ề hồi ấy, suốt một vùng đồi lũng chạy dài theo miệt hữu ngạn Thanh Giang, thuộc địa phận tổng Bắc Nhụng, hãy còn rậm rạp những rừng. Cái cảnh hoang vu cổ lai như chưa từng bị loài người xâm phạm. Vì, trên mặt da cây xù xì rêu mốc, tuyệt nhiên không có dấu chặt đẽo của búa rìu, và dưới từng cỏ rác mọc lũy khiếm lên nhau, cũng không hề thấy di tích cửa nhà, đường sá. Những loài thảo mộc tự hồ lấy đấy là quê hương. Nhất là về mùa tháng Năm tháng Sáu, lá cây rườm rà che khuất cả mặt trời. Bên dưới thì những dây mây dây mé, thiếu cóc, nhựa vàng chằng chịt cành nọ sang cành kia, nối liền gốc cây này với gốc cây khác, kết thành một khối xanh xanh vĩ đại.Dưới trần lá kín mít, trong chỗ tranh tối tranh sáng lạnh lùng ẩm ướt, chỉ thấy những loài chim rừng, thú dữ, sâu, kiến, rắn, rết bay, chạy, nhảy, ẩn núp, rình mò... Cả cuộc sinh hoạt tối tăm ghê tởm, nhịp theo tiếng gió vụt đầu cành, suối dồn kẽ đá ấy chưa từng bị ngăn trở, chưa từng bị quấy rối bao giờ.Nhưng...Một ngày kia, một ngày cuối thu, trời đã xế chiều.Qua những cành trơ trụi, tà huy len lỏi vào rừng, nhóm lên mặt lá cây xanh bóng hàng vạn điểm sáng lung linh... Cái lặng lẽ ngày thường lúc ấy bỗng rung động lên vì những tiếng sột sạt của lá khô bị giày xéo.Tiếng động thoạt tiên còn rụt rè, bẵng đi, rồi rõ mồn một...Giữa khoảng những cổ thụ thấp thoáng hiện ra một bóng người...Bóng đen cứ rón rén đi mãi, hết lom khom lại cúi rạp xuống, có lúc vươn thẳng lên một cách mạnh bạo, có lúc đứng sững lại, yên lặng như một gốc cây, hoặc rút con dao lưng sáng quắc gạt những con vắt xanh lày nhày đang leo bám lên mình. Sau lưng thì hàng vạn con muỗi đói bay vù vù, lẵng nhẵng theo cái mồi hiếm lạ. Dưới gốc cỏ, những con rắn, những con cầy, giựt mình chạy roàn roạt. Những con ếch, nhái khổng lồ gan góc hơn, thì giương mắt nhìn thao láo, đoạn kêu rầm lên như báo cho cả rừng cây biết sự khác thường.Bóng đen đi qua giữa vùng ánh sáng tự trên cao rót xuống như một bó tơ óng. Thì ra một chàng trẻ tuổi cao lớn, khỏe mạnh, đầu bịt khăn vải, mình mặc áo xanh, lưng đeo dao, chân quấn xà cạp, tay cầm chiếc nỏ cánh dâu. Chàng ngẩng nhìn, lộ ra một khuôn mặt bầu bầu, da bánh mật, cặp mắt to sáng quắc dưới đôi mày rậm, mũi sư tử, miệng rộng, môi dày, điểm loáng thoáng mấy sợi râu non. Chàng có vẻ lo ngại nhưng quả quyết, tự hồ đang nghĩ ngợi một chuyện gì quan trọng lắm.Thốt nhiên một tiếng... hai tiếng hú khe khẽ...Nhanh như chớp, chàng trẻ tuổi lẩn vào một gốc cây gần đấy và nín hơi, chờ...Ngay lúc ấy, xa xa đằng phía trước, hiện ra một cái bóng người nữa, thấp lùn, to lớn, quần áo sặc sỡ, dáng đi khệnh khạng, trong tay cầm lăm lăm thanh gươm, người ấy nhớn nhác trông chung quanh và hú lên một tiếng thứ ba nữa, đoạn lắng tai nghe rất lâu... Bốn bề vẫn im lặng, cái im lặng sâu thăm thẳm.Chàng trẻ tuổi khe khẽ kéo dây nỏ, rút mũi tên vầu đặt vào lòng máng giơ lên...Cái bóng người vẫn ra vẻ nghi ngại, nhìn dò la từng gốc cây, từng tầu lá...