ăn có những kỷ niệm không mấy êm đềm về những cái răng của mình. Kỷ niệm xưa nhất lảng vảng vào chặng chàng lên chín, mười tuổi. Lúc bấy giờ, dù nhỏ, chàng đã phải đóng vai một cậu học sinh đi trọ học ở trường Huyện. Mỗi tuần về thăm nhà một lần vào chiều thứ Bảy, chàng đã vừa đi vừa chạy để nuốt cho hết quãng đường dài hơn ba cây số cốt sao cho đến bến đò Cây Dừa mặt trời vừa lặn. Đoạn đường từ xóm Bình Hòa ra đến bến đò là một bãi cát rộng đầy bụi gai xương rồng và mồ mả. Từng chặng nổi lên một cây mù-u hay một bụi tre. Sự có mặt của những chòm cây lớn không giảm bớt cái không khí hoang lạnh ma quái của bãi cát vắng. Thỉnh thoảng một bông vú dẻ đưa hương ngọt ngào nhưng Văn không dám dừng lại hái. Chàng lầm lũi bước, tầm mắt cố khép lại ở ngang hai rìa đường và lưng chàng như tê cứng. Tiếng “rẹt” của con rắn mối chạy vội vã vào bụi rậm đủ làm cho một luồng máu lạnh dâng lên chạy tràn ra khắp lưng. Chàng giữ để khỏi nhìn ra đằng sau lưng. Chàng nghĩ, nếu lỡ nhìn ra sau, chàng sẽ hoặc ù té chạy hoặc ngất đi nên chàng nắm chặt sự can đảm trong hai bàn tay nhỏ, cúi nhìn xuống từng hòn đá dưới chân và chú ý chỉ nghe tiếng chân mình sào sạo trên sỏi. Bé bỏng và nhút nhát chừng ấy mà Văn đã phải một mình chống chọi với một cái răng sâu khi xa nhà. Mỗi lần răng nhức, chàng vào nằm ở bộ ván sát vách cong lưng và co quắp chân lại áp phía có răng sâu xuống gối. Chàng cố gắng ngủ, bỏ những bữa cơm trưa cơm tối. Chủ nhà trọ thấy vắng chàng ở bữa cơm, lơ đãng hỏi: - Thằng Văn sao không đi ăn cơm? Tiếng một đứa bạn ở trọ trả lời cũng một cách lơ đãng: - Thưa thím nó nhức răng. - Tội chưa. Và tiếp theo là tiếng bát đũa va vào nhau, tiếng húp canh xì xoạt, tiếng cười nói ồn ào. Những buổi tối, Văn nằm im ôm cái má có răng nhức đưa mắt lén nhìn gia đình sum họp của người chủ trọ. Lũ con của nhà chủ quây quần xung quanh cha mẹ. Thằng Tư lên 5 tuổi kéo em nó để đòi má bế. Con Ngọc lên 9 tuổi mà được cha nó vuốt tóc và kiểm soát tai, mũi: - Ơ này mình ơi, sao tai con Ngọc có cái mụt gì thế này? - Đâu? Đâu nào? Bà chủ trọ lật đật bỏ con nhỏ xuống, kéo đứa chị lại gần mình để xem xét cái tai. Đôi mắt nheo nheo đầy tình trìu mến. Xem xét sờ mó một lát, bà mỉm cười: - Cái mụt cóc nó có từ hồi 5 tuổi. Nói đoạn bà cúi xuống hôn tóc con rồi vội đẩy con ra: - Mồ tổ cha mày, cái đầu chua lét. Trưa mai nhắc má gội cho. Sự đầm ấm trong gia đình người làm cho Văn tủi thân. Nó mường tượng đến quê hương nó, đến con đường của xóm Lò Gốm đầy đá và mẻ sành, đến cái cổng nhà nó, đến cái bàn cái ghế, con chó, cái giếng, đến cha mẹ và lũ em nó. Ôi! Bao nhiêu là đầm ấm, thế mà nó phải nằm một mình ở đây, ôm một cái răng nhức và chỉ biết đợi cho cái răng tự ý êm đi. Giá ở nhà, nó sẽ đi lại cái bàn kê ở đầu giường lấy lọ dầu Nhị Thiên chấm một giọt nhỏ vào lỗ răng. Thơm, cay và đỡ nhức biết bao! Trong cái khay đặt trên bàn đó sao mà lắm dầu, lắm thuốc dầu chanh, dầu chổi, dầu cù là, dầu bạc hà, an-côn đờ măng (1 ) Nó thèm thuồng mà nghĩ rằng một thứ dầu nào trong số những lọ dầu kia cũng đủ sức để làm mất cơn đau. Ở đây thì không có gì cả, không có món gì dự trữ trong nhà. Nước mắm, dầu hỏa mà cũng sai con xách chai đi mua ở hàng quán. Ở nhà nó, nó không hề nghe đến tiếng “hết”. Không hiểu vì sao mà chai luôn luôn có dầu có nước mắm, tỉn luôn luôn có bột có đường, khạp luôn luôn có gạo. Sự sung túc ấy Văn phải giã từ để sống cuộc đời trọ học thiếu thốn khắc khổ, nhất là những khi ốm đau. Sự suy nghĩ miên man làm nó quên bớt đau và nó ngủ hồi nào không hay. Cái răng sâu ấy sau đó không biết do ai nhổ. Có những kỷ niệm rõ ràng nằm ôm răng nhức mà lại không nhớ cái kềm nào đã thò vào để nhổ cái răng ấy đi, thật cũng lạ. Bẵng đi một thời gian dài, cuộc sống không bị đánh dấu bởi những cuộc nhức răng nữa. Năm mười chín hai mươi tuổi, rút kinh nghiệm những cái răng sâu thuở nhỏ, Văn nhìn cái răng hàm có chấm đen một cách nghi ngờ. Làm hư răng là những cái chấm có bề ngoài hiền lành vô hại này. Có phương tiện để lo xa, - lúc bấy giờ chàng đang ở Hà Nội, - chàng ghé lại mấy hiệu chữa răng trồng răng, Minh Sinh hay Kim Sinh gì đó. Hiệu nào bề ngoài trông cũng qui mô rực rỡ. Những hình vẽ hàm răng bổ ngang bổ dọc với gân đỏ, gân xanh có vẻ như dọa nạt chủ nhân của những chiếc răng hư. Vừa bước vào hiệu, chàng bị chủ nhân xoắn lấy. Rồi thì miệng ba hoa, tay múa may, chủ nhân giảng cho chàng nghe tất cả những sự hiểm nguy của một vết đen trên răng, những hiểm nguy có thật do khoa học tuyên bố và những hiểm nguy tưởng tượng do chủ nhân tự bày đặt lấy. Tiếp theo, chủ nhân bưng ra một khay đựng đầy những dụng cụ mạ kền trắng tinh trong đó có mọi thứ kềm đủ cỡ. Chủ nhân lấy đưa chàng coi một cái kim mảnh mà dài vừa nói một cách long trọng: - Tôi sẽ lấy “ne” (nerf) (1 ) cho ông. Sự biểu diễn quá chu đáo khiến Văn đâm ra nghi ngại. Chàng lén nhìn sang cái môi dày của nhà khoa học, - tức chủ nhân, - đôi hàm răng khập khễnh và cặp mắt ti hí. Nhìn rộng ra khuôn mặt, chàng thấy khó lòng có một điểm thông minh nhỏ lạc loài ở một vị trí nào trên khuôn mặt đó. Đưa mắt nhìn rộng hơn, chàng kết luận rằng chỉ có cái áo blouse trắng mà chủ nhân khoác, cái ghế ngồi dành cho nạn nhân và cái khay đựng kềm đủ cỡ là có tính chất khoa học mà thôi. Chàng phải lật đật vừa đứng dậy vừa nói: - Hôm nay tôi đến hỏi thăm cách chữa của ông. Sáng mai tôi sẽ lại. Chủ nhân cũng lật đật vui vẻ: - Vâng. Sáng mai xin mời ông trở lại. Chúng tôi làm việc rất cẩn thận nên rất được tín nhiệm. Vâng. Kính chào ông… Vâng… Văn không biết tiếng “vâng” cuối cùng là tiếng nhận lời chào của chàng hay tiếng “vâng” chuyển mạch quen miệng của anh nha sĩ. Nhưng chàng biết chắc chắn là mình vừa thoát nạn. Sau đó, một người bạn quen mách chàng: -Răng “toa” mới có chấm đen, đừng đến nha sĩ tốn tiền. “Toa” ghé lại phân khoa nha y của trường Thuốc ở ngang góc đường Tràng Tiền Hội Vũ. Ở đấy có giáo sư chuyên môn dạy cho các sinh viên nha khoa. Sinh viên họ chữa cho dưới sự chỉ dẫn của giáo sư. Lời đề nghị nghe rất hợp lý, Văn nghe theo. Chàng đến đúng giờ làm việc của phân khoa và sốt ruột ngồi ở phòng đợi, chờ đến phiên mình. Để giải trí, chàng để ý đến mọi chi tiết nhỏ xung quanh. Thú vị nhất có lẽ là khi nhìn cái anh sinh viên mang kính, mỗi lần gọi tên người bệnh thì gọi rất nhỏ và gọi giọng Tây. Gọi giọng Tây nghĩa là đánh vần các tên Việt Nam một cách khó nhọc vì gặp những vần ngớ ngẩn và những dấu giọng kỳ quái. Chẳng hạn vần uyên, oach… dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng. Anh