TIỂU ĐĂNG KHOA

Diên Thành hầu phu nhân bệ vệ trên sập gụ khảm ốc lóng lánh. Bộ xiêm áo bằng đại vóc màu hoàng thổ của bà ganh đua cùng vòng vàng xuyến ngọc nổi bật trên tấm gối dựa bọc da cáo đen. Từ người phu nhân toả ra mùi hương sực nức.
Mùi hương này được chưng cất bởi mồ hôi, có khi cả máu của những gia nhân xấu số chẳng may bỏ mạng trên con đường thiên lý đi tìm lọai trầm đắt giá nhất tại bắc phương để ủ cho nhà Diên Thành hầu.
Cứ mỗi năm một lần, những phó quan gia cha truyền con nối của nhà hầu lại phải dẫn một tốp mười ba gia nhân cưỡi ngựa mang bạc thoi vàng nén đi qua xứ Lạng, vượt đường dài sang nước Đại Tống, tới tận Tô Châu lùng mua các loại trầm quí nhất cho phu nhân. Những lò hương được đặt trong mấy gian phòng lớn treo đầy quần áo và cái mùi trầm sang trọng đó cứ toả quanh năm để ướp hương cho quần áo xiêm y của toàn gia Diên Thành hầu.
Cất giọng sang sảng quyền quí, phu nhân nói với viên thư lại đang ngồi trên chiếc đôn thấp với cuốn sổ và chiếc bút lông đẫm mực khư khư trên tay:
- Này Trần Mục… Nhà ngươi vừa nói đến bảng kê biên quà mừng cưới của tri châu Lạng Giang phải không?
Trần Mục khúm núm:
- Dạ bẩm phu nhân… Bảng của tri châu Lạng Giang con đã đọc xong. Hai đôi tay gấu này loại lớn nhất đấy ạ… Lại còn chiếc sừng tê cỡ đại… Con đồ rằng trong ngự y cũng chưa chắc có được…
Phu nhân mỉm cười mãn nguyện. Bà khẽ hất hàm. Trần Mục cúi đầu hắng giọng đọc tiếp:
- Hạ quan, tri phủ Bình Giang là Lê Trường Tích lòng thành cúi đầu dâng lời cầu chúc lễ Tiểu đăng khoa của đại công tử. Tài hèn sức mọn, hạ quan xin có chút lễ sơ sài dâng lên bề trên, những mong được ân trên lượng thứ. Gồm: Trâu năm xoáy. Lợn năm móng. Trầu vàng cau tía ba mâm. Ngự tửu hạ thổ…
Phu nhân thoáng cau mày:
- Chọn ngang lễ nạp thái của Hoàng tử! Tri phủ Bình Giang rõ khéo… Ta biết, từ đời cha hắn đã giỏi việc đoán ý chiều lòng bề trên. Nhưng năm nay phủ Bình Giang mất mùa đói kém lắm hay sao mà quan phụ mẫu chỉ soạn một lễ bạc thế này…?
Trần Mục lét mắt nhìn phu nhân, thưa:
- Dạ bẩm… bảng kê còn dài ạ… Dê béo hai mươi con. Cá chép hai trăm con. Tôm hùm hai trăm đôi. Gạo tám hương hai mươi gánh. Gạo cẩm hai mươi hộc. Gà cẩm kê sống hai đôi. Ngoài ra, bẩm phu nhân. Gấm tía mười hai cây. Lụa điều hai mươi tấm. Vàng thoi năm nén. Ngọc bích ba đôi…
Trên gương mặt của Diên Thành hầu phu nhân giãn nở một nụ cười. Phu nhân khẽ gật đầu. Biết ý, Trần Mục vội nhoai người khom lưng đặt cuốn sổ vào tay phu nhân. Phu nhân liếc vài dòng, rồi chợt cau mày:
- Ta chưa thấy danh tính của tri phủ châu Hoan, châu Ái… Lũ này chết cả rồi sao?
Trần Mục cúi đầu:
- Dạ bẩm… Châu Hoan, châu Ái đường về kinh xa xôi hiểm trở. Dân tình ngang ngạnh… Tri phủ hai châu cũng có lễ vật dâng về. Nhưng tin cấp báo ra chiều qua, nửa đường bị kẻ đói chặn cướp mất một xe vàng lụa, giết ba lính áp tải. Chắc lúc này lũ tri phủ hai châu đang thu thập thêm cho đủ lễ vật dâng về kinh…
Phu nhân thở dồn dập:
- Liệu có tin được lời lẽ của bọn quan bất trí dân bất nghĩa này chăng? Ta tưởng từ khi phu quân ta tâu lên Hoàng thượng cho biếm chức tri phủ của Đinh Xương, cất nhắc Bùi Vĩnh lên thay ở châu Hoan thì đám hào lại ở đây thấm lễ nghĩa hơn…
Bà trừng mắt nhìn Trần Mục:
- Chỉ tại ngươi chậm chạp như một con rùa già. Ta đã nhắc cách đây một tháng, rằng phải xuống trát đàn hặc lũ tri phủ tri châu về tội lười biếng, không để ý gì đến dân trong hạt. Nếu không mau sửa đổi, sẽ bị biếm chức. Lũ đó dù ngu muội, song ngầm ý của những cái trát đó thì mau hiểu lắm!
