Chương 3


Chương 6
Đêm cuối năm Thân

Năm nay cây mai vàng trước sân nhà nở sớm hơn mọi năm, ông nội đã cắt được một cành, đem cắm vào cái bình đồng lớn. Ông còn đoan chắc rằng, thế nào cành mai cũng nở trong mấy ngày Tết, không thể sớm hơn chiều Ba mươi được. Buổi tối Ba mươi, sau khi cúng xong, ông nội đi lui đi tới quanh quất bên nhánh mai, rồi chợt kêu lớn:
"Ê, tụi bay ra coi, tau nói có sai mô. Có mấy bông đã hé cánh rồi, sáng mai mùng Một là nở ráo cho coi.
Chị Khánh kéo tay Trâm biểu đi lại coi cành mai của ông. Quả như ông đã dự tính, một vài bông hoa đã bắt đầu hé cánh, màu vàng non như nắng. Ông nội đi lui đi tới, có vẻ khoái chí với cành mai của ông. Chị Khánh lôi Trâm ra đứng trước hiên:
"Anh Đăng chừ mà chưa tới. Anh nói với chị túi ni sang đánh tứ sắc".
Trâm giơ tay coi đồng hồ. Nàng phải nghiêng mặt, soi tay lên cao mới thấy được cái kim chỉ giờ nhỏ xíu. Chị Khánh hỏi:
"Mấy giờ mà túi quá rứa hỉ?"
"Mới bảy giờ rưỡi. Đêm Ba mươi mà chị".
"Thắp hương chưa?"
"Mới cũng xong mà chị. Túi thắp. Rồi thắp suốt đêm giao thừa luôn chị hỉ?"
Chị Khánh nhìn ra ngoài cây mai. Bên gốc mai là mộ em Tý Con. Cây hương sắp tàn còn chấm lửa nhỏ nhoi. Giọng chị trầm hẳn xuống:
"Hương nơi mộ em tàn rồi. Chạng vạng thắp hương là đúng nhứt. Vô lấy hương rồi mình thắp cho Tý Con, thắp cho ba với.
Trâm hơi ngần ngại. Mộ em Tý Con nằm nơi sân, nhưng mộ ba tận góc vườn, đầy bóng cây tối mò. Chị Khánh bỏ Trâm đứng yên, lủi vô nhà lấy ra một bó hương. Chị đốt hương rồi thổi cho tắt ngọn lửa bùng lên ở đầu hương. Trâm thấy khuôn mặt chị sáng rực rồi mờ đi. Chị Khánh hỏi:
"Có đi không?"
"Đi chị".
Trâm bíu chặt lấy tay chị Khánh làm chị đi chậm lại, chị gắt:
"Đi đàng hoàng chớ đi chi lạ rứa. Sợ ma à? Có ba rồi có em Tý Con mà sợ chi. Ba và em Tý Con luôn luôn ở cạnh mình".
Trâm nép sát vào chị:
"Răng mà năm ngoái thấy toàn người chết, chạy loạn không sợ, chừ tưởng lại em sợ bất chết rứa".
Chị Khánh không nói gì nữa. Chị chia nửa bó hương thắp lên mộ em Tý Con. Trâm thấy trong bóng tối những cánh mai như đang run lên và trong không khí yên tịnh, có những tiếng động tích tắc như tiếng đồng hồ hay tiếng gương soi.
Những bông mai đang cựa mình đấy, nếu còn em Tý Con chắc nó sẽ nói thế, em vốn mơ mộng lắm. Chị Khánh chắp tay vái mấy cái, Trâm bắt chước theo. Nàng cảm thấy lạnh ở gáy và không dám ngoảnh lại. Nàng có cảm tưởng như sau lưng có một bóng đen đang đứng nhìn mình.
Chị Khánh quỳ xuống bên mộ và chị yên lặng như thế quá lâu. Trâm đoán chắc chị đang nhớ lại hình ảnh Tý Con những năm về trước. Trâm cũng thế, bao giờ nụ cười ánh mắt vui tươi của Tý Con cũng ám ảnh nàng. Cả khuôn mặt đầy máu của Tý Con, cả câu nói cuối cùng của em đã bao lần làm Trâm bật khóc: "Chắc em chết mất chị ơi. Chị Trâm nói thương em đi, chị Khánh nói thương em đi. Ông nội nói thương cháu đi". Chỉ có điều nó không nhắc tới Tâm, người con trai mà nó có cảm tình nhất.