sinh viên chừng đã nhẫn nại hết sức mới giữ cho khỏi phẫn nộ vì những cái tên oái oăm. Ngược lại anh, ông giáo sư người Pháp của anh thì hình như bất cần những băn khoăn hình thức đó. Ông bận sơ mi ngắn, quần tây cụt, mang xăng-đan đi đi lại lại không nhìn ai. Lũ lông lá đen ngòm trên cánh tay, trên ống chân cũng thản nhiên phô bày không ngượng nghịu, không giấu giếm, không kiểu cách. Chị sinh viên áo hoa cà dáng chừng con nhà quí phái nên nhìn cái răng nào của ai cũng tỏ vẻ khó chịu. Tiếc thay người ta lại chỉ đem răng - mà toàn những răng hư hỏng - đến cho chị săn sóc nên chị không biết làm cách nào khác. Cái nhún vai và cái bĩu môi lặp đi lặp lại một cách đều đặn, cuối cùng, Văn coi như là một cử chỉ chào đặc biệt của chị, chào những cái răng mới tới. Văn được một chị sinh viên thân hình cục mịch mặt mũi hơi xấu xí mời vào ghế da. Chàng băn khoăn không biết như thế là may hay rủi. Người xấu xí thường làm việc rất tận tâm nhưng cũng có thể rất dễ cáu. Chị bắt chàng há miệng, liếc nhìn cái răng một cách lạnh lùng rồi cho máy khoan vào nạo. Văn sợ sự tàn nhẫn của hai bàn tay trả thù, vì một người không đẹp thì có rất nhiều mối thù, thù những người đẹp, thù ông trời, thù cha mẹ, thù cả những vật, những người không can dự gì đến sắc đẹp của họ hết. Sau mười phút hồi hộp, lo lắng, chàng được giải phóng. Về đến nhà trọ chàng lật đật đem gương ra soi xem thì thấy một đường trám trắng tinh nằm giữa răng. Màu trắng tinh sạch có đủ tính chất khoa học làm chàng yên tâm và tin tưởng. Đi giữa phố đông đảo chàng có cái thú hiên ngang của một người lành mạnh. Nhưng cái thú ấy hưởng không được lâu. Chừng hai tháng, thứ xi măng trám tuy vẫn giữ y màu trắng nhưng bị mòn đi, trũng xuống. Chàng chưa kịp đưa ra đi trám lại thì chiến tranh bùng nổ phải chạy tản cư về quê. Cuộc chiến kéo dài, cái răng lủng dần, sâu rộng ra, hóa thành cái răng sâu thật sự. Thế là như mười mấy năm trước, sự vui buồn của chàng vốn chịu lệ thuộc ở nhiều điều kiện, nay lại lệ thuộc thêm ở cái răng hoặc êm hoặc nhức. Thật vô lý hết sức là những cái răng sâu. (1) alcool de menthe: dầu bạc hà Nó nhức bất ngờ cũng như nó êm không hẹn trước. Sáng ngủ dậy cảm thấy rêm rêm mà tìm mãi nhất định không thấy lý do vì đâu. Nhức nhối tưởng có thể vỡ đầu ra được, thế mà nằm ngủ một giấc, - giấc ngủ đầy những mộng mị, cố nhiên, - sáng ra thấy êm ả y như chẳng có việc gì vừa xảy ra hết. Sự bình thản êm đềm ấy có một vẻ gì dối trá giống như một buổi sáng tươi nắng sau một đêm giông tố. Văn chịu đựng sự hành hạ độc đoán của cái răng mà không đòi hỏi gì ở nó hết. Nó không còn đủ khả năng để nhai nữa. Nó cũng không đóng vai “có mặt” như những cái răng cửa mà nhiều khi người ta giữ lại với một mục đích là để kín hàm răng. Mặc dù vậy, nó vẫn cứ bể lần, bể lần. Cho đến một ngày nào đó trong cái năm kháng chiến không biết thứ mấy, Văn phải giao nó cho cái kềm của ông bác sĩ. Sự phân khoa học của ngành y học hiện đại chỉ cho phép ông bác sĩ toàn khoa nhổ được răng chớ không chữa được răng. Chàng yên tâm vứt bỏ nó mà không phản kháng gì hết vì sống bấp bênh giữa chiến tranh người ta không có quyền lựa chọn. Vả lại một cái răng thì có nghĩa gì khi cả cuộc đời một người cũng có thể dễ dàng bị xóa bỏ trong một vụ thả bom, trong một cuộc càn quét. Huống chi đời sống kham khổ trong khói lửa đâu để cho người ta có thì giờ và có phương tiện nghĩ đến những bộ phận phụ thuộc của con người như “cái răng cái tóc”. Tuy vậy, sau đó khi một cái răng cửa mẻ đi một cạnh, Văn không giữ nổi bình tĩnh nữa. Chàng phải đi Bồng Sơn cậy một người thợ trồng răng người Trung Hoa. Đó là người thợ giỏi nhất, theo như lời nhiều người giới thiệu. Anh ta nạo bỏ cái phần sâu của răng và bịt vàng viền xung quanh. Lần này Văn tin cậy một cách rất tương đối ở lối chữa đó của anh thợ. Nạo lớp sâu mà không có thuốc gì khử được sâu đi thì tai họa chỉ bớt đi, làm cho chậm xảy đến chớ không phải là hoàn toàn rạch bỏ tai họa. Nhưng vì lối chữa đó là độc nhất nên chàng phải tạm bằng lòng. Những lúc này, chàng thấy ước muốn được chữa bởi mấy anh chị sinh viên cẩu thả ngày trước. Vì dẫu sao họ cũng còn phân biệt được thế nào là cẩu thả phản khoa học thế nào là khoa học thật. Nếu họ không làm chu đáo là vì họ không muốn làm chớ không phải là vì họ không biết làm. Còn người thợ này thì chắc chắn là anh ta chỉ nhờ cậy ở trực giác, và nếu may mà có thì giờ ở kinh nghiệm. Hai năm… Ba năm trôi qua. Thỉnh thoảng nhìn vào gương chàng dò xét cái răng và ngạc nhiên thấy nó không bị sâu thêm. Mặt răng vẫn một màu ngà trắng. Chàng lạc quan kết luận: Anh thợ Trung Hoa coi vậy mà làm nên việc. Sự luộm thuộm phản khoa học không ngờ lại đem lại kết quả tốt. Nếu không nạo sâu và viền vàng, cái răng dễ đã hư mất từ lâu rồi. Và chàng thầm hẹn: Đừng bao giờ vội kết luận khi vấn đề chưa kinh quá thời gian. Sau đó, chiến tranh chấm dứt. Cuộc sống có đủ tiện nghi trở lại. Cái viền vàng của kỹ thuật thời tiền chiến bị xem là lạc hậu so với kỹ thuật răng xương vặn pi-vô, cũng như những mái tóc chải vồng, những mái tóc bỏ vào lưới rất hợp thời thuở tiền chiến đã bị thay đi bằng những mái tóc uốn quăn nhuộm màu. Văn không muốn chạy theo thời trang nhưng mối băn khoăn vì cái răng chưa được chữa kỹ thỉnh thoảng vẫn ám ảnh chàng. Một buổi chiều thứ bảy rảnh việc chàng đi rong chơi thành phố. Qua một ngã tư, vì phải đợi một đoàn xe dài chạy nối đuôi nhau, chàng lưu ý đến một tấm bảng Nha sĩ quen quen. Nơi này trước kia lại là một hàng giải khát có khá đông nữ chiêu đãi viên. Chàng tò mò nhìn con đường rãi sỏi dẫn vào nhà, cái giàn hoa ti-gôn màu vàng nhạt. Nhớ tới cái răng hôm qua hơi ê và bực mình vì đoàn xe rầm rộ chạy không dứt, chàng bước vào phòng nha sĩ. Khi ngồi vào ghế da, chàng chỉ cái răng và kể tiểu sử của nó. Nha sĩ lắng tai nghe. Đó là một người dong dỏng cao, mắt nhỏ và tròn. Nét mặt có một vẻ nghẹn ngào bằng lòng, dễ dãi và cam chịu. Người này lúc nhỏ đi học chắc thường bị chúng bạn ăn hiếp. Đôi má nhếch lên theo thói quen và nếp nhăn ở đôi mắt như chuẩn bị để nhăn theo một cái cười giải hòa. Hàm rộng khá rậm râu, chân râu vào buổi chiều đâm tua tủa. Nghe chàng trình bày xong nha sĩ thò kềm tháo cái viền vàng, lấy cái châm nhọn do thám kẽ răng rồi đột nhiên nói: - Ở dưới nuớu răng của ông có mọc một cái mụt. - Vâng, tôi biết. - Cái mụt mọc đã bao lâu? Ý tôi muốn nói lần đầu tiên một cái mụt như thế mọc ra, ông nhớ lại xem cách đây bao lâu? Văn ngần ngừ tính toán một lát nhưng quả