Tiểu Long, Quý ròm và chị em nhỏ Hạnh ngồi quanh chiếc lồng sáo. Từ ngày con sáo được mua về, bọn trẻ thường tụ tập trên cao gác của nhỏ Hạnh thi nhau ngắm nghía và đùa nghịch với con sáo. Mấy đứa bạn cùng lớp nghe nói nhỏ Hạnh có con sáo biết nói cũng lũ lượt kéo tới tham quan. Thực ra con sáo của nhỏ Hạnh chỉ mới tập nói bập bẹ vài ba câu. Nó lại nói năng tùy hứng, chẳng liên hệ gì với cảnh huống chung quanh. Lúc vui, nó bảo "Bò viên ngon lắm", lúc buồn nó kêu "Xạo! Xạo!". Chỉ có câu "Xin chào" là con sáo sử dụng thuần thục, đúng nơi đúng lúc. Cứ thấy có người lại gần là nó vui vẻ cất tiếng chào khiến lũ bạn nhỏ Hạnh trầm trồ khen lấy khen để. Gần đây con sáo học thêm được hai câu mới. Câu đầu tiên là câu đàng hoàng. Nhỏ Hạnh dạy nó "Sáng rồi, dậy đi!", ý muốn nó làm nhiệm vụ báo thức thay cho chiếc đồng hồ ầm ĩ nơi đầu giường. Nhưng con sáo lại nhiệt tình quá mức. Thấy cô chủ nhỏ tín nhiệm mình, nó muốn tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy đó bằng cách cứ ba, bốn giờ sáng nó đã sốt sắng hét ầm "Sáng rồi, dậy đi! Sáng rồi, dậy đi!" khiến hai chị em nhỏ Hạnh lần nào cũng giật mình nhồm dậy, cứ tưởng đã trễ học tới nơi. Đến khi liếc lên đồng hồ, thấy cây kim chỉ con số 4, mới biết là mình bị lờm. Những lúc như vậy, nhỏ Hạnh chỉ cười khúc khích hoặc trách yêu con sáo vài câu rồi úp mặt vô gối ngủ tiếp. Chỉ có thằng Tùng là hậm hực. Bữa sau, nó tìm cách trả đũa bà chị bằng cách len lén dạy con sáo nói câu "Sáng rồi, ngủ đi!" Con sáo mới học nói, còn cứng lưỡi. Nó chưa nói được dấu hỏi, chỉ lảnh lót "Sáng rồi, ngụ đi! Sáng rồi, ngụ đi!" nghe tức cười không chịu được. Đến khi nhỏ Hạnh phát giác ra thì con sáo đã nhập tâm câu nói cực kỳ "phản khoa học" đó, không cách gì bắt nó quên được. Từ đó con sáo lúc thì bảo "dậy" khi thì kêu "ngủ", thích đâu nói đó, chẳng còn ra trật tự nề nếp gì nữa. Nhưng bắt chấp những chuyện trái khoáy đó, đám bạn của nhỏ Hạnh vẫn mê con sáo tít thò lò. Cả khối đứa gạ đổi. Thằng Tân có một rô-bô biết chơi đàn, nhỏ Tú Anh có bộ sưu tập những con tem in các loại hoa, nhỏ Xuyến Chi có bộ búp-bê Ma-dút-ca gồm đủ tám con từ lớn đến bé, nói chung toàn những của hiếm. Nhưng sức hấp dẫn đặt biệt của con sáo khiến tụi kia sẵn sàng đứt ruột dốc ra những "bảo vật" của mình để đánh đổi. Nhưng bọn chúng chỉ công cốc. Mặc dù rất mê những món đồ chơi của các bạn, nhỏ Hạnh vẫn tỏ ra yêu quí con sáo lém lỉnh của mình hơn. Nó cương quyết từ chối mọi cuộc thương lượng: - Các bạn thích con sáo thì đến đây chơi, chứ Hạnh không đổi đâu! Quý ròm nghe chuyện, mỉm cười: - Giữ con sáo lại là đúng! Nó đi mất, lấy ai khen món bò viên! Hôm nay như thường lệ, cả bọn lại ngồi chầu quanh con sáo như triều thần chầu thiên tử. Nhỏ Hạnh nói: - Hạnh định dạy nó hát! Quý ròm "xì" một tiếng: - Học nói còn chưa xong mà hát với hò! Nhỏ Hạnh chớp mắt: - Nhưng hát dễ hơn! Hát có vần có điệu! - Chính có vần có điệu mới khó! - Quý ròm vẫn khăng khăng bài bác. Trong khi cả bọn đang cãi nhau chí chóe về việc có nên dạy hát cho con sáo hay không thì chuông cửa đột nhiên ré lên. Nhỏ Hạnh ngó Tùng: - Dì Khuê về đấy! Không đợi chị nhắc đến lần thứ hai, Tùng phóng vèo xuống cầu thang. Theo tôi - Quý ròm gật gù tiếp tục cuộc tranh cãi - Muốn dạy cho con sáo hát... Nhưng mới nói nửa câu, mắt nó bỗng