Chúng ta đã bàn đến nhiều chủ đề khác nhau, một số người tập trung chú ý đã có thể rút ra vấn đề, Việt Nam cần phải làm gì lúc này. Tuy nhiên vẫn không ít bạn băn khoăn vậy tóm lại con đường hoá rồng của Việt Nam là gì? Đâu là cốt lõi của vấn đề? Trong tám bài viết trên, tôi đã nói nhiều về những mặt hạn chế của Việt Nam. Nói như vậy có bi quan quá không? đàng sau những cái nhìn bi quan trên là gì? Tôi muốn thành lập một đảng riêng chăng? Xin thưa, là một Đảng viên cộng sản, tôi tự hào vì những thành tích vẻ vang của Đảng, của đất nước và bất cứ ai cũng không thể làm ngơ trước thực tiễn lịch sử đó. Nhưng, cũng như những Đảng viên có lòng tự trọng khác, tôi không thể không lo ngại trước sự trì trệ của đất nước, đặc biệt là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong Đảng. Dùng biện pháp hành chính bắt người dân phải thừa nhận sự lãnh đạo duy nhất đúng của Đảng là phản khoa học. Thêm nữa, vô tình Đảng đã nêu một tấm gương xấu về tham quyền cố vị. Tôi không muốn ly khai khỏi Đảng, nhưng nếu ai đó có nguyện vọng thành lập đảng riêng chưa hẳn đã là một tín hiệu xấu. Thế giới sẽ đánh giá cao sự độ lượng của Đảng ta, sẽ nhìn Việt Nam với con mắt thiện cảm hơn. Trong kỷ nguyên của công nghệ truyền thông, người dân Việt Nam đã văn minh lên rất nhiều. Họ đủ minh mẫn để tin tưởng vào lực lượng chính trị nào và chắc chắn rằng đại đa số dân chúng sẽ không quay lưng lại với Đảng. Trước khi đề cập đến con đường hoá rồng, xin được nói thêm một số mặt mạnh của Việt Nam mà bạn bè quốc tế phải thừa nhận. Qua hai cuộc chiến tranh, dứng trước thử thách, trước sự đe doạ của kẻ thù, người Việt đã phát huy được tối đa sức mạnh của mình. Chúng ta đã chiến thắng. Đó là một kỳ tích vĩ đại. Qua hai cuộc chiến tranh đó, quốc hiệu Việt Nam đã được đông đảo bạn bè trên thế giới biết đến. Đây là một thế mạnh mà chúng ta cần phát huy cho mục tiêu phát triển kinh tế. Việt Nam cũng là dân tộc có lòng tự trọng, có tinh thần yêu nước nồng nàn. Qua một số giải đấu thể thao ở khu vực, khi có đội tuyển Việt Nam thi đấu, hàng nghìn bạn trẻ đã mua cờ đỏ sao vàng đến sân vận động để cổ vũ. Nếu tuyển Việt Nam chiến thắng, hàng triệu người từ các thành phố, miền quê ào ra đường, mang quốc kỳ, hát vang quốc ca Việt Nam. Mới đây, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị ASEM5… đó là những thành công đáng ghi nhận. Trở lại vấn đề phát triển kinh tế hiện nay tại Việt Nam, ngoài việc dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói rõ sự thật, dám mở rộng dân chủ, cải tổ hệ hệ thống chính trị, cũng nên bàn chi tiết thêm một vài biện pháp cụ thể. Ví dụ trong lĩnh vực cải cách hành chính, trong một số bài viết trước, tôi đã trình bày quan điểm của mình theo đó phải bắt đầu bằng cải cách tiền lương. Lương bộ trưởng cao nhất cũng chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Tôi có một đứa cháu, cơ nhỡ chuyện học hành, cơ nhỡ chuyện chồng con, đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, công việc hàng ngày chủ yếu là cọ toa lét, đổ bô cho một ông già 80 tuổi. Được chủ nhà nuôi ăn, hàng tháng có thể “bỏ ống” một khoản 400 USD nhưng nó vẫn không lấy điều đó làm vẻ vang. Là một người có lòng tự trọng, không ai lại có thể thờ ơ với nỗi nhục của sự nghèo đói. Nghèo đi liền với hèn, đi liền với nhẫn nhục. Với mức lương hiện nay các vị “lãnh