Âm Mưu Từ Những Chiếc Cáng

Thoạt đầu hồng quân thực hiện cuộc đào tẩu vĩ đại bằng cách ngày nghỉ đêm đi, để giữ bí mật và tránh bị quốc quân truy kích. Sau một đêm dài lặn lội qua những đường rừng núi cheo leo khúc khuỷu, ban ngày hồng quân nằm dài ra nghỉ mệt, hoặc chui vào các bụi rậm lùm cây mà ngủ. Ðoàn người chạy trốn chỉ chọn những con đường mòn, và tránh những con lộ lớn. Họ muốn chạy thật nhanh, thật xa đại quân của Tưởng Giới Thạch.
Ði bộ ban đêm không phải luôn luôn là khổ cực khó khăn, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát. Trong những ngày đầu, hồng quân chưa thấm mệt và chưa bị tổn thất nhiều, nên tinh thần vẫn còn cao và ca hát suốt lộ trình. Vào những đêm không trăng sao, hồng quân phải đốt đuốc hoặc dùng những ống tre đổ dầu vào bên trong rồi thắp sáng lên để soi đường đi. Từ chân núi nhìn lên, đoàn quân chạy trốn trông giống như một con rắn lửa, trườn mình từ chân núi, lượn khúc lên đến đỉnh rồi bò xuống bên kia núi. Tuy vậy không phải bao giờ cũng dễ dàng và đẹp đẽ như thế. Vào những đêm mưa tối đen không đốt lửa lên được, hồng quân phải thắt khăn mặt trắng vào sau lưng, giúp cho người đi sau trông thấy để khỏi lạc nhau. Có những lúc họ phải nắm lấy vai nhau khi đi qua những đường mòn nhỏ hẹp. Gặp lúc trời mưa đường trơn ướt, một người té thì kéo cả nhóm lao đao theo.
Nhưng nói chung thì tinh thần của hồng quân trong những ngày đầu rất cao. Các cán bộ tuyên truyền khích động lòng hăng say của họ. Người lính hồng quân chưa biết rõ sự thực là họ đang là kẻ bại trận, và cũng không biết họ đang trên đường chạy trốn, một cuộc chạy trốn thật xa và thập phần nguy hiểm.
Cuộc chuyển quân của hồng quân theo một đội hình lạ lùng. Tướng Ðộc Nhãn Long Lưu Bá Thừa ví cuộc tiến quân giống như một chiếc ngai vàng. Có hai quân đoàn dẫn đầu là đệ nhất và đệ tam quân đoàn. Toán trung ương bao gồm các cấp lãnh đạo đầu não, cùng với hơn năm ngàn phu khuân vác và rất nhiều lừa ngựa, chở theo rất nhiều dụng cụ và đồ đạc cồng kềnh.
Hệ thống lãnh đạo được tổ chức rất chặt chẽ. Ngay dưới tam đầu chế Lý Ðức, Bác Cổ và Chu Ân Lai là tư lệnh phó quân đội Chu Ðức, giám đốc bộ chính trị Vương Gia Tường và tham mưu trưởng Lưu Bá Thừa. Toán trung ương được phân làm hai lộ quân. Lộ quân thứ nhất do chủ tịch Ủy ban Quân Sự Diệp Kiếm Anh lãnh đạo. Về sau Diệp Kiếm Anh được phong chức thống chế và làm đến bộ trưởng quốc phòng. Lộ quân thứ hai do Lý Quế Nhân và Ðặng Phát chỉ huy.
Ngay sau khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh khởi đầu, mỗi đơn vị dùng một mật hiệu riêng. Ðệ nhất lộ quân được gọi là Hồng Ân, Ðệ nhị lộ quân là Hồng Giang, đệ tam quân đoàn là Nam Xương và đệ tứ quân đoàn là Phúc Châu.
Quyền hành quân sự tại lộ quân trung ương được chia làm bốn đẳng cấp. Ðứng đầu là Lý Ðức, Bác Cổ, Chu Ân Lai, Chu Ðức và Lưu Bá Thừa. Nhóm này do Ðặng Yến Phong dẫn đầu. Nhóm thứ hai là quân nhu đạn dược. Nhóm thứ ba là các tiểu đoàn công binh, các đơn vị pháo binh và một quân y viện. Nhóm thứ tư là trung đoàn cán bộ do Trần Cương lãnh đạo. Về tổ chức, lộ quân trung ương cũng được phân thành bốn ban chuyên môn: thứ nhất là ban huấn luyện; ban thứ hai phụ trách liên lạc, tiếp tế và khuân vác. Ban thứ ba là một bệnh viện do Hồ Chương điều khiển. Ban thứ tư gồm các cán bộ và các nhân viên bí thư đảng và một trung đoàn an ninh.
