Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân
Bàn về cuốn sách của V. Ê. Pô-xtơ-ni-cốp:
"Kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga"
IV

Những số liệu trên kia khiến cho chúng ta có thể thấy rõ rằng Pô-xtơ-ni-cốp đã hoàn toàn chứng minh luận điểm của ông về "tính hết sức nhiều hình nhiều vẻ" trong tình hình kinh tế của các nông hộ. Không những chỉ mức độ khá giả của nông dân và diện tích ruộng đất gieo trồng của họ mới mang tính hết sức nhiều hình nhiều vẻ đó, mà thậm chí cả tính chất của doanh nghiệp trong các loại hộ cũng mang tính chất ấy nữa. Và thế cũng chưa phải là đã hết. Rõ ràng là những thuật ngữ "tính nhiều hình nhiều vẻ", "sự phân hoá" cũng không đủ để hoàn toàn nói rõ lên được đặc điểm của hiện tượng. Người nông dân này có 1 súc vật cày kéo, còn người kia lại có 10 con, thì chúng ta gọi hiện tượng đó là sự phân hoá, nhưng nếu người này đã có phần ruộng được chia đủ sống rồi, lại còn thuê thêm hàng chục đê-xi-a-tin ruộng đất nữa nhằm mục đích duy nhất là canh tác để rút ra được một món thu nhập, và như vậy là anh ta đã làm cho một nông dân khác không thuê được ruộng đất cần thiết cho gia đình sống, thì như thế rõ ràng là chúng ta đứng trước một cái gì nghiêm trọng hơn, chúng ta phải gọi một hiện tượng như vậy là một "sự bất hoà" (tr. 323), một "cuộc đấu tranh về quyền lợi kinh tế" (tr. XXXII). Khi dùng những thuật ngữ đó, Pô-xtơ-ni-cốp đã không đánh giá đầy đủ ý nghĩa quan trọng của những thuật ngữ đó; ông cũng không nhận thấy rằng bản thân những thuật ngữ ấy cũng không đủ. Thuê phần ruộng được chia của loại hộ bị bần cùng hoá trong dân cư, mướn người nông dân không còn ruộng đất để canh tác nữa, như thế không phải chỉ là sự bất hoà không thôi, mà là bóc lột trực tiếp. Đã thừa nhận tình trạng bất hoà về kinh tế sâu sắc trong nông dân hiện nay, thì chúng ta không thể chỉ chia nông dân ra thành một vài tầng lớp, theo mức tài sản của
họ được. Nếu tất cả tính nhiều hình nhiều vẻ nói trên đây chỉ là những sự khác nhau về lượng thôi, thì chia như vậy là đủ. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nếu đối với một bộ phận nông dân này, mục đích của nghề nông là lợi nhuận thương nghiệp, và kết quả của nghề nông là một món thu nhập lớn bằng tiền mặt, còn đối với một bộ phận nông dân khác thì nghề nông không thoả mãn được ngay cả những nhu cầu cần thiết của gia đình; nếu những loại nông dân hạng trên dựa vào sự phá sản của những loại hạng dưới mà cải thiện doanh nghiệp của mình; nếu nông dân khá giả dùng nhiều lao động làm thuê, còn nông dân nghèo buộc phải bán sức lao động của mình,  thì thật không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả những hiện tượng đó là những sự khác nhau về chất, cho nên nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là phải căn cứ vào những sự khác nhau trong chính ngay tính chất của doanh nghiệp (nói tính chất của doanh nghiệp có nghĩa là nói những đặc điểm kinh tế, chứ không phải những đặc điểm kỹ thuật) mà phân loại nông dân.
Pô-xtơ-ni-cốp đã quá ít chú ý đến những sự khác nhau nói sau đó, bởi vậy dù ông thừa nhận là cần phải "phân chia một cách tổng quát hơn nông dân thành mấy loại" (tr. 110), và đã thử phân loại như vậy, thì như chúng ta sẽ thấy, ông cũng không hoàn toàn thành công trong việc làm thử đó.
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Để phân chia một cách tổng quát hơn nông dân thành mấy loại kinh tế, chúng tôi dùng một tiêu chuẩn khác; tiêu chuẩn này, tuy không phải là ở bất cứ doanh nghiệp nào cũng có cùng một ý nghĩa kinh tế, nhưng lại thích hợp với cách phân loại mà bản thân nông dân cũng dùng, và cách phân loại đó cũng đã được những nhà thống kê của các hội đồng địa phương dùng cho tất cả các huyện. Sự phân loại đó là căn cứ vào mức độ độc lập của chủ hộ trong việc kinh doanh của mình, căn cứ vào số súc vật cày kéo của chủ hộ" (tr. 110).
"Hiện nay, có thể căn cứ vào mức độ độc lập kinh tế của chủ hộ, đồng thời căn cứ vào phương thức kinh doanh, mà phân nông dân miền Nam nước Nga thành ba loại chủ yếu:
1) Những chủ hộ có đủ bộ súc vật cày kéo và nông cụ,
nghĩa là có một chiếc cày có đủ phụ tùng cần thiết hay một
công cụ thay thế được cày, dùng súc vật cày kéo của mình để làm công việc đồng áng mà không thuê súc vật cày kéo và không dùng chung súc vật cày kéo và nông cụ với nông dân khác10. Những chủ hộ đó có 2 hay 3 cặp súc vật cày kéo hay nhiều hơn nữa để kéo cày hay cày xới đất, và do đó mỗi hộ cũng có 3 lao động thành niên, hay tối thiểu cũng có 2 lao động thành niên và một nửa lao động.
2) Những chủ hộ không có đủ bộ súc vật cày kéo và nông cụ, hoặc phải dùng chung súc vật cày kéo hay nông cụ với nông dân khác để làm công việc đồng áng, vì không có đủ bộ súc vật cày kéo và nông cụ riêng của mình để tự cày lấy. Những chủ hộ đó có một cặp súc vật cày kéo hay 1 1/2 súc vật cày kéo và trong một số trường hợp còn có đến 2 cặp, và tương ứng với số súc vật đó thì có một hay hai lao động thành niên. Khi đất rắn, mà phải dùng đến ba cặp súc vật cày kéo để kéo cày (hay cày xới đất), thì những chủ hộ đó buộc phải dùng chung súc vật cày kéo, ngay cả khi họ đã có được 2 cặp súc vật cày kéo cũng vậy.
3) Những chủ hộ không có súc vật cày kéo hoặc "đi bộ", hoàn toàn không có súc vật cày kéo hay chỉ có độc một con (phần lớn chỉ có một con ngựa, vì thông thường người ta nuôi bò theo từng cặp và chỉ đóng bò từng cặp một). Họ thuê súc vật cày kéo để làm, hoặc đem cho làm rẽ ruộng đất đi và hoàn toàn không gieo trồng.
Chính bản thân nông dân cũng quen phân loại như thế, căn cứ vào một tiêu chuẩn kinh tế cơ bản trong đời sống nông dân, tức là căn cứ vào số lượng súc vật cày kéo và phương thức dùng súc vật cày kéo. Nhưng sự phân loại đó, dù trong phạm vi mỗi loại hộ đã nói ở trên cũng như giữa cùng những loại hộ đó với nhau, thì cũng khác nhau nhiều" (tr. 121).
Tác giả nói: "ở miền Nam nước Nga, loại những chủ hộ có súc vật cày kéo và nông cụ trọn bộ thì cũng rất khác nhau: bên cạnh những nông dân khá giả, có đầy đủ súc vật cày kéo và nông cụ lớn trọn bộ, thì cũng có những nông dân nghèo hơn có ít súc vật cày kéo và nông cụ nhỏ trọn bộ. Trong loại có nhiều súc vật, lại chia thành loại có đủ bộ (6 - 8 súc vật cày kéo) và loại có không đủ bộ (4 - 6 con)... Loại hộ "đi bộ" cũng rất khác nhau về mức độ no đủ" (tr. 124).
