Chương 4
HỌ LÀ NHỮNG CON NGƯỜI TUYỆT VỜI

Họ đang dùng bữa tối dưới ánh sáng tỏa ra từ những ngọn nến. Những ngọn nến cao, mảnh, có màu hồng trà. Bà quả phụ từ khi nhận được những ngọn nến này, không cho phép gia nhân thắp sáng trong nhà bằng bất kỳ một thứ ánh sáng nào khác. Bà vẫn giữ được sự nhiệt tâm cùng những đường nét hao hao như những bức chân dung của bà, vẽ từ thời vua Edouard thứ VII, được trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm. Biệt thự nhỏ của bà ngoảnh mặt ra khu Belgrade. Bom đã phá hủy rất nhiều tòa nhà xung quanh, nhưng bà quả phụ già vẫn kiên quyết không rời bỏ nơi này mà đi lánh nạn. Bà vẫn giữ những nhịp điệu cũ, thói quen cũ của ngôi nhà cùng với đám gia nhân đều đã ở vào độ tuổi quá hạn nghĩa vụ quân sự. Một trong những thói quen này, có từ thời kỳ hòa hữu, là tại đây thường xuyên tụ tập những người Pháp ưu tú đang có mặt ở Luân Đôn. Có thể những người này không báo trước nhưng vào phút chót, họ lại dẫn theo cả những người khách vãng lai. Ngồi cạnh tôi là một người như thế.
Anh từ Pháp tới, không quen một ai ở đây, trừ người bạn đã giới thiệu anh với mọi người nhưng lại ngồi cách xa anh. Câu chuyện đang hồi sôi nổi, ai cũng có ý kiến riêng, nhưng lại liên quan đến những sự kiện và những nhân vật mà anh hoàn toàn không biết. Anh nghe rõ từng từ nhưng lại không hiểu được người ta đang nói gì. Hiển nhiên là anh rất bỡ ngỡ, ngơ ngác trên một đất nước xa lạ, giống như một người du lịch cập vào một bờ bến chưa hề đặt chân tới, lại không hiểu luật lệ và phong cách sống ở đó.
Điều này không hề làm tôi ngạc nhiên, bởi tôi cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như người này vậy. Có chung hoàn cảnh và chung sự cô đơn nên tự nhiên tôi rất muốn nói chuyện với anh bạn ngồi cạnh này. Hơn nữa, anh lại có một gương mặt đặc biệt dịu dàng với một vẻ đẹp giản dị, được tô điểm thêm bởi những lọn tóc xoăn xoăn màu muối tiêu, vầng trán cao và vững chãi. Đôi mắt anh vô cùng trong trẻo pha lẫn một chút mệt mỏi. Đôi mắt ấy lần lượt hết ngắm những bông hoa, lại chuyển sang những hoa văn trang trí trên tường, nhìn mấy người giúp việc già, rồi chăm chú ngắm những ngọn nến với sự hoan hỉ. Có thể thấy dường như lúc nào anh ấy cũng đắm chìm trong trầm tư mặc tưởng nhưng đồng thời cũng có vẻ là người luôn có xu hướng ảo tưởng và cực kỳ ngây thơ. Tính cách và những mối quan tâm của người này chắc chắn là của người đứng ngoài những lo lắng thường ngày của cuộc tồn tại. Một thày giáo... một nhà bác học chỉ chúi mũi trong phòng thí nghiệm... hay cũng rất có thể người này là một nhà sinh vật học.
- Mọi thứ xung quanh ta đều lạ nhỉ? Tôi hỏi người ngồi cạnh.
- Đâu chỉ đơn giản là lạ, anh nồng nhiệt nói. Giống như một thế giới kỳ diệu.
Giọng nói của anh ta hơi yếu nhưng lại rất có sức thuyết phục.
- Tự nhiên thấy cuộc sống trở nên dễ dàng quá, người ngồi cạnh tôi lại nói.
Qua lời nói, tôi nghĩ rằng anh cảm thấy không thoải mái. Tôi cũng thường xuyên cảm thấy như vậy khi sống ở đây.
- Quá dễ dàng, tôi nói.
Anh ta nhìn tôi với ánh mắt thông cảm (sau đó tôi nhận ra rằng lúc nào người này cũng có cái nhìn như thế). Thế là tôi có cảm tưởng rằng cách giao thiệp luôn luôn dễ dãi của anh ta chẳng phải xuất phát từ sự ngây thơ hay tốt bụng nào cả.
