ơn không bao giờ chịu dừng lại ở những câu chuyện kể. Em thích tưởng tượng thêm trăm ngàn thứ quanh những câu chuyện em nghe được từ miệng ông già bởi vì những chuyện chiến đấu, những chuyện gặp cọp, gặp beo, những chuyện lạc trong rừng, những chuyện đặt mìn giựt đổ nhào tàu lửa của Tây, chuyện bắn cháy xe tăng địch… chỉ được ông già kể một cách sơ lược bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc, bằng cái trí nhớ đã bị năm tháng làm lu mờ của ông. Cho nên Sơn không mấy bằng lòng với những câu chuyện kể ấy. Chín Quỳ, theo em phải là một người cao lớn chớ không phải “hơi thấp” như ông già mô tả, búi một búi tóc to bằng nắm tay trên đỉnh đầu. Chín Quỳ không bao giờ mặc áo, chỉ mặc một cái khố bằng da cọp, bên hông đeo con dao găm sáng giới. Chín Quỳ đi chân đất nhưng không bao giờ sợ đạp gai hay dẫm phải rắn rít, đá nhọn, mẻ chai vì da bàn chân của ông rất dày, dày như da heo rừng. Ông bước tới đâu là in vết chân tới đó, kể cả bước trên đá cứng. Một hôm Sơn đi câu cá ngựa tận bên cù lao giữa sông, em đã khám phá ra một dấu chân của Chín Quỳ in mờ trên một tảng đá xanh đã bị rêu phủ kín. Em dùng cát chà sạch rêu đi và khoát nước rửa sạch tảng đá. Chín Quỳ đi ngang qua cù lao này lúc ông rượt theo một con cọp lớn.. Con thú hoảng hốt nhảy đại xuống nước bơi qua sông. Chín Quỳ nổi giận nhún mình phóng theo cỡi gọn lên lưng nó. Người và thú tấp lẹ vô cù lao. Hai bên quần thảo nhau. Con cọp lớn như con trâu ghìm xuống thủ thế, cái đuôi của nó đập mạnh trên cỏ gai và lấy đà phóng tới, miệng nhe ra tua tủa răng nhọn. Chín Quỳ lách người qua một bên, thụp xuống thật sâu và đưa mạnh lưỡi dao vô bụng nó nhưng chỉ đâm rách một mảng da. Cọp ta đau quá xoay người nhào vô lần nữa. Lần này, Chín Quỳ không né tránh, ông đứng dạng chân, vũng vàng như một pho tượng đồng đen, chờ cho cái đầu to lớn dữ dằn của chúa sơn lâm lao tới sát mặt mình, ông mới đâm vào cổ nó. Nhưng con cọp dữ vẫn chưa chết, nó hất văng lưỡi dao của ông vào bụi rậm và tát một cái trời giáng vào lưng ông. Chín Quỳ né người, cái tát hụt khiến con thú té nhào xuống đất. Nhưng nó vùng dậy rất nhanh. Máu từ trong cổ nó chảy ròng ròng. Nó lại xông tới. Nhưng Chín Quỳ đã nhảy ra sau lưng nó, nắm chặt lấy cái đuôi dài của nó rị xuống. Cọp ta hoảng hốt cố sức giựt đuôi ra những giựt làm sao được khỏi hai bàn tay cứng như gọng kềm của Chín Quỳ. Thế là nó cứ chạy vòng vòng. Chín Quỳ đứng giữa vòng tròn ấy nắm chắc cái đuôi. Cái đuôi cũng thẳng như sợi dây cáp neo tàu. Con cọp xoay tròn một lúc rồi đuối sức. Máu từ cổ họng nó chảy ra càng lúc càng nhiều, cuối cùng nó quỵ xuống và nằm thở thoi thóp. Từ đó tấm da của nó trở thành y phục của Chín Quỳ. Khi bác Huỳnh Văn Nghệ về vùng rừng núi xã Tân Tịch lập chiến khu thời Nam Bộ kháng chiến 1945 thì Chín Quỳ đã mặc bộ da cọp rồi. Một hôm, bác Nghệ đang họp nghĩa quân lại để bàn kế tập kích đồn giặc thì nghe từ phía ngoài có tiếng hô: -Ai đó? Dừng lại! Vì ánh lửa rừng đêm chập chờn nên người gác không biết kẻ đang đứng trước mặt mình là ai, một người hay nhiều người. Anh lên đạn khẩu súng mút-cơ-tông định bắn, nhưng vừa giương súng lên thì “soạt” một cái bóng đen đã lướt qua và đánh rơi khẩu súng xuống đất. Anh du kích cũng không phải tay