Cách phân loại mà Pô-xtơ-ni-cốp đã dùng, còn có điều bất tiện này nữa là: như trên kia đã nói, thống kê của các hội đồng địa phương đã phân loại dân cư, không căn cứ vào số súc vật cày kéo mà lại căn cứ vào diện tích gieo trồng rộng hay hẹp. Vì thế, để có thể nói lên một cách chính xác tình hình tài sản của các loại hộ thì cần phải dùng cách phân loại theo diện tích gieo trồng.
Theo tiêu chuẩn đó, Pô-xtơ-ni-cốp cũng chia dân cư ra làm ba loại: những chủ hộ có ít diện tích gieo trồng? có 10 đê-xi-a-tin trở lại, hay không gieo trồng gì cả; những chủ hộ có diện tích gieo trồng trung bình? từ 10 đến 25 đê-xi-a-tin; những hộ có nhiều diện tích gieo trồng? mỗi hộ có trên 25 đê-xi-a-tin. Tác giả gọi loại thứ nhất là "loại nghèo", loại thứ hai là loại trung, loại thứ ba là loại khá giả. Về số lượng của những loại đó, Pô-xtơ-ni-cốp nói:
"Nói chung, trong nông dân Ta-vrích (không kể những di dân) thì số hộ có nhiều diện tích gieo trồng chiếm khoảng 1/6 tổng số hộ; số hộ có diện tích gieo trồng trung bình thì chiếm gần 40%, và số hộ có ít hay không có diện tích gieo trồng chiếm trên 40% tổng số hộ một chút. Nhưng so với toàn bộ dân cư thuộc tỉnh Ta-vrích (nghĩa là tính cả những di dân nữa) thì số hộ có nhiều diện tích gieo trồng là 1/5 dân số, tức là chừng 20%; số hộ có diện tích gieo trồng trung bình, là 40%; và số hộ có ít hay không có diện tích gieo trồng là vào khoảng 40%" (tr. 112).
Xem thế thì thấy nếu cộng thêm cả những người Đức vào nữa, tình hình phân loại cũng không khác đi mấy chút, thành thử sử dụng những số liệu tổng quát về toàn huyện cũng không sai.
Bây giờ, nhiệm vụ của chúng ta là phải nói lên được một cách hết sức chính xác tình hình kinh tế của riêng từng loại hộ một, và do đó cố gắng giải thích mức độ và những nguyên nhân của những bất hoà về mặt kinh tế trong nông dân.
Pô-xtơ-ni-cốp không đề ra cho mình nhiệm vụ làm như vậy; cho nên những số liệu ông dẫn ra thì rất tản mạn, và bình luận chung của ông về các loại hộ là không được rõ ràng lắm.
Chúng ta bắt đầu từ loại hộ hạng dưới, tức là loại nghèo, loại bao gồm 2/5 dân số trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích.
Muốn biết loại đó nghèo đến mức nào thì tốt nhất nên xem số súc vật cày kéo (tức là công cụ chủ yếu để sản xuất trong nông nghiệp) của họ. Tính ba huyện thuộc tỉnh Ta-vrích thì trong tổng số súc vật cày kéo 263 589 con, loại hộ hạng dưới chỉ có 43 625 (tr. 117), nghĩa là chỉ có 17%, tức là 2 1/3 lần ít hơn loại hộ hạng trung. Trên kia, chúng ta kể ra những số liệu về tỷ lệ phần trăm những hộ không có súc vật cày kéo (80% - 48% - 12% ở 3 nhóm thuộc loại hộ hạng dưới). Căn cứ vào những số liệu đó, Pô-xtơ-ni-cốp kết luận rằng: "Chỉ có trong các loại hộ không có diện tích gieo trồng hay có 10 đê-xi-a-tin trở lại mỗi hộ thì tỷ lệ những chủ hộ không có súc vật cày kéo riêng của mình, mới lớn thôi" (tr. 135). Diện tích gieo trồng của loại đó thì tương ứng với số súc vật cày kéo: loại này gieo trồng 146 114 đê-xi-a-tin ruộng đất của mình trong tổng số 962 933 đê-xi-a-tin (của ba huyện), tức là 15%. Nếu kể cả ruộng đất họ thuê nữa thì số ruộng đất họ gieo trồng lên đến 174 496 đê-xi-a-tin, nhưng vì trong khi đó, số diện tích gieo trồng của các nhóm khác cũng tăng lên và lại tăng lên nhiều hơn mức tăng trong loại hộ hạng dưới, nên kết quả là diện tích gieo trồng của loại hộ hạng dưới chỉ là 12% tổng số diện tích gieo trồng thôi, như thế có nghĩa là trên 3/8 dân số chỉ có được 1/8 tổng số diện tích gieo trồng. Nếu chúng ta nhớ lại rằng tác giả lấy chính diện tích gieo trồng trung bình của người nông dân Ta-vrích làm diện tích tiêu chuẩn (nghĩa là đủ để thoả mãn mọi nhu cầu của gia đình) thì cũng dễ thấy được rằng với một diện tích gieo trồng 3 1/3 lần ít hơn diện tích trung bình, loại hộ đó đã bị thiệt thòi đến như thế nào.
Hoàn toàn tự nhiên là trong những điều kiện như thế, thì kinh tế nông nghiệp của loại đó ở vào một tình trạng hết sức buồn thảm: trên kia chúng ta đã thấy rằng từ 33% đến 39% dân cư trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích? tức là tuyệt đại đa số các hộ thuộc loại hạng dưới? hoàn toàn không có nông cụ. Không có nông cụ nên nông dân buộc phải bỏ ruộng đất và đem phần ruộng được chia của mình cho thuê đi: Pô-xtơ-ni-cốp ước tính số người cho thuê ruộng đất đó (kinh tế của họ rõ ràng đã hoàn toàn suy sụp rồi) là khoảng độ 1/3 dân cư, như thế lại cũng có nghĩa là số người đó là tuyệt đại đa số của loại hộ nghèo. Nhân tiện, chúng tôi cũng lưu ý rằng hiện tượng "bán" những phần ruộng được chia như thế (đây là nói theo cách nông dân thường nói) đã được cơ quan thống kê của các hội đồng địa phương xác nhận rằng đâu đâu cũng có và có trên một quy mô rất lớn. Những báo chí đã nêu lên hiện tượng đó, cũng đã phát minh ra được một phương pháp để chống lại hiện tượng đó, là: đề nghị cấm không được đem nhượng phần ruộng được chia. Pô-xtơ-ni-cốp hoàn toàn có lý khi bác bỏ tính hiện thực của những biện pháp như thế, những biện pháp đó chứng tỏ rằng những kẻ phát minh ra những biện pháp đó đã tin tưởng một cách hoàn toàn quan liêu vào sức mạnh của những mệnh lệnh của chính quyền. Ông nói: "Chắc chắn rằng chỉ cấm không cho đem cho thuê ruộng đất không thôi, thì không xoá bỏ được hiện tượng đó, nó đã ăn rễ quá sâu vào chế độ kinh tế hiện nay của đời sống nông dân. Người nông dân không có cả nông cụ lẫn tiền cần thiết để tự mình canh tác thì người nông dân đó thực tế không thể sử dụng phần ruộng được chia của mình được và phải đem cho những nông dân khác thuê vì những người này có phương tiện để canh tác. Tuyệt đối cấm không được đem ruộng đất cho thuê thì người ta sẽ cho thuê một cách giấu giếm, không kiểm tra được, và chắc chắn là người cho thuê phải cho thuê với những điều kiện tệ hơn bây giờ, vì người này thế nào cũng phải cho thuê ruộng đất của mình đi. Sau nữa, để trả số tiền thuế mà nông dân còn chịu thì thường thường là toà án nông thôn11 đứng ra làm trung gian để cho thuê phần ruộng được chia của nông dân, mà các cho thuê như thế là cách ít có lợi nhất cho những nông dân nghèo" (tr. 140).
