Tây Phố bấy giờ thu về một con đường. Nhịp sinh hoạt vốn chậm rãi của cái thị trấn ngày đã nghiêng đi, hướng cả về ngôi biệt thự cổ kính ở cuối dốc Ngô Thời Nhiệm. Mùa cá hết hẳn vào những ngày mưa lũ gió ngàn. Đài phát thanh Sài Gòn trong bản tin giờ chót đêm qua cho biết bão Elizabeth khởi sự từ Vanga Vanga trong miền quần đảo Nam Thái Bình Dương đang thổi vào lục địa. Tây Phố nằm trong vùng ảnh hưởng của rớt bão. Hai ngày liền Liên không ra khỏi nhà. Nàng thường đứng nơi cửa sổ nhìn xuống thung lũng Suối Cá Thần mù mịt cơn mưa dày trắng xoá, nghĩ ngợi viển vông. Tiếng chuông nhà thờ hai hôm nay nghe rõ hẳn lên, rung cao vẳng trên trời mênh mông. Liên nghe lòng mình nhớ tiếc u hoài một mối tình xa, mong manh như sợi mưa hắt qua tấm rèm cửa bằng trúc nõn. Song nàng vẫn chưa mở chiếc hộp gỗ sơn mài mà Vịnh gửi lại cho nàng. Dân Tây Phố qua cửa đều ngó vào. Nhà Thịnh Phước vô phúc. Già mà chưa trót đời. Một triệu rưỡi tiền mặt ở Đông Dương Ngân hàng và các bất động sản của mẹ Liên được phát giác đã làm phẫn nộ dân chúng ở đây. Liên biết người ta đang nói đến thầy nàng với cái chức sắc phong dưới triều Hoàng đế Bảo Đại. Ông Chưởng khế và bạn ông, ông Hội đồng, đi chửi vung Tây Phố vì pho tượng mà họ dựng xuống đã đứng lên được. Sáng hôm sau, lão gia nhân gõ cửa phòng Liên rất sớm. Nàng đã hút gần hết một điếu thuốc khi lão cất tiếng gọi bên ngoài. "Gì đó, già Năm?" "Thưa cô, mở cửa mau". "Đẩy ra, tôi không khoá". Lão bơ phờ đứng như một cây lau trắng. Liên đang ngồi trước bàn với chiếc hộp gỗ của Vịnh. Nàng giữ cái lược im trong tay, trên mái tóc. "Cụ chết rồi". "Cái gì hả?" "Cụ tự vẫn rồi, cô ơi!" Liên nhắm mắt, thân thể chuyển dần dần. Nàng hốt nhiên không thấy lão gia nhân đứng đấy nữa và tiếng chân lão lạo xạo ngoài vườn. Nàng chạy nhào ra giữa lối đi lát gạch, gọi lớn: "Già Năm. Già Năm". "Thưa cô, để già đi báo Hội đồng tỉnh". "Già để đó đã. Già đi tìm ông Bảy rồi về đây". "Cô ơi, phải báo với hàng tỉnh". "Không! Hãy để yên cho tôi". Khi lão gia nhân đi khuất, Liên đến ngồi bên thành giếng. Nàng nhìn ra phố, dán mắt vào những người đi qua. Chết rồi. Nàng nghĩ đến từ lâu. Khuôn mặt già nua xanh héo của bà Thịnh Phước hiện ra và Liên cố sức xoá đi trong trí. Năm nay có lẽ bà gần bảy mươi. Nửa tiếng sau người đàn ông mập mạp và già Năm bước vội vào sân ngôi biệt thự. Khu vườn sáng dần trong một sớm trời sẽ nắng. Liên không đáp lễ người đàn ông, nhưng theo họ bước vào trong nhà. Nàng lãng đãng giữa khung cửa mở và bốn cái ghế bành trống. Sau khi mang cỗ quan tài vào gian phòng có ô mở bằng đồng đặc trên cánh cửa, lão gia nhân đến gần Liên: "Thưa cô, cô ngồi ngoài này để già và ông Bảy lo liệu". Liên gật đầu, ngồi xuống. Nàng im lặng như một pho tượng đang thở nặng nề. Không cảm động nhưng âm u. Liên nghe tiếng chân hai người đàn ông trèo trên chiếc thang gỗ lên rầm thượng. Họ nói rất ít, tiếng nói chắc nịch, không thừa một chữ nào. Liên không ngó vào song nàng hình dung ra bà Thịnh Phước với cái miệng mở, thâm đen, cái lưỡi dài trắng rộp, và một sợi dây thừng tròng khít qua cổ, treo như một trái chuối chín nẫu bị dơi ăn nham nhở ngang khung cửa ô vuông trên trần nhà. Sợi dây buộc ngang một nấc thang. Tiếng lịch kịch cho Liên biết họ đang hạ dần cái thang đeo xác xuống. Một lát sau, họ trở ra, khép kín cánh cửa có quả