Một Nơi Tưởng Như Yên

     ại sao tôi lại về đây?
Bác thư ký già dẫn tôi đi loanh quanh từ văn phong chính của trường qua mấy hành lang, rồi vòng theo cầu thang lên khu cơ thể học. Tôi vừa đi vừa nhìn quanh ngơ ngác như một kẻ đi lạc về thành phố. Chỉ mấy tháng trời xa nơi phố xá sao tôi cảm thấy lâu đến cả chục năm.
Đi giữa khung cảnh nguy nga của ngôi trường này càng lúc tôi càng cảm thấy không ổn về sự hiện diện của chính mình. Trước đây không lâu người ta đã ném tôi vào quân trường nhanh đến nỗi tôi không phản ứng được gì. Họ cạo đầu tôi gần như trọc, bắt tôi mặc quân phục, đội nón sắt, mang giày da, và đeo súng cồng kềnh.  Tôi không biết níu ai để than phiền. Bây giờ không những tôi được trở về thành phố mà còn đi tuốt vô ngôi trường này. Tôi biết trước như vậy, đã chuẩn bị rồi, nhưng vẫn trông lớ ngớ, đi loạng quạng như người còn mơ ngủ.
Sự thay đổi nhanh quá làm tôi bứt rứt không yên được. Với bộ đồ treilis xanh bụi bậm,  cái mũ cũ kỹ phong trần mưa nắng, thêm đôi giày ống nặng nề, dáng đi như muốn chạy, miệng lúc nào cũng chỉ chực đồng ca đếm nhịp, tôi thật không giống bất cứ ai nơi đây.
Tôi lủi thủi đi theo bác thư ký. Đường đi lót gạch ô vuông, bậc thang làm bằng đá mài nhẵn thin, tay vị gắn gỗ trơn bóng láng. Tôi cứ đảo mắt nhìn loanh quanh. Lạ thật. Điều lạ không phải những thứ đó quá sang và hiếm. Điều lạ không phải tôi chưa từng thấy chúng bao giờ. Mà lạ vì tôi cho chúng là lạ. Điều này chứng tỏ rất rõ rang khi các sinh viên mặc áo trắng đi ngược xuống cầu thang cứ trố mắt nhìn tôi. Các bạn lấy làm lạ lắm phải không? Đừng ngạc nhiên. Chính tôi còn lấy làm lạ cho tôi nữa mà. Đừng nhìn tôi nữa, lỡ bạn vấp té u đầu sứt trán không phải lỗi tại tôi đâu. Thế thì lỗi tại ai? Tôi không nghĩ ra điều đó.
Chúng tôi đi vào hành lang sâu hun hút. Bác thư ký bước đến căn phòng bìa có ánh đèn. Tôi nghi bác giới thiệu tôi cho một thư ký khác, rồi thủ tục ghi danh tại khu với một số giấy tờ. Thế ở đâu cũng có hệ thống quân giai, đâu cứ gì ở quân trường. Bác thư ký nói, chúc anh may mắn, sau khi bàn giao tôi cho một bác khác, cũng già y như vậy. Anh bắt đầu thực tập ngày hôm nay, bác ấy nói, anh biết mọi người đã học ba tháng rồi không? Ba tháng rồi, học trình chỉ có chín tháng thôi. Thế là tôi phải chạy nước rút cho kịp bạn bè đã chạy trước tôi những ba tháng.
Ồ…ồ…, mọi người đều dừng tay lại, dao kéo được bỏ xuống khay rổn rảng. Hàng trăm cặp quay lại nhìn tôi. Cả rừng áo trắng đồng loạt xếp hàng tự động thành tám dãy đều đặn. Làm gì nhìn tôi dữ vậy! Tội nghiệp họ hay tội nghiệp tôi. Chưa biết. Một chút xíu nữa tôi đã hô toáng lên “đại đội, nghiêm” rồi. Bác thư ký nói, đây là nhóm thực tập của anh, các bạn sẽ chỉ cho anh những chuyện phải làm.
Một anh sinh viên mặc áo trắng, đương nhiên không phải treillis xanh như tôi, hắn tên Phượng, cũng lạ, tên gì giống con gái quá, nhưng không hề gì. Anh tên Quang phải không? Tôi gật đầu. Hắn quay sang đám bạn thật vui vẻ, đây là người mất tích ba tháng nay. Cả đám bu quanh lại chăm chú nhìn tôi. Thiệt khổ, nhìn thì nhìn xin đừng rờ bậy tội nghiệp tôi. Mấy cô sinh viên đã nhìn trân trối lại còn chỉ chỏ trao đổi ý kiến với nhau. Mấy cô trông trắng quá, lại đẹp nữa. Xin lỗi tôi đã thấy mấy con nhỏ đen đúa ở câu lạc bộ quân trường quen rồi, da họ cháy nắng quân trường. Bây giờ trông các cô, ai nấy cũng như Tây Thi tái thế. Một cô, lại tên Phượng, nhanh miện nói, tụi tôi chừa cái chân này lại cho anh, chưa có ai động tới. Chừa cho tôi cái chân, trời đất, bộ các cô hết thứ gì khác để dành cho tôi hay sao? Tôi chưa kịp hỏi, thì một cô khác, thêm một Phượng nữa, chẳng biết Phượng ở đâu mà nhiều quá, cô nói, nhóm thực tập có mười người phải mổ mười phần cơ thể, phần chân được chia cho anh.
