Chương 5 & 6

Trong ngôi biệt thự chỉ còn bốn anh em nhà Thịnh Phước. Họ đều ngồi trong bộ ghế bành nơi phòng khách. Mấy người đàn ông trầm ngâm hút thuốc, hầu như không muốn đả động đến những gì sắp phải làm.
Sau một lát do dự, Liên lên tiếng:
"Thực ra không nên đào mộ mẹ, việc đó không phải vì mẹ mà vì chúng ta".
"Tôi cũng nghĩ như chị. Mẹ nằm ở nghĩa địa Suối Cá Thần hay ở ngọn đồi Lương Sơn thì cũng thế. Nó chỉ khác nhau khi mẹ còn sống".
"Tuy vậy, di chúc là lời người sống. Nên ta cứ phải theo".
"Bây giờ vấn đề đã đổi khác. Căn phần của mẹ chính là thái độ của gia đình chúng ta đối với quê hương. Thái độ đó không được suy suyển. Phải cho chúng thấy sự hiện diện của chúng ta ở đây. Nếu không còn trong tương lai thì cũng phải còn trong quá khứ. Không thể và không bao giờ xoá nhoà được".
"Tôi không nghĩ như anh, anh Học. Tây Phố chẳng là cái gì. Nó chỉ là một xó đổ nát, điêu tàn, nhỏ nhoi không đáng thương tiếc chút nào".
"Đó là quê hương, cô Liên".
"Đó là dĩ vãng, anh Học".
"Vậy cô không muốn cải táng?"
"Tôi có nói thế đâu. Tôi chỉ bảo là không nên".
Sĩ ngắt lời:
"Như thế cô vẫn có thể nghỉ ngơi cho khỏe. Cô không cần phải để ý đến nữa".
"Tôi bắt buộc phải để ý đến. Tôi muốn chi gia tài cho sớm".
"Đồ trơ trẽn!"
Liên bất thần ném cái xắc vào mặt Sĩ như chờ đợi làm thế từ lâu. Ông ta giật mình đứng vụt lên, một tay ôm lấy má. Thần sắc của người đàn ông biến đổi, tái xanh, chân tay rung động quờ quạng trong một giây, rồi ông xáng mạnh một cái tát xuống, hụt. Ông buông mình xuống ghế, thở hào hển. Người anh cả bất động trước cảnh ấy. Duy người em út lơ là thản nhiên.
"Tôi không muốn trông thấy cô ngồi trong ngôi nhà này nữa".
"Anh đã hết chịu đựng nổi. Song rất tiếc, anh không có quyền. Không ai có quyền, trừ mẹ. Đây là ngôi nhà chung của chúng ta".
"Đây không ai chứa chấp cô".
"Đây không ai là chủ nhà. Tôi không biết dùng chữ gì hơn để chỉ sự tự do của chúng ta hôm nay".
"Nghề tôi không nói văn hoa như cô được. Đây là một gia đình, có trên, có dưới. Và cô phải tuân theo".
"Anh câm miệng. Tôi không muốn nhận anh là anh nữa".
Ông ta nín thinh, bất lực hoàn toàn; vẻ mỏi mệt và muốn bỏ cuộc.
Thình lình lão gia nhân bước vào sân ngôi biệt thự. Từ cửa sổ nhìn ra, Liên thấy nét mặt ông có vẻ thất sắc. Ông vác trên vai ba, bốn đồ dùng đào đất như cuốc, xẻng, mai, v.v. còn mới. Dưới tay kia ông xách một cái làn trong chứa thực phẩm làm sẵn. Liên mở cửa cho ông vào rồi đóng lại.
Ông Học ngó ra cửa sổ rồi quay lại hỏi:
"Già Năm, chuyện gì thế?"
"Thưa cậu, ở Hợp tác xã Ngư Nghiệp và ở Trụ sở Hội đồng tỉnh người ta đang họp, hình như về chuyện nhà.
"Đông lắm không?"
"Mỗi nơi chừng chục người. Có cả thanh niên tự vệ".
"Mặc xác chúng!"