tình chàng không nhớ rõ bao lâu. Chắc đã có từ lâu lắm nhưng nghĩ ngượng ngượng, chàng nói: - Chắc chừng 5, 6 tháng. Nha sĩ đứng xích ra và nghiêm trọng nói: - Ông cần rọi điện và chụp hình hàm răng. Văn ngạc nhiên như mình vừa nghe lầm. Nha sĩ chừng quen với những phản ứng im lặng như vậy của bệnh nhân nên điềm tĩnh giảng giải: - Cái mụt mọc ở mãi trong này khiến tôi nghi ngại là xương hàm bị có mủ. Sâu răng nó không ăn ra ngoài răng được nên nó ăn vào xương hàm. Phải rọi điện và chụp hình thì mới biết chắc mà chữa. Thế là chàng từ phòng nha sĩ đi ra, tay cầm tờ giấy giới thiệu đi rọi điện. Lại vô lý hết sức là cái răng, - chàng bực tức nghĩ. Tưởng nhờ nha sĩ băng thuốc, lấy gân máu rồi cưa tra răng xương vào, công việc dễ dàng và đơn giản như vậy, ai ngờ lại đi tìm thêm sự rắc rối. Mà cái răng có vẻ đòi hỏi gì cho cam! Nó vẫn tử tế như thường ngày. Con mắt xoi mói đa nghi của nhà khoa học để vào đâu là y như họ thấy tai nạn có thể xảy ra từng chuỗi. Nhưng đã trót nghe trót biết, chàng phải làm y theo lời nha sĩ vậy. Chiều hôm đó chàng đến phòng mạch của bác sĩ rọi điện. Khi xe lái vào dưỡng đường, chàng lưu ý xem trên đường có những người quen nào thấy mình chăng. Chàng ngại bị bắt gặp bước vào một phòng khám bệnh. Chàng lấy dáng mạnh bạo, vẻ mặt vui tươi bình tĩnh bước vào. Y như một người đi thăm người bệnh hoặc mình là bạn đến thăm ông bác sĩ. Ở phòng đợi nhiều người đàn bà ngồi. Có người bình tĩnh như ngồi đợi một chuyến tàu. Có lẽ bệnh hoạn đối với họ đã quen thuộc. Một người đàn bà có mang bế một đứa bé gái chừng 2 tuổi. Đứa bé khóc, quấy, đứng dậy ngồi xuống bà người đàn bà nhẫn nại chiều theo mọi cử động của con, miệng không ngớt dỗ dành. Đôi mắt người đàn bà chỉ nhìn xuống con và nhìn xuống đất. Thỉnh thoảng khi con thét lên thì đôi mắt ấy liếc nhanh qua hàng ghế trước mặt như ngầm xin lỗi. Văn thấy quả đáng tội nghiệp là những người đàn bà. Họ nhận hết những phiền phức, những tội lỗi về họ. Trước mặt chàng, một người đàn ông cũng đang ngồi đợi. Vẻ mặt buồn và dáng ngồi khép nép nhu mì. Sự cô đơn, dù vậy, vẫn chứa một vẻ gì ích kỷ. Khi đau ốm, người đàn ông thường chỉ lo cho thân mình, còn người đàn bà đa mang hơn. Đó là một vấn đề phân công, chàng biết vậy, nhưng chàng vẫn cảm thấy mình thiếu thốn bổn phận hết sức khi nhìn những người đàn bà bận rộn kia. Một tiếng phanh xe xích lô lách cách vang lên. Lại một người đàn bà bế con bước xuống. Bộ quần áo nhầu nát và cái chăn quấn con bẩn thỉu phù hợp với vẻ mặt cằn cỗi tối tăm vì nghèo. Đứng một lát thấy mỏi chân, chàng ghé ngồi xuống một đầu chiếc băng gỗ. Vừa ngồi chàng vừa thầm trách mình: trong sự lo lắng vì bệnh tật, mình còn phân biệt sự sang hèn của chỗ ngồi. Ừ, mà thật vậy, những cái băng gỗ sơn xanh như thẹn thùng vì không nhận được những người khách sang trọng. Người đàn ông độc nhất ăn mặc đứng đắn là chàng thì chắp tay sau lưng đi đi lại lại, hết nhìn những tấm phim rọi phổi, rọi xương sống, vỏ não, tử cung…, đến lẩm nhẩm đọc hết mọi chi tiết quảng cáo thuật “đẻ không đau”. Những người đàn bà đẹp và sang trọng không thấy ngồi ở cái băng bình dân ấy. Họ bước xuống xe, đi thẳng lại cửa kính gõ nhẹ vài cái, tức thì cửa kính hé ra, đớp mất họ rồi khép kín, im ỉm. Những người ngồi ngoài càng thấy mình nhẫn nại và cam chịu. Một người đàn bà dáng chừng đanh đá, không chịu thua, bước tới đứng chực sẵn ở cửa. Khi cửa hé nhả ra một bệnh nhân tươi tỉnh thì người đàn bà xông vào không để cô y tá kịp giữ lại. Và cánh cửa lại khép. Vừa đến sau, vừa không phải là người đẹp, Văn đành ngồi tẩn mẩn thương hại vẩn vơ cho con người phải tranh giành nhau cả trong những trường hợp không thích thú gì cho lắm. Khi cô y tá lách mình ra mời chàng vào, sự hồi hộp làm chàng hơi choáng váng. Một cái răng, một mảnh xương hàm giá trị thật không bao nhiêu so với những hồi khám phổi khám tim nhưng vì nó có giữ những bí mật nên nó cứ gây ra hy vọng và thất vọng liên tiếp. Sự hồi hộp quá dễ dãi khiến chàng hơi bực mình. Khi nằm lên cái bàn dài ở phòng tối, chàng khó chịu nhìn cái máy đồ sộ mà ông bác sĩ cho chạy nhè nhẹ từ trên cao áp gần xuống mặt chàng. Đây là cái máy nói sự thật, những sự thật thường là khiếp đảm, những sự thật phũ phàng phá vỡ hạnh phúc của những đời người. Nhưng niềm lo lắng của Văn vụt nhiên thấy nhẹ đi, như loãng ra khi chàng liên tưởng đến những bệnh nhân mang những bệnh trầm trọng đã từng nằm dưới cái máy này, đã đứng trước cái máy này. Tiếng ông bác sĩ vang nhè nhẹ trong cái khí lạnh âm u: - Ông nằm có thấy khó chịu không? Cái gối để như thế có vừa không? Tiếng trả lời của chàng như tắt nghẽn: - Vâng… Tốt… Được. - Ông há miệng to ra. Đúng là cái răng này đấy nhé? Ông để hai ngón tay giữ dùm miếng phim này. Vâng. Vâng. Giữ chặt như thế… Vâng. Ông yên lặng… Xong rồi. Mọi việc xong trong nháy mắt. Cái phút quan trọng đã qua rồi. Khi ra bàn giấy để trả tiền, chàng lưu ý nhìn ông bác sĩ và các cô y tá. Những người này tràn đầy sức khỏe giữa bầy bệnh nhân đang vây quanh họ. Chắc họ dễ cảm thấy họ sung sướng và yêu đời khi hàng ngày va chạm với toàn những người đau khổ. Hạnh phúc là một ý niệm tương đối. Vậy làm y tá chắc là dễ bằng lòng hơn làm nhân viên ngân hàng, nhân viên ngân khố chẳng hạn. Lương mỗi tháng vài ngàn bạc mà cứ phải mãi nghe những con số triệu, tiếp xúc hàng ngày với những người mà con số ngàn không được ghi thành chương mục trong óc, mà tâm trí chỉ chịu bận bịu với những con số từ mười vạn trở lên thì thật tủi thân vô cùng. Thật y như một người kém nhan sắc mà cứ phải nhìn mãi bóng mình trong tấm gương soi ở hiệu uốn tóc. Cô y tá nhí nhảnh thưa: - Thưa ông chiều mai đến lấy phim. - Giờ này? - Vâng. Chàng mở cửa bước ra hiên. Không khí ở ngoài mát mẻ ôm chụp lấy chàng. Những bệnh nhân đang ngồi đợi đều ngẩng mặt lên một loạt nhìn vào chàng để tìm đọc một nét đau khổ. Chàng phải mỉm cười nhè nhẹ vừa cúi nhìn xuống đất. Bụi bông giấy mọc ở mé hiên lá xanh dày, sáng rực một màu xanh dịu dàng. Rời bỏ những máy móc vừa nhắc đến nỗi khổ triền miên của loài người, chàng thấy lòng mình êm dịu lại khi tựa vào thiên nhiên vui tươi và lành mạnh. Xế hôm sau Văn đến lấy phim. Sự hồi hộp, hy vọng và lo sợ đã quen đi, hôm nay chàng thấy mình rất nhẫn nại, chuẩn bị để nghe những tin xấu về cái răng. Chàng định ăn mặc thật cẩn thận, giày mới và ca-vát tươi màu để tránh cái vẻ dáng thương hại của một người có khuyết điểm, nhưng nghĩ thì hăng hái như vậy mà khi thực hành chàng thấy không đủ hào hứng. Rốt cuộc ca-vát có