Nỗi ám ảnh từ Đông Âu Mặc dù cách trở về địa lý, nhưng Đông Âu đã trở thành một nhân tố không thể thiếu được trong đời sống Việt Nam. Từ ý thức hệ, văn hoá, mô hình chính trị, cấu trúc kinh tế của Việt Nam đều có nguồn gốc từ Đông Âu. Việt Nam đã dành quá nhiều tâm trí và tình cảm vào chủ nghĩa Marx-Lenin, một sản phẩm chính trị có nguồn gốc từ Đông Âu. Công cuộc đổi mới đã được khởi xướng gần 20 năm nay, nhưng Đông Âu vẫn là nỗi ám ảnh với Việt Nam. Mới đây, khi đọc cuốn “Kinh tế ngày nay” của Brandley R.Schiller một học giả người Mỹ, tôi ngạc nhiên nhận thấy, ông đã tiên lượng trước sự suy thoái của hệ thống kinh tế chủ nghĩa xã hội từ những năm 60, khi Liên Xô và Đông Âu đang trên thế thượng phong. Lý do mà Schiller đưa ra là: “… Từ giá cả, sản xuất, thu nhập đều được kế hoạch hoá. Không có mấy cơ hội cho những sáng kiến cá nhân, không có những kích thích kinh tế để thiết kế những sản phẩm mới, cải thiện hiệu quả sản xuất, cũng chẳng có những kích thích tiêu thụ…” Luận điểm này, thời đó được coi là thù địch với chủ nghĩa xã hội, tuy nhiên, lịch sử đã minh oan cho Brandley R.Schiller. Khi tiếp tục duy trì chính sách quản lý kinh tế tập trung một cách bảo thủ, triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế mà không có một điều chỉnh đáng kể nào về chính sách, cái gì đến rồi phải đến, Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô đã tan rã ra từng mảng mà không cần có bất cứ một sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tuy nhiên, sự sụp đổ này lại được một số người giải thích theo cách riêng của họ, rằng, “do chấp nhận xu thế dân chủ từ phương Tây”, rằng, do có bàn tay phá hoại của CIA… đó là lý do để hễ có ai đó bàn đến chuyện đa nguyên, đa đảng liền bị dẫn ngay ra trường hợp của Đông Âu, Liên Xô như một con ngáo ộp doạ trẻ con: Đấy hãy nhìn ngay tấm gương Đông Âu, đa nguyên, đa đảng để rồi mất chế độ, rồi bạo loạn… anh có muốn đẩy đất nước vào cái vòng bi kịch đó không? Cùng với đời sống vật chất, Dân chủ là một nhu cầu thiết yếu của đời sống dân chúng. Nó quan trọng không kém gì nước để uống, không khí để thở. Thế nhưng trong con mắt của không ít nhà lý luận hiện nay, dân chủ chưa phải là một nhu cầu bức xúc, vẫn là một thứ xa xỉ mà chúng ta không nên nhắc đến nhiều. Họ dẫn ra bài học từ Đông Âu và Liên Xô, việc tôn thờ dân chủ một cách quá trớn đã dẫn đến mất ổn định, cả một hệ thống chính trị tồn tại hơn 70 năm đã phải tan ra từng mảng. Đó là lý do để chúng ta tiếp tục duy trì các chính sách kiểm soát chặt chẽ, bóp nghẹt dân chủ dưới danh nghĩa: Giữ vững ổn định chính trị, nếu không cẩn thận sẽ mất nước, mất chế độ mà Đông Âu và Liên Xô là một bài học nhỡn tiền. Mục tiêu của các nhà hoạt động chính trị khi nắm quyền lực thường biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng tựu trung đều thống nhất ở hai điểm: phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ. Tuỳ theo từng hoàn cảnh lịch sử, từng xuất phát điểm của mỗi quốc gia mà người ta coi trọng cái nọ, xem nhẹ cái kia. Người cầu toàn thì đòi hỏi cả hai, chí ít thì vẫn phải đạt được một trong những mục tiêu đó. Những ám ảnh từ Đông Âu đã khiến Việt Nam chọn lựa theo hướng: Phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường tự do, đồng thời kiềm chế những đòi hỏi dân chủ. Giải thích cho sự chọn lựa này Việt Nam cho rằng: Dân chúng Việt Nam cần thịnh vượng và đại bộ phận đang hài lòng với mức độ dân chủ hiện nay; Phát triển kinh tế không nhất thiết phải đi đôi với xây dựng dân chủ. Không ít người biện minh rằng, xây dựng dân chủ trong lúc này sẽ tạo bất ổn định chính trị và xã hội. Cộng thêm những kinh nghiệm mà Lý Quang Diệu đã áp dụng từ thành công ở Singapore từ hơn 35 năm trước đây để Việt Nam từ chối việc mở rộng dân chủ. Vậy thực chất kinh nghiệm của Lý Quang Diệu là gì, xin được bàn sâu thêm một chút “mặt hàng tư tưởng” mà Việt Nam đang nhập khẩu Singapore được thành lập năm 1965. Đảo quốc bé nhỏ được tách ra từ Malaysia này được coi như “tiểu Trung Quốc” ở Đông Nam Á và thực sự Singapore đã chịu sức ép quá lớn từ cuộc Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Trước thực tiễn đó, Lý Quang Diệu đã áp dụng một chính sách hà khắc với dân chúng. Ông đã có công lớn trong việc đưa đất nước này hoá rồng và chính ông cũng là người biết rút lui đúng lúc (năm 1993) và nhường quyền lãnh đạo đất nước cho Goh Chok Tong. Trong chuyến thăm Singapore hồi tháng 8/2004, khi đi dạo ở công viên Sư tử biển, tôi đã gặp hàng chục tín đồ của giáo phái Pháp Luân công đang luyện khí công ở khu vực nhà hát Quả Sầu riêng. Khi biết tôi từ Việt Nam sang, các tín đồ của giáo phái này đã gửi cho tôi một số tờ rơi quảng bá về giáo lý của môn phái này. Đây là giáo phái đang bị cấm ở Trung Quốc, nhưng ở Singapore thì thoải mái truyền bá mà không gặp trở ngại nào. Từ mô hình thành công của Singapore, một số người thường tâng bốc quá mức tư tưởng của Lý Quang Diệu nhưng họ không suy xét kỹ hoàn cảnh lịch sử của thời điểm mà ông này cầm quyền. Ngày nay, trong một số cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông đã bày tỏ một số quan điểm về nhân sinh cho chính dân tộc ông, những quan