- Anh đang nghĩ đến điều kiện sống ở nước anh, người này nói, và anh cảm thấy khó chịu vì ở đây có hàng đống bánh mì trắng... sáng nào cũng có bánh mì nóng mà ăn, được tắm xà phòng ngập người trong bồn.
Anh ta nhắm hờ đôi mắt trong vắt lúc nào cũng như đang nung nấu về một điều gì đó.
- Không nghi ngờ gì nữa, tôi là một kẻ tồi, anh ta nói, nhưng thành thật mà nói, tôi không thể tự cảm thấy ăn năn hối hận được. Tôi chấp nhận tất cả những gì tự đến với tôi.
Người ngồi cạnh tôi thuộc loại người khá hiếm thấy, thực tại khiến cho suy nghĩ của anh ta bật ra thành tiếng. Tôi nhận xét:
- Hẳn là ít khi anh đi ra ngoài tháp ngà của anh?
- Anh muốn nói tôi là một con chuột trong thư viện chứ gì, người ngồi cạnh tôi cười hỏi.
Tôi sẽ không bao giờ quên được nụ cười ấy. Tiếng cười khó nghe thấy nhưng âm thanh của nó lại rất đỗi dịu dàng, vô cùng trong sáng và hết sức thuyết phục. Nó làm cho khuôn mặt của người đàn ông tỏa sáng rực rỡ, cái rạng rỡ của trẻ con mà bất kỳ ai cũng thích được chiêm ngưỡng. Nụ cười trẻ trung ấy là niềm ao ước của tất cả những người ở cùng độ tuổi của anh. Có thể nói anh như vừa mới bất chợt khám phá ra một vũ trụ tràn trề niềm vui và anh cười rất tự nhiên. Quả là anh có vẻ quyến rũ kỳ diệu.
- Cái gì làm cho anh đoán như thế? Tại bờ vai hay tại mái tóc? Người ngồi cạnh tôi hỏi.
Anh kéo mái tóc quăn màu trắng phủ xuống đến tận thái dương với một vẻ phiền hà và nói:
- Tôi biết là tóc tôi đã dài quá rồi. Nhưng tôi quyết định không cắt tóc ở đây. Tôi quen cắt ở những tiệm cắt tóc của người Pháp trên đất nước tôi rồi. Họ là những con người tuyệt vời.
Một lời ca tụng bất ngờ và nhằm vào một chủ đề như thế làm tôi cảm thấy có một cái gì đó hơi phi lý. Anh ta lại mỉm cười nữa rồi. Tôi phải thể hiện cho anh ta biết thái độ của tôi như thế nào mới được. Nhưng phải công nhận tiếng cười rất trẻ trung của anh ta còn thêm phần quyến rũ hơn nữa khi anh ta vừa cười vừa không ngừng vò tung mái tóc muối tiêu loăn xoăn.
- Tôi nghĩ không phải cứ cắt phéng một cái là xong, anh ta nói, không, thực sự là không thể...
Anh ta lắc đầu rồi nói tiếp: - Tại Paris, tôi có một tiệm cắt tóc quen ở bờ tả sông Xen. Tiệm cắt tóc này nhỏ thôi. Chính ông chủ cũng tham gia cắt tóc cùng với nhân viên. Vợ ông ta phụ trách việc thu tiền. Họ có một đứa con trai và một đứa con gái đều còn nhỏ. Đi học về, chúng ra phía sau bàn thu tiền làm bài tập ở nhà. Một gia đình êm ấm. Một lần, vào buổi sáng, khi tôi bước vào hiệu cắt tóc ấy, ông chủ hiệu bỏ ngay người khách đang cắt tóc dở, chạy tới một vị khách hàng khác đang ngồi đợi đến lượt, giật từ tay của anh ta một tờ giấy báo rồi vừa chạy lại chỗ tôi vừa kêu to: "Nhìn này, nhìn người ta gửi đến cho tôi cái gì này, ông bạn. Tôi thấy cái này trong gói bưu phẩm gửi cho tôi đấy". Anh ta chìa ra một tờ báo bất hợp pháp. "Các bài viết trong tờ báo này thật là đáng thán phục, ông chủ hiệu nói. Chống lại bọn Đức, chống lại những tay sai của chúng, có cả tên tuổi lẫn các chi tiết cụ thể, tất tật. Dũng cảm lắm mới có thể in những tờ báo như thế này đấy. Đúng không, ông bạn?"