Trần Mục khúm núm:
- Dạ, bẩm, con đã gửi cách đây cỡ vài chục ngày. Nhưng xin phu nhân bớt giận, đường sá xa xôi, dân tình đói kém, không phải vị tri phủ tri châu nào cũng thu xếp ngay được…
Có tiếng cô hầu gái nhẹ nhàng bước vào:
- Dạ bẩm phu nhân… Có Thái sư phu nhân Lê Văn Thịnh cùng gia nhân đặt kiệu trước phủ để vào mừng lễ Tiểu đăng khoa của đại công tử ạ.
Diên thành hầu phu nhân đưa tay sửa lại món tóc đã điểm bạc rủ xuống trước trán. Phu nhân chưa cần truyền lệnh thì Trần Mục đã biết ý, vội ôm sổ nhanh nhẹn lui bước vào nhà trong.
Diên Thành hầu phu nhân vừa kịp vuốt lại nếp áo quần thì đã thấy một vị mệnh phụ vóc người cao lớn, bước đi nhanh nhẹn mà đài các đang tiến vào nhà. Theo sau là năm gia nô mặc đồng phục, lễ mễ tráp đỏ trên tay.
Gương mặt mệnh phụ tròn vạnh như trăng đêm rằm. Một đường ngôi thẳng tắp chia món tóc trước trán làm hai nửa vẫn giữ màu đen mướt khiến càng tăng vẻ đoan trang, nghiêm nghị. Là vợ một vị Thái sư nhất phẩm, quyền cao chức trọng, lại nhiều tham vọng mà Thái sư phu nhân trang phục thật giản dị. Bộ xiêm áo bằng lụa vân hoa màu xanh nhạt với đường cắt may tinh tế, phần trên ôm vừa khít đủ tôn chiếc cổ cao và bộ ngực thanh nhã, chảy xuôi như một dòng suối chưa tới eo lưng đã dừng lại toả rộng, tha thướt đủ cho thấy sự bộn bề hào hoa của chủ nhân. Tay không vòng xuyến. Đồ trang sức duy nhất trên người bà là một viên ngọc trai màu hồng to bằng quả trứng chim đung đưa trên giải dây lưng lụa bạch, dìu dịu toả sáng ngờm ngợp như có linh hồn. Nghe nói đó là viên ngọc trai quốc bảo của vua Chế Củ nước Chiêm Thành ven biển đông. Những đêm trăng sáng, vua Chế Củ thường mang viên ngọc trai này ra cho uống ánh trăng. Chừng một trống canh, khi trăng viên mãn, viên ngọc bỗng chói sáng, sắc cầu vồng lung linh rực rỡ. Áp viên ngọc trai đã uống ánh trăng đó lên tai thì nghe cả tiếng gió biển âm u, sóng biển rì rào, các thuỷ thần thì thầm trò chuyện với nhau từ đáy đại dương sâu thẳm vọng tới. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1069) Thánh Tông hoàng đế thân chinh đi đánh Chiêm Thành , có Lý Thường Kiệt làm tiên phong, bắt được Chế Củ giải về kinh, thu phục ba châu Đại Lý (Nay là đất Lệ Thủy, Quảng Bình), Ma Linh (Nay là đất huyện Bến Hải, Quảng Trị), Bố Chính (Nay là đất các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa của Quảng Bình). Không hiểu sao viên ngọc trai truyền kỳ đó lại đong đưa bên giải dây lưng của phu nhân quan Thái sư Lê Văn Thịnh.
Thái sư phu nhân cúi đầu thi lễ:
- Khắp kinh thành đang dậy lời đồn đại, tán dương sự hào hoa của đại công tử con quan Diên Thành hầu. Kẻ nghèo hèn này hôm nay may mắn được đích mục sở thị, mới thấy rằng lời ấy chẳng phải ngoa truyền!
Diên Thành hầu phu nhân thoáng nhìn vẻ đoan trang của Thái sư phu nhân, liếc xuống bộ xiêm y rực rỡ mình đang mặc, trong lòng dấy lên chút ghen tị vì biết mình dù có phô ra muôn sự phú quý thì vẫn không địch nổi cái vẻ đĩnh đạc sang cả trong người đàn bà vợ vị trạng nguyên nhất bảng của khoa thi đầu tiên của triều đình mở năm Ất Mão. Nghe nói, Thái sư phu nhân thường dậy vào đầu giờ dần để giúp chồng xem xét, soạn thảo giấy tờ biểu tấu trước khi dâng lên vua.
