Chương 7

ai hôm sau từ văn phòng riêng Koster bước ra nói, "Bob, Blumenthal của cậu vừa gọi.  Cậu cần lái chiếc Cadillac đến chỗ ông ấy lúc mười một giờ. Ông ấy muốn thử xe."
"Vậy chứ tớ đã nói gì?" Lenz từ hốc, dưới gầm chiếc Ford, nói vọng lên. "Tớ đã nói ông ấy sẽ trở lại. Phải luôn luôn tin tưởng vào Gottfried."
"Cậu nín đi, đây là một trường hợp quan trọng," tôi hét lại. "Otto, tớ có thể giảm giá tối đa là bao nhiêu?"
"Tối đa hai ngàn. Tuyệt đối không quá hai ngàn hai trăm. Và rồi, nếu không xong, hai ngàn năm trăm. Còn như cậu thấy mình phải thương lượng với một kẻ dở hơi, hai ngàn sáu. Nhưng bảo ông ấy, trong trường hợp này, chúng ta sẽ nguyền rủa ông ấy đời đời kiếp kiếp."
"Tốt lắm."
Chúng tôi lau đến khi xe bóng lộn. Tôi ngồi vào xe. Koster đặt tay lên vai tôi.  "Bob, nhớ rằng nhiệm vụ của cậu như của một chiến sĩ. Bảo vệ danh dự của xưởng sửa xe, đổ máu nếu cần. Chết đứng, tay vẫn nắm ví tiền của Blumenthal."
"Đúng thế," tôi nhoẽn cười.
Lenz lấy trong túi ra một cái mề đai và đưa trước mặt tôi. "Cầm lá bùa, Bob."
"Được," tôi đỡ lấy.
"Abracadabra, lạy thần Siva," Gottfried lẩm nhẩm cầu nguyện, "xin thần hãy ban cho  người ngốc nghếch đáng thương này sức mạnh và can đảm!  Khoan đã -- đây, tốt hơn hết cậu hãy cầm nó theo. Này, nhổ ba lần vào nó."
"Xong ngay," tôi nói; nhổ xuống chân anh và lái đi, ngang qua Jupp đang hí hửng vẫy ống dẫn xăng.
Trên đường đi, tôi mua một ít cẩm chướng và cắm rất mỹ thuật trong các lọ thủy tinh của xe -- một quan tâm dành cho Frau Blumenthal.
Chẳng may Blumenthal lại tiếp tôi ở văn phòng, không ở tư gia. Tôi phải đợi mười lăm phút. Anh Hai ơi, tôi nghĩ, em út biết tỏng mánh khóe ấy rồi; anh Hai chẳng thể làm em út mất kiên nhẫn đâu. Ở phòng đợi, tôi rút đóa cẩm chướng trên ve áo, biếu cô thư ký xinh đẹp và gạn hỏi tình hình. Buôn hàng len, luân chuyển tốt, sáu nhân viên giúp việc, một đối tác đang chờ, công ty Meyer và Son là địch thủ đáng gờm nhất, Meyer con lái xe Essex thể thao đỏ, hai chỗ ngồi -- nghe đến đấy thì Blumenthal gọi tôi vào.
Vừa nhìn thấy tôi, ông ta đã nã cả đôi súng.
"Bạn trẻ ơi," ông nói, "tôi không có nhiều thì giờ. Lần trước, giá của cậu thách cao như mơ. Bây giờ, thành thực mà nói, chiếc xe giá bao nhiêu?"
"Bẩy ngàn marks," tôi đáp.
Ông quay phắt đi. "Nếu thế, không còn gì để bàn."
"Chẳng cần đâu," ông ngắt lời. "Lần trước tôi đã xem đầy đủ."
"Có nhiều thứ để xem," tôi giải thích. "Ông nên xem qua chi tiết. Nước sơn bóng, thượng hạng của Voll và Ruhrbeck, tốn hai trăm năm mươi marks, nhíp xe --mới tinh, giá ca-ta-lô sáu trăm marks --tổng cộng là tám trăm năm mươi marks. Nệm xe, bọc bằng nhung sọc tốt nhất --"
Ông gạt ngang. Tôi lại nói tiếp. Tôi mời ông xem những phụ tùng sang trọng, mui da đẹp tuyệt, bộ tản nhiệt mạ kền, những cái chống xóc hiện đại, sáu mươi marks một cặp.  Như một người mẹ chiến đấu để giành lại đứa con, tôi cố thuyết phục Blumenthal đến gần chiếc Cadillac. Tôi biết, như Antaeus, nếu có thể chạm vào mặt đất, tôi sẽ có sức mạnh mới. Giá cả dường như sẽ bớt phần mắc mỏ, nếu như ta có thể trình ra món hàng cụ thể.
