Chương 5(a)
GHI CHÉP CỦA PHILIPPE GERBIER

Trở về từ Anh ngày hôm qua. Khi máy bay chìm ngập trong màn đêm đen đặc, tôi chợt nghĩ đến J. Anh ta đã có một cú nhảy bất hạnh làm gãy cả hai chân. Tuy nhiên anh vẫn dũng cảm gắng sức chôn cái dù xuống đất và lết đi khoảng từ năm đến sáu kilômét để đến đúng trang trại đón tiếp anh. Còn tôi, tim tôi như chết đứng khi thấy người phi công ra hiệu. Nỗi lo sợ vô cớ. Không hề có gió. Rơi xuống một mảnh đất mới cày. Chôn cái dù xuống đất. Đã thông thuộc vùng này, tôi sẽ tìm thấy ngay một nhà ga rất dễ dàng.
Những người nông dân, thợ thủ công, nhân viên hỏa xa đứng chờ chuyến tàu đầu tiên. Thoạt đầu, họ trao đổi với nhau những nội dung hàng ngày: thực phẩm, thực phẩm và thực phẩm. Chợ ngày càng hiếm, các cuộc trưng dụng càng ngày càng không thể chấp nhận được, không có lò sưởi. Nhưng cũng có những nội dung mới: các cuộc đi đày. Họ nói, nạn này sẽ không chừa một gia đình nào. Họ tính cách làm thế nào đó để cho con trai, cháu trai, chú bác của họ khỏi bị đi đày. Đúng là địa ngục trần gian. Nổi dậy khắp nơi. Hận thù khắp nơi. Họ cũng trao đổi với nhau các tin tức về chiến tranh. Những người có đài thông báo lại cho những người không có chi tiết các buổi phát thanh từ Luân Đôn. Trước đó hai ngày tôi đã phát biểu trên đài BBC về quyền lợi của kỹ sư Pháp.
Xuống tàu ở thành phố nhỏ có tên là C. Tôi không muốn gặp trực tiếp ngay Q.G. phụ trách khu vực miền Nam của chúng tôi. Những bức điện tín mới nhất từ Luân Đôn gửi về cho thấy tình hình khá lo ngại. Tôi đến nhà một kiến trúc sư, bạn tôi. Anh ta tiếp đón tôi như là người ta đón tiếp một con ma vậy. "Cậu vừa từ Anh về à? Cậu vừa từ Anh về à", anh ta luôn miệng hỏi. Anh nhận ra giọng tôi nói trên đài truyền thanh. Tôi không ngờ giọng nói của tôi lại đặc biệt, dễ nhận ra đến thế. Việc này là điều bất cẩn khá ngu ngốc và nghiêm trọng. Nhưng mọi sự tò mò cũng không hẳn đều có ác ý. Người huyên thuyên, lắm lời hay thậm chí có xu hướng làm điều dại dột có khi lại là những người đáng thán phục. Phần lớn người của chúng tôi đầy hứng khởi. Họ thích làm cho vĩ đại lên, thanh cao hóa đồng đội, chủ yếu là chỉ huy của mình. Làm như vậy họ thấy vững vàng hơn, bốc lửa nhiệt tình hơn. Nó làm cho những công việc nhỏ bé đơn điệu hàng ngày của họ trở nên có chất thơ. "Cậu biết không, X đã làm một việc diệu vợi", một người nói sau khi nghe được tin này từ một người khác. Người này lại có nhu cầu chia xẻ lòng phấn khởi của mình với một người thứ ba nữa. Và cứ tiếp tục như thế. Rồi thì câu chuyện cũng đến tai mật thám. Chẳng có cái gì đáng gờm hơn là sự lan truyền tình cảm.
Thế mà tôi đã ở Luân Đôn, nên rất có khả năng tôi sẽ trở thành một nhân vật được tôn thờ. Tôi có thể nhận ra điều này qua cách đỗi đãi của anh bạn kiến trúc sư. Anh ấy có tính cách và tâm hồn điềm tĩnh, thế mà vẫn nhìn tôi cứ như thể tôi là một con người thần diệu lắm. Cho dù việc tôi quay trở về cũng không làm cho anh ấy ngạc nhiên quá, nhưng sự kiện tôi sống mấy tuần lễ liền tại Luân Đôn, hít thở không khí Luân Đôn, gặp gỡ những người Luân Đôn, làm cho anh ta xúc động thật sự. Anh ấy coi những ngày nghỉ này, những ngày được an toàn, yên bình để lấy lại sức của tôi là một điều kỳ vĩ hiếm có. Lý giải một thái độ có vẻ kỳ cục là một điều khá đơn giản! Khi mà dường như đã mất tất cả, nước Anh trở thành một điểm nóng, một niềm hy vọng duy nhất. Đối với hàng triệu người dân châu Âu lầm than trong bóng tối, thì nước Anh là ngọn lửa của niềm tin. Tất cả những ai đã đến gần hoặc đang còn tiến đến gần ngọn lửa này đều phản chiếu sự tuyệt diệu của nó. Những người Đạo hồi hành hương về La Mecque (1) đều có danh hiệu là Hadj và trên đầu đều đội một chiếc khăn màu xanh. Tôi đến nước Anh cũng giống như một người Hadj, cũng có quyền đội khăn xanh của một châu Âu dưới ách nô lệ. Việc so sánh này đối với tôi khá buồn cười, bởi vì tôi không hề có một chút ý niệm gì về tín ngưỡng cả. Và cũng còn bởi vì mọi quan điểm ở Luân Đôn đều hoàn toàn trái ngược với ở đây.
Ở đó, người ta coi được sống trên nước Pháp là một điều đáng thán phục và tự hào. Cái đói, cái rét, sự thiếu thốn, mọi sự hiểm nguy mà chúng tôi phải nỗ lực để chung sống với nó đều tác động mạnh mẽ đến trí tưởng tượng và những miền nhạy cảm của những người sống ở Luân Đôn. Còn những người tham gia kháng chiến thì lại gợi nên cho họ một sự xúc động gần như thần bí. Họ có cảm giác chính những người tham gia kháng chiến đang cùng nhau viết một câu chuyện gần như huyền thoại. Khi tôi nói những điều này ra ở đây, có thể một số người sẽ nhún vai. Không bao giờ những người phụ nữ khổ sở vì xếp hàng, khóc lóc vì bất lực trước cảnh con cái mình xanh xao vì thiếu máu, nguyền rủa chính phủ và kẻ thù đã cướp chồng con từ gia đình của họ đày sang Đức, những phụ nữ làm những điều hèn hạ đối với người bán kem hay anh hàng xeo để có được một giọt sữa hay một lạng thịt không bao giờ những phụ nữ này lại nghĩ rằng họ là những con người đặc biệt. Không bao giờ những cậu thanh niên tuần nào cũng trở những chiếc vali cũ chất đầy báo bất hợp pháp của chúng tôi, điện đài viên mổ cò gửi và nhận các tin tức cho chúng tôi, những cô gái đánh máy các bản báo cáo của tôi, nhất là Félix và Le Bison, không bao giờ những con người này lại nghĩ rằng họ là những anh hùng và tôi thì lại càng không nghĩ như vậy.
Tôi biết, ý kiến chủ quan và tình cảm chẳng có giá trị gì. Chân lý chỉ nằm ở chính trong các sự việc. Tôi muốn, khi tôi cảm thấy hứng thú, thì ghi chép lại những sự việc mà một người ở vào vị trí được nghe và nắm bắt các thông tin như tôi có thể biết được về kháng chiến. Sau này, khi nhìn lại, các chi tiết đã tích lũy được sẽ là một cái vốn cho phép tôi có những đánh giá chính xác.
Nếu tôi sống sót.

*

Ngủ một đêm tại nhà người bạn kiến trúc sư. Tiếp người chỉ huy kháng chiến ở khu vực đến thăm. Là nhân viên hỏa xa. Thư ký công đoàn cũ. Theo cộng sản triệt để. Có tài tổ chức. Tính cách bất khuất. Nếu như tất cả các tổ chức kháng chiến trên đất nước tập hợp lại và đều kiên quyết như những nhân viên hỏa xa này, thì hoạt động chúng tôi sẽ nhanh chóng thành công.
Người này đã khẳng định chắc chắn ấn tượng xấu của tôi về những bức điện tín. Bẫy, vây ráp, trục xuất người ra nước ngoài. Quân Gestapo muốn làm cho kháng chiến lâm vào tình trạng rắn mất đầu. Chúng đánh trượt hàng chục bận, rồi cuối cùng thì đánh trúng đầu xà. Tất cả các trung tâm liên lạc của chúng tôi ở Lyon, Marseille, Toulouse và Savoie đều bị phát hiện. Ba trạm phát tin của chúng tôi đã bị tóm. Chúng tôi không liên lạc được với miền Nam, còn ở miền Bắc thì tình hình rất căng thẳng. Trợ lý của tôi, một công chức nhỏ ở Sở trước bạ, tính khí ưu tư và làm việc không bao giờ biết mệt mỏi, đã bị hành hình. Cô thư ký của tôi bị bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bồ Đào Nha. Félix cũng bị bắt.
Tình hình của Lemasque dường như vẫn rất tốt đẹp. Anh ta đã thành lập một trạm liên lạc phụ ở văn phòng của mình. Dần dần, khi những trạm khác đều bị bắt thì trạm của anh trở nên quan trọng. Lemasque liên tục thay thế những đồng đội đã hy sinh, kết nạp thêm thành viên mới. Anh tỏ ra rất nhanh nhẹn, có nghị lực và hiệu quả. Nhưng tôi sợ thần kinh của anh ta không được vững. Tôi đã quay trở về đúng lúc.
Những nhân viên hỏa xa khuyên tôi không nên lưu lại lâu tại nhà người kiến trúc sư. Quá nhiều người đã biết anh bạn tôi là người theo Đờ Gôn. Thành phố thì nhỏ bé.

