Các loại trống bịt da trâu, da bì thì làng Cọp Râu Trắng đã có từ xưa. Năm ấy lễ rước Cá Ông, các già làng muốn bịt da cá óc nóc, làm thành thứ trống riêng của làng. Muốn vậy cả làng ai cũng rước lễ bằng tiếng trống da cá óc nóc. Mỗi năm vào lễ hội, mùa gió bấc trở về làng làm thành cuộc vui thi bịt trống sa cá óc nóc. Trẻ con lên năm, lân sáu cũng được tham dự, vui như là hội của tuổi thơ. Nửa đêm. Nước lên. Sóng réo ồ ồ ngoài cửa biển. Tiếng sóng báo hiệu cá óc nóc từ ngoài khơi vào. Chờ tiếng sóng, thuyền mái giầm, thuyền thúng một người bơi để sẵn trên bãi. Biển không có ánh sáng, ai tinh mắt thấy nhiều bọt trắng nổi, tiếng chuýt chuýt như tiếng chuột rúc râm ran thì biết đó là cá óc nóc lấy hơi bụng căng tròn để trôi lừng lững theo con nước. Trong tối bắt cá óc nóc là một tài nghệ cùa dân làng biển. Biết đoán hướng trúng, dò đúng đàn, thuyền cập nhanh, lẹ với tay nhón lấy đuôi, thả gọn vào thuyền làm sao cho cá óc nóc không xẹp bụng, không gẫy da bụng. Ai bắt cá mà tay đụng vào bụng cá gai đâm chảy máu là thua cuộc. Đêm bắt cá óc nóc thật là vui như hội. Sân nhà ông Năm Dững làm chỗ hội thi bịt trống da cá óc nóc. Vào cuộc thi, đuốc dầu cá thắp sáng bốn góc sân. Người dự thi không mặc áo, lưng thắt khăn vải đỏ, tay cầm dao bản, xếp thành hàng đứng ở bốn góc sân. Gữa sân một đống cá óc nóc chất cao. Một hồi trống đánh lên, người dự thi tự lấy khăn bịt kín mắt. Hai tiếng trống đánh lên, các tay thi chạy vào chộp lấy cá. Chộp phải đúng đuôi. Hai hồi trống đổ dài, các tay thi trở dao lột da cá óc nóc. Lột phải từ đuôi lên đầu. Lột da cá phải nguyên vẹn. Sau khi lột da xong, năm hồi trống thong thả đổ để các tay thi bịt da cá vào chậu đất. Bịt da gồm động tác xỏ mười mối dây mây, luồn qua trôn chậu, ràn hết vành miệng chậu. Tất cả phải làm gọn, làm xong trong năm hồi trống đổ. Bịt xong các tay thi đặt trống xuống ngay chỗ mình đang đứng. Hai già làng cầm hai nó đuốc dầu cá rà sát trên các mặt trông để lấy hơi lửa làm khô da cá. Hết phần hơ mặt trống, mỗi tay thi cầm trống lên, một tay cầm dùi gõ vào mặt trống của mình để nghe trống có tiếng hay không có tiếng. Hết phần gõ trống, hai già làng khác cất giọng báo cho dân làng biết trống tay thi nào hay, tay thi nào dở. So với trống da trâu, da bò, thì trống cá óc nóc có âm thanh kỳ lạ. Người làng Cọp Râu Trắng phân biệt tiếng trống da cá óc nóc, cá nào già ngày, già tháng thì tiếng trong, cá nào non nước non sóng thì tiếng bị giùn, họ tinh vi trong việc nhận ra tiếng trống buổi trưa giọng thẳng, chiều giọng êm... Tất cả đều do sóng, do nước làm nên giọng, nên tiếng của trống. Vào ngày lễ rước, ba phát pháo cối nổ, hai hàng tay thi được chọn kẹp trống gõ nhịp ba, đi dưới bóng cờ đuôi nheo tuần tự vào đình làng. Vào đến đại điện, hai hàng tay thi đưa trống lên cao quá đầu, tay vẫn gõ nhịp hồi ba, hồi tư người thì tỏa ra, chụm vào để tạo thành hình chữ nhất, chữ ngũ, chữ bát, sao thật đều đặn, nhịp nhàng đúng điệu. Tiếng trống trầm bổng khoan mặt, dài ngắn, cao thấp đan dài trong các đội hình. Cứ thế suốt hai đêm, hai ngày. Tiếng trống bay suốt một vùng đất rộng, gọi nhau dự hội trống làng. Con trai, con gái gặp nhau hát bài chòi, múa bá trạo mừng hội trống da cá óc nóc. Mấy mươi chiếc trống đoạt giải, các già làng đều cúng thần biển, tế Cá Ông, đặt vào đại điện thờ. Sau này, các đám cưới, đám hỏi được làng cho rước trống da cá óc nóc về nhà như rước điều vui, điều hạnh phúc của con trai con gái làng Cọp Râu Trắng.