tươi màu mà đôi giày thì vẫn đôi thường ngày. Cô y tá nhí nhảnh chào chàng: - Thưa ông đến lấy phim? Lẽ tất nhiên. Sao cô không tìm được một lời chào nào khác hơn? Thấy mặt mũi cô đẹp đẽ dễ yêu, chàng mỉm cười không trả lời, nụ cười giễu cợt nhẹ nhàng. Thông minh, cô đáp lại cũng bằng một nụ cười nhỏ rồi khẽ cúi đầu quay vào. Sự tiếp xúc với phòng bệnh hôm nay bắt đầu bằng nụ cười làm chàng hơi vui vui. Ông bác sĩ tiếp chàng và đưa cái phim, chỉ một vết trắng nhỏ ở chỗ xương hàm. Thế là cái răng bị tuyên án. Bao nhiêu nỗi băn khoăn hồi hộp cuối cùng được kết thúc một cách trơ trẽn bằng cái vết trắng ấy trong mảnh phim. Sự có mặt của ông bác sĩ chợt trở nên vô ích và lời nói của ông cũng hóa ra lạt lẽo. Cái gánh nặng của sự âu lo không biết đã rơi đâu mất hay bỗng thành nặng quá, quá sức cảm giác của chàng. Chàng cầm lấy phim giơ lên một cách thất vọng. Cái vết trắng sờ sờ ra đó, chàng không thể mong là một sự huyền hoặc. Chàng cúi chào ông bác sĩ rồi quay gót. Cô y tá cầm tay nắm cửa, hé mở vừa mỉm cười chào chàng. Chàng lách mình đi qua. Chợt thấy mình thiếu xã giao một cách vô lý, chàng khẽ mỉm cười trả lại nhưng cô y tá đã ở quá sau lưng, cái mỉm cười nở quá chậm. Giận dỗi, chàng nện mạnh gót giày xuống nền nhà và gọi xe đến phòng nha sĩ. Vừa gặp chàng, ông nha sĩ nói ngay: - Tôi đã được xem cái phim của ông. Hồi 11 giờ trưa nhân qua đó lấy cái phim của một người quen, tôi có hỏi xem cái phim của ông. Thật đúng như lời tôi đã đoán. Hy vọng rằng ông có thể lầm với rằng ai chăng, chàng móc đưa tấm phim. Ông cầm lấy, giơ lên ánh sáng và chỉ cho chàng xem. - Cái chân răng này tốt, ông thấy chưa? Còn chỗ chân này bị làm mủ vào xương hàm. Chàng hỏi: - Thế ông có cách gì chữa? - Phải nhổ thôi. - Không thể có cách khác? - Chỉ có nhổ. Nhổ đi rồi mới làm curetage (2) được. Im lặng một phút. Cuối cùng chàng nói một cách chán nản: - Nếu không có cách nào khác thì đành phải vậy chớ biết làm sao? Chàng tránh không dùng chữ “nhổ”, coi như nói lên chữ ấy là mình đã mạnh bạo đồng ý với nha sĩ. Có thể người nha sĩ sẽ vin vào chữ ấy để xem như chính chàng ra lệnh. Nhưng ông nha sĩ dáng chừng bình tĩnh đến mức độ không cảm xúc. Lập tức ông ra lệnh cho anh phụ lấy ống tiêm, thuốc tê. Ông châm mũi tiêm vào nuớu, châm chỗ này rồi chỗ nọ, cùng khắp vội vàng. Rồi xoi, rồi kềm, ông ta túi bụi nạy, kéo, mắt chăm chăm nhìn vào cái răng như thù hiềm, như sợ nó trốn đi mất. Cuối cùng, một tiếng “xoảng” trên nắp khay cái kềm bỏ xuống, miếng bông thuốc ấp vào và Văn hoàn toàn là một bệnh nhân thiểu não. Trên đường về nhà, chàng thầm thương cho mình và cho anh thợ trồng răng hiệu Hồng Phát mà chàng vừa ghé cách đây năm bữa. Bữa ấy chàng còn đinh ninh là răng mình còn tốt và người thợ trồng răng rất đồng ý với chàng về điểm đó. Anh ta đề nghị một cách êm đẹp: - tôi lấy gân máu cái răng này rồi tôi sẽ cưa đi. Xong đâu đó, tôi tra pi-vô răng xương vào. Răng xương “mác” bên Tây cẩn thận có bảo đảm và vàng 18 ca-ra chớ không phải răng Nhật đâu. - Bao nhiêu tiền? - Tôi lấy ba trăm mỗi cái. Chưa có kinh nghiệm về giá, nhưng chàng cũng kêu lên theo thói quen của người mua: - Đắt vậy? - Giá biểu tôi vẫn đề sáu trăm đồng một cái. Chàng liếc nhìn lên tấm ghi giá biểu và đồng ý là anh thợ nói thật. - Các nha sĩ họ đều tính sáu trăng đồng một cái. - Thế cưa đi thì mấy ngày mới tra được răng mới vào? - Cũng phải hai ngày. Chàng cười to lên, như chế nhạo người thợ nói lẩm cẩm: - Anh bắt tôi phải trống hàm răng trong hai ngày! Một ngày thôi. Một ngày chủ nhật. Anh thợ lắc đầu: - Một ngày thì không kịp vừa lấy dấu răng, vừa đúc thạch cao, vừa đổ vàng, vừa làm cho sắc sảo cạnh góc. Một ngày không được đâu. Hai ngày là nhanh nhất rồi đó. Không chịu để cho hàm răng bị trống hai ngày để hôm nay chàng cam nhận một lỗ trống trong một tháng rưỡi. Vì lời ông nha sĩ còn như văng vẳng bên tai: - Cái răng nhổ xong, ông phải súc miệng với Septyl trong 10 ngày. Uống Trisulfazine, Tetracycline 10 ngày. Một tháng rưỡi sau nghĩa là (ông dò lên cuốn lịch treo tường để gián tiếp nhắc chàng nhớ rằng việc này quan trọng lắm) 15 tháng Giêng ông mới có thể trồng được răng mới. Chàng lặng nghe, không phản kháng không mặc cả ngày tháng như lúc ngồi ở hiệu. Nghĩ đến đây, chàng thầm thương cho mình và cho anh thợ Hồng Phát. Đồng thời, mối lo len lỏi đến. Chàng làm nghề dạy học nên trống một cái răng không phải là việc dễ có thể bỏ qua. Trước nhất là sự xấu xí buồn cười của một hàm răng “trống cửa sổ”. Thầy giáo thường ngày vẫn nghiêm trang xứng đáng với sự tín phục của học sinh, mà tâm lý của người học sinh là không muốn chấp nhận một khuyết điểm nào ở nơi thầy giáo của họ hết. Thế thì bạn làm sao? Chắc chắn là không thể nói tự nhiên như ngày thường để cái lỗ trống làm trò cười cho học sinh khiến trí óc họ xao lãng mà lời giảng của mình cũng kém hứng thú. Nhưng che giấu cũng không được vì sớm chậm gì học sinh họ cũng tìm ra sự thật mà một khi họ đã tự khám phá ra sự thật thì họ sẽ yếu tố hiếp mình dữ lắm. Suy tính đắn đo đủ chiều, cuối cùng chàng quyết định: sẽ vừa nói sự thật vừa giữ cho mình không hóa thành trò cười. (2) nạo sạch Sáng thứ Hai chàng vào lớp. Sau khi đâu đó im lặng, chàng liếc nhìn cả lớp một cách chững chạc rồi tay trái che miệng, chàng chậm rãi nói: - Tôi vừa bị một tai nạn nhỏ làm hỏng một cái răng. Phải trong một tháng rưỡi mới chữa xong. Trong thời gian đó, có những âm lưỡi, âm răng như PH, V tôi không phát âm rõ được. Xin anh chị em chịu phiền và nhất là giữ im lặng hơn ngày thường. Vẻ mặt nghiêm trang và giọng nói hơi buồn khiến học sinh kính cẩn nghe. Họ không biết là chàng bị tai nạn gì. Có lẽ ngã xe chăng? Chắc không phải vì mặt mũi chàng lành lặn thế kia. “Còn chữa” nghĩa là thế nào? Nhưng chàng không để cho họ suy nghĩ lâu. Chàng mở sổ gọi đọc bài và như thế là mọi người giũ hết thắc mắc. Đối với một vài lớp đầu tiên thì dễ như thế đó. Nhưng có những lớp đến thứ Tư hay thứ Năm thứ Sáu, chàng mới có giờ dạy thì tình hình biến chuyển bi quan hơn. Số là cái tin chàng bị gãy răng đã loan truyền đi và học sinh các lớp sau này cứ lén khúc khích với nhau khi gặp chàng khiến cho câu mở đầu mất vẻ tự nhiên và nghiêm trọng đi. Riêng ở một lớp nọ thì ngẫu nhiên mà có một học sinh cũng bị bẻ răng nên hôm ấy anh ta đi học cứ lấy tay bịt miệng. Oái oăm là chàng kêu nhằm anh ta lên đọc bài. Thế là ở dưới lớp chỗ này chỗ kia có tiếng rúc rích cười. Một chị học sinh chừng thú vị quá phải nói bật thành câu: - Hai cha con… Chàng nghe, cũng