ại biệt thự Cẩm Hồng, cuộc vui đang tiếp diễn thì một bóng người xô cửa bước vào, quan khách ngạc nhiên quay lại một lượt, nhưng khi nhận ra bác San, có người khẽ ồ lên một tiếng có vẻ khó chịu. Lại giở trò gì đây? Đang lúc người ta vui vẻ, thằng cha nghèo kiết dẫn xác vào, mang theo bọc giẻ lù lù, trông đến tởm. Trong đó, có một người xanh cả mặt vì nhận ra bọc giẻ gói trọn đứa con mình, chỉ chừa đôi mắt xanh trông và mái tóc vàng hoe xinh đẹp. Tấn suýt kêu lên vì kinh sợ. Quan khách dạt cả ra hai bên để nhường lối cho bác San, như thể bác là con tàu đang rẽ sóng. Không ai thốt được một lời nào. Sau, ông Cẩm lên tiếng, giọng hách dịch: - Cái gì đó? Sao bác dám đường đột đến nhà tôi không bao trước? Bác biết hôm nay là ngày gì chứ? Thế này là nghĩa lý gì? Mỵ Lan tò mò quá, không để ý là Tấn đang run rẩy cạnh mình. Người thợ dệt nói không ra hơi: - Tôi cần gặp bác sĩ, gấp! Có người sắp chết! Mọi người há miệng ra, chưa hết sững sờ. Như sợ họ ngỡ bác nói xàm, bác nói giọng rõ ràng, dõng dạc: - Tôi đã đến nhà ông ấy, nhưng họ nói bác sĩ Kim dự tiệc ở đây! Có người sắp chết, mẹ con bé này! Xin quí ngài đừng chậm trễ, chỉ bác sĩ cho tôi! - Tôi đây! Tôi sẽ đi với bác ngay. Bác sĩ Kim sốt sắng nói và tiến lại gần người khách không ai mời. - Con bé hay thằng bé thế nhỉ? - Trông kháu chứ! Này bác San, mẹ nó là ai thế? Làm sao bác...? - Tôi chả biết gì cả, chỉ biết bà ta sắp chết, nó là con gái đấy, thưa quí bà. Bác sĩ đi với tôi thôi, kẻo trễ. Bác thợ dệt trả lời vắn tắt, đi trước dẫn lối, bác sĩ Kim theo sau. Chủ nhân nói to: - Không có gì đáng quan tâm, chẳng việc gì phải gián đoạn cuộc vui, xin quí vị yên tâm. Các bà, các cô bàn tán lao xao, rồi thì một bà, một bà có địa vị, tên tuổi nhất nhì tại làng tiến tới nói như ra lệnh: - Này bác San, bác nên để đứa nhỏ đây tốt hơn! - Bà bảo sao? Để nó lại đây ư? Đừng giỡn chứ! Nó đến nhà tôi, tôi không để nó lại đây hay bất cứ đâu cả. Tôi chỉ trả nó lại mẹ nó thôi, nếu mẹ nó còn sống. Nói xong, bác cũng ngạc nhiên về lời mình. Cách đó nữa giờ bác chưa biết nên làm cách nào nếu mẹ nó chết đi. Bây giờ thì (quả tình bác không mong cho mẹ nó chết, vì nếu mong thế, bác đã chẳng hộc tốc đi tìm bác sĩ) bác tin là nếu mẹ nó chết thật, bác sẽ nuôi đứa bé, không do dự một ly con! Thiếu phụ ngạc nhiên về lời lẽ bác thợ dệt, khẽ nói với một bà đứng gần mình: - Người ngợm ở đâu mà ăn nói ngang ngược, Nếu mẹ nó chết thì bác ta lấy gì nuôi nó? Bốc đất chắc? Nuôi thân chưa chắc đã xong? Một bà khác: - Hoài của, đang vui mà bác sĩ phải đi, lại lạnh ngắt thế kia, bực thật! - Bực thật chứ, cậu Tấn ơi! Cho nhà tôi mượn đôi ủng nhé? Một người chu đáo hơn, chắc: - Phải có ai đi với họ, chắc cần... - Ai mà