*

Chủ nhà của tôi bây giờ là nam tước V. Nhà tôi hiện ở là một lâu đài rất đẹp xây từ thời Louis XIII. Dinh cơ bao gồm một công viên nhỏ, một khu rừng, một cái ao, những khu đất rộng và rất màu mỡ. Không thể nào hình dung ra được một nơi trú ngụ chắc chắn và thoải mái hơn thế. Tôi có thể yên tâm thiết lập những mối liên lạc và vạch kế hoạch hành động. Nam tước hoàn toàn tự nguyện chịu sự chỉ huy của tôi. Đó là một con người có nhân cách tốt. Mũi dài, làn da cháy xạm vì nắng và gió, đôi mắt nhỏ và khắc khổ, ông vừa giống cáo lại vừa giống sói. Ông chỉ yêu thích có đất đai của mình và săn bắn. Tất nhiên, trước kia ông cũng từng là sĩ quan kỵ binh. Vợ và các con lúc nào cũng sợ hãi ông. Ông chỉ kính nể và phục tùng một người duy nhất bà chị gái già của ông. Bà không lấy chồng và lúc nào cũng chỉ thích cưỡi ngựa.
Nam tước V. là kẻ thù không đội trời chung của nền Cộng hòa. Trước chiến tranh, cùng với đội tá điền, những người chăm sóc chó và trông coi đàn ngựa của mình, ông đã thành lập một đội quân kỵ binh, vũ trang bằng cung đi săn và súng ngắn chống trả lại những cuộc tấn công của binh lính triều đình. Đội quân được tổ chức và huấn luyện một cách hoàn hảo này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến tận bây giờ. Nhưng bây giờ thì họ hoạt động chống lại phát xít Đức. Vũ khí chẳng bao giờ thiếu. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc nhảy dù xuống mảnh đất của nam tước. Nam tước không chịu ghi tên chính thức vào bất kỳ một tổ chức kháng chiến nào. Nhưng ông lại giúp đỡ tất cả các tổ chức kháng chiến. Khi vợ và con cái của ông đi ngủ hết, ông cùng chị gái cưỡi ngựa đi đón những người mới nhảy dù xuống.
Người chỉ huy khu vực, thư ký công đoàn đã phó thác tôi cho cái lãnh địa rất phong kiến này. Tôi đã tuyên dương sự ủng hộ và cộng tác của ngài nam tước với một người cách mạng. Ông này đã nói với tôi: "Tôi thích một nước Pháp cộng sản là một nước Pháp đang trở thành cộng sản".

*

Tin tức của Félix từ Jean François.
Félix bị hai người đàn ông nói rất trôi chảy tiếng Pháp bắt giữ ngay trong phố nhưng thực ra đó là hai nhân viên của Gestapo. Chúng tra tấn anh ấy để lấy cung. Anh không chịu khai nên bị chúng áp giải về nhà giữa đêm khuya. Vợ và con trai của anh không hề hay biết gì về hoạt động bí mật của Félix, cho nên không gây ra khó khăn gì cả và rất khiếp sợ khi nhận ra Félix. Bọn cảnh sát Đức đánh đập Félix trước mặt vợ và con trai anh cho đến tận khi anh ngất xỉu. Sau đó chúng khám soát lục lọi và đập vỡ tất cả mọi thứ trong phòng. Félix hồi tỉnh, anh ngọ nguậy định đứng dậy. Chúng liền đánh tiếp cho đến khi anh lại ngất đi. Chúng tiếp tục lục soát. Félix lại tỉnh lại. Lần này anh không cử động gì nữa. Theo lời Jean François đã nói, anh kiềm chế để giữ sức rồi bất chợt anh vọt qua cửa sổ, phá gẫy lưới chắn và nhảy ra ngoài đường. Căn hộ của anh ở ngay tầng một. Anh bị trật khớp một bên nhưng vẫn cố chạy. Một tốp viên chức người Pháp đi xe đạp ngang qua. Félix nói thật với người dẫn đầu và họ chở anh về nhà một người của ta. Ngày hôm sau, Félix được đưa vào bệnh xá của kháng chiến. Ngày hôm sau nữa anh phải chuyển đến một bệnh xá khác và ngày tiếp theo anh lại phải chuyển tiếp đến một bệnh xá khác nữa. Đến khi đó thì bọn Gestapo đã hoàn toàn mất dấu vết của Félix. Félix nhẹ bỗng và trắng bệch như một miếng thạch cao. Rồi anh sẽ bình phục. Anh yêu cầu tôi giao nhiệm vụ mới. Anh ấy sẽ không được gặp lại vợ và con trai cho đến tận khi kết thúc chiến tranh. Anh nghĩ rằng vợ anh rất giận anh.

*

Có một giáo viên ở Lyon đã tranh thủ ngày nghỉ chủ nhật, thức trắng hai đêm trên tàu hỏa để chuyển cho tôi một gói giấy. Hiện giờ anh ta đang ngủ để chờ chuyến tàu tới. Anh ấy thường xuyên bị đói, đến nỗi nhiều khi quên cả những kiến thức cơ bản phải dạy cho học sinh. Còn đối với bọn trẻ, anh chẳng còn dám gọi chúng lên bảng nữa. Bởi vì học sinh cũng đói đến nỗi không thể đứng vững được nữa.

*

Vị linh mục của làng đến giảng đạo tại lâu đài. Suốt ngày suốt đêm, ông chạy hết từ trang trại này đến trang trại khác: "Con, ông nói với một người nông dân, nhà con có đủ chỗ để giấu ba người đàn ông không muốn sang Đức". "Con, ông nói với một người khác, con phải nuôi hai người không muốn sang Đức" và cứ như vậy với những người khác nữa. Ông nắm vững khả năng của từng nhà. Ông có ảnh hưởng lớn đến mọi người. Ai cũng nghe theo lời ông. Ông đã bị mật thám chỉ điểm cho bọn Đức và báo cho chính quyền Pháp. "Tôi cần phải khẩn trương, ông nói, trước khi vào tù, tôi muốn tìm chỗ để giấu khoảng ba trăm người không muốn sang Đức". Bây giờ hoạt động kháng chiến là một loại thể thao. Đó là cuộc chạy đua chống lại sự tố giác.

*

Khi tôi sang Anh, con số những người không chịu đi quân dịch sang Đức đã lên tới khoảng vài nghìn người. Đến bây giờ con số ấy đã lên tới hàng chục nghìn người. Nhiều người trốn về làng quê. Nhưng cũng có rất nhiều người sống trong các khu vực rừng núi, hang động hiểm trở và lập đội du kích. Đội du kích Savoie. Đội du kích Cévennes. Đội du kích Massif. Đội du kích Pyrénées. Mỗi một đội du kích là một đội quân gồm toàn thanh niên. Họ cần phải được nuôi, được bao bọc, được cung cấp những quân trang đạn dược cần thiết trong khả năng có thể. Đó là một vấn đề mới rất khủng khiếp của kháng chiến.
Có một vài đội tự đứng ra liên kết với nhau thành một khối. Thỉnh thoảng, họ ra một tờ báo. Họ có luật lệ riêng. Đó là một kiểu tổ chức cộng hòa nhỏ. Một vài đội khác hàng ngày tổ chức chào cờ. Cờ chữ thập Lorraine. Trong số những thông tin sắp tới gửi đi Luân Đôn, sẽ có những hình ảnh thông tin về những buổi lễ này.
Nhưng phần lớn các cậu thanh niên, công nhân trẻ, sinh viên, thư ký, người làm công, đều muốn nhận một chỉ thị khúc triết, có sức mạnh, có tổ chức. Chúng tôi đã bầu ra một hội đồng gồm ba người để tổ chức họ: Félix, Lemasque và Jean François. Ba người này có những ưu điểm và nhược điểm có thể bổ sung được cho nhau.

*

Cử một nhóm đi đón người và hàng từ Anh gửi sang. Cơ cấu của nhóm gồm có: một lính cứu hỏa, một anh hàng xeo, một viên thư ký tòa thị chính, một nhân viên nha cảnh sát, và một bác sĩ. Phương tiện đi lại: ôtô của nha cảnh sát và xe tải nhỏ của anh hàng xeo.

*

Ngày đẹp:
1. Đặt được một trạm truyền tin tại nhà của bà chủ trại đã cho chúng tôi ở nhờ trước khi ra đi bằng tàu ngầm.
2. Félix được xuất viện với cái mắt cá chân hoàn toàn lành lặn và một bộ râu quai nón rậm rì. Anh ấy được lệnh nối liên lạc với Lemasque.
3. Mathilde tới.
Chị đã trốn thoát êm thấm cùng với sáu mươi người nữa cũng bị Tòa án Paris bắt giữ. Chị không biết việc trốn thoát này được chuẩn bị như thế nào và do ai. Rất có khả năng có sự giúp đỡ ngay trong đội ngũ của địch. Họ chỉ nhận được một mệnh lệnh là cứ việc đi thẳng theo lối hành lang và cuối cùng sẽ có một cánh cửa dẫn ra quảng trường Dauphine, cứ việc mở cánh cửa ấy mà đi ra ngoài.
Mathilde phải lẩn trốn ba ngày tại Paris. Chị phải cưỡng lại với ước muốn cháy bỏng là được gặp lại đàn con. Lúc nào chị cũng tự nhủ không bao giờ được làm điều đó và chị chưa bao giờ thấy việc gì khó khăn đến thế. Chị cho tôi xem bức ảnh mà chị giấu được mặc dù bọn chúng lục soát và khám xét rất kỹ lưỡng. Sáu đứa con, từ đứa con gái cả, mười bảy tuổi cho đến đứa nhỏ nhất mà chị vẫn thường xuyên cho nó nằm trên hàng chồng những tờ báo cấm mà chở đi dạo. "Chắc chắn cô con gái lớn nhất Thérèse sẽ chăm sóc tốt đàn em. Còn tôi, tôi sẽ không thể chăm sóc chúng được nữa cho khi nào chiến tranh kết thúc", Mathilde nói. Chị cầm lấy tấm ảnh và lại giấu kỹ. Chị đòi được giao nhiệm vụ mới ngay lập tức, thật nhiều và toàn là những nhiệm vụ nguy hiểm. Tôi nói với tôi phải suy nghĩ một chút. Tôi biết rằng chị có thể làm được nhiều và làm rất tốt. Cần phải giao cho chị những công việc phù hợp. Chị ở lại trong lâu đài để chờ đợi nhiệm vụ mới.

