6. Những năm 1944 - 1945

Đảng cần phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá đặng gây ra một phong trào văn hoá tiên bộ, Văn hoá Cứu quốc, chống lại văn hoá phát xít thụt lùi. Ở những đô thị văn hoá như Hà Nội, Sài Gòn, Huế... phải gây ra những tổ chức Văn hoá Cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai đặng đoàn kết các nhà văn hoá và trí thức.
(Nghị quyết Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 25/2/1943)
Một hôm, Hương "đen” lên Nghĩa Đô, đến nhà tôi.
Hương bảo tôi:
- Họp ở đây được không?
- Được! Nhiều người hơn mọi khi đấy.
- Độ bao nhiêu?
- Khoảng mười người mà có thể liền một hai ngày...
- Bao giờ?
- Cứ lo sẵn đi. Rồi có người đến hẹn nữa.
Hương "đen” ngẩn ngừ hỏi lại tôi:
- Có cáng nổi không?
Tôi cũng ngẩn ngơ rồi ầm ừ, không đậm không nhạt.
- Được!
Hương "đen” dường như cũng chẳng để ý vẻ ngần ngại thế nào của tôi, lại móc trong lưng ra một khẩu súng Brôning nhỏ, đen bóng như con quay sừng. Bao giờ thấy súng tôi cũng có một cám tưởng nghiêm trọng khác thường. Cách mạng phải có những cái này chứ, tôi vẫn cho là thế.
Ít lâu sau ngày cách mạng thành công. Xuân Thuỷ chủ nhiệm báo Cứu Quốc cho tôi một khẩu súng lục. Chắc là súng giả, vì trông nó gồ ghề màu bồ hóng không loang loáng như súng của Hương "đen”. Tôi giắt sau lưng áo, cũng không mở xem bao giờ. Thế mà tôi đã đeo khẩu súng ấy với cái máy ảnh Leica - mà tôi không biết chụp - làm phóng viên báo đi Nam tiến, vào tận mặt trận Nha Trang và Củng Sơn ở Nam Trung bộ.
Còn Hương "đen” thì như nghiện súng. Mỗi lần tôi lại được Hương “đen” khoe một khẩu brô-ning mới soi gương được còn bọc giấy bóng. Có lẽ rồi cái thú mê súng đã đưa Hương “đen, vào ngành an ninh. Suốt kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Hương "đen” ở chiến trường miền Nam. Khi chế độ Ngô Đình Diệm chết, Hương "đen” thoát được khỏi cái hầm đất nhà tù của bạo chúa Ngô Đình Cẩn ở Huế. Hương "đen” đã bị nhốt ngồi một mình dưới đất suốt năm năm trời. Tôi ôm Hương “đen”, sờ thấy cái lưng gù gù hết hiên ngang và hai cánh tay lòng không dài hơn trước. Cặp môi vẫn hơi dầy, nước da ngăm ngăm. Tiếng nói giọng mũi vẫn ấm và thân thương như ngày trước. Sau đấy, Hương “đen” lại vào chiến trường, lại làm nghề "cá" cho tới Sài Gòn giải phóng.
Thật sự tôi cũng cứ "ừ" thế, nhưng ngổn ngang những cái phải lo chưa biết lo thế nào. Đảo chính Nhật rồi, các hoạt động của Việt Minh còn táo tợn hơn trước, dẫu cho bộ máy cả sở Liêm phóng Bắc Kỳ, người Pháp đã phải "bàn giao" nguyên vẹn cho người Nhật, ông chủ mới của Đông Dương. Mỗi khi máy bay Mỹ và Anh của Đồng Minh đến ném bom giải thảm xuống Hà Nội, quân Pháp bị xích chân ở các pháo đài Xuân Canh, pháo đài Láng, pháo đào Cáo vẫn phải bắn cao xạ lên phối hợp với súng phòng không Nhật mà người thành phố phân biệt được khói trắng đạn Nhật, khói đen đạn Pháp. Nhiều mật thám sừng sỏ thời Tây đã bị Việt Minh tiêu diệt. Những Phơtô, Luýt thì chết ngay rồi. Đội Sinh bị giết ở cống Mọc. Cai Long, Ba Lự người Yên Thái thì Thôi Hữu, cán bộ phụ trách ngoại thành đã bắn chết ở dốc Tam Đa, ở lều tiệm hút nhà thổ mụ Tíu đầu làng Bái.
Nhà tôi ở trong giữa làng, không có vườn hay luỹ tre trổ ra đồng, nhưng nếu động, có thể chui rào sau nhà chạy sang làng Tân được.