À, té ra các bạn thực tập mổ xác và để dành một phần cho tôi. Chà, cái xác ông già ướp thuốc nâu sậm bay mùi hóa chất nồng nặc đang nằm tênh hênh trên nắp hòm bằng kim loại. Tội nghiệp ông, bọn họ mổ ông nát nhừ, dây nhợ lòng thòng. Nhưng cái đó của ông, lại còn nguyên trông thật oai dũng, có lẽ nó nằm trong phần của một Phượng nào đây.
Phần này của ai vậy? Tôi hỏi. Một giọng the thé từ phía sau, cái đó không phải của anh, anh đã có rồi, anh muốn cái phần của tôi không? Vậy là đụng rồi, lần này không phải Phượng mà chắc một con cọp nào đây. Tôi ngoái cổ lại, một cô, tên Lan, đang đứng chống nạnh, chỉ tay vào cái xác bà già bên cạnh. Tôi thấy mặt cô vênh lên, mũi cong quặp như cú vọ. Tôi cảm thấy bị dội ngược, định hỏi, tưởng cô hỏi phần của cô té ra là phần cái xác mổ của cô. Nhưng thôi, linh mới đùa dai không tốt. Tôi trả lời, phần của cô xấu quá, không thèm. Cả đám cười rộ lên. Thế ra bọn họ làm bộ chăm chỉ làm việc nhưng thật sự vẫn theo dõi tôi, quyết không buông tha.
Tôi biết ra nhóm thực tập chia theo mẫu tự. Mỗi nhóm mười người phụ trách một xác mổ. Nhóm tôi gồm vần P, Q, R, S thành thử có ba Phượng, hai Phụng, hai Quang, Rung và Sơn. Cả nhóm xúm lại cho tôi mượn áo blouse, dao kéo mổ, sách Grand Atlas. Họ gỡ mũ kaki xanh trùm cho tôi cái nón vải trông giống như anh nấu bếp nhà hang.
Tôi bắt đầu làm việc theo sự chỉ dẫn trong sách. Nhát dao đầu tiên trong đời y khoa của tôi là một nhát dao không thể cứu vãn nổi. Hai cánh tay tôi đã quen cầm M-16, hít đất năm mươi cái không ăn thua gì, nay cầm lưỡi dao mổ nhỏ như lá liễu, bỗng dưng rung và cảm thấy nặng nề vô cùng. Lưỡi dao hạ xuống, tôi chỉ định cắt lớp da thôi, nhưng nó đi xuống ngọt sớt. Đến khi tôi nghe một tiếng “cụp” khô khan và lạnh lung. Thì thôi rồi, bao nhiêu cơ, thần kinh, mạch máu đều đứt lìa. Phượng mụn đứng kế bên, rên như bị thiến, thôi ông rớt thực tập năm nay rồi. Nhưng bọn họ đâu ngờ đến cuối năm, nhóm mười tên rớt đến bảy. Tôi nằm trong số ba tên qua cầu. Thôi đành phải cúng vái xác ông già và khấu đầu tạ lỗi với thầy, chuyện tôi qua mặt thầy. Tên học trò đã phải dở ngón công dung ngôn hạnh, đem chỉ trắng, vàng, hồng ra vá lại mấy thần kinh, mạch máu. Đến buổi thi, thầy hỏi mạch máu, thần kinh nào cứ việc nắm nó ra, mà phải nắm đúng chỗ nối mới được. Tội nghiệp, thầy quan sát rất kỹ, thầy khó nổi tiếng, mà cũng gật gù khen ngợi.
Hết giờ thực tập, xác đồng loạt được hạ xuống hòm đựng hóa chất. Tiếng rít của mấy tay quay kim loại và hai mươi  cái xác nâu sậm chìm dần vào lớp nước vàng đục. Mùi hôi nồng nặc của hóa chất và mùi hương nhang thoang thoảng đâu đó trong phòng làm tôi cảm thấy lơ mơ như bị hớp hồn. Xác ông già trong nhóm tôi đang chìm từ từ xuống. Tiếng nước tràn lên phần thịt kêu ục ục. Mấy sợi dây thần kinh và mạch máu còn lơ lửng trên mặt nước. Vài mảnh da vàng nâu như da thuộc đang nổi lều bều. Tôi thấy mặt ông già chìm xuống hẳn, hai hố mắt sâu hút đọng chút nước vàng và phần đầu trọc còn trơ vài sợi tóc dật dờ trên mặt nước. Cuối cùng một tiếng ục thật lớn phát ra và cái xác chìm hẳn xuống nước.
Mọi người lần lượt ra khỏi phòng. Tôi còn đứng tần ngần nhìn dãy hòm màu trắng bạc xếp đều đặn. Các nhóm đang xoay tay quay hạ xác xuống. Những tiếng ục ục liên tiếp nổi lên và toàn thể xác đã chìm vào trong. Bác quản thủ phòng xác đang đi lần từ cuối phòng để đóng các nắp hòm lại. Bác ngạc nhiên nhìn tôi lặng lẽ đứa giữa mấy dãy hòm. Với bộ quân phục xanh cũ, mặt đen đúa, choàng cái áo blouse và cái mũ trắng có lẽ tôi giống như một cái xác vừa nhảy ra khỏi hòm. Bác đừng lo, tôi vẫn thở, mắt đang nháy, và chân còn dính đất mà. Nhưng ông già vẫn nhìn tôi trân trối. Tôi đành phải nhếch miệng cười. Khổ thật ngay bác quản thủ phòng xác cũng nghi ngờ về sự hiện diện của tôi trong cuộc sống. Vậy còn ai nhớ đến tôi không? Chắc tôi đã chết hẳn trong trí nhớ của Tuyết và Châu rồi. Phải chi ông già còn cái hòm nào trống xin cho tôi một chỗ yên thân.
