4. Trung Dung Trung Dung tuy là then chốt của Nho triết, nhưng bị hiểu lầm hơn hết. Một trong những lý do đó có lẽ là không biết đặt nó vào tinh thần Kinh Dịch, mà tinh thần Kinh Dịch là chữ Tùy thời. Vì thế chúng ta thử nhìn hai chữ Trung Dung dưới khía cạnh chữ Thời để tìm hiểu ý nghĩa. Chúng ta hãy chú trọng vào chữ Dung vì chữ này gây nên hiểu lầm nhiều nhất. Chữ Dung có ba nghĩa đáng chú ý: một là dùng như Dụng, hai là tầm thường như chữ Phàm, ba là thương thường như chữ Hằng. Trước hết Dụng là gì? Thưa, Dụng là dùng, là tạm dùng mà không coi là vật thể. Đó gọi là "chấp kỳ lưỡng đoan". T.D.6. Chấp kỳ lưỡng đoan khác với "chấp nhất". Chấp nhất thì xả bách nghĩa là bỏ mất đoan kia và tất cả những gì tế vi làm nên mối liên hệ với nó. Thí dụ trong âm giai có 7 cung mà chấp có một cung đầu hay cung cuối cùng thì tức là bỏ mất 6 cung kia với vô vàn tiểu độ (coma) ở giữa 7 cung của toàn âm giai. Khi áp dụng nhị nguyên vào thời gian thì một là chấp dĩ vãng hay là tương lai. Ngược lại với "chấp kỳ lưỡng đoan" là kể đến (tenir compte) cả dĩ vãng lẫn tương lai nhưng không đặt quan trọng vào đó như đối tượng, mà chỉ coi như hai đoan, hai tận cùng (teminaisons) của dịch trường (champ), của một liên hệ. Liên hệ đó gọi là Trung nằm trong hiện tại, "dụng kỳ trung ư dần" T.D.6 Nghĩa thứ hai của Dung là tầm thường (phàm). Chính vì tầm thường nên không ai để ý đến. Nhưng đấy là điểm khốn đốn, đấy là điểm then chốt để sa đọa hay để đạt đạo. Tầm thường là gì? Thưa là ở mức độ thường nhật ai cũng với tới. Thường nhật là gì? Thưa là ở đây và bây giờ. Chúng ta đã học ở chữ Thời để biết dĩ vãng thuộc Địa, tương lai thuộc Thiên, còn hiện tại ở đây và bây giờ là của Người. Đạo bất viễn nhơn, nghĩa là Đạo không có ở dĩ vãng hay trong tương lai nhưng ở ngay tại nơi đây và bây giờ, ở trong lúc mọi người đang sống, đang dùng. Nhưng người thường không thấy "bách tính nhật dụng nhi bất tri" là vì có hai thứ bây giờ. Một bây giờ vòng ngoài, phân cách khỏi dĩ vãng và tương lai, nên không thỏa mãn con người vốn cầu mogn cái gì bao la to lớn hơn, do đó nó chạy lui chạy tới như đưa thoi giữa dĩ vãng và tương lai: nó lưu lại dĩ vãng một mớ tâm trạng bằng thương, nhớ, phiền, tủi, tiếc, xót, đắng cay… lại chi cho tương lai một mớ âu, lo, trù tính, sợ hãi, ưu tư… thành thử còn giữ lại cho hiện tại có chút xíu tâm hồn để sống, nên nó sống vọng ngoại, nghĩa là vọng tương lai, mà tương lai chỉ là dĩ vãng phóng tới và như thế là vong thân khi hiểu thân là Đại Thể Tâm linh mà chỉ còn thu hẹp vào cá thể có giới hạn vi chỉ dựa vào có dĩ vãng và tương lai là những vụn mảnh của không gian, thời gian có giới mốc. Bởi vậy tuy ở trong hiện tại mà vẫn thiếu hiện diện như Heidegger nói "présent sans présence" hay như Đại học nói rõ hơn là "Tâm bất tại". Mà Tâm đã bất tại thì có xem cũng chẳng thấy, có lóng cũng không nghe, có ăn cũng không biết mùi vị. Không thấy, không lóng, không nghe, thì dẫu có mặt cũng không gọi là hiện diện, vì tâm trí còn để vào dĩ vãng và tương lai. Tương lai và dĩ vãng phóng bất cứ một ra, mà dĩ vãng gắn liền với không gian, vì biến cố nào đã xảy ra là xảy ra trong một