Một câu chuyện cười

 Hồi ấy tôi còn bé lắm. Hình như có một chuyện nghiêm trọng đã xảy ra với cha tôi. Tôi chỉ nhớ láng máng, bằng những hình ảnh chồng chéo, lộn xộn rằng cha tôi dính vào một vụ gì đó khiến có vài người, mặt nghiêm trang, lạnh như đá, vài lần kéo đến nhà tôi. Tôi nghe loáng thoáng ai đó nhắc tới một lá thư nặc danh tố cáo cha tôi. Sau đó thời gian nhanh chóng phủ tầng tầng lớp lớp lên cái sự kiện kia và tôi thì khỏi phải nói, nhưng ngay cả những người khác - họa chăng chỉ trừ cha tôi - cũng chưa chắc có ai còn nhớ. Tôi mất hoàn toàn liên hệ với quá khứ bởi nhiều lý do. Vì thế tôi đâm ra ngạc nhiên khi suốt nhiều năm sống bên cha, có vẻ như ông luôn ở trong tâm trạng phấp phỏng chờ đợi điều gì đó. Tất nhiên tôi không đủ sức, đủ tự tin để hỏi cha. Vả, cũng là do tôi cảm thấy thế. Có điều đấy là những năm tháng buồn tẻ kinh khủng. Cảnh vật xung quanh tôi hầu như chẳng mấy thay đổi. Thỉnh thoảng là những đợt nóng phát điên phát rồi và nỗi khó chịu còn bởi lũ bọ chó. Sau đó là những đợt mưa kéo dài. Tôi nhìn ra ngoài trong trạng thái ký ức hoàn toàn đông cứng. Hai cây na già, có từ thời ông nội tôi, lưng gập xuống, oằn mình chèo chống với gánh nặng tuổi tác, da bóng loáng. Hình như chúng không thể già thêm được nữa. Về mùa đông, trong mầu xám xịt của trời đất, hai cây na rụng hết lá, khốn khổ trơ ra những đoạn cành sù sì khiến càng nhuốm thêm màu thê lương cho cảnh vật. Cha tôi thường nhìn chúng với nỗi lo sợ mơ mồ. Chẳng ai, có thể chính cả ông, biết ông đang nghĩ gì. Ngay cả ý nghĩ hình như cúng bị hoen gỉ, ngoại trừ những kẻ điên khùng hoặc mất trí. Cha tôi cho tôi tin rằng, một đời người không đủ để nghĩ điều gì đó từ gốc đến ngọn.
Thế rồi vù một cái mùa xuân đã ở ngoài cửa. Những gì đã chết đang nhoi nhóp sống lại. Trên những đoạn thân khúc khuỷu của hai cây na nứt ra những chiếc chồi mà ngay từ thuở lọt lòng đã cằn cỗi. Nhìn chúng như những đứa bé quái thai đã khiến tôi rùng mình. Bọn hoa dại, vô duyên, vô sắc thì vớ được dịp để nở tung tóe khắp nơi. Tiếng côn trùng mệt lử, thoi thóp, rên rỉ. Và một mùi ẩm mốc bao trùm. Tôi không thích mùa xuân. Khi tôi nói vậy với cha tôi thì ông nhìn tôi bằng ánh mắt của người tiền sử trước một giống vật đến từ hành tinh khác. Phải nhiều năm sau tôi mới thôi thắc mắc trước cái nhìn lạ lẫm ấy. Hóa ra ông hoàn toàn vô cảm với những gì xung quanh. Sự lạ lẫm của ông cũng do tôi tưởng tượng ra. Bởi vì tôi đồ rằng có thể cha tôi không biết tôi là ai nữa cũng nên. Tôi chỉ còn niềm ngóng trông về phía mùa hè. Nhưng khi nó đến bằng những đêm giông, sấm chớp lằng nhằng, vang động thì chính tôi lại như kẻ lạc lõng trong chính nhà mình. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu ma dút tôi thấy cha thở khoan thai, mặt bớt căngthẳng, bớt vô cảm hơn. Hết cơn lôi đình của trời đất ông lại sống với tâm trạng muôn thuở: Vừa mong ngóng chờ đợiv ừa lo sợ điều chờ đợi ấy sẽ đến sau khi tạnh mua. Có lúc tôi đã nghĩ hay cha bị căn bệnh ám ảnh dẫn đến hoang tưởng về hạnh phúc và tai họa? Tuy thế, mặc tôi tha hồ phỏng đoán, bầy giun đất cứ tràn lên từ những chiếc hăng tăm tối trong sự thảm sát của lũ vịt cho đến khi khó thu nhè nhẹ xua đi mùi xác thịt cuối cùng để bầu trời sáng trong một cách đáng ngờ. Cha tôi thường dậy sớm - mũ áo chỉnh tề, vừa uống từng hớp nước trà vừa ngóng ra cửa,tuồng như chỉ chờ một tiếng huýt sáo là ra đi. Tàn ấm trà cha uể oải đứng dậy, vừa thở dài vừa nhìn những con chim bay vụt qua, mất hút vào mầu xanh khiến người ta có thể say.
