Chương 13

DANH KHÔNG NGỦ TRƯA.
Nó lần ra bến dò Thuận Giang. Hôm nay Danh theo bố con ông Nghị tới tận làng Mỹ Lương, thánh địa Hòa Hảo. Cái cù lao nhỏ này nằm bên bờ Tiền Giang, nơi ông ông Huỳnh Phú Sổ ra đời và lớn lên đã trở thành Đức Thầy của hàng triệu tín đồ Hòa Hảo.
Sống ở vỉa hè Sài Gòn, mắt Danh đã quen nhìn những con người văn minh. Nay xuống Hòa Hào, gặp những người đàn ông tóc lòa xòa ngang vai và mặc áo bà ba đen, Danh có cảm tưởng nó đã gặp những người này trong tuồng cao bồi có lính Mỹ đánh nhau với mọi da đỏ.
Nhưng nhìn riết cũng quen mắt, Danh bớt sợ và nó lén ông Nghị một mình thủ con dao của thằng Quyền ra bến đò Thuận Giang chơi. Đứng ngắm sông nước một lúc, Danh trở vào đình làng Mỹ Luông.
Trong sân đình, một vài đứa trẻ con nhà quê đàng đùa rỡn nhau. Danh không thèm để ý tới bọn nhãi này. Nó kiếm một thân cây phẳng phiu, rút trong túi ra một miếng phấn, vẽ hình thằng người lên.
Danh không biết vẽ. Hình người của nó trông buồn cười lắm. Bọn nhãi con ngừng đùa rỡn, bu quanh Danh. Khi nhận được Danh là “con” người sơn đông, chúng nó lè lưỡi, nhăn mặt có vẻ khiếp phục lắm.
Một đứa hỏi Danh:
- Mày tính làm trò gì đây?
Danh nín thinh, nó móc con dao của thằng Quyền bấm rắc một cái. Lưỡi dao bật ra. Danh lùi lại ba bước. Nó cầm mũi dao phóng biểu diễn một đường. Lưỡi dao cắm phập váo thân cây nhưng không trúng hình người. Tuy vậy, bọn trẻ con cũng vỗ tay hoan hô ầm ỹ. Cao hứng Danh cởi áo. Hình trên cánh tay nó nổi bật dưới ánh nắng. Bọn nhãi con đứa nọ nói với đứa kia:
- Thằng nhỏ xâm mình hả mày?
Danh tiến lại chỗ thân cây. Nó vẽ hình trái tim giống hình quả xoài vào giữa ngực hình người rồi nói với bọn nhãi:
- Tụi bay biết thằng nào đây không?
Bọn nhãi con ngơ ngác. Danh khuyến khích:
- Đứa nào đoán trúng tao làm trò ảo thuật cho coi...
Một thằng đáp:
- Tây hở mày?
Danh cười:
- Tây phải mũi lõ chứ thằng này mũi tẹt mà.
Thằng khác giơ tay:
- Tao biết rồi, phải thằng Việt Minh không?
- Trật lất, thằng Quý đen đó.
Bọn nhãi con ngẩn tò te, nuốt nước bọt tiếc rẻ đã chẳng đoán trúng để dược xem thằng “con” người sơn đông làm trò ảo thuật. Danh đã lùi khỏi thân cây ba bốn bước. Nó hỏi:
- Đố tụi bay tao có phóng dao trúng tim thằng Quý đen không?
Bọn nhãi con cùng hét:
- Trúng chứ, mày phóng giỏi thấy mồ...
- Nhỡ tao phóng trật thì sao?
- Thì thôi.
Danh nhích chân lại một chút. Nó co chân phải lên, cầm mũi con dao ngắm nghía. Nó kéo tay về phía sau, sắp sửa phóng mũi dao thì mũi dao đã cắm phập vào tim Quý đen. Và một chuỗi cười ròn:
- Ngắm lâu thế thì trật rồi, chú ạ!
Danh cụt hứng quay lại. Nó đã biết người vừa chê nó. Danh bẻ lưỡi dao rồi đút vội vào túi. Ông Nghị trách Danh:
- Không ngủ trưa hả, cháu?
Danh bối rối:
- Cháu không buồn ngủ ạ!