"Tất cả mọi người có mặt tại hiệu tóc lúc đó, người thì mặt đầy bọt xà phòng, người thì đang bị những nhát kéo hay những nhát tông đơ đưa xoèn xoẹt trên đầu, ai cũng công nhận điều này. Tờ báo bất hợp pháp được mọi người truyền tay nhau xem khắp lượt. "Thử nghĩ xem, người ta đã gửi cho tôi tờ báo này đấy. Gửi cho chính tôi mới sung sướng chứ!", ông chủ hiệu cắt tóc nói, lộ rõ vẻ kiêu ngạo. "Thật là một vinh dự lớn lao cho gia đình tôi", chị vợ đứng bên bàn thu tiền nhẹ nhàng nói. "Đọc nhanh đi, ông chủ thân mật bảo tôi. Sáng nay, tôi mong thật nhiều người đến đây. Ai cũng đều được đọc hết". Sau đó, gần như là ông đã dám dán công khai tờ báo lên trên tủ kính".
- Chuyện này xảy ra trước hay là sau khi có luật quy định kết án tử hình đối với những người phát hành báo kháng chiến? Tôi hỏi.
- Sau, sau lâu, người ngồi cạnh tôi nói. Anh cười. Vẻ mặt của anh toát ra một vẻ cực kỳ thán phục, cực kỳ kinh ngạc và đồng thời cũng rất đỗi dịu dàng. Dường như đối với anh ta đây là câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, cứ như thể chính tôi vừa mới kể cho anh ta nghe vậy.
- Thợ cắt tóc là những con người tuyệt vời, anh ta khẳng định lại một lần nữa.
Trong khi đó thì bữa ăn tối đã kết thúc. Chủ nhà cho mang ra món kem sôcôla để tráng miệng. Mới nhìn đã có cảm giác rằng miếng kem rất mềm, rất nhẹ và ngọt ngào. Chắc để tạo điều bất ngờ này, người ta đã phải nhập khẩu tận từ Pháp về.
- A... người ngồi cạnh tôi reo lên.
Chỉ reo lên được có vậy, anh ta liền cắm cúi vào món kem, say sưa ăn uống với vẻ khoan khoái rất trẻ con. Sau đó, anh thì thào:
- Buổi ăn tối hôm nay như là chuyện thần tiên. Cái nhìn nghiêm nghị, đầy vẻ ảo tưởng của anh ta lướt chậm chậm đến tận đầu bên kia bàn ăn. Bắt chước anh ta, tôi cũng bắt đầu chăm chú đến vẻ đẹp của những bông hoa, những chiếc khăn trải bàn, những đồ pha lê và sự diễm lệ của những ngọn đèn nến. Từ nãy tới giờ, câu chuyện người đàn ông này kể làm cho tôi quên hết cả mọi thứ đó. Nhưng còn anh ta, anh ta lại có thể thưởng thức tất cả mọi đặc ân của mái ấm đầy hạnh phúc này và cùng lúc, trong đầu anh ta lại cũng hiện hữu tất cả những nỗi đau đớn, những nỗ lực thầm lặng của một dân tộc bị rơi vào tay bọn mật thám, đám cai tù và những tên đao phủ.
- Một chốn thần tiên thực sự, người ngồi cạnh tôi nói. Chúng ta mắc nợ người chủ nhà này quá nhiều, người mà thậm chí chẳng quen biết gì chúng ta.
Nữ chủ nhân đứng lên ở đoạn giữa bàn ăn, dáng bà thẳng tắp. Mái đầu nhỏ và thanh tú, nổi bật lên trên cổ áo xếp bằng vải ocganđi màu đen. Màu sắc và chất liệu mềm mại của chiếc áo làm mái tóc trắng lấp lánh của bà như trở nên sáng hơn. Đôi mắt bà còn rất linh lợi. Chúng tôi ngồi cách quá xa nên không nghe rõ bà đang nói về chuyện gì. Nhưng qua những cử động của đôi môi, có thể thấy bà là một người rất thông minh, đầy nghị lực và có tâm hồn đẹp.
- Phụ nữ là những người tuyệt vời, người ngồi cạnh tôi nói.
