Hàm Dương, thành đô nước Tần. Đây là thành ấp bắt đầu được xây dựng vào năm mười hai đời Tần Hiếu Công. Vì phía Nam có núi Li Sơn, phía Bắc có sông Vị Thuỷ, núi nước đều hướng về phía mặt trời nên tên cổ gọi là: “Hàm Dương”. Chữ Hàm có nghĩa là đô thành, là đều tất cả. Nước Tần đã định đô ở đất Ung và Lạc Dương nhưng vị trí và quy mô đô thành không thể sánh nổi với Hàm Dương. Hàm Dương gần sông Vị Thuỷ. Những con đường lớn trải dài dọc theo hai bờ Đông – Tây. Một dòng nước xanh mềm mại chảy uốn quanh trong thành phố. Men theo bờ sông là những toà vương phủ nguy nga và nhà cửa san sát của dân thường. Mấy con đường lớn phân thành phố thành những khu đối xứng như khu nhà của các quan, của dân và khu chợ. Người Tần làm nông nghiệp, lấy pháp luật trị quốc. Cảnh tú ở Hàm Dương cũng thể hiện rõ điều này. Ta thường nhìn thấy nam nữ Tần ăn mặc giản dị, vác cày cuốc đi trên đường. Trong chợ, ngoài những sản vật của sáu nước xunh quanh, nhiều nhất là trâu bò béo tốt phục vụ cho nghề nông, rồi gà chọi, chó săn, gia súc gia cầm, trống kèn, đàn sáo rất ồn ào náo nhiệt, không hề giống như Hàm Đan, Lâm Tri, Bộc Dương hay Dương Địch. Con gái trang điểm nhẹ nhàng, cử chỉ khoẻ khoắn khác hẳn với vẻ tô son điểm phấn, phiêu du thanh thoát như con gái nước Triệu. Trên đường, người ngựa đi lại tấp nập, đan xen như mắc cửi. Hai bên đường là vô số những cửa hàng, quán trọ, hàng trà, tiểu lầu, khách điếm… đây thường là nơi tập trung của thương nhân, người từ nước khác đến. Trong toàn thành Hàm Dương, Chương Thái cung nguy nga hoành tráng hơn cả. Chiêu Tương Vương Doanh Tắc văn võ song toàn, đến hơn sáu mươi tuổi mà đã già nua ốm yếu. Mỗi lúc lâm triều, khệ nệ bưng chiếc đai lưng khảm thiều châu ngọc lung linh. Trong các vua nước Tần, đây là vị vua sống lâu và nắm quyền binh dài nhất. Nắm quyền chấp chính đã năm mươi sáu năm mà đến bảy mươi tư tuổi vẫn chưa đành lòng xuôi về nơi an nghỉ. Người hầu trong cung Hiếu Văn Vương Trang Tương Vương đều nhớ rõ hình ảnh Chiêu Tương Vương trai tráng anh hùng hoạt bát như thế nào. Vương trưởng thành cao lớn đường bệ, tiếng nói sang sảng như chuông. Mỗi lần cầm quân đánh giặc trở về, không biết mệt mỏi vẫn luyện tập cung nỏ, mũi tên bắn ra bách phát bách trúng. Tiếp đãi chư hầu, có thể uống liền hơn mười vò rượu không say. Chốn hậu cung, đêm đêm có thể ngự lãm một lúc vài thiếu nữ. Sau cuộc mây mưa, ai cũng khai hoa nở nhuỵ. Thế nhưng hôm nay lại khác hẳn, Chiêu Tương Vương đang cảm thấy lực bất tòng tâm. Trước mắt vương đang khó xử bởi việc phái con tin đến nước Triệu. Ông có hai mươi ba đứa cháu có thể thoải mái chọn lựa nhưng phái ai đi đến Triệu thật khiến ông đứng ngồi không yên, suốt đêm không ngủ. Con tin trước thời Xuân Thu dùng làm vật tin lấy lòng quỷ thần. Khi Chu Vũ Vương bị ốm, Chu Công Đản phụ tá của Vũ Vương lập đàn tế trời cầu mong cho Thiên tử khỏi bệnh rồi lấy mình làm vật tín. Nhưng đem người làm con tin giữa các nước chỉ bắt đầu từ thời Chu Thiên Tử, Vương muốn giữ chữ tín với Trịnh Vũ Công, đã phái con mình sang nước Trịnh làm tin. Lần trao đổi với nước Trịnh ấy đã làm cơ sở cho việc làm con tin giữa các nước chư hầu thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Thời Xuân Thu, các chư hầu rất trọng chữ tín, việc đổi người không nhiều, con tin ở các nước rất an toàn, không có gì nguy hiểm. Nhưng đến thời Chiến Quốc, chư hầu luôn bội tín, nhân nghĩa đức tín chỉ như gió thoảng mây bay. Vì thế, việc phái con tin ngày càng nhiều, con tin đến nước chư hầu đều rất nguy hiểm. Người làm con tin có thểlà Thái tử hoặc Công tử, cũng có cháu của vua hoặc quan đại thần. Những người này khi ở trong nước đều được tôn kính, sống giàu có sung sướng, liệu ai can tâm đến nước khác mà hứng lấy gian khổ hiểm nguy? Vì thế họ đều xem việc đi làm con tin như một đại hoạ, tất cả đều sợ hãi như thú bị dồn tới bước đường cùng. Phái đứa cháu nào đến nước Triệu làm tin đây? Chiêu Tương Vương sau khi thao thức mấy đêm liền gọi thái tử An quốc dân Doanh Trụ đến trước điện, nghiêm giọng nói: “Ngô nhi, nước Triệu đã đồng ý với phụ vương không kết giao với Hàn, không phụ giúp lương thảo, binh khí nhưng tất nhiên phải có điều kiện, phái một vương tôn đến Hàm Đan, con hãy chọn trong số hơn hai mươi nhi tử lấy một người đến đó. Đây là vấn đề khó khăn, Doanh Trụ không đồng ý với quyết định này liền tìm cớ thoái thác: “Đây là chuyện lớn, xin phụ vương nghĩ kỹ lại”. Nghe con nói như vậy, Chiêu Tương Vương sa sầm nét mặt nói: “Ta đến tuổi xưa nay hiếm, sắp đến lúc sức tàn lực kiệt, không bao lâu nữa sẽ nhường ngôi cho con, con cũng nên quen dần với việc triều chính, xử lý đối đáp việc chính sự trong ngoài, không nên lúc nào cũng đắm mình trong đam mê tửu sắc.” Doanh Trụ ấm ức nhìn Chiêu Tương Vương trong lòng tự nhủ: “Con đã cao tuổi như thế này, chẳng có việc gì làm, không tìm khoái lạc chốn hậu cung thì biết làm việc gì?” Doanh Trụ ấm ức, không nghe. Chiêu Vương Thái tử không phải là Doanh Trụ mà là Doanh Diệu. Doanh Diệu sức khoẻ ốm đau, sớm yểu mệnh nên Doanh Trụ được lập làm Thái tử. Có một chút tài năng Doanh Trụ muốn đem ra thi thố, đăng vị ngôi báu, trị sự quốc gia. Nhưng Chiêu Tương Vương tuổi cao song sức còn tráng kiện, Doanh Trụ đã hơn 40 mà Chiêu Tương Vương vẫn còn trong cung Chương Thái phê chuẩn tấu biểu, tiếp đãi sứ giả. Thái tử nước khác đến tuổi này đã tự mình nắm giữ ngôi cao vậy mà Doanh Trụ đã qua tuổi “bất hoặc” (không mê muội) mà Chiêu Vương vẫn không có dấu hiệu của tuổi già. Doanh Trụ biết cái ngày đăng đài của mình còn quá xa vời, đành đắm mình trong truỵ lạc với đám cung nhân, trong hậu cung có không biết bao nhiêu mỹ nữ đã qua tay Doanh Trụ. Thái giám và kẻ hầu trong hậu cung biết rằng, ngay cả bậc đá hay ngọn đèn cũng quen thuộc bước chân Doanh Trụ. Doanh Trụ có 23 con trai, 20 con gái, từ đám con đông đảo ấy có thể tưởng tượng được thời gian và công sức mà Doanh Trụ dành cho hậu cung là lớn như thế nào. Chiêu Tương Vương nhìn thấy Doanh Trụ có vẻ chần chừ liền hối thúc: “Chuyện này gấp lắm rồi, con phải mau chóng quyết định đi!” Doanh Trụ liếc nhìn Chiêu vương hỏi: “Thế phụ vương định chọn ai?” Chiêu Vương khoát tay nôn nóng: “Con tự quyết định đi, chọn ai báo cho ta một tiếng!” Thấy phụ vương có vẻ bực bội, Doanh Trụ vội vã cáo từ, quay về Loan Minh, nơi có phu nhân Hoa Dương yêu dấu của mình. Lúc đó, Hoa Dương phu nhân cùng với anh là Hoa Dương Quân đang nóng lòng chờ Doanh Trụ quay lại. Hoa Dương còn sai người hầu là Tiểu Song ra tận cửa đón trông. Vì gần đây nước Tần đánh nhau với nước Sở, thu được Kinh Thành. Kinh Thành là đất phồn hoa, rất nhiều công tử vương tôn muốn Kinh Thành là thực ấp của mình. Hoa Dương Quân qua em mình muốn xin Chiêu Tương Vương ban cho Kinh Thành làm thực ấp. Vừa ngồi nói chuyện với Doanh Trụ và chị em Hoa Dương thì có người đến báo Chiêu Vương cho triệu Thái tử. Chị em Hoa Dương nhân cơ hội, càng cố xúi giục Doanh Trụ nói xin Chiêu Tương Vương. Trong đám cung nga nơi hậu địên, Doanh Trụ sủng ái nhất là Hoa Dương phu nhân. Nàng chưa đầy 30 tuổi, có sắc đẹp lộng lẫy. Dáng người yểu điệu, da trắng như ngà ngọc. Nét mày như liễu, đôi mắt hồ thu hút hồn người khác. Gò má cao ửng hồng như trái đào chín mọng, gợi bao vẻ xuân tình. Nàng có thể chiếm vị trí số một trong cung vàng không chỉ vì là mỹ nhân khuynh quốc, nàng còn là cháu gái của Tuyên Thái hậu. Tuyên Thái hậu vốn là người nước Sở, tên là Mễ Bát Tử. Tuy không là chính cung hoàng hậu của Huệ Văn Vương nhưng vì sinh hạ ra Chiêu Vương Doanh Tắc mà được hiển quý. Sau khi Huệ Văn Vương chết, Doanh Tắc còn