5. Một quãng đường (2)

Tiếng súng đã im hẳn từ lúc gần sáng. Cả làng, cả vùng lặng như chết. Nhưng chắc không ai chợp mắt. Sốt ruột chẳng hiểu thế nào.
Có điều tôi không biết, ngay khi súng nổ trong đêm, người các làng đã kéo đi. Chó cắn nhau, thế nào cũng có con què gãy, và thế nào cũng có cái gì kiếm được. Bà con thiết thực hơn chúng tôi, đói hơn chúng tôi.
Vùng tôi từ ngày xưa đã biết đi kiếm ăn lúc thời thế rối ren như thế. Các cụ còn kể lại hai lần Tây hạ thành, đương loạn lạc, cả làng đã kéo vào hôi của các dinh thự. Bố ông Năm Cạnh đi chậm quá, chỉ vớ được chiếc nón chóp bạc, đội ngay lên đầu. Tây trông ra, tưởng quan đội nón, bắn chết. Những người vào sau không được gì thì đi khuân gạch vỡ chỗ thành lở Bấy giờ, các tường làng và tường gạch vồ, nhiều nhà ở làng Hồ, làng Thọ, làng Nghè là cái tích gạch ấy. Làng Noi khiêng được cả cái kiệu bát cống còn rực rỡ đẹp nguyên. Những câu chuyện về Tây hạ thành vẫn được kể lại. Bây giờ Nhật hạ Tây, lại kéo đi kiếm ăn. Lúc này đương đói, càng hăng.
Từ gà gáy, cả một khu kho thuốc nổ của nhà công nghệ pháo Phú Mỹ trong đường cánh đồng vào Noi bị phá cửa. Kho bốc cháy, chết bỏng nhiều người có thằng Cửu, thằng Tốn người làng tôi. Những người không chết, khuân sạch đi những thúng thuốc pháo. Kho giấy vạc nhà nước ở làng Hồ, không còn lại một bó dó, một tờ giấy.
Trên đồn Bưởi, trên pháo đài Cáo, lính Nhật cầm ngang súng lưỡi lê đứng sừng sững như cái gốc cây. Mọi nơi đồn ải và trại lính vẫn nguyên. Chỉ có cái mặt thằng Tây đổi ra mặt thằng Nhật.
Cầu chợ Bưởi đèn sáng rực. Bốn cầu chợ rỗng không, xung quanh rấp rong, giữa sáng trắng. Như cái chợ ma. Chợ ma thật. Người đói vẫn dật dờ đến như những cái bóng biết đi. Những đêm giêng hai rét buốt, người đói lâu đã khô xương rồi sợ bóng tối. Họ men đến chỗ sáng, trông thấy sáng mới biết mình vẫn còn sống. Người đói lần đến...
Vào lúc chặp tối, lính Nhật trong đồn ra dồn lại một chỗ được bốn người đói. Nhật đâm chết cả bốn người dưới gốc cây đề cạnh cầu chợ rồi để bêu xác luôn đấy. Cho phải sợ. Nhưng chỉ thưa thưa vài hôm, người đói lại kéo đến, như mọi chặp tối.
Một sáng, có người đến nhà tôi. Nước da ngăm ngăm, mắt nhìn sâu thẳm, đôi mày rậm đen sẫm. Trông hao hao quen. Chỉ lạ cái áo the dài. À, nhớ rồi. Giới.
Năm trước, Lê Hữu Kiều giới thiệu Giới với tôi. Giới mới trong Thanh ra. Có dạo đọc báo Bạn đường ở Thanh Hoá, tôi yêu tư tưởng mới trong các bài và thơ của Giới viết, ký tên Thôi Hữu, cũng như những chữ rất mới của Trần Mai Ninh trên báo ấy.
Vào ngồi trong nhà, Giới bỏ mũ ra. Đầu Giới trọc tếu.
Đoán được điều tôi phân vân. Giới vừa nói vừa cười, vẫn đùa như mọi khi:
- Tớ mới chui cống Hoả Lò ra. Cho ở nhờ vài ngày, để tóc mọc khá một tí đã nhé.
Bấy giờ, Nhật đang lùng Việt Minh ác lắm. Nhà tôi không có lối thoát đằng sau. Nhưng biết làm thế nào. Tôi không dám nói với Giới cái sợ của tôi. Tôi đi xin được cái áo sợi dệt mặc rét cho Giới. Giới cởi áo the thâm treo lên vách. Nếu ai đến, trông cũng đỡ lạ mắt.
Được cái nhà tôi, cả ngày cũng chẳng có người đến. U tôi hồi này hay sang Bắc bán giấy phèn. Mỗi bận u đeo tay nải mang đi vài ba trăm giấy, có khi hai ba ngày mới về. Ở nhà không có ai, bà ngoại tôi chạy đói lên nhà dì Niêm trên Sơn Tây. Cái làng thiếu đói không người động tay chân, suốt ngày êm ả, chẳng ai đến nhà ai.
Cả ngày, Giới ở trong buồng đọc sách và ngủ. Chúng tôi chỉ ăn ngày một bữa, gạo tấm Sài Gòn. Giới chén khoẻ, hết cơm thì đứng dậy, chắc cũng chưa no. Khi đi ra sân, anh buộc cái khăn lên đầu. Tôi nói với u tôi: “Các anh người miền trong thường để đầu trọc và hay húi cua như lính tập". Không biết u tôi có nghi ngờ không, nhưng im lặng. Hôm bà ngoại tôi về bảo: "Tao thấy rồi. Ngày trước các thầy giáo trên nhà thờ làng Đông xuống trọ nhà ta thầy nào cũng tóc cun cún, suốt ngày ở trong buồng, chập tối mới ra sân đi bách bộ. Anh này có phải là người bên đạo không?”.
Vài hôm sau, Giới hay đi, chốc lại về. Có khi đi lâu hơn, không ăn cơm nhà. Tôi đoán Giới đi dạo quanh. Nhưng không hỏi. Một hôm, Giới đương đọc sách, Trần Độ đến.
Độ đưa cho tôi bản chỉ thị của Thường vụ Trung ương ngày 12-3-1945: Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Độ bảo sẽ họp thảo luận tài liệu quan trọng này. Đã mong cái gì to lớn sắp đến, từ hôm đảo chính Nhật.
Giới đi lâu không thấy về. Không hiểu sao, Giới cũng không bảo gì với tôi.
Có đến một tháng sau, chợt gặp Giới ở nhà bà Lam cuối xóm Trẽ đầu cánh đồng đi ra. Tôi ngạc nhiên sao Giới vào nhà ấy. Tôi không tưởng được Giới quen ai, ngoài tôi trong làng này.
Giới thì thầm:
- Tớ vẫn có việc quanh đây. Nhưng không tiện đến nhà đằng ấy nữa. Đằng ấy biết nguyên tắc bí mật rồi. Tên tớ bây giờ là Tấn. Nhớ đấy, Tấn.
Tôi hiểu, Tấn đã bắt liên lạc được với đoàn thể, và công tác ở vùng này. Đến khi khởi nghĩa, tôi được biết Tấn là thành uỷ viên phụ trách ngoại thành.
Từ hôm Nhật đảo chính, nhiều nhộn nhạo chính trị trong thành phố, nhưng làng tôi vẫn im lìm dưới bóng cây đa to bờ ao đình. Lý trưởng, chánh hội vẫn yên như mọi khi. Và vẫn đói dài, càng đói. Những nhộn nhạo chính trị ngoài thành phố không dội về được qua luỹ tre cuối làng. Tiếng gào thiếu hơi chưa nghe đã tắt.
Nếu không có cuộc mít tinh kỷ niệm Nguyễn Thái Học của Quốc dân đảng tổ chức ở vườn Bách Thảo, tôi không biết những gì đương xảy ra trong thành phố. Cuộc mít tinh vườn Bách Thảo, Đại Việt và Quốc dân đảng “ra mắt đồng bào".
Trên gò núi Nùng, cái lư hương giả phết sơn đen sì to bằng chiếc bồ đại. Khói trầm bốc nghi ngút. Hai bên lư hương, hai ông lão đứng túc trực. Hai lão cùng chít khăn, mặc áo thụng lam, cùng có bộ râu đen tốt sum sê. Hai ông đứng chắp tay chăm chăm nhìn xuống, cũng im như cái lư hương.
Một lúc, bỗng dưng, có người trèo lên trụ tường hoa chõ vào loa máy, kêu:
- Đả đảo Việt Minh!
Tôi còn đương ngơ ngác chưa hiểu sao thì trong đám người đứng chật cả lối đi khắp vườn, ầm ầm tiếng hô:
- Đả đảo Nghiệp, Sơn(19).
- Đả đảo Nghiệp, Sơn!
Rồi đám đông đi diễu qua trước gò đất. Ở đầu mỗi đám, khi có một người nào hô lên: "Đả đảo Việt Minh” thì trong các hàng lại rầm rập hò hét: "Đả đảo Nghiệp, Sơn? Đả đảo Nghiệp, Sơn!” Nhiều người chửi om lên rồi không nghe tiếng hô nữa. Dòng người đi rầm rập.
Đáng lẽ làng tôi cũng không biết đám mít tinh ấy. Đương đói chẳng ai đi đâu. Nhưng Việt Minh các tổng ngoại thành đã điều động quần chúng ra vườn Bách Thảo phá mít tinh.
Các làng đi đông, hô to gấp mấy lần người của Quốc dân đảng. Họ bị vố không ngờ, tán loạn ngay từ đầu. Ông đọc diễn văn không ai nghe được câu nào nữa. Hai ông lão râu dài đứng trang trí đã biến mất lúc nào. Đám đông ùn ùn ra các ngả. Rồi tiếng hò "Đả đảo Nghiệp, Sơn” lại rầm rầm tới chỗ đỗ xe điện đầu đường Quán Thánh.
Về làng, bà con còn kháo chuyện. Có người tinh ý, nhận xét:
- Toàn người ốm đói ở đâu đi mít tinh.
- Thằng trên vừa "đả đảo”, chúng tớ rập luôn “Nghiệp, Sơn”, thế là bọn nó cũng ú ớ "Nghiệp, Sơn". Chẳng ai biết Nghiệp, Sơn là cái chó gì!