muốn cười theo vì lời có duyên và hợp cảnh. Nhưng chàng phải cố kiềm hãm tiếng cười. Lời pha trò có duyên thật khó làm cho ta giận được. Cũng như ta khó ghét một người đẹp dẫu người ấy có những khuyết điểm. Qua đi giai đoạn nhập đề, đến phần gay go là phần tiếp xúc hàng ngày. Phải tập sao cho bàn tay trái lúc nào cũng kịp thời đưa lên che miệng khi miệng phát ra một tiếng nói. Khi nói cả câu dài, khi giảng bài thì việc này không khó. Nguy nhất là những khi bật ra cười. Cười là cái biểu lộ tức thời có tính chất phản xạ tự nhiên. Đợi có một bàn tay đưa lên che miệng rồi mới cười thì cái cười đâm ra ngượng nghịu tính toán. Khi chưa quen khi chưa tập kiềm chế được, chàng đã vài lần lỡ cười rồi mới chợt nhớ ra mà ngượng nghịu mím miệng lại. Sau vài lần khuyết điểm như thế, chàng giữ thái độ khắc khổ của một người có tâm sự để đối phó với sự quyến rũ của những tiếng cười xung quanh. Đến việc phát âm. Những chữ phụ âm môi răng (consones labio-dentales) lúc nhỏ học văn phạm đọc thuộc lòng một cách khó khăn, bây giờ không cần coi lại sách mà vẫn nhớ. Cứ việc phát âm lên rồi chữ nào xì hơi ở ngay cái chỗ lỗ răng trống là biết ngay nó thuộc phụ âm môi răng. Ví dụ phụ âm V. Thật là phiền phức khi tiếng Việt có người chữ bắt đầu bằng V: vì, và, vâng, vả lại… Nhiều chữ khi gặp phải chàng tránh đi, như thay chữ “vì” bằng “bởi”, “vả lại” bằng “hơn nữa”. Nhưng đó là khi giảng bài, có thể hoặc nói hoặc không, có thể thay chữ này bằng chữ khác, còn khi đọc bài cho ghi chép thì không thể nào trốn tránh được. Có những đoạn oái oăm như: Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái. Hoa để vàng bởi tại bóng dương Hoa vàng hoa rụng quanh tường… Mỗi lần đọc chữ Vàng, chàng phải làm ra vẻ lơ đãng lấy một ngón tay ấn khít môi vào chỗ lỗ răng trắng rồi mới phát âm. Chữ “vàng” phát ra nghe nhọc mệt và lờ mờ. Chàng nhớ liền đến lời ông nha sĩ khi chàng tỏ ra băn khoăn: - Mất một cái răng trong hơn một tháng thật phiền cho việc phát âm. Người nha sĩ trả lời không cần suy nghĩ: - Mình sẽ vận dụng môi lưỡi để thay thế. Ông ta không nói xem vận dụng như thế nào và chàng cũng không muốn quấy rầy hỏi kỹ, coi như đó là việc nhỏ. Mà quả thật, khi gặp vào việc thì tự nhiên mình tự biết cách xử sự lấy. Và phải gặp lúc mất đi một cái răng chàng mới thấy rằng nói tiếng miền Nam, như mình thật có những sự tiện lợi. Đó là khi, dùng chữ “Và”, một chữ hay trở lại trong câu nói. Nói giọng miền Nam, chàng dùng chữ “Với” và phát âm như “Viới”. Nhưng san phẳng đi được mấy trở ngại đó trong giờ nói tiếng mẹ đẻ thì khi dạy tiếng Pháp chàng không thể tránh những chữ Vous, Voir, Va, Viens… Ở đây thì không phân biệt giọng Nam giọng Bắc nào nữa chỉ còn phương pháp độc nhất là lấy ngón tay ép môi vào lỗ răng thôi. May thay, không người học sinh nào để ý đến cái ngón tay chiến lược của thầy. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” chàng thầm nghĩ. Và chàng tự an ủi: “Mất đi một cái răng, mình có được biết bao những kinh nghiệm độc đáo về cái răng”. Ngày đầu bàn tay trái phải luôn luôn giơ lên che miệng khiến cánh tay mỏi rừ. Những giờ cuối cùng trong ngày, cánh tay mỏi muốn run lên. Ngày hôm sau chàng phải ngồi lại bàn, chống một tay để xa trước miệng vừa nói, y như một diễn giả lấy điệu bộ hoặc như một nhà trí thức đang suy nghĩ. Vừa che giấu được cái xấu lại vừa tô điểm cho dáng dấp thêm đẹp, thật là một cử chỉ đơn giản mà quí giá. Sự phát minh này khiến chàng giảng bài một cách thích thú. Như một nhà nghệ sĩ mê say đi tìm những hình thức phô diễn mới, qua những ngày sau, chàng chỉ dùng một ngón tay trỏ cung lại để ngay trước miệng ngay chỗ cái răng trống. Và không biết vào ngày thứ mấy, chàng lại phát minh ra lối để dựng một quyển sách lên bàn cách xa mình 2 tấc, vừa đủ che miệng. Tuy vậy, những lúc thong thả thoải mái hơn hết vẫn là những lúc đứng ở cuối lớp quay mặt lên để đọc bài cho học sinh chép. Những lúc đó chàng khỏi phải che tay giấu miệng gì hết vì học sinh đều ngồi ngó lên thuận chiều với chàng. Sau chừng ba ngày những cử động quen đi. Biểu diễn thứ tự nhịp nhàng không còn lẫn lộn nữa. Dù vội vã trả lời lại, dù bất chợt bật ra cười, nhưng tay chàng đều kịp thời đưa lên che miệng. Cái răng đã thường xuyên ám ảnh khiến lúc nào chàng cũng để ý đến cái răng. Gặp một người, ngồi nói chuyện là y như mắt chàng nhìn thẳng vào đôi hàm răng của họ. Và đến đây chàng mới thấy rằng mình đã sống rất hời hợt, tiếp xúc lâu với một người mà mình không hề nhìn kỹ họ. Lần này có nhìn kỹ mới thấy rằng người bạn mình mất hết một cái răng nanh hàm dưới khiến phía môi ấy móp lại. Một anh bạn khác nghe chàng than phiền về cái răng gây ra tai họa liền tươi cười đáp: - Anh tưởng răng của tôi tốt lắm sao? Này… Anh bạn há miệng rồi chỉ vào dãy răng hàm hàm trên không còn cái nào. - Răng hàm hàm trên nhổ hết. Răng hàm hàm dưới còn vỏn vẹn hai cái. Đó là hàm bên trái. Răng hàm bên tay mặt cũng như vậy. Tôi ăn chỉ nhai lỏn chỏn bằng mấy cái răng cửa nên ăn rất chậm. Chàng nói một cách thất vọng: - Ai có thể tin được thấy anh béo tốt thế kia. - Đâu đã hết? Ruột của tôi lại cũng là thứ ruột bệnh hoạn. Đem rọi kiến chụp hình thì thấy cái kết tràng lên bị a-míp ăn bám dày đi. Chàng nhìn bạn và thấy yêu bạn hơn trước. Bệnh tật là một mối liên hệ bạn hữu. Chàng được an ủi khi biết rằng chung quanh mình, những người khác không phải đều hoàn toàn khỏe mạnh, hoàn toàn sung sướng hết. Trong khi đó thì có những người làm chủ những hàm răng tuyệt đẹp. Một cậu học sinh nhà ăn chay trường lên đọc bài để lộ một hàm răng quá đẹp so với dáng dấp lam lũ của anh. Hàm răng trắng tinh, nhỏ và đều. Chàng nhìn hàm răng một cách say mê như khi nhìn một tác phẩm mỹ thuật. Chàng thầm nghĩ và tiếc vẩn vơ, có một hàm răng tốt như thế này mà chỉ để ăn rau đậu không thì cũng uổng. Cứ say mê chú ý vào những hàm răng khiến có lúc chàng suýt cười to lên khi tự ví mình với anh lái buôn ngựa. Muốn biết tuổi ngựa, chỉ cứ nhìn hàm răng nên bị méo mó nghề nghiệp, chắc anh ta chỉ thấy những răng là răng. Dễ thường trong giấc mơ anh cũng chỉ thấy toàn răng ngựa! Nhân nhìn răng người, chàng chợt nhớ đến răng của con mình. Chàng soát lại răng của con và thấy mình đã thiếu sót phận sự. Thằng Tịnh có 2 cái răng nanh mọc lỗi. Đáng lẽ khi răng sữa lung lay, mình phải đưa đi nhổ ngay để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc ngay thẳng. Hết phương cứu chữa cho đứa lớn, chàng kiểm soát đứa nhỏ. Vài cái răng sún nhổ rồi, - do ai nhổ và nhổ bao giờ, chàng