Năm ngoái cũng giờ này, Tý Con đứng trước cổng đợi Tâm qua, rồi kéo vào nhà đánh tứ sắc. Có cả anh Đăng nữa. Khi nghe anh Đăng cặp đôi nó với Tâm, nó vùng vằng: "Chi lạ rứa, anh dị rứa thê". Thằng Tâm đỏ mặt. Tý Con cũng đỏ mặt nhưng Trâm thấy hai đứa nó liếc nhau. Tý Con mười bảy rồi chớ nhỏ nhít gì.
Vậy mà, chỉ mấy hôm sau thôi. Bây giờ nó nằm trước sân nơi cây mai vàng mà nó thích nhất. Em Tý Con, em Tý Con của chị, Trâm cúi xuống, nắm đất vẫn vô tri, những cây cỏ chị em Khánh nhổ chưa sạch vẫn mọc thưa thớt. Riêng có những cành mai như lay động nhẹ nhàng trong bóng đêm êm đềm quấn quít như muốn ướp hai chị em Khánh vào một mùi hương xưa quen thuộc.
Chị Khánh đứng dậy, cầm tay Trâm:
"Mình ra mộ ba, em".
Trâm đi theo chị. Mắt Trâm đã quen bóng đêm và nàng đã dạn dần. Chị Khánh bắt Trâm nhảy qua những luống cây non mới ươm trên những vồng đất. Những cây cối già nua của năm qua, trong dịp tang tóc, đã bị gãy và chết gần hết. Duy còn cây vú sữa già gần nơi chôn ba vẫn không bị một vết đạn, còn sống tới giờ và vẫn xum xuê cành lá.
Buổi chiều, Trâm đã trông thấy ông nội đi ra mộ ba thắp hương một mình. Hình như ông nội đã đứng dưới cây vú sữa lâu lắm. Khi vào mắt ông hoe đỏ, chị Khánh hỏi ông tối nay có cúng giao thừa không, ông không trả lời nhưng chị Khánh cũng cứ sắp sẵn bánh mứt, mua trà thơm như mọi năm. Như mọi năm, làm gì còn như mọi năm được nữa. Năm nay thiếu mất ba, thiếu em Tý Con rồi. Trâm nhớ lại mỗi năm trước, chiều Ba mươi cúng xong thế nào ba cũng dắt mấy chị em lên đồi Vọng Cảnh thăm mộ mạ. Mộ mạ chôn thật xa, ba nói chôn trên đó cho mạ nhìn thấy cảnh thiên nhiên rộng rãi đẹp đẽ. Mạ mi xưa ưa mơ mộng lắm, các mệ mà. Vậy mà bây giờ, ba nằm trong khoảng vườn chật hẹp này.
Đem chôn được ba nơi góc vườn chật hẹp này cũng là khó khăn lắm rồi. Trâm nhớ hôm đó đúng hôm mồng Bảy Tết, ba chết trên tay ông nội. Khi đặt ba vào chiếc áo quan để dành cho ông nội, ông nội đã khóc ngất: "Thôi con yên lòng ra đi, ba tặng con cái áo của ba. Ai ngờ con ơi, măng không khóc tre mà chừ tre khóc măng…"
Chiếc hòm ba Trâm mua để dành cho ông nội, không ngờ chính ba lại ở trước. Khi chôn ba ở góc vườn, đợi sáng sớm mới ra đào đất, vậy mà máy bay trên trời thấy cuốc xới đã thả bom xuống làm gãy năm bảy cây lớn trong vườn, sạt mất nửa mái ngói. May mà mọi người kịp vất cuốc vất xẻng chạy xuống hầm được. Cho tới chiều tối mới chôn được ba xong.