Lo chính là cái ăn. Đã bao lâu, không còn thấy mặt hạt gạo. Người đói la liệt các xó xỉnh. Không phải đâu xa, mà ngay trong nhà tôi. Nguyễn Xuân Huy không lên ở chung với Nam Cao và tôi nữa. Có lẽ cũng không hẳn vì thiếu ăn, bấy giờ Nguyễn Xuân Huy đương dạy trường tư Nguyễn Vạn Tòng, nhưng từ hôm giữa trưa về, Nguyễn Xuân Huy rỉ tai tôi: "Vũ Quốc uy bị bắt", rồi đi thẳng. Tôi vẫn đoán Nguyễn Xuân Huy đã dính líu với những tổ chức bí mật khác, có thể là tờ-rốt-kít mà đôi khi tôi có được đọc tờ báo Tranh đấu in thạch của một nhóm làm nhà in Lê Văn Tân, cũng như Nguyễn Xuân Huy đã tha về cho chúng tôi cả một bộ ba quyển tự truyện Đời tôi của Trôtky.
Có hôm Nguyễn Xuân Huy chong đèn viết đến khuya, anh không viết truyện thơ mộng kiểu “Nắng đào, Hoa lưu động khẩu lưu trường...” và làm cho xong tập 13 bài thơ không bao giờ xuất bản, mà Nguyễn Xuân Huy vươn vai, da trắng bệch, râu tua tủa, vừa ngáp vừa vuốt nách kêu: lúc này không còn lòng dạ thơ mộng nào nữa. Nguyễn Xuân Huy viết sách lý luận. Chữ Nguyễn Xuân Huy chân phương nhà giáo, cả đến chi tiêu hàng ngày cũng ghi: tiền giặt là, tiền xe điện, tiền mỗi tháng đi nhà thổ một lần, viết đều nét như anh đương soạn tập lý luận văn học Sống và viết, nhà văn mộng mơ này cũng xông vào chính trị rồi.
Cũng như đã lâu không gặp lại Nguyễn Tế Mỹ, cái chàng tờ-rốt-kít bạn tôi này đã viết bài khen tiểu thuyết Quê người của tôi trên báo Tin mới.
Cái khó về cuộc họp cũng không phải có hay không có Nguyễn Xuân Huy khác xu hướng chính trị cùng ở mà trước nhất, vì tiền. Từ năm ngoái, khi tôi bị bắt, thì hầu như các chủ báo, xuất bản đều hững hờ và xa lánh. Tất nhiên vì chúng tôi có mùi Việt Minh mà vì sách báo thời buổi này đương ế quá. Nam Cao đã phải về quê rồi. Ở quê nhà, con bé Bình Yên mới sinh - tội nghiệp cháu sinh ra, được đặt tên là Bình Yên. Chắc là mẹ con đã rau sam, rau rệu nhiều quá mà "cháu đã phải nhà hàng bún bắt đi rồi”. Thôi thì về, ra thế nào thì ra, đến phải chết thì cùng chết mà thôi. Những nhân vật trong sáng tác của Nam Cao càng ngày càng không cất đầu nổi lên trên miếng ăn, chẳng qua cũng là cái bóng xót xa mà hàng ngày chúng tôi phải chịu giữa bao nhiêu con người đói khát vạ vật trên chợ
Bưởi, ngoài đầu làng kia.
Hôm mới rồi, Trần Độ hỏi tôi: “Có phải mình gặp Nam Cao cái hồi đói mà họp ở nhà cậu được ăn bánh chưng ấy phải không?”
Lúc thiếu đói, miếng ăn ngon no bụng bao giờ cũng nhớ lâu, nhưng không phải, Nam Cao đã về quê sống liều chết liều từ tháng trước rồi.
Cũng chỉ còn mình tôi ở nhà. Mấy tháng nay bà ngoại tôi đã lên ở Sơn Tây. Cái xe ba gác bán đinh vít, đinh đỉa, lưỡi thuổng Thừa Lệnh của chú dì tôi mỗi phiên chợ Gạch, chợ Nghệ cũng còn bới đất lật cỏ được ra miếng cơm cho mẹ già. U tôi quang gánh giấy phèn, có khi mấy ngày mới về, chân tay vàng ửng như chát hòe. Người nói có hôm sang Bắc Bỏi, qua tận chỗ Ao Cả, Vực Dê. Các làng bên ấy ai người ta mua thứ giấy hẩm lau bát ấy làm gì bây giờ. Hay là u tôi tránh mặt đi làm mướn, đi ăn mày ở xa, cho tôi không biết.
Chỉ còn có em không đi đâu được nữa. Em tôi ốm. Mấy tháng nay em thúng thắng ho, gầy rạc đi. Mấy cô trong xóm cùng lứa tuổi đi mua nhặt sách cũ nắng nôi vất vả quá Nam Cao đã đưa em tôi xuống Kẻ Chợ khám. Bác sĩ bảo thử đờm mới biết bệnh. Nhưng phải mất tiền, mà nhà thương thí ở Phủ Doãn không nhận người ốm ho hay lây. Chẳng biết làm thế nào.
