Chương III ( A)
III. ĐƯỜNG LỆ CHI HOA THIÊN KỲ PHẢN NHI

1. "Công hồ dị đoan tư hại dã dĩ"
Muốn thoát gọng kìm nhị nguyên là một chuyện, mà thoát được hay chăng lại là chuyện khác. Các triết học Tây Âu chống đối nhau: mỗi môn phái sau được đề nghị ra là để chống môn phái trước: mà tựu trung có thể quy ra Động chống Tĩnh. Héraclite đưa ra biến dịch ra chống lại bất biến của Parménide. Các môn sau đứng trong thế bất biến của Parménide để chống đối lẫn nhau. Cuối cùng đâu vẫn hoàn đó, nghĩa là vẫn mang gông nhị nguyên.
Triết lý Ấn Độ muốn thoát nhị nguyên bằng khước từ trọn vẹn hiện tượng với chủ trương vô nhị. Và chúng ta đã thấy cứ nói chung vẫn không thoát gọng kìm nhị nguyên nốt.
Sự thất bại lớn lao và lâu dài đó có một lý do sâu xa và rất tế nhị, nên cần chúng ta phải dừng lại suy nghĩ cẩn mật câu nói của Khổng Tử: "chống đối khởi đầu khác (một trong lưỡng đoan) là điều hại". Công hồ dị đoan tư hại dã dĩ!, 攻 乎 異 端 , 斯 害 也 已 !. Tại sao thế? Lấy ánh sáng Kinh Dịch soi vào chúng ta thấy nguyên ủy sâu xa sự việc nằm trong cái luật Âm Dương. Âm Dương là hai cực, hai tận cùng của dịch trường (champ), nói cao lên là của Nhất thể Viên Dung. Vậy cái nguyên lý căn bản của cái có cùng (tức mọi hiện tượng, mọi sự vật, mọi biến cố) đều phải thống nhất trong nhị cực. Nhị cực chỉ tất cả những gì dị biệt phồn đa, còn Nhất thể chỉ nơi hội thông của các dị biệt phồn tạp kia. Hoặc nói theo lý luận thì Chân lý căn bản chỉ có một, duy nhất, nhưng có vô số chân lý lẻ tẻ dị biệt hợp cho vô số những khía cạnh của vạn vật. Những chân lý lẻ tẻ thuộc cái biết thế gian thường nghiệm chỉ cần một lương tri thông thường lành mạnh cũng tìm ra được một số đủ để hành xử ở đời. Còn Chân lý căn bản thì là cùng đích của Minh triết (Sagesse) của Đạo lý hay là cái biết siêu linh gọi là Trí tri. Sứ mạng của suy tư chân chính phải là nhận thức ra chân lý nền tảng đó với những mối liên hệ của các chân lý lẻ tẻ đối với nó. Được như thế các chân lý lẻ tẻ sẽ gia tăng phần chói sáng và hòa hợp với nhau.
Thế nhưng trong những lối lý luận Nhị giá hay vô nhị tiêu cực lại đi ngược với nguyên tắc trên: vô nhị khước từ những chân lý lẻ tẻ dị biệt, còn Nhị nguyên không thấy được Chân lý căn bổn, hay nói đúng hơn nhận lầm một trong hai cực làm chân lý căn bổn thì đó là chân lý giả tạo. Chân lý nền móng giả tạo này có đặc tính là chống đối nhau như thị phi, bỉ thử, có không… Nay nhị nguyên đem đặc tính đối kháng này gán cho chân lý căn bản thì tỏ ra không biết chân lý đó. Bởi vì một khi đối kháng thì phải ở trên cùng một bình diện mới có thể đối kháng. Chỉ có những chân lý hữu hạn mới có thể đối kháng. Vô cùng không thể đối kháng: vì đối kháng bao hàm một đối vật, đối tượng khác với vô cùng mà vô cùng chưa bao trùm được. Nhưng nếu chưa bao trùm được thì đó là vô cùng giả tạo: nói khác đó chỉ là cái có cùng được lý trí phong lên bậc vô cùng, nhưng lý trí có cùng không sao cấp phát vô cùng tính cho cái chi được, "phải có mới cho được": nemo dat quod non habet. Đấy là luật nền móng nên khi phạm vào sẽ nảy sinh rất nhiều tai hại mà ở đây chỉ bàn đến khía cạnh tâm lý mà thôi. Khía cạnh đó có thể công thức hóa như sau: "chống đối là chấp nhận".