Khổ thân chị em Khánh, trong những ngày loạn lạc mộ ba chỉ có mấy thước mà không ai dám đi ra thắp hương hay thăm hỏi khóc lóc. Trâm bước theo chị, hai bàn chân Trâm quệt vào những bụi cỏ ướt. Trời sáng hôm nay vẫn còn mưa, nhưng cơn mưa rất nhỏ, như chỉ rắc thêm một lớp bụi mờ trên thảm cảnh buồn đau của những ngày đầu xuân năm trước.
Hai chị em đã tới cây vú sữa. Bóng lá chiếm một vùng đen đậm trong sân. Cây diêm của chị Khánh lòe lên, ngôi mộ ba nằm riêng rẽ trên một vùng đất vuông vắn. Ông nội đã nhiều lần muốn dời lên đồi Vọng Cảnh với mạ, nhưng rồi không ai dám động tới ngôi mộ hết. Ông đành khất lại ba năm nữa. Nhưng chị em Khánh vẫn không muốn đem ba đi. Từ sau Tết Mậu Thân, nhà nào cũng có mồ chôn trong nhà, nơi trường học bên đường đi còn có nữa là. Ba nằm đây còn sung sướng biết mấy. Trâm và Khánh thường nghĩ và nói với nhau điều đó. Chị Khánh đưa hộp diêm cho Trâm, nói quẹt lửa lên soi cho chị trông thấy mà thắp hương. Cây diêm do chính Trâm quẹt lên, ngọn lửa chói trước mắt, Trâm chả nhìn thấy gì hết ngoài tia lửa lùng bùng rồi tắt phụt. Sau đó Trâm chỉ thấy nắm hương lập lòe trên ngôi mộ ba, và bóng tối của cây vú sữa xoã xuống đặc quánh. Chị Khánh lại vái và Trâm vái theo. Hình ảnh máu me của ba lại hiện về, Trâm mủi lòng, mắt rưng rưng. Chắc chị Khánh cũng thế. Trâm nghe tiếng chị sịt mũi.
Có tiếng con vện sủa trong sân. Chị Khánh kéo tay Trâm:
"Anh Đăng qua đó. Vô đánh tứ sắc".
Giọng chị Khánh có vẻ bất thường. Hai chị em vào sân đã thấy anh Đăng đứng trước hiên, ông nội thay xong mấy cây đèn sáp trên bàn thờ. Bức ảnh của ba, của em Tý còn sáng trưng, khuôn mặt ba nhìn thẳng chị em Trâm. Trâm quay đi chỗ khác. Giọng ông nội không buồn không vui:
"Đánh tứ sắc tụi bây".
Bộ bài vất trên sập ngựa. Bỗng nhiên chị Khánh bật khóc lớn. Năm ngoái ba cũng vất bộ bài trên sập ngựa, và ba cũng chết trên sập này. Tý Con cũng quay quắc trên chiếc sập này. Những vết máu trên sập ngựa đã lau sạch nhưng những vết máu trong đầu chị em Khánh không gột sạch được nữa. Ông nội nhìn chị Khánh, nhìn anh Đăng, nhìn Trâm. Chừng đó người nhưng không khí trong gia đình bỗng đơn lạnh quá chừng. Ông đưa tay áo lên dụi mắt, cố gắng giữ vẻ bình thường:
"Con Trâm đi lấy cái chiếu, trải dưới đất cho mát".
Nói cho mát mà ông nội kéo cao cái cổ áo dạ. Anh Đăng thu hai tay vào túi.
Anh Đăng cố thật vui vẻ. Anh nói chuyện khôi hài. Nhưng Trâm không thấy vui. "Em Tý Con, em về ngồi trên sập ngựa coi chị đánh tứ sắc đó chớ". Trâm nhìn xuống mặt gỗ, mặt gỗ bóng nhoáng, chiếu những tia nến sáng lung linh, Trâm có cảm tưởng như những vệt máu lâu ngày đã phai màu đang chao nghiêng, lấp loáng.
