Mẹ của Bội Quân, Bội Hoàng xuất thân từ một gia đình giàu có. Gia đình của bà ấy và gia đình tôi giao tiếp lâu năm nên có sợi dây liên hệ tình cảm khá bền chặt. - Bội Thanh, mẹ của Bội Quân và Bội Hoàng, lúc còn trẻ vì được nuông chiều nên là một cô gái háo thắng, ngang ngược, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi và hạnh phúc của bản thân, ích kỷ hay lấn áp người khác kể cả người thân trong gia đình. Chúng tôi cùng lớn lên bên nhau, cùng vui đùa học tập, không hề có một ý tưởng gì về tương lai. Trong khi tính xấu của Bội Thanh theo năm tháng không những không giảm bớt mà càng lúc càng tăng cường hơn. Thanh khinh miệt người làm, ghét bỏ những ai vượt trội hơn. Lúc đầu thì tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện đó. Tôi xem Thanh như một đứa em gái nhỏ thôi. Có ngờ đâu sự sắp xếp của gia đình... bắt chúng tôi phải thành hôn với nhau. Mọi thứ xảy ra tôi chẳng hề được hỏi ý trước. Ông Huấn bắt đầu kể, khuôn mặt đầy cảm xúc bất mãn. - Khi tôi nghe tin trên, tôi đã cực lực phản kháng. Tôi phản kháng không phải là vì mình hoàn toàn không có cảm tình với Bội Thanh, mà là vì ai cũng vậy... tuổi trẻ bao giờ cũng đầy tự ái. Có ai chịu để người khác áp đặt cuộc đời mình. Tôi đòi hỏi một sự tự do lựa chọn. Không ngờ cái phản ứng đó của tôi đã xúc phạm tự ái của Bội Thanh Thì ra chuyện hôn nhân này Thanh đồng ý từ trước vì Thanh yêu tôi. Ông Huấn thở dài: - Sau đấy, mặc dù chúng tôi vẫn lấy nhau, có với nhau một đứa con là Bội Quân, nhưng, Bội Thanh vẫn nghi ngờ... vẫn hận... chuyện tôi phản đối hôn nhân với nàng như một vết tích mà năm tháng không thể xóa, nên khoảng cách giữa hai đứa cứ tồn tại. Bội Thanh đâu chịu nghĩ là trong cuộc sống hôn nhân cần có sự tha thứ, cảm thông. Cái cao ngạo, cố chấp không nên tồn tại. Và rồi Thanh nghi ngờ tình yêu, Thanh cho là tôi hẳn đã có một tình yêu khác. Tánh Bội Thanh lại trầm lặng, không nói ra, nhưng cái lạnh lùng, những lời xa gần xoi bói làm tôi khổ tâm không ít. Bấy giờ tôi cũng còn trẻ. Tôi nào có được sự nhẫn nhục chịu đựng. - Bội Thanh rất đẹp, ngoài cái tật xấu khinh người ra cô ấy khá lành, phải nói là khá thu hút. Bội Hoàng bây giờ chính là một ấn bản khác của Bội Thanh. Trúc Phượng lắng nghe. Phượng là con gái, Phượng cũng biết ghen, vì ghen là biểu thị cho sự chiếm hữu, cho tình yêu. Ghen vô tội! Bội Thanh là vợ Huấn. Sự ghen tị kia dù làm cho Huấn đau khổ không ít, nhưng đấy cũng chẳng qua vì yêu chồng thôi. - Thật ra thì... cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Bội Thanh. – Ông Huấn nói tiếp – Tôi cũng có trách nhiệm. Bấy giờ tôi còn khá trẻ. Mới hai mươi mốt tuổi, chưa tốt nghiệp đại học nên cái quan niệm về tình yêu của tôi cũng chưa chín chắn, và vì vậy chúng tôi cứ gặp nhau là giày vò nhau. Sau khi lấy vợ xong, tôi bỏ học và được cha tôi giao cho một xí nghiệp để quản lý. Có một hôm vì có chuyện trục trặc trong xí nghiệp, công nhân họ đình công phản đối, tôi phải ở lại để xử lý nên về trễ. Hôm ấy lúc về đến nhà, tôi thấy chỉ có một mình Bội Quân ở nhà nằm khóc, hỏi ra mới biết Bội Thanh đã giận dỗi bỏ về nhà cha mẹ ruột. Tối hôm ấy tôi vừa phải dỗ con, vừa phải pha sữa cho con bú, nên không chợp mắt được... Tôi giận lắm. Vậy mà hôm sau Bội Thanh lại quay về tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Với bản tính của Thanh tôi đã quá rõ... nên cố dằn trong lòng. Không ngờ hôm ấy Bội Thanh về lại cho biết là sẽ giới thiệu cho tôi một thư ký. Đó là chuyện bắt buộc, vì cô thư ký này nguyên là bạn học cũ của Thanh đang gặp khó khăn. Tôi lúc đó thì chẳng hề có ý gì, miễn sao Bội Thanh đừng quấy rầy nữa để tôi yên ổn làm ăn là được. Thật ra thì tôi cũng không ngờ chuyện Thanh cài người vào làm với mục đích là để theo dõi tôi thôi. Người con gái mới vào làm đó có tên là Dung. - Dung à? Có phải đấy là... Phượng hỏi, nhưng ông Huấn không trả lời trực tiếp, mà nói: - Có nhiều sự việc xảy ra bất ngờ. Như điều Phượng đã nói: ý trời. Chẳng hạn như cái chuyện đó, khi Dung mới đến làm, tôi vẫn coi cô ấy như một nhân viên bình thường. Dung không đẹp, nhưng được cái dịu dàng, ngoan ngoãn, thật thà... Chỉ biết tuân lệnh và hoàn thành mọi chuyện đều xuất sắc... Dung giống như một cành liễu, như mặt nước hồ thu. Một người đàn bà đúng nghĩa... Và rồi chuyện xảy ra thế nào, lúc nào tôi cũng không biết. Hình như tình cảm đến một cách lặng lẽ. Dung là thư ký riêng của tôi. Mỗi ngày chúng tôi đối diện nhau. Thật vậy... với cái sắc đẹp bình thường không có gì xuất sắc. Tôi không nghĩ là mình sẽ yêu được Dung. Vậy mà... một hôm nọ, khi đang làm việc, tôi ngẩng đầu nhìn lên, thì bắt gặp cái đôi mắt trong sáng của Dung đang nhìn mình. Chỉ là một sát na. Tôi cảm thấy chợt nhiên có cái gì đó dao động trong tim... Một thứ tình cảm mà lâu rồi tôi không có được. Thế là chúng tôi cứ thế nhìn nhau, nhìn nhau thật lâu và không nói gì cả. Nhưng bấy giờ tôi hiểu là... tình cảm trong tim khônng còn là của riêng mình nữa, mà nó đã hòa với Dung thành một. Ông Huấn dừng lại. Bốn bề lặng yên... Cái dĩa hát của ông Tài đặt trong máy đã ngừng chạy lúc nào không biết... Mọi thứ yên lặng, câu chuyện không có gì khúc mắc hay xuất sắc. Nó chỉ là một tình yêu bình thường như bao nhiêu chuyện khác. Nhưng mà... hình như có một chút thương cảm. Phượng bắt đầu thấy lo lắng cho cuộc tình tay ba. Ai đúng? Ai sai? Ai là kẻ phản bội? Ở đấy không thể khẳng định, tình yêu là một t hứ gì kỳ diệu. Không ai có thể dùng lý trí để đánh giá chính xác. - Và tôi bắt đầu tìm cách để gần gũi Dung. Nhưng cô ấy thì lại giống như chú sóc nhỏ nhát gan, cứ né tránh, sợ hãi. Mà Dung càng né tránh, thì tôi càng khao khát. Tôi thấy nếu cuộc sống mình mà mất Dung chắc không sống nổi. Ông Huấn lại thở dài: - Đàn ông bao giờ cũng vậy, họ khác phụ nữ. Óc chinh phục của họ rất mạnh. Cái gì đã muốn thì cố chiếm hữu cho bằng được. Thế là mỗi ngày tôi đến sở làm sớm. Tôi bắt Dung lúc nào cũng phải có mặt bên cạnh tôi. Bất cứ hành vi nào của Dung, tôi cũng không bỏ sót... Tôi chờ đợi cơ hội, và tôi cũng biết là Dung cũng yêu tôi. Nhưng Dung bị giằng co bởi cuộc sống vợ chồng của tôi với Bội Thanh... nên Dung không dám. Biết được cái yếu điểm đó, tôi bắt đầu ra sức tấn công. Tôi chỉ nghĩ đến tình yêu chứ không nghĩ gì đến vợ con nữa, nhưng mà... Ông Huấn ngưng lại rất lâu mới tiếp: - Tôi lại không ngờ... Dung lại là người có lý trí mạnh mẽ. Một buổi sáng nọ khi đến sở làm, tôi thấy bàn của Dung trống vắng, chỉ có một lá thư xin thôi việc nằm trên bàn tôi... Lúc đó tôi thấy như mình bị một cú sốc rất mạnh. Tôi choáng váng. Tại sao Dung lại làm vậy? Tại sao lại lẳng lặng bỏ đi? Dung biết tôi yêu Dung mà? Tôi cũng chưa làm gì để xúc phạm đến nàng. Tôi tôn trọng và cũng chưa ngỏ ý yêu. Vậy