điểm này rất khó thuyết phục. Có những cái nhìn rất lỗi thời. Với những quan niệm và phương thức như vậy, nếu ông mới bắt đầu chương trình phát triển cho đất nước Singapore vào hôm nay, rất khó có ai tin rằng ông sẽ thành công như ông đã thành công. Thế nhưng, lý tưởng, lòng đam mê đưa dân tộc ông đến thịnh vượng theo cách phù hợp với hoàn cảnh riêng của dân tộc ông, không vay mượn mù quáng từ một ông Mao hay ông Tây nào đó thì vẫn luôn tràn đầy. Chúng ta nên dành cho ông sự ngưỡng mộ đặc biệt ở phương diện này. Trở lại vấn đề Đông Âu, những nghiên cứu của Brandley R.Schiller đã chứng minh rằng, CNXH ở Đông Âu và Liên Xô tan rã là xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế chứ không phải là do xu hướng dân chủ hay việc đa nguyên đa đảng như một số người vẫn lấy đó để biện minh cho tình trạng nhất nguyên của Việt Nam. Xin được nói thêm, những bất ổn ở Đông Âu, Liên Xô, không hẳn xuất phát từ chính sách dân chủ, đa nguyên mà còn có nguyên nhân quan trọng khác là xung đột sắc tộc, tôn giáo. Điều này tương tự như trường hợp ở một số nước Hồi giáo như Afghanistan, Arapsaudi, Indonesia… Nước Việt Nam mới ra đời đã ngót 60 năm nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người Việt Nam đã làm nên những kỳ tích khiến nhân loại phải kính cẩn nghiêng mình. Ngoài nội lực của một dân tộc bị dồn nén sau 80 năm trường nô lệ, phải kể đến hệ tư tưởng Marx-Lenin được nhập khẩu từ Đông Âu và Liên Xô. Chúng ta đã sống trong ánh hào quang của Cách mạng tháng Tám, của thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm quá lâu. Đó là lý do để một thời chúng ta tôn sùng Chủ nghĩa Marx-Lenin, coi hệ tư tưởng này là vô địch, là bách chiến, bách thắng, là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Chính vì sự tôn sùng một cách quá mức đó đã vô tình biến học thuyết này thành một thứ tín ngưỡng chứ không phải là một luận điểm khoa học của phép biện chứng. Sự sùng tín này khiến chúng ta đã phải trả giá cho những khá nhiều sai lầm, đặc biệt là trong những năm 80. Không thể quên ơn người đã cung cấp cho chúng ta phương pháp luận tuyệt vời; không thể quên ơn người đã cung cấp cho chúng ta lý luận để đoàn kết giai cấp, giải phóng dân tộc nhưng chúng ta phải lưu ý rằng, nhân loại không bao giờ ngừng lại. Sau Marx, Lenin đã có hàng trăm học thuyết về kinh tế chính trị, cập nhật những thành tựu lớn nhất của nhân loại mà chúng ta có thể tham khảo. Sáu mươi năm tồn tại của nhà nước Việt Nam mới với biết bao đổi thay nhưng chúng ta chưa thoát khỏi những ám ảnh từ Đông Âu và Liên Xô. Trong một nỗ lực thoát ly khỏi sự lựa chọn của Liên xô và Ðông Âu, không chọn con đường đa nguyên đa Đảng và dường như chúng ta đang ngưỡng mộ sự chọn lựa của Trung Quốc và sao chép cách làm của nước này. Các con rồng châu Á trước đây là một thực tiễn sinh động cần tham khảo nhưng không thể đơn giản hóa vấn đề đến mức như một số người vẫn thường tuyên bố: “Hãy làm theo những con rồng châu Á: phát triển kinh tế trước đã, chuyện dân chủ tính sau,” hoặc, “Hãy nhìn vào tấm gương Ðông Âu, mở rộng dân chủ trước sẽ mất chế độ…” Vậy đâu là nhân tố mất ổn định, đâu là phương án tốt nhất cho Việt Nam? Xin được bàn đến trong bài viết sau. 2- Vòng kim cô CNXH Người Pháp vừa mới cho xuất bản cuốn: "Le livre noir du Communisme" (Sách đen của chế độ cộng sản). Đọc giới thiệu qua về cuốn sách này thấy đã phát khiếp. “ “Trong 864 trang sách, các tác giả phác họa một bản thống kê khiếp sợ của một thế kỷ dưới chế độ độc tài cộng sản: từ 85 đến 100 triệu người chết. Theo các tác giả, tại Liên xô, Stalin giết hại khoảng 20 triệu người; tại Trung Quốc khoảng 65 triệu; tại Bắc Triều Tiên: 2 triệu; tại Việt Nam: một triệu; tại Campuchia: 2 triệu (thời Pol Pot); tại các nước Ðông Âu: 1.150.000; tại Cu ba và Mỹ Latinh: 1.700.000; Ngoài ra còn có 10.000 thuộc nội bộ Phong trào cộng sản quốc tế bị thanh toán theo lệnh của Stalin… “ Từ những nguồn thông tin đó, Zìn tôi thấy, giá như chúng ta có điều kiện đọc, suy ngẫm về thời cuộc, xem xét lại chính mình. Và chúng ta thử trao đổi xem, chủ nghĩa Mác, kim chỉ nam cho mọi đường lối tư tưởng của Việt Nam có phải là bách chiến, bách thắng hay không? Và đó có còn là cứu tinh của Việt Nam nữa hay không? Chủ nghĩa Marx chưa bao giờ là cứu tinh của Việt Nam cả. Không những thế nó còn là Đại Họa cho Việt Nam và cả thế giới. Công bằng mà nói thì cái mà chúng ta thường gọi là chủ nghĩa Marx ở Việt Nam, thực ra là Marx-Lenin, thậm chí là Stalin, Mao Trạch Đông. Nghĩa là một thứ chủ nghĩa Marx đã bị cực đoan hoá đi rất nhiều, đến mức đi ngược hẳn với những lý tưởng ban đầu của Marx. Tuy nhiên bản thân chủ nghĩa Marx ngay từ nguyên thuỷ cũng đã chứa đựng rất nhiều yếu tố sai lầm và cực đoan. 2 sai lầm chí tử của Marx là 1/ Sai lầm về Động Lực phát triển của Xã Hội Loài Người 2/ Sai lầm về Bóc Lột Giá Trị Thặng Dư. Nguyên nhân tất cả các sai lầm của Marx là sai lầm trong tư duy và phương pháp luận triết học. Marx là người hâm mộ Hegel về Biện Chứng pháp. Marx tự nhận là thuộc phái Hegel cánh tả và Duy Vật Biện Chứng. Marx phê phán Hegel duy tâm, nhưng thực tế Học Thuyết Marx lại Phi Biện Chứng và Duy Tâm hơn