"Có lẽ họ sẽ kéo đến?"
"Chính khẩu súng của chị Liên. Phải thủ tiêu khẩu súng đó".
"Anh Học, anh tính sao?"
Người anh Cả nhìn xuống mặt bàn rồi lại nhìn lên:
"Có lẽ tôi phải lánh mặt".
"Như thế thì hơn. Nhưng anh cần có mặt ở đây, ít nhất là đến ngày mai".
"Tôi tưởng…" - ông ngập ngừng nhìn Liên.
Nàng mím mép cười, nói:
"Có lẽ như vậy tốt hơn. Anh Học, anh cho tôi xin lại khẩu súng".
"Cô định thế nào?"
"Tôi chưa biết. Song có lẽ tôi tạm ra khỏi cái nhà này".
"Chị Liên, chị phải ở lại".
"Chú nên sáng suốt".
"Chính anh, anh Sĩ, anh phải tỏ ra tốt hơn mới phải. Anh chỉ mong chị Liên ra khỏi nhà này vì lòng đố kỵ nhỏ nhen của anh. Tôi nói thực, anh tồi lắm!"
"Thằng chó! Câm mồm!"
"Anh không đủ tư cách để nói câu đó. Tôi cần phải cho anh hay rằng thái độ của anh không thể nào chịu được. Anh cũng từng bỏ ngôi nhà này, vậy mà hôm nay anh trở về đây để lên tiếng như một gã bảo hoàng lỗi thời được phục sinh. Cố hò hét để khơi dậy cái tính khí cục cằn của kẻ bất lực chán chường, của kẻ trưởng giả sót sổ được cứu vớt. Anh Sĩ, tôi như anh, tôi im lặng là hơn".
"Thằng chó! Thằng mất dạy!"
"Đồ khả ố".
"Chú Hiệp" – nàng gọi em và lấy bao thuốc đưa cho Hiệp.
Người anh kế trừng trừng nhìn họ.
"Đồ điếm! Đồ ma cô!"
Hiệp tiến lên một bước đấm Sĩ ngã sấp xuống mặt bàn làm vỡ tan tấm kính lồng ở khung ảnh bà Thịnh Phước. Anh ta gằn giọng:
"Vậy anh là một tay chơi bẩn thỉu".
Vầng trán Sĩ bị cứa sứt nhiều vết, máu ứa loang lổ. Ông run lật bật đứng vụt dậy. Biến cố đó hoàn toàn thay đổi cuộc hội ngộ của họ. Ông ta nhìn khắp lượt khuôn mặt anh em, đều bất động giả tạo, như khuôn mặt vô tri của viên quan toà sau khi tuyên bố một bản án tương tự những bản án từng xảy ra trước cho nhiều tội nhân khác nhau. Rồi ông vuốt mớ tóc xõa, cười nhạt.
Ông dỡ cái khung gỗ và những miếng kính vụn trên bức chân dung mẹ, cố gắng bình tĩnh để lột lấy tấm hình. Ông cuốn tròn tấm hình, cầm nơi tay và đi như chạy ra khỏi cửa. Ông dừng lại trên hiên, nhìn mọi người một lần điểm mặt rồi xốc áo bước xuống sân. Trong khi những người ở lại tưởng ông đi thẳng thì ông dừng lại lần thứ hai giữa lối đi lát gạch, gần cổng ngoài, cách hiên khoảng chục thước. Ông hét lớn làm ai nấy đều ngạc nhiên:
"Đồ chó! Tôi cóc cần! Mấy trăm ngàn đồng với tôi là cái chó gì? Thằng này không khốn khổ thế đâu. Đồ tồi! Tưởng cái số độc đắc là to lắm đấy hả? Hả? Từ giờ nhớ kiềng mặt tôi nghe".
Ông nói những lời cuối cùng và đi ra phố. Ở bến ông sẽ lấy xe đò rời Tây Phố ngay chiều hôm ấy. Khi xe chuyển bánh ông thấy nhẹ nhõm như đã xong mọi việc.