Người ta bảo hồi cải cách ruộng đất, các làng đem đốt mất nhiều sách chữ nho ngày xưa. Tôi thì tôi trông thấy trong nạn đói năm ấy người ta huỷ hoại sách mới ghê. Ở các chợ, những quang sách chữ hán bìa màu cánh gián chất đống như gò cỏ khô, bán làm nòm, làm củi, lấy cái sưởi cho qua đêm rét khủng khiếp. U tôi và em với lũ con gái làng lứa tuổi ấy đi các xóm mua sách quảy lên chợ. Chẳng ai nhòm đến, có buổi tối người đói đem đốt sách để sưởi như cháy chợ.
Bây giờ lấy đâu ra cho cả chục người ăn hai ngày họp. Làng tôi tuy đói dài, nhưng hầu như cả làng đã vào Việt Minh. Thôi Hữu vượt ngục Hoả Lò ra, bí danh là Tấn, là Thường, thỉnh thoảng đưa tôi xem tờ Đuổi giặc nước cơ quan của Việt Minh Thanh Hoá.
Thôi Hữu vẫn có liên lạc với quê. Lê Hữu Kiều đã giới thiệu cho tôi quen Thôi Hữu khi các anh ấy làm báo Bạn đường. Sau khởi nghĩa, Thôi Hữu không làm cán bộ chính trị nữa, mà làm phóng viên báo Thủ đô rồi báo Vệ quốc quân, đến năm Thôi Hữu bị máy bay Pháp bắn chết ở Hợp Thành trên Thái Nguyên, bấy giờ đương làm báo Sự thật. Ở làng trong các chị em phụ nữ cứu quốc, cô Thu yêu Tấn lắm. Có hôm hai đứa đèo xe đạp hôn nhau, chốc lại loạng choạng đâm vào đường tàu điện. Cũng chính ở quãng Cổng Dong cạnh hồ Quần Ngựa năm trước Tấn đã bắn chết mật thám Cai Long. Tôi biết đêm đêm những gánh sách báo, giấy mực, thuốc súng từ trong thành quảy ra qua vùng này sang bên kia sòng Cái và ở cánh đồng Mả Mái sau làng tự vệ chiến đấu ra tập quân sự ngay từ chập tối.
Dù đói đến thế, nhưng phiên nào cũng có mít tinh ở chợ Canh, chợ Trôi. Cô Thu, áo nâu non đổi vai, vạt thắt quả găng, trễ một bên khẩu súng bro-ninh nữ, chít khăn mỏ quạ, mắt đeo kính râm. Cán bộ Việt Minh xuất hiện diễn thuyết giữa chợ hô hào phá kho thóc, đánh đuổi phát xít Nhật.
Nhưng tôi không dám bảo với Thôi Hữu rằng sắp có họp ở nhà tôi, giúp cho tôi ít nhiều. Tôi giữ nghiêm ngặt kỷ luật hoạt động bí mật. Giữa lúc ấy, Nguyễn Hữu Đang tới. Nguyễn Hữu Đang đến xem lại tôi đã sửa soạn thế nào. Pháp chết rồi, nhưng tay chân Nhật vẫn nhan nhản, mặc dầu cũng không khó bằng trước.
Có lần chúng tôi họp tới mười mấy người ở nhà Nguyễn Huy Tưởng giữa phố gần chợ Hôm. Lần đầu tiên tôi gặp Lưu Văn Lợi, Thép Mới, Nguyễn Công Mỹ... nhưng vẫn cứ phải cẩn thận.
Nguyễn Hữu Đang hỏi tôi:
- Công việc đến đâu?
- Nhà vắng không có ai, bờ rào đằng sau nhà, có gì thì chạy sang làng bên.
Nguyễn Hữu Đang xuống bờ cái chuôm cạn gật gù nhìn sang gò đất trống bên kia mấy bụi cây ráy.
- Cũng được.
- Nhưng chưa có tiền.
- Chưa có tiền?
- Thằng... thằng... có đưa mày đồng nào không?
Tôi nói tránh.
- Không sao, anh em ở địa phương đã cho ít gạo và cá khô, đủ rồi.
Nguyễn Hữu Đang làu bàu chửi mấy thằng trong thành phố nhà còn có máu mặt.
- Tiên sư những đồ khốn nạn, tao đã bảo chúng nó biết họp ở đây mà mày thì đào đâu ra tiền. Nhà chúng nó vẫn còn có ăn. Không cứu nhau lúc này thì lúc nào!