Bọn nhãi con thấy người sơn đông, sợ ông ta làm phép hóa thành quả trứng, rủ nhau chuồn vào. Sân đình còn có hai người khách lạ, một già một trẻ. Ông Nghị nói:
- Gặp rắn, cháu ngắm nghía lâu thế thì rắn nó đã nhảy tới mổ vào người cháu rồi.
Danh chạy tới hình Quý đen rút mũi dao nhà nghề của ông Nghị khỏi trái tim Quý đen. Nó thấy hình như máu Quý đen phọt ra. Danh đưa dao cho ông Nghị, nằn nì:
- Bác dạy cháu phóng dao đi!
Ông Nghị xoa đầu Danh:
- Có thật cháu muốn lên Ban Mê Thuột không?
Danh gật đầu:
- Cháu muốn lên Ban Mê Thuột, bác ạ!
- Rồi cháu tính làm gì ở trên đó?
Danh quay mặt đi chỗ khác để che giấu khuôn mặt đang sắp đặt sự nói dối của nó. Nó chưa kịp trả lời thì ông Nghị đã quàng tay lên vai nó:
- Vào chỗ kia bác nói chuyện này cho cháu nghe!
Danh nghe theo ông Nghị lại gốc cây xoài. Khi hai người đã ngồi xuống, ông Nghị rút bao “Ách chuồn” mười điếu mời Danh:
- Cháu hút một điếu.
- Cháu bỏ thuốc lâu rồi ạ!
- Thì hôm nào hút một điếu chơi, không ghiền thôi chứ sao.
- Dạ, cháu không hút.
- Cháu nhất định không hút à? Tại sao đang hút thuốc cháu lại bỏ?
- Từ hôm thằng bạn cháu chết, cháu hết muốn hút thuốc.
- Kỳ vậy?
- Cháu không còn đứa nào để khoe thuốc “Ách chuồn” ngon nữa.
Ông Nghị gật đầu. Ông rút điếu thuốc cắm vào môi rồi châm lửa đốt. Nhả một hơi khói, ông Nghị nói:
- Bác đã có hồi ngủ vỉa hè, chung với bọn trẻ con đánh giày. Cháu đi theo bác chắc khổ sở lắm nhỉ!
- Không ạ!
- Cháu không được nói cái gì cháu thích nói. Bác thấy cháu cũng khó khăn lắm. Cháu sắp lên rừng vậy có biết thú rừng không? Con ngựa chẳng hạn...
- Không ạ!
- À, con ngựa rừng nó chạy nhởn nhơ. Nó cậy nó là ngựa hoang không chủ, muốn hí thì rướn cổ, co hai cẳng trước lên hí. Muốn nằm thì nó kiếm chỗ nằm cựa quậy cho sướng thân. Nhưng rồi người ta bắt được nó, mang nó về đồng bằng, dạy dỗ nó, đặt yên lên lưng nó, đóng hàm thiếc vào miệng nó, đóng móng sắt vào chân nó, bịt mắt nó hết nhìn ngang và làm những công việc nó không thích.
Danh ngây ngô:
- Cháu chẳng hiểu gì!
Ông Nghị cười:
- Cháu đâu có thích đi làm sơn đông bán thuốc, phải không?
Danh liếm môi dưới:
- Cháu thích theo bác và em Thảo.
- Theo bác đâu có sướng bằng hồi cháu sống ở vỉa hè?
Danh cảm thấy thèm khóc quá. Giá nó khóc được thì sướng biết mấy. Ông Nghị nhìn đôi mắt đỏ hoe của Danh, vuốt tóc nó.
- Cháu muốn khóc à?
Danh òa lên khóc. Nó gục đầu vào lòng ông Nghị, nức nở:
- Cháu đâu có thích ở vỉa hè, tại ba má cháu chết, chú thím cháu đuổi cháu đi...
Trong nước mắt, Danh nhìn rõ thằng Quyền đang đứng trước mặt nó. Thằng Quyền cầm con dao, phóng vào thân cây dừa. Nó nghe rõ thằng Quyền mỉa mai nó, bảo nó còn khóc thì khó lòng giết nổi Quý đen. Danh ngẩng đầu lên, vén áo thun lau ráo nước mắt.