Lại chuyện mít tinh giả hiệu. Chúng tôi nhớ năm trước ở Quần Ngựa có mít tinh tiễn thống sứ Saten về Pháp. Nhà nước cũng thuê đi mít tinh toàn phu đám ma mặc nguyên cả áo khiêng đòn màu cháo lòng lụng thụng đến đầu gối. Các hội Ái hữu bí mật vào phá. Chúng tôi chia thành tổ, trà trộn vào Quần Ngựa vừa cướp kẹo tiệc trà bày trên giấy, vừa hô đả đảo lung tung. Đám phu đám ma thấy có người cướp kẹo, thế là cũng xô nhau cướp, như cướp cháo cúng quan ôn, quên cả mít tinh.
Thế là, trên quãng Đường Thành, từ Bách Thảo lên Quần Ngựa, mấy năm nay đã có hai đám trò vè của Pháp Nhật.
Ít lâu, trong làng nhộn nhạo một vẻ bí mật khác thường. Ai cũng biết có Việt Minh trong làng rồi. Người ta đoán, ai là Việt Minh, ai Việt Minh. Cứ lo lo và chờ đợi. Việt Minh xoay chuyển thế nào chứ vẫn sắp chết đói, sắp chết đói cả.
Tiếng chân người rậm rịch về phía đồng Mả Mái suốt sáng. Việt Minh tập quân sự đằng ấy. Tài liệu, sách báo, súng đạn thuốc nổ, trên bến Chèm, Sơn Tây, Hà Đông, từng tốp người gánh đến người gánh qua, như khi bình thời cuối năm đến gà gáy, người các làng đi chợ phiên áp Tết. Đêm trước, bên nhà cô Thạo có thuốc súng đưa về, để không cẩn thận, cháy nhà. lửa bốc cao, tiếng nổ như pháo ném, lính Nhật trên đồn Bưởi nhốn nháo chạy xuống. Nhật không biết tưởng cháy nhà vì đun bếp. Cũng đứng nhìn cho đến lúc cái nhà chỉ còn là đống than.
Cách mạng lên nhanh trong cảnh đói khổ ngày càng tang thương. Mấy tháng trước chỉ có người đói ở đâu đến, bây giờ vùng tôi bỏ làng, đi chết bơ vơ nơi khác. Cả người trai trẻ, người giác ngộ cũng chết đói. Nếu không mau khởi nghĩa thì chết hết. Tin bí mật Uỷ ban giải phóng tổng Bưởi đã có rồi.
Người ta mừng lạ lùng.
Hai Bủng nhà ông đôi Ngôn là thợ mũ, hoạt động Ái hữu ở Hà Nội, tham gia phong trào thanh niên trong làng hồi Mặt trận Dân chủ. Đã lâu anh thất nghiệp. Vợ chết đói, con chết đói, anh phải lên chợ xin ăn. Lúc đầu các bạn thương chung nhau cứu. Nhưng rồi cũng không còn ai cho ai được. Tay chân nề ra, người gầy khỏng hẳn lên. Anh hai Bủng chỉ còn hai con mắt trong leo lẻo. Anh chết xó nào, không ai biết.
Nhiều thanh niên giác ngộ, nhưng không còn kiếm được miếng ăn, không thể ở lại quê nhà. Điều thì đi phu cao su Dầu Tiếng đã lâu. Các anh Kết, Thận, Lập cũng chạy đói đi tha phương. Phần nhiều vào Sài Gòn. Sang tận Kam-pốt, tìm đến những nơi có nghề dệt mà tôi đã có tới đấy với Điều.
Phong trào vùn vụt lên, vượt trên cái chết. Nguyễn Huy Tưởng vẫn đưa đều cho tôi báo Cứu Quốc, báo Cờ Giải phóng.
Thỉnh thoảng Tấn cho xem tờ Đuổi giặc nước của Việt Minh ở Thanh Hoá.
Mít tinh quần chúng ở chợ Canh, chợ Nhổn. Rồi các vùng Trôi, Gối, cả Sống, Ốc cũng có Việt Minh về chợ diễn thuyết.
Rồi Việt Minh tổ chức cho người đói cướp kho thóc của Nhật ở phủ Hoài, ở Nhổn. Ngày nào cũng nghe tin phá kho thóc các nơi. Trên đường lên Sơn Tây, quãng Bún, Nhật vào trong làng lôi người ra chặt đầu cắm cọc doạ kẻ quấy rối trị an, nhưng đêm đến, tiếng tù và báo cướp inh ỏi. Các kho thóc ngay vùng Bún cũng bị phá đem chia cho người đói. Tinh thần quần chúng náo nức.
Chấn động nhất là khi Tấn bắn chết mật thám Cai Long trên đường tàu điện xế cống Đõ. Đấy là tiếng súng cách mạng đầu tiên nổ trong vùng Bưởi.
Cai Long, người làng Yên Thái. Năm trước, tôi bị bắt, đã xuống nhà tôi, bảo chạy trăm bạc thì nó cứu cho đấy.
Pháp bị Nhật đá. Nhưng các hồ sơ, Pháp để lại cho Nhật.
Mật thám ta lên ngồi cạnh chủ mới. Cai Long, đội Sinh được thăng chức. Đoàn thể đã cho lệnh thủ tiêu tên chó săn.
Nhờ Quế Thái là cơ sở trong xóm, Tấn biết giờ giấc nó đi làm. Buổi sáng, Cai Long dắt xe ra cổng làng rồi đạp đi. Hôm ấy Quế Thái đi đằng trước nó, như tự nhiên Tấn đi xe đạp sau lưng.
Bến tàu điện sáng sớm vắng, thưa thớt. Đầu làng Đông mấy chị thợ xeo đứng xo ro thành dám đợi người ra “đón xeo” hay mượn bóc uốn. Cổng làng Hồ, một người quảy bìa qua đường, ra sông đãi sớm. Tiếng chày giã dó, tiếng đòn "kéo tàu" xì xoẹt trong dãy tàu xeo lụp xụp bên bờ sông. Cuối xóm Đông Lân đến cống Đõ, ven sông chỉ có những cây nhãn lồng đã bắt đầu mùa hoa vàng rộm như những mâm xôi phủ trên lá.
Tấn đạp dấn xe lên.
Từ cống Đõ, quãng đường quanh ra cổng Rong một bên hồ Tây lô xô những búi cây rút xanh mờ, bên này, giữa hai bờ tường đền Voi Phục, một dải đất hoang và bãi tha ma.
Một đêm ở Sống - trong chùa làng An Thọ, đêm mồng một tết năm kháng chiến đầu tiên, lúc ấy Tấn phụ trách báo Thủ đô, Tấn kể cho tôi nghe lúc ấy như thế nào.
- Mình cũng mới tập bóp cò, tập ngắm từ hôm nhận nhiệm vụ, chưa được bắn thật lần nào. Nhưng lúc ấy không băn khoăn gì. Chỉ nghĩ một mực là mình phải bắn chết nó.
"Qua cống Đõ, tới một thôi đường mới vào đầu làng Thuỵ. Trại Nhật đóng ở nhà Tam Đa. Quãng này mà hạ nó thì tốt nhất. Xe dấn lên, mình rút súng vẩy vào giữa lưng nó. Vừa lúc, nó chột dạ quay lại. Trong tiếng súng nổ, mình trông mặt nó khiếp đảm, đen ngòm, mồm mắt dạng cả ra.
"Xe nó đâm vào đường tàu. Xe mình cũng loạng choạng đổ theo. Nó vùng dậy. Mình xông đến, bắn phát nữa. Nó gục hẳn, nằm vắt một bên đường tàu.
"Trại Nhật đầu làng Thuỵ nghe tiếng súng, lính Nhật nhốn nháo xô ra.
"Trông lên, Quế Thái đương đạp xe qua cửa trại Nhật.
Không hiểu nghĩ thế nào, mình không quay lại, mình lại nhảy lên xe, từ từ đạp qua đám lính Nhật đương chạy đến chỗ tiếng súng. Qua rồi, chợt nhìn xuống thấy một bên ống quần và cái vạt áo lốm đốm vết máu phun còn đỏ đòng đọc.
Thế mà lính Nhật không biết.
"Đến chùa Thuỵ, bờ bên kia sông Tô Lịch, cả nửa làng Thuỵ cũng nghe tiếng súng, đương nhốn nháo ra.
"Bình tĩnh, vào chùa, sư bà đương ngồi khâu vá bên cái giại đầu thềm. Mình chào, rồi nói:
- Tôi là Việt Minh, tôi vừa trừ gian...
"Chưa nghe hết câu, sư bà đã đứng dậy, dắt vào buồng nhà hậu, tối như hũ nút. Sư bà thì thào: "Cứ đứng đây đã, Nam mô a di đà phật". Rồi đi ra. Mình đứng im, tay giữ khẩu súng trong túi quần. Lát sau, sư bà vào cầm bộ quần áo nâu cũ. Mình thay cái quần và cái áo dính máu lại đấy, giắt khẩu súng vào lưng. Rồi nắm tay từ biệt sư bà, bước ra cổng chùa, qua cầu, lại sang đường.
"Đằng kia, bọn Nhật đã chăng dây khám người qua lại.
Mấy cái ô tô kín mít, có lẽ của sở Liêm phóng Nhật, đương phóng lên. Xe đạp mình cứ bon bon đi. Bộ quần áo nâu cũ mình mặc đã vá vai mấy miếng. Giống anh thợ vườn người làng Thuỵ buổi sáng ra sở ươm cây La Pho làm".
Sau đó, Việt Minh làng tôi lại trừ tên Ba Lự - một mật thám khác em ruột Cai Long. Chiến công ấy của Hoà. Hoà nấp cạnh ao Cá đầu làng Bái. Lúc ấy đã tối. Bên gốc đa, ngay sau vách, Hoà kê súng vào khe nứa. Trong nhà Tíu - nhà mụ chứa gái điếm, Ba Lự nằm hút thuốc phiện ngay dưới mũi súng của Hoà lách vào.
