uần sắn móng lợn, bùn lấm bê bết, vai đeo khẩu súng một lòng, ông trương lại gần thang, nghiêng báng nước rửa vội chân tay, đoạn tất tả lên nhà.
Bà trương đang dọn cơm.
- Trời sao mưa mãi, phá nhỉ?
Nhưng lúc đó nào phải lúc nói chuyện thời tiết! Ông trương còn có điều gì quan hệ hơn:
- Ta vừa ở gò Sấn về...
- Vẩy nỏ!
- Gùng nỉ lồi!... quá lắm!
Phàm đã than đến câu đó, tất ông trương bị sự gì cảm kích rất mạnh.
- Cái gì thế?
- Anh chủ hiệu Đức-Lợi sang quá, nhưng chẳng biết cóc gì cả! Dựng một cái túp để lấy chỗ thỉnh thoảng vào săn ban đêm, dị có biết anh ta làm thế nào không?
- Không!
- Anh ta xây hẳn một tòa nhà... một tòa «lâu đài» như người tỉnh thường nói. Cái ấy mà gọi là cái túp! Phấy! Nó chính là một cái nhà ở sang trọng!
- Thật à? Có lẽ người ta làm nhà ở thật đấy.
- Ngoài tỉnh thiếu gì chỗ ở tốt lại phải vào tận đây?
- Người giàu họ hay thế! Ngoài cửa hiệu ở tỉnh, người ta muốn có một chỗ nghỉ ngơi vắng vẽ biết đâu.
- Hay là thế chăng, chứ bảo đây là cái túp tạm thì ai mà nghe được! Cái nhà xinh thật: tường đắp bằng đất quét vôi vàng, mái lợp tranh dày, cửa lớn của sổ y như cái nhà tây vậy...
- Ồ, nỏ!...
Xong bữa cơm, bà trương tò mò quá, vội vàng thắt dao đi xem. Bà rũ cả Peng-Lang cùng đi, nhưng nàng từ chối.
- Gia không đi đâu, xem lúc nào cũng được.
Thực ra thì Peng-Lang nhút nhát. Cô e lại giáp mặt chàng tuổi trẻ chăng. Nếu để cho người ta ngờ được rằng mình thóc mách thì xấu hổ biết chừng nào!
Vả lại, lúc ấy trời đương mưa gió. Ông trương ở ngoài về mặt còn tím ngắt, ngón chân ngón tay còn cóng đờ...
*
Vừa lên đỉnh gò, bà trương cũng kêu:
- Gùng ni lồi!... quá lắm nò!
Bà gặp Hoài-Anh đang đốc xuất đày tớ khuân các vật dụng lên nhà. Chưa bao giờ bà trương thấy lắm cái đẹp và quý giá như thế. Vì vậy, khi về đến chân thang, bà đã nhiệt liệt tán dương sự giàu có của Hoài-Anh.
Nếu Peng-Lang được xem... Ô lô... Ối!... không nói hết được!...
Rồi, bà làm ra vẻ chểnh mảng, bảo Peng-Lang rằng:
- Dị có gặp cậu ta ở đấy. Người trẻ tuổi mà tử tế quá thật! Mình nếu giúp đỡ được cậu ta việc gì, tưởng chẳng nên tiếc công.
- Cái đó đã hẵn!
- Cậu ta muốn tìm người quét dọn nhà mới. Ta đã hứa cho con sang giúp...
- Dị ạ!...
- Đây cậu ta gửi dị chiếc thìa khoá này.
- À, thế thì được!
Đã giao thìa khóa cho bà trương, Hoài-Anh tất không có đấy nữa. Peng-Lang có thể đến xem cái nhà kỳ dị kia được. Và, giờ thì Peng-Lang không tức giận chàng tuổi trẻ mắt xanh ấy nữa. Hôm qua, Hoài-Anh chàng đã khen ngợi Cang-Ngrào, đã làm quà cho cô một cái cháp trầu sơn đỏ. Đáp lại sự tử tế ấy, cô có giúp đỡ người ta một chút cũng là phải.
Sáng hôm sau, Peng-Lang lên đến nhà mới cũng giật mình kêu:
- Gùng ni à!...