- Không dám không dám… Thiên hạ quá lời…
Diên Thành hầu phu nhân đáp lại, không giấu nổi nét cười nhẹ mãn nguyện:
- Một người thông tuệ như phu nhân thì còn gì lạ lời đồn thổi từ nhà quyền quý đến đám tiện dân ở chốn kẻ chợ này…
- Có sao… Có sao… Đại công tử nhà ta nức tiếng là con người hào hoa. Tiểu thư nhà nào may mắn lọt vào mắt xanh của đại công tử, đặt chân trước từ đường nhà này thật là đại phúc…
Diên Thành hầu phu nhân miệng vẫn còn giữ nụ cười mà trong lòng xót như chà muối. Phu nhân đã mất biết bao nhiêu công sức để ngăn trở cái lễ Tiểu đăng khoa oan nghiệt này. Nhưng đứa con trai ngang ngược đã bất chấp tất cả. Giờ đây, chính tai phu nhân đang lại phải nghe những lời lẽ mà bên trong chiếc vỏ bọc ngọt ngào đó đang rình rập vô số mũi dao.
Chừng như thấy lời lẽ ý tứ của mình như vậy cũng đã đủ, với nụ cười nửa miệng cao ngạo, duyên dáng, Thái sư phu nhân khẽ đưa mắt sang bên phải, nơi đám gia nhân của bà, trái hẳn với phong cách ăn mặc trang nhã của chủ nhân, ăn mặc phục sức rực rỡ cầu kỳ, để chứng tỏ gia chủ là một người hào phóng. Đám này đang nhất loạt cúi đầu chờ lệnh. Sau cái đưa mắt của bà, ba gia nhân đỡ một chiếc tráp sơn son thiếp vàng phủ lụa điều răm rắp bước lên phía trước.
- Phu quân tôi có chút lễ mọn mừng ngày vui của đại công tử…
Thái sư phu nhân khẽ nghiêng người, tự tay nhấc vuông lụa điều.
- Xin mạo muội mừng lễ Tiểu đăng khoa của đại công tử. Những mong phù hợp với sở thích của phu nhân.
Vuông lụa rơi xuống nằm sõng sượt trên mặt đất, một ánh sáng chói loà đập vào mắt. Diên Thành hầu phu nhân không kìm được tiếng reo kinh ngạc. Một con trâu đúc bằng vàng khối hiện ra. Dáng đồ sộ của khối vàng và những nét chạm trỗ cực kỳ tinh xảo khiến người đã quen mắt với những kỳ trân dị bảo chốn cung đình như Diên Thành hầu phu nhân cũng phải loá mắt.
- Còn đây là quà mừng cô dâu. Mừng cô dâu bay bổng thanh cao…!
Lời nói chưa dứt, sau một tiếng "tách" nhỏ, đáy tráp bỗng bật mở, phô thêm một bảo vật nữa, những người chứng kiến càng kinh ngạc bội phần.
Trước mặt Diên Thành hầu phu nhân là một con rồng kết thành bởi những hạt ngọc màu hồ thuỷ hắt sáng. Viên hồng ngọc được gắn làm mắt rồng hơi lẹm ở phía dưới khiến trông như con rồng đang nhỏ lệ. Đôi lễ vật trâu vàng rồng ngọc đặt cạnh nhau, mới nhìn chỉ thấy thật cân xứng. Trông kỹ hơn một chút, mới nhận ra rằng rồng thì thanh cao uốn khúc hướng lên chín tầng trời, mà trâu thì chỉ vục mặt xuống đám cỏ ở dưới đất, người tinh ý sẽ cười thầm vì sự cọc cạch khôn tả. Diên Thành hầu phu nhân không biết được rành rẽ điều ấy, bà thầm nhầm tính giá trị trâu vàng rồng ngọc, nở từng khúc ruột, quên cả việc người ngồi trước mặt bà đây đã thóc mách đến tận ngọn nguồn về nội tình nhà mình.
Thái sư phu nhân dim mắt liếc nhìn khuôn mặt ửng đỏ của người ngồi trước mắt trước cặp lễ vật mình mang tới. Một sự thoả mãn dâng tràn trong bà. Vốn là con gái một ông đồ nho nổi tiếng vùng hiếu học đất Kinh Bắc, gá nghĩa với chàng học trò Lê Văn Thịnh từ thuở còn hàn vi đêm nấu cháo ngày đồ xôi để chồng dùi mài kinh sử, từ con đường khoa bảng mà làm nên công danh, Thái sư phu nhân vốn coi thường đám thê thiếp trong triều. Bọn họ chỉ biết ỷ vào thế của chồng hoặc ỷ vào dòng họ hoàng tộc mà lên mặt kênh kiệu hơn người, tham lam thu vén cho đầy đụn đầy kho. Cứ như nhà Diên Thành hầu đây vốn nức tiếng giàu sang phú quí, nhưng xem ra đầu óc hạn hẹp, tầm nhìn cũng không hơn là bao so với đám trọc phú chốn quê mùa. Chắc hẳn Hầu phu nhân lần này thừa dịp đám cưới cậu quý tử mà ra sức bóp nặn lũ quan nha dưới quyền.