nhỏ nên Thái hậu nhiếp chính. Lúc bà nắm quyền mười mấy năm, họ Mễ trở thành đại gia có thế lực trong triều. Nguỵ Nhiễm làm tướng quốc, hai anh em khác cũng được phong hầu bái tướng. Cho dù sau này Thái hậu bị phế truất, Nguỵ Nhiễm bị bãi chức thì họ Mễ vẫn có ảnh hưởng không thể thay thế trong vương triều Tần. Hoa Dương phu nhân sau khi trở thành Thái tử Phi thì anh là Dương Hoa Quân cũng được thơm lây, trở thành tướng quân thống soái mười mấy vạn đại quân. Thấy Doanh Trụ thẫn thờ trở về, anh em Hoa Dương đồng thanh hỏi: “Thế nào, đại vương ngài có đồng ý không?” Doanh Trụ thở dài nói: “Việc xin kinh thành làm lạc ấp của Hoa Dương quân, ta chưa có cơ hội nói với phụ vương” Hoa Dương phu nhân hỏi: “Thế phụ vương năm lần bảy lượt triệu kiến ngài có việc gì thế?” Doanh Trụ nói: “Mọi người đều biết ta với nước Hàn giao chiến, phụ vương sợ Hàn Triệu liên minh, không muốn Triệu giúp Hàn binh khí, lương thực, Triệu vốn đồng ý nhưng muốn ta phải phái người đến Triệu làm con tin”. “Thế đại vương bảo ai?” Hoa Dương quân hỏi. “Muốn bảo ai thì người ấy đi” Hoa Dương phu nhân nói thờ ơ. Cho dù Thái tử suốt ngày quanh quẩn bên nàng nhưng Hoa Dương phu nhân vẫn giữ được dáng người thon gọn. Vì chưa có con nên giọng Hoa Dương rất lạnh nhạt. Doanh Trụ nghe Hoa Dương liền nói: “Phái ai đi? Nàng bảo ai cũng được?” Hoa Dương phu nhân mặt lạnh như tiền, cười nhạt: “Thiếp không phải là phụ vương, làm sao dám nói ai đi hay không? Thiếp bảo thái tử điện hạ đi, bảo Hoa Dương quân đi, bảo Tiểu Song đi?” Nói xong, Hoa Dương phu nhân đưa mắt nhìn mọi người. Doanh Trụ vội nói: “Phụ vương bảo ta tìm một nhi tử. Bảo ta quyết cũng không phải là bảo nàng quyết hay sao?” Hoa Dương phu nhân và Hoa Dương quân kinh ngạc thốt lên: “Cho Thái tử điện hạ quyết định à?” Doanh Trụ nói: “Đúng vậy” Hoa Dương phu nhân đảo mắt nhìn quanh rồi bảo nữ tỳ Tiểu Song: “Ngươi ra ngoài trước đi!” Tiểu Song đáp dạ, lui ra. Hoa Dương phu nhân và Hoa Dương quân đưa mắt nhìn nhau rồi nói: “Thái tử điện hạ, người xem nên phái công tử nào đi”. Doanh Trụ nói: “Ta cũng chưa có chủ ý” Hoa Dương phu nhân mượn dịp nói: “Thế thì chọn con cả của ngài là Tử Hề đi, nó không muốn làm thái tử sao? Đây là lúc tạo tiền đề vì nước mà hiến thân!” Hoa Dương quân cũng tiếp lời: “Phạm Thư, Đỗ Thương hay đưa chuyện, có gì không hay lại sai Từ Hề đi gặp đại vương, để Từ Hề đi, xem hai người ấy còn chọc gậy bánh xe nữa không”. Phạm Thư là tướng quốc. Đỗ Thương cũng đảm nhiệm chức trọng thần, lại là thầy dạy của Tử Hề - con trưởng của Doanh Trụ. Một mặt họ gia sức hạn chế quyền lực của gia tộc họ Mễ, một mặt nỗ lực cho việc lập Tử Hề làm thái tử, trở thành người kế vị của Doanh Trụ. Vì thế chị em Hoa Dương với họ không thể đội trời chung. Doanh Trụ hiểu rõ là chuyện trong cung có quan hệ rất phức tạp, tuy Vương sủng ái Hoa Dương nhưng cũng không muốn gây thù oán với Phạm Thư, Đỗ Thương. Hoa Dương phu nhân lại càng hối thúc: “Thái tử điện hạ, người quyết định cho Từ Hề đi, vì quốc gia mà đứng mũi chịu sào, đảm nhiệm trọng trách này!” Hoa Dương quân cũng nói: “Thái tử điện hạ, đây cũng là lý do chính đáng để công bố giữa triều chính”. Doanh Trụ chần chừ nói: “Để ta xem xét kỹ!” Bóng hình nhỏ nhắn của Tiểu Song trong đêm như tấm lụa mỏng lặng lẽ đi về hướng phủ tướng quốc. Hoa Dương phu nhân bảo Tiểu Song lui nhưng cô gái xinh đẹp này thực ra không quay gót, cô nép ở cửa nghe trọn câu chuyện của Doanh Trụ và chị em Hoa Dương. Nhớ lại ban đầu, Tiểu Song vốn là người nước Sở bị bắt sang Tần làm nô tỳ, phải làm công việc phục dịch quét dọn trong cung vô cùng cực khổ. Một lần, tướng quốc Phạm Thư thấy cô gái nhỏ nhắn xinh đẹp làm việc vất vả, bèn động lòng thương gọi cô đến và nói: “Còn nhỏ như cô mà phải kiếm sống khổ cực, cô tên là gì?” Tiểu Song quỳ xuống thi lễ rồi kể cho Phạm Thư nghe về thân phận của mình. Phạm Thư nói: “Từ nay cô không phải làm công việc khổ cực như thế nữa, hãy đến cung Thái Tử phi làm người hầu ở đó!” Tiểu Song vô vàn cảm tạ chịu ơn, Phạm Thư dặn dò: “Ở cung Thái tử phi nghe hoặc nhìn thấy việc gì lạ, lập tức bí mật đến phủ tướng quốc báo ngay cho ta”. Tiểu Song tâm niệm ghi nhớ, cô biết việc gì cần gấp rút báo với Phạm Thư. Tiểu Song đến Loan Minh Các, lúc đầu chỉ ở vườn hoa, chăm sóc cây cỏ, nhưng vì chịu khó lại nhanh nhẹn nên sớm được Hoa Dương để ý và cho vào cung làm người hầu tâm phúc của mình. Tiểu Song đến phủ tướng quốc, mau chóng đến thư phòng gặp Phạm Thư đang ngồi đọc sách. Vị tướng quốc nước Tần quyền cao chức trọng, râu tóc đã điểm bạc, mắt hằn nét chân chim. Nghe Tiểu Song nói, thốt lên một tiếng “À”. Xem qua thì biết đây là người đầy mưu sâu kế hiểm. Ông bảo người nhà mang vài lạng bạc tới thưởng cho Tiểu Song và nói: “Mau về đi!”. Tiểu Song đi khỏi, ông không kịp mặc quan phục, một mình một ngựa đi đến Tử Hề. Phạm Thư vốn là người nước Nguỵ, thông hiểu thi thơ lễ nhạc, chí lớn ngút trời. Phạm Thư đi du thuyết ở các nước chư hầu, ý muốn giúp việc cho vua Nguỵ nhưng vì nhà nghèo, không có gì để làm vốn đành phải giúp việc cho trung đại phu nước Nguỵ - Tu Giả. Một lần Tu Giả vâng lệnh Nguỵ Chiêu vương đi sứ nước Tề, Phạm Thư cũng đi theo. Hai người ở Tề mấy tháng vẫn không có kết quả gì. Vua Tề Vương nghe nói Phạm Thư có tài biện luận, bèn sai người biếu 10 cân vàng cùng thịt bò và rượu. Thư từ chối không dám nhận. Tu Giả biết được giận lắm, cho rằng Thư được những tặng phẩm ấy là đem những điều bí mật của nước Nguỵ nói ra với Tề nên sai Thư nhận rượu, thịt và đem vàng trả lại. Sau khi về nước, Giả giận Thư nên đem nói với tướng quốc nước Nguỵ là Nguỵ Tề. Nguỵ Tề cả giận, sai môn hạ lấy roi đánh Thư. Đánh gãy xương sườn, rụng răng. Thư giả vờ chết, bị người ta lấy chiếu bó lại bỏ trong nhà xí. Khách uống rượu thịt no say, thi nhau đái lên người Thư, cốt làm nhục Thư để răn dạy những người sau đừng nói bừa bãi. Thư nằm trong chiếu nói với người giữ nhà xí: “Nếu ông có thể đưa tôi ra thì thế nào tôi cũng hậu tạ”. Người nước Nguỵ là Trịnh An Bành biết Phạm Thư là người có tài bèn cứu. Phạm Thư chạy trốn rồi đổi tên là Trương Lộc. Lúc bấy giờ Tần Chiêu Vương sai người yết giả là Vương Kê sang Nguỵ, Trịnh An Bành giả làm lính hầu hạ Vương Kê, tiến cử Phạm Thư. Vương kê nhìn thấy Phạm Thư nói chưa hết buổi, biết Phạm Thư là người giỏi. Sau khi quay về Hàm Đan tiến cử với Tần Chiêu Tương Vương, vua Tần gặp Phạm Thư cùng nhau bàn chuyện thiên hạ, thấy Phạm Thư là người mưu lược tài giỏi, phong ông làm tướng quốc, Phạm Thư sau khi thành tướng quốc, hoạch định chính sách, chiến lược trị quốc, tăng cường luật pháp làm cho nước Tần ngày càng trở thành hùng mạnh. Phạm Thư làm tướng quốc vẫn lấy tên là Trương Lộc. Nước Nguỵ không biết cho rằng Phạm Thư đã chết từ lâu. Vua Nguỵ nghe tin vua Tần đem quân sang đánh hai nước Hàn Nguỵ, sai Tu Giả đến nước Tần cầu hoà. Phạm Thư nghe vậy, cải trang mặc quần áo lam lũ, đi bộ đến nhà khách yết kiến Tu Giả. Giả thấy Thư liền kinh ngạc hỏi: “Phạm Thư, ngươi vẫn chưa chết sao?” Phạm Thư đáp: “Phải!” Tu Giả cười hỏi: “Ngươi đến nước Tần làm thuyết khách phải không?” – “Thưa không. Trước đây Thư có tội với tướng quốc nước Nguỵ, cho nên bỏ trốn đến đây, đâu dám làm thuyết khách?” “Nay ông làm việc gì?” “Tôi làm thuê cho người ta”. Tu Giả trong lòng thương hại, giữ lại cùng ăn cơm và nói: “Ngươi có biết tướng quốc nước Tần là Trương Lộc không? Nghe nói ông ta được nhà vua yêu quý, việc trong thiên hạ đều do thừa tướng quyết định. Nay việc của tôi phụ thuộc vào Trương quân. Ngươi giúp ta gặp tướng quốc được không?” Phạm Thư nói: “Ông chủ của tôi quen biết ông ta nên tôi có thể bái yết. Thư này xin giúp ông gặp Trương quân”. Phạm Thư về lấy xe tứ mã đưa cho Tu Giả, đánh xe đưa vào tướng phủ. Trong phủ mọi người nhìn thấy tướng quốc đều ẩn nấp, trốn lánh. Tu Giả thấy làm lạ. Đến cửa nhà thừa tướng, Phạm Thư nói với Tu Giả: “Ông chờ một lát để tôi vào báo trước”. Tu Giả ngồi ngoài đợi hồi lâu vẫn không thấy Phạm Thư bèn hỏi người môn hạ: “Phạm Thư không ra là tại sao?”