Lạc bế đứa con nhỏ trên tay, đứa lớn theo sau, người vợ đi bên cạnh mang gói thức ăn và trái cây."Mình đi mua thêm ít hồng khô nữa"."Ở đâu?" Đứa bé trên tay nặng trĩu, vùng vằng đòi xuống đất. Lạc hỏi, cau mặt đặt con xuống đất: "Đấy, mày muốn đi thì cho đi!"Bà vợ rít giữa hai hàm răng: "Bế nó lên đi, người đông thế này làm sao nó đi nổi, chỉ mỗi việc bế con anh cũng làm như khổ cực lắm".Lạc không nói, xốc lại con trên tay, anh lóng cóng móc gói thuốc với bàn tay trái. "Coi chừng hút thuốc trúng tàn vào con". Lạc thở hơi khói chịu đựng không nói."Anh biết hàng bán hồng ở đâu không?""Làm sao anh biết được". Lạc muốn phì cười vì câu hỏi của vợ."Anh chẳng biết gì cả hay sao? Anh hành quân ở đây suốt năm không biết chợ bán hàng gì, ở đâu?!!""Không biết nên làm sao bảo cho em". Lạc tính nhẩm, từ mùng Tám Tết năm trước đến hôm nay hai mươi chín ta, biết bao nhiêu ngày? Nhiều quá, một năm rồi đấy, một năm hành quân từ Gio Linh qua Cùa, Khe Sanh, dọc theo con đường số 1 về Mỹ Chánh, Phong Điền, Phú Thứ… Quê ngoài Bắc cũng không hiểu rõ bằng cái vùng đất cát của hai miền Thừa Thiên, Quảng Trị này, vùng núi Đông thông băng qua Cổ Bi, Hiền Sĩ, trực thăng vận vào đến lần thứ tư, khoảng hè có về Sài Gòn được mười bốn ngày rồi lại mò ra đây… Uống nước sông Bồ, sông Thiệu Hoá, sông Hương đến độ mòn lưỡi, đôi giày botte de saut hôm Tết kia mới toanh nay đã vẹt đế thấy được miếng sắt lót ở trong, một năm biết bao nhiêu lần ăn thứ bún đỏ chạch cay xé cổ. Lạc quen với đất này bằng cách biết rõ từng nhà chứa điếm, ổ của con mụ mặt mụn ở cửa Cập nhà trước có bàn thờ, tượng Phật, tượng Quan Công, bát tiên, ông táo chen lẫn nhau, hàng rào chè Tàu uốn khúc thành hình con công con phượng, kín cổng cao tường, nếu không có người dẫn đến chẳng làm sao biết được đây là chỗ chơi bời. Lạc chỉ biết nơi chốn hạ tiện, những điều vô bổ, những người truỵ lạc thảm thương, trong bóng tối, nơi điêu tàn… Lạc di chuyển qua những ngày hè nắng gắt khô khan, qua những ngày mưa dầm ủ dột triền miên. Mưa thối đất thối dai, mưa thảm sầu thê thiết, mưa không dứt hạt, không thấy cảnh, không thấy người.Lạc qua những núi cao lẩn vào sương mù, những dòng sôngg phơi đáy, nghe những tiếng nói lạ lùng đầy danh từ đặc dị. Lạc mỉm cười…"Anh cười cái gì thế?""Không. Đúng là anh chẳng biết cái gì cần thiết cả, anh chỉ biết, những chuyện vô ích thôi"."Vớ vẩn!" Người vợ nguýt Lạc một cái.Đúng là vớ vẩn, Lạc thấy vợ nói có lý. Lạc chỉ biết nhiều điều tai hại lạ lùng rất dễ dàng lung lay trí não con người như những trái lựu đạn gài chi chít vùng Lại Hà, Đại Lược, những trái mìn chống chiến xa nằm dưới mặt cát phẳng lì, mưa làm biến hết dấu vết tay người chỉ còn lại mặt phẳng mênh mông trơn láng, chấm phá vài cụm lá cây dại, rễ không đủ sâu nên thân chỉ nhoi lên khỏi mặt đất khoảng nửa thước. Đúng là vùng đất chết, hèn gì Tây gọi là "dãy phố buồn thiu". Nhưng có nơi nào vui trên đất nước này? Sài Gòn? Cũng chỉ là nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt thiểu não mất máu của quê hương đang giẫy giụa trong cơn hấp hối. Lạc còn biết thêm nhiều tiếng, nhiều vật, nhiều cảnh lạ… Trầm – trên khoảng cát mênh mông những nơi trũng xuống, nước đọng làm thành. Nhưng không thể gọi là hồ hay ao được, hồ hay ao có vẻ đơn sơ êm đềm, hồ hay ao có hơi người, có sức sống. Những vũng nước đọng mà người Huế gọi là Trầm có vẻ ma quái, lạnh ngắt, không bóng chim, không vết thú, nước cạn khoảng một thước nằm dài dằng dặc trên cây số, rộng trên dưới hai mươi thước, nước đọng giữa cát nên không tăm cá, chẳng có chiều sâu, không chiều rộng để nổi lên gợn sóng, thân cây rên không có đất bùn để bám… Trầm, như u uất lặng lẽ nghèo đói cơ hàn đọng từng vũng, từng vệt trên đất đai của xứ sở tội nghiệp buồn phiền. Trầm, tên gọi nghe thật buồn. Người Huế quả thật nhạy cảm để đặt tên cho nỗi buồn giấu kín. Rừng lựu đạn nằm chen trong luỹ tre, hai bắp chân nhăn nheo của mụ điếm già, vũng nước lặng lẽ giữa hai cồn cát ngột ngạt, trái ớt trong tô bún bò vàng đỏ… Mọi thứ hỗn độn trong óc Lạc, thứ óc não mệt nhoài của mười tám năm lính, vợ bốn con. Còn chỗ nào cho Lạc nhét vào đó căn hàng hồng khô để nói cùng vợ. Một năm Lạc ở Thừa Thiên chỉ đủ biết được nỗi chết cùng sự buồn rầu.Lạc cùng vợ và con bước ra khỏi khu chợ, băng qua đường."