Lão Tử nói lên chân lý này trong câu:
"Tương dục nhược chi, tất cố cường chi
Tương dục phế chi, tất cố hưng chi". (ĐĐK 39)
將 欲 弱 之, 必 故 強 之 ;
將 欲 癈 之, 必 固 興 之 ;
Muốn làm cho yếu đi tức là làm cho mạnh lên đó
Muốn phế bỏ đi tức là làm cho hưng thịnh lên vậy.
Trang Tử giảng rộng như sau: "lấy sự đối kháng (bất bình) để gây dựng an bình, thì loại an bình đó vẫn còn là đối kháng, vẫn còn là bất bình. "Dĩ bất bình bình, kỳ bình dã bất bình, 已 不 平 平, 其 平 也 不 平,". (Trang Tử, NHK, Ngự Khấu). Đấy là một luật tâm lý sâu xa mà chúng ta có thể kiện chứng và hiển minh bằng một đoạn văn thời mới của Ruyer, một triết học gia về giá trị học (axiologie):
"A anti B adophe progressivement les moeurs, les gestes même du parti B. Les deux adversaires sont sur les même plans: ils sont modifíes par une sorte d'induction assimilatrice.
Les vraies victoires et les vrais progrès sont, obtenus au contraire lorsqu'on oblige l'adversaire à se dévaloriser lui mêm en refusant d'ent dans son jeu, en maintenant avec vigueur son ordre propre dans lesquels les valeurs de l'autre se déforment et perdent tout le sens.
Le principe de non-violence de Gandhi repose là-dessus".
Ruyer: Le monde des valeurs p.52
"Trong khi A chống B thì lần lần A thâu nhận lề lối cư xử của B. Vì cả hai đối nghịch cùng đứng trên một bình diện, nên họ bị biến dạng theo lối thâu hóa tẩm nhuận, nghĩa là ngoài chí muốn và ý thức của họ. Ngược hẳn lại những trận thắng trung trực, những bước tiến bộ chân chính chỉ sở đắc khi người ta buộc đối phương phải tự mình hạ giá mình bằng cách từ chối đi vào kế hoạch của họ, bằng luôn luôn duy trì nguyên lý an bài đặc trưng của mình theo đó thì những giá trị đối phương sẽ tự biến dạng và mất hết ý nghĩa. Nguyên lý bất bạo động của thánh Gandhi y cứ trên đó".
Chúng ta có thể kiện chứng thêm bằng ít nhận xét sau. Không đâu chống đối dị đoan cho bằng Âu Châu thế kỷ 18, 19 với óc tôn thờ khoa học cơ khí, nhưng hiện nay có lẽ Âu Châu không thua xứ nào về dị đoan. Lấy thí dụ kinh thành Paris mà nói thì cứ 120 người đã có một thầy bói, đang khi phải có 514 người có một y sĩ, 5000 người mới có một tu sĩ. Cũng vì lý do sâu xa đó mà những người chống trả tính kiêu ngạo thường trở thành rất ngạo nghễ vì đức khiêm cung của họ. Người Cộng sản chống tín điều tôn giáo thì cuối cùng học thuyết của họ mang nặng tính chất tôn giáo. Có thể kể nhiều thí dụ… Tất cả đều giống đàn gà trong câu truyện ẩn dụ: vì quá sợ con cáo, nên suốt đêm không ngủ, cứ nhìn tròng trọc vào con cáo đứng chực dưới gốc cây: cuối cùng hết con nọ đến con kia, theo nhau rơi xuống làm mồi cho cáo.
Ta có thể giải nghĩa như sau; khi lý trí con người đã dồn hết vào một đối tượng (tượng trưng bằng rùa) thì không còn tâm trí để vào Toàn thể Viên Dung nữa, tức là không để vào Tánh Thể, hay Chủ thể (tượng trưng bằng Achille) thì chủ thể bị quên lãng và trở nên yếu đi, nên đối tượng thấm lần vào qua nẻo tiềm thức, nên ý thức không hay biết, và vì thế cuối cùng rơi vào chính cái mà ý chí muốn tránh hơn hết.