thì tại sao? Tôi như phát điên lên... nhưng mà dù gì cũng là một giám đốc xí nghiệp. Tôi không để lộ mọi chuyện ra ngoài. Tôi đau khổ muốn chết được, ngồi đâu thẫn thờ đó. Tôi đến cả địa chỉ nhà Dung ở, nhưng lúc đó Dung đã bỏ đi rồi. Người nhà của Dung lại kín miệng như bình. Thế là tôi chịu thua. Tôi chỉ còn biết mỗi ngày tan sở lang thang ngoài phố hết con đường này đến con đường khác, mãi đến thật khuya, khi đôi chân rã rời mới quay về. Có lẽ đấy là mối tình đầu mà tôi không biết chăng? Cũng trong thời điểm đó Bội Thanh lại cấn thai... Lần đó là Bội Hoàng. Ông Huấn đứng dậy, đi rót thêm một cốc rượu nốc cạn. Bây giờ thì ông có vẻ đã say, đôi mắt đỏ ngầu. Phượng hỏi: - Thế rồi sau đấy? - Còn sau gì nữa? – Ông Huấn cười buồn - Người đã bỏ đi rồi còn gì nữa chứ? Cái đất nước này rộng lớn như vậy, dân lại đông, muốn tìm một người cố tình né tránh, đâu phải là chuyện dễ dàng. Vả lại tôi cũng không dám đi tìm. Bởi vì sau khi Bội Thanh sinh Bội Hoàng xong, sức khỏe cô ấy suy sụp hẳn. Tôi không dám làm điều gì để cô ấy bị xúc động mạnh. Vậy mà không hiểu sao, cái chuyện giữa tôi với Dung cũng lọt vào tai cô ấy. Trước đó thì Bội Thanh với bản chất đa nghi cũng đã sẳn nghi ngờ. Tại sao đang làm suông sẻ, Dung lại lẳng lặng bỏ việc? Thế rồi cô ấy cho người đi điều tra, rồi làu nhàu truy tôi, bắt tôi phải nói rõ sự thật. Bội Thanh dồn tôi vào cái đường cùng, đến độ tôi đã nổi nóng, và thú nhận chuyện mình yêu Dung. Thế là... Bội Thanh nghe xong, chẳng nói gì cả. Qua ngày hôm sau cô ấy đột ngột đề nghị với tôi chuyện ly hôn. Ồ! Từ ngày lấy nhau đến giờ, tôi gần như chẳng có được một ngày hạnh phúc. Vậy thì còn mong mỏi gì hơn khi tự nhiên tháo được chiếc gông cùm? Thế là tôi đồng ý ngay. Tôi đâu biết đấy chỉ là các thăm dò của Thanh. Thanh biết là tôi không còn yêu nàng nữa. Nên ngay tối hôm ấy, Bội Thanh đã tự sát. Chết trong Vườn Lê và cũng được chôn trong Vườn Lê. Trúc Phượng bàng hoàng. Phượng thấy Bội Thanh đã hành động như vậy là dại dột. Tại sao không trực diện với chồng, cố tạo lại cái hạnh phúc vì sai lầm đã mất mát. Nhưng Phượng lại không nói ra, vì Phượng nghĩ biết đâu khi Phượng ở trong hoàn cảnh của Bội Thanh lúc đó, Phượng cũng chỉ hành động như vậy thôi. Phượng chỉ hỏi: - Thế sau đó... anh có gặp lại Dung không? Ông Chí Huấn lắc đầu, rồi cười nói: - Có lẽ em ngạc nhiên vì sao anh không đi tìm Dung. Chuyện đó không phải là vì anh mặc cảm với vong hồn của Bội Thanh. Cái chết của Thanh là do chính cô ấy tự tạo ra chứ nào phải tại anh. Nhưng mà sau đấy, anh thấy nghi ngờ. Anh không biết là chuyện tình cảm của mình với Dung có đúng là tình yêu không? Hay chỉ là một thứ ảo tưởng. Dung đã bỏ đi, chỉ là vì muốn gia đình anh không tan vỡ. Còn anh thì mãi đến lúc đó cũng chưa hề lên tiếng tỏ tình. Cả Dung cũng vậy. Vậy thì không có lý do gì để khẳng định là mình đã có tình yêu. Cũng vì vậy mà anh chợt thấy sợ... anh ngại gặp lại Dung. Gặp lại sẽ nói thế nào? Thôi thì hãy để nó lững lờ như giấc mộng. Như vậy có khi lại đẹp hơn. Phượng chau mày: - Và nhờ cái ảo tưởng đó mà anh vui sống đến nay? - Vâng, nếu không có nó, chắc anh sẽ cô đơn lắm. – Ông Huấn hớp thêm hớp rượu rồi nói - Bản chất của Bội Quân khá đặc biệt, nó không biểu lộ điều gì, nhưng còn Bội Hoàng thì khác, lúc nào nó cũng nhìn anh với ánh mắt thù hằn. Nó nghĩ là chính vì anh mà mẹ nó chết. Cũng vì vậy mà sống trong nhà anh như cách biệt hẳn với con cái, anh không còn cách nào khác hơn là nhảy vào những cuộc truy hoan để giải sầu. Phượng cười: - Điều đó biện minh cho chuyện anh có lắm đàn bà vây quanh? Ông Huấn lắc đầu: - Đừng có nhắc đến mấy bà đó nữa mà anh xấu hổ. Phượng có vẻ thích thú: - Câu chuyện ban nãy là toàn bộ giấc mơ đến nhanh và mau tàn của anh đấy phải không? Thế bây giờ em hỏi anh ví dụ như bà Dung kia bây giờ tái xuất hiện trước mặt anh, thì anh sẽ phản ứng thế nào? - Chắc chẳng có gì đâu. – Ông Huấn lắc đầu nói – Chưa hẳn là Dung đã yêu tôi. - Mà ví dụ như yêu thì sao? - Thế còn gì để chọn lựa nữa chứ? Thực tế không phải là hạnh phúc hơn ảo tưởng ư? Phượng cười: - Anh là con người không có quan niệm tình yêu đứng đắn. Anh rất dễ bị dao động. Rồi nhìn vào đồng hồ, Phượng kêu lên: - Chết chửa, anh kể nghe hấp dẫn quá làm quên cả thời gian. Bây giờ là mười giờ khuya rồi phải về nhà thôi, kẻo mẹ em trông. Ông Huấn cười: - Nhưng mà mình chưa dùng cơm tối cơ mà? - Thôi không ăn nữa, bây giờ phải về ngay. - Về thì về. – Ông Huấn đứng dậy - Để anh nói với bà Tài làm một vài món ăn nhẹ, gói lên xe ăn cũng được. Và mười phút sau họ đã rời khỏi tòa biệt thự của Lâm Duy Đức. Trúc Phượng bây giờ mới thấy đói. Ngồi trên xe Phượng gặm một miếng sandwich jambon và ăn thêm mấy miếng trái cây. Hôm ấy, bầu trời tối đen. Trên trời không có cả trăng với sao. Đêm đã khá khuya nên đường rất vắng. Những ánh đèn đường vàng vọt làm cho cảnh càng thê lương lung linh mờ ảo. Như để vượt thoát khỏi cái buồn, ông Huấn đã cho xe chạy thật nhanh. Và chẳng mấy chốc, họ đã về đến thành phố.o0o Trúc Phượng ôm chồng sách vở cắm cúi bước về phía vườn trường. Cái dư vị hạnh phúc hai ngày qua với ông Huấn làm cho lòng Phượng thật vui. Nhưng vừa đến trước cổng trường, Phượng đã chựng lại vì Lê Văn đang chực sẵn ở đấy tự bao giờ. Phượng vui vẻ: - Ô Lê Văn, anh chờ ai đấy? - Đợi Bội Hoàng. Văn thành thật. Phượng nói: - Vậy à? Có cái gì để ăn mừng chưa? - Thế cô thì sao? – Lê Văn trả đũa – Hôm qua cô và Bội Quân làm lễ ở nhà thờ xong, đã đi đâu chứ? Phượng đỏ mặt: - Anh đừng có nói càng. Tôi không cần ai đi lễ với tôi, cũng không có đi chơi với ai cả. Lê Văn ngạc nhiên: - Vậy là sao? Hôm qua rõ ràng là Bội Quân đi tìm cô cơ mà? - Anh ấy có lý do của anh ấy, còn tôi có tự do của tôi chứ? Ngay lúc đó, từ xa có chiếc du lịch màu đen trờ đến. Phượng biết ngay là xe của ai. Vội vẫy tay với Lê Văn, nói: - Thôi tôi đi trước nhé? Để không có người lại hiểu lầm. Xe dừng lại trước cổng trường, anh em Bội Quân và Bội Hoàng vừa xuống xe, là tài xế lập tức cho xe đi thẳng. Bội Hoàng thấy Lê Văn đứng đấy, bước lại. - Ban nãy hình như tôi thấy Trúc Phượng đứng đây, phải không? Lê Văn bình thản: - Vâng, nhưng cô ấy có việc riêng nên đã bỏ đi trước. Bội Hoàng nhìn Văn thắc mắc: - Hai người hẹn hò gì, phải không? Bội Quân liếc nhanh về phía em gái, rồi bỏ mặc Hoàng đứng đấy đi vào trường. Đương nhiên ban nãy Quân cũng đã trông thấy Trúc Phượng, nhưng Trúc Phượng đã vội vã bỏ đi khi thấy hai anh em chàng. Phượng trốn lánh? Tại sao? Vì Lê Văn ư? Và khi vào trong, Quân đã trông thấy Phượng. Phượng đã đi trước Quân một khoảng thật xa, đi rất nhanh như sợ ai đó đuổi theo. Quân thở dài, đi chậm lại. Quân là người rất tự trọng. Chàng nghĩ, Phượng đã không muốn thì đuổi theo làm gì, thôi thì