Và cả lần này nữa, tôi vẫn tiếp tục tỏ ra coi thường lòng nhiệt thành của người này. Bởi thế, anh ta nói thêm, nửa như muốn làm tôi vui, nửa như biết tội:
- Anh ạ, tôi không nói về chuyện cái kem sôcôla này nữa đâu... Tôi đang nhớ đến một người phụ nữ tên là Mathilde. Chồng chị ta làm mõ tòa. Tôi không quen chị ấy, nhưng tôi hay được nghe kể về chị ấy qua một cô sinh viên của bạn tôi.
- ("Chắc chắn người này là một thày giáo", tôi nghĩ).
"Trò giải trí thích thú nhất của cô sinh viên này là đi tàu điện ngầm rồi lén bỏ truyền đơn chống lại bọn Đức vào túi áo của bọn sĩ quan và binh lính Đức. Cô bé này ở cùng tầng nhà với chị Mathilde. Ngôi nhà họ ở là nhà cho thuê, rất đơn xơ, được Thành phố Paris xây dựng dành cho tầng lớp quý tộc nhỏ. Trong khi cô sinh viên này một mình chiếm một phòng rộng một cách rất vô tư, sống hoàn toàn tự do về mặt tình dục, thì viên mõ tòa, chị vợ cùng bảy đứa con chen chúc trong ba căn phòng nhỏ. Mathilde là một phụ nữ người vàng vọt, khô khan, bị vắt kiệt sức vì công việc nội trợ gia đình và có thể đó cũng chính là nguyên nhân làm cho chị có tính khí rất nóng nảy. Hơn thế, cô bạn gái của tôi là một người vô chính phủ còn chị Mathilde, theo gương chồng, cũng vô cùng cuồng nhiệt với hành động Pháp. Tóm lại là, hai người phụ nữ này căm thù nhau như là chỉ có họ mới biết căm thù".
"Một hôm, để chọc tức chị Mathilde, cô sinh viên đã nhét một tờ truyền đơn vào trong áo khoác của Mathilde. Nhưng vợ của anh mõ tòa có đôi mắt cảnh giác hơn bọn lính đang bận làm công việc. Anh hiểu không, chị ấy cẩn thận đến mức còn theo dõi cả bọn trẻ con, trông coi cả bình ga, giám sát cả những thứ mà người ta không thể ăn cắp của chị ấy được cơ mà. Chị ấy nắm lấy khuỷu tay của cô sinh viên:
- "Ơn Chúa! Cuối cùng thì ta cũng tóm được một người rồi!, chị Mathilde nói.
Chuyện này diễn ra trên cầu thang của tòa nhà. "Đi lên nhà cô", Mathilde ra lệnh. Cô bạn gái của tôi không muốn gây ầm ĩ làm tất cả mọi người đều biết chuyện nên vâng lời.
"Trong phòng, giường ngủ bừa bộn. Những hộp trang điểm, đồ dùng vệ sinh cá nhân, chai lọ rỗng lăn lóc tứ tung. Mathilde lùi lại một chút. Chị lẩm bẩm: "Chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng..." Nhưng sự kinh tởm làm khuôn mặt chị dài thuỗn ra đã nhanh chóng nhường chỗ cho thái độ cầu khẩn. Chị nắm chặt đôi tay của cô gái trẻ trong hai bàn tay khoẻ mạnh của một người nội trợ mà nói: "Cô, cô phải giúp tôi". "Giúp chị? " cô sinh viên ngạc nhiên nhắc lại. "Chống lại bọn chó Đức", Mathilde nói. Người phụ nữ thường ngày trầm mặc, ít nói và lạnh lẽo như giá băng, người phụ nữ có vẻ khô cứng cả trong tình cảm lẫn trong đường nét và cả cơ thể này, bỗng tỏ ra một niềm say mê đến cực độ. Chị kể về cái đói khát của bọn trẻ con, những lúc xếp hàng cả buổi rồi lại phải quay về tay không, những nỗi khốn khổ vì mùa đông giá lạnh không có than mà sưởi, kể về cơn xung huyết phổi của chồng mình, về việc chị đi săn lùng mua quần áo và giày dép mà không có. Chị nói những chuyện này không hề có thái độ kêu ca, phàn nàn. Lời lẽ của chị thể hiện sự nổi dậy điên dại chống lại bọn Đức. Nỗi thất vọng duy nhất của Mathilde là không được hành động. Nhưng hành động thế nào? Chị không quen biết một ai tham gia kháng chiến. Chồng chị (người đàn ông khốn khổ mà chị đã hiểu thấu rõ đến tận gan ruột) vẫn còn tin tưởng vào vị thống chế. "Tôi muốn góp sức đánh bại quân Đức, Mathilde nói. Đối với tôi không có việc gì là khó khăn, nặng nhọc hay nguy hiểm hết. Tôi muốn được góp sức đào mồ chôn sống bọn Đức". Khi nói những lời này, Mathilde không hề cao giọng. Nhưng bạo lực chất chứa, dồn nén trong lời lẽ của chị; đôi môi mỏng đay nghiến, đôi má vàng xạm, cái nhìn rực lửa từ đôi mắt ngày thường rất e dè; tất cả điều này làm cho cô bạn của tôi cảm động sâu sắc đến nỗi gần như cô phải kêu lên. "Chị sẽ tham gia vào nhóm của em. Chị sẽ đi phát hành báo của tụi em, cô sinh viên nói. Ngoài ra, chị không được biết thêm điều gì hết và chị chỉ được nhận lệnh từ em thôi". Tôi nghĩ rằng khi nghe đến tên báo và nhìn lại lần cuối cùng căn phòng bề bộn bất lịch sự này, Mathilde đã có một chút đấu tranh âm thầm với lương tâm. Nhưng chị đã chấp nhận. Thoạt đầu, người ta giao cho chị phụ trách công việc này ở một góc phố, sau đó mở rộng ra cả phố và rồi cả phường. Đó là cả một khối lượng công việc khổng lồ được chị hoàn thành với một phương pháp và sự cẩn trọng đến từng chi tiết. Chị không tranh luận bao giờ. Lúc nào chị cũng có thời gian để làm tất cả các công việc được giao. Chị không bao giờ mệt mỏi hay chán nản. Chị đi xếp hàng mua thực phẩm sớm hơn. Chị khâu vá quần áo rách khuya hơn. Điều đó chẳng làm ảnh hưởng đến ai cả. Chồng chị cũng chẳng hay biết gì.
"Thỉnh thoảng, khi chị lên trên phòng cô sinh viên sớm hơn một chút để nhận mệnh lệnh, chị thấy có đàn ông nằm trên giường của cô ấy. "Anh ấy là bạn chiến đấu", cô ta nói vậy. Mathilde chỉ mỉm cười, nụ cười chẳng biểu lộ thái độ gì. Chị nghe mệnh lệnh rồi đi ra. Chị vẫn tiếp tục gầy đi nhưng không còn tỏ ra thù địch đối với cuộc sống nữa. Chị đặc biệt sung sướng khi được chuyển những gói báo và truyền đơn có nhét lẫn vào bên trong một ít thuốc nổ. Và anh có biết chị ấy đã làm cách nào để chuyển những cái gói ấy xuyên khắp Paris không? Chị để những tờ báo và đôi khi có cả thuốc súng và đạn dược ở phía đuôi ôtô chở đứa con nhỏ nhất của chị, được mười tám tháng tuổi. Hai đứa con gái nhỏ của chị cũng đi cùng. Cả mấy mẹ con đều giấu trong áo choàng những tờ báo bất hợp pháp. Ai có thể ngờ một người phụ nữ có khuôn mặt gầy gò, nghiêm nghị đang đưa những đứa trẻ yếu ớt vì thiếu dinh dưỡng của mình đi hít thở một chút khí trời trong lành?
Tất cả mọi người rời bàn ăn để chuyển sang phòng khách rộng lớn. Chúng tôi cũng vậy. Nhưng tôi không hề có ý niệm gì về việc di chuyển này cả vì mải mê nghe chuyện kể của anh bạn ngồi cạnh. Tôi bị anh cuốn hút dõi theo bóng dáng của người phụ nữ gầy đét trong bộ quần áo bạc màu rách rưới nhưng được mạng lại cẩn thận; người từ sáng đến tôi, hay bất kể giờ giấc nào, xuyên qua Paris đói khát và bi thương, cùng với một em bé nhợt nhạt vì thiếu máu nằm trên một cái đệm toàn những tờ báo cấm và thuốc nổ.
- Tuy nhiên cuối cùng thì Mathilde cũng bị bắt do sơ hở nhưng không phải lỗi của chị ấy, người ngồi cạnh tôi nói. Chẳng có gì có thể làm cho chị hé ra nửa lời. Khi tôi rời nước Pháp, cảnh sát vẫn chưa có kết luận gì về số phận của chị.
