ượng về đến nhà thì mới có hơn chín giờ. Hai em chàng còn thức. Thịnh lúc ấy đã học bài xong, đang ngồi để cho Nhàn dũa móng tay.
Cả hai người thấy Vượng về đều đồng thanh:
- Anh không đánh tổ tôm à? Sao về sớm thế?
Vượng lại ngồi cạnh hai em:
- Không, thiếu chân. Chú học xong rồi à?
- Xong rồi.
- Hôm nay nóng, hay anh em ta đi uống cái gì cho mát. Em Nhàn có đi thì đi.
Nhàn từ chối:
- Em sắm sửa lâu lắm. Để các anh phải chờ lâu.
- Chờ thì chờ chứ sao. Chúng ta đi đến mười một giờ thì về mà.
Nhàn vui vẻ:
- Ừ, thế chờ em nhé. Nhưng anh Thịnh đừng nóng ruột đấy nhé.
- Được rồi.
Tuy đã hứa thế, Thịnh vẫn nóng ruột. Thịnh mặc quần áo xong đã tám trống canh rồi mà Nhàn vẫn trang điểm chưa xong. Chàng nóng ruột đi đi lại lại. Vượng thấy thế kéo em ra bao lơn:
- Phải chiều nó một tí. Nó bé nhất nhà. Chú không bắt chước cái tính...
Vượng nói đến đấy bỗng im, nhưng Thịnh đã hiểu.
Thịnh đứng ở ngoài bao lơn hét vào:
- Cô trang điểm cẩn thận đi nhé.
Nhàn đã chạy ra:
- Xong rồi!
Nhưng nào đã xong đâu. Xuống đến dưới nhà, nàng mới nhận thấy rằng nàng quên đeo chuỗi ngọc.
- Để anh lên lấy cho em.
Thịnh chạy vội lên lấy xuống đeo vào cổ cho Nhàn tử tế.
- Thôi thế bây giờ thì thật là xong rồi nhé.
- Ồ, em lại quên đem hào đi xe.
Vượng vỗ túi:
- Đây, anh có tiền rồi.
Ba anh em đi qua chợ Hàng Da rồi lần theo lối Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ.
Trong phố tuy nóng, nhưng ở Bờ Hồ gió thổi hây hây. Người đến đấy hóng mát đông như kiến. Nhàn nói líu ta líu tíu, sung sướng được đi giữa hai anh. Nàng càng sung sướng, mỗi khi nhận thấy chúng bạn của Thịnh đều nhìn nàng bằng một con mắt tôn thờ sắc đẹp của nàng.
Ba anh em kéo nhau vào một tiệm bán đồ giải khát. Tiệm lúc ấy đông người, ba anh em phải lởn vởn mãi ngoài cửa để chờ chỗ ngồi.
Nhàn bước vào thì cái sắc đẹp của nàng liền làm cho mọi người đang ngồi phải chú mục vào nàng. Thấy mọi người nhìn mình, nàng luống cuống, Thịnh vội vàng tiến lên dắt em lại một cái bàn không.
Trời đã nóng, lại cuộc đi bộ làm cho nóng thêm, ba anh em mỗi người ăn liền hai cốc kem. Vượng còn muốn ngồi nán lại, nhưng Nhàn đã đề nghị:
- Hai anh đưa em đi một vòng Bờ Hồ rồi về ngủ cũng còn vừa cơ mà.
Đi đến trước cửa chùa Ngọc Sơn, Vượng đưa hai em lên cầu Thê Húc. Nhàn đang ríu rít bỗng im bặt, rồi một lát sau nàng thốt ra:
- Không biết anh Đạt bây giờ ở đâu và đang làm gì nhỉ?
Câu hỏi ấy ném vào tâm hồn Vượng như một cốc kem. Chàng thấy ngực lạnh buốt. Chàng lặng thinh không biết trả lời ra sao, thì Thịnh đã nói:
- Nào ai biết được. Nhưng chắc là anh ấy ở xa đây lắm.
- Sao anh biết?
- Anh đoán thế.
- Ừ thế vẫn hơn, chứ ở gần đây lỡ bị bắt thì khổ lắm. Em thấy có nhiều người cứ lởn vởn ở trước cửa nhà ta.
Cuộc đi chơi từ đấy mất vui. Ba anh em đi hết nửa vòng Bờ Hồ mà chẳng nói với nhau một câu. Cái hình ảnh của Đạt bị khổ sở, có lẽ đang bị nã tróc nữa, đã hiện ra ám ảnh họ.
Đến trước cửa nhà Khai Trí, Vượng thấy hai em buồn thiu, bỗng xét thấy mình không thể buồn được. Chàng chẳng là cái cột trụ để chống đỡ cho họ ư? Chàng dừng lại rồi bảo Thịnh:
- Chú đừng nên nghĩ đến những điều mà mình không có thể nghĩ được. Tôi tin rằng lúc này chú Hai sẽ khó chịu nếu chú ấy biết được chúng ta buồn như thế này.
Rồi chàng hỏi chuyện hai người huyên thuyên, hỏi Thịnh về những việc ở trường, hỏi Nhàn về những bạn bè. Chàng cố làm cho hai em khuây khỏa, nhưng sự cố gắng ấy chỉ độc có một cái đức là làm cho mọi người não ruột ra.
Đêm ấy, chàng trằn trọc không sao ngủ được. Bao nhiêu những buồn rầu của chàng, chàng đều quên hết. Chàng chỉ nghĩ thương em lúc này không biết sống chết ra sao.