Làng tôi ở vào một thế hết sức oái oăm. Các làng bên kia, Yên Thái, Đông, Hồ thuộc thành phố, được phát “bông” mua gạo hàng tháng. Làng Nghĩa Đô ở ngay đường bên này, nhưng đã sang địa phận tỉnh Hà Đông, đói lăn ra cũng không đáng quan tâm. Tây cũng như Nhật không cần giữ thể diện như đối với Hà Nội.
Nhiều nhà từ thiện trong thành phố như cụ Ngô Tử Hạ đã đứng ra tổ chức cứu tế các tỉnh đói. Việt Minh chủ trương đẩy nhanh tiến tới Tổng khởi nghĩa, không kéo dài cái sống ngắc ngoải. Cũng là hai công tác xã hội, nhưng thái độ và chủ trương của Việt Minh đối với Tổng hội Cứu tế khác với phong trào Truyền bá Quốc ngữ. Nhớ lại chuyện hồi ấy bây giờ có người không biết hoặc lẫn lộn.
Nguyễn Hữu Đang cũng xem qua loa chiếu lệ. Tình thế bây giờ đã khác hồi mùa thu 1944, khi bọn mật thám Huýt đẩy Vũ Quốc Uy về nhà này nhận mặt tôi rồi xích đi. Nguyễn Hữu Đang cho tôi một tờ giấy năm đồng. Tờ giấy bạc vẽ con công - năm đồng bạc ngày ấy khi mà sáu đồng Bảo Đại ăn một chinh Khải Định thì năm đồng tiền Đông Dương giá trị còn to lắm. Thế là yên trí rồi. Nguyễn Hữu Đang vốn thẳng tính và tính việc nhanh, ở cơ sở nào cũng thân như người nhà. Còn nhớ như nhà ông Mai ở Hàng Điếu, nhà ông thợ điện ở hàng Quạt mà chúng tôi đã đi ăn cưới con trai ông ấy, như ruột thịt.
Năm mươi năm sau, mới đây, tôi được Phùng Quán và Phùng Cung mời đến dự ở nhà Phùng Quán cuộc mừng Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi mà vẫn độc thân. Nguyễn Hữu Đang chụp chung với tôi bức ảnh, mới đấy mà bây giờ đã lụ khụ cả, anh có đề một câu rằng “... tặng Tô Hoài để ghi nhớ buổi họp mặt mừng tôi “sống dai” 80 tuổi...! Hôm ấy, Nguyễn Hữu Đang trịnh trọng cầm giấy phát biểu hùng biện, rành rẽ, vẫn thế mạch lạc một, hai, ba, bốn hô hào thanh niên cầu tiến tha thiết. Tôi bồi hồi và buồn bã, bâng khuâng. Cô Phương Quỳnh ngồi bên đã nói một câu lạ lùng mà thật vậy, tôi bàng hoàng thấy ra sự thật mà tôi không bao giờ có thể nhận xét được như thế “Nhớ ngày nào liễu mới giâm. Le te bên vũng độ tầm ngang vai. Chợt đâu bóng lả cành dài. Đã sương, đã khói...!" (Nguyễn Huy Tự). Cô Phương Quỳnh bảo rằng cụ Đang nói hăng hái như cụ ngủ từ 1945, bây giờ vừa mới trở dậy. Quả như rằng, cụ mà mặc cái áo năm thân nhuộm cậy, vẫn cái mặt đói hốc hác năm ấy, thì đúng là ông phụ lão cứu quốc đi dự mít tinh chợ Canh... Thôi cũng là đời. Nghe nói mấy lâu nay cụ nghiền ngẫm Lão - Trang.
Rồi ngày họp đã tới. Các bạn lác đác về như tình cờ đến chơi. Như Phong, Trần Huyền Trân. Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng. Trần Quốc Hương đến từ sáng sớm. Chập tối, Trần Độ mới vào. Sau này mới biết nơi công tác đội của Trung ương ở ngay ngoài đê, chỉ qua cánh đồng Dàn, Cáo thì tới làng tôi, Trần Độ đã thuộc nhiều đường nên không muốn đi ban ngày. Trần Độ và Trần Quốc Hương là cán bộ trên đến truyền đạt công tác. Văn hoá Cứu quốc ở Hà Nội liên lạc trực tiếp với Trung ương theo cách thức hoạt động đơn tuyến - chỉ có một người biết. Tổng bí thư Trường Chinh phụ trách công tác hội Văn hoá Cứu quốc. Ngày ấy, nghe nói "thượng cấp" tưởng ở những đâu, rồi sau mới biết các anh Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ ở ngay những làng ven đê sông Cái cũng thường qua lại làng tôi. Chỉ thị của anh Trường Chinh được Trần Độ làm công tác đội đưa đi. Người đón nhận tài liệu, giữa đường là Hương "đen”, rồi từ Trần Quốc Hương đến Lê Quang Đạo, bí thư ban cán sự thành phố. Trong ban cán sự chỉ có một mình Lê Quang Đạo liên lạc với một tổ Văn hoá Cứu quốc, là tổ của Vũ Quốc Uy- Như Phong và tôi. Các tổ cứ độc lập phát triển, ba người một... Lần này họp thiếu Lê Quang Đạo. Cuối năm ngoái, Lê Quang Đạo bị bắt hụt ở nhà Vũ Quốc Uy số 125 phố Lốc-Cốc-No (phố Phó Đức Chính bây giờ).