Lộ quân trung ương được bảo vệ cẩn mật và không một ai bị thương tích trong những ngày đầu, nhưng lộ quân này không di chuyển mau lẹ bằng các đơn vị tác chiến như Ðệ nhất và Ðệ tam quân đoàn. Vì mang nhiều đồ nặng nề nên lộ quân trung ương di chuyển rất chậm chạp. Trong lộ quân lại có những người già cả bệnh tật, như Mao Trạch Ðông và Hồ Diệu Bang thì bị bệnh sốt rét, Vương Gia Tường thì bị bệnh đau bao tử. Ngoài ra còn có thêm trên 30 phụ nữ, vừa là đảng viên vừa là vợ các lãnh tụ cao cấp. Càng ngày nhóm người trung ương càng tỏ ra cản trở bước tiến của hồng quân. Trong những ngày đầu tiên sinh tử của cuộc Vạn Lý Trường Chinh, điều kiện thiết yếu nhất là tốc độ: phải chạy cho thật nhanh trước khi quốc quân tung ra những cuộc truy kích. Chính vì thế nhiều đồ nặng đã phải bỏ lại. Hàng ngàn khẩu súng máy, nhiều đạn dược, và ngay cả vàng bạc cũng phải đem chôn dấu, dự định sau này có cơ hội sẽ đào lên dùng.
Trong khi hồng quân đã lên đường rồi mà quốc quân vẫn chưa khám phá được cuộc đào tẩu của hồng quân, và chưa bắt đầu cuộc truy kích. Tại thành phố Nam Xương, Tưởng Giới Thạch vẫn yên trí quân cướp đỏ sắp bị tận diệt đến nơi và không còn cách nào thoát được vòng vây của quốc quân.
Ngày 21-10, hồng quân vượt qua vòng vây đầu tiên của quốc quân tại vùng cực nam của Giang Tây, ngay tại con sông Ðào. Tại đây họ gặp một sức kháng cự rất yếu ớt của quốc quân. Có lẽ quốc quân không phòng thủ mạnh vì không tin hồng quân có thể tiến tới đó. Hồng quân tiến vào địa phận tỉnh Quảng Ðông, và vẫn tiến thẳng về hướng tây nam. Một số người ngạc nhiên trước hướng tiến quân này, vì mục tiêu chính của hồng quân là tiến về vùng tây bắc Trung hoa để nhập với đệ nhị và đệ lục quân đoàn. Tuy nhiên mọi người đều phấn khởi vì cuộc Vạn Lý Trường Chinh khởi đầu bằng một điềm lành: đó là trận chiến thắng đầu tiên phá vỡ được vòng vây thứ nhất. Ðược đà, hồng quân phá vỡ luôn vòng vây thứ hai một cách mau lẹ ngày 3-11.
Trong những ngày đầu, các đơn vị tiền phương của hồng quân tiến như vũ bão. Thực ra chiến thắng đầu tiên của hồng quân không phải là tình cờ. Chu Ân Lai đã bí mật thỏa hiệp với sứ quân Quảng Ðông để cho hồng quân đi thoát mà không phải giao tranh. Trong suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh, việc liên lạc giữa các tư lệnh quốc quân và hồng quân thường xảy ra. Có lẽ đó là truyền thống quân sự của người Trung Hoa. Các tư lệnh quốc quân Trung Hoa rất nhậy cảm và tin rằng không cần phải đổ máu nếu có thể thu xếp được một phương cách khác. Hơn nữa các tướng tư lệnh của hai bên đều đã từng chiến đấu cùng một chiến tuyến dưới ngọn cờ của Tôn Dật Tiên, và hồng quân và quốc quân đã có một thời hợp tác với nhau. Tinh thần thiếu trách nhiệm và cầu an của các tướng tư lệnh quốc quân đã đồng lõa giúp cho đám hồng quân bại trận trốn thoát được cảnh tiêu diệt để chờ thời và bồi dưỡng sức mạnh. Chỉ mấy năm sau, các tướng tư lệnh quốc quân cầu an này bị chính hồng quân quay lại tiêu diệt.