Sang giữa mùa hè, hoạt động dồn dập của các đội thanh niên xung phong Hoàng Diệu trong thành phố càng vang dội.
Diễn thuyết ở trường Gia Long trường Kỹ Nghệ, rạp chiếu bóng Palát, rạp hát Tố Như, nhà máy rượu, chợ Mơ, chợ Đuổi.
Cờ đỏ sao vàng treo đỉnh tháp Rùa, trên tàu điện đường Hà Đông, trên sông Hồng. Người ta thì thào chưa ngớt chuyện kỳ diệu này đã vô số chuyện thần tình khác.
Trong khi, nạn đói vẫn cứ mỗi lúc một trầm trọng.
Những vùng Thái Bình, Nam Định ruộng nương thẳng cánh cò bay người đói còn đi lang thang chật đường tứ xứ huống chi làng tôi, tấc đất không có. Người ở các phố nội thành mới được hàng tháng mua gạo "bông" - gạo bán cung cấp. Địa phận thành phố ngày ấy hẹp như bàn tay. Cuối phố Huế đã hết Hà Nội. Cái xe bánh sắt ngoại thành kéo khách qua Khâm Thiên, đến chỗ chắn tàu hoả gần ga Hàng Cỏ, chỗ ấy vẫn còn thuộc tỉnh Hà Đông, xe bánh sắt bị cấm không được vào. Làng tôi ở ngay ngoài đường vòng thành thuộc phủ Hoài Đức không được mua gạo “bông”, cả làng đói.
Thỉnh thoảng, Nguyễn Huy Tưởng đến đưa vài đồng của anh em gửi giúp. Nếu chúng tôi không có tiền ấy và anh Khôi tôi, người bạn đã nhờ Nam Cao dạy mấy đứa cháu học cấp cho gạo ăn cầm hơi, không biết tình thế sẽ thế nào. Có thể chết như hai Bủng, dễ lắm.
Nam Cao nhận thư của vợ. Thư kể mấy tháng nay mẹ con chỉ ăn rau sam. Con bé út mới sinh được hơn một năm - con bé, anh đặt tên là Bình Yên. Con Bình Yên chê cơm nhà đói khó, đã bỏ đi rồi. Cái thư đau đớn đọc xong, biết làm thế nào, anh thờ thẫn nuốt nước mắt.
Từ lâu, Nam Cao chẳng còn kiếm được đủ nổi miệng mình ăn. Thỉnh thoảng, chị ấy cũng nhận được ít tiền của chồng đỡ đần nhưng đã lâu, chẳng có. Mẹ con ở quê đành sống lần hồi. Lo chẳng được, lại tính cả lo. Lúc nào cũng xót xa vì trách nhiệm với vợ con. Nhưng biết làm thế nào hơn? Đi dạy mấy cháu học, được vài đồng còm cõi đổi lấy gạo. Viết truyện nhà xuất bản chỉ mua ngữ, rồi chẳng mua nữa. Thời buổi này? Anh mới viết xong một cái truyện dài, đặt tên truyện là Chết mòn(20). Mấy tháng trời mới xong, vác đi dạm bán các nhà xuất bản, chăng ma nào ngõi. Người ta không thể in một cái dài của tác giả mới và nhất là trong thời buồi này.
Trác Vỹ, chủ nhà xuất bản Đời Mới, một hôm, đưa cho Nam Cao một danh thiếp đề: Vũ Đình Hải. Trác Vỹ viết thêm một dòng: "Ông Hải muốn gặp ông".
Chúng tôi phân vân xem đi xem lại cái thiếp, tên và địa chỉ. Một người hay nghĩ ngợi lung tung như Nam Cao, mỗi khi gặp việc khúc mắc, anh lại thử bày trước ra vô vàn cái rắc rối để lo thêm, băn khoăn thêm.
Tôi chợt nhớ:
- À, thôi thôi, thằng này là thằng làm mối người. Ở phố Boócnhi Đétbóoc, phải, ở Trường Thi.
Tôi đã nhớ ra. Một độ, trên tờ Việt Báo, báo hàng ngày, có mục tên là "Sợi tơ hồng" ký tên Vũ Đình Hải. Mục này đăng tin làm mối người. Trai: tuổi, nghề, vốn. Gái: tuổi vốn, gia thế... Đôi khi kèm ảnh. Ai muốn lấy vợ lấy chồng thế nào cứ nhờ mục "Sợi tơ hồng" đăng cái ý muốn của mình lên, "Sợi tơ hồng" ở giữa liệu cách xe duyên rồi ăn tiền hoa hồng đôi bên.
Trên mục ấy, Vũ Đình Hải đã có viết bình luận rằng nghề làm mối người còn rất mới ở nước ta, nhưng nó đã cũ rích ở các nước Âu Tây. Ông ta muốn mục "Sợi tơ hồng" và ngành kinh doanh làm mối sẽ góp phần quan trọng vào quốc kế dân sinh.
Nhưng được ít lâu, báo bỏ mục ấy. Tại ế hay tại sao, không biết. Cũng không ai chú ý đến. Thời buổi nhố nhăng, thiếu gì nghề lạ, nghề bịp. Vũ Ổn, gồng Trà Kha, "Xây dập dì", thuốc cường dương, Khánh Sơn bói tây, nhà Sipic Dương Văn Mẫn buôn nước bọt, tômbôla xổ số, Sỹ Cát ăn cắp của mỗi người một đồng... Có thêm cái nghề làm mối người này thì cũng là thường. Không biết có phải Vũ Đình Hải ấy không.
Nam Cao đi gặp Vũ Đình Hải có tôi kèm. Tính Nam Cao cẩn thận.
Chúng tôi đến Trường Thi, tìm đúng số nhà, ngẩng lên thấy trên tường đóng cái biển đồng to có khoá dưới đuôi. Biển khắc hai dòng chữ "Vũ Đình Hải. Trinh thám tư".
Quả thực ở Hà Nội, Hải Phòng hay Sài Gòn, tôi chưa thấy đâu có chiếc biển thế và nghề trinh thám tư. Ở nước ta chỉ mới có hai người làm nghề ấy trong tiểu thuyết là thám tử Lê Phong của Thế Lữ và thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng.
Chúng tôi cứ vào. Cái bàn giấy rộng bè bè kê giữa một gian phòng to, chồng chất giấy má, sổ sách - phòng làm việc của một đại thương, một chủ hãng, một giám đốc công ty.
Ngồi đằng sau cái bàn đồ sộ và bề bộn một vẻ làm ăn phát tài tấn tới đó là một người đứng tuổi, da bềnh bệch, mặt béo xị như khách lai.
Ông ta đứng dậy, bước ra kéo ghế và nghiêng người, nghiêng mặt, một tay để lên ngực, rành rọt từng tiếng kiểu Tây nói tiếng Tây:
- Tôi, Vũ Đình Hải, trinh thám tư. Tôi được hân hạnh tiếp hai ông là...
Nam Cao, mặt đỏ gấc:
- Tôi là Nam... Nam...
Hải giơ tay bắt, giựt một cái như muốn giằng Nam Cao sang bên lão ta, rồi kêu:
- Ông Nam Cao! Ông Nam Cao! Rất hân hạnh! Hân hạnh!
Nam Cao càng lúng túng.
- Mời ông ngồi. Còn ông... à... Ông Tô Hoài. Mời hai ông ngồi. Phải, tôi muốn gặp ông Nam Cao, gặp các ông. Hân hạnh, Bá Nha, Tử Kỳ mà. Tôi đọc truyện Đôi lứa xứng đôi của nhà Đời Mới ông Trác Vỹ in, tôi thấy cái truyện ấy mới dúng là văn chương An Nam. Cho nên tôi muốn gặp ông, khen ông, làm quen với ông, chơi với ông.
À ra thế! Chỉ có thế. Tôi thở dài khẽ... Nam Cao chưa qua cơn đỏ mặt lại càng đỏ hơn vì anh hay ngượng khi nghe ai khen mình. Nhưng Vũ Đình Hải đã lại nói chốp chốp như cái máy, không cần nhìn người nghe:
- Trinh thám là nghề tôi chơi thôi, nghề chính của tôi là thương mại. Tôi là bạn hàng cánh hẩu của ông Myzuxuni sáng lập viên công ty xuất nhập khẩu Nam Nhật... An Nam Nippôn... vốn một trăm vạn mà tôi có cổ phần sáng lập... Trụ sở chính của công ty chúng tôi ở Cầu Đất dưới Hải Phòng, têlê-phôn số 384...
Nói xong, Hải dang cả hai tay lùa chúng tôi đi giật lùi ra:
- Giới thiệu qua với các "vu" thế. Còn bây giờ thì tôi đương bận. Các “vu” sẽ cho tôi hân hạnh được tiếp tối nay nhé, rượu nhạt thôi. Tám giờ, dưới Khâm Thiên, tay phải, số...
Chúng tôi lại nhảy sang cái hồi hộp mới. Chỗ Khâm Thiên, số nhà ấy là nhà cao lâu à? Lão thám tử tư chắc lắm sự oái oăm. Khâm Thiên, phố ăn chơi, chúng tôi cũng chỉ nghe hơi nồi chõ thế. Có đi ả đào, chúng tôi cũng chỉ phất phơ "che tàn" ở Ngã Tư Sở, Vạn Thái, Mả ông Năm cà khổ vớ vẩn thôi. Hay là chúng mình sắp trải "Một đêm với Dương Quí Phi" - đêm huy hoàng, như cái bìa quyển sách vàng khè có tên như thế của Trúc Đình mới xuất bản. Nam Cao tưởng tượng và nói đùa. Cuối cùng chúng tôi quyết định đi.
Hai đứa ăn qua loa bát phở rồi đi dần ra Cửa Nam, ngồi vườn hoa Bà đầm xoè(21) giết thì giờ bằng cách nhìn tàu điện lên xuống để chờ tối.
Phố Khâm Thiên đã lên đèn. Những đốm đèn phòng thủ, chao đèn bọc kín, đỏ bẻm.