Nhưng Blumenthal cũng hiểu, sức mạnh của ông nằm sau bàn viết. Ông tháo gọng kỉnh và trả đòn đích đáng.  Chúng tôi quầng nhau như hổ với trăn. Blumenthal là trăn. Trước khi tôi có  thể lấy lại thế thủ, ông ta đã kỳ kèo giảm được một ngàn năm trăm marks.
Tôi trở nên bồn chồn, lo sợ. Tôi lần trong túi, nắm chặt miếng bùa may của Gottfried.
"Herr Blumenthal," tôi nói, cơ hồ mệt lã,  "một giờ chiều rồi;  ông có muốn ăn trưa." Bằng mọi giá, tôi muốn thoát khỏi văn phòng này, nơi giá cả như tuyết tan.
"Hai giờ tôi mới ăn trưa," Blumenthal chẳng hề nao núng, giải thích. "Nhưng xem nào, nói cho cậu biết. Không chừng chúng ta có thể lái thử xe." Tôi thở ra nhẹ nhỏm.
Chúng tôi lái về nhà ông. Trước sự ngạc nhiên của tôi, một khi ngồi vào xe, ông thay đổi thành một người khác. Ông vui vẻ kể cho tôi một chuyện tiếu lâm mà tôi đã biết, về Hoàng đế Franz Josef. Tôi kể cho ông, chuyện người tài xế xe điện; rồi ông kể chuyện người Saxon lạc đường; tôi lập tức kể chuyện những người tình Tô Cách Lan. Chỉ đến khi đã đến trước nhà ông, chúng tôi mới nghiêm trang trở lại. Ông yêu cầu tôi chờ ông vào nhà, để dẫn bà vợ ra.
"Cô Béo yêu dấu ơi," vỗ tay lên bộ tản nhiệt, tôi nói với chiếc Cadillac, "thể nào cũng  có  sự tinh ma quỷ quái ẩn náu bên trong những câu chuyện tiếu lâm ấy. Nhưng đừng lo, chúng tôi sẽ tìm cho em một mái nhà. Ông ấy sẽ mua em --khi người Do Thái quay lại, hắn sẽ mua. Khi  người Thiên Chúa Giáo quay lại, còn lâu lắm hắn mới mua. Hắn sẽ thử xe năm lần bẩy lượt để khỏi  tốn tiềntắc xi, rồi thình lình hắn sẽ nhớ ra, hắn cần mua một giàn bếp mới thay vì mua xe. Không, không, người Do Thái được lắm, họ biết họ muốn gì. Nhưng bạn thân ơi, nếu tôi phải bớt mấy trăm  bạc nữa cho lão, dòng dõi trực hệ của Judas Maccabaeus hiếu chiến, tôi xin thề, suốt đời tôi sẽ không bao giờ uống một ly rượu mạnh nào nữa."
Frau Blumenthal xuất hiện. Tôi nhớ lời khuyên của Lenz và thay đổi từ một chiến sĩ thành một hiệp sĩ. Blumenthal chào đón sự thay đổi ấy bằng một nụ cười đểu cáng. Ông ta là sắt thép. Thay vì buôn hàng len, lẽ ra ông ta nên buôn xe lửa mới phải.
Tôi dàn xếp để ông ngồi băng sau, và Frau Blumenthal ngồi cạnh tôi.
"Bà cần tôi lái đi đâu, thưa bà?" tôi mềm mỏng nói.
"Bất cứ chỗ nào cậu thích," bà nói với nụ cười của một người mẹ. 
Tôi bắt đầu nói. Giao dịch với một khách hàng vô tư hồn hậu là một niềm vui. Tôi hạ thấp giọng, cốt không cho Blumenthal nghe rõ. Như thế tôi sẽ tự nhiên hơn. Nội việc ông ấy ngồi sau lưng tôi, cũng đủ mệt rồi.
Chúng tôi tấp vào lề. Tôi bước xuống, chăm chú nhìn địch thủ. "Herr Blumenthal, dù sao, ông cũng phải nhìn nhận rằng xe chay êm như bôi mỡ."
"Làm sao êm như bôi mỡ được, cậu ơi," ông trả lời, thân thiện một cách đáng ngờ. "khi bị sở thuế ăn gần hết? Thuế xe rất cao. Cậu đã nói."