Tuy đã nghe cha mẹ nói nhiều về cái nhà đẹp nọ, Peng-Lang vẫn lấy làm ngạc nhiên quá đỗi. Cô không thể tưởng tượng ra một sự lạ thế. Ngay lúc nhận chiếc thìa khóa tây bóng nhoáng nọ, Peng-Lang đã có một cảm giác không thể nói. Ở trong động, cửa ngõ chỉ cài then tre.
Tay run run, cô mở cửa bước vào trong nhà. Ừ, phải có người xếp dọn thật, vì những rơm khô, những giấy lộn bừa bãi. Ở gian giữa, quay lưng vào vách, Peng-Lang thấy một cái gì như cái hòm gian kiểu rất lạ, cửa lòng kính, nhìn qua bên trong có vô số những cái chén bằng thủy tinh, những bao chè tầu, những chai nước xanh xanh, đỏ đỏ. Phía trước cái hòm kỳ hoặc ấy, kê một bộ bàn ghế vuông và thấp lè tè. Trên mặt bàn để một khay tròn đựng ba cái chén lớn nhỏ khác nhau với một cái đĩa, Peng-Lang đồ là bằng vàng. Trong mỗi cái ghế lót một chiếc nệm đỏ thêu hoa. Hai gian cạnh đấy, một bên kê giường tây, màn nệm trắng tinh, và một cái giá chậu: một bên để chiếc ghế mây dài; giữa lòng gian và một cái tủ kính sát lưng vào đầu hồi, trong chứa đầy những cái gì như những quyển sách của Sa-thúng (thầy cúng) nhưng dày hơn và có bìa xanh đỏ in những cái dấu ngoằn ngoèo.
Ngoài ra, mỗi chỗ để một ít các đồ lặt vặt, những hộp bột ngũ sắc, những chai «dầu lạc», một cái yên ba chân và mấy bức vải, trên vẽ những người con gái áo xống nom hệt như lối ăn mặc của chị em trong động.
Peng-Lang lấy làm bỡ ngỡ quá. Mọi vật trong nhà đó, Peng-Lang đều coi như một cái bí mật hay hay... Lần ấy là lần thứ nhất Peng-Lang thấy một cách sinh hoạt khác hẳn với đời mình. Cô không bao giờ tưởng tượng rằng người ta lại có thể có được những thứ tốt đẹp như thế để mà dùng. Mới ngày hôm qua đây, phàm cái gì ngoài thế giới Đèo Hoa, Peng-Lang đều không cần biết, mà cũng chẳng bao giờ ngờ đến. Nhưng nay, thốt nhiên, hàng trăm cái ý nghĩ mới lạ bỗng đua nhau kéo vào trí não cô...
Peng-Lang mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Trên mặt đầm, mưa bay mù mịt. Cây cối ủ rũ, chốc chốc rùng mình trước làn gió lạnh thì lại tuôn những giọt nước nhỏ rào rào. Cuộc đời bên ngoài sao mà nhọc nhằn, cực khổ, thảm đạm, ủ ê! Chẳng bù với trong nhà này, mọi vật đều như một bài hát nho nhỏ ca ngợi sự an nhàn sướng thích.
Peng-Lang nghĩ lẩn thẩn:
- Tại sao ở đây, bọn ta sống vất vả, thế mà, nơi khác, họ lại sung sướng dường kia?
Câu hỏi ấy, Peng-Lang không đáp. Nó chỉ lướt qua trí nghĩ cô. Tuy nhiên, ta có thể đoán trước rằng rồi nó sẽ ăn sâu in chặt vào não chất người thiếu nữ sơn lâm kia, cũng như cỏ xấu lan đầy ruộng lúa... Peng-Lang lại chợt nghĩ đến Cang-Ngrào, rồi, qua cảnh gió mưa nọ, cô cố tưởng tượng ra một ngày hè nắng ấm. Lúc ấy, lúa đồng vàng rực, Peng-Lang còn cần gì phải thèm muốn cái số phận của ai ở những chỗ xa xôi...
Peng-Lang nhặt nhanh những rơm giấy, quét tước cho sạch sẽ, đang làm thì cửa vào sịch mở:
- Ồ hay quá!... Cô lại làm ơn thu vén cho thì còn gì bằng!
- A lối! Ông... sao ông vào được đây?
- Tôi mở cửa vào chứ sao nữa!
- Nhưng, thìa khóa đây kia mà?
- Đấy một, đây một chứ sao!
- Ồ...