không điểm và một thời điểm, nên dĩ vãng không lìa khỏi được không gian. Không gian có phân trương đo đếm, cắt xẻ ra được. Vì thế người lưu trí vào dĩ vãng có tâm trạng bị xé lẻ, ly tán y như không gian, nên mất khả năng nhìn ra hiện tại vĩnh cửu vô biên. Bởi hiện tại là điểm phi không gian, vì thế nên nó tế vi. Nhưng chính vì chỗ tế vi, nhờ chỗ phi không gian đó mà nó có thể thoát khỏi không gian, mà thoát khỏi không gian cũng là thoát khỏi thời gian gắn liền với không gian, nghĩa là thoát khỏi những hạn cục bé nhỏ, chật hẹp. Và như vậy là vượt lên nghĩa thứ ba của Dung là Thường Hằng: Eternity. Nói Thường Hằng cũng là cưỡng dùng như bất cứ danh từ nào vậy. Vì thường hằng không có nghĩa là kéo dài mãi mãi qua thế hệ này đến thế hệ kia vô cùng. Thường Hằng không có kéo dài kéo ngắn chi hết, nên gọi là "vô bản phiểu giả" hoặc "vô thủy vô chung". Như vậy có nói hiện tại nối liền với dĩ vãng tương lai thì cũng chỉ là một cách nói tạm dùng, vì cái bây giờ mãi mãi không còn trôi chảy, vì hễ có trôi chảy, có kéo dài tức là có đầu có đuôi, mà thường hằng lại vô thủy vô chung, nên cũng "vô hồ xứ giả". Do đó rất tế vi khuất mắt của bá tánh, nhưng người học triết nếu đạt đạo thì hơn thường nhân ở chỗ xem thấy điều mọi người không xem thấy. Người thường không bì kịp quân tử ở chỗ đó chứ không ở những cái phơi trải ra trước tai mắt trăm họ. "Quân tử chi sở bất khả cập giả, kỳ duy nhân chi sở bất kiến hồ, 君 子 之 所 不 可 及 者 , 其 唯 人 之 所 不 見 乎 . " T.D. 33. Chính vì thế nên tiên hiền không đặt quan trọng trên những dữ kiện do tai mắt thâu thập. Vì những cái đó thường nhân ai cũng chú ý, và điều đáng ngại là người ta chú ý quá đáng đến nỗi giốc toàn tâm trí vào những "sự thực hiển nhiên hằng ngày". Vì thế sách Trung Dung nhấn mạnh rằng: người học minh triết cần phải cẩn trọng cái điều mà mắt không thấy, tai không nghe, vì chính bởi nó không hiện hình ra nơi nào cả: "vô hồ xứ giả" nên nó ở khắp nơi, ở trong vạn vật, nói đúng hơn là nó làm nên vạn vật. Chính vì chỗ tế vi hơn người thường đó nên triết gia cần tập luyện cẩn trọng về những cái mắt không thấy, tai không nghe, vì những cái tế vi đó mới là cái Thường Hằng bao trùm vạn vật và bởi đấy sách nói: không gì hiện rõ bằng cái ẩn tàng, không gì hiển lộ bằng cái tế vi. "Thị cố quân tử giới thận kỳ sở bất đố, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi. 是 故 君 子 戒 慎 乎 其 所 不 睹 , 恐 懼 乎 其 所 不 聞 . 莫 見 乎 隱 , 莫 顯 乎 微 " T.D.I Có biết tinh luyện và chuyên nhất như thế mới hiểu được nội dung của hiện tại theo nghĩa hình nhi thượng của Trụ là "vô bổn phiêu giả", cũng chính chữ "vô bổn phiêu giả" bao hàm câu trả lời cho thắc mắc rằng nếu "sống trọn vẹn hiện tại thì có khỏi xóa bỏ dĩ vãng và không dự trù tương lai chăng? Thưa, nếu ta sống hiện tại bì phu phân biệt với dĩ vãng và tương lai thì có thể như thế. Còn hiện tại nói ở đây vì "vô bổn phiêu giả" nên gồm cả dĩ vãng và tương lai, nên sống trọn vẹn được nó thì cũng bao trùm cả dĩ vãng tương lai mà lại không bị dĩ vãng tương lai trăng trói, vì xem tự trong ra chứ không từ bên ngoài như trước. Đại để đó là nền tảng triết lý của Hiện tại hay là Minh triết của cái bây