Trong bàn cờ chính trị phức tạp của Trung Hoa trong thập niên 1930, Tưởng Giới Thạch không phải là một lãnh tụ lúc nào cũng hùng mạnh nhất. Họ Tưởng phải đương đầu với sự thay đổi đồng minh liên tục của các sứ quân. Sự liên kết giữa các sứ quân và Tưởng cứ tiếp tục thay đổi, nay là bạn mai là thù, rồi sau đó là bạn trở lại. Thực ra các sứ quân không tin tưởng vào thiện chí của Tưởng Giới Thạch. Họ e sợ rằng nếu Tưởng mà mạnh hẳn thì chính họ cũng bị Tưởng tiêu diệt như quân cộng sản vậy. Họ không muốn Tưởng hoặc cộng sản quá mạnh. Họ không ngần ngại thỏa hiệp với cộng sản nếu họ có lợi riêng. Một số sứ quân cũng thực tình muốn có sự đoàn kết giữa mọi phe phái khác nhau, để cùng chống lại kẻ thù chung là quân xâm lăng Nhật Bản.
Những sự kiện này đã thúc đẩy sứ quân Quảng Ðông gửi cho Chu Ân Lai một tín hiệu bí mật vào tháng 9-1934, đề nghị hai người nói chuyện với nhau. Lý Ðức thì cho rằng sứ quân Quảng Ðông sợ quốc quân diệt xong hồng quân sẽ tiến tới biên giới Quảng Ðông. Không biết lý do nào đúng, nhưng sứ quân Quảng Ðông phái một sứ giả đến gặp Chu Ân Lai. Chu Ân Lai chụp ngay cơ hội và dùng sứ quân Quảng Ðông chống lại Tưởng Giới Thạch. Chu sai hai cộng sự viên thân tín của mình tới một làng nhỏ tại miền bắc Quảng Ðông, và hai bên đi đến một thỏa hiệp là hồng quân và quân Quảng Ðông sẽ không chống lại nhau. Hơn thế nữa, cả hai bên sẽ còn hợp tác trao đổi tin tức tình báo cho nhau. Sứ quân Quảng Ðông còn cung cấp cả dụng cụ y tế cho hồng quân. Khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh xảy ra, hồng quân tiến qua địa phận Quảng Ðông dễ dàng như đi dạo mát, trong lúc quân của sứ quân Quảng Ðông ngoảnh mặt nhìn đi chỗ khác.
Tướng Dương Hổ Thành, tư lệnh một sư đoàn quốc quân, cũng cung cấp các dụng cụ truyền tin vô cùng thiết yếu cho hồng quân. Những dụng cụ truyền tin này đã giúp hồng quân rất nhiều trên đường chạy trốn, và ngay cả sau này khi đã thành lập được chiến khu tại Tứ Xuyên. Không những thế, hồng quân còn đọc được mật mã của quốc quân, nhờ lấy được hệ thống mật mã của quốc quân. Hồng quân đã thiết lập được phương pháp theo dõi hệ thống truyền tin của quốc quân mà không bị quốc quân nghi ngờ. Hồng quân xử dụng các máy truyền tin rất thận trọng, chỉ dùng cho cấp quân đoàn nên quốc quân không hề ngờ rằng hồng quân cũng có hệ thống truyền tin. Tướng Dương Hổ Thành về sau tham dự cuộc bắt cóc Tưởng Giới Thạch tại Tây An năm 1936 cùng với thống chế Trương Học Lương. Sau đó Dương Hổ Thành bị Tưởng bắt giam cùng với Trương Học Lương. Khi hồng quân sắp sửa chiếm trọn Hoa Lục thì Tưởng Giới Thạch ra lệnh hành quyết Dương Hổ Thành, và di chuyển Trương Học Lương ra Ðài Loan để tiếp tục làm tù nhân trong tay Tưởng.
Sau khi thoát vòng vây thứ hai, hồng quân bắt đầu tiến quân ban ngày. Mỗi buổi sáng, hồng quân xuất phát vào lúc 6 giờ sáng. Sĩ quan và binh sĩ phải dậy từ 5 giờ sáng, nhổ trại, ăn sáng trước khi lên đường. Các lãnh tụ cao cấp thì dậy lúc 9 giờ sáng. Các đầu bếp và vệ sĩ đã đi trước để sắp sẵn bếp lửa và dọn điểm tâm chờ đón trước trên đường đi của các lãnh tụ. Các lãnh tụ lớn được binh sĩ dùng cáng khiêng đi, và họ ngủ ngon lành như những trẻ sơ sinh trong nôi. Cáng của họ được hai vệ sĩ khoẻ mạnh vừa khiêng vừa đưa đẩy cho họ dễ ngủ.