cả thầy mình. Trong tư duy Marx bị mắc bệnh Tuyệt Đối Hoá và trong phương pháp Marx mắc bệnh Qui Nạp phiến diện. Marx đã tuyệt đối hoá vai trò đấu tranh giai cấp, mà không nhìn thấy vai trò của đấu tranh dân tộc, tôn giáo, văn hoá v.v....trong quá trình phát triển của lịch sử loài người. Marx đã tuyệt đối hoá vai trò của giai cấp công nhân, chỉ toàn nhìn thấy măt tốt mà không nhìn thấy mặt hạn chế của giai cấp này. Ngược lại Marx lại chỉ nhìn thấy mặt xấu của giai cấp tư sản, mà không nhìn thấy mặt tốt của họ. Do đó dẫn đến các kết luận hoàn toàn sai lầm về đấu tranh giai cấp, xóa bỏ giai cấp tư sản, thiết lập công hữu về tư liệu sản xuất và thực hịên chuyên chính vô sản.....Marx có thể đã không nghiên cứu các tư tưởng triết học phương Đông, nên triết học của Marx quá cực đoan. Marx chí thấy tính Đối Kháng, Triệt Tiêu lẫn nhau của các mặt Đối Lập mà không thấy tính Đối Đãi, Hoà Đồng giữa chúng. Về phương pháp luận Marx mắc bệnh Qui Nạp phiến diện. Toàn bộ học thuyết Marx về Duy Vật Lịch Sử, đặt trên cơ sở nghiên cứu Lịch Sử phát triển xã hội châu Âu. Cuốn Tư Bản được viết trên cơ sở chỉ nghiên cứu lịch sử phát triển của kinh tế - xã hội nước Anh thế kỷ 18-19. Do đó học thuyết Marx vừa phiến diện vừa cực đoan, vừa sai lầm vì không có tính qui luật phổ quát. Marx có tham vọng quá lớn, trong khi nền tảng tư duy và phương pháp luận lại mắc quá nhiều sai lầm và thiếu sót. Vì vậy chủ nghĩa Marx không có tính khoa học mà chỉ là một Utopia. Điều này đã được nhiều triết gia, kinh tế gia hoặc nhà xã hội học phê phán. Người nổi tiếng nhất là Karl Popper trong tác phẩm " Sự khốn cùng của chủ nghĩa lich sử " đã chỉ ra rất rõ những sai lầm, phiến diện, phi khoa học của Marx. Thường để xét tính khoa học của một phát minh, sáng chế hay thậm chí là một học thuyết, giới chuyên môn khảo sát công trình qua tiêu chuẩn IMRAD, là viết tắt của 5 bước sau: 1/ Introduction: Nhập Đề 2/ Method: Phương Pháp 3/ Result: Kết Quả 4/ Affirmation: Xác Quyết 5/ Discursion: Biện Luận Hoc Thuyết Marx nếu khảo sát theo mô hình này, chỉ qua được bước 1 Đặt Vấn Đề ( Xoá bỏ Bóc Lột ) nhưng gặp trục trặc ngay ở bức 2 Phương pháp ( Đấu tranh giai cấp, công hữu hoá ) và thất bại ngay ở bước 3 Kết Quả. Do đó sẽ bị loại khỏi danh sách các công trình Khoa Học. Bản thân Marx về cuối đời cũng tự nhận mình không phải là một nhà marxist. Một trong những thiếu sót nghiêm trọng của Marx là trong khi quá say sưa với vẫn đề công hữu hoá tư liệu sản xuất, Marx đã "quên" mất vấn đề tối quan trọng là công hữu hoá quyền lực. Đó cũng bởi vì Marx mắc bệnh tuyệt đối hoá giai cấp, quá tin tưởng ở những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân mà quên mất rằng nó cũng có đầy những tính xấu như bất cứ giai cấp nào hay con người nào khác. Hậu quả của kẽ hở này là ở các nước đi theo mô hình của Marx, đảng cộng sản sau khi nắm được chính quyền đã trở thành giai cấp thống trị mới còn tệ hại hơn giai cấp thống trị cũ, do nó được biện minh bởi học thuyết mới. Với công thức công hữu hoá. Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý. Nhưng chính quyền lại là sở hữu riêng của đảng cộng sản, bất khả tương nhượng, nên trong các nước theo mô hình XHCN, đều trở thành những chế độ phong kiến kiểu mới - chế độ phong kiến không vua, hay đúng hơn là không ngai - đảng cộng sản ở những nước này, trở thành những chính đảng giàu có nhất thế giới, trở thành các siêu địa chủ - tư sản, do chỗ họ trở thành chủ sở hữu thực tế của toàn bộ tài sản quốc gia - điều ngay cả một ông vua phong kiến cũng không sánh nổi ( ngày xưa quyền sở hữu của vua bị dừng lại ở đất đai, tài sản của nhà chùa, nhà thờ, giáo hội....Ngày nay, tất cả đều là của toàn dân, do nhà nước quản lý, nhưng đảng cộng sản lại là người chiếm hữu duy nhất nhà nước đó, nên thực tế đảng chính là ông chủ. ) 3- Đâu là nhân tố “mất ổn định” Sự kiện Đông Âu và Liên Xô tan rã diễn ra đã hơn 15 năm nay, nhưng đó vẫn là một nỗi ám ảnh của Việt Nam. Là đất nước đã trải qua hơn 30 năm chiến tranh, hơn ai hết, người Việt Nam cần hoà bình, ổn định để phát triển. Nhưng ổn định thế nào, đâu là nhân tố gây mất ổn định lại là điều cần phải bàn sâu thêm. Cũng như các quốc gia khác đã từng trải qua chiến tranh, Việt Nam đã từng có không ít kẻ thù. Kẻ thù cũ, đã từng đánh nhau “sứt đầu mẻ trán” ôm hận chờ tới một dịp nào đó sẽ báo thù. Kẻ thù mới, là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên thương trường, cay cú ăn thua, tìm cách hãm hại chúng ta. Ngay trong nội bộ quốc gia, là những phần tử bất mãn, tụ tập, gây rối chống phá chế độ… Và một kẻ thù khác khó nhận diện nhưng vô cùng nguy hiểm là sự nghèo nàn lạc hậu. Nghèo đói dễ sinh loạn lạc. Trên đây là những nhân tố tiềm tàng gây mất ổn định. Vậy thực chất của những nhân tố này thế nào, trong phạm vi bài viết này tôi không dám mổ xẻ chi tiết nhưng chỉ xin được đề cập đến một số nét chính. Sau cuộc tiến công nổi dậy năm 1975, chính phủ nguỵ quyền Sài Gòn sụp đổ. Một bộ phận lớn quan chức chế độ cũ, một số có nợ máu với cách mạng đã di tản ra nước ngoài. Một số khác lần lượt di tản trong những năm sau đó. Hiện nay họ đang định cư ở một số thành phố lớn ở Mỹ, Canada, Pháp, Australia… Những người này chúng ta vẫn gọi là Việt kiều, thường xuyên vẫn có liên hệ với thân nhân trong nước. Bên cạnh những người có thiện chí, trong số đó còn không ít phần tử vẫn tỏ ra hằn học, không quên mối thù với chế độ. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của họ đến đâu lại là điều cần phải xem xét một cách bình tĩnh. Trương Vũ, một cựu sỹ quan Việt Nam cộng hoà, đã từng di tản sang Mỹ sau sự kiện 1975, trong một bài viết đăng tải trên website “Người Việt online” ông viết: ”Các thành phần phản kháng chính trị quan trọng của Việt Nam đều đã ra khỏi nước. Trong số này, những thành phần cực đoan nhất thì lại rất giống các đối thủ cực đoan của họ ở trong nước về phương diện suy nghĩ lỗi thời, về ham thích khẩu hiệu, và nhất là sự thiếu can đảm nói thật và chấp nhận lỗi lầm, do đó không thể nào có khả năng thuyết phục được đồng bào của họ tạo nên một sức ép chính trị đối với Việt Nam. Thực tế, chính họ không thuyết phục được lẫn nhau.” Trong số những bài viết của người Việt hải ngoại, tôi cho rằng đây là nhận xét xác đáng, khách quan. Sự trở lại Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ và những lời tuyên bố của ông với báo chí cũng đã minh họa cho nhận định này. Hàng ngày qua hộp thư điện tử tôi nhận được không ít thư từ của các tổ chức, cá nhân chủ yếu đang định cư ở nước ngoài với nhiều động cơ khác nhau, trong số đó có không ít lời lẽ hằn học, thù địch. Có kẻ tự xưng là Thủ tướng chính phủ lâm thời hẳn hoi nhưng những lý luận của họ xem ra khó thuyết phục và họ chưa phải là một đối thủ chính trị có thể thay đổi cục diện đất nước. Thêm nữa, lực lượng chính trị này không nhiều, lại nằm rải rác trên nhiều vùng khác nhau, từ châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và không nể phục nhau. Lực lượng an ninh quốc gia được ví như cô bảo mẫu của nền kinh tế. Một đứa trẻ muốn an toàn, cách đơn giản nhất là cho vào cũi rồi khoá chặt lại, đứa trẻ sẽ không bị vấp, ngã hay thương tích gì. Tuy nhiên, cách nuôi trẻ kiểu này chỉ tạo ra những đứa trẻ mô hình “gà công nghiệp”, đần độn và không cạnh tranh được với ai. Trẻ vẫn lớn và cô bảo mẫu vẫn có thể báo cáo thành tích là, đấy, đứa trẻ được tuyệt đối an toàn. Để nâng tầm quan trọng của mình lên, cũng như bất cứ cơ quan nào, lực lượng vũ trang thường thổi phồng nguy cơ mất ổn định của đất nước. “Thỏ cáo hết thì chó săn bị ăn thịt”- đây là lẽ thường tình của tự nhiên. Đó là lý do để Việt Nam có vô số “kẻ thù”, vô số “gián điệp”, vô số kẻ “chống đảng”, vô số “tổ chức phản động”… Xung quanh Việt Nam lúc nào cũng nhung nhúc “kẻ thù”. Chiến tranh lùi xa đã ngót 30 năm nay, sao Việt Nam vẫn lắm kẻ thù đến thế? Trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hoá, khi mình có quá nhiều kẻ thù cũng cần nên đặt câu hỏi và xem xét lại bản thân! Một bộ phận người Việt khác vì bất mãn với chế độ, mua thuyền vượt biên trong những năm 80. Trong số đó, nhiều người bị chết chìm tức tưởi giữa đại dương mênh mông, làm mồi cho cá mập. Có người bị công cuộc cải cách tư sản tư nhân tước đoạt mất tài sản, nhà xưởng, là thứ mà họ phải mất nhiều năm khó nhọc mới kiếm được, không thể gọi họ là người có thiện cảm với chế độ. Nhưng rồi thời gian qua đi, theo bản tính hay quên về chính trị của người Việt, những mối thù cũ theo đó mà vơi dần. Thêm nữa, lực lượng này quá mỏng lại khó đoàn kết nhau nên họ đành an bài với hiện tại. Có người khi về nước thăm thân, nhận thấy nhiều cơ hội làm ăn nên không bỏ lỡ, đã trở thành những “Việt kiều yêu nước” đầu tư về quê hương. Mối lợi mới đã làm họ nhanh chóng quên đi thù cũ. Khi biết chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam, một số khác đã nhanh chóng liên lạc với người thân ở trong nước, thiết lập mối quan hệ thân thiết với cộng đồng. Lòng thương yêu gia đình, bè bạn rất đặc thù của Việt Nam từ phía những người Việt ở nước ngoài, cùng với tính dễ thích ứng, họ đã bình thường hoá quan hệ với quê hương, như những người con đi xa lâu ngày trở về. Theo số liệu của Uỷ ban người Việt ở nước ngoài, lượng kiều hối của người Việt gửi về cho thân nhân năm 2004 ước tính khoảng hơn 3 tỷ USD. Trên thực tế số tiền này lớn hơn nhiều vì ít có người Việt nào khi về đến sân bay chịu khai thật với hải quan về số tiền họ mang theo trong người. Một bộ phận người Việt khác ở nước ngoài là chuyên viên kỹ thuật được đào tạo và có kinh nghiệm làm việc ở các nước tiên tiến. Mặc dầu điều kiện làm việc trong nước còn nhiều khó khăn song một số đã sẵn sàng trở về nước đóng góp tài năng của họ vào việc phát triển cho Việt Nam. Các doanh nhân, các nhà trí thức, nhà hoạt động xã hội người Việt thành đạt ở nước ngoài đã bỏ qua những định kiến của quá khứ để về cống hiến cho đất nước. Một nhân tố khác là lực lượng người Việt ở trong nước bất mãn với chế độ, bất đồng chính kiến, thường xuyên tụ tập phê phán chế độ và chuyền tay nhau những tài liệu đòi hỏi dân chủ, đa nguyên… nhưng cũng như lực lượng ở nước ngoài, họ đều chưa tìm thấy được gương mặt nào sáng giá để đoàn kết nhau lại để thành một lực lượng. Một nhân tố khác khiến chúng ta lo ngại cho quá trình mất ổn định là Mỹ. Người Mỹ từng có mặt ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng rồi họ đã rút về nước. Có người cho rằng, họ rút là do họ thua trận. Hãy xem một trường hợp khác, người Mỹ đã từng có mặt ở Triều Tiên, ở Afghanistan, ở Philippine… với tư cách là người thắng trận, nhưng rồi, họ cũng đã rút về nước và chỉ để lại một lực lượng nhỏ vài sư đoàn với nhiệm vụ giữ gìn an ninh. Điều này đã chứng minh, người Mỹ không có tham vọng về lãnh thổ. Trường hợp nước Pháp, Trung Quốc hay Campuchia… là những nước đã từng có xung đột với Việt Nam cũng vậy. Xu thế hoà bình, ổn định trên toàn cầu không cho phép họ manh động. Thêm nữa nền kinh tế toàn cầu đã đặt nhân loại cùng ngồi trên một chiếc thuyền giữa đại dương mênh mông, không còn có chuyện “cháy nhà hàng xóm- bình chân như vại”. An ninh của mỗi nước gắn liền với an ninh khu vực và an ninh thế giới. Có người cho rằng, vì Việt Nam từng là kẻ thù của Mỹ, từng thắng Mỹ nên người Mỹ tìm cách trả thù. Xin được nhắc lại, không chỉ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã từng là kẻ thù của Mỹ, cũng đã từng ít nhiều thắng Mỹ, nhưng ngày nay họ trở thành đồng minh của nhau. Những nơi mà người Mỹ từng có mặt như Nhật Bản, Hàn Quốc… những quốc gia này đều có bước phát triển vượt bậc và bảo tồn rất tốt bản sắc dân tộc. Vậy nếu chúng ta lo ngại Mỹ là một điều không có cơ sở. Nói như vậy không phải là quá chủ quan, mất cảnh giác, nhưng mối đe doạ từ Mỹ hay từ những người Việt cực đoan sống ở nước ngoài là không lớn, không nguy hiểm như nhận định của một số người. Nhân tố mất ổn định lớn nhất, kẻ thù lớn nhất của chúng ta lúc này là nghèo nàn, lạc hậu, là tụt hậu so với thế giới. Nếu chúng ta tiếp tục chính sách dân chủ, cởi mở, thiện chí vài hội nhập với thế giới không những chúng ta đạt được mục tiêu dân chủ mà còn loại trừ được các nguy cơ mất ổn định. 4- Có hay không một cuộc khủng hoảng chính trị? Khi đọc đến tiêu đề này, có người nói với tôi rằng, “ông có điên không đấy!”, nói đến mất ổn định chính trị lúc này khác nào tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh. Thời kỳ khốn khó nhất của Việt Nam đã qua lâu rồi. Trước sự đổ vỡ của cả một hệ thống CNXH ở Đông Âu và Liên Xô, trước một nền kinh tế ốm yếu đứng bên bờ vực của sự sụp đổ, hệ thống chính trị Việt Nam vẫn vững như bàn thạch, còn bây giờ? Vẫn còn mầm mống của một cuộc khủng hoảng chính trị mới là điều đáng bàn! Ngoài câu chuyện về Đông Âu và Liên Xô mà tôi đã nói ở bài V, xin được kể một câu chuyện Việt Nam. Một cán bộ cao cầp, thành viên Hội đồng Lý luận, trong nhiều cuộc nói chuyện với lớp trẻ vẫn thường lặp đi lặp lại quan điểm: “Cách đây mấy năm, nước ta ở trong tình trạng thiếu đói, cán bộ phải chờ đến hàng chục năm mới đến lượt được mua một chiếc xe đạp phân phối. Ngày nay, người dân không phải lo nghĩ đến chuyện thiếu đói, còn xe đạp là chuyện xưa rồi, nhà nào cũng có xe máy, có nhà còn có hai ba chiếc, một số người khá giả đã sắm được ô tô.” Khi tôi ngồi viết những dòng này, ông vẫn đương chức, vẫn tâm đắc với luận điểm đó. Bài diễn văn này ông vẫn tiếp tục đọc ở hàng trăm diễn đàn khác nhau. Ông vẫn được đánh giá là một cán bộ đầy tiềm năng. Qua trao đổi với một số bạn trẻ đã từng nghe ông nói chuyện, có bạn đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Đó là chuyện chính trị, chuyện đó, bọn em nghe chán rồi, bọn em không quan tâm, chỉ làm sao học xong ra trường, kiếm được chỗ làm có thu nhập cao, nếu là cơ quan nước ngoài là tốt nhất. Không chỉ có các bạn trẻ, trong giới hoạt động nghệ thuật, các nhà văn, nhà báo tôi đã không dưới dăm lần nghe họ tuyên bố: Tôi không quan tâm đến chính trị, tôi chỉ làm nghệ thuật thôi!” Vậy chính trị là gì để khiến người ta quay lưng lại với nó vậy? Xin được nhắc lại định nghĩa của Lenin đã nói ở bài IV: “Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”. Hay nói chính xác hơn, Chính trị là chiều sâu, là tầm nhìn xa của kinh tế. Khi người ta nói chỉ quan tâm đến kinh tế mà không quan tâm đến chính trị, là người ta chỉ quan tâm đến cái trước mắt, cái thực dụng mà không dám nhìn xa hơn. Đây là một thảm hoạ! phải chăng người Việt Nam thiển cận, thực dụng đến nỗi không cần biết đến chính trị là gì? Mọi người dân đều biết những người làm chính trị ở Việt Nam hiện nay không mấy ai sống bằng đồng lương. Bởi nếu sống sòng phẳng bằng đồng lương làm sao họ có thể mua nổi chiếc xe máy, chứ chưa nói đến chuyện xe hơi, nhà lầu, cho con đi du học, đến các tài khoản ngoại tệ gửi ở nước ngoài. Họ làm chính trị không phải vì quốc kế dân sinh mà là vì quyền lực, mà quyền lực lại là thứ mang lại bổng lộc, quyền lực là công cụ để kiếm chác. Trong đầu đa số các bạn trẻ, chính trị mang một nghĩa gì không tốt, thậm chí “bốc mùi”. Vì thiếu những điều kiện căn bản về dân chủ, giữa dân chúng và quan chức thường không có một liên hệ tin tưởng và đồng thuận. Trong mỗi người Việt Nam, đã trở thành thói quen, câu chuyện mà người ta nói ở quán nước và câu chuyện nói ở diễn đàn là hoàn toàn khác nhau, thậm chí trái ngược 1800. Người dân sẽ không có một chút mặc cảm nào nếu phải mánh mung hay lấy của công để làm giàu cho cá nhân mình, nhưng ở trên các diễn