Nguyễn Ước dịch
6.

Đâu đó trong nhà bếp khuất lẩp, máy phảt thanh đang phát nhạc khiêu vũ, một giai điệu tiền chiến làm ông nhớ lại thời đi học. Trở về với thực tại, tiếng loảng xoảng của chén dĩa cho thấy ít nhất có hai người đang làm việc. Trên chiếc bàn kê bằng tấm ván như một chiếc phản dài đặt bên trong phòng ăn của nhà trường, ông và cha Prisbek ngồi riêng một đầu. Đầu kia là những người gác, súng tiểu liên dựng bên băng ghế, đang lấy và chia phần bắp cải đỏ. Phía mặt bên kia tấm phản dài là viên đại tá, viên thiếu tá An ninh nội chính và người mang ủng Wellington, đang tự múc xúp khoai tây trong liễn ra, rồi chuyền liễn tới cha Prisbek. Người nữ tu từ nhà bếp đi ra mang theo một đĩa gỗ đầy xúc xích nhỏ. Khi chuyển tới ông, bà nói:

- Xin đợi chút, thưa Đức cha. Chúng con có ít trứng luộc cho cha. Con biết cha không dùng món ăn có nhiều gia vị. Mấy món này đều nhiều gia vị.
- Tôi biết chúng nhiều gia vị - Ông nói. - Xúc xích kiểu miền trung. Món tôi ưa thích. Xin chị cho một ít.
- Cha chắc không?
- Chắc chứ. Tôi đã nói với chị rồi. Tôi không còn ăn kiêng nữa.
Viên thiếu tá nói:
- Xúc xích kiểu miền trung. Thượng hảo hạng. Tôi cũng thích.
- Tôi thích xúc xích kiểu miền bắc - người mang ủng Wellington nói – Quí vị biết, chúng được bọc bằng da rất mỏng. Người ta ca ngợi xúc xích Ba lan - tên nó là gì nhỉ? Debreciner - nhưng khi đem so với xúc xích miền bắc của ta thì nó chẳng bén gót.
- Cũng như giăm bông Ba lan - viên thiếu tá nói - Nó không thể nào so sánh được với giăm bông của ta, đặc biệt giăm bông ngọt dịu xứ Gallina. Đối với người sành ăn thì giăm bông Gallina tuyệt vời.
- Giăm bông đó tuyệt nhất thế giới - viên thiếu tá nói - Tôi có lý không, thưa Đức cha.
Ông gật đầu, nhìn người mang ủng Wellington đang cho thật nhiều mù tạt vào xúc xích của mình. Tại sao những nước nhỏ như chúng ta lại lấy làm kiêu hãnh về những thành quả lặt vặt. giăm bông nổi tiếng thế giới của ta đội bóng đá của ta.
- Và thế nào về âm nhạc của ta, văn chương cùa ta? - ông nói, nhìn thẩng viên đại tá - Có thời chúng ta từng nổi tiếng về những cái đó.
- Chúng ta vẫn còn nổi tiếng - viên đại tá nói - Stanislaus Lork đoạt giải Văn chương Quốc tế Vienna - lúc nào nhỉ? - năm ngoái? - hay năm kia?
Đột nhiên khắp bàn ăn im lặng. Ông thấy viên thiếu tá cúi đầu xuống như thể có ai đó mới đề cập tới một người vừa qua đời.
- Dĩ nhiên - viên đại tá nói, trầm tĩnh lại, - Anh ta không phải là thí dụ tốt nhất. Tác phẩm của anh ta bị phán xét là đồi truỵ.
- Đồi truỵ? Tôi không biết chuyện đó - người đàn ông mang ủng Wellington vừa nói vừa với tay tới hũ đồ chua.
- Tôi có ý nói, tôi không đọc tiểu thuyết và thơ và những thứ tào lao đó. Nhưng tôi biết tôi không thích những kẻ bỏ chạy tới phương Tây khi ở đây đang diễn ra gian khổ.
- Lork không bỏ chạy - cha Prisbek nói một cách nóng nảy - Ông ấy bị trục xuất.
- Được, bất kể là gì đi nữa - người mang ủng Wellington nói - Lúc này ông ta là thứ gì nếu không là con chó nuôi trong phòng khách của phương Tây? Tôi có ý nói những nghệ sĩ lưu vong ngồi lòng vòng ở Paris hoặc ở New York đang đề cập tới sự đau khổ của họ trong khi phần còn lại của chúng ta... - Anh ta ngưng lại giữa câu nói - Nhưng làm sao mà chúng ta lại sa vào đề tài này vậy? - anh ta hỏi, một cách giận dữ.
Viên thiếu tá An ninh nội chính đang ngồi im lặng bỗng nói thấp giọng:
- Chính Đức Hồng y đã nêu ra. Ông có học trường Dòng Tên, phải không, thưa Đức cha?
- Vâng, - ông nói - Và thủ tướng của các ông cũng vậy.
- Vậy sao? - viên đại tá ngạc nhiên. Lúc ấy người nữ tu từ nhà bếp lẩn khuất đâu đó ra trở lại.
- Ai muốn trứng luộc? - bà hỏi - Tôi luộc trứng cho Đức cha, nhưng nếu trong quí vị có ai muốn….
Viên đại tá lắc đầu và lau miệng bằng giấy ăn:
- Hai giờ năm mươi rồi, ông ta nói với người mang ủng Wellington. Cả hai lập tức đứng dậy.
- Cha có thể đưa Đức cha đi dạo thêm lần nữa nếu ông ấy muốn - viên đại tá nói với cha Prisbek. Rồi ông ta, viên thiếu tá và người mang ủng Wellington đi ra.
- Có ai còn ngồi đây muốn trứng nữa không? - người nữ tu hỏi.
Một trong mấy người gác vũ trang đưa tay lên.