Cái vòng tuần hoàn trên lặp đi lặp lại suốt trong những năm tuổi thơ của tôi, suốt những năm tôi trưởng thành và luôn mơ về một miền xa lắc, không có thực nhưng đầy cám dỗ. Giờ đây cha bảo tôi hãy gắng đợi cha xong việc.Điều đó thì đơn giản thôi. Tôi có thể chờ một ngàn năm. Tôi có thể chờ bốn ngàn năm, thậm chí một triệu năm, bởi tôi biết sau đó tôi vẫn là tôi, vẫn hai cây na già trở thành lịch sử của tôi, niềm hãnh diện của tôi về quá khứ. Tôi chỉ thương mẹ tôi đêmnào cũng khóc thầm liệu sau một triệu năm có còn nước mắt nữa hay không. Chính vì thương mẹ mà tôi giấu cha tôi thầm ước một sự thay đổi. Tôi giấu cha tôi, giấu người tình, vụng trộm chờ đợi một cơn lốc hay một trận động đất xóa đi trước hết là sự tẻ nhạt. Hóa ra đói khổ, đau đớn, gông cùm khôngbỉ ổi bắng sự tẻ nhạt, sự lì lợm của cảnh vật xung quanh. Nó khiến cái đáng ghét nhất là mặt người. Nó khiến sự độc ác có cơ hội để sinh sôi...
Nhưng rốt cuộc, sự thay đổi đầu tiên là cái chết của lão già làm nghề hoạn lợn. Thực ra lão chết từ đời tám hoánh nào chả ai nhớ. Chỉ đến khi bọn lợn không bị thiến xổ ra chạy lông nhông, cắn xé nhau... mọi người mới thấy ý nghĩa sự tồn tại của lão và mới nhớ ra lão đã chết. Cụ thủ từ cũng chết rồi, đâu như vào một đêmmưa gió năm ngoái hay năm kia gì đó. Cha tôi bị còng lưng phải chống gậy. Chính cái dáng còng gập xuống của ông cho tôi một chút cảm nhận mơ hồ về thời gian. Con trai tôi đã có thể bắt đầu gây tai họa. Thỉnh thoảng nó lại ước bao giờ cho lưng nó cũng còng gập được như ông nội. Điều duy nhất khiến nó khác hẳn là nó chẳng định chờ đợi điều gì cả.
Mẹ tôi mất đột ngột sau một trận ốm ngắn. Cha tôi như bừng tỉnh, giật mình bảo:
- Chết thật! Bà ấy đã tám mươi ba tuổi. Vậy thì bố chả già lắm rồi ư?
Cha tôi vươn thẳng người dậy, mặt lo âu nhìn ra ngoài, nơi hai cây na chỉ còn lại hai cái gốc. “Có lẽ mình không trụ được nữa rồi” - Ông lẩm bẩm.
Một hôm, sau khi tin chắc rằng mình không phạm một sai sót nào trong việc chờ đợi, cha tôi trở vào nằm lên chiếc sập gụ, nơi mẹ tôi từ giã cõi đời. Khi tôi vào thì cha tôi đang hấp hối. Cha cố mỉm cười nhìn tôi. Lần đầu tiên cha nhìn tôi chăm chú. Có lẽ để cha tin rằng thời gian chờ đợi của cha thực sự êm đen. Thật là một cuộc phiêu lưu kì lạ.
Đến tầng ba, họ rẽ vào hành lang. Nàng vẫn đi trước với một chút khó xử hiện rõ trong những bước chân đầy lưỡng lự. Chợt nàng dừng lại, đứng áp ngực vào lan can. Gã lặng lẽ làm theo. Cả hai chỉ còn duy nhất một việc là nhìn vào khoảng tối trước mặt và phía dưới.
- Đêm đẹp quá! - Nàng xuýt xoa.
- Đêm tuyệt đẹp, quả có thế. - Gã phụ họa.
- Có đúng thế không? - Nàng hỏi, thảng thốt.
- Một phát hiện kì lạ về bóng đêm.
- Trong đêm anh sẽ là người như thế nào?
- Anh không biết. - Gã cố nén xuống một cái gì đó không thể nào hiểu nổi.
- Trong đêm con người được tự do hơn. Có thể im lặng, có thể mơ ước, chờ đợi, suy nghĩ... mà không phải cảnh giác.