. Người môn hạ nói: “Không có ai là Phạm Thư cả. Người mà ông cùng đi xe là tướng quốc Trương Lộc của chúng tôi”. Tu Giả cả kinh biết mình bị lừa, bèn cởi trần đi bằng đầu gối, nhờ người môn hạ vào xin tha tội. Bấy giờ Phạm Thư bày màn trướng nghiêm chỉnh, kẻ hầu người hạ rất đông, Tu Giả cúi đầu nói: “Tôi không ngờ ngài có thể tự mình lên tới mây xanh. Tôi phạm tội đáng chết. Từ nay không dám đọc sách thiên hạ, bàn việc thiên hạ nữa. Giả có tội phải bỏ vào vạc nước sôi, cúi xin ngài đuổi đến nơi man rợ, sống chết tuỳ ngài định đoạt”. Phạm Thư không giết Tu Giả, đem chuyện kể với vua Tần, xin thả Giả về Nguỵ quốc. Tu Giả tới từ biệt Phạm Thư, Phạm Thư bày tiệc lớn, mời sứ giả các nước chư hầu đến dự. Bắt Tu Giả ngồi dưới thềm, sai người đặt máng ngựa ăn trước mặt, sai hai tội nhân bị chạm vào mặt đứng hai bên, cảnh tượng y như người ta cho ngựa ăn vậy. Phạm Thư nói với Tu Giả: “Ngươi về quê nói với vua Nguỵ, mau mang đầu Nguỵ Tề tới đây. Nếu không ta sẽ làm cỏ thành Đại Lương”. Tu Giả trở về báo với Nguỵ Tề. Nguỵ Tề sợ hãi, trốn đến nước Triệu, ở nhờ Bình Nguyên Quân. Tần Chiêu Vương biết chuyện, muốn báo thù cho Phạm Thư, giả vờ viết một bức thư đưa cho Bình Nguyên Quân: “Quả nhân biết ngài là người cao nghĩa, muốn ngài làm bạn áo vải, nếu may mắn được ngài tới, xin uống rượu với ngài mười ngày”. Bình Nguyên Quân sợ Tần, vả lại cũng cho là phải bèn đến Tần yết kiến Chiêu Vương. Chiêu Vương cùng Bình Nguyên Quân uống rượu mấy ngày rồi nói với Bình Nguyên Quân: “Xưa Chu Văn vương được Lũ Thượng cho làm Thái công. Tề Hoàn Công được Quản Di ngô cho làm trọng phụ. Phạm Quân cũng là bậc thúc phụ của quả nhân, kẻ thù của thúc phụ ở nhà ngài, xin cho người về lấy đầu hắn đem lại đây, nếu không ta không cho ngài qua cửa ải!”. Bình Nguyên quân nói: “Tuy mình sang nhưng kết bạn với người là người không quên cái nghĩa lúc mình còn thấp hèn. Tuy mình giàu nhưng chơi với người ta là không quên cái lúc mình nghèo túng. Nguỵ Tề là bạn của tôi, nếu ở nhà tôi, tôi nhất định không đem ra nộp, lại rằng ông ta không ở nhà tôi”. Chiêu Vương đưa thư cho vua Triệu nói: “Em trai của nhà vua ở Tần, kẻ thù của Phạm Thư là Nguỵ Tề hiện đang ở Bình Nguyên Quân. Nhà vua mau sai người đem đầu hắn đến đây, nếu không ta sẽ đem binh đánh Triệu, không cho em nhà vua qua ải đâu”. Triệu Hiếu Thành vương xem xong thư cả kinh, đem binh lính đến vây nhà Bình Nguyên Quân rất gấp, đang đêm Nguỵ Tề trốn ra, ra mắt tướng quốc nước Triệu là Ngu Khanh. Ngu Khanh xem chừng không can nổi vua, bèn cởi ấn tướng quốc, cùng Nguỵ Tề bỏ trốn. Nghĩ không thể trốn tránh ở nước chư hầu nào bèn chạy về Đại Lương muốn nhờ Tín Lăng quân để chạy sang nước Sở. Tín Lăng quân nghe tin, sợ Tần, do dự chưa quyết, bèn hỏi: “Ngu Khanh là người như thế nào?” Hầu Doanh bên cạnh nói: “Con người không dễ biết hết. Biết người cũng không phải là dễ. Ngu Khanh đi giày rơm, mang ô đi yết kiến vua Triệu lần thứ nhất, được thưởng một đôi thạch bích, một trăm cân vàng. Lần thứ hai được phong làm Thượng Khanh. Lần thứ ba được cử làm Tướng quốc, phong vạn hộ hầu. Trong thiên hạ đua nhau muốn biết ông ta. Thế mà khi Nguỵ Tề cùng khốn đến nhà ông ta, Ngu Khanh không dám cho tước lộc là tôn quý, cởi ấn tướng cùng Ngụy Tề trốn chạy. Công tử, người nói xem. Ngu Khanh là người như thế nào?” Tín Lăng quân nghe xong cả thẹn, sai người ra ngoại thành nghênh đón. Nguỵ Tề nghe nói Tín Lăng quân lúc đầu ngại đón mình nên cả giận tự đâm cổ chết. Vua Triệu nghe tin, lấy đầu của Tề đưa cho vua Tần. Tần Chiêu Vương cho Bình Nguyên quân về nước. Chiêu vương rất thân cận và gần gũi với Phạm Thư, cho phép ông được đánh xe ra vào cung vương. Tử Hề là con cả của An Quốc quân, năm nay tuổi đã trưởng thành. Tử Hề không giống kẻ phàm nhân tục tử, không dễ để người khác biết được suy nghĩ tâm sự của mình. Hình dung oai phong, hiên ngang khí phách. Vẻ ngoài luôn như ngây dại nhưng tâm trí rất sâu xa. Tuy cả ngày trong phòng đọc sách nhưng không hề hứng thú với chuyện cay đắng cuộc đời. Thi thơ lễ nhạc giúp Tử Hề hiểu rằng trong cung đình luôn xảy ra tranh đoạt tước quyền. Tử Hề cảm thấy rằng, quan tước mê hoặc con người giống như bông hoa hồng, tuy đầy sắc hương nhưng cũng lắm gai nhọn. Muốn thưởng hoa phải cầm cả hai tay, hoa mới không gây đau đớn. Tử Hề muốn sớm trở thành thái tử của An Quốc quân, mau chóng gánh vác việc thiên hạ, lại có tướng quốc Phạm Thư ủng hộ. Tuy nhiên bên cạnh cha luôn có người đẹp Hoa Dương sớm hôm kề cận, lời nói xúc xiểm, thêm Vũ An quân Bạch Khởi quyền cao chức trọng, tấn cử Dị Nhân trước mặt vua Tần, nói Dị Nhân trí dũng song toàn, trí tài tuyệt đỉnh, không ai sánh bằng, lại nói sợ trở thành thái tử của An Quốc quân. Tử Hề căm giận xiết bao những con người ấy. Người hầu trong phủ Tử Hề thấy tướng quốc quần áo xộc xệch, tự đánh xe tới phủ, biết có chuyện chẳng lành. Đến phủ, tướng quốc sửa sang quần áo, gấp rút vào thư phòng gặp Tử Hề. Nhìn bộ dạng Phạm Thư, Tử Hề bíêt xảy ra chuyện lớn. Phạm Thư thấy Tử Hề và thái phụ Đỗ Thương, bèn đem chuyện anh em Hoa Dương muốn Tử Hề tới nước Triệu làm con tin một lượt. Tử Hề hỏi: “Chẳng phải vua cha không đồng ý sao?” Phạm Thư nói: “Bây giờ An Quốc quân chưa có chủ ý gì nhưng ngài cũng biết, Hoa Dương phu nhân nói sao thì An Quốc quân theo vậy mà”. Đỗ Thương nói: “Phạm tướng quốc, ngài tiến cử với đại vương một vương tôn khác, như vậy sẽ sớm thoát khỏi chuyện này”. Phạm Thư nói: “Đại vương không muốn tốn công phí sức đã để cho An Quốc quân quyết định chuyện này”. Tử Hề nói: “Để ta đi? Như thế có quá lắm không? Hai mươi ba con trai tất cả đều hưởng phúc lộc phú quý vinh hoa, tại sao lại chọn ta?” Đỗ Thương nói: “Mọi người có thể viện lý do ngài là con trưởng”. Tử Hề nói: “Con trưởng lớn lên làm thái tử, lẽ nào định không cho ta được thế sao?” Phạm Thư nói: “Tình hình này không nên oán trách hay đổ lỗi cho ai. Chúng ta nên nghĩ kế chu toàn không để Tử Hề tới Hàm Đan làm con tin nước Triệu”. Tử Hề nói: “Tôi ăn không ngon, ngủ không yên, hay thoái thác ốm đau mấy tháng cho yên chuyện?” Đỗ Thương lắc đầu: “Ngài cáo ốm, người ta bảo là ngài trốn tránh, sai thái y đến thăm bệnh thì vỡ lở mọi chuyện!”