Nghĩ đến người đi, chàng lại nghĩ đến người ở. Chàng thấy rằng trong nhà hơn một tháng nay buồn tẻ như một cái nhà mồ. Chàng phải tìm cách gì để cho các em chàng có thể khuây khỏa.
Chàng thấy rằng cái nhà này nó nhắc nhở nhiều kỷ niệm về Đạt quá. Chàng bèn nghĩ đến sự đổi nhà, chọn nhà ở một phố thật vui.
Chàng hy vọng sự thay đổi ấy sẽ đem đến những bận rộn làm cho hai em chàng khuây khỏa đi được trong ít lâu.
Sáng hôm sau dậy, chàng bắt đầu than phiền với Nhàn về sự nhà không được sạch sẽ, cao ráo. Rồi chàng bảo Nhàn:
- Chúng ta phải tìm thuê một cái nhà khác. Nhà này nóng lắm. Cô đi tìm về phía chợ Hôm ấy.
Ba ngày sau thì Nhàn tìm được căn nhà ở phố Lê Lợi, nhà cũng bốn buồng, lại có cổng riêng, nhưng giá những mười tám đồng.
- Hơn mấy đồng không sao! Miễn là sạch và mát.
Hôm dọn nhà, bao nhiêu kỷ niệm của Đạt kéo đến làm cho lòng Vượng như xé, những quần áo, những đồ tập võ, những tranh ảnh, tất cả đều nhắc nhở cho Vượng nhớ đến người em đi biệt tích.
Chàng buồn, chàng khổ, nhưng thấy Nhàn và Thịnh líu tíu thu dọn, rồi cười đùa, chàng thấy rằng mục đích của mình đã đạt.
Ở nhà mới cũng như ở nhà cũ, gian buồng đẹp nhất là để cho Nhàn. Hôm dọn nhà xong, chàng cho mời mấy người anh em ở sở đến ăn cơm rồi đánh tổ tôm.
Thịnh và Nhàn vì thế phải bận rộn suốt ngày, không còn thì giờ đâu để nghĩ nữa.
Đêm hôm ấy, vì phải thức khuya và phải tiếp khách cả ngày, Vượng ngủ được một giấc rất ngon.
Sáng hôm sau, lúc chàng đi làm về thì gặp Hải. Chàng đã toan tránh, nhưng Hải nhìn thấy gọi. Chàng buộc lòng phải dừng lại.
Tuy lúc ấy, chàng không ngậm ngùi về cái hạnh phúc mà mình đã mất, nhưng Hải cũng gợi ra ở trong trí nhớ chàng cái hình ảnh kiều diễm của Quỳ.
Hải gặp chàng, tay bắt mặt mừng:
- Trời ơi! Lâu lắm mới gặp anh. Người ta nói độ này anh khá lắm cơ mà.
- Làm nhà buôn có gì mà khá. Anh ở đâu?
- Tôi ở Lê Lợi số nhà 82. Hôm nào rỗi mời anh lại chơi.
Vượng nghe Hải nói xong bỗng tái mặt. Thì ra Hải ở xế cửa nhà chàng. Chàng tưởng tượng ít lâu nữa, Quỳ sẽ về ở đây. Chàng luôn luôn phải nhìn thấy cái hạnh phúc của mình chuyển sang tay người khác.
Nhưng chàng xét chàng không thể đổi nhà được. Vì đổi nhà như thế, tức là mình đã hối hận những việc mình đã làm, mình còn tiếc rẻ cái hạnh phúc của mình. Trong lúc này, chàng thấy như thế tức là phạm đến cái kỷ niệm của người em yêu quý.
Ông Lý Quyết lên thăm các cháu giữa cái hôm mà Vượng nhận được thiếp của Hồ mời đi ăn cưới Quỳ.
Nếu không xảy ra việc Đạt thì có lẽ chàng không đi. Nhưng bây giờ chàng thấy mình cần phải giữ nguyên vẹn cái kỷ niệm thiêng liêng của người em yêu quý thì những sự hy sinh xưa kia mới có nghĩa.
Chàng thấy rằng lòng kẻ làm anh sẽ bị thương tổn nếu trốn tránh không dám nhìn đến sự tan vỡ những mộng tưởng của mình. Chàng phải đến, đến với một bộ mặt bình tĩnh.
Ông Lý Quyết nhìn thấy các cháu là khóc ngay. Khóc chán, ông mắng Vượng:
- Tại làm sao mãi đến bây giờ, anh mới cho tôi biết tin? Tôi biết anh là người hiếu thảo, chứ không thì tôi có thể ngờ rằng thầy anh mất đi, bây giờ anh không cần đến chúng tôi nữa. Bác cả ốm, chứ không thì hôm nay cũng ra.
Vượng lẳng lặng ngồi nghe chú mắng, đến khi ông Lý mắng đã chán, chàng mới cung kính đáp:
- Con đâu dám có lòng bất kính đối với chú bác, nhưng con nghĩ có báo tin cho chú bác biết thì chú bác cũng chỉ biết buồn, chứ không làm gì được. Chi bằng báo cái tin buồn chậm ngày nào hay ngày ấy.
- Tôi đành hiểu thế, nhưng đã là máu mủ thì trong khi hoạn nạn, bất cứ rằng có giúp được hay không, cũng nên ở cạnh nhau để tỏ cái tình liên lạc.
- Thưa chú, cái tình liên lạc sẵn có ở trong lòng hà tất phải tỏ ra ngoài mới là thương yêu nhau. Chú là người rộng nghĩ, chú hiểu tình thế và việc đời không nói làm gì, nhưng bác cả được tin thì bác ấy khổ lắm. Vì nghĩ thế nên cháu cứ trùng trình. Thôi thì chú hãy xem cái phần số, cái mệnh trời đã buộc chú ấy phải thế, bây giờ chú có buồn thì cũng chẳng lấy lại được.
