Tràng Giang được điều về làm phó ban cải cách tỉnh X., chỉ cách một cây cầu qua con sông nhỏ là tới tỉnh quê tôi. Anh xin tôi về làm trưởng phòng tuyên truyền của ban cải cách tỉnh. Tràng Giang giao nhiệm vụ cho tôi xong bảo: - Cố gắng công tác nghe Trần Hưng. Tổ chức đề bạt đồng chí đấy. Tôi muốn Hưng tham gia vào cuộc cách mạng vĩ đại này để viết một tác phẩm văn học xứng đáng với giai cấp bần cố nông. Ngày hôm sau, một người nhỉnh hơn tôi một hoặc hai tuổi là cùng, mặt vuông chữ điền, mắt sắc như mác, miệng rất tếu, tướng mạo tầm thước đến tìm tôi: - Đồng chí là Trần Hưng phải không? Nghe giọng nói, tôi biết anh là cán bộ miền Nam mới tập kết ra Bắc. Tôi gật đầu, chìa tay ra bắt tay anh. Người lính mới bỏ balô, giơ tay chào:- Báo cáo, tôi là Nguyễn Văn Giỡn, tức Hai Giỡn, được tổ chức cử về đây làm phó cho đồng chí. Tôi quen Hai Giỡn từ đó. Anh quê đâu Bạc Liêu hay Rạch Giá gì đó. Tính tình anh bộc trực, có sao nói vậy, có vẻ phổi bò nhưng lại sâu đậm. ở chung với anh vui tối ngày, cái gì cũng có thể bông phèng được. Ông già anh theo Tây học, suốt đời chăm chỉ cần mẫn nhưng không thành công đành bất đắc chí về quê mần ruộng, tức khí nên khi đẻ con trai đầu lòng mới đặt tên là Giỡn cho đời biết mặt. Hai Giỡn nhà không nghèo lắm, nhưng cũng chả bao giờ giàu có nên được học hành tương đối tử tế.Cách mạng tháng Tám, anh vào thanh niên tiền phong rồi đi kháng chiến mút mùa. Anh đánh nhau khá nhiều, bị thương mấy lần nhưng đều vào phần mềm nên cũng đỡ. Hai Giỡn chưa kịp có người yêu thì đã tập kết ra Bắc. Hai Giỡn hợp với tôi nhiều điểm. Ngoài những điểm khá căn bản của cuộc đời, chúng tôi còn hạp nhau ở cái khoản mê nhậu thịt cầy, thích thơ, ưa thể thao bơi lội và nói dóc vô hại để cười chơi. Một lần họp giới thiệu lính mới với thủ trưởng cơ quan là đồng chí Hoàng Thanh, người từng đi thực tập cải cách ruộng đất bên Trung Quốc về, nghe giới thiệu đến một người tên là Giỡn, bèn bảo: - Theo ý kiến tôi, đồng chí nên đổi tên đi thì hơn. Hai Giỡn hỏi lại:- Thưa đồng chí trưởng ban, tên cha mẹ đặt cho, làm sao lại phải đổi ạ?- à tên đồng chí nghe không nghiêm chỉnh. Nguyễn Văn Giỡn nghe không lọt tai. Xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta là một xã hội nghiêm trang, không thể chấp nhận một cán bộ đảng viên mang cái tên đùa cợt như vậy được. Chỉ cần gọi tên đồng chí lên nghe đã không đứng đắn rồi. Chúng ta làm cách mạng, thay đổi cả thế giới chứ đâu phải trò đùa nghe chưa đồng chí Giỡn. Theo tôi, đồng chí nên bỏ dấu ngã để tên mình là Giơn có phải hay không. 'Sau đó, chi bộ biểu quyết bắt Hai Giỡn đổi tên, bỏ đi một dấu ngã thôi mà. Có người còn tính kiểm điểm anh nữa. Hai Giỡn tức quá, cóc biết sợ là gì, phang tới: - Kỳ cục, Giỡn thì đã làm sao mà phải đổi nào. Tên là Giỡn mà tính tình nghiêm chỉnh là được chứ. Có mỗi dấu ngã, mỗi cái quyền được ngã cũng cấm cản là cớ làm sao? Dù có lồng lên chăng nữa, cuối cùng Hai Giỡn cũng phải để cho cán bộ tổ chức dùng tẩy, tẩy đi một dấu ngã trên cái tên mình trong lý lịch, biến thành Nguyễn Văn Giơn. Tuy nhiên đến thời sửa sai, anh lại tìm tổ chức đòi lại dấu ngã của tên mình, đòi lại cái quyền được ngã của đời mình. Rốt cuộc, anh là Giỡn vẫn hoàn Giỡn. Tỉnh X. là tỉnh cải cách ruộng đất vào loại đầu tiên của vùng đầng bằng Bắc bộ. Tỉnh quê tôi năm sáu tháng sau mới phát động cải cách. Nhân một lần cùng đoàn công tác có Hai Giỡn cùng đi về công cán ở huyện gần quê tôi, chỉ cần qua cái cầu, đi chưa đầy hai chục cây số nữa là đến nhà bố mẹ tôi. Mặt khác, trước khi đi, tôi đã báo cáo cho Hoàng Thanh và Tràng Giang xin về thăm gia đình vài hôm. Đường về quê tôi sau chiến