Kinh tế của toàn thể các hộ nghèo đang hoàn toàn suy sụp.
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Về thực chất mà nói thì những chủ hộ không gieo trồng và những chủ hộ gieo trồng ít, phải canh tác ruộng đất của mình bằng súc vật cày kéo thuê của người khác, thì không khác nhau nhiều về mặt tình cảnh kinh tế. Loại thứ nhất đem toàn bộ ruộng đất của mình cho dân trong làng thuê; loại thứ hai chỉ cho thuê một phần thôi, nhưng cả hai đều hoặc là làm cố nông cho những người cùng làng với mình, hoặc là vẫn ở trên mảnh đất của mình nhưng phải đi tìm những khoản kiếm thêm ở nơi khác, mà phần lớn đó là những việc làm thuộc nghề nông. Chính vì thế có thể gộp cả hai loại đó? loại không gieo trồng gì cả, và loại gieo trồng ít? làm một mà xét. Cả hai loại đó đều là những chủ hộ đã mất doanh nghiệp của mình, phần lớn đã phá sản hay sắp phá sản, không có súc vật cày kéo và nông cụ cần thiết để canh tác" (tr. 135).
Dưới đó một chút, Pô-xtơ-ni-cốp lại nói: "Nếu phần lớn những hộ không có doanh nghiệp và không gieo trồng gì đều là những hộ phá sản thì những hộ gieo trồng ít và cho thuê ruộng đất của mình đi, cũng sắp sửa rơi vào loại thứ nhất thôi. Hễ mất mùa nặng, hay bị tai nạn như cháy nhà, ngựa chết, v.v., là một phần những chủ hộ trong loại này liền rơi xuống thành loại những hộ không có doanh nghiệp và thành công nhân nông nghiệp. Vì một nguyên nhân nào đó mà mất súc vật cày kéo, là chủ hộ đó liền bắt đầu rơi vào cảnh suy sụp. Việc canh tác bằng súc vật cày kéo thuê của người khác là một việc rất có tính chất may rủi, không có quy củ và thường buộc người ta phải giảm diện tích gieo trồng đi. Những quỹ cho vay và tiết kiệm ở địa phương và những người cùng làng không cho những nông dân như thế vay một món nào cả [tác giả chú thích: "trong các huyện ở Ta-vrích thì những làng lớn có rất nhiều những quỹ cho vay và quỹ tiết kiệm, hoạt động nhờ vào tiền vay của Ngân hàng quốc gia, nhưng chỉ những chủ hộ khá giả hoặc sung túc mới vay tiền được của những quỹ ấy thôi"]; thường thường thì họ phải vay với những điều kiện ngặt nghèo hơn những nông dân "có khả năng". Nông dân nói: "họ không có một đồng xu dính túi thì cho họ vay làm sao được?". Một khi đã mắc công mắc nợ rồi thì hễ gặp vận rủi, là người nông dân đó mất ngay cả ruộng đất nữa, nhất là nếu anh ta không đóng đủ thuế" (tr. 139).
Do chỗ tác giả thậm chí đã cự tuyệt không giải đáp cho ta thấy nền kinh tế của nông dân thuộc loại nghèo ở vào tình trạng nào, nên chúng ta càng thấy được rõ hơn nữa mức độ suy sụp của nền kinh tế đó. Ông nói: trong những nông hộ gieo trồng mỗi hộ 10 đê-xi-a-tin trở lại thì "nghề nông ở vào những điều kiện quá bấp bênh, nên không thể dùng những phương pháp nhất định để nói lên đặc trưng của nó được" (tr. 278).
Trên đây, đã kể ra rất nhiều số liệu nêu rõ đặc trưng của nền kinh tế nông dân thuộc loại hộ hạng dưới, nhưng như thế cũng còn hoàn toàn chưa đủ: những đặc trưng đó hoàn toàn chỉ là những đặc trưng phản diện thôi, mà lẽ ra thì nhất định cũng phải có những đặc trưng chính diện nữa. Cho đến nay, chúng ta chỉ nghe nói rằng không thể xếp những nông dân thuộc loại ấy vào loại những nông hộ độc lập, vì nghề nông của họ đã hoàn toàn suy sụp; sau nữa vì diện tích gieo trồng hết sức thiếu, và cuối cùng vì họ làm nghề nông một cách không có quy củ: "Chỉ những chủ hộ khá giả và có đủ hạt giống mới có thể tiến hành canh tác một cách tương đối có quy củ,? những nhà thống kê đã nói như vậy, khi họ mô tả tình hình huyện Ba-khơ-mút,? còn những nông dân nghèo thì có gì gieo nấy, không chọn nơi gieo và phương pháp gieo" (tr. 278). Nhưng sự tồn tại của toàn bộ cái khối nông dân thuộc loại dưới đó (trên 30 000 hộ và trên 200 000 người, cả nam lẫn nữ, trong 3 huyện ở Ta-vrích) không thể là một hiện tượng ngẫu nhiên được. Nếu họ không sống dựa vào doanh nghiệp của bản thân họ thì họ sống bằng cái gì? Chủ yếu là sống bằng cách bán sức lao động. Như trên kia chúng ta đã thấy, Pô-xtơ-ni-cốp đã nói rằng những nông dân thuộc loại hộ ấy sống bằng nghề làm công nhân nông nghiệp và bằng những khoản kiếm thêm. Vì miền Nam hầu như hoàn toàn không có công nghiệp, nên phần lớn những khoản kiếm thêm đó là do làm trong nông nghiệp mà có, và do đó chỉ là do lao động làm thuê trong nông nghiệp mà có thôi. Muốn chứng minh được tỉ mỉ hơn rằng chính việc bán lao động là đặc điểm chủ yếu của nền kinh tế của nông dân thuộc loại hộ hạng dưới thì bây giờ chúng ta hãy xét loại hộ đó, theo đúng cách phân loại trong thống kê của các hội đồng địa phương. Không cần phải nói đến những chủ hộ không gieo trồng gì cả: đó hoàn toàn chỉ là những công nhân nông nghiệp thôi. Hạng thứ hai bao gồm những nông dân gieo trồng mỗi hộ 5 đê-xi-a-tin trở lại (trung bình là 3,5 đê-xi-a-tin). Theo cách phân chia nói trên kia, tức là phân chia diện tích gieo trồng thành diện tích kinh doanh, diện tích trồng thức ăn cho súc vật, diện tích lương thực và diện tích thương phẩm thì chúng ta thấy rằng số diện tích gieo trồng như vậy là hoàn toàn không đủ. Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Trong diện tích gieo trồng của loại hộ thứ nhất, tức là loại gieo trồng mỗi hộ 5 đê-xi-a-tin trở lại thì không có diện tích thị trường, tức là diện tích thương phẩm; loại hộ này sở dĩ sống được là nhờ có thêm những khoản kiếm thêm, bằng cách đi làm thuê làm mướn hay bằng những phương pháp khác" (tr. 319). Như thế là còn loại hộ cuối cùng, tức là loại các hộ gieo trồng mỗi hộ từ 5 đến 10 đê-xi-a-tin. Một câu hỏi đặt ra là: trong nông dân thuộc loại ấy thì tỷ lệ giữa việc độc lập canh tác nông nghiệp với "những khoản kiếm thêm", là bao nhiêu? Muốn trả lời câu hỏi đó một cách chính xác, cần phải biết vài loại bảng chi thu điển hình của nông dân thuộc loại ấy. Pô-xtơ-ni-cốp hoàn toàn thừa nhận rằng những số liệu về bảng chi thu là cần thiết và quan trọng, nhưng ông cho biết rằng "thu thập được những số liệu như vậy là điều hết sức khó, mà trong nhiều trường hợp, lại là điều hoàn toàn không thể làm được đối với các nhà thống kê" (tr. 107). Chúng ta rất khó đồng ý với điểm nhận xét sau, vì những nhà thống kê ở Mát-xcơ-va đã thu thập được một số bảng chi thu hết sức có ý nghĩa và chi tiết (xem "Tập tài liệu thống kê về tỉnh Mát-xcơ-va". Phần thống kê kinh tế, Tt. VI và VII); bản thân tác giả cũng cho biết là trong một số huyện thuộc tỉnh Vô-rô-ne-giơ, người ta cũng đã thu thập được những số liệu về chi thu của từng hộ.