Ông nội chia bài, hình như ông muốn nhắc lại một chuyện gì đó nhưng ông giữ kịp. Trâm biết là ông đang nghĩ tới chuyện gì rồi. Đêm nay, trong bao nhiêu căn nhà mới có cũ có của thành phố Huế, bao nhiêu người đã ngồi buồn bã như thế. Giữa đêm Ba mươi, trên bức màn đen tối của đêm cuối năm, bao nhiêu hoả châu, bao nhiêu tiếng súng, bao nhiêu xác chết. Trâm thấy chị Khánh vừa nhắm mắt lại.
Ván bài từ ban đầu có bốn người, rồi ông nội Trâm bỏ cuộc trước. Vậy là tan chiếu. Chị Khánh nói anh Đăng ở lại chơi khuya khuya một chút rồi về. Trâm hỏi ông có cúng giao thừa không để đi nấu nước. Ông nội vẫn không có ý kiến gì hết. Chị Khánh nói:
"Thôi, đừng cúng kiến chi năm mới nữa. Nấu nước cúng ba, cúng mạ, cúng em Tý Con".
Hai chị em Trâm soạn bánh mứt. Anh Đăng giúp nhúm bếp dầu hôi. Ông nội có vẻ mệt mỏi nằm dài trên sập ngựa. Hai chị em Trâm với anh Đăng cắn hột dưa và ăn mứt ở nơi chiếc bàn kê trước bàn thờ. Không có anh Đăng qua chơi rồi không biết chị em Trâm ra răng nữa. Chắc hai chị em tìm hai chỗ nằm trong bóng tối để khóc quá.
Buổi chiều Trâm đi xe buýt qua chợ Đông Ba. Tết năm nay người ta cũng buôn bán đủ thứ. Chợ hoa cũng có, chợ trái cây, mứt bánh. Người đi sắm cũng đông đúc, nhưng sao Trâm thấy cả thành phố không có vẻ gì chuẩn bị đón xuân hết, mà như đang sửa soạn để cúng âm hồn. Trên mấy chiếc xe xích lô chở đầy những hình nộm, những va ly giấy. Những vành khăn trắng từ đầu năm đến nay vẫn còn quấn trên những mái đầu già trẻ một cách chặt chẽ. Mặt người nào cũng âm thầm. Đôi khi Trâm thoáng gặp những nụ cười nhưng những nụ cười ấy mang đầy ý nghĩa chua chát ngượng ngập. Trâm trở về, nàng đi bộ qua đoạn cầu bằng phẳng nối nhịp cầu gãy. Năm ngoái, chiều Ba mươi Tết, Trâm đi với Tý Con và vài cô bạn gái khác cũng qua mấy nhịp cầu này. Có đứa đầu Xuân làm đám cưới, có đứa làm đám hỏi, vậy mà nay đứa chết đứa mất tích lâu rồi. Cũng chiều mồng Một Tết, Trâm với Tý Con mặc áo mới đi tung tăng bên ba. Trâm thấy Tấn đạp xe đạp đi bên kia cầu nhìn Trâm với đôi mắt hết sức đằm thắm. Từ lâu, Trâm đinh ninh thế nào cũng nhận được lá thư tình của Tấn tỏ tình vào đầu xuân. Nhưng mấy ngày đầu xuân Tấn chết. Trâm chạy loạn ngang qua nhà Tấn, thấy xác Tấn nằm giữa sân, mất một cánh tay, người đã trương to như con bò. Nhưng Trâm không còn sức để buồn cho mối tình vừa nhúm đó. Nàng còn bận bịu với nỗi khổ lớn mất ba, mất Tý Con.
Khi đi qua cầu, Trâm cũng nhờ Tấn, và hình ảnh Tấn xình thúi ở ngoài sân làm cho Trâm choáng váng một vài giây, và nàng vội nghĩ tới cái chết của ba, của em. Trâm có cảm tưởng như mình đang khóc khô, không rớt nổi một giọt nước mắt.
Trâm nghĩ tới những ngày đầu xuân sắp tới thành phố sẽ phá vỡ ra từng tảng buồn lớn như những tảng băng bằng lệ. Những ngày đầu xuân sẽ là ngày của những âm hồn tung tăng trở về nhà hít khói hương. Tiếng khóc sẽ bật ra khắp nơi với ngày xuân đầy những giấy vàng, những hình nộm, những hương trầm u uất, mùi tử khí năm vừa qua.