Nàng trở nên sôi nổi trong khi gã im lặng khẽ xoay người lại. Khuôn hình nàng được viền một đường uốn lượn, hiện rõ trên chiếc phông đêm, như một niềm bí ẩn vĩnh viễn. Gã bị kích thích mạnh bởi ý muốn khám phá và chinh phục thuộc về bản năng nhưng gã lo sợ điều đó sẽ phá vỡ bố cục hoàn hảo của đêm.
- Anh đang nghĩ gì thế? - Nàng hỏi, không biểu lộ mảy may sự thăm dò.
- Anh đang chẳng biết làm gì, nghĩ gì. Đêm đẹp quá!
- Anh thử một lần như em nhìn sâu vào bóng đêm xem.
Gã cố gắng chứng tỏ mình đang nhìn rất sâu vào bóng đêm.
- Rồi sao nữa? - Gã chờ mệnh lệnh tiếp theo.
- Anh phải thấy một cái gì chứ?
Gã phá lên cười trong khi nàng đang đắm chìm vào một tưởng tượng siêu thực: nàng, với bộ cánh trong suốt đang bay liệng trong khoảng không đen ngòm. Nàng cảm thấy bóng đêm trôi đi, vuốt ve, bao bọc cơ thể nàng. Bỗng nàng bừng tỉnh:
- Chết thật, sao em lại đứng trong đêm với một người không hề quen biết, ngay cả điều tối thiểu là cái tên.
- Nhưng như thế thì sao nào? - Gã cao giọng. - Anh có phải là một kẻ đáng sợ đâu! Còn em, nói đi chứ, em đang chờ ai?
Nàng thấy mặt và ngực nóng ran.
- Sẽ không ai biết được điều đó.
- Có đấy! - Gã nói nhỏ nhưng đầy tính khẳng định. Một kẻ hiện ra từ bóng đêm, bất chấp hiểm nguy, có thể nhìn rất sâu vào bóng đêm để thấy ở đó cuộn chặt một ước muốn của em. Bởi vì hằng đêm em đứng đây một mình chờ người ấy, như chờ được một lần bay liệng vào khoảng không đen ngòm kia xem cảm giác nó ra sao? Anh nói cho em bí mật ấy nhé: Nó rất tuyệt vời em ạ.
Nàng hoàn toàn phó mặc cho đêm. Gã đón bắt được tín hiệu đó, như kẻ đi trong rừng giữa mênh mông đêm tối nhận ra đốm lửa lóe lên ở đâu đó.
- Nó rất tuyệt vời em ạ! - Gã thì thầm nhắc lại.
- Chẳng lẽ mọi sự có thể đơn giản đến thế này sao? - Nàng bật khóc bởi sự bất lực. Ngay lập tức nàng thấy mình bồng bềnh trôi đi, đúng như điều nàng tưởng tượng khi một mình, hằng đêm, nàng khao khát thả mình vào khoảng không đen đặc.
°

*

Chiều hôm ấy gã trở lại kí túc xá, mệt mỏi và đầy miễn cưỡng. Ngay lập tức gã trở thành một kẻ nhạt nhẽo, không hề có trong kí ức ai, không khiến ai chú ý. Gã không sao xác định được vị trí chiếc cổng hậu mà đêm qua gã đã chui qua để vào kí túc xá. Có tới bốn khu kí túc xá giống hệt nhau với khoảng hai chục hàng rào bị phá để trở thành cổng hâụ. Gã trống rỗng nhìn lên các ô ban công ở tầng ba, nơi đủ thứ quần áo giăng ra như cửa hiệu bán đồ cũ. Thực ra gã không định tìm kiếm cái điều không thể có nữa. Bởi vì bản thân gã cũng đã vĩnh viễn là người khác.
Nàng cũng biến mất luôn cùng với bóng đêm. - Gã cầu mong và tin tuyệt đối vào điều đó bởi mọi tồn tại sau đó với gã, chỉ giống như sự sao chép. Gã ghê sợ sự sao chép, ngay cả khi nó giống như thật:
Không bao giờ gã biết rằng gã hoàn toàn bị loại ra khỏi đoạn cuối của câu chuyện! Trước khi gã trở lại kí túc xá thì ngay sáng hôm ấy chồng nàng, một trang nam nhi hơn gã mọi mặt: đẹp trai, giàu có, địa vị cao sang... đưa xe đến đón nàng để kịp cùng với hắn ra nước ngoài. Nàng hôn chồng thắm thiết khiến mặt anh ta tràn trề hạnh phúc.
- Đêm qua, trong cảm giác chờ anh, em thấy thế nào?
Nàng hôn chồng một lần nữa rồi mới trả lời:
- Rất tuyệt anh ạ!
Hà Nội, 1 - 2000