May sao tiếng đàn sáo nhã nhạc từ bên ngoài vọng vào mỗi lúc một lớn, cắt đứt câu chuyện đã đến lúc khó nói của hai vị phu nhân vốn bằng mặt chẳng bằng lòng mà ở kinh thành này ai cũng biết. Diên Thành hầu phu nhân làm ra vẻ vội vã nhỏm dậy:
- Ấy chết… Đám rước dâu đã về nhà… Xem chừng sớm nửa khắc đấy… Mời Thái sư phu nhân tiện có mặt dự mừng, ban phúc cho đôi trẻ.
- Xin đa tạ… Phu nhân cho tôi được kiếu. Đến gặp được phu nhân như thế này là rạng mặt cho chúng tôi lắm rồi… Còn việc lễ trọng của đại công tử, chúng tôi đâu dám…
Đám gia nhân nhất loạt rạp mình chào Diên Thành hầu phu nhân rồi quì xuống, đỡ Thái sư phu nhân lên kiệu.
Dẫu vậy, trên quãng hoa viên mênh mông dẫn lối ra khỏi dinh thự nguy nga của Diên Thành hầu, Thái sư phu nhân cũng kịp liếc mắt điểm mặt đám kiệu rước dâu dài dằng dặc vừa về đến cổng đang dừng lại để bà già dẫn đường vung những nắm tiền đồng ban phát cho lũ người hiếu kỳ bạo dạn đang đứng chờ xem mặt cô dâu trước dinh thự.
Kiệu vừa dừng trước nghi môn, công tử Lý Câu hớn hở vén rèm. Những người đứng chung quanh sững sờ kinh ngạc vì vẻ đẹp thuần khiết của cô dâu. Gương mặt trắng xanh của Nhuệ Anh tiểu thư như một đoá hoa hàm tiếu dưới chiếc mũ phượng, vươn cao trên cổ áo bát ty màu đỏ thêu hình mặt trời và những con chim phượng đang nhẩy múa. Thân áo bát ty rủ dài êm ả xuống chiếc xiêm cũng bằng đoạn bát ty màu bạch tuyết, phía dưới gấu có đường viền xanh như cỏ chuốt. Dưới những lượn sóng rờn của lụa là gấm vóc, đầu mũi đôi hài nhỏ chập chờn hé lộ. Bên kiệu có sau thị nữ mặc áo mã tiên. Hai người cầm đèn lồng chạm rồng. Hai người cầm cành thiên tuế. Hai người bưng tráp trầu và hộp hương bằng ngọc…
Khoảng cách giữa kiệu của Thái sư phu nhân và kiệu hoa của cô dâu tuy không gần nhưng cũng đủ để cho đôi mắt tinh tường của phu nhân kịp nhận rõ vẻ nhìn xuống vẻ ngoan ngoãn và cam chịu của cô dâu. Vốn đã hỏi han rất kỹ về mối tình của Nhuệ Anh với Từ Lộ, con trai quan Tăng đô án vừa bị sát hại, vụ nghi án vẫn còn đang gây bao lời đồn đại khắp chốn kinh thành, trong lòng Thái sư phu nhân không khỏi chợt dấy lên một chút khinh bỉ về sự bạc bẽo của người con gái đang ngồi trên kiệu hoa kia. Và một người mới nhập cuộc nhưng đã rất thông thạo những nghi thức lễ nghĩa chốn cung đình, Thái sư phu nhân hiểu ngay rằng cậu quí tử nhà này đã ngông nghênh dám dùng y phục nghi trượng trong đám cưới công chúa để làm sang đám cưới y. Thái sư phu nhân nhếch nụ cười nửa miệng. Nhất định bà không bỏ qua sự ngạo mạn này. Phu nhân tự dặn mình rồi cho xe ngựa chạy thẳng về dinh ở hướng Nam kinh thành.
Lúc đó, dưới tấm nghi môn "Diên Thành hầu phủ", từ noãn các vào tới chính đường, các cánh cửa đều mở toang, phô ra những đôi câu đối sơn son thếp vàng chói lọi. Trước chính đường treo cao bức đại hoành phi bốn chữ khảm vàng: "Diên Thành hầu tôn từ". Dưới hoành phi là bài vị của Thái tổ hoàng đế. Hai bên tả hữu bàn thờ đặt hai chiếc đôn cẩm thạch, trên có trải nệm lông hắc thử dể hút hơi ấm xua tan cái rét tháng ba. Khoảng giữa hai đôn là một bồn lớn đựng những viên than cháy đỏ toả hơi ấm sực. Diên Thành hầu và phu nhân uy nghi trên đôn. Lại mười tám chiếc kỷ trạm rồng phượng đặt thành hai hàng đối diện nhau. Bên mỗi kỷ là một lò sưởi nhỏ bằng đồng. Ngồi chĩnh chiện trên mười tám kỷ là các bậc huynh trưởng trong hoàng tộc. Cảnh tượng uy nghi là vậy. Nhưng từ Diên Thành hầu đến các bậc huynh trưởng trong họ đều không giấu được cái vẻ gượng gạo trên mặt.