để dịp khác. Có mấy cô gái, hẳn là học cùng lớp với Quân, trông thấy chàng đã gật đầu nhưng Quân tỉnh bơ đi thẳng. Đến trước trường đại học tổng hợp, một cô gái rất đẹp chận Quân lại, cô gái có nụ cười khá duyên dáng. - Anh Bội Quân, anh có mang quyển Vi Tích phân không cho tôi mượn đi. Bội Quân chau mày rồi rút quyển sách trên chồng tập trên tay, đưa cho cô gái, xong bỏ đi vào giảng đường. Cô gái nhìn theo lắc đầu. Trong trái tim của những anh con trai si tình, hình như chỉ có người mình yêu là hoàn chỉnh duy nhất, còn ngoài ra chẳng có ai đáng một xu cả. Và Quân vào lớp chọn một góc vắng ngồi xuống. Quân như người bàng quan đến nghe giảng xong về, không liên can đến một ai khác. Bạn bè ư? Với Quân đó là hai từ xa lạ. Và Quân sống khép kín, cô độc, bạn bè tránh xa. Có ai thích làm bạn với những con người lúc nào cũng xa cách mặc dù hắn giàu có đẹp trai, có chăng chỉ một vài cô gái. Và tiếc thay trong các cô gái đó lại có cả Hiếu Trinh. Cô gái mượn tập Quân ban nãy chính là Hiếu Trinh đấy. Một cô gái học giỏi, thông minh, lịch sự, không đẹp một cách xuất sắc nhưng lại có duyên. Trinh có một gia đình cơ bản. Cha mẹ đều là giáo sư đại học, có cả một anh trai vừa đổ tiến sĩ ở Mỹ. Riêng bản thân Trinh, sinh viên năm cuối môn vật lý, một môn học khó nuốt. Vậy mà năm học nào Trinh cũng đứng hạng ba trở lên... Trinh siêng học, nhưng không phải là không có đời sống tình cảm riêng tư. Trinh cũng biết mơ mộng một chàng trai lý tưởng cho mình. Khuôn mặt Alain Delon, mắt của Cary Grant, nụ cười kiêu bạt của Anthony Perkins... Nhưng rồi khi gặp Bội Quân, Trinh dẹp hết những cái mơ ước vớ vẩn đó. Cái lạnh lùng cao ngạo của Quân đã hút Trinh đến gần. Nhưng khi cố gắng đến gần, Trinh lại thất vọng. Anh chàng cứ khô như là đá. Trái tim như chẳng biết yêu. Ngay khi nói chuyện Quân cũng không thèm nhìn thẳng vào mặt nàng, nhưng Trinh không chịu thua. Trinh nghĩ... Bội Quân hơn người khác là ở chỗ đó... Và nàng cứ chờ. Hiếu Trinh ngồi cùng bàn với Bội Quân, liếc nhanh về phía anh chàng. Trong khi Quân lại hướng mắt ra khung cửa sổ. Quân như nghĩ ngợi một điều gì. Chắc chắn không phải là bài học. Trinh nghĩ. Vậy thì đang nhớ tới bạn gái ư? Nghĩ đến đó Trinh giật mình. Đúng rồi với điều kiện của Quân hiện nay, đâu phải là thiếu bạn gái? Vậy thì cô ấy là ai? Đột nhiên Quân quay mặt lại: - Bài tập xong chưa? Quân hỏi cụt ngủn làm Trinh lúng túng: - Ồ! Chưa xong. Đợi một chút nhé. Quân không trả lời, lại đưa mắt tiếp tục nhìn ra cửa sổ. Hiếu Trinh không dám chần chờ, vội cúi xuống chép bài cho xong. Nàng lúc nào cũng muốn Quân có quan niệm tốt về nàng. Chép xong, Trinh đưa cuốn vở qua. - Xong rồi, cảm ơn anh nhé! Quân cầm lấy quyển vở, mà mắt vẫn không quay lại. Điều đó làm cho Trinh rất buồn. Trinh tự nhủ lòng. Thôi, Hiếu Trinh ạ. Đừng có vớ vẩn nữa, người ta nào có thèm để ý đến mi đâu? Chắc chắn là đã có bạn gái rồi. Mi chỉ chờ một cách hoài công thôi. Nhưng ngay lúc đó có lẽ thượng đế đã cảm động. Trinh nghe Quân nói: - Hiếu Trinh này. Trưa nay rảnh không? Mình xuống câu lạc bộ dùng cơm nhé? Trinh mở tròn đôi mắt, không dám tin những gì mình vừa nghe... nằm mơ hay ảo giác? - Sao vậy? Sao không trả lời? Trưa nay Trinh không rảnh à? Trinh lúng túng đáp vội: - Không phải. Tôi chỉ hơi kinh ngạc... vì tôi chưa bao giờ được mời như thế. - Nhưng mà đi không? Chuyện dùng cơm đó? - Đi chứ? Hiếu Trinh cười thật tươi. Nếu Quân rủ đi ngay bây giờ Trinh cũng sẽ bỏ giờ học đi ngay. Cơn mơ tưởng vỡ lại đến khá kịp lúc. Ngay lúc đó giáo sư diễn giảng bước vào. Cả lớp học im phăng phắc. Quân và Hiếu Trinh đều là những học sinh giởi, chăm học. Vậy mà không hiểu sao, hôm nay cả hai đều không ổn định được để lắng nghe. Rồi bốn tiết học buổi sáng cũng trôi qua. Bội Quân gom sách lại nói. - Thôi bây giờ ta đi. Khi cả hai sóng đôi nhau bước ra cửa, cả lớp đều tò mò nhìn họ. Hiếu Trinh sung sướng nói khẽ: - Họ đang nhìn mình kìa. Bội Quân lạnh lùng: - Mặc họ. Có sao đâu. Hiếu Trinh thắc mắc: - Hôm nay, chợt nhiên sao anh nghĩ đến chuyện mời cơm tôi vậy? Nhưng Quân nói: - Nếu Trinh không đồng ý, có thể rút lui còn kịp mà. Lời của Quân làm Trinh sợ hãi, không dám hỏi tiếp, chỉ nói: - Bốn năm học chung với anh. Tôi rất có thiện cảm, nhưng anh lại ít nói quá, anh như lạnh lùng, hẳn phải có nguyên nhân nào đó? Quân cười nhạt: - Nhưng cái ít nói đó cũng đâu có làm ai thiệt hại gì đâu? - Sao anh nói vậy? Trinh lập lờ nói nhưng Quân vẫn bình thản: - Nếu chuyện đó gây buồn cho người khác, thì đó là tự họ đã gây phiền hà cho mình. - Anh cao ngạo một cách khác người. - Vậy à? - Bội Quân quay qua nhìn Trinh - Bởi vì cô không thấy những lúc tôi mặc cảm. - Anh mà cũng có mặc cảm nữa ư? Trinh giật mình quay lại. Quân nhún vai: - Có chứ, nhưng Trinh tò mò làm gì. Tôi thích những cô gái tự nhiên hơn. Và họ đã đến trước câu lạc bộ sinh viên. Giờ này ở đây khá đông người. Quân đứng ngoài cửa nhìn vào tìm. Có lẽ là để tìm một cái gì khác chứ không phải bàn trống, bởi vì Quân đã thở dài, rồi lầm lũi kéo Trinh vào một góc nhà. - Anh có vẻ thích chọn góc. Ngay trong lớp cũng vậy. - Trinh biết không? Ngồi ở trong góc ít bị ai để ý, quấy rầy. Ở đấy ta có thể an ổn quan sát những gì ta muốn. Quân nói và hầu bàn đã đến nơi. Trinh gọi: - Cho một đĩa cơm chiên! - Hai dĩa cơm chiên trứng. – Quân bổ sung – Thêm một tô canh chua. Và quay sang Trinh: - Xin lỗi, quên hỏi ý kiến Trinh đã gọi canh chua. Trinh dùng món này được chứ? - Anh gọi món gì tôi cũng ăn được. – Trinh cười rồi hỏi - Thế nãy giờ ngồi đây, anh đã thấy được điều anh muốn quan sát chưa? Quân nghĩ ngợi: - Trinh muốn biết à? Cái tôi muốn quan sát, nó như một ảo ảnh, không nắm bắt được. - Giọng anh như một triết gia đấy. Trinh nói và chưa hiểu ý Quân định đề cập đến gì. - Hôm nay Trinh nhận lời đi ăn với tôi thế này có cảm thấy hối hận không? Hiếu Trinh lắc đầu: - Trái lại tôi cảm thấy lời mời của anh đến chậm quá. Lời của Hiếu Trinh làm Quân giật mình: - Đừng có hiểu lầm. – Quân đính chính – Tôi mời Trinh đi ăn với tư cách một người bạn, một phương thức rất tự nhiên... Tôi không muốn người ta đánh giá mình lập dị... Tôi muốn hòa đồng với mọi người. - Tôi không dám hiểu lầm đâu. Hiếu Trinh thất vọng nói. - Vậy thì tốt. Ngay lúc đó, từ cửa bước vào một cô gái. Đấy chẳng ai khác hơn là Trúc Phượng. Phượng đã nhìn thấy Quân đi với một cô gái khác. Một tin vui? Và Phượng đang phân vân không biết có nên đến với bàn của Quân chăng? Sự xuất hiện của Phượng làm nét mặt Quân đổi hẳn. Trinh thăm dò: - Anh quen cô ấy à? Ai vậy? Quân giật mình, quay lại: - Trúc Phượng đấy mà, bạn học của em gái tôi. - Thế tại sao không mời cô ấy đến đây ngồi chung? - Được, vậy thì tôi gọi. Bội Quân vội vã đứng dậy đi về phía Phượng. Không biết