Ấy hai ông đi đâu đó?" Lạc đặt đứa con xuống đất. Đứa con làm bận bịu ông Trung uý Vũ Văn Lạc khi gặp Minh và Thuấn. Vì gặp hai người, Lạc mới nhớ mình là một Đại đội trưởng Nhảy dù: Đứa con phải đặt xuống để người cha lấy lại vóc dáng."Hai ông đi đâu? Có gì hay không, tôi đi theo với!""Chị ạ! Chị và hai cháu vừa ra?" Minh và Thuấn hình như không chú ý đến Lạc. Tụi trẻ hay chứng tỏ có khả năng lễ phép và thuần thục. Lạc thấy trống rỗng, cơn vùng lên ngắn hạn xẹp xuống, nhưng Lạc không ngã lòng, gã lính già cố gắng thêm một lần nữa:"À bà xã moa vừa mới ra. Hai ông đi đâu, tôi có thể đi theo?…""Thôi mà ông, cả năm ở với chúng tôi rồi, có hai ngày phép bà chị ra, ông lại định đi đâu bây giờ. Vừa phải thôi, chúng tôi cũng chẳng có chuyện gì".Lạc cười hì hì. Như vậy coi như đủ, câu đi câu lại cũng vừa chấm dứt vở kịch nổi loạn, trả thù sự cáu kỉnh của vợ. Lạc quay sang nhìn vợ, trong ánh mắt mệt mỏi của người đàn bà có vẻ trách móc. Lạc vội vàng:"Ấy nói thế chứ đi theo các ông để bà ấy xé tôi ra làm hai à… Hì hì…" Đứa con chạy xoắn vào chân Lạc."Chào các chú đi con, thằng này cũng tên Minh"."Tốt gì cái tên tôi, lại đi lính Nhảy dù chứ khá được chút nào. Tiểu đoàn mình đổi chỗ rồi"."Sao ông biết? Ông cũng đi phép từ chiều hôm qua với tôi cơ mà".Thuấn nói:"Tôi vừa nói cho nó biết, mình dời ra cây số 17. Dọn từ sáng hôm nay, chiều qua lúc các ông vừa đi, tôi nhận lệnh. Tôi thì say, hai ông đi phép, quan Tư rên quá cỡ. Tôi cũng chẳng biết ông ta nói gì. Sáng nay khi xe đến cây số 17, tôi không biết đóng ở đâu, cho xe ngừng ở chỗ toà nhà Hội đồng xã, bị ông ấy phang cho mấy câu… Hi, tôi đâu có nghe trong buổi họp ông ấy đã ấn định tôi phải vào ở trong doanh trại của Trung đoàn 2 bộ binh. Say quá cỡ chẳng biết trời trăng gì nữa…""Chiều hôm qua uống có bao nhiêu. Thường Đại đội phó của tôi có họp đấy chớ?""Có, nó cũng lính già mà ông, còn hy vọng "đảo chánh" ông để nắm Đại đội chứ, sức mấy Đại đội phó bê bối nổi, láng cháng cho xuống lại Trung đội trưởng là ăn mày. Tối hôm qua tôi say là vì sau khi các ông đi, tôi uống thêm nữa, uống toàn rượu nếp cẩm… Hì hì, rượu nếp cẩm pha với bột dâu màu tím của Mỹ ngọt như đường phèn, tôi uống đâu khoảng ba bốn xị gì đó, có thêm cả ông thầy chùa uống nữa… Giờ này vẫn còn choáng váng". Thuấn lúc lắc đầu."Vui há!""Vui gì đâu, ngồi một mình buồn quá tôi mới mời ông ta đến. Ông ta đi tu đâu nhậu được tôi lại không được nói chuyện tếu thì nhậu có vui gì. Uống là phải nói, nói để rượu bay đi. Uống rượu bắt tôi im lặng chi bằng đổ lửa vào người. Ông thầy chùa cũng chịu chơi, uống hết một chai bia lớn."Chai bia lớn có ra gì, cả két hoạ may"."Thế là nhất rồi ông ơi, tôi có ý muốn làm cho ông ta say, nhưng mặt ông ấy nghiêm trang và hiền quá làm tôi không nỡ, cứ tưởng tượng ông thầy chùa say là vui rồi, tôi khoái ông Lỗ Trí Thâm nhất trong Thuỷ Hử"."Các ông thật quá, ai lại phá cả nhà sư". Vợ Lạc khẽ nói, giọng thoáng chút trách móc."Đâu có chị, ông này trẻ lắm, khoảng tuổi tôi, sư đợt sóng mới, đẹp trai học giỏi… Ông ta cũng có vẻ thích tụi tôi. Chị tưởng ông sư già chứ gì… Đâu phải, ông ta với thằng Minh còn nói chuyện trai gái nữa…""Xạo mày, hôm đó tao nói về chuyện Freud cũng chỉ cốt để xem ông ta có tránh né chuyện tình dục hay không…" À, anh Lạc ở đâu?"Tôi thuê khách sạn ở đàng kia". Lạc chỉ tay dọc theo con phố. "Phòng số 14 lầu trên"."Xong, tối giao thừa sẽ mang rượu đến uống với anh, ở đây tôi cũng chẳng còn bạn bè, họ hàng toàn người già, về nhà chỉ để đọc truyện kiếm hiệp. Thôi tụi tôi đi"."Các ông đi đâu?""Qua bên Gia Hội, tôi có bà chị cô cậu mở cái tiệc nhỏ hôm nay. Thằng cha anh rể đó làm tiệc, bà chị mời tụi tôi. Ông đi không được đâu, bà chị giết bây giờ, hơn nữa tiệc người Huế nhiều ớt lắm, ông ăn không được"."Sao không?" Lạc cười, đưa tay bắt tay Minh và Thuấn. "Tối giao thừa đến nhà chơi, nhớ có gì mang theo…""Chào chị. Chú đi nghe hai cháu…""Vâng, các anh đi. Anh Minh nhớ đến chơi với nhà tôi. Ra đây chúng tôi không quen ai"."Vâng, kính chị!" Minh đưa tay nựng cằm đứa nhỏ trên tay Lạc. "Chú đem kẹo tới cho mày nữa nghe Minh". Thằng bé ngúc ngắc cái đầu.Bằng đứng dậy… Đáng lẽ buổi họp mặt hôm nay phải có trước đây một tháng, nhưng hôm đó vì lý do… kỹ thuật. Có những tiếng cười nhỏ làm ra vẻ thông cảm với chủ nhân. Bằng tiếp tục… Nhưng muộn còn hơn không, một cái cớ rất cần thiết để giới thiệu với các bạn sự… Bằng tìm một chữ chính xác và ẩn ngụ những ý nghĩa. Thôi cứ gọi là "sự đám hỏi" cho xong chuyện. Minh thêm câu nói nhát gừng. Có những tiếng người nửa đồng ý nửa gượng gạo. Vâng, để giới thiệu sự lễ hỏi của tôi và Quỳnh Như. Quỳnh Như cúi đầu e thẹn, tưởng đến giờ phút nóng hổi