Nghe nói Lê Quang Đạo không còn ở Hà Nội, đã lên chiến khu.
Nhà tôi là ngôi nhà hương hoả của ông bà ngoại - ông tôi đã mất, năm gian nhà ngói cổ, hoang vắng, tiều tuỵ, đã đổ nát nhiều. Cả tháng chẳng ai tới, cửa ngõ đóng, cỏ rêu lên tận thềm. Nhưng cũng cứ cẩn thận, chúng tôi chỉ ở trong buồng, chỗ phản nằm của Nam Cao và tôi. Chúng tôi cũng làm việc thông thường và cần thiết mỗi lần họp, dặn nhau các cách đối phó, nếu bị “chó” xộc vào thình lình. Mọi người quây quần hai ngày hai đêm đái ỉa xuống chỗ chuôm cạn dưới kia. Đã lâu mới gặp nhau đông thế, lại họp đấy, ăn ở đấy, trời lạnh, tối đắp chiếu, chăn Nam Định, lăn lóc co quắp ngủ ngay trên phản.
Vẫn những tài liệu ấy, những công việc ấy, lại bàn nhưng vẫn thấy mới. Cái mới thấy được chính là quang cảnh ở ngoài đường, trên chợ ùa vào. Người chết đói càng nhiều. Việt Minh tập quân sự, chuyển sách báo và thuốc súng. Có tối thuốc súng để ở nhà cô Thu bị bén lửa, cháy cả nhà. Lính Nhật trên đồn Bưởi xuống nghe ngóng nhưng cũng chỉ biết là cháy nhà. Cô Thu cũng phải nhờ ông Bảy Nền đấm mõm ông bá Kế mấy đồng bạc. Sau khởi nghĩa ông bá đến trả tiền lại cô Thu và xin lỗi. Chúng tôi ở trong cái nhà vắng mà cũng cảm thấy chuyển động, tưởng như nghe tiếng chân người bước rầm rập. Tôi lại nhớ ông ngoại tôi kể chuyện ngày trước các cụ đem nghĩa quân về cánh đồng ban đêm bắc loa gọi vào các làng: bớ ba quân thượng hạ... không trông thấy mà vẫn như trông thấy.
Đổi khác đến nơi rồi. Trần Độ và Hương "đen" kể tội ác phát xít Nhật và tin tức nhiều nơi trong nước đã lập các khu giải phóng. Dạo đó tôi đã viết bài "Đội nữ du kích Ba Bể" in báo Cứu quốc bí mật theo lời kể của Lê Quang Đạo.
Hai tài liệu của Trần Độ mang tới để nghiên cứu và thảo luận là: Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 của Trung ương đảng cộng sản Đông Dương và Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (in năm 1944). Đề cương chưa in, Trần Độ đọc bản chép tay. Đề cương này sau được đăng tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam số 1 ngày 10 tháng 11 năm 1945 tại Hà Nội.
Tôi đã có dịp kể: Đề cương văn hoá đã nghe đọc nhiều lần. Hồi ấy, “Chương trình Việt Minh, có bản lưu hành viết thành những câu năm chữ gọi là "Ngũ tự kinh" để dễ đọc và dễ nhớ. Đề cương văn hoá cũng được là "Ngũ tự kinh" của chúng tôi. Hình như mỗi người đã kín đáo chép lấy một bản và lần họp nào cũng đem ra đọc. Chúng tôi hiểu và đón nhận đây là một mệnh lệnh, mệnh lệnh chiến đấu của chiến sĩ văn hoá - người chiến sĩ chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, xung quanh đương sôi súc chuẩn bị khởi nghĩa. Lý tưởng, lẽ sống, mong ước và chờ đợi và sẵn sàng ấy đã được cảm và thấy như thật không phải chỉ có ở đề cương văn hoá Việt Nam 1943 mà từ lâu ở những tài liệu Nam kỳ khởi nghĩa, tập "Kinh nghiệm Bắc Sơn khởi nghĩa", những quyển Ba trẻ anh hùng ở Hạ Môn, Du kích Tôn Tử (chủ tịch Hồ Chí Minh biên soạn ở Việt Bắc, bí mật đưa về xuôi in lại) và các báo chí bí mật Cờ Giải phóng, Tạp chí Cộng sản (Đảng Cộng sản Đông Dương), Cứu Quốc (Tổng bộ Việt Minh), Hồn nước (Đoàn Thanh niên Cứu quốc), Kèn gọi lính (Hội Binh sĩ cứu quốc): những trang sách báo ấy ngày nào còn in đất, in thạch, in đá, bây giờ con chữ đàng hoàng (do tổ Công nhân Cứu quốc ở báo Tin mới gửi chữ ra).
