Cảnh 2

 Cổ Loa. Một bãi tập bắn ở ngoài thành nội. Nhiều tốp nam nữ tập bắn 
nỏ.
 
TRỌNG THỦY (lân la đến gần một tốp): -Chào chư vị.
ÔNG NHỘN: -Không dám. Chào cậu-hoàng-tử Trọng Thủy. Cậu hoàng tử có đôi hia đẹp quá. Nhưng đất ở đây trơn lắm đấy ạ.
TRỌNG THỦY: -Chư vị vui quá nhỉ.
ÔNG NHỘN: -Vui chứ. Chúng tôi đang tập bắn mèo rừng.
BÀ SÀNH: Không phải mèo rừng đâu. Nó là mèo nhà bỏ đi hoang lâu ngày rồi thành cáo đấy.
TRỌNG THỦY: -Các vị có bắn được chim đang bay không?
ÔNG NHỘN: -Chim cuốc đang lủi chúng tôi cũng bắn được.
TRỌNG THỦY: -Bắn chim đang bay khó nhiều chứ?
BÀ SÀNH: (trỏ về phía Nàng Sen): -Hôm trước diều hâu đang bay dòm dỏ gà con, Nàng Sen của chúng tôi bắn một phát xuyên đầu đấy.
Trọng Thủy thấy tốp Mị Châu, Nàng Sen bèn đi tới.
 
TRỌNG THUỶ (thi lễ): -Kính chào hai công nương. Chà! Nhìn trưởng công chúa giương nỏ tôi ngỡ như được thấy nàng Lộng Ngọc nâng ngọc tiêu của Tiêu Lang, mà lại thêm nét hào hùng. Không biết nên thêm chữ gì vào bốn chữ “yểu điệu thục nữ” cho thật xứng?
MỊ CHÂU: -Tôi cầm nỏ còn vụng lắm, chẳng ra gì đâu.
TRỌNG THỦY: -Cái đẹp không ở chỗ bắn vụng hay thạo. Vả chăng, chức thiện xạ không hợp với các bậc kim chi ngọc diệp như hai công nương.
NÀNG SEN (khó chịu): -Nghĩa là công tử muốn chúng tôi coi cái nỏ chỉ là một thứ trang sức thôi phải không?
TRỌNG THỦY: -Không... à mà... nghĩa là giá các công nương cầm đàn tì bà thì còn tuyệt hảo nữa kia. Hơn nữa, chỗ của các công nương là lầu son gác tía.
NÀNG SEN (nói buông sõng): -Chúng tôi không là những con chim suốt ngày rỉa lông trong lồng. (Nói với Mị Châu) Ta về dệt lụa tiếp đi chị.
Cả hai ra. Trọng Thủy nhìn theo chưng hửng, rồi lại gần một tốp khác.
 
TRỌNG THỦY: -Các vị cho tôi tập bắn với nào.
MỘT NGƯỜI: -Hoàng tử quen bắn cung mà.
TRỌNG THỦY: -Phải. Phương bắc thường dùng cung. Cung thuận tiện hơn nỏ. Mang xách dễ mà lại bắn được nhanh.
MỘT NGƯỜI KHÁC (bị khích): -Nhưng nỏ bắn được xa, xuyên mạnh, dễ trúng đích, nhất là có thể bắn nhiều tên một lúc. Quân Triệu hẳn biết rõ.
TRỌNG THỦY (chỉ cái nỏ trên tay người kia): -Nỏ này thì chỉ bắn phát một chứ mấy.
NGƯỜI THỨ HAI: -Nỏ này chỉ bắn tập thôi.
TRỌNG THỦY: -À, tôi hiểu rồi. Bạn muốn nói nỏ thần phải không?
NGƯỜI THỨ HAI: -Nỏ thần thì đã đành. Không chỉ nỏ thần.
TRỌNG THỦY (làm ra vẻ ngờ nghệch): -Lạ nhỉ! Tôi tưởng trên đời này chỉ có nỏ thần là lợi hại hơn cung mà thôi. Bạn không nói vui đấy chứ?
NGƯỜI THỨ HAI (bực mình): -Được rồi! Tôi sẽ...
 Ông Nhộn từ nãy đã lắng nghe, vội tới gần.
 