vừa. Anh lùi lại thủ thế rồi bất thần xông tới đá mạnh vào hông kẻ địch. Người nọ chụp gọn gót chân anh du kích nhưng thay vì đẩy cho anh té nhào thì lại nhẹ nhàng buông xuống. Lúc ấy nhiều chiến sĩ giải phóng đã cầm một que lửa xông ra bao vây hai người xem chuyện gì. Trong ánh lửa rực sáng hiện ra một người đàn ông cao lớn đen sạm, mình khoác một tấm da cọp, vai mang một cái túi vải. Bác Huỳnh Văn Nghệ hỏi: -Người là ai, đến đây đêm hôm khuya khoắc có việc gì? Người lạ cúi chào người lãnh tụ du kích và nói: -Tôi là Chín Quỳ, đêm nay đến đây xin tặng nghĩa quân một món quà. Nói xong Chín Quỳ mở cái bao vài, dốc ngược miệng bao xuống. Một chiếc đầu lâu lăn lông lốc dưới lớp đá khô của rừng. Mọi người trố mắt ra nhìn. Ðó là đầu của một thằng giặc Pháp mũi lõ, mắt xanh trợn trừng, tóc vàng dính đầy máu. Chín Quỳ nói: -Ðó là thằng trưởng đồn Tây ở ga Gia Huynh. Ðó là lễ vật tôi mang đến để xin gia nhập vào nghĩa quân của tướng quân. Nghe Chín Quỳ gọi mình bằng tướng quân, bác Nghệ thấy ngồ ngộ. Nhưng được một người như Chín Quỳ thì bác và anh em đều quá mừng rỡ. Bác nói: -Tôi nghe danh anh đã lâu nay mới được hân hạnh gặp mặt. Lúc nãy anh em bảo vệ vì không biết nên có nhiều thiếu sót, xin anh bỏ qua cho. Rồi bác Nghệ bước tới nắm tay Chín Quỳ đưa vào trong. Chín Quỳ dự luôn cuộc họp bàn đánh Tây đêm đó. Nhưng Chín Quỳ không chủ trương đánh ban đêm. Kế hoạch của ông rất táo bạo. Ngày hôm sau, ông đi vào sâu trong rừng săn cọp. Gần sáng ngày hôm sau nữa ông mới hạ được một tay chúa tể sơn lâm khá to. Ông vác nó lên vai và đi thẳng tới đồn giặc. Ðó là lần đầu tiên ông cởi bỏ bộ áo da cọp nổi tiếng của mình để khoác lên mình bộ quần áo vải thô của người thợ săn. Chín Quỳ vác cọp vào đồn giặc đúng vào giữa trưa. Bọn giặc thấy cọp khoái quá xúm lại coi rất đông. Chín Quỳ ba hoa về chuỵện săn bắn, mô tả tỉ mỉ cuộc theo dõi, săn lùng và bắn hạ con cọp ra sao. Bọn giặc thích chí cười vui vẻ. Ðồn trưởng là một thằng Tây cũng đến coi cọp, nó dẫn theo cả con vợ đầm của nó nữa. Chín Quỳ nói: -Người Việt chúng tôi có nấu một loại cao từ xương cọp gọi là cao hổ cốt. Cao này không phải ai nấu cũng được đâu. Phải bắt cho được một con cọp nguyên vẹn đem về lóc thịt da, lấy nguyên bộ xương, không thiếu một đốt xương nào. Ðem nguyên bộ xương đó nấu lên thành một thứ cao đặc, trong suốt và đỏ óng lên như mật ong. Ðó mới là thứ cao tốt. Ông già bà lão tay chân run rẩy, uống vô một lạng là tráng kiện như thanh niên. Người nào ốm yếu gầy còm uống cao hổ cốt thì được mập mạnh, ăn được, ngủ ngon, lên cân, tăng lực…. Chín Quỳ nói một hơi làm thằng thông ngôn dịch toát mồ hôi thằng Tây mới hiểu được đôi chút. Giữa lúc bọn giặc đang say sưa nghe thì súng từ bốn phía nổ ran. Nghĩa quân bất ngờ tập kích ào ạt. Chín Quỳ lẹ làng nhảy tới kẹp cổ thằng trưởng đồn Tây, rút con dao găm ra kề cổ nó: -Ra lệnh hàng đi, tao tha chết. Con mẹ đầm ngất xỉu. Lũ lính vừa định ra tay thì đã bị thằngTâytrưởng đồn xua tay: -Bỏ súng xuống. Lúc ấy nghĩa quân bên ngoài tràn vô. Tụi lính tay sai hàng hết. Bác Nghệ tha cho họ về nhà nhưng có một số xin theo cách mạng. Bác Nghệ nhận họ, còn thằng Tây và mụ đầm thì trói lại dẫn đi. Dẫn đi đâu? Sơn suy nghĩ. Lúc đó chiến khu Ð chỉ có một đội du kích