Quân đã nói gì mà Phượng cười, nụ cười rất cởi mở. Phượng theo Quân đến bàn. - Chị Hiếu Trinh ở vai sư tỷ phải không? Phượng vừa nhìn Trinh cười pha trò, rồi ngồi xuống. Mọi người có vẻ rất tự nhiên. - Phượng dùng món gì vậy? Bội Quân hỏi: - Thôi cho tô mì bò kho đi. Trúc Phượng nói, rồi quay qua Trinh. - Từ nào đến giờ không gặp, chị rất ít khi đến đây dùng cơm à? Hiếu Trinh nhỏ nhẹ: - Nhà tôi ở gần đây, nên mỗi trưa tôi thường về nhà dùng cơm. Thế còn chị? Khách thường xuyên nơi này chứ? - Cũng không thường xuyên lắm. Có khi về nhà, khi ăn ngoài, nhưng đôi lúc cũng ăn ở đây. Bội Quân chợt nhiên nói: - Như vậy là trái tim cô bất định rồi nhé cô Phượng. Lời của Quân làm Phượng yên lặng. Phượng không hiểu Quân định nói gì. Thật lâu để phá vỡ cái không khí căng thẳng, Phượng nói: - Ồ, suýt tí tôi đã quên. Bội Hoàng và Lê Văn đang ở quán ăn bên kia đường ăn cơm tàu, họ cũng có mời tôi, nhưng tôi sợ bị làm cái bung xung nên từ chối. Rồi Phượng cười: - Rốt cuộc quay qua đây, cũng làm cái bung xung thôi. Hiếu Trinh đỏ mặt: - Tại sao chị lại nói như vậy? Chúng tôi chỉ là... Rồi Trinh đưa mắt về phía Quân, yên lặng. Phượng hỏi: - À, thế chị đã đến nhà của anh Bội Quân chưa? Ở đấy rộng lắm, đẹp lắm. - Vậy à? Chưa đi. - Vậy thì bữa nào anh Bội Quân sẽ đưa chị tới. Nhà anh ấy có tên là Vườn Lê, nằm ở cạnh hồ Bích Đầm... Ở phía sau nhà có cả một vườn quít thật to nữa... Đến đấy trông mà mát cả mắt. Trong lúc Phượng nói thì Bội Quân chỉ yên lặng. Mục đích của Quân khi đưa Hiếu Trinh đến đây chỉ là để thăm dò phản ứng của Phựơng, không ngờ Phượng lại làm Quân thất vọng. Hiếu Trinh quay sang Bội Quân: - Có thật như vậy không anh Bội Quân? - Thật ra thì ở đấy cũng bình thường. - Bội quân miễn cưỡng nói – Trúc Phượng chỉ phóng đại thôi. Phượng cười: - Tại tôi phóng đại hay là tại anh không muốn đưa chị Trinh về đó? Bội Quân có vẻ bực mình: - Trúc Phượng, cô có biết là cô đang làm gì không? Tại sao hành động như vậy? Không thấy hối hận à? Lời của Quân làm Phượng tái mặt. Phượng không hiểu là Quân nói gì, định ám chỉ chuyện gì giữa nàng và ông Huấn chăng? Không lẽ Quân đã biết chuyện đó? Phượng nói: - Xin lỗi, tôi hơi quá lố. Bồi bàn đã mang phần ăn của mỗi người ra. Trúc Phượng cắm cúi ăn. Bội Quân và Hiếu Trinh cũng không nói gì. Không khí trong bàn ăn căng thẳng một cách kỳ cục. Sau khi ăn xong, Phượng vội trả tiền phần ăn của mình, rồi đứng dậy nói: - Xin lỗi tôi có chuyện phải đi ngay, không thể nán lại được. Hiếu Trinh vô tư: - Ồ không đợi một chút bọn này cùng đi. - Không được, đường đi trái ngược nhau. Phượng nói rồi nhanh chóng bỏ đi, Hiếu Trinh nhìn theo nói với Quân: - Mới quen mà tôi đã thấy thích, Trúc Phượng có vẻ phóng khoáng, rộng rãi như con trai vậy đó. Nhưng Bội Quân có vẻ không vui, một lúc Quân mới nói: - Cô ấy rất khó hiểu, tôi chịu không hiểu được. – Rồi như nhớ ra điều gì, Quân hỏi – À cô có ý đến thăm Vườn Lê của chúng tôi không? Nếu thích thì thứ bảy này sau khi tan học ta sẽ cùng đến đó? - Cuối cùng rồi tôi cũng được anh mời... Nhưng Bội Quân nói: - Hiếu Trinh này... Trinh đừng nghĩ ngợi xa vời... Chúng ta dù gì cũng chỉ là bạn học. Lời Quân làm Trinh thất vọng, nhưng rồi Trinh nói: - Thì tôi cũng chỉ là bạn anh chớ nào có muốn là gì khác đâu? - Vậy thì tốt thôi bây giờ mình đi. Bội Quân trả tiền rồi cùng Hiếu Trinh bước ra khỏi quán. Vườn trường ngập đầy nắng. Một không khí hiếm hoi trong mùa thu. Cái thời tiết trong lành thường làm cho con người dễ chịu. Bội Quân nói: - Hiếu Trinh này, ở nhà chắc Trinh là con một phải không? - Không, tôi còn một người anh trai, anh ấy lớn hơn tôi sáu tuổi, nhưng bây giờ lại ở tận bên Mỹ. Thế còn anh? Nghe nói anh cũng có một cô em gái tên Bội Hoàng phải không? - Đúng... Quân nói và không hiểu có phải vì thất vọng trước thái độ ban nãy của Phượng không, Quân hỏi: - Hiếu Trinh này, Trinh có thích tôi không? Trinh đỏ mặt: - Sao anh lại hỏi vậy? Thích hay không thích chẳng lẽ tôi phải nói ra? - Tại tôi muốn biết. - Tôi... - Hiếu Trinh ấp úng một chút nói – Có lẽ tôi thích anh từ lâu nhưng anh thì quá lạnh lùng, anh không thèm nhìn cả mặt tôi. Điều đó làm tôi thất vọng. - Nhưng mà bây giờ... tôi không những đã nhìn Trinh mà còn mời Trinh về nhà... Trinh thấy thế nào? - Tôi... Hiếu Trinh lúng túng, nàng không ngờ Quân lại táo bạo như vậy. Rõ là người Quân khá lạ lùng. Trinh chịu không hiểu nổi, nhưng thấy lòng thật vui, Trinh chỉ nói: - Thứ bảy tan học tôi sẽ theo về nhà anh. Hoàng hôn ở hồ Bích Đầm. Trời xanh mây nước, núi xa mờ mờ trong sương, mọi thứ như một bức tranh thủy mạc. Có lẽ vì là buổi chiều nên hồ rất vắng. Cạnh bờ hồ chỉ có một cặp nam nữ trẻ. Đó là Lê Văn và Bội Hoàng. Lê Văn nói: - Bội Quân lạ thật, sao lại đưa Hiếu Trinh về đây? Trước kia mình cứ tưởng là ông ấy yêu Trúc Phượng chứ? - Ông này lạ chưa? Không lẽ trên đời này chỉ có một mình Trúc Phượng? Anh Quân không có quyền yêu cô gái khác sao? Anh ấy đã từng thú nhận với anh là yêu Trúc Phượng à? Lê Văn lắc đầu: - Mặc dù anh ấy không nói nhưng tôi nhận ra. Chắc có lẽ vì anh ấy đã bị Phượng cho leo cây rồi. - Anh đánh giá Trúc Phượng cao quá. Ông anh tôi không dễ thất tình đâu. Còn anh thì suốt ngày cứ ca tụng Phượng thế này, thế nọ, rồi lại đi tìm người ta. Chứ anh Quân không bao giờ như vậy. Lê Văn cười: - Anh đã có em còn đi tìm người ta để làm gì? - Thế nếu không có em? - Chuyện đó thì phải xét lại vì Trúc Phượng phải nói là khá hấp dẫn. - Hừ! Bội Hoàng hừ nhẹ rồi quay mặt đi, Lê Văn thành thật: - Tại em không hiểu, chứ tiếp xúc với Trúc Phượng em sẽ thấy rất thoải mái. Cô ấy hồn nhiên, nói năng mạnh dạn, chứ không õng ẹo làm dáng như bao cô gái khác. Bội Hoàng đột ngột đứng dậy. - Nếu Phượng nó có nhiều ưu điểm như vậy, sao anh còn tìm tôi làm gì? - Ồ, em lạ thật. – Lê Văn nắm tay Hoàng kéo lại - Tại sao em lại dễ dỗi hờn như vậy? Đó chỉ là những nhận xét vô tư thôi. - Nhận xét vô tư à? Nhưng giọng nói của anh lại ngập đầy tình cảm. Lê Văn kêu lên: - Bội Hoàng. Cái gì em cũng có mức độ thôi chứ. Sao lại nghi ngờ? Với Phượng... anh cư xử với cô ấy như với một người bạn trai... Vả lại cô ấy cũng là bạn thân của em mà. Sao chẳng tin tưởng chút nào cả vậy? - Bạn là bạn, tình cảm là tình cảm. Mọi thứ cần phải phân biệt rõ ràng. – Hoàng nói - Chuyện Phượng không chấp nhận tình cảm của anh Bội Quân, anh biết tại sao không? Đó là vì sự hiện diện của anh đấy. - Anh à? Em có phóng đại sự việc không chứ? - Không hề - Hoàng nhún vai nói – Tôi biết rất rõ Trúc Phượng, nên biết nó thích mẫu người đàn ông ra sao. - Em nói là em hiểu Phượng à? – Lê Văn cười to - Vậy mà em lại chụp mũ anh. Giữa anh và cô ấy hoàn toàn minh bạch. Em có biết là trước đây đã nhiều lần anh rủ rê, nhưng đều bị Phượng từ chối