Đó là nguyên do tâm lý giải nghĩa sự sa lầy của thuyết Vô nhị tiêu cực Ấn Độ, cũng như của thuyết Nhị nguyên triết Tây. Khi nhìn tổng quát các khoa lý luận cổ điển hàn lâm, Heidegger đã ví với bá tước Umchhausen sa xuống ao lầy mà cứ cầm lấy búi tó mình mà lôi lên (Baron Umchhausen s'efforce de se tirer du marais en se prenant lui même aux cheveux). Lẽ tất nhiên càng kéo búi tó duy lý thì cẳng chìm sâu mãi xuống ao lầy. Các cặp đối kháng: duy tâm với duy vật, thị với phi, bỉ với thử, hữu vi với vô vi… chỉ khác nhau nhãn hiệu với ít tiểu tiết, còn đại để giống nhau, miễn biết nhìn sẽ nhìn thấy.
Chân lý trên đây hiện nay đã được nhiều nhà tâm lý học chú trọng đến và có người gọi là "cố gắng trở cờ" nghĩa là thường xảy ra chính điều mình đang cố tránh: người mới tập xe đạp chú trọng tránh con trâu sẽ xô vào con trâu. Người đang ở nơi tôn nghiêm gặp cái buồn cười mà cô gắng nín thì lại càng phì cười. Người đang bị một tư tưởng ám ảnh mà càng gố gắng bỏ, nó càng ám ảnh hơn. Người hay mắc cở cố sức tránh đỏ mặt lại càng đỏ mặt hơn… Ông Coúe gọi đó là cái ý chí tự chống lại mình, và ông Baudovin gọi là cố gắng trở cờ (effort converti) khi một ý tưởng đã gợi ra một ám ảnh, bao lâu ý tưởng đó còn làm chủ lý trí, thì hết mọi nỗ lực đưa vào chống với ám ảnh trên đều chỉ gia tăng thêm hoạt lực cho nó. Chữ ám ảnh đây hiểu theo nghĩa rộng và chỉ một ý tưởng nổi bật lên nền trời ý thức hầu như cách độc chiếm. Chính sự độc chiếm đó gây nên hiện tượng "cố gắng trở cờ".
Nhiều nhà tâm lý giải nghĩa rằng sự cố gắng của ý chí giả thiết một sự chống lại, hoặc nói khác bao hàm một động tác và một điều phản động (une action et une réaction) thí dụ nếu tôi chú tâm vào một ý tưởng, thì điều đó đòi một sự cố gắng và một sự chống lại (kéo lại); như vậy không phải là tôi có một ý tưởng, nhưng có hai ý tưởng trái ngược nhau, với hai ám thị chống đối nhau và do đó hoặc trung hòa nhau, hoặc nghiêng sang phe chống lại: nên xảy ra hiện tượng trái ngược ý muốn. Và cũng vì lý do đó người ta dễ mắc thói quen xấu cố gắng tránh bỏ hơn thói quen tốt. Vậy phải làm thế nào cả trong việc luyện tập những tính tốt cũng như trong việc suy tư? Thưa phải đi theo lối "xả" đặc biệt nghĩa là vừa thanh thoát trong tư thế vừa không chú trọng đến đối tượng. Đó là lối suy tư theo quẻ Quan trong Kinh Dịch. Lời Kinh rằng: Quán nhi bất tiến, hữu phù ngung nhược. Tượng: Đại quan tại thượng, thuận hi tốn. Trung chính dĩ quan thiên hạ. 盥 而 不 薦 . 有 孚 顒 若 . 彖 曰 . 大 觀 在 上 . 順 而 巽 . 中 正 以 觀 天 下." Dịch: rửa tay trong sạch mà không tiến (ý nói không can thiệp vào sự diễn biến của mọi sự vật, mọi ý tưởng đi qua). Đầy lòng tín nhiệm và cung kính (không có ý ngờ vực mà cũng không có ý đánh úp để bắt lấy). Xem từ trên cao xuống một cách thuận theo và từ tốn (đây nói là ý tưởng không nên can thiệp vào đường vận hành của tư tưởng), nhưng lấy cái mình làm trung điểm đặng ngắm nhìn các biến cố, hiện tượng trôi qua.