Ông Nghị đập khẽ vai nó:
- Khóc nữa đi, bác nhiều lúc muốn khóc như cháu mà không khóc được. Già rồi, khóc người ta cười chết cháu nhỉ? Cháu khóc nữa đi...
Danh nuốt nước miếng pha trộn với nước mắt vòng vào mép nó:
- Cháu không khóc nữa, từ nay cháu không khóc nữa. Cháu thề không khóc nữa.
- Đừng thề chú bé.
- Cháu thề thật mà.
- Cháu nghe bác đi, đừng thề gì cả. Thề hôm nay, mai hối hận đấy, cháu ạ!
- Nhưng cháu thề trả thù cho thằng Lựa!
Danh đã buột miệng. Nó tiếp lời:
- Thằng Lựa bị rắn cắn chết, bác ơi!
Ông Nghị dập mẩu thuốc lá xuống đất. Ông nói vu vơ:
- Miếu Hòa Hảo này huyền bí quá chừng. Cháu biết không, vừa nghe người ở bến đò Thuận Giang kể chuyện lạ hơn ảo thuật. Họ bảo Đức Thầy sang làng Long Kiến thăm giáo dân bị lỡ đò. Đức Thầy thả cái nón ngồi lên khỏi cần chèo và cái nón lá lướt sóng qua sông nhanh hơn ghe máy.
Ông Nghị mỉm cười. Ông kéo sát Danh gần khít:
- Chú bé Thảo nói lại với bác rằng ba cháu chạy xích lô máy bị dập phổi, chết khổ lắm.
- Dạ
- Chú bé Thảo nói lại với bác rằng cháu không biết chữ.
- Dạ.
- Cháu không thích biết chữ, hả?
- Dạ.
- Này, chú bé Thảo nói chuyện của cháu cho bác nghe. Cháu không biết chữ thì sao đọc được truyện Tam Quốc?
- Cháu không cần đọc truyện Tam Quốc nữa!
Ông Nghị ngước mắt lên ngắm mấy con chim đang líu ríu trên cây xoài. Ông nói:
- Truyện Tam Quốc hay lắm, cháu ạ! Thế cháu đã biết truyện Tam Quốc chưa?
- Cháu mới biết một chút.
- Cháu kể bác nghe nào!
- Ba cháu biểu truyện Tam Quốc có thằng Trương Phi hét bự, thằng Quan Công mặt đỏ tựa giấy hồng điều, râu dài quá rốn. Hai thằng này chơi thân với nhau lắm, phải không hở, bác?
Ông nghị phá ra cười, Danh ngơ ngác:
- Bác cười gì vậy? Ba cháu nói sai hở, bác?
Ông Nghị lắc đầu:
- Không, ba cháu nói đúng. Nhưng sao cháu gọi Trương Phi và Quan Công là hai thằng?
Danh toét miệng cười:
- Cháu và thằng Lựa hay gọi vậy. Đứa nào tụi cháu cũng gọi là thằng hết trọi.
Ông nghị lại ngước mắt lên ngắm mấy con chím líu ríu trên cây xoài chưa bay. Ông kéo Danh:
- Cháu nhìn mấy con chim đi.
Danh nhìn theo ông Nghị, ngước mắt lên: Ông Nghị dựa hẳn đầu vào thân cây xoài.
- Mấy con chim còn non lắm, phải không cháu?
- Cháu không biết.
- Cháu muốn biết không?
- Để làm chi vậy bác?
- Để biết chim non hay chim già. Cháu cứ nghe lời bác.
Danh đứng lên nhặt viên gạch nhỏ. Nó đưa cho ông Nghị. Ông bảo nó:
- Cháu đuổi bọn chim đi!
Danh tung viên gạch lên cành cây. Lũ chim bay chuyền cành cây khác gần đó. Ông Nghị nói:
- Cháu biết chưa?
- Cháu chẳng biết gì cả!
- Chim non đấy, nó chưa bay xa được. Cháu có định ném nó chết nó cũng chỉ bay chuyển ngắn thôi. Nếu là chim già nó bay mất rồi.
Ông Nghị vẫy tay ra hiệu cho Danh về chỗ ngồi. Ông bỏ quên chuyện chim non, chim già.
- Cháu chưa biết Trương Phi, Quan Công còn chơi thân với một “thằng” nữa à?