hoạt động, đâu có trại giam nào đâu, hay là cứ nhốt đại trong rừng, khi nào cần thì mình trao đổi tù binh chớ. Ông già không kể vụ bắt vợ chồng thằng Tây, chỉ nói hạ đồn giặc thôi nhưng Sơn thì khoái bắt Tây nên nó tưởng tượng ra thằng Tây và mụ đầm nhưng bắt chúng nó rồi lấy gì nuôi chúng, bánh mì và bơ sữa đâu mà nuôi chúng. Nhưng thôi, không lo, một người tài giỏi như Chín Quỳ thì ắt phải có cách giải quyết. Ông già kể tiếp: Tháng 11 năm 1947, đội quân chiến khu Ð đánh tập kích một đoàn xe địch ở Ðồng Xoài. Ðoàn xe gồm hai mươi chiếc, có hai xe bọc thép đi hộ tống, một cái đi đầu, một cái đi đuôi. Ðang chạy ngon lành thình lình chiếc xe bọc thép đi đầu cán mìn tự tạo nổ tung. Thực ra thì chiếc xe không nổ tung vì cái mìn tự tạo này làm bằng một cái đầu đạn 75 ly, anh em du kích đã lấy được và chế thành cái mìn. Vì thế mà khi chiếc xe bọc thép cán phải nó thì bị lật nghiêng không chạy được nữa. Thằng lái xe vừa ở trong xe chui ra thì bị Chín Quỳ bấm cò chiếc ná mọi. Mũi tên tẩm thuốc độc cắm phập vào ngực nó. Nó kêu rú lên một tiếng rồi giãy chết. Hai mươi chiếc xe quân sự chạy sau hoảng hốt thắng gấp lại. Bọn lính trên xe nhảy xuống chạy vô rừng. Vài chiếc cố lách tránh xe bọc thép để chạy tới nhưng đã bị quân ta bắn tỉa bằng ná mọi từ trong bụi rậm, trên các nhánh cây bắn ra. -Tách. -Tách. Không cần nổ to ồn ào vô ích, chỉ cần tách. tách. Vài tiếng nhẹ nhàng là tụi lính rú lên. Tuy nhiên cũng có một số xe chạy được về tới Ðồng Xoài. Chúng đem viện minh tới. Ðó là một tốp ba xe bọc sắt kềnh càng như con bọ hung. Quân ta chỉ có súng mút-cơ-tông và vài chục viên đạn nhưng vừa thấy xe tăng địch đến, Chín Quỳ giả cách la lên: -Ðiều ba-dô-ka đến mau. Nghe nói tới ba-dô-ka bọn bọ hung tưởng thiệt sợ quá quay đầu bỏ chạy. Thật đáng tiếc. Sơn nghĩ, giá mà lúc đó mình có một khẩu B40 là ngon lành. Mình sẽ bắn theo một trái cho chúng thành đống sắt vụn luôn. Nhưng cũng chưa đã, phải có trực thăng trang bị tên lửa mới ngon. Khi ba chiếc xe bọc thép tháo chạy, mình sẽ lái máy bay trực thăng bốc lên rượt theo. Ở dưới đất chúng bắn lên nhưng ăn thua gì, mình sẽ bay thật cao và phóng xuống mấy cái tên lửa là chúng đi đời. Sau đó, mình sẽ bay thằng tới Ðồng Xoài. Thế nào hai đoàn xe quân sự chúng nó cũng đậu ở trại lính, mình dứt luôn. Chỉ cần một tên lửa xẹt xuống, trúng ngay bình xăng là bùng, ngọn lửa sẽ bốc lên cháy dữ dội. Còn trận La Ngà nữa. Trận đó trung đoàn 310 đánh lớn với quân Pháp. Ta thắng nhanh quá nên số lương thực dự trữ còn dư cả mấy tấn. Quân phải triển khai hành quân nhanh nên không kịp mang chừng ấy gạo dư theo. Một đồng chí được cử ở lại trông coi số gạo đó, ngay giữa rừng, gần ngã ba sông Ðồng Nai và La Ngà. Ðó có phải là Chín Quỳ không? -Không. Cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta thần kỳ lắm, nhiều anh hùng dũng sĩ tài ba lắm, không phải chỉ có một mình Chín Quỳ. Chiến trường ở chiến khu Ð cũng ngày càng ác liệt, lực lượng ta ở chiến khu Ð cũng ngày càng lớn mạnh không ngừng chớ đâu phải chỉ có mỗi một đội du kích của bác Huỳnh Văn Nghệ và Chín Quỳ thôi sao? -Vậy người đồng chí coi kho gạo ở trong rừng là ở đơn vị nào? Tên gì? -Tên thì không ai còn nhớ, nhưng đơn vị thì là trung đoàn 310, lúc nãy qua đã nói