- Chú hiểu, chú hiểu lắm, nhưng chú vẫn trách cháu là sơ tình. Chú nói ví dụ, nếu thầy cháu còn sống thì khi việc này xảy ra, cháu có phải báo tin cho thầy cháu biết ngay không nào?
Vượng chưa kịp trả lời thì ông Lý Quyết đã lại nói:
- Tất là cháu phải báo ngay. Ấy đấy, chú trách cháu sơ tình là ở chỗ ấy.
- Điều đó thì cháu xin chịu lỗi. Nhưng thật cái chủ tâm của cháu là muốn tránh cho chú và bác những cái buồn vô ích.
- Thôi không nói đến chuyện đó nữa, bây giờ đầu đuôi thế nào, cháu thuật kỹ cho chú rõ. Vì chú yêu cầu cháu đến hôm giỗ thầy cháu thì phải về quê làm giỗ vì bác cả có lẽ mệt không lên đây được. Như thế thì bác ấy buồn khổ lắm. Đành rằng nhiều cái hoạn nạn người ta không giúp được nhau, nhưng đứng xen vào nhau thì nó cũng được ấm lòng, mình cũng đỡ tủi.
- Vâng cháu xin hiểu, còn sự làm giỗ thầy cháu ở quê thì cháu xin vâng chú. Cháu có thể xin nghỉ được.
- Thế tôi cứ về thu xếp, rồi hôm ấy anh đưa các em về, không phải sắm sửa cái gì cả. Tôi khắc lo liệu hết.
- Chú hãy ở chơi đây với cháu ít ngày.
- Không, bác cả mệt, chứ không những lúc này chú có thể ở đây hàng tháng với các cháu cũng được.
Nhàn và Thịnh thấy chú lên thì mừng tíu tít. Thịnh vốn hợp tâm tính với ông Lý Quyết nên ông yêu Thịnh hơn cả.
Thường thường, ông vẫn bảo với mọi người:
- Nó giống cái tính hoang tàng của tao, sau này thế nào cũng lại như tao bị các anh đánh khốn.
Rồi ông rầu rầu nét mặt:
- Tao chỉ biết thôi hoang tàng khi nào không còn anh đây để mà đánh nữa thôi. Xưa kia, tao thấy các anh là cứ như chuột thấy mèo. Ấy sợ thế mà tao còn hư thế. Giá không, thì có lẽ tao đã bán cả đời rồi.
Bữa cơm hôm ấy thật là vui vẻ. Ông Lý Quyết từ khi anh mất đã thôi không uống rượu, nhưng bị các cháu nài ép, cũng uống vài chén. Nhưng đến khi Nhàn bảo:
- Chú ở đây rồi tối, anh cả cho gọi người đánh tổ tôm.
Ông vội vàng xua tay:
- Tao đã thề trước linh cữu thầy và các cháu rằng từ đây tao không đánh bạc nữa, bất cứ một thứ gì rồi. Trước kia thì các cháu chả phải mời. Tao nhớ có một lần giỗ bà, tao mải đánh bạc quên phăng đi, không về, thầy cháu vác gậy sang làng bên, đuổi tao mấy bờ ruộng, đánh nhừ tử. Ấy thế mà hôm giỗ xong, thầy các cháu ra tỉnh rồi, chú lại đánh bạc như thường. Gớm, hồi ấy sao chú mê bạc thế! Bây giờ chú mới rõ nếu trong nhà phụ huynh không nghiêm thì con em hỏng cả. Chú mà không nhờ thầy cháu thì giờ sao được thế này. Chú chỉ hận một điều là khi thầy cháu chết đi rồi chú mới biết hối hận.
Bà Xuân Thái sau khi Nhàn đem lễ vật lên mừng, biết tin ông Lý Quyết ra, liền cho ô-tô xuống đón lên.
Ông Lý Quyết không biết một chút gì về việc xảy ra giữa bà Xuân Thái và Vượng, nên giữ một thái độ thản nhiên lắm.
Còn Vượng thì dù cố làm ra thản nhiên cũng không sao mà thản nhiên được. Bà Xuân Thái đã không gọi chàng bằng con nữa, nhưng thấy mặt chàng, bà cũng trách ngay bằng một giọng thân mật:
- Đáng lẽ những ngày vui mừng như ngày hôm nay của em, anh phải ở đây trông coi và tiếp khách giùm tôi mới là phải.
Vượng vẫn xưng hô với bà bằng con. Dù thế nào, Vượng vẫn coi bà như mẹ:
- Nếu con không phải đi làm thì thế nào con cũng đến.
- Thế mai đưa dâu, anh phải cho cô Nhàn đi phù dâu nhé?
- Con chỉ sợ cô Quỳ không bằng lòng, chứ con thì xin vâng ngay.
Hồ ngồi cạnh nói ngay:
- Thôi, đừng bắt tội cô ấy nữa, bây giờ nhà ở xa chứ có gần gũi như trước đâu.
Hồ muốn tránh cho em gái những kỷ niệm đau đớn, Vượng và Hồ đang nói chuyện thì Quỳ đi qua. Bà Xuân Thái gọi Quỳ lại:
- Kìa, con không chào cụ Lý. Đấy, cháu cụ đấy.