- Chưa, ba cháu mới biểu thế thì đã chết.
Ông Nghị mím môi một lát. Rồi ông nói:
- Uổng quá. Cháu ạ, còn một “thằng” nữa, đó là “thằng” Lưu Bị.
Danh rửng rưng truyện Tam Quốc. Ông Nghị cũng biết thế. Ông vỗ vai nó:
- Cháu như chim non ấy, Danh ạ! Cháu chưa thể “giang hồ” một mình được đâu. Cháu phải học, phải đọc được truyện Tam Quốc chứ không, cháu không giết được con rắn Quý đen đâu.
Danh sửng sốt, ông Nghị nói tiếp:
- Cháu thương bạn cháu lắm, bác biết. Bác biết cháu đã nói dối bác, cháu sợ nói thật bác không dạy phóng dao.
Danh bỗng òa lên khóc. Ông Nghị ôm nó vào lòng, vỗ về nó:
- Cứ khóc đi chứ bé, để lớn lên hết khóc nổi rồi hối tiếc hồi con bé không khóc.
Danh khóc nức nở hơn. Nó quên hằn thằng Quyền, quên hẳn những lời thằng Quyền mắng mỏ nó khóc thương thằng Lựa. Ông Nghị ấp nó trong đôi tay giang hồ của ông, nhỏ nhẹ:
- Bác không trách cháu đâu, cứ khóc đi...
Danh cựa quậy trong lòng ông Nghị. Nó nấc lên từng cơn:
- Rồi bác có dạy cháu phóng dao không?
- À, bác sẽ dạy cháu phóng dao.
- Thật không bác?
- Thật mà, bác sẽ dạy cháu phóng dao.
Danh thoát đầu khỏi lòng ông Nghị:
- Cháu sẽ đâm trúng tim thằng Quý đen.
- Ừ, cháu sẽ đâm trúng tim nó.
- Nó sẽ hết làm vua đánh giày?
Danh ngừng lại. Ông Nghị hỏi:
- Rồi sao nữa hả, cháu?
Danh đưa tay quệt nước mắt:
- Cháu cũng chưa biết rồi sao nữa.
Danh chợt nghĩ ra, nó nói:
- À, cháu lại về sống với hè phố. Cháu nhớ hè phố lắm bác ơi!
Rồi không để cho ông Nghị hỏi thêm, nó kể luôn chuỗi ngày sống ở hè phố của tụi nó, bạn bè nó và Quý đen. Danh đã kể giấc mơ của thằng Lựa, của nó và cái chết thê thảm của bạn nó. Ông Nghị vừa hút thuốc vừa lắng tai nghe.
Buổi trưa ở Hòa Hảo thật yên lặng. Ông Nghị nghe rõ tiếng thuốc lá cháy. Và trong cái sự im lặng muôn đời của thôn ổ, ông Nghị còn nghe rõ cả tiếng bước chân của dĩ vãng vang vọng trong tâm hồn ông.
Thời thơ ấu của ông Nghị, tuổi thanh niên và những mối tình tuyệt đẹp. Ông nghị yêu một cô đào hát trẻ. Ông bỏ dở học hành, ăn cắp một món tiền đi theo người lưu diễn khắp phương trời. Gia đình ông từ bỏ ông. Ông không cần gia đình, chỉ cần cô đào hát. Hai người lấy nhau: lấy nhau vì tình.
Đào hát có người yêu đã xuống giá, có chồng còn xuống giá hơn. Tồi có bầu, cô đào hát xuống giá tới mức thê thảm. Ông bầu, nhà đạo diễn phải loại cô đào khỏi vai chính. Đồng lương sa sút. Tình yêu không đẹp nữa. Sự tan vỡ hứa hẹn khi đứa con của tình yêu ra đời.
Ông Nghị, bây giờ, như người mù. Khói tình đã vướng vào mắt ông, khó thoát, thì con bé Thảo lọt lòng mẹ, người vợ tình yêu của ông bắt đầu ruồng rẫy ông. Ánh đèn sân khấu và những mảnh tình vụn vặt quyến rũ cô đào trẻ hơn là sống gò bó với một người học trò kiết và đứa con nhỏ khóc oe oe tối ngày. Cô đào trẻ vĩnh biệt ông Nghị, để lại con bé Thảo cho ông và theo một kép chuyên đấu kiếm.