. Phạm Thư đi đi lại lại trong thư phòng và hỏi: “Hôm nay là ngày bao nhiêu?” “Hôm nay là ngày 19 tháng 6, tướng quốc không nhớ sao?” Đỗ Thương cảm thấy vì chuyện con tin đã làm cho Phạm Thư bấn loạn tâm trí. Phạm Thư bấm tay phấn khởi: “Phải, hôm nay là ngày 19, sau bảy ngày là ngày 26”. Tử Hề và Đỗ Thương thấy vị tướng quốc túc trí đa mưu bộ dạng như vậy biết Phạm Thư có chủ ý rõ ràng. Phạm Thư sung sướng nói: “ngày 26 tháng 6 là ngày sinh nhật của vua Sở là Khoảnh Tương Vương. Nếu ta nhớ không nhầm, năm nay ông ta 52 tuổi. Ngày ngày 2 năm về trước, ta là sứ thần Tần quốc đến chúc thọ ông ta”. Đỗ Thương nói: “Tướng quốc đại nhân, lúc này nước sôi lửa nóng lại còn nhớ tới ngày sinh của vua Sở hay sao? Thật là không đúng lúc chút nào!” Phạm Thư nói: “Thái phụ, cứ theo như chuyện này, bảo Tử Hề viết thư cho Khoảnh Tương Vương, nói với vua Sở rằng Tử Hề rất muốn đến chúc thọ Tương Vương vào ngày 26 nhưng chưa có lời mời của đại vương nên không dám thất lễ. Nhất định Tương Vương sẽ phái người tới mời Tử Hề. Tương Vương và An Quốc quân là chỗ tình thân, nhất định vì việc chúc thọ này mà phái người khác đến Hàm Đan làm con tin.” Đỗ Thương vô cùng thán phục: “Quả là diệu kế! Tử Hề thay mặt nước Tần tới chúc thọ Tương Vương, tránh việc đến Hàm Đan, thật nhất cử lưỡng tiện”. Đỗ Thương theo kế Phạm Thư, đọc thư để Tử Hề viết đưa tới vua Sở. Ngày hôm sau bèn phái một viên Tả Đồ nắm công việc trong cung thất mang thư diện kiến Chiêu Tương Vương, mời Tử Hề đến Sính Đô tham dự tiệc mừng thọ vua Sở Khoảnh Tương Vương. Chiêu Vương đem quốc thư của nước Sở giao cho Phạm Thư xử lý việc này. Phạm Thư tiếp quốc thư, trong bụng mừng thầm. Sự việc đã bộc lộ rõ kết quả mà ông dự liệu. Ông cầm quốc thư, mặt mày rạng rỡ, cùng Tử Hề đến từ biệt An Quốc quân Doanh Trụ. Doanh Trụ mấy hôm nay cùng Hoa Dương phu nhân cân nhắc xem rút cục phái công tử nào tới Hàm Đan. Phạm Thư mang quốc thư của Sở Vương đến trước mặt Doanh Trụ lắc lư nói: “Đại vương đã ân chuẩn để Tử Hề đi sứ nước Sở” Tử Hề mừng ra mặt, cúi đầu thi lễ nói: “Hài nhi cung kính từ biệt phụ vương và vương phi nương nương”. Hoa Dương phu nhân không nén nổi tình cảm hỏi: “nói như vậy, Tử Hề không thể đến Hàm Đan làm con tin được sao?” Phạm Thư không hề giữ ý nói: “Tử Hề mang gánh nặng trên vai, không hổ với sứ mệnh, sẽ nhanh chóng lên đường”. Hoa Dương phu nhân nhìn cái vẻ đắc ý của Phạm Thư và Tử Hề, phẫn nộ hỏi một câu: “Việc này ngoài Tử Hề không còn ai gách vác được sao?” Phạm Thư không chút e dè đem quốc thư đưa cho Hoa Dương nói: “Trong này mời đích danh Tử Hề đi, chúng tôi tự tiện thay người, chính là phạm tội bất hiếu với nước Sở!” Doanh Trụ nói: “Phạm tướng quốc, người xem tốt nhất nên để ai đi làm con tin?” Phạm Thư nói: “Còn hai mươi hai công tử nữa, ai đi cũng được. Dị nhân rất thích hợp. Đây chỉ là thiển ý của tại hạ mà thôi, cuối cùng vẫn phải do Thái tử điện hạ định đoạt” Tử Hề đi sứ nước Sở, có quốc thư của Khoảnh Tương Vương, lại có lệnh của Chiêu Tương Vương, Hoa Dương phu nhân cũng chỉ còn cách nghe theo. Vậy mà chẳng bao lâu Hoa Dương phu nhân đã vén được bức màn bên trong việc Tử Hề đi sứ. Hoá ra vị Tả Đồ phụng mệnh Khoảng Tương Vương mang bức thư chẳng biết đầu cua tai nheo thế nào lại có chút quan hệ thân thuộc với Hoa Dương quân. Rời khỏi cung Chương Đài chỗ Chiêu Tương Vương, liền đến thăm chỗ Hoa Dương quân. Chẳng biết lòng dạ để đâu lại đem việc Tử Hề yêu cầu đi Sính Đô mừng thọ Sở Vương và Sở Vương phái ông ta mang quốc thư đi sứ như thế nào nói ra hết. Khi Hoa Dương quân và người này nói chuyện với nhau, mau chóng đã hiện ra tình cảnh người nói vô ý, người nghe hữu tình. Hoa Dương quân thấy rõ việc này Phạm Thư đã làm tay chân. Hoa Dương quân nghĩ: “Phạm tướng quốc, tiếc rằng ông không thể qua được con mắt của Hoa Dương quân này”. Sau khi vị Tả Đô này rời khỏi chỗ của Hoa Dương quân lại lên lầu Loan Ô bái kiến Hoa Dương phu nhân. Hoa Dương phu nhân vì việc Tử Hề đi sứ nước Sở mà trong lòng tức tối, nên tiếp đãi vị Tả Đồ đến từ quê hương mình với vẻ mặt lạnh lùng. Tả Đồ thấy vị thái tử phi xinh đẹp này mặt mày rầu rĩ, dường như không mấy hứng thú với sự viếng thăm của mình nên cũng chào hỏi vài câu xã giao rồi đứng dậy cáo từ. Doanh Trụ vẫn chưa tới, Hoa Dương phu nhân buồn rầu gọi con hầu Tiểu Song vào đánh cờ với mình. Hoa Dương phu nhân và Tiểu Song, tay cầm hộp gốm đựng cờ ngồi bên chiếc bàn con. Đen trước, trắng sau. Hoa Dương phu nhân dùng những ngón tay búp măng nõn nà của mình đã đặt một quân cờ vào bàn cờ. Tiểu Song không hề suy nghĩ cũng thêm vào một cây cờ. Hoa Dương phu nhân lại nhúm một cây, cánh tay dừng lại ở giữa. Suy nghĩ muốn đặt lại không đặt. Tiểu Song nhìn thấy, trời chiều đã lọt qua song cửa, đem ánh sáng trắng như dải lụa lọt vào trong phòng. Ánh sáng loá mắt chia khuôn mặt Hoa Dương phu nhân làm hai phần sáng tối. Phần bị ánh sáng chiếu sáng làm hiện lên cơ thể đầy đặn, kiều diễm thoát tục khiến người ta có thể nảy sinh những dục vọng ve vãn. Phần không được chiếu sáng, tạo ra sự u buồn, ám ảnh đầy vẻ thấp thỏm mong ngóng. Nghĩ đến đây Tiểu Song lại nhìn thấy hình bóng bí hiểm của mình ra vào tướng phủ. “Đi đi chứ!” Hoa Dương phu nhân không biết từ lúc nào đã đặt cây cờ trong tay của mình vào bàn cờ. Tiểu Song như vừa tỉnh giấc mơ lại đi một cây cờ. Khi bàn cờ đã đầy một nửa thì Hoa Dương quân tới. Hoa Dương quân đi thẳng vào vấn đề nói: “Thái tử phi, tôi có chuyện quan trọng cần bẩm báo”. Hoa Dương quân thấy Tiểu Song đang bốc những quân cờ vào hộp. Thu dọn xong, Tiểu Song lui ra. Hoa Dương quân đem chuyện Tử Hề đi sứ nước Sở kể cho Hoa Dương phu nhân nghe. Hoa Dương phu nhân nghe xong, hỉ mũi một cái nói: “Tên Phạm tướng quốc này thật là một lão tặc gian thần, chúng ta phải tương kế tựu kế”. Hoa Dương quân không rõ ý người chị xinh đẹp của mình như thế nào. Hoa Dương phu nhân nói: “Vừa rồi chằng phải Phạm Thư nói để Dị Nhân đi làm con tin ở Hàm Đan hay sao? Chúng ta cũng sẽ lấy danh nghĩa Dị Nhân viết cho Khoảnh Tương Vương một bức thư, cầu khẩn ông ta cho Dị Nhân đi dự lễ mừng thọ của ông ấy. Đợi Dị Nhân đi tới nước Sở rồi, ta sẽ nói với An Quốc quân đợi hai vị công tử từ Sở trở về sẽ quyết định ai đến Hàm Đan làm con tin”. Sở Khoảnh Tương Vương lại nhận được thư của Dị Nhân xin tham gia lễ mừng thọ, cười ngặt nghẽo, nói: “Đúng là mặt trời mọc ở đằng Tây, chiếu cung điện nước Tần đến chỗ ta. Chẳng lẽ các vương tôn nước Tần lại tranh nhau mang lễ vật đến mừng thọ quả nhân sao? Không từ chối người đến, ta sẽ phái một Tả Đồ tới nước Tần mời Dị Nhân”. Hạ Cơ vì sắc đẹp sớm tàn phai bị An Quốc quân lạnh nhạt bỏ xó trong hậu cung không để mắt tới. Khi Tả Đồ của nước Sở đến mời con trai mình là Dị Nhân đến dự tiệc mừng thọ, hai mẹ con vẫn bị bịt tang trống, không biết rằng mọi người đang vì chuyện con tin mà ngấm ngầm bày mưu tính kế. Hạ Cơ vốn là người con gái trong dân gian bị quân Tần bắt được khi đang vây thành của nước Trịnh, làm phục dịch trong hậu cung. Sau một lần được An Quốc quân sủng ái mà có thai. Ít lâu sau sinh hạ được bé trai một mắt cao một mắt thấp. Hạ Cơ sai cung nữ mời An Quốc quân tới xem mặt đứa con của ông ta, đặt cho nó một cái tên. Vị thái tử phong lưu này, đâu còn nhớ tới người cung nữ phục dịch có dáng người thô kệch, tướng mạo bình thường này. Khi có người nói với ông ta Hạ Cơ xinh con và mời ông tới xem, ông nghĩ mãi mới nhớ ra cái cô Hạ Cơ này. Phụ nữ sinh con thì có gì đáng xem? Hình dạng của đứa trẻ này chẳng có chút dị thường sao? Vậy thì gọi nó là Dị Nhân đi. Cái tên mà Doanh Trụ tặng cho đứa con thứ bảy này là Dị Nhân. Hai mẹ con Dị Nhân sống ở trong hậu cung giữa các mĩ nữ như hai cây cỏ dại lay lắt trong ruộng, không có hương thơm, không được ai chú ý. Đơn độc lạnh lẽo, tự sinh tự diệt. Trong một cơ hội ngẫu nhiên gặp được Trần Cơ là vợ chính của Vũ An quân đến tứ ấp Trần nước Trịnh, hai người đồng hương chuyện trò rỉ rả. Trần Cơ rất thông cảm với cảnh ngộ của Hạ Cơ, về đến nhà kể hết với Bạch Khởi. Bạch Khởi kể khắp trong triều ngoài chợ nỗi bất bình của Hạ Cơ, còn lấy vị quân uý ở bên cạnh mình Chu Kiệm văn võ song toàn sang chỗ Hạ Cơ, làm Thái phó cho Dị Nhân. Trong tình thương và sự đùm bọc của Hạ Cơ, Dị Nhân ngày một khôn lớn. Vậy mà đôi mắt bên cao bên thấp, không đều nhau của Dị Nhân đang trở về đường trung bình. Cái đôi mắt hơi lồi ra ấy long lanh có thần, vui như mắt rồng. Vầng trán cao rộng, sống mũi thẳng. Hạ Cơ ngắm con của mình càng thấy nó giống quân vương. Sự mong ngóng trông đợi của Hạ Cơ vào con trai Dị Nhân của mình