Sinh viên tan hàng nghỉ trưa để chiều vào giảng đường. Tôi lại phải xuống tập họp dưới sân trường. Đại úy Phong, đại đội trưởng sinh viên Quân Y, đang đứng chờ dựa lan can, vuốt cằm bóng nhẵn không có một sợi râu.
Ngoài sân trường chiếc GMC đang đậu lùi trong sân. Mấy anh hạ sỹ quan bắt cái thang ngắn sau xe cho sinh viên Quân Y leo lên. Thật lính kiểng có khác. Mấy anh sinh viên Quân Y, tên nào mặt cũng trắng như phấn, tranh nhau leo lên. Có tên còn bày đặt trợt chân. Sauk hi đại úy Phong đếm đủ số bốn mươi lăm. Đai đội một sinh viên quân y chỉ có bốn mươi lăm chứ không phải đủ túc số hai trăm như ở quân trường bộ binh.
Chiếc xe chở chúng tôi từ trường y-khoa trên đại lộ Hồng Bàng, vòng mấy ngã đường, qua chợ cá Trần Quốc Toản, theo đường Nguyễn Tri Phương về trường Quân Y. Mấy sinh viên huynh trưởng đang trờ trên vũ đình trường. Thật là chạy ô mồ mắc ô mã. Thoát khỏi quân trường bộ binh về đây lại đụng một tháng huẩn nhục.
Đại đội tập họp xuống sân cờ. Đại úy Phong bàn giao đại đội cho sinh viên huynh trưởng. Thế là bắt đầu. Mấy anh có một phút lên phòng cất sách vở.
Sinh viên quân y còn huấn nhục, không được ở trong khu nội trú như đàn anh, phải ở trên một tấng lầu rộng phía bên hành chánh quản trị. Từ khu đàn em cách khu nội trú của đàn anh cả khoảng rộng vũ đình trường. Bên đàn anh có câu lạc bộ, có nhạc, bi-da và đầy đủ các thứ giải khát. Bên này đàn em chỉ có trơ trọi căn nhà tiền chế với cầu thang gỗ. Chung quanh toàn là đá sỏi. đất không có đến một cọng cỏ xanh. Thú thật đàn em chán cảnh khô cằn đó lắm rồi.
Đàn em túa chạy như đàn ong vỡ tổ, lên lầu cất sách. Chưa lên hết cầu thang đàn anh đã thổi còi tập họp. Thôi thì sách vở cứ ném vào phong, chạy xuống ngay cho kịp. Các anh chưa có tác phong quân y, lề mề, chậm chạp. Huynh trưởng đề nghị chạy mười vòng vũ đình trường trước khi ăn cơm. Thế là dưới nắng trưa đổ lửa, huynh trưởng chạy trước, đàn em lục tục theo sau. Qua được một vòng, đàn em bắt đầu thở hồng hộc. Đến vòng hai, ngoài tiếng thở lại có tiếng rên rỉ, chửi rủa lầm bầm. Huynh trưởng Vân lùn bên Dược Khoa, quát mắng ầm ĩ, đàn em không có tác phong lại hỗn láo dám chửi đàn anh. Hắn vào thế huynh trưởng Hầu, vì có một đàn em sùi bọt mép té xỉu. Không biết xỉu thật hay giả, nhưng có xỉu được rồi, ít ra cũng mềm lòng đàn anh chút đỉnh. Huynh trưởng Hầu bắt mạch tên đàn em xấu số rồi vạch mắt nghe tim xong gật gù có ý không sao. Đến vòng thứ ba, them vài tên gục ngã, hai phần ba đại đội ngồi bệt xuống sân vũ đình trường, không thèm chạy nữa. Đàn anh đã thay phiên mà còn thở hồng hộc. Tôi bị quần thảo ở quân trường bộ binh quen rồi nhưng thấy đàn anh thở một mình phải thở mười. Chọc giận đàn anh lúc này đồng nghĩa với tự vận.
Hai huynh trưởng gom đàn em lại, tiếp tục vừa chạy vừa lết xuống nhà ăn. Huynh trưởng lại bắt đàn em ca cho phấn khởi. Mặc dù đàn em chẳng còn chút hơi sức nào. Mặt mày tên nào cũng tái nhợt, thở hổn hển, ca thều thào như sắp từ giã cõi đời.
Nhà ăn phía sau khu nội trú sinh viên quân y nên đại đội muốn đến đó phải qua khu đàn anh. Tiến đàn em hát những bài hùng tráng nhưng lại thê thảm như tiếng sáo Trương Lương trong đêm sương mù nhiều gió lạnh. Đàn anh từ bên trong các phòng túa ra, chẳng khen thì chớ, lại đem ba đời đàn em ra chửi rủa thậm tệ. Cả đêm họ phải thức khuya học bài thi, giờ trưa đang yên giấc điệp, bị tiếng ca nảo nuột của đàn em quấy rối làm họ nổi điên lên.
Bọn tôi bị tập họp trước nhà ăn. Huynh trưởng cho ăn một màn thóa mạ chửi rủa trước khi bố thí cho bữa cơm.
Huynh trưởng lôi tam đại nhà đàn em ra nhiếc mắng. Mang phẩm giá đàn em dày vò, chà đạp không tiếc lời. Chưa đã nư, huynh trưởng còn bắt đàn em ca vài bài cho mềm cổ, nhảy xổm vài chục cái cho dãn gân trước khi ăn.
Sau bữa cơm trưa, đàn em lại phải chạy vài vòng vũ đình trường. Rồi một phút lên lầu lấy sách vở, đại đội được bàn giao lại cho đại úy Phong. Đàn em thở một hơi dài, tự động thao diễn nghỉ.