°

Không khí nặng nề bao phủ ngôi biệt thự cuối đường Ngô Thời Nhiệm. Sự bỏ cuộc của Nguyễn Văn Sĩ hình như làm một hai người bên cạnh chán chường hơn. Kể cả Liên. Nàng nhìn chiếc khung trống rỗng với một nỗi u mê vô cảm và thân thể không trọng lượng.
Lão gia nhân sau khi theo Sĩ ra đóng cổng đã trở vào. Lão ôm đầu ngồi trên chiếc ghế đôn. Ông Học lau mắt kiếng một cách trầm ngâm.
Hiệp lên tiếng:
"Tôi rất tiếc về việc vừa xảy ra. Nhưng anh Sĩ vẫn làm tôi nhớ đến chúng ta hơn. Chúng ta, một gia đình tai mắt của Tây Phố trong lúc đổi thay bộ mặt thế hệ. Thế hệ mẹ và thế hệ mỗi chúng ta" – chàng châm thuốc – "nhưng theo tôi tất cả đã được giải quyết". Ngừng một lát, chàng quay sang anh cả – "Anh giải quyết sao về khẩu súng không giấy phép đó?"
"Tôi đã nghĩ kỹ. Tôi không tha tụi này đâu. Tôi sẽ cho chúng tan xác, nhưng tình thế không cho tôi lộ diện. Khẩu súng này sẽ làm chấn động bọn Hội đồng Tây Phố. Nên tôi phải đi".
Không ai hỏi một lời nào. Liên lặng lẽ ngả đầu trên vai ghế, như buồn ngủ.
"Anh có phải dặn lại không?"
"Không. Tôi rời đây mà vẫn ở đây. Chính câu hỏi đó phải để cho chú trả lời".
"Tôi chẳng có gì để dặn lại. Nếu tôi ra đi, tức là người cuối cùng ra đi. Căn nhà này khi đó sẽ bỏ trống".
"Chú đã nghĩ sai. Chú không phải là người cuối cùng".
"Chắc là anh?"
"Chú không cần phải hỏi cũng biết".
"Tôi không còn tin anh nữa. Anh không phải là kẻ thay mẹ ở đây. Thứ nhất vì anh vắng mặt, dù vắng mặt có người đại diện. Thứ hai, không ai thế cho mẹ được ở Tây Phố này: Mẹ là người chót. Mẹ chết, Tây Phố chết".
"Chú lầm. Người nào chết đi cũng phải chọn một người thừa tự để thay thế. Gã ăn mày trên hè đường Tây Phố cũng có người thừa tự".
"Đường sá Tây Phố không có hè. Đó là những con đường nghèo nàn trần trụi. Kẻ thừa tự tôi, ví dụ thế, chính là tôi. Cho nên tôi vừa sống sớm vừa sống muộn, để thanh toán tài sản và cùng một lúc thừa tự chỗ còn lại. Bởi thế tôi thường nghĩ, điều này hơi lãng mạn, là tôi chết mang cả con số không của đời tôi".
"Có lẽ đấy. Nhưng tôi phải đi thôi. Tôi không có gì để dặn lại cô, chú nữa. Tôi biết hai chị em rất hiểu nhau. Nên không có gì đáng ngại lắm. Có khi đêm nay đêm mai tôi lại trở về, dĩ nhiên sau khi đã có thể lộ diện thì tôi vĩnh viễn ở lại ngôi nhà này. Tôi không thể xa nó được lâu, dù nơi đây chẳng vinh hạnh gì cho chúng ta là bao nhiêu". Ông ta ngừng nói, đứng dậy, lặng lẽ nhìn ngắm bên trong ngôi nhà mà ông ta sắp rời, một lát ông ta nói tiếp. Tôi mong ngôi nhà này còn mãi. Chúng ta đều sinh ra ở đây.
Ông vuốt ve chiếc ghế bành một cách lưu luyến. Rồi ông ta nói với em gái:
"Cô Liên, tôi có thể cầm khẩu súng của cô theo?"
"Vâng, dù tôi không muốn trao anh giữ".
