Chương 7

Thằng Mười vô cùng hãnh diện khi nhỏ Hạnh, Quý ròm và Tiểu Long kéo nhau đến nhà nó chơi, nhất là kéo đến với mục đích chiêm ngưỡng cái computer của nó.
Hôm trước, thấy Mười lộ vẻ bối rối khi lỡ lời tâm sự chuyện gia đình, nhỏ Hạnh khéo léo lái câu chuyện ra xa đề tài tế nhị này bằng cách hỏi thăm về cái computer của Mười. Thế là thằng Mười bỗng chốc hóa thành con người khác. Mặt rạng ra, nó toét miệng khoe không ngớt cái máy của nó, nào là bộ nhớ bao nhiêu “mê”, ổ cứng bao nhiêu “ghi”, cặp loa bao nhiêu “oát”...
Nhỏ Hạnh sợ thằng Mười cụt hứng, cứ luôn miệng “ối chà” làm thằng Mười nở từng khúc ruột. Cuối cùng, thấy quảng cáo bằng miệng không đủ, nó sốt sắng rủ nhỏ Hạnh đến nhà nó chơi để tận mắt xem cái máy.
- Hạnh rủ Quý và Long nữa nha! – Nhỏ Hạnh mỉm cười đề nghị.
Thằng Mười biết thừa ba đứa này vốn chơi thân với nhau, gật đầu ngay tút xuỵt:
- Ờ. Cả ba luôn!
Lúc ba đứa vừa đặt chân vào nhà, Mười đã tíu tít khoe với mẹ nó:
- Bạn học của con đó, mẹ.
Tụi nhỏ Hạnh cúi đầu, lễ phép:
- Chào bác ạ.
Mẹ thằng Mười là một phụ nữ nom hiền hậu. Bà nhìn đám bạn của con, niềm nở:
- Vào nhà chơi đi, các cháu.
 Mười tiếp tục khoe bạn:
- Bạn Hạnh là lớp phó học tập đó, mẹ. Còn bạn Quý là “thần đồng toán” trường con.
Nó chỉ Tiểu Long, ấp úng:
- Còn bạn Tiểu Long là...
Tiểu Long học tập chẳng có gì xuất sắc nên thằng Mười cứ “là, là” cả buổi. Tiểu Long đành nhe răng cười, đỡ lời:
- Dạ, con là bạn của lớp phó học tập và “thần đồng toán” ạ.
Không biết có nghe rõ câu pha trò của Tiểu Long không mà mẹ thằng Mười long lanh mắt, vui vẻ:
- Các cháu giỏi quá! Mười chơi với các cháu thế nào cũng học được nhiều điều hay!
Vẻ mừng rỡ trên nét mặt mẹ thằng Mười và cái cách bà nhìn thằng con âu yếm khiến nhỏ Hạnh ngạc nhiên khi nhớ lời thằng Mười bữa trước. Mười bảo mẹ nó không thương nó bằng ba nó. Nhưng theo sự cảm nhận của nhỏ Hạnh thì có lẽ bà thương con không kém gì các bà mẹ khác trên đời.
Mười kéo ba đứa bạn vào phòng riêng của nó:
- Vô đây chơi!
Phòng học của Mười khá rộng, sáng sủa nhưng hơi bề bộn. Một chiếc giường ngủ kê sát cửa sổ. Kế giường ngủ là bàn học ngổn ngang tập vở, cạnh đó là bàn đặt computer cũng bừa bãi không kém với bút thước, giấy vở, mấy cọng dây thun, kim kẹp, kẹo cao su bày vương vãi.
Mười gạt các thứ linh tinh sang một bên, thò tay khởi động máy, mở các thông số ra khoe.
Khoe một hồi, nó mở nhạc cho mấy đứa bạn nghe.
- Mày tải nhạc trên mạng xuống à? – Quý ròm hỏi.
- Không. – Mười lắc đầu – Tao chép từ đĩa.
- Sao mày không vô các trang web âm nhạc tải xuống? Trong đó có đủ loại nhạc hết.