tranh có sửa chữa nhưng rất khó đi. Chiếc xe zép chiến lợi phẩm cứ lồng lên chồm chồm như con cóc. Năm người chúng tôi ngồi trên xe cứ lắc lư như người say rượu, xe xóc va đầu vào nhau sưng tếu. Con đường xuyên qua những cánh đồng đã bước đầu hồi sinh, đâu đó bên những bót đồn nằm chỏng chơ hoang lạnh, những lớp rào thép gai còn bò ngoằn ngoèo như những loài cây dây leo quái gỡ của chiến tranh. Những gác chuông nhà thờ nhọn hoắt, đóng đinh vào bầu trời tất cả vẻ u tịch thâm nghiêm của những xóm làng rêu mốc. Tất cả làng mạc như vừa được nhúng vào nước biển, nằm chỏng chơ phờ phạc trong những lũy tre. Trên đường về làng, tôi hình dung đến bố mẹ và các anh chị em. Mẹ tôi chắc tóc đã bạc nhiều. Bố tôi, ông Hai Cầy thích ăn thịt chó, có ít nhiều ruộng tư điền, nhà ngói năm gian, sân gạch, sập gụ, giường lim... liệu sắp tới có bị quy lên địa chủ không? Chị lá Mơ, em rựa Mận đã con bồng con bế. Còn thằng chả Chìa không biết giờ ra sao? Mười năm, một khoảng cách vô cùng, tôi như một kẻ đã chết hồi sinh tìm về mái nhà xưa. Tôi đập vào vai Hai Giỡn đang thiu thiu: - Làng tôi đó. Hai Giỡn giật mình, sờ tay vào báng súng ngắn, y như sắp có giặc vậy. Tôi chỉ về phía bóng đa lờ mờ:- Đấy ông thấy bóng đa lờ mờ đó chứ? - Thấy. Làng ông chắc nhiều chó dữ. Ta làm con cầy tơ với đĩa tiết canh dồi chó nhậu lai rai với ông già chứ?Tôi gật đầu cười. Chiếc xe chở chúng tôi đã tới đầu làng với trạm gác dân quân có barie chan ngang. Sau cái rào chan ấy, tôi thấy năm sáu nam nữ dân quân khoác súng trường xếp hàng ngang.- Cho xem giấy tờ. Một anh dân quân mũ nan, chân đi dép cao su, trạc ngoài hai mươi tuổi, lưng đeo ba bốn quả lựu đạn chày, khoác súng vừa nói vừa tiến về phía xe chúng tôi. Tôi nhảy xuống xe, báo cáo sơ qua rồi đưa giấy. Người xét giấy không xem, ra vẻ quan liêu, truyền: - Đợi đó. Tôi cho người trình đội. Anh ta sai một dân quân trẻ, cầm giấy giới thiệu của tôi, co cẳng chạy thẳng vào làng. Thì ra làng tôi đang lúc cải cách ruộng đất Nhất đội nhì trời, mọi cái nhất nhất phải chờ lệnh của ông đội.Hai Giỡn nhảy xuống xe bảo nhỏ tôi: - Coi bộ căng rồi đó. Chờ xem. Chắc họ giải quyết thôi. Hai tỉnh là láng giềng mà. Với lại mình dân ở đây. Lính đánh Tây mười năm về thăm nhà lẽ nào làm khó dễ. Hai Giỡn dặn hai người khác và lái xe: - Chuẩn bị nghe tụi bay. Lái xe phải cho ngon. Đồng chí Thảnh kéo ngay khẩu tiểu liên ra phòng bất trắc. Tôi dặn anh em chớ có khiêu khích, phải hết sức nhu mì, cứ để tôi giải quyết.Chúng tôi chờ một lúc thì thấy hai người súng ống nai nịt đi ra cùng với anh dân quân cầm thư lúc nãy. Họ nói nhỏ với những người đứng gác điều gì có vẻ hệ trọng. Một người mới ra vẻ lãnh đạo, tiến gần đến xe chúng tôi: - Ai là Trần Hưng?- Có tôi.- Thì ra anh là con đại địa chủ Hai Cầy?- Bố tôi sao thành địa chủ được. Quá lắm là phú nông.- Bố anh là địa chủ cường hào đấy. Hai Cầy đang bị bao vây nhà, vài ngày nữa sẽ bị tịch thu tài sản. Lệnh của đội cải cách xã Thúc Kháng mời Trần Hưng ở lại. Còn đoàn xe cho đi. - Chúng tôi cùng đi, sẽ cùng về. Tôi là con em xã này đi kháng chiến trở về thăm gia đình. Tôi cũng là cán bộ cải cách ruộng đất của tỉnh X. ngay cạnh tỉnh ta. Người đại diện dân quân vẫn tỉnh bơ:- Giấy giới thiệu này không có giá trị.- Vì sao?