đang từng ngày từng ngày trôi đi mất. Bà mãi về sau mới biết được tin cháu của vua Tần phải tới Hàm Đan làm con tin, bà âm thầm cầu khấn cho Dị Nhân, không muốn đứa con trai của mình sang nước khác làm con dê thí mạng. Bà nghe người ở trong cung nói với nhau, làm con tin sẽ gian khổ và nguy hiểm như thế nào. Bình thường có nhà không được về, một khi hai nước trở mặt giao chiến với nhau, con tin nếu nhẹ thì cũng bị mang ra làm trò đùa, nặng thì bị giam cầm giết chết. Thỉnh thoảng nghĩ tới đứa con có thể trở thành con tin, Hạ Cơ không rét mà cảm thấy run. Càng nghĩ Hạ Cơ càng cảm thấy lo sợ. Khi Sở Khoảnh Tương Vương sai Tả Đồ tới mời Dị Nhân làm sứ thần tới Sính Đô dự lễ mừng thọ thị trong lòng bà thư thái hơn rất nhiều. Bà tháy An Quốc quân Doanh Trụ lúc này không thể phái một công tử của mình đi làm con tin. Việc này luôn làm Hạ Cơ không yên, làm việc gì cũng hỏng. Nghĩ đi nghĩ lại, bà thấy cần phải đến thỉnh cầu Doanh Trụ, nói rõ lợi hại, tuyệt đối không thể để Dị Nhân tới Hàm Đan làm con tin. Hạ Cơ biết, Doanh Trụ một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, giống như một cái rễ cây cắm trong phòng Hoa Dương phu nhân. Hạ Cơ nghĩ không sai, khi bà tới cung Loan Ô, Doanh Trụ đang ở đó. Trong một năm, Hạ Cơ không mấy khi tới đây. Ở đây vàng bạc rực rỡ, các trang trí sặc sỡ yêu kiều, tiếng đàn tiếng sáo dìu dặt. Có cả những lễ vật, điệu múa của người Hung Nô, Tiên Ti hoàn toàn tương phản với sự lạnh lẽo, vắng vẻ với nơi ở của Hạ Cơ. Ngày tháng trôi qua, Hạ Cơ từ lâu đã quen với cuộc sống như thế. Bà còn tự răn mình, nếu Doanh Trụ không quan tâm đến bà thì bà cũng phải chịu. Khi Hạ Cơ nhìn thấy Doanh Trụ thì vị An Quốc quân này đang hầm hầm giận dữ với hai người thiếp khác. Hạ Cơ mau chóng hiểu ra tất cả, hai người thiếp này cũng đến để thưa rằng con họ không thể đến thành Hàm Đan làm con tin. Hạ Cơ thấy vị phu quân này tự mình không thể tuỳ tiện gặp mặt, thẹn quá hoá giận, đang nhiếc móc hai người thiếp kia: “Ta vẫn chưa nói để ai đi, các người nước mắt ngắn nước mắt dài đến đây khóc lóc làm gì? Con ngươi có bệnh, con ngươi yếu đuối, vậy thì để ai đến Hàm Đan? Để ta đi chắc? Ngày xưa Vũ vương cho phụ vương đi làm con tin, phụ vương không rơi một giọt nước mắt, uy phong lẫm liệt ra đi. Các ngươi là một lũ hám lợi tránh hại, không hề nghĩ cho non sông xã tắc. Mai này không còn nước Tần nữa, để ta xem các ngươi lấy gì mà sống! Hừm, vào lầu xanh bán thân cũng không xong.” Hai người này bị Doanh Trụ mắng cho một trận, không nói được câu nào lủi thủi ra về. Hạ Cơ vội quỳ xuống thỉnh an Thái tử điện hạ. Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng những lời nói vừa rồi của Doanh Trụ cũng khiến bà hoảng sợ, lắp ba lắp bắp, hơn nữa ở đây còn có Hoa Dương phu nhân. Doanh Trụ lạnh nhạt nói: “Con mụ già đến đây làm gì, lại muốn ta lặp lại những lời vừa nãy hay sao?” Nước mắt Hạ Cơ trào ra, bà dường như nhìn thấy vẻ mặt mãn nguyện của Hoa Dương phu nhân hiện rõ trên mặt. Trước mặt Doanh Trụ, ý chí của bà bị tan đi như băng vậy. Lúc Hạ Cơ trở về nghe tiếng ngọc đai đeo ở lưng giòn lạnh như tiếng giọt mưa. Hoa Dương phu nhân thấy mọi người đã về cả rồi mà Doanh Trụ vẫn ngồi đó tức tối bèn tới vòng cánh tay nõn nà của mình quanh cổ Doanh Trụ, nũng nịu nói: “Thái tử điện hạ vẫn còn đang giận hay sao?” Doanh Trụ nói: “Bọn thê thiếp khốn khiếp này chỉ biết nước mắt ngắn nước mắt dài làm ta thật khó xử, đau cả đầu”. Hoa Dương phu nhân ngồi vào lòng Doanh Trụ nói: “Thái tử điện hạ dễ nổi giận thế, sau này làm Tần vương rồi, phải giải quyết trăm công nghìn việc, ngay như việc cử con tin sẽ rất nhiều, chàng không quyết mà cứ tức giận như thế thì sẽ tức đến chết được! Gặp nguy nan không sợ, gặp sự phiền não không giận, đó là đức tính của bậc quân vương!” Chỉ một lời nói của Hoa Dương phu nhân đã khiến Doanh Trụ trút hết phiền não, mặt mày tươi tỉnh, vẫn là sự chăm sóc tỉ mỉ, lời nói thấu tình đạt lý của Hoa Dương phu nhân. Quả thực như thế, sau này làm Tần vương rồi, những việc khó khăn hơn việc cử con tin rất nhiều, chàng có thể tức giận mãi được không? Doanh Trụ vuốt má Hoa Dương phu nhân hỏi: “Ái phi, chuyện đã đến mức này, nàng xem sai công tử nào đi Hàm Đan là tốt nhất?” Hoa Dương phu nhân nói: “Mấy hôm nay thiếp luôn nghĩ tới việc này cho Thái tử điện hạ. Thiếp vốn cho rằng nên để Tử Hề đi, sau đó nghĩ lại thấy việc đó không ổn. Như vậy sẽ đắc tội với bọn Phạm Thư, Đỗ Thương. Thiếp thấy nên xem một quẻ bói để xin ý thần linh ra sao. Ý nguyện của thần để ai đi thì người đó đi. Như vậy người đi cũng không thể thoái thác được, cũng không thể oán trách được Thái tử điện hạ”. Doanh Trụ sung sướng nói: “Ái phi thật cao kiến”. Hoa Dương phu nhân nói: “Việc này không thể chậm trễ, đợi Dị Nhân và Tử Hề ở nước Sở về, lập tức mời thấy bói bốc quẻ”. Doanh Trụ nói: “Thiện tai!” Hạ Cơ không nề hà hỏi Dị Nhân một câu: “Con trai, con hỏi chắc chưa?” “Hỏi chắc rồi, hoàn toàn chính xác. Thầy bói bốc quẻ ngày mai là hoàn toàn bịp bợm. Con vừa từ Sính Đô trở về, người mỏi rã rời, lại còn phải chạy đến chỗ thầy bói mù kia!” Dị Nhân oán giận nói, Hạ Cơ trách móc: “Con thật là không biết lý lẽ gì cả! Đây là một việc rất lớn! Lại là việc của con, hơn hai mốt tuổi rồi, đi một đoạn đường thì có nghĩa lý gì!” Hạ Cơ vừa nói như vậy, Dị Nhân không lên tiếng nữa. Dị Nhân sống trong cảnh mẹ mình bị lạnh nhạt, tính cách lập dị, lẻ loi cũng kèm theo tinh thần phản kháng không khuất phục số phận. Không giống như các công tử khác, luôn lấy lòng phụ thân, làm thân chó ngựa, tụ họp bè đảng. Dưới sự đốc thúc của Hạ Cơ, cùng với Chu Kiệm người thân cận của An Vũ quân Bạch Khởi học tập văn võ. Nhưng sự kiềm chế trong thời gian dài đã tạo nên tính cách nhấp nhổm không yên. Suy tính thiệt hơn. Phàm làm việc gì cũng ôm ấp hoài bão, muốn thử xem làm sao, ngộ nhỡ gặp khó khăn gian khổ thì lại trách trời oán người, xịt hết hơi. Hạ Cơ gói lấy trăm lạng vàng đến chỗ thầy bói. Thầy bói sống trong nhà Chúc Từ bên cạnh cung Chương Đài. Vị thầy bói của vương thất này tướng mạo tinh anh, đôi mắt có thần, dường như có thể loé lên thể hiện ánh sáng của thần linh. Vị thầy bói này xưa nay không có qua lại gì với Hạ Cơ nhưng đều biết nhau. Vừa thấy phu nhân thái tử thân tới Chúc Từ, thầy bói vội cúi đầu thi lễ. Hạ Cơ nói: “Miễn lễ”. Thầy bói khiêm nhường hỏi: “Muộn thế này Thái tử phi còn thân chinh đến đây, không biết có gì chỉ bảo?” Hạ Cơ hỏi: “Việc bốc quẻ ngày mai do ông chủ trì phải không?” Thầy bói nói: “Vâng” Hạ Cơ nói: “Ông học thuật cao thâm, đoán được mệnh trời. Tôi và Dị Nhân cô độc lạnh lẽo, số mệnh nương tựa vào nhau. Nếu như Dị Nhân phải đến Hàm Đan xa xôi, đối với tôi khác nào trời tuyết thêm sương, chắc tôi không thể sống được. Hôm nay tôi mạo muội tới đây, chính là vì việc này. Xin ông bẩm báo với thần linh, đừng phái Dị Nhân tới Hàm Đan làm con tin. Đây là một trăm lạng vàng, xin ông vui lòng nhận cho. Nếu được như thế, mẹ con tôi sẽ không bao giờ quên”. Hạ Cơ nói xong đặt túi vàng lên trên bàn. Ông thầy bói là người thông minh, biết rõ thịnh tình của Hạ Cơ. Kết quả quẻ bói ngày mai, cho dù có phải là Dị Nhân hay không thì cũng không được nói là Dị Nhân. Nghĩ đến đây, ông hiểu ý nói: “Tôi đã hiểu dụng ý của Thái tử phi, xin hãy yên tâm mà về đi. Thần linh nhân từ, lấy thiện làm gốc, sẽ để cho Thái tử phi được toại ý”. Hạ Cơ đẩy hai cánh cửa nặng chình chịch của nhà Chúc Từ bước ra, để lại phía sau không gian đen kịt và niềm hy vọng vô hạn. Chiều hôm sau, nghi lễ bốc quẻ được cử hành tại cung Chương Đài. Ánh mặt trời chênh chếch, bị làn khói hương quấn