Chiếc GMC chạy lùi vào vũ đình trường. Thang được bắt lên. Đại úy Phong điểm quân số. Bụi lại tung lên trong nắng trưa gay gắt. Xe lướt qua bệnh viện Trần Ngọc Minh, mấy thương binh băng bó trắng xóa nhìn lom lom theo. Đàn em ngồi trong xe vừa mệt, vừa thở, vừa chán đời. Nắng trưa lấp loáng qua mấy nóc nhà tôn. Mọi người yên lặng lắng nghe từng giọt mồ hôi nhễ nhại chảy từ hai mang tai, xuống cổ và thân thể. Cái nóng hâm hấp từ bên trong cộng với cái nắng hừng hực bên ngoài, góp lại cái mệt tinh thần và thể xác làm mọi người ngồi yên như hôn mê. Tôi nghe loáng thoáng tiếng gà gáy trưa, tiếng cục cục của gà mẹ, chíu chit của gà con. Hình như phảng phất dáng con cho vàng nằm thè lưỡi thở dưới bóng tre. Đâu đó tiếng chuông reo leng keng của người bán cà-rem, tiếng rao lanh lảnh của bà bán tàu hủ đường.
Tôi nhắm mắt, thấy lại áo dài em trắng chóa dưới nắng trưa. Thấy môi em đỏ, má em hồng, tóc em cột nơ vàng và khuôn mặt em cười rạng rỡ. Thấy tôi loạng quạng đâm xe đạp vào hàng rào lộn cổ dưới bước chân em. Tôi mơ lại ngày Quang Trung nắng lửa. Thấy mình phơi thây trên ụ bắn chói chang, thân thể thủng hàng trăm lỗ đạn. Thấy mình đi cúi mặt đội nắng lên đầu, mồ hôi dã dượi, mắt cay xè đọc táp nuốt trang cour. Thấy An, dáng gầy gò đưa thân chịu tội. Tôi nhắm mắt lại thấy cả quay cuồng.
Tại sao tôi lại về đây?
Chồng cours chất cao ngang mũi tôi. Chị Lợi, trưởng ban  học tập ấn loát, và mấy anh bạn mang lại cho tôi mớ cours đó. Ba tháng cours anh phải nuốt cho xong, chị nói, ngày thi còn một tháng nữa, kỳ đầu bị rớt kỳ sau phải bù khổ lắm. Bọn họ nhìn tôi thương hại cho tên bạn xấu số. Nhìn tôi như xót xa cho kẻ sắp lên đoạn đầu đài. Quân trường và chiến trường vẫn như mảnh thú chực chờ chụp lấy tôi. Thoát thân được một lần chạy như ma đuổi về thành phố. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hoàn hồn và thở chưa đủ hơi cho hết mệt. Nếu để bị bắt lại lần nữa thì không phái chết êm ái như trong trí nhớ  của Tuyết và Châu như tôi đã làm bộ buồn rầu. Lần này chết thật sự, tắt hơi, chấm dứt hẳn sự sống. Nhưng không sao, chưa chết là may rồi. Còn sống phút nào rán phút đó.
Hơi lạnh từ sàn giảng đường thổi lên ù ù mát không thể chịu được. Hai mắt tôi sụp xuống. Thôi chữ nghĩa, súng ống, quân trường, học đường, vũ đình trường, bệnh viện và phòng thí nghiệm. Bây giờ tôi xuôi tay và nhắm mắt. Xin đừng bắt tôi chạy nước rút cho kịp kẻ đã khởi hành ba tháng trước. Xin đừng huấn nhục tôi nữa. Bao nhiêu nhọc nhằn đã qua tôi xin biện ra đây cho mọi người xem xét. Đủ hay không xin người hãy chịu. Mỗi ngày tôi phải chạy bao nhiêu vòng vũ đình trường, ca hát như người đọc thần chú, rồi vào giảng đường giương cổ, banh mắt, và vểnh tai cố thu mớ chữ rối loạn vào đầu. Người còn bày trò để máy lạnh vào giảng đường như tụng kinh cho tôi sám hối. Bây giờ tôi thật sự nhắm mắt yên thân rồi.
Quán ma Soeur, bờ hồ Stomach, những giờ trống ngồi dưới bóng cây mẹ rậm mát với một xấp cours trong tay. Đã nhiều lần tôi muốn ném nó đi, nhưng ném tay này phải bắt lại tay kia. Nó làm tôi mệt mỏi nhưng chính nó là kẻ hướng dẫn đời tôi. Phiền quá, tôi không hiểu hay là tôi không chịu hiểu. Diễn biến chung quanh vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của tôi. Những ám ảnh của quá khứ vẫn dằn vặt trong đầu. Tôi muốn chối bỏ những điều tôi suy nghĩ. Tôi muốn quên những điều tôi đang nhớ. Tôi muốn mù lòa trước những gì tôi trông thấy. Như dáng Châu tha thướt ngoài kia. Tại sao nàng cũng bày đặt chui vào ngôi trường này để tôi phải gặp lại người tôi không muốn gặp. Những ngày lao đao xưa là những ám ảnh khôn nguôi. Ở đây không còn điệp vàng nhưng có me xanh, có hồ Stomach. Ở đây không có vườn thực vật nhưng có nước phun, sỏi và bông sứ trắng. Cảnh không là cảnh xưa nhưng người cũ vẫn trở về. Dáng Tuyết dù đã xa trong trí nhớ nhưng lòng tôi đau như mới tinh khôi. Nơi đây giữa hành lang rộng thênh thang lộng gió, áo lộng tà như căng nỗi đau lên. Lá me xanh rắc nhẹ trên mặt hồ như rải buồn trên niềm u uẩn không phai. Ôi, dáng Châu là một chuyện đời tái diễn. Tại sao tôi không chận Châu lại ở một nơi nào đó, ngoài hành lang, trong thư viện, hỏi thăm nàng một vài câu. Tại sao không chào những lần đụng mặt?  Có lẽ nàng chẳng còn nhớ những ngày đã xa không đáng nhớ. Một cánh én chao qua mái lầu đại giảng đường không đủ cho nàng xao xuyến chuyện xưa. Cánh sứ trắng không thể thay cho hoa điệp vàng ngày đó.