không hề nhớ, than ôi - chàng không hiểu có còn kẹt lại chân răng không. “Thôi, để vài bữa mình đến chữa răng, đưa nó đến hỏi thăm luôn nha sĩ”, chàng tự dặn như vậy. Đúng hôm hẹn phải đến nha sĩ, chàng bảo người ở: - Hôm nay chị Hai khỏi phải đi ra trường đón em. Tôi đi đón lấy. Chàng đi ra xe thẳng trường để đón con. Bé Phượng thấy chàng đến đón mừng quá. - Hôm nay chị Hai đi đâu không ra đón con, hở Ba? - Bé Phượng lật đật hỏi: - Chị Hai bận. - Ba chở con ra biển ngồi chơi mát đã rồi hãy về. Ừ, mà thôi, đi ra phố chơi đi Ba. Chàng mỉm cười ranh mãnh nhìn con: - Chắc ý con muốn nói: rồi chúng muốn ghé lại hiệu kem Tuyết Viên ăn chơi như bữa trước. Có phải vậy không? Phượng cười rũ lên như khi chơi cút bắt với bạn, ngồi nấp một xó kín bị bạn tìm bắt được. - Kem ở hiệu đó ngon nhất đó Ba à. Thằng Trọng Tâm bảo con vậy. - Điều ấy có thể đúng lắm. Nhưng hôm nay chúng ta không có thì giờ. Nào, con leo lên xe đi, Ba chở con ra phố. Phượng vui vẻ leo lên ngồi sau chàng, miệng hát vang bài hát vừa tập ở lớp. Xe rẽ qua mấy phố rồi dừng lại trước phòng nha sĩ. Phượng ngạc nhiên: - Đây là chỗ nào? Hiệu Tuyết Viên ở mãi đằng kia mà. - Vừa mới bảo xong: hôm nay không có thì giờ ăn kem. Ba ghé lại nha sĩ để chữa cái răng. Con vào ngồi đợi một tí. Quả tình cái phòng đợi lạnh lẽo này không làm cho bé Phượng phấn khởi chút nào cả. Không có một chú bé bệnh nhân nào ngồi đó cả để cho Phượng nhìn vào và bặm môi nhíu mày với nó. Hai người đàn bà đau răng ngồi hằn học liếc mắt vào người mới đến. Mặc dù ba bảo ngồi, Phượng vẫn ôm cặp sách đứng ngó ra mảnh sân nhỏ trước phòng. Ở đó, một dây nho nhẫn nại bò lẫn vào trụ cột đến mãi sát giàn mới dám đâm lá xanh. Đợi đến lượt mình, Văn bước vào phòng sau khi dặn bé Phượng ngồi chờ. Nha sĩ soát lại vết nhổ bữa trước. Nơi đó một cục máu đọng. Từ màu đỏ bầm, đầu cục máu chuyển sang màu trắng nhợt trông bẩn thỉu. Buổi trưa ở nhà chàng đã lấy lưỡi lay cục máu để đẩy nó đi. Nó không rơi ra. Chàng lấy ngón tay đẩy. Nó chỉ nhích hở một chút. Hơi ngượng vì cái cục máu trông bẩn thỉu, chàng bảo nha sĩ: - Tôi đã lay cho ra mà không được. Lấy bông nắm rứt đi mà vẫn… - Ấy chết, - nha sĩ la lên, - Ông muốn chết hả? Cứ để y nguyên thế. Bông hút nước bẩn lắm, ông để vào bị sài uốn ván chết. Văn thấy đầu mình khẽ choáng váng như vừa nhìn phải một cái chớp giật. Sài uốn ván. Chết. Lúc nào cũng có thể chết được. Nhưng chàng đã tự trấn tĩnh: cũng may mà bông chỉ chạm vào mặt ngoài của cục máu, phần máu chết. Chỗ vết thương phải ở mãi tận trong. Nha sĩ bôi thuốc lên. Khi đã xong, chàng ra cửa gọi con vào. Bé Phượng nghiêm trang nhìn những khuôn mặt lạ và những dụng cụ lạ mắt. Chàng nói: -Nhờ nha sĩ xem dùm hàm răng cho cháu. Cái nào cần nhổ, cái nào cần chữa… Chỉ đảo mắt qua một lượt, nha sĩ đã bảo: - Cái chân răng này phải nhổ đi để có chỗ cho răng sau mọc lên. Văn nhìn xuống đồng hồ: 6 giờ chiều. Chàng nói: - Để hôm nào trở lại. - Có thể nhổ ngay liền bây giờ. Và thế là cái mũ và cái cặp sách phải rời bé Phượng lại nằm lên bàn giấy ông nha sĩ để bé Phượng được bế lên ngồi trên ghế da, mặt ngơ ngác không biết người ta sắp làm gì mình. Rồi những hiệu lệnh “mang khay… lấy thuốc tiêm…” được truyền đi nhẹ nhàng, mũi tiêm liên tiếp đâm phập vào nớu răng, cái kềm bẻ vẹo theo cánh tay, cái chân răng vất “xoảng” lên khay. Bé Phượng chưa kịp phản kháng, chưa kịp ưng thuận. Một miếng bông đắp thuốc đỏ được nhét vào lỗ răng, hai hàm ngậm chặt. Và chàng chở người nạn nhân bất ngờ này về nhà. Từ lần ngộ nạn này, Phượng mừng rỡ một cách rất dè dặt khi thấy Ba đem xe đến đón tại trường, thấy những cuộc chở xe đi dạo phố không chỉ hứa hẹn vui chơi sung sướng như ngày xưa. Hiệu kem Tuyết Viên không được Phượng hăng hái nhắc đến nữa. Sự săn sóc răng cỏ cho con đã tam xếp xong, chàng nghĩ đến răng cỏ của những người quen. Dạy học đến bài “giải phẫu bộ máy tiêu hóa” chàng dừng lại khá lâu để giảng về răng. Thôi thì: vệ sinh khi răng lành, khi răng sâu, có nên nhổ ngay khi nhức không, các phương pháp chữa răng trồng răng… Đôi khi giữa những lời giảng say sưa chàng lẩn thẩn nghĩ: Phải chi mỗi trường có nhiều thầy giáo để khi dạy những bệnh tật ghi trong chương trình người ta xếp cho thầy nào đã mắc bệnh gì thì dạy ngay bệnh ấy. Đối với bạn thì chàng hóa ra người cố vấn nhiệt thành. - Anh nên làm cua-ron bằng bạch kim cho cái răng đó… Ồ! Ghé lại nha sĩ họ lấy gân máu cho. Đừng tin người thợ cẩu thả đó. Bày vẽ cho người ta nhưng rốt cuộc lại bị người bày vẽ lại. Việc ấy xảy ra thế này. Số là từ ngày bị mất cái răng, chàng chỉ che miệng khi nói với học trò và người lạ, còn đối với người quen thì chàng cứ để tự nhiên. Che dấu là một cách tự hạ mình và có thể bị xem là một lối làm dáng quê mùa. Tuy vậy đối với những người đàn bà quen thì chàng không thể cười nói tự nhiên với một cái răng thiếu, thiếu một cách trắng trợn thô lỗ như vậy. Mà thật thế, cái hàm răng trống một lỗ đen trông vừa buồn cười vừa ngu si. Để cho một người đàn bà thấy nó, chàng coi như là một sự khiếm nhã, y như chàng tiếp họ với một cái sơ mi quên cài hột nút. Một hôm nói chuyện với một chị bạn quen, chị bạn nhận xét: Anh coi chừng kẻo mà thành tật đó nghe. Cái tay che miệng đó. Trước đây tôi cũng có một cô bạn quen cũng nhổ răng như anh và cũng phải che miệng như anh suốt thời kỳ chưa trồng răng giả. Sau đó, răng mới đã trồng nhưng tật cũ không bỏ được. Những lúc ngồi nói chuyện, khi chợt cười cô ta vẫn đưa tay lên che miệng. - Tật giữ trong bao lâu, chị? - Hai năm sau tôi vẫn thấy cô ấy che miệng. Quả là một điều khá đáng lo thật vì mới 5, 6 ngày nay mà việc đưa tay che miệng đã hầu thành một cử chỉ tự nhiên. Cả đến khi nói chuyện với những người lớn, những người quen mà chắc chắn mình không cần và không nên giấu giếm gì cả, thế mà chàng cũng quen tay đưa lên che miệng. Khiến một bà cụ quen thân ái bảo: - Ông giữ chừng kẻo đưa tay che miệng hóa thành một thói quen đó. Tôi đã biết có mấy người như vậy. Cứ nói như thường, che làm gì? Chàng thầm nghĩ: Lẽ tất nhiên là nói chuyện với cụ thì không nên che làm gì thật. Nhưng tuy nghĩ vậy mà lúc để tay xuống chàng vẫn mường tượng nghĩ đến cái xấu xí của hàm răng nên chàng cứ thấy ngường ngượng. Bà cụ tiếp: - Che miệng là một cử chỉ không đẹp. Qua hai lần bị phê bình, chàng thấy người đàn bà chú ý đến cái đẹp hơn đàn ông. Và sự phù hợp của hai điều nhận xét khiến chàng thành thật lo trước cho cái thói quen xấu mà mình sợ sẽ không tước bỏ được. Thứ Bảy tuần đó, y hẹn, chàng đến phòng