đi giờ này? - Tôi biết phải nhờ ai rồi: bác Vinh! Phi bác ấy thì không xong. Anh Hà, đi gọi bác Vinh ngay! Thế là mọi việc được cắt đặt xong xuôi. Khi bác sĩ và thợ dệt bế đứa trẻ đi ra, cuộc vui tiếp diễn. Mọi người quên bẵng câu chuyện trong 10 phút. Riêng Tấn, Tấn mất cả vui, chàng sợ là khác. Song trước mặt quan khách, nhất là trước Mỵ Lan, chàng vẫn nói nói, cười cười. Chàng chỉ ngong ngóng cho tiệc tan để mình có thể đến xem tận mắt tính mệnh mẹ đứa trẻ ra sao. Chàng ao ước nó chết luôn cho xong, nhẹ mình biết bao nhiêu? Nhưng ngộ nó không chết? Chàng sợ quá, cho đến nỗi Mỵ Lan hỏi chàng hai ba câu, chàng vẫn không trả lời, vì ngồi đó mà hồn vía bay bổng đi đâu ấy. - Anh làm sao thế? Anh mệt phải không? Thôi, em về nhé? - Không, em ngồi lại với anh! Anh không mệt đâu, anh hơi lo xa vì nghĩ đến thằng Phát... Sự thật chàng cóc nhớ đến em. Mỵ Lan sốt sắng an ủi: - Thôi, anh bận trí làm gì, anh có lỗi gì trong vụ này, anh đối xử tốt với anh ấy lắm, cụ biết mà... - Vẫn hay rằng thế, nhưng anh không khỏi áy náy... Tấn lại bị dày vò vì tiếng khóc, tiếng kêu:«ma ma!» của con chàng. Tội nghiệp, nó ngây thơ vô tội. Nó đáng thương biết ngần nào? Vậy mà chàng không dám nhìn thẳng nó, chỉ nơm nớp lo sợ nó nhận ra mình. Tấn không thể nén tiếng thở dài khổ sở. Mỵ Lan đứng lên: - Em phải về, em cũng buồn ngủ lắm rồi. Anh chỉ đợi có thế: - Thế để anh đưa em về... Mỵ Lan: - Anh đừng đi, trông anh xanh lắm, em sẽ về với vợ chồng chị Bích Huệ cũng được. - Không sao! Anh đưa em về, nhân thể tạt qua nhà bác San xem có thể giúp gì cho họ chăng? - Vâng! Cảm ơn anh!
*
* *
Bà Vinh nhìn đôi giày mỏng ướt sủng của Tấn, kêu lên: - Chặc! Cậu cảm mất! Cậu đã nhường đôi ủng cho bác sĩ, cậu nên về thôi. - Không sao bà ạ, tôi đi cùng với bà đến đây, chả lẽ lại về. Tôi đứng đây đợi một chốc xem có gì cần, có thể giúp chăng? - Vâng! Cậu tốt quá! Chúa sẽ phò hộ cậu! Tấn không nghe bà Vinh nói gì cả, chàng đi đi, lại lại giữa lối mòn trước nhà bác San, không sợ ướt giày, không sợ tuyết lạnh, chẳng sợ cảm hàn. Đầu óc chàng chỉ chăm vào có một điều: cái chết – hay sự sống – của thiếu phụ trong nhà bác thợ dệt kia, vì nó ảnh hưởng đến tương lai cả cuộc đời chàng. «Than ôi! Sự mù quáng của tuổi trẻ tai hại đến nhường ấy, tai hại thế đấy!» Tấn tự nhủ thầm. Phải, Lý nên chết đi, phải chết đi, cần chết đi! Có thế, tương lai Tấn mới sáng sủa vì không bị bóng tối của ả phủ vây. Có thế, Tấn mới có thể cưới Mỵ Lan yêu dấu, xinh đẹp, nết na, trong trắng. Có thế, chàng mới mong trở nên người đứng đắn, đàng hoàng, không phải nơm nớp lo Lý làm nhục, có thế thằng em ma manh của Tấn mới hết tống tiền anh. Còn con bé thì chàng sẽ có cách bảo bọc nó, kín đáo bảo bọc nó, không