không? - Đấy! Đấy! – Hoàng đỏ mặt nói – anh đã rủ rê người ta mà bảo là không có gì. - Em là chúa nghi ngờ, em có biết là... anh đến trường đại học T, người anh quen đầu tiên là ai không? Trúc Phượng đấy. - Thì đúng rồi. Cú sốc đầu tiên bao giờ lại chẳng gây ấn tượng mạnh? - Cái ấn tượng mạnh nhất với anh không phải là cô ấy mà là em. Em có nhớ cái buổi sớm mai ở vòi phun nước trước cửa văn phòng trường không? Và để thay đổi đề tài, Văn nói: - Thôi đừng nói chuyện Trúc Phượng nữa, nói chuyện khác đi! - Không nói cũng được, nhưng từ đây anh phải hứa với em là đừng nhắc đến Trúc Phượng nữa nhé. - Được, anh hứa. Nhưng mà nếu cô ấy tự động đến tìm anh thì sao? - Thì anh né tránh. - Bội Hoàng vừa cười vừa nói - Thấy hai người đứng gần nhau là em đã thấy bực mình. - Thôi được anh nghe em, miễn sao em vui là được. Bội Hoàng có vẻ mãn nguyện. Trong trái tim nhỏ bé của nàng, muốn Lê Văn là của riêng và tuyệt đối của nàng thôi. Không một ai được dự phần vào, dù chỉ là một góc cạnh nhỏ. Lê Văn chợt hỏi: - Lúc gần đây cha em không về Vườn Lê, có phải vì sự hiện diện của anh không? - Đừng nhắc đến ông ấy. - Bội Hoàng cắt ngang – Ông ấy lớn tuổi mà chẳng đứng đắng tí nào. Sự hiện diện của cha ở nhà càng làm em khó chịu. - Tại sao em lại nhận định cha em như vậy? Có thế nào thì ông ta cũng là cha của em. Vả lại em phải biết, mẹ em qua đời đã mười mấy năm rồi, ông ấy có quyền giao tiếp bạn bè. Năm nay cha em chỉ mới trên bốn mươi mà? Thái độ Bội Hoàng thật cố chấp: - Nhưng mà cha em đã từng yêu mẹ em. Mà nếu đó là tình yêu chung thủy thì mặc dù mẹ em chết rồi, ông ấy cũng không có quyền lăng nhăng. - Không lẽ phải đem liệm tình yêu theo cái chết? Em biết bây giờ là thế kỷ hai mươi chứ không phải thời trung cổ không? Anh thấy thì cha em chẳng có lỗi gì cả. Đàn ông mà. - Có nghĩa là anh rồi sẽ học sách ông ấy? - Bội Hoàng trừng mắt nói – Anh có biết ông ấy đã giao du với hạng người nào không? Vũ nữ, gái bán bar, ca sĩ, chiêu đãi viên... Toàn là những hạng gái không đứng đắn. - Bội Hoàng, em không nên quá khích như vậy. – Lê Văn vừa cười vừa nói – Em cần phải thông cảm, rộng rãi với cha em. Người đàn ông ở tuổi bốn mươi là người đàn ông sung sức. Họ cũng phải sống bình thường như mọi người. Nhưng cha em lại thiếu một người vợ, một mái ấm gia đình. Vậy thì phải để ông ấy tìm kiếm tình yêu. Anh nghĩ thì vũ nữ, gái bán bar, ca sĩ... họ cũng không phải là người xấu, hoàn cảnh đưa đẩy họ hành nghề đó thôi chứ họ cũng là người... Đâu có ai muốn mình làm chuyện xấu đâu. Riêng cha em, nếu sống ép xác cuộc sống hẳn buồn tẻ, anh cảm thông với ông ấy. Bội Hoàng cắn môi: - Đâu phải là ông ấy không có một mái ấm hạnh phúc đâu? Chính ông ta đã phá vỡ nó cơ mà? - Em nói gì anh không hiểu? - Đương nhiên là làm sao anh hiểu. - Bội Hoàng cười nhạt nói – Đó cũng là nguyên do tại sao em lại thù ông ấy. Anh có biết là mẹ em đã bị cái tình lăng nhăng tình ái của ông ta giết chết không? - Thật à? – Lê Văn ngạc nhiên – Anh thấy thì cha em nào đến đỗi. - Nhưng đó là sự thật. - Bội Hoàng tiếp tục nói – Ông ấy dựa vào cái bộ mã đẹp trai, nhà giàu của mình, quyến rũ biết bao nhiêu đàn bà, sống chẳng chung thủy, những con người như vậy, sau này chết sẽ không nhắm mắt. - Bội Hoàng, em có biết là em đang phê phán ai đó không? – Lê Văn bất mãn nói – Em làm như cha em là tay sát nhân, giết mẹ em không bằng. - Còn gì nữa mà không phải? - Đích thân ông ấy giết chết mẹ em? - Cũng không khác bao nhiêu. - Bội Hoàng nhìn ra bờ hồ nói – Ngày xưa cha và mẹ em là đôi bạn lớn lên từ nhỏ, hai người đã gắn bó nhau từ lúc còn để chỏm, nên sau đó lấy nhau thì là chuyện rất tự nhiên. Trước ngày cưới, cha rất tốt với mẹ, nhưng từ ngày có anh Bội Quân thì cha đã hoàn toàn đổi khác, lúc đầu bê tha rượu chè, cặp kè với vũ nữ, đêm nào cũng thật khuya mới về tới nhà. Sau đó lại yêu một cô thư ký trong văn phòng, mà cô này lại là bạn của mẹ em, chuyện đó làm sao mẹ em có thể chịu đựng được? Nỗi đau chất chứa trong lòng càng lúc càng trở thành tâm bệnh, rồi đến lúc mẹ sinh em ra, thì tinh thần của người suy sụp hoàn toàn... chẳng bao lâu sau người qua đời. Hỏi anh thủ phạm đã giết chết mẹ không phải là cha thì là ai? Lê Văn ngạc nhiên: - Làm sao em biết được chuyện đó? - Ồ! - Bội Hoàng lúng túng rồi nói – Em đã đọc nhật ký của mẹ em. - Nhật ký của mẹ? – Lê Văn suy nghĩ rồi gật đầu nói – Nhưng đó là cảm quan của mẹ, có nghĩa là em chỉ biết được thông tin một chiều. - Không! Tất cả đều chính xác! Em hoàn toàn tin tưởng những gì mẹ em đã viết... tại anh không biết, mẹ em đã phải đau khổ dường nào, khi có một ông chồng có tình cảm lăng nhăng không chung thủy như vậy. Và Bội Hoàng kết luận: - Lấy phải một ông chồng vừa giàu có vừa đẹp trai là cả một khổ tâm lớn. Lê Văn không đồng ý: - Anh thì không tin những gì mẹ em viết là đúng, vì vậy đừng nên đổ hết lỗi cho cha em. Biết đâu người cũng có những nỗi khổ tâm riêng của mình. - Ông ấy mà cũng có nỗi khổ tâm riêng à? - Bội Hoàng buông tiếng cười lớn – Có chăng là vì cảm thấy bọn đàn bà nhẹ dạ mắc câu của ông ấy còn chưa đủ. - Đừng nói vậy. Chưa biết rõ mà kết luận, sau này sẽ hối tiếc đấy. Lê Văn nói, Bội Hoàng không cãi lại, chỉ đưa mắt nhìn ra thật xa. Lê Văn nghĩ là Bội Hoàng lại giận nên nói: - Bội Hoàng, em làm gì đấy? Coi như anh chưa hiểu rõ chuyện gia đình của em đi. Bội Hoàng lắc đầu: - Thôi đừng có nói chuyện đó nữa, cũ quá rồi nên quên đi thì hơn. Dù gì thì bây giờ em đã lớn, đã có thể tự lập được rồi... em không cần phải nương tựa vào cái gì nữa. Lê Văn cảm động: - Anh tin là... em rồi sẽ tự sắp xếp được cuộc sống của chính mình. Ngồi thêm một chút, nước hồ đã dâng cao, gió chiều thổi lạnh, mùa đông sắp đến. Lê Văn dìu Hoàng đứng dậy: - Thôi tối rồi, chúng ta về thôi! Và hai người chậm rãi đi dọc theo bờ đê về nhà. Đèn trong Vườn Lê vẫn sáng choang, nhưng khu vườn khá rộng nên bóng tối bên ngoài vẫn chập chùng. Lê Văn nói: - Ở đây không gian rộng lớn quá, nếu phải đi một mình, có lẽ anh sẽ rất sợ. Còn Hoàng? - Em thì không! - Bội Hoàng cười nói - Tại sao lại phải sợ? Khi mà em sinh ra ở đây, lớn lên ở đây... có lẽ rồi em sẽ sống ở nơi này đến lúc già lúc chết... Vả lại mẹ em đã được an táng ở đây, có người, em sẽ được che chở... Lê Văn cười pha trò: - Em định ở đây mãi? Em không muốn về với anh ư? - Ai nói không? Nhưng nếu mình lấy nhau, anh vẫn có thể về đây sống chung với em cơ mà? Lê Văn lắc đầu: - Ai đàn ông mà sống nhờ nhà vợ? Vậy thiên hạ sẽ cười chết. Cả hai đi vào phòng khách, nhưng họ vô cùng ngạc nhiên. Vì bấy giờ chỉ có một mình Hiếu Trinh ngồi đấy, Bội Hoàng ngạc nhiên: - Ồ, thế anh Bội Quân đâu rồi? Hiếu Trinh có vẻ lúng túng: - Anh ấy... nói là vào trong có tí việc. - Vậy thì để tôi vào bảo ông ấy ra. Bội Hoàng nói