ÔNG NHỘN (vỗ vai người kia): -Này Tam! Cung hơn đứt nỏ, há lại không biết hay sao mà dám khua môi trước cậu-hoàng-tử?
TAM (trợn mắt): -Hơn là hơn thế nào?
ÔNG NHỘN: -Ấy có sự tích đấy.
TAM (tò mò): -Sự tích gì?
ÔNG NHỘN (vừa nói, vừa nghĩ): -Sự tích thế này. Số là... E hèm! Số là ngày xửa ấy mà... Ngày xửa, ngày xưa có hai anh em làm được một đám nương quanh nhà rất chi là tốt. Ấy thế là chim muông kéo đến phá phách loạn cả lên.. Hai anh em đánh bẫy không xuể. Người em bèn ngồi khóc. Thần mới ban cho hai cái nỏ. Hai anh em chỉ việc ngồi trên sàn nhà bắn ra. Chim muông tan tàn tác cả. Người em quen mui mới vác nỏ đi bắn gia cầm hàng xóm. Người ta kiện lên tận trời. Ngọc hoàng thượng đế mới sai thần Sét xuống phân xử. Thần Sét  nổi giận lôi đình, -thiên lôi mà! thiên lôi thì bao giờ chẳng sẵn sàng nổi giận, bèn giật lấy cái nỏ trong tay người em quẳng vút về phương Bắc. Thằng em vừa khóc, vừa chạy đi tìm nhặt. Hắn chạy ròng rã một tháng trời thì vừa vặn chiếc nỏ rơi xuống, suýt trúng đầu hắn ta. Vì thần Sét ném mạnh quá nên thân nỏ bị gẫy rời ra chỉ còn cánh nỏ và dây nỏ. Thằng em ngồi khóc suốt một ngày mà không hết đói bụng, đành xách phần còn lại của cái nỏ đi kiếm con chim, con chuột đặng lấy sức mà ngồi khóc tiếp, -khóc để bắt đền thần Sét mà! Không dè hắn ta phát hiện ra rằng nếu giữ nhà thì cái nỏ thật đắc dụng; nhưng để đi ăn trộm, ăn cướp thì cái thân nỏ đâm vướng. Một lần, bị đuổi đánh, hắn ngã sấp, ngã ngửa, cứ vừa chạy vừa giương cánh nỏ bắn văng mạng lại phía sau. Thế mà thoát được đấy! Hắn đâm ra hàm ơn thần sét, và nghĩ cách chế thành cái cung. Hắn trở thành Cung-tổ-sư. Nghe đâu hắn còn sống tít tận đâu phương bắc ấy. Cậu-hoàng-tử thấy chuyện có li kì không!
TRỌNG THỦY: -Tôn ông kể chuyện thú vị thật! Nhưng e đó chỉ là chuyện bịa thôi.
ÔNG NHỘN: -Chuyện đời xưa thì dù có bịa cũng nhằm chuyện thật. À mà vừa rồi hình như có một ông cũng đội mão đi hia gần giống cậu-hoàng-tử đang đi tìm ai ở đằng kia đấy.
TRỌNG THỦY: -Vậy à? Thôi, xin chào chư vị (ra).
ÔNG NHỘN (chờ Trọng Thủy đi khuất, nói với Tam): -Không nhớ Cao tướng quân ra nghiêm lệnh gì à?
TAM: -Nhưng mà hắn ta cứ khoe cái cung của nhà hắn.
MỘT NGƯỜI: -Anh ta có khoe khoang gì đâu. Nom anh ta hoà nhã đấy nhỉ. Một cậu con vua cơ đấy!
TAM: -Đã đem thân đi làm con tin không hoà nhã mà được! Nếu hắn tỏ ra biết điều thì cũng nên chỉ vẽ cho hắn.
BÀ SÀNH (cũng đã đi đến gần): -Thôi! Thôi! Biết người biết mặt biết lòng làm sao. Anh ta giả bộ ngây ngô để moi ruột ta đấy. Đừng có mà ba hoa! (Nói với ông Nhộn) Từ xửa tới giờ mới thấy cái nhộn của ông được việc đó.
ÔNG NHỘN: -Hề, hề,...