Rất đáng tiếc là những số liệu của bản thân Pô-xtơ-ni-cốp về những bảng chi thu lại hết sức không đầy đủ: ông dẫn ra 7 bảng chi thu của dân di cư người Đức, mà lạichỉ dẫn ra có một bảng chi thu của một nông dân Nga thôi, hơn nữa tất cả các bảng chi thu đó lại là của những hộ
gieo trồng nhiều (diện tích gieo trồng minimum của người nông dân Nga là 39 1/2 đê-xi-a-tin) nghĩa là của những người thuộc vào các loại mà, căn cứ vào số liệu thống kê của các hội đồng địa phương, ta có thể thấy khá rõ tình hình kinh tế của loại đó. Tỏ ý tiếc là "trong khi đi công cán", ông đã "không thu thập được nhiều bảng chi thu của nông dân", Pô-xtơ-ni-cốp nói rằng, "nói chung thì xác định chính xác những bảng chi thu đó là một điều khó khăn. Dân cư ở Ta-vrích cung cấp khá thành thật những tài liệu về tình hình kinh tế của mình, song bản thân họ phần nhiều lại không nhớ rõ con số chi thu chính xác của họ. Nông dân nhớ khá chính xác tổng số chi hay những món chi thu lớn nhất của họ, song hầu như không bao giờ họ nhớ được những con số chi tiết" (tr. 288). Nhưng tốt nhất là nên thu thập lấy một vài bảng chi thu, mặc dù trong những bảng này không có những chi tiết nhỏ, còn hơn làm như tác giả là thu thập "đến 90 đoạn mô tả có tính chất bình luận" về tình hình kinh tế, mà tình hình đó thì ta đã thấy khá rõ qua các số liệu điều tra của các hội đồng địa phương về từng hộ.
Vì không có những bảng chi thu, nên chúng ta chỉ có những số liệu thuộc hai loại để xác định tính chất của nền kinh tế của loại hộ chúng ta xét: thứ nhất là những con số tính toán của Pô-xtơ-ni-cốp về diện tích gieo trồng cần thiết để nuôi sống một gia đình bậc trung; thứ hai là những số liệu về việc phân chia diện tích gieo trồng thành 4 phần và về số chi trung bình hàng năm về tiền của mỗi hộ nông dân ở các vùng khác nhau.
Căn cứ vào những con số tính toán tỉ mỉ số đê-xi-a-tin gieo trồng cần thiết để nuôi sống một gia đình, cần thiết cho gieo giống và cho thức ăn của súc vật, Pô-xtơ-ni-cốp kết luận dứt khoát như sau:
"Một gia đình đông vừa phải và giàu vừa phải, chỉ sống bằng nghề nông không thôi và chi thu thăng bằng, thì trong điều kiện sản lượng thu hoạch trung bình, phải có,? trong tổng số diện tích gieo trồng của mình,? 4 đê-xi-a-tin để cung cấp lương thực cho 61/2 nhân khẩu trong gia đình,
4 1/2 đê-xi-a-tin trồng thức ăn cho 3 ngựa kéo, 1 1/2 đê-xi-a-tin để gieo giống và từ 6 đến 8 đê-xi-a-tin để cung cấp ngũ cốc bán ra thị trường, như thế tổng cộng là phải có từ 16 đến 18 đê-xi-a-tin diện tích gieo trồng....Nông dân hạng trung ở Ta-vrích có mỗi hộ chừng 18 đê-xi-a-tin diện tích gieo trồng, nhưng 40% dân số 3 huyện thuộc tỉnh Ta-vrích lại chỉ có mỗi hộ I0 đê-xi-a-tin trở lại thôi, mà nếu họ vẫn cứ làm nghề nông, chính chỉ là vì một phần thu nhập của họ có được là do những khoản kiếm thêm và do cho những người khác thuê ruộng đất của mình. Tình hình kinh tế của bộ phận dân cư ấy thì không bình thường, bấp bênh, vì trong phần lớn trường hợp, bộ phận đó không có dự trữ để phòng những năm đói kém" (tr. 272).
Do chỗ diện tích gieo trồng trung bình trong loại hộ đó là 8 đê-xi-a-tin mỗi hộ, tức là chưa bằng một nửa diện tích cần thiết (17 đê-xi-a-tin), nên chúng ta có thể kết luận rằng nông dân thuộc loại đó kiếm phần lớn thu nhập của họ là nhờ vào "những khoản kiếm thêm", nghĩa là nhờ đã bán sức lao động của mình đi.
Một cách tính khác: theo những số liệu của Pô-xtơ-ni-cốp về sự phân bố diện tích gieo trồng, thì trong số 8 đê-xi-a-tin diện tích gieo trồng, 0,48 đê-xi-a-tin sẽ được dành để sản xuất hạt giống; 3 đê-xi-a-tin để trồng thức ăn cho súc vật ( trong loại này, mỗi hộ có 2 súc vật cày kéo, chứ không phải 3); 3,576 đê-xi-a-tin để sản xuất lương thực cho gia đình (số nhân khẩu cũng ít hơn số nhân khẩu trung bình: gần 5 1/2 người, chứ không phải 6 1/2), thành thử còn lại một diện tích thương phẩm chưa đầy 1 đê-xi-a-tin (0,944), mà tác giả ước tính là diện tích đó sẽ mang lại một thu nhập là 30 rúp. Nhưng số tiền mà người nông dân Ta-vrích phải chi, lại lớn hơn số 30 rúp đó rất nhiều. Tác giả nói rằng thu nhập những số liệu về số tiền chi thì dễ hơn nhiều so với việc thu nhập những số tiền về các bảng thu chi, vì bản thân nông dân thường luôn luôn tính toán số chi của mình. Theo những tính toán đó thì thấy rằng:"Nông dân Ta-vrích ước tính là một gia đình nhân khẩu vừa phải, nghĩa là gồm có người chồng lao động, vợ và 4 đứa con kể cả nhỏ lẫn lớn, nếu canh tác ruộng đất của chính mình  ví dụ, vào khoảng 20 đê-xi-a-tin  mà không cần phải thuê thêm ruộng đất nữa, thì mỗi năm số chi cần thiết bằng tiền là 200 - 250 rúp. Số tiền 150 - 180 rúp được coi là số tiền tối thiểu mà một gia đình nhỏ phải chi, nếu gia đình đó ăn tiêu dè xẻn về mọi thứ. Không thể có một số thu nhập dưới số đó, vì hai vợ chồng người lao động trong vùng này đi làm thuê thì kiếm được mỗi năm 120 rúp, mà lại được ăn ở không mất tiền, và không phải chi gì về việc nuôi dưỡng súc vật và bảo quản nông cụ, v.v., đồng thời họ lại còn có thể được những "món phụ" nhờ đã cho nông dân cùng làng thuê ruộng đất" (tr.289). Vì loại hộ mà chúng ta đang xét đây là loại thấp hơn loại trung bình nên chúng ta chọn số tiền chi tối thiểu chứ không chọn số chi trung bình, và thậm chí chọn con số 150 rúp, tức là số thấp hơn minimum và số tiền ấy phải "kiếm thêm". Nếu tính theo cách ấy thì việc canh tác của bản thân người nông dân thuộc loại hộ đó mang lại một số tiền là (30+87,5°=) 117,5 rúp mà bán sức lao động thì được 120 rúp. Do đó, chúng ta vẫn lại thấy rằng việc canh tác nông nghiệp độc lập của nông dân thuộc loại đó chỉ có thể đáp ứng được gần một nửa số chi tối thiểu cho họ thôi °°.