nhưng Hiếu Trinh đã xua tay. - Thôi khỏi, tôi cũng sắp về rồi. - Về à? – Lê Văn ngạc nhiên – Bên ngoài trời tối om như vậy mà cô không sợ sao? - Không, tôi không sợ. Trinh đáp nhỏ, Hoàng nhìn Trinh, bất giác cảm thấy cảm thông. Hoàng biết rõ là Quân yêu Trúc Phượng. Thế Hiếu Trinh chen vào làm gì cho khổ, Bội Hoàng nói: - Hai người ngồi đây một chút, tôi vào trong sẽ ra ngay. Và không đợi phản ứng của Trinh, Hoàng đi vào trong. Đứng trước cửa phòng của Bội Quân, Hoàng do dự một chút rồi mới gõ cửa bước vào. Thật bất ngờ, Hoàng thấy Bội Quân nằm trên giường, mắt nhìn lên trần nhà. Hoàng bất mãn nói: - Hiếu Trinh muốn về rồi kìa. - Vậy à? - Bội Quân bình thản - Vậy thì để cô ấy về đi. - Anh thật là kỳ cục. – Hoàng nói - Trời tối thế này... mà anh cũng đừng quên là chính anh mời người ta đến đây nhé. Bội Quân chau mày: - Cô ta đồng ý đến chứ đây bắt buộc. - Nhưng không lẽ bây giờ anh bỏ mặc? Để cô ta về một mình à? - Bực thật! Và Bội Quân ngồi dậy, Hoàng bất mãn hơn, rõ ràng lũ đàn ông người nào cũng vậy. Họ có vẻ thật vô tình, nhất là với những người mà họ không yêu. Hoàng nói: - Anh Quân, em muốn hỏi anh điều này. Quân vừa khoác áo vừa nói: - Chuyện gì nói đi? - Trúc Phượng! Quân nghe nói có vẻ bực dọc: - Cô ấy thì có liên can gì đến tôi? Tại sao lại nói chuyện đó? - Anh né tránh ư? Có gì đâu mà phải sợ, yêu không phải là một việc xấu hổ, còn được yêu lại không là chuyện khác. Chúng em đã biết hết. - Buồn cười thật. – Quân vẫn cố che đậy - Mấy người đừng có tưởng là mình thông minh nhé. Bội Hoàng nhìn Quân: - Anh Quân, anh nói thật đi. Trúc Phượng đối với anh thế nào? Chúng ta là anh em mà, có việc gì phải dấu chứ? Bội Quân ngẩn ra, nét mặt đổi dần, thật lâu sau Quân mới nói: - Thôi em đừng có tò mò, chẳng có gì đâu... Bây giờ anh đưa Hiếu Trinh về nhà đây. Bội Hoàng biết là Quân không muốn nói, chỉ lắc đầu, lặng lẽ theo anh ra ngoài. Quân ra đến phòng khách hỏi Trinh: - Nghe Bội Hoàng nói cô định về, đúng không? - Vâng. - Hiếu Trinh lí nhí – Nhưng mà em biết đường, khỏi phải làm phiền anh. Bội Hoàng cố ý chen vào: - Anh Quân ra đây là để đưa chị về đấy. Bội Quân nói: - Vậy thì mình đi, mười phút nữa sẽ có chuyến xe đấy. Hiếu Trinh quay qua nhìn Hoàng với cái nhìn biết ơn rồi theo Bội Quân ra ngoài. Màn đêm đã buông xuống, gió lạnh làm Hiếu Trinh rùng mình. Bội Quân đi trước, anh chàng bước khá nhanh, Trinh phải chạy mới theo kịp. - Ban nãy em không biết là Bội Hoàng vào kêu anh. Trinh bắt chuyện, nhưng Quân vẫn yên lặng. - Nếu biết là anh bận, hôm nay tôi đã không đến quấy rầy anh. - Ai nói với Trinh là tôi bận? - Nhưng mà hình như anh không được vui? - Chuyện đó không có liên can gì đến Trinh cả. - Vậy à? Trinh lắc đầu, nàng cảm thấy thất vọng: - Hình như anh không thích làm bạn với tôi? – Trinh hỏi. - Nào có, nhưng tôi thấy con gái nên tự nhiên, rộng rãi một chút đừng nên lưu ý những tiểu tiết nhỏ nhặt. - Chẳng hạn như cái cô Trúc Phượng hôm ấy, phải không? Quân yên lặng không đáp. Hiếu Trinh lại nói: - Hình như anh không được hài lòng về tôi. - Không có. Thế còn Trinh? - Cũng không. Họ đã đến trạm xe buýt, thật ra thì chẳng ai vui cả. - Ngày mai mấy giờ cô đến trường? - Tám giờ học. Có lẽ bảy giờ năm mươi tôi sẽ đến trường. - Vậy thì giờ đó tôi sẽ đón Trinh ở cửa. - Đón tôi? – Trinh hơi bất ngờ - Chi vậy? Trinh hỏi nhưng Quân không đáp, ngay lúc đó xe buýt đã trờ tới. Trinh vội lên xe, giờ này khách vắng nên có rất nhiều chỗ trống. Trinh chọn một nơi gần cửa ngồi xuống. - Cám ơn anh đã đưa tôi ra tận xe. Trinh nói qua cửa sổ, Quân chỉ khoác khoác tay, nhưng Trinh đã vơi bớt rất nhiều nỗi buồn. Tình yêu rõ là kỳ quặc, có giận nhưng rất dễ tha thứ. Chiếc xe đã khuất trong màn đêm. Bội Quân mới quay về, Quân chợt thấy mình hơi quá đáng. Ánh mắt nhẫn nhịn của Hiếu Trinh hiện rõ trong trí, nhưng mà cái tự nhiên, phóng đạt của Trúc Phượng lại ngập cả trái tim. Không còn chỗ đâu để chứa đựng một hình bóng thứ hai, dù Quân đã cố thử. Bội Quân chậm rãi bước trên đường về nhà, con đường thật vắng chỉ có chiếc bóng là bạn... Phải chăng cuộc đời đã chỉ định là Quân sẽ mãi mãi cô độc trên đường đời? Ngay lúc đó, một chiếc xe du lịch bóng lộn lướt qua, trên xe có hai người, ông Chí Huấn và Trúc Phượng. Hình như họ đang cười một cách vui vẻ. Nhưng vì Bội Quân đang cắm đầu nhìn xuống nên không thấy, nếu thấy không biết Quân sẽ phản ứng ra sao. Thời tiết khá khắc nghiệt, nhà nhà đều đóng kín, ai cũng sợ ra ngoài, mùa đông năm nay đặc biệt lạnh. Trúc Phượng ngồi ở một góc salon, ôm chiếc gối lót trong lòng nói: - Ban nãy ở ngoài đường lạnh cóng luôn. Ông Chí Huấn cho thêm củi vào lò sưởi nói: - Nhưng ở đây lạnh còn kém bên Âu Châu đấy. - Trời lạnh thế này ở nhà hay hơn, đọc sách hoặc nghe nhạc cũng vui vậy. - Nhưng hôm nay bà bếp nghỉ. Chúng ta bắt buộc phải ra ngoài dùng cơm thôi, mà hình như em ngại đến nơi đông người. Em sợ người ta thấy em đi với ông già ư? - Em không phải sợ chuyện đó. - Thế em sợ chuyện gì? - Em sợ anh sẽ gặp lại những người bạn cũ của anh, ngoài ra em cũng sợ gặp lại "họ". - Họ? Là ai chứ? Phượng cúi đầu: - Thì là đám Bội Hoàng... Em rất sợ, nhất là cái ánh mắt của Bội Hoàng. - Em lo xa quá... nhưng sớm muộn gì rồi tụi nó cũng biết cơ mà? Phượng yên lặng, mắt hướng về phía ngọn lửa bập bùng ở lò sưởi, lòng đầy mâu thuẫn. - Thôi bây giờ chúng ta đi ăn cơm nhé? Giờ này đi ăn thịt nướng ngon miệng đấy. - Được, nhưng ở đấy đông người lắm không? - Nhà hàng này rất rộng, ít người đến, em khỏi phải lo. - Em không lo lắng gì cả. - Vậy thì khoác thêm áo vào rồi mình đi. Phượng khoác thêm áo đứng dậy, chợt hỏi: - Anh đã thay bộ salon bằng màu kem này từ bao giờ vậy? - Ờ, mùa đông đổi phòng khách màu sáng một tí cho ấm vậy mà. Phượng cười: - Nhưng bây giờ em hết thích màu này rồi, em bắt đầu thấy yêu màu đỏ. Ông Huấn kéo Phượng vào lòng: - Vậy thì ngày mai anh sẽ cho thay bộ khác màu đỏ. Phượng cười, thật ra Phượng chỉ đùa thôi nên lắc đầu nói: - Không được đổi nữa, em sẽ giận. Cả hai đi ra xe, ngồi trong xe Phượng chợt thắc mắc: - Rủi bây giờ bạn gái anh đến, thì anh sẽ xử sự thế nào? - Họ đến à? Nào xin mời, quý vị hãy về đi, tôi sắp cưới vợ rồi đừng có đến quấy rầy nữa. - Chắc chắn là chẳng ai tin anh đâu. - Không tin à? Thì anh sẽ đưa em ra cho họ xem mặt. - Thôi được, em không thích làm bình phong... em không để cho anh đưa em ra gặp họ đâu. Ông Huấn không nói gì cả, ông dừng xe lại trước nhà hàng Đệ Nhất, rồi cả hai đi thang máy lên lầu. Ở đây phòng ăn khá rộng, khách nước ngoài và Hoa kiều đông hơn khách địa phương. Ông Huấn nói: - Hôm nay chúng ta sẽ ăn thịt nướng, mà ăn thịt nướng bốc bằng tay ngon hơn bằng muỗng nĩa em ạ. Trúc Phượng chỉ cười. Họ chọn một chiếc bàn tròn rộng, bồi bàn đã mang