nha sĩ, để nhận sự săn sóc cuối cùng. Chàng hỏi thể thức trồng lại cái răng. - Chỗ răng nhổ đi sẽ trồng thay bằng một cái răng xương, nhưng nó phải bám vào 2 cái răng hai bên. Có hai cách trám. Một là bao vàng răng bên cạnh, hai là làm pi-vô. Làm pi-vô, thì phải lấy gân máu và cưa cái răng đi rồi thay răng xương vào. - Như thế thì tiếc cho hai cái răng vô tội. Vả lại còn bị đau nữa khi lấy gân máu, khi cưa. - Nhưng mà đẹp hơn là bao vàng. Các bà các cô thì đều chịu đau để đẹp. Có người cái răng mọc không đều, các cô đem đến nhờ nhổ đi và thay răng xương vào. - Nếu tôi làm răng ở đây thì ông tính bao nhiêu mỗi cái? - Sáu trăm đồng. Phải trồng cái giữa và bám hai cái hai bên. Thế là 1800 đồng. - Nếu ông lấy gân máu và làm pivô thì mỗi răng thêm hai trăm. Cộng lại là hai nghìn hai. Văn suýt bật cười lên vì mình đã đoán đúng. Người nha sĩ tính đúng như lời anh thợ Hồng Phát đã nói còn nhớ thêm hai trăm đồng lấy gân máu cho mỗi cái răng. Chàng nói: - Người ta bảo khi chữa răng thì đến nha sĩ nhưng khi trồng răng bịt răng thì có thể nhờ thợ trồng răng. Họ tính rẻ hơn. Nha sĩ mỉm cười một cách gượng gạo. Có lẽ ông cũng nhận rằng lối lý luận vừa rồi là đúng. Tuy vậy, ông vẫn nhẹ nhàng nói: - Nghĩa là… người thợ răng họ cũng làm cho ông có cái răng. Nha sĩ tính tiền chàng phải trả. Khi trả tiền xong, chàng cám ơn người nha sĩ và bắt tay giã từ. Bước qua vuông sân rộng, chàng cảm tưởng mình cũng đồng thời giã từ cái hình ảnh nghèo nàn của người nha sĩ mà mình có khi đầu tiên tiếp xúc với ông. Quả tình lần đầu tiên đến ngồi ở phòng nha sĩ, chàng thấy thương cho thân phận người nha sĩ. Trong phòng mạch của bác sĩ, lăng xăng rộn rã bao nhiêu nữ y tá, thế mà ở đây chỉ vỏn vẹn có một anh phụ việc. Anh này lại thật thà, hơi quê mùa nữa, nên cảm tưởng vắng vẻ càng tăng thêm. Có lẽ chỉ cần một cô y tá hoặc đẹp hoặc làm dáng là đủ làm rộn ràng cái không khí của căn phòng, sắc đẹp hùng biện như lời nói có khi hơn lời nói. Không có đôi ba cô y tá nhí nhảnh với nhau để khách hàng vui lây thì sắc đẹp của một cô cũng có thể làm cho họ nghĩ ngợi vẩn vơ mà trong khi đợi chờ đỡ tẻ. Dáng người nha sĩ lại thiếu bệ vệ. Trắng hơn một chút, béo hơn nhiều nữa và đôi mắt nặng nề mỏi mệt hơn thì ông sẽ có vẻ giàu có sung sướng hơn. Thêm vào đó mấy cái ghế ở phòng đợi chàng không thấy có lần nào có khách ngồi đầy. Chàng tự nhiên có cảm tình với ông ta như với một người bạn xấu hổ. Cảm tình đó hôm nay chàng đánh mất. Điều này làm cho chàng không vui vì quả tình chàng như vừa mất một người bạn. Nhưng nếu cảm tình đối với người nha sĩ bị nhạt đi thì trái lại chàng thấy thêm tình yêu mến đối với anh thợ răng Hồng Phát. Khi biết rằng trồng một cái răng với giá 300đ là không hớ một tý nào cả, chàng thấy yên tâm lạ. Chàng không còn nhìn anh thợ Hồng Phát với một ý nghi kỵ nữa. Chàng không còn phải loay hoay để định trả một giá, trả sao cho khỏi bị đắt vừa khỏi quá rẻ. Chàng chỉ cần định điều kiện thôi. Hôm sau chàng đến hiệu Hồng Phát. - Anh phải cưa một cái răng? - Phải cưa một cái. - Còn răng kia thì nhất thiết phải bọc vàng? - Phải bọc vàng, không có cách gì khác. Tâm hồn chàng rơi thõm vào cái mệt mỏi của những ngày trước đây khi không tìm một giải pháp nào khác hơn, tốt đẹp hơn là phương pháp bọc vàng. Chàng nói thẫn thờ như một lời nuối tiếc: - Không thể tránh được… Anh vội vàng trấn tĩnh: - Nhưng tôi sẽ làm thật cẩn thận và mỹ thuật. Đường chỉ bọc sẽ rất nhỏ. Ông cứ yên tâm. Chàng nói: - Thôi được. Một tháng rưỡi sau tôi sẽ trở lại. Nha sĩ bảo phải đợi cho hết hạn đó. Một tháng rưỡi ngượng nghịu âm thầm qua, tối tăm như giữa mùa mưa gió. Khi kỳ hạn đến, chàng ngoan ngoãn ghé lại hiệu Hồng Phát. Người thợ trình bày rõ ràng hơn về những công việc phải làm trong hai ngày để hoàn thành cái răng. Chàng vẫn cố mặc cả một ngày thôi, ngày chủ nhật, nhưng quả tình người thợ không thể làm được. Chàng đành phải nhẫn nại chịu nhận hai lỗ răng trống trong hai ngày. Thật là quá sức chịu đựng, khi một lỗ răng trống thôi đã đủ làm chàng khó chịu. Khi ngồi lên ghế, chàng đợi nghe tiếng vù vù của bàn cà quay. Và khi bàn cà chạm vào răng, một cảm giác tê buốt chạy rần ở cột xương sống, tỏa một luồng lạnh ra khắp lưng. Hình như bao nhiêu bắp thịt ở lưng co rúm lại. Một mùi bột xương nhàn nhạt hăng hắc bốc lên mũi. Hết bàn cà tiếp đến bàn nạo, bánh xe cưa… thần kinh của chàng như bị những tấn cống dồn dập. Khi thân răng gãy nhẹ giữa hai ngón tay của người thợ, chàng quay sang cầm ly nước súc miệng và vội vàng đưa chiếc gương lên soi. Thật bất ngờ, chàng đang đợi một lỗ trống toang ghê tởm thế mà sự thực thì lỗ trống mới không khác với lỗ răng trống bữa trước mấy. Sự bất ngờ có lợi này mang lại cho chàng một thú vị nhỏ khiến chàng vui vui. Căn phòng chữa răng màu trắng, màu của tường và của dụng cụ, chàng thấy bớt vẻ lạnh lẽo. Khi bắt tay từ giã anh Hồng Phát, chàng bắt tay chặt và giữ tay anh ta hơi lâu. Tuy vậy suốt hai ngày sau, không lúc nào thôi băn khoăn về cái răng xương mà chàng sắp nhận. Người thợ hết lời cam đoan về nghệ thuật và kinh nghiệm của anh, nhưng nếu chàng có thể sẵn sàng tin ở sự thành thật của anh thì trái lại chàng có nhiều nghi ngờ về trình độ thẩm mỹ của anh lắm. Do đó mà chiều hôm sau, khi đến hiệu, chàng thấy mình hơi hồi hộp. Anh thợ tiếp niềm nở nhưng không khiến chàng yên tâm. Dù cố giữ để không hỏi - chàng biết câu hỏi và câu trả lời đều vô ích, - nhưng rốt cuộc chàng vẫn hỏi: - Có đẹp không? Người thợ tròn đôi mắt và cái miệng. - Thưa… - Cái răng làm có đẹp không? - A! Đẹp lắm. Để rồi ông xem. Ở phòng khách, ngồi đối diện với chàng là một người đàn bà tuổi chừng hơn 40. Người ấy ngồi im, miệng ngậm một cách lúng túng. Chàng nghĩ: có lẽ người đàn bà này bị nhổ răng. Chợt người ấy hỏi người thợ: - Sao tôi thấy nó cồm cộm đau đau. Người thợ ngắt lời: - Không sao đâu. Tôi đã coi kỹ rồi. Người đàn bà im lặng nhưng dáng vẫn đăm chiêu. Đôi mày nhíu lại, tia mắt nhìn về người thợ có một vẻ gì bực tức. Cuối cùng người ấy lại rụt rè: - Sao tôi thấy nó cứ đau đau. Người thợ xẵng giọng: - Tôi đã nói rồi mà. Tôi đã xem kỹ rồi. Văn hỏi người thợ: - Chắc bà kia nhổ răng. - Không. Bà ấy trồng răng. Như mừng có dịp để phân trần, người thợ vội vã: - Bà này trồng cả một hàm răng giả. Phải lựa thứ răng đen hiệu Nhật Bản cho bà ta. Tôi lấy cả hàm có 1.800đ. Vậy mà bà còn kỳ kèo là đau và cộm. Hiệu tôi làm có bảo đảm, ai cũng… Khi câu nói chuyển sang mục quảng cáo, Văn không để ý nghe nữa mà chăm chú nhìn hàm răng đen đều