Ông Nghị thất tình thất chí. Nhìn lại, ông thấy cuộc đời ông rỗng tuếch, bơ vơ. Ông uống rượu, chửi người, hận thù đời. Gà trống nuôi con vất vả quá, ông đã phải làm đủ mọi nghề. Ông đâm ra từng trải và ưa triết lý vụn với bất cứ ai ông gọi là tri kỷ.
Giang hồ luyện cho ông nhiều tài vặt. Ngày kia, năm con Thảo lên bốn tuổi, ông gặp lại người yêu cũ cặp kè với kép tài hoa hơn ông thuở trước. Lòng ghen và sự căm thù trỗi dậy, ông Nghị đã chọn đúng dịp, đúng lúc, đúng chỗ, phóng hai lưỡi dao. Và hai kẻ khốn nạn gục ngã trên vũng máu.
Giết chết kẻ phụ tình và tình địch, ông Nghị vẫn chưa nguôi nổi hận đời. Ông uống rượu nhiều. Nhưng con Thảo càng lớn càng xinh xắn, dễ thương. Ông Nghị nghĩ đến tương lai con, ông bỏ rượu và tâm hồn ông dịu hẳn lại. Thời buổi khó khăn học hành dang dở, cuối cùng ông Nghị chọn nghề sơn đông bán thuốc. Hai bố con lưu lạc nhiều nơi. Tiền kiếm được, ông Nghị tiêu dè sẻn. Ông để dành để hy vọng có thể gởi con Thảo vào trường nội trú nhỡ bất thần ông chết.
- Cháu thương Lựa lắm, bác ạ! Cháu đã xâm hình nó và bốn chữ “Sống Chết Có Nhau”.
Danh phá tan sự suy nghĩ của ông Nghị. Nó chỉ ngón tay vào hình xâm:
- Cháu không biết chữ, nhưng tụi nó bảo bốn chữ này là “Sống Chết Có Nhau”.
Ông Nghị ngắm nghía Danh, khiến Danh bẽn lẽn. Ông Nghị dịu dàng:
- Cháu cứ nói tiếp đi.
Danh móc con dao của thằng Quyền tặng nó. Nó bấm tách một cái, lưỡi dao bật ra:
- Thằng Quyền bảo cháu chưa đủ “thớ” để giết Quý đen.
Ông nghị gật đầu:
- Cháu còn nhỉ lắm.
- Nhưng nếu bác dạy cháu phóng dao, cháu sẽ giết Quý đen dễ như giết kiến.
Nó nhìn ông Nghị phân vân:
- Mà cháu giết Quý đen có sao không hở, bác?
Ông Nghị dáp”
- Khi người ta quá đau khổ, người ta hoặc sẽ giết người không gớm tay hoặc sẽ hiền như đất.
Danh nói:
- Cháu chỉ giết Quý đen thôi, giết một thằng Quý đen thôi bác ạ!
Ông Nghị không nói chuyện phóng dao nữa. Ông dựa đầu vào thân cây xoài, đăm đăm thả hồn theo khói thuốc thơm. Khi điếu thuốc con mẩu ngắn, ông Nghị búng ra xa. Ông xoay người, kéo Danh gần lại:
- Cháu phải học chữ đã rồi học phóng dao sau.
Danh mếu máo, lắc đầu:
- Cháu không thích học chữ, cháu đã thề với nó, cháu không học chữ để nó đi học về nó đọc “pồ gam” tuồng cải lương và truyện Tam Quốc cháu nghe. Nó chết rồi, cháu không thiết gì nữa, cháu chỉ thích giết được Quý đen.
- Cháu giết Quý đen để trả thù cho Lựa à?
- Vâng, cháu trả thù cho thằng Lựa và bọn đánh giày. Chúng cháu cực lắm, bác ơi! Làm quần quật mà moỗi ngày phải đóng cho nó hai chục còn gì đâu. Thiếu nó, nó lôi lên lầu quật dây lưng da, quất cả khóa đồng vào mình mẩy...