trố lên. Tùng quay trở lên gác, đẫn theo một người. Người đó không phải dì Khuê, mà là Văn Châu. - Anh bạn hôm trước tới tìm chị! Lời thông báo của Tùng khiến Quý ròm và Tiểu Long không nhịn được cười. Quý ròm đảo mắt từ Văn Châu qua Tùng, cười hì hì: - Nhầm rồi em ơi! Không phải anh, mà là chị! Trong khi Tùng kinh ngạc đến thộn mặt ra thì nhỏ Hạnh dán chặt mắt vào Văn Châu: - Bạn đã dò xét được gì chưa? - Rồi. Tiểu Long và Quý ròm lập tức chồm người tới: - Sự thật ra sao? - Đúng như các bạn phỏng đoán! - Văn Châu tặc lưỡi - Ông đang nuôi một con mèo hoang! - Một con mèo hoang! - Ừ! Tối hôm qua tôi đã chứng kiến cảnh ông đem thức ăn ra cổng cho nó! Nhỏ Hạnh liếm môi: - Lúc đó khoảng mấy giờ? - Tôi không biết chính xác! Nhưng có lẽ vào khoảng mười giờ hoặc mười rưỡi! - Bạn trông thấy tận mắt chứ? - Quý ròm đột ngột hỏi. - Dĩ nhiên là tận mắt! Tôi nấp ngay sau cửa sổ, vừa nghe tiếng mèo kêu "meo meo" là đã thấy ông ngồi dậy đi ra! Tôi còn thấy ông cúi lom khom đặt đồ ăn xuống đất nữa! Quý ròm dường như vẫn chưa thỏa mãn. Nó tiếp tục thăm dò: - Thế lúc đó bạn bám sát theo ông à? - Không! - Văn Châu lắc đầu - Tôi vẫn đứng ở cửa sổ nhìn ra! Tôi không dám đi theo, sợ gây tiếng động! Thấy Quý ròm cứ cật vấn Văn Châu hoài, Tiểu Long sốt ruột vọt miệng: - Bám theo ông hay đứng ở cửa sổ nhìn ra thì có gì khác nhau đâu! - Khác nhau xa chứ! Quý ròm nhún vai - Khoảng cách từ nhà ông đến cổng rào khá xa, nếu ban đêm đứng ở cửa sổ nhìn ra, chưa chắc đã trông thấy rõ hình dáng của con mèo! - Ừ! - Văn Châu mau mắn xách nhận - Quả là tôi chẳng nhìn thấy con mèo nọ hình thù ra sao thật! - Nhưng cần gì phải tận mắt nhìn thấy! - Tiểu Long nhăn mặt - Chứ chẳng lẽ tiếng kêu "meo meo" đó là của một... con chó? Quý ròm hừ mũi: - Con chó tất nhiên không thể kêu "meo meo"! Nhưng ngoài con mèo ra, còn một con có thể kêu "meo meo" y hệt con mèo! Câu nói úp mở của Quý ròm khiến Tiểu Long đực mặt ra: - Còn một con? - Ừ. - Con gì thế? Quý ròm tinh quái: - Con rồng! - Đừng dóc mày! - Tiểu Long lườm bạn - Trên đời này làm quái gì có rồng! - Thế mà có đấy! - Quý ròm cười toe - Tiểu Long chẳng phải là "con rồng" là gì! Đến đây, Tiểu Long mới biết là mình bị lỡm. Nó nghiến răng ken két: - Tao không giỡn với mày à nghen! - Tao cũng đâu có giỡn! - Quý ròm bỗng nghiêm mặt lại - Nếu không tin, mày bắt chước tiếng mèo mày kêu "meo meo" thử xem! Tao nghĩ nó sẽ không khác tiếng mèo thật là bao! Tiểu Long có vẻ lưỡng lự trước đề nghị của Quý ròm. Nghĩ ngợi một hồi, nó ngượng nghịu từ chối: - Thôi tao không giả tiếng mèo đâu! - Sao vậy? - Quý ròm cười cười - Mày sợ mày giả quá giống chứ gì! Tiểu Long không trả lời Quý ròm. Nó ngồi im và thu nắm tay quẹt mũi để che giấu sự bối rối. Vẻ lúng ta lúng túng của Tiểu Long khiến Quý ròm, Văn Châu và cả thằng Tùng đêu bật cười. Chỉ riêng nhỏ Hạnh không nhếch mép. Nó cảm thấy có một ẩn ý gì đó đàng sau những lời trêu chọc của Quý ròm. Không phải vô cớ Quý ròm lại bảo Tiểu Long bắt chước tiếng mèo kêu. - Quý này! - Nhỏ Hạnh nhìn Quý ròm ngập ngừng hỏi - Có phải Quý nghĩ rằng những tiếng kêu "meo meo" tối hôm qua không phải do mèo mà do một người nào đó giả tiếng mèo phải không? Câu hỏi bất thần của nhỏ Hạnh khiến những người có mặt đều sửng sốt. Bọn trẻ không bao giờ nghĩ đến chuyện lạ lùng