rồi. Trung đoàn ấy sau này được phân ra thành nhiều đơn vị, chính vì thế mà không còn ai nhớ đến người du kích và hai tấn gạo còn lại trong rừng sâu. Bảy năm trôi qua. Ngày kia, một đơn vị vũ trang của tỉnh Biên Hòa hành quân qua vùng rừng chiến khu Ð. Ðã hai hôm, đơn vị này cạn hết lương thực, mọi người phải ăn lá cây và quả rừng để cầm hơi nhưng ai cũng đói lả, không còn đủ sức để đi nữa. Thình lình họ nghe tiếng cu cườm gáy. Kinh nghiệm cho biết hễ nơi nào có cu cườm gáy là nới đó có người ở. Thế là anh em bộ đội mò tới. Nhưng họ cũng tiến tới một cách thận trọng. Qua đám lá họ nhìn thấy một sinh vật gì cao lớn, tóc dài phủ xuống tới quá gối, râu dài chấm đất, hình thù cổ quái. Nhìn kỹ thì sinh vật này không mặc quần áo chỉ có một tấm da thú quấn quanh hông. Tuy vậy, tóc và râu đã che kín tất cả. Sinh vật ấy đang xách một cái lồng cu mồi và cây sào dài. Anh em bộ đội bảo nhau: -Một con vượn người hay người tiền sử còn sót lại? -Ðể xem. Sinh vật ấy rướn người đưa cây sào có mắc lồng cu mồi lên nhành cây cao. Trong tư thế rướn người ấy sinh vật đã để lộ một mảng da bụng tuy sạm đen nhưng rõ ràng là da người. Anh em bộ đội bảo nhau: -Hình như là một con người. -Ta bắt đi. Thế là anh em xông vô chĩa súng vào ngực: -Giơ tay lên! Sinh vật nọ đưa thẳng hai tay lên trời, nhưng không phải để đầu hàng mà để reo lên bằng tiếng người -Trời ơi, các đồng chí! Rồi người ấy bật khóc. Anh em bộ đội sững sờ. Người nọ vén tóc lên, để lộ một khuôn mặt người. Lúc ấy người và người mới cầm tay nhau. Người cjiến sĩ cách mạng ấy đã sống một mình trong rừng sâu suốt bảy năm trời để bảo vệ kho gạo chờ quân mình đến. Nhưng chiến tranh có rất nhiều cái bất ngờ ngoài ý muốn. Ðơn vị của anh sau trận La Ngà đã được phân tán ra, bổ sung cho nhiều đơn vị khác. Ðồng đội anh ai cũng tưởng là anh đã trở về và được điều đến bổ sung cho một đơn vị nào đó nhưng không ai ngờ anh vẫn còn ở trong rừng. Anh thì không hiểu được trường hợp đặc biệt ấy. Anh vẫn chờ đợi, một tháng rồi hai tháng, rồi mười tháng, một năm rồi hai năm… Anh cứ chờ đợi. Ðã bao lần anh muốn bỏ kho gạo để tìm về với xã hội loài người, với đồng đội nhưng kho gạo là sinh mạng của cả một đoàn quân, đó là sự sống mà cách mạng và nhân dân đã giao phó trong tay anh, anh đâu dám bỏ nó lại giữa rừng. Thế là anh cứ ở lại chờ đợi. Anh một mình chặt cây, cất một cái nhà kho rồi lại phải phá đi để cất một cái khác cao hơn để bảo vệ gạo trong mùa mưa lũ, bảo vệ gạo khỏi bị chuột rừng, chim rừng phá phách, khỏi bị sâu mọt tác hại…. Năm tháng trôi qua. Quần áo anh đã rách hết, râu tóc anh đã mọc dài ra, trông anh cổ quái như một người rừng tiền sử. Ngoại hình anh đã thay đổi đến đồng loại, đồng chí của mình cũng không nhận ra, nhưng tấm lòng trung kiên của anh vẫn không bao giờ thay đổi. Bảy năm trời anh vẫn sống bằng củ mài, củ năng, muông thú, anh không dám động đến một hạt gạo nuôi quân, vì anh biết cuộc kháng chiến còn dài, còn nhiều gian khổ. Những người bộ đội trẻ ngồi nghe anh kể chuyện bên nồi cơm bốc khói thơm lừng mà rưng rưng nước mắt. Họ đã đói lả mấy ngày qua nhưng không ai ăn uống vồ vập. Họ trân trọng từng hạt cơm đầy tình nghĩa vì họ biết trong mỗi hạt cơm đều có cả tấm lòng của người chiến sĩ trung kiên ấy.