"Herr Blumenthal," tôi gọi tên ông, cố sửa chữa tình hình. "ông là một doanh gia, cho nên tôi có thể trình bày thẳng. Đấy không phải là thuế, mà là đầu tư. Thử hỏi, trong thời buổi này, công việc kinh doanh cần điều gì hơn hết? Ông biết đấy -- không phải là tiền vốn, như ngày xưa: mà là tín dụng. Và bằng cách nào ta có được tín dụng? Bằng cách tạo ra một bộ mặt tốt đẹp. Cadillac hiện nay đại diện cho giai cấp trung lưu --  vững chãi, khôn ngoan, tiện nghi  mà chẳng lỗi thời -- nó là một quảng cáo sống cho bất kỳ loại thương nghiệp nào."
Blumenthal thích thú, quay sang vợ. "Cậu ấy có đầu óc Do Thái, hử? Này người bạn trẻ," ông vẫn nói một cách thân tình, "quảng cáo tốt nhất cho sự vững mạnh thời nay là một bộ đồ lớn tồi tàn và một vé xe buýt. Nếu hai đứa chúng tôi có được số tiền to như tiền nợ của tất cả xe đang lưu hành, chúng tôi đã ngồi yên, nghĩ ngơi cho khỏe. Tin tôi đi. Bảo đảm."
"Một chiếc Cadillac như thế này sang hơn nhiều hiệu xe khác, chẳng hạn Essex, phải  thế chăng Frau Blumenthal? Con trai nhà Meyer and Son lái một chiếc Essex, nhưng tôi không  nghĩ rằng một cái xe trượt tuyết đỏ hoét là một quà tặng---"
Tôi nghe Blumenthal khịt mũi, và tôi tiếp tục nói nhanh: "Ngoài ra, màu xe hợp với bà  lắm, thưa bà -- màu xanh cobalt đi với tóc vàng --"
Blumenthal cười hăng hắc như một bầy khỉ chí chóe trong chuồng. "Meyer và Son; tinh ranh -- ma mãnh --" ông rên. "Và bây giờ lại đến tán tỉnh --nịnh đầm--"
Tôi liếc ông. Không thể nào tin được; tôi đã đánh trúng yếu huyệt.
Ngay lập tức, tôi bồi thêm: "Herr Blumenthal, cứ ngắt lời nếu tôi nói sai. Với một người đàn bà, nịnh đầm không phải là nịnh đầm. Mà là ngợi khen, một điều chẳng may lại quá hiếm hoi trong thời buổi này. Người đàn bà không phải là cái bàn, cái ghế bằng thép; nàng là bông hoa -- nàng chẳng cần thật dụng; nàng ưa thích ánh nắng ấm áp vui tươi của lời khen tặng. Mỗi ngày nói một câu ca tụng nàng còn tốt hơn suốt kiếp buồn bã làm thân nô lệ cho nàng. Tin tôi đi. Tôi cũng bảo đảm. Và dù sao, điều tôi nói không phải là tâng bốc mà là một sự kiện khoa học hẳn hoi. Màu xanh thẩm quả thật hợp với mái tóc vàng."
"Hống hay tuyệt, sư tử,"  Blumenthal nói, tươi nét mặt. "Herr Lohkamp, nhìn đây! tôi có thể dễ dàng cò kè bớt thêm một ngàn mark --"
Tôi lùi lại. Đồ yêu quái tinh ma, tôi nghĩ; tôi bị thấm đòn như dự đoán. Tôi hình dung mình lang thang suốt đời không một giọt rượu, và tôi nhìn Frau Blumenthal bằng đôi mắt nai tơ đoạn trường.
"Nhưng, ba nó ơi --" bà nói.
"Mình ạ," ông trả lời. "Anh muốn nói là, anh có thể -- nhưng anh sẽ không. Cách thương thảo của cậu khiến con người thương gia trong tôi rất thú vị. Có lẽ hơi một chút ngông cuồng, nhưng cũng thế, nhắc đến Meyer và Son rất khéo. Thế thân mẫu của cậu là người Do Thái?"
"Không."
"Thế cậu đã làm việc trong ngành buôn lẽ?"
"Vâng."
"Thấy chưa. Vì thế cậu mới có cung cách ấy. Cậu thuộc chi nhánh nào nhỉ?"
"Linh hồn,"  tôi trả lời. "tôi dự định làm thầy giáo."
"Herr LohKamp," Blumenthal nói. "Đáng nễ! Nếu bị thất nghiệp, cậu đến gặp tôi nhé."