đàn không ai dám công khai điều này. Mỗi quan chức có một khoảng trời riêng, một không gian riêng với những đệ tử tin cẩn chi phối mọi hoạt động trên địa bàn đó. Tôi có một anh bạn, vì trót chạy xe quá tốc độ, bị cảnh sát giao thông lập biên bản. Theo luật, sẽ phải giữ xe 20 ngày, chịu phạt tiền và bấm lỗ bằng lái. Nhưng thông qua một “xếp” ở địa phương, một cú điện thoại gọi xuống, lỳ xì vài triệu là coi như xong, không có chuyện gì xẩy ra. Tham nhũng là phạm luật nhưng đã trở thành một điều không cần phải che đậy và cũng chẳng biết làm sao để giải quyết. Nhiều người ý thức được cái bất ổn của tương lai nên có khuynh hướng quay về bảo vệ những giá trị truyền thống theo kiểu sống sao cho phải đạo. Thế nhưng, những giá trị cần bảo vệ thường không vượt qua khỏi ngưỡng cửa gia đình, bè bạn. Có một thái độ lạ lùng nhưng gần như được công khai chấp nhận: cứ làm ăn, nếu cần cứ mánh mung, cứ tham nhũng, nhưng đừng làm chính trị. Một quan chức đã nghỉ hưu đã cay đắng tổng kết: “Một thằng làm, chín thằng rình; cuộc đời chính trị nghĩ mà kinh!” Chỉ có một nguyên do để cắt nghĩa thái độ lạ lùng trên: người dân tin chắc mình không có chỗ trong đời sống chính trị của đất nước, do đó không việc gì phải quan tâm đến sự thăng trầm của nó và càng không việc gì phải trung thành với guồng máy chính trị trên đất nước mình. Với một tâm thức chung như vậy, thật khó để tiên đoán những hậu quả quả nào cho mai sau, nhưng chắc chắn, nếu cứ tiếp tục như thế này, phải là kẻ không bình thường mới tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một con rồng châu Á khác. Thảm kịch ở Việt Nam có một nguyên nhân lớn nhất: không ai thích chia quyền với người khác. Thực tế thì ngược lại, quyền lực phải được trao cho người xứng đáng. Nếu họ không thực thi được quyền lực thì xin mời giao cho người khác xứng đáng hơn. Đó là lẽ thường của công bằng, có nghĩa là, phải có Dân Chủ. Thiếu nó, sẽ mất tất cả, đừng nói chi đến chuyện phát triển kinh tế. Không ai đòi hỏi phải có Dân Chủ ngay ngày mai, nhưng ít nhất chúng ta phải có một lịch trình thực hiện dân chủ, tôn trọng lịch trình đó cùng những kết quả của nó. Nhìn sang đất nước láng giềng của chúng ta là Indonesia, trong mấy năm trước, dưới cái bóng chính trị khổng lồ của ông Sukarno, bà Megawati đã có cơ hội đảm nhiệm chức Tổng thống (sau khi tổng thống đương nhiệm Wahid thoái vị). Trong cuộc bầu cử vừa rồi, Tướng về hưu Yudhoyono giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên (20/9), Bà Megawati đã kêu gọi dân chúng chấp nhận kết quả bầu cử và chúc mừng ông Yudhoyono. Thái độ đó đã mang lại cho bà sự kính trọng cùng với sự an toàn, cho đảng Golkar của bà và cả đất nước Indonesia. Còn ở ta, khi quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đã được ghi vào Hiến pháp, bất kể Đảng có hoàn thành nhiệm vụ hay không, đã huỷ hoại mọi ước mơ, hoài bão của giới trẻ khiến họ không dám kỳ vọng vào tương lai xa hơn. Sự xa lánh đời sống chính trị của giới trẻ đã tạo ra một khoảng trống đội ngũ kế cận. Chúng ta thiếu những nhà hoạt động chính trị với mục đích chân chính của nghề này mà hầu hết đều với mục đích sai lệch và thực dụng. Những bạn trẻ có tài năng, những người có hoài bão, có ý tưởng cống hiến cho đất nước, nhưng vì một lý do nào đó, họ không vào Đảng, họ sẽ không bao giờ có cơ hội được tham gia vào các bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng. Thậm chí không có cơ hội phát biểu những điều trái chính kiến, bởi họ có thể bị kết tội “chống Đảng” tuyên truyền phản động, thậm chí là tội danh “gián điệp” bất cứ lúc nào. Trên mặt nổi của xã hội, Việt Nam đang có một không khí hứng khởi. Hàng hóa, tiền bạc, kiều hối từ nước ngoài đang đổ vào Việt Nam, đặc biệt là ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Người dân không còn khốn khó như trước mà trong túi đã có nhiều tiền hơn để tiêu và nhiều hàng hóa hơn để hưởng thụ. Thế nhưng, Việt Nam chưa tạo được sức bật để đuổi kịp thế giới, để đầu tư vào những thế mạnh của mình để cạnh tranh với khu vực. Sự hứng khởi không đồng nghĩa với phát triển. Và, sự quay lưng lại với chính trị của thế hệ trẻ đang là một mầm mống cho một cuộc khủng hoảng mới về chính trị. 5- Giải phóng tư tưởng Đại hội toàn quốc lần thứ VIII năm 1996 Đảng ta đã chỉ rõ bốn nguy cơ: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Chệch hướng xã hội chủ nghĩa; Nạn tham nhũng và tệ quan liêu; Diễn biến hoà bình do các thế lực thù địch gây ra. Như đã viết ở bài trên, mối đe doạ, “diễn biến hoà bình” mà chúng ta lo ngại là không nguy hiểm như ta vẫn tưởng, trái lại, mầm mống cho một cuộc khủng hoảng chính trị là có thật. Vậy đâu là nguy cơ đích thực, đâu là nguy cơ do một số người thổi phồng lên, có như thế chúng ta mới giải phóng được tư tưởng, tập trung vào những vấn đề cốt yếu nhất để phát triển kinh tế. Nạn tham nhũng và tệ quan liêu là nguy cơ có thật; tụt hậu là có thật. Như đã phân tích ở phần trên, những nguy cơ này có thể được đẩy lùi bằng cách cải tổ hệ thông chính trị, mở rộng dân chủ. Còn chệch hướng? Trung Quốc đã bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa bằng việc giải phóng tư tưởng. Đặng Tiểu