ra trong giọng rao bán cỏ hoa một âm thanh kỳ lạ em kinh hoàng nhận rõ đó là âm thanh dội từ đáy lòng tâm sự của anh Tam Lang. Ngày xưa thuở em còn bé, đã từng được hai bên gia đình hứa gả con cho nhau, em đã gặp anh một lần, thì cảnh trạng cho tới ngày nay em vẫn còn chôn chặt trong tâm khảm. Cho tới buổi sáng vừa rồi, đứng sau song cửa nhìn thấy anh, em biết rõ đó chính là Tam Lang của em. Lúc bấy giờ, em cảm thấy hồn bay bổng mất đi đâu. Em không còn hiểu gì ra gì được nữa. Lòng rộn ràng xao xuyến quá, liên tồn bất khả tự trì. Em muốn chạy thẳng ra trước mặt anh mà trần tình tâm sự nhưng danh nghĩa không cho phép. Nên đã sai tỳ nữ mạo muội bước ra bước ra hỏi han, khiến cho anh hoang mang như thế, em xin anh Tam Lang hãy thương em mà thứ lỗi cho.
Kể từ ngày mẹ em qua đời cho đến ngày nay, em sống linh đinh sầu khổ, chẳng thiết chi tới sinh thú ở đời. Người mẹ ghẻ chẳng chút ân đức nào cả, chỉ thấy lợi mà quên tình nghĩa, xúi giục người cha già nua của em hủy bỏ cuộc ước định đính hôn ngày trước đi, và hãy nghĩ tới chuyện đem gả em cho một kẻ khác. Hỡi ôi, Tam Lang! Lòng em chung thủy thế nào, vẫn tồn liên không dời đổi một chút cỏn con nào cả. Nếu một ngày em bị cha mẹ áp bức phải lấy một kẻ nào không phải Tam Lang, thì em chỉ còn một bước đi đứng mà thôi. Ấy là vào cõi quyên sinh vậy. Thì em dẫu có thịt nát xương mòn đến ngàn vạn kiếp, trái tim của em vẫn chỉ biết có anh Tam Lang của em mà thôi. Trời xanh ở trên cao kia có đoái tưởng mà che chở cho em chăng trong những ngày điêu đứng này em cũng chẳng cần chi biết tới nữa.
Dè đâu hôm nay ngẫu nhiên run rủi em thấy mặt anh trở lại, mới hay rằng Tam Lang của em chưa đến nỗi nào. Cảm thấy lòng trời bao dong, Thượng đế hiền từ rất mực, thì lòng em vui mừng biết lấy gì cân hoặc đo ra cho đầy đủ. Than ôi! Vũ trụ mang mang càn khôn rộng rãi, doanh hoàn thế giới bao la, khắp mười phương quốc độ, nếu em bỏ anh, thì em còn biết bám vào ai được nữa! Dẫu rằng biển cạn đá mòn. Dẫu rằng sông dứt còn đàng tới lui… Hình hài xương xẩu của em có thể chỉ như là một sợi tơ mỏng manh, nhưng tình yêu trong máu của em thì thật là liên tồn bát ngát. Nay em xin biếu anh trăm đồng vàng gọi là chút quà mọn phụng trình, mong manh sớm mua vé đáp tàu về Nhật Bản viếng phu nhân và bàn bạc với phu nhân về cuộc tình duyên của chúng ta. Em đã trăm phen ngàn bận suy nghĩ về việc này, chỉ xin anh rủ lòng thương liên tồn chiếu cố. Em đang ở trong cảnh cư tang phụ thân, không thể giãi bày tỉ mỉ, chỉ xin anh bảo trọng thân thể trên dặm đường dài
”.
Nay kính thư
Tuyết Mai.
Té ra hỡi ôi! Tuyết Mai là vị hôn thê của tôi vậy. Nhiên như thế thì tôi há đâu có thể bỏ rụng rơi nường được. Mà bỏ rụng nường để ôm gói cô độc đi đâu? Đi vào chùa mà bộc bạch với cửa “Không” về cái sự ngổ ngang của mình ra như thế! Như Lai ôi! Bồ Tát ôi! Con xin giũ áo tỳ kheo của con vậy. Như Lai Bồ Tát hãy thể niệm cái cõi lòng đó của con mà đừng có lôi cuốn con vào trong cửa “Không” để hành hạ giày vò con suốt tam sinh làm chi như thế ra chăng nhẽ!!! Rừng Tía mà chi!! Tử Trúc Lâm mà chi! Ăn nhằm vào đâu mà chi cho đáng chứ! Cả rừng cả rú, cả sơn thụ cả lâm tuyền. Con xin trút giũ thảy thảy hết trở lại cho Như Lai, để suốt một bình sinh đi theo dấu chân liên tồn của Tuyết Mai tiên nữ. Nếu con không làm như thế, thì oan nghiệt ngập trời còn ai có thể đảm đương giúp được cho con đó chăng ru? Suốt mười phương quốc độ, còn đâu không dội tiếng than van của một kẻ đã lầm đường còn liên tồn tiếp từng phen lạc lối? Độc giả ắt từng có phen nghĩ rằng tôi là đứa hồ đồ, mang áo cà sa vào mình giữa một bể hận mông mênh, trời tình bát ngát như thế thì đích thị tôi là đứa bất cận nhân tình nhân sự nhân vụ ở giữa cái khoảng nhân gian. Nhưng mà thật ra vốn từ xưa, tôi đã đành cạo trọc cái đầu khoác áo cà sa vào thân thể để đi tu, thì đó chẳng qua chỉ là một cái phương sách tình nghi đắc dĩ, miễn là khả dĩ bảo tồn được cho cái sinh mệnh Tuyết Mai đó mà thôi.