Tôi chưa bao giờ toan tính một điều gì với Châu, không âm mưu hay dàn cảnh chuyện gì cả. Tôi vẫn theo dõi nàng đâu đó trong trường. Qua Châu tôi vẫn thấy dáng Tuyết về bất chợt. Tôi thương nhân dáng đó, con người đó hay thương mối tình tôi. Tôi không hiểu hay tôi chưa muốn hiểu. Tôi chui vào giảng đường, ra ngoài phòng thực tập, về ướng quân y, cours vẫn chồng chất ngập đầu. Chuyện cũ tái diễn, cài xấp cours sau lưng, đọc nó khi đứng, khi đi, khi ăn, khi làm chuyện vệ sinh. Chỉ khác không còn M-16 với nhựa che tay, không còn mồ hôi cay xè trong mắt. Không còn chà láng, không còn giao thông hào, không còn dáng dấp An gầy gò đau khổ. Nhưng tôi cảm thấy bất ổn trong lòng. Có gì không yên trong trang cours. Có gì mong manh đau đớn với dáng Châu nhẹ nhàng trong hành lang im lặng. Có gì buồn thảm với lá me bên hồ Stomach.
Tôi vẫn vùi mài với bài học trong giảng đường, chai lọ hóa chất xanh đỏ trong phòng sinh hóa, cái chân te tua dây nhợ của ông già trong phòng cơ thể, chuột thỏ trong phòng sinh lý, hay bài vẽ đủ màu trong phòng mô và di truyền học.
Những ngày huấn nhục trôi qua, chúng tôi được cởi bỏ treillis xanh và  khoác lên bộ kaki vàng mềm mại, cầu vai đỏ với alpa vàng, mũ beret đen với long tua sau gáy. Bạn bè đã quen thuộc với đám quân y, trông cũng không đáng ghét lắm. Nhưng họ vẫn cười vì đám ấy đi nhanh như chạy, đầu trọc chỉ ba phân tóc. Đang đi vào nhà ăn MaSeur bỗng dưng đứng sững lại trước cửa giơ tay chào. Xong giở nón beret nhét vào sau lưng quần. Rồi vài chuyện tình nảy sinh giữa cô sinh viên duyên dáng và anh chàng quân y có vẻ ngây ngô.
Một năm trôi qua, bốn mươi hai người phải ở lại lớp trong số  hai trăm người. Tôi lại sống sót thêm một lần nữa. Cầu vai alpha được thêm một vạch, đám quân y có vẻ cứng cáp và thân thiện với mọi người hơn.
Tại sao tôi lại về đây?
Hết giảng đường, phòng thí nghiệm rồi đến bệnh viện. Lúc trong quân trường tôi cứ nhớ về thành phố, bây giờ vào bệnh viện tôi lại không quên được cảnh gió bụi nhà binh. Đi giữa hành lang trại bệnh, đếm từng viên gạch bông tôi còn muốn đếm nhịp đồng ca. Nhưng chẳng ai có hứng thú làm chuyện lạ đời đó với tôi. Nghe tiếng rên xiết của bệnh nhân tôi cứ ngỡ mình bị ném vụt từ quân trường ra chiến trận. Không có tiếng còi nhưng miệng muốn đọc thần chú và chân giật kinh phong. Đột ngột thấy người tay cứ đưa lên trán và mặt cứ ngẩng lên chào. Đã mặc áo blouse trắng, đeo ống nghe sao cứ thủ bộ như đang kềm súng di hành.
Tôi cảm thấy mình lúc nào cũng vướng một nửa quá khứ vào người. Còn lại một phần tư cho hiện tại và tương lai. Tuổi đời càng chồng chất phần quá khứ càng nặng nề hơn. Cũng may tôi còn trẻ măng nên còn đi đứng được. Nếu không sớm tu sửa cho kịp một ngày nào đó chắc tôi phải nặng nề lết từng bước trên đời. Khổ thật, nhưng biết làm sao hơn.
Vào bệnh viện tôi lại thích ra phòng cấp cứu. Không hiểu tại sao tôi thích làm việc ở đây hơn ở những trại khác. Có lẽ tất cả hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời đều tề tựu vào đây cả.
Một bà giãy giụa trên băng ca đang bị ba người xúm nhau đè cột lại. Nhưng họ cũng không thể giữ nổi bà. Tôi phải phụ với họ cột tay chân bà lại. Người chồng đã bị đuổi ra ngoài rồi. Ông này có đến hai vợ bé, chứ không phải một, bà vợ ghen đến nổi điên, cứ thấy chồng là sùi bọt mép.
Ông nằm sát vách là một giáo sư dẫn học sinh đi cuốc đất để nghiên cứu trồng trọt. Đám đệ tử không cuốc vào đất mà nhè gót chân ông thầy bửa cho một nhát. Thế là ông được cho vào nằm đây. Đám học trò còn đang nhốn nháo ngoài kia.