Cứ theo tất cả những số liệu đó thì chúng ta có thể cho rằng doanh nghiệp của nông dân thuộc loại đó là vững vàng nhất: nông dân dựa vào đó mà đủ trang trải các khoản chi tiêu; họ lao động chỉ để thoả mãn những nhu cầu cần thiết bậc nhất của họ thôi, chứ không phải để kiếm thu nhập.
Thực ra, chúng ta lại thấy trái hẳn lại: đặc điểm của doanh nghiệp của những nông dân thuộc nhóm đó là rất bấp bênh.
Trong loại ấy, cái đầy đủ trước tiên là diện tích gieo trồng trung bình  16 đê-xi-a-tin. Bởi vậy những chủ hộ có từ 10 đến 16 đê-xi-a-tin ruộng đất gieo trồng thì không thể trông vào nghề nông mà đủ chi tiêu được, nên cũng phải đi tìm những khoản kiếm thêm. Theo con tính ước chừng đã dẫn ở trên của Pô-xtơ-ni-cốp thì thấy rằng loại đó đã thuê 2 846 công nhân, nhưng số người thuộc loại đó phải đi làm thuê lại là 3 389, nghĩa là trội lên 543 người. Như thế là đời sống của chừng nửa số nông hộ loại đó không được bảo đảm hoàn toàn.
Sau nữa, trong loại đó, mỗi hộ có 3,2 súc vật cày kéo, nhưng, như trên kia chúng ta đã biết, phải cần đến 4 con. Như vậy là một bộ phận lớn thuộc loại đó không có đủ súc vật để canh tác ruộng đất, mà phải dùng chung súc vật cày kéo với người khác. Số những nông dân thuộc loại hộ đó phải dùng chung súc vật cày kéo với người khác, cũng không dưới 1/2: có thể nghĩ như vậy được, vì tổng số những hộ có đủ sức kéo là vào khoảng 40%, trong số này thì 20% là thuộc loại khá giả; còn 20% là thuộc loại hạng trung, thành thử ít ra thì 1/2 số hộ trong loại hạng trung không có sức kéo. Pô-xtơ-ni-cốp không đưa ra con số chính xác về số nông dân trong loại đó phải dùng chung súc vật cày kéo.
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Căn cứ vào định luật lực học là sức kéo của 3 con ngựa đóng chung với nhau thì không lớn hơn 3 lần sức kéo của một con ngựa, cho nên tiêu chuẩn diện tích canh tác của những hộ dùng chung súc vật cày kéo phải thấp hơn [so với tiêu chuẩn diện tích canh tác của những nông dân canh tác bằng súc vật của chính mình]. Trong số những người dùng chung súc vật, ai có một chiếc cày xới đất thì được cày thêm một đê-xi-a-tin nữa, ví dụ, một người thì được 10 đê-xi-a-tin còn người kia thì được 11 đê-xi-a-tin, hoặc người không có cày xới đất phải chịu tất cả mọi chi phí sửa chữa trong thời kỳ làm công việc đồng áng. Trong trường hợp số súc vật không đều nhau thì cũng vậy: người này được cày thêm một buổi, v. v.. Tại làng Ca-men-ca, người có cày xới đất được lấy từ 3 đến 6 rúp tiền mặt trong vụ xuân. Những nông dân góp chung súc vật cày kéo, nói chung thường hay xích mích với nhau luôn.] Như thế là phải mất một thời gian mới thoả thuận với nhau được, thế mà đôi khi chưa hết mùa, sự thoả thuận ấy đã lại tan vỡ rồi. Có những trường hợp mà những người có súc vật dùng chung thiếu ngựa để bừa, thế là họ tháo ngựa của họ ra khỏi cày: một số ngựa đi chở nước, còn một số đi bừa. Người ta có nói với tôi rằng ở làng I-u-dơ-cu-i những nông dân dùng chung súc vật thì thường thường là mỗi ngày không cày được quá một đê-xi-a-tin, như thế là cày ít hơn tiêu chuẩn hai lần" (tr. 233).
Đã thiếu súc vật cày kéo, họ lại còn thiếu cả nông cụ nữa. Theo biểu đồ đã dẫn ra trên kia về số nông cụ của mỗi hộ trong từng loại hộ một, chúng ta thấy rằng trong loại hộ hạng trung, tại mỗi huyện, mỗi hộ có ít nhất là một nông cụ. Nhưng thực ra thì ngay trong phạm vi một loại hộ, sự phân bố nông cụ cũng không được đồng đều. Tiếc rằng Pô-xtơ-ni-cốp không cung cấp số liệu về vấn đề đó, nên chúng ta phải dùng đến những tập tài liệu thống kê của các hội đồng địa phương. Trong huyện Đni-ép-rơ, trong số 8 227 hộ thì 1808 hộ hoàn toàn không có nông cụ; trong huyện Mê-li-tô-pôn, trong số 13 789 hộ thì 2 954 hộ không có nông cụ, Trong huyện Đni-ép-rơ thì tỷ lệ hộ không có nông cụ là 21,9%, trong huyện Mê-li-tô-pôn là 21,4%. Rõ ràng là về mặt tình hình kinh tế thì những chủ hộ không có nông cụ gần với những chủ hộ thuộc loại dưới, còn những chủ hộ có mỗi hộ trên một nông cụ thì lại gần với những chủ hộ thuộc loại hạng trên. Số hộ không có cày lại còn lớn hơn nữa: 32,5% trong huyện Đni-ép-rơ, và 65,5% trong huyện Mê-li-tô-pôn. Cuối cùng, những hộ thuộc loại ấy lại chỉ có máy gặt lúa mì (những máy gặt này có một tầm quan trọng rất lớn trong nền kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga, vì ở đây thiếu công nhân gặt tay và ruộng đất thì rộng13, làm cho thời kỳ thu hoạch kéo dài trong cả hàng tháng) với một số lượng không đáng kể: trong huyện Đni-ép-rơ tất cả các hộ thuộc loại ấy chỉ có tất cả 20 máy cắt cỏ và máy gặt (400 hộ mới có 1 chiếc); trong huyện Mê-li-tô-pôn 178 1/2 chiếc (700 hộ mới có 1 chiếc).