Ông nội đang nằm im lặng ở sập gỗ, bỗng nhỏm dậy, gọi anh Đăng:
"Đăng à".
"Dạ, kêu cháu chi rứa bác?"
Anh Đăng vừa trả lời vừa cắn hột dưa. Ông nội nói:
"Tao nghĩ ngày mồng Năm tháng Năm đã qua, mình cúng âm hồn thất thủ kinh đô mô có bằng Tết mi hỉ".
"Dạ".
"Đố Tết vừa rồi nhà mô tránh khỏi có người chết, bà con chết".
"Năm ni nhà mô cũng cúng".
Chị Khánh nói. Ông nội lại lặng im. Anh Đăng đứng dậy về. Ông nội không giữ lại, ông chỉ nói:
"Bên mi có cúng giao thừa không?"
"Dạ con không biết chi hết. Mạ con khóc từ túi qua đến chừ, khuyên hoài mà bà cứ khóc tru tru trong nhà, rầu thúi ruột bác ơi".
Chị Khánh đưa mắt nhìn Trâm. Bên anh Đăng bác trai cũng bị chết vì mảnh bom. Bác đi tản cư gánh một gánh gạo, nồi niêu, khi bác chết, gánh hàng vẫn còn đè trên người. Đến ngày gần yên, cả nhà mới tìm thấy bác thì thịt bác đã rữa gần hết.
Trâm thấy mắt chị Khánh long lanh nước như sắp khóc. Anh Đăng nói xong thở dài và đi ra cổng.
Nhưng vừa ra tới hiên anh vội lật đật đi vào. Trâm hỏi:
"Còn quên chi nữa. Muốn mượn bộ tứ sắc về đánh à?"
Anh Đăng đi tới gần chị Khánh nói nhỏ nhưng Trâm vẫn nghe kịp:
"Nì, lạ lắm. Có ai ngồi ngoài mộ con Tý Con".
Trâm lạnh cả xương sống. Nàng bước tới gần chị Khánh mà chân nhẹ hỗng. Nơi bóng tối ở các góc nhà như cũng đang có bao bộ mặt rình rập, nhe răng, trợn mắt. Chị Khánh đang hốt nắm hột dưa, thả xuống.
"Cái chi, cái chi rứa? Ai?"
"Lạ lắm. Nó ngồi lù lù. Đen thui".
Ông nội thấy mấy anh em xì xầm, xỏ dép đi tới:
"Cái chi? Cái chi rứa Đăng?"
Chị Khánh nói không ra hơi:
"Ai ngồi lù lù ngoài mộ em Tý Con".
Trâm kêu:
"Trời ơi, dễ sợ. Chắc là ma".
Rồi Trâm chui vào đứng lọt giữa chị Khánh và anh Đăng, tay chân run cầm cập. Chắc là ma, hay Tý Con hiện về. Hình ảnh ma quỷ bỗng in vào đầu, ám ảnh Trâm làm Trâm hốt hoảng. Ông nội cầm cây đèn dầu giữa nhà:
"Mô, tụi bây theo tao".
Trâm cầm chặt áo chị Khánh, bị chị Khánh rẫy ra. Trâm cầm chặt áo anh Đăng và chen vào giữa:
"Đừng bỏ em trong nhà, em sợ quá".
Anh Đăng ôm vai Trâm dỗ:
"Đừng sợ, đi với anh".
Ông nội đã đem cây đèn ra hiên. Ông giơ cây đèn tới trước, soi soi ra sân. Quả thật nơi gốc mai có một bóng đen ngồi lù lù. Trâm suýt kêu thét lên rồi ôm chặt lấy anh Đăng. Ông nội đứng lặng yên một lúc rồi thì thầm:
"Người chớ không phải ma mô".
Cái bóng đen không nhúc nhích. Đầu hơi gục xuống và mái tóc hay cái đầu có vẻ thật lớn. Ông nội bước xuống hiên, mấy anh em vẫn đứng trên bực thềm. Ánh sáng ngọn đèn quẹt một vệt dài trên lưng bóng đen, sáng một khoảng trắng nhạt.