*

Xem xét rất nhiều báo cáo.
Đối với những người tham gia kháng chiến, phạm vi của cuộc sống không ngừng bị thu hẹp. Bọn Gestapo tăng cường bắt bớ, còn các tòa án Đức dường như chỉ biết có án tử hình. Bây giờ, hễ bắt được người Pháp nào là lập tức cảnh sát Pháp giao luôn cho bọn Đức tùy ý xử lý. Trước kia, họ còn có các mức độ đối xử khác nhau như bỏ tù, nhốt vào trại tập trung, Lao động cưỡng bức trong các khu giam giữ, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là một tờ cảnh báo của chính quyền. Còn bây giờ gần như là lúc nào cũng là tử hình, tử hình và tử hình.
Nhưng, còn phía chúng tôi, chúng tôi giết, giết, giết.
Những người Pháp không được chuẩn bị, không sẵn sàng giết người. Khí chất, khí hậu của người Pháp, đất nước của họ, trình độ văn minh mà họ đã đạt tới làm cho họ tránh xa việc đổ máu. Còn nhớ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, chúng tôi thấy khó khăn vô cùng khi kết án tử hình mà vẫn giữ được thái độ lạnh lùng, phải phục kích, phải tính toán các âm mưu và đặc biệt khó khăn trong việc tìm người thực hiện những công việc này. Đến giờ, đây cũng vẫn là một vấn đề đáng chán ghét. Trong số những người Pháp lại tái xuất hiện thằng người nguyên thủy. Hắn buộc phải giết người để bảo vệ gia đình, bảo vệ miếng ăn, tình yêu và danh dự của mình. Ngày nào hắn cũng phải giết người. Hắn giết người Đức, giết kẻ phản bội, giết kẻ tố giác. Hắn giết người có suy nghĩ và có lý lẽ. Tôi sẽ không nói rằng nhân dân Pháp đang trở nên cứng rắn hơn. Nhân dân Pháp đang được mài rũa.

*

Khi từ Paris đến, Mathilde đã đi cùng một chặng đường với bà bá tước mà vị tổng chỉ huy đã từng có mặt tại nhà bà nghe nhạc. Bà bá tước mang giấu theo một thanh niên bắn súng máy người Anh. Khi chuyển tàu, họ đã phải ngồi trong phòng chờ hai tiếng đồng hồ. Có sự kiểm tra giấy tờ đột xuất. Cậu thanh niên người Anh không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng biết lấy nửa từ tiếng Pháp. Bà bá tước bắt cậu ta nằm xuống dưới đất rồi bà ngồi sát cạnh xòe rộng cái váy rất dài may theo mốt cũ kỹ ra che lấy cậu bé. Cảnh sát không nhìn thấy gì hết. Dĩ nhiên là tất cả hành khách trên tàu đều ủng hộ bà.

*

Trò chuyện rất lâu với Mathilde. Dù đã được tổng chỉ huy cho biết trước rằng chị là một người phụ nữ hết sắc đặc biệt, chị vẫn làm tôi ngạc nhiên. Mathilde là người sinh ra để tổ chức, để ra lệnh và đồng thời cũng là để cống hiến. Chị nhìn nhận mọi vấn đề rõ ràng và đơn giản. Cách nhìn của chị rất đúng đắn. Chị có một ý chí, một phương pháp, một tính kiên nhẫn và một mối căm thù bọn Đức, tất cả đều mạnh mẽ như nhau. Bây giờ khi tất cả những mối liên hệ với gia đình của chị bị kẻ thù cắt đứt thì chị trở thành một công cụ đặc biệt chống lại chúng.
Trong tù, Mathilde học hỏi được nhiều về cách thay đổi thái độ, cách thoát thân, về những kỹ thuật khi chuẩn bị và thực hiện các âm mưu. Chị sẽ đi một vòng quanh vùng phía nam, gặp gỡ các chỉ huy của tất cả các đơn vị. Chị sẽ gặp tôi tại một thành phố lớn. Liên lạc ở đây rất chậm.

*

Tình cờ? May mắn? Linh tính? Hay là bản năng?
Tôi rời lâu đài cách đây đúng một tuần. Hai ngày sau khi tôi đi, công tước V. và anh nhân viên hỏa xa, là chỉ huy khu vực của chúng tôi bị bắt cùng một lúc. Cả hai đều bị xử bắn.

*

Nước Pháp trở thành một nhà tù lớn. Tại đó, mối đe doạ, sự khốn cùng, nỗi sợ hãi và bất hạnh, tất cả giống như cái tròng mỗi ngày một thít chặt lấy cổ con người. Nước Pháp là một nhà tù còn phi pháp lại là một sự vượt ngục thần kỳ. Giấy tờ ư? Thì người ta in ra. Phiếu thực phẩm ư? Người ta ăn cắp tại tòa thị chính. Ôtô, xăng nhớt ư? Lấy của bọn Đức. Những kẻ quấy rối? Thủ tiêu ngay lập tức. Luật pháp, nguyên tắc không còn tồn tại nữa. Phi pháp giống như chiếc bóng lướt đi theo hệ thống của nó. Không có gì là khó khăn cả, bởi vì người ta đã bắt đầu từ cái khó khăn nhất: coi thường cái gọi là cốt yếu: bản năng bảo tồn.

*

Chuyện xảy ra trong chuyến đi.
Chuyến tàu của tôi dừng lại tại ga Lyon lâu hơn so với quy định. Quân Gestapo lên tàu kiểm tra thẻ căn cước. Chúng lên toa của tôi (toa số ba). Rồi chúng vào trong khoang của tôi. Không có sự cố gì. Bước chân của chúng đã đi xa. Bỗng một tên cảnh sát khác đến, hắn ra hiệu cho một hành khách đi theo. Người hành khách ấy xoay lưng lại phía tên lính Đức, cúi xuống như là để nhặt lại tờ báo mà anh đã đánh rơi. Thực tình thì tất cả chúng tôi đều nhìn thấy anh ta rút ra một khẩu súng ngắn kẹp dưới nách, lên đạn rồi đặt trong túi áo vét tông. Những hành động này xảy ra rất nhanh và thành thạo. Yên lặng hoàn toàn. Người hành khách xách vali lên và đi ra. Đoàn tàu lại bắt đầu chuyển bánh. Người hành khách đã quay trở lại. "Bọn nó nhầm", anh vừa nói vừa ngồi vào chỗ. Anh cắt một điếu thuốc lá ra làm đôi và hút một nửa. Trò chuyện lại bắt đầu nổi lên trong khoang xe lửa.

*

Chuyện xảy ra trong chuyến đi.
Tại hành lang của toa hạng ba, hành khách đông như nêm chen lấn xô đẩy nhau. Có một cô gái thỉnh thoảng lại liếc nhanh một cái gói khá to, bọc bên ngoài bằng giấy cũ, ở cách xa vài mét. Hành khách dậm chân bình bịch. Mỗi khi tàu dừng lại, họ lại ngã dúi dụi vào nhau. Cái gói bị rách, rồi bung hẳn ra. Cô gái bỏ ra xa hơn một chút. Những thứ trong bọc vung vãi ra khắp nơi. Đó là hàng chồng báo bất hợp pháp. Hành khách nhặt tờ báo lên xem. Cô gái đã biến mất.
Hẳn là kết quả của sự thiếu vali, thiếu giấy bọc và thiếu những sợi dây buộc chắc chắn.

*

Tại Marseille, cứ đến đêm lại có một nhóm những người kháng chiến mở hết tất cả các nắp ống cống ra. Chỉ có bọn Đức và tay chân của chúng mới có quyền đi ra ngoài đường sau giờ giới nghiêm. Bởi vậy, trong số những kẻ gẫy xương lưng vì bị rơi xuống ống cống, chẳng có ai làm cho nhóm người này phải hối hận cả.

*

Quân Gestapo và cảnh sát Pháp theo lệnh từ trên xuống, cắt cử những tay chân trung thành và có một trí nhớ thị giác thật tốt thường xuyên túc trực ở tất cả các nhà ga quan trọng. Bọn này phải nghiên cứu thật tỷ mỷ chân dung những người yêu nước mà chúng đang lùng sục. Chúng là những kẻ "giỏi nhớ mặt", giống như những người làm công ăn lương đứng gác trước cửa những phòng chơi tại các sòng bạc lớn mà vai trò của những người này chỉ là nhớ mặt tất cả những ai đã vào chơi.

*

Bọn Gestapo thích sử dụng trong mạng lưới của mình những người nhiều tuổi, có khuôn mặt nhu nhược, đã được tặng thưởng huân, huy chương để theo dõi những người bị tình nghi. Những người bị theo dõi thường ít chú ý đến người đã có tóc muối tiêu. Khi bị họ theo dõi thì hầu như chưa có nguy hiểm. Họ chỉ xác định vị trí, khoanh vùng khu vực theo dõi, rồi báo tin đi. Nhưng nếu sau đó, thấy xuất hiện bên cạnh họ những người đàn ông trẻ hơn, khỏe hơn, thì phải đề phòng.

*

Tôi sống ở một thành phố lớn, tại nhà của một thẩm phán và với vai trò là người giúp việc. Vỏ bọc như thế là tốt. Nhưng không may, tôi lại phải gặp rất nhiều người. Mọi người đi đi, đến đến đã nhanh chóng gây sự chú ý, nhất là bình thường đây là một nhà khá yên tĩnh.. Tôi sẽ không thể lưu lại đây lâu được.

*

Mathilde đã quay trở lại. Chị đưa cho tôi một bản báo cáo rất đầy đủ và chi tiết về tình hình các đơn vị trong tổ chức của chúng tôi. Chị đã gặp không sót một vị chỉ huy nào. Tối nào chị cũng phải ngủ trên tàu hỏa. Chị nói, việc này còn chưa vất vả bằng chăm sóc một gia đình đông người. Quả thực, chị không có một vẻ là một người phụ nữ nội trợ đơn thuần.