Pô-xtơ-ni-cốp đã tả chế độ canh tác phổ biến của nông dân thuộc loại đó như sau:
"Những chủ hộ có dưới 4 súc vật cày kéo thì bắt buộc
phải dùng chung súc vật lại để cày và gieo hạt. Những chủ
hộ thuộc loại đó đều có 1 hay 2 lao động. Do quy mô doanh nghiệp nhỏ, do cày chung súc vật và do rất thiếu nông cụ, nên năng lực lao động của các hộ đó giảm đi một cách
tương đối. Thường thường là những nông dân dùng chung súc vật cày kéo thì cày bằng một chiếc cày xới đất nhỏ có ba lưỡi, loại cày này chậm chạp hơn cày khác. Nếu họ gặt lúa mì của họ bằng máy gặt thuê của những người láng giềng, thì họ chỉ thuê được khi nào những người này đã gặt xong. Nếu gặt bằng tay thì thời gian gặt sẽ lâu hơn, và đôi khi phải thuê công nhân làm công nhật, mà như vậy thì tốn hơn. Đối với những chủ hộ có độc một mình làm lao động thì bất cứ công việc nào của gia đình cần làm gấp, hay bất cứ nghĩa vụ xã hội nào phải chấp hành, đều làm gián đoạn công việc đồng áng. Nếu người chủ hộ này mà làm trên ruộng đất xa làng  trong trường hợp này, nông dân thường ở lại đó hẳn một tuần lễ để làm luôn cả việc gieo hạt và cày bừa cho xong hẳn  thì người đó phải luôn luôn trở về làng thăm gia đình" (tr. 278). Trong loại hộ nói đó thì đa số là gồm những chủ hộ có độc một người lao động (chỉ có một lao động); điều đó ta thấy rõ qua biểu đồ sau đây của Pô-xtơ-ni-cốp, nó nói lên con số lao động của mỗi gia đình trong từng loại hộ sắp xếp theo diện tích gieo trồng, ở cả 3 huyện thuộc tỉnh Ta-vrích (tr. 143).
Căn cứ vào tất cả những điều trình bày trên đây, chúng ta có thể nói rõ đặc điểm của tình hình kinh tế của loại hạng trung như sau. Loại này là những chủ hộ chỉ hoàn toàn sống bằng thu nhập của ruộng đất gieo trồng riêng của họ thôi; diện tích ruộng đất này gần bằng (hay thấp hơn một chút) mức diện tích trung bình của nông dân địa phương và thoả mãn vừa đủ những nhu cầu cần thiết của gia đình. Nhưng do chỗ họ thiếu súc vật và nông cụ, và do chỗ họ không có súc vật và nông cụ đồng đều nhau, và nhất là do loại trên có khuynh hướng loại trừ những loại hạng dưới và loại hạng trung, nên kinh tế của nông dân loại hạng trung trở thành bấp bênh, không vững chắc.
Bây giờ, chúng ta bàn đến loại cuối cùng, tức là loại hạng trên, bao gồm nông dân khá giả. Trong các huyện thuộc tỉnh Ta-vrích, 1/5 dân số có mỗi hộ trên 25 đê-xi-a-tin diện tích gieo trồng, đều thuộc loại đó. Trên kia, chúng ta đã dẫn ra khá đầy đủ số liệu để nói lên rằng thực tế, loại đó giàu hơn các loại khác đến mức nào, giàu cả về súc vật cày kéo và nông cụ, lẫn phần ruộng được chia và ruộng đất khác. Để nói lên rằng nông dân thuộc loại đó giàu hơn những nông dân hạng trung đến mức nào, chúng tôi chỉ dẫn thêm ra những số liệu về diện tích gieo trồng: trong huyện Đni-ép-rơ, mỗi hộ thuộc loại giàu thì có 41,3 đê-xi-a-tin, nhưng mức trung bình trong huyện là 17,8 đê-xi-a-tin, nghĩa là chưa bằng một nửa. Nói chung, phương diện đó của vấn đề  tức là mức giàu có rất lớn của nông dân có nhiều ruộng đất gieo trồng  đã được Pô-xtơ-ni-cốp làm sáng tỏ khá đầy đủ, nhưng tác giả đó hầu như không chú ý đến một vấn đề khác vô cùng quan trọng hơn là: tầm quan trọng của kinh tế của loại hộ hạng trên trong tổng sản lượng nông nghiệp ở vùng đó và cái giá (mà các loại khác phải trả) của sự thành công của loại trên.
Chính là vì loại đó là loại ít người nhất: trong khu giàu nhất ở miền Nam, tức là tỉnh Ta-vrích, loại đó chỉ gồm có 20% dân số. Vì thế người ta có thể tưởng rằng tầm quan trọng của loại đó đối với nền kinh tế của toàn khu không phải là lớn°. Nhưng thực ra, chúng ta thấy trái hẳn lại: trong sản xuất nông phẩm, thiểu số khá giả có một vai trò chủ yếu. Tại 3 huyện thuộc Ta-vrích, trong toàn bộ diện tích gieo trồng là 1 439 267 đê-xi-a-tin, thì nông dân khá giả nắm giữ 724 678 đê-xi-a-tin, nghĩa là trên một nửa. Cố nhiên là con số đó chưa nói lên được thật đúng ưu thế của loại trên, vì sản lượng thu hoạch của nông dân khá giả thì vô cùng cao hơn sản lượng thu hoạch của nông dân loại nghèo và loại trung là những người mà Pô-xtơ-ni-cốp đã nhận xét rằng sản xuất của họ không quy củ chút nào.
Như thế những người sản xuất ra lúa mì thì chủ yếu là những nông dân thuộc loại hạng trên, và chính vì thế (điều này là điều quan trọng đặc biệt và đặc biệt hay bị bỏ qua) mà tất cả những nhận xét về nền kinh tế nông thôn, tất cả những nhận xét về những sự cải tiến kỹ thuật canh tác v. v. thì chủ yếu và phần lớn (đôi khi lại thậm chí hoàn toàn) nói đến thiểu số khá giả. Chúng ta hãy lấy, chẳng hạn, những số liệu về mức độ phổ biến của những nông cụ cải tiến.
Pô-xtơ-ni-cốp nói về nông cụ của nông dân tỉnh Ta-vrích như sau:
"Trừ một số ít ra, thì nông cụ của họ giống nông cụ của những di dân người Đức, nhưng có ít kiểu hơn và phần nào không tốt bằng, nên chính vì thế mà rẻ hơn. Vùng Tây-Nam, tức là nơi thưa dân nhất của huyện Đni-ép-rơ, là một ngoại lệ: ở đây người ta vẫn còn dùng nông cụ kiểu cổ của người tiểu Nga là cái cày nặng trình trịch bằng gỗ và cái bừa gỗ có răng sắt. Còn những nơi khác trong các huyện thuộc Ta-vrích, nông dân đều dùng những cày cải tiến bằng sắt. Bên cạnh chiếc cày thường thì chiếc cày xới chiếm một địa vị hàng đầu trong việc làm đất; trong nhiều trường hợp nó thậm chí là nông cụ độc nhất để cày của nông dân. Nhưng thường thường thì người ta dùng cày xới song song với cày thường... Bừa thì đâu đâu cũng đều làm bằng gỗ và có răng sắt, có hai loại bừa: bừa hai ngựa bừa được một luống rộng 10 phút1) và vừa một ngựa, mỗi luống bừa rộng chừng một xa-gien2)... Cày xới là một nông cụ có từ 3 - 4 đến 5 lưỡi... Người ta rất hay ghép đằng trước cày xới một bộ phận gieo hạt, nó chuyển động theo bánh xe của cày xới. Bộ phận gieo hạt thì tra hạt giống và đồng thời cày xới thì lấp hạt giống đi. Trong số các dụng cụ khác dùng trong khâu làm đất, ta thấy  tuy hoạ hoằn mới thấy  nông dân cũng dùng trục lăn bằng gỗ để trang ruộng sau khi gieo hạt. Trong mười năm trở lại đây, máy gặt là nông cụ được nông dân đặc biệt hay dùng. Nông dân cho biết rằng trong những làng khá giả thì gần 1/2 hộ có máy gặt... Nông dân rất ít có máy cắt cỏ hơn là có máy gặt... Những máy cào ngựa kéo và những máy đập cũng rất ít thấy có trong nông dân. Việc dùng máy sàng là điều phổ biến... Để chuyên chở, người ta hoàn toàn chỉ dùng toàn xe bốn bánh Đức và xe hai bánh, hiện nay đang được chế tạo trong nhiều địa phương ở Nga... Đâu đâu, người ta cũng đều dùng những con lăn bằng đá có răng dài hoặc răng ngắn để trục lúa" (tr. 213 - 215).