Từ hồi đảo chính Nhật, tiệm nhảy Cái chùa (La Pagode) ở Khâm Thiên đã biến thành tiệm nhảy Takara ngay giữa phố với cả dãy nhà hát bên ấy, bọn sĩ quan Nhật chơi thâu đêm. Chúng tôi đi lò dò bờ hè bên này, đếm số nhà. Đúng đấy, nhìn ra, thấy cái nhà cửa khép cửa mở, tà áo thấp thoáng. Đúng kiểu nhà hát. Khép cửa, vì đã có khách. Chúng tôi bước vào.
- À, à. Khách của ông Hải, ông Vũ Đình Hải...
Nam Cao nói trống không, và giọng ê à, cố vẻ tự nhiên và hách dịch - oai tí chút. Để che cái ngượng nghịu. Mấy cô ả đào không chú ý, cứ đon đả thường lệ:
- Mời hai anh lên gác.
Một tiệc đã sắp sẵn trên chiếc bàn dài khăn giải bàn trắng. Có đến hai chục người hai bên. Những ông Tàu già mặc áo lụng thụng chấm gót. Vũ Đình Hải ngồi đằng kia, nói to tên chúng tôi và "chức vụ" văn sĩ cho mọi người nghe xong, rồi chạy lại, thì thào chỉ trỏ đưa mắt giới thiệu cho chúng tôi biết: ông Nhật này chủ hiệu Đai nan Kôsi ở Hàng Bồ, ông Nhật này chủ hiệu Nakamura ở Cửa Đông, ông Mizuxum nghiệp chủ sáng lập công ty An nam Nippôn ở Hải Phòng và ông Ca ca Cu cu gì nữa, giám đốc công ty thu thóc tạ Bắc Kỳ. Ông Tàu này là bang trưởng Quảng Đông, ông Tàu áo dài kia bang trưởng Phúc Kiến...
Chẳng ai để mắt đến hai chúng tôi. Họ ngồi ưỡn người ra đằng sau, thì thào ghé tai và thỉnh thoảng tiện tay quệt má những cô ả đào đương cầm quạt phe phẩy.
Hai đứa tôi vào trận hoả mù, chẳng hiểu đâu vào đâu.
Chúng tôi xuống đến dường cái mới độ chín giờ. Có lẽ tiệc chưa bưng ra hết món. Bị thờ ơ và lạc lõng quá, chúng tôi khó chịu ăn không nuốt được. Chúng tôi nháy nhau lùi xuống trong lúc trận chè chén đương ồn ào. Vũ Đình Hải trinh thám tư mặt rượu đỏ găng, đương la đà, ba hoa, không trông thấy chúng tôi. Có thể lão cũng chẳng còn nhớ có chúng tôi.
Về sau, mới biết đấy là nhà hát loại sang ở Khâm Thiên của đốc Sao. Bà đốc Sao là chị ruột nhà trinh thám tư Vũ Đình Hải.
Chúng tôi cuốc bộ từ đấy về Bưởi.
Nửa đêm, Nam Cao hỏi tôi:
- Còn thức không? Mình muốn bàn cái này.
- Cái gì?
- Thằng Hải này có chân trong Nam Nhật công ty, chắc thế lực lắm. Mà nó lại buôn sợi. Hay là nói nó xin cho tôi cái giấy mua sợi của nhà máy sợi Nam Định. Mua sợi bây giờ phải có phép nhà binh Nhật. Có cái phép ấy mà mua được sợi thì vợ con mình dễ chịu quá.
Tôi băn khoăn và man mác. Khi anh xưng "tôi" và nói giọng xúc động, thế là anh đương nghĩ ngợi lắm. Chúng tôi đã quên hẳn câu chuyện nhà hát cô đầu. Chắc anh vẫn suy nghĩ chuyện này từ lúc tối. Tôi không biết bàn với Nam Cao như thế nào.
Sáng hôm sau, Nam Cao dậy sớm, ra ngồi ngoài bậc cửa, hai tay chống má, mắt đỏ hoe. Không biết anh khóc hay vì đêm không ngủ được mà mắt đỏ thế. Đến giờ đi dạy học, anh bước ra.
Không bao giờ Nam Cao nói lại việc muốn dựa thế Vũ Đình Hải nhờ xin giấy mua sợi nữa. Nhưng sự hối hận và căm tức gậm nhấm anh còn đau hơn cả lời nói ra. Có việc nghĩ trong đêm, cao hứng miên man, nhưng ngay lúc ấy, nghĩ lại, anh hối hận, lo lắng, dằn vặt mình, tưởng không thể bao giờ nguôi. Con người cứ mấp mé cái sáng cái tối, đường quang đãng và bóng tối. Việc này cũng thế.
Một đêm kia, Nam Cao và tôi lại đi hát “che tàn" mấy người bạn buôn dó, bạn của Khôi, ở Ngã Tư Sở.
Lâu lắm, từ ngày đói, các bạn ăn chơi cũng dạt đi như chuồn chuồn trốn bão. Chẳng còn đâu những đàn đúm, rượu vào rồi lạy nhau, bình thơ nhau, đêm đêm nháo nhác cô đầu cô đuôi Vũ Trọng Can đã chết, Nguyễn Bính đi Sài Gòn. Sắp đảo chính Nhật, Đinh Hùng đến chơi. Hùng nói không còn ở cái gác cây hương sân thượng trên đầu ô Yên Phụ nữa. Tôi hỏi thăm mày vẫn còn cái đầu lâu để trên bàn và cái bình cắm mấy cẳng sen tàn? Hồi ở trên gác thượng có cây hương đầu ô, chàng thường khoe đấy là "hoa sen của Liên đến cắm từ mùa sen trước". Rồi Liên ốm, chết. Bây giờ thì "Bao giờ Liên nhớ thì Liên đến đổi hoa, nếu không thì Hoa-cái-đầu-lâu-thời gian cứ trơ ra đấy”. Chơi hoa tàn, ôi là một sự đẹp không mất tiền và lại bọc lên đấy nỗi nhớ thương. Đến lúc Hùng cởi cái áo va rơi dạ đen ra, thấy đít quần thủng hai miếng to. Tôi lại đưa Hùng xem tờ Cứu Quốc. Đinh Hùng đọc không nói gì. Uống rượu xong, rồi khóc, đi về phía Cổ Nhuế.
Đèn điện Ngã Tư Sở lù mù như những con đom đóm trên vách. Đường vắng rợn. Quanh chiếc chao phòng thủ, muỗi đậu đen như chấu. Các nhà hát có khách đều đã cài then cửa, buông mành. Họ hãi người đói thấy sáng thì xông vào. Lại sợ cả lính Nhật đi tuần, lính Nhật say rượu. Ở Vĩnh Hồ, bọn Nhật vào nhà nào, dù nhà ấy có khách đương hát, khách cũng phải tháo chạy ra cửa sau.
Người đi chơi bây giờ cũng xót tiền, hiếm ai hát chầu “mặn”. Thời buổi khó khăn, mâm rượu mà bày ra, dù chỉ vài con mực nướng, các cô đầu trong nhà cũng xúm lại tiếp, làm việc hầu hạ, ăn dỗ mồi của khách.
Chúng tôi ngồi trong nhà hát một lúc, ảo não, khó thở, bèn mở cửa ra đường.
Từ Vĩnh Hồ xuống, còn đèn và lác đác người. Phía Cầu Mới, đường Tàu Bay, đường Láng tối như hũ nút. Mới độ chín giờ, chưa khuya. Trong hơi gió đưa lại, mùi rác ẩm lẫn mùi xác chết. Chỉ đứng một lát, trông ngang đã thấy lểu đểu mấy cái bóng. Người vẫn nằm sẵn đâu trong mép đường, thấy khách chơi từ ánh sáng trong nhà ra thì dật dờ lại.
Bỗng ánh đèn pin loang loáng xiên tới.
Tiếng người quát:
- Cút đi! Cút đi!
Rồi một ông trương phiên, khán thủ nào hét tuần tráng:
- Thằng này ra đường Tàu Bay? Thấy cái nào thì kéo đi thật xa. Hôm qua vứt ngay ở Vĩnh Hồ, nó lừa đến gần sáng nó vứt lại. Bỏ mẹ tao?
Luồng đèn pin rọi thẳng vào mặt chúng tôi:
- Các ông này đi hát thì vào nhà hát, đi đâu thì đi ngay. vơ vẩn đây, lính Nhật trên ấp nó tuần xuống mà gặp, thì toi mạng...
Ở đâu bây giờ cũng như ở chợ Bưởi. Những chức việc trong làng cả đêm phải đi rình đuổi không cho người đói đứng lại địa phận mình. Sợ đêm nó chết. Và hễ gặp xác người, lập tức kéo vứt sang địa phận khác. Làng nọ ném xác chết sang làng kia. Người ta sợ phải chôn. Chôn xác trần trụi không có chiếu bó, cũng phải mất tiền thuê người đào huyệt. Tiền đâu ra mà hôm nào cũng thuê đào hàng chục cái huyệt. Người đào huyệt cũng hiếm.
Chúng tôi bỏ về ngay lúc ấy. Trời đất này, còn lòng dạ nào mà đi chơi.
Một hôm, có một cuộc họp mở rộng nhiều tổ ở nhà Như Phong - ngôi nhà gạch nhỏ trong xóm Cung giữa làng Tây Hồ. Nhà ấy, nhà Như Phong thuê để đến mùa hè người nhà lên ở hóng mát.
Nam Cao và tôi, cả Nguyễn Huy Tưởng, Trần Huyền Trân, Nguyên Hồng cùng lên nhà tôi rồi chúng tôi vào làng Võng ra bến đò ngang hồ Tây sang Tây Hồ, cái bến trước cửa đình Võng chỉ ngày phiên chợ Bưởi mới có người sang. Đương giữa mùa sen, con đò ngập lút trong bóng những chiếc lá sen xanh rợp, thơm ngát. Cái đò ngang ngày xưa có Hồ Xuân Hương ở Tây Hồ sang chợ Võng Thị.