Mãi đến cuối tháng 10, phe Quốc dân đảng mới biết hồng quân đã trốn thoát cuộc bao vây. Nhưng phải vài tháng sau họ mới biết được những gì đang xảy ra. Ðiều này được chứng tỏ trên báo chí trong khu vực Quốc dân đảng. Ngày 18-10, tờ Nam Xương Báo chào mừng chiến thắng của quốc quân. Ðến ngày 27-10, tờ báo loan tin cộng quân toan tính trốn về phía nam, tấn công An quận, nhưng bị đẩy lui, và hàng chục ngàn cộng quân tử trận. Ngày 31-10, tờ báo loan tải hồng quân bị đẩy lui về vị trí cũ, và căn cứ của hồng quân bị san thành bình địa.
Phe Quốc dân đảng tiếp tục được ru ngủ bằng những bài báo loan tin chiến thắng thất thiệt. Ngày 8-11, một tờ báo khác trong vùng Quốc dân đảng loan tin cộng quân đang bị thảm bại, tuy nhiên cộng quân tỏ ra rất gan dạ nên phải vài tháng nữa quốc quân mới hoàn toàn tiêu diệt được "quân cướp đỏ". Ngày 1-12, một tờ báo lớn nhất tại Nam Xương công bố số tổn thất của hồng quân lên tới mười ngàn người, và quốc quân bắt được bốn ngàn tù binh. Một cuộc biểu tình vĩ đại được tổ chức tại Nam Xương để ăn mừng chiến thắng, và ca ngợi công lao của Tưởng Giới Thạch.
Thực ra quốc quân đã bị một thất bại nặng nề về tình báo. Có lẽ Tưởng Giới Thạch bận việc không có mặt tại Nam Xương, và một phần tướng Hans von Seeckt quá cẩn thận, không dám cho quốc quân tiến sâu vào khu vực cộng sản, sợ bị đánh phục kích. Vì thế trong những ngày đầu tiên, hồng quân không gặp sức kháng cự mạnh mẽ của quốc quân và không bị không quân của Tưởng oanh kích. Mãi đến ngày 28-11, khi hồng quân tới bờ sông Tây Giang thì quốc quân mới phái một phi đội lớn, khoảng 200 phi cơ, đuổi theo tấn công.
Sự thất bại về tình báo của Tưởng Giới Thạch thật là lạ lùng, nhưng cũng không lạ lùng hơn tình báo thế giới. Báo chí quốc tế hầu như không nhắc nhở đăng tải một tin gì về cuộc tấn công của quốc quân và cuộc rút lui của hồng quân vào tháng 10-1934. Các tin thế giới lớn nhất của tờ New York Times chỉ nhắc đến Hitler, thế vận hội Bá Linh, và cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha.
Mãi đến ngày 9-11, tờ Times mới đăng tin 40 ngàn cộng quân bị bao vây từ nhiều tháng đã thoát vòng vây và chạy trốn khỏi Giang Tây và Phúc Kiến; cộng quân đang tiến về phía tây, vừa đi vừa cướp bóc dọc đường, suốt một giải đất dài hàng trăm dậm và rộng trên mười dậm. Ðó là tin đầu tiên của báo chí tây phương về cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Ba tuần sau đó, tờ Times trấn an độc giả rằng cộng quân đã bị quốc quân đánh bại tại Quảng Tây.
°
Kể từ khi vượt qua con sông Vu Giang, Mao Trạch Ðông làm một cuộc hành trình trên cáng do các binh sĩ lực lưỡng khiêng. Mao Trạch Ðông phải nằm cáng không phải vì Mao không biết đi bộ qua các miền hoang dã. Thực ra không một lãnh tụ cộng sản Trung Hoa nào biết nhiều về đất nước Trung Hoa bằng Mao. Ngay từ hồi còn ít tuổi, Mao đã đi bộ khắp các miền quê của tỉnh Hồ Nam. Mao không đem theo tiền bạc gì cả, và sống nhờ vào sự bố thí giúp đỡ của các nông dân. Năm 1927, Mao cũng lui về miền quê và nghiên cứu phân tích đời sống của người nông dân. Mao đã nhìn thấy sức mạnh của người nông dân, và tuyên bố: "Chẳng bao lâu nữa, hàng trăm triệu nông dân sẽ vùng lên mạnh như một trận cuồng phong, một sức mạnh mau lẹ và dữ dội mà không một quyền lực nào có thể ngăn cản được." Mao tin tưởng người nông dân Trung Hoa sẽ quét sạch đế quốc, các sứ quân, các viên chức tham nhũng, và cường hào ác bá. Mao cho rằng mọi cuộc cách mạng phải cần đến sự thay đổi tại miền quê, và cách mạng là một công việc không nhẹ nhàng thư thái như là dự một bữa tiệc, làm một bài thơ hoặc vẽ một bức họa; trái lại cách mạng là bạo động tàn sát. Mao đã từng tuyên bố với một ký giả Mỹ: "Bất cứ ai thắng được nông dân sẽ thắng được Trung Hoa và ai giải quyết được vấn đề cải cách ruộng đất sẽ thắng được nông dân."