Câu nói vô tình ấy làm gợi ở lòng Vượng bao nhiêu khổ não. Thật ra thì lúc ấy chàng quên Đạt. Quỳ hôm ấy đẹp quá. Lại thêm sự cảm động về chỗ sắp về nhà chồng tô cho nàng một nét băn khoăn làm cho nàng càng thêm tình tứ. Nàng mặc một chiếc áo nhung màu cánh chả, cổ đeo một chuỗi ngọc rất to, tai và tay chói lòa những kim cương sáng trong. Nhưng Vượng nhận thấy mắt nàng còn trong sáng hơn. Nàng thấy Vượng thì hình như có vẻ bẽn lẽn, nhưng nàng cũng chào, cũng trách:
- Gớm, mãi hôm nay mới thấy anh đến.
Vượng không biết trả lời làm sao, chỉ cúi đầu.
Bữa tiệc hôm ấy, thật là đủ các sơn hào hải vị, nhưng Vượng ăn chẳng thấy ngon chút nào. Luôn luôn, chàng thấy hiện ra ở các món ăn cái hình ảnh của một con người mặc áo nhung tuyết mịn, cổ trắng ngần với những tua kim cương lóng lánh.
Lúc ấy thì chàng tiếc lắm, tiếc vô ngần. Chàng tự nhủ, nếu chàng muốn thì con người ngọc ấy đã về chàng và chàng đã được hưởng bao nhiêu sự giàu sang, chứ không đến nỗi phải dè dặt từng hào tiền chợ như bây giờ.
Ở một tâm hồn như chàng, lòng tiếc không đưa đến sự oán em, nhưng chàng cũng thầm trách số phận sao lại sinh cho chàng làm con cả, để chỉ thấy những bổn phận mà chẳng được hưởng một chút sướng thỏa nào.
Vẻ mặt rầu rầu của chàng làm cho vợ Hồ ái ngại. Sau khi tan tiệc, vợ Hồ vẫy chàng vào nhà trong. Lúc ấy Quỳ cũng có mặt ở đấy. Quỳ thấy chàng thì vội lảng đi. Vợ Hồ hỏi thăm chàng về Đạt, rồi lúc chàng sắp ra liền bảo:
- Việc này là tại anh, chứ không bữa tiệc hôm nay là để cho anh.
- Thì tôi biết lắm.
- Nhưng sao anh buồn thế?
Vượng ngậm ngùi:
- Thì chị bảo không buồn làm sao được? Nhất là trong những lúc này! Nhưng thôi, chị nhắc làm gì nữa. Chẳng qua cái số kiếp của tôi nó thế.
Bà Xuân Thái giữ hai chú cháu ở lại đánh tổ tôm. Ông Lý Quyết từ chối ngay:
- Quả tình là tôi không biết đánh.
Bà Xuân Thái sửng sốt:
- Ô hay, tôi thường nghe bà Phán nói ông cao lắm và hay đánh lắm cơ mà?
Ông Lý Quyết buộc lòng phải nói thật:
- Chẳng nói giấu gì bà chị, trước kia em cũng hay đánh lắm. Nhưng từ ngày bác Phán mất đi, em thề không đánh nữa.
Rồi ông kể mọi chuyện cho bà Xuân Thái nghe. Bà Xuân Thái nghe xong nhìn Vượng:
- Tôi thấy nhà cụ, anh em ở với nhau thế là một.
Ông Lý Quyết đã không đánh thì Vượng được thoát hình phạt phải ngồi đấy. Lúc ở nhà bà Xuân Thái đi ra, chàng mới thấy trong người nhẹ nhõm.
Chàng dắt chú đi rong phố. Đến đầu Hàng Đào, ông Lý Quyết hỏi chàng:
- Sao chú nghe người ta nói bà ấy định gả cô Quỳ cho cháu cơ mà?
Vượng chưa kịp trả lời thì ông Lý Quyết đã nói:
- Hay bây giờ bà ấy thấy cháu không đỗ đạt gì...
- Thưa chú không phải thế. Bà ấy cũng đã gọi gả cho cháu. Nhưng cháu không thể nhận lời được.
Ông Lý Quyết đang đi, bỗng dừng lại:
- Ô hay, tại sao thế?
Vượng không dám nói đến chuyện Quỳ đã đem lòng yêu Đạt:
- Chú bảo cháu lương ít, vừa đủ cho các em cháu sống, lấy vợ rồi thì làm thế nào?
- Trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Với lại bà Xuân Thái nhà giàu.
- Nhưng cháu chỉ lo có sự xích mích giữa chị dâu em chồng.
- Nếu sợ thế thì không bao giờ cháu lấy vợ cả ư?
- Cháu định sau khi...
Đến đấy, Vượng líu lưỡi. Xưa kia, lúc Đạt còn ở nhà, chàng đinh ninh chờ Đạt thi rồi sẽ nghĩ đến hạnh phúc riêng mình. Nay Đạt đã đi mà Thịnh thì còn những bốn năm rưỡi nữa. Ấy là nói sự học của Thịnh trôi chảy.
- Sau khi thằng Thịnh thi ra ấy à? Biết đến đời nào. Cháu cũng phải liệu tìm xem có đám nào thì hỏi đi. Nếu có thiếu tiền cưới thì bác và chú giúp, chú bây giờ cũng đã khá rồi, chứ không đến nỗi như trước nữa. Năm nay cháu đã hai mươi chín rồi, cũng cần phải lập gia đình, chứ để lâu rồi sau này cha già con mọn, khổ lắm đấy. Con Nhàn xem có ai tử tế hỏi cũng gả nó đi.
- Vâng... vâng.
Vượng miệng nói nhưng lòng thì thấy nát ra.
- Vâng, để cháu liệu.