“Trếch!...”Dây nỏ bật một tiếng lạnh lẽo.Cái bóng lùn nhảy vụt lên, vùng chạy được mấy bước, đoạn ngã vựt xuống. Chàng trẻ tuổi nhảy xổ lại, nhẹ nhàng như một con báo. Một làn chớp lòe ra, một cái đầu văng trên ngọn cỏ...Chàng trẻ tuổi cúi nhìn, mỉm cười một cách dữ tợn. Chàng chùi lưỡi dao lên thây chết, cài vào vỏ, rồi một tay xách cái đầu lâu vấy máu, một tay nắm chân cái thây chết lôi xềnh xệch lại gần chỗ nấp vừa rồi, ném cái đầu lâu, đoạn lẳng cả cái mình cụt xuống đám cỏ rác. Thì ra bên dưới có một cái hố sâu.“Những quân chó này, không giết cho hết để làm gì! Tao đây không phải là kẻ để cho chúng bay ăn hiếp được!”Chàng liễu kết cái tấn kịch thảm thê lặng lẽ bằng mấy câu nói cứng cỏi ấy xong, cúi xuống nhặt chiếc nỏ lên tay, lùi lũi bước đi.Rừng cây lại chìm sâu trong cái tịch mịch nghìn đời...Chàng trẻ tuổi đã ra tới bờ một khúc ngòi rộng và nông chảy róc rách trên mặt sỏi trắng.Chàng đứng dừng lại, thờ thẫn nhìn cảnh làng mạc ruộng đồi bên kia bờ nước. Cái cảnh mới rực rỡ làm sao! Ánh chiều in lên mọi vật, làm cho toàn cảnh sáng trưng lên như một hoàng kim thế giới. Trên mặt đồng lúa chín, nhà cửa rải rác ẩn khuất sau những rặng chuối rườm rà. Rừng thu căng lên chân trời một tấm sa dài màu úa sẫm. Vòm trời cao tít, điểm vệt mây lòng tôm, hạt lựu, lửa đỏ, cánh sen, tàn hương, bạch yến, phớt tím, sạm vàng. Nước ngòi in sắc mây trời, lung linh như một con đường ngũ sắc chạy xa về cõi mộng thơ... Mấy vệt khói tự nóc nhà tranh bốc lên cao như những cái ý nghĩ vẩn vơ. Không khí ấm áp, sực nức mùi lúa chín. Thỉnh thoảng một vài cái mõ trâu rung lốc cốc, điểm lên cái yên lặng của cảnh vật những tiếng cổ lỗ xa xôi...Chàng trẻ tuổi bỗng cau lông mày, mắt sáng quắc, nghiến răng nói:- Không! Nhất định không! Dù có phải chết nữa cũng cam lòng chứ không khi nào ta chịu để cho giống Mèo tàn phá cái cảnh đẹp này!...Nói đoạn, chàng lội qua suối, sang bờ bên kia. Tà huy đã tắt. Đêm trường. Trong chớp mắt, những vẻ vàng son lộng lẫy của thiên nhiên đã bị xóa sạch... Giun dế bắt đầu cử khúc nhạc năm canh. Không khí mát lạnh. Lá cây rì rào trong gió thoảng.Nghe tiếng chân người, một hai rồi ba bốn mươi con chó sủa rầm lên. Cái xóm nhỏ rùng mình xào xạc. Sau những tấm phên che cửa, những cặp mắt lẳng lặng nhìn; những tiếng thì thào nói nhỏ...Chàng trẻ tuổi đi thật nhanh: đến cổng chàng khẽ lách mình vào trong sân. Đàn chó xoắn xuýt mừng. Chàng đến gần thang, nghiêng báng nước rửa vội hai bàn chân, đoạn trèo lên nhà.Một đám toàn đàn ông ngồi xúm quanh bếp lửa, thấy chàng trẻ tuổi vào, vội ngoảnh lại nhìn. Tuy không ai hé răng mà tất cả đều dán mắt lên chờ đợi câu chàng nói.