Nguyễn Huy Tưởng nói:
- Đò này là thuyền rồng chở vua Thánh Tông ngự chơi hồ Tây. Thuyền đến quãng làng Tây Hồ gặp con hồ ly chín đuôi ra rỡn. Chúng mình, anh nào có tướng làm vua thì cứ tự dưng trông hồ ly hoá ra người. Con gái xóm Cung bên kia đẹp lắm, anh nào là vua Trần?
Không ai nói. Nếu lúc vui chuyện, chắc mọi người đã gắp cho Nam Cao và Trần Huyền Trân, (Trần Kim) hai chàng họ Trần tranh nhau chân học trò, chân vua gặp hồ ly. Nhưng lúc ấy ai cũng lặng im.
Nguyễn Huy Tưởng lại kể một điển khác:
- Ngày trước, Hồ Xuân Hương cũng quê ở Tây Hồ, chắc phiên chợ thường sang chợ Võng bán chỉ và mua tơ về đánh chỉ. Nàng thơ đã qua bến đò ngang này.
Gió nồm hây hẩy đưa lại chút mát lá sen. Thế mà tưởng như trời đương oi bức ngột ngạt. Không ai đáp chuyện Tưởng.
Có lẽ vẫn còn ám ảnh cảnh bi thảm vừa nãy. Ông lái khua bơi chèo đuổi đám người đói ở cửa đình xô xuống đò, có lẽ vì tiếng canh nổ phành phạch đảo lại đầu làn nước, ngay sát những chiếc lá sen lơ thơ ngoài nhất, trông thấy trên thuyền máy, nhấp nhô chỏm mũ và đôi mắt kính lấp lánh. Thằng lính Nhật! Câu chuyện lịch sử và nàng thơ dù cho hào hứng mấy, đến đây cũng phải nín.
Nào đâu trời nước hồ Tây mênh mang giữa vườn Ngự Uyển thời Lý. Chỗ nào kiến trúc sư Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng dựng đài Cửu Trùng? Chỉ thấy lính Nhật đi tuần trên hồ. Tiếng canh sùng sục quần suốt ngày, cả tối.
Cuộc họp hai ngày ở nhà Như Phong đông hơn lần họp ở nhà tôi hồi đầu năm, lần này, Trần Quốc Hương nói chuyện tình hình thế giới, trong nước rồi đọc sách báo, chương trình Việt Minh, lại thảo luận chuẩn bị khởi nghĩa và bàn cách phát triển các tổ.
Lần nào họp cũng bàn chương trình Việt Minh và kế hoạch khởi nghĩa.
Lần nào cũng bàn, bàn đi bàn lại, càng háo hức. Hương bỏ trong người ra một khẩu súng lục Bờrôninh mới, bọc giấy bóng. Cuộc bàn càng sôi nổi, nghiêm trọng. Việc bàn chiến đấu trong lúc khởi nghĩa là tự nhiên.
Ngay cả khi ngồi vào họp đã có mục dặn lại nhau cách thủ tiêu tài liệu, cách rút lui khi lâm sự, địch bắt thì khai thế nào. Những chuẩn bị đối phố ấy bao giờ cũng cho tôi cảm tưởng và ý thức về công việc đương đòi hỏi, không nghĩ mình người cầm bút hay người cầm súng. Anh Bé nói năm trước khi khởi nghĩa, văn hoá cũng xông ra đánh quân thù như các giới khác.
Buổi tối nghỉ họp. Chúng tôi cắt canh bảo vệ, ngôi sao lung lay sa xuống đầu. Đẹp quá. Nhưng cứ đương nghĩ cái đẹp hồ Tây lại chập chờn nghe tiếng canô Nhật. Tiếng máy canô hay tiếng sóng vỗ?
Không, không, không phải tiếng canô Nhật. Đây là tiếng sóng vỗ. Sôi sục lắm rồi. Trong thành phố, những trận nổ súng của các đội danh dự Việt Minh trừ gian đương xảy ra hàng ngày. Đấy là tiếng súng. Không phải tiếng giặc. Tiếng sóng hồ Tây quê tôi, tiếng sóng cách mạng vỗ. Cái làng Võng nhỏ bé chúng tôi vừa đi qua để sang Tây Hồ, làng Võng có đền thờ ông Mục Thận quăng lưới bắt hổ cứu vua. Nhưng xưa nay không ai trông thấy làng Võng. Bởi cái làng nhỏ bé đã ngủ quên cả đời trong rặng nhãn cổ thụ ven hồ. Thế mà cũng trong làng Võng xa mờ ấy, Tấn đã đặt ở nhà một cơ sở cơ quan "ấn"(22) báo Hồn nước của Đoàn thanh niên Cứu Quốc Việt Nam. Thế mà ở bến Chèm bên kia, đêm đến, những gánh súng gánh đạn sau chùa Tân, bên tha ma Mả Mái trong cái làng đói của tôi, người các đoàn thể Cứu Quốc đã gầy rạc, nhưng khuya nào cũng ra đồng tập quân sự. Bốn phía quanh thành phố bây giờ không có đêm.
Đến cuộc họp nữa ở nhà Nguyễn Huy Tưởng, họp bí mật to nhất từ xưa đến nay, mà họp ngay giữa thành phố. Có những anh hôm nay tôi mới gặp, Nguyễn Công Mỹ, Lưu Văn Lợi, Hồng (Thép Mới)... Lưu Văn Lợi cũng công chức nhà Đoan với Tưởng, Hồng là sinh viên, Nguyễn Công Mỹ dạy học ở Hả Phòng lên.
Mấy năm trước, tôi chỉ biết trong tổ tôi có Như Phong và Vũ Quốc Uy. Nguyên tắc bí mật, tổ có ba người biết nhau. Thêm một tổ đương hình thành, có Nam Cao. Bây giờ, Nhật ác đến khủng khiếp, khám thấy có tài liệu Việt Minh, bắn người tại chỗ. Thế mà chúng tôi họp cả mười người trên gác nhà Nguyễn Huy Tưởng.
Cái gác dài và rộng, chỉ có mình Tưởng còn ở lại. Bên Phủ Từ hay Thuận Thành sang, Nguyên Hồng thường ở nhờ đấy. Cái khoá chữ, các bạn đều biết khoá số đề 1789 - năm cách mạng tư sản dân quyền Pháp. Cứ tự do mở khoá vào ở.
Gác bên cạnh, Tưởng bảo là nhà một mật thám Tây làm cho Nhật. Nhưng cũng chẳng cần để ý. Tưởng đóng của sổ và cuộc họp bắt đầu, bàn về ra báo Tiền phong số 1 của Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam và phân công viết. Văn-to-đầu(23) thay mặt cấp trên tới dự
Thời Mặt trận Dân chủ Văn-to-đầu hoạt động công khai, đã ra ứng cử Hội đồng thành phố. Bây giờ vào bí mật, anh vẫn đạp xe đi cả ngày. Đầu anh to, rất dễ nhận. Thế mà anh cứ đi như thường. Biến chuyển đến nơi rồi.
Tình hình càng khẩn trương. Báo Cứu Quốc đăng tin Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp từ ngày 15 đến 20 tháng tư Có hôm Tưởng giao cho tôi một đệp sách báo.
Tôi chia cho cả Hoà là Việt Minh trong làng, theo đường dây của Tấn không cần giữ bí mật như mọi khi. Sách báo Việt Minh hồi này in chữ typô hẳn hoi. Nghe Tưởng rỉ tai: sắp chữ và in trong Hà Nội nhiều thợ in vào công nhân Cứu Quốc cả rồi.
Không cứ Nguyễn Huy Tưởng nói, tôi cũng biết. Mấy lâu, có hai anh thợ in báo Tin Mới, nhà ở đền Quán Thánh buổi trưa lên nhà tôi nghỉ nhờ, tránh báo động tàu bay Mỹ. Hai anh đã lấy cho tôi những đoạn bài báo Nhật kiểm duyệt bỏ các con số người đói, người chết đói, những vụ đói ăn thịt lẫn nhau ở Ninh Bình. Ở Nam Định kể trong báo cáo của cụ Ngô Tử Hạ, lúc ấy là trưởng ban Cứu tế. Tôi gửi con số những việc đau thương ấy cho Nguyễn Huy Tưởng chuyển đi báo Cứu Quốc.
Gần như ai quanh mình cũng là Việt Minh. Tôi đi bán tín phiếu(24) cho các người quen biết. Anh đi buôn bán, anh mộ đạo Phật, đều mua. Có anh mua tín phiếu hai trăm bạc.
Những người có của đánh tiếng muốn được xem truyền đơn “Đồng tiền cứu nước” và mua tín phiếu - có thể để giữ sẵn dấu tích Việt Minh trong nhà.
Đảng Cộng sản Đông Dương mới ra thêm Tạp chí Cộng Sản. Tài liệu bây giờ nhiều. Nguyễn Huy Tưởng bó thành một bó trong cái túi vải nâu treo lủng lẳng trước ghi đông xe đạp.
Hồi này, Nam Cao mải mê với một đoàn kịch. Nam Cao vốn trầm tĩnh, nhưng đã bốc thì hay tuyệt đối và coi trời bằng vung. Nam Cao có lý sự mới: trong công tác văn hoá chỉ có kịch là đắc lực nhất. Sân khấu, nghìn người xem, hàng nghìn người xem một đêm? Một khẩu hiệu ném ra trên sân khấu khác nào hô hào ở mít tinh. Mỗi buổi diễn kịch giá trị bằng một buổi mít tinh.
Nam Cao với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, một số đã thực hiện công tác văn hoá công khai của Đảng. Như Phong, Nam Cao, Trần Huyền Trân Nguyên Hồng, Kim Lân... dựa vào một đoàn kịch sẵn có - Ban kịch Hà Nội của Chu Ngọc. Như trước kia đối với nhà xuất bản Người bốn phương hoặc lợi dụng cả với trang phụ trương báo Thông tin thân Nhật.