Trông hình thức cũng hiểu được tình hình. Có lần tôi hỏi Lê Quang Đạo ngày khởi nghĩa thì Văn hoá Cứu quốc làm gì. Lê Quang Đạo nói: “Văn hoá Cứu quốc cũng như mọi đoàn thể, cầm võ khí chiến đấu”. Chúng tôi chuẩn bị dao găm, đèn pin, lắc lê để phá đường tàu, quyên quần áo rét ủng hộ chiến khu Bắc Sơn. Chúng tôi đương làm như thế. Sự thực tình hình, tình thế, thực trạng văn hoá và chiến đấu là như vậy.
Đến tổng khởi nghĩa thành công, sau 19-8-1945, một số hội viên Văn hoá Cứu quốc và trí thức, sinh viên cứu quốc đều được phân công vào các công tác văn hoá. Tôi còn nhớ: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng (Hội Văn hoá Cứu quốc), Nguyên Hồng, Tô Hoài (Báo Cứu quốc), Trần Lâm, Nguyễn Văn Thân, Trần Kim Xuyến (Đài phát thanh) Nguyễn Công Mỹ (Bình dân học vụ), Trần Huyền Trân (kiểm duyệt sân khấu), Như Phong (kiểm duyệt sách báo)...
Không phải cuộc họp ít ý kiến trao đổi, nhưng cũng chẳng bao lăm. Nhóm các tổ Văn hoá Cứu quốc là những tiểu tư sản trí thức không gây được ảnh hưởng và tác động rộng rãi, mà chỉ quan hệ qua lại và lôi kéo được trong những trạc như nhau, mà cũng không phải đơn giản. Có người thủ an, có người nhận là cảm tình nhưng không đi họp, không đóng nguyệt liễm ngại liên luỵ, có người rong chơi, không thích chính trị, sợ vào hội kín. Đinh Hùng kể rằng cậu ấy uống rượu rồi ngủ suốt ngày 19 mãi đến trưa 20 ở nhà trong Ngõ Bò trông ra ngã tư Trung Hiền thấy cờ đỏ sao vàng la liệt mới biết trời đất đã đổi khác. Đến kháng chiến, Đinh Hùng làm báo Cứu Quốc khu ba ít lâu.
Nhóm tuần báo Thanh nghị của Vũ Đình Hòe hay tạp chí Khoa học của Nguyễn Xiển chúng tôi không với tới. Vũ Văn Huyền, Thẩm Hoàng Tín đều có quen Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hữu Đang nhưng cũng chỉ thế thôi, không giác ngộ được. Đặng Thai Mai tán thành Việt Minh và đường lối Đảng cộng sản nhưng chỉ giao thiệp với một người đến liên lạc (Vũ Quốc Uy). Các vị tờ a, tờ b, báo Tri Tân của Nguyễn Văn Tố - mà Nguyễn Huy Tưởng viết truyện lịch sử Đêm hội Long Trì đăng báo ấy - thì không thành lực lượng, cũng như các tay phò tá giải thưởng Alêchxan đơ Rốt cũng đã tàn. Văn đoàn Tự lực lúc ra tập "Giai phẩm" không còn hấp dẫn như trước; vả chăng, nhiều người trong văn đoàn và một số trí thức đã đi vào hoạt động chính trị thân Nhật, ủng hộ Nhật. Người Nhật lúc đầu còn nhẹ nhàng dưới hình thức văn hoá và giao lưu. Một số hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Tỵ được mời thăm Nhật, hoạ sĩ Phuzita người Nhật sống ở Pháp về Hà Nội, nhà văn hoá Kôn-su giỏi quốc ngữ và chữ Hán khi đảo chính rồi làm kiểm duyệt, cho Nguyễn Giang ra nhật báo Bình Minh, mấy nhân sĩ Trần Trọng Kim, Vũ Đình Dy đã lục tục ở Chiêu Nam (Singapore) về. Thật ra, nhà xuất bản Hàn Thuyên chưa bao giờ thành nhóm, hội nhưng những khuynh hướng gần nhau năm trước bây giờ cũng không còn gắn bó rõ rệt. Nguyễn Tế Mỹ, Lương Đức Thiệp, khác Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Ngọc Khuê, cũng khác cả tay cơ hội Hồ Hữu Tường (về sau, người thì hoạt động chống đối, nhưng người thì đi kháng chiến). Đồ Phồn, Nguyễn Đình Lạp, thì hồ như xa lánh đã lâu, từ sau mấy cuốn tiểu thuyết "dã sử" nhà Hàn Thuyên in loại phổ thông, không ký tên Đồ Phồn. Mặc dầu vậy, tư tưởng con người ta cũng lạ, nếu đọc lời bạt ở tiểu thuyết Khao của Đồ Phồn in năm 1945 thì lại thấy hơi hướng "phá sạch sành sanh (table rase), khác nào những năm trước đấy, kiểm duyệt của Pháp và Nhật đã khéo léo như chỉ riêng để sách của nhà Hàn Thuyên được dùng những chữ "giai tầng", "đấu tranh giai cấp”, “thế giới hoà đồng”... Nhiều trí thức và sinh viên đã được các tổ chức khác nhau của đảng giác ngộ. Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập đã gia nhập Mặt trận Việt Minh. Bài hát Tiến quân ca của Văn Cao và bài hát Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi lần đầu tiên đã in trên báo Độc lập của Đảng Dân chủ Việt Nam phát hành bí mật. Đến khi cả hai vợ chồng Dương Đức Hiền được coi như thủ lĩnh sinh viên bấy giờ cũng đã thoát ly đi hoạt động, thanh thế của các đoàn thể cách mạng văn hoá và trí thức càng có tiếng vang lớn, không phải trực tiếp chỉ ở thành tựu của nhóm Văn hoá Cứu quốc.