Danh vừa nói vửa mường tượng những trận đánh người của Quý đen mà nó đã chứng kiến một lần. Không nén được căm hờn, Danh gầm lên:
- Mẹ mày, ông sẽ giết mày!
Tiếng thét của Danh vang đi xa. Nó giật mình, ngó ông Nghị thì ông nghị hất hàm, khuyến khích nó:
- Chưa giết được kẻ thù, cháu cứ chửi đi, chửi càng nhiều càng tốt.
Danh hơi nóng mặt:
- Cháu xin lỗi bác!
- Xin lỗi gì?
- Cháu đã chửi bậy.
Ông Nghị xiết cổ Danh vào cánh tay ông:
- Tại sao mày lại khổ sở thế hả cháu? Bác nghĩ đời thiếu gì thằng chó đẻ, đáng bị hành hạ mà chúng nó cứ sống phây phây. Cách ngôn dạy: khổ sở mới khôn ra vì nó là cái lò luyện người. Bác cho là láo toét. Mấy thằng làm cách ngôn có biết khổ là gì đâu, chỉ ngồi viết láo. Bác già nửa đời khổ sở, cuối cùng thì đi làm sơn đông, bôi hề bán thuốc gạo rang.
Danh ngạc nhiên. Nó thấy ông Nghị tự nhiên nói nhiều ngôn ngữ của nó. Danh hỏi khẽ:
- Bác đã giết ai chưa?
Ông Nghị phá ra cười:
- Bác hả, bác đã giết đời bác trước hết.
Danh há hốc mồm:
- Bác “cừ” thế sao bác bảo đã giết đời bác?
- Cừ gì đâu, cháu kể bác nghe.
- Bác biết phóng dao!
Ông Nghị cười to hơn, và hai giọt nước mắt ứa ra khỏi hai con mắt.
- Bác biết phóng dao nên gặp cháu bác mới đành đưa cháu đi xuống Hòa Hảo. Phải chi bác không biết phóng dao nhỉ?
Danh không hiểu gì. Ông Nghị cũng rõ nó không hiểu gì. Ông đưa tay xoa mặt:
- Cháu nhất định không học hả?
- Không, cháu đã biết truyện Tam Quốc rồi, chỉ biết có thằng Trương Phi và thằng Quan Công thôi bác ạ!
- Thằng Lưu Bị nữa.
- Thằng Lựa chưa biết có thằng Lưu Bị, bác ơi!
Ông Nghị nín thinh. Danh tưởng ông giận mình.
- Bác buồn cháu hở, bác?
- Không, cháu nghe bác, học chữ hơn là học phóng dao. Học phóng dao giết được Quý đen và giết luôn cả đời cháu. Học chữ không chắc giết được Quý đen nhưng đời cháu sẽ thay đổi, cháu sẽ không sợ lêu bêu ở hè phố nữa.
Danh không nói năng gì. Ông nghị bảo nó:
- Bác yêu con bé Thảo lắm. Bác muốn nó là con trai như cháu. Bác yêu nó như bác yêu cháu. Cháu hiểu không?
Danh nuốt nước miếng:
- Dạ, cháu hiểu.
- Cháu có thương em cháu không>
- Cháu thương lắm.
- Vậy cháu nghe bác, bỏ ý định phóng dao đi. Mai bác dạy cho học. Ít ra bác cũng dạy cháu đọc được truyện Tam Quốc, Truyện Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ.
Danh thắc mắc:
- Cháu biết chữ rồi bác có dạy cháu phóng dao không?
Ông Nghị vỗ vai Danh âu yếm:
- Cứ biết chữ đã, mọi chuyện tính sau, cháu ạ!
Không đề Danh hỏi thêm, ông Nghị nắm nay nó, lôi nó dậy:
- Đi ăn hủ tiếu đi cháu.
Danh ngoan ngoãn đứng lên. Nó phủi bụi ở đũng quần:
- Em Thảo có đi ăn không hở, bác?
- Chú bé đang ngủ ngon giấc. Thôi để nó ngủ, bác cháu mình ra quán. Bác uống cà phê, cháu ăn hủ tiếu.
Danh ngửi thấy hơi ba nó toát ra từ người ông nghị. Ông Nghị giống mặt ba nó quá, giống in hệt những lần nó câu cá giật được chiếc giày rách.