*

Tôi nghĩ rằng cuộc sống mới với niềm ước mong cuồng nhiệt bị nguội lạnh và sự vô vọng làm cho chị thay đổi cả thái độ và cách hành động. Nhưng chị cũng quen với hoàn cảnh. Chị nói với tôi, trên đường đi chị đã cải trang thành rất nhiều người. Có lúc chị rắc bụi lên trên tóc và mặc một chiếc váy đen khắc khổ. Có lúc chị lại trang điểm và ăn mặc rất loè loẹt. "Tôi cải trang từ một người phụ nữ có tuổi thành một cô gái điếm khá dễ dàng", Mathilde nói bằng giọng đon đả quen thuộc.
Một trong những việc quan trọng nhất mà chị đã làm là móc nối được với tất cả chỉ huy của các tổ chức ở các địa phương khác nhau, để tránh cho những tổ chức này làm việc trùng lặp và chồng chéo lên nhau. Bởi vì đã có lúc xảy ra hiện tượng là hai hay ba tổ chức khác nhau cùng một thời điểm đưa ra cùng một mục tiêu giống nhau: ngầm phá hoại các cơ sở vật chất của địch, phá đường ray, mưu sát hoặc hành trình chỉ huy giặc. Nếu hoạt động mà không liên lạc với nhau, thì số liệu tổng kết các công việc đã được thực hiện sẽ được nhân lên gấp hai hay ba lần một cách vô nghĩa và mức độ rủi ro cũng như thế. Cũng còn cần phải móc nối các chỉ huy với nhau để tránh tiến hành các hoạt động nhỏ làm thu hút sự chú ý của cảnh sát ở một địa điểm đang tiến hành chuẩn bị cho sự diễn ra các hoạt động lớn quan trọng hơn. Tất nhiên, trao đổi các kế hoạch giữa các tổ chức cũng làm tăng nguy cơ phải trốn chạy và lộ bí mật.
Đó chính là vấn đề muôn thuở của cuộc sống ngoài vòng pháp luật. Trong cuộc sống lén lút này, không thể hành động nếu như không tự đặt niềm tin và không tạo dựng lòng tin. Điều này có nhiều rủi ro. Biện pháp duy nhất là tự ngăn cách để hạn chế các nguy hại có thể xảy ra. Cộng sản là những người nổi tiếng tài giỏi trong nghệ thuật tự phân vách trong tổ chức, tất cả giống như một thành phố ngầm vậy. Mathilde là một trong số những người cộng sản như vậy, tức là người phụ nữ có sức khỏe dẻo dai, kín đáo, làm việc có phương pháp. Nhưng trong điều kiện hoạt động bí mật kéo dài tận một phần tư thế kỷ, không thể đánh đồng, ai là cộng sản cũng đều như thế. Chỉ những người hoạt động chuyên nghiệp, phải trả giá để học tập mới được như thế.

*

Hôm nay, Mathilde đã tìm thuê được một căn buồng xép tại nhà một người thợ may. Chị tự giới thiệu là y tá. Ngày mai chị sẽ có giấy tờ hợp lệ. Chị sẽ lãnh đạo một nhóm chiến đấu.

*

Tôi vẫn ở nhà người thẩm phán. Người này không tham gia vào tổ chức, mà chỉ sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Anh là người bạn đáng tin cậy. Anh vừa mới nhúng vào một vụ theo phái Đờ Gôn. Chính trong vụ này, có bốn người của chúng tôi bị kết tội. Một trong số bốn người này bị bắt và thú tội, kéo theo ba người kia cũng bị tống vào xà lim. Người thẩm phán đã thuyết phục được kẻ tố giác thay đổi lời khai và đổ lỗi hoàn toàn cho sự tàn bạo của cảnh sát (mà thực sự cảnh sát là như vậy). Người thẩm phán nói: "Tôi đảm bảo sẽ đưa ra cho anh bản án nhẹ nhất".
Trên thực tế, anh đã làm mọi cách giữ kẻ tố giác lại. Chúng tôi không có nhà tù. Thật là may mắn khi thỉnh thoảng có thể lợi dụng Vichy để phục vụ cho lợi ích của chúng tôi.
Tối nào người thẩm phán cũng tới đó và nếu như tôi cũng còn sống sót.

*

Tổng chỉ huy đang ở Paris.
Qua Jean François, tôi gửi cho tổng chỉ huy một bản báo cáo miệng rất dài. Jean François đã quay trở về. Tổng chỉ huy đồng ý cho Félix, Lemasque và Jean François chỉ huy đội du kích tại địa bàn. Tổng chỉ huy cũng phê chuẩn vị trí tôi trao cho Mathilde.

*

Khi đến Paris, Jean François mang theo một vali đầy truyền đơn. Anh cũng bỏ luôn vào đó một khúc giăm bông. Anh thấy thương hại cho ông anh trai. Thực tình, vị tổng chỉ huy đang sắp chết đói... Trên phố, Jean François bị một tên lính cơ động tóm lại, bắt mở vali ra cho hắn khám xét. Tên lính kiểm tra vali rất kỹ lưỡng. Hắn có khuôn mặt rất đanh thép.
Jean François đang định đánh gục hắn để chạy trốn. Nhưng tên lính chỉ nói với anh rằng: "Anh không được để lẫn lộn thực phẩm chợ đen với việc chống bọn Đức. Thế là không sạch sẽ". Khi Jean François kể lại chuyện này với anh trai, tổng chỉ huy rất xúc động. Công việc chúng tôi làm toàn là những việc mạo hiểm, mất mạng như bỡn.

*

Quân Gestapo có những món tiền khổng lồ để chi cho bọn chỉ điểm. Chúng tôi biết một thành phố nhỏ có 10.000 dân, mà ngân sách của chúng chi cho việc này lên tới một triệu frăng một tháng. Với số tiền này, chúng có thể mua được bốn thằng đểu gớm ghiếc nhất. Chúng tôi có thể thanh toán chúng khá dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ nên cho bọn này sống sót đến cùng. Những tên phản bội mà chúng tôi biết rõ mặt thì đỡ nguy hiểm hơn.

*

Bạn bè của chúng tôi có mặt khắp nơi trong hàng ngũ của địch. Dẫu rằng bọn địch có nghi ngờ, nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao bạn bè của chúng tôi vẫn tăng nhanh và đông đến thế, năng động đến thế và phân tán đều khắp trong hàng ngũ của địch được như thế. Ở đây, tôi còn chưa nói đến các tổ chức của Vichy. Không có uỷ ban huyện, tòa thị chính, nha cảnh sát, kho tiếp tế, nhà tù, tòa án, hay văn phòng bộ trưởng nào mà không có những người của chúng tôi được cài vào. Mỗi khi một đồng chí nào đó của chúng tôi có nguy cơ bị nộp cho bọn Gestapo, thì ngay lập tức, Laval sẽ được nhận ngay một tờ cảnh báo của chúng tôi trên bàn làm việc rằng đích thân hắn sẽ phải là người chịu trách nhiệm về hành vi này.
Đối với chính quyền Vichy, mọi việc không khó khăn gì. Còn đối với tổ chức của chính bọn Đức, thì chúng tôi cũng đã có gián điệp của mình.

*

Le Bison lúc nào cũng hoàn hảo. Mathilde yêu cầu anh cung cấp bốn bộ quân phục của lính Đức. Le Bison có ngay.
Như vậy, chắc chắn có bốn tên lính Đức phải chết. Chúng tôi không bao giờ biết được Le Bison đã làm như thế nào. Anh có đức tính giữ im lặng truyền thống của lính lê dương.
Mathilde làm cho Le Bison phải ngạc nhiên và rất kính nể. Anh nói về chị: "Con người này cũng kính nể đây".

*

Chuyển chỗ ở. Thuê căn hộ với cái tên giả thứ năm. Giấy tờ: sĩ quan thực dân nghỉ hưu. Phải tiêm vì sốt rét: Mathilde, trong vai là y tá, đến chăm sóc và tiêm thuốc cho tôi.

*

L., phục vụ trong quân đội của tướng Gaulle, từ Luân Đôn đến. Đây là chuyến công tác thứ năm của
L. L. đã phải làm rất nhiều việc trước khi ra đi. Hai đêm thức trắng. Bay. Nhảy dù. Đi bộ mười hai kilômét. Lên tàu hỏa vào sáng sớm. Thiu thiu ngủ. Đập mạnh đầu vào người ngồi cạnh nên thức giấc. L. cứ ngỡ vẫn còn đang ở trên nước Anh, liền nói: "Oh, I am so - sorry"(2). Anh dụi dụi mắt, ngồi cạnh là một sĩ quan Đức.
May không có kết cục tai hại nào cả.

*

Lần trước đi Luân Đôn, L. đã mang cả gia đình đi theo. Gia đình L. phải đi trốn, gồm có vợ, hai bé gái (6 tuổi và 4 tuổi), và một bé trai 18 tháng. Sau đây là lời kể của L.
"Tôi thỏa thuận với một người đánh cá, người này cũng muốn sang Anh, chở giấu chúng tôi trên tàu. Buổi sáng, trước khi lên tàu, tôi đánh thức hai đứa con gái của tôi dậy. Lúc đó trời còn đang tối lắm. Tôi bảo chúng phải giữ yên lặng và phải cầu nguyện thành tâm hơn thường ngày. Tôi nói cho chúng biết chúng tôi phải đi trên biển, chuyến đi rất nguy hiểm và có thể chúng tôi sẽ không còn được nhìn thấy nhau nữa nếu như Chúa không phù hộ. Chiếc thuyền được neo trên một con sông nhỏ. Chúng tôi chui vào chỗ nấp và xuất phát. Đến cửa sông, hải quan Đức đến kiểm tra. Tiếng giày của chúng gõ cồm cộp làm tôi có cảm tưởng cứ như chúng đang dẫm thẳng lên tim tôi vậy. Tôi nằm ngửa và ôm đứa nhỏ nhất trong tay. Nếu nó oe lên một tiếng, thì tất cả chúng tôi đều chết. Tôi nói thầm vào tai nó và tôi tin chắc rằng nó hiểu. Cuộc kiểm tra kéo dài rất lâu. Còn thằng bé thì không hề bật ra một âm thanh nhỏ nào.
"Khi đến Luân Đôn, tôi đọc mấy trang nhật ký mà đứa con gái lớn của tôi sáng nào cũng viết rồi đưa cho tôi xem. Con gái tôi đã tường thuật lại rất chân thực thời điểm thức dậy giữa đêm, giây phút cầu nguyện và những lời cảnh báo của tôi. Cuối cùng, nó kết luận: "Đối với chúng tôi, những người đã quen với những sự việc tương tự như thế này, chúng tôi không hề ngạc nhiên một chút nào".

*

Công việc đầu tiên của Mathilde Một trong những người chỉ huy nhóm lập được nhiều chiến công nhất của chúng tôi vừa mới được đưa ra khỏi trạm xá trong nhà tù. Tối hôm qua, chiếc xe cứu thương cùng bốn người trong đồng phục lính Đức và một nữ y tá đã đến trại giam cùng với lệnh của Gestapo đòi giao chỉ huy của chúng tôi cho Gestapo. Mathilde và những người lính này hoàn toàn không phải dùng đến vũ khí.