Thời Pháp rồi Nhật, mọi hoạt động công khai đều bị săn chặn khắc nghiệt. Đỗ Xuân Dũng - em luật sư Đỗ Xuân Sảng - được Nguyễn Hữu Đang làm "quân sư quạt mo" mở nhà xuất bản Gió muôn phương, Nguyễn Hữu Đang làm cái quảng cáo tên các tác giả in chung trong một hình ngôi sao năm cánh ở trang bìa sau, Sở Liêm phóng Bắc Kỳ gọi từng người lên. Tôi bị hỏi và đe: “Ngôi sao hả? Sao cộng sản sao Việt Minh chứ gì! Muốn được ở yên thì bỏ cái trò bịt mắt mật thám đi nhé”.
Riêng hội Truyền bá Quốc ngữ thì Việt Minh vào được êm đẹp. Nguyễn Hữu Đang - trưởng ban dạy học của Hội, kể khi xin phép định đặt tên là hội Chống nạn mù chữ, nhưng sau thấy cái chữ "chống" và chữ "mù" ấy thì dẫu ông hội trưởng hiền hậu như Nguyễn Văn Tố cũng khó qua được mắt cú vọ mật thám. Rồi mới thành tên hội Truyền bá Quốc ngữ đúng nghĩa và vừa phải. Hội đã phát triển ở Hà Nội và lan dần ra các tỉnh.
Ở Hà Nội, hầu hết người hoạt động Truyền bá Quốc ngữ đều bí mật là hội viên các đoàn thể cứu quốc khác nhau của Việt Minh. Trong công việc tổ chức ngày mít tinh 2 tháng chín năm 1945 ở Quảng trường Ba Đình có phần góp sức lớn của lực lượng Truyền bá Quốc ngữ ở Hà Nội. Mấy năm ấy Nam Cao và tôi đều đi dạy học buổi tối ở trường đình Yên Thái và Nghĩa Đô miền Tây Hà của Hội. Rồi hầu như tất cả anh chị em hoạt động và giáo viên vùng này đều tham gia tổng khởi nghĩa.
Hai đêm ngày bàn bạc, bao nhiêu lo toan và hứng khởi tưởng như khởi nghĩa tới nơi, mà thật, cũng chỉ một lần họp sau ở Hà Đông, thì Văn hoá Cứu quốc đã có đại biểu, Nguyễn Hữu Đang. Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng đi dự hội nghị Tân Trào trên châu Sơn Dương. Càng găng, càng khẩn trương, hơn một năm nay cuộc họp nào cũng lại nghe đọc thông báo kích động thống thiết về cái chết của Hoàng Văn Thụ.
THÔNG CÁO HÃY RA SỨC TỔ CHỨC MỘT LỚP ĐẢNG VIÊN MỚI
Hỡi các đồng chí!
Hỡi các đảng bộ
Bọn phát xít Pháp vừa mới xử bắn đồng chí Hoàng Văn Thụ thân mến của chúng ta.
Cái chết của đồng chí Hoàng Văn Thụ chứng tỏ rằng: quân thù càng sắp tới ngày rẫy chết càng tàn nhẫn gấp bội.
Cái chết của đồng chí Hoàng Văn Thụ còn chứng tỏ rằng: quân thù rất sợ Đảng ta và tinh thần phấn đấu của các đồng chí chúng ta.