trên chiếc giường trải tấm nệm đỏ… Bằng ơi! Em bị rứa là một tháng, ra Tết mình đám cưới nghe không? Chắc không? Không chắc lắm nhưng tháng ni em chưa có. Chưa có đâu đã chắc gì, để anh hỏi thằng bạn học y khoa xem. Quỳnh Như ngẩng mặt lên, nàng bỗng có cảm giác như vẫn còn là một tình nhân chưa biết thú vui xác thịt ngất ngư đó. Nàng thấy thẹn, thẹn thật sự như cô gái mới lớn bị đám đông trêu ghẹo. Hôm nay Quỳnh Như mặc áo đỏ sậm ngả qua nâu, tóc nàng dài, nước da trắng, đôi mắt to và đen chỉ hơi buồn vì chiếc mũi không được thẳng, hơi cong vào ở chỗ gần hai mí mắt, nhưng không hề gì, nàng đánh phấn đậm ở hai khóe mắt gây cảm giác chiếc mũi được nâng cao. Nhưng toàn thể của nàng rất quyến rũ, đẹp, nói thật đúng và tổng quát. Và đôi môi nữa, Quỳnh Như biết mình có đôi môi rất đẹp, rất lẳng lơ, lẳng lơ giấu kín, chỉ lộ ra khi sắp sửa cho nụ hôn. Một đôi môi đủ tạo thành cảm giác cuống quít vội vã khi chạm phải. Có những tiếng vỗ tay và lời tán tụng. Quỳnh Như như được kéo đứng lên. Qua làn mi xanh nàng liếc một vòng bàn ăn, khoảng mười đến mười hai người, phần đông mặc veston, hoặc áo len, những cái áo len đan sợi lớn theo kiểu mới nặng nề phóng khoáng, những khuôn mặt tuổi trẻ xứ Huế đẹp đẽ, mơ mộng và chút suy tư. Suy tư ở những sợi tóc dài lười biếng vuốt sang bên phải rơi lãng mạn một vòng tròn trước vầng trán, vầng trán bao giờ cũng nhăn lại để vạch rõ những nét phong trần. Có hai khuôn mặt không có những sợi tóc mệt mỏi lãng mạn lười biếng đó, hai khuôn mặt không nghiêm cứng khó khăn không có vẻ suy tư đau đớn, trên đó những vết nhăn tự nhiên của đêm không ngủ, chiếc má hóp vào của những ngày thiếu ăn và trong mắt những sợi gân máu như muốn nứt nẻ, vỡ tan. Đất đỏ, lá thông, bùn non và thuốc súng hiển hiện trong đám tóc đen xám cứng ngắc bị đè bẹp nằm im lặng như dấu vết của một chiếc nón sắt vô hình thường trực. Hai khuôn mặt của Minh, em Quỳnh Như và một anh trẻ tuổi người Bắc, được giới thiệu tên Thuấn. Thuấn ngồi co rút lại dưới ảnh hưởng của cơn lạnh, nhưng thật ra vì không khí người Huế bao quanh."Ê, Thuấn. Mày biết tin con Diễm Mi chưa?" "Sao?" "Con đó có bồ rồi, hình như thằng đó học bên Luật, tao thấy tụi nó đưa nhau lên Ngự Bình". "Có phải thằng cao cao hay mặc quần jean velour không?" "Không, đó là thằng Quyền làm bên toà Hành chánh, thằng ni hình như ở Sài Gòn vừa theo gia đình ra đây, nó có chiếc vespa mang số EH ở Sài Gòn". Sài Gòn, thành phố có bar dancing, có những chốn ăn chơi để làm mốc cho sự trưởng thành hay sành sỏi, có những ca sĩ được nhìn tận mặt, hỏi chuyện như bạn thân, có những nhà văn để ngồi cùng tán gẫu mày tao như thâm giao… Gã đi xe EH chắc đã có lần gọi Lệ Thu bằng em, uống cà phê với Nguyễn Thuỵ Long. Gã có một thế giới Sài Gòn huy hoàng riêng rẽ. Những người trẻ tuổi xứ Huế không có Sài Gòn đó, họ chỉ có những tờ tuần san Ý Thức, Máu Việt … Họ chỉ có những danh từ "người anh em, máu Việt Nam, niềm đau nhược tiểu mới, vòng tay tuổi trẻ da vàng…". Họ chỉ có ly cà phê đen thấy trong đó vòng tó cong rơi trên trán, chỉ có Rimbaurd, Quách Thoại mới trong chiến tranh nhọc nhằn. Những điều người trẻ tuổi ở Huế có không hơn được gã con trai đến từ Sài Gòn đi xe Vespa mang số EH… Nhưng giữa họ và gã trai trẻ đó có liên hệ dính dáng, một Diễm My nào đó để so sánh và tìm hiểu cùng nhau. "Tao biết mặt thằng đó rồi, nó có vẻ điếm lắm, thằng Vĩnh học Luật có đến nhà nó chơi, nó mặc quần may ở Chua… Chua, nơi may đắt nhất Sài Gòn, cỡ bộ trưởng … Thằng này con ông biện lý". Thuấn ngồi im lặng, cũng đến từ Sài Gòn nhưng giữa Thuấn và những người trẻ tuổi chung quanh không có chung trận tuyến. "Anh nghĩ thế nào là người Cộng sản?" Thuấn đốt điếu thuốc, cười. Làm sao trả lời được. Những vận động xã hội, ý thức quốc gia cấp tiến trong nhịp biện chứng cách mạng, sự nổi dậy của thế giới thứ ba… Những điều làm sáng tỏ khả năng và giới hạn của phong trào cộng sản? Cộng sản? Thuấn thấy một tên lính mặc quần cộc, chân mang dép Bình Trị Thiên nằm tênh hênh đầu gối trên bờ ruộng, hai mái tóc ở thái dương hớt cao để lộ vết sẹo tròn ngây ngô. Cộng sản ở ruột tượng gạo bị rách tung tóe những hạt gạo đỏ nằm lẫn lộn trong máu và nước bùn. Cộng sản ở bức hình căn cước, hình một gã thanh niên răng hô áo chemise chật cứng bẻ cổ đằng sau có hàng chữ "nhớ mẹ, xa quê, nhiều công tác". Thuấn muốn dựng gã lính Bắc Việt đó dậy, đặt trước mặt những người trẻ tuổi xứ Huế này để cho gã nghe được vận động xã hội, sự nổi dậy của thế giới không