- Máy tao chưa nối mạng. – Mười chép miệng – Tao chơi game hay “chát chít” toàn phải ta tiệm nét gần nhà.
Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi:
- Sao Mười không nói với ba Mười? Ba Mười thương Mười lắm mà.
Mười chưa kịp đáp, mẹ nó đã bước vô phòng.
- Chào bác ạ. – Tụi Quý ròm rập ràng.
- Cứ tự nhiên đi, các cháu! – Mẹ thằng Mười nói, rồi bà quay sang thằng con – Con định xin tiền ba con làm gì hả con?
- Bạn Mười định gắn internet đó, bác. – Tiểu Long hớt lẻo.
- Gắn internet là sao hả mấy cháu?
Thế là tụi Quý ròm xúm vào quảng cáo giùm cho thằng Mười về công dụng và lợi ích của internet. Tụi nó phớt lờ vụ game ghiếc, chỉ khoe nhặng về các tiện ích mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng phải xuýt xoa “hay quá há tụi con!”. Mẹ thằng Mười cũng thế. Nghe nói gắn internet có thể ngồi nhà học ngoại ngữ, mua đồ qua mạng, trò chuyện với người thân ở xa, bà cứ tấm tắc mãi.
Bà nhìn nhỏ Hạnh:
- Gắn cái này có tốn nhiều tiền không hả tụi cháu?
- Chừng một triệu à, thưa bác. – Quý ròm nhanh nhẩu – Có khi bữa nay còn rẻ hơn. Tại người ta đang đua nhau khuyến mãi mà.
Mẹ thằng Mười quay sang con trai:
- Vậy con viết thư xin ba đi con!
Thằng Mười cũng muốn gắn internet từ lâu rồi nhưng nó ngại. Nó sợ mẹ nó la xin tiền ba gì mà xin hoài. Bây giờ nghe mẹ nó nói vậy, Mười nôn nao quá:
- Dạ, thôi khỏi thư từ. Để tối nay con qua thăm ba.
Mười sướng quá. Nó không ngờ rủ tụi nhỏ Hạnh về nhà chơi lại “thu hoạch” được cái lợi lớn đến thế. Từ lúc đó cho đến khi tụi ban nó ra về, Mười cứ luôn miệng rối rít “Tụi mày tốt quá!”, “Tụi mày hay ghê!”  đến mức Quý ròm bực mình:
- Bạn tốt có gì lạ đâu mà mày nói hoài thế? Bộ trước giờ mày chơi toàn bạn xấu không hả Mười?
-----------------------------
- Quý và Long thấy gì lạ không? – Nhỏ Hạnh hỏi, trên đường về.
 - Thấy. – Quý ròm đáp.
- Chuyện gì lạ?
- Câu hỏi của Hạnh đó. – Quý ròm nhăn mặt – Hỏi mà không ai biết Hạnh hỏi gì!
- Hạnh không giỡm với Quý nha.
- Tôi cũng đâu có giỡn. Hạnh hỏi vậy ai biết đường đâu mà trả lời.
 Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Hạnh muốn hỏi về những chuyện xảy ra trong nhà thằng Mười phải không?
Nhỏ Hạnh cười khúc khích:
- Không ngờ Long lại thông minh hơn Quý. Thế mà trước nay Hạnh cứ nghị ngược lại. Thật là sai lầm!
- Vậy bây giờ Hạnh sửa chữa sai lầm đi! – Quý ròm hừ giọng, ra vẻ giận dỗi.
- Được thôi! – Hạnh quay sang Tiểu Long – Thế Long có phát giác ra điều gì lạ lùng không?
- Chuyện lạ lùng hả? – Tiểu Long nhíu mày – Có gì lạ lùng đâu ta!
Nhỏ Hạnh nhìn bạn, khuyến khích:
- Long cố nghĩ thử xem:
Tiểu Long suy nghĩ thêm một lát, rồi nhè nhẹ thở ra:
- Chịu, Tôi thấy nhà thằng Mười có gì khác lạ so với nhà người ta đâu!