- Vì xã này không nằm trong tỉnh X. Mời Trần Hưng vào làm việc với đội cải cách. Còn yêu cầu xe rời khỏi xã chúng tôi.Hai Giỡn tức đỏ mặt, nói nhỏ vào tai tôi:- Bọn này muốn bắt anh đó. Ghê thiệt.Tôi vẫn ăn nói rất dịu dàng, không tỏ ra ăn năn hay giận dữ: - Xin các anh thông cảm cho xe chúng tôi vào làng, tôi chỉ thăm cha mẹ một chút rồi đi thôi. Vị đại diện đội cải cách xã vẫn sắt thép:- Không được. Đây là lệnh của đội. Trần Hưng ở lại, còn xe rời khỏi đây ngay. Tôi cổ kìm nhưng vẫn cứ bật ra:- Các anh không có quyền giữ tôi. - Không lý sự. Đây là lệnh. Các anh đang ở trên đất của chúng tôi. Anh có chấp hành không?Tôi nổi cáu:- Nếu các anh không cho tôi thăm nhà thì chúng tôi đi.Tay dân quân vẫn cương quyết:- Không được. Chỉ cho xe đi. Còn anh phải ở lại gặp ban đội- Có nghĩa là các anh định bắt tôi?- Thì sao nào.Tôi định quay xe thì người này bèn nhanh chóng nắm lấy cánh tay tôi ra lệnh:- Nào, anh em, giữ tên Trần Hưng ngoan cố này lại. Nếu các người chống cự, chúng tôi bắt buộc phải dùng võ lực.Lập tức Hai Giỡn nhảy phắt xuống xe, quát:- Đừng có làm bậy. Các người có biết đồng chí Trần Hưng là ai không?Người vẫn nắm cánh tay tôi nói tỉnh bơ:- Không biết. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh. Tôi rút phắt cánh tay mình khỏi tay người dân quân. Anh ta đỏ mặt, chỉ vào Hai Giỡn:- Các anh biết điều thì cút ngay. Để Trần Hưng lại. Du kích, trói ngay tên ngoan cố này lại cho đội.Hắn vừa nói vừa chỉ tay vào mặt tôi.Năm sáu anh du kích súng lăm lăm trong tay theo tư thế chiến đấu xông vào bắt tôi.Hai Giỡn nhanh như chớp, rút súng lục chĩa thẳng vào ngực người chỉ huy dân quân:- Nếu các anh dám đụng tới đồng chí Trần Hưng, tôi sẽ bắn bỏ ngay anh này. Các người nên biết tôi là cán bộ miền Nam tập kết, nói sao làm y như vậy.Đám du kích xã ngừng lại. Người chỉ huy dân quân sợ tái mặt. Tôi can Hai Giỡn:- Thôi đi ông Hai, họ không dám bắt mình đâu.Hai Giỡn vẫn chĩa súng vào người con tin này, miệng quát lớn:- Tụi bay, Thảnh và Vũ chuẩn bị phát hỏa hai khẩu tiểu liên. Đồng chí lái xe vừa chuẩn bị xe tốt, vừa gọi điện đài về bộ chỉ huy đội và bộ chỉ huy tỉnh quân khu. Xong, chuẩn bị lựu đạn.Thực ra, chúng tôi đâu có máy bộ đàm. Hai Giỡn bịa ra để dọa đảm này thôi. Hai Giỡn vẫn dùng đòn ngoại giao hạng nặng:- Các anh nên nhớ tụi tôi còn hai xe nữa đang trên đường tới đây. Toàn lính thiện chiến Điện Biên Phủ cả. Nếu các anh khai hỏa trước, chắc chắn sẽ không còn mống nào chạy thoát đâu.Tay chỉ huy du kích mặc dù đang đứng trước mũi súng của Hai Giỡn, vẫn cố làm ra vẻ:- Anh em du kích chuần bị chiến đấu.Hai Giỡn quát:- Đừng có bậy. Nếu anh ra lệnh bắn, tôi sẽ thịt anh trước.Tôi bình tĩnh:- Thôi, hai bên các anh hãy tự kiềm chế. Nếu ai nổ súng trước, người đó sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.Tôi thấy Thảnh xách tiểu liên nhanh như cắt nhảy từ trên xe xuống đất, lăn tròn mấy vòng ngoạn mục, chiếm lĩnh gốc cây cụt, chĩa tiểu liên về phía đám du kích. Vũ ôm súng trường, đeo đầy lựu đạn, nhanh chóng chiếm lĩnh một mô đất.Tôi ra lệnh:- Khi nào họ khai hỏa trước, anh em mới có quyền bắn kẻ nào liều lĩnh nổ súng trước nghe chưa.Không khí căng thẳng như thể chúng tôi đang ngồi trong lò thuốc súng.Hai Giỡn thật nhanh trí. Anh như ra lệnh cho tôi:- Xin mời đồng chí Trần Hưng lên xe. Nếu có kẻ nào dám liều lĩnh bắn đồng chí lãnh đạo này thì tất cả các anh ở đây đều phải đền mạng.Hai Giỡn vẫn chĩa súng uy hiếp người đại diện du kích xã.Tôi đi giật lùi trở lại xe. Người lái xe đã nổ máy. Hai Giỡn vừa đi giật lùi vừa tiếp tục chĩa mũi súng lục vào người ra lệnh bắt tôi đang đứng như trời trồng. Hai Giỡn kêu lớn:- Đồng chí Vũ và Thảnh lên xe.Vũ một tay cầm lựu đạn, một tay ôm súng trường vừa đi giật lùi vừa lên xe. Thảnh cũng làm như thế. Khẩu tiểu liên chĩa ra sau xe để canh chừng. Chiếc zép rú ga chồm lên như con sư tử giận dữ. Đám du kích xã không dám động tĩnh gì cả. Chúng tôi được một bữa hú vía. Khi xe chúng tôi chạy đã khá xa mới nghe có tiếng súng trường bắn đuổi. Tôi lo