Một cô bé đang nằm trong góc phòng, khoảng đôi mươi, được chở vào đây lúc sáng sớm. Ông già đang đứng bên giường có vẻ lo lắng lắm. Ông không hiểu sao đột nhiên con gái ông ra máu dầm dề. Sau đó bác sỹ trực tìm thấy một bóng đèn xoắn ốc bị bể từng mảnh trong ấm đạo.
Đằng kia một bà khoảng gần bốn mươi, đang nằm trên băng ca chờ chở về nhà. Bà vào với triệu chứng đau bụng đã hai ngày, người ta khám phá được một cục pin được giấu kỹ trong đó, to thì có to nhưng quá ngắn.
Còn nữa, anh chàng nằm gần cửa với triệu chứng đi tiểu ra máu, không cần phải khám gì hết, đã thấy một khúc dây cước còn lòi ra ngoài.
Chuyện trần gian hỗn loạn đều vào cả đây trình diện. Tôi loay hoay không xong với cuộc sống bản thân lại quẩn quanh hoài với những xôn xao thiên hạ. Một ngày nào đó tôi sẽ thấy chính mình nằm trên băng ca với các vết thương tuyết-châu nát bấy trên người. Oằn oại với mấy tính yêu đã thành ung thư  không thể chữa trị được.
Hết bệnh viện về lại trường quân y. Thứ bảy là ngày chuẩn bị vui của mọi người nhưng là ngày khốn khổ của chúng tôi. Sau khi được nửa giờ ăn trưa mọi người phải tập họp ra vũ đình trường theo thông lệ. Mọi người đều trông sáng sủa với tóc trọc ba phân, bút nịt đồng, giày ống đen bóng loáng như gương. Trong túi tên nào cũng sẵn sàng cái lược đen nhỏ với khăn tay xếp làm tám. Chúng tôi cảm thấy đầu tóc trọc với cái lược đen lúc nào cũng chửi nhau thậm tệ. Đại tá bảo, sinh viên quân y phải học giỏi, quân sự giỏi, biết văn nghệ, thêm võ giỏi, khi nói chuyện với phụ nữ không được bỏ tay vào túi quần, ăn chuối phải bẻ làm hai trước…Đại tá muốn nhiều thứ quá. Đám con than thở không ngừng. Từ tờ mờ sáng, đúng bốn giờ rưỡi, chuông trong khu nội trú đã kêu réo rầm rĩ. Chúng tôi phải mặc võ phục xuống võ đường học nhu đạo. Theo lời giáo huấn của võ sư, một đòn thế tên này phải ném tên kia mười lần. Nhưng chúng tôi làm chỉ đúng cách một lần khi võ sư đứng gần, còn các lần khác tên nào cũng nâng niu tên kia như nâng trứng hứng hoa. Chúng tôi phải thức khuya gạo bài hàng đêm, xương cốt gần sút sổ hết rồi. Vật nhau đúng cách chỉ có nước chầu nhị tì sớm.
Sau bốn mươi lăm phút tập võ, chúng tôi được về sửa soạn đi nhà thương. Trưa phải về ăn cơm, có huynh trưởng ghi tên. Đại tá nghĩ rằng cơm trường quân y bổ hơn, mỗi bữa có chuối và một viên Nona Vitamin. Thường thì chuối bị ăn còn thuốc bị bỏ vào thùng rác. Mỗi tuần phải lên bàn cân, tên nào sụt cân sẽ bị đại tá mắng chửi cho. Lại còn phải uống thuốc ngừa sốt rét, nhưng thuốc cũng chung số phận với viên Vitamin thôi.
Sau bữa cơm trưa phải về đại giảng đường của trường y khoa. Bốn giờ phải banh mắt, kềm đầu, không thôi gục bất tử, cuối năm lại toi mạng.
Chiều về lại trường quân y, sau khi tắm rửa và cơm chiều, chúng tôi phải tập họp lại để bị điểm danh. Xong xuôi một hồi chuông reo điếc tai, giờ “etude surveiller”  bắt đầu. Chúng tôi phải mặc quân phục, nhưng không cần đúng mức như mang giày hay bỏ áo trong quần. Phải ngồi ngay ngắn, vào bàn với xấp cours trước mắt. Có huynh trưởng hay cán bộ len lén đi kiểm soát. Không được nghe radio, không được đọc sách giải trí, không được nằm trên giường, và phải giới hạn chuyện đi vệ sinh.. Lắm tên hay đau bụng nhưng lại táo bón khi đi cầu. Thường thường bên dưới tập cours là tờ Văn, Văn Học, Bách Khoa, hay một quyển Kim Dung. Phải học, chỉ có học thôi. Phải ngồi ngay đơ trong hai tiếng đồng hồ  thật là một cực hình. Tên nào không chăm chỉ phải ở lại học thêm tối thứ bảy và ngày chủ nhật.
Thế chưa hết, chúng tôi phải thường xuyên tập họp chịu kiểm tra quân phục, súng ống, và thao dượt diễn hành. Quần áo phải ủi thẳng tắp và giày phải đánh bóng. Còn nòng súng phải sáng choang khi soi ngược dưới nắng mặt trời. Lần nào bị kiểm súng chúng tôi cũng cầu cho trời đất đừng nổi cơn gió bụi, sợ một hạt bụi nào đó không phải làm cay mắt mà chui ngay vào nòng súng, phiền lắm. Từng đại đội được xếp hàng bốn, tay trái bị cột để đánh cho đều nhịp và diễn hành vòng quanh vũ đình trường. Đám sinh viên quân y như đội quân máy chạy dây thiều, thần trí lơ mơ đi cà giật trong bụi tung mịt mù. Chúng tôi y như những hột xí ngầu bị đại tá lắc liên tu bất tận đến thần trí quay cuồng, thân thể tàn tạ.