Ông viết chi phiếu, trao cho tôi. Tôi không thể tin vào mắt mình. Trả trước nữa cơ! một phép mầu!
"Herr Blumenthal," tôi nói, cảm kích, "xin phép được biếu ông vài cái gạt tàn thủy tinh và một tấm thảm cao su."
"Tuyệt vời," ông nhận xét. "Ngay cả lão Blumenthal này cũng được tặng quà." Rồi ông mời tôi ngày mai đến ăn tối.
Frau Blumenthal nở nụ cười bao dung của mẹ hiền. "Sẽ có cá măng nhồi nấm." Bà dịu dàng nói.
"Món ngon nhỉ," tôi nói. "Và tôi sẽ lái xe đến. Ngày mai, việc đầu tiên của chúng tôi sẽ là chăm chút nó một lần cuối, trước khi giao." 
Tôi bay về xưởng như chim nhạn. Nhưng Lenz và Otto đã ra ngoài ăn trưa. Tôi cần phải điều độ lại vinh quang của mình. Chỉ một mình Jupp ở đấy.
"Bán được chứ?" thằng bé hỏi.
"Cháu muốn biết lắm, phải không?" tôi nói. "Một đồng đây, mua đồ về chế máy bay mà chơi."
"Thế nghĩa là bán được rồi," Jupp cười toe toét.
"Chú ra ngoài kiếm cái gì ăn," tôi nói; "nhưng nếu cháu láu táu học lại câu gì cho hai người kia trước khi chú về, thì ốm đòn." 
"Herr Lohkamp," thằng bé hứa, tung hứng đồng tiền, "cháu sẽ im như một nấm mồ."
"Trông cháu như một nấm mồ," tôi nói và nhấn thêm ga.
Khi tôi về ngang qua cổng, Jupp ra hiệu. "Cái gì thế?" tôi hỏi. "Không giữ được mồm miệng à?" 
"Herr Lohkamp! làm gì có, cháu vẫn im như thóc! " nó cười. "Có điều, lão Ford đang ở  trong ấy."
Tôi đậu chiếc Cadillac ngoài sân và đi vào ga-ra. Ông chủ tiệm bánh cắm cúi xem sổ hàng mẫu. Ông mặc chiếc áo khoác kẻ ô với một vòng băng tang rộng bản. Bên cạnh ông là một sinh vật xinh đẹp, mắt đen lúng liếng, khoác áo choàng viền lông thỏ và đi một đôi giày da bóng  trông chẳng vừa chân. Họ tự tiêu khiển với những sắc màu. Cô gái da ngâm thích sơn vec-ni  màu chu sa chói mắt; nhưng ông chủ tiệm bánh phản kháng, ông hãy còn trong thời kỳ tang chế. Ông đề nghị một màu xám -vàng nhàn nhạt.
"Ach, màu này ư," cô gái da sậm bĩu môi; "một chiếc Ford phải sơn thật nổi bật. Nếu không, nó chẳng giống ai."
Cô gái đưa mắt dọ hỏi, và nhún vai khi ông chủ tiệm bánh phản đối, nhăn mặt và nháy mắt với chúng tôi. Một cô nàng nhỏng nhảnh! Cuối cùng họ đồng ý màu lục xám của cây mộc tê. Cô gái thích mui xe lợp màu tươi cho hợp với nước sơn. Nhưng ông chủ tiệm bánh cương quyết --phải có một chút tang tóc ở đâu đấy. Ông nhất quyết chọn da thuộc màu đen - và như thế ngẫu nhiên lại có lợi hơn, không những ông đã không phải trả tiền cho cái mui xe mới, da lại đắc hơn vải.
Hai người ra về. Nhưng họ mắc kẹt lại ngoài sân. Vừa nhìn thấy chiếc Cadillac, cô nàng da sậm đã chạy ùa đến. "Ô kìa, Puppi, một chiếc xe tuyệt vời! Đúng thứ xe mà em thích."
Chẳng mấy chốc, cô nàng đã mở cửa ngồi vào, rạng ngời vì sung sướng. "Ghế êm làm sao!  Y như ghế bành trong câu lạc bộ. Khác hẳn với xe Ford!"
"Về thôi em," Puppi bẳn gắt nói.
Lenz thúc tôi -- tôi cần hành động ngay, rao bán xe cho lão chủ tiệm bánh. Tôi khinh khỉnh nhìn Gottfried và không nói. Anh ấy thúc mạnh hơn. Tôi thúc lại và quay mặt đi.