- Nguy lắm! Giặc Mèo đã gần tràn đến đây rồi. Nó biết đây có người ở...Ai nấy hoảng hốt nhìn nhau.- Kìa! Thế các ông không thấy gì khác à?... Vừa rồi, lúc về qua rừng Cấm, tôi gặp một thẳng Mèo lảng vảng chừng lại đây nghe ngóng. Tôi tức mình cho nó một mũi tên rồi chém đầu vứt xuống vực...Mọi người tái mặt.- Bác Khán! Bác làm thế tức là khai chiến với giặc...- Thì đã sao? Đằng nào cũng chết mà!...- Mình, ít người địch sao nổi; chi bằng chịu hàng...Chàng trẻ tuổi nổi giận:- Hàng à? Các ông tưởng hàng thì nó để cho sống hẳn?- Chứ gì!... Mình chịu theo, ai còn nỡ giết.Chàng trẻ tuổi cười nhạt:- Các ông lầm! Rồi tôi sẽ nói rõ để các ông nghe.Nói đoạn, chàng lại gần bếp, vớ cái điếu cày nạp thuốc và châm lửa hút...Đám đông im lặng.Cái lặng lẽ nặng nề những kinh hoảng của sự chết...Những việc vừa thuật trên đây, xảy ra đã lâu lắm, về hồi loạn giặc Mèo.Bấy giờ đang triều vua Tự Đức. Về địa phận Hoàng Su Phì bỗng xuất hiện một nữ tướng Mèo, hiệu là Tiên Nhân.Tiên Nhân tên tục là gì, không ai biết. Gái một của một vị chúa Mèo, nàng sớm đã tỏ ra là một thiếu nữ có tính cách đàn ông. Nàng chỉ thích luyện tập nghề võ và chỉ ham mê săn bắn. Nhà sẵn nuôi hàng trăm ngựa tốt, nên nghề kỵ nàng cũng rất tài. Ngoài ra, Tiên Nhân còn biết nhiều phép thuật lạ do một người thầy Mường dạy.Đã sẵn cái tinh thần thượng võ và những tài nghệ siêu quần, lại sinh nhằm thời loạn, những kẻ tranh vương đồ bá nổi dậy như ong, nàng cũng có cái chí thanh gươm yên ngựa, vùng vẫy giang hồ, làm cho tỏ mặt cân quắc phi thường. Tuy nhiên, cái chí tang bồng ấy lâu nay mới là một cái mộng tưởng trợ hứng cho nàng những lúc săn thú dữ trên đầu núi, vung gươm sắc dưới ánh trăng mà thôi...Thời gian qua...Nàng đã có chồng. Cái chí hướng năm xưa tưởng không bao giờ vẩn vơ trong óc nàng nữa thì, một ngày kia, nó lại có dịp bùng lên như lửa cháy...Một ngày kia, trời bỗng nổi con dông. Rồi, tự đám mây đen buông xuống một làn hắc khí bao phủ cả đàn ngựa của chúa Mèo thả cỏ trên đầu non. Mây tan, gió lặng, chúa Mèo ra kiểm điểm số ngựa, không thấy thiếu chết con nào. Nhưng trong đàn, một con ngựa cái tự nhiên nằm phục vị xuống, ra dáng mệt mỏi vô cùng. Chúa Mèo sai dắt nó về tàu. Ngựa cái từ đấy thụ thai, mãn kỳ sinh được một con, sắc lông trắng bạch, điểm những khoanh tròn như lốt báo. Người ta đồn rằng ngựa cái bị rồng phủ, mà ngựa con tức là long mã. Long mã lớn lên, dáng cách tuyệt đẹp, mà chạy thì hay lạ lùng. Phải cái tính nó rất ác, trừ phi một mình nàng cưỡi được. Sự ấy là ngẫu nhiên hay do một lẽ huyền bí gì khác thì không rõ; nhưng chính nó đã phục hồi cái mộng tưởng năm xưa trong trí người thiếu nữ.Cách ít lâu, ông chúa Mèo chết. Nàng bèn đem ý định bàn với chồng. Anh chồng nhát vợ, không biểu đồng tình. Nàng nổi giận giết phăng, rồi tự mình đứng chiêu tập những kẻ ngang tàng, mạo hiểm, kéo cờ trắng làm loạn, tự xưng là Tiên Nhân. Nàng khéo gói những cái cử chỉ của mình vào trong một tấm màn huyền bí, khiến cho bọn dân Mèo mê tín ùa nhau theo như kiến cỏ.Nàng bảo chúng rằng:- Người Mèo ta, cổ lai chỉ ở núi cao. Ruộng đất ít, thóc lúa không đủ dùng, cuộc đời vì vậy gieo neo cực khổ lắm. Nay nếu các ngươi chịu theo ta tràn xuống những miền lâm lũng, giết hết dân Thổ, Mán, chiếm lấy ruộng nương, màu vật thì sau này lo gì thiếu ăn thiếu mặc nữa.Quân chúng đồng thanh hoan hô và tình nguyện theo nàng. Họ hát bài quốc ca để chúc tụng Tiên Nhân. Bài ca ấy cổ lắm, ý nghĩa như sau này:Cõi đất Mèo ai có biết là đâu?Núi cao mấy đợt, sông sâu mấy dòng.Trong rừng xanh ai đốt ngọn lửa thông,Trên đầu non ai kèn hát vẫy vùng đua chơi.Chuyện năm xưa còn nhớ chăng ai?Giống Mèo từ xứ Bác qua ngoài Hồ NamĐường xa dù cách dặm ngàn.Giống Mèo còn rộng bước, giang san còn nhiều.Thoạt đầu, Tiên Nhân đánh phá các làng tiếp cận, dần dần tràn lan đi xa, đến nỗi suốt một vùng thượng lưu Thanh Giang đều hãm vào một cái cảnh máu loang lửa cháy. Những dân Thổ, Mán phần khiếp nhược, phần không có mối đồng tâm nên bị thảm sát rất nhiều. Tiên Nhân thì cực kỳ độc ác. Không những nàng làm cỏ những dân nào có ý kháng cự, mà cả đến những người chịu khuất phục, nàng cũng không tha. Trẻ con, nàng sai bổ suốt cây tre đực cặp gắp nướng sống. Đàn bà, con gái, nàng cho quân chúng hãm hiếp kỳ chết. Còn đàn ông, con trai, thì nàng truyền lệnh trói tuốt cả vào cột nhà, vơ vét xong là châm lửa đốt. Những thủ đoạn hung tàn ấy động đạt đến triều đình, nhưng ngặt vì vua quan còn phải ứng phó với nhiều sự khó khăn khác nên đành vẫn phải làm ngơ. Tiên Nhân được thể càng làm già. Nàng kéo quân tràn xuống xuôi định đánh phá cả thành Tuyên, mở rộng thêm cõi đất. Con đường về tỉnh thế tất phải qua Bắc Nhụng. Vì lẽ ấy trên kia mới có dịp thuật qua tấn thảm kịch trong rừng...Chàng trẻ tuổi hút xong điếu thuốc, lần lượt đem những điều mình đã dò hỏi được kể lại cho mọi người nghe và nói cái lẽ nên liều chết kháng cự với giặc Mèo. Nhưng khốn thay! Bọn kia ngờ rằng vì chàng chủ chiến nên cố bày đặt những chuyện ghê gớm cho họ khiếp sợ phải theo chàng. Họ kiếm cớ thoái thác rồi đánh trống lảng cả, định bụng chỉ một hàng một trốn mà thôi.Ngồi trơ bên bếp lửa, chàng trẻ tuổi vừa tức giận vừa buồn rầu. Tức giận kẻ hèn nhát chỉ tính sự cầu an mà buồn rầu thay cho mình, một cây làm chẳng nên rừng. Ừ, đã đành chàng khảng khái có thừa nhưng hòn đất nhỏ cản sao được cả một dòng nước lũ. Nếu không có cơ mưu gì chắc chắn, chỉ bằng ở khí huyết trí dũng, châu chấu đá voi, thì chẳng những táng thân bại sự mà còn để cho miệng đời một tiếng mỉa mai. Nhưng mưu kế gì bây