Muốn biết tình hình phân bố nông cụ đó như thế nào, cần phải xem những tập tài liệu thống kê của các Hội đồng địa phương, tuy những tài liệu này không được đầy đủ; thống kê về tỉnh Ta-vrích chỉ ghi những cày thường, cày xới, những máy gặt, máy cắt cỏ và cả những "đê-li-gian"
(tức là những xe bốn bánh và xe hai bánh) thôi.
Pô-xtơ-ni-cốp nói: "Diện tích ruộng đất mà nông dân chiếm hữu hay sử dụng, cũng quyết định một phần lớn chế độ canh tác và tính chất canh tác. Tiếc thay là từ trước đến nay, quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố đó đã không được các nhà chuyên môn về kinh tế nông dân ở nước ta nghiên cứu tường tận, họ thường coi nền kinh tế đó của tất cả các tầng lớp trong dân cư nông thôn là thuộc cùng một loại. Để riêng chế độ canh tác ra một bên, tôi cố gắng tóm tắt sơ lược những đặc điểm kỹ thuật canh tác của các loại nông dân khác nhau, theo đúng những hiểu biết của tôi về những đặc điểm đó sau cuộc hành trình của tôi trong các huyện ở Ta-vrích.
Những hộ dùng súc vật của chính họ và không cần phải dùng chung súc vật cày kéo, thì mỗi hộ có 4 - 5 - 6 súc vật cày kéo và nhiều hơn số đó nữa°, và tình hình kinh tế của họ do đó khác nhau nhiều. Loại cày xới có bốn lưỡi cần một cỗ 4 súc vật cày kéo, và cày xới có năm lưỡi cần
5 con. Cày xong thì phải bừa, nhưng nếu chủ hộ không có thêm được một con ngựa nữa thì không thể bừa liền ngay sau khi cày được, mà phải đợi cày xong hết đã, như thế là người đó phải gieo hạt trên ruộng đất đã khô đi mất một phần rồi, đó là điều kiện bất lợi cho hạt giống sinh trưởng. Nếu phải cày xa làng nhiều nên phải chở nước và cỏ đến, thì tình trạng thiếu một con ngựa cũng buộc người ta phải ngừng công việc. Trong mọi trường hợp, hễ không có đủ cỗ súc vật cày kéo", là mất thời giờ và gieo hạt không kịp thời. Nếu có nhiều súc vật cày kéo và lại có cày xới có nhiều lưỡi để làm đất, thì nông dân gieo hạt được nhanh hơn, lợi dụng thời tiết tốt được kịp thời hơn, lấp hạt bằng đất ẩm hơn. Họ "có đủ cỗ súc vật cày kéo, tức là có 6 con, hay tốt nhất là có 7 con, thì được hưởng những ưu thế về kỹ thuật trong vụ gieo hạt mùa xuân. Với 7 con ngựa thì một cày xới có năm lưỡi và 2 bừa có thể làm việc cùng một lúc được. Nông dân nói rằng một hộ có được điều kiện như vậy "thì không phải ngừng công việc".
Trong thời kỳ sau mùa màng, khi được mùa phải lao động khẩn trương đến tột mức, thì sự khác nhau về tình hình kinh tế của những hộ nói trên lại còn trở nên quan trọng hơn nữa. Hộ có 6 súc vật cày kéo thì vừa chở lúa mì lại vừa đập lúa mà không phải đánh đống lại, nên dĩ nhiên là tiết kiệm được thời gian và nhân công" (tr. 277).
Để nói lên cho hết tính chất doanh nghiệp của những hộ gieo trồng nhiều đó, cũng cần phải nêu rõ rằng trong loại nông hộ đó, việc gieo trồng là một việc "có tính chất thương mại", theo như Pô-xtơ-ni-cốp đã nhận xét. Những số liệu dẫn ra trên kia về quy mô của diện tích thương phẩm, hoàn toàn xác nhận sự nhận định của tác giả, vì phần lớn diện tích gieo trồng là phần cung cấp sản phẩm để đưa ra thị trường, tức là: 52% toàn bộ diện tích của những hộ gieo trồng từ 25 đến 50 đê-xi-a-tin, và 61% ở những hộ gieo trồng trên 50 đê-xi-a-tin. Số thu nhập bằng tiền cũng chứng minh như vậy: ngay cả số thu nhập minimum của loại hộ khá giả  mỗi hộ 574 rúp  cũng nhiều gấp hơn hai lần số chi cần thiết về tiền (200 - 250 rúp) thành thử dôi ra một món, món này sẽ được tích luỹ lại và dùng để mở rộng và cải thiện kinh doanh. Như Pô-xtơ-ni-cốp đã cho biết, "trong nông dân khá giả nhất gieo trồng trên 50 đê-xi-a-tin mỗi hộ" thì ngay cả "một trong những ngành chăn nuôi  ngành nuôi cừu lông sợi thô? cũng mang tính chất thương mại" (tr. 188).
Bây giờ, chúng ta bàn sang một vấn đề khác, cũng không được Pô-xtơ-ni-cốp nghiên cứu một cách đầy đủ (thậm chí hầu như không đề cập đến): những thành tựu kinh tế của thiểu số nông dân ảnh hưởng như thế nào đến số đông quần chúng? Không còn nghi ngờ gì nữa, ảnh hưởng hoàn toàn xấu: những số liệu đã dẫn trên kia (đặc biệt là về việc thuê ruộng đất) đã chứng minh đầy đủ là ảnh hưởng hoàn toàn xấu, thành thử ở đây chúng ta chỉ cần tổng kết lại tình hình đó thôi. Trong 3 huyện tỉnh Ta-vrích, nông dân đã cho thuê tất cả là 476 334 đê-xi-a-tin ruộng đất (cả phần ruộng không phải được chia lẫn phần ruộng được chia), trong số đó thì loại hộ giàu thuê được 298 727 đê-xi-a-tin, tức là trên 2/5 (63%), loại hộ nghèo chỉ thuê được 6%, và loại hộ hạng trung thuê được 31%. Nếu người ta chú ý rằng chủ yếu là? nếu không phải hoàn toàn chỉ có? 2 loại hộ hạng dưới mới cần phải thuê ruộng đất (những số liệu đã dẫn về sự phân bố ruộng đất trong các loại nông hộ thuộc huyện Đni-ép-rơ chứng tỏ rằng trong loại hộ hạng trên, chỉ riêng diện tích những phần ruộng được chia có canh tác cũng đã gần bằng diện tích gieo trồng "tiêu chuẩn" rồi) thì người ta sẽ thấy rằng do tính chất thương mại của việc mở rộng diện tích canh tác của những nông dân khá giả, nên loại hộ nghèo phải chịu thiếu thốn ruộng đất đến như thế nào°.