"Tôi chỉ tạm lánh mặt. Tôi sẽ gặp lại các người trong ít tuần nữa. Các người phải đem di hài mẹ về đồi Lương Sơn và phải lo xong vụ này cho đến khi tôi trở lại. Già Năm sẽ thường xuyên liên lạc với tôi".
Nói xong, ông móc túi ngực lấy chiếc kính lớn gọng đồi mồi đeo vào. Lúc ấy lão gia nhân bước vội lại. Lão và cậu chủ lớn trao đổi vài câu nói nhỏ không ai nghe tiếng. Ông Học nói vội: "Thôi, chào chú Hiệp, cô Liên, tôi đi". Xong ông bước ra khỏi gian phòng, không quên ngậm cái tẩu thuốc lên miệng. Ông đi vòng qua khoảng sân trải sỏi, ra đường bằng cửa sau. Ngôi biệt thự ở cuối con dốc Ngô Thời Nhiệm vắng mặt hàng nhiều năm nay. Từ sau nhà, ông đi bộ xuống thung lũng Suối Cá Thần. Rồi sau khi vượt qua khoảng thung lũng hẹp đó, ông có thể quá giang xe đò rời Tây Phố.
Lão gia nhân đứng sau khung cửa sổ ở căn phòng cửa có quả nắm bằng đồng đặc. Từ đó lão thấy thấp thoáng cái bóng mảnh dẻ của ông Học. Lão ngậm ngùi trong giây lát đoạn đóng chặt hai cánh cửa màu gỗ cũ lại, quay ra. Lão nói với mọi người: "Trong ngày hôm nay thế nào họ cũng lại đây tìm cậu cả". Không ai hỏi lại một câu nào. Người ta có cảm tưởng cái nắng buổi trưa đang bốc lên mùi cá khô ngai ngái triền miên của khu thị trấn miền đông Trung Việt, trong hơi gió biển bát ngát thổi vào.
Một lát sau, khi hai chị em và lão gia nhân nhà Thịnh Phước vừa ăn qua loa xong thì ngoài cổng có tiếng người chộn rộn. Một toán chừng năm sáu người, trong đó có viên Chưởng khế, ông Hội đồng tỉnh, cậu thiếu niên mặc đồng phục xanh và mấy người thanh niên tự vệ đang lần lượt tiến vào sân. Một trong những người thanh niên tự vệ đi ra khoảng sân trải sỏi; số người còn lại bước lên hiên ngôi nhà. Vẻ mặt họ lạnh lùng nhưng chế nhạo. Dĩ nhiên cuộc lục xét tốn công. Chợt một thanh niên từ ngoài chạy vào, nói với ông Hội đồng "Thưa ông, có người trông thấy ông ta quá giang xe đò đi rồi". Họ rời ngôi nhà lòng đầy hoài nghi. Những người trong bọn đăm đăm nhìn xuống thung lũng Suối Cá Thần trước khi bước ra hẳn.
Liên nhìn dõi theo họ ra tới cổng. Ngoài đường, một số người tò mò im lặng ngó vào. Liên có cảm tưởng họ đều nhìn thấy nàng, đều biết mặt nàng.
Khi lão gia nhân đóng chặt cánh cửa sắt một lần nữa, lão cảm thấy tâm thần bải hoải rung động. Thay vì trở vào lão đi vòng phía sau, dọc lên trung tâm thị trấn. Bấy giờ trời đang ngả về chiều.
Trong gian phòng khách, hai chị em Liên ngồi ủ rũ chờ đợi. Ngôi nhà cũ bây giờ thật hoang vắng. Họ bồn chồn trong khoảng dao động bằn bặt cô đơn không thể ngờ. Họ thấy hỗng chân trên một nền sáng trưng không còn lấy một chỗ tối để nghỉ ngơi. Cả hai như không còn muốn nhắc đến người mẹ, đã trở thành một ám ảnh.
Chàng thanh niên cố tránh khung cửa mở ra vùng thung lũng Suối Cá Thần, nơi nhìn xuống khu nghĩa địa của thị trấn. Trong đôi mắt sâu u tối lấp loáng những ý nghĩ muốn trốn tránh. Bây giờ chàng chỉ còn mặc chiếc sơ-mi xám dài tay. Cái áo blouson đã được vắt trên vai ghế.