giờ? Tình thế khẩn cấp lắm rồi. Chỉ ngày mai là cái cảnh trù phú này sẽ biến thành một cõi chết tiêu điều!Chàng trẻ tuổi bồn chõn, vùng dậy ra sân. Những ý nghĩ bề bộn, trái ngược hẳn nhau thúc giục; chàng như những tiếng trống trận. Chàng ngẩng đầu nhìn trăng sao, thở dài than rằng: “Đánh không được, hàng không xong, ta biết làm cách nào bây giờ?... Hay là trốn? Vợ con thân thích không một người, ruộng nương thóc lúa chẳng có mấy, nếu ta khăn gói vắt vai, trốn tránh đi xa thì dễ yên thân lắm. Nhưng, đối với con nghiệt phụ ấy, chẳng lẽ bọn đàn ông không ai dám nhìn mặt nó hay sao? Đi để cầu lấy cái sống của con chim lạc đàn, của một cái cây đứt rễ, chẳng thà ở mà tìm lấy cái chết xứng đáng với đời nam nhi!”Chàng trẻ tuổi nghĩ vậy, tự lấy làm bằng lòng lắm. Chàng chỉ còn phải tìm cái cách chết thế nào cho không đến nỗi vô ích mà thôi...Mặt trăng đã xế về tây. Sương móc đầy trời. Con vạc ăn đêm bỏ lửng ngang không một tiếng kêu lạnh lẽo...Chàng trẻ tuổi vươn mình đứng dậy, thở dài như cất gánh nặng trên tâm hôn. Chàng đã nghĩ ra một kế, nhoẻn miệng cười...Chiều hôm sau...Ngồi trên long mã, Tiên Nhân lỏng buông tay khấu, lần theo con đường hẻm chạy mất hút vào trong khu rừng cấm nọ.Trạc tuổi độ hăm nhăm, hăm sáu, tầm vóc to lớn, cử chỉ đột ngột và nhanh nhẹn như một con hầu, Tiên Nhân thực chẳng có một mảy may cái dáng cách đàn bà. Dưới hơn ba chục nếp khăn ngũ sắc cuốn cao như cái chõ úp, mặt nàng dài đườn đưỡn, nét rán đanh. Cặp mắt vàng như mắt hùm, sáng quắc, lạnh lẽo và trắng trợn khiến cho ai nhìn cũng phải khiếp đảm. Trán dô ra như mảnh sọ dừa. Mũi khoẳm khoẳm. Miệng rộng, môi dưới trề, lộ hàm răng trắng nõn nhưng khấp khểnh. Hai tai vểnh ra, động đậy luôn như tai con ác thú đang rình mò nghe ngóng. Tóc rễ tre buông xuống hai bên má, cái màu đỏ quạch in lên khuôn mặt một nét thảm thê. Cổ to, cứng nhắc như khúc gỗ, đeo một cái kiềng bạc nặng. Mình mặc áo chẽn, mép chạy triện vàng, đỏ, trắng. Lung đeo kiếm. Chân bó kha cặt thêu. Hai tay phe phẩy đôi quạt phất bằng giấy đỏ, một bên đề chữ Thiên Lai, bên đề chữ Địa Lai. Miệng rì rầm niệm thần chú:“Thín lồi... à... Tì lồi!”Trước mặt nàng là một lá cờ đại sắc trắng, sau lưng nàng, mấy tên kỵ mã theo hầu. Đại quân thì vẫn còn tận đằng xa. Tự khi mở cờ xuống núi, đi đến đâu như vào cõi không người Tiên Nhân vì vậy sinh lòng kiêu hợm. Những khi quân ruổi đường xa, nàng thường chỉ đem mấy bên hầu cận phi ngựa vượt lên trước như thế, ung dung tự đắc, tưởng chừng trên con đường đắc thắng, từ đây không còn cái trở lực nào nữa...