đạo Việt Nam là những người nghèo nhất”, nhưng hình như không có vị nào cảm nhận được nỗi nhục của sự nghèo hèn. Bộ trưởng còn vậy còn công chức quèn thì sao?. Với 6 triệu công chức, chúng ta không thể bàn đến chuyện tăng lương theo phương pháp số học, bởi không có một ngân sách nào lại có thể thoả mãn được chế độ tiền lương khổng lồ đó. Trong nền kinh tế thị trường, một số cơ quan sự nghiệp hoàn toàn có thể tự cân đối thu nhập- chi phí, hoạt động theo mô hình công ty nhưng vẫn núp bóng hành chính để sống bám vào ngân sách nhà nước. Trong số này đáng chú ý có hơn 100 trường đại học và dạy nghề; khoảng 780 bệnh viện từ cấp tỉnh, chỉ nên giữ lại một tỷ lệ nhất định để phục vụ mục đích xã hội còn lại hoàn toàn có thể tự cân đối tài chính theo mô hình doanh nghiệp. Một số Viện nghiên cứu, tổ chức đoàn thể, có thể tự cân đối bằng nguồn thu phí hội viên… Báo chí, truyền thông… đều có thể hoạt động theo mô hình công ty nhưng không có biện pháp mạnh sẽ không ai làm. Lý do đơn giản, “bầu sữa” nhà nước còn quá hấp dẫn nên không ai dại gì ra ăn riêng. Thêm nữa, khi một đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách dường như dễ được thông cảm hơn, dễ được chia sẻ hơn là doanh nghiệp. Mang danh doanh nghiệp dễ bị xoi mói hơn, dễ bị quấy rầy hơn, có thể bị “vặt” bất cứ lúc nào, nhất là khi cơ quan chức năng tìm kiếm thấy một lỗi nhỏ! Chính vì lý do đó, nhiều cơ quan sự nghiệp tạo đủ nguồn thu để trang trải chi phí, thậm chí còn có lãi nộp ngân sách nhưng việc cổ phần hoá hoặc chuyển sang mô hình công ty là điều không ai muốn. Đó là chưa nói đến lực lượng vũ trang. Sợ “chệch hướng”, đối phó với “diễn biến hoà bình”, chúng ta đã duy trì một lực lượng vũ trang với nhiều ban bệ. Sau đại chiến thế giới thứ hai, Nhật Bản là nước chịu sự giám sát của quân đồng minh, buộc phải giải trừ quân bị, chỉ để lại một lực lượng phòng vệ nhỏ bé mươi ngàn người. Thế nhưng, Nhật Bản cũng không mất nước như người ta tưởng, cũng không rối loạn, không bị chệch hướng hay bị đồng hoá như chúng ta vẫn lo ngại. Kể từ năm 1945 đến nay, đã có hơn 40 nước thuộc địa trên thế giới giành được độc lập mà không tốn một viên đạn nào. Đó là lý do để họ không phải duy trì một lực lượng vũ trang cồng kềnh. Độc tài như Saddam Husein ở Iraq, luôn luôn duy trì một đội quân đông đúc, vũ trang hiện đại nhưng cuối cùng vẫn không giữ được chế độ. Chúng ta, một nước nghèo muốn hoá rồng hoàn toàn có lý do để giảm lực lượng vũ trang đến mức tối thiểu. Hơn một trăm năm trước (1870s), khi Minh Trị Thiên Hoàng quyết định đổi mới, ông đã hủy bỏ hoàn toàn mô hình chính quyền phong kiến cũ và xây dựng một triều đại rất giống với mô thức của các triều đại châu Âu vào thời kỳ đó, kể cả cách ăn mặc. Sau đại chiến thế giới thứ hai, là nước bại trận, bản Hiến pháp của Nhật do người Mỹ viết và sinh hoạt dân chủ ở Nhật không khác gì các sinh hoạt dân chủ của phương Tây. Nhật Bản đã hồi phục từ một đám tro tàn và vươn mình lên như một phép lạ. Thành công của Nhật bản có sự đóng góp của cấu trúc chính trị của đất nước này, một cấu trúc hoàn toàn theo mô thức dân chủ phương Tây. Việt Nam đã từng nhập khẩu ồ ạt mô hình chính trị từ Đông Âu nhưng không hề mất bản sắc. Ngày nay có nhập khẩu thêm mô hình chính trị từ Nhật Bản hay một nước phương Tây nào đó là điều hoàn toàn có thể. Truyền thống và tâm