ái cửa nhà lục xì vậy mà đã mở thật.Cái cửa ấy lại mở một cách dễ dàng và rộng rãi đủ cho một số đông người lọt vào. Câu niệm thần chú trong chuyện anh chàng Alibaba? Ấy là cuộc đi thăm nhà phúc đường của ông lao công đại sứ của chính phủ bình dân Godart [1].Ngay ngày hôm trước.Người ta đã vất vả sửa soạn, cải cách, chữa chạy, và thay đổi mọi sự trong Dispensaire để ông Godart biết công việc của một cơ quan bài trừ bệnh hoa liễu và kiểm soát nghề mại dâm vừa mới tiến bộ ra sao. Xong rồi thì người ta mới nghĩ đến báo giới. Những tay phóng viên nhà báo - tin chó chết và lá cải - không phải muốn phiền nhiễu ông Đốc lý lúc nào cũng được, nếu ông Đốc lý không thấy có lợi gì trong khi bị làm phiền. Xưa kia, đối với dân chúng, nhà lục xì của thành phố là một nơi ngục tù ghê gớm trong đó có bao nhiêu sự hành hạ, bao nhiêu sự lạm quyền, bao nhiêu sự độc ác của người nhà nước. Đối với những hội viên của hội đồng y tế, nó là cái bảo viện những sự sai lầm, những sự khuyết điểm. Nhưng mà Thành phố vừa bỏ ra một số tiền to để bổ khuyết cho những sự đáng phàn nàn. Thì bọn làm báo chúng tôi được mời đến chứng kiến để rồi sẽ đem cái tin mừng ấy loan báo cho dân chúng, hay là cho gái mại dâm. Lần đầu tiên, ở xứ này, cái “quyền thứ tư” [2] được cái quyền hành chính mơn trớn một tí tẹo.Hôm nay là ngày 28 tháng Chạp, năm Bính Tý.Bọn phóng viên, hai người của tờ Việt Báo, một người của tờ Đông Pháp và tôi, đã vào đợi trong sân nhà lục xì. Ông Đốc lý lúc ấy còn làm hướng đạo cho các bà quý quan như bà Thống soái Buhrer [3], một vài bà khác nữa, lúc ấy cũng đương đi thăm các gian phòng ở bên trong. Thành phố đã đánh điện thoại mời khắp mặt làng báo Hà thành, vậy mà chỉ có bốn chúng tôi có mặt tại đây thôi. Những bạn khác có lẽ đã về quê sửa soạn ăn Tết cả. Lúc chúng tôi đã đợi bác sĩ Joyeux trong sân nhà lục xì rồi, một viên y sĩ cũng còn gọi điện thoại để mời báo Trung Bắc, báo Ngày nay... Một viên cảnh sát Tây - rất ngạc nhiên khi thấy báo giới trong phúc đường vừa cười vừa hỏi đùa tôi:- Các ông là nhà báo cả? Thế ở những “con vịt” nào vậy? Thôi đi, rồi các ông lại đi kể những chuyện tam toạng!Còn ông Mas, thanh tra đạo cảnh binh xướng kỹ, thì cứ có vẻ rất đắc chí, vừa chỉ trỏ các luống hoa tươi tốt đương nô đùa dưới những hạt mưa xuân - những luống hoa nó làm cho nhà lục xì có vẻ một cái biệt thự - vừa hỏi chúng tôi.- Các ông thử nhìn xem? Ở đây có vẻ một nhà tù không? Thế này mà cứ gọi là nhà tù à?Phía ngoài, ngay chỗ cửa vào, độ chừng mười ba bà mụ giầu đương chuyện trò ầm ĩ chung quanh người gác cửa. Quần lĩnh đen, áo bông the hoặc áo bông xa tanh đen, cả khăn tua cũng đen. Có điều đáng để ý nhất, là bà nào cũng béo nục béo nạc. Họ đến để lĩnh “con gái” về ăn Tết, vì năm nay, nhà lục xì đã ban một cái đặc ân cho gái “có giấy” là cho họ ra ngoài ăn Tết, mặc lòng bệnh họ chưa khỏi hẳn. Cứ trông đến thái độ khép nép rất có lễ độ, luôn luôn sợ hãi của họ và cái màu đen nghiêm trang đứng đắn của y phục họ, người không biết dám chắc không ai tưởng họ làm cái nghề ghê gớm là nghề chủ nhà thổ. Phần nhiều mộc mạc, không phấn sáp lòe loẹt gì cả, lại bệ vệ ở chỗ người nào cũng béo, trông họ còn có vẻ đài các ra phết của các bậc mệnh phụ, hoặc ít ra thì cũng của những bà mẹ hiền của những gia đình trưởng giả và bảo thủ, có thể biểu hiện cho cái thế hệ chưa tân thời ở xã hội ta. Nghĩ thế rồi thì ta muốn vỗ tay reo vạn tuế cụ Nguyễn Du! Nhác trông lờn lợt màu da... Chỉ với một tí thế thôi, họ cũng vẫn đủ tự tố cáo họ là bọn mụ giầu chứ chẳng cần nói rằng ta lại gặp họ trong sân nhà lục xì.Sau khi tiễn các quý phu nhân ra khỏi rồi, ông Đốc lý quay vào tiếp chúng tôi.