Nhỏ Hạnh chớp mắt hỏi:
- Theo Long, nhà bạn Mười có nghèo không?
- Nghèo gì mà nghèo! – Tiểu Long nhảy nhổm trên yên xe – Tivi, tủ lạnh, máy giặt, nhà nó có thiếu thứ gì đâu. Phòng riêng của nó còn lớn hơn và đẹp hơn phòng học của Hạnh nữa.
- Thế sao trong bài văn hôm nọ, Mười nói là nhà nó lâm vào cảnh túng bấn đến mức nó định bỏ học?
Tiểu Long ngẩn ra:
- Ờ há! Nếu thế thì lạ thật!
- Lạ gì mà lạ! – Quý ròm hắng giọng – Hồi trước nhà nó nghèo, gần đây nhà nó khá lên không được sao!
- Ờ há! – Tiểu Long ngẩn ra lần thứ hai – Nếu thế thì không lạ.
Nhỏ Hạnh nhún vai:
- Nếu như Quý nói đúng thì sự lạ nằm ở chỗ này: Tại sao nhà Mười đã khá giả rồi mà khi cần mua sắm thứ gì Mười toàn phải xin tiền ba nó?
Tiểu Long đầu quay như chong chóng. Hai đứa bạn nó mỗi đứa mỗi phách, khổ nỗi đứa nào nói nó cũng thấy đúng. Nó đang định “ờ há” lần thứ ba thì Quý ròm đã cướp lời:
- Vậy mà cũng hỏi. Tại ba nó rộng rãi hơn mẹ nó chứ có gì đâu!
Nó tặc lưỡi:
- Nhà ai mà chẳng vậy. Giữa ba và mẹ nó, bao giờ cũng có một người dễ dãi và một người khó tính. Tụi mình cũng vậy thôi, mỗi khi cần tiền tụi mình cũng lựa người mà xin, đúng không nào?
- Ờ... ờ... đúng.
Bị hỏi thình lình, Tiểu Long bối rối hùa theo. Hiển nhiên là nó thấy thằng ròm nói đúng, mặc dù từ xưa đến nay so với Quý ròm và nhỏ Hạnh nó là đứa ít khi xin tiền ba mẹ.
Tới đây thì nhỏ Hạnh không cật vấn nữa. Cũng như Tiểu Long, nó thấy những lý do Quý ròm nêu ra hoàn toàn xác đáng. Nhưng không hiểu sao, trong thâm tâm nhỏ Hạnh cứ cảm thấy ngờ ngợ. Lý lẽ của Quý ròm đúng là khó bắt bẻ, nhưng dù sao đó cũng chỉ là những giả định. Thực tế có diễn ra như Quý ròm suy luận hay không là chuyện khác.
Nhỏ Hạnh lặng lẽ đạp xe, đầu nghĩ ngợi miên man: Ba thằng Mười bây giờ đã có gia đình khác, cho nên rất khó hiểu cái chuyện mẹ nó việc gì cũng nhất nhất bảo nó viết thư xin tiền ba nó trong khi bà thừa sức lo liệu. Tại sao bà làm vậy? Bà là con người keo kiệt hay bà muốn người chồng phải chia sẻ trách nhiệm nuôi con? Những người vợ trong hoàn cảnh của bà có phải ai cũng làm như thế không?
Quý ròm chạy một quãng, thấy nhỏ Hạnh mặt mày đăm chiêu không nói không rằng, liền ngoác miệng trêu:
- Thôi đi, Hạnh ơi! Làm thám tử làm gì cho mau già, tôi thấy Hạnh tiếp tục muôi ý định trở thành chủ tiệm hủ tiếu bò viên là hay nhất đó!
Lần đầu bị Quý ròm chọc ghẹo mà nhỏ Hạnh không cười. Cũng không phản ứng tẹo nào. Tâm trí nó vẫn đang cột chặt vào câu hỏi: Mình có đẩy trí tưởng tượng đi quá xa không?
Đó là câu hỏi cách đây mấy ngày Quý ròm đã tự hỏi mình khi đối diện với bác bảo vệ trường Thống Nhất.