Hai thị nhữ nhẹ đỡ Nhuệ Anh tiểu thư xuống kiệu. Công tử Lý Câu sóng đôi cùng Nhuệ Anh bước đến vái chào song thân, hoàng tộc và bàn thờ gia tiên. Nhuệ Anh nhìn những gương mặt lạnh lùng dàn ra trước mặt nàng. Những ánh mắt như xuyên thấu người nàng, thầm định giá nàng như một đồ vật giữa những đồ tế tụng nghi trượng chói sáng. Nàng đã phải quỳ xuống vái lạy không kể xiết bao nhiêu lần. Thân thể mảnh mai của nàng mỗi lần cúi xuống lại lẩy bẩy muốn ngã nếu không có hai thị nữ luôn dìu dỡ hai bên.
Riêng Lý Câu thì chẳng còn bụng dạ nào để vào những thứ nghi lễ phiền toán và dai dẳng hành hạ hắn lúc này. Chú rể nhổm lên cúi xuống vái lạy như một cái máy. Và mỗi lần ngẩng lên cúi xuống, cặp mắt lại không thể rời được khoảng gáy trần của Nhuệ Anh kề ngay bên vai hắn. Trắng ngần và thon nhỏ như một đài hoa huệ và được khoá lại bởi chiếc kiềng vàng nặng chĩu do chính tay Lý Câu tròng vào, bấm khoá trong lễ tơ hồng ở sân nhà gái. Mỗi lần như thế trong lòng Lý Câu lại cháy rực một nỗi thèm khát điên cuồng được ôm vào trong vòng tay cái thân thể này, ngấu nghiến hôn lên cái gáy mảnh mai trắng ngần này… cho thoả tất cả những nỗi thèm khát nung nấu trong hắn, mỗi ngày mỗi thiêu đốt, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy Nhuệ Anh trong buổi dâng hương ở sân chùa Từ Đàm. Đôi lúc cái ý nghĩ tàn bạo điên cuồng được ghé miệng cắn nát cái gáy kiêu hãnh đó, vò nát giày xéo lên cái thân thể đồng trinh đó… để trả thù lại bao nỗi uất ức, tủi nhục mà sự cao ngạo của nàng đã gây ra cho một người như hắn, đường đường là một vị đại công tử, tập ấm chức hầu danh giá nhất triều đình.
Từ Lộ đã bỏ đi biệt tăm tích. Nhưng Lý Câu cảm thấy cái bóng của tình địch vẫn thấp thoáng đâu đây, lẩn khuất sau những gương mặt, những đèn nến nghi trượng, những mâm cao cỗ đầy trong tiệc cưới này. Và chỉ cần thoáng thấy bóng Từ Lộ, cái thân thể đồng trinh bên hắn đây, cái gáy trắng ngần thon thả như một đài huệ này sẽ tan nhoà, sẽ biến mất như một ảo ảnh… Ý nghĩ đó nhói lên làm Lý Câu như nghẹt thở. Lý Câu nghiến răng, cố nhìn kỹ mặt Nhuệ Anh. Nét mặt buồn, nhưng cam chịu, ngoan ngoãn thành kính vái lạy cha mẹ và các bậc huynh trưởng. Lý Câu thấy yên lòng. Nhưng đôi môi hắn mím chặt. Con chim nhỏ ngang ngạnh bướng bỉnh đã trở nên biết điều an phận trong lồng son rồi. Nhưng hãy chờ đấy, cái lồng son này cũng sẽ có lúc trở thành chốn địa ngục…
Cuối cùng thì những quy định phiền phức những lễ nghi dai dẳng trong đám cưới công tử của một đại gia đại phú cũng đã xong. Tiếng đàn sáo lại réo rắt vang lên. Từng dẫy đèn lồng thắp lên trong nhà, ngoài vườn. Cô dầu đã được dẫn vào phòng tân hôn chuẩn bị làm lễ hợp cẩn.
Nhưng công tử Lý Câu lúc này lại vẫn ra vẻ không hay biết. Công tử vẫn lượn lờ ngửa cổ nốc từng chung rượu lớn, cười đùa bỡn cợt với đám bằng hữu đang ngồi ngả nghiêng trên chiếu rượu đã gần tàn hoặc chen vai thích cánh trong những chiếu bạc vừa mới mở ra la liệt ngoài sảnh.
Ban sáng, lúc chuẩn bị rước dâu, bà mai đã dặn đi dặn lại Lý Câu về lễ hợp cẩn. Chú rể sẽ phải lấy miếng trầu trăm trong tế tơ hồng để dành trao cho cô dâu một nửa. Rồi rót một chén rượu, hai người cùng uống cạn. Rồi vợ trải chiếu lạy chồng hai lạy. Chồng đáp lại vợ một vái… Lý Câu nhăn mặt cố nhịn, nghe hết những lời ê a thốt ra từ cái miệng móm mém lúng búng đỏ nước cốt trầu của bà mai đã ngoài bảy mươi tuổi.