liên kết… "Đại uý nghĩ sao sự hiện diện của ngoại quốc, nói rõ hơn: người Mỹ?" Người trẻ tuổi xứ Huế cười cởi mở, cố gắng để trình bày một vấn đề quá nhiều tế nhị và phức tạp. Thuấn cười, bật nắp hộp quẹt tanh tách. Người Mỹ, những mưu toan thống trị văn hoá, chiến tranh lạnh, sự xâm nhập và huỷ hoại của lầm lẫn tư bản Wall street, sự bế tắc lắng chìm trong chiến tranh nhân dân… Những đề tài vuông vắn, sáng sủa linh động như miếng thạch trong suốt được bày ra hàng loạt trước mắt Thuấn. Thuấn gật gật đầu lắng tai nghe. Người Mỹ, những mưu mô thâm độc của CIA, quyết định gian xảo biển lận của Toà Đại sứ. Người Mỹ với thuốc khai quang tàn hại, không khí nhiễm độc chết chóc nhân tạo được rải lên cây, trên lá, chất độc ngấm vào đất, đóng chung quanh bông lúa làm cho quắp khô héo hết sinh lực của tổ quốc. Chúng ta phải tố cáo trước dư luận thế giới âm mưu thâm độc làm kiệt lực tiềm năng dân tộc! Một người trẻ tuổi sau khi nhai xong miếng nem, nuốt xuống vội vã, khó khăn. "Ăn một miếng ngon khi quê hương đang lầm than cũng là một cái tội, nên phải nuốt thật nhanh thứ vật chất tội lỗi đó, nuốt xuống kín đáo và ép buộc, xong để đấm bàn tay vào không khí. Phải tố cáo, phải tố cáo để đánh thức lương tâm con người". Gã trẻ tuổi nhấn mạnh từng chữ, chữ có góc nhọn và sắc sảo. "Tố cáo theo ngả nào?" Một giọng nói khúc chiết đặt lại vấn đề. Người trẻ tuổi khác đặt đôi đũa xuống, cau vầng trán, nhíu mày hỏi bạn. Những đôi mắt mở to, khắc khoải chờ đợi. Những đôi mắt thiết tha nồng nàn của tuổi trẻ quá suy tư về dân tộc. Yên lặng nhức nhối bao trùm. Bằng lên tiếng: "Phải tạo một phong trào rộng lớn ở quốc nội trong giới sinh viên học sinh với môi trường tôn giáo…" Nhà chùa, Bằng thấy Đại đức Trí Không, khối trí não từ bi như một bàn đạp vừa vặn cho dự định. "Phải, qua lầm lẫn của nhà chùa, hội thanh niên Phật tử chúng ta có được yếu tính bất bạo động để làm lý tưởng cho phong trào. Đúng, ông Bằng nói đúng và mình phải hướng dẫn phong trào qua những mục tiêu cụ thể để tiến tới mục tiêu cuối cùng: người Mỹ phải rút khỏi đất nước này. Người Mỹ, sự hiện diện của văn minh Tây phương bế tắc sa đoạ". Gã trẻ tuổi đưa tay lên trời đau đớn, anh ta nén tiếng thở dài bi phẫn. Phải tiến đến những mục tiêu như anh nói, đúng thế. Người Mỹ và áp lực vật chất làm huỷ hoại tinh thần Đông phương, tinh thần Đông phương ở điếu thuốc Ruby vàng khói chống với điếu Lucky đang ở trên môi Thuấn, hiện diện Tây phương sa đoạ. Một chút khinh bỉ chán chường kín đáo trong ánh mắt. "Đại uý có đồng ý như vậy không? Xin lỗi cho tôi gọi anh để được thân mật, tụi mình còn trẻ mà". Bằng ép Thuấn phải mở miệng: "Vâng, gọi thế dễ chịu hơn. Vâng, tôi đồng ý. Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy". Thuấn ăn thêm một miếng chả tôm trên có lớp gạch vàng rực. Thuấn đưa tay hái lấy trái ớt xanh căng cứng, bắt chước Minh cắn một miếng. "Ăn ớt sáng mắt và đỡ buồn nôn, dẹp bớt mùi tanh của thức ăn". Minh đã nói thế. Người Mỹ, sự hiện diện sa đoạ phải được kèm với trái ớt Huế để nuốt vào. Nhưng Thuấn không ăn ớt được, Thuấn nhổ miếng ớt xanh ra, nhổ luôn thức ăn tanh tưởi, nhổ ra, há rộng cho trôi hết, cạo yết hầu, cạo lưỡi cho trôi hết. Ọc! Ọc! Thuấn nôn không ngờ được…Buổi sáng hôm nay ở cầu An Hoà, Thuấn ngồi ở quán ăn bên đường. Người Huế nói xôn xao xung quanh, Thuấn kêu bát bún bò, sợi bún trắng nổi dật dờ khối nước màu đỏ bốc khói trông thật ngon lành. Thuấn cúi đầu xuống bát thức ăn, nghe trong bụng cơn xôn xao vì đói. Thuấn hít mùi thơm trước khi ăn, ngày bắt đầu thật dễ chịu, không hành quân, được ăn sáng với thức ăn nóng, sắp Tết và đầu óc trống trải lạnh lùng.Xong bát bún. Thuấn hút điếu thuốc nhìn lơ đãng ra đường. Rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang. Thuấn đang nhìn thiên hạ chờ Tết đến. Thuấn vắng một gác trọ, chỉ có chiếc võng nylon treo giữa hai hàng cột của ngôi đình, nhìn xuống con sông, xanh ngắt, Thuấn thấy lòng xôn xao. Những đứa bé nép vào chân mẹ đợi chuyến xe đò về thành phố trông ấm áp rung động. Nắng hanh vàng và gió lạnh. Thuấn nhớ quê nhà, hàng cây me xanh ngắt rơi từng phiến lá li ti trên mặt đá của cái hồ đựng nước mưa, mặt đá sạch bóng lạnh tanh. Thuấn lăn lộn trên mê mải im lìm đó. Những ngày thơ ấu nhẹ hẫng như thứ gió đầu xuân phe phẩy những chòm lá me xanh biếc. Gần Tết, Thuấn nhớ ngày vào Nam, tàu cập bến Đà Nẵng trong mưa bấc, trại định cư trên bãi hoang cát trắng, cây xương rồng giãy giụa theo cơn gió và Thuấn gối đầu trên