“Thín lồi... à... tì lô... ôi”.Quanh mình nàng, cảnh chiều thu hiện ra một cách rõ ràng.Tiên Nhân nhìn vơ vần những dải núi xa in lên chân mây vàng rực, những cánh rừng xanh thẫm hoen ố màu thu, những đám ruộng hoang bát ngát. Ánh chiều in lên những chỏm cây cao, những bãi cỏ áy cái sắc vàng rực rỡ. Thỉnh thoảng một đàn chim bay tung tóe ngang không, kêu ríu rít rồi xa xa chập vào ngọn cây trên đồi cao.Trên khuôn mặt Tiên Nhân, vẻ cứng cỏi bớt dần, nhường chỗ cho một vẻ mơ màng... Nàng quay lại bảo bọn hầu:- Kìa xem! Những cánh ruộng kia rồi về tay các ngươi cả. Từ khi hạ san, Tiên Nhân đã cho các ngươi biết bao sự hùng cường, thì từ nay về sau Tiên Nhân sẽ cho các ngươi biết sự giàu có.Chúng đồng thanh đáp:- Tiên Nhân thực là người trời!Tiên Nhân đắc ý cười khanh khách:- Chiều nay đốt phá Bắc Nhụng; mai về khao quân ở thành Tuyên, cái giang sơn của người Việt Nam kia, ta sẽ cướp cho các ngươi một nửa.- Tiên Nhân vạn tuế!- Hiện giờ, ta cao hứng muốn hát bài quốc ca. Vậy các ngươi họa kèn theo nhé.Bọn Mèo vâng lệnh, mỗi anh lấy một chiếc kèn lau đeo sẵn sau lưng, vi vo thổi.Cõi đất Mèo...... Thốt nhiên có tiếng dây nỏ bật giòn, mũi tên trúng ngay trước ngực nàng, Tiên Nhân kêu rú lên, ngã quay xuống đất. Đồng thời, một chàng trẻ tuổi tự trong rừng rậm nhảy ra thét lên rằng:- Chém được đầu Tiên Nhân rồi, anh em đâu mau giết sạch lũ chó này đi!Tiếng trống trận nổi ngay lên ầm ầm, tiếng reo vang trời dậy đất. Bọn Mèo mất vía, cắm cổ chạy như bay.Mà chính chàng thiếu niên nọ cũng giật mình không hiểu. Nguyên khi bắn trúng tướng giặc rồi, chàng nhảy ra quát tháo mở vòng thế là cốt làm loạn quân thù chứ, ngoài chàng ra, có ai là người dám làm cái việc không tiền tuyệt hậu ấy đâu!...Thì ra quan Đề đốc, được tin giặc Mèo về đánh tỉnh, vội vàng ngầm kéo quân đi đón đường. Vừa đến cạnh rừng rậm ấy, ngài chợt nghe có tiếng reohò là đã chém được Tiên Nhân rồi, ngài vội thúc trống xua quân ra trợ lực...Chàng trẻ tuổi mừng rỡ, vung dao chặt đầu nữ tướng giơ lên...Thấy người táo bạo lạ thường, dám một mình đối đầu với cả toán giặc có tiếng hung tàn, đã từng làm cho ai nấy phải kinh hồn vỡ mật, quan Đề đốc lấy làm kinh ngạc, vội gọi chàng trẻ tuổi gạn hỏi nguyên do.Chàng cứ thực trình bày.Quan Đề đốc toát bồ hôi, nhìn chàng trẻ tuổi từ đầu đến chân, tưởng chừng như đó là một vị thần núi anh linh nào hóa thân xuống giúp triều đình, chứ phàm nhân đâu lại có cái gan dạ phi thường ấy.- Thầy thực là một bậc niên thiếu anh hùng. Thầy nên theo bản chức mà lập công lớn với triều đình.Chàng khiêm tốn tạ ơn và nói rằng:- Tiểu dân xin cụ lớn tận trừ loài thảo khấu, để cho bách tính được an hưởng phúc trạch của hoàng triều. Riêng phần tiểu dân, cái việc đáng làm đã làm xong rồi, xin cụ lớn rộng cho được lui về nơi thảo dã, vui với dân làng là đủ.Nói đoạn, chàng ném thủ cấp Tiên Nhân xuống trước ngựa quan Đề, vái chào rồi chỉ chớp mắt đã không thấy đâu nữa... [1]Chú thích:[1] Có một thuyết khác về Tiên Nhân. Xin xem Bóng cờ trắng trong sương mù. - L.K