Ông Đốc lý Virgitti, một quan cai trị bị coi là ít cảm tình với dân Nam hơn hết, vì dự án thuế cư trú, học phí vân vân... chỉ là một nạn nhân của cái điều ước Patenôtre 1884 - lúc nào cũng cái điều ước ấy! Nó chia ra ngân sách Bắc kỳ thuộc quỹ bảo trợ và ngân sách thành phố Hà Nội thuộc quỹ thuộc địa, nghĩa là một nước Nam chia ra làm hai nước hầu như quốc tính khác hẳn nhau. Thật vậy, tôi tưởng ông Virgitti chính là người tốt nữa, mà tôi không sợ mang tiếng gì cả. Các ngài cứ tưởng tượng ra hộ một ông quan to, đứng đầu thủ đô Bắc kỳ, mà y phục rất xuềnh xoàng - áo một màu, quần một mâu khác, ca-vát cũ kỹ, đôi giầy không đánh kem - mà cử chỉ và ngôn ngữ tỏ ra cái tính nết chăm việc, và giản dị, mà nét mặt sắc sảo và thuần hòa có một vẻ bình dân cả trăm phần trăm. Thật khác hẳn với những ông quan cai trị khác, thường hách dịch và chỉ thích được người ta chào là cụ lớn.Trong khi chờ bác sĩ Joyeux, ông nói về nhà lục xì, về các bệnh hoa liễu, về nạn mại dâm. Ông nói qua cái ý nghĩa sự nhà nước mời làng báo đến thăm nhà lục xì, và yêu cầu các báo chí từ nay nên làm thế nào cho dân gian đừng hiểu nhầm nhà lục xì, và bọn mại dâm đừng có trốn tránh mãi, nên theo mọi luật lệ của nhà lục xì thì khỏi phạm tội truyền nhiễm bệnh phong tình trong dân. Chung quanh ông Đốc lý và chúng tôi, cũng góp vào câu chuyện có hai viên y sĩ người mình, ông Mas, thanh tra “đội con gái”, và một bà đầm nữ khán hộ mũ có dấu hồng thập tự giữ chức giám thị. Chỗ ấy là phòng giấy. Trên tường, một cái bảng thống kê to bằng một cái chiếu, trên có cài những mẩu bìa xanh đỏ, là danh sách của các chị em thanh lâu, ở nhà nào, kê rất là rõ ràng. Cái bảng ấy nói rõ tình hình y tế của chị em, số bị bệnh là bao nhiêu, số đi trốn là bao nhiêu. Tôi nhận thấy có một người đã sáu mươi tuổi, không thể bán dâm được nữa, thì đã được nuôi tại nhà chứa ăn mày ở Hàng Bột. Phía bên kia là tủ giấy má của gái có giấy, gái đã xé giấy, gái lậu tại ngoại v.v... Phong vũ biểu và thời khắc biểu của nghề mại dâm. Cái viện bảo tàng những điều ô uế, những sự khốn nạn, mà lão thần Bạch My đã gây ra cho bọn dân đóng thuế chúng ta phải gánh vác mọi phí tổn. Một chậu thủy tiên để cạnh hòm điện thoại bảo cho người yếm thế biết rằng ở bên ngoài; vẫn cứ là cuộc đời, cái cuộc đời với ngày xuân vui, với bao nhiêu sự ăn gian nói dối của nó, như thường.Độ 4 giờ chiều thì bác sĩ Joyeux đến, với cặp kính trắng bác học, với đôi ghết-đờ-vin [4] phong tình nó làm cho ông ta có cái vẻ một ông bác sĩ trong chuyện chớp bóng.- Nào! Chúng ta đi thăm phúc đường!Chúng tôi đi theo quan Đốc lý và ông Giám đốc Sở Vệ sinh thành phố, có gần đủ nhân viên nhà lục xì đi theo chúng tôi. Ta rẽ sang tay trái!