Nhưng vào lúc cuộc Vạn Lý Trường Chinh khởi sự thì sức khoẻ của Mao gần như kiệt quệ sau một cơn bệnh sốt rét lâu dài. Thuốc ký ninh đã giúp diệt trừ mầm mống bệnh sốt rét trong người Mao, nhưng không đủ lấy lại sức khỏe cho Mao. Bác sĩ Nelson Fu, bác sĩ riêng của Mao, khuyên Mao phải ăn nhiều hơn, và mỗi tối ông dọn cho Mao một tô cháo gà. Cáng của Mao nằm có một cái đòn rất dài, để giúp hai người khiêng có thể nhìn thấy đường đi của họ trên những con đường cheo leo nhỏ hẹp. Cáng còn được phủ giấy dầu để che mưa nắng. Mao bình yên ngủ, kể cả những lúc mưa to gió lớn. Một người nữa cũng nằm cáng suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh là Ðặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai. Ðặng Dĩnh Siêu bị bệnh lao phổi ngay khi cuộc Trường Hành bắt đầu.
Những cái cáng trên con đường vạn lý là trung tâm của những buổi họp, bàn luận và âm mưu đưa Mao Trạch Ðông trở lại quyền lãnh đạo đảng cộng sản Trung Hoa, và quyền điều khiển cuộc Vạn Lý Trường Chinh đến thành công. Những cái cáng chở Mao và Vương Gia Tường đi song song với nhau tại những nơi đường rộng rãi, và đó là cơ hội cho Mao rủ rỉ trổ tài thuyết phục Vương Gia Tường đứng về phía mình. Ban đêm khi cắm trại, hai người vẫn tiếp tục nói chuyện, trao đổi quan điểm. Vương Gia Tường cũng là con một địa chủ như Mao. Vương thích đọc sách và đến Thượng Hải để học thêm. Tại đây Vương gia nhập nhóm cộng sản đầu tiên và được cử sang Nga sô học tập. Vương là một trong nhóm 28 đảng viên bôn sê vích đào tạo tại Nga và thân Nga, dưới quyền lãnh đạo của Vương Minh. Vương Gia Tường là một người rất gầy yếu, và có tài nói chuyện khuyến dụ người khác. Những sách mà Vương Gia Tường mê say đọc nhất là bộ Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, và các tác phẩm Nga của Gorky và Tolstoi.
Chính tại những lúc cắm trại bên nhau mà Mao và Vương Gia Tường hiểu biết nhau nhiều hơn. Hai người phân tích những gì xảy ra tại Giang Tây, nhất là trận đánh Quảng Xương và cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Mao nói về những lỗi lầm chiến thuật mà giới lãnh đạo đương thời mắc phải. Càng ngày lý luận của Mao càng trở nên hợp lý và hấp dẫn đối với Vương Gia Tường. Trong vòng một tháng, Mao đã thành công lôi kéo được Vương đứng hẳn vào phe của Mao. Trong những tháng sau đó, chính Vương Gia Tường đã góp công lớn giúp Mao loại bỏ được cả Lý Ðức và Bác Cổ, để Mao trở thành người lãnh đạo tối cao của hồng quân Trung hoa.