Nam Cao vay nhà xuất bản nào được một trăm bạc - tôi không nhớ. Một trăm đồng lúc ấy chẳng còn giá trị lắm, nhưng cũng không phải nhỏ đối với bữa cơm bữa cháo của chúng tôi. Đã lâu, Nam Cao không nhận được tin tức. Vợ con mù mịt trong cơn lốc, con Bình Yên đói chết. Thế mà trăm đồng ấy, Nam Cao đem một phần góp quỹ đoàn kịch. Nam Cao còn có ý định viết những vở kịch như truyền đơn, như tiếng dội của khẩu hiệu hô trong mít tinh.
Nhiều việc khác đang bối rối và cần làm trước. Đoàn kịch Hà Nội, đoàn kịch tài tử của những bạn tốt nhưng quen lang thang và quên lãng không chú ý chính trị. Các bạn thường mê mệt ngất ngưởng những kịch Bóng giai nhân(25), những cuộc ngâm thơ rền rĩ "Ta rót về đâu... rót về đâu... về đâu... hề hề hề...". Đoàn kịch sống lối chèo gánh, khi rỗi việc đồng thì gọi nhau, lập bọn, tìm đám. Vì vậy phải đưa tư tưởng tiến bộ vào từ tổ chức đến tiền bạc, đến vở mới.
Giữa lúc này một cuộc họp cấp tốc được triệu tập. Họp tại làng Vạn Phúc trong Hà Đông. Ở nhà một người cảm tình của Trần Huyền Trân. Chủ nhà không hoạt động nhưng quí Việt Minh và có góp vốn giúp đoàn kịch. Làng Vạn Phúc ở trong phạm vi an toàn của xứ uỷ Bắc kỳ.
Họp có một đêm. Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hũu Đang được cử tham gia đoàn đại biểu trí thức Hà Nội lên chiến khu dự Đại hội đại biểu quốc dân toàn quốc ở Tân Trào.
Trong ý nghĩ và tưởng tượng hào hứng của tôi ngày ấy, cả nước đã thành chiến khu trước nhất trên biên giới phía bắc. Báo Cứu Quốc đăng tin quân giải phóng đánh Nhật ở châu Tự Do (Sơn Dương). quân giải phóng tiêu diệt đồn Nhật ở núi Tranh Đấu (Tam Đảo), giải phóng một trại tù binh Pháp. Ở các chiến khu Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Trưng Trắc, Nguyễn Tri Phương đều có du kích hoạt động. Và Hà Nội đã được đặt tên bí mật là thành Hoàng Diệu.
Lên chiến khu! Lên chiến khu! Tiếng gọi thiêng liêng trong chúng tôi. Đi chiến khu trở thành mong ước của nhiều người, cả những người chưa biết cách mạng.
Làng tôi có ông lang Dương giỏi võ. Tổ chức Việt Minh đã đến tận xóm ông. Việt Minh xóm ông là những ai, ông đều biết. Nhưng ông không phục những người ấy lại là Việt Minh.
Ông bỏ làng đi tìm Việt Minh ở chiến khu. Nghe nói chiến khu trên Bắc Sơn. Ông lên Thái Nguyên, lên Võ Nhai.
Dọc đường, ông nhập bọn cùng với đám đông thanh niên các nơi, nhiều người cũng đương đi tìm chiến khu. Lính Nhật bắt được cả bọn. May Nhật không chém người nào, chỉ đánh một trận gần chết, rồi đuổi về.
Nhiều nơi, nhiều người, với tâm trạng khác nhau như thế đã đi tìm chiến khu.
Nguyễn Huy Tưởng và tôi từ Bưởi lên tàu điện xuống Bờ Hồ. Những cái hầm xây nổi như gò đống bãi tha ma để nấp máy bay, lỗ chỗ vằn vèo lượn quanh hồ Hoàn Kiếm đã bị người đói chiếm ở. Có báo động cũng không ai núp vào được.
Sáng nào, từ các miệng hầm những người phu hót rác cũng khiêng ra những xác chết cứng.
Những chiếc xe bò chất đống những bao gạo đóng bì trắng nối đuôi qua. Như thế ai cũng biết có chuyến tàu chở gạo, của nhà binh Nhật vừa ở Sài Gòn ra đã thoát bom dọc dường. Lính Nhật đeo súng đi xe đạp hai bên xe bò gạo. Cả đường phố ngơ ngẩn trông theo.
Còi báo động! Cái xe bò thình lình chững lại giữa dốc.
Người cầm càng lả đi, quỵ xuống. Cả đoàn xe gạo ùn lại. Bao nhiêu người tứ phía xông đến. Bọn Nhật đâm lưỡi lê chết người cầm càng rồi nằm ghếch súng nấp sau những chiếc xe đạp quăng đấy. Người cứ xô lên vây quanh.
Toán xe gạo khác lại đến trong tiếng máy bay ầm ầm trên đầu. Phía sông Hồng, một chiếc tàu bay Mỹ hai thân hiện ra, rồi một đàn phóng pháo lừ lừ đến. Tiếng rú rền khắp nơi. Đạn cao xạ Nhật bùng từng cục khói trắng vào nền trời xanh nhễ nhại. Tiếng bom rơi nổ từng chặp... Đâu đâu?.. Lại nhà xe lửa Gia Lâm... Lại ở Sét, ở Giáp Bát...
Bọn Nhật đã chạy hết. Những người đói, đẩy những xe gạo về phía phố Bắc Ninh. Trong chốc lát, giữa đường Hàng Gai xuống dốc Bờ Hồ chỉ còn lại xác người cầm càng và một chiếc xe bò trống không, sập trục, hai bánh nằm úp.
Gạo vãi - cái gạo máy Sài Gòn trắng nhởn như vôi bột rắc trên đường nhựa. Những dòng máu khô đen xỉn lại quanh cái xác. Đây là cảnh Hà Nội khi chúng tôi chia tay.
Nguyễn Huy Tưởng nói:
- Cậu biết không, trên chiến khu bây giờ một đồng chí quốc tế về lãnh đạo. Có nghe đồn đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về chiến khu không?
Rồi Tưởng ghé tai tôi:
- Mình sắp đi xa.
Tôi bắt tay Tưởng, bùi ngùi. Cảnh cướp gạo và người chết đã lấy đi hết những câu nói của chúng tôi. Chúng tôi chỉ nhìn nhau và thấm thía rằng chiến đấu lúc này là cứu mình nữa.
Tờ mờ sáng hôm sau. Tôi nghe tiếng gọi ngoài cổng. Lật đật chạy ra, người bước vào lại là Nguyễn Huy Tưởng.
Tưởng nói:
- Bọn Lùn khủng bố, lùng nhiều nhà, cả nhà Nguyễn Đình Thi. Nhưng thoát được hết. Tránh đi ngay.
Từ hôm mật thám Ba Lự ở làng trên bị Hoà bắn chết, lính Nhật đã hai lần sục vào làng tôi. Nhiều người đã đi tránh trong vùng, không về làng.
Tôi tìm Tấn, muốn nhờ Tấn giúp cho tôi về Thanh Hoá. Nhưng Tấn đi đâu, đã lâu không đến nhà ai trong làng.
Tôi báo tin cho Nam Cao đang ở Ngã Tư Sở. Nam Cao xuống Phà Đen, xuôi tàu thuỷ về ngay Nam Định. Tôi đã hẹn: có thế nào, sẽ viết thư.
Tôi cứ vào Thanh. vì không biết đi đâu.
Ô tô quãng Ninh Bình vào phải chạy đêm qua Đồng Giao. Ngày đêm máy bay Mỹ rình tàu hoả và ô tô suốt quãng đường trống ấy. Bọn Nhật chuyển quân vào phía Nam không dám đi xe lửa, lũ lượt kéo bộ. Đêm sáng trăng Đồng Giao, cỏ tranh quét lấp đến lưng ô tô. Trên nóc xe có người ngồi nghe ngóng gác máy bay. Có động, người gác làm hiệu đấm tay xuống mái xe.
Đến Thanh, tôi không tìm được người bạn dạo trước Tấn đã dẫn ra nhà tôi chơi. Người cùng nhà nói anh ấy đi vắng.
Trông vẻ mặt, con mắt người trả lời và cái nhìn khách hỏi tôi đoán anh ấy đã thoát ly hoặc đã bị Nhật bắt. Không đâu có ai ngồi yên.
Hôm sau, tôi đáp ô tô vào Vinh.
Ghế cạnh tôi là một chị người Vinh. Chị đi buôn hay ra Hà Nội làm gì tôi không biết. Nhưng, chỉ làm quen, bắt chuyện một lát: chị Lân đã đưa tôi xem tờ Độc lập, cơ quan bí mật của Đảng Dân chủ Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh. Báo cũng in giấy xanh như báo Cứu Quốc, sặc mùi mực li-tô.
Tới một chặng, chị bảo: "Sắp đến chỗ lính Nhật khám”. Như thể chị nói khéo cho tôi biết: “Có gì thì cẩn thận".
Trong người tôi lúc ấy có tờ Cờ Giải phóng và quyển Kinh nghiệm Bắc Sơn khởi nghĩa. Quyển sách tôi nhét trong túi quần, lấy ra bây giờ cũng không được. Tờ báo thì đây.
Lính Nhật mưu mẹo thường khám bất chợt. Chiếc xe hàng từ từ đỗ. Mọi người xuống đứng sắp dãy cạnh xe. Bọn Nhật từ ven đường xách súng ra quây quanh vùng với bọn mật thám Tây. Chúng soát từng người một, xông lên lục xe.
Người lính Nhật đứng dạng hai chân, súng dựng một bên vai, giơ khuỳnh hai tay như cái máy. Đàn ông hay đàn bà cũng một tay nó ngoặt vào từ mái tóc vuốt xuôi vuốt ngược. Hai bàn tay cùng một lúc giựt lộn hai túi quần.
Nhưng tôi đã nuốt xong tờ Cờ Giải phóng từ lâu. Quyển sách thì đành để đấy. May, nó không rớ đến.
Chiếc xe hàng, lại được đi. Chị Lân lên ngồi ghế cạnh tôi, như lúc nãy. Chị hỏi:
- Anh xem báo nữa không?
Tôi lại thấy tay chị cầm tờ báo Độc lập. Chị cất thế nào tài quá. Tôi ngần ngừ. Chị cười, nói:
- Từ đây đến Vinh không còn chặng nào nữa đâu.