lấy lộ rõ màu trắng xanh. Các loại nhạc khi phát ra âm thanh réo rắt, mơ hồ không rõ như nồi canh đang hầm trên bếp. Tiếng mỡ lách chách chảy ra từ những miếng mai rùa, xương thú đang nướng trên than. Thỉnh thoảng lại vang lên những âm thanh phát ra do mai rùa, xương thú bị đốt nóng, truyền đi rất lâu trong cung điện rộng. Mùi khói lửa mang theo cái mùi tanh tanh, mọi người đứng đầy hai bên. Doanh Trụ và Hoa Dương phu nhân đã tới. Còn có một số quan sử mũ cao áo rộng, họ đều là các hoàng thân quốc thích, thầy bói, sứ uỷ có liên quan đến bốc quẻ và ngoại giao. Các thầy bói đeo mặt nạ, mặc áo lễ đang vây lại mỗi lúc một đông bên những vết nứt của mai rùa, xương thú bàn tán, phán xét. Hạ Cơ cảm thấy tim mình đập thình thịch, dường như sắp bắn ra khỏi lồng ngực. Bà cảm thấy phía trước như có một làn sương mù bao phủ. Vị thầy bói đang ngồi trước bàn thờ lắc la lắc lư kia không phải là vị thầy bói hôm qua. Định thần lại, bà cảm thấy chính là ông ta. Bà buồn cười vì mình quá lo sợ mà nhìn ra như vậy. Ánh lửa chiếu vào những người ngồi xung quanh đã nhạt đi, những vết nứt trên mai rùa xương thú càng rõ, càng tỉ mỉ. Kết quả chiêm bốc lập tức được công bố. Thầy bói bỏ mặt nạ xuống và bắt đầu tiên đoán về những vết nứt kỳ quặc trên các mai rùa, xương thú. Vào cái khoảnh khắc mà thầy bói bỏ mặt nạ ra, Hạ Cơ ngạc nhiên há hốc mồm, đó đâu phải là viên thầy bói cỏ thi mà là một gã gieo quẻ lạ hoắc. Hạ Cơ như vướng vào một mớ bòng bong, lơ mơ không hiểu: thế này là thế nào? Người đàn bà đáng thương ở chốn hậu cung này đâu có hay, chút ân huệ mà bà giành cho viên thầy bói cỏ thi ấy, nếu đem so với “chiêu” của những kẻ đã lão luyện ngón nghề đấu đá ở chốn cung đình như Phạm Thư và Đỗ Thương thì chỉ như trứng đem chọi với đá mà thôi. Ngay khi An Quốc quân tuyên bố việc chọn ai đi Hàm Đan làm con tin sẽ nhờ gieo bói cỏ thi quyết định, Phạm Thư đã nhắm ngay tới viên thầy bói ấy. Tối hôm ấy, khi Hạ Cơ đến điện thờ nhờ viên thầy bói, nhất cử nhất động, từng câu từng lời của hai người đã được một kẻ báo lại cho Phạm Thư không sót một chi tiết nhỏ. Sau đó, Phạm Thư sai hai thích khách bịt mặt, trói viên thầy bói đó lại đưa đến giam ở một hang núi thành Hàm Dương. Doanh Trụ thấy viên thầy bói mất tích liền sai Phạm Thư tìm một viên thầy bói khác để chủ trì nghi lễ vào ngày mai. Phạm Thư tìm về một thầy bói có thể hành sự theo ý mình và căn dặn hắn những điều cần nói, những việc cần làm. Những việc này đối với Hạ Cơ vĩnh viễn là một điều bí mật không thể lường tới. Viên thầy bói đằng hắng rồi cao giọng tuyên bố: “Dị Nhân là con tin!” Nghe câu nói ấy, Hạ Cơ cảm thấy đau như xé ruột, ngất đi. Đám đông quần thần sau mấy giây lặng người giờ ồn ã những tiếng tranh cãi. Viên thầy bói nhắc lại: “Dị Nhân là con tin!” Hạ Cơ cảm thấy trời đấy xoay chuyển. Được Dị Nhân và Chu Kiệm dìu về tẩm cung. Sau một lát hồi tỉnh, Hạ Cơ nức nở than rằng: “Vũ An quân Bạch Khởi lại đang đi cầm quân, cả thành Hàm Dương này không có lấy nổi một ai giúp ta định đoạt cơ sự!” Chu Kiệm nói: “Việc này còn mong định đoạt được gì nữa, vương mệnh như sơn, công tử Dị Nhân chỉ còn cách sang Triệu làm con tin thôi”. Dị Nhân giọng đầy căm giận: “Thế ta không đi thì sao?” Chu Kiệm nói: “Điều này mà còn phải hỏi sao, nặng thì bị chém, nhẹ thì bị giáng xuống làm thứ dân”. Hạ Cơ và Dị Nhân đều lặng thinh không đáp. Lát sau một vị quan đại thần của Chiêu Tương Vương đến công bố chiếu lệnh của quốc vương: “Đại vương có lệnh, Tần vương tôn Dị Nhân sáng sớm mai lên đường sang Triệu, tối nay đến Trương Đài cung dự tiệc đưa tiễn”. Viên quan đi rồi, Dị Nhân nói: “Bữa tiệc tối nay ta cũng chẳng muốn đi nữa”. Hạ Cơ nói: “Con không đi là kháng mệnh bất kính”. Chu Kiệm cũng nói: “Mẫu hậu nói rất phải. Công tử phải đi”. Hạ Cơ rằng: “Dị Nhân con ta, xem ra con phải đi rồi. Mẹ không thể cùng con tới Chương Đài cung uống rượu, mẹ sẽ ở nhà thu xếp tư trang cho con!” Dị Nhân nói: “Vội gì cơ chứ!” Chu Kiệm nói: “Thái tử phi đại nhân, từ khi đại thần được Vũ An quân sai tới đây, thái tử phi và công tử đối đãi không bạc, bề tôi nguyện tri ân báo đáp. Công tử đại nhân cất bước tha hương, lành dữ khó lường, hoạ phúc đâu biết, một mình quạnh quẽ, vắng bóng người thân, công tử cần có một người bạn, dám xin thái tử phi cho kẻ hạ thần này được làm tên đánh ngựa hầu hạ công tử đến Hàm Đan”. Hạ Cơ nghe Chu Kiệm nói mà trong lòng vô cùng xúc động. Hạ Cơ cho Chu Kiệm về nhà từ biệt cha mẹ. Dị Nhân bước ra từ Chương Đài cung, khoát tay gạt hai tên thái giám đang đỡ hai bên, liêu xiêu đi về. Bước vào phòng, nhìn thấy Hạ Cơ liền nói: “Mẫu hậu, nhi thần uống hơi nhiều! Quả là một lũ người không ra người, đầu to bụng phệ, hả hê với nỗi đau khổ của người khác! Đợi sau này nhi thần xưng vương, sẽ phanh thây xẻ thịt chúng ra, cho chúng không có chân mà đi, cho chúng chỉ là những bộ xương, những hũ mắm!” Hạ Cơ thấy Dị Nhân đã say vội sai cung nữ dìu công tử về giường. Dị Nhân vừa đặt lưng xuống đã ngủ thiếp đi… Khi Dị Nhân mở mắt ra đã thấy mình đang nằm trên chiếc xe ngựa do Chu Kiệm cầm cương. Trên xe có chất rương hòm, dao kiếm và cờ tiết. Trời cao đất rộng, chung quanh là một không gian hoang dã mênh mông. Mặt trời chiếu những tia nắng chói chang xuống con đường quanh co uốn khúc. Ngồi phía trước là Chu Kiệm, tay vung dây cương, phong thái thanh nhàn. Dị Nhân chợt giật mình, giọng rung lên theo tiếng lắc lư của xe: “Đây là đâu?” Chu Kiệm đáp: “Chúng ta đang ở con đường lớn giữa Hàm Dương và Hàm Đan”. Dị Nhân lại hỏi: “Nói vậy nghĩa là sáng nay các ngươi đã khiêng ta lên xe hay sao?” Chu Kiệm đáp: “Đại vương có lệnh sáng sớm phải lên đường, không được chần chừ”. Dị Nhân từ trên xe nhảy xuống, ghìm cương ngựa lại nói: “Chu Kiệm, ngươi đưa ta đến ẩn náu ở phong ấp của An Vũ quân, bọn chúng sẽ không tìm thấy ta! Ai muốn đến Hàm Đan thì đến!” Chu Kiệm dừng xe an ủi: “Chứa chấp kẻ kháng chỉ tội cũng nặng như vậy, liệu Vũ An quân dám chăng? Nếu không đến Hàm Đan làm con tin hậu quả nghiêm trọng như thế nào, hạ thần đã nhiều lần thưa cùng công tử, nhẹ thì phế truất làm dân thường, nặng thì bị sát thân diệt tộc. Nếu đến Hàm Đan làm con tin, chịu qua được sóng gió này, chí ít công tử cũng còn có thể quay lại thành Hàm Dương, vẫn là Tần vương tôn. Nếu kịp chuyển mình theo thời thế, còn có thể được thăng tước thăng vị. Một bên là thân bại danh liệt, đại hoạ trước mắt, một bên là khổ tận cam lai, tiền đồ sáng lạn, đi theo hướng nào công tử hãy tự mình lựa chọn!” Chu Kiệm nói thêm: “Đến nước Triệu rồi, chúng ta phải biết nắm lấy thời cơ. “Kinh Thi-Tiểu Nhã” đã nói: Trăm con sông nước cuộn sục sôi, ngàn vách đã cheo leo hiểm trở; vách cao thì tạo nên vực sâu, vực sâu thì lại có núi non. Thuỷ vô định hình, nhân vô định thế! Lợi hại là ở chỗ biết nắm bắt thiên thời địa lợi nhân hoà mà vận dụng cho mình”. Dị Nhân lên xe, Chu Kiệm lại cho xe xuất phát hướng tới Hàm Đan xa xôi. Dị Nhân đã thấy lòng thanh thản đôi chút liền nói với Chu Kiệm: “Kể chuyện gì nghe đi, đi đường dài buồn quá”. Chu Kiệm đáp: “Xin vâng, chúng ta đang trên đường sang Triệu, vậy kẻ hạ thần xin kể cho công tử nghe chuyện một con tin ở nước Triệu”. Hồi ấy, sau khi Triệu Huệ Văn Vương băng hà chưa được bao lâu, Triệu Hiếu Thành Vương mới đăng cơ, tuổi còn nhỏ, chưa rành thế sự, việc triều đình nước Triệu do một tay Triệu thái hậu nắm giữ. Nước Tần chúng ta thấy đây là một cơ hội, Chiêu Tương Vương liền liên minh với nước Yến đánh nước Triệu. Triệu thái hậu nhận thấy Triệu quốc thế đơn lực mỏng, không thể chống chọi với liên minh Yến Tần nên cầu viện nước Tề. Tề vương