Khi giỗ xong, Vượng và Thịnh ra trước để Nhàn ở lại, vì ông cả Quỹ mệt. Nhàn không muốn ở lại, nhưng vì sợ anh buộc lòng phải ở.
Vượng ra đến nhà thì thằng xe trao cho anh một phong thư của nhà dây thép mới mang lại ngày hôm qua. Bức thư gửi cho Nhàn. Vượng đã không để ý, cất lên mặt búp phê để khi Nhàn ra thì đưa cho Nhàn, nhưng đến chiều, sau khi cơm xong ra búp phê lấy tăm xỉa răng, chàng lại nhìn vào bức thư. Cũng vô tình, chàng nhìn đến những dấu đóng. Hai con dấu là dấu của nhà dây thép Hà Nội cả. Chàng sinh nghi: “Quái, bạn nào mà đã ở Hà Nội, còn phải gửi thư?” Rồi một ý tưởng rùng rợn đang chạy qua óc chàng. Chàng xem chữ viết. Tuy địa chỉ người gửi đề là mademoiselle Tâm, nhưng nét chữ cứng cáp của nét chữ đàn ông.
Chờ cho Thịnh lên gác học bài rồi, Vượng mới xé bức thư ra xem. Bức thư do nhân tình Nhàn gửi cho Nhàn.
Em Nhàn yêu quý,Anh vừa nhận được thư nhà, nói cho biết thầy anh ốm nặng, nên anh phải về ngay. Anh phải vội vàng viết thư cho em để khi em ở quê ra, không thấy anh, em khỏi nóng ruột. Anh cần phải nói để em biết nếu chẳng may, thầy anh có mệnh hệ nào thì anh không thể theo học được nữa, vì hiện nhà anh rất nghèo, chạy được tiền gửi ra cho anh ăn học cũng đã chật vật lắm rồi.Nhưng anh rất mong rằng việc ấy không bao giờ xảy ra để anh có thể đạt được ước nguyện mà gây một địa vị cho nó xứng đáng với sắc đẹp của em và tấm lòng em yêu anh.Hôn em một nghìn cáiTÂMT.B. Khi nào anh ra, anh sẽ bảo chị Nguyên đến nói với em biết để em lại.
Vượng đọc bức thư xong bỗng thấy đồ đạc trong phòng như quay tít. Thứ nhất mấy câu ở chỗ tái bút càng làm cho chàng rối loạn. Nhàn đã nhiều lần đến nhà Tâm rồi! Chàng lo giữa hai người đã xảy những việc không đẹp đẽ. Tuy chàng vẫn tin ở nết na của em chàng, nhưng xác thịt vốn yếu, mà điều đó, chàng đã có kinh nghiệm, chàng thấy lo cho tương lai của em mình.
Chàng cầm thư lên cho Thịnh xem.
Thịnh đọc xong, đập tay xuống bàn:
- Không ngờ con bé này lại hư đến thế?
Vượng vội can em:
- Chú đừng nóng nảy. Dẫu sao thì sự đã rồi. Bây giờ, phải tìm cách thu xếp cho nó êm đẹp. Chú có biết Tâm là người thế nào không?
- Thì y ở đầu phố nhà ta trước. Y có quen với anh Hai. Lâu lâu có đến chơi nhà. Y học năm thứ hai trường Luật.
- Nhưng tính nết người thế nào chứ?
- Em không chơi với y, em không biết, nhưng xem cách thức anh Hai đối xử với y thì y cũng là người tử tế.
- Nếu chắc được như thế thì may ra việc này cũng không đến nỗi... Nhưng thật cũng tại anh... không biết bảo ban nó. Ấy may mà mình sớm biết. Chú nhớ hôm nào nó ra đừng có mắng mỏ gì nó cả nhé. Cứ thản nhiên như không. Chứ không thì nó xấu hổ và đau đớn mà cũng chẳng có ích gì.
Bốn hôm sau thì Nhàn ra. Vượng đối với Nhàn như không có một việc gì xảy ra. Chàng hỏi thăm bệnh tình bác, rồi giục Nhàn đi nghỉ ngơi:
- Thôi chiều em không phải đi chợ, cứ để thẳng xe nó làm cơm. Chúng anh ăn gì cũng được. Em đi tàu mệt nên nghỉ cho nó lại sức.
Buổi chiều về, nét mặt băn khoăn của em, chàng biết em đã không nghe lời mình, cứ đi chợ để lại Nguyên hỏi thăm tin tức của Tâm. Chàng độ chừng hai người đã gặp nhau, đã biết có một phong thư gửi cho mình, mà hiện nay Nhàn đang áy náy về số phận bức thư ấy, nhưng Nhàn chưa dám hỏi.
Lúc ấy, Vượng vừa thương em, vừa giận. Cơm xong sau khi Thịnh đã lên gác, Nhàn thừa một lúc anh vui vẻ:
- À thằng xe nói có một bức thư của một người chị em bạn gửi cho em, anh để của em đâu?
Vượng nhìn em bằng một cái nhìn nghiêm khắc, rồi đứng dậy đóng cửa. Lúc chàng quay vào thì thấy mặt Nhàn xanh nhợt và người run như cầy sấy.
Thấy thế, chàng không nỡ nặng lời, chàng móc túi ném bức thư lại trước mặt Nhàn. Nhàn vồ lấy bức thư, nhưng không xem, chỉ òa khóc.
Vượng để cho em khóc một lúc lâu rồi mắng:
- Mày hư thế thôi. Mày xử sự như con nhà vô giáo dục. Mày đã đem cái thanh danh của nhà ta...