Bình đã định nghĩa về chủ nghĩa xã hội như sau: “Chủ nghĩa xã hội là sự giàu có của cộng đồng, muốn giàu có phải giải phóng sức sản xuất. Tất cả những gì giải phóng sức sản xuất đều không trái với chủ nghĩa xã hội.” Nhờ bản lĩnh chính trị kiên cường, nhờ sự thông thoáng về quan niệm, Đặng Tiểu Bình đã đưa đất nước có 5.000 năm phong kiến bảo thủ thoát ly khỏi hình bóng chính trị khổng lồ của Mao Trạch Đông để hội nhập trở lại với thế giới. Hơn hai mươi năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến dài trên con đường phát triển kinh tế. Là nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, những bài học từ Trung Quốc rất đáng để chúng ta tham khảo. Trương Hồng Sơn, nhà khoa học người Mỹ gốc Việt hiện đang làm việc cho cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA đã có nhận xét cay đắng: “… Việt Nam không dám đổi mới thật sự, mặc dầu có điều kiện để mạnh dạn hơn Ðông Âu. Thái độ thiếu mạnh dạn đó phát xuất từ một nguyên nhân sâu xa và thật nguy hiểm. Các nhà lãnh đạo ở Việt Nam đã bị nô dịch tâm trí và tình cảm quá nhiều vào chủ nghĩa Marx-Lenin…” Nhận xét trên là chua xót nhưng không thể không suy ngẫm. Vậy thoát khỏi sự nô dịch về tư tưởng bằng cách nào. Như đã nói ở phần trên, Marx phát minh ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã hơn 100 năm nay. Không thể phủ nhận rằng đây là một công trình khoa học vĩ đại rất đáng nghiên cứu, nhưng đó không phải là công trình khoa học xã hội duy nhất. Từ đó đến nay, đã có hàng trăm công trình khoa học khác ra đời. Những công trình này tuy phạm vi đề cập quy mô không lớn bằng Chủ nghĩa xã hội khoa học nhưng đều là những công trình sát với những diễn biến của thực tiễn, được cả loài người công nhận. Vậy lý do gì mà chúng ta cứ khư khư ôm lấy chủ nghĩa Marx- Lenin như một tấm bùa hộ mệnh, điều gì đã khiến chúng ta phải mê muội đến vậy? Từ sự sùng bái chủ nghĩa Marx- Lenin, bất cứ một câu nói nào của hai ông này đều được viện dẫn để bào chữa cho một hành động nào đó. Trong đó có vô số câu không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn ngày hôm nay. Khi lộ trình cổ phần hoá đang được triển khai với tốc độ rùa bò, một số quan chức đã giải thích: Cổ phần hoá là đúng, nhưng cần phải đảm bảo “định hướng chủ nghĩa xã hội”. Rằng, cổ phần hoá nhưng không tư nhân hoá, không cẩn thận sẽ mất chủ nghĩa xã hội, sẽ tạo ra phân hoá giàu nghèo. Một công nhân con một vị quan chức trong giờ sản xuất bỏ đi cá độ bóng đá, bị giám đốc khiển trách đã về mách bố, ông này không cần tìm hiểu đúng sai, xông thẳng ngay đến xí nghiệp, gọi giám đốc ra và mắng ông này là đồ tư bản, “Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”! Đã thành thói quen, bất cứ sản phẩm nào, từ chiếc máy vi tính, xe ôtô, đến cả máy bay Boing 777 khi mới ra đời đều có thể thoải mái bình phẩm, khen cái nọ, chê cái kia, thậm chí chỉ trích, nhưng hệ thống chính trị thì không. Chủ nghĩa Marx – Lenin là bất khả xâm phạm, Đảng là bất khả xâm phạm, hệ thông chính trị hiện tại là bất khả xâm phạm. Miễn bàn! Người ta quên rằng, cũng như bất cứ một sản phẩm công nghiệp nào, dẫu có qua những khâu kiểm nghiệm nghiêm ngặt đến đâu thì học thuyết hay hệ thống chính trị đều còn vô số những khiếm khuyết, đó là chưa nói đến sự lỗi mốt do thời gian, cần phải được nghiêm túc xem xét, bổ sung và hoàn thiện không ngừng. Nếu ai đó có bạo gan bàn bạc, bình phẩm về học thuyết này hay hệ thống chính trị nọ, anh có thể bị gán cho tội nói xấu đảng, nói xấu chế độ bất cứ lúc nào. Nếu những người tâm huyết có tụ tập nhau lại, bàn chuyện thế sự, lưu truyền một vài bài viết từ bên ngoài, đều có thể khép vào tội: Phát tán tài liệu chống đảng, chống chế độ và ngay lập tức có thể bị bắt tạm giam dăm bảy ngày và thông báo về cơ quan, về gia đình. Người đó lập tức mất hết cơ hội thăng tiến, mất hết cơ hội làm ăn. Ở Việt Nam không ai dại gì lại chơi với một phần tử có vấn đề! Như đã nói ở phần đầu, những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được có nguyên nhân rất quan trọng từ lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về, cộng thêm nguồn lợi từ dầu thô. Lợi thế lớn nhất của người Việt Nam là sản phẩm trí tuệ để cạnh tranh quốc tế như công nghệ phần mềm, sản phẩm kỹ thuật cấp cao, thì Việt Nam chưa có, và cũng chẳng có gì bảo đảm là Việt Nam sẽ có trong một tương lai gần để tranh với Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Ðài Loan. Một vấn đề khá nan giải là: làm sao có thể tự do phát triển khả năng của trí tuệ trong khi bị giới hạn nghiêm ngặt bởi phát ngôn, bởi những ràng buộc vô hình về tư tưởng. Không có giải phóng tư tưởng sẽ không có những thăng hoa về trí tuệ, không có những phát kiến lớn, kể cả trong khoa học kỹ thuật chứ chưa nói đến trong việc cải tổ hệ thống chính trị. Chúng ta đã có những bước tiến dài khi thông qua Luật doanh nghiệp, trong đó, Luật thừa nhận quyền tự do kinh doanh nhưng Điều lệ Đảng vẫn còn đó, vẫn không cho phép Đảng viên tham gia bóc lột. Định nghĩa bóc lột được Marx đưa ra từ thế kỷ XIX nay vẫn giữ nguyên, chưa có một nhà lãnh đạo Việt Nam nào dám đưa ra định nghĩa mới trong khái niệm này. Điều 4 Hiến pháp Vịêt Nam vẫn còn đó. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho ai. Nếu quả thực Đảng tự tin vào năng lực lãnh đạo đất nước, tin vào sức mạnh trí tuệ của mình hãy để cho dân chúng thừa nhận, hãy để cho dân chúng thảo luận mà không cần phải áp dụng các cấm đoán khiến ai cũng phải né tránh khi đề cập đến khái niệm này. Thêm nữa nếu quả thực Việt Nam muốn hùng mạnh, muốn cạnh tranh với khu vực và thế giới, hãy để cho người đời phán xét. Trong một kỷ nguyên thông tin, nhân loại đang phấn đấu xây dựng một thế giới bằng thuỷ tinh, mọi vật đều trong suốt, người ta có thể nhìn rõ thấy nhau, chỉ riêng Việt Nam cấm đoán có phải là phương pháp tối ưu hay không? Giới trẻ Việt Nam đều ít nhiều chịu ơn Đảng. Nhờ ơn Đảng được học hành, được nghe các nhà lý luận giảng giải về giai cấp, về bóc lột, về đường lối, chính sách... Những quyển sách đầu tiên mà Đảng cho đọc là sách của Nhà xuất bản Sự thật (nay đổi tên thành nhà xuất bản Chính trị Quốc gia). Vì lý do đó, hai chữ "Sự thật" luôn luôn ám ảnh trong tâm trí giới trẻ như một truyền thống ngàn đời của cha ông. Hơn thế, Sự thật là một lời răn dạy của Đảng, người đã cho mình ăn học và cơ hội được tiếp cận với văn minh nhân loại như ngày hôm nay. Đã nói là tôn thờ sự thật thì không dấu diếm. Dấu diếm, lén lút là biểu hiện của gian dối, lừa lọc, sợ người khác phát hiện ra việc làm xấu xa đê tiện của mình. Đã gọi là tôn trọng sự thật thì phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan không phiến diện. Với khẩu hiệu: “Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”, trong những năm cuối thập niên 60, Đảng ta đã mở chiến dịch “Cải tạo công thương nghiệp tư sản, tư doanh ở miền Bắc” Cũng với khẩu hiệu đó, năm 1976, Đảng ta lại tiến hành chiến dịch tương tự ở miền Nam, mà thực chất của chiến dịch này là tiêu diệt lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân nhỏ bé của nền kinh tế, xóa bỏ nền kinh tế thị trường, khiến nhiều người doanh nhân không chỉ bị trưng thu hết sản nghiệp mà còn phải chịu đấu tố một cách oan uổng. Thế rồi, khi cái gọi là “Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa” đẩy đất nước đến bờ vực của sự sụp đổ thì Đảng đã tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường. Dường như để bào chữa cho sự “tiền hậu bất nhất” này, Đảng ta lại rao giảng “kiên trì đường lối CNXH” và cảnh báo sự “chệch hướng”… Một nửa nhân loại đã theo đuổi con đường CNXH hơn nửa thế kỷ, kết quả thế nào thì đã rõ. CNXH là một mục tiêu tốt đẹp nhưng bao giờ trở thành hiện thực thì còn phải chờ thực tiễn kiểm chứng. Khi vấn đề còn đang được kiểm chứng thì không bao giờ lại tự xưng rằng quan điểm của mình là duy nhất đúng đắn và phủ nhận mọi quan điểm của người khác. Khi sự thật đã phơi bày ra rằng quan điểm của mình sai thì vui vẻ chấp nhận lỗi lầm của mình, sẵn sàng thay đổi chứ không tìm cách lấp liếm. Đã gọi là tôn trọng sự thật thì không việc gì phải sợ người khác chỉ trích mình và lại càng không bao giờ cho mình cái quyền độc quyền phát biểu bởi vì đó cũng chính là một biểu hiện rõ ràng nhất của sự dấu diếm sự thật. Thông qua việc lắng nghe Sự thật, ta sẽ biết thêm nhiều điều hay lẽ phải, thấy được những thành tựu vĩ đại mà ta đã làm được, đồng thời cũng thấy được những cái mà ta chưa làm được, hoặc làm được nhưng chưa hay, chưa tốt để hoàn thiện mình. Thông qua việc lắng nghe sự thật, ta sẽ thấy được những thành tựu của người khác, của nhân loại, thấy được những điều mà người ta làm tốt hơn ta. Bằng phương pháp đối chứng, ta biết rằng mình đang ở đâu để khỏi huyễn hoặc mình, khỏi ngộ nhận rằng mình là vĩ đại, là văn minh của nhân loại. Thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chân lý! Tôn trọng sự thật là cách duy nhất để giải phóng tư tưởng, nếu chúng ta không muốn tụt hậu, đứng bên ngoài dòng chảy cuồn cuộn của nhân loại. Cải cách kinh tế và mậu dịch chỉ có hiệu qủa và được lâu bền khi đi đôi với cải cách chính trị. Nguyên tắc căn bản trong kinh doanh là khả năng sáng tạo. Có sáng tạo mới có phát minh và canh tân. Tư nhân chỉ sáng tạo được khi có tự do hành động và tự do thí nghiệm trong một môi trường thuận lợi. Như đã nói trên, Việt Nam cần thực thi một chiến lược phát triển mạch lạc với mục đích hội nhập hoạt động của khu vực công và tư để khai thác những lợi ích của việc toàn cầu hóa. Hội nhập khu vực tư bằng cách tạo điều kiện công bằng và môi trường minh bạch để khuyến khích xã hội dân sự đóng góp tài nguyên và trí tuệ để phát triển nhanh chóng và có hiệu năng. Sau đó chánh quyền sẽ phải dần dần tư hữu hóa khu vực quốc doanh. Công cuộc cải cách này đòi hỏi một sự can đảm lớn của những người cầm quyền tại Việt Nam hiện nay. Can đảm chấm dứt lối cai trị thiếu dân chủ bằng cách tạo môi trường cho một thể chế đa nguyên chính trị. Can đảm chấm dứt lối quản trị một cách vô hiệu năng và tham nhũng và áp dụng những qui tắc cai trị công quyền. Có thế giới lãnh đạo tại Việt Nam mới đạt được những đột phá cần thiết để phát triển mạnh và tạo được sức mạnh kinh tế để giải quyết nạn nghèo. Đồng thời, sức mạnh kinh tế đó sẽ giúp Việt Nam giữ cam kết trong những tổ chức chính trị và kinh tế đa phương quốc tế.