Mấy gia nhân mặc quần áo trắng mang ra cà phê, thuốc lá và xì gà. Người ngồi cạnh tôi nhận xét:
- Tôi không hút, nhưng tôi thích ngồi cạnh những người hút thuốc lá Virginie hoặc La Havane. Nhất là ở đây. Anh có thấy mùi thuốc này rất phù hợp với không khí trong căn phòng này không?
Người ngồi cạnh tôi có một ma lực làm cho tôi không ngừng bị xô đẩy từ một thế giới này sang một thế giới khác. Thế mà đầu óc anh ta vẫn giữ được ở thế cân bằng. Anh ta chẳng có khó khăn gì trong việc chuyển đổi từ góc nhìn này sang một góc nhìn khác, những góc nhìn tương phản nhau một cách đầy kịch tính và hết sức kinh khủng. Tôi nhìn cái khung cảnh giàu có, nơi ấm cúng, sung túc, chốn yên ổn này với một nỗi sợ hãi mơ hồ.
Trong khi đó, tôi lại cảm thấy rất gần gũi với nỗi gian lao vất vả, với cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp. Khí hậu ở Pháp cũng như cuộc sống đói khát, bị áp bức và đe dọa thường xuyên còn in rất sâu đậm trong tôi. Tôi cảm thấy cuộc sống ấy có vẻ phù hợp nhất với con người trong thời điểm hiện nay. Có thể tôi cũng có khả năng hòa nhập với những người đang ngồi xung quanh bà chủ nhà, mà phần lớn trong số họ là những người lười biếng trong tư duy, tôi có lẽ cũng sẽ quên, sẽ bông đùa, hút xì gà và uống rượu mà lương tâm tôi vẫn bình yên, không hề mảy may ăn năn hối hận gì cả. Điều này cũng từng xảy ra với tôi tại Luân Đôn. Còn sở dĩ bây giờ tôi không làm như thế là vì người ngồi cạnh đã ngăn cản tôi. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn rời anh ta.
- Ở phố Lille cũng có một mệnh phụ rất giống với quý bà đây, anh ta nói. Có điều phòng khách ở đó hơi lạnh lẽo, thức ăn không cao lương mỹ vị gì và thuốc lá cũng được cắt ra làm bốn giống như ở mọi nơi khác. Thế nhưng, vẻ xuân sắc, sự tôn thờ truyền thống và các thói quen cũ, trí tuệ cũng như là cái tính khí chuyên chế của bà công tước quý phái ấy chẳng thua kém quý bà đài các ở đây một điểm nào.
- Anh là khách quen của khu ngoại ô Saint Germain à?, tôi không thể không hỏi anh ta câu này.
- Bà bá tước có một cái đàn Steinway âm thanh tuyệt chuẩn, người ngồi cạnh tôi đáp lại và cười. Thỉnh thoảng tôi có ghé lại chơi nhạc chỗ bà ta.
Tôi nhìn người ngồi cạnh với sự chú ý mới. Tại sao tôi lại đoán anh phải làm việc trong phòng thí nghiệm hay là người nghiên cứu nhỉ? Tại mái tóc xoăn, vầng trán cương nghị, đôi mắt nghiêm túc, chất phác, hay tại tiếng cười đầy quyến rũ? Trong khi đó, vẻ bề ngoài của anh cũng có thể có nghĩa khác, mà có khi lại còn phù hợp hơn nữa là đằng khác, rằng rất có thể anh ta là một nghệ sĩ.
Có ai đó đã mở một đĩa nhạc jazz bằng máy hát giấu trong góc kín đáo của căn phòng khách rộng rãi.
