Mọi sai lầm lớn của Mao những năm cuối đời, như giết hại công thần, gây bè phái trong đảng, bám chặt lấy chế độ lãnh đạo suốt đời và gia đình trị, dung túng phe đảng Giang Thanh, đều thuộc thuật cầm quyền của vua chúa.Từ Đại hội 7 ĐCSTQ (1945), Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai là trợ thủ chủ yếu của Mao. Họ hiểu nhau, nhất trí về tư tưởng và đường lối, phối hợp rất ăn ý, vinh nhục có nhau. Nhưng sau khi vào Trung Nam Hải, môi quan hệ thân thiết ấy dần dần thay đổi. Lưu và Chu ngày càng thấy khó nắm bắt được ý đồ của Mao, ngày càng thấy lo ngại, phải thận trọng giữ gìn từng ly một. Cao Cương phụ trách 3 tỉnh Đông Bắc, là ngôi sao mới nổi lên thời kỳ đầu thành lập CHND Trung Hoa, thuộc phái thân Liên Xô, Mao cần dựa vào ông ta để khai thông quan hệ với Stalin. Tháng 6-1949, khi cùng Lưu Thiếu Kỳ và Vương Gia Tường sang Liên Xô thông báo tình hình và xin viện trợ, Cao Cương đã đề nghị sáp nhập 3 tỉnh Đông Bắc thành nước cộng hoà thứ 17 của Liên Xô. Nhận được báo cáo của Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông nổi giận, gọi Cao Cương về nước ngay.Nhưng khi họ Cao có mặt tại Trung Nam Hải, Mao lại vỗ về, hứa cho Cao giữ chức Phó Chủ tịch nước. Tiếp đó Mao điều Cao Cương lên trung ương, cử giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, đưa 15 cán bộ cấp cao như Trần Vân, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, Lý Phú Xuân… về Uỷ ban này làm việc dưới quyền Cao Cương.Trong khi đó, Mao vẫn cho Cao Cương kiêm nhiệm 4 chức vụ chủ chốt ở Đông Bắc (Bí thư thứ nhất đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban quân chính, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu). Mao lại cho phổ biến rộng rãi “kinh nghiệm Đông Bắc”, tỏ ra ngày càng không tin cậy Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai… Tất cả những động thái đó khiến Cao Cương lầm tưởng rằng ông ta có vị trí và vai trò đủ để thay thế Lưu Thiếu Kỳ, khi Mao đi theo đường lối thân Liên Xô. Ông ta vẫn mưu toan dựa vào Stalin để củng cố thế đứng cho mình. Cao Cương và bạn đồng minh chủ yếu là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nhiêu Thấu Thạch tưởng đã nắm được ý đồ của Mao, họ trở thành những nhân vật quan trọng trong làn sóng ngầm chống Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai do Mao phát động. Nào ngờ, Stalin vừa qua đời, Mao liền tính sổ họ ngay với vụ án “Tập đoàn chống Đảng Cao Cương - Nhiêu Thấu Thạch”. Mao chẳng những trừ khử Cao-Nhiêu, mà còn làm suy yếu Lưu Thiếu Kỳ-Chu Ân Lai. Thủ đoạn của Mao lợi hại và đáng sợ đến mức các cán bộ cấp cao run rẩy, dù được tin cậy hay bị nghi ngờ, chỉ có tuyệt đối trung thành với Mao mới có thể giữ mình.