Người chị chững chạc, tuy mệt mỏi, trong bộ y phục mặc từ lúc đầu. Chiếc áo dài màu tím than sang trọng và may rất khéo. Những nếp nhàu nát lúc này phơi bày một tâm hồn thoải mái nhưng trong trạng thái mệt nhọc.
Một lúc sau, nàng nhìn em nói:
"Chú Hiệp, chú thấy thế nào?"
"Chị muốn nói gì?"
"Ngôi mộ của mẹ".
"Tôi đang nghĩ. Để chờ già Năm về đã. Lạ quá, ông lão đi đâu vậy?"
Anh ta nói rồi đứng dậy đi vào phòng trong, qua cánh cửa có quả nắm bằng đồng mở sẵn. Từ khung cửa sổ của văn phòng này, anh ta nhìn thấy Suối Cá Thần trong một lúc không định và dao độngg nhất.
6.
Mãi chập choạng tối, lão gia nhân mới trở về. Mặt lão tái mét, mắt đầy gân máu. Hơi rượu từ miệng lão phả nồng nặc một khoảng không khí trong phòng. Lão say lắm, song cặp mắt vẫn mở lớn và còn nhớ đến công việc. Lão dắt một gã đàn ông đã xế tuổi, to mập mạp, dáng hiền lành, về theo. Trông ông ta ra vẻ một người thợ.
Liên quan sát hai người, hỏi:
"Gì đó già Năm?"
"Thưa cô, ông Bảy, một người bạn của già. Ông từng giúp việc cho cụ khi xưa. Già thấy thiếu người nên bảo ông tới phụ một tay.
Người đàn ông lí nhí cúi đầu chào hai chị em Liên. Nàng nói:
"Được rồi. Ông cứ ở đây. Bao giờ mới có thể xuống nghĩa địa được, già Năm?"
"Thưa cô, bây giờ sửa soạn đi là vừa".
"Sợ còn sớm lắm không?"
"Thưa cậu, không sớm đâu. Từ bây giờ đến lúc..." – lão ngần ngại một giây – "đến lúc mang được áo quan lên phải trên một tiếng đồng hồ".
Hiệp ngần ngại hỏi:
"Mang thi hài cụ về đây sao?"
"Phải làm thế. Ngày mai mới chính thức an táng được. Chú quên rằng giữa hai việc còn nhiều vấn đề phải giải quyết chớ?"
Hiệp không trả lời. Anh ta bần thần cúi nhìn mặt bàn đầy kính vụn. Liên thở phào đứng dậy. Nàng bảo lão gia nhân:
"Già với ông Bảy đi lấy đồ dùng đi".
Mười phút sau ngôi biệt thự được khoá kín, họ theo nhau xuống thung lũng Suối Cá Thần. Bốn cái bóng nhỏ dần trong một trời cao nguyên im vắng mênh mông. Họ không nói gì với nhau, cho đến lúc xuống đến khu nghĩa địa. Từ đó trông ngược lên thị trấn người ta thấy rõ cái đỉnh tháp chuông nhọn cạnh của nhà thờ tỉnh. Tiếng chuông đổ vào đúng lúc ấy.
Người đàn ông mập mạp dừng trước một nấm đất mới. Ông ta ra hiệu cho mọi người và cắm phập lưỡi mai xuống cạnh đầu mộ. Ông ta rút thẻ hương mang theo trong mình lấy ba cây thắp lên. Bằng một dáng điệu âm thầm trịnh trọng, ông ta quỳ gối vái vong hồn. Lão gia nhân đứng im.
Xong lễ, công việc cải táng bắt đầu.