A ha! Lễ hợp cẩn… Có thế mới nên vợ nên chồng… Công tử Câu muốn phá lên cười. Bây giờ miếng trầu trăm vẫn nằm gọn trong túi áo gấm đây. Đáng lẽ miếng trầu này phải đặt lên chiếc đĩa có hình song phượng trên bàn trong phòng đôi tân hôn. Nhưng Lý Câu muốn làm ngược lại. Lúc lễ tơ hồng trên sân nhà gái, đáng lẽ miếng trầu trăm phải được nâng niu nhấc lên, khe khẽ bọc lại bằng một vuông lụa đào. Nhưng Lý Câu lại đưa tay nhón lấy bỏ vào túi, làm nát cả đôi cánh xanh xinh xinh của miếng trầu. Lý Câu muốn Nhuệ Anh và mọi người biết rằng, trên đời này đại công tử Lý Câu muốn làm gì thì làm, chẳng phải nghe ai, chẳng cần tuân theo luật lệ.
"Ta sẽ móc túi lấy miếng trầu trăm ra, và hỏi nàng có nhớ lễ Vu Lan ở Từ Đàm năm ngoái. Nàng đã từ chối mời ta một miếng trầu. Lại kiêu căng ra sao trước mặt Hầu công tử này. Bây giờ miếng trầu đó đây. Ta không mời ta mà ta cũng chẳng mời nàng. Miếng trầu này cũng như thân phận kiêu sa của nàng đó, từ nay sẽ thuộc về ta, hoàn toàn thuộc về ta. Miếng trầu trăm ta không ăn mà sẽ xéo nát dưới chân như nàng đã làm đối với ta trong lễ Vu Lan ngày đó…". Những ý nghĩ cứ loé lên, lúc nguội tắt trong đầu Lý Câu.
Chuếnh choáng hơi men, Lý Câu không còn nghĩ gì đến thể diện, sán đến phường con hát đàn địch mua vui cho đám quan lại quý tộc cự phú, lả lơi cười nói, bẹo má, bế cả lên đùi ngồi bỡn cợt. Đám con hát cười như nắc nẻ, rồi chợt bụm miệng sợ hãi vì sực nhớ đang ở giữa lễ Tiểu đăng khoa của công tử. Mãi đến lúc mấy tên gia nhân đầu chít khăn điều hớt hải tìm, nói phu nhân truyền cho đại công tử vào ngay để làm lễ hợp cẩn kẻo lỡ giờ tý tốt lành, Lý Câu mới làm vẻ như buộc phải tuân lời. Và lúc đó, dù chuếnh choáng hơi men, đại công tử họ Lý cũng chợt hiểu ra rằng, không phải Nhuệ Anh mà chính hắn, chính hắn, sau bao nhiêu công sức, cơ mưu để đi tới được ngày hôm nay, thì đến lúc này tất cả sự thèm khát cùng dục tình hàng ngày vẫn ngùn ngụt bốc lên hành hạ tâm can hắn giờ đây lại như cơn thuỷ triều vào độ trăng khuyết. Nước rút đi để lại bờ bãi hoang vắng xác xơ. Hắn chần chừ vì ngại ngùng, sợ hãi phải giáp mặt với nàng.
Lý Câu chệnh choạng theo hai thị nữ cầm đôi nến hồng dẫn đến trước cửa phòng tân hôn. Trong hơi rượu mù mờ đầu óc, hắn bậm môi đoán thầm xem lúc này Nhuệ Anh đang làm gì. Hoặc sẽ là một gương mặt, một cặp mắt phẫn uất căm thù. Hoặc sẽ là một thái độ lạnh lùng nhẫn nhục cam chịu. Cả hai hắn đều không muốn. Như mọi người đàn ông bình thường khác lúc này, cùng với những bước chân gần đến hai cánh cửa ngăn cách kia, trong ngực hắn bỗng nhói lên nỗi niềm khao khát mong đợi được mềm yếu được vuốt ve chiều chuộng yêu thương.
Hai thị nữ dừng lại trước cửa phòng. Cả hai ngước mắt nhìn lên đại công tử, và mỉm cười. Nụ cười cầu tài lấy lòng khiến Lý Câu như chợt tỉnh. Hắn móc túi lấy chút bạc vụn thưởng rồi giật phắt lấy cây nến, gạt hai đứa sang một bên, kiên quyết đẩy mạnh cánh cửa bước vào phòng tân hôn.
Căn phòng trống hoang, lặng ngắt như tờ.
Lý Câu giơ cao cây nến trong tay, đứng ngẩn, hơi men thoắt tan biến.