*

Félix, Lemasque và Jean François làm việc không ngừng nghỉ để tổ chức lại một số các căn cứ du kích miền núi, dùng nơi đây làm chỗ trú ẩn cho những người trốn quân dịch.
Tới căn cứ của Lemasque.
Tôi không phải là người dễ xúc động nhưng những gì mà tôi chứng kiến, tôi không thể tin rằng có một ngày nào đó lại có thể quên đi được. Có hàng trăm, hàng trăm thanh niên sống trong cảnh hoang dã. Họ không được tắm. Không được cạo râu. Tóc họ dài rủ xuống tận má với làn da cháy xạm lại vì nắng mưa. Họ ngủ trong lỗ, trong các ổ tồi tàn, có khi còn lẫn trong bùn nữa. Thực phẩm là vấn đề đáng sợ hàng ngày. Những người nông dân làm hết khả năng của mình, nhưng sức người cũng có hạn. Quần áo của họ nát bươm. Giày rách tơi tả vì dẫm đá núi. Tôi nhìn thấy những cậu thanh niên đi giày làm bằng lốp xe cũ hay thậm chí dùng những miếng cao su nhỏ, rồi lấy lạt buộc vào chân.. Tôi còn nhìn thấy trong số họ có những cậu cả quần áo chỉ là một cái bao tải cũ trước kia dùng để đựng táo, nay xẻ rộng ra hai bên để chui vào rồi buộc quanh người như là đóng khố. Không tài nào nhìn bề ngoài mà nhận ra được nguồn gốc của những thanh niên này nữa. Họ là ai? Kỹ sư nông nghiệp? Công nhân? Nhân viên văn phòng hay là sinh viên? Tất cả bọn họ đều có chung vẻ gày gò, chung vẻ cứng rắn, chung nỗi nghèo khổ, và chung mối căm thù thể hiện rõ trên nét mặt. Những người tôi đến thăm và phụ tá của Lemasque đều được Lemasque huấn luyện thành những con người rất có ý thức kỷ luật. Chúng tôi giao cho họ giữ lương thực và tiền bạc trong giới hạn cho phép. Nhưng trong những căn cứ du kích đông đảo như vậy, cũng có hàng nghìn người đi lánh nạn. Không có một tổ chức bí mật nào có thể thỏa mãn cho họ những nhu cầu tối thiểu nhất. Cho nên họ sẽ phải chết đói, hay trộm cắp, hay phải đầu hàng? Thế mà mùa đông giá rét còn chưa đến. Bất hạnh sẽ đến với những kẻ đặt thanh niên của chúng ta trước sự lựa chọn như vậy!

*

Lemasque đã tự cải thiện tình hình một cách đáng ngạc nhiên. Các nhiệm vụ anh hoàn thành khi tôi còn ở Luân Đôn, vị trí công tác hiện thời đã dạy cho anh biết cách quyết định và lãnh đạo. Anh kiểm soát được thần kinh mình. Các hành động chắc chắn và mạnh mẽ xuất phát từ tâm huyết của anh tác động được đến những người hành động theo bản năng mà anh đang chỉ huy.
Không có thời gian để thăm các căn cứ của Jean François và Félix. Tôi phải làm một báo cáo khẩn gửi đi Luân Đôn về chuyến công tác này.

*

Félix cử một liên lạc viên thúc giục tôi với một tờ kê khai danh sách những thứ mà khu du kích của anh đang cần. Cuối danh sách này có ghi chú như sau:
"Vichy cử đến vùng này một đội quân cơ động để dồn bắt chúng tôi. Tôi đã gặp chỉ huy của chúng. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau và hiểu nhau. Anh ta tuyên bố với tôi rằng: "Đừng kêu ca gì cả. Tôi là sĩ quan của Đội quân bảo vệ nền cộng hòa. Tôi đã thề bảo vệ nền cộng hòa. Ngày nay, nền cộng hòa nằm trong lòng các khu du kích. Tôi sẽ bảo vệ nó".

*

Mathilde đã khám phá ra được những sự việc hoàn toàn ăn khớp với những thông tin mà chúng tôi có nhưng không chắc chắn lắm.
Người thợ may mà Mathilde thuê căn phòng măngxéc có một đứa con trai khoảng mười hai tuổi. Giống như mọi cậu bé thành phố ở thời kỳ này, da cậu tái, cơ bắp nhão nhoét đôi mắt đói khát. Tính cách cậu nhẹ nhàng và tinh tế. Mathilde quý cậu lắm. Cậu làm phục vụ tại khách sạn T. Chỗ làm này rất tốt. Mức lương đã cao mà thỉnh thoảng người ta còn cho cậu mang thức ăn thừa của nhà bếp về. Đôi khi, Mathilde cũng được mời chia xẻ những bữa tiệc này. Thật là thống thiết khi nhìn thấy cảnh cậu bé giả vờ không đói để nhường thức ăn cho mẹ; và người mẹ cũng đóng một vở kịch tương tự trong khi mắt họ vẫn không thể dứt ra được khỏi đĩa thức ăn.
Vậy mà từ mấy đêm nay, đêm nào cậu bé cũng mê những giấc mơ kinh hoàng khủng khiếp. Cậu rên rỉ, khóc lóc, kêu gào, tức thở trong khi ngủ. Cậu run rẩy và co giật. Có vẻ như cậu đã rơi vào hoảng loạn. "Đừng làm đau!..." "Đừng giết cô ấy"!..." "Dừng lại, cháu xin, đừng kêu lên như thế!".
Mẹ cậu bé xin Mathilde lời khuyên, vì bà lúc nào cũng tin rằng chị là y tá. Mathilde thức gần trọn đêm để ngồi lắng nghe những tiếng mê sảng của cậu bé. Rồi chị nhẹ nhàng lay cậu dậy, hỏi han. Một người phụ nữ đã có từng ấy đứa con như Mathilde và đã yêu thương chúng nó đến thế thì rất biết cách nói chuyện với trẻ con. Cậu con trai của người thợ may kể lại cho chị mọi chuyện. Cách đây khoảng một tuần, người ta giao cho cậu phục vụ khách thuê ở tầng ba của khách sạn nơi cậu làm việc. Cậu phải đứng trực ở cầu thang và chạy đến phục vụ mỗi khi có chuông gọi. Cậu nói, toàn bộ tầng ba đều kín khách. Đó là các quý ông, quý bà nói rất giỏi tiếng Pháp, nhưng đều là người Đức. Những người này thường xuyên có rất nhiều khách Pháp đến thăm, nhưng lại luôn luôn có hai cảnh sát Đức kèm hai bên. Lúc nào trông họ cũng sợ sệt và hoàn toàn không muốn trèo lên tầng. Người ta dẫn họ vào một phòng cố định, đó là phòng số 87. Từ phòng này, gần như lúc nào cũng vọng ra tiếng kêu la, tiếng đánh đập và rền rĩ, chửi rủa. Những tiếng ấy tạm lắng xuống rồi lại tiếp tục vang lên. "Nó làm cho người nghe phát ốm lên được, cháu thề với bác", đứa trẻ nói với Mathilde. "Giọng của những người phụ nữ bị đánh đập thì đặc biệt khủng khiếp. Giá mà bác được chứng kiến tình trạng của họ khi họ bước ra khỏi căn phòng đó. Người ta thường khênh họ sang một phòng khác rồi sau đó lại đưa trở lại phòng này tiếp tục đánh đập. Sự việc lại lặp lại từ đầu. Cháu không dám nói cho ai chuyện này vì cứ nghĩ đến là cháu thấy sợ lắm".
Chính từ đó mà chúng tôi đã xác định được phòng tra tấn ở thành phố này.

*

Ngày hôm sau, Mathilde hỏi tôi nên khuyên người phụ nữ may quần áo như thế nào về vấn đề con trai của bà.
- "Chỉ cần cho cậu bé nghỉ làm việc ở khách sạn ngay lập tức", tôi nói như vậy.
- Ô, tôi lại thuyết phục bà ấy cứ để cậu bé làm việc nguyên ở chỗ cũ, Mathilde nói với tôi.
"Thật giá trị nếu có một gián điệp trong khu vực này, mà lại là một gián điệp ngây thơ".
Mathilde cắn chặt đôi môi. Chị nhìn tôi bằng ánh mắt chất vấn buồn bã. Tôi buộc phải nói với chị rằng chị hoàn toàn có lý.

*

Một đòn chí mạng giáng xuống tờ báo của chúng tôi.
Tờ báo được in tại nhiều nhà in khác nhau. Mỗi nhà in chỉ chịu trách nhiệm làm một khâu. Như vậy, thợ sắp chữ có thể nhanh kết thúc công việc mà không bị chú ý. Bột chì được chuyển đến và được nhét vào trong một hộp thư ngoài hành lang của một tòa nhà chung cư. Chủ nhân của hộp thư, là người của chúng tôi, khi nhận được bột chì phải mang đến nhà in chịu trách nhiệm khâu cuối cùng để cho ra đời tờ báo hoàn chỉnh. Hôm qua, do đáy hộp thư quá cũ nên bục ra, và toàn bộ số bột chì đã bị đổ xuống hành lang. Một đứa thuê nhà ngu ngốc nghĩ rằng đó là thuốc nổ (gần như trong thành phố ngày nào cũng có một vụ mưu sát bằng bom). Người quản lý nhà liền báo cảnh sát. Người của chúng tôi bị bắt giam. Bọn Gestapo đã cho gọi anh đến.
Tôi nghĩ anh ấy sẽ bị giải đến phòng số 87. Việc dứt khoát phải làm là thay đổi tất cả các địa chỉ in ấn. Với kiểu tra tấn của bọn Đức hiện nay, nguyên tắc rất rõ ràng. Ngay khi một người nắm được chút tin tức nào đó của tổ chức bị bắt, thì đầu tiên phải coi như tất cả những gì mà anh ta biết, bọn Gestapo cũng biết. Tôi đổi tên và chuyển chỗ ở.

*

Viên đội tưởng của đội lính cơ động đã giữ lời hứa với Félix. Anh ta không moi ra bất kỳ người trốn quân dịch nào trong khu du kích để lưu đày tại trại tập trung ngoài nước. Ngày nào anh ta cũng đi kiểm tra kỹ lưỡng một vòng quanh rừng và thung lũng, nhưng lại cẩn thận cử lính đi trinh sát trước bằng xe đạp. Chiếc xe đạp này mỗi khi lăn bánh trên đường lại phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Và như vậy, tất cả mọi người đều được báo trước. Tuy nhiên viên đội trưởng vừa mới đánh tín hiệu cho Félix rằng mới có hai sĩ quan Đức quốc xã được cử đến khu vực này để kiểm tra và tổ chức các vụ săn người.