Những cuốc đất chưa ráo nước bị hất bừa bãi ra xung quanh, bởi hai người đàn ông nhiều tuổi. Lúc một tiếng vang đục ngầu âm gỗ ẩm dội lên, sau nhát cuốc của người đàn ông mập mạp, trên thị trấn vừa bật đèn đường. Hai lưỡi xẻng bắt đầu xúc lớp đất sàn sàn mặt áo quan, gây nên những tiếng động thình thình. Mặt ván sơn những quang dầu lộ dần dưới hai cặp mắt thất thần của chị em Liên. Cả hai đều đứng dựng bên miệng huyệt.
Hai sợi dây lớn được lùa xuống phía dưới đáy áo quan đã kênh lên, một cách chật vật. Tấm áo quan đẽo gọt cầu kỳ, có vẻ khá nặng và kềnh càng. Đến gần nửa tiếng, họ mới nhấc được một đầu lên. Nét mặt họ lúc đó gần như xuất nước, trương phồng. Bỗng ngọn đòn phía lão gia nhân hụt bổng và cỗ quan tài gieo mạnh xuống lòng huyệt, nắp bật khỏi mộng.
Lão gia nhân kêu như than: "Chúa tôi!". Rồi lão vuốt mồ hôi từ chân tóc dóc ra và cúi xuống đóng lại nắp mộng. Thình lình lão hét lên, tiếng hét bị bịt kín bởi hơi thở chân không đầy ắp, lạc hết giọng nhưng đầy kinh hoàng. Tiếng hé như tiếng hú nhỏ, không rõ lời.
Trong lòng áo quan không có thi hài bà Thịnh Phước, nhưng có một ít đồ đồng, gồm đỉnh, mâm, v.v. Những đồ đồng đó vốn được cất kỹ trên rầm thượng của ngôi biệt thự.

°

Chàng thanh niên trừng trừng nhìn lão gia nhân. Cặp mắt đó là cặp mắt tượng đá vô tri. Nhưng không ai dám cất lời. Tình thế ấy mọi lời đều bất lực. Bốn khuôn mặt im vắng như không. Họ trì trệ bất động trên một chỗ đứng. Như thế rất lâu.
Liên dời chân. Nàng lững thững leo lên đồi, theo lối đi ban nãy. Cái dáng đẫy đà của nàng in hình lên một nền cỏ cây xa gần thấp thoáng bóng tối. Hiệp vội vã theo chị, cách một khoảng dốc xa. Họ như những cái bóng không có thật. Những cái bóng của họ trước đấy vài giờ.
Khi lên đến đầu đường Ngô Thời Nhiệm, Hiệp đứng tựa lưng vào một cây bông gòn. Anh ta không nhìn thấy chị cũng như hai người giúp việc đâu nữa. Tây Phố đã về đêm.
Anh ta ngửa đầu nhìn lên đỉnh cây. Bông gòn đã bay hay rụng hết. Hàng nhánh cây thưa khẳng khiu giơ ra, một vài cành còn đeo lại một nửa trái vỏ khô cong queo. Trong lúc ấy Hiệp nghe tiếng loa phóng thanh từ trung tâm thị trấn vọng lại. Tiếng loa quảng cáo vở tuồng Khi màu hoa ân tình phai sắc thắm, của Đoàn Thi ca Vũ nhạc kịch Tân Hoa. Hiệp nhướng mắt về vùng ánh điện toả rộng. Vùng ánh sáng huy hoàng rực rỡ. Chàng nhớ khu đó là khu rạp hát Lê Kim Xuyến, ngay đầu phố chính.
Đã bao lâu nay Hiệp không hề sống lại những cảm tưởng dịu dàng của một tỉnh nhỏ. Hiệp rời Tây Phố khoảng hai năm, nhưng thật sự đã xa Tây Phố từ khi mới lớn. Cảm tình duy nhất của chàng ở đây, trong mấy năm đó, là sự chán chường luôn luôn đòi dứt bỏ. Nên sự dịu dàng xa vắng đến trong tâm hồn Hiệp, cho đến hôm nay.