sao. Nó là con chàng, giọt máu của chàng. Tấn thấy nhẹ nhõm trong giây lát. Nhưng một chốc sau, chàng lại nghĩ: còn nếu Lý sống, Lý không chết thì sao? Tấn lặng đi vì sợ, chẳng biết rõ Lý, ả đến đây giữa đêm khuya thế này với mục đích gì. Cánh cửa hé mở, bác sĩ Kim xuất hiện, ông kêu lên: - Tấn, cậu điên đấy à? Cậu đến đây làm gì? - Thưa bác sĩ, cháu cũng vừa mới đến, cháu không ngủ được, thưa bác sĩ, thưa... người đàn bà, mẹ con bé... Tấn nuốt nước bọt khó khăn, ngập ngừng không ra tiếng. Bác sĩ Kim: - Vô ích! Chị ta chết rồi, vô phương cứu chữa. - Tội nghiệp! Thưa, chị ta ra sao ạ? - Còn trẻ, nom bệ rạc lắm, tôi ngờ là một gái giang hồ hết thời. Nhưng lại có mang nhẫn cưới hẳn hoi. Thật chả biết ra làm sao cả. - Hôm qua cháu có gặp một người đàn bà trên đường, không biết có phải người này không... Cố giấu vẻ xúc động, Tấn nói, bác sĩ thản nhiên: - Thế ư? Cô này tóc dài, người mảnh mai... nhưng thôi, tôi đã làm tròn bổn phận, ta về ngủ, mai sẽ tính chuyện chôn cất cô ta. Đi! Mặt đỏ bừng, Tấn lắp bắp: - Bác sĩ đợi cháu một chút, cháu muốn xem mặt bà ta coi có phải người cháu gặp hôm qua không. Cháu ra ngay. Tấn hấp tấp bước vào. Xác Lý đặt nằm ngay ngắn trên cái giường gỗ ọp ẹp của bác San, mái tóc dài óng ả buông xuống gối, má hóp, mắt nhắm nghiền, môi tái ngắt, mặt nhợt nhạt; đúng là ả Lý giang hồ xinh đẹp một thời mà chàng say mê một dạo và làm chàng điêu đứng khổ sở mấy năm nay! Lý đó! Ả đã ngừng thở, không bao giờ nữa ả còn có thể tác yêu tác quái, dọa nạt chàng, làm khổ chàng. Chàng có thể thách thằng em du thủ du thực nữa... Tấn quay lại lò sưởi và bếp, nhìn con: nó được bác San ủ trong lòng và trong đôi bàn tay to lớn. Nó còn thức, đã ấm lại được no. Đôi mắt ngây thơ trong sáng mở to đang chăm chú nhìn xác mẹ và hờ hững nhìn cha, nó không biết là cha nó (nó còn bé quá mà Tấn rất ít khi đến thăm con). Trong lúc người cha vui buồn lẫn lộn vì tình cảnh oái oăm của cha con chàng thì nó quay đi rồi ngẩng lên nhìn người đang bế nó: nó đã quen với bác từ đầu hôm nên bạo dạn lấy tay kéo cổ áo bác và xoa xoa lên đôi má nhăn nheo của bác, nghịch chán, nó buông ra cười khanh khách một cách hồn nhiên. Tấn, với giọng cố làm ra vẻ thản nhiên: - Ngày mai, chôn xong mẹ nó, bác đưa nó ra nhà việc chứ? Hay bác định giao nó cho ai hở bác San? Bác San không trả lời câu hỏi, mắt sáng lên vì tức giận, nói dồn một thôi: - Sao tôi lại phải đưa nó ra nhà việc? Ai dám buộc tôi? Tôi giữ nó lại đây không được à? Ai cấm tôi? Tấn ngỡ ngàng: - Thế bác định giữ nó thật đấy ư? - Tôi có nói giỡn bao giờ đâu? Hay là cậu cho tôi nói bậy? - Không! Tôi không có ý nói thế, nhưng tôi e bác là đàn ông, lại có một mình... - Xưa nay tôi vẫn một mình