Tại sao tôi lại về đây?
Cours chồng chất tới tấp, đêm tiếp đêm thức trắng, chùi súng lại diễn hành, sáng tất tả trong nhà thương, chiều gật gù trong giảng đường. Kỳ thi này san sát kỳ thi khác. Những năm kế tiếp trôi qua, thêm một số người ngã gục. Số sống sót trong lớp còn được hơn phân nửa. Trong quân y có năm người bị ở lại, trong số đó hai người bị đưa ra chiến trường, về trợ y vì rớt liên tiếp hai năm. Tin tức chiến trường sôi sục tới tấp bay về. Một số huynh trưởng vừa ra trường đã anh dũng hy sinh. Chúng tôi được tập họp lại đưa linh cữu trong sự lo lắng và hoang mang.
Tôi có gặp lại An trong mấy lần về phép, hắn vẫn ốm, đen và khắc khổ. Những buổi tối ngồi uống cà phê, nghe nhạc đã mang nhiều tâm tư và rung động khác. An chảy nước mắt khi nghe những bài ca nói về quê hương và thảm cảnh chiến tranh. Tôi cảm thấy mình bất lực trước thực tại đau buồn của đất nước. Tôi muốn làm điều gì để thay đổi cục diện này, của tôi, của An, và của những người chung quanh. Nhưng tôi không biết phải làm gì? Tôi không thể tự chủ được cuộc sống của mình, không thể gượng lại được và bị cuốn hút như một chiếc lá vào con nước xoáy lũ.
Sau đó An không vế phép thường được nữa. Một vài lá thư An gửi về với tâm trạng hoảng hốt và hoang mang. Chiến tranh càng sát vùng phụ cận Sài Gòn. Pháo kích liên tiếp về đêm. Chất nổ gài trong rạp hát, quán nước và khách sạn Mỹ dồn dập. Chúng tôi bị dồn xuống dưới lầu. Giao thông hào được đào chung quanh khu nội trú để phòng pháo kích.
Sáng hôm đó, lúc tôi sắp rời trại để đến nhà thương thì có loa từ văn phòng tiểu đoàn báo có người cần gặp tôi gấp ngoài cổng trại. Tôi biết, một điều gì đau đớn đã xảy ra cho tôi, một linh cảm từ lâu tôi cố quên nay đã thành hình. Tôi lái xe Honda ra cổng trại. Thủy, em gái An đang đứng trước đồn canh. Thôi rồi, tôi biết, không cần em nói, tôi không cần ai nói cho tôi cả. Thủy mặc bộ quần áo trắng, lại trắng toát, tôi không ưa thứ đó. Thủy trong dáng dấp thiểu não như muốn ngã, nghẹn ngào nói, anh An…Không cần nói, tôi nói với Thủy như tôi nói cho chính mình, lên xe mau đi. Chiếc xe chạy vùn vụt như bay, gió thổi sao lạnh hai bên khóe mắt.
Trong nhà dì của An đèn thắp sáng trưng. Hình bán thân của An mặc quân phục với quân hàm thiếu úy đang đặt trên chiếc bàn nhỏ sát vách. Đèn cầy cháy lao chao, khói nhang bay nghi ngút. Tôi đứng yên, trân trối nhìn hình An. Mẹ An ôm lấy tôi khóc ngất, cha An ôm đầu lặng lẽ ngồi trong một góc nhà. Tôi không nghĩ được điều gì cả. Trong óc tôi trống không vô tận. Rồi cảm giác nặng trĩu từ từ lớn dần và lớn dần. Mẹ An té xỉu xuống đất. Tôi không làm được gì cho ai cả và ngay cả cho chính tôi. Vài người đỡ bà vô trong. Tôi lui lại ngồi vào chiếc ghế phía sau. Tôi thấy tối sầm trước mắt. Tôi cảm thấy đôi mắt nóng bỏng và cay xè.
Thế là xong, không còn trở lại những ngày đồng ca đếm nhịp, ly cà phê chia đôi và điều thuốc hút chung. Không còn giao thông hào, sáng tinh sương chà láng dưới ánh đèn cầy leo lắt.  Không còn đêm cà phê buồn dã dượi. Không còn ai quấy rầy. Bây giờ yên lặng.
Chiều hôm đó tôi cùng gia đình An lên nghĩa trang Quân đội nhận xác An.
Một rừng hòm phù cờ xếp bốn dãy chạy dài mút mắt. Rất nhiều phụ nữ và trẻ con mặc áo tang đang thắp nhang vái lạy. Gió thổi từ phía nhà xác mang lại mùi tanh nồng nặc, quyện với mùi nhang và tiếng than vãn kể lể, làm khung cảnh càng tăng thêm vẻ thê lương.
Chúng tôi đi xuyên ngang mấy dãy hòm bước vào bên trong. Mấy người lính dẫn chúng tôi đi sâu vào dãy nhà xác phía trong. Mùi hôi càng bốc lên nông nặc với hơi lạnh tỏa ra làm chúng tôi rùng mình. Người lính kiểm đúng số trên ngăn hòm làm bằng tôn, xong từ từ kéo nó ra. Trước mặt tôi, An nằm đó lạnh lùng và đau khổ hơn lúc nào hết. Mặt hắn tái xám, mắt nhắm nghiền, đâu còn nét đẹp thiên thần ngày nào trong Vườn Tao Ngộ.