Lần này nó sống lại. Hiệp nghe nao núng trong lòng một cơn sóng triều vọng tới từ biển xa, như ở bờ bên kia quá khứ. Tiếng loa phóng thanh ồn ào vừa kêu gọi Hiệp nhớ tới Tây Phố cũ. Chàng dời lưng khỏi thân cây bông, cố gắng trở về nhà, ngôi nhà từ giờ phút đó hoàn toàn hiện ra trong đầu óc Hiệp như hình ảnh bưng bít kỳ quặc. Và chàng biết đây là lần cuối cùng chàng bước trở về.
Liên ngồi trên bục gạch bờ giếng tận góc sân. Thoạt nhìn trông nàng như một pho tượng bán thân xâm đen dưới ánh đèn đường từ trên cột cao hắt xuống. Khi Hiệp vừa bước vào, anh ta đã tự dưng muốn quay ra. Ngôi nhà nổi lên trước mắt chàng thanh niên như một cái gì xa lạ lén lút. Hiệp dừng lại trên lối đi. Rồi chàng tìm một chỗ ngồi, cách xa chị. Bầy dơi trong những tàng cây um tùm tiếp tục lao vào thinh không, gây tiếng loạt soạt nhỏ. Hai người cùng nhận ra những tiếng động ấy, và hình như đều lắng nghe.
Một lát sau lão gia nhân và ông Bảy về đến. Họ khiêng mâm đồng, đỉnh đồng trên hai cây đòn. Nét mặt họ còn nhớn nhác hoang mang. Lão gia nhân sau khi hạ đòn xuống, lại mở cửa, thắp đèn. Họ cùng trở vào. Hai chị em Liên ngồi trong ghế bành. Hai người giúp việc ngồi trên hai chiếc ghế đôn kê sát tường.
Lão gia nhân nhận một điếu thuốc quấn tổ sâu do bạn đưa, nói với Liên:
"Thưa cô, thật già không hiểu ra làm sao".
"Già còn nhớ những món đồ đồng ấy chứ?"
"Vâng, đúng là đồ của nhà ta. Thường khi vẫn để trên rầm thượng. Để già thử lên đó xem sao".
"Già cứ ngồi nghỉ đó đã" – Nàng quay sang em – "Chú thấy thế nào?"
"Tôi không hiểu. Thật không hiểu".
"Tôi cũng vậy, duy sự ám muội thì đã rõ ràng. Cơ quan hành chính ở đây đã nhúng tay vào".
Hiệp châm một điếu thuốc, cố nuốt nước bọt trong hai hàm răng khô:
"Chị Liên, thật kỳ lạ quá".
"Già Năm, già thấy thế nào?"
"Thưa cô, quái gở lắm. Già không còn biết gì hết".
Hiệp ngậm khói thở dài:
"Chết mà còn chết mất xác, thật khủng khiếp. Có một cái gì đó đang bao quanh chúng ta. Cái gì đó trong cái chết của mẹ".
"Cái gì đó của Tây Phố".
"Tôi phải nói rõ với chị, tôi không muốn ở lại đây một giờ nào nữa. Thật tình tôi ân hận đã trở về. Cái kết cuộc không đẹp đẽ bao nhiêu mà chúng ta đã phải tham dự. Để rồi từng người, từng người một, bỏ đi. Coi như từng người một đã chết. Chúng ta trở lại là để vĩnh biệt".
"Dù sao như thế cũng hơn. Sự quyết định của chúng ta càng được quyết định sớm và rõ rệt hơn".
"Mọi sự theo tôi đã xong".
"Tôi có cảm tưởng khác, Hiệp ạ. Nửa giờ vừa qua đã thay đổi những gì tôi hằng nghĩ về quê hương quyến thuộc".
"Tôi không muốn nghĩ đến nữa. Dù sao sáng sớm mai, càng sớm càng tốt, tôi rời bỏ nơi này. Tôi rất tiếc phải xa chị sớm. Song chúng ta không có lý gì để đoàn tụ nữa. Có phải thế không, chị Liên?"
"Chú nhất định thế?"
"Vâng".
"Còn cỗ áo quan trống?"
Hiệp đứng dậy:
"Tôi xin lỗi. Tuỳ chị, chị Liên".