Mọi thứ vẫn còn nguyên đó. Chiếc giường cao chạm trổ cầu kỳ rèm che chăn rồng gối phượng. Chiếc kỷ nhỏ chân quỳ có đặt bình rượu cẩm và chiếc chén "quân độc ẩm" úp bên. Chiếc chiếu cạp điều cuộn tròn để đợi bàn tay cô dâu trải ra đón lễ hợp cẩn. Phía góc nhà, chân đèn dầu lạc bập bùng ngọn lửa. Lý Câu đã nhìn thấy trên tấm nệm hồng trải giường, chiếc áo lụa bát ty khoác ngoài thêu mặt trời và chim phượng mà Nhuệ Anh vừa mặc.
Những giọt nến hồng nhỏ xuống bàn tay rát bỏng. Nhưng Lý Câu không hay biết. Hắn cứ đứng thế trân trân. Rồi hắn cúi nhặt lên những ngọn trâm cài đầu, những chiếc vòng vàng nhẫn ngọc, đôi hoa tai… Tất cả đồ sính lễ mà hắn đã mang tới cho Nhuệ Anh. Tất cả đều được bỏ lại cùng chiếc kiềng vàng chạm hình rồng đeo cổ. Móc khoá của chiếc kiềng vàng đã bị bàn tay, không phải bàn tay, mà là những vết răng cắn còn vương máu, bẻ gẫy. Gió lạnh lùa vào tung phần phật đôi rèm cửa sổ lụa hồng khiến Lý Câu ngẩng nhìn, bước nhanh tới. Trước mặt hắn là khoảng tối đen của khuôn viên sau lầu cao. Xa hơn nữa là hàng rặng cây mai cây ổi đen sẫm dăng mành hai bên bờ sông Tô. Lý Câu đã nhìn thấy một dải lụa trắng xé từ những lá màn cửa, rèm giường nối nhau xoắn lại thành sợi dai chắc buộc vào song cửa sổ, dòng từ thành cửa gỗ xuống khoảng đen sâu thẳm khuôn viên.
… Nàng đi rồi…! Thế là xong… Thế là hết…! Hết tất cả…!
Những tiếng chói óc vang lên từ trong sâu thẳm tâm trí Lý Câu. Hắn thẫn thờ bước lại bên chiếc kỷ chân quì. Hắn run run đặt cây nến hồng lên mặt kỷ. Ngồi xuống. Bây giờ hắn mới nhận ra những giọt nến nóng chảy đọng lại còn đang bốc khói trên mu bàn tay. Hắn cứ để nguyên thế, gật gù ngắm những giọt nến bỏng như ngắm nghía thưởng thức một vật gì lạ lẫm, tình cờ có được, tình cờ sa vào mu bàn tay hắn.
Bên ngoài, một hồi trống thì thùng dội lên báo hiệu giờ tý đã điểm. Giờ khắc bắt đầu lễ hợp cẩn thiêng liêng của đôi vợ trồng trẻ. Đám con hát cũng tạm dừng để các đào kép, nhạc công cùng hợp sức tấu lên bài ca cầu phúc cho cặp tình nhân được bách niên giai lão, giàu sang phú quý, con cháu đầy đàn. Lại thêm những ngọn đèn lồng, những cây bạch lạp được nối nhau đốt lên khiến trong lầu, ngoài hoa viên càng thêm tưng bừng rực rỡ.
Trong phòng, Lý Câu vẫn lầm lì ngồi bên kỷ. Chiếc chiếu cạp điều đã được trải rộng ở bên. Chén rượu độc ẩm rót ra cạn lại đầy. Lý Câu ngửa cổ dốc vào miệng hết chén này đến chén khác. Thứ rượu cẩm ủ bằng hai mươi hai vị thuốc quý hạ thổ lâu năm thơm ngon có tiếng mới được kén dùng cho lễ hợp cẩn của con trai đệ nhất phẩm Diên Thành hầu mà sao lúc này mỗi chén đắng chát bóp chét lấy miệng, bóp chét lấy cổ họng.
Lý Câu cứ uống. Uống mãi. Tiếng trống điểm canh, tiếng đàn sáo chúc phúc từ ngoài kia vẳng vào mỗi lúc mỗi xa xôi mơ hồ như tiếng ma tiếng quỷ, như tiếng vang vọng vẳng lên từ một đời kiếp nào khác. Bình rượu hợp cẩn đã trắng đáy. Lý Câu nhấc bình lên giơ ra trước mặt hấp háy mắt.
Hết rồi… Thế là hết rồi…! Chó má cái lễ hợp cẩn…!