chiếc valy mây, nghe pháo nổ bên kia sông, nơi thành phố. Thuấn nghe giao thừa đến bằng tiếng sóng hung hãn đập mê mải vào bờ cát trong đêm khuya. Thuấn gọi chai bia, thật khó khăn để qua buổi sáng trống trải lạnh tanh này. Đốt thêm điếu thuốc nữa, nỗi xôn xao xoay cuộn ở trong lòng. Có đoàn công voa từ Huế đi Quảng Trị ngang qua mặt, đoàn xe đi từ Đà Nẵng chở lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ tăng viện mặt trận Gio Linh, Khe Sanh. Lính Mỹ mang áo giáp, đội nón sắt bao vải nguỵ trang viết những chữ "F.T.A. – Godammed Charlie, Vietnam 1967… Đa Năng holly jump…". Lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ, bóng hình của vinh quang Okinawa, Saipan, Wake ngồi im lìm trên thành xe, mũi súng chìa sang hai bên đường để chống phục kích. Họ lo lắng vì ngoài kia là Khe Sanh và Gio Linh, các căn cứ A1, A2… nằm trên chiến tuyến Mac Namara, chiến tranh ở đấy rất nặng nề. Quá nặng, vinh quang Okinawa phải khó khăn mới xua đuổi được, nên người Mỹ không quên mang theo lá cờ, lá cờ đã được bay nhiều lần trong chiến thắng. Lá cờ lóng lánh sao, Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã dựng lên nhiều lần, họ phải giữ truyền thống dựng cờ trên chiến thắng. "Chắc Đại uý đã đi hành quân với người Mỹ nhiều hẳn biết những hành động bạo ngược của họ". "Vâng", Thuấn đưa điếu thuốc lên môi. "Nhưng họ khéo tuyên truyền dưới hình thức một cường quốc văn minh để giúp đỡ. Đại uý có nghĩ thế không?" "Vâng", Thuấn ngồi trong buổi sáng, bát bún đã ăn xong, lớp nước váng mỡ còn sót lại nhờn nhợt tanh tanh. Cho tôi ly cà phê đen. Ly cà phê đem ra, Thuấn úp bàn tay lên, lòng bàn tay hun nóng, toàn thân lạnh, trí não lạnh nhưng vô cùng rực rỡ…Mười mấy lần ăn Tết một mình, ai đem thứ thời gian cay đắng này đến làm gì. Ngày cuối năm như ngọn lửa khắc nghiệt nóng bỏng đốt chảy quả tim lạnh tanh của người lính. Gió thổi, gió ông bà, Thuấn nghe đâu đó một lần lúc ấu thơ. Trong gió có hồn ma hiện về dương thế tìm quê nhà. Tết, ma còn có nhà để về, mình lai đi lang thang hơn ma hoang. Ngoài đường đoàn xe chưa dứt. Những người quanh gánh đứng ở bến xe làm khán giả bất đắc dĩ nhìn văn minh Hợp chủng quốc đi qua bằng con mắt buồn xám. Lũ trẻ con ngây thơ đưa bàn tay lên! Ê! Ê! Một vài lính Mỹ ngồi trên xe uể oải ngoắt tay lại, lũ trẻ hăng hái hơn, tiếng la được dâng lên hạ xuống đều đặn mỗi khi chiếc xe đến và đi qua. Tiếng la biến thành loạt hoan hô nhịp nhàng khi từ trên xe có những gói kẹo hoặc cam liệng xuống. Và những người lớn, những đàn bà đen cứng âu lo bắt đầu đặt quang gánh xuống. Họ chờ đợi với tiếng "ê" khan đặc phiền phiền. Người Việt Nam được người Mỹ ban hy vọng bằng những trái cam thừa bù lại người Việt Nam trả ơn bằng cách cho người Mỹ niềm bình an đi về cái chết. Niềm bình yên trên đường đi Khe Sanh, Gio Linh. Người Mỹ đã được hoan hô khi vào Paris, đã được hoan hô khi vào Naples, khi vào Manilles, họ đã được hoan hô bởi hàng vạn hàng triệu người đứng hai bên đường, mang cờ Mỹ và mồm hét lớn "Hello, welcome Yankee", họ được đi dưới bong bóng bay nhiều màu, họ được nhảy chân chim trong giày ngũ sắc, uống bourbon, bia hộp dưới những con mắt hân hoan, những chiếc mồm mở ra để nói những câu "Longlive Américan friendship, welcome GL…". Người Mỹ đã hưởng thật nhiều vinh quang, vinh quang được điều động xếp đặt để trả ơn cho kết quả của hàng ngàn người chết ở Bastonge, ở quần đảo San Hô, mũi Utah, hay một hẻm xó xỉnh nào đó trên bờ biển Normandie. Nhưng chưa bao giờ người Mỹ được hoan hô trong vinh quang thê thảm và tội nghiệp như buổi sáng nay bởi đám dân chúng nghèo nàn như một loại múa rối tàn tạ, loang lổ hai màu đen trắng quang gánh cồng kềnh đứng trong nắng phủ sương mờ. Mỗi chiếc xe đi qua, đám đàn bà trẻ con đưa tay lên ê! ê! Tiếng ê đứt khúc giãy giụa trong âm thanh mệt nhọc của động cơ xe lên dốc. Lính Mỹ cười ngây ngô, giương đôi mắt xanh nhìn đám dân vàng bệch. Trong đấu trường La Mã trước kia đã có cơn lũ hoan hô để thúc giục kẻ giác đấu, ở Tây Ban Nha cũng có tiếng reo hò thú vật, nặng cứng bạo ngược và dâm dục hối hả khuyến khích cơn say sóng giữa tay đấu bò cùng con thú,. Hai nơi ấy con người có lạc thú nhìn máu chảy. Buổi sáng gần Tết của một ngày xuân lạnh nhóm lính Mỹ và người Việt Nam bất đắc dĩ phải vào trong một đấu trừờng hiu hắt vang dội yếu ớt những tiếng ê khô rối. Thuấn ngồi nghe tiếng ê thảm não đó đặt từng tảng phiền hà dày cứng lên mạch máu. Đoàn xe tiếp tục đi qua, có chiếc xe thật lớn, loại tracteur routier kềnh càng chở các kiện hàng to lớn, sáu lính Mỹ ngồi vắt vẻo trên đống thùng giấy im lìm, nón sắt úp sát mí mắt, xe qua cầu, đám dân chúng bắt đầu đưa hai tay lên trời. "Ê! Ê!