Đến Vinh, tôi ở nhà chị Ba - một trong cánh với chị Tây đi buôn đường dài tàu Sài Gòn, tôi đã quen năm trước. Tôi vào nhà Bùi Hiển. Trong câu chuyện úp mở tôi hiểu ở đây, anh đã có liên lạc với Việt Minh.
Ngày nào, máy bay Mỹ cũng đến ném bom ga Vinh.
Hồng quân Liên Xô đã chớp nhoáng diệt tan đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu. Nhưng, tôi không biết gì hết. Một đêm, tôi thấy êm ả khác, mọi khi bọn Nhật đi gươm kéo kệt kệt trên mặt đường đá, nhộn nhạo cả bóng tối. Hôm sau, có tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh.
Lính Nhật say lê giày đinh hát ô ê và chọi gươm xoang xoảng.
Tôi về ngay Hà Nội. Tôi đi qua những nơi mà hôm trước còn náu hình lặng lẽ, bây giờ đương cuộn lên từng lớp sóng người.
Thanh Hoá, Ninh Bình, Phủ Lý... Đoàn người quần áo nâu lam lũ ồ ạt kéo ra, những người đồng sâu lên. Chắc những ông già đồng chiêm đã hỏi anh Bé về trận đánh thắng phát xít Đức của Hồng quân năm trước. Kiếm, gậy tay thước, câu liêm, đèn pin, dao găm... trang bị của các đoàn thể theo kế hoạch "sửa soạn khởi nghĩa" - mà chúng tôi cũng đã chuẩn bị thế. Trên khuôn mặt sạm đen, hốc hác, những con mắt quắc đàm đăm.
Những đoàn người đi trên đê cao, trong cánh đồng, trên thuyền dưới sông tưởng không bao giờ hết. Người các làng kéo vào chiếm thị trấn, chiếm huyện, chiếm tất cả, tịch thu đồng triện, đốt văn tự sổ sách trên đồn, nhà quan phủ, ông thừa ông lục - những dấu vết đau khổ. Những đám khói nghi ngút.
Về đến ngã ba Đuôi Cá, trước mặt Hà Nội.
Hà Nội rực đỏ cờ. Lòng đường ngùn ngụt những khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm.
Tôi bổ đến nhà Như Phong.
Trong đêm 17, Như Phong cùng một đội tuyên truyền xung phong và công nhân Cứu Quốc nhà in đột nhập toà báo hàng ngày Tin Mới yêu cầu in bài tường thuật cuộc biểu tình buổi chiều của công chức toàn thành đã biến thành cuộc biểu tình của các đoàn thể Cứu Quốc và quần chúng ủng hộ Việt Minh trước Nhà hát lớn thành phố.
Rồi anh tham gia chiếm Sở Báo chí thông tin của Nhật.
Bây giờ, Như Phong phụ trách cơ quan đó của chính quyền cách mạng.
Như Phong bảo tôi:
- Hôm qua họp tất cả các tổ, anh Nghiêm(26) đã phân công. Mày tìm thằng Nguyên Hồng thì biết công tác của mày.
Tôi gặp Nguyên Hồng ở chỉ huy sở Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội, nhà số 101 cuối phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo bây giờ) gần ga Hàng Cỏ. Nguyên Hồng mặc quần áo nâu, đương đứng trong sân. Thấy tôi, Nguyên Hồng vẫn đứng yên như thế, nhưng Nguyên Hồng giơ hai tay một vẻ hết sức khoáng đạt. Cả người, cả mặt Nguyên Hồng rung lên. Nguyên Hồng ôm choàng lấy tôi.
- Tô Hoài ơi! Cách mạng thành công rồi.
Sau dó Nguyên Hồng đưa cho tôi năm đồng bạc bảo tôi đi ăn cơm. Rồi chúng tôi cùng về báo Cứu Quốc. Nguyên Hồng và tôi được làm phóng viên báo Cứu Quốc, cơ quan hàng ngày của Tổng bộ Việt Minh.
Trong bí mật, tôi vẫn hồi hộp đọc và viết cho báo đoàn thể. Bây giờ làm phóng viên của báo, tôi làm việc cùng những đồng chí đã làm báo Cứu Quốc bí mật.
Những tự vệ toà báo lại là những người tôi gặp lại - các thanh niên trong khu an toàn của Xứ uỷ được lấy đi làm bảo vệ.
Các anh đều quê làng Vạn Phúc. Nhiều người năm trước đã cùng tôi hoạt động Ái hữu. Những thợ cửi, mặc áo nâu, giắt khẩu “bờrôrinh” trong thắt lưng đứng trước cửa cơ quan.
Làng Vạn Phúc cách mạng với biết bao kỷ niệm đời tôi, bây giờ gặp lại đây.
Toà nhà ba tầng nhà in Têrêxa là cơ quan Tổng bộ Việt Minh và báo Cứu Quốc. Trong một buồng ở tầng trên cùng có một viên quan là Ngô Đình Diệm bị giữ từ Quảng Bình vừa được đưa ra Hà Nội. Không phải giam, mà Diệm chỉ bị để ở đấy cho đến khi sắp kháng chiến toàn quốc thì được thả.
Một hôm Nguyễn Huy Tưởng đến rủ tôi đi có việc. Tưởng làm báo Cờ Giải phóng ký là Điều Tử và ở trong ban lãnh đạo hội Văn hoá Cứu quốc.
Chúng tôi đạp xe ra Yên Phụ, lên Phú Gia. Tưởng tìm đến một nhà cơ sở. Trước hôm lên chiến khu, Tưởng đã được đưa đến ở đấy. Tưởng để quần tây, áo sơ mi lại, mặc quần áo nâu rồi liên lạc đưa qua sông Hồng, tắt Tam Đảo lên châu Sơn Dương vào chiến khu... Đò sang chỗ bến Hối.
Trông sang bến Hối. Chỉ thấy làn dâu xanh mờ. Nước sông Hồng đương cữ lớn, mênh mông đỏ rực chân trời. Mắt Tưởng nhìn xa xôi. Nghẹn ngào, Tưởng nói:
- Những ngày lên chiến khu mình nhớ suốt đời..
Trong anh em chúng tôi, Nguyên Hồng là người sôi nổi, hay xúc động, hay khóc. Nhưng hôm gặp lại tôi, cảm động đến run cả câu nói, Nguyên Hồng lại không khóc. Sự xúc động lặng lẽ của Nguyên Hồng còn sâu hơn cả nước mắt. Bây giờ "Ông Tôn Tôi" Nguyễn Huy Tưởng vốn trầm mặc này lại rơm rớm nước mắt. Thì ra, thói quen vui buồn của Tưởng không phải bao giờ cũng âm thầm.
Một hôm tôi gặp lại Tấn. Tôi mới biết cái hôm tôi tìm Tấn trước khi vào Thanh, Tấn được trên điều đi học quân sự ở chiến khu 2 trong Chợ Bến.
Tấn có đôi mắt đen sâu thẳm dưới đôi mày rậm. Một miệng cười khoẻ, vẻ đẹp rất đàn ông. Nhưng đôi khi cặp môi thờ ơ, thoáng một nét buồn.
Tấn tâm sự với tôi một câu lạ lùng:
- Tớ ở lớp quân sự trong Chợ Bến về, Hà Nội đã khởi nghĩa rồi. Tớ vào làng nào cũng thấy mỗi đồng chí ngồi một cái bàn, không còn thân thiết như khi nằm ổ rơm lúc bí mật. Ồ, ngồi bàn ghế mình lại nhớ ổ rơm. Rất buồn, mình muốn thôi công tác trở về làm thơ.
Kháng chiến chống Pháp bắt đầu, Tấn phụ trách báo Thủ đô rồi Tấn làm báo Vệ quốc quân, báo Sự thật. Tấn lại viết nhiều thơ như Tấn đã mong ước thế.
Tấn mất đã lâu, từ năm 1950, bị máy bay Pháp bắn, anh hy sinh ở Hợp Thành trên Thái Nguyên. Tôi cứ nhớ chuyến ấy Thôi Hữu vừa thoát chết trên biên giới về kể chuyện. Ở biên giới, Thôi Hữu và Trần Đăng đi với một đơn vị chủ lực. Chẳng may, cả ban chỉ huy tiểu đoàn bị quân Tàu Tưởng giả làm Hồng quân Trung Quốc lừa bắt rồi đem bắn. Trong những người bị bắn có Trần Đăng và Thôi Hữu, hai phóng viên báo Vệ quốc quân đi với đơn vị. Trần Đăng đã hy sinh cùng tiểu đoàn trưởng Hùng Sinh. Thôi Hữu chạy thoát. Nhưng về thăm nhà ở Hợp Thành, lại bị tử nạn.
Tôi nhớ những nỗi buồn nhiều khi thật vẩn vơ của Thôi Hữu. Nửa đêm anh ngâm thơ. Không thể nào cảm hết cái giọng trầm trầm, ảo não ấy. Những đêm đầu kháng chiến chúng tôi ở chùa Sống, Thôi Hữu đã kể cho tôi biết đời anh.
Đời anh thật bình thường. Học hết sơ học trường phủ Hoằng Hoá, bố mẹ cho vào Huế học trường Kỹ nghệ. Cứ thế thôi, chẳng nói làm gì. Nhưng một năm, về quê nghỉ hè. Tình cờ, Thôi Hữu được biết anh không phải là con của ông bà chánh tổng ấy. Anh chỉ là cái thai hoang ông bà nhặt ngoài ruộng về nuôi.
Từ đấy, không bao giờ Thôi Hữu về làng nữa. Chỉ vì buồn. Cứ chợt nhớ như thế, anh buồn lắm, buồn thăm thăm - anh kể, tưởng như có thể tự tử được.
Làm phóng viên báo Cứu Quốc, tôi đã đi Nam tiến. Cả nước đương ngày đêm trông ngóng về Nam. Quân đội Anh lật lọng, bọn Pháp quay trở lại chiếm Nam bộ. Chiến trường đương lan ra quanh Sài Gòn. Trên sân ga Hàng Cỏ, liên tiếp những chuyến tàu đưa Vệ quốc quân vào Nam. Tiếng hát vang động lẫn tiếng pháo tiễn.