đến một chiếc hỏa lò với than hồng rực cháy để giữa bàn. Trong sự lạnh buốt của mùa đông, bếp lửa hồng đã tạo nên cái khung cảnh khá ấm cúng. Ông Huấn quả là người biết cách hưởng thụ, ông chọn món thịt rừng tươi, heo rừng và mễn, lại dặn mang cả hành củ ra. Rồi tự tay ông ướp hành vào thịt và đặt lên hỏa lò nướng. Ngay lúc đó, một cặp thanh niên trẻ bước vào. Phượng lúc đó bận nhìn ông Huấn nướng thịt nên không để ý, đôi nam nữ kia có lẽ vì quá hạnh phúc nên không để ý đến bàn bên này. Họ chọn chiếc bàn gần đấy ngồi xuống và cười nói tự nhiên. Tiếng cười quen thuộc làm Phượng chú ý và quay lại, vừa quay qua Phượng đã tái mặt ngay, Lê Văn và Bội Hoàng. - Anh Huấn! Họ cũng đã đến rồi kìa! Phượng khẽ kêu lên, làm ông Huấn đang nướng thịt quay lại: - Ai? - Bội Hoàng và Lê Văn. Bây giờ phải làm sao đây? Ông Huấn nhìn qua, chau mày suy nghĩ: - Thôi được, mình sang đấy chào họ trước. Rồi nói tình cờ gặp nhau ngoài đường kéo vào đây là mọi chuyện xong cả chứ gì? Trúc Phượng gật đầu rồi bước qua bàn Bội Hoàng. Bội Hoàng vừa nhìn thấy Phượng giật mình, nhưng sau đó trông thấy cả ông Huấn mặt chợt tái hẳn. Lê Văn thì vui vẻ: - Ồ, không ngờ lại gặp bác ở đây, cả Trúc Phượng nữa, hai người cũng đến dùng món thịt nướng à? Trúc Phượng ngồi xuống bàn một cách tự nhiên: - Chúng tôi ngồi chung có quấy rầy gì không? - Dĩ nhiên là không rồi. – Lê Văn nói. Ông Chí Huấn mang chén đũa qua, ông cố tạo ra vẻ thật tự nhiên, nhất là trước mặt Phượng, ông nói: - Hôm nay may mắn thật, tình cờ gặp Phượng ngoài đường rồi lại gặp Lê Văn và con ở đây nữa. Bội Hoàng không nói gì cả, chỉ đưa mắt lạnh nhìn Phượng rồi nhìn cha dò xét... Linh tính cho Hoàng biết giữa hai người này đã có cái gì. Hoàng nhếch môi: - Rõ là một sự trùng hợp lạ kỳ. Trúc Phượng mặc cảm không dám nhìn lên chỉ cắm cúi ăn. Ông Huấn quay sang Lê Văn. - Chiều nay hai người còn có tiết mục gì nữa không? - Dạ chuyện đó cũng chưa tính, có lẽ sẽ đi xem hát hoặc đi chơi banh mà cũng có thể đến phòng trà... À... bác và Phượng sẽ cùng đi với tụi này chứ? Lê Văn hỏi, nhưng Phượng đáp nhanh: - Không được, chiều nay tôi bận việc. - Bận việc à? - Bội Hoàng cười nụ cười đầy mai mỉa – Có lẽ bận kèm trẻ chứ gì? Trúc Phượng ngỡ ngàng, lời nói của Bội Hoàng như mũi dao nhọn chọc sâu vào tim Phượng. Khoảng cách tuổi tác giữa ông Huấn và Phượng, bên cạnh đó ông Huấn lại là cha của Hoàng... Phượng cố tỏ ra bình thản: - Không phải là chuyện kèm trẻ, mà tôi bận việc khác. Ngay lúc đó Lê Văn kéo Hoàng đi lấy thêm thịt nướng. Đợi họ đi rồi, ông Huấn hỏi: - Tại sao em lại nói vậy? Giọng Phượng run rẩy: - Cô ấy đã biết, vừa nhìn thấy chúng mình là cô ấy biết ngay. - Biết thì đã sao đâu? Chúng mình chưa làm gì quá mức cơ mà? - Nhưng mà... rõ ràng Bội Hoàng thông minh và nhạy bén... Anh không thấy là cô ấy đã nhìn em với cái ánh mắt của một quan tòa nhìn tội phạm à? Ông Huấn thở ra: - Nó hoàn toàn giống như mẹ nó. - Anh cũng thấy điều đó chứ. - Có lẽ... – Ông Huấn có vẻ bức rức, ông nói – Không biết, một hồi nữa làm sao rút khỏi họ đây. Phượng nói: - Hay là tạm thời mình chia tay? - Có lẽ là em nên đi trước, rồi anh sẽ ra sau. Ngay lúc đó, Lê Văn và Bội Hoàng đã quay lại. Lê Văn cười nói: - Cái món thịt nướng này rất hạp khẩu tôi, chắc chắn hai cô ở đây ăn không lại đâu. Nhưng Bội Hoàng đã cười nhạt nói: - Coi chừng anh lầm đấy. Anh đừng tưởng, Trúc Phượng đây thích thịt nướng còn hơn cả anh, cô ấy có thể nuốt gọn cả gói. Lê Văn không hiểu, cãi: - Không, tôi không tin chuyện đó. Phượng hiểu ý Hoàng, nhưng chỉ nói: - Bội Hoàng nói chơi đấy. Đồng ý là tôi thích ăn mặn hơn ăn ngọt nhưng làm sao lại dám bì với anh Lê Văn chứ? Ông Chí Huấn chen vào: - Ăn uống thì cứ tự nhiên thích gì ăn đấy, ăn cho no chứ tôi cũng không ưa mấy cô ham làm dáng. Bội Hoàng không hiểu sao lại nói: - Nhưng mà con gái cũng cần phải giữ thân hình thon thả, lý tưởng nhất là vòng eo năm mươi bốn, đúng không? Lê Văn nói: - Vòng eo thì phải có, nhưng cái quan trọng nhất là khuôn mặt nữa, xấu như quỷ dạ xoa ai mà thèm nhìn. Mục đích của Hoàng là châm chích ông Huấn nhưng Lê Văn không hiểu nên Bội Hoàng có vẻ giận: - Ai nói tới anh mà anh lại châm mồm vào. - Lại giận hờn nữa rồi. – Lê Văn đấu dịu – Thôi để anh mời em một miếng nhé. - Thôi không ăn đâu. Hoàng nói làm Lê Văn đỏ mặt, ông Huấn can thiệp: - Bội Hoàng, cậu Văn đã có ý tốt, con đừng để cậu ấy mất mặt nơi đông người. - Nơi đông người à? - Bội Hoàng quay sang chĩa mũi dùi sang ông Huấn - Thế còn cha? Gìa như vậy mà đẫn một cô gái đáng con vào đây, dễ xem lắm à? - Bội Hoàng! – ông Huấn đỏ mặt – Năm nay con hai mươi tuổi rồi, con phải biết điều một chút, sao con lại ăn nói như vậy? - Đương nhiên là con biết những gì con nói. - Bội Hoàng không chịu thua – Con đã biết rõ tim đen của cha, rõ ràng là cha hẹn đưa Trúc Phượng vào đây, rồi gặp tụi con, cha phải nói trớ đi là tình cờ... cha gạt ai chứ không gạt con được đâu cha ạ! - Bội Hoàng! Ông Huấn kêu lên. Lê Văn và Trúc Phượng gần như cùng lúc cũng kêu lên, nhưng Bội Hoàng vẫn bình thản vẫn lạnh. - Mấy người nghe tôi nói đây... cha tôi chơi với bọn đàn bà xấu đã chán chê, nên bây giờ muốn tìm của lạ, ông ấy mới hướng về phía cô bạn tôi đây... Rõ ràng là cả hai đều bần tiện... Ông Huấn tái hẳn mặt, ông nói: - Cha mong là con suy nghĩ lại những gì con nói và con cũng đừng quên là... cha là cha ruột của con. - Vâng, làm sao con dám quên chuyện mình có một người cha xuất sắc như vậy. Bội Hoàng cười một cách chua chát. - Con rất rõ cha con mà... một play boy một con người sống phóng túng, đa tình... đã khiến mẹ con vì đau khổ mà chết. Lê Văn ngăn lại: - Bội Hoàng, không nên... Ông Huấn không dằn được, ông đứng dậy đưa cao tay định tát tai Hoàng, nhưng Phượng đã nhanh tay hơn giữ chặt tay ông lại. Bội Hoàng trừng mắt. - Đấy thấy chưa, tôi đã nói đúng, nên ông ấy định đánh tôi. Ông Huấn tái mặt, đau khổ, bứt rút, thù hận, giận dữ tràn ngập trong lòng ông, những sợi cơ trên mặt ông như xơ cứng ra. Và mọi người cứ đứng trong tư thế đó thật lâu... không gian gần như chết lặng. Thời gian ngừng trôi... nhưng cuối cùng rồi ông Huấn là người bừng tỉnh trước tiên, ông trừng mắt nhìn Hoàng, rồi vội vã quay người bỏ đi. Ông bỏ lại chiếc áo khoác ngoài, chìa khóa xe và cả Trúc Phượng. Bội Hoàng cắn môi cố không để rơi nước mắt. Hoàng quay quay Trúc Phượng. - Này Trúc Phượng. Cô nói đi, cô mê cái gì của cha tôi chứ? Danh vọng, địa vị, tiền bạc, hay là cái số tuổi đáng cha của ông ấy... Năm nay cha tôi đã bốn mươi lăm, lại là cha ruột của tôi, vậy mà sao cô không buông tha? Bây giờ ông ấy đã bỏ đi, bỏ cả cô lại đây mà đi đó, cô thấy chưa? - Thôi đủ rồi, đủ rồi Bội Hoàng. – Lê Văn chen vào – Em đã làm cha em giận bỏ đi, rồi bây giờ em lại làm Trúc