đặn mà đôi môi của người đàn bà hé mở cho thấy. Chàng nghĩ đến sự chu đáo của kỹ nghệ, tạo ra loại răng đen đặc biệt của một thiểu số người còn sót lại trên các lãnh thổ vòng quanh Thái bình dương, ít ỏi và đặc biệt như những động vật thời khuyết sử còn lại. Người thợ đứng dậy mời chàng: - Xin mời ông vào phòng răng. Chàng đi theo người thợ, bỏ lại người đàn bà băn khoăn một mình ở phòng khách với một hàm răng bị hắt hủi. Khi chàng ngồi chững chạc lên ghế rồi thì người thợ mở tủ lấy cái răng đã làm xong đưa chàng xem, kèm theo một câu đề bạt: - Ông coi xem, đẹp hết sức rồi đó. Chàng cầm nhìn. Đường vàng viền nhỏ, có thể gọi là tinh vi so với tác phẩm của anh thợ cũ ở Bồng Sơn. Tuy vậy chàng vẫn tham lam: - Anh không thể làm cho nhỏ hơn nữa được sao? Người thợ nhún vai la to lên, ngạc nhiên như vừa nghe ai phủ nhận tên mình. - Như thế này mà ông còn chê sao? Tôi gò suốt cả một buổi sáng nay mới được đó. - Tôi không chê. Phải nói khen thì mới đúng. Nhưng ý tôi muốn hỏi là ông có thể làm tinh hơn nữa không. Mặt người thợ dịu xuống, nụ cười hài lòng nở rộng và giọng nói cũng dịu lại. - Chịu thôi, như thế là đẹp nhất rồi đó. Vừa nói, người thợ vừa lẳng lặng tháo hồ trám, tra pi-vô và tra răng mới vào. Khi ngón tay người thợ đẩy ép chiếc răng mới đi sát vào nướu, chàng thấy đau đau. Nhưng liền sau đó là một cảm giác ấm áp đầy đủ, cảm giác của hàm răng trống trải nay đã chấp nhận một bộ phận mới. Chàng lấy gương soi. Hàm răng đều đặn như tự thuở nào nó vẫn thế. Dù vậy, vẫn có một chút ngượng ngập gì trong cảm giác. Cái răng mới dường như cứng nhắc, nặng nề, thiếu sự thong thả dễ dãi của những cái răng tự nhiên. Chàng nhìn lâu vào bóng hàm răng phản chiếu trong gương, gạt bỏ cái phần cảm xúc chủ quan để nghe lòng vui vui vì hàm răng đều đặn và bóng sáng. Trả tiền và lấy giấy bảo kê xong, chàng cám ơn người thợ. Lời cám ơn thành thật, khác với nhiều lúc chàng nói vì xã giao. Đi qua phòng khách chàng chợt nhớ đưa mắt tìm người đàn bà ban nãy, nhưng các ghế trống không. Chắc chán nản người đàn bà đã bỏ ra về. Chàng tưởng chừng cảm thấy được sức cộm của cả một hàm răng mới trồng của người đàn bà. Những giây thần kinh ở nớu, ở má, ở môi… đều như nhất loạt không chấp nhận kẻ ngoại lai là cái hàm răng giả. Khi bước ra đến đường phố, sự suy nghĩ của chàng đã vẩn vơ chuyển sang giá trị của những vật giả. Ai biết được hàm răng đen “rưng rức hạt na” của người đàn bà kia là giả? Ai biết được hàm răng trắng bóng, đều đặn của một người thiếu phụ sang trọng nào đó là không thiệt? Đi xa hơn hàm răng, chúng ta gặp những hàng lông mi cong, những nốt ruồi đẹp, những bộ ngực nở nang, nhưng càng thấy đẹp người ta càng đặt vấn đề nghi ngờ. Thực hay giả? Sự giả dối tinh vi làm tổn hại không ít cho sự thật thà. Một người có cái ngực đẹp tự nhiên, có hàm răng đẹp tự nhiên, có chuỗi ngọc trai thật, vòng kim cương thật, dễ bực mình biết bao khi kẻ bàng quan không phân biệt được họ với chủ nhân những món hàng giả. Giá trị con người thật khó định đoạt khi chân giả lẫn lộn xung quanh mình. Ý nghĩ của Văn bị ngắt quãng khi đi qua một hiệu tạp hóa quen người chủ hiệu mỉm cười chào chàng. - Chào ông. Lâu ngày không thấy ông đi phố. - Chào bà. Hơn một tháng nay tôi… bận. Chàng ghé vào hiệu mua vài món hàng lặt vặt. Chàng trả lời vui vẻ những câu hỏi của người chủ hiệu. Đến khi bước ra, chàng chợt nhớ rằng lúc nói chuyện mình vẫn còn quen đưa tay che miệng. Buổi chiều hôm đó, cứ lúc nào nhớ ra là chàng lại nhìn vào gương để tìm xem cái cảm tưởng tốt đẹp về cái răng mới trồng có phải là một cảm tưởng sai lầm chăng. Lần nào cũng vậy, chàng đều thấy là mình quả không lầm. Thật hiếm hoi hết sức là sự hài lòng về một món hàng mà mình vừa mua hay vừa sắm. Lâu lâu bất chợt nhìn vào gương, chàng sung sướng gặp mặt cái răng mới trồng, đồng thời gặp gỡ luôn niềm vui của những ngày đầu sơ ngộ với nó. Bốn tháng sau, một bạn đồng nghiệp của Văn bị tai nạn ô tô được chở về nằm ở bệnh viện. Văn đến thăm. Những đường băng bó chằng chịt ở mặt, ở đầu, ở cánh tay. Sau khi kể những vết thương tích anh mang trên người, anh bạn rên rỉ nói tiếp: - Bị gãy hai cái răng cửa nữa. Chi tiết chót này suýt làm cho Văn cười lên. Chắc chắn là thương tích không nặng lắm mặc dù băng bó khá bộn bàng nên anh bạn mới đủ tỉnh trí mà nhớ đến hai cái răng. Sau khi lành mạnh, người bạn đến văn phòng, miệng toe toét cười hở lỗ trống của hai cái răng gẫy. Văn nhìn bạn giây lâu tìm xem có nét thay đổi nào trên khuôn mặt ấy không, do lỗ trống gây ra. Trái với sự tưởng tượng của chàng, nét mặt không có gì thay đổi lớn. Lỗ răng trống anh không che đậy, mới nhìn thấy một lần mà như là vật cố hữu của anh, không tăng mà cũng không giảm vẻ quen thuộc của khuôn mặt. Chàng lưu ý đến phản ứng của cô thư ký ngồi gần đó. Người đàn bà đẹp bao giờ cũng có những phản ứng tự nhiên không kềm chế kịp khi họ gặp một chi tiết nào phản lại mỹ thuật. Nhưng không, cô thư ký vẫn tươi cười hỏi thăm sức khỏe của người bạn và tỏ ra vui mừng vì người bạn thoát nạn một cách êm đẹp. Chàng nghĩ đến một tháng sau người bạn phải đi trồng răng giả, phải chấp nhận hai cái viền vàng bao hai chiếc răng kế cận. Số phận của chiếc răng sẽ trồng chưa được định đoạt. Nó còn tùy thuộc ở người thợ mà anh bạn sẽ nhờ đến. Nó có thể đem lại cho anh ta sự khó chịu hàng ngày. Chàng tự nhủ thầm: May cho mình. Nhưng đồng thời chàng nghĩ: Tiếc thay, mình đã quên đi cái thú của sự hài lòng. Thật vậy, chừng một tháng sau khi trồng lại chiếc răng, chàng thấy cái cảm giác sung sướng lúc đầu nhường chỗ dần dần cho cái cảm giác êm ả bình thường cho đến một lúc nào đó chàng nhìn vào gương mà không còn để ý đến chiếc răng trồng đẹp nữa. Trong khi đó, những mối lo thường dồn dập đến, đóng đô ở tâm hồn chàng, vững chãi, thường xuyên. Thật là khờ dại. Con người thích mơn trớn những nỗi băn khoăn, những nỗi khổ của mình, còn các điều toại ý thì họ hưởng một cách vừa dè dặt vừa bủn xỉn. Đáng lẽ nên làm ngược lại. Chàng chợt mong mình có thể bước ra đường, đi từng bước nhỏ, sống hồi hộp trở lại những băn khoăn khi cái răng bị tuyên án, khi cái răng phải nhổ, khi cái lỗ trống gây trở ngại âu lo và cuối cùng là niềm thoải mái khi cái răng mới trồng vừa ý chàng mong. Sự êm ả thoải mái ấy, chàng muốn nuôi dưỡng cho nó kéo dài, thật dài. Thấy lòng háo hức, chàng đứng dậy bắt tay người bạn và chào cô thư ký. Chàng siết chặt tay bạn vừa vui vẻ nói: - Một tháng sau anh tìm gặp tôi. Tôi sẽ mách cho anh một người thợ trồng răng hữu hạng.