Nhàn, hai tay vặn chặt lấy nhau, nức nở nói:
- Em trót yêu người ta, nhưng em không làm điều gì phạm đến danh dự. Lạy anh tha cho em.
- Tha mày, nhưng dư luận quyết là không tha tao. Người ta sẽ nhiếc tao, sau khi thầy mẹ chết đi, tao không biết dạy mày.
- Lạy anh tha cho em, em trót dại.
- Mày có biết như thế là mày tự làm hại cái đời mày không? Một khi người ta không lấy mày...
Nhàn vội vàng cãi:
- Không, người ta yêu em lắm, thế nào người ta cũng lấy em. Chờ khi thi ra, thế nào người ta cũng đến hỏi em để lấy em.
Nghe những lời nói cả quyết của em, Vượng thấy mừng mừng:
- Mày có chắc như thế không?
- Em chắc lắm. Em chắc người ta là người tử tế và trung thành với em lắm.
- Biết bao nhiêu người đàn bà chỉ vì dại dột chắc như thế mà thành ra điêu đứng cả một đời.
- Không, anh có thể tin Tâm không phải thế.
Vượng lặng im một lát:
- Thế người ta đã ở quê ra chưa?
Nhàn se sẽ nói:
- Ra rồi.
- Mày gặp y chiều hôm nay có phải không?
Nhàn lặng im. Vượng trầm ngâm một lát:
- Có một cách rất thần diệu để xét người ta có thật tử tế với mày không.
-????
- Mày viết cho y một bức thư nói rằng tao đã biết rồi. Và bảo y lại đây.
Một nét mừng vụt hiện trong đôi mắt còn đẫm lệ:
- Em vì sợ anh, nên không dám... Em viết thư bảo lại thì lại ngay. Tâm chơi với anh Hai, Tâm biết anh, Tâm vẫn kính trọng anh lắm.
- Nếu thế viết đi, mai gửi.
- Chẳng cần mai, em viết thư cho thằng xe đem lại thì Tâm lại ngay. Chính Tâm nhiều lần khuyên em nên thú thật với anh, và xin anh thành toàn cho đôi lứa của chúng em, nhưng vì em sợ anh, nên em không dám nói vì độ này, em thấy anh buồn.
- Mày nên biết vì mày mà tao thành ra buồn thêm. Ừ thôi, có phải thế thì viết thư đi.
Nhàn lên gác viết một phong thư đem xuống đưa cho Vượng xem.
Anh Tâm yêu quý,Anh cả em đã biết cả mọi chuyện rồi. Nếu có phải anh yêu em bằng một mối tình đẹp đẽ và thiêng liêng như em yêu anh thì anh lại ngay mà nói với anh cả em. Anh cả em thương em không bờ bến, quyết thế nào cũng ưng thuận cuộc nhân duyên của chúng ta.Anh theo thằng xe lại ngay đừng để cho anh em phải chờ.Người vợ chưa cưới của anhNHÀN
Vượng dán bức thư, gọi thằng xe, dặn số nhà:
- Mày đem xe đi đưa thư cho ông ấy, rồi chờ kéo ông ấy xuống đây.
Khi thằng xe đi rồi, Vượng bảo em:
- Dù thế nào, tao cũng cấm mày từ nay không được... gặp người ta nữa, hay chỉ gặp ở nhà này. Mày có hứa với tao như thế thì tao mới có thể tha cho mày được.
- Em xin hứa.
- Nhưng mày phải giữ lời hứa.
- Em xin thề.
- Mày nên nhớ, con nhà tử tế mà hẹn hò như thế thì mang tiếng cha anh, và lại rất hại cho mày nữa. Người đàn ông họ có thể thấy mình dễ dãi mà coi thường, coi khinh...
Nhàn cãi:
- Không, Tâm quyết không nghĩ thế.
- Thế mày biết y từ bao giờ?
- Từ năm ngoái.
Vượng lắc đầu:
- Thế thì khá thật. Lên gọi anh Ba xuống đây.
Thấy Thịnh, Vượng bảo ngay:
- Bây giờ sự đã lỡ như thế, anh tính chỉ còn một cách là gả nó cho người ta, chú nghĩ thế nào?
Thịnh nhìn Nhàn:
- Anh tính như thế thì phải lắm rồi. Nhưng chỉ sợ người ta không thèm lấy nó nữa thôi.
Nhàn phản đối ngay:
- Đâu có sự như thế. Hai anh xem, Tâm đến ngay bây giờ. Và hai anh bảo thế nào Tâm cũng nghe.
Vượng quay sang Thịnh:
- Nếu thật như lời nó nói thì người ta đến. Và nếu người ta bằng lòng, anh sẽ cho cưới ngay.
- Nhưng thưa anh, nhà Tâm nghèo lắm, Tâm không có tiền cưới ngay đâu.
- Cô đừng lo, miễn là người ta thật thương yêu cô thì sẽ có tiền. Chốc nữa, nếu người ta đến đây, cô chú cứ ở trong này, bao giờ tôi cho gọi hãy ra.
Tám giờ hai mươi thì Tâm đến. Tâm còn rụt rè chưa dám vào thì Vượng đã chạy ra, bắt tay. Rồi bảo thằng xe pha nước. Tâm rụt rè mãi mới nói:
- Tôi biết ông cho gọi, tôi lại ngay... tôi... nhưng xin ông... chúng tôi... trót... chúng tôi thật là... không phải xin tha...
- Tuổi trẻ thường mắc vào những tội lỗi mà người ta có thể tha thứ. Tôi đã tha thứ cho cậu rồi.