Đây, phòng khám bệnh. Tường vôi sạch sẽ, bàn bọc kẽm, khăn mặt bông trắng nõn, những chậu rửa mặt bằng sứ nước men bóng nhoáng, những cái tủ, cái ghế sơn trắng, trông rất vệ sinh. Những cái ấy để phụng sự những cái xác thịt hôi tanh để đem cái nghề khang cường đến cho bọn làm cái nghề mỗi đêm đem cái khang cường của mình ra bán rẻ đi độ mười lần, những con ma lem mặt bủng da chì mà da thịt nồng nặc những mùi nước hoa rẻ tiền và khó ngửi, có những cái vú nát nhẽo, những cái đùi hoặc ghẻ ruồi, hoặc hắc lào, hoặc điểm lấm tấm những vòng đi, di tích của trùng giang mai.Ta đi thẳng vào trong.Đây, phòng ngủ. Một gian phòng rộng rãi mà giữa có tường ngăn đôi để có thể kê được bốn dãy bục dài, liền nhau, trên có chiếu cói và gối máy, mà chung quanh, từ dưới đất cao đến đầu người, tường thì quét sơn đen nó làm cho gian phòng có cái vẻ ảm đạm của một ngục thất. Người kỹ nữ có thể cất những đồ lặt vặt ở mấy ngăn tủ ngay chỗ đầu giường. Tôi tò mò mở một cánh tủ ra thì thấy một cái chăn dạ đen, một hộp phấn, một cái lược. Hai trăm chỗ nằm! Gian phòng ngăn làm đôi bằng chấn song sắt như ở chuồng hổ! Là vì đêm đêm, bọn gái có giấy, xưa kia vẫn trèo tường sang đánh đập bọn gái lậu vì lẽ bọn này “buôn bán không có môn bài” và cạnh tranh họ một cách bất chính. Thật vậy không ai ghét nhau bằng bọn người cùng nghề với nhau. Và một vài cô gái quê ra tỉnh làm con sen con đòi, rồi trụy lạc, rồi bị cái xích của thầy “đội con gái” mà vào nằm trên cái bục này, đã từng biết cái oai quyền của một vài chị nhà thổ vừa đánh chửi mình vừa thét: “Tiên sư đồ đĩ rạc! Mày có biết chúng bà là ai không? Chúng bà có ba-tăng [5] là đĩ Nhà nước!”. Do thế chấn song sắt...Nhưng mà ông Đốc lý vội lắm, vậy chúng ta sang bên kia.Đây, cái sân có mái để nghỉ ngơi những lúc nóng nực, có máy hát và phóng thanh pick-up để các chị lúc nào nhàn hạ thì nghe một khúc ca lý, bài Anh Khóa, Văn Thiên Tường cho bớt nỗi u phiền của trầm luân.Qua sân đến một căn phòng nhỏ: chỗ khâu vá. Bốn chục chị em đương đan áo vội đứng cả lên. Chân giẫm đất, quần trắng, áo cánh trắng, hoặc có áo len, áo gilê, hoặc không, trông họ ta chẳng có mối cảm giác gì cả. Họ không e lệ, cũng không có vẻ khổ sở vì phải ở nhà lục xì. Nhà nước mở ra phòng này từ năm 1935 để cho bọn họ có thể có một nghề để sau này có ngày mong bước khỏi phòng mại dâm chăng. Nhiều khi vì bị bắt giam vào lục xì mà lúc được thả ra, một kỹ nữ đã biết đọc và viết chữ quốc ngữ. Bọn ấy cứ lẳng lặng làm việc... Ông Đốc lý đã cắt nghĩa xong. Ta vào trong kia.Vệ sinh nam nữ giao cấu học đường! (Ecole de Prophylaxie Sexulle) [6] Phải, đối với bọn làm đĩ thì chỉ có cái vấn đề “đi lại” là can hệ. Một lớp học cũng có bàn ghế, bảng đen, bục cao, như những lớp học khác.Chung quanh lớp là những phòng rửa mặt thuộc hạng đặc biệt xa xỉ phẩm, mà Nhà nước dùng để cho bọn nữ học sinh ấy, nhân cái thích làm đỏm mà biết đến mọi phép vệ sinh. Trên tường, có kẻ những câu cách ngôn khuyên người ta giữ gìn thân thể cho sạch sẽ, mấy bức vẽ màu rất to về cơ quan sinh dục đàn ông, đàn bà... Những cái dương vật sứt lở vì giang mai, những cái bẹn có “quả xoài” ghê tởm. Những cái âm hộ hoặc lành lặn hoặc hôi tanh... Trong trường học này, nữ sinh đã là gái thanh lâu thì cố nhiên bà giáo phải là cô khán hộ. Lúc ông Đốc lý và chúng tôi bước vào thì sự học vấn ngừng lại, vì từ cô giáo cho đến học trò thẩy đều khoanh tay đứng cả lên. Nhưng mà vào những lúc khác, lớp học sẽ vang động bài thơ vệ sinh mà gái nào muốn giật mảnh bằng để thoát khỏi nhà lục xì ắt phải