Vì nên thử nghĩ rằng Tuyết Mai vốn nòi kỳ nữ miêu cương, ôn tồn bát nhã “cổ đức u quang, nghiêm dong cựu hạnh”. Tôi xin bây giờ nói cho độc giả rõ rằng là người cha Tuyết Mai vốn là bạn thân của nghĩa phụ tôi. Lúc nghĩa phụ tôi chưa lìa trần. Cha Tuyết Mai đã cùng nghĩa phụ tôi hứa gả Tuyết Mai cho tôi, từ cái thuở nàng còn liên tồn bé bỏng (sau này mới chậm rãi lớn rộng dần ra).
Nhưng rồi về sau cha của nàng nhận thấy rằng gia đình nghĩa phụ tôi vận mệnh càng ngày sa sút, còn người mẹ tôi thị bặt vô âm tín; ông ấy mới nảy sanh ra niềm hối hận ăn năn, muốn hủy bỏ lời hứa hôn ngày trước. Nhưng nàng Tuyết Mai cao nhã huy hoàng ra như thế, há nhiên đâu có thể can tâm điềm nhiên phụ ước. Thế rồi cha nàng và mẹ ghẻ của nàng đều chẳng đoái hoài lân mẫn chi tới đứa con gái, cứ bừa bãi coi con gái chỉ như nhiên là một cái món đồ hàng hóa trao đổi bán buôn mà thôi. Liên tồn tình yêu? Cái đó đâu có nghĩa lý tí ti nào đối với những bậc phụ mẫu mẹ cha của con cái? Chỉ cần là làm sao bán món hàng cho được cao cái giá mà thôi. Trước cái sự thể nó ra như thế về cái uy quyền hà khắc kia của phụ mẫu, thì một cô con gái yếu đuối còn đâu chốn đâu nơi, đâu chỗ, mà đặt cái miệng vào thốt cái lời cho ra cái tiếng? Dẫu rằng một tiếng thỏ thẻ nho nhỏ hoặc cỏn con mà thôi?
Từ đó Tuyết Mai chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay (và tiêu hóa giấm ớt) trong bụng dạ nàng mà  thôi. Không thể bày tỏ được nỗi lòng với ai cả. Đó quả thật là điều người ta vốn bảo rằng: nỗi ai oán của những đứa con gái mồ côi kia, xét ra chỉ còn một cách là mang chở cái khối nặng xuống địa phủ để trình bày với phụ mẫu và Diêm Vương. Thì như thế còn yên vui sung sướng hơn là sống vật vờ ở dương gian kéo dây dưa cái cuộc đời nham nhở vậy. Điều đó, nếu không tự thân mình mẩy hình hài thể nghiệm, thì ắt chẳng thể nào hiểu được.
Trong lúc đó, tôi lớn lên dần dần. Lâu ngày chẳng đặng cùng Tuyết Mai tương kiến. Chẳng có duyên cơ nào hội nào để chứng minh tình yêu trong linh hồn của nhau một phen nào cả. Nhiên như thế, một lần nhìn ra cái tình huống kia, thì lòng tôi phiền muộn không thể nguôi được. Âm thầm suy gẫm, xét ra chỉ còn có một lối xuất gia quy y cửa Phật là khả dĩ dập tắt ngọn lửa thiêng liêng trong máu me yêu đương của trái tim và hai lá phổi của hồng nhan mỹ lệ kêu gào. Và khiến cho giai nhân từ đó có thể yên tâm mà tìm ra hạnh phúc gia đình chắp nối với kẻ khác cái dây dưa dằng dặc. Nếu không làm thế, ắt cô gái tuyệt diễm danh muội kia phải ôm cái mối buồn bã rũ rượi chầy chầy mà khô héo mất cái tấm thân ngà ngọc chết đi, há có thể nào như thế được? Há chẳng nhận thấy sờ sờ rằng phụ mẫu của nàng tham lợi mà đâm ra ám trí óc, cam chịu để cho cốt nhục máu mủ mình tan rã theo bụi cỏ lá cây, hơn là đem mà gả cho một thằng người ngợm đói rét đười ươi là cái đứa tôi đây?
Lúc bấy giờ tôi còn là đứa nhỏ tuổi khí thịnh máu hăng, xương xẩu dữ tợn, tôi đã quay đầu ngoảnh mặt mà đi, phiêu nhiên mà bước, tìm tới gõ cửa chùa Thường Tú tại Quang Châu, khẩn cầu Tán Sơ trưởng lão cho phép tôi nhập môn, và trưởng lão đã chấp thuận cho tôi vào làm “Biển Ô Sa Di”. Còn cô Tuyết Mai, thì tôi đã âm thầm phó thân phận bạc mệnh của nàng cho hồng ân. Như Lai Phạm Thiên Đế Thích, tha hồ Thích Ca xử trí nào ra sao thì mặc Thích ca ra nấy (ra thế).
Những chương sách trên đây thuật lại nỗi niềm tưởng niệm thân mẫu lúc tôi ở tại chùa tức là sự tình nông nổi mấy tháng sau ngày tôi vào chùa vậy.