Đó là lối suy tư của quẻ Quan nó không dùng sức hay cố gắng để ý đến một vật nào hay một ý nghĩ riêng biệt, nhưng để lòng thanh thoát nhẹ nhàng và không sủng ái một đối tượng chọn lọc (chữ Tiến có nghĩa là cúng tế mà không dùng súc vật, dầu thế cũng không tiến). Nhờ đó ý thức và lý trí như lơ lửng và tiềm thức hầu như nhô lên mặt ý thức làm nảy sinh nhiều tư tưởng bất ngờ và thường rất trung thực bao la. Sở dĩ như thế là vì thực tại tự thân là một cái gì toàn thể, cần toàn thể con người phơi mở ra để đón nhận. Vậy mà khi ta chú trọng đến một vật thì lý trí cũng như ý muốn bị huy động trọn vẹn. Cả đến những gân mạch cũng trương lên (hãy nghĩ đến bức tượng "kẻ suy tư" của Rodin) toàn thân như co dúm vào một điểm nhỏ. Ngược lại trong lối Tâm tư theo Quan Đạo thì lý trí cũng như ý muốn không bị huy động để giăng lưới phủ kín khắp nền ý thức, đến nỗi tiềm thức không còn chỗ để nhô lên bằng những mơ màng lúc thức, những phóng tượng, vì đó là những hình thái, những sơ tượng mà tiềm thức dùng đặng dò đường để xuất hiện. Khi nào tâm trí ta thư thả thì tiềm thức có thể nhô lên để cùng với ý thức làm nên một trạng thức lưỡng diện là trạng thức thuận lợi nhất cho sự nảy sinh những tư tưởng trung thực vốn cũng lưỡng diện.
Đó là đại để lối suy tư theo quẻ Quan (Quan Đạo) nó giàn hòa giữa duy giác (Tây Âu) và tuyệt giác (Ấn Độ). Chúng ta sẽ bàn tiếp trong các chương triệt sau. Ở đây hãy xét trước hết tại sao không nên biệt dụng tai mắt (duy giác).
2. Nhĩ mục chi quan bất tư
Tai mắt và lý trí là những cơ năng có cùng không sao đạt được cái vô cùng. Dùng những sản phẩm trực thị của chúng (données immédiates sensorielles) là việc của lưu tục, của chân lý thế gian… Bên Viễn Đông môn phái Mặc Địch chủ trương dùng "tai mắt trăm họ" y như nhị nguyên, và cũng dẫn đến những luận cứ giống như của Zénon, nhiều câu y hệt. Chẳng hạn câu "cái giây một thước mỗi ngày lấy đi một nửa, muôn đời không hết" giống hệt lý luận rùa. "Nhanh như tên bắn mà cũng có lúc không đi không ngừng" hay câu "bóng chim bay không hề động đậy" (thi điểu chi ảnh vị thường động dã. Thục II. 108) thì giống hệt luận cứ cái tên của Zénon. Nhưng thay vì đưa những lối luận cứ đó ra để xây nền luận lý như Aristote đã làm, thì bên Viễn Đông các triết gia từ Tuân Tử đến Vương Sung đều đồng thanh cự tuyệt. Ở đây chỉ trưng làm thí dụ một câu nhẹ nhàng hơn cả của Mạnh Tử, nhưng đầy ắp tính chất hiện thực hợp thời.
Khi Công Đô hỏi thế nào là tiểu thể và Đại thể, Mạnh Tử đã không trả lời trực tiếp bằng xác định: vì Đại thể là chân lý muôn thuở vô biên không thể xác định và ông trả lời theo phương pháp tác dụng, nghĩa là theo đường lối hiện thực rằng: "nhĩ mục chi quan bất tư, nhi tế ư vật: vật giao vật, tắc dẫn chi nhi dĩ hĩ. Tâm chi quan tắc tư. Tư tắc đắc chi. Bất tư tắc bất đắc dã. 耳 目 之 官 不 思 , 而 蔽 於 物 , 物 交 物 , 則 引 之 而 已 矣 . 心 之 官 則 思 , 思 則 得 之 , 不 思 則 不 得 也. Mạnh VI.15. Dùng dữ kiện của tai mắt mà suy luận thì không phải là tư, nhưng chính là vướng mắc vào sự vật, nên vật ở trong (ý niệm) sẽ giao với vật ở ngoài để dắt người suy tư kiều đó xa khỏi Đại thể hay là nhân tính. Vậy phải dùng Tâm mới là Tư chân thực mà có tư chân thực mới đắc chân lý nền tảng (Đại thể) còn không tư (hay tư theo dữ kiện tai mắt) thì không thể Đại thể, hay là nguyên lý sống động truyền sinh lực vào cho các tiểu thể là những chân lý vụn mảnh, xé lẻ, dị biệt.