Phượng đau khổ, em điên rồi ư? Bội Hoàng quay qua Lê Văn: - Tôi làm Trúc Phượng đau khổ, anh đau lòng? Anh là cái gì của cô ấy chứ? Anh đừng quên là người mà cô ta muốn quyến rũ là cha tôi chứ không phải là anh đâu nhé. Nhưng Trúc Phượng không phản ứng, Phượng tự nhiên nhặt lấy áo của ông Huấn và chìa khóa xe, rồi nhìn Hoàng nói: - Tôi không hề để ý bất cứ cái gì của cha cô, tôi không phải thuộc hạng người như vậy. Chuyện của tôi và ông ấy chỉ có chúng tôi biết, còn cô... chẳng bao giờ cô hiểu nổi đâu. Lời của Phượng làm Hoàng tái mặt. - Cô còn dám... Phượng quay sang Lê Văn: - Anh Lê Văn, hôm nay nhờ anh trả hộ tiền bữa ăn nhé. Anh cũng biết đấy, tôi thì không có lấy một đồng trong túi... số tiền hôm nay chắc chắn là ông Chí Huấn rồi sẽ hoàn trả lại cho anh. - Vâng. Lê Văn nói mà vẫn ngẩn ngơ. Trúc Phượng liếc nhanh về phía Bội Hoàng, rồi chậm rãi bước ra ngoài. Thái độ bình thản của Phượng làm Hoàng ngạc nhiên. Phượng bước vào thang máy đi xuống, ra khỏi nhà hàng Phượng trông thấy ông Huấn ngay. Ông ta đang đứng tựa bên xe có vẻ thẫn thờ, Phượng bước tới đưa áo cho ông Huấn, rồi mở cửa xe, nói: - Thôi bây giờ mình về chứ? Đứng đây có ích lợi gì? Ông Huấn như chiếc máy bước vào xe, mở máy, rồi cho xe chạy rất chậm. - Đừng nghĩ ngợi gì cả, về nhà rồi hãy tính. Lời của Bội Hoàng ban nãy chỉ là một sự xúc động nhất thời, hãy tha thứ cho cô ấy... Dù gì cô ta cũng là con gái của anh. Phượng nói nhưng ông Huấn lắc đầu: - Anh đã tha thứ cho nó biết bao lần rồi... có lẽ vì anh đã dung túng nó quá nên mới có cái ngày hôm nay. - Vì cái tiên kiến của cô ấy dành cho anh quá đậm... Em nghĩ là anh phải bỏ ra rất nhiều thời gian giải thích thì cô ấy mới hiểu. Ông Huấn lắc đầu: - Em không hiểu đâu. Bội Hoàng nó ganh tị với tất cả những người đàn bà có mặt bên anh, có nhiều lúc anh ngạc nhiên... anh không biết là cái tình cảm cha con của anh với nó có bình thường hay không? - Không có gì đâu, anh đừng nghĩ ngợi quá không tốt. - Phượng nói - Bội Hoàng mà làm như vậy... cô ấy cũng nào có vui sướng gì. - Nó hành động chẳng khác mẹ nó chút nào cả. – Ông Huấn thở dài rồi nói – Anh linh cảm là rồi đây... cuộc đời của nó cũng không hạnh phúc gì đâu. - Anh không được nói vậy. Bội Hoàng dù gì cũng là con gái của anh. - Anh chỉ tội cho cậu con trai kia, cậu Lê Văn đấy, nếu cậu ấy mà yêu nó thật sự thì cũng... - Thôi anh đừng nói nữa. - Phượng cắt ngang – Lê Văn yêu cô ấy một cách chân tình. Chiếc xe đã chạy đến nhà. Ông Trần ra mở cửa, ông Huấn bước vào nhà như chiếc xác không hồn. Ông bước ngay đến quầy rượu, rót một ly đầy nốc cạn, rồi ly thứ hai. Trúc Phượng không ngồi yên được, bước tối chặn ly. - Em nghĩ là... rượu chẳng giải quyết được gì cả. Ông Huấn lắc đầu: - Tại em không hiểu, chứ rượu đã là bạn của anh trên mười năm nay. Phượng thở dài, thì ra mười năm qua ông Huấn đã sống thế này, hết gái đến rượu... ông tự chuốc say mình để quên hết tất cả. - Nhưng người bạn này rất có hại cho anh. Anh biết không? Ông Huấn cười buồn, bưng ly về phía ghế ngồi xuống. Ông nâng ly lên và nhìn và chất nước vàng lăn tăn sủi bọt nói: - Anh nghĩ lại và thấy Bội Hoàng không phải là không có lý, nó đã cảnh giác anh. - Anh nói gì em không hiểu? Phượng ngồi xuống gần đấy nói. Ông Huấn có vẻ suy nghĩ: - Em có nhớ không? Lần đầu tiên gặp em... em đã gọi anh là gì? Bác... và bây giờ nếu em sửa đổi lại cách xưng hô đó, anh thấy cũng chưa quá muộn. - Anh... Phượng ngẩn ra. Chỉ cần mấy lời nói là Hoàng đã có thể cắt đứt mọi thứ giữa Phượng và Chí Huấn ư? Vậy thì tình yêu là gì? Nó có là một thực thể bền vững không? - Trúc Phượng. – Ông Huấn tiếp mà vẫn không nhìn Phượng - Đối với anh thì mọi thứ đã trở thành chai lì... chẳng có cái gì làm anh đau khổ được, nhưng mà em thì khác, anh không muốn em phải buồn khổ. - Buồn khổ à? – Trúc Phượng ngỡ ngàng một chút – Em không đau khổ vì lời của Hoàng đâu... mọi đau khổ có chăng là do chính mình tạo ra thôi. - Trúc Phượng! - Nếu anh vẫn xem em như một đứa con nít, thì anh lầm rồi. - Phượng nói - Sự trưởng thành nhiều lúc chỉ cần một phút giây... anh hiểu không? Khi tình yêu vừa đến... là em thấy mình không phải trẻ con nữa... Anh không nên nói như vậy. - Trúc Phượng! - Anh có biết tình yêu là gì không? Đó là một tình cảm kỳ diệu, mơ hồ, hiện hữu nhưng lại không hiện hữu... Ồ! Em cũng không biết giải thích như thế nào nhưng mà thánh kinh có nói "Tình yêu là một sự nhẫn nại trường kỳ, không phô trương cuồng nhiệt, cũng không phải là điều gì xấu hổ". Và em nghĩ đấy là chân lý. - Trúc Phượng nghe anh nói này. Phượng cắt ngang: - Nếu anh thấy cần thiết, thì em sẵn sàng rời khỏi đây ngay, nhưng mà có một điều em muốn nói với anh là... sẽ chẳng bao giờ em hối hận về những gì mình đã làm. - Trúc Phượng, em đừng nói gì nữa. – Ông Huấn đặt ly xuống, rồi ôm Phượng vào lòng - Lời của em làm anh thấy xấu hổ. Phượng tiếp: - Và nếu anh bắt em lựa chọn thì... em vẫn muốn gọi anh là anh thôi. - Trúc Phượng! – Ông Huấn xúc động kêu lên. Thời gian như ngưng đọng. Lời nói sẽ trở thành thừa thãi, họ cứ ngồi như vậy bên nhau thật lâu. - Trúc Phượng! Em có biết là lời của Bội Hoàng đã khiến anh mặc cảm, xấu hổ. Anh cảm thấy là mình không xứng với em, chuyện này đúng ra để em mở lời trước nhưng rồi vì tự ái nên anh đã... - Tại sao anh lại có cái cảm giác đó? Có lẽ vì anh đã quen sống ở trên cao, anh không chịu nghĩ giùm em, làm sao em có thể xa anh được? - Có lẽ vì anh khéo lo, nhưng em phải hiểu cho cái mặc cảm tuổi tác. - Có mặc cảm hay không là em nè. - Phượng nói – Ban nãy, chính Bội Hoàng cũng đã hỏi em. Em đã chấm anh vì điểm nào? Tiền bạc, địa vị, danh vọng. Và em đã không nói gì được cả, thật ra là bởi vì em không nghĩ đến... Tình yêu làm gì có điều kiện, đúng không? Ông Huấn cười: - Vâng. Tình yêu chân chính không bao giờ có điều kiện kèm theo. - Có lẽ vì em còn lý tưởng... - Phượng đỏ mặt nói – Nhưng mà sống trong một xã hội thực dụng mà ta còn lý tưởng thì cũng tốt đấy chứ? Ông Huấn nhìn Phượng: - Thế ban nãy em chưa trả lời với Bội Hoàng thì bây giờ em nói cho anh biết đi, em đã yêu anh chỗ nào? - Em cũng không biết. Lần đầu nhìn thấy anh là em cảm thấy như định mệnh đã an bài em phải yêu anh. Ông Huấn lắc đầu: - Định mệnhđã từng khắc nghiệt với anh. Nhưng lần này anh mong là định mệnh rồi sẽ khoan dung một chút. - Với người lành, Thượng đế không bao giờ bỏ rơi đâu anh ạ. Ông Huấn nâng ly lên rồi không hiểu sao nhìn Phượng cười nói: - Thôi từ đây về sau, anh sẽ không uống rượu nữa. Nhưng mà bây giờ anh đói lắm rồi, ban nãy bị Bội Hoàng nó quậy có ăn được miếng nào đâu? Phượng đứng dậy: - Để em vào nhà bếp xem có món gì làm cho anh ăn. Ông Huấn cũng đứng dậy đi theo. Hình như ông đã hoàn toàn khôi phục lại tinh thần cũ.