Hoài-Anh bật cười vì cái vẻ mặt ngớ ngẩn của Peng-Lang.
- Xong việc rồi, tôi về đây.
- Thì cô hãy thong thả đã nào. Tôi còn muốn nhờ cô một việc này.
Hắn vừa nói vừa kéo ghế mời Peng-Lang ngồi, đoạn mở buffet lấy chai rượu quít rót ra hai cốc nhỏ bưng để lên bàn.
- Cô uống chơi với tôi cốc rượu.
Peng-Lang nghĩ ngại:
- Mời ông!... tôi không quen.
- Cô thử nếm xem, tốt lắm!
Bị nài ép mãi, Peng-Lang nhắp thì thấy mùi thơm vị ngọt khác hẳn thứ rượu ngô vẫn dùng trong động.
- Tốt thật nhỉ!
- Vâng, tôi bảo tốt lắm mà lại... Những khi cô lại đây xem nom giúp, xin mời cô cứ tùy tiện lấy mà dùng.
- Tôi không lại luôn đâu.
- Sao? Tôi định giao cho cô trông coi cái nhà này, cô từ chối à?
- Tôi chỉ giúp ông đến lúc thuê được người thôi.
- Thì hãy cho đến ngày ấy.
- Thôi, tôi đi về đây, ông nhé?
- Sao Peng-Lang vội thế! Bao giờ cô lại lại?
- Năm hôm một lần tôi quét dọn hộ ông. Mà lần sau lại đây, tôi sẽ dắt Cang-Ngrào theo một thể cho Cang-Ngrào xem...
- Ô hay! Cang-Ngrào lại đây làm gì?
- Ông không muốn để Cang-Ngrào đến đây à? Từ hôm tôi đưa Cang-Ngrào làm quen với ông, thấy nói ông hay săn bắn, Cang-Ngrào thích lắm mà!
- Tôi không ưa tiếp người lạ!
- Tôi cũng lạ chứ?
- Cô khác.
- Vậy thôi, chào ông.
- Peng-Lang!...
- Cái gì?
- Tôi xin cảm ơn Peng-Lang đã đến đây.
- Ông cảm ơn dị tôi thì phải, vì dị tôi sai tôi lại hộ ông đấy.
Nói đoạn, cô mở cửa xuống đồi.
Hoài-Anh nhìn theo hồi lâu, thở dài quay vào nằm lăn trên ghế mây, đánh diêm châm thuốc hút...
Tuổi trẻ, tự do vì cha mẹ đã mất cả, nhà giàu, thích săn bắn, ưa mỹ thuật, Hoài-Anh sở dĩ lần mò vào tận đây chủ ý là tìm một chỗ phong cảnh đẹp, dựng một nóc nhà xinh xinh, rồi những khi nhàn rảnh vào đọc sách, vẽ tranh, nghỉ ngợi mơ mộng hoặc lần theo dấu vết của thú nội chim rừng... Chúng có ngờ đâu từ bữa gặp Peng-Lang, được ngắm một cái vẻ đẹp của rừng xanh, tấm lòng chàng bỗng thắc mắc tơ vương...
Hoài-Anh băn khoăn lắm. Không biết đối với người thiếu nữ sơn lâm kia, mình chỉ bỡn cợt hay đã mắc sâu vào cạm bẫy của Ái tình? Ngoài tỉnh thiếu gì gái đẹp, nhung xưa nay chàng có lưu ý đến ai bao giờ?...
Mà Peng-Lang chẳng qua chỉ là một cô Mán.
Cũng như cảnh vật nơi cô sinh trưởng, Peng-Lang tính tình cổ lỗ, mọi rợ quá, thực thà đến nỗi thành ngớ ngẩn. Cô có cái tâm hồn của cây sậy, chỉ một con chim sáu bay vụt qua cũng đủ làm cho rung động ngay lên. Cô lại có cái vui của một con khướu, tuy nhởn nhơ cười cợt nhưng hồ ai lại gần là bay vụt đi xa... Thế thì yêu Peng-Lang, Hoài-Anh sẽ chẳng bị coi như một anh chàng hiếu dị nực cười...
Khói thuốc từ từ bay bổng lên trần nhà... Tro tàn lả tả trong lòng dĩa. Càng cố nhìn rõ tâm sự mình, Hoài-Anh càng thấy mờ ảm cả tư tưởng...