nắm bằng đồng đặc phía sau lưng, cùng đứng nhìn Liên. Lão gia nhân quệt trán, như vuốt ra những mỏi mệt lạnh lẽo khỏi làn da nhăn, hỏi Liên: "Thưa cô, bây giờ già đi báo Hội đồng tỉnh?" Liên ngẩng lên và lắc đầu: "Để chiều mai hãy hay. Bây giờ già lên rầm thượng mang hết đồ đạc của cụ xuống đây. Lão gia nhân đi vào phòng trong. Liên thấy lão bắc lại cái thang và nặng nề trèo lên. Người bạn lão vào giúp một tay. Lát sau họ chuyển chăn màn, nệm, gối, hoa quả và ấm sâm xuống. Lão gia nhân mang đưa Liên chùm chìa khoá bằng đồng và bằng bạc nhẵn bóng với một phong thư tuyệt mệnh của bà Thịnh Phước. Nàng đặt cả lên bàn. Nàng bảo hai người đàn ông: "Già và ông Bảy ngồi xuống đây đã. Liên đợi họ ngồi xuống rồ thong thả nói: "Bây giờ phải gọi các anh em tôi về. Già Năm, già ra ngay nhà bưu điện đánh điện tín cho kịp". "Cô định chiều mai an táng hay đợi các cậu về hết đã?" "Nếu các anh em tôi về thì chiều mai phải tới đây rồi". Liên vừa trả lời vừa đứng dậy. Nàng đi vào gian phòng bên lấy cái xắc ra, xé một mảnh giấy trong cuốn sổ nhỏ và rút bút cắm cúi viết. Xong, nàng đưa cho lão bộc. Trên đó nàng viết: "VỀ NGAY, MẸ CHẾT RỒI. LIÊN". Lão gia nhân định đứng lên thì Liên đã nói: "Còn đây nữa. Đấy gửi cho cậu Hiệp. Đây đánh hai cái, một cái cho cậu Học, một cái cho cậu Sĩ. Hai cậu đi trước khi cải táng cụ, già không nhớ sao?" Nàng trao mảnh giấy thứ hai cho lão gia nhân. Trên đó, nàng viết: "VỀ NGAY, MẸ CHƯA CHẾT. LIÊN". Lão gia nhân tìm địa chỉ của ba anh em trai nhà Thịnh Phước rồi vội vã lên phố. Liên thoáng thấy lão đưa tay lên vuốt hai đuôi mắt. Hình như lão khóc. Nỗi oan trái của người chủ già thấm vào tâm hồn lão bộc. Lão không bao giờ có thể nghĩ đến cái kết cục này. Người bạn lão ra ngồi trên thành giếng hút thuốc. Dưới những tàng cây xum xuê im lặng, một ngày êm ả bắt đầu. Duy một mình Liên không xúc động, không buồn rầu chi nữa. Nàng bỏ cái bao thư của mẹ vào trong xắc, chờ anh em về mới đọc. Những điếu thuốc liên tiếp được thắp trên môi nàng tựa những nén hương truy niệm lòng u ẩn bềnh bồng dưới đáy một tâm hồn bất động.
°
Chiều hôm sau trận bão Elizabeth thổi tới ngoài khơi Tây Phố. Mây đen từ biển kéo ngang nền trời thị trấn từng đám lớn, phủ nó trong màu tro ướt. Mưa từng hạt mạnh và lớn, nhưng rất thưa, sáng. Trong ngôi biệt thự vuông vắn ở cuối dốc Ngô Thời Nhiệm, các cửa được đóng kín, nến cháy ngày đêm. Khuôn mặt Liên khô dần, tóc duỗi xuống, da dẻ co lại. Hai người đàn ông giúp việc thân tín đi lại, ngồi, đứng như hai cái bóng rất nhẹ bên cạnh nàng. Hồi chiều, họ làm xong thủ tục chôn cất và đã đào xong cái huyệt trên đỉnh đồi Lương Sơn. Nhưng cho đến chập tối, khi loa phóng thanh của Đoàn Thi ca Vũ nhạc kịch Tân Hoa ngưng tiếng quảng cáo vở tuồng trình diễn đêm ấy, ba anh em nhà Thịnh Phước không một người nào trở về. Lúc chuông nhà thờ reo những tiếng cuối cùng của một ngày, Liên xem giờ và sửa sang lại quần áo, dung nhan. Nàng bảo lão gia nhân: "Già Năm, cất đám đi". Một chiếc xe ngựa bánh cao su lặng lẽ đưa xác trong đêm. Liên ngồi bên người xà ích ở đầu xe. Hai người đàn ông ngồi cạnh quan tài. Mưa thưa hạt, đường phố vắng, chiếc xe dời thị trấn lên dốc trong sự êm ả của Tây Phố. Câu chuyện đã kết thúc như vậy. Vắng vẻ, tiêu điều. Dù bà Thịnh Phước được tin đi còn sống hay đã chết, không ai muốn biết nữa.