giờ mãi mãi, nó căn cứ trên câu "vô bổn phiêu giả trụ dã". Bây giờ chúng ta khai thác phần "vô hồ xứ giả vũ dã" chúng ta sẽ gọi nó là cái: 5. Triết lý của "trọn vẹn ở đây" Triết lý ở đây là triết lý không ở đâu cả "vô hồ xứ giả" nên phải đặt nền tảng nơi tâm thức con người. Vì tâm thức con người cũng giống vũ trụ không ở đâu nhưng không đâu không ở. Ta có thể dùng đồ thị đơn của chu kỳ thiên căn địa chi để diễn tả. Vòng tròn chỉ những hiện tượng, những biến cô ghi bằng (Tí, Sửu). Xét về mặt hiện tượng thì Tí, Sửu, Dần có trước có sau và ở đây hay ở kia: Tí có trước Sửu và Dần có sau Sửu nhưng so với trung điểm Mậu Kỷ (K) thì Tí, Sửu, Dần cùng cách trung điểm Kỷ bằng nhau không trước không sau, không đông tây nam bắc. Và hiện diện trọn vẹn nơi Tí hay Sửu, Dần và cách trực tiếp và đồng thời cùng một lúc (unointuitu) không cần xê dịch vì không có quãng cách nào hết, và như vậy không vật nào hay biến cố nào không ăn rễ vào trung điểm Kỷ. Kỷ là Đại thể bất dịch, còn vạn vật, với các biến cố như dòng sông ngày đêm trôi chảy không ngừng (bất xả trú dạ) dưới "con mắt" của Kỷ là Minh Đức, là Tính mệnh. Bởi thế khi đã làm sáng được cái Minh Đức thì không có gì không ở đầy đủ nơi mình nên minh cũng không thể lìa khỏi: "kỳ thực thể bị ư kỷ. Nhi bất khả li, 其 實 體 備 於 己 而 不 可 離 ". T.D I. Do đó không được xa lìa mình để tìm Đạo, vì "Đạo không xa người". Đạo không ở xa mình, Đạo không vật này hay vật kia mà gốc ở ngay nội tâm mình (kỷ) như trọng tâm bất kiến. Hệ luận của nguyên lý đó là thế này: các sự vật, các biến cố luôn luôn biến dịch không quan trọng, nên sự cao cả hay thấp hèn không nên tnìm ở sự vật ngoại tại, nhưng phải tìm ngay trong chính mình, trong chính động tác của mình. Nếu động tác hoàn hảo thì được hoàn hảo bất chấp việc sang hay hèn, chức năng trọng hay khinh. Y như khi đóng kịch quan trọng không ở vai trò cho bằng cách sắm vai trò: dầu vai trò chỉ là người lính thú mà sắm cho tuyệt hay thì vẫn cao cả hơn vai ông vua mà đóng dở. Cho nên đã làm cha thì làm cho hết mình là cha, làm con thì cũng tận tình làm con: quân quân, thần thần, phu phu, tử tử… Chính vì thế người thấu hiểu triết lý có phong thái nhân lọai bình hành, không kiểu cách, không điệu bộ, không luôn miệng nói đến siêu hình, bàn về đức lý, vì đối với họ không có gì cách biệt giữa linh thiêng với đời sống thường nhật, và một cuộc sống bé nhỏ đến đâu, người đời cho là hèn mọn đến mấy cũng vẫn có đủ khả năng sống thuận theo thiên lý, sống ăm ắp đầy đạo, khỏi cần tìm đạo đâu khác xa hơn. Ngược lại bao lâu nghĩ rằng Đạo phải tìm ngoài vận mạng của mình, thì đấy là tả đạo, vì hễ đạo mà còn có thể ở kia mà không ở đấy thì là đạo hẹp hòi không phải chính đạo. Chân đạo vô biên: không đâu không ở, nên không gì không có đạo: "các hữu thái cực". Hệ luận thứ hai là chấp nhận ngay những hoàn cảnh đang có là thế với những lân nhân như họ đang có đấy, với tất cả những khiếm khuyết của mỗi người. Không phải chấp nhận để ngồi lì đó, nhưng có chấp nhận mới dùng nó như bước đầu tiến lên cao hơn, mau hơn. Vì sự chấp nhận lân nhân như họ đang có, chấp nhận bất cứ chức năng nào mà không nề hà cao thấp như Nguyễn Công Trứ làm lính thú cũng có thể thi hành Đạo. Đấy là lối hành xử theo triết lý "Ở Đây" mà sách Trung Dung bàn như sau: "Quân tử tố kỳ vị nhi hành hồ, bất nguyện hồ kỳ ngoại. 