Một cách khổ nhọc, cuối cùng ông chủ tiệm bánh cũng lôi được viên huyền ngọc của ông  ra khỏi xe, và, mặt mày sưng sỉa, cố ý làm ra vẻ bực dọc, ra về.
Chúng tôi quan sát họ. "Một người nhanh nhẩu," tôi nói. "Sửa xe -- vợ mới -- tớ ngã mũ  bái phục!"
"Ối giào" Koster nói, "ông ấy đâu đã nếm đủ vui buồn với cái ngữ ấy."
Họ chưa khuất khỏi góc đường, Gottfried đã lồng lộn. "Bob, cậu có điên không, để lỡ một cơ hội như thế?  Tại sao, đây là một trường hợp điển hình cho ta chớp lấy thời cơ!"
Nhìn mặt Gottfried lúc ấy mới vui làm sao. Mắt tròn xoe như hai cái dĩa bàn. "Đừng đùa với chuyện thiêng liêng." Anh lắp bắp nói.
Tôi phớt lờ, quay sang Koster. "Otto, từ giả nàng Cadillac nhỏ nhắn của chúng ta. Cô bé không thuộc về chúng ta nữa. Từ giờ trở đi, cô ấy sẽ cho thương nghiệp quần lót vay vẻ đẹp bóng bẩy huy hoàng. Hy vọng cô ấy có một cuộc đời tốt đẹp. Có lẽ sẽ không oai hùng như  khi còn với chúng ta -- nhưng an toàn hơn."
Tôi lôi tờ chi phiếu ra. Lenz gần như ngã quỵ. "Không! Cái gì thế? Cậu định nói là -- đã trả tiền?" anh thều thào, giọng khản đặc.
"Đố mấy anh chàng tay mơ, giá bán là bao nhiêu?" tôi hỏi, ve vẩy tờ chi phiếu. "Đoán đi nào."
"Bốn," Lenz hét to, nhắm mắt.
"Bốn rưởi," Koster nói.
"Năm," Jupp đàng cây xăng, gào lên.
"Năm rưởi," tôi hét to.
Lenz giật tờ chi phiếu từ tay tôi. "Không đời nào. Coi chừng chi phiếu không tiền bảo chứng."
"Herr Lenz," tôi tự hào nói, "chi phiếu ấy xịn cũng y như cậu đang mất hồn. Ông bạn Blumenthal của tớ trị giá gấp hai mười lần số tiền ấy. Bạn tớ, các cậu biết, là người sẽ cùng tớ thưởng thức món cá măng nhồi nấm tối mai. Lấy chuyện ấy làm thí dụ. Thiết lập một tình bạn keo sơn, được trả tiền trước, và được mời ăn tối -- đó là nghệ thuật bán hàng. Bây giờ, cho phép cậu nghĩ chân."
Gottfried cố thu lại bình tỉnh. Anh vớt vát một lần chót. "Quảng cáo của tớ, và lá bùa."
Tôi trả lại anh tấm mề đai. "Thẻ bài đeo cổ chó của cậu đây. Tớ chẳng hề nhớ."
"Cậu bán xe giỏi như thánh, Bob." Koster nói. "Cảm ơn Chúa, chúng ta thanh lý được cái xe trợt tuyết ấy. Với số tiền này, chúng ta khấm khá hẳn."
"Cậu có thể ứng cho tớ năm mươi đồng không?" tôi hỏi.
"Một trăm. Xứng đáng."
"Thế, tớ đoán, cậu không muốn ứng trước cái áo choàng xám của tớ?" Gottfried hỏi, hi hí cặp mắt.
"Thế, cậu muốn nằm nhà thương không, hở cái tên ba đá, khốn khổ, lẽo mép?" tôi phản công.
"Này các cậu, tớ tính là hôm nay mình đóng cửa về sớm," Koster đề nghị. "Chúng mình đã kiếm đủ tiền cho một ngày, và không nên thách thức Chúa. Tập đua với Karl, các cậu nghĩ sao?"
Jupp đã bỏ cây xăng từ lâu. Thằng bé xoa tay hớn hở. "Herr Koster, vậy cháu được toàn quyền, phải không ạ?"
"Không, Jupp," Otto nói, cười vang."Cháu cũng đi theo."
Trước tiên, chúng tôi lái đến ngân hàng, ký thác tấm chi phiếu. Lenz cứ bồn chồn mãi đến khi biết chắc mọi việc êm xuôi. Rồi chúng tôi phóng vun vút đi, tàn lửa bay trong ống thải khói.