đó. Văn Châu lại càng không. Vì vậy, nó liếc Quý ròm mà bụng giật thon thót. Trước những cặp mắt mở to đang nhìn chòng chọc vào mình, Quý ròm bình tĩnh thừa nhận: - TôI chỉ hoài nghi vậy thôi! - Mày dựa vào đâu mà nghi như vậy? - Tiểu Long nôn nóng hỏi. - Rất đơn giản! - Quý ròm thản nhiên giải thích - Thứ nhất, Văn Châu chưa hề trông thấy "con mèo" đó. Thứ hai, nếu đó là một con mèo đi kiếm ăn thì nó sẽ sục vào tận nhà chứ chẳng bao giờ biết "đứng đợi" ở ngoài cổng như thế! Văn Châu lẩm bẩm: - Thế thì lạ thật! Ông suốt ngày ở trong nhà, đâu có quen biết ai! Tiểu Long nhíu mày: - Nếu chỉ như vậy thì không đủ để khẳng định đó là người ta được! - Thì tao đâu có khẳng định! - Quý ròm khịt mũi - Tao chỉ ngờ ngợ thế thôi! Nhỏ Hạnh nãy giờ im lặng, bỗng lên tiếng: - Muốn biết thực hư không có gì là khó! Bây giờ Văn Châu chạy về nhà xem kỹ lại chỗ hôm qua ông cho mèo ăn. Nếu ở đó có cơm hoặc thức ăn rơi vãi thì có thể tin là mèo! Còn nếu không... Nhỏ Hạnh chưa dứt câu, Văn Châu đã cất giọng: - Bạn cho tôi mượn chiếc xe đạp đi! Tiểu Long trố mắt: Văn Châu định đi ngay bây giờ hả? - Ừ! Tôi chạy về xem. Rồi quay lại liền! Câu chuyện càng luc càng diễn biến kỳ quặc khiến Văn Châu không giữ nổi bình tình. Đánh mất vẻ lạnh lùng cố hữu, ánh mắt nó bắt đầu lộ vẻ hoang mang. Nó đi theo nhỏ Hạnh xuống nhà dưới lấy xe mà đầu óc để tận đâu đâu. Văn Châu đi một thoáng đã quay lại. Bọn Quý ròm mới chụm đầu bàn tái dăm ba câu đã nghe tiếng chuông cửa inh ỏi đằng trước, liền chen nhau chạy xuống cầu thang. - Sao rồi? Quý ròm nhanh chân chạy ra cửa trước, lật đật hỏi. - Đúng là không phải mèo! - Giọng Văn Châu hổn hển - Chẳng tìm thấy một hạt cơm nào chỗ đó cả! Nhỏ Hạnh mở chốt cửa: - Bạn vào đi! Rồi nó quay sang Quý ròm: - Giờ phải làm sao hở Quý? Quý ròm khịt mũi: - Tối nay phải tiếp tục rình nữa chớ sao! - Ai rình? - Nhỏ Hạnh băn khoăn - Mười giờ tối Hạnh sợ ba mẹ Hạnh không cho Hạnh ra khỏi nhà đâu! - Tiểu Long chắc cũng thế! - Quý ròm tặc lưỡi - Khuya khoắt như thế nó đừng hòng chuồn đi đâu được! Nghe vậy, Tiểu Long làm thinh. Nó chỉ ngọ ngoạy đầu một cách bất lực. Quý ròm nói đúng, ba mẹ và anh Tuấn anh Tú chẳng phải là những người nghiêm khắc. Nhưng nếu muốn ra khỏi nhà vào lúc mười giờ đêm, nó phải có lý do chính đáng. Nhỏ Hạnh là con gái, càng vô phương hơn nó. Chỉ có Quý ròm. Tiểu Long liếc bạn: - Thế còn mày? Mày có ra khỏi nhà được không? - Tao chưa biết! - Quý ròm thận trọng - Nhưng tao nghĩ tao sẽ tìm ra cách! Thấy bọn Quý ròm có vẻ khó xử, Văn Châu liền lên tiếng: - Không cần đâu! Tôi rình một mình cũng được! Tối hôm qua tôi vẫn rình một mình đó thôi! - Không được! - Quý ròm vội vàng phản đối - Hôm qua khác, hôm nay khác! Nhỡ có chuyện gì... - Chuyện gì là chuyện gì? - Tôi không biết! Nhưng dù sao có hai người vẫn hơn! - Rồi nó hắng giọng dặn - Tối nay khoảng chín giờ rưỡi, bạn đợi tôi trước cổng nghen! Văn Châu ngạc nhiên: - Sao lại trước cổng? Quý ròm huơ tay: - Tối nay mình sẽ nấp ở bên ngoài! - Nấp ở bên ngoài? - Ừ! Nấp ở bên ngoài, nếu phát hiện ra điều gì khả nghi, mình có thể tiếp tục theo dõi! Nấp ở trong vườn xem như bó tay! Đợi cho ông vào nhà mình mới lỉnh ra thì thủ phạm đã bay biến từ tám hoánh! Tới đây thì Văn Châu không thắc mắc nữa. Nó gật gù ra vẻ đã hiểu rõ ý định của bạn mình.