君 子 素 其 位 而 行 , 不 願 乎 其 外 Chính kỷ nhi bất cầu ư nhân, tắc vô oán Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân 正 己 而 不 求 於 人 則 無 怨 . 上 不 怨 天 , 下 不 尤 人 .(T.D 14) Người quân tử tùy theo cái chỗ đứng hiện tại của mình để hành xử mà không mong chờ cậy dựa gì bên ngoài dầu dưới hay trên. Đặt trọn vẹn trọng tâm vào mình mà không cầu ở người thì khỏi oán trách. Trên không oán trời, dưới không trách người. Nhờ đó ở vào cảnh huống nào người quân tử cũng an nhiên thư thái: "quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên, 君 子 無 入 而 不 自 得 焉 " T.D 14. Vì lý do trên Triết Nho nhấn mạnh đến chữ tự cường, tự ý, tự nội. "Thành giả, tự thành dã, nhi Đạo tự đạo dã, 誠 者 自 成 也 , 而 道 自 道 也" T.D 25. Tự là tự nội, tự kỷ, vì là trung tâm, là nguồn suối thiêng, là Toàn Thể Viên Dung. Còn khi cậy dựa vào một điểm nào bên ngoài dù là Tí hay Sửu thì cũng là những điểm hữu hạn, bé nhỏ và nếu có ý nghĩa nào thì cũng không ngoài mối liên hệ với điểm Kỷ mà ta chỉ biết cách trực tiếp nhờ tâm ta, còn qua vạn vật chỉ biết cách gián tiếp bên ngoài. Nhân đó dẫn sang một điểm quan trọng tối hậu là hiện thực là thành, là chí thành. 6. Chí thành như thần Xem như trên ta thấy không nên lưu trí vào dĩ vãng (Tí) hoặc phóng trí về tương lai (Dần) vì cả hai nằm ngoài chu vi nên có trước có sau, có đó có đây, đo đếm được, nên chỉ là tiểu thể cá biệt đã ở đây thì thôi ở đó, xảy ra lúc trước thì thôi lúc sau. Nếu bám lấy những dữ kiện thuộc trước sau hay đây đó để phân tích và kiến tạo thì tức là bàn đến rùa và quãng cách giữa rùa với mình mà không đi vào tận nguồn là chính mình. Nếu trở về với Minh Kỷ thì sẽ giống như triết gia nào đó đã chứng minh sự biến động không bằng lý lẽ nhưng bằng cất bước chạy một vòng. Ta cần bắt chước triết gia đó không những nói nhưng còn hiện thực: hãy trở lại với thâm tâm để Thành, nghĩa là để lần lần nhận thức ra mối liên hệ căn để giữa cái tôi cá thể hạn cục với cái Đại Thể u linh mà Nho triết kêu là cái điểm Kỷ trung tâm. Chính nó mới ăn liền với Toàn thể sung mãn. Chính nó mới hiện diện cùng một trật ở khắp nơi nơi vật vật. Đó là ý câu của Nho triết "phản thân nhi thành" cũng là "thành kỷ" hay là "mậu kỷ" tức làm tốt tươi sung mãn cải Kỷ. Vì cải Kỷ đó là nơi hội thông của Thiên Địa vạn vật, hay nói gần vào người hơn là nơi giao hội của Sinh tượng và Linh tượng, tức là hết mọi nhu yếu của con người được giao hội, được ứng đáp thì còn gì vui thú bằng: "Lạc mạc đại yên". Không gì vui hơn vì là cái vui siêu tuyệt, khác với cái vui ở chu vi bao giờ cũng bị giới hạn bởi trước sau. Cái trước có khi là sâu, cái sau có khi là tủi, không phải cái vui siêu tuyệt của Kỷ Trung Dung Thường Hằng viên mãn không bị giới hạn nào. Cái vui trung thực này chỉ xuất hiện khi đạt được đợt "Thành tính tồn tồn". Tồn tồn là kiểu nói bóng chỉ cái bây giờ mãi mãi. Nhưng đây là bước đạt Đạo, hay nói theo Trung Dung là "thành giả" cũng gọi là "thiên chi đạo dã". Thành giả không cần cố