Nhiều lãnh tụ khác cũng không ưa Bác Cổ, và thường hay công kích những lỗi lầm của Bác Cổ. Nhưng Lý Ðức luôn luôn ra công thuyết phục mọi người phải hợp tác với Bác Cổ. Một đồng minh nữa của Mao là Lạc Phủ, một cựu chủ bút báo tại San Francisco. Lạc Phủ viết những bài báo kêu gọi người cộng sản Trung Hoa không những phải chiến đấu chống lại Tưởng Giới Thạch, mà còn phải chống lại những kẻ chỉ chiến đấu cho quyền lợi của Nga sô. Các bài luận thuyết này nhắm thẳng vào Bác Cổ, Lý Ðức và các lãnh tụ cộng sản được huấn luyện tại Nga sô. Lý Ðức không hiểu nhiều tiếng Trung Hoa, nhưng cũng cảm thấy sự bất lợi nên nhiều lần đã khuyên Lạc Phủ phải hợp tác với Bác Cổ vì cả hai người đều được huấn luyện tại Nga sô. Nhưng Lý Ðức không thành công lôi kéo Lạc Phủ trở về với phe thân Nga sô. Càng ngày Lạc Phủ càng xa cách Bác Cổ.
Cuối cùng Mao, Lạc Phủ, và Vương Gia Tường đồng ý gặp lúc thuận tiện sẽ đòi hỏi Bác Cổ, Lý Ðức phải tổ chức một cuộc đại hội để giải quyết quyền lãnh đạo quân đội. Khi họ đạt được điều đó thì Bác Cổ và Lý Ðức kể như bị loại bỏ. Lý Ðức không biết gì về những âm mưu chống đối của nhóm người nằm cáng, nhưng Lý Ðức cũng biết Mao đang tận dụng tài thuyết phục của mình và điều đó chẳng có lợi gì cho Lý Ðức cả. Về sau trong một cuốn hồi ký, Lý Ðức than phiền Mao lân la nay nói chuyện với tư lệnh này, mai thì thầm với tư lệnh khác, và sau những cuộc thì thầm của Mao là hàng loạt những lời than phiền chống lại Bác Cổ và Lý Ðức. Lý Ðức gọi bộ ba Mao, Lạc Phủ và Vương Gia Tường là "Trung Ương Tam Hung". Dù bị gọi là gì thì ba người này đang tiến tới chỗ nắm quyền chỉ huy cuộc Vạn Lý Trường Chinh.
Các cố vấn Nga và các lãnh tụ thân Nga thường gọi Mao Trạch Ðông là một trái bí ngô quê mùa. Sự coi thường Mao là một lỗi lầm lớn nhất của họ, vì Mao là một đối thủ chính trị nguy hiểm có nhiều thủ đoạn hiểm độc, và đã từng chứng tỏ có khả năng sinh tồn siêu việt trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Ngay khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh bắt đầu thì Mao cũng đang ở trong tình trạng thất thế, nhưng Mao không chịu thua hoàn cảnh, và đang ngấm ngầm tung đòn độc quật ngược lại đối thủ. Phần lớn các lãnh tụ thân Nga đều còn rất trẻ, chỉ khoảng ngoài 20 và được nhồi sọ tại Mạc tư khoa. Mao già hơn các lãnh tụ thân Nga một thế hệ. Năm 1934, Vương Gia Tường mới có 27 tuổi. Bác Cổ trẻ hơn, mới có 26, và từng học tại Nga sô 4 năm, từ 18 đến 22 tuổi. Vương Minh, thủ lãnh của nhóm, cũng chỉ mới 28 tuổi. Lạc Phủ 35 tuổi được coi là già nhất trong nhóm thân Nga. Tất cả các lãnh tụ thân Nga trẻ tuổi này không thể là đối thủ của Mao Trạch Ðông, vì họ thiếu sự thâm trầm, tâm địa quỷ quyệt và lòng dạ tàn ác đến lạnh lùng của Mao Trạch Ðông.
Mao chưa hề du học tại ngoại quốc. Mao không sang Âu châu sau đệ nhất thế chiến như Chu Ân Lai và Chu Ðức. Mao cũng chưa từng được đứng cúi đầu trước bàn thờ tổ cộng sản tại Mạc tư khoa. Các người bôn sê vích Trung Hoa đều xuất thân từ giới trung lưu trí thức thành thị, và hầu như không biết gì đến 80% dân chúng Trung Hoa sống tại miền quê. Trái lại Mao là một sản phẩm pha trộn một số tư tưởng Mác xít với triết lý Trung Hoa, cộng với tinh thần chậm tiến và bảo thủ của người nông dân Trung Hoa. Mao đã chứng tỏ là một người không bao giờ chịu nhường bước trước bất cứ đối thủ nào, một khi đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu, dù kẻ địch là ai cũng vậy. Mao nhất quyết lật đổ giới lãnh đạo thân Nga và lấy nông dân làm căn bản cho cuộc cách mạng vô sản Trung Hoa. Chỉ trong điều kiện đó Mao mới bảo đảm được địa vị độc tôn của mình.