Cũng như các đồng chí trước kia đã hy sinh trong khi làm tròn nghĩa vụ, đồng chí Hoàng Vãn Thụ đã chết để bảo toàn cho Đảng, để nâng cao tinh thần anh dũng của dân tộc bị áp bức Đông Dương.
Bằng những hy sinh của các đồng chí đã khuất, nhất định chúng ta sẽ thắng!
Một đảng viên chết đi phải được muôn nghìn đảng viên mới nối chí.
Các đảng bộ phải tổ chức thêm một lớp đảng viên mới, gọi là lớp Hoàng Vãn Thụ.
Mỗi đồng chí trong thời hạn một tháng phải giới thiệu một đảng viên mới vào Đảng.
- Phản đối khủng bố trắng - Tinh thần Trung ương uỷ viên Hoàng Văn Thụ muôn năm.
- Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
Nhiều năm sau này, ở nhà anh Trường Chinh thường có những dịp gặp gỡ anh em Văn hoá Cứu quốc ngày trước. Vũ Quốc Uy chịu trách nhiệm tổ chức và nhắn anh em, anh Trường Chinh cẩn thận, kỹ lưỡng, bao giờ anh cũng xem tờ giấy ghi tên người dự, và thiếu ai, thừa ai, anh bảo ngay. Cái lần tôi đi Thất Khê viết tập truyện ký Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ cho Nhà xuất bản Thanh niên, anh dặn dò tỉ mỉ, anh bảo: nghe kể lại chuyện cũ phải tinh ý phân tích bởi mỗi người một tâm sự, một nguyện vọng của mình trong câu chuyện. Có người nói sự thật, có người khoe khoang báo công, có người nói dối, có người minh oan. Rồi tôi nghiệm thấy đúng như vậy. Bấy giờ cụ ông sinh anh Hoàng Văn Thụ đã mất, chỉ còn bà chị ruột của anh.
Anh Trường Chinh gửi quà biếu cẩn thận, anh kể anh đã đón ông cụ xuống ở nhà ít lâu. Ông cụ cứ đi chơi phố rồi vào chợ Đồng Xuân uống rượu say, ngồi xích lô về tận cửa, anh Trường Chinh nói: “Lộ bem (bí mật) quá, nhưng biết làm thế nào". Rồi anh cười to.
Anh Trường Chinh hay kể lại hồi ấy ở bí mật cùng anh Hoàng Văn Thụ, khi Xuân Đỉnh, khi Phú Thượng huyện Từ Liêm, anh Hoàng Văn Thụ dạy anh học bạch thoại. Biết đọc rồi, anh hay đọc sách báo tiến bộ Trung Quốc có nói về tân văn hoá, anh đã viết dự thảo Đề cương văn hoá Việt Nam hồi này, anh nhớ hình ảnh và hay nói đùa: "Mình là học sinh Hà Nội hẳn hoi mà mỗi khi ra đường phải đóng vai lý Đình Dù khăn xếp, áo the, ô khoác tay, chân đi giày ta. Hoàng Văn Thụ người miền núi mà giả trang đẹp trai lắm, mặc quần áo tây, đi xe đạp cách như thầy ký, như sinh viên. Đề cương văn hoá mà Trần Độ đưa đi phổ biến cho chúng tôi, anh Trường Chinh khởi thảo, anh Hoàng Văn Thụ tham gia ý kiến rồi anh chữa lại. Tình hình gấp gáp đến độ không kịp đưa đi cơ quan “ấn” (in), chỉ truyền miệng như các cậu biết đấy”. Năm trước, một lần Trần Độ chuẩn bị giúp anh Trường Chinh một số tài liệu về hoạt động Văn hoá Cứu quốc. Trần Độ hỏi, tôi nói còn nhớ được gì thì tôi đã viết cả trong tập Tự truyện. Chỉ nghĩ rằng cuộc cách mạng giành độc lập của đất nước ta không như ở một số nước khác mà những hoạt động văn hoá làm chấn động tinh thần con người trước đã.
Không, ở nước ta, trước nhất là cuộc sống và chiến đấu tư tưởng và cách nghĩ này cứ tự nhiên ảnh hương trong tôi suốt các thời kỳ kháng chiến mà tôi đã viết ý nghĩ ấy trong nhật ký, những khi chứng kiến tổ chức kết nạp Nam Cao và Nguyễn Tuân vào đảng.
Mấy hôm sau, anh em tôi được bữa no. Có gì đâu, còn lại vài lẻ gạo và một xâu cá mắm. Lâu lắm, em tôi mới được ngửi mùi thơm cá nướng. Chao ôi, mới đấy mà "đã sương đã khói" hơn năm mươi năm qua rồi.
Anh chỉ còn nhớ mả em ở cánh đồng làng chỗ gò Mũ Đồng Cân trông ra.