Lý do là vì tai mắt là những cơ năng dựa vào nhục thể có hạn, còn lý trí chỉ là nơi quy tụ nhào nặn những sản phẩm giác quan đó để tạo thành những ý niệm này nọ kia khác, rồi gọi là vật, mà thực sự không là vật tự thân mà chỉ là nội dung trừu tượng của lý trí, của giác quan: nhĩ, mục, cảm, vị, khứu… Khi người ta không nhận ra bản chất của những dữ kiện đó, còn trợ lực cho chúng bằng cách tổ hợp chúng thành hệ thống nọ kia, thì chúng trở thành ảo ảnh, biến ra giá mắt (oeillère) để dẫn người đó chạy vòng ngoài, mà Mạnh Tử kêu là "vật giao vật nhi dẫn chi nhi dĩ hĩ".
Vật trong là ý niệm hay đối tượng (objet) giao kết với vật ngoài là hình, danh sắc, tướng, nghĩa là cũng trống rỗng như đối tượng bên trong. Hai đàng có họ hàng "rỗng" như thế vào hùa với nhau để dẫn nạn nhân chạy theo vòng ngoài với những danh từ, biểu tượng trống rộng, nghĩa là không liên hệ với nguyên lý sống động căn bản. Vòng ngoài như vậy là trỏ vào những "chân lý hiển nhiên của tai mắt trăm họ". Những sự kiện, biến cố đã xảy ra ở một thời điểm và một không điểm nhất định hoặc những tổ hợp các ý kiến của triết học gia này nọ kia khác mà người ta quen gọi là triết học, tất cả đều ở vòng ngoài nên khi triết học đốc ra khoa dạy các tổ hợp ý kiến đó thì có học hết các triết gia đông tây kim cổ cũng chỉ là nhọc trí óc gân mạch cân não mà không mảy may sinh động hứng khởi, không thể gây nên một nếp sống, gợi ra một hướng đi. Đó gọi là "vật giao vật nhi dẫn chi nhi dĩ hĩ". Con người bị dẫn đi vòng ngoài như thế quên mất đường trở lại "nhà" tức là Nhân tính, nên quen dùng tiếng "vong thân" mà chỉ thị.
Để tránh vong thân phải "phải thân nhi thành". Để tránh "vật giao vật" phải đạt "thiên địa nhân giao hỗ kỳ căn". Tam tài giao nhau ở căn để chứ không ở vòng ngoài. Vòng ngoài là vật giao vật. Vòng trong mới là giao hỗ kỳ căn. Căn là tâm con người. Vì thế mới nói "tâm chi quan tắc tư". Và chỉ có cái Tư trên căn để đó mới đắc đạo, đắc lý, đắc nguồn suối tuôn trào sáng láng và mạnh mẽ. Tâm như vậy là cái gì vượt nhĩ mục, vượt giác quan, nhưng thực sự là cái chi thì chúng ta không thể nói được, nhưng chỉ nói về lối suy tư, cảm nghĩ và sống sao đặng cho có thể cảm nghiệm để rồi thể nghiệm. Thế nào là suy tư theo tâm, theo Đại thể? Thưa, đó là lối của Hoa Đường Lệ.