Tình hình phân bố những phần ruộng được chia cho thuê, trong những làng đó, nhất là trong những huyện ở tỉnh Ta-vrích. Cái lối đợ đó còn là một trong những điều kiện chủ yếu khiến cho những nông dân khá giả ở Ta-vrích khai khẩn được nhiều ruộng đất trong những làng này, và hưởng được những mối lợi lớn về kinh tế. Chính vì vậy mà hiện nay, nông dân khá giả rất nhạy cảm với bất cứ sự thay đổi nào trong sinh hoạt thường ngày của họ có thể làm cho họ không thuê được ruộng đất theo cách đó? phần lớn là thuê được rẻ và ngoài ra còn thuê được những ruộng đất ở gần" (tr 140). Tiếp đó tác giả còn kể lại rằng cơ quan huyện phụ trách các vấn đề nông dân15 thuộc huyện Mê-li-tô-pôn đã đòi hỏi rằng mỗi trường hợp cho thuê phần ruộng được chia đều phải được hội nghị toàn xã đồng ý, rằng quyết định đó bó buộc nông dân rất nhiều, và hiện thời "kết quả duy nhất của nó chỉ là làm cho những sổ đăng ký giao kèo về ruộng đất đã biến khỏi các toà án nông thôn, tuy rằng những sổ đó rõ ràng vẫn được ghi chép coi như những sổ không chính thức" (tr. 140).
Mặc dù số ruộng đất cho thuê rất nhiều, nhưng những người thuê được hầu hết lại là những nông dân khá giả: trong huyện Đni-ép-rơ, 78% số ruộng đất bán ra đều lọt vào tay họ; trong huyện Mê-li-tô-pôn thì trong tổng số 48099 đê-xi-a-tin ruộng đất, họ nắm 42 737 đê-xi-a-tin, tức là 88%.
Cuối cùng hoàn toàn chỉ có loại nông dân đó mới được vay: bổ sung những nhận xét của tác giả về các quỹ nông thôn ở miền Nam, chúng tôi dẫn thêm lời nhận xét về đặc điểm của các quỹ đó như sau:
"Những quỹ nông thôn đó và các hội cho vay và tiết kiệm đó, hiện nay rất phổ biến ở một số địa phương trong nước ta? chẳng hạn, tỉnh Ta-vrích có rất nhiều thứ quỹ và hội như vậy? thì chủ yếu là giúp đỡ các nông dân khá giả. Ta có thể nói là giúp đỡ nhiều. Nhiều lần tôi được
nghe nông dân tỉnh Ta-vrích, nơi có những hội đó, nói như sau: "thế là nhờ trời bây giờ chúng ta thoát khỏi cái bọn Do-thái", nhưng chỉ có những nông dân khá giả mới nói như vậy thôi. Những nông dân ít lực lượng kinh tế thì không kiếm ra được người bảo lĩnh và không được vay" (tr. 368). Tình trạng nắm độc quyền vay như vậy, không có gì là lạ cả: giao kèo tín dụng chỉ là một vụ mua và bán không phải trả tiền ngay mà thôi. Điều hoàn toàn tự nhiên là chỉ có những người có tiền mới có thể trả nợ được thôi, mà trong nông dân miền Nam nước Nga thì những kẻ có tiền chỉ là thiểu số khá giả.
Muốn tả cho hết tính chất của kinh doanh của loại hộ đó? là loại mà xét về những kết quả của hoạt động sản xuất của mình thì vượt tất cả các loại hộ khác gộp chung lại? chỉ cần nhắc lại rằng loại đó sử dụng "theo quy mô lớn" lao động làm thuê do những người thuộc loại dưới buộc phải cung cấp. Về vấn đề lao động làm thuê này, cũng cần phải nêu rõ rằng việc tính toán cho chính xác lao động làm thuê trong sản xuất nông nghiệp là một việc rất khó, mà cơ quan thống kê của các hội đồng địa phương hình như chưa thể khắc phục được. Vì nghề nông không đòi hỏi phải lao động thường xuyên và đều đặn trong cả năm, mà chỉ đòi hỏi phải lao động khẩn trương trong một thời gian nào đó thôi, nên nếu chỉ ghi con số những công nhân làm thuê thường xuyên thôi thì hoàn toàn chưa thể nói lên được mức độ bóc lột lao động làm thuê, và việc tính ra con số những công nhân tạm thời (thường hay làm khoán) là một việc hết sức khó khăn. Khi phỏng tính con số công nhân làm thuê trong mỗi loại hộ, Pô-xtơ-ni-cốp đã lấy con số 15 đê-xi-a-tin diện tích gieo trồng làm tiêu chuẩn lao động cho một lao động trong loại hộ giàu°. Qua chương VII trong tác phẩm của ông trong đó tác giả xem xét tỉ mỉ quy mô thực sự của diện tích gieo trồng, chúng ta thấy rằng chỉ có gặt lúa mì bằng máy thì mới đạt được tiêu chuẩn lao động như vậy thôi. Nhưng số máy gặt không phải là có nhiều, ngay cả trong loại hộ giàu có cũng vậy: chẳng hạn như trong huyện Đni-ép-rơ thì cứ 10 hộ mới có độ một chiếc máy gặt, thành thử cứ căn cứ vào chính ngay lời tác giả nói rằng những chủ máy gặt gặt xong mùa màng của họ rồi, mới cho thuê máy, thì rõ ràng là đại bộ phận nông dân phải tính cách không dùng đến máy, do đó họ phải thuê công nhân làm công nhật. Trong loại hộ hạng trên, thì chính vì lẽ đó mà người ta phải sử dụng lao động làm thuê theo một quy mô lớn hơn quy mô mà các tác giả đã tính ra, thành thử số thu nhập cao về tiền mà những nông dân thuộc loại đó thu được thì phần lớn (nếu không phải là hoàn toàn) là thu nhập do tư bản mang lại, tư bản hiểu theo nghĩa đặc thù mà chính trị kinh tế học khoa học đã xác định cho thuật ngữ đó.
Tóm lại, đặc điểm của loại thứ ba là như sau: nông dân khá giả là những người có rất nhiều tư liệu sản xuất hơn loại nông dân hạng trung, do đó, lao động của họ là lao động có năng suất cao, nên họ là những người sản xuất chính? trội hơn hẳn các loại khác? trong việc sản xuất ra nông phẩm trong toàn khu; đứng về mặt tính chất của kinh tế của loại hộ đó mà nói thì kinh tế ấy là một nền kinh tế có tính chất thương mại, dựa một phần rất lớn vào việc bóc lột lao động làm thuê.
Những sự khác biệt về mặt kinh tế - chính trị giữa kinh tế của ba loại trong dân cư địa phương, chúng tôi đã điểm vắn tắt như trên, bằng cách sắp xếp lại cho có hệ thống, những tài liệu về nền kinh tế của nông dân miền Nam nước Nga, ghi trong tác phẩm của Pô-xtơ-ni-cốp.
Theo tôi thì đoạn bình luận vắn tắt đó chứng minh rằng hoàn toàn không thể nghiên cứu nền kinh tế nông dân (về mặt kinh tế - chính trị) được, nếu không sắp xếp nông dân thành từng loại một. Như chúng ta đã biết, Pô-xtơ-ni-cốp cũng công nhận điều đó và ông thậm chí đã trách cơ quan thống kê của các hội đồng địa phương là đã không làm như thế: ông đã nói rằng mặc dù đã đưa ra rất nhiều số liệu, nhưng cách tổng hợp của họ vẫn "không rõ ràng", "họ chỉ thấy cây mà không thấy rừng" (tr. XII). Vị tất Pô-xtơ-ni-cốp đã có quyền trách cơ quan thống kê của các hội đồng địa phương như vậy, vì bản thân ông cũng không phân chia được một cách có hệ thống nông dân thành từng loại "rõ ràng", nhưng chắc chắc rằng ông đòi hỏi như vậy là đúng. Một khi người ta thừa nhận là có những sự khác biệt giữa các nông hộ, khác biệt không những về mặt số lượng mà cả về mặt chất lượng nữa° thì điều hoàn toàn cần thiết là phải phân chia nông dân thành từng loại, căn cứ vào tính chất kinh tế -xã hội của kinh doanh của họ, chứ không căn cứ vào "mức giàu có của họ". Mong rằng cơ quan thống kê của các Hội đồng địa phương sẽ làm ngay việc đó.