Mặt Tâm đang lo lắng bỗng tươi lên:
- Thế thì tôi được đội ơn ông nhiều quá.
- Nhưng cũng có chỗ tôi không hiểu tại sao cậu đã yêu nó, mà lại không nói với tôi?
- Tôi chưa dám.
Nhìn diện mạo của Tâm, Vượng đã bằng lòng. Nghe lời nói của Tâm,Vượng biết Tâm thành thực yêu em mình. Bao nhiêu điều lo lắng của chàng biến đi để nhường chỗ cho một nguồn vui. Vượng cười:
- Khi người ta đã thật yêu, người ta cần phải đủ nghị lực để tránh cho người mình yêu những điều có thể dị hại, thế mới là người phải chăng. Cậu phải về bảo với cụ ông lên đây. Rồi liệu mà thu xếp, như thế mới là cậu thương em tôi và chuộc lại những điều không phải đối với chúng tôi.
Tâm vội vàng nói ngay:
- Thầy tôi hiện nay mới mệt khỏi, không thể lên được. Nhưng mẹ tôi có thể lên.
- Trong hai người, một người lên cũng được. Sự hôn nhân phải có cha mẹ...
- Vâng, tôi đã hiểu. Và ông có thể tin tôi yêu bằng một mối tình chân chính. Việc này, tôi cũng đã nói chuyện với thầy mẹ tôi, thầy tôi bảo tùy tôi. Ông không tin ông hỏi Nhàn xem chính tôi đã nói với Nhàn cần phải thưa với ông, nhưng có lẽ vì Nhàn sợ ông nên cứ dùng dằng mãi.
- Không, nó đã có nói với tôi, vì thế tôi mới cho mời cậu lại. Hễ ông bà một người lên đây hỏi thì tôi cho cậu lo ngay.
Tâm ngập ngừng một lát:
- Ông đã có lòng thương tôi như thế, thì tôi cũng đã như là em ông rồi. Tôi tưởng rằng chẳng xấu hổ gì mà nói thật với ông. Nhà tôi nghèo lắm. Xin ông hoãn cho đến khi tôi thi ra.
- Nếu đằng thẳng ra thì chờ, khi thi ra cũng được. Nhưng cậu với nó đã biết nhau... ngoài vòng lễ nghĩa...
Tâm giơ tay:
- Tôi thề với ông chúng tôi không làm điều gì...
- Tôi hiểu thế cho nên tôi mới quý cậu, nhưng dù sao cũng đã có nhiều người biết, cậu cần chuộc cái tiếng cho chúng tôi và nhất là cho nó. Tôi không lấy gì đâu mà.
- Ông thương tôi nghèo, không lấy gì, nhưng cũng phải lo sở phí mời họ, mời làng. Tôi thú thật với ông thầy tôi lương hưu trí, một tháng có hơn ba chục, đã phải gửi ra cho tôi mười tám đồng. Nhà tôi túng lắm.
Vượng xích ghế lại gần:
- Bây giờ, chúng ta coi như anh em, và cậu đừng nên có những sự tỵ hiềm. Nếu có phải tiền sở phí cậu không lo được thì tôi sẽ giúp cậu. Tôi giúp cậu cũng như giúp em tôi.
Tâm chưa kịp từ chối thì Vượng đã lại nói tiếp:
- Đã gọi là tình thân thì cậu đừng nên tự ái, nó chỉ làm cho giảm sự thân mật mà thôi. Cậu nên bằng lòng đi. Như thế mới là cậu yêu em tôi và quý tôi. Tôi lấy danh dự mà thề rằng nếu cậu không ưng thuận thì tôi rất buồn, và tôi có thể ngờ rằng cậu yêu nó không đến một cái độ quá mạnh như lòng tôi tưởng.
- Vâng, ông đã nói như thế thì tôi xin vâng. Tôi được đội ơn không biết chừng nào.
Vượng vỗ lên vài Tâm:
- Đã là anh em một nhà, sao lại nói đến ơn với huệ. Thế bao giờ cậu định viết thư về nhà?
- Không cần phải viết, đến chiều thứ bảy này, tôi về đón mẹ tôi lên. Quê tôi ở Văn Điển, gần đây.
- Thế thì hay lắm. À cụ ông mệt thế nào?
- Thầy tôi bệnh già. Bị cảm, tưởng nguy, nhưng bây giờ đã khỏi rồi, chỉ còn yếu thôi.
- Đấy là nguyên nhân giục chúng ta phải thu xếp cho mau. Các cụ nhiều tuổi, trở trời trái nắng. Bây giờ cậu tính bao giờ thì cưới?
- Tất cả là do em. - Tâm mừng rỡ - Em muốn bao giờ là nên bấy giờ. Thầy mẹ em chiều em lắm.
- Một người như chú chiều là phải, nhưng tôi hỏi thực chú điều này nhé. Ông bà có thể chiều chú đến cái độ để cho nó ở ngoài này với chú không?
- Có thể lắm, bởi vì em là con thứ hai. Ở nhà mọi việc đã có chị cả em trông nom. Nhưng ở ngoài này thì...
- Chú đừng lo, chú ở đây với tôi. Nếu như thế thì chúng tôi đây là người được chịu ơn chú, vì chú nên biết, chúng tôi mà bị xa nó chúng tôi khổ sở lắm nhé.
Vượng vừa nói,vừa lên tiếng gọi Nhàn. Nhàn bước ra, Vượng tủm tỉm cười kháo lên đầu em:
- Và tuy rằng nó yêu chú lắm, nhưng nó xa chúng tôi thì nó cũng nhớ lắm nhé. Hạnh phúc của nó chỉ hoàn toàn khi nào được ở gần cả anh và chồng. Chắc chú cũng muốn cho nó được sung sướng?