*

Chủ nhà chứa nói với bạn là chủ quán ba rằng:
- "Bọn Đức trưng dụng nhà tôi nên trả tôi rất nhiều tiền. Chưa bao giờ ngôi nhà của tôi lại có khả năng sinh lợi lớn đến thế. Nhưng tôi không muốn tiêu những đồng tiền này. Nó làm bẩn tay tôi. Tôi muốn dùng nó vào mục đích chống lại bọn Đức".
Chủ quán ba nghe thấy vậy bèn nói lại nguyện vọng của ông chủ nhà chứa với Le Bison. Le Bison báo cáo lại với Mathilde. Chị liền đi gặp chủ nhà chứa.
- "Làm sao tôi biết chắc nhà tôi thực sự được sử dụng để chống lại bọn Đức?" Ông ta hỏi. "Chúng tôi nói với anh một câu đúng y xì như cậu nói sẽ được phát thanh từ Luân Đôn vào ngày hôm sau", Mathilde trả lời. Chúng tôi trích ra một câu rồi nói với anh ta. Sau đó, chính câu nói này đã được đài BBC phát lại. Thế là chúng tôi nhận được 50.000 phrăng. Hơn thế, chủ nhà chứa con giúp chúng tôi một việc còn giá trị hơn nữa. Đó là, ông đã nuôi giấu một viên tướng già đang bị cảnh sát vây bắt vì viên tướng này đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều bằng những mối quan hệ của ông trong quân ngũ.

*

Chuyện của Félix.
Viên đội trưởng đội lính cơ động đã báo trước có hai sĩ quan Đức quốc xã bắt đầu nghi ngờ Félix nên anh không thể tiếp tục duy trì hoạt động được nữa. Félix bắt đầu tiến hành nghiên cứu thói quen của hai tên Đức và các địa điểm mà chúng thường hay lui tới. Đội lính cơ động đóng quân trong làng. Riêng hai viên sĩ quan Đức lại thuê một ngôi nhà nghỉ mát trên sườn đồi làm nơi ở. Chúng thức dậy từ rất sớm, sáng nào cũng đi uống cà phê tại quán nhỏ nằm trên đoạn đường giữa làng và nhà chúng thuê. Con đường nhỏ dẫn tới quán nước nứt nẻ và có một vài chỗ đường vòng. Đó là những vị trí rất thuận lợi để bố trí phục kích.
Félix có súng máy. Một mình anh hoàn toàn có thể thanh toàn gọn bọn Đức. Nhưng trong làng có hai thanh niên dũng cảm tuyên bố rằng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì chống lại bọn Đức. Một người làm bưu tá, còn người kia là thợ làm yên cương ngựa và đồ da. Félix nghĩ đây chính là dịp thử thách họ. Nếu như họ chỉ là những kẻ huênh hoang, chỉ biết uống cà phê thì qua việc này sẽ thể hiện ra ngay. Nếu như thực sự họ có khả năng hành động, thì dứt khoát phải kết nạp họ vào tổ chức. Félix đề nghị chuyện này với viên bưu tá và thợ làm đồ da. Họ chấp thuận.
Từ lúc bình minh, ba người đàn ông này đã có mặt ở chỗ đường vòng. Félix mang theo súng máy. Viên bưu tá và thợ làm đồ da đều có súng lục. Mặt trời bắt đầu ló rạng. Hai tên sĩ quan Đức đang đến gần. Chúng cười nói rất to, hoàn toàn chẳng lo lắng điều
g. Chúng đang là chủ nhân trên một đất nước chinh phục được. Félix nhảy ra chặn đường và chĩa súng máy vào hai tên Đức. Hai tên lính ngây người nhìn Félix - một người đàn ông thấp, rậm râu, mặt tròn và đỏ. Cả hai đều giơ tay lên.
- "Bọn chúng hiểu ra ngay", Félix nói với tôi, "mặt chúng đờ ra", Félix chỉ còn phải bấm cò là xong. Nhưng anh lại muốn viên bưu tá và thợ thuộc da có cơ hội tự thể hiện. Anh ra lệnh cho mỗi người thanh toán một tên Đức. Họ tiến lên, bắn liên tiếp. Có vẻ như vừa bắn họ vừa nhắm mắt lại một chút. Hai tên Đức nhanh chóng ngã ngục xuống. Lỗ huyệt giành cho chúng đã được chuẩn bị trước. Félix cùng hai đồng đội mới ném hai cái xác xuống đấy rồi lấy những miếng đất vuông vẫn còn cỏ tươi ném lên phía trên. Ngoài ba người này ra không còn ai biết phải tìm xác của hai tên sĩ quan này ở đâu.
- "Đấy là một việc tốt", Félix nói với tôi, "nhưng thẳng thắn mà nói, lòng tôi cũng hơi xáo động đôi chút. Thực tình, bọn chó đểu này cũng rất dũng cảm. Cái nhìn của chúng khi hiểu ra ý định của tôi làm tôi nhói tim. Tôi và hai đồng đội mới giấu vũ khí rồi cùng đi uống cà phê ở quán nước mà bọn Đức định đến. Tôi tự hỏi không biết viên bưu tá và anh thợ thuộc da phản ứng như thế nào trước cảnh tượng này, bởi vì tôi, dù sao tôi cũng là người đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng dã man kiểu này rồi, ấy thế mà vẫn cảm thấy buồn nôn. Thế mà tuyệt lắm, họ vẫn bình thản uống nước hoa quả rồi còn nằm lăn ra ghế dài ngáy khò khò. Đến chiều, viên bưu tá và anh thợ thuộc da lại quay trở về với công việc hàng ngày như không có việc gì xảy ra".
Félix xoa xoa chỗ đầu hói và nói: "Người Pháp đã thay đổi rất nhiều".

*

Vị tổng chỉ huy rất vui mừng khi nghe chuyện của Félix với viên bưu tá và anh thợ thuộc da. Người đàn ông có trí tuệ thông minh, sắc sảo và trình độ văn hóa đặc biệt - tổng chỉ huy của chúng tôi chỉ thích các câu chuyện trẻ con và những con người giản dị.

*

Tôi trọ tại gia đình một cặp vợ chồng trẻ. Điều kiện sinh hoạt rất đơn sơ. Ban ngày, anh làm kế toán cho một nhà công nghiệp tơ, còn ban đêm lại là liên lạc viên của chúng tôi. Người vợ có nhiệm vụ xếp hàng mua thức ăn, nấu nướng, trông nhà và làm thư ký cho tôi, cho nên chị cũng hay phải thức trắng đêm. Chị rất hay bị ngất. Tôi nói điều này với người chồng. Anh ấy coi như đó là điều tự nhiên và chẳng tỏ ra lo lắng gì cả. Tuy nhiên, anh là người rất yêu vợ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, công việc của chúng tôi được đặt lên hàng đầu.

*

Theo tôi, những người tham gia kháng chiến có sự thay đổi ngược tùy theo khí chất. Những người có tính cách dịu dàng, nhẹ nhàng, hiền lành, thì trở nên cứng rắn. Những ngày nào cứng rắn, như tôi chẳng hạn, thì lại trở nên mềm tính hơn. Giải thích điều này như thế nào? Có thể, những người nhìn cuộc sống dưới một nhãn quan tươi đẹp, khi va chạm với thực tế nghiệt ngã, đáng sợ của cuộc kháng chiến, thì phải nỗ lực để không làm lung lay quan điểm của mình. Còn những người có một cái nhìn khá bi quan về con người giống như tôi, qua kháng chiến mới nhận ra rằng, con người còn có những giá trị lớn lao hơn nhiều so với những điều mà anh ta từng nghĩ.
Chỉ có mỗi vị tổng chỉ huy là vẫn giữ nguyên bản chất. Tôi nghĩ rằng từ lâu anh biết chấp nhận các khả năng về cái tốt và cái xấu tồn tại trong bản thân con người, chỉ có điều anh ta không lưu tâm tới điều này.

*

Nói chuyện rất lâu với Louis H. chỉ huy một nhóm thường phối hợp hoạt động với chúng tôi. Mới đầu, chúng tôi bàn về công việc cụ thể. Ba người thân cận của Louis H. đang bị giam trong trại tập trung của Pháp. Quân Gestapo đã cho đòi ba người này. Bốn ngày nữa, họ sẽ bị chuyển đến cho quân Gestapo bằng tàu hỏa. Từ một tháng nay, tổ chức của Louis H. gặp rất nhiều sóng gió nên không có đủ điều kiện giải phóng đồng đội. Louis H. đến hỏi tôi liệu chúng tôi có thể giúp anh ấy. Tôi nhận lời.
Sau đó, dù không muốn, nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau nhớ về những kỷ niệm giống những người bạn học, những người cùng trung đoàn thuở chiến tranh lâu ngày mới gặp lại nhau. Cả hai chúng tôi đều là những người lâu năm tham gia kháng chiến. Chúng tôi từng chứng kiến nhiều cảnh máu chảy, đầu rơi. Louis H. tính được trong số trên bốn trăm thành viên mà tổ chức của anh có lúc mới thành lập, hiện giờ chỉ còn lại năm người còn sống hoặc đang được tự do. Ở chỗ chúng tôi, tỷ lệ sống sót lớn hơn (có thể lý do là may mắn và biết cách tổ chức), nhưng thiệt hại dù sao cũng rất lớn. Quân Gestapo không ngừng bao vây chúng tôi ngày càng chặt hơn, dày hơn, giết chóc dã man hơn. Nhưng kẻ thù không thể tiêu diệt kháng chiến được nữa. Thế là xong, bây giờ đã quá muộn rồi. Tôi nói với Louis H. rằng cách đây một năm, nếu như bọn Đức bắn chết hay bắt được một nghìn người, thì tổ chức của chúng tôi sẽ như rắn mất đầu và kháng chiến sẽ bị chia rẽ trong một thời kỳ dài, có thể đến tận khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Bây giờ đó là điều không thể. Đã có quá nhiều cán bộ các cấp, thanh niên xung phong, những người ủng hộ. Bọn địch làm sao có thể hiểu được rằng kháng chiến đã trở thành một loại mãng xà Hydre. Cứ cắt đầu nó đi, có hề gì. Cứ mỗi một cái đầu bị cắt, nó sẽ mọc thêm ra mười cái khác.