- Nhạc jazz nói chung hay chí ít là bản này rất dễ chịu, vì nó không ảnh hưởng đến cuộc trò chuyện của người ta, người ngồi cạnh tôi nói. Trong khi nghe nhạc, âm nhạc thứ thiệt ở khu ngoại ô Saint Germain thì đồng thời người ta còn tính kế làm mưu phản nữa. Bà công tước ấy tập hợp tất cả những người quen biết của mình lên một sân chơi. Đó là tất cả những ai bà ta có ảnh hưởng, tất cả những người đã từng chạy theo tán tỉnh bà mà hẳn số đó không phải là ít. Trong số đó có những vị chức sắc quan trọng. Bà gây áp lực, làm cho họ phản đối lại vị thống chế, ép họ phải đứng về phe cánh với bà. Trong các tủ đựng giấy tờ mà xưa kia các cụ thường giấu hối phiếu của Lauzun hay của công tước Richelieu, bây giờ được chất đầy thẻ căn cước giả, chỉ thị và mệnh lệnh bất hợp pháp, giấy thông hành khống, thư giới thiệu gửi cho các thẩm phán, cảnh sát, giám đốc nhà lao. Bà bá tước là người bất cẩn điên rồ. Nhưng bù lại, tính cách chuyên chế hơi hài hước đã cứu bà. "Bà già điên", người ta nói, và mặc kệ cho bà ta muốn làm gì thì làm...
Một đĩa nhạc khác... Một điệu jazz khác. Người ngồi cạnh tôi lại tiếp tục nói:
- Bà bá tước có một người cháu trai khoảng xấp xỉ ba mươi. Anh ta có bộ ngực lép kẹp, xương xẩu. Đầu anh ta hói gần như chả còn sợi tóc nào. Mặt thì đầy trứng cá và lúc nào cũng gãi gãi bằng những ngón tay mảnh dẻ, mảnh như thể một sợi dây. Học vấn của anh ta vào loại trung bình, học đi học lại mãi một lớp, chẳng có nghề nghiệp gì, thu nhập rất thấp. Y xì chân dung con trai của một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Anh ta đóng góp cho kháng chiến bằng những công việc mà bà dì thường xuyên giao cho. Đó là một thanh niên tuyệt vời.
Lần này thì tôi kêu lên: - Tại sao lại thế?
- Bởi vì, người ngồi cạnh tôi nói, bởi vì chàng thanh niên này đã trở thành một liên lạc viên xuất sắc. Mặc dù sức khoẻ của anh ta rất kém nhưng anh ta đã đi tàu hỏa hàng tuần liền, không ngủ và gần như là cũng chả ăn uống gì. Anh ta bẻ gãy thanh chắn đường, phát hiện bẫy gài của bọn Đức. Bị bắt rồi bị tra tấn sơ sơ. Người ta không tài nào lôi ra khỏi miệng anh ta một từ nào. Bà công tước đã giải thoát cho anh ta. Khi ra khỏi tù về nhà bà công tước, anh ta phải lết đi vì quá nhiều thương tích. Mụn trứng cá trên mặt dày như rắc kê. Đó là lần duy nhất người ta nghe thấy anh ta dám nói lên tình cảm của chính mình. "Tôi nghĩ sẽ không một ai còn có thể phê bình tôi vì đã ở xa tuyến lửa trong chiến tranh", anh ta nói.
Quả là tia sáng của một đời người! Câu chuyện làm cho tôi ngạc nhiên hết sức, tôi hoan hỉ ra mặt. Người ngồi cạnh tôi lại cười.
- Đó có phải là một biện pháp lạ lùng để bù lại sự tự ti về những điểm thấp kém của mình không? anh ta hỏi tôi.
Tôi nói: - Anh quen rất nhiều người và biết rất nhiều điều bí mật.
- Nghề của tôi cần phải tâm sự.
Nụ cười của anh ta bỗng trở nên lặng lẽ hơn. Tôi nhìn lại người đàn ông này một lần nữa và nghĩ: "Hay là anh ta là một nhà thần kinh học hay một nhà tâm thần học?"
Trong khi tôi nhìn khuôn mặt người ngồi cạnh tôi mà đoán già đoán non thì anh ta lại quay đi và bất chợt trở nên vô cùng khó hiểu. Người ta lại đặt một đĩa nhạc khác lên trên máy hát và lần này là một bản ôratôriô của Bách. Đó là bản nhạc có một siêu quyền lực làm cho người ta tìm thấy trạng thái yên bình dù trong lòng ngổn ngang trăm ngàn mối lo lắng. Cho nên, cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy thoải mái trong căn phòng khách trên phố Belgrave Square này, giữa những lớp lót trần, hoa văn tường nhà xa hoa lộng lẫy, những ánh nến hắt dài run rẩy được nhân lên một cách kỳ diệu trong những tấm gương to. Tôi cũng có thể chia sẻ sự xa hoa và yên ấm của căn phòng này với người thợ cắt tóc, những người sinh viên, với chị Mathilde, với cậu bé bị cả nhà coi thường. Tôi càng cảm thấy yêu quý họ hơn khi họ ở trong đội ngũ của chúng tôi, quần áo rách rưới, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, xanh xao nhợt nhạt, luôn bị vây dồn, bí ẩn và dũng cảm diệu kỳ.