An nằm đó, yên lặng, yên lặng đến tận cùng đau đớn và tức tối. Tiếng khóc của cha mẹ An, của Thủy càng đưa nỗi đau xa hơn bến bờ tận cùng phải đến. Những người lính từ từ kéo tiếp cái xác ra. Một loạt chừng sáu dấu chấm đen to như đầu đũa trải đều từ phía vai trái đến hông phải của An. Sáu chấm đen như những con mắt quỷ sứ mù lòa trên màu da xám xịt. Một chấm cũng đủ giết An rồi huống gì đến sáu. Hắn yếu đuối và hiền lành lắm. Đâu cần nặng tay như vậy. Sao không cho những chấm ấy bay ra ngoài không trung. Sao không cho những chấm ấy vào chân tay hắn. Sao không cho hắn được què quặt trở về. Sao không cho tôi san sẻ vài chấm ấy vào chân tay để cùng nhau trở về thành phố. Nhưng chúng tôi sẽ không ăn mày tình thương những người ở đó. Chúng tôi sẽ dẫm nát những tham vọng đê hèn, những khoái lạc nhục dục trên xương máu người khác. Chúng tôi đã lớn lên trong sự tăm tối mùa lòa của đất nước, trong mưu đồ vị kỷ của lãnh đạo, trong sự bất lực và quên lãng của cha anh. Chúng tôi đứng dậy, không thấy gì ngoài mây mù, gió lốc của cuộc đời. Không biết mình đi tới để làm gì, nên làm gì, và phải làm gì? Bị ném vào cơn lốc như thác lũ ấy, và bị cuốn hút quay cuồng, rồi bị sa lầy vào những mối tình vô vọng. Cuối cùng, hắn chấm dứt sự sống ở một xó tối lãng quên của cuộc đời. Ước gì, tôi đổi được một phần cơ thể cho những dấu chấm ấy. Ước gì, tôi đủ sức không chỉ mang An mà nhiều người khác nữa ra khỏi con đường xuôi nhị tì, như An đã nói. Nhưng đó là ước mong và chỉ là ảo vọng. Tôi không làm gì khác hơn được điều tôi làm bây giờ. Tôi còn sống sót là may lắm rồi.
Bây giờ, tôi chỉ mong được yên lặng và lãng quên. An đã đi rồi, một người bạn, có lẽ, tôi khó tìm lại được trong quãng đời còn lại. Tôi hoài nghi về cuộc sống. Có thể. Không còn gì, cho tôi, có thể tin được nhiệt thành như ngày mới lớn. Sự ra đi nào cũng mang nhiều đau khổ, dù vô tình hay cố ý, đương nhiên, nhiều hơn, cho người ở lại. Một sự ngoảnh mặt, quay lưng, một sự dửng dưng đau lòng hơn một lời chửi mắng. Thì sự ra đi vĩnh viễn, dĩ nhiên, đã lên đến tột đỉnh của niềm đau.
Những người chung quanh còn đang khóc vật vã. Tôi bước ra ngoài đi lang thang. Hòm phủ màu cờ vẫn ngập tràn chung quanh. Một chuyến xe về thành phố. Rồi chiếc xe như ngựa quen đường cũ trở về mái trường ấy. Những cánh nhạn còn chao qua nóc giảng đường. Những cánh sứ vẫn rơi nhẹ trên những viên sỏi trắng ngây ngô. Những bụi lá me vẫn buông xuống mặt hồ Stomach phẳng lặng.
Quán Ma Soeur buổi chiều yên lặng. Mọi người đang gom cả trong đại giảng đường. Tôi là một người tỉnh táo hay một kẻ lạc loài ngoài đây. Không nên biết và không nên suy nghĩ về điều đó. Ngày mai tôi lại chui và nơi ấy như bao người khác. Tôi không thích đi về một ngã rẽ nào thì lại càng không muốn trở lại con đường xuôi nhị tì.
Giờ học tan, mọi người đang chen chúc ra khỏi giảng đường. Tôi thấy dáng Châu lẫn khuất, chập chờn trong đám đông ấy. Dáng nhỏ nhắn, thân thương quấn quýt quanh mấy người bạn. Dáng ngây thơ nhưng những ngày nàng thơ thẩn dưới bóng điệp vàng. Dáng kiêu kỳ như chiều nàng quay lưng bên vườn thực vật. Và nay dáng đau khi nàng cùng ai song đôi trong hành lang chiều lộng gió. Tôi còn gì để níu kéo hôm nay. Thì thôi. Không còn gì để suy nghĩ thêm. Điếu thuốc bị dụi xuống mặt gạt tàn. Hãy lãng quên những gì không đáng nhớ. Liệu tôi có chắc điều gì không đáng nhớ để lãng quên?
Chiếc xe vẫn theo đường cũ trở về trường Quân Y.
Một giáng sinh lại sắp trở về. Một vài dấu hiệu trong trường đang chuẩn bị một buổi lễ. Nhưng không phải chính thức mừng giáng sinh, mà cho lễ tốt nghiệp khóa hiện dịch sinh viên quân y.
Tôi ngồi xuống thềm kỳ đài. Những thương binh áo xanh đi chậm chạp bên kia hàng rào bệnh viện. Đại đội nữ quân nhân đang di chuyển về phía trại hạ sỹ quan, âm thanh lảnh lót của phụ nữ vẫn có tác dụng làm tỉnh táo lòng người. Mấy chiếc xe Honda đang tiến dần ra cổng trại. Mặt trời đã lặn mất phía trời tây.
Buổi chiều xuống thật trọn vẹn trên vũ đình trường.
Tại sao tôi lại về đây?
Mệt! Tôi không muốn suy nghĩ thêm chút nào nữa.