"Ai ngồi đó. Ai ban đêm ngồi chi đó?"
Bóng đen đứng rột dậy. Trâm kêu một tiếng, ôm chặt anh Đăng. Chị Khánh cũng lùi lại một bước ôm lấy vai anh Đăng. Ông nội tiến thêm một bước nữa:
"Ai đó? Răng kêu không nói?"
Có lẽ ông nội cũng gớm cho nên ông chỉ tiến thêm một bước rồi dừng như chôn chặt chân xuống đất.
"Dạ, cháu đây mà ông".
"Cháu là ai?"
"Dạ thằng Tâm đó ông".
Chị Khánh thả hai tay xuống.
"À, thằng Tâm".
Trâm cũng buông anh Đăng ra. Ông nội đem cây đèn đi ra thêm mấy bước nữa. Ánh sáng giúp Trâm nhận ra mặt thằng Tâm dễ dàng. Trên mộ em Tý Con có nén hương mới đang cháy. Thằng Tâm đi vào hiên. Ông nội soi đường cho mọi người vào rồi đặt cây đèn giữa bàn. Thằng Tâm còn đứng rụt rè. Ông nội hỏi nó, giọng dịu dàng:
"Răng chiều không qua ăn cúng Ba mươi rứa Tâm? Đi mô chừ mới qua?"
"Dạ, cháu ở bên nhà".
"Răng chừ mới qua?"
"Dạ".
Anh Đăng lôi Tâm xuống ghế. Mặt nó buồn xo. Nó nhìn lên bộ bài tứ sắc còn vất trên chiếu, rồi nhìn lên bàn thờ. Bức ảnh Tý Con với đôi mắt ngây thơ, đôi môi tươi tắn như chuẩn bị những bước vào đời thực vững vàng, tin tưởng. Mùi trầm hương bay thoang thoảng quyện nỗi buồn nhớ tản mát không gian. Ông nội đi thay hai ngọn nến mới, rồi ông ra hiên. Trâm thấy ông đi tuốt ra mộ Tý Con, và đứng dưới cây mai, bóng ông đôi lúc như chập vào bóng đêm đen chỉ còn hình dáng ông rõ ràng trong trí nhớ của Trâm.
Một lát anh Đăng đứng dậy đi về. Anh dặn nhớ đóng cửa ngõ cho chặt rồi ngủ. Không biết có chuyện gì xảy ra đêm nay không? Trâm nhìn lên bàn thờ, nhìn cành mai nở đúng ngày của ông nội. Chắc cây mai bên mộ em Tý Con, những bông mai đã nở sớm, như cuộc đời em đã sớm ra đi, nhưng còn lại một cành kịp cho người sống tưởng nhớ.
Khi ông nội về thì thằng Tâm đứng dậy nói xin phép về. Ông nội dặn:
"Mai mốt mùng Một mùng Hai qua bên ni nghe cháu".
Thằng Tâm dạ rồi lủi thủi đi ra cửa. Nó biến mất ra ngoài tối.
Lúc này Trâm mới nghe tiếng chó sủa khắp nơi vọng tới. Đêm Ba mươi này, biết bao oan hồn về sớm để chực chờ.
Những âm thanh rơi trong đêm hay những tiếng xào xạc của các âm hồn, bay tản trong bầu trời đen tối đầy mùi hương, đầy tiếng khóc của những người còn sống. Và hình ảnh Tâm vừa đi vừa ngước lên bầu trời đen mênh mông, để gửi một ánh mắt tới Tý Con làm Trâm cảm động muốn khóc.
Em Tý Con, nếu có linh hồn em sẽ trở về chứ? Em phải về, em Tý Con. Em có về đêm nay nhớ mở hết những cánh hoa mai ra nhé. Trâm rủ chị Khánh đi nằm nghỉ một chút để đón giao thừa. Cúng giao thừa hay cúng oan hồn đầu năm cũng vậy.
Chị Khánh chùi nước mắt. Trâm thổi tắt ngọn đèn. Nàng nằm thẳng, chân tay duỗi dài và bỗng thấy mình năm giống hệt hồi Tý Con nằm chết.