*

Louis H. đã đi, tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Không hay gì việc tính toán số người đã hy sinh. Hơn nữa, trong thời gian này tôi thường xuyên thiếu ngủ. Tôi nghĩ tới đỉnh Valérien, nơi ngày nào người ta cũng xử bắn. Các khu vực gần Chaville, ngày nào cũng có một chiếc xe tải chở những bị kết án tới trước cột tử hình, trên trường bắn tên Z. nơi đó ngày nào đồng đội của tôi cũng bị súng máy giết hàng loạt.
Tôi nghĩ tới xà lim Fresnes, tới khu hầm của Vichy, tới căn phòng số 87 ở khách sạn T. suốt ngày suốt đêm, bọn chúng đốt ngực phụ nữ, đập bẹp ngón chân, dùng kìm kẹp rút móng tay, dí điện vào các bộ phận sinh dục. Tôi nghĩ đến các tù nhân chết vì đói, vì ho lao, vì lạnh, vì chấy rận trong nhà tù và trại tập trung. Tôi nghĩ đến nhóm làm báo của chúng tôi, hiện nay đã là nhóm thứ ba vì cả hai nhóm trước kia đều đã hy sinh không còn một ai. Nghĩ đến những khu vực không còn sống sót một người của kháng chiến, dù là phụ nữ hay nam giới.
Rồi tôi tự hỏi với tư tưởng tích cực như kỹ sư dựng bản vẽ: Liệu kết quả mà chúng tôi sẽ giành được có đáng để hiện tại phải chịu đựng tất cả những cuộc tàn sát thảm khốc của kẻ thù hay không? Liệu tờ báo của chúng tôi có đáng để cho các biên tập viên, những người thợ in, những người phát hành phải hy sinh hay không? Liệu những phá hoại ngầm, những vụ mưu sát tỉ mẩn, đội quân bí mật bé nhỏ của chúng tôi mà có thể sẽ chẳng bao giờ được chiến đấu thực sự cả, liệu tất cả những cái đó có xứng với những tàn phá kinh khủng do chính chúng tôi gây ra hay không? Liệu chúng tôi, những người chỉ huy, chúng tôi kích động, lôi kéo, hy sinh chừng ấy thanh niên dũng cảm, chừng ấy những con người trong trắng, ngây thơ, sốt ruột, hừng hực nghĩa khí vào một trận chiến bí mật để phải chịu đói rách và cực hình, như thế có đúng đắn hay không? Và cuối cùng, liệu để giành chiến thắng có thực sự cần phải có chúng tôi hay không?
Với tính tư tưởng tích cực, theo lối tư duy chính xác của toán học, tôi phải nhận rằng tôi hoàn toàn không thể trả lời được những câu hỏi đó. Thậm chí tôi không còn tin nữa. Những con số cụ thể, những bảng cân đối thực tế cho thấy rõ ràng chúng tôi là những người thua cuộc. Vậy là tôi đã nghĩ một cách hoàn toàn trung thực, là cần phải từ bỏ thôi. Nhưng ngay cả lúc này, khi trong đầu tôi có ý nghĩ bỏ cuộc, tôi vẫn cảm thấy không thể như thế được. Không thể để cho những người khác phải chăm lo, gánh chịu toàn bộ trách nhiệm bảo vệ, cứu vớt chúng tôi. Không thể để cho người Đức nghĩ rằng đất nước chúng tôi không có bộc phát, không có phẩm cách, không có thù hận. Tôi cảm thấy kẻ thù sẽ bị chính chúng tôi giết chết, chúng tôi - những người không quân phục, không cờ, không lãnh thổ. Tôi biết rằng chúng tôi đang tham gia vào một cuộc chiến tranh cao đẹp nhất của nhân dân Pháp. Thực tế mà nói, cuộc chiến của chúng tôi ít có ích lợi bởi vì chiến thắng được đảm bảo thậm chí không cần đến sự hợp tác của chúng tôi. Đây là một cuộc chiến tự nguyện, không có ai bắt buộc chúng tôi cả. Một cuộc chiến không có vinh quang. Một cuộc chiến chỉ gồm những vụ hành hình và mưu sát. Nói gọn lại, đó là một cuộc chiến vô tư. Nhưng nó chính là căm thù và tình yêu biến thành hành động. Một hành động sống.
- "Một dân tộc không tiếc máu mình như thế", một lần vị tổng chỉ huy lặng lẽ mỉm cười mà nói, "chứng tỏ rằng ít ra dân tộc này cũng còn có những hồng cầu".

*

Một người cộng sản nói với tôi: - "Người yêu của tôi là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác. Bọn Đức bắt và tra tấn dã man đến mức sau khi trốn thoát, lúc nào cô ấy cũng mang thuốc độc theo người. Anh hiểu không, nếu phải tra tấn lần nữa, cô ấy thà chết còn hơn. Cho nên, cô ấy yêu cầu Đảng phải cho cô ấy thuốc độc ngộ nhỡ bị bắt thì uống. Bởi vì, từ chối làm việc cho bọn lợn Đức, thì tức là, anh hiểu không, chẳng còn có gì để làm nữa. Ngoài việc chết đi ngay lập tức.

*

Lưu lại một ngày tại nhà người nông dân có cánh đồng nho rộng mênh mông.
Ông nói với tôi: - "Khi nào cần xe tăng thì báo trước cho tôi biết". Khi về hưu, ông được tặng một xe tăng bọc thép của hãng Renault. Ông cất nó trong gara rồi bao tường kín xung quanh. Tôi không đủ dũng cảm để nói với ông rằng đống sắt ấy chẳng để làm gì. Ông rất tự hào về nó. Ông sẵn sàng hy sinh cả cuộc sống dễ dàng và nhẹ nhàng của ông vì nó.

*

Mathilde và Le Bison đang tổ chức cho ba người vượt ngục mà Louis H. đã nhờ chúng tôi.

*

Chuyện phiêu lưu của Jean François.
Khu du kích của Jean François cách không xa một thành phố khá quan trọng. Jean François thường xuyên vào thành phố để nhận đồ tiếp tế, liên lạc và mệnh lệnh... Tôi nghĩ anh đã vào thành phố quá nhiều, bởi vì lúc xuống tàu anh bị cảnh sát Pháp giữ lại.
Được rèn luyện trong đội đặc công, Jean François sử dụng lựu đạn rất thiện nghệ. Hôm đó, trong vali của anh có ba quả. Lúc hai viên cảnh sát và anh chen giữa đám hành khách ở cửa ra chật hẹp của nhà ga, Jean François cố tình làm tuột khóa vali và mọi thứ bên trong đổ ra hết. Khi nhặt đồ lên, anh nhanh nhẹn nhét mấy quả lựu đạn vào túi quần. Trên đường bị giải đến sở cảnh sát, hai lần anh cúi xuống buộc lại dây giày. Thế là mấy quả lựu đạn lại nằm gọn trong kẽ hành lang.
Đến khi đó, mấy viên cảnh sát mới nghi ngờ các động tác của anh nên còng tay anh lại.
- "Cởi nó ra một lúc để hắn ký vào lời khai", tên cẩm nói. Khi được mở khóa, Jean François giãn tay ra và đập hai bên, mỗi bên trúng một viên thanh tra. Hai viên thanh tra ngã xóng soài nhưng vẫn cố giơ tay ra túm lấy chân Jean François. Anh đạp chúng ra, đẩy mạnh viên cẩm rồi chạy ra cửa. Lúc đó có một cha xứ đi vào.
- "Cướp!... Cướp!..." hai viên thanh tra hét lên và đuổi theo Jean François. Cha xứ đứng chắn ngang trước cửa ra vào.
- "Theo Đờ Gôn! Theo Đờ Gôn!... Jean François kêu lên.
Cha xứ để cho Jean François đi qua và ngay lúc đó chắn lối đi của những tên thanh tra lại. Bọn chúng ngã chồng chéo lên nhau. Trong khi bọn chúng đang lùng thùng tìm cách thoát khỏi chiếc áo thày tu của vị cha xứ thì Jean François đã rẽ sang một phố khác, một con phố khác rồi lại một con phố khác nữa, và thoát thân.
Nhưng thoát thân được trong bao nhiêu lâu đây? Như thế có nghĩa là anh đã bị chú ý. Áo vét tông của anh rách toạc trong cuộc ẩu đả. Nếu anh đến chỗ những người quen biết, có nguy cơ bọn cảnh sát sẽ theo dấu vết đó mà lần ra tổ chức trong khu vực. Cần phải rời khỏi thành phố thật nhanh. Thế nhưng nhà ga lại là nơi bị kiểm soát nghiêm ngặt nhất. Jean François quyết định đi bộ, nhưng trước hết anh muốn cải trang. Anh vào một hiệu hớt tóc. Không thấy có ai. Anh lên tiếng gọi. Chủ hiệu xuất hiện từ phía sau, lê loẹt xoẹt đôi dép păngtuýp (3). Ông ta có khuôn mặt khó chịu, xảo trá, cặp mắt cảnh giác giấu sau đôi mí bạc nhược. Bộ mặt của một tên chỉ điểm chính cống. Nhưng Jean François không có thời gian cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Anh nói muốn cạo râu và nhuộm bộ tóc màu vàng tro thành màu đen.
- "Tôi chuẩn bị đùa một cú. Cá cược với bạn gái ấy mà", anh nói.
Người cắt tóc không trả lời gì cả. Ông ta lặng thinh bắt tay vào công việc. Thỉnh thoảng, Jean François nhìn vào gương tìm ánh mắt nhìn của người cắt tóc. Không bao giờ anh bắt gặp. Trong vòng một tiếng đồng hồ, họ không nói với nhau nửa lời.
- "Không còn là mình nữa rồi", Jean François nghĩ. - "Được chưa ạ?" cuối cùng người cắt tóc hỏi.
- "Tuyệt vời", Jean François nói. Bây giờ, khó có thể nhận ra anh. Khuôn mặt trở nên cứng rắn, tối tăm rất khó coi. Anh đưa cho người cắt tóc hai mươi phrăng.
- "Đợi tôi, lấy tiền thừa", ông ta nói.
- "Thôi, khỏi", Jean François nói.
- "Tôi trả lại tiền thừa", người cắt tóc nhắc lại rồi nhanh chóng biến mất sau chiến riđô bẩn thỉu. Lúc đó, Jean François chắc chắn thể nào cũng bị tố cáo đến nỗi anh do dự giữa hai ý định: chạy trốn luôn hoặc đánh ông ta ngất đi trước khi chạy trốn. Anh không còn thời gian để quyết định. Gần như ngay lập tức, người thợ cắt tóc quay lại với một chiếc áo choàng cũ trên tay.
- "Mặc cái này vào nhanh lên", ông ta thấp giọng nói và vẫn không nhìn Jean François. "Cái măng tô này không được đẹp nhưng tôi chỉ có mỗi cái này thôi. Anh sẽ bị chú ý với bộ quần áo rách toạc ra như thế kia".