gắng mà được, không suy tư mà đắc, ung dung mà trúng đạo. Đó là Thánh nhân, là bậc đi từ Thánh đến Minh gọi là Tính. "Tự thành minh, vị chi tính, 自 誠 明 , 謂 之 性 " T.D 21. Còn thường nhân, những người học triết thì phải đi theo lối giáo hóa tức là tự "Minh thành chi vị giáo". Cho nên trước hết phải học để hiểu không phải học để học, nhưng từ học giả bước sang hành giả "minh tắc thành bĩ". Nhưng thành ở đây phải đầy hăng say thành khẩn (enthousiasme). "Nhân nhất năng chi kỷ bá chi, nhân thập năng chi kỷ thiên chi, 人 一 能 之 己 百 之 , 人 十 能 之 己 千 之 " T.D 22. Không phải người làm một mình làm bằng trăm nhưng khi chuyên chú vào việc đang làm trọn vẹn thì kể như bằng trăm bằng ngàn, nghĩa là phải hiểu về phẩm về ở đây bây giờ trọn hảo cũng như đầy kiên tâm trí chi (tenacité). Đó là chìa khóa mở vào cửa mọi cuộc sáng tạo chân thực là cái bao giờ cũng mang các yếu tố trứ, minh, biến, hóa. Trung Dung tả hai đức tính trên bằng liên châu luận như sau: "Thành tắc hình, hình tắc trứ, trứ tắc minh, minh tắc động, động tắc biến, biến tắc hóa,誠 則 形 , 形 則 著 , 著 則 明 , 明 則 動 , 動 則 變 , 變 則 化 " T.D 23. Chữ Hình ở đây nghĩa là cái đức tuy ẩn mà hiện vì đức là tính, hay đúng hơn là sự biểu lộ cách vi tế của tính vậy. Cho nên nói Thành thì phải hiểu là Thành Tính ở đợt sơ khởi "biểu lộ mập mờ" là đức. Khi Thành đã đủ mức thì hình (tính) sẽ trứ tức là sáng thêm lên nữa (minh) sáng thêm nữa làm cho linh động, linh động đưa đến biến, và biến để hóa. Hóa ra cái chi? Thưa hóa ra thần. Thần là chi? Thưa là Kỷ khi đã mậu sung, mà "sung thực nhi phát quang huy" nên chiếu tỏa ra cùng khắp mọi vật ở chu vi: do đấy có thể tác động cách diệu dụng vào khắp vật: đó gọi là "chí thành như thần". Trung Dung tả rằng: "duy thiên hạ chí thành vi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính tác năng tận nhân tính. Năng tận nhân tính, tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi tính tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục. Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hĩ 唯 天 下 至 誠 , 為 能 盡 其 性 ; 能 盡 其 性 , 則 能 盡 人 之 性 ; 能 盡 人 之 性 , 則 能 盡 物 之 性 ; 能 盡 物 之 性 , 則 可 以 贊 天 地 之 化 育 ; 可 以 贊 天 地 之 化 育 , 則 可 以 與 天 地 參 矣 . " T.D 22. Nếu ta hiểu được cái vòng chu vi của tí sửu dần… chạy quanh mậu kỷ trên kia, thì câu trên trở nên một quảng diễn dễ hiểu, tại sao chí thành lại được như Thần có khả năng tham tán với thiên địa vì tất cả đã hiện diện trực tiếp với kỷ là đại ngã tâm linh đầy huyền lực, và chúng ta hiểu luôn câu sau: "thành giả phi tự thành kỷ nhi dĩ dã, sở dĩ thành vật dã, tánh chi đức dã: hiệp ngoại nội chi đạo dã. Cố thời thố chi nghi dã, 誠 者 非 自 成 己 而 已 也 , 所 以 成 物 也 . 成 己 , 仁 也 ; 成 物 , 知 也 . 性 之 德 也 , 合 外 內 之 道 也 , 故 時 措 之 宜 也 .". T.D 25 Thành giả không phải chỉ thành có mình mà đã xong, còn phải thành đạt cho người khác nữa. Thành kỷ tức là đức nhân, thành vật là trí tri. Cái huyền diệu của tính là hợp ngoài vào trong. Ngoài là ngoại vương phụng sự nhân loại. Trong là một thánh thành nhân. Tùy thời thế mà thi hành, mà nhấn mạnh điểm ngoại hay nội, sao cho giữ được thế bình quân động đích. (Bài này quá súc tích nên sẽ được minh họa bằng các bài sau).