Một chuỗi âm thanh đàn ống tuôn trào. Dần dần, tiếng trò chuyện lại nổi lên to hơn.
- Lần cuối cùng khi tôi chơi bản ôratôriô này có cả Thomas, người ngồi cạnh tôi nói. Bạn tôi chả ai giống anh ấy. Tôi cũng chưa từng gặp một người đàn ông nào có những kiến thức thánh thiện với một đời sống tinh thần thanh cao như anh ấy.
Người ngồi cạnh tôi cất giọng nói quen thuộc, có nghĩa là trôi chảy và bình thản. Tuy nhiên, tôi cũng đã biết rằng bạn anh ta đã chết một cách bi thảm. Anh ấy đoán rằng tôi đã hiểu.
- Đúng thế, anh nói tiếp, giọng nhẹ nhàng, Thomas đã bị hạ bằng một viên đạn vào gáy trong một căn hầm tại khách sạn Majestie. Tuy rằng nhóm của anh, gồm toàn những người trí thức vẫn cùng anh gửi tin tức đi Luân Đôn bị phát hiện và bị bắt khi anh ấy đang ở địa phương. Nhưng anh ấy không thể đành lòng khi chỉ có một mình sống sót. Anh quay trở lại Paris và đòi được kết án nặng nhất. Anh ấy là người bị hành quyết cuối cùng, sau khi chứng kiến tất cả đồng đội của mình ngã xuống.
Tôi hoàn toàn tin chắc rằng thể nào người ngồi cạnh tôi cũng sẽ kết thúc mẩu chuyện này bằng từ "tuyệt vời" mà đối với anh ta nó thân thuộc như một thói quen. Nhưng anh ta lại không nói nữa. Hẳn là, đối với anh ấy, điều diệu kỳ tới một cấp độ tinh thần cao nào đó, thì chẳng còn gì cần phải nói thêm nữa.
Tôi tiếp tục giữ im lặng và người cạnh tôi lại mỉm cười. Không biết làm thế nào tôi cảm nhận điều này nhưng chắc chắn không còn cách nào có ý nghĩa để tưởng nhớ một người bạn đã hy sinh hơn nụ cười ấy.
Và người ngồi cạnh tôi bỏ đi, tấm lưng của anh hơi tròn, tay vẫn nghịch những lọn tóc loăn xoăn màu muối tiêu.
Philippe Gerbier, một người bạn cũ, lại gần tôi. - Cậu có biết tên của người đàn ông vừa mới đi ra khỏi phòng không? Tôi hỏi.
- Cậu muốn biết à, đấy là Saint Luc, Gerbier nói với một nụ cười nửa miệng.
- Cậu biết anh ta à? - Biết rõ, Gerbier nói.
Gerbier lấy một điếu thuốc lá mới, rồi châm nó từ điếu thuốc anh vừa hút xong và nói thêm:
- Vài ngày nữa, anh ấy sẽ quay về Pháp, tức là vào tháng sau.
Tôi chào từ biệt và bỏ đi rất nhanh.
Trên đường phố, có mấy tên lính đang vây xung quanh mấy cô gái mặc quân phục. Những tiếng kêu tắc xi vui vẻ.
Tháng sau? Tháng sau, tôi vừa nghĩ vừa nhìn lên bầu trời bị cắt làm đôi bởi những chùm ánh sáng rọi ra từ mấy chiếc máy chiếu. Tháng sau...
Tôi nhớ lại người đàn ông ngồi cạnh tôi, người mà tôi chẳng biết tên thật và cũng chẳng biết nghề nghiệp thật, niềm vui của anh ta trước món kem sôcôla, lúc ngửi mùi thuốc lá Virginie... Nhớ đến nét mặt của anh ta khi anh ta nghe bản ôratôriô của Bách.
Liệu một ngày nào đó tôi có còn được gặp lại người đàn ông đã ngồi cạnh tôi có đôi mắt trẻ thơ mà lại rất sắc sảo, có nụ cười thật thoải mái, nhẹ nhàng, người ngồi cạnh... tuyệt vời này?