*

Jean François kể lại câu chuyện mạo hiểm vừa rồi với giọng nói vui vẻ muôn thuở. Nhưng tôi thấy trong giọng nói vui vẻ của anh thiếu vẻ tươi mát như mọi khi. Nụ cười trở nên hơi cứng. Có thể màu tóc đen như nhọ nồi làm thay đổi tất cả mọi biểu hiện trên nét mặt của Jean François. Hoặc có thể chính anh cũng vậy, đã trở thành một người đàn ông luôn luôn sống trong nguy hiểm, lúc nào cũng phải nghe ngóng xem có ai đang bám sau lưng mình hay không.
Dù sao thì từ bây giờ anh không được phép liên lạc với tổng chỉ huy nữa. Tôi không muốn có bất kỳ sợi dây nào có thể làm cảnh sát mò tới tận Saint Luc. Tôi nói điều này với Jean François. Cậu chấp nhận và không nói gì thêm. Cậu ấy rất ít khi nói về anh trai, và khi nào buộc phải nói thì nói rất ngắn gọn. Việc anh trai và tổng chỉ huy là một có vẻ làm cậu khó xử. Tôi rất tiếc về sự im lặng này. Tôi rất thích nghe Jean François nói về "Saint Luc".

*

Những người mà Louis H. nhờ chúng tôi giải thoát đã lên tàu hôm qua, lúc 7 giờ 45 phút. Họ ngồi trong khoang hạng ba, còng trên tay và có ba viên sen đầm canh gác. Mathilde lên tàu cùng lúc với họ. Chị mặc áo choàng đen, đầu bịt khăn cùng màu. Chị xuất hiện trong khoang tàu có ba tù nhân. Con tàu đi qua nhiều sân ga, rồi qua một khu hoang mạc vắng vẻ. Vào lúc 11 giờ 10, Mathilde kéo chuông báo động, chuồn sang khoang bên cạnh, đứng trước cửa, cởi chiếc khăn trùm đầu ra. Vài giây sau, tàu dừng lại, Le Bison và hai người đàn ông khác của chúng tôi nhảy ra khỏi bờ dốc gần đường sắt, từ ngoài lẩn vào trong khoang có đồng đội của Louis H. và ba viên sen đầm. Người của chúng tôi đều có súng máy. Bọn sen đầm phải tháo còng tay cho tù nhân, rồi phải cởi quân phục ra. Họ không có vẻ gì giận dữ lắm. Mấy người của Louis H. và của chúng tôi mặc đồng phục cảnh sát vào người, lấy luôn súng trường ngắn của chúng rồi nhảy xuống đường. Lúc đó thì ông trưởng tàu đi tới.
- "Lên đường thôi", Le Bison gào lên với ông trưởng tàu. Con tàu tiếp tục cuộc hành trình. Mathilde vẫn không nhảy xuống.

*

Vị trí được chọn cách một khu đất ruộng khoảng mười hai kilômét. Khu ruộng này thuộc sở hữu của ông chủ đồng nho, người muốn tặng tôi chiếc xe tăng. Ông đang đứng bên chiếc xe ba gác tại chỗ dốc gần đường sắt. Trên xe ba gác chở những chiếc thùng to rỗng. Người của Louis H. và của chúng tôi chui vào trong những chiếc thùng đó. Ông chủ ruộng nho chở họ về nhà và cho họ ở trong một căn chòi nhỏ. Le Bison và hai người của chúng tôi ra đi vào ngay đêm hôm đó. Ba người tù còn ở lại một tuần để cho sự việc lắng xuống. Và còn để vỗ béo nữa.

*

Trên đường công tác, tôi cũng lưu lại một đêm với họ. Ba người đàn ông chỉ còn da bọc xương. Chế độ ở trại của họ còn hà khắc hơn nhiều so với chế độ ở trại mà tôi đã quen Legrain. Lao động cưỡng bức, khổ ải. Tù nhân không được nhận quà từ ngoài gửi vào. Bị giám sát hai tư trên hai tư. Ban đêm, trại nào cũng có mấy tên lính gác. Hàng rào dây thép gai có gài điện cao thế. Đói đến nỗi tất cả tù nhân phải ăn cỏ dại. Sáng nào, viên tư lệnh cũng đi tuần tra với chiếc roi ngựa kẹp trong nách. Hình ảnh này làm cho những tên lính gác bốc hỏa lên, đánh đập tù nhân thô bạo hơn.
- "Nhờ sự một người cực kỳ lập dị can thiệp mà các hành động dã man đã kết thúc, một tù nhân trốn thoát nói. "Đó là nhà quý tộc của tỉnh. Trong thời bình, vị này chỉ có mỗi một việc là sáng tác tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm cho các tờ báo địa phương. Ông ta tham gia kháng chiến với phong cách giống y như tiểu thuyết mà ông sáng tác. Điều kỳ diệu là ông không bị xử bắn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một người đàn ông nào lại đầy bất đồng, ba hoa và viển vông đến thế. Một hôm, chính ông kể với viên tư lệnh rằng ông có một điện đài giấu ngay trong khu trại. Rằng ông vẫn liên lạc thường xuyên với Luân Đôn và rằng ông ta sẽ hạ viên tư lệnh ngay lập tức nếu như bọn cai ngục còn tiếp tục đánh đập bất kỳ một tù nhân nào. Viên tư lệnh rất khiếp sợ.

*

Trong khu trại đó có một khu dành riêng cho những người cộng sản. Tại đây, tù nhân luôn luôn bị đối xử đặc biệt dã man. Không thể hiểu được làm cách nào mà một vài người trong số họ vẫn trốn thoát. Ba hôm sau, những người này quay trở lại trại và xin tự nộp mình, bởi vì họ đã trốn ra mà không có sự cho phép của đảng.

*

Sự việc này làm tôi nhớ lại câu chuyện của một đại biểu đảng cộng sản đã trốn thoát từ khu trại Châteaubriant. Ông có thể trốn thoát khá dễ dàng. Nhưng ông không trốn vì đảng chưa ra lệnh. Chỉ có ba trong số các đồng chí của ông được chỉ định vượt ngục. Những người khác thì phải ở lại. Sau cuộc tàn sát chính thức các con tin đầu tiên, họ đã hiểu ra tại sao.
Khi ở tù cũng như khi ở trong trại tập trung, điều day dứt nhất của vị đại biểu này là ông bắt ở chính tại nhà mình, trong khi đảng cộng sản đã chỉ thị cho các vị chức sắc trong quân đội không bao giờ được phép ngủ tại tư gia.
- "Anh có biết không", người đàn ông đã cống hiến 25 năm của cuộc đời mình cho đảng, nói với tôi, "anh hiểu không, tôi có thể bị khai trừ ra khỏi đảng. Tôi xứng đáng với mức kỷ luật đó. May sao, những người thuộc cơ quan hành pháp rất là tử tế, tốt bụng. Người ta chỉ xạc cho tôi một trận rồi lại để cho tôi tiếp tục công tác".
Công việc của ông là xuất bản tờ Nhân đạo bí mật. Vào thời kỳ đó, bốn trong số các biên tập viên đã lần lượt bị xử bắn.
Trong kháng chiến, tôi không quen một ai lại nói về những người cộng sản với một thái độ đặc biệt hơn, nghiêm túc hơn như người này.

*

Có một sĩ quan làm việc cho Pháp ở Luân Đôn đến Paris công tác vài tuần. Hôm sau ngày lính Mỹ đánh bom các nhà máy của hãng Renault, người này và tôi gặp một công nhân của chính nhà máy bị đánh bom trong tàu điện ngầm, tay đeo băng. Anh ta tỏ ra hớn hở ra mặt về kết quả của cuộc không kích. Người sĩ quan từ Luân Đôn trở về tuồn cái gì đó vào bàn tay khỏe mạnh của người công nhân. Đó là một chữ thập Lorraine.
- "Tôi biết rõ làm như vậy rất ngu ngốc", sau đó anh bạn nói với tôi, "nhưng tôi không có mặt ở Pháp đã ba năm nay. Những đổi mới của đất nước mới làm tôi bị bối rối.

*

Chuyến công tác khá dài cùng chỉ huy khu du kích B.
Bị kết án lao động khổ sai vô thời hạn vì lòng yêu nước, trốn thoát sau ba mươi tháng tồi tệ trong tù. Người chỉ huy này có khí chất rất đặc biệt, mạo hiểm kinh hồn và luôn luôn sáng suốt. Trong khi chờ đợi chúng tôi tìm cho một chuyến sang Anh, anh vẫn ung dung đi khắp nước Pháp để thu thập tài liệu cứ như thể đang ở trong hoàn cảnh bình thường, không hề bị cảnh sát truy lùng.
- "Tôi có cảm giác đã sống trong mù lòa", anh ta nói. "Phải nói, ở chỗ tôi, chúng tôi không có cơ hội, không có thời gian, cũng không có ước muốn đi sâu đi sát để hiểu biết quần chúng. Từ khi vượt ngục ra, tôi chỉ có gặp họ mà thôi. Tôi sẽ không bao giờ quên bài học này".
Một buổi tối, do liên lạc bị trục trặc, nên người chỉ huy của khu du kích B rơi vào tình trạng không giấy tờ, không tiền bạc giữa một làng quê xa lạ. Anh gõ cửa bừa nhà một thày giáo cấp một và hỏi xin chút lòng hiếu khách. Dù không quen biết, nhưng anh không hề bị hỏi vặn vẹo điều gì, lại còn được thày giáo dẫn vào phòng ăn, ở đó bữa ăn tối đạm bạc đã được dọn ra. Gia đình này có bốn người, hai vợ chồng và hai đứa con. Sau bữa ăn, người chỉ huy của B gặp riêng thày giáo và nói:
- "Anh có gia đình. Tôi phải báo trước cho anh biết rằng tôi là sĩ quan cấp cao của tướng Đờ Gôn, trốn tù và đầu của tôi đã được bọn lính Gestapo treo giải thưởng lớn đó".
Thày giáo nâng tấm mè trên trần nhà lên, chỉ cho người chỉ huy hai khẩu súng lục tự động giấu ở đó.

*

Trong khoang tàu có một tên lính Đức say xỉn bắt đầu nôn mửa lên trên chân chúng tôi. Khuôn mặt người chỉ huy du du kích B tái nhợt đi. Anh nói nhỏ bằng tiếng Đức: "Heraus, Schwein" (5)... Không hiểu tên lính đó tưởng rằng anh là sĩ quan Đức hay cảnh sát của Gestapo trong bộ dân sự; hay là hắn chỉ máy móc vâng lời khi nghe thấy giọng nói hống hách. Tôi không biết. Chỉ biết hắn rời khỏi khoang tàu ngay lúc đó.

*