thức của một dân tộc không dễ gì lẫn lộn với mô thức chính trị của đất nước. Ở Nhật, cấu trúc chính trị không hề là của họ, không mang bất cứ một dấu vết nào của những sinh hoạt Samourai rất đặc thù của người Nhật, thế nhưng, truyền thống và tâm thức vẫn là truyền thống và tâm thức của người Nhật. Ngày nay, dù có thay đổi đi nhiều, người Nhật vẫn giữ truyền thống của mình hơn bất cứ một dân tộc nào khác ở châu Á. Họ sống với truyền thống và không lạm dụng truyền thống, và nhờ dựa vào những sinh hoạt dân chủ không là truyền thống của họ mà họ đã ngăn chận được những lạm quyền mà thế giới đã chứng kiến trên đất nước họ những ngày gần đây. Với hơn ba triệu người Việt hiện đang định cư ở nước ngoài, trong số đó có hàng ngàn du học sinh từ Việt Nam đi học tập, tu nghiệp và thành danh. Cộng với một lực lương khá đông đảo những chuyên gia người Việt hiện đang công tác và nắm giữ các trọng trách tại các tổ chức, doanh nghiệp ở các nước tiên tiến. Trong những dịp về nước thăm người thân, gặp họ, qua tâm tư tình cảm, ai cũng mong muốn được vê nước cống hiến tài năng của mình, tuy nhiên vẫn còn quá nhiều những vật cản khiến họ chưa thực hiện được ý định đó. Đáng chú ý là, chuyện lương bổng thu nhập chưa phải là mối quan tâm lớn. Điều quan trọng hơn, họ đang là những người công tác ở nước ngoài, đã từng quen với cách sống trong môi trường dân chủ, lấy công việc làm thước đo. Nay về nước làm việc phải chịu rất nhiều khuôn phép ngoài chuyên môn. Nếu có lỡ lời nói điều gì đó ca ngợi nước ngoài hoặc không hài lòng với hiện tại sẽ phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị đánh giá về lập trường quan điểm. Với những lợi thế vừa kể, Việt Nam vẫn có thể trở thành một Con Rồng châu Á khác, một cách nhanh hơn. Nhưng, chỉ với điều kiện, Việt Nam phải tạo cho mình những “yếu tố bắt đầu” tương đương với những yếu tố mà trước đây những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã có được, như đã phân tích trên đây. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố dân chủ. Ðó chưa phải là điều kiện đủ, nhưng đó là điều kiện ắt phải có. Khi chuẩn bị kết thúc chuỗi bài viết này, tôi đã trao đổi với một số tổng biên tập các báo, xem qua, các ông đều cho rằng, những điều tôi viết đều đúng, lập luận xác đáng, đúng sự thật và quan trọng hơn là một thiện chí cao cả. Không ít ông cao hứng cho rằng, vấn đề mà tôi đã viết là quá hay, nói được những điều mà chưa ai từng nói, nhưng để đăng báo thì không được. Lý do đơn giản, nếu đăng tải những bài viết của tôi thì lập tức tờ báo sẽ bị rút giấy phép, đó là chưa nói đến việc tổng biên tập bị mất chức, bị tạm giữ để giải trình, mà các ông tổng biên tập đều cần phải tồn tại. Ở một đất nước mà những lời nói thật không được chấp nhận thì khó nói đến chuyện phát triển. Hơn năm mươi năm trước đây, một người gốc Việt là ông Lý Thừa Vãn đã khai sinh ra Đại Hàn dân quốc. Ông cũng là người đặt những nền móng quan trọng cho Hàn Quốc đi những bước đi vững chắc đầu tiên để rồi nhanh chóng hoá rồng trong những năm sau đó. Ngày nay, với hơn 80 triệu dân Viêt Nam, khi biết phát huy dân chủ, Việt Nam hoàn toàn đủ sức mạnh và trí tuệ để tăng tốc, sớm rời đường băng cất cánh để hoá rồng trong một tương lai không xa./. Phan Thế Hải Hà nội, 2004. VNTQ xin chân thành cảm ơn tác giả Phan Thế Hải đã gửi tặng tác phẩm nầy.