chứ có hai mình bao giờ đâu. Tấn thấy khó nói rõ ý mình mà khỏi phật lòng bác San, anh lúng túng: - Bác chưa hiểu ý tôi, tôi muốn nói bác không... đủ sức... nuôi... Lần thứ nhất trong đời, bác thợ dệt tỏ ra thông minh, vì vậy bác tức giận thêm, gắt to: - Cậu khỏi lo, tôi tuy nghèo đấy, tôi cam đoan là tôi nuôi nó được. Với lại, cậu có họ hàng thân thuộc gì với nó mà cậu chen vô việc này? Nó đến nhà tôi thì nó là của tôi, tôi chỉ trả nó cho một người... Tấn buộc miệng: - Ai? - Cha nó! Bác gằn giọng, lặp lại: - Cha nó, cậu nghe rõ chưa? Nhưng người ấy phải trưng đủ bằng cớ kia. - Phải lắm, bác nói đúng lắm. Tấn nói mà tưởng như tiếng nói của ai chứ không phải của chính mình, giọng lạc hẳn đi vì ngạc nhiên và xúc động. Thấy Tấn tán đồng lời mình, bác San phấn khởi thêm, giọng bác dịu lại, bác hỏi: - Này cậu Tấn, cậu có nghĩ là nó có cha không? - Cái ấy thì đã hẳn, bác hỏi... Tấn toan nói «bác hỏi ngốc quá đi thôi» song Tấn biết ngừng đúng chỗ. Tấn tự thấy xấu hổ và không có quyền khinh chê con người lương thiện đang bế con mình. Bác San vội chữa: - Ý tôi muốn hỏi cậu nó còn cha không đấy, cậu Tấn ạ! Tôi, thì tôi nghĩ là cha nó chết rồi, cậu nghĩ có phải không? Tấn đỏ mặt, gượng trả lời nước đôi: - Bác nói... cũng có lý, vì nếu cha nó còn thì... Mà cũng có thể là cha nó còn... Bác thợ dệt chồm lên, gân cổ cãi: - Tôi không tin, nếu cha nó còn, đời nào cha nó lại bỏ mẹ con nó cầu bơ, cầu bất đến đỗi chết đường như vậy? Tấn hiểu là cách tốt nhất nên nói xuôi theo bác San, và nom cái cách bác nhìn con mình, Tấn hiểu bác quí nó như trước kia bác quí vàng của bác. - Bác có lý, chắc thế. Vậy là bác yên tâm giữ con bé, nhỉ? - Phải, tôi giữ nó! Tội nghiệp nó! Nó bé bỏng, cô độc, tôi thì già rồi nhưng cũng cô độc như nó. Và bác nhìn ra xa, giọng mơ màng như quên phắt cậu thanh niên con nhà giàu trước mặt mình, nói như chỉ cốt đủ mình nghe. - Vàng bạc thì đi mất không về, còn con bé này thì tự nhiên từ đâu đến! Thật chả hiểu ra làm sao, nghĩ rối cả óc... chả hiểu gì cả... Như thể là phép lạ. Tấn cảm động nhìn bác thợ dệt bế con mình, buồn vui lẫn lộn. Sự thể đã như thế, chàng không thể làm gì hơn mà cũng chẳng muốn làm gì, chàng ôn tồn: - Bác tốt quá bác San à! Đây, bác nhận chút đỉnh tiền để may sắm cho nó... Chàng vừa thò tay vào túi, bác thợ dệt lại chồm lên: - Chớ! Chớ! Tôi không muốn ăn xin của ai để nuôi con, tôi không nhận tiền cậu đâu. - Ấy, bác đừng nghĩ thế, chút đỉnh thôi đấy mà. Vả lại bác vừa bị trộm lấy hết vàng, bác quên ư? Nghe nhắc đến chuyện mất mát, bác San thừ người ra, nhân dịp đó, Tấn đặt vào tay bác ít tiền vừa lấy trong ví, đoạn không cả chào hỏi, tất tả quay ra, vì anh sợ còn đứng đó, sẽ bị bác San trả lại tiền.