"Tôi không dính dáng gì đến quyết định ấy. Mỗi người có một phần của mình. Tôi không trách nhiệm cũng như không thay thế được cho ai. Cái chỗ mà mọi người bỏ trống sẽ bỏ trống vĩnh viễn".
"Thì như vậy. Ý kiến của tôi không thay đổi".
Thình lình tiếng gõ cửa nhè nhẹ nổi lên. Thoạt đầu ai nấy đều lắng tai về phía sân ngoài. Song tiếng gõ nổi danh từ cánh cửa có quả nắm bằng đồng đặc, gian phòng lúc trước luôn luôn được khoá kín. Từng ấy người đều nhỏm dậy, hốt hoảng cùng cực. Người đàn ông mập mạp tiếng sát đến khung cửa. Ông ta nghe ngóng và ra hiệu cho lão gia nhân, như đã sẵn sàng để đối phó với tình thế.
Lão già thất thanh hỏi:
"Ai đó?"
Im lặng, ngoài tiếng gõ. Tiếng gõ vẫn nhè nhàng bình tĩnh. Sự kinh ngạc làm căng thẳng đầu óc tất cả mọi người. Lão gia nhân luống cuống tra chìa khoá vào ổ. Cánh cửa được mở toác. Một người đàn bà bước ra. Đó là bà Thịnh Phước.
Trong một lát, căn phòng im hơi. Rồi có một người nào đó bắt đầu cử động chân tay.
"Chúa tôi!"
"Lạy cụ ạ!"
"Cụ sống khôn, chết thiêng…"
"Tao chết bao giờ mà bay hòng khóc?" – Bà Thịnh Phước nói giọng khô khan, nhưng bỗng bà lặng thinh, chán chường – "Mà tao sống cũng như tao chết rồi, Năm à".
Hiệp trân trối nhìn mẹ. Tóc bà bạc nhưng bóng, đôi mắt còn sáng, da thịt có hơi xanh xao. Bà vẫn đẫy đà như xưa, và tấm áo lên màu tro bà đang khoác trên mình là một tấm áo cũ Hiệp từng biết. Hiệp hiểu ngay đó là mẹ mình, còn sống. Chàng bực với mình khi nghĩ đã không leo lên rầm thượng từ chiều hôm qua bằng cái thang bắc sẵn. Rồi chàng mỉm cười. Nụ cười kéo dài như một nét vẽ ngượng ngùng bỏ dở, như trên một tấm ảnh làm duyên của người thiếu nữ quá thì.
"Anh cười gì đó, anh Hiệp? Tôi tưởng anh phải khóc khi thấy tôi chưa chết mới phải".
Hiệp đi lại góc phòng nhặt cái mũ là đội lên đầu, và nhấc chiếc áo blouson khỏi tay ghế, không trả lời mẹ. Chàng tiến về phía chị, đứng đối diện chị. Trông chàng cao hơn Liên một cái đầu. Chàng ngập ngừng vài giây rồi cũng nắm lấy tay chị, nâng lên. Nhưng chàng không nói một lời nào. Khi bước ra đến cửa chính, Hiệp quay lại nhìn mẹ một lần cuối cùng. Chàng cất tiếng hỏi:
"Má có dặn gì không?"
Bà Thịnh Phước không nhúc nhích.
"Má có dặn gì không. Chắc không bao giờ tôi còn về đây nữa, dù có nhận được tin má từ trần. Nếu không, tôi đi".
Không ai nói năng, Hiệp bước nhanh ra khỏi ngôi biệt thự. Trước khi đi hết lối đi lát gạch, chàng nói vọng qua cửa sổ:
"Chúc chị may mắn, chị Liên".
Chàng ra trung tâm thị trấn, vào một tiệm mì, gọi một tô lớn và một ly chanh muối. Ngồi ngả lưng vào tường, mắt lơ mơ buồn ngủ. Hiệp nghĩ đến một tấm nệm bông dầy êm ái. Lúc đứng dậy, chàng bình thản đi sang ngôi khách sạn ở bên kia đường. Đêm hôm ấy Hiệp đáp chuyến xe 9 giờ rời Tây Phố.