đồng ý xuất binh nhưng có một yêu cầu rất khắc nghiệt, đó là con trai nhỏ của Triệu thái hậu là Trường An quân phải sang nước Tề làm con tin. Trường An quân là bảo bối tâm can của Triệu thái hậu, được Thái hậu nhất mực thương yêu, Thái hậu dĩ nhiên không cho công tử sang Tề quốc làm con tin. Nguy cơ liên quan Tần Yến tấn công nước Triệu ngày càng nguy ngập, nước Triệu đã rơi vào tình thế cấp bách sinh tử tồn vong. Các văn võ bá quan thay nhau khuyên can Triệu thái hậu, hãy để Trường An quân sang nước Tề làm con tin, Tề quốc sẽ xuất binh sang cứu viện nước Triệu. Triệu thái hậu không đồng ý, còn cao giọng tuyên bố: “Ai dám tiếp tục đến khuyên ta để Trường An quân đi làm con tin, ta sẽ nhổ vào mặt kẻ đó!” Thấy thái hậu bảo thủ cố chấp như vậy, quần thần khiếp sợ không dám manh động nữa. Lần này có một viên quan tên Xúc Long, thấy quốc sự nguy cấp mà lòng đem lo lắng, quyết tâm sẽ đến khuyên can Triệu thái hậu. Người nhà đều khuyên ông đừng đi, có đi cũng chỉ chút lấy bẽ bàng, không cẩn thận thì giơ mặt cho Thái hậu phỉ nhổ. Xúc Long nói: “Ta tự có cách chuyển thái hậu”. Triệu thái hậu đoán Xúc Long cũng chỉ đến vì việc đó nên nổi giận đùng đùng, cố ý chờ đợi. Xúc Long vào cung bộ dạng cung kính, khoan thai đến trước mắt thái hậu tạ tội mà rằng: “Chân lão thần bị đau, không đi nhanh được. Lâu lắm rồi không vào yết kiến thái hậu, biết mình có tội mà cũng chỉ tự dám nương tội cho mình. Có điều lòng hạ thần luôn lo lắng về sức khoẻ cho thái hậu, không hay thái hậu có được an khang, nên hôm nay muốn đến vấn an thái hậu”. Triệu thái hậu trả lời: “Ta ngồi xe thì được, đi bộ thì không nổi”. Xúc Long lại hỏi: “Thế thái hậu dùng bữa có được ngon miệng không?” Thái hậu đáp: “Ta chỉ ăn cháo được thôi”. Xúc Long liền tiếp lời, tâu với thái hậu dăm ba điều dưỡng sinh: “Trước đây lão thần cũng khẩu vị không tốt, ăn không ngon miệng, sau đó đã tự ép mình phải đi bộ luyện tập, mỗi ngày kiên trì đi vài dặm, ăn dần dần thấy ngon hơn, cơ thể cũng thấy dễ chịu hơn”. Triệu thái hậu thấy Xúc Long không đả động đến chuyện Trường An quân, sắc mặt đã tươi vui trở lại nói: “Ta đâu thể đi xa được thế”. Xúc Long đáp: “Lão thần có một đứa con trai, tên gọi Thư Kỳ, văn võ kém cỏi, thần thương yêu nó nhất, giờ thần tuổi đã cao, xin thái hậu khai ân cho nó làm chức vệ sĩ áo đen để bảo vệ vương cung”. Triệu thái hậu rất nể mặt Xúc Long, đồng ý ngay rồi hỏi: “Thế con trai ngươi bao nhiêu tuổi rồi?” Xúc Long đáp: “Mười lăm tuổi rồi, dẫu nó còn hơi nhỏ tuổi một chút nhưng thần vẫn mong thái hậu sẽ tiếp nhận nó trước khi nó được làm vệ sĩ, được như vậy lão thần dẫu có chết cũng không hối tiếc”. Triệu thái hậu giễu cợt hỏi lại: “Bọn đàn ông các ngươi mà cũng yêu con trai mình thế sao?” Xúc Long cũng đáp lại không kém: “Bọn đàn ông chúng thần còn yêu con trai mình hơn cả mẹ chúng”. Triệu thái hậu cười nói: “Đã nói đến chuyện yêu thương con trai, thì đàn bà bọn ta phải hơn bọn đàn ông các ngươi”. Xúc Long nói: “Cũng chưa hẳn là như vậy. Lão thần thấy Thái hậu yêu Yến hậu còn hơn cả Trường An quân” Thái hậu phản bác: “Người nhầm rồi, ta yêu nhất vẫn là Trường An quân con trai ta!” Xúc Long làm bộ nói: “Cha mẹ yêu thương con cái thì phải nhìn xa trông rộng cho chúng. Còn nhớ khi Yến hậu xuất giá, công chúa lên xe rồi mà thái hậu còn níu chân công chúa mà khóc, cứ nghĩ đến việc gả con tới nơi xa xôi là trong lòng lại buồn đau. Công chúa đi rồi, thái hậu ngày đêm thương nhớ, tâm tư vấn vương, chẳng phải thái hậu rất nhớ công chúa sao? Nhưng cứ mỗi khi cúng tế thì thái hậu vẫn khấn cho công chúa rằng, đừng bao giờ công chúa phải quay trở lại! Thế chẳng phải thái hậu đã nghĩ tới chuyện lâu dài cho công chúa đó sao, chẳng phải người sợ công chúa phạm vào điều gì thất thố mà bị người ta đuổi về hay sao? Thế chẳng phải thái hậu mong công chúa sẽ con đàn cháu đống để thay nhau kế nghiệp quân chủ nước Yến sao?” Triệu thái hậu giọng quả quyết: “Đúng như vậy! Quả là ý ta”. Xúc Long lại nói: “Thái hậu thử nghĩ xem. Từ ba đời trước cho tới nay, con cháu Triệu vương tại vị xưng hầu có được ai không?” “Không có!” “Chẳng riêng nước Trịêu, các nước chưa hầu khác cũng đang tính, liệu có còn có ai có thể duy trì gia tộc địa vị quý tộc ba đời không?” “Cũng không có!” Xúc Long nhận thấy những điều mình nói đã thuyết phục được thái hậu, liền khảng khái nói liền một mạch: “Đây gọi là bản thân mình chịu hoạ trước mắt, con cháu mịnh chịu di hoạ sau này. Phàm là kẻ có chút địa vị đều tham vọng con cháu hậu duệ củng cố địa vị ấy. Ấy vậy mà tại làm sao không có ít con cháu các bậc quân vương đều không thể giữ vững địa vị do tổ tiên để lại? Lẽ nào đều do những kẻ hậu thế đều tài hèn sức mọn hay sao? Kỳ thực cũng đâu phải chỉ có vậy, mà là, địa vị tôn quý mà công lao không có, bổng lộc sung mãn mà thành tích thì không. Có địa vị tối cao, được đãi ngộ hậu hĩnh, lại gánh vác trọng trách về sự tồn vong của nước nhà, vậy nên nếu không có một chút công trạng nhỏ nhoi thì liệu có thể tồn tại được lâu không?” Triệu thái hậu gật đầu đồng ý Xúc Long nói tiếp: “Giờ đây thái hậu đã phong Trường An quân tước vị tối cao, lại ban cho thái tử đất đai màu mỡ, còn chưa để thái tử nắm giữ triều chính, nhưng lại không cho thái tử một cơ hội lập công với Triệu quốc. Ngộ nhỡ khi thái hậu trăm tuổi, Trường An quân thái tử không chút công lao, không chút nghiệp tích, vậy sẽ đâu có chỗ dựa để bảo trì cho địa vị của mình? Bởi vậy cho nên lão thần mới thấy thái hậu đối với Trường An quân không có được con mắt nhìn xa trông rộng như đối với Yến Hậu, yêu nam tử có phần kém nữ nhi!” Lúc này Triệu thái hậu đã hoàn toàn tỉnh ngộ. Thế là thái hậu cho lệnh cho 100 cỗ xe đưa Trường An quân tới nước Tề làm con tin, nước Tề liền xuất binh ứng cứu. Và liên quân Tần Yến sau khi đã tiến đánh ba thành ấp, giờ đã phải rút quân khỏi nước Triệu. Nghe xong câu chuyện, Dị Nhân thật lòng mà rằng: “Chu Kiệm, câu chuyện Xúc Long khiến Triệu thái hậu hồi tâm chuyển ý cũng làm động lòng người, khích lệ ta. Giờ ta đã không còn cảm thấy sợ hãi và bi quan quá mức chuyện đến Triệu làm con tin nữa”. Khi những tia nắng bình minh còn đang náu mình yên ắng trong những bụi cỏ khẽ lay động bởi cơn gió cuối hạ, chiếc xe ngựa của Dị Nhân cuối cùng cũng đã lăn bánh vào mảnh đất nước Triệu. Màn đêm bao la giờ đã lùi hẳn về phía sau, vả cả thế gian sáng bừng lên theo những tia nắng bình minh từ những bụi cỏ. Hai bên đường có rất nhiều bờ sông, bờ ao, nơi những vì sao cuối cùng đang sắp tắt hẳn. Từng lớp sương mù đang dần tan loãng ra trên những cánh đồng, thửa ruộng trước buổi ban mai. Qua màn sương mù, thấp thoáng xa xa một thành ấp nhỏ. Dị Nhân lên tiếng: “Đã bao ngày rong ruổi trên đường rồi, ta và ngươi lâu nay chỉ biết ăn gió nằm sương, thức ăn là cây, nhà là đệm cỏ, đợi lát nữa vào thành rồi, phải tìm một lữ điếm hảo hạng mà ăn một bữa, ngủ một giấc cho thoả lòng thoả dạ”. Chu Kiệm nói: “Công tử Dị Nhân, mới đến nước Triệu, tình hình còn chưa rõ hay dở như thế nào. Vì sự an toàn của công tử, xin công tử hãy lên xe ngồi vào chỗ hạ thần, để hạ thần vào trong xe ngồi cầm cờ tiết”. Cờ tiết là một vật trang sức nhỏ, chứng tỏ danh phận của kẻ cầm nó. Xe vừa vào trong thành, Dị Nhân đã nhìn thấy ngay một lữ điếm cờ xí bay rợp, hai người liền đánh ngựa rẽ vào. Chủ nhà dẫn cả hai vào một gian phòng sạch sẽ yên tĩnh. Chu Kiệm và Dị Nhân vội vã rửa chân tay và chuyển các rương hòm trên xe vào phòng. Dị Nhân, Chu Kiệm tay cầm cờ tiết và đao kiếm cảm thấy hơi ngập ngừng giữa thành trì nhỏ xa lạ không lấy gì làm phồn hoa này. Dẫu vậy, một quán rượu rất rộng