thuộc lầu...Bác sĩ Joyeux, trong khi biếu tôi cuốn sách Le Dispensaire antivénérien municipal [7] lại không quên “làm quà” cho tôi một bài thơ. Và cả ông Đốc lý nữa. Người Pháp có ý khoe khoang rằng trong việc bài trừ nạn hoa liễu, bài “Phong tình ca khúc” là một kỳ công đáng tự đắc. Vậy tôi xin các ông đạo đức giả hay là đạo đức không phải đường đừng nhăn mặt nữa, mà hãy để cho tôi làm tròn phận sự của một phóng viên.Sau cùng, ông Đốc lý dẫn chúng tôi vào sân trong cùng, sau khi đi qua dãy buồng tắm có hoa sen lối bản xứ.Sân trong cùng, gọi là vườn rộng, cũng có một “nghinh phong đình” (Préau) [8] mà nhà lục xì vừa xây xong mấy tháng nay. Trước kia, chỉ đến chỗ buồng tắm là hết, như vậy gái lục xì không được thở thanh khí, và bị giam cầm chật hẹp quá. Sau những cuộc điều đình khó khăn với Phủ Toàn quyền, thành phố chật vật mãi mới thuê được ba nghìn thước đất đằng sau Viện Quang Tuyến [9]. Bây giờ bọn gái lục xì đã có vườn rộng để tập giồng rau, để giải trí bằng mọi cuộc vui như đánh đu, đánh vòng, đánh quần, tập thể thao... Và có khi chắn cạ nữa, tuy đó là điều cấm trong luật.Cuộc thăm thú gần kết liễu, ông Đốc lý có ý cho chúng tôi chứng kiến một cuộc tuyên thệ long trọng của mụ giầu và gái “có giấy” trước thần Bạch My. Phải, trong này ông thần ấy cũng có miếu, ngày nào cũng hương hoa một lượt. Một y sĩ cho gọi các mụ giầu vào bắt thề là quan trên đã cho chị em ra ngoài ăn Tết mấy ngày thì không được tiếp khách mà làm tăng bệnh tình chưa khỏi và đổ bệnh cho dân...Năm chục ả đứng xếp hàng dài trước miếu. Bọn mụ giầu đứng phía đối diện. Người ta giải chiếu ra. Một mụ thỉnh chuông. Rồi lần lượt các mụ và các ả vào lễ. Có mụ, sau khi lễ thần Bạch My lại quay lại vái quan Đốc lý, tỏ ý tạ ơn. Thấy tôi mỉm cười, ông Virgitti vội phân trần:- Các ông đừng cho rằng nhà nước xui họ mê tín, nhưng mà là lợi dụng cái mê tín của họ cho được việc. Thả họ ra mà không bắt họ thề, sợ họ làm liều, lại tham tiền mà đổ bệnh trong dân gian.Rồi chúng tôi cáo lui.Thật vậy, nhờ ông Virgitti và ông Joyeux, bọn gái bị giam trong lục xì từ nay được đãi một cách có nhân đạo hơn trước nhiều lắm. Nhưng hai ông tưởng rằng cải cách chế độ trong phúc đường, làm cho số năm nghìn gái đĩ lậu hết hoảng vía mỗi khi nghe thấy hai tiếng lục xì thì đã đủ sai khiến họ sẽ tự ý đến vâng chịu mọi luật lệ của phúc đường, thì cả hai ông cùng nhầm to!Người đĩ lậu thuế thì mới được bọn làng chơi trả đắt.- Làm thế nào ngăn cho số năm nghìn đĩ lậu khỏi truyền bệnh trong dân gian?Đến câu này thì ta cần phải nói chuyện với ông Mas, thanh tra ban “đội con gái”.Chú thích:[1] Chính phủ Bình dân cầm quyền bên Pháp, năm 1936 cử ông Godart sang điều tra về tình hình Đông Dương để tiến hành những cuộc cải cách xã hội.[2] “Quyền thứ tư”: quan niệm phương Tây cho báo chí là có quyền này, sau các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.[3] Tướng tư lệnh tối cao của quân lực Pháp ở Đông Dương.[4] Ghết là các miếng vải hay da bó lấy hai ống chân và phủ lên đốc giày - Ghết-đờ-vin là ghết ngắn dùng khi đi bộ trong phố phường.[5] Thuế môn bài (patente).[6] Đúng tiếng Pháp là: Trường dạy phép đề phòng bệnh tình.[7] Nhà thương làm phúc chống bệnh tình của thành phố.[8] Sân ở trong các nhà tu có lợp mái để đi dạo.[9] Viện Radium ở phố Quán Sứ.