3. Đường lệ chi hoa
Đường lệ là một thứ hoa triết lý hơn hết vì nó "nở trước búp sau" nghĩa là đi theo "tiết diệu căn cơ" nhất hạp nhất tịch, một mở một đóng như lối nói của nhà hiền triết Hy Lạp cổ sơ với danh từ Phusis cũng là mở nhưng lại yêu thích khép lại (Phusis Krustesthei Philei). Nếu không khép lại thì sao có thể mở ra. Cũng như trong triết lý Ngũ hành gieo ra gặt vào phải đi đôi (giá sắc). Hai danh từ gieo gặt mang tính chất nông nhiệp. Ba danh từ Phusis Krustesthei Philei có tính chất trừu tượng giống với nhất nhạp nhất tịch. Còn Đường lệ chi hoa có tính cách nghệ thuật thiên nhiên nói lên một cái nhìn thấu thị, một kinh nghiệm trung thực trước cái tiết diệu uyên nguyên đóng mở, mở rồi đóng để có thể mở nữa cho sự vật luôn luôn đổi mới, cho cái Đức, cái Huyền lực con người luôn luôn được tăng trưởng. Đó là lối tâm tư nối kết tâm tình nghệ thuật với suy tư luận lý, một lối suy t ư mà Heidegger kêu là "dichtent-denkende, denkend-dichtende": nghệ sĩ suy tư hay suy tư nghệ sĩ, tức không phải lối lý luận thuần trí thẳng thừng làm tắc nghẽn nhạy cảm tính của tình tự, nhưng là lối suy tư đầy cảm ứng như nghệ thuật với những biên giới nhập nhằng vi tế mà câu Đường lệ chi hoa là một ví dụ. Câu nói như ẩn như hiện đã phát xuất trên 30, 40 thế kỷ mà nay vẫn mang tính chất thời sự nóng bỏng, vì nó phản chiếu cái luật căn cơ mà Kinh Dịch đã đúc vào câu sau:
"Nhất âm nhất dương chi vị đạo.
Kế chi giả thiện dã
Thành chi giả Tính dã...
Bách tính nhật dụng nhi bất tri
Cố quân tử chi đạo tiển hĩ
Hiểu chư Nhân, tàng chư dụng" H.T.V
一 陰 一 陽 之 謂 道 .
繼 之 者 善 也 .
成 之 者 性 也...
百 姓 日 用 而 不 知 .
故 君 子 之 道 鮮 矣 .
顯 諸 仁 . 藏 諸 用 .
Đạo là một âm một dương, một đóng một mở. Bước theo cái tiết nhịp uyên nguyên đóng mở đó là Thiện. Mỗi khi thiên lệch khỏi cái tiết điệu đóng mở, giá sắc đó, thì cần phải phản hồi. Khi nào thành đạt tức không còn thiên lệch đi nữa nghĩa là đã nối vòng ngoài ý thức với vòng nội tiềm thức, nói vắn tắt là nối mở với đóng, thì là đạt Nhân tính, đạt cái Đức, cái Huyền lực của Tính là hợp ngoại với nội "tính chi đức dã, hợp ngoại nội chi đạo dã, 性 之 德 也 , 合 外 內 之 道 也 ," T.D. Đạo chỉ đơn sơ có thể thôi, một mở một đóng và trong đời sống thường nhật ai cũng phải theo: một hô một hấp, một thức một ngủ, một ăn một tiêu, một nam một nữ… Tuy nhiên thường dân không ý thức được đó là Đạo, nên bỏ đi tìm Đạo ở mại đâu xa: xa mình, xa nhà, xa nước, cho nên Đạo quân tử trở thành hiếm hoi. Phusis là Đạo lý đốc ra vật lý (physique). Logos là lời tự sự có mở có đóng đốc ra lý luận ròng (logique) nghĩa là chỉ còn có mở. Chỉ có mở mà không biết đóng như lọ nước hoa bay hết hương vị. Triết lý đốc ra triết học giống với hoa nylon mầu sắc có mà hương vị không. Làm thế nào để khỏi sa đọa như thế? Thưa, phải "thiên kỷ phản nhi" thiên là chỉ có đóng hay chỉ có mở, phải biết trở lại với tiết nhịp căn để là mở đóng giao liên mới đạt nhân tính. Khi có Nhân thì thấy đóng mở hiển hiện nghĩa là ý thức được thâm sâu rằng Đạo là thế và chỉ có thế. Chính vì chỗ đơn sơ đó nên Đạo ấy trở nên ẩn tàng đối với những ai chỉ chạy vòng Dung (mở) mà không móc nối vào được vòng Thể (đóng). Kinh Dịch viết ra là giúp người đọc móc nối đời sống vào tiết nhịp uyên nguyên nọ. Trung Dung là sách tóm lược Đạo lý Kinh Dịch. Vì thế chúng ta hãy bàn về hai chữ Trung Dung.