ngay trước cửa lữ điếm vẫn khiến cả hai bụng đói cồn cào hơn. Dị Nhân và Chu Kiệm bước vào, gọi một bàn đầy thức ăn và cơm, rượu. Dị Nhân nói, đây là lần đầu tiên họ có một bữa ăn thực sự suốt mười mấy ngày qua. Dị Nhân và Chu Kiệm, từng bát rượu đầy, lần lượt uống cạn. Tấm cờ tiết mà họ đặt trên bàn đã thu hút sự chú ý của một khách ăn trong quán. Vị khách ăn này cũng ăn mặc theo kiểu người nước Tần, gương mặt hồng hào, đôi mắt ánh lên vẻ nhanh nhẹn. Người này chính là môn khách của Lã Bất Vi, tên gọi Dương Tử, cũng vừa từ Hàm Dương trở về. Lã Bất Vi phát một số môn khách đến kinh đô của các nước chư hầu lớn để thu thập tình hình kinh tế chính trị đồng thời với việc buôn bán, tiện cho Lã Bất Vi nắm bắt động thái các bên, cao tay phát triển công việc buôn bán của mình. Nghe tiếng Dị Nhân gọi chủ quán mang rượu thịt tới, Dương Tử đoán ngay họ không phải là người ở đây, song cũng hoàn toàn không ngờ rằng đây là một Tần vương tôn đại danh lẫy lừng. Một lát sau, Dương Tử tiến lại hỏi: “Hai vị đây không phải là người nước Triệu đúng không?” Dị Nhân và Chu Kiệm e ngại sinh chuyện phiền phức vội cùng đồng thanh đáp gọn: “Đúng” Dương Tử xoa xoa tay lên lá cờ tiết không muốn rời tay, hỏi: “Nhị vị công tử, các vị nhất định là vương công quý khách của nước chư hầu nào đó!” Chu Kiệm thề thốt: “Không, chúng tôi là thương nhân nước Tần” Dương Tử tự đắc ý, nói: “Thương nhân? Tôi không tin. Chỉ có hoàng thân quốc thích mới có thể cầm cờ tiết chu du thiên hạ” Chu Kiệm giấu diếm nói: “Đây là chúng tôi mua lại từ một vị quan to ở Hàm Dương, chuẩn bị tới buôn bán ở Hàm Đan” Nghe Chu Kiệm nói vậy, Dương Tử rất vui. Mỗi lần ra ngoài mua đồ cho Lã Bất Vi, Lã Bất Vi đều không chú ý, lá cờ tiết màu sắc đẹp đẽ, cán nhẵn này mà mang về thành Hàm Đan, nhất định Lã Bất Vi sẽ rất thích. Nghĩ đến đây, Dương Tử hỏi: “Xin hỏi các vị công tử, lá cờ này bán bao nhiêu tiền?” Chu Kiệm trả lời: “Một nghìn đồng” Dương Tử đáp: “Tôi mua” Quân tử nhất ngôn, bốn ngựa khó đuổi. Chu Kiệm và Dị Nhân sau khi đưa mắt nhìn nhau, ngấm ngầm gật đầu với nhau: bán đi. Dương Tử mua được cờ tiết, vui mừng ra khỏi quán rượu. Anh ta ngẩng đầu nhìn, mặt trời đã treo trên đỉnh đầu. Vị môn khách trẻ tuổi này tiếp tục cuộc hành trình. Túi hàng không nặng lắm được đeo sau gáy, tay cầm cờ tiết, một cảm giác phong lưu tôn quý cứ thế nảy sinh. Ấp thành rất nhỏ, chẳng mấy chốc đã bị Dương Tử bỏ lại sau. Phía trước là một cánh rừng rậm rạp. Con đường nhỏ này, Dương Tử không hề xa lạ. Anh biết, qua cánh rừng này, đi tiếp khoảng mười dặm nữa sẽ đến toà thành, con đường nhỏ này bị những cành lá xanh phủ đầy, nhấc chân lên bị những cành lá mắc vào chân. Giữa lúc ấy, Dương Tử bị vướng lảo đảo. Anh ta bực tức chửi đổng một câu: “Cái cành cây đáng chết này!” “Không phải cây đâu, người đấy!” Một kẻ náu sau một bụi rậm bỗng lao ra, khiến Dương Tử hồn siêu phách lạc. Tay này cao to, tay cầm con dao sáng lạnh toát, sau lưng đeo một cái rọ có vài con rắn thò đầu ra. Dương Tử run lẩy bẩy như chiếc lá bị quật đi quật lại trong gió nói: “Tôi không có tiền”. Người kia cười vẻ lạnh nhạt: “Chẳng lẽ Tần vương tôn nhà các ngươi lại không có tiền!” Dương Tử quay đầu lại hỏi: “Tần vương tôn? Tần vương tôn nào?” Người kia nói: “Ngươi không cần giả ngây giả ngô nữa, ngươi chính là Dị Nhân, cháu của Chiêu Tương Vương đến Hàm Đan làm con tin!” Dương Tử nói: “Ông khách hào phóng ơi, ông nhận lầm người rồi, tôi đúng không phải là Dị Nhân công tử của nước Tần!” Người kia vung dao lên và nói: “Ngươi sắp chết rồi mà còn định giở trò lừa bịp ta ư? Công tử nước Tần là Tử Hề đã nói rõ cho ta biết, người mà trong tay cầm cờ tiết, đi trên con đường này đến thành Hàm Đan thì chính là Dị Nhân!” Dương Tử nói: “Lá cờ này là do ta mua lại từ tay một vị công tử!” Người kia hỏi: “Vậy thì ngươi không phải là Dị Nhân?” Dương Tử trả lời: “Không phải” Người kia bán tín bán nghi hỏi: “Ngươi không phải là Dị Nhân thì là ai?” Dương Tử trả lời: “Là Dương Tử, môn khách trong thành Hàm Đan” Người kia quyết chí đến cùng: “Môn khách? Chủ nhân của ngươi là ai?” Dương Tử trả lời: “Lã Bất Vi” Con dao trong tay người kia lập tứ rơi xuống đất, người đó lẩm bẩm “Lã Bất Vi?” Dương Tử hỏi: “Sao, anh cũng biết ông ấy?” Thực ra người mà chặn đường dùng dao đe doạ Dị Nhân trên chính là Hoàng Phủ Nghĩa. Phạm Tuy, Tử Hề, những người bạn đó đã đi dò la khắp nơi để tìm thích khách, họ gặp Hoàng Phủ Nghĩa, người chuyên dùng rắn để biểu diễn ở thành đô của nước Vệ, bọn họ biết Hoàng Phủ Nghĩa là người võ nghệ cao cường, là người có bản lĩnh, liền mời anh ta đến phủ Tướng quốc ở Hàm Dương, dùng tiền mua chuộc anh ta giết Dị Nhân. Lúc đầu Hoàng Phủ Nghĩa không đồng ý, Tử Hề nói giết Dị Nhân để hắn lên làm thái tử thống lĩnh quân đội tiến vào thành Bộc Dương giết Vệ Nguyên quân, lúc này Hoàng Phủ Nghĩa mới đồng ý làm hiệp khách thích sát Dị Nhân. Lúc rời khỏi thành Hàm Dương, Tử Hề cho Hoàng Phủ Nghĩa biết, Dị Nhân công tử trong tay cầm cờ tiết. Nhưng Hoàng Phủ Nghĩa không hề nghĩ rằng mình nhận nhầm Dương Tử là Dị Nhân. Anh ta nghe Dương Tử là môn khách của Lã Bất Vi, chợt anh cảm thấy rất nhớ người bạn kể từ khi từ biệt đến nay mười mấy năm chưa gặp, và muốn cùng Dương Tử đến Hàm Đan bái kiến Phú Thương. Nhưng chợt nhớ đến sự uỷ thác của Phạm Thư và Tử Hề, anh vẫn chưa lần ra tung tích của Dị Nhân mà đã đến Hàm Đan gặp bạn bè thì không xứng là một đại trượng phu. Dương Tử thấy rằng vừa nói đến Lã Bất Vi mà thái độ của người này đã thay đổi khác thường, liền tiếp tục miêu tả khuếch đại Lã Bất Vi phát tài giàu có như thế nào. Hoàng Phủ Nghĩa quyết định trước hết trở về đi tìm Dị Nhân, anh bèn hỏi Dương Tử địa chỉ của quán rượu vừa rồi và dung mạo của Dị Nhân. Dương Tử miễn cưỡng trả lời: “Quán rượu đó nằm ngay giữa phố, nhưng còn hai vị công tử đó tôi cũng không biết ai là Dị Nhân! Dù sao một người có đôi mắt sáng, còn người kia hai mắt lồi ra như mắt cá vàng. Còn nữa, hai người này có chiều cao không bằng nhau”. Hoàng Phủ Nghĩa chắp tay cúi chào Dương Tử và nói: “Rất xin lỗi đã kinh động đến công tử. Tôi và Lã Bất Vi năm xưa đã từng là bạn của nhau, hiện giờ chịu uỷ thác của người khác, trượng nghĩa hành hiệp, không thể chối bỏ. Xin hãy về nói với chủ nhân của anh rằng, một ngày gần đây tôi sẽ đến Hàm Đan để thăm ông ấy.” Dương Tử nói: “Dám hỏi tôn tính đại danh của hiệp khách?” Hoàng Phủ Nghĩa trả lời: “Người biểu diễn rắn giang hồ”. Hoàng Phủ Nghĩa quay lại quán rượu trong thành, bằng ánh mắt của mình hòng tìm ra hai người có bộ dạng giống như Dương Tử miêu tả trong đám thực khách trong quán. Anh liếc mắt qua một lượt nhưng không phát hiện ra ai là người mà anh muốn tìm. Trong thành ấp bé nhỏ này không có đến mấy quán rượu, nhà trọ, Hoàng Phủ Nghĩa đã bị Dương Tử lừa rồi, anh ta không nhìn thấy ai có đôi mắt sáng hay đôi mắt lồi ra như mắt cá vàng. Anh ta đành phải đến một con đường nhỏ trong rừng nơi mà anh vừa gặp Dương Tử để ngồi đợi. Hoàng Phủ Nghĩa đã bỏ sót chi tiết Dị Nhân và Chu Kiệm cùng đi trên xe. Đúng lúc Hoàng Phủ Nghĩa dò xét ở dịch quán thì Dị Nhân và Chu Kiệm đang khoan thai đi ngắm hoa ở hai bên đường. Hoàng Phủ Nghĩa khổ sở ngồi đợi tại một con đường nhỏ trong rừng, nhưng xe ngựa của Dị Nhân và Chu Kiệm lại khởi hành từ một con đường lớn đến thành Hàm Đan. Hoàng Phủ Nghĩa giờ đây chỉ biết làm bạn với mấy chú rắn và qua đêm một cách phấp phỏng lo âu trên con đường trong rừng này. Sau tất cả những sự việc xảy ra, Hoàng Phủ Nghĩa không tìm được chút gì về manh mối của Dị Nhân, anh đành tự nhủ: “Chỉ có thể đến thành Hàm Đan mới tìm thấy”.