…" Lũ trẻ con xao động, chúng nhảy cỡn lên khỏi mặt đất… "Ê! Ê!…" Sáu lính Mỹ đột nhiên đứng dậy. Có tiếng hét giữa khối thân thể no đủ đó… "Down it…" Sáu cái thân cồng kềnh vội cong xuống vây xung quanh chiếc thùng giấy họ đang ngồi… "Godammed it, fack…! Down! Ok! Ok!" Mười hai cánh tay lực lưỡng Mỹ quốc xoay chiếc thùng, lấy đà. Hey! Chiếc thùng tựa vào cạnh một thùng khác, tựa vào xe, ngúc ngắc và rơi xuống. Sau lính Mỹ đứng thẳng dậy, ngoắt tay đám đông giã từ. Đám đông ngừng bặt tiếng kêu, đàn bà, con nít sau giây phút sững sờ nhào tới. "Thằng Mỹ cho cái thùng!! Thằng Mỹ cho cái thùng!! Thằng Mỹ cho cái thùng!! Đồ ăn đó! Đồ ăn đó! Tao thấy trước". "Không phải, tao thấy". Đám dân Việt Nam chạy lại, họ chạy trong tiếng thở, hơi thở gấp rút… "Mau lên mạ ơi, bỏ cái gánh lại chút nữa lấy…" Đám người Việt Nam nhào lại, những cánh tay đưa trước thân hình, những ngón tay khốn khổ sẵn sàng cong lại để bấu xé, giành giựt… "Cái thùng Mỹ thật to!! Mau lên!" Đám đông nhào vào chiếc thùng như vụn sắt bị hút bởi khối nam châm. Những tiếng lao xao im dần từ trong quán Thuấn chỉ nghe những hơi thở dồn dập, những ngón tay cào xé trên lớp giấy cứng, những thân áo bị xé. Hự! Hự! Người đàn bà bị kéo ngã tung trên mặt đường, khối tóc khô cứng ngắc rối tung, nước rãi ứa ra từ hàm răng đen mốc, cặp môi nứt nẻ quết trầu. "Chết tôi!" Thằng bé bị nhấc bổng lên, thân áo trắng rách xoẹt. Nó được ném tiếp theo người đàn bà… Hừng hực, những tiếng thở như khi cơn lụt lên cao nước đập rầm rập vào mái nhà, liếp cửa. Cơn hồng thuỷ hơi thở Việt Nam lấp cứng nhận chìm khối thùng giấy vô tri Mỹ quốc. Đám đông rú lên tiếng lớn giãn dần ra, những bàn tay nhăn, những bàn tay trẻ thơ thả dần xuống từng mảnh giấy vò thùng, những mảnh giấy báo vừa bóc được … Những cái mồm Việt Nam mở lớn, những con mắt đứng tròng… "Chết! Chết! Người chết! Người chết bà con cô bác ơi!" Thuấn đưa mắt nhìn ra: Một đầu tóc đàn bà xổ tung ở miệng thùng. Cơn gió lạnh cuối năm se sắt, những mảnh giấy vụn bị thổi đi xào xạc, khối tóc người thiếu nữ bay khắc khoải trên mặt nhựa đường.Xác chết được lính kéo ra, xác chết trần truồng khoảng hai mươi tuổi, da ngăm đen chỉ có hai phần trắng nơi hai chiếc vú và chỗ cái l… Trắng nên thấy được vết bầm của dấu răng, những vết bầm còn ướt máu! Hai đầu vú ướt thẫm, máu hay sữa non khi khoái lạc, hay nước bọt của những tên lính trong cơn tình cuồng nộ? Nhưng thê thảm ghê tởm nhất ở bộ phận giữa hai cái háng, lớp lông cong queo gãy góc dính bết vào nhau bởi chất đàn ông, chất đàn bà và… máu… Túm lông không còn gợi nên sự sống mãnh liệt nhưng là gươm đao địa ngục, vạc dầu khô đặc lởm chởm xương người cuồng sát, ngắc ngoải bết bát mắc kẹt vào nhau… Cửa mình, những cái mép thâm tím trầy trụa bị kéo rút ra ngoài phơi những sợi gân máu đen thâm dưới thứ nắng vàng lạnh ngọt cuối năm. Chết vì bị làm tình quá độ! Viên Bác sĩ Tiểu đoàn gật gù. Thuấn cong người: Thức ăn và toàn thể chất lỏng trong dạ dày vọt ra khỏi mồm. "Đại uý nghĩ sao về sự hiện diện của người Mỹ?" "Down it!" Sáu lính Mỹ như đè trên vai trên cổ, Thuấn khum người xuống… Ọc!!"Gì đấy ông?" Minh quay lại hỏi."Không". Thuấn gượng cười đưa điếu thuốc lên miệng. Khẽ liếc về bên trái, một đôi mắt đen đang mở lớn nhìn."Bây giờ mấy giờ rồi?" Thuấn quay sang hỏi Minh."4 giờ, còn sớm, ông về sao?""Không về thì làm gì. Ông về nhà cô Quỳnh Như có công việc, tôi làm gì nữa ở đây". Thuấn bỏ bớt ga, xe chạy chậm trong lòng cổng thành mát rười rượi."Cổng này là cổng gì?""Cổng Thượng Tứ đấy ạ!" Quỳnh Như đáp nhỏ nhẹ. Tiếng "đấy ạ" phát âm theo giọng Huế nghe hay hay. Các ông người Bắc thường khéo nói, sao anh Thuấn nói ít quá?"Tôi nghe mấy người kia nói đủ rồi, hơn nữa tôi chỉ biết nói chuyện tiếu lâm"."Như trông anh có vẻ buồn chuyện gì?""Con gái thường quá nhạy cảm nên nhìn quá đáng sự kiện. Tôi khi nào cũng thế"."Ông ấy không buồn gì đâu, hôm nào chị nghe quan ba kể chuyện "Thầy bói đi tắm piscine" thì biết"."Chuyện gì vậy?" Như tròn mắt hỏi Minh. Minh cười hất hàm phía Thuấn. "Chị hỏi ông Thuấn, sao hỏi em"."Chuyện gì vậy, anh Thuấn kể đi"."