cho cha mẹ và các em quá. Chắc chắn gia đình tôi sẽ bị bọn chúng trả thù. Không khéo chúng sẽ lôi ra bắn hết cũng nên. Vì đội cải cách có toàn quyền sinh sát, không cần huyện tỉnh gì cả. Khi xe ngoặt sang đường rải đá, tôi buồn bã nhìn lại quê mình. Bóng đa mờ mờ oằn xuống như tấm lưng còng, cõng mặt trời bợt bạt đã gác qua chiều. Làng quê tôi chỉ còn là giải xanh xao, nâu dần rồi tím nhạt như vệt tím bầm trên mặt quê hương. Chắc giờ này gió tai họa đang nổi trận cuồng phong úp chụp lên đầu những người thân của tôi. Tôi đau xót và cay đắng quay nhìn Hai Giỡn. Anh cũng đang ngồi lặng im như pho tượng.Mắt anh trũng sâu xuống như vừa có năm sáu tuổi thổi qua mặt. Hơn một tháng sau vẻ rac rối về thăm quê này, Hoàng Thanh, trưởng ban cải cách ruộng đất tỉnh gọi tôi lên: - Trần Hưng, chúng tôi bắt buộc phải bãi chức đồng chí. Giấy quyết định đây.Tôi giật mình, cầm tờ quyết định trên tay như cầm bản án tù. Tuy vậy, tôi vẫn ngờ nghệch hỏi:- Thưa đồng chí Trưởng ban, tôi bị mắc tội gì ạ?- A, vì đồng chí là con nhà đại địa chủ mà. Đội cải cách xã quê đồng chí vừa gởi công văn tới đây thông báo về đồng chí, đồng thời triệu hồi về nhưng chúng tôi còn đang xét. Địa phương muốn mời đồng chí về đấu tố bố mình. Đồng chí có đồng ý về xã một tháng không? Tôi ngồi ngẫm nghĩ, cố gắng tìm ra một giải pháp tốt nhất nhưng chưa được. Về xã, tự tay đấu tố bố mình ư? Ngay dù bố tôi có là cường hào ác bá đi chăng nữa thì chuyện đó tôi không thể chắp nhận. Đằng này, bố tôi xưa nay là người hiền lành tử tế chỉ có mỗi tội là dám có nhà ngói sân gạch với gần chục mẫu ruộng, hai con trâu. Tôi trả lời ông truởng ban:- Thưa thủ trưởng, tôi không thể về tự tay đấu tố bố mình được đâu ạ. Tình phụ tử mà thưa cắp trên, xin các đồng chí xét cho.Hoàng Thanh bảo tôi:- Để tôi bàn với anh Tràng Giang xem sao. Theo tôi, đồng chí nên về theo yêu cầu của đội cải cách ruộng đất xã. Tôi sẽ làm công văn yêu cầu tỉnh bạn bảo vệ an toàn cho đồng chí. Tôi về cơ quan, xin một chỗ nằm. Hai Giỡn được bổ nhiệm thay tôi. Anh vẫn đối với tôi rất tốt, rất thân tình. Hai Giỡn an ủi tôi rất nhiều. Rằng, giai đoạn ngược ngạo này rồi sẽ qua thôi, cứ đà này có mà tan hoang cả đất nước, tan nát cả dân tình. Anh bảo rồi mấy ông trung ương cũng sẽ nghĩ lại thôi, cứ để cho cái đám đội cải cách nó tự tung tự tác, chỉ vài năm nữa là người tốt, người tài giỏi, lương thiện sẽ bị giết sạch sành sanh cho coi. Một buổi sáng, có ông già làng tới tìm, giúi vào tay tôi lá thư:- Anh làm cách nào cứu bố anh đi, sợ họ đem ra bắn thì nguy lắm. Họ sắp tổ chức đấu tố ông cụ rồi: vu cho cụ rất nhiều tội lỗiLá thư của em trai Trần Chìa viết, Bố đã bị bắt, trói nhốt trên đình làng chờ ngày đấu tố. Mẹ và em bị đuổi ra khỏi nhà. Người ta đã chia ngôi nhà ngói cho bần cố nông làm năm phần. Họ đã đập phá bán sạch hết. Mẹ và em mỗi người chỉ được mang ra khỏi nhà một cái bị. Em đã dựng tạm cho mẹ một cái lều ở chân đồi. Hàng ngày em đi chăn vịt thuê, còn mẹ đi mò cá bán đong gạo. Một lần đi bắt cua bắt ốc về mệt quá hoa mắt, gặp mấy đứa trẻ chăn trâu quên khoanh tay chào thưa ông thưa bà như quy định của đội, liền bị một thằng nhãi con mười ba tuổi ngồi chễm chệ trên mình trâu lấy roi mây quật một lằn chí tử vào mặt mẹ, để lại một con lươn nhoè máu vat ngang mặt. Mẹ đau lắm, mặt sưng tấy lên, đành ứa nước mắt cắn răng về lều. Người nhà, vợ con địa chủ ra đường theo quy định, dù gặp một đứa trẻ con cũng phải khoanh tay cúi đầu chào thưa ông, thưa bà. Cái vệt roi bữa đó trên mặt mẹ đã hơn một tuần vẫn còn tím thẫm, em đã bóp dầu, bóp gừng cho mẹ nhưng không biết đến bao giờ nó mới tan. Nghe nói phong phanh