Một lần nữa những tiếng nói mơ hồ lại vẳng lên trong Lý Câu. Lý Câu gục gặc đầu, mắt rời bỏ bình rỗng, hướng lên và bỗng dừng lâu ở trên tường, nơi có treo kiếm báu gia truyền của hoàng cung. Thanh kiếm đã được chính tay Đức Thái Tổ hoàng đế trao cho cha Diên Thành hầu tức ông nội Lý Câu nhân ngày triều đình dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để tưởng thưởng cho những quần thần đã có công lao trong việc dời đô, định đô. Dòng họ Lý kiêu hãnh với thanh kiếm báu. Hôm trần thiết phòng tân lang, Lý Câu nằng nặc xin cha cho treo thanh kiếm trong phòng. Mọi người gàn quải, như thế sợ làm điều bất kính. Lại nữa, đêm động phòng hoa chúc của vợ chồng trẻ chẳng nên có đao kiếm. Nhưng Lý Câu vốn dĩ ngang ngược, đã muốn là đòi bằng được. Diên Thành hầu buộc phải chiều lòng cậu con trai độc. Hầu tắc lưỡi nói với phu nhân: "Nhà mình, mình biết. Bà có nhớ năm Diên Vũ tròn tuổi tôi, làm lễ định trí, bao nhiêu vật dụng bầy quanh, thằng bé đâu có ngó ngàng tới. Nó đạp chân nhoai người, tay với lên. Một tay nhặt hộp son phấn. Một tay quờ cây kiếm báu…!".
Lý Câu xô đổ kỳ chân quì vùng đứng dậy. Lại như ngày tròn tuổi tôi năm xưa, giờ đây Lý Câu lại chồm tới thanh kiếm báu.
Roạt… Lưỡi kiếm rút khỏi vỏ, ánh lên thứ ánh sáng xanh rợn của loại thép quí trước ánh đèn và ngọn lửa nhảy nhót trên đỉnh nến hồng. Lý Câu nheo mắt, mím miệng đăm đăm nhìn lưỡi thép.
Lý Câu đang đăm chiêu ngắm lưỡi kiếm thì giật mình vì trống điểm sang canh vọng tới. Giờ sửu bắt đầu. Cái hình ảnh trâu vàng rồng ngọc kề bên nhau, quà mừng của quan Thái sư đầu triều mà Diên Thành hầu phu nhân đã nhanh tay sáng ý cho bầy lên trước bàn thờ gia tiên khi rước dâu vào dinh để khoe thanh thế giàu sang phú quí giờ đây lại ập tới trong đầu Lý Câu. Tay nắm chặt đốc kiếm, Lý Câu ngước đôi mắt vô hồn hướng ra ngoài cửa sổ. Vòm trời tháng ba xa rộng lấp lánh những vì sao chuyển mùa. Trong vùng sâu thẳm của trời đêm, Lý Câu nhắm mắt, lại thấy Nhuệ Anh. Gáy trắng như bông huệ. Xa vời. Kiêu hãnh trêu ngươi.
Lý Câu thẫn thờ đưa đầu mùi kiếm hất chiếc áo choàng lụa bát ty thêu chim phượng. Chiếc áo lụa trơn ngập ngừng trên đầu mũi kiếm một giây, rồi lại lặng lẽ xoãi ra rơi xuống chiếu.
Bất chợt cơn giận dữ ập đến. Một sức mạnh điên cuồng thoắt nhập vào khiến toàn thân Lý Câu tê cứng.
Hừ… mày… à…!
Lý Câu gầm trong họng. Lưỡi kiến dữ dội vung lên. Roạt…! Tấm áo choàng bát ty bị chém đứt phăng thành hai mảnh, một mảnh phật phờ rơi trở lại chiếu, một mảnh văng ra cuốn vào chân ngọn đèn dầu lạc ở góc phòng. Lý Câu rít lên vọt đuổi theo mảnh lụa. Xoảng… Cây đèn bị chém ngang thân, dầu văng tung toé. Những giọt dầu bắn ra loang dần, kéo theo những vệt lửa ngoằn ngoèo như những vệt lân tinh bò lan trên tường, trên nền thảm trải phòng, trên giường hoa nệm gấm cho dâu chú rể còn nguyên nếp và thơm quyện mùi trầm quý.
Lý Câu như người điên. Hắn chống kiếm nhẩy dựng lên, giẫm đạp lên những vòng vàng, xuyến bạc, hoa tai, kiềng, nhẫn. Roạt… roạt…! Lại tấm màn cửa lụa hồng bị chém đứt. Roạt…roạt…! Tấm khăn trải giường bị hất cao, tung lên những lưỡi lửa bay quẩn quanh khắp phòng theo những đường kiếm lượn. Đến lúc Lý Câu mệt nhoài vì chém giết, chống kiếm đứng thở hồng hộc như con thú dữ bị dồn đến cùng đường và những lưỡi lửa hung dữ ăn loang lem lém liếm rộng khắp căn phòng tân hôn ngổn ngang tàn phá thì bên ngoài vẫn không một ai hay biết. Hai thị nữ vẫn chồn chân mỏi gối ngoan ngoãn đứng hầu hai bên cửa phòng. Ngoài hoa viên Hầu gia, đám hát vừa giã. Phu kiệu í ới gọi nhau sắp đòn khiêng đưa những vị khách muộn mằn rời dinh.
Đám cháy dữ dội dã thiêu huỷ toàn bộ dinh cơ lầu gác bên bờ sông Tô Lịch và đám cưới không thành của đại công tử con quan Diên Thành hầu đêm đó đã là câu chuyện bàn tán cửa miệng của người kinh thành Thăng Long suốt bao năm sau.