Đâu được, chuyện vớ vẩn ở bàn rượu. Đi vào lối nào đây Minh?""Quẹo qua trái, mình vào Đại nội chơi, về nhà làm gì".Quỳnh Như mau mắn gật đầu: Ừ, vào Đại nội đi cho anh Thuấn biết nơi vua ở.Thuấn lái xe đi chậm chậm giữa hai hàng cây xanh, chỉ vào hàng sấu. Đây có cây sấu trái ăn ngon lắm, từ lúc di cư vào đến giờ tôi mới thấy lại."Thế thì ông ở đây hái sấu mà ăn, tôi tạt qua nhà một chút"."Làm gì kỳ vậy, nói chơi thôi, hết thời leo cây rồi…""Nhưng ông và bà chị tôi ở lại đây để tôi mượn xe về qua nhà"."Ừ thì ông đi…"Thuấn nhìn lên Quỳnh Như khó khăn."Cô Như đừng hiểu lầm, tôi hay lúng túng khi đứng một mình với người mới quen dù là đàn ông, tôi không quen cung cách này"."Dạ". Như khẽ liếc về người đàn ông bên cạnh, nơi anh ta có điều gì lạ, vẻ bứt rứt khó khăn cố che giấu dưới nét mặt bình thản. Lòng người con gái bỗng xao xuyến khi nhìn Thuấn ngồi khom mình trên bờ hồ nhìn xuống mặt nước xanh. Hết mùa hè, sen tàn chơ vơ vài cọng khô héo."Ở đây tịch mịch và buồn quá, chỉ hợp cho những người yêu nhau". Thuấn nói nhỏ nhưng Quỳnh Như đã lắng nghe. Nỗi xao xuyến bùng lên."Anh nói đúng".Im lặng, khó khăn nằm giữa hai người. Thuấn đứng dậy bước đi dọc theo sân chầu, những tảng đá vuông vức mát lạnh im lìm, nét điêu khắc tuy không tinh xảo nhưng thể hiện một lớp quan phong kiến trong thời đại điêu tàn. Thằng cha tạc tượng biết thế nào cũng hết vua nên tượng nào cũng có vẻ buồn. Thuấn thú vị vì khám phá của mình, đi trở lại nơi Quỳnh Như ngồi. Mặt trời rọi bóng Thuấn đổ dài trên sân đá lạnh. Quỳnh Như nhìn Thuấn không e dè. Lễ hỏi, Bằng và toàn thể sinh hoạt của nàng sau hai mươi năm tự nhiên như vỡ nát. Mối tình của ta bi thảm.. Bằng và Quỳnh Như đã nói với nhau như vậy sau mỗi cơn ân ái, khi áo quần đã được mặc lại, ngồi nghiêm trang nhìn chiếc ảnh ở phòng Bằng. Nàng thấy buồn cười. Bi đát? Hình như nàng thèm muốn vị lạ lùng quyến rũ đó, Quỳnh Như nhìn người lính đang đi về phía mình đầu tóc hớt ngắn, vẻ mặt khắc khổ, có được nụ cười trẻ thơ nhưng vội vã che giấu. Tội nghiệp. Quỳnh Như thấy mình dò dẫm được một lối đi giữa khu rừng chằng chịt bủa lưới khó khăn. Thuấn ngồi hai chân buông thòng xuống bờ hồ:"Cô Như biết sao mấy cái tượng có vẻ buồn không? Thằng cha đẽo tượng gì cũng tiên đoán hết còn vua nên tượng anh quan nào cũng như người đi đưa đám, cô Như thấy vẻ mặt của các bức tượng Tây phương đấy, mặt nào trông cũng hiên ngang đáng tiền cả, không hiểu muốn tạc tượng quan võ bây giờ người ta phải lấy khuôn mặt như thế nào?""Nếu tôi làm người dựng tượng, tôi tạc anh!""Tôi?" Thuấn nhìn xuống mặt nước. "Không được, tôi mặt ngựa tướng hầu chỉ để làm tài tử đóng vai độc, không làm tượng đẹp được". Thuấn lúc lắc đầu, cười tiếng lớn khoan khoái. Bình thản được lặp lại tự nhiên…"Anh làm Như xúc động". Cách xưng hô thay đổi mau chóng. Thuấn ngừng cười nhìn Như. Cô gái Huế bình thường ước lệ đã mất, Quỳnh Như nhìn lại Thuấn không ngượng nghịu."Tôi có trực giác rất nhạy, biết người nào thương hay ghét mình trong lần gặp đầu tiên. Chắc lần này cũng không nhầm". Quỳnh Như gật đầu. Thuấn lần tay tìm bao thuốc trong túi, ngã người trên mặt cỏ, nhìn lên trời, trời trong xanh không mây sáng rực, liếc về phía Quỳnh Như đôi mắt đen vẫn nhìn chàng đăm đăm. Thuấn quay người một vòng, úp mặt vào bàn tay Quỳnh Như đặt trên cỏ. Da tay người thiếu nữ ấm áp mịn màng chạm vào lớp da chai đá nám đen của Thuấn. Bao nhiêu năm rồi, Thuấn không có xúc cảm với nồng độ thế này, tất cả khối tình cảm được giấu kín dưới vẻ mặt lầm lì khinh mạn, những tiếng cười ồn ào nặc hơi rượu. Nhưng sau tất cả ồn ào thô bạo đó, Thuấn thấy rõ mình, người với linh hồn đơn sơ nhạy cảm nhất, loại người tối mờ sương một mình chèo chống con đò cô đơn trong bóng trăng hiu hắt để biết có một khối tình hoá đá trong lòng. Đã một lần như thế và kiệt lực khi tình tan. Kiệt lực, Thuấn sợ hãi trăn trối nghiệt ngã của quả tim sau cuộc tình tan vỡ. Từ đó đến nay là năm năm, năm năm khối tình nép kín vào một góc linh hồn lâu lâu gây thành cơn đau nhói nhức buốt làm liệt hẳn người. Thuấn sợ phút giây đó. Không những sợ, Thuấn cạn vốn tình sau khi đạt đến đỉnh chót của tình yêu. Phím đàn đã chùng dây đồng rung vào độ cao nhất, lòng trống như khẩu súng đã bắn hết đạn. Đi tìm một tình yêu khác, Thuấn không làm được khi lòng còn nhức nhối với vết thương đầu đời. Sáu năm trước, thời gian sau khi ra trường, Thuấn vừa xong một khoá huấn luyện Biệt động, mãn khoá ngày mồng mười Tết, Thuấn gầy gò đen đúa như một tuổi trẻ tàn tạ. Thuấn hai mươi mốt tuổi, má hóp, tóc cạo trọc của ngày nhập học nay mọc lởm chởm khô cứng xấu xí. Trên chuyến xe về Sài Gòn bắt đầu bốn ngày phép, Thuấn gặp Bích Trân. Vẻ mặt lặng lẽ cùng những nét gian nan trên mặt người lính làm người thiếu nữ xúc động. Chú ý quay hộ cái kính gió lên. Thuấn khẽ liếc. Một khuôn mặt xinh đẹp hiền hậu với đôi mắt màu nâu thật lớn long lanh ánh sáng niềm nở, xuống xe ở một góc đường Sài Gòn, Thuấn xoay chuyển khó khăn bên cạnh người thiếu nữ, thế giới lính tráng vây bọc chung quanh đã lâu làm Thuấn lạ lùng bối rối với người con gái. Khuôn mặt xinh tươi có những ý nghĩ gì? Thuấn làm sao biết được. "Vừa rồi trên xe, sao cô gọi tôi là chú, tôi mới hai mươi mốt tuổi". Môi người thiếu nữ khẽ cười. "Tại vì em thấy anh già quá, như trên dưới ba mươi". Tiếng em, anh, bất chợt làm Thuấn xôn xao. "Tại vì anh cực quá". Thuấn không hối hận vì đã thú nhận kể lể. Người thiếu nữ gây cho chàng cảm giác quen thuộc. "Em đi xuống tỉnh B làm gì?" Chữ em nói không khó khăn, chữ thần diệu lần đầu tiên Thuấn nói được. Trong âm thanh ngắn ngủi nhẹ nhàng kia, Thuấn thấy vẻ linh thiêng của một vật sở hữu ngàn đời không biến đổi. "Dạ, để gặp người fiancé, em không muốn lấy người đó". Thuấn nhìn vào mặt người thiếu nữ, Bích Trân nhìn lại. Năm phút đầu tiên gặp nhau quá ít đối với lượng thời gian từ vô thuỷ nhưng quá đủ qua những câu nói vô nghĩa, những ngón tay bối rối, tia nhìn ngượng ngập. Bỗng chốc họ như khám phá được lối đi trong rừng, họ gõ được cánh cửa trong đêm, gõ tuyệt vọng, nhưng cánh cửa đã mở và thấy được ánh sáng giữa bóng tối. "Anh có bốn ngày phép không biết làm gì, định đi Đà Lạt, em đi cùng, ngày mai anh đến đón?" Bích Trân bước lên xích lô. "Bảy giờ sáng mai em đợi anh ở ngã tư X". Thuấn gật đầu, di di ngón chân trên mặt đất. Có một điều gì nghiêm trọng vừa xảy ra… Những ngày Đà Lạt trôi êm như lớp sương kỳ ảo trên mặt hồ. Nửa đêm Thuấn thức giấc, chống tay ngồi dậy nhìn sang giường đối diện, Bích Trân ngủ co quắp, mái tóc mềm xoã trên gối, và vầng trán, thứ trán cao rộng thông minh nhăn lại đau đớn. Thuấn muốn ứa nước mắt. Sao khuôn mặt trẻ thơ hồn hậu này có vầng trán khắc khoải đến thế. Thuấn nhẹ chân bước xuống giường, lần từng bước đến quỳ gối bên nàng, đưa năm ngón tay đen bẩn đầy dấu những vạch gai sừng trâu, những ngón tay gian lao đưa dần tới đặt trên khối da thịt tinh anh mang bất hạnh tiềm ẩn… Bích Trân mở mắt, đôi mắt màu nâu thắm thiết tội nghiệp, Thuấn vuốt nhẹ những đường nhăn trên trán. Chỉ có tiếng thở và ngoài căn phòng cửa kín, gió thổi vút đi như cuồng phong. Hai dòngg nước mắt của người xa lạ này, nàng thấy hết lượng của một lòng thương yêu … Những giọt nước mắt rơi xuống … "Đừng khóc, anh van em đừng khóc". Tiếng nói bối rối đứt quãng, ngón tay vẫn vuốt những vết nhăn trên trán người con gái… "Em mười tám tuổi sao trán em quá nhăn? Tội nghiệp, anh thương em…" Bích Trân khép chặt hàng mi lại, vũng nước mắt ứa đầy, màn nước nóng chan hoà trên khuôn mặt ngây thơ bị đe doạ… "Đừng khóc, anh không biết gì hết!" Thuấn thảng thốt cúi xuống, nụ hôn đầu của ba ngày chung sống với nhau. Trong ánh sáng nhạt nhoà lạnh cóng, họ nhìn lại mặt nhau, hai kẻ xa lạ được trói buộc cùng nhau bởi định mạng… Bích Trân xoay người úp mặt trên bàn tay Thuấn, bàn tay đằm thắm đầy tiếng nấc bị nén…Thuấn nhìn kẽ tay Quỳnh Như, những cọng cỏ sắc xanh, mặt nước hồ hiu hắt, nhìn lên, hai con mắt đen và những sợi tóc xứ Huế mượt mà. Thuấn bỗng thấy trống trải trong lòng. Ngồi dậy."Như vừa có lễ hỏi, sao có phản ứng này?""Như không biết. Mới gặp anh lần đầu. Như đã thấy có những biến đổi kỳ dị!"Thuấn không nói, thở khói xuống mặt hồ. Cảnh vật tịch mịch, lá bàng rơi xào xạc, nắng chiều vàng rực trên sắc cỏ xanh… Thuấn hít thêm hơi thuốc, muốn nuốt hết lớp khói trắng xám vào hồn. Linh hồn trống vắng như mặt phi đạo sau khi phi cơ cất cánh, để lại trong không gian ảo giác ám động…"Anh nghĩ gì? Có nghĩ xấu về Như?""Không, không phải thế". Thuấn vội vã quay về phía Như, đôi chân khép lại đặt ngược chiều sát vào chân người thiếu nữ. Không phải thế. Thuấn nắm hai bàn tay trắng mát vào giữa lòng tay mình, nhìn xuống hai màu da tương phản, lạ lùng ngăn cách. Có tiếng động từ xa, Minh bóp còi, ý hẳn đã tiên đoán được "tai nạn" giữa Thuấn và Quỳnh Như.Xuống xe, Minh cười vang: "Xong rồi, chị đi về, bác đang trông. Ông Thuấn cũng nên về nữa, chiều lắm rồi, Việt Cộng xơi ông thì lãng xẹt". Khi Minh trở đầu ra, Quỳnh Như nói nhỏ: "Còn một vài giờ hết năm rồi, giờ khắc cuối thiêng liêng như giờ hấp hối. Như có thể nói không ngần ngại, Như yêu anh". Thuấn hít hơi thở dài như đang vác một sức nặng kinh khiếp.