có thể họ sẽ bắn bố anh ạ. Anh là cán bộ lớn làm sao giúp bố thoát được nạn này? Mẹ nhắn anh đừng có về làng, đội ở đây dữ hơn hùm sói, có thể nó sẽ bắt anh đấy. à, em cũng vừa viết thư lên Hà nội báo cho chị Oanh đừng có về quê. Bác phó Lãm bị quy lên là đại việt gian quốc dân đảng. Người ta bảo chắc chắn bác phó sẽ bị bắn... Tôi đọc lá thư của cậu em mấy lần nhưng chưa dám tin là sự thật. Tất cả như là trong mộng mị, như là truyện Liêu Trai, như đời sống này chỉ là sự huyền hoặc khôn cùng của ma quỷ. Lẽ nào sự thật lại tàn nhẫn với tôi và Oanh nhường này? Tối ấy trời mưa tầm tã. Chớp như những lằn roi điện quất nát bầu trời. Sấm sét kinh thiên động địa. Tràng Giang gọi tôi lên phòng anh ở. Anh là phó ban cải cách một tỉnh lớn, thời ấy như vậy là to lắm. Nhưng anh cũng chỉ ở một cái phòng tuềnh toàng, nhỏ nhắn, nhỉnh hơn cái phòng của Hai Giỡn mà thôi. Trong khi đó trưởng ban Hoàng Thanh thì chiếm một biệt thự đẹp nhất thị xã. Còn tôi là nhân viên chưa được bố trí việc làm nên ở chung ba anh một phòng. Tràng Giang pha trà ngon, có thuốc thơm, có kẹo bánh mời tôi.Sau giờ hành chính, vả lại không có người thứ ba, theo quy định của anh em kết nghĩa chúng tôi, như vậy, lúc này không phải xưng hô với nhau là đồng chí. Anh nhìn tôi vừa trìu mến, vừa thông cảm: - Trường hợp của chú giờ hơi gay đấy. Đội cải cách xã quê chú vừa gửi lên đây một bản sao dày cộm lời đấu tố của bà con bần cố nông về ông cụ. Đây, chú thử xem qua. Tôi cầm một xấp giấy đánh máy đến hơn năm sáu chục tờ ghi lại những lời đấu tố của bần cố nông về bố tôi. Trong số những người tố khổ, có nhiều tên tuổi tôi quen; có người còn là bà con, có người từng là tá điền của bố tôi. Những tội tố ra đây về bố tôi thật rùng rợn, đủ cả từ hiếp đáp, đánh đập, cướp của, giết người, cấu kết với thực dân phong kiến bóc lột nông dân thậm tệ... Nếu đúng tội như thế thì sự bắn bố tôi nghe ra vẫn còn nhẹ. Sau này sửa sai về làng, tôi mới hay số tội lỗi rùng rợn của bố tôi đều do bọn đội cải cách bịa ra, bắt bà con lối xóm học thuộc rồi thực tập nhiều lan để chuẩn bị cho ngày đấu tố. Ai không nhận đứng ra tố khổ bố tôi những tội gian dối ấy sẽ bị đội cải cách trù dập, đe dọa... Khi tôi đọc xong tập hồ sơ tố khổ, Tràng Giang hỏi: - Sao, chú thấy thế nào?- Em không thể tin ông cụ lại phạm những tội lỗi như thế này. Có chăng chỉ là chuyện phát canh thu tô.Tràng Giang nhíu mày:- Chả lẽ giai cấp bần cố nông lại nói điêu à?Tôi im lặng. Khi người ta đã dùng hai chữ giai cấp ra với mình, tốt nhất là lắng tai mà nghe.Tràng Giang hỏi:- Vậy chú có định về quê tham gia đấu tố bố mình không?- Xin anh tha cho em. Em không thể làm như thế được. Thà chết anh ạ. Em biết bố mình bị oan.- Bố chú oan hay không thì tôi chưa biết, nhưng thôi, tôi sẽ bàn lại với anh Hoàng Thanh. Tôi rất thương chú, nên anh em mình phải bàn trước về mọi tình huống có thể xảy ra. Này, cô Oanh giờ sao rồi? - Kể từ năm 1953 đến nay, chúng em chưa gặp lại nhau. Hiện nay, Oanh đang giận em vì cái vụ hủ hóa ghi lý lịch. Em đã viết bao nhiêu thư kể lể nhưng cô ấy vẫn không tin. Cô ấy nhất định cho rằng em đã phản bội tình yêu. Tinh thần Oanh sa sút lắm, nghe đâu đang nằm bệnh. Em chỉ mong ít bữa nữa xin phép ra Hà nội giải quyết cho ổn thỏa và xin tổ chức cho làm lễ thành hôn.- à, chuyện chú lấy cô Oanh hơi khó đấy.Tôi giật mình, y như vừa nuốt phải điện vậy:- Sao thế anh?- Đội cải cách xã chú báo lên cho chúng tôi biết phó Lãm, cha của Oanh là tên đại việt gian quốc dân đảng. Hắn đã chui rúc vào hàng ngũ đảng ta để làm nội gián phá hoại. Tên này trước sau gì rồi cũng bị bắn.- Nhưng em sợ bác ấy bị oan.