Tết Độc lập 2 tháng 9 năm đầu tiên, tôi ở thị xã Quảng Ngãi.
Tôi vào Tuy Hoà rồi Nha Trang, lên chiến trường Kon Tum rồi qua Củng Sơn xuống mặt trận An Khê, viết tập phóng sự Ở mặt trận Nam Trung Bộ(27). Gặp lại Trần Mai Ninh, hôm đến thăm trường quân chính trên bờ biển Bồng Sơn.
Trở ra Hà Nội, tháng mười 1946 chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở báo Cứu Quốc kết nạp tôi.
Tổ chức kết nạp tôi vào Đảng trong cái buồng con của chị Tư Già trên gác báo Cứu Quốc phố Hàng Trống. Chị Tư Già phụ trách nhà ăn của báo. Tuổi trẻ của chị đã bỏ lại trong nhà tù. Bây giờ khi nào chị nghe các đầu xương đau buốt kêu o o như đương trong cơn mật thám tra tấn, biết đấy là sắp trở trời.
Lễ kết nạp tôi không có nghi thức, trang trí gì hết. Nguyễn Hữu Mai đại diện Thành uỷ đến dự. Xuân Thuỷ thay mặt chi bộ giới thiệu tôi. Trong buồng, chỉ có cái giường nhỏ của chị Tư Già. Bốn người ngồi xúm lại. Tôi nghĩ đến cảnh năm trước ngồi họp đêm trên gác thượng nhà Vũ Quốc Uy. Bây giờ cách mạng thành công rồi. Nhưng lễ kết nạp vẫn trong bí mật. Trông thấy trước mặt những gian khổ, những khó khăn mới.
Xuân Thuỷ nói:
- Làm đảng viên cốt nhất lòng trung thành với Đảng. Đảng ta qua bao gian nguy được lớn mạnh đến ngày nay là vì Đảng có nhiều đảng viên trung thực. Đảng cách mạng còn phải trải nhiều sóng gió, ở hoàn cảnh nào cũng đòi người đảng viên một lòng trung thực.
Ngoài đường, Quốc dân đảng đương kèm người ở Ngũ Xã lên đi biểu tình quanh Bờ Hồ phản đối chính phủ. Cố vấn Vĩnh Thuỵ đêm đến lại lén đi chơi. Lính Tàu trắng ngang nhiên cầm tiểu liên lia các phố. Cái ô tô của Nguyễn Hải Thần lạ kiểu đến nỗi ai cũng biết ngay. Trong xe có vệ sĩ, ngoài thành xe đứng hai vệ sĩ. Trên nóc ô tô, một vệ sĩ nằm dạng chân ghếch súng dõi đằng sau.
Tình thế bao nhiêu phức tạp, rắc rối. Ban ngày chúng tôi làm việc ở toà báo. Buổi tối chuyển ra ngoại thành ở chùa Thông gần cống Mọc.
Đêm 19 tháng mười hai, Hà Nội nổ súng khởi đầu kháng chiến, tôi ở chùa Thông.
Rồi tôi làm phóng viên báo trên mặt trận Hà Nội. Ở cùng với Thôi Hữu làm báo Thủ Đô. Được vài tháng, theo cơ quan báo Cứu Quốc lên Hạ Giáp, huyện Phù Ninh Phú Thọ.
Một năm sau.
Mùa đông năm 1947, Pháp tấn công Việt Bắc.
Tôi đương ở Bắc Cạn, trong châu Bạch Thông.
Nam Cao đã để vợ con ở lại Hà Nam, lên Bắc Cạn làm báo Cứu Quốc với chúng tôi. Quân Pháp đánh đến tận nơi, cơ quan báo ở bản Vi Hương bỏ mìn phá mất cả cái bệ máy in chưa kịp chạy. Chúng tôi rút lên châu Chợ Rã.
Báo Cứu Quốc Việt Bắc được thành lập.
Nam Cao, hoạ sĩ Trần Đình Thọ và tôi được phân công ở lại núi Phia Bióoc ở Bắc Cạn làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tôi thành Nông Văn Tư, đồng chí Tư, Nam Cao có tên là Ma Văn Hữu, chúng tôi thay đổi tên, ở lẫn trong làng. Ngoài đường xe vận tải Pháp chạy suốt ngày. Một thử thách. Lòng trung thực được thử thách.
Chi bộ Đảng mà tôi là bí thư đã kết nạp Nam Cao. Lễ kết nạp trong hốc đá.
Lúc ấy sương sớm bắt đầu tan trắng xoá. Thỉnh thoảng, một quả moócchiê ngoài ngã ba Phiêng Phường nện vào vách núi. Chỉ có Xuân Thuỷ, Văn Tân và tôi dự.
Trong cơn thử thách.
Nam Cao ngồi xếp bằng tròn, rét quá, cổ quấn cái màn, nhìn không chớp xuống thung lũng. Nước mắt chảy ròng trên gò má cao, hốc hác. Nam Cao nói trầm giọng: "... Tôi thề trung thành với Đảng...”.
Mắt tôi cũng nhoà đi. Những giọt nước mắt cảm kích và tự hào.
Nam Cao thường kể lại lúc ấy anh nghĩ gì. Anh nghĩ lại những ngày trôi nổi ở Sài Gòn, ở Hà Nội, những quằn quại của con người dễ mơ mộng và xúc động, cái gì không có cũng thèm muốn, cái gì đương có cũng chán ghét, tất cả đều không nghĩa, cứ “chết mòn" không lối thoát. Bên tai, anh nghe tiếng nói đại diện Đảng như ánh cờ bay lượn trên bóng tối cuộc đời vô vị cũ, như thế, và anh không cầm được nước mắt.
Thân phận trôi dạt, đã chèo chống, phấn đấu tới hôm nay. Trên sóng cát cuộc đời, mình đã từng là cái kiếp phong trần vật vờ vào đâu nên đấy, của con phù du.
1972
Chú thích:
(1) Phố Blóckhauss Nord (Lô cốt Bắc), bây giờ là phố Phó Đức Chính.
(2) Bí danh chúng tôi thường gọi Lê Quang Đạo thời kỳ ấy làm bí thư Ban cán sự của Đảng ở Hà Nội.
(3) Tiếng lóng chỉ mật thám.
(4) Chữ tắt Anti-bolchevick chỉ bọn phản động chui vào tổ chức cách mạng để làm mật thám.
(5) Sửa soạn khởi nghĩa (Tổng bộ Việt Minh xuất bản. Bản in 1942 thời kỳ bí mật.
(6) Nhà in Viễn Đông, một nhà in lớn của Pháp.
(7) Bằng tốt nghiệp bậc sơ học thời thuộc Pháp.
(8) Chữ Pháp, viết tắt. Chỉ bằng "tú tài" thời Pháp thuộc.
(9) Quê người (truyện dài, đã in ở nhà xuất bản Mới. Xóm Giếng (truyện dài, mất bản thảo chính, nhà Bách Việt viết lời tựa đề là Xóm Giếng ngày xưa). Đêm mưa (truyện dài, mất bản thảo). Giăng thề (truyện vừa, nhà xuất bản Tân Dân). Cỏ dại (ký ức, nhà xuất bản Hà Nội), O chuột (tập truyện ngắn, đã in nhà xuất bản Tân Dân), Nhà nghèo (tập truyện ngắn, nhà xuất bản Người Mới). Nước lên (tập truyện ngắn, mất bản thảo, đã bán cho nhà Tân Dân). Và một số truyện ngắn đăng báo, truyện cho thiếu nhi.
(10) "Tống biệt hành", thơ của Thâm Tâm.
(11) "Độc hành ca", thơ của Trần Huyền Trân
(12) Ngoại tình, tiểu thuyết của Vũ Trọng Can. Thả cỏ, phóng sự của Nguyễn Tố. Một đêm với Dương Quí Phi của Trúc Đình.
(13) Tiểu thuyết Rạng Đông của Phan Huấn Chương đạt giải thưởng Tự Lực cùng năm với Kim Hà, Văn đoàn này tặng thưởng giải ba tiểu thuyết Rạng Đông, nhưng không in.
(14) Sống mòn, tiểu thuyết của Nam Cao.
(15) Điếu văn, truyện ngắn của Nam Cao.
(16) Xóm Giếng ngày xưa, truyện của Tô Hoài. Nhà xuất bản Bách Việt 1944.
(17) Cỏ dại, hồi ký của Tô Hoài, nhà xuất bản Hà Nội, 1994.
(18) Trần Độ lúc ấy làm công tác đội của Trung ương Đảng.
(19) Nguyễn Thế Nghiệp và Nguyễn Ngọc Sơn, hai thủ lĩnh Quốc dân đảng đã xin phép Nhật cho tô chức mít tinh.
(20) Trong kháng chiến chông Pháp, nhà xuất bản Cứu Quốc ở Việt Bắc định in và Nam Cao đã đổi tên truyện là Sống mòn. Tiểu thuyết Sống mòn, Nhà xuất bản Hột Nhà Văn in lần đầu ở Hà Nội, sau 1954.
(21) Vườn hoa Cửa Nam có pho tượng một người đàn bà tượng trưng thần Tự Do, người qua lại gọi là tượng Bà đầm xoè (đã bị phá sau đảo chính Nhật)
(22) Cơ quan in báo bí mật.
(23) Bí danh Khuất Duy Tiến.
(24) "Giấy bạc" của Mặt trận Việt Minh. Tín phiếu có Bộ trưởng Việt Minh ký tên và lời ghi "Nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đồng bào ủng hộ cách mạng. Khi khởi nghĩa thành công, Chính phủ cách mạng sẽ hoàn lại tiền đồng bào".
(25) Bóng giai nhân, kịch thơ của Yến Lan và Nguyễn Bính.
(26) Một bí danh Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.
(27) Phóng sự dài này đăng từng kỳ trên báo Cứu Quốc, Nhà xuất bản bản Văn hoá Cứu quốc đang in thì toàn quốc kháng chiến, mất bản thảo.