Tâm đưa mắt liếc Nhàn:
- Thì em còn cầu mong gì hơn.
- À, nhưng còn điều này. Chủ nhật này cụ bà ra, đến chủ nhật sau thì chú phải về quê tôi, tôi còn ông chú và ông bác.
- Vâng, em xin về. Chính phép phải như thế.
Vượng tiếp bà Ký như một người mẹ hiền, giữ cả hai mẹ con lại ăn cơm. Thấy bà Ký Viêm hiền lành, Vượng mừng thầm cho em gặp được người mẹ chồng phúc hậu.
Sau những câu chuyện mà tình thế bắt buộc phải có, bà Ký bảo với Vượng:
- Cháu đã về nói hết các chuyện với tôi. Thôi thì ông đã thương cháu thì ông bằng lòng thế nào, vợ chồng tôi cũng xin theo. Cưới xong cho ra cả ở ngoài này cũng được.
- Đáng lý ra thì cô nó phải ở nhà hầu hạ hai cụ, nhưng tôi nghe chú ấy nói nhà đã có bà cả. Gia dĩ chẳng dám nói giấu cụ, anh em chúng tôi mồ côi, tôi lại chưa vợ, mọi việc trong nhà vẫn nó trông coi. Nếu cô nó không có đây thì thật chúng tôi không còn biết xoay xở ra sao. Thôi thì cụ thương chúng tôi và thương cô nó. Cụ về thưa với cụ ông thế cho.
- Được mà, ông nhà tôi còn yếu, khi nào mạnh xin ra đây. Ông nó cũng như tôi thôi, ông có thể chắc rằng không có điều gì trở ngại. Có một điều chúng tôi cần phải thưa với ông là nhà của tôi thì nghèo, xin ông cứ tiệp diệp đi cho...
- Vâng, vâng, điều đó tôi cũng đã nói với chú ấy. Thôi thì miễn cho thành vợ thành chồng, thế là vui vẻ rồi. Cụ có thể tin rằng chúng tôi quý chú ấy thì mọi điều chúng tôi sẽ thu xếp cho êm đẹp. Người ta miễn là có lòng ở với nhau. Tháng sau thì thế nào chúng tôi cũng xin về thăm cụ ông.
- Thôi để ông cháu khỏi rồi ông cháu sẽ ra. Ông cháu cũng sắp khỏi. Để rồi ông cháu ra đây mọi việc ông bàn với ông cháu. Nhà chúng tôi chỉ mong có dâu hiền. Và sao cho con được vui vẻ, thế thôi. Vợ chồng tôi không như người ta, chỉ kiếm điều mà hoạnh họe con cái đâu.
Từ chiều hôm trước, Vượng đã sai Nhàn đi mua quà bánh để cho Tâm đem về quê. Mọi cái chàng đã chu liệu cả. Vì biết nhà Tâm nghèo lắm, chàng không để cho Tâm phải tốn phí một chút nào.
Trước Tâm vì yêu Nhàn mà quý chàng, nhưng sau gần chàng, Tâm lại vì tính nết của chàng mà quý chàng. Tâm đối với chàng như Thịnh đối với chàng, kính mến như một người anh. Mà bây giờ thì chàng tự coi là một bổn phận phải trông nom cho Tâm.
Chàng đã viết thư cho chú và bác biết trước, vì thế khi hai người đến nơi thì mọi người đã chờ ở đấy. Ông Lý Quyết trông thấy Tâm mặt mũi khôi ngô và nghe nói học ở trường luật thì bằng lòng ngay.
- Thôi bây giờ thầy anh mất đi thì mọi việc ở anh cả. Giá như người anh khác thì chú còn có chỗ phải nói nhưng anh đối với các em như thế thì chú chả còn phải nói gì nữa. Hôm nào cưới, viết giấy về thì tất cả mọi người ở đây kéo ra giúp anh, thế thôi.
Sau khi những sự thù tạc mà lễ phép bắt buộc phải có đã xong rồi, Vượng mời chú, bác xuống nhà ngang kể cái tình cảnh của Tâm cho mọi người, rồi kết luận:
- Thôi thì bác và chú thương cháu. Nay nó nghèo, con phải đùm bọc lấy nó. Thầy con có để cho chúng con mấy mẫu ruộng, cái kỷ phần của chú Ba thì để lại cho chú ấy, còn thì nhờ bác và chú bán giùm đi cho để lấy tiền cho chúng nó. Chú Hai nếu chú ấy mà có ở nhà thì quyết chú ấy cũng bằng lòng như thế. Miễn sao cho êm ấm trong lúc này, rồi sau nhờ trời chúng con khá thì chúng con lại tậu.
Ông Lý Quyết nói ngay:
- Ruộng này là ruộng của anh, anh có quyền bán, huống hồ anh lại bán để cho em thì còn ai nói gì được nữa. Được rồi, để chú bán, rồi năm mười bữa, chú sẽ mang tiền ra cho. Anh ở như thế thì còn gì bằng. Thầy anh ở dưới âm tất cũng rất vui lòng về sự anh bán ruộng này. Bán rồi lại tậu, mà chẳng tậu được nữa cũng thôi, miễn sao cho trong nhà anh em vui vẻ cả. Người này chú coi bộ cũng khá, quyết là họ không phụ cái ơn của anh đâu.
- Đó là vì lòng thương em nó xui giục, chứ cháu có cần gì đến chỗ họ phải trả ân, trả nghĩa cháu đâu.