- Thì địa phương họ báo cáo lên phải tin chứ. Lẽ nào cấp tỉnh lại bủa về các xã làm thay. Như vậy, vắn đề đặt ra là: giữa Oanh và Đảng, Trần Hưng chỉ có quyền được chọn một. Một người chiến sĩ, một đảng viên như chú không thể yêu và lấy con một tên việt gian quốc dân đảng. Tương lai, cuộc đời chú, tùy chú chọn lựa.Tôi cố ý nhắc lại để Tràng Giang nhớ:- Thưa anh, Oanh cũng từng tham gia kháng chiến như chúng ta. Cô ấy đã thoát khỏi ảnh hưởng của gia đình. - Nhưng ai đảm bảo với chú bọn việt gian quốc dân đảng không gài Oanh vào kháng chiến làm nội gián nào? Tôi im lặng. Tôi có thể căn vặn một người anh nhưng tôi không có quyền căn vặn và chất vắn một đồng chí lãnh đạo. Lòng tôi buồn nản đến tan nát. Tôi không còn thiết nghĩ, thiết nói nữa. Tất cả trong tôi như một khoảng trống không đáy, một con số không. Nếu không lấy được Oanh làm vợ, đời tôi đã mất hết ý nghĩa.Tràng Giang nói như ra lệnh:- Nếu còn theo Đảng, ít ra chú phải làm bản đấu tố bố mình để chúng tôi gởi về xã. Chỉ có làm như thế mới có cớ cứu được ông cụ thoát khỏi nguy kịch đến tính mạng. Thôi anh cho chú hai ngày suy nghĩ để trả lời đấy. Tôi về phòng nằm bẹp như con chó ốm hai ngày. Người tôi như bị xẻ làm hai mảnh đi về hai hướng ngược nhau. Đảng và Oanh, cách mạng và tình yêu, cả hai tôi đều muốn cả. Nhưng trời oái oăm thay, tôi chỉ có quyền chọn một. Còn với bố mình, tôi phải viết lời đấu tố gởi về xã để tôi đọc cho bà con nghe, chứng tỏ rằng họ đúng. Lẽ nào tôi có thể làm được những điều đó Nhưng đấy là chỉ thị, là lệnh của tổ chức, của cấp trên, của người anh kết nghĩa. Không, dù bố tôi có gian ác đến như vậy đi chăng nữa, tôi vẫn không đủ dũng khí đấu tố ông. Không, cho dù tai bay vạ gió, tôi cũng không từ bỏ tình yêu với Oanh. Tôi sẽ lấy nàng làm vợ dù có phải đi ăn mày, đi làm nô lệ, làm đầy tớ cho thiên hạ cũng cứ cam lòng.Hai ngày sau, Tràng Giang gọi tôi đến hỏi:- Trần Hưng đã nghĩ kỹ chưa? Muốn tiến bộ, phải biết từ bỏ những gì không cần thiết. Có khi, một bước tiến, phải làm tới hai bước lùi.Tôi im lặng một lúc mới trả lời:- Xin anh thông cảm cho, em không thể bỏ Oanh được. Cô ấy chính là tình yêu cả một thời kháng chiến của em. Còn việc đấu tố bố em, em cũng không thể làm được. Tràng Giang hỏi:- Chú có phải là đảng viên không?- Tất nhiên ạ.Vậy chú phải sống theo nguyên tắc. Không được để trái tim chỉ đạo cái đầu. Một người cộng sản không được phép lấy con gái một tên việt gian quốc dân đảng, một người cộng sản không thể đi cùng với kẻ bóc lột, dù kẻ ấy là cha mình đi nữa. Người cộng sản phải đặt quyền lợi của giai cấp, của đảng trên quyền lợi của cá nhân. Anh cần phải yêu thương và căm thù một cách có tổ chức, có lãnh đạo. Tôi im lặng như kẻ đứng trước vành móng ngựa. Có lẽ, tôi không đủ lý sự để bào chữa. Trái tim tôi đang gào thét bất tuân thủ mệnh lệnh cái đầu.Tràng Giang hỏi tôi, không xưng hô theo kiểu tình cảm nữa:- Đồng chí có muốn cứu bố mình không?- Thưa muốn ạ.Chúng tôi chỉ có thể can thiệp với tỉnh bạn giảm mức án cho bố đồng chí, nếu đồng chí chịu viết bản đấu tố gởi về kèm với công văn của chúng tôi. Hãy biết sử dụng bắt cứ biện pháp gì, miễn là đạt được mục đích. Cứu cánh sẽ biện minh cho hành động đồng chí Trần Hưng ạ. Tôi rùng mình. Có thể tôi đang vô lý, bỏ mất cơ hội cuối cùng giủp bố mình thoát khỏi thảm họa. ừ mục đích tốt nhưng phương pháp xấu một tí đã sao. Tuy vậy, tôi vẫn chưa chịu thỏa hiệp với Tràng Giang.Hai ngày sau, người ta tổ chức họp chi bộ để khai trừ tôi ra đảng. Hoàng Thanh nói:- Tôi rất buồn vì Trần Hưng không muốn làm đồng chí với chúng ta nữa, không chịu từ bỏ giai cấp bóc lột là nguồn gốc xuẩt thân của mình. Ngoài ra, một đảng viên như Trần Hưng lại quyết lòng lấy con gái một tên quốc dân đảng từng được gài trong hàng ngũ chúng ta. Lẽ nào một người cộng sản lại đi gọi một tên phản động quốc dân đảng bằng bố? Vì vậy, chi ủy đề xuất ý kiến với chi bộ: một người như Trần Hưng liệu có đủ lý do đứng trong tổ chức của chúng ta hay không? Hầu như cả chi bộ đều tán thành ý kiến của xếp. Tôi hoang mang đến phát run rẩy. Tôi như vừa đánh mất cuộc đời không chỉ của mình mà còn cả của cha mẹ. Tôi bị khai trừ đảng. Sau đó, rồi sẽ ra sao? Tôi trở thành người đối lập với bao nhiêu sinh mạng đã chết cho lý tưởng này? Tôi không chịu đấu tố bố, không chịu bỏ tình yêu với con kẻ phản động. Lẽ nào tôi, một cá nhân lại có thể đúng trước sự sáng suốt của tập thể? Tôi như bị đánh mất trí nhớ, chỉ còn trơ ra cái xác không hon. Giờ đây, đến ngay một con kiến cũng có thể lôi tôi đi đến cùng trời cuối đất. Tôi sợ hãi toát mồ hôi. Người tôi co dúm lại. Ra khỏi đảng vì bị khai trừ, biết đâu rồi tôi lại chả bị bắt bớ. Tôi hoang mang tới mức cảm thấy mình không còn là mình nữa. Tôi là một kẻ khác rồi. Một kẻ khác, nghĩa là không phải con trai địa chủ Hai Cầy, không phải là người yêu của cô Oanh con nhà Việt gian phản động.Tràng Giang nhìn thấy hết chất con gián của tôi đang bộc lộ trong ánh mắt thất thần. Anh phát biểu:- Thưa các đồng chí, chúng ta rất đau lòng khi phải biểu quyết khai trừ đồng chí Trần Hưng ra khỏi đảng. Nhưng hãy còn ít phút cho Trần Hưng nhận thức lại bản thân mình. Nếu đồng chí Hưng cứ khăng khăng không chịu tuân theo những nguyên tắc bất di bất dịch của tổ chức, bắt buộc chúng ta phải làm như vậy. Nhưng riêng bản thân tôi, tôi tin là Trần Hưng sẽ thay đổi ý kiến, sẽ nhận ra lẽ phải để từ bỏ thành phần xuất thân không xứng đáng, từ bỏ thứ tình cảm lãng mạn, tình yêu không đúng chỗ. Vừa nói, Tràng Giang quay sang nhìn tôi lúc đó chỉ còn là một con lật đật, một con rệp mà thôi: - Có phải không đồng chí Trần Hưng? Tôi như kẻ chết đuối vớ được cọc: - Vâng, tôi sai. Tập thể bao giờ cũng đúng. Tôi xin nói lại: xin từ bỏ những quan niệm sai lầm, đồng ý viết bản đấu tố cha mình để nhờ ban lãnh đạo can thiệp với tỉnh bạn cho cha tôi được giảm tội. Thứ hai, tôi xin từ bỏ trái tim đau khổ lầm lạc vì yêu thương của mình. Tôi xin từ bỏ vĩnh viễn tình yêu với cô Oanh. Làm sao một người cộng sản như tôi lại đi gọi kẻ thù của đảng là bố vợ phải không thưa các đồng chí Cả chi bộ cùng reo lên trong một tiếng đáp gọn lỏn: phải. Người ta hoan hô tôi như chào đón một người anh hùng. Tôi vừa từ bỏ chính bản thân mình để đi theo tổ chức. Một hy sinh lớn lao và một chiến thằng vĩ đại. Tôi đã trót dại phóng lao thì suốt cuộc đời phải chịu theo lao. Mọi việc xảy ra tuần tự như tiến: bản đấu tố của tôi được gởi kèm với công văn của Hoàng Thanh ký gởi về xã tôi và ban cải cách tỉnh bạn nhờ giảm mức án cho gia đình một cán bộ đảng viên đã dứt khoát nêu gương sáng ngời về tinh thần tố khổ. Thứ hai, cơ quan tôi đã chính thức gởi công văn cho trường đại học Y khoa nơi Oanh đang học và gởi cả cho Oanh báo tôi đã chính thức từ bỏ tình yêu với đứa con gái kẻ phản động trước toàn thể chi bộ. Như vậy, Tràng Giang hiểu là đỡ cho tôi phải viết thư, hay phải đối diện với nàng.Cái giá tôi phải trả cho sự chiến thắng của lý trí thật quá đắt. Trái tim tôi héo hắt và sầu muộn. Tôi sống như một tên ấm ớ, một kẻ dở người. Giữa lúc đó, Hoàng Thanh và Tràng Giang cùng gọi tôi lên giao nhiệm vụ. Hoàng Thanh biểu dương: - Đồng chí tốt lắm hạt giống đỏ của cách mạng ạ. Bây giờ đảng giao cho đồng chí một nhiệm vụ thật vinh dự và cũng thật khó khăn, có lẽ ngoài đồng chí ra, khắp tỉnh ta không ai làm nổi. Đồng chí có đồng ý nhận trách nhiệm mới không nào?- Dạ, tôi xin nhận với bất cứ việc gì dù là đi hót rác.- ấy ai lại đưa đồng chí, một đứa con yêu quý của đảng đi làm cái việc không cần thiết ấy. Bây giờ, đồng chí phải viết. - Vâng, tôi sẽ viết. Không phải viết kiểm thảo mà là sáng tác ra một tác phẩm văn học.- Trời, sáng tác văn học. Liệu tôi có đủ khả năng làm được không ạ.- Được, đồng chí làm được. Chúng tôi tin tưởng. Đồng chí Tràng Giang sẽ trao nhiệm vụ cụ thể cho đồng chí. Còn bây giờ, tôi phải về trung ương họp.Sau khi Hoàng Thanh đi rồi, trong căn phòng rộng rãi sang trọng của ban cải cách tỉnh, Tràng Giang chỉ thị cho tôi:- Trần Hưng hãy viết một cuốn sách chừng trăm rưởi trang in về cải cách ruộng đất. Hãy viết về chính cuộc đấu tranh sinh tử của đồng chí để từ bỏ trái tim sai lầm vừa rồi. Đồng chí hãy lấy chính bản thân mình làm nhân vật trung tâm. Đạí thể nhân vật từng trót yêu con địa chủ, con phản động rất say đắm, đến mức nếu không lấy được có thể thất tình đến tự tử. Nhưng rồi đến lúc nhân vật phải chọn lựa: Đảng hay đứa con gái nguy hiểm ấy. Cuộc chiến đấu nội tâm của nhân vật vô cùng ác liệt và điêu linh trong việc lựa chọn trái tim và khối óc. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của tập thể cuối cùng giai cấp vô sản trong nhân vật chính đã chiến thắng đứa con gái đại diện cho kẻ thù. Kẻ thù nhìn chung bên ngoài đều dễ thương cả, nhưng bên trong chính là một cái bẫy. Mâu thuẫn thứ hai giằng xé nhân vật là sự lựa chọn hoặc bố mình, một tên địa chủ gian ác cáo già và một bên là giai cấp bần cố nông gian khổ. Nhân vật phải làm cuộc lột xác thứ hai là từ bỏ nguồn gốc xuất thân. Tất nhiên là nhờ sự giúp đỡ của tập thể, của giai cấp vô sản, nhân vật đã chiến thắng, đã dám dũng cảm chưởi vào mặt bọn bóc lột dã man, dù kẻ bóc lột có là cha mình đi chăng nữa. Trong tác phẩm của đồng chí cũng không thể thiếu yếu tố hấp dẫn là tình yêu lứa đôi có lập trường, có giai cấp và có tổ chức. Đại khái là sau hai cuộc đấu tranh dữ dội để thoát khỏi con người cá nhân của mình, nhân vật của chúng ta mệt mỏi đến rã rời, đuối sức. Nhưng trước mắt anh ta, giai cấp vô sản chợt phái đến một người con gái xuất thân từ bần cố nông tuy không đẹp lắm nhưng chân thật, biết căm thù thực dân đế quốc sâu sắc và rất dũng cảm trong đấu tố. Và tình yêu giữa hai người xuất hiện trong vòng tay chăm sóc của tổ chức. Tất nhiên tình yêu này không có những biểu hiện bay bướm dối trá kiểu tư sản thối tha. Nói tóm lại, nếu có một tác phầm văn học như thế để tung ra kịp thời bây giờ thì tác dụng của nó rất lớn. Một trăm rưởi trang in, đồng chí có thể hoàn thành trong hai tháng được không? Một tháng in nữa là vị chi chỉ cần ba tháng, chúng ta sẽ có một tác phẩm văn học tầm cỡ bán ngay tại thủ đô.Tôi chấp hành chỉ thị để viết cuốn truyện. Ngay hôm sau, cấp trên bố trí cho tôi một phòng viết tuyệt vời. Phòng viết với bàn ghế đánh véc-ni bóng nhoáng, có cả rađiô để nghe tin tức, báo chí, sách vở đầy đủ, lại có hoa tươi, có phích nước, thuốt hút với trà ngon. Tổ chức hứa sẽ tìm cho tôi một người phục vụ ưng ý. Tôi sẽ được phép ăn ngay tại phòng làm việc. Tôi nhắm mắt trút bỏ cơn sầu khổ ngoài căn phòng để bước vào bàn viết, tiếp tục cái nghiệp văn chương vốn hằng say mê. Tôi đã viết như một kẻ tâm bệnh, một dạng thần kinh. Tác phẩm viết theo chỉ thị, theo đề cương Tràng Giang đã vạch ra có tên là Vượt bão. Hai phần ba cốt truyện là đời tôi, chỉ còn một phần ba hư cấu. Tôi phải bịa ra cái